• DU LICH,  Dương Viết Điền

    DU LỊCH ANH VÀ PHÁP QUỐC.

    Chiếc phi cơ hãng hàng không United Airlines Boeing 747 cất cánh tại phi trường quốc tế San Francisco lúc 1:00 giờ ngày 19 tháng 10 năm 2007 và đã đáp xuống phi trường quốc tế Heathrow tại Luân đôn ở Anh quốc lúc 7:10 sáng ngày 20 tháng 09 năm 2007 sau 10 giờ bay.

    Vừa xuống phi trường, toán chúng tôi sáu người gồm anh chị Lê văn Chính, anh chị Bùi phước Ty, và vợ chồng tôi cùng một số người khác phải ngồi chờ ông trưởng đoàn hướng dẫn du lịch từ Los Angeles dẫn một toán khác sang theo lời dặn của nhân viên tại đại lý bán vé máy bay ở California.

    Hai giờ sau, ông trưởng đoàn hướng dẫn người Hoa dẫn một toán khác từ Los Angeles cũng vừa đến. Vì chúng tôi có mang dấu hiệu của hãng du lịch Tour Ritz màu đỏ ở trên túi áo của từng người, cũng như ông trưởng đoàn cầm cây cờ nhỏ trên tay có in hình của hãng Tour Ritz trên lá cờ nên chúng tôi nhận ra nhau rất nhanh. Đọc tài liệu của hãng du lịch, chúng tôi đã biết ông trưởng đoàn là người Hoa mang tên Leung Reddy chứ chưa được diện kiến. Bây giờ chúng tôi mới thấy ông khi ông tập họp chúng tôi để điểm danh. Ông ta trạc độ 58 tuổi, người thấp, nước da ngâm ngâm. Thế là hai toán chúng tôi lên xe buýt qua Terminal 4 để đón một toán khác nữa cũng vừa từ New York sang. Sau khi đã tập họp ba toán lại với tổng số 42 người, ông Leung Freddy trưởng đoàn hướng dẫn du lịch chỉ thị cho tài xế xe buýt lái xe hướng về lâu đài Windsor Castle tại Anh quốc để bắt đầu cuộc hành trình du lịch 4 nước ở Âu châu gồm Anh, Pháp, Thụy sĩ và Ý.

    Vừa đến gần lâu đài Windsor Castle thì trên trời bỗng xuất hiện một vài đám mây và mấy phút sau trời bắt đầu mưa nhè nhẹ. Chúng tôi liền lấy dù ra để che mưa. Ông trưởng đoàn du lịch sau khi gặp một bà đầm người Anh liền giới thiệu với chúng tôi và cho chúng tôi biết tên bà ta là Venesha. Sau đó ông ta dặn chúng tôi hãy đi theo bà đầm này để nghe bà ta

    Lâu đài Windsor Castle tại Luân đôn nhìn từ trên không (Hình trích từ Wikipedia)

    thuyết minh, giải thích, kể chuyện về lịch sử lâu đài chúng tôi sắp vào xem. Theo sự hướng dẫn của ông trưởng đoàn du lịch, chúng tôi liền đi theo bà Venesha này để nghe bà ta kể chuyện. Cứ mỗi lần bà ta nói xong, ông trưởng đoàn lại dịch sang tiếng Hoa cho những người không biết tiếng Anh. Cứ theo lời giải thích của bà Venesha thì chúng tôi biết tổng quát được rằng, Windsor Castle nằm trong quận Birkshire thuộc thành phố Luân đôn. Đây là lâu đài lớn nhất thế giới. Diện tích của lâu đài này khoảng 484,000 square feet.Trong thời chiến, đây là thành lũy kiên cố chống ngoại xâm và cũng là nơi ở của các vị vua chúa qua các triều đại quân chủ của hoàng gia Anh. Tại lâu đài này, nữ hoàng Elizabeth II thường hay về đây để nghỉ cuối tuần. Thế rồi chúng tôi được hướng dẫn đi khắp các phòng ốc trong lâu đài cổ kính này. Nào là nơi các vị hoàng đế tiếp tân, nào là nơi các vị hoàng đế hội họp, nào là nơi cất giấu những vũ khí trong thời chiến như cung, tên, gươm, giáo , kiếm, nào là nơi ăn chốn ở của các nữ hoàng vv… Sau khi xem qua giường ngủ của các vị vua và của các nữ hoàng, một du khách trong đoàn chúng tôi  hỏi bà Venesha rằng, tại sao giường ngủ của nữ hoàng lại rộng hơn giường ngủ của vua. Bà ta vừa tủm tỉm cười vừa trả lời rằng, sở dĩ giường của nữ hoàng rộng hơn giường của vua là để thỉnh thoảng vua qua thăm nữ hoàng và ở lại với nữ hoàng!

    Giường Nữ hoàng ( Hình trích từ Wikipedia )

    BàVenesha vừa trả lời xong thì du khách chúng tôi đều nhoẻn miệng cười. Có người lại cười to lên như có vẻ thích chí, nhiều du khách khác lại chỉ mĩm miệng cười mà thôi.

    Thế rồi bà Venesha lại hướng dẫn chúng tôi đến nơi khác trong cung điện để tiếp tục tham quan tất cả những di tích lịch sử trong lâu đài Windsor Castle nầy.

    Lâu đài Windsor Castle năm 1907( Hình trích từ Wikipedia)

    Nữ hoàng Victoria ( Hình trích từ Wikipedia)

    Sau hơn một tiếng đồng hồ đi tham quan trong lâu đài Windsor Castle, chúng tôi tất cả 42 người ra điểm hẹn tại ngã ba đường để gặp ông trưởng đoàn. Sau khi điểm danh đầy đủ, ông Leung Freddy cầm một bì thư đựng tiền do chúng tôi đã nộp sẵn trao tặng cho bà Venesha rồi chúng tôi vỗ tay để cám ơn và tán thưởng sự tận tâm và thiện chí của bà trong trong thời gian hướng dẫn chúng tôi vừa qua. Sau khi từ giả bà venesha ông trưởng đoàn hỏi anh em trong đoàn du lịch chúng tôi rằng, nếu du khách nào muốn đến thăm đại học Cambridge thì nộp mỗi người 30 Euro, và số du khách đến tham quan phải trên 20 người mới được chấp thuận. Khi nghe ông trưởng đoàn nói như vậy một số người liền đưa tay lên. Ông trưởng đoàn đếm đi đếm lại vẫn không đủ 20 người nên phải hũy bỏ chuyến đi tham quan đại học Cambridge. Sau đó chúng tôi theo ông trưởng đoàn lên xe đến khu phố người Hoa để ăn cơm chiều .

    Theo gót chân ông Freddy, chúng tôi vào tiệm ăn Gerrard’s corner Restaurant ở đường Gerrard Street Sw1. Vì ông trưởng đoàn du lịch là người Hoa nên ông ta có lẽ đã quen biết nhiều tiệm ăn của người Hoa. Vì vậy, ông luôn luôn dẫn chúng tôi vào ăn tại các phố nguời Hoa ở. Ngồi trên xe buýt xuyên qua những con đường dẫn đến tiệm ăn, chúng tôi thấy đường sá tại thành phố Luân đôn rất chật hẹp nhưng thật sạch sẽ. Hai bên đường hầu như không có chỗ đậu xe. Chỉ thấy người qua lại thật tấp nập trên lề đường như ngày hội mặc dầu hôm đó là ngày thứ hai chứ không phải là ngày thứ bảy. Mấy cô gái người Anh với mái tóc bồng bềnh sánh vai cùng các bạn trai đi dọc đại lộ giữa phố chiều thật nên thơ. Rất nhiều đàn ông mặc veston, thắt cà vạt đi dạo phố chiều làm cho khu phố tăng thêm vẽ quý phái giữa chốn phồn hoa đô hội. Cũng lắm trai thanh gái lịch ngồi uống cà phê trong các quán cà phê dọc hai bên đường trông thật thanh bình, vui vẻ. Một điều khác lạ đập vào mắt tôi khiến tôi nhớ lại lúc còn theo học ở bậc trung học, một vị giáo sư đã kể cho chúng tôi nghe về sự luân lưu của xe cộ trong thành phố ở Anh quốc: tất cả đều lái xe về phía bên trái. Thảo nào tài xế xe buýt chúng tôi đang lái trên lane bên trái khiến tất cả du khách trên xe đều cảm thấy là lạ. Sau khi dùng cơm chiều tại phố người Hoa xong, chúng tôi được lệnh lên xe buýt để về khách sạn Guoman nằm trên đại lộ St Katherine’s way, London E 1W1LD. Khách sạn này toạ lạc trên bờ sông Thames và đối diện với chiếc cầu nổi tiếng the Tower Bridge. Vừa đến khách sạn, chúng tôi ai nấy cũng đều mệt mỏi sau mười tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay ngủ gà ngủ gật, và mấy tiếng đồng hồ đi xem lâu đài Windsor  nên vội vàng lấy hành lý thật nhanh để vào khách sạn nghỉ ngơi.

    Sau khi phân phối chìa khoá phòng cho chúng tôi, ông Leung Freeddy dặn dò chúng tôi rằng, sáng mai chuông điện thọai sẽ báo thức đúng 6 :15 giờ, ăn điểm tâm tại khách sạn 7:00 giờ, tập họp để đi tham quam các danh lam thắng cảnh tại Anh lúc7:45 giờ . Vừa ổn định chỗ ngủ tại các phòng trong khách sạn, anh Lê văn Chính, anh Bùi Phước Ty và tôi rủ nhau ra quán Starbucks gần khách sạn để uống cà phê và nói chuyện phiếm. Lần đầu tiên trong đời ngồi uống cà phê trong một quán ở bên đường nơi quê người đất khách tại Anh quốc, tâm hồn tôi cảm thấy hân hoan, hay hay, là lạ. Khoảng 11 giờ khuya, chúng tôi trở lại khách sạn để nghỉ ngơi ngõ hầu sáng mai thức dậy cho đúng giờ.  Theo lời dặn dò của ông trưởng đoàn hướng dẫn du lịch, chúng tôi đều có mặt trước khách sạn Guoman đúng 7:45 giờ sáng. Vì địa điểm tham quan hôm nay gần khách sạn nên chúng tôi chỉ đi bộ vài phút rồi băng qua đường là đến. Đó là chiếc cầu the Tower Bridge of the River Thames và The Tower of London. Cũng như chiều hôm qua tại lâu đài Windsor, sáng nay ông Leung Freddy cũng giới thiệu với chúng tôi một bà đầm người Anh khác tên là Catherine làm hướng dẫn viên để đến thăm The Tour of London. Dĩ nhiên ông trưởng đoàn du lịch cũng đi theo bà ta để thông dịch ra tiếng Hoa cho những du khách người Hoa. Vì hãng du lịch này của người Hoa có cái tên là Ritz Tours nên du khách hầu hết là người Hoa. Trong số 42 người thuộc đoàn du lịch chúng tôi, chỉ có 8 gười là người Việt, số còn lại là người Hoa cả.

    Thế là chúng tôi đi theo ông Leung Reddy và bà Catherine để nghe họ trình bày, giải thích, kể chuyện về chiếc cầu the Tower Bridge và the Tower of London. Theo sự trình bày và giải thích của bà Catherine chúng tôi được biết rằng, năm nhà thầu khoán chuyên nghiệp điều động 432 công nhân xây cất trong tám năm trời mới hoàn thành chiếc cầu nầy vào năm 1894. Hai khối đá gồm những tảng đá lớn ghép lại được đặt nằm dưới lòng sông

    để giúp xây cất cầu. Trên11,000 tấn thép được xử dụng để làm khung cho cầu và đường đi bộ. Sau khi hoàn thành xong, mặc dầu hệ thống nâng cầu rất phức tạp, nhưng máy nâng có thể đưa cầu lên tối đa 80 độ chỉ trong một phút mà thôi.

    Chiếc cầu The Tower Bridge bắc qua dòng sông Thames. (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau khi đã tham quan the Tower Bridge, chúng tôi liền đi bộ băng qua đường để đến tham quan the Tower of London. Tại đây bà  Catherine cho chúng tôi biết tổng quát về di tích lịch sử này như sau : tháp Tower of London do William the Conqueror xây năm1078 . Đây vừa là chiến lũy chống ngoại xâm, vừa là nơi ở của Hoàng gia Anh vừa là ngục tù (đặc biệt dành cho những người tù cao cấp và những tù nhân thuộc Hoàng tộc). Đây cũng là nơi để hành quyết và tra tấn các tù  nhân và cũng vừa là xưởng đúc vũ khí, nhà ngân khố, sở thú, nơi đúc tiền, đài thiên văn . Từ năm 1303, đây cũng là nơi cất giữ châu báu ngọc ngà của Vương Quốc Liên Hiệp.

    The Tower of London (Hình trích từ Wikipedia)

    Một người lính đứng gác gần mấy khẩu thần công đặt trong the Tower of London. ( Hình trích từ Wikipedia)

    Tác giả chụp chung với hai nhân viên trong The Tower of London.

    Sau khi tham quan tháp the Tower of London xong, ông Leung Reddy cũng trao cho bà Catherine một bì thư đựng tiền trước mặt chúng tôi để cám ơn bà. Sau đó, ông Leung Reddy chỉ thị cho anh tài xế chở chúng tôi đi vòng quanh trong thành phố Luân đôn rồi dừng lại từng địa điểm  để xem như dinh Quốc hội, tháp Big Ben, quảng trường Trafalga, điện Burkingham, khu phố Westminster Abbey.

    Cứ mỗi lần dừng lại một địa điểm nào, ông trưởng đoàn liền giải thích cho chúng tôi nghe về nguồn gốc lịch sử của từng địa điểm đó.

    Khu phố Westminster Abbey( Hình trích từ Wikipedia)

    Những thắng cảnh tại thành phố Luân đôn

    Thành phố Luân Đôn, Ngự Lâm Quân trong ngày lễ sinh nhật thứ 80 của Nữ hoàng Elizabeth, Điện Burkingham (Hình trích từ Wikipedia)

    Toà nhà Quốc hội ( Hình trích từ Wikipedia)

    QUẢNGTRƯỜNG TRAFALGA

     

    Tháp Big Ben (Hình trích từ Wikipedia)

    Tại những nơi này, chúng tôi tha hồ chụp hình, quay phim để làm kỷ niệm trong chuyến du lịch tại Anh quốc. Sau khi tham quan những địa danh nói trên,ông trưởng đoàn nói anh tài xế xe buýt chở chúng tôi đến tiệm ăn Aroma ở China town để dùng cơm trưa. Và chiều hôm ấy, chúng tôi được tự do đi shopping tại China town rồi ai nấy tự túc mua vé xe buýt, xe tắc xi, xe điện ngầm để về lại khách sạn và bữa cơm chiều chúng tôi cũng sẽ tự túc đi tìm tiệm ăn mà  lo liệu lấy.

    Nhớ lại sau khi ăn cơm trưa xong, Ông Leung Freddy có mách cho chúng tôi một tiệm ăn của người Thái, đối diện với khách sạn chúng tôi đang trú ngụ nằm ở bên kia bờ sông Thames. Vì vậy sau khi đi shopping ở China town về, 6 người chúng tôi liền rủ nhau thả bộ qua cầu Tower Bridge để đi tìm tiệm ăn ở bên kia bờ sông Thames đối diện với khách sạn chúng tôi đang tạm trú. Sau vài phút đi bộ trên cầu hóng gió chiều và nhìn dòng sông Thames chảy qua cầu, chúng tôi đã tới bên kia cầu. Theo những bậc tầng cấp đi xuống đường, chúng tôi liền đến ngã tư gần cầu nhất rồi băng qua đường , đi ngược lại hướng hồi nãy để tới bên bờ sông. Đi dọc theo bờ sông đối diện với khách sạn bên kia bờ, chúng tôi thấy các tiệm ăn nằm san sát nhau. Tiệm nào tiệm nấy thực khách đều chật ních.

    Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ giá cả ở những tiệm nầy chắc phải đắt lắm. Vì vậy chúng tôi chỉ đi dạo dọc bờ sông Thames chứ không vào tiệm nào cả. Tuy nhiên vì trời cũng vừa tối và ai nấy cũng đều cảm thấy đói bụng cả rồi nên chúng tôi liền băng qua một đường hẻm để đi tìm tiệm ăn người Thái mà ông trưởng đoàn đã giới thiệu trưa nay. Khoảng năm phút sau chúng tôi đã thấy tiệm ăn của người Thái. Thế là sáu người chúng tôi vào ngay trong tiệm để dùng cơm tối. Khoảng một giờ sau chúng tôi rời tiệm ăn để trở về khách sạn. Trên đường trở về, chúng tôi cũng đi bộ băng qua cầu Tower Bridge như lúc ban chiều. Vì đã chín giờ tối nên trên cầu đèn điện rất sáng. Đi trên cầu nhìn xuống dòng sông, chúng tôi thấy mấy chiếc thuyền đậu sát bên bờ đằng kia phản chiếu ánh đèn điện xuống mặt nước sông Thames thật tuyệt đẹp.   

    Sau hai ngày du lịch tại nước Anh, theo chương trình đã vạch sẵn, sáng mai chúng tôi phải lên đường để qua nước Pháp.

    Vì đã được trưởng đoàn dặn dò chiều qua nên sáng nay chúng tôi thức dậy thật sớm để chuẩn bị lên đường. Thế là chúng tôi tất cả 42 người lên xe buýt để tiến về ga xe lửa làm thủ tục hải quan trước khi lên xe lửa vượt biển Manche qua đất Pháp. Đang say sưa nhìn cảnh vật dọc hai bên đường lần cuối, bỗng anh Bùi phước Ty nói nhỏ bên tai tôi:

    – Điền, farewell to London!

    Nghe anh bạn Bùi phước Ty nói như vậy lòng tôi bỗng chùng xuống đến ngậm ngùi! Thật thế, giờ phút chia ly đã điểm rồi! Chỉ vài giờ nữa là chúng tôi sẽ xa Luân đôn, xa Anh quốc ngàn năm. Biết bao giờ mới trở lại đây ? Thôi thì vĩnh biệt lâu đài Windsor, vĩnh biệt the Tower Bridge of the Thames River, vĩnh biệt the Tower of London, vĩnh biệt dòng sông Thames có dòng nước hiền hòa chảy ngang qua cầu tuyệt đẹp, khi mùa thu mới bắt đầu về qua biểu tượng mấy chiếc lá vàng vừa bay nhè nhẹ rồi rơi xuống giữa dòng sông. Bỗng tôi nhớ đến bài thơ When we two parted của thi sĩ Lord Byron Anh quốc nói về sự biệt ly khiến lòng mình thêm xúc động:

    When we two parted

    In silence and tears

    Half broken hearted

    To sever for years

    mà một thi sĩ nào đó đã dịch như sau:

    Giờ phút chia ly đã điểm rồi

    Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi

    Mang mang nửa cõi lòng tan tác

    Ly biệt xui chi tủi trọn đời.

    California, một chiều thu nhạt nắng .

               (tháng 10 năm 2007)

                  Dương viết Điền

    Sau khi mất hai giờ rưởi vượt biển Manche bằng xe lửa từ Waterloo để qua Pháp, như thường lệ, chúng tôi cũng làm thủ tục hải quan trước khi lên xe buýt đi xem các danh lam thắng cảnh của đất nước này. Tại ga xe lửa trên đất Pháp, chúng tôi lên xe buýt để tiến về sông Seine. Ông trưởng đoàn cho chúng tôi biết rằng trên đường đến bờ sông Seine, chúng tôi sẽ đi ngang qua trước điện Versaille nơi chúng tôi sẽ được ông ta hướng dẫn đến tham quan  ngày mai. Vì vậy ông nói với chúng tôi rằng khi xe buýt chạy ngang trước điện Versaille, ông ta sẽ nói “Đây là điện Versaille” và chúng tôi tất cả đều chào mừng bằng cách nói to lên một chữ “wow”. Hân hoan trước những lời ông trưởng đoàn đề nghị, tất cả chúng tôi đều bằng lòng ngay. Và khoảng một phút sau, khi xe vừa chạy ngang trước điện Versaille, ông trưởng đoàn du lịch cất tiếng nói thật to:

    -Đây là điện Versaille.

    Tất cả chúng tôi đều vui mừng, đồng thanh cũng cất tiếng nói thật to:

    -Wow !

    Theo chương trình đã vạch sẵn, ông trưởng đoàn du lịch hướng dẫn chúng tôi đến bờ sông Seine của nước Pháp ở thủ đô Paris để lên du thuyền chạy vài vòng trên dòng sông Seine ngõ hầu du khách có thể ngắm cảnh dọc hai bên bờ.

    Ước mơ nhìn dòng sông Seine mấy mươi năm trời bây giờ không ngờ đã thành sự thật.

    Du khách trên thuyền đang ngồi nhìn dòng sông Seine.

     

    Dòng sông Seine chảy qua thủ đô Paris ( Hình trích từ Wikipedia)

    Ngồi trên thuyền đang nhẹ nhàng lướt sóng, chúng tôi say sưa nhìn hai bên bờ không để mất một lâu đài, một biệt thự, không để sót một bến nước, một gốc cây. Đằng kia phía bên trái bờ sông Seine, những lâu đài thật nguy nga, những biệt thự thật tráng lệ đang đứng sừng sững dưới trời cao giữa thu đô Pari trông sao mà huy hoàng và lộng lẫy. Xa xa, tháp Eiffel vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt đang ngạo nghễ dưới trời cao giữa thủ đô nước Pháp như đang đợi chờ tất cả 42 người trong đoàn du lịch Tour Ritz đến tham quan ngày mai. Bỗng đâu, mấy chiếc lá vàng bay bay rồi rơi nhè nhẹ xuống dòng sông Seine khiến lòng tôi chợt nhớ mùa thu đang về giữa thủ đô Paris, để rồi văng vẵng bên tai tôi tiếng hát của ca sĩ Hoàng Dũng qua bài “ Mùa thu không trở lại” của nhạc sĩ Phạm trọng Cầu:

    Em ra đi mùa thu
    mùa thu không trở lại
    Em ra đi mùa thu
    sương mờ giăng âm u.

    Em ra đi mùa thu
    Mùa thu không còn nữa
    Đếm lá úa mùa thu
    Đo sầu ngập tim tôi.

    Ngày em đi
    Nghe chơi vơi não nề
    qua vườn Luxembourg
    Sương rơi che phố mờ
    Buồn này ai có mua?

    Từ chia ly
    Nghe rơi bao lá vàng
    Ngập giòng nước sông Seine
    Mưa rơi trên phím đàn
    Chừng nào cho tôi quên.

    Hôm em ra đi mùa thu
    Mùa thu không trở lại
    Lá úa khóc người đi
    Sương mờ dâng lên mi.

    Em ra đi mùa thu
    Mùa lá rơi ngập ngừng
    Đếm lá úa sầu lên
    Bao giờ cho tôi qu

    Bỗng sóng nước vỗ mạnh vào mạn thuyền khiến nước văng tung toé lên thuyền rồi tạt vào mặt tôi làm tôi trở về với thực tại. Chị Hồ thị Thu Hương, phu nhân của anh Lê văn Chính, đang cầm máy chụp hình đứng đối diện với tôi liền bảo tôi và bà xã tôi hãy đứng sát bên nhau một tí nữa, rồi nhìn về phía tháp Eiffel để chị ấy chụp cho một bức hình trên dòng sông Seine làm kỷ niệm. Sau đó, sáu anh em chúng tôi đứng sát bên nhau rồi nhờ một du khách trên thuyền chụp cho chúng tôi một tấm hình làm kỷ niệm luôn.

    Sau khoảng một giờ ngồi trên thuyền lướt sóng để ngắm nhìn hai bên bờ sông Seine, ông trưởng đoàn du lịch liền thúc dục chúng tôi bước xuống thuyền leo lên xe buýt lại, chuẩn bị đến trung tâm thương mại Lafayette ở China town của thủ đô Paris để đi mua sắm. Vừa đến trung tâm thương mại Lafayette, chúng tôi được ông trưởng đoàn du lịch Leung Freddy cho biết rằng, tất cả chúng tôi được tự do đi shopping trong hai giờ và đúng 6:oo giờ chiều phải có mặt tại nơi xe buýt đậu để đi ăn cơm tối. Tại đây chúng tôi đi qua đi lại nhìn áo quần bày bán trong các tủ kính mà chẳng ai mua sắm gì cả vì giá cả đắt quá. Anh Bùi phước Ty nói với tôi rằng tôi ít chú trọng đến ăn mặc nhưng anh ta cũng muốn cho tôi biết rằng, trước đây loại áo Montagu rất nỗi tiếng nhưng bây giờ không dám mua vì giá cả khá đắt. Thế rồi anh Ty dẫn tôi đến một cửa kính gần đấy và chỉ cho tôi một chiếc áo Montagu đang nằm trong tủ kính. Thấy tôi và anh Ty đang nhìn chiếc áo Montagu này, anh chàng đứng bán hàng tiến về phía chúng tôi.

    Khi anh ta đứng trước mặt tôi, tôi liền chỉ chiếc áo Montagu nằm trong tủ kính và hỏi:

    -Je voudrais cette chemise, c’est combien?( Cái áo này giá bao nhiêu vậy?)

    Anh ta trả lời:

    -Quatre-vingts francs (80 franc)

    Tôi nói ngay:

    -C’est trop cher!( Quá đắt )

    Nói xong tôi và anh Ty bỏ đi.

    Sau đó tôi và bà xã tôi lên thang máy để đi xem tổng quát cho biết trung tâm thương mại Lafayette ở Pháp trước khi ra chỗ hẹn tại nơi xe buýt đậu để cùng đoàn du lịch chuẩn bị đi ăn cơm tối. Sau khi ăn cơm tối xong, chúng tôi được ông Leung Freddy hướng dẫn đến một hý trường nỗi tiếng tại thủ đô Pari để xem một show thật ngoạn mục khoảng 3 tiếng đồng hồ, gọi là “ Moulin Rouge Cabaret Show”. Vì vé vào cửa cho mỗi người là 120 Euro tương đối đắt nên tôi nghĩ thầm rằng, không biết chương trình của show nầy có hấp dẫn không  đây. Vì vậy khi thấy ông trưởng đoàn đi ngang trước mặt, tôi có hỏi ông về nội dung chương trình như thế nào, ông bảo chờ xem rồi sẽ biết. Và đúng như ông trưởng đoàn nói “chờ xem rồi sẽ biết”. Sau khi xem xong, tôi thấy nội dung chương trình cũng khá hấp dẫn vì có những tiết mục là lạ như hai ca sĩ vừa đi vừa hát trên không trung lúc điện trong rạp đều tắt cả, một anh chàng vật lộn với con trăn dưới nước, hay là những vũ khúc sexy 50% vv… Lúc chương trình chưa bắt đầu, các nhạc công chơi nhạc cho các ca sĩ hát để du khách ai muốn nhảy thì lên sân nhảy rồi cứ tự nhiên như người Hà nội mà nhảy theo những điệu nhạc các ca sĩ đang hát giữa thủ đô Paris. Anh chị Bùi phước Ty cảm thấy ngồi không yên khi nghe nhạc trỗi lên trên sân khấu nên đã kéo nhau lên nhảy mấy bản bolero cũng đỡ ghiền. Khoảng 11 giờ khuya, chúng tôi ra khỏi rạp rồi lên xe buýt  về khách sạn Evergreen Laurel Hotel Paris ở tại số 8 Places Georges Pompidou 92300 Levallois để nghỉ ngơi.

    Cũng như thường lệ trước khi vào khách sạn nghỉ ngơi, ông trưởng đoàn thường báo cho chúng tôi biết giờ báo thức, giờ điểm tâm và giờ khởi hành đi xem các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử tại các nước chúng tôi đến du lịch. Tuy nhiên vì mới đến nơi đất lạ xứ người nên hơi khó ngủ, anh Lê văn Chính, anh Bùi phước Ty và tôi lại rũ nhau nhau xuống phòng trà ở tầng dưới của khách sạn để uống nước trà và nghe nhạc cổ điển Tây phương do một Pianist trình diễn đàn piano. Ngồi nghe nhạc và nói chuyện phiếm khoảng một giờ sau chúng tôi mới lên phòng ngủ.

    Đúng 7:45 giờ sáng, tất cả 42 du khách chúng tôi có mặt đầy đủ trước khách sạn Evergreen Laurel để lên xe buýt đến xem Điện Versailles, một trong những niềm kiêu hãnh của Pháp quốc và sự đố kỵ của nhiều chế độ quân chủ tại Âu châu. Tại đây, chúng tôi cũng được ông trưởng đoàn giới thiệu một bà đầm người Pháp nhưng nói được tiếng Anh để hướng dẫn chúng tôi đi xem những di tích lịch sử của dòng họ các nhà vua Louis XIV, XV, XVI trong Điện Versailles. Cũng giống như vào tham quan các lâu đài Windsor ở bên Anh quốc, tại đây, chúng tôi cũng được hướng dẫn đi xem tất cả những gì nằm trong Điện Versailles như phòng tiếp tân của vua, phòng hội họp, phòng ngủ, phòng triển lãm những vũ khí thời đại phong kiến của chế độ, nơi trưng bày những ngọc ngà châu báu vv…

    Điện Versailles (Hình trích từ Wikipedia)

    Khi vào phòng này, chúng tôi được bà đầm người Pháp cho biết rằng, rất nhiều vàng nằm khắp trong phòng, trên cửa sổ, trong tủ kính, nơi cửa chính ra vào, trên kệ sách vv…đều là vàng 24 cà rá cả. Khi nghe bà ta nói như vậy anh Lê văn Chính nói với tôi rằng, chắc chắn có vàng lấy từ các nước thuộc địa về trong đó có vàng lấy từ Việt nam qua. Tôi liền mỉm miệng cười như đồng tình với anh ấy. Thế rồi anh em trong đoàn chụp hình quay phim liên hồi. Ai thích hình gì thì chụp hình ấy. Chúng tôi vừa quay phim vừa chụp hình say sưa đến nỗi đoàn du lịch chúng tôi đã qua phòng khác mà không biết. Thế là chúng tôi phải vừa đi vừa chạy cho kịp đoàn du lịch. Sau khi gặp bà đầm người Pháp nghe bà ta trình bày và giải thích chúng tôi mới biết rằng, sở dĩ bà ta nói rất nhanh rồi đi ngay qua phòng khác vì cứ mỗi năm phút lại có một đoàn du lịch khác vào nữa. Nếu không đi ngay thì phòng sẽ chật ních người và nếu không trình bày nhanh sẽ trễ những nơi khác không xem được theo chương trình đã vạch sẵn.

    Sau khi tham quan Điện Versailles, chúng tôi lại lên xe buýt để sang xem Bảo tàng viện

    Louvre. Nơi đây, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn đến say mê mấy chục tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới cũng như xem tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử của triều đại Hoàng đế Napoleon vang bóng một thời.

    Bảo tàng viện Louvre (Hình trích từ Wikipedia)

    Điều vui vui cho tôi là khi nhìn bức tượng của Napoleon Đại đế trong Bảo tàng viện Louvre, tôi cứ cười thầm trong bụng mãi vì nhớ đến câu chuyện của một giáo sư dạy môn kinh tế học kể cho chúng tôi nghe cách đây 41 năm, khi thấy chúng tôi ngủ gà ngủ gật trong đại giảng đường. Vị giáo sư ấy kể rằng có một lần trước khi dẫn đoàn quân bách chiến bách thắng trở về, Napoleon Đại đế đã gởi thư về cho người tình là Josephine dặn nàng khoan tắm đã. Giáo sư ấy vừa kể xong thì tất cả sinh viên trong đại giảng đường tỉnh táo lại hết, không còn ai ngủ gà ngủ gật nữa.   Sau khi tham quan Điện Versailles và Bảo tàng viện Louvre, chúng tôi nghỉ ngơi để dùng cơm trưa tự túc, sau đó lại lên xe buýt vượt qua cầu bắc qua dòng sông Seine tiến về tháp Eiffel . Tại đây chúng tôi được ông trưởng đoàn nói sơ qua về nguồn gốc của tháp này theo đó tháp Eiffel do kỹ sư Alexandre Gustave Eiffel  thiết kế. Tháp được xây cất khoảng giữa năm 1887 và 1889, sau đó được khánh thành vào ngày 31 tháng 03 năm 1889. Trong lúc tạo dựng tháp này, khoảng 300 công nhân ráp nối 18,038 miếng sắt đã được tôi luyện, xử dụng hai triệu rưởi đinh tán. Tháp Eiffel cao 342 mét, nặng 7, 300 tấn.

    Tháp Eiffel và dòng sông Sein về đêm(Hình trích từ Wikipedia)

    Năm 2006, có 6 triệu du khách đến tham quan tháp này và kể từ lúc khánh thành tháp này cho đến ngày nay, đã có hơn hai trăm triệu du khách đến thăm.  Sau khi trình bày tổng quát những vấn đề liên quan đến tháp Eiffel, ông trưởng đoàn liền phát mỗi người một vé để lên tháp nhìn quang cảnh thành phố Paris giữa nắng chiều. Tiền mua vé này du khách chúng tôi đã nộp cho ông trưởng đoàn chiều hôm qua.Tất cả là 30 Euro cho mỗi người gồm vé ngồi trên thuyền để dạo trên dòng sông Seine và vé lên tháp Eiffel .Chúng tôi liền sắp hàng nối đuôi nhau vào thang máy để được đưa lên tháp Eiffel. Sau khoảng mười lăm phút , chúng tôi đã  lên được tầng thứ hai của tháp. Vừa bước khỏi thang máy để ra vị trí đứng nhìn xuống thành phố Paris, bà xã tôi bỗng buột miệng nói bên tai tôi :

    -Đẹp quá anh ơi! Nhìn xuống dưới kia kìa! Thành phố Paris sao mà đẹp quá! Dòng sông Seine càng đẹp hơn nữa anh à! Anh lấy máy ảnh ra mà chụp vài tấm hình đi anh.

    Mà thật thế, đứng ở tầng thứ hai của tháp Eiffel nhìn xuống, chúng tôi thấy toàn cảnh của thành phố Paris đẹp tuyệt trần! Xa xa, Điện Versailles, Bảo tàng viện Louvre, Điện Champs Elysees như nổi bật một góc trời. Đẹp nhất và nên thơ nhất là dòng sông Seine chảy qua thành phố Paris đang uốn khúc giữa nắng chiều. Bởi mùa thu đang về trên nước Pháp, vì trời thu đang ngự trị giữa thành phố Paris nên lá vàng từ trên một số cây dọc hai bên bờ sông Seine đang bay nhè nhẹ rồi từ từ rơi xuống dòng sông. Nhìn dòng sông Seine đang uốn khúc giữa nắng chiều thu, nhìn lá vàng bay là đà rồi rơi trên dòng nước biếc, lòng tôi bỗng xúc động đến ngậm ngùi rồi bâng khuâng nhớ đến những thi nhân của nước Pháp cứ mỗi độ thu về đã từng dệt nên những vần thơ thật lãng mạn, đa tình, thật nghẹn ngào, nuối tiếc! Một Guillaume Apollinaire với L’Adieu thật nức nở sầu thương, một Alphonse de Lamartine với Le Lac thật hoang vắng đơn côi, một Paul Verlaine với Chansons D’automne thật ê chề đau đớn, đầy ắp những kỷ niệm nghẹn ngào! Bất giác tôi ngâm bài thơ Chansons D’automne của Paul Verlaine khi thấy nắng chiều đang trải dài trên dòng sông Seine tuyệt đẹp:

    Les sanglots longs

    Des violons

    De l’automne

    Blessent mon coeur

    D’une langueur monotone

    Tout suffocant

    Et blême, quand

    Sonne l’heures

    Je me souviens

    Des jours anciens

    Et je pleure

    Et je m’en vais

    Au vent mauvais

    Qui m’emporte

    Decà delà

    Pareil à la

    Feuille morte

     « Tiếng đàn ai đó lê thê

    Vĩ  cầm réo rắt ê chề lòng đau

    Bơ vơ chuông đổ đồng hồ

    Lòng như héo hắt thu tàn năm xưa

    Bao kỷ niệm, theo gió đưa

    Cuốn theo lệ đổ chưa vừa xót xa

    Bao năm lữ thứ xa nhà

    Giang hồ phiêu bạt lá vàng tả tơi…”

    (Lãng Du)

    Dương viết Điền,

    California, một chiều thu nhạt nắng. (tháng 10 năm 2007)

                 

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    DU LỊCH THỤY SĨ

    …Đúng 8:00 giờ sáng, chúng tôi tất cả đều có mặt trước khách sạn Evergreen Laurel để lên xe buýt rời nước Pháp để tiếp tục cuộc hành trình du lịch sang Thuỵ sĩ. Sau khi trưởng đoàn du lịch điểm danh xong, xe buýt từ từ chuyển bánh. Vì phải mất 9 giờ mới đến Thuỵ sĩ nên anh tài xế biết chắc ngày hôm ấy không thể đi xem danh lam thắng cảnh nào kịp. Điều này khiến anh tài xế lái xe thong thả, không vội vàng như những lần trước. Vì vậy lúc xe buýt chạy chầm chậm ngang qua những con đường giữa thủ đô Paris, chúng tôi ngoái cổ nhìn Paris lần cuối. Paris ơi! Biết bao giờ trở lại chốn phồn hoa đô hội này để nhìn lại dòng sông Seine thơ mộng uốn khúc giữa nắng chiều? Paris ơi! Biết bao giờ trở lại đây để lên tháp Eiffel nhìn xuống thành phố Paris đẹp tuyệt trần khi mùa thu đang về trên đất Pháp? Thôi thì trăng tròn rồi lại khuyết, hoa nở để mà tàn, sum họp rồi ly tan. Xin vĩnh biệt dòng sông Seine, vĩnh biệt tháp Eiffel, vĩnh biệt Điện Versaille, vĩnh biệt Bảo tàng viện  Louvre, vĩnh biệt Paris ! Xúc động trước sự ly biệt nầy, bất giác tôi cất tiếng hát bài “Adieu, Paris” của nhạc sĩ Trần văn Lương:

    Adieu, Paris
    (Vĩnh biệt Paris)

    Ami, c’est à Paris,
    Cette ville éternelle,
    Qú une ironie mortelle
    Du sort nous a unis.

    Anh yêu, thành phố Paris
    Muôn đời là kinh kỳ
    Éo le truyện trần thế
    Se ta như phu thê.

    Notre amour, à Paris,
    A embrasé ma vie,
    Et ces jours, ralentis,
    De douceur l’ ont remplie.

    Paris, ta yêu nhau
    Tình em như lửa cháy
    Ngày chầm chậm qua mau
    Đầy dịu dàng nhiệm mầu.

    Le bonheur, à Paris,
    Est, hélas, si fragile.
    Quand j’ai quitté la ville,
    Nos voeux étaient finis.

    Paris, ta hạnh phúc
    Nhưng sao quá mong manh
    Khi em rời kinh thành
    Hẹn ước đã tàn nhanh .

    Tu trouves, à Paris,
    Ta nouvelle romance.
    En ce lointain pays,
    Je pleure ma malchance.

    Hóa ra Paris này
    Anh có tình yêu mới
    Phương trời xa vời vợi
    Em khóc đời chơi vơi

    J’ enverrai à Paris
    Mon âme déchirée,
    Et à toi les sourds cris
    D ‘ une amante oubliée.

    Paris, em gửi về
    Hồn em đau não nề
    Trao anh tiếng nấc nghẹn
    Của người tình bị quên .

    Il fait beau à Paris,
    Ensemble on se promène.
    Tu parles et tu ris,
    Connais-tu pas ma peine?

    Paris, trời nắng to
    Người đẹp đi bên anh
    Anh cười nói bên cạnh
    Em đau, biết chăng anh?

    Il fait froid à Paris,
    Tu embrasses ta belle,
    L’ ardent feu de jadis
    Bru^le à présent pour elle.

    Paris, trời trở lạnh
    Ôm người đẹp bên anh
    Lửa tình xưa, nay dành
    Cho người mới yêu anh

    Il fait chaud à Paris,
    Ton coeur est en délire.
    Chaque mot qú elle dit
    T’ apporte le sourire.

    Paris, trời đang nóng
    Tim anh như lửa bỏng
    Lời nàng nghe như mộng
    Anh cười dễ như không .

    Il fait gris à Paris,
    Tu lui lis le poème,
    Jadis pour moi écrit,
    Quand tu m’ as dit : “Je t’ aime!”

    Paris, trời ủ rũ
    Đọc cho nàng thơ cũ
    Ngày xưa viết tặng em
    Anh đã nói : “ yêu em!”


    Il pleut fort à Paris,
    Heureux, tu oublies l’ heure.
    Jamais tu ne saisis
    Que pour moi Paris pleure.

    Paris, trời mưa to
    Mải vui, quên thời giờ
    Có khi nào anh nhớ
    Vì em, Paris nức nở .

    Il fait nuit à Paris,
    Lentement l’ ombre efface,
    Sous son pas, toute trace
    De mon faux paradis.

    Paris đã vào đêm
    Bóng tối xóa chậm êm
    Bóng đêm, giờ còn lại
    Thiên đường ma của em !

    Il est tard à Paris,
    S’ endort la citadelle.
    Tu ne penses qú à elle,
    Et n’ entends point mes cris.

    Paris, đêm vào khuya
    Thành phố trong giấc nồng
    Anh đang say bóng hồng
    Có nghe em khóc không .

    Adieu, ami,
    Adieu, romance.
    Adieu, souffrance,
    Adieu, Paris.

    Xin vĩnh biệt anh yêu
    Xin vĩnh biệt cuộc tình
    Xin vĩnh biệt khổ đau
    Paris, Vĩnh biệt nhau !


    (Nguyễn Đàm Duy Trung chuyển ngữ)
    April 6, 2002

    Chiếc xe buýt đã lăn bánh ra khỏi thành phố Paris . Ông trưởng đoàn du lịch đã cho chúng tôi biết phải mất chín giờ mới đến thành phố Lucerne ở Thuỵ sĩ. Vì vậy khuyên chúng tôi hãy nhìn ra hai bên đường xem những phong cảnh thơ mộng hữu tình để giết thì giờ. Thế rồi ông trưởng đoàn Leung Reddy bắt đầu kể chuyện vui cho anh chị em du khách trong đoàn du lịch nghe. Hết chuyện này ông ta kể đến chuyện khác. Ông ta nói liên tu bất tận. Cứ mỗi lần nói tiếng Anh xong ông ta lại nói sang tiếng Hoa để cho một số người Hoa không biết tiếng Anh cũng có thể nghe được. Hết kể chuyện ông ta lại bắt đầu ca hát. Ông hát liên tục sáu, bảy bài mà không biết mệt. Ai đề nghị bài nào ông ta hát bài đó. Dĩ nhiên nhạc ông ta hát tất cả đều là nhạc bằng tiếng Hoa.

    Chúng tôi tất cả 42 người lúc đầu ai cũng lắng tai nghe để cho quên đường sá xa xôi, để cho quên nơi đến tham quan trên đất Thuỵ sĩ còn xa ngút ngàn. Dần dần một số người trong đoàn bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Một số người khác lại tham gia chương trình văn nghệ bỏ túi trên xe buýt với ông trưởng đoàn bằng cách lên cầm Micro hát một bài giúp vui.  Tôi và bà xã tôi khi thức khi ngủ. Nếu ngủ thì thôi còn thức thì cũng lắng tai nghe chương trình văn nghệ bỏ túi ấy. Vừa nghe chương trình văn nghệ vừa nhìn ra ngoài, tôi thấy cảnh vật dọc hai bên đường cũng thơ mộng lắm. Hằng trăm mẫu đất trồng nho nằm sát bên đường trông thật xinh xắn. Thỉnh thoảng cứ cách nhau vài trăm mét lại có một đàn bò trắng đang gặm cỏ dưới ánh nắng chiều trông thật đẹp mắt. Đặc biệt có nhiều đồi núi sao mà giống núi đồi ở Đà lạt quá. Nhất là những dãy núi đồi nằm phía bên phải con đường giống hệt như những núi đồi từ thác Liên khương về đến thành phố Đà lạt vậy. Không ngờ những nhận xét của tôi lại trùng hợp với nhận xét của anh Bùi phước Ty khi anh Ty ngồi ghế phía trước tôi ngoái cổ lại nói nhỏ với tôi:

    -Điền nhìn dãy núi đồi phía bên phải kìa, sao mà giống hệt như dãy đồi núi từ thác Liên khương về tới thành phố Đà lạt quá .

    Thế rồi cái gì đến đã đến. Chẳng mấy chốc xe buýt chúng tôi đã đến gần biên giới của Pháp và Thuỵ sĩ. Bỗng tài xế cho  xe dừng lại. Ông trưởng đoàn nói cho chúng tôi biết là chúng tôi có 20 phút để làm vệ sinh cá nhân. Thế là chúng tôi cùng nhau xuống xe buýt vào nhà hàng bên đường tìm nhà vệ sinh. Lúc này tôi vẫn còn đau bụng đi tháo dạ vì không biết đã ăn nhằm thực phẩm độc gì ở restaurant tại Anh hay tại Pháp nên tôi cố đi hơi nhanh để tìm nhà vệ sinh. Khi thấy nhà vệ sinh rồi, tôi liền mở cửa từng phòng để vào. Tất cả trong nhà vệ sinh này có 4 phòng để đi cầu. Tôi mở phòng nào cũng không được cả vì tất cả đều bị khoá hết. Nhìn vào phía dưới chẳng thấy ai trong nhà cầu cả. Chỉ thấy một phòng có người ở bên trong thôi. Thế là tôi đứng chờ trước phòng có người ngồi bên trong. Chờ một phút rồi mà anh chàng ở trong phòng chưa chịu ra trong lúc Tào Tháo rượt gần kịp tôi rồi! Bí quá tôi quay lưng lại xem có người nào làm việc trong nhà hàng này để hỏi xem tại sao ba nhà  cầu kia lại khoá lại. Bỗng có một bà bán trong nhà hàng này đi ngang qua, tôi liền đến hỏi bà ta bằng một câu tiếng Anh:

    -Mrs,why did you lock the door of the restroom like that?

    Nghe tôi hỏi như vậy bà ta chỉ mở to cặp mắt nhìn tôi như có vẻ không hiểu tôi nói gì cả.

    Thấy bà ta có vẻ như không hiểu câu hỏi của tôi tôi liền hỏi lại bằng tiếng Pháp:

    -Madame, pourquoi fermez vous la porte de la toilette ?

    Lại một lần nữa bà ta nhìn tôi rồi nheo mắt lại!

    Thấy thế tôi nghĩ bụng, Tào Tháo rượt tới nơi rồi mà bà ta vẫn không hiểu gì cả thì coi như  sắp bỏ mạng sa trường rồi! Bỗng một tia sáng loé lên trong đầu tôi, hay là ta hỏi bằng tiếng Tây ban nha xem sao. Nghĩ thế tôi liền hỏi ngay bà ta một lần nữa bằng tiếngTây ban nha:

    – Senora, por qué cerras Usted la puerta de tocador?

    Nghe tôi hỏi như vậy, bà ta liền trợn mắt nhìn tôi rồi đưa hai tay lên trời và bỏ đi khiến tôi kêu trời không thấu!

    Bỗng đâu ông trưởng đoàn Leung Reddy xuất hiện như là vị cứu tinh khẩn cấp của tôi. Tôi liền hỏi ông trưởng đoàn ngay, dĩ nhiên bằngtiếng Anh:

    -Tại sao họ lại đóng cửa cả ba phòng kia làm sao mà đi cầu đây ông Leung Freddy ?

    Ông trưởng đoàn vừa chỉ tay vào nhà cầu vừa trả lời:

    -Họ mới mở thêm một phòng nữa kia kìa anh vào đi.

    Vừa nghe ông trưởng đoàn nói như vậy tôi liền bay thật nhanh như hoả tiển liên lục địa vào phòng vừa mới mở. Vừa ngồi xuống chưa kịp đóng cửa, một dòng thác từ trong ruột già đổ xô ào ạt xuống nhà cầu làm cho tôi thất điên bát đảo! Đi du lịch mà gặp đại nạn như thế này thì đúng là kêu trời không thấu.

    Sau khi lên xe buýt an toạ, tôi nghĩ lại chuyện đi vào nhà vệ sinh vừa rồi khiến lòng tôi có một vài thắc mắc. Tại sao tôi nói cả ba thứ tiếng rồi mà bà ta vẫn không hiểu? Hay là vì tôi phát âm không rõ hoặc là nói tiếng bồi nên bà ta không nghe được? Hay bà ta là người Đức, người Ý mới không hiểu được ba thứ tiếng kia? Chỉ có trời biết!

    Tôi đang miên man suy nghĩ thì xe buýt bắt đầu chuyển bánh lên đường.

    Thường thì mỗi lần đến nước nào khi chuẩn bị để vượt qua biên giới lãnh thổ của hai nước, chúng tôi luôn luôn phải qua thủ tục hải quan. Nhưng có lẽ tại biên giới Thuỵ sĩ và Pháp, vấn đề thủ tục hải quan tương đối dễ dàng sao đó, và có lẽ ông trưởng đoàn đã báo cáo tổng số du khách trên xe trước rồi nên chỉ sau mấy phút anh tài xế trình bày với giới hữu trách tại biên giới Pháp vàThuỵ sĩ, xe chúng tôi liền được phép vưượt qua biên giới để tiến về thành phố Lucerne. Mất một ngày đi đường rồi nên khi trời vừa tối, xe buýt chúng tôi cũng vừa đến thành phố Lucerne của Thuỵ sĩ. Tại đây chúng tôi được ông trưởng đoàn sắp xếp phòng ốc ngay trong  khách sạn Astoria ở đường Pilatusstrasse 29,CH6002Lucerne Switzerland.Sau đó chúng tôi tự túc ăn cơm tối sau khi ông trưởng đoàn giới thiệu cho chúng tôi tiệm Mac Donal ở một góc đường gần khách sạn .

    Như vậy nếu tính ngày giờ đã đi qua, chúng tôi đã du lịch tại Anh quốc hai ngày (ngày 20 và 21), tại Pháp 2 ngày ( ngày 22 và 23). Và hôm nay là ngày 24 tháng 09 năm 2007, chúng tôi bắt đầu đến Thụy sĩ.

    Như thường lệ sau khi điểm tâm xong, chúng tôi tất cả 42 người đều tề tựu đông đủ trước khách sạn Astoria để lên xe buýt đi xem các danh lam thắng cảnh tại Thuỵ sĩ.

    Lúc này ngoài trời mưa đang bay nhè nhẹ nên chúng tôi đều mang dù và áo mưa theo.

    Sau khoảng nửa giờ vòng quanh trong thành phố, xe buýt bắt đầu dừng lại. Chúng tôi liền xuống xe đi theo ông Leung Reddy để ông ta hướng dẫn đến đài tưởng niệm The Lion Monument . Khi ông trưởng đoàn du lịch đang giải thích và đề cập đến di tích lịch sử của đài tưởng niệm nầy thì trời bắt đầu mưa hơi lớn. Chúng tôi liền lấy dù và áo mưa ra để mặc và che mưa. Vừa nghe ông ta giải thích, chúng tôi vừa quay phim vừa chụp hình. Nhìn đài tưởng niệm The Lion Monument, tôi thấy những nét điêu khắc trực tiếp trên đá thật tinh xảo và tuyệt vời.

    The Dying Lion Monument (Hình trích từ Wikipedia)

    Thảo nào nhà văn Mark Twain đã diễn tả bức tượng con sư tử đang hấp hối này là một mẫu đá buồn nhất và cảm động nhất trên thế giới. Sau đó ông trưởng đoàn cho chúng tôi tự do đi shopping và vào các tiệm xem đồng hồ Thuỵ sĩ . Nhân lúc tôi đang bị đau bụng tháo dạ uống thuốc Pepto Bismol chúng tôi mang theo sẵn vẫn không hiệu quả, sau khi uống thêm mấy viên thuốc nho nhỏ màu trắng chị Ánh Tuyết cho vẫn chưa cầm hẳn, tôi và bà xã tôi liền ghé vào một tiệm thuốc Tây trong thành phố hỏi mua lọai thuốc trị bệnh đi cầu tháo dạ tương đối mạnh hơn hai loại thuốc kia. Bà chủ tiệm thuốc Tây liền bán cho chúng tôi một vĩ thuốc có tên imodium và nói với chúng tôi rằng lọai thuốc này rất hay. Thật thế, sau khi uống hai viên vào, tôi không còn đi cầu nhiều lần nữa và từ từ ngưng hẳn. Khi đến Thuỵ sĩ, bà xã tôi cũng bị đi cầu tháo dạ liền uống thuốc Imodium vào nên cũng đỡ dần dần. Trưa ấy đang ngồi trên xe buýt, bỗng một chị người Hoa trong đoàn du lịch của chúng tôi đến xin thuốc vì chồng chị ấy cũng bị đi cầu tháo dạ. Bà xã tôi liền cho chị ấy vài viên Sau đó rất nhiều người cũng đến xin, vì chúng tôi cũng vừa hết bệnh nên còn mấy viên  cuối cùng bà xã tôi tặng hết cho họ luôn. Sau khi hỏi ra mới biết rằng khoảng hai phần ba du khách trong đoàn đều bị đi cầu tháo dạ cả! Họ cũng bị Tào Tháo rượt chạy như điên. Người thì bị rượt ban đêm, người thì bị rượt ban ngày. Kẻ thì  bị rượt lúc đang ngồi dùng cơm trưa, người thì bị rượt lúc đang đi shopping, người khác thì bị rượt lúc đang chụp hình, quay phim, nhưng tất cả những người bị Tào Tháo rượt đều câm lặng như hến! Chỉ biết lặng lẽ đi tìm nhà cầu để trút bỏ bầu tâm sự kỳ quái này mà thôi! Sau khi biết được chuyện nầy, ông trưởng đoàn du lịch nói với chúng tôi rằng, ông ta rất ngạc nhiên vì đã nhiều lần hướng dẫn những đoàn du lịch khác đi, ông ta chưa bao giờ gặp những trường hợp như thế nầy cả. Không biết vì “ lạ nước, lạ cái” ở quê người đất khách hay vì ăn nhằm những đồ ăn thiếu vệ sinh trong các tiệm ăn nên mới bị đi tiêu chảy gần hai phần ba đoàn du lịch như vậy.

    Trở lại vấn đề đi shopping ở trên, khoảng 30 phút sau chúng tôi lại theo gót chân ông trưởng đoàn du lịch đến xem thắng cảnh ở bên bờ hồ Lucerne Lake giữa thành phố Lucerne.

    Hồ Lucerne ở Thuỵ  sĩ (Hình trích từ Wikipedia)

    Nơi đây chúng tôi cũng đã đi qua chiếc cầu gỗ nỗi tiếng Kapell Bridge bắc qua hồ Lucerne thật đẹp và thơ mộng. Theo sự giải thích của ông trưởng đoàn du lịch, cầu nầy nằm gần nơi nối liền con sông với hồ Lucern. Chiếc cầu Kapell Bridge được xây cất vào năm 1335, chiều dài 200 mét. Tuy nhiên khi nhìn vào chiếc cầu người ta thấy có vẻ còn mới chứ không cũ lắm. Sở dĩ như vậy là vì năm 1993, một trận hoả hoạn đã thiêu rụi gần như toàn bộ cây cầu nầy và tất cả đều mới được sửa chữa và phục hồi lại.

    Vì vậy mà ngày hôm nay khi nhìn vào ai cũng thấy cây cầu có nhiều nét có vẽ tân kỳ.

    Cầu Kapell (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó ông trưởng toán hướng dẫn chúng tôi lên một chiếc du thuyền  để được lái đi vòng quanh bờ hồ Lucerne vừa nhìn phong cảnh hữu tình vừa ngồi ăn cơm trưa thật vui thú và hạnh phúc. Chiếc du thuyền này gọi là “ Lake Lucerne Happy Hour Cruise”.Vé để được ngồi trên du thuyền này là 30 Euro cho mỗi một người. Khoảng một giờ sau, chúng tôi từ giả du thuyền rồi lên xe buýt để về lại khách sạn.

    Sáng hôm sau, chúng tôi lại tập họp đầy đủ trước khách sạn để ông trưởng đoàn hướng dẫn lên đỉnh núi Mt.Titlis. Đây là ngọn núi cao nhất ở Thuỵ sĩ , độ cao 10,000 feet khoảng 3 cây số. Trong đoàn chúng tôi có một số du khách không tham dự vụ leo lên đỉnh núi nầy. Có lẽ có người không thích, có người không đem đủ tiền để mua vé vv…

    Giá vé cho mỗi người để được lên đỉnh Mt.Tilis là 50 Euro. Lúc ở nhà, tôi cứ tưởng leo lên đỉnh núi bằng cách đi lên tầng cấp. Vì vậy tôi mang theo một cái gậy và một cái belt để thắt lưng dự trù gặp trường hợp leo núi khó khăn tôi phải chống gậy và mang dây belt vào, vừa để khỏi té vừa đỡ đau lưng vì lưng tôi bị đau cột sống từ lâu. Nhưng khi đến nơi tôi mới biết rằng, chúng tôi lên tận đỉnh núi Mt.Titlis cao chót vót kia bằng cách ngồi vào trong những chiếc xe nho nhỏ do một hệ thống dây cáp (cable) vĩ đại kéo từ dưới mặt đất từ từ lên tận đỉnh núi. Mỗi xe ngồi chỉ 6 người, xe này cách xe kia khoảng vài chục mét. Sau khoảng 15 phút, chúng tôi đã đến đỉnh núi Mt.Titlis cao 10,000 feet. Tại đây, nhìn chung quanh tất cả bốn phương tám hướng, chúng tôi chỉ thấy toàn tuyết và tuyết trắng xóa mà thôi .Chẳng thấy mây trời cũng chẳng thấy cây cối và núi đồi đâu cả. Dĩ nhiên vì chung quanh chỉ thấy một màn tuyết trắng nên khí hậu cũng lành lạnh. Tuyết bay khắp nơi rồi phủ vào cả áo quần của du khách.

    Đỉnh núi tuyết Mt. Titlis (Hình trích từ Wikipedia)

    Thấy quang cảnh cũng hay hay và là lạ nên anh em lại rủ nhau quay phim và chụp hình. Mỗi toán lên xem khoảng vài chục người nên sau khoảng mười lăm phút, chúng tôi lại được lệnh xuống núi để cho toán khác lên xem. Thế là chúng tôi lại vào ngồi trong xe nho nhỏ như lúc mới lên và hệ thống dây cáp từ từ di chuyển đưa chúng tôi xuống lại mặt đất.

    Sau khi điểm danh đầy đủ, ông trưởng đoàn du lịch bảo lên xe buýt để về lại khách sạn chuẩn bị ăn cơm chiều. Sau đó như thường lệ, ông trưởng đoàn thông báo cho chúng tôi biết sáng mai sẽ rời khách sạn để sang nước Ý.

     (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu và Hạ Uy Di” xuất bản năm 2009)

     Dương viết Điền

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    Du Lịch Hạ Uy Di.

    …Sau khi tham quan tất cả các làng trong Trung Tâm Văn Hoá Polynesian, chúng tôi liền đến bờ hồ, nơi được chọn để tất cả các bộ tộc biểu diễn các vũ khúc của mình trên một chiếc phà hay chiếc đò, để xem các vũ khúc do các diễn viên của các làng hồi nãy trình diễn chung trong cùng một chương trình. Trên đoạn đường từ làng của bộ tộc TONGA đến bờ hồ, trời lúc đó đã về chiều, xa xa khói lam chiều từ mái nhà tranh sau lùm cây bay lên cao làm tôi bỗng nhớ nhà da diết. Bất giác, tôi hát bài Chiều, thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh do nhạc sĩ Dương thiệu Tước phổ nhạc:

    “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa trong ngày. Tiếng buồn vang trong mây. Tiếng buồn vang trong mây. Chim rừng thôi cất cánh. Xót xa tình ngây ngây. Có ai sầu vạn cổ.Chất trong hồn chiều nay.Chất trong hồn chiều nay. Tôi là người lữ khách. Trời chiều có làm khuây. Ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây.  Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói buồn vang trong mây.”

    Vừa hát xong bài Chiều thì chúng tôi cũng vừa đến bờ hồ.

    Nơi đây, tất cả các du khách đều ngồi ở những ghế đá có sẵn quanh bờ hồ nhìn ra giữa hồ để xem trình diễn. Một sân khấu lộ thiên ở cuối bờ hồ đã được dựng lên từ trước để các ca sĩ, các vũ công TRUNG TÂM đứng giới thiệu chương trình và các tiết mục trình diễn của từng bộ tộc.

    Các diễn viên của các bộ tộc gồm cả nam lẫn nữ mang áo quần đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,vừa hát vừa múa may quay cuồng trên một chiếc thuyền, hay phà theo những điệu vũ mang sắc thái văn hoá của bộ tộc mình, trông thật đẹp mắt, thật quyến rũ, thật thơ mộng. Đặc biệt các nam diễn viên hầu hết là những chàng trai vai u thịt bắp, nước da người nào người nấy rám nắng chứng tỏ ngày nào họ cũng phải trình diễn cho du khách thưởng ngoạn dưới ánh nắng mặt trời. Các nữ diễn viên múa thật điêu luyện, thật nhịp nhàng, uyển chuyển, chẳng khác gì vũ khúc của những tiên nữ ở trên Đào Hồng mà Lưu Nguyễn ngày xưa đã lạc bước vào thăm! Có bộ tộc thì vừa múa vừa hát những bản nhạc nghe thật nhẹ nhàng, êm dịu. Trái lại có những bộ tộc vừa hát vừa múa may quay cuồng vừa la hét thật ghê rợn như muốn ăn tươi nuốt sống người nào!

    Có một chiếc thuyền vì các diễn viên trình diễn vừa múa vừa nhảy quá mạnh khiến anh chàng chèo thuyền đứng thất thế nên rớt xuống nước ướt cả áo quần. Anh ta liền phải leo lên thuyền lại gấp rồi chèo cho chiếc thuyền đi nhanh để thuyền bộ tộc khác ra trình diễn.

    Sau đây là các hình ảnh của những thanh niên và thiếu nữ của các bộ tộc trình diễn trên hồ cho du khách xem:

    Màn trình diễn của bộ tộc này vừa chấm dứt thì một chiếc thuyền xuất hiện từ bờ hồ đằng xa từ từ tiến ra giữa hồ. Trên thuyền, một người đàn ông mang hia đội mũ, trang phục màu  vàng đỏ như những vị vua chúa ngày xưa, ngồi chểm chệ trên một chiếc ghế bành được đặt giữa thuyền. Bên cạnh là một người đàn bà bận áo quần muôn màu sặc sỡ: đó là Hoàng đế và Hoàng hậu của xứ HẠ UY DI một thời vang bóng. Hai bên có hai người lính cầm giáo đứng hầu.

    Chiếc thuyền này được người chèo thuyền chèo chầm chậm để du khách có thể quan sát, chiêm ngưỡng vua và hoàng hậu của xứ Hạ uy di, một xứ sở được mệnh danh là thiên đường hạ giới, một hải đảo mà văn sĩ Mark Twain gọi đây là miền đất thanh bình và hạnh phúc nằm giữa Thái bình dương với khí hậu quanh năm suốt tháng luôn luôn hiền hoà, dịu mát.

    Khi chiếc thuyền chở vị Vua và Hoàng hậu vừa biến mất cuối bờ hồ là xem như chấm dứt cuộc trình diễn ngày hôm nay của các bộ tộc, chúng tôi liền theo du khách vào Restaurant để chuẩn bị ăn cơm tối. Mặc dầu lúc bấy giờ đã 07 giờ chiều, nhưng vì mùa hè nên trời vẫn còn sáng. Sau khi làm thủ tục nộp vé vào cổng, cũng giống như buổi trưa lúc mới vào cổng để bắt đầu đi tham quan các làng, một thanh niên thân hình vạm vỡ và một thiếu nữ của một bộ tộc thay phiên nhau choàng cho chúng tôi mỗi người một vòng hoa tươi như mới hái từ trên cây xuống. Chúng tôi rất thích thú khi mang những vòng hoa này vì đây có lẽ là biểu tượng rõ nét nhất của cuộc du lịch trên xứ Hạ uy di nầy. Nhớ lại sáng nay khi được choàng những vòng hoa kết bằng những vỏ ốc nho nhỏ, chúng tôi cũng không được vui lắm và cũng hơi ngạc nhiên tại sao người ta lại không choàng cho mình vòng hoa mà lại choàng bằng vòng “võ ốc”. Sau khi suy nghĩ vài dây tôi nghiệm ra rằng trưa nay, có lẽ người ta chưa choàng cho mình những vòng hoa tươi, mà chỉ choàng bằng những vòng “võ ốc” vì trong thời gian đi từ làng này qua làng khác giữa trời nắng chang chang, những vòng hoa này sẽ bị héo đi chăng?

    Sau khi choàng những vòng hoa xong, họ cũng mời chúng tôi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm. Khi đứng chụp hình với chúng tôi, chàng thanh niên và nàng thiếu nữ nầy cũng để các ngón tay thành biểu tượng của hangloose (relax) như chàng thanh niên và nàng thiếu nữ sáng nay vậy.

    Sau khi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm, chúng tôi được nhận một tấm phiếu có đề số để vài giờ sau, nếu muốn lấy hình thì cầm phiếu ấy kèm thêm 15$ đến lấy hình về! Sau đó chúng tôi được mời vào phòng ăn để dùng cơm tối. Phòng ăn khá rộng rãi, có thể chứa khoảng 200 thực khách.

    Đối diện với phòng ăn là một sân khấu lộ thiên tương đối rộng được thiết lập đâu từ trước, nơi đây các diễn viên của các bộ tộc sẽ trình diễn văn nghệ giúp vui lúc du khách đang ngồi ăn cơm tối. Lần lượt từng bàn nọ đến bàn kia, chúng tôi tự động sắp hàng đi lấy dồ ăn kiểu self-service rồi đem về lại chỗ ngồi vừa ăn vừa xem văn nghệ. Tuy nhiên trước khi bắt đầu dùng cơm tối, một xướng ngôn viên đứng trên sân khấu thông báo cho toàn thể thực khách rằng, ai muốn đến xem lấy con heo quay dưới đất lên thì hãy tiến về phía trái của sân khấu. Con heo này được quay theo một tiến trình đặc biệt khác với heo quay như người ta vẫn làm ở nững nơi khác. Khi đến xem, tôi thấy người ta bắt đầu lấy lớp bao bố ở phía trên ra. Khi bao bố vừa

    được lấy ra, hơi nóng vẫn còn đang bốc lên. Sau lớp bao bố là một lớp lá chuối phủ lên trên. Hơi nóng cũng đang bốc lên từ lớp lá chuối này. Khi lấy hết lớp lá chuối, một chiếc rọ bằng sắt hiện ra trước mặt mọi người và dưới rọ là con heo đã được quay xong đang còn bốc hơi. Nước mỡ từ thân con heo quay chảy xuống đất toả mùi thơm phức khi người ta khiêng con heo lên để đem vào trong thái thịt cho thực khách dùng. Khi con heo vừa được nhấc lên, người ta thấy một lớp đá cuội nằm dưới cùng vẫn còn nóng và đang bốc hơi. Như vậy là lò lửa được thiết lập dưới đất bằng than, rồi được đun nóng thường xuyên trong một thời gian nào đó đủ để con heo vừa được quay chín vàng là có thể lấy ra ăn được. Sau khi xem lấy con heo quay ở lò quay ra, chúng tôi liền đi lấy thức ăn rồi vừa ngồi ăn vừa xem văn nghệ do các diễn viên của trung tâm văn hoá Polynesian trình diễn. Cũng giống như tại các làng chúng tôi ghé lại lúc buổi trưa và buổi chiều, tại đây chương trình văn nghệ gồm những vũ khúc và những bài ca cũng mang những  sắc thái của nền văn hoá từng bộ tộc. Các diễn viên nam nữ trình diễn rất nhuần nhuyễn. Nhìn những trang phục đủ màu sắc loè loẹt, nghe những lời ca khi thì nhẹ nhàng khi thì man rợ, khi thì chát chúa khi thì hãi hùng, du khách ngồi xem có thể đoán được nền văn hoá của từng bộ tộc như thế nào. Nếu đem so sánh những điệu vũ cũng như những giai điệu và tiết tấu trong các bản nhạc của nền văn hoá Polynesian này, tôi thấy nền văn hoá này không khác gì nền văn hoá của các dân tộc thiểu số ở nước ta bao nhiêu cả.

    Sau khoảng một giờ ngồi vừa dùng cơm tối vừa xem văn nghệ, chúng tôi lại chuẩn bị vào hội trường gần đấy để xem một màn trình diễn vĩ đại đầy đủ tất cả tiết mục mang hầu hết sắc thái văn hoá của các bộ tộc SAMOA, AOTEAROA, FIJI, HAWAII, MARQUESAS ISLANDS, TAHITI, TONGA. Sau khi nộp vé vào cửa, chúng tôi liền đi tìm số ghế để ngồi xem. Đứng trước chiếc ghế đã tìm ra số, tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng trong hội trường mới thấy hội trường này thật là rộng, có thể chứa khoảng 10 nghìn người.

    Vị trí ngồi của khán giả xuôi như mái nhà từ cao xuống thấp trông giống như chỗ ngồi ở ngoài sân vận động vậy. Mặc dầu lúc bấy giờ đã gần 08 giờ tối nhưng trời vẫn còn sáng nên  chúng tôi nhìn lên sân khấu vẫn còn thấy sân khấu rất rõ ràng. Nói là nhìn lên sân khấu, nhưng thực ra là nhìn xuống vì chúng tôi đang ngồi ở một vị trí trên cao của hội trường.

    Nhìn thật kỹ trái, phải, trước, sau của sân khấu, tôi thấy đây là một ngọn núi nho nhỏ được biến chế, thiết lập, xây cất với những cây cối um tùm, rậm rạp bao bọc xung quanh. Một thác nước từ trên cao chảy xuống thường xuyên trông rất đẹp mắt nằm ngay phía sau sân khấu. Sân khấu là một mặt bằng diện tích rất rộng, bên trái, bên phải, phía sau sân khấu có những lối đi bằng đường hầm để các diễn viên đi từ sân khấu ra hậu trường và từ hậu trường ra sân khấu. Đặc biệt ở phía bên trái, bên phải của sân khấu nhìn lên cao, tôi thấy có hai mặt bằng tạo thành hai sân khấu nho nhỏ nằm ở lưng chừng núi, bao quanh với những cây cối um tùm để các diễn viên xuất hiện đột xuất khi trình diễn những vũ khúc man rợ giữa núi rừng. Tóm lại, mặt bằng sân khấu như là một thung lũng nho nhỏ được vây quanh bởi ngọn núi có cây cối rậm rạp và thác nước chảy liên tục đêm ngày.  

    Sau khi tất cả du khách an tọa đầy đủ trên các dãy ghế trong hội trường thì trời cũng bắt đầu tối, đèn điện trên sân khấu được bật sáng. Một vị đại diện lên chào du khách và đọc chương trình văn nghệ giúp vui, hầu hết là những vũ khúc của tất cả các bộ tộc mà tôi đã đề cập ở trên. Sau đó các vũ khúc của các bộ tộc bắt đầu. Trang phục của các diễn viên đủ tất cả màu sắc loè loẹt, sặc sở trên trần gian này. Xanh có, đỏ có, tím có, vàng có, nâu có, vv…Nhiều vũ khúc chỉ có hai hoặc ba người, nhiều vũ khúc năm hoặc mười người, có vài vũ khúc lên đến ba bốn chục người, năm chục người, hay gần một trăm người.

    Nhiều vũ khúc chỉ có nữ diễn viên của các bộ tộc trình diễn, lắm vũ khúc chỉ có nam diễn viên mà thôi, nhưng cũng có nhiều vũ khúc gồm cả nam lẫn nữ trình diễn chung với nhau.

    Khi những vũ khúc chỉ gồm những nữ diễn viên trình diễn, dưới ánh điện mờ mờ ảo ảo thêm vào những ánh trăng ảo ảo mờ mờ từ trên trời rọi xuống, tôi thấy những đôi tay của các thiếu nữ múa qua múa lại thật mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thật nhịp nhàng đều đặn, miệng luôn luôn nở những nụ cười thật là xinh. Toàn cảnh trên sân khấu trông rất đẹp mắt, thật ngoạn mục giống như những tiên nữ giáng trần đang múa những khúc nghê thường dưới chốn dương gian giữa rừng khuya đêm vắng.

    Bỗng đâu nơi hai sân khấu nho nhỏ ở trên cao giữa mấy lùm cây về phía trái và phía phải của sân khấu lớn xuất hiện hai cô sơn nữ mang gùi, mắt ngẩng lên nhìn ánh trăng đêm, nhìn lá vàng rơi, miệng cất tiếng ca giống như tiếng ca của đoàn vũ nữ đang vừa hát vừa múa dưới sân khấu chính, tạo thành một cảnh thật linh động như trên nguyệt điện của chị Hằng nga. Thấy hai cô sơn nữ mang gùi vừa múa vừa hát, vừa nhìn trăng rồi nhìn lá vàng rơi làm tôi chợt nhớ đến bài Sơn nữ ca.

    Bất giác tôi cất tiếng hát:

    “Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm. Môt đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng.

    Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi!

    Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương.

    Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi!

    Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.

    Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần. Khi nhìn chim bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn, khi nhìn gió cuốn, lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ. Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.”

    Tôi vừa hát bài sơn nữ ca xong thì vũ kúc cũng vừa chấm dứt, đèn điện trên sân khấu bỗng vụt sáng. Thác nước sau sân khấu vẫn đổ xuống ào ào đều đều trông thật thơ mộng.

    Màn vũ tiếp theo tôi nghe giới thiệu không rõ thì bỗng đâu, mấy chàng thanh niên thuộc bộ tộc nào đó vừa nhảy ra sân khấu vừa cầm giáo, mác, đoản côn, trường côn, vừa nhảy vừa múa, vừa la, vừa hét, làm âm thanh dội cả một góc rừng thật đinh tai nhức óc. Mấy anh chàng nầy có rất nhiều hình xâm trên mặt, trên người, trên tay, sau lưng, đầu chít một vòng đầy những lông chim giống hình ảnh của dân da đỏ. Họ vừa đi, vừa chạy, vừa nhảy, vừa hét, vừa quay lui, quay tới, trông thật hãi hùng man rợ cứ tưởng như họ sắp ăn tươi nuốt sống người nào. Khoảng mười phút sau, mấy anh chàng này chia làm hai toán, mỗi toán đi vào mỗi đường hầm nằm hai bên sân khấu rồi mất dạng.

    Nói chung, tất cả các vũ khúc mang sắc thái văn hoá của mấy bộ tộc thuộc quần đảo Polynesia đều được trình diễn trong đêm cho tất cả du kách xem. Vũ khúc độc đáo nhất và nguy hiểm nhất là vũ khúc múa đuốc. Gần năm, sáu chục người ở trên sân khấu cầm đuốc được thắp sáng rực cả một góc trời. Họ vừa cầm đuốc vừa nhảy vừa múa, chàng nào cũng ở trần, chỉ mang một cái váy che thân, nếu sơ ý một tí là đụng lửa vào da sẽ bị phỏng ngay. Vậy mà chẳng có chàng nào bị phỏng cả. Tuy nhiên tôi nhớ hồi còn đang theo học ở bậc trung học, một giáo sư vật lý có giải thích cho tôi nghe về một chất hoá học dưới dạng chất lỏng. Nếu bôi chất lỏng này vào da hay bất kỳ chỗ nào trên cơ thể thì khi đụng lửa, da ở nơi đó vẫn không bị phỏng. Vì vậy trong các gánh xiệc, khi một người biểu diễn đưa một que vải tẩm dầu với lửa đỏ rực vào miệng, khi lấy que lửa ra, miệng anh ta vẫn không bị gì cả nhờ đã bôi trong miệng một lớp chất nước hoá học kia rồi. Vậy thì tôi nghĩ rằng, chắc các chàng diễn viên nầy đã bôi một lớp nước hoá học kia khắp cả cơ thể rồi nên mới múa may quay cuồng mà chẳng lo ngại gì chăng?

    Đó cũng là lý do tại sao khi tôi thấy một anh chàng diễn viên người hơi thấp, đầu chít một vòng dây gắn mấy sợi lông gà, tay cầm một ngọn đuốc sáng rực đứng múa may quay cuồng giữa cả một rừng đuốc trên sân khấu, quay ngọn đuốc vòng quanh cơ thể mình rất nhanh, rất mạnh, lắm lúc đụng chân, đụng tay mà chàng ta vẫn cười tươi như hoa nở!

    ….Đúng 6 giờ sáng, vừa nghe đồng hồ báo thức từ chiếc cell phone, chúng tôi liền vùng dậy ngay. Nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm ngoài xa , biết rằng sắp ra đi, biết rằng sắp giả từ, tôi và bà xã tôi tiến về phía cửa nhìn ra ngoài biển cả mênh mông bát ngát, nhìn xuống bãi biển sóng đang vỗ rì rào mà lòng buồn vời vợi vì “nghìn trùng xa cách, người sắp đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười!”. Bất giác tôi đọc mấy câu thơ của thi sĩ Lord Byron:

    When we two parted

    In silence and tears

    Half broken hearted

    To sever for years.

    mà một thi sĩ nào đó đã dịch là:

    “Giờ phút chia ly đã điểm rồi

    Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi

    Mang mang nửa cõi lòng tan tác

    Ly biệt xui chi tủi trọn đời.”

    Bỗng chuông điện thoại reo lên, tôi nhấc điện thoại lên nghe thì từ đầu dây, anh”TÀI xế” hỏi chúng tôi đã chuẩn bị hành trang xong xuôi chưa để xuống ăn điểm tâm mà lên đường. Sau đó chúng tôi liền xuống thang máy, ra nhà điểm tâm ăn qua loa vài món rồi lên lại phòng xách hành trang xuống văn phòng làm thủ tục trước khi rời khách sạn. Khoảng 5 phút đợi chờ, nhânviên khách sạn đã lái xe ra cho chúng tôi và chúng tôi bắt đầu lên xe nhắm hướng phi truờng HONOLULU trực chỉ. Vì sợ đến trễ sẽ vội vàng mệt nhọc nên chúng tôi quyết định đi thật sớm cho thoải mái .Theo chương trình, đúng 11 giờ máy bay sẽ cất cánh. Vì vậy chúng tôi quyết định đến phi trường trước khi bay 2 giờ để nếu vừa kẹt xe vừa làm thủ tục mất thì giờ cũng không thể nào bị trễ được. Vì đã thuộc đường đi nước bước nên anh“TÀI xế” lái một mạch đã đến phi trường. Sau khi làm thủtục trả xe rồi leo lên xe của hảng để vào phi trường làm thủ tục trước khi bay, chúng tôi đến trước giờ bay 1 giờ 30 phút nên cùng nhau ngồi chờ. Trước khi đi vào phòng đợi, chúng tôi phải đi ngang qua một phòng, tại đây có một ban nhạc đang trình diễn cho du khách xem trước khi du khách giả từ Hạ uy di. Khi đi ngang qua đây, tôi thấy một thiếu nữ có trang phục giống các cô đã trình diễn tại trung tâm văn hoá POLYNESIAN, cổ choàng một vòng hoa tim tím, vừa múa vừa hát theo tiếng đàn, tiếng trống của các nhạc công rất đẹp mắt và thật dễ thương.Sau những phút chờ đợi, chúng tôi được lệnh vào phòng để lên máy bay. Đúng 11 giờ, máy bay bắt đầu cất cánh rời phi trường HONOLULU để bay về California.

    Ngồi trên máy bay nhìn xuyên qua cửa kính, tôi thấy thành phố HONOLULU mỗi lúc một xa dần, xa dần, rồi quần đảo Hawaii cũng dần dần nhỏ lại, dần dần lu mờ. Thôi thế là hết! Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để nghe sóng vỗ rì rào suốt ngàyđêm trên bờ biển. Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để tắm nắng chiều trên bờ cát trắng dưới những bóng dừa loang loáng ánh nắng vàng. Xin tạm biệt Hawaii, xin tạm biệt các cô sơn nữ rất khả ái dễ thương như những nàng tiên giáng trần miệng luôn luôn nở những nụ cười tươi như hoa nở. Xin tạm biệt các chàng trai thân hình vạm vỡ, nước da ngâm ngâm của các bộ tộcSAMOA,AOTEAROA,FIJI,HAWAII,MARQUESA, TAHITI. Ngồi trong máy bay, tôi đưa tay vẫy chào Hạ uy di lần cuối mà lòng xao xuyến bâng khuâng, bất giác tôi cất tiếng hát bài Biệt ly của nhạc sĩ Doãn Mẫn:


    Biệt ly nhớ nhung từ đây
    Chiếc lá rơi theo heo may
    Người về có hay
    Biệt ly sóng trên giòng sông
    Ôi còi tàu như xé đôi lòng
    Và mây trôi nước trôi
    Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
    Mấy phút bên nhau rồi thôi
    Đến khi bóng em mờ khuất
    Người về u buồn khắp trời
    Người ra đi với ngàn nhớ thương
    Mấy phút bên em rồi thôi
    Dáng em sống trong hồn tôi
    Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
    Biệt ly ước bao đường tơ
    Réo rắt trong muôn hương mơ
    Thành sầu tiễn đưa
    Biệt ly ước mong hoàng hôn
    Êm đềm về ru ấm tâm hồn
    Người yêu đương cách xa
    Đành sống vui cùng gió sương.

    California, ngày 14 tháng 10 năm 2006.
    Dương viết Điền
    (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu châu và Hạ uy di” xuất bản năm 2009).

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

    DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

    Dương viết Điền

    Đúng 8:00 giờ sáng, xe buýt từ từ chuyển bánh  để qua nước Ý đến thành phố Milan .

    Milan là một trong những hành phố lớn nhất của nước Ý. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử nên ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào thành phố nầy để thưởng ngoạn.  Thành phố nầy cũng là trung tâm của thời trang về nhiều loại sản phẩm nỗi tiếng nhất thế giới như áo quần, giày dép, crystal pha lê vv…Vì vậy chúng tôi được ông trưởng đoàn cho lên tàu vượt dòng sông để đến bờ bên kia xem trung tâm chế tạo ly, tách và những sản phẩm được chế tạo bằng cát rồi biến chế để trở thành trong sáng như thuỷ tinh, pha lê.

    Sau đó để tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm nhà thờ nỗi tiếng Milan, người Ý gọi là Dumo Di Milano. Nhà thờ này được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới, sau đền thánh Saint Peter ở La mã. Tôi và bà xã tôi cũng đã vào xem nhà thờ này trong khi nhiều người khác thích đi shopping ở ngoài hơn vì biết rằng nhà thờ này còn đang tiếp tục được xây cất chưa hoàn thành. Khi đến gần một cột trụ xây bằng đá ở trong nhà thờ, tôi dang tay ôm cột trụ để ước luợng khoảng bao nhiêu người ôm mới xuể. Sau đó tôi thấy rằng phải đến bốn người mới ôm hết cột trụ này. Điều này chứng tỏ cột trụ bằng đá trong nhà thờ Milan to đến chừng nào.

    Thánh  đường Dumo Di Milano (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó chúng tôi đến xem bức tượng của nhà danh họa Ý đại lợi, Da Vinci, người Ý gọi là Leonardo Da Vinci, tác giả của hai bức danh họa Mona Lisa và The last Supper. Ông trưởng đoàn cho chúng tôi biết rằng, Leonardo Da Vinci không những là một danh hoạ mà còn là một nhà toán học, một kiến trúc sư, một điêu khắc gia, một nhạc sĩ, và cũng là một văn sĩ nữa.

    Nhà danh họa Leonardo Da Vinci (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó chúng tôi đến xem hý trường La scala nỗi tiếng của thành phố. Hý trường bị hoả hoạn vào tháng 02 năm 1776, sau đó được xây dựng lại và đã được khánh thành vào ngày 03 tháng 08 năm 1778. Đây là Opera House lớn nhất của thành phố Milan.

    Hý trường La Scala (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau khi đi xem một số di tích lịch sử trong thành phố, chúng tôi nghỉ ngơi để ăn cơm trưa. Chiều hôm đó chúng tôi được ông trưởng đoàn hướng dẫn đến ngôi nhà cũ của nàng Juliete trong chuyện tình Romeo và Juliete mà văn sĩ nỗi tiếng Anh quốc Shakespear đã viết lại trong tác phẩm của ông ta.

    Lúc bắt đầu bước vào ngõ hẻm dẫn vô nhà ở của nàng Juliete, tôi thấy một tấm bảng nho nhỏ vuông vắn gắn trên một cột bằng đồng nhỏ đề mấy chữ bằng tiếng Ý:

    CASA DI GIULIETTA (Ngôi nhà của Juliete ).

    Đi theo ngõ hẻm vào trong, chúng tôi thấy bức tượng bằng đồng của nàng Juliete đứng trước ngôi nhà nhìn ra ngoài đường.Nhiều du khách đang chụp hình bức tượng, kẻ khác lại đứng gần bức tượng rồi nhờ bạn bè chụp một tấm hình để làm kỷ niệm. Tôi và bà xã tôi cũng muốn chụp mỗi người một tấm hình để làm kỷ niệm. Tuy nhiên tôi phải đợi một du khách khác đang đứng sát bức tượng để nhờ bạn anh ta chụp xong tôi mới đến gần được. Nhưng ông du khách này lại đùa giởn thật kỳ quái làm mất thì giờ của những người khác đang chờ: ông ta cứ đưa tay vừa thoa vừa bóp cái vú bên phải của bức tượng, vừa cười một cách trơ trẻn. Sau khi bạn ông ta chụp xong, vợ chồng tôi mới thay phiên nhau tiến đến gần bức tượng để chụp hình làm kỷ niệm.

    Bức tượng Juliete

    Sau đó chúng tôi liền mua vé để vào trong ngôi nhà của nàng Juliete cách đây mấy trăm năm mà xem cho được tường tận khi nhớ lại chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliete sao mà buồn vời vợi. Một chuyện tình thật bi thương và cay đắng, một chuyện tình thật nghẹn ngào đầy nước mắt. Khi vào trong chúng tôi thấy một số đồ đạc của gia đình Juliete vẫn còn nguyên vẹn tuy có hơi cũ mà thôi. Chiếc giường của nàng còn đó. Trên giường có trải một tấm ra trắng .Cạnh chiếc giường là hai chiếc ghế bằng gỗ mà trên hai chiếc ghế này, đã nhiều lần Romeo trốn vào đây ngồi bên cạnh Juliete để tỏ bày tâm sự , để chàng và nàng cùng nhau nức nở lệ sầu. Vì cấm chụp hình lúc vào xem trong ngôi nhà này, nhưng vì một lần đi là một làn khó, biết bao giờ trở lại được nơi nầy nên nhanh như chớp, tôi đưa máy chụp hình cầm sẵn trên tay chụp liền hai hình để làm kỷ niệm: một hình chụp chiếc giường nàng Juliete nằm, một hình chụp hai chiếc ghế bằng gỗ nơi chàng Romeo và nàng Juliete ngồi tâm sự chuyện tình cách đây mấy trăm năm.

    Chiếc giường gỗ của Juliete nằm.

    Hai chiếc ghế đặt trong nhà Juliete.

    Sau đó tôi và bà xã tôi ra đứng tại cửa sổ, nơi nàng Juliete đêm đêm đứng trông ngóng chàng Romeo đến thăm nàng. Bỗng bà xã tôi hỏi:

    -Làm sao mà Romeo leo lên cửa sổ nầy được anh ?

    Nghe bà xã tôi hỏi như vậy tôi không biết trả lời làm sao cả. Bởi vì khi đứng trên cửa sổ tầng thứ nhất của ngôi nhà Juliete nhìn xuống, tôi thấy khó mà leo lên được cửa sổ nầy thật. Tuy nhiên có một bức tường chung của nhà hàng xóm bên cạnh với nhà của nàng Juliete  nằm phía bên phải cách cửa sổ của nhà nàng Juliete khoảng ba thước nên tôi nghĩ rằng, anh chàng Romeo có thể leo lên bức tường ấy rồi đu dây qua được cửa sổ nầy chăng?

    Bỗng thấy chị Thu Hương đang cầm máy chụp hình đứng dưới nhìn lên cửa sổ chúng tôi đang đứng, tôi cất tiếng nói vọng xuống:

    -Juliete đấy à, Juliete ơi ! Romeo đang đứng trên cửa sổ đây nè, chụp cho Romeo một tấm hình đi Juliete.

    Sau khi nghe tôi nói xong, chị Thu Hương nhìn lên, điều chỉnh camera ba mươi dây rồi bấm nút. Khi tia flash loé sáng, chị ấy cười đắc chí vì đã chụp được một Romeo « dỏm » đứng bên cạnh một Juliete cũng « dỏm » là bà xã tôi, tại cửa sổ thật của nhà nàng Juliete thật ở tại thành phố Verona (Milan) trên đất nước Ý.

    Sau khi từ giả nhà Juliete để ra ngoài, chúng tôi thấy trên mấy bức tường, hằng trăm câu viết, chữ ký của du khách viết để kỷ niệm nằm chằng chịt sát bên nhau. Thôi thì đủ loại mực, xanh, đỏ, tím, vàng vv…, và đủ các thứ ngôn ngữ trên cõi ta bà này.

    Vì chuyện tình Romeo và Juliete là một chuyện tình buồn vời vợi mà tất cả mọi người trên thế giới đều biết từ lâu nên khi đã đến thăm đất Ý đại lợi, du khách của tất cả các nước với hằng chục ngôn ngữ khác nhau, không thể không ghé lại ngôi nhà của Juliete được bởi đây là cơ hội ngàn năm một thưở. Đó là lý do tại sao ta thấy quá nhiều ngôn ngữ được viết trên mấy bức tường này vậy.

    Cửa sổ nhà Juliete (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau khi tham quan ngôi nhà của nàng Juliete, ông trưởng đoàn bảo anh em chúng tôi lên xe để đến thành phố Venice ăn cơm tối. Khoảng một giờ đồng hồ sau xe buýt đã đến khách sạn Sheraton Padova ở Corso Argentina 535129 Padova tại Ý.  Sau khi ăn uống xong chúng tôi lên phòng ngủ để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình của mấy ngày du lịch còn lại. Cũng giống như những lần khác, đúng 8:00 giờ sáng, sau khi ăn điểm tâm xong chúng tôi lại lên xe buýt để đi tham quan những danh lam thắng cảnh trong thành phố. Tại đây dưới sự hướng dẫn của ông trưởng đoàn, chúng tôi đến xem đại giáo đường thánh Mark, the Magical Piazza San

    Marco và chiếc cầu Bridge of Sighs.

    Thánh đường The Magical Piazza San Marco

    The Bridge of Sighs (Hình tích từ Wikipedia)

    Tên chiếc cầu nầy do thi sĩ Lord Byron đặt ra . Vì khi tội nhân nào vào nhà tù cũng đi ngang chiếc cầu nầy và khi đi qua cầu nầy, tội nhân hay than vắn thở dài nên nhà thơ Lord Byron đặt tên là cầu thở dài(Bridge of sighs). Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn đến  địa điểm bước xuống thuyền để đi vòng quanh trên lạch nước the Grand Canal thơ mộng nằm giữa thành phố Venice gọi là “Serenade Gondola Ride”. Du khách muốn được ngồi trên thuyền này phải mua vé, 35 Euro cho mỗi người. Nhóm chúng tôi vẫn 6 người như thường lệ ngồi trên một chiếc thuyền màu đen do một anh chàng người Ý khoẻ mạnh chèo thuyền đưa chúng tôi dạo quanh con lạch . Thuyền này cách thuyền kia khoảng mười thước. Thuyền nào ít người thì có ban nhạc ngồi chung. Họ vừa đàn vừa hát giúp vui cho du khách ngồi trên các thuyền thưởng thức. Dưới ánh nắng dịu hiền của mùa thu mới về trên đất Ý, chúng tôi ngồi trên thuyền nghe tiếng đàn, tiếng hát của mấy chàng ca sĩ người Ý ở chiếc thuyền trước mặt cũng khiến cho tâm hồn chúng tôi cảm thấy rộn ràng, hân hoan, cảm thấy hạnh phúc, vui tươi. Bất giác tôi cất tiếng hát bài Le Beau Danube Bleu của nhạc sĩ nổi tiếng Johann Strauss Jr mà nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang tiếng Việt là Dòng Sông Xanh :

    Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh

    Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp

    Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến

    Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ

    Quay về miền đời lúc mơ huyền

    Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu

    Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai.

    Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui

    Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi.

    Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi

    ……………………………………………..

    Lạch nước The Grand Canal (Hình trích từ Wikipedia)

    Ngồi trên thuyền dạo chơi trên lạch nước The Grand Canal tại thành phố Venice

    Vì cảnh mấy chiếc thuyền đen đang lướt nhẹt trên lạch nước chảy quanh thành phố Venice dưới ánh nắng thu thật tuyệt đẹp nên chúng tôi thay phiên nhau quay phim, chụp hình. Thuyền này chụp thyền kia, người kia chụp người nọ liên hồi.

    Khoảng nửa giờ sau anh chàng lái thuyền người Ý cho thuyền chúng tôi cập bến rồi gác mái chèo. Chúng tôi liền lên bờ và theo ông trưởng đoàn để đi ăn cơm trưa.

    Thế rồi chiều hôm ấy, chúng tôi đến tham quan tháp nghiêng Pisa rồi chụp hình làm kỷ niệm. Vì tháp hơi nghiêng và lên tầng cấp hơi khó khăn, cũng như phải mua vé mới lên xem được, vì vậy rất nhiều người trong đoàn du lịch chúng tôi không muốn lên xem. Riêng nhóm 6 người chúng tôi nhất quyết lên xem cho được mặc dầu tôi bị đau lưng và bà xã tôi mới bị té sáng qua nên lưng bị sưng lên làm hơi đau đớn. Trước khi leo lên tháp Pisa, ông trưởng đoàn cũng nói cho chúng tôi biết sơ tiểu sử về di tích của tháp này. Tháp The Leaning Tower of Pisa tiếng Ý là Torre pendente di Pisa hay là La Torre di Pisa. Tháp này là cấu trúc thứ ba trong quãng trường Piazza del Duomo và được xây đứng một mình bên cạnh nhà thờ thành phố Pisa ở Ý. Lúc xây thì tháp thẳng đứng, nhưng sau khi xây xong vào năm 1173, tháp bị lệch hướng và nghiêng về phía đông nam vì có một nền móng của tháp bị yếu vì thiếu chất nền. Tháp cao 55.86 mét, rộng 4.09 mét, đỉnh rộng 2.48 mét. Từ dưới lên trên có tất cả 294 tầng cấp. Độ nghiêng của tháp 5.5 và nặng

    14, 500 tấn. Tháp nầy được xây qua 3 giai đọan trong thời gian 177 năm. Sau khi xác định lại một lần nữa, các kiến trúc sư cho biết rằng tháp sẽ vẫn còn vững chắc ít nhất 300 năm nữa. Sau khi nghe ông trưởng đoàn trình bày xong, chúng tôi liền đến gần tháp để mua vé  rồi leo lên tháp tham quan.

    Tháp nghiêng Pisa (Hình trích từ Wikipedia)

    Vì phải mua vé để lên cho kịp giờ nên anh Lê văn Chính đi nhanh đến chỗ bán vé để mua trước cho anh em chúng tôi trong lúc tôi, bà xã tôi và chị Thu Hương phụ giúp chúng tôi đi gởi xách và túi đeo lưng của tôi  tại phòng gởi vì không được mang xách, túi đeo lưng lên tháp. Sau đó, tôi và bà xã tôi dìu tay nhau kẻ sau người trước vừa đi lên chầm chậm vừa nghỉ. Đến tầng thứ tư của tháp Pisa, vì quá đau lưng nên bà xã tôi không muốn đi lên nữa. Nhờ sự thuyết phục và động viên của tôi và nhờ tôi dìu bà xã tôi đi chầm chậm, cuối cùng chúng tôi đã lên được đỉnh của tháp Pisa. Lúc đứng trên tháp Pisa nhìn xuống, tôi nói với bà xã tôi rằng chúng mình đã chiến thắng nhờ cố gắng khắc phục được sự đau lưng nên mới lên tới đỉnh tháp Pisa. Thế rồi chúng tôi chụp vài bức hình làm kỷ niệm trước khi đi xuống.

    Hình chụp trên đỉnh tháp Pisa.

    Sau khi về khách sạn nằm nghĩ lại vụ leo lên tháp, tôi thấy tôi và bà xã tôi thật liều lĩnh và quá chịu đựng vì đã leo tất cả 294 tầng cấp (bậc thềm) đang trơn trợt vì có nước ở các tầng cấp trong khi lưng chúng tôi đau nhói lúc đang leo. Có lẽ một lần đi là một lần khó cũng như biết rằng chẳng bao giờ trở lại tháp Pisa nầy nữa nên phải  quyết chí mà thôi .

    Sau khi từ giả tháp nghiêng Pisa, chúng tôi được ông trưởng đoàn du lịch hướng dẫn về khách sạn Grand Hotel Guinigi ở tại Via Romana 1247, Lucca thuộc tỉnh Lucca nướcÝ để nghỉ ngơi và ăn cơm tối.

    Sáng hôm sau ông trưởng đoàn du lịch đưa chúng tôi đi tham quan một số di tích lịch sử trong thành phố Florence. Chúng tôi đã đến xem Cổng Thiên Đàng (the Door of Paradise) hay còn gọi là the Bronze Door of the Baptistery, quãng trường Signoria, trung tâm thương mại Duomo và di tích “ the 13 Santa Crose”. Sau khi tham quan những di tích lịch sử nầy chúng tôi đuợc hướng dẫn đi xem các cửa tiệm bán áo quần, giày dép vv…làm bằng da thuộc của thú vật chính hiệu con nai vàng. Đến chiều, ông trưởng đoàn du lịch dẫn chúng tôi đến thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới của Thiên chúa giáo, đó là thành phố La mã. Tại đây ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào tham quan toà thánh Vatican trước. Sau khi mua vé vào cửa xong, 36 Euro cho mỗi một người, chúng tôi đứng sắp hàng nối đuôi nhau để vào xem. Vì hằng trăm đoàn du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về đây để tham quan toà thánh La mã, nên chúng tôi tuy đã sắp hàng nối đuôi nhau rồi, nhưng vẫn di chuyển rất chậm chạp từng bước một và phải mất một giờ bốn mươi lăm phút mới vào được bên trong toà thánh La mã. Tại đây, chúng tôi được tham quan quãng trường và đại giáo đường Thánh St.Peter. Trong lúc nhìn kỹ lối kiến trúc và những bức tượng được đặt trong đền Thánh St.Peter, anh Lê văn Chính đi bên cạnh tôi ca ngợi liên tục. Anh nói:

    -Điền thấy không, nhìn lối kiến trúc của ngôi đền từ ngoài vào trong từ trong ra ngoài, cũng như những nét điêu khắc, chạm trổ thật điêu luyện và tinh vi của mỗi bức tượng, mình phải thán phục những nghệ nhân cách đây mấy thế kỷ. Nếu so sánh nghệ thuật thưở ấy và bây giờ mình phải nói nghệ thuật của người xưa quá tuyệt vời.

    Theo sự trình bày và giải thích của một cụ già ngườiÝ được ông trưởng đoàn du lịch giới thiệu cho chúng tôi, đại giáo đường Saint Peter tiếng Ý gọi là Basilica di San Pietro in Vaticano. Đây là một trong bốn đại giáo đường quan trọng nhất của La mã. Đại giáo đường này là biệt thự nỗi bật nhất bên trong thành phố Vatican và được xây dựng ngay trên nơi hoang tàn đổ nát của đại giáo đường cũ. Đại giáo đường này chiếm một diện tích 5.7 acres và có khả năng chứa trên 60,000 người.

    Thánh đường Peter (Hình trích từ Wikipedia)

    Tân ước không đề cập đến sự hiện diện của thánh Peter tại La mã, nhưng truyền thống của Thiên chúa giáo nghĩ rằng, ngôi mộ của thánh Peter được an táng ở phía dưới đền thờ của ngài. Vì lý do nầy, nhiều Giáo hoàng, bắt đầu với những vị đầu tiên, đã được an táng nơi đây. Đại giáo đường ngày hôm nay được xây trên chỗ hoang tàn đổ nát cũ bắt đầu ngày 18 tháng 04 năm 1506 và hoàn thành xong vào năm1626. Vào ngày 23 tháng 12 năm 1950, trong lần phát thanh trước lễ Giáng sinh trên toàn thế giới, đức Giáo Hoàng Pio 12 thông báo cho toàn thể thế giới biết rằng các nhà khảo cổ đã tìm ra ngôi mộ của Thánh Peter sau 10 năm tìm kiếm dưới hầm mộ của đại giáo đường.

    Còn quãng trường Thánh Peter ( Piazza di San Pietro) nằm ở phía đông của nhà thờ do Gianlorenzo Bernini kiến tạo giữa năm 1656 và 1667. Quãng trường này được bao quanh bởi một số dãy cột hình bầu dục với hai đôi cột, theo kiểu thật giản dị của Hy lạp thưở trước, tạo thành chiều rộng của quãng trường. Mỗi cột mang một cái mũ trên cột theo lối kiến trúc cũ. Những dãy cột này như như dang rộng vòng tay quanh quãng trường, như ôm ấp niềm tin trong cánh tay của người mẹ ở trong giáo đường.

    Quãng trường Thánh Peter(Hình trích từ Wikipedia)

    Sáng nay đáng lẽ chúng tôi vào thăm di tích cổ thành La mã trước, nhưng khi đến nơi, các đoàn du lịch khác nối đuôi nhau vào xem quá đông nên ông trưởng đoàn sau khi hướng dẫn chúng tôi đi thăm một vài di tích ở bên ngoài thành liền thay đổi chương trình, qua thăm toà thánh La mã trước. Trong khi điểm danh lại trên xe buýt, ông trưởng đoàn thấy mất tích hai người. Ông liền chỉ thị cho tài xế xe buýt phải chờ hai vợ chồng người Hoa kia trở lại rồi mới khởi hành. Trong lúc đó, ông trưởng đoàn cầm cây cờ hãng du lịch Tour Ritz chạy tới chạy lui trong mấy đám đông mất mười lăm phút toát mồ hôi hột vẫn không tìm thấy hai người kia đâu cả. Cuối cùng, ông trưởng đoàn quyết định cho tài xế lái xe buýt qua thăm toà thánh La mã nếu không sẽ bị trễ dây chuyền ở những nơi khác. Cũng may là ông trưởng đoàn đã cho tất cả du khách trong đoàn biết số cell phone của ông ta nên khi hai vợ chồng người Hoa kia bị lạc, họ đã gọi cell phone cho ông trưởng đoàn . Sau đó nghe đâu ông chồng người Hoa này bị Tào tháo rượt nên phải tìm nơi đi cầu. Vì vậy bà vợ phải chờ ông ta nên khi ông trưởng đoàn tập họp du khách lại để lên đường, hai vợ chồng người Hoa này không ra kịp nên bị lạc. Đi du lịch kiểu này vợ chồng luôn luôn phải sát cánh bên nhau mới khỏi bị lạc nhau. Thà lạc đoàn du lịch rồi nhờ cảnh sát tìm cách liên lạc lại sau chứ vợ lạc chồng hay chồng lạc vợ thì rắc rối cho cuộc tình! Cuối cùng hai vợ chồng người Hoa này đã gọi tắc xi về khách sạn. Không hiểu đồ ăn thức uống tại các tiệm ăn như thế nào mà hết nửa đoàn du lịch chúng tôi đều bị Tào tháo rượt! Vì vậy vấn đề đi tìm phòng vệ sinh lắm lúc làm trở ngại cho cả đoàn. Dĩ nhiên đây là những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn của mọi người.

    Trở lại vấn đề trên, sau khi tham quan toà thánh La mã xong, chúng tôi liền lên xe buýt để đến xem cổ thành La mã. Tại đây ông trưởng đoàn hướng dẫn đi thăm những di tích lịch sử còn lại tại thành phố La mã như the eternal Colosseum, the Roman Forum, Constatine’s Triumphal Arch, Spanish Steps, và Trevi Fountain.

    Cũng như những nơi khác, cứ mỗi lần đến thăm di tích nào ông trưởng đoàn cùng người hướng dẫn địa phương lại phải giải thích cũng như thuyết minh về nguồn gốc của từng thắng cảnh một. Chúng tôi khi thì lắng tai nghe khi thì đành bỏ nghe để  chụp hình, quay phim những nơi chúng tôi đến tham quan vì mỗi lần đi là một lần khó nên phải nhanh tay chụp hình để làm kỷ niệm, nếu không lúc ông trưởng đoàn dẫn đến những thắng cảnh khác thì không sao chụp lại hình nơi mình đã đến được. Vì vậy nhiều lúc các du khách say sưa chụp hình nầy, chụp hình nọ nên đã bị đi lạc đoàn du lịch mấy lần khiến ông trưởng đoàn kêu trời không thấu!

    The Roman Forum. ( Hình trích từ Wikipedia)

    The Arch of Constatine. (Hình trích từ Wikipedia)


    Cổ thành La mã (Hình trích từ Wikipedia)

    The Spanish Steps. (Hình trích từ Wikipedia)

    The Trevi Fountain. (Hình trích từ Wikipedia)

    Cũng như những nơi khác, chúng tôi thay phiên nhau chụp hình, quay phim cổ thành La mã để làm kỷ niệm. Thế rồi chiều hôm ấy, sau mười mấy ngày đi du lịch qua 4 nước Anh, Pháp, Thuỵ sĩ, Ý, sau khi tham quan những nơi đã vạch sẵn trong chương trình du lịch, chúng tôi còn khoảng một đến hai giờ đồng hồ nữa là chấm dứt cuộc du lịch 4 nước Âu châu. Chỉ còn một hai giờ phù du còn lại, chúng tôi được ông trưởng đoàn cho đi shopping để mua sắm quà kỷ niệm tặng bạn bè và nhìn thành phố La mã lần cuối trước khi đi ăn cơm tối, rồi về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên máy bay trở lại quê nhà.

    Cuối cùng ông trưởng đoàn tập họp điểm danh chúng tôi trước khi hướng dẫn chúng tôi về khách sạn Holiday Inn Rome Eur Parco dei Medici ở tại Viale Castello della Magliana 65, 00148 thành phố Rome tại Ý.

    Tại đây, ông trưởng đoàn dẫn chúng tôi vào một tiệm ăn người Ý để dùng cơm tối. Vì đây là bữa cơm chung vui cuối cùng của tất cả du khách trong đoàn nên mỗi người đóng góp 45 Euro cho ông trưởng đoàn để ông ta đặt trước tại nhà hàng. Vì là một bữa tiệc ly biệt nên tối hôm ấy ông trưởng đoàn du lịch đã cùng anh em trong đoàn chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác say sưa bên nhau rất là vui vẻ. Vui nhất là các anh bồi bàn ngườiÝ. Họ luôn luôn diện veston, thắt cà vạt lúc bưng đồ ăn ra cho thực khách. Không biết đây có phải truyền thống đùa vui trong tiệm ăn của người Ý hay không mà mấy anh chàng bồi bàn này mỗi lần bưng một món ăn cho một phụ nữ, họ thường cầm theo một cánh hoa hồng để tặng cho người phụ nữ đó. Trước khi tặng cho người phụ nữ nào, các anh chàng này làm một dấu hiệu để xin các nàng một nụ hôn. Nhiều nàng chiều ý chàng để cho chàng hôn lên má, nhiều nàng lại không muốn chiều chàng vì có chồng bên cạnh nên chỉ biết cười rồi ngoảnh mặt đi. Tuy nhiên có một chàng bồi bàn lại liều lĩnh khi xin nàng một nụ hôn và vì thấy nàng cười có vẻ như ưng ý, chàng ta liền lấy một khăn trắng để sẵn trên bàn rồi thả nhẹ để phủ  trên đầu và mắt người chồng ngồi bên cạnh nàng. Nhanh như chớp, anh chàng bồi bàn kia vừa hôn nhẹ lên má nàng vừa trao cánh hoa hồng cho nàng. Vì động tác của chàng bồi bàn quá nhanh nên nàng trở tay không kịp. Cuối cùng nàng chỉ biết ngồi cười hì hì trong lúc chồng nàng cũng vừa lấy chiếc khăn trắng ra khỏi đầu. Tất cả thực khách thấy thế đều cười to lên khiến người chồng của nàng kia cũng ngạc nhiên không biết tại sao mọi người lại cười như thế. Tiếp theo trò tặng hoa hồng của mấy anh chàng bồi bàn là những bài hát nhạc dạo của hai chàng ca sĩ ngườiÝ. Lúc chúng tôi đang ngồi chờ những thức ăn khác, có hai thanh niên người Ý bước vào. Anh chàng lớn tuổi hơn thì cầm kèn clarinet, anh chàng nhỏ tuổi hơn cầm đàn guitare. Cả hai vừa đàn vừa hát một bản nhạc của nước Ý. Sau khi họ hát xong chúng tôi vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhiều người lấy tiền tặng cho họ. Tôi cũng lấy 5 đô la để sẵn trong túi ra tặng cho họ. Sau đó tôi đề nghị họ hát bài “Torna A Surriento” của nhạc sĩ  người Ý tên là Ernesto De Cutis, tức là bài Come back to Sorrento ( Trở về mái nhà xưa ). Anh chàng lớn tuổi hơn bảo tôi rằng họ không biết bài đó. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe chàng ta nói như vậy bởi vì bài này rất phổ biến tại nước Ý và đã ra đời cách đây hơn 100 năm cả thế giới đều biết.Tuy nhiên ba mươi giây sau họ nói với tôi rằng họ đùa chơi vậy thôi, để họ hát cho mà nghe! Có thế chứ ! Tôi liền nhìn anh Bùi Ty ngồi trước mặt rồi nói :

    -Ca sĩ Ý mà không biết bài “Trở về mái nhà xưa” của nhạc sĩ Ernesto De Cutis thì đập vỡ cây đàn guitare đi là vừa Ty há.

    Thế là anh chàng lớn tuổi thổi kèn clarinet trong lúc anh chàng cầm đàn guitare vừa đàn vừa hát bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý thật du dương, nhẹ nhàng, thật khoan thai và điêu luyện.

    Hai ca sĩ hát dạo người Ý đang trình diễn

    Lúc tiếng hát vừa dứt anh em vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Sau đó anh chàng lớn tuổi hỏi chúng tôi rằng trong chúng tôi  ai là người biết nhảy đầm, tôi liền chỉ ngay anh chị Bùi Ty ngồi trước mặt tôi. Thế là hai anh chàng này mời anh chị Bùi Ty đứng lên để họ đàn và hát cho anh chị Bùi Ty nhảy. Bài “Besame mucho” nhạc của Mễ tây cơ được hai anh chàng kia chọn để hát  cho anh chị Bùi Ty nhảy. Họ đàn bản nhạc này theo điệu cha cha cha và anh chị Bùi Ty cứ thế nhảy liên tục cho đến hết bài làm cho phòng ăn trở nên vui nhộn khác thường. Sau khi tiếng hát vừa dứt, anh chị Bùi Ty vừa về lại chỗ ngồi  thì ông trưởng đoàn du lịch thừa thắng xông lên rót rượu đỏ trong chai ra hết rồi mời anh chị em cùng nâng cốc chung vui. Sau khi cạn ly, chúng tôi liền có đôi lời từ biệt với nhau rồi tất cả lên xe buýt để về khách sạn nghỉ ngơi, sáng mai chuẩn bị lên đường trở về quê cũ. Theo lời dặn của ông Leung Reddy, trưởng đoàn du lịch, chúng tôi dậy thật sớm và đúng 5:00sáng , chúng tôi lên xe buýt để vào phi trường lên máy bay qua Thụy sĩ. Tại thuỵ sĩ, chúng tôi lại sang máy bay khác để về San Francisco. Sau khi dẫn toán chúng tôi vào phi trường, ông trưởng đoàn từ biệt chúng tôi để về lại khách sạn dẫn toán còn lại vào phi trường một lần nữa vì toán nầy phải qua Luân đôn rồi từ phi trường Heathrow tại Luân đôn, họ sẽ lên máy khác để bay về Los Angeles.

    Lúc máy bay vừa cất cánh bay cao giữa mây trời bát ngát, tôi ngoái cổ nhìn xuống những lâu đài cổ kính, những biệt thự nguy nga của nước Ý mà lòng buồn vời vợi. Mới hôm qua đây, chúng tôi đã vào tham quan những kiến trúc thật tinh xảo, những nhà thờ thật vĩ đại, những công trình xây cất quá công phu và đầy nghệ thuật. Mới hôm qua đây chúng tôi đã cùng nhau chụp biết bao nhiêu tấm hình, quay biết bao nhiêu là phim ảnh khi vào trong toà thánh La mã, khi viếng thăm cổ thành, khi leo lên tháp Pisa, khi ngồi trên thuyền lướt nhẹ trên lạch nước trong thành phố Venice thật nên thơ và dịu hiền. Vậy mà giờ phút này đây tất cả đều xa dần, xa dần , chỉ còn thấy mây trời bay trong nắng. Chuyến du lịch bốn nước Âu châu giờ đây đã chấm dứt sau mười hai ngày phiêu bạt giang hồ để trở về mái nhà xưa, trở về nơi quê cũ . Không có gì thoải mái và tuyệt đẹp bằng quê nhà. Không có gì hiền hoà và ấm cúng bằng nơi ta ở. Bỗng đâu văng vẵng bên tai tôi giọng ca bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý của hai anh chàng thanh niên người Ý cầm cây đàn guitare và cây kèn clarinet hát dạo trong đêm tiệc chia tay của chúng tôi ở nhà hàng tại nướcÝ chiều qua:

    TORNA A SURRIENTO

    Vide ‘o mare quant’è bello.
    Spira tantu sentimento,
    Comme tu a chi tiene mente,
    Ca scetato ‘o faie sunnà.
    Guarda, guá, chisto ciardino.
    Siente, sié sti sciure arance,
    Nu profumo accussì fino
    Dinto ‘o core se ne va.

    E tu dice: “Í parto, ađio!”
    T’alluntane a stu core,
    Da sta terra de l’ammore
    Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
    Ma nun me lassà,
    Nun darme stu turmiento!
    Torna a Surriento,
    Famme campà!

    Vide ‘o mare de Surriento,
    Che tesoro tene ‘nfunno,
    Chie ha girato tutto ‘o mummo
    Nun l’ha visto comm’a ccà.
    Guarda attuorno sti Sserene,
    Ca te vonno tantu bene
    Te vulessero vasà.

    E tu dice: “Í parto, ađio!”
    T’alluntane a stu core,
    Da sta terra de l’ammore
    Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
    Ma nun me lassà,
    Nun darme stu turmiento!
    Torna a Surriento,
    Famme campà!

    Rồi cũng lại văng vẵng bên tai tôi giọng hát của ca sĩ Trần thái Hoà  bài “Trở về mái nhà xưa “ bằng tiếng Việt:

    Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
    Về đây với mầu gió ngày lang thang
    Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
    Ôi lãng du quay về điêu tàn.

    Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?
    Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?
    Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

    Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
    Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
    Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
    Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

    Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
    Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
    Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
    Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

    Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
    Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
    Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
    Đang khóc than trên đường não nề.

    Thôi nhé đừng hoài âm xưa
    Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
    Người ngồi im bóng
    Lắng nghe tháng ngày qua.

    California, một chiều thu nhạt nắng .

               Dương viết Điền (tháng 10 năm 2007)

                 (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu và Hạ Uy Di” xuất bản năm 2009)

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ

    MÙA ĐÔNG QUA THI CA VIỆT NAM

    Ai cũng biết rằng mùa đông là mùa lạnh lẽo nhất trong bốn mùa. Đó là mùa của băng giá của lạnh lùng, mùa của mưa rơi tơi tả suốt cả ngày đêm. Bầu trời luôn luôn vẩn đục vì mây mờ phủ kín thường xuyên. Đã thế, nhiều lúc sấm chớp liên hồi làm kinh thiên động địa rồi gió thổi ào ào làm lá vàng rơi rụng phủ ngập khắp nơi, khiến cảnh vật mùa đông trở nên ủ dột âm u, đìu hiu cô quạnh. Trước cảnh đông về ai cũng thấy lòng mình u buồn man mác, để rồi suốt mùa đông nghe trái tim như tê buốt giá băng vì sự lạnh lẽo và u buồn, cũng như vì mưa rơi gió thổi suốt cả đêm ngày khiến nhiều thi nhân trên thế giới ghét cay ghét đắng mùa đông. Điển hình là nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ qua bài thơ “To Winter”với những dòng thơ đầy phẫn nộ mùa đông:

    “Blow, blow thou winter wind

    away from here

    And I shall greet thy passing breath

    without a tear

    I do not love thy snow and sleet

    or icy floes

    when I must jump or stamp to warm my

    freezing toes.

    … …

    I am cold, no matter how I warm

    or clothe me

    O winter, greater bards have sung

    I loath thee”

    Tạm dịch:

    “Nhà ngươi hãy thổi đi hỡi cơn gió mùa đông

    Thổi xa khỏi nơi đây

    Và ta sẽ đón chào hơi thở của nhà ngươi qua đây

    mà chẳng thèm khóc.

    Ta chẳng thích gì những trận mưa tuyết

    của nhà ngươi

    hay những tảng băng giá lạnh

    Khi ta phải nhảy nhót hay dậm chân,

    vì nững ngón chân tê cóng

    … …

    Ta lạnh và dầu ta được sưởi ấm thế nào chăng nữa

    hay mặc áo quần cho ta

    Mùa đông ơi! những nhà thơ vĩ đại vẫn thường hát

    Ta khinh tởm nhà ngươi”.

    Nhưng đối với thi ca Việt Nam, ta thấy ít người ghét mùa đông như nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ. Trái lại nhiều nhà thơ tả cảnh mùa đông thật đẹp và nên thơ. Vì mùa đông quá lạnh lẽo và buồn bã nên các thi nhân cũng như các nhạc sĩ ít nói về mùa đông. Tuy vậy ta cũng thấy bàng bạc trong thi ca Việt Nam nhiều bài thơ nói về mùa đông đã được nhiều nhà thơ sáng tác thật công phu và đầy ý nghĩa. Nhất là những bài thơ tình yêu. Nhiều nhạc sĩ cũng thế, họ đã sáng tác nhiều bản nhạc thật trữ tình và ướt át để ca ngợi những mối tình nồng nàn lãng mạn xuyên qua những mùa đông tê buốt giá băng. Trong chúng ta hầu như không ai không biết bản nhạc “Mùa đông của anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào năm 1970, với nhịp điệu Boléro thật dễ thương. Chính bản nhạc này đã khiến tim ta bồi hồi xúc động khi nghe ca sĩ hát như than thở về tình yêu băng giá giữa dòng đời: “Em ơi! đông lại về từ trăm năm lạnh giá, tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó. Em nghe không mùa đông, mùa đông!”.

    Thấy nhiều nhạc sĩ run rẩy thành nhạc khi mùa đông lại về, nên nhiều thi nhân cũng đã đắm mình trong mưa gió bão bùng, giữa cơn giá rét căm căm của mùa đông để dệt nên những dòng thơ ủ dột âm u, nghìn đời băng giá. Người thì sáng tác những bài thơ nói về biệt ly khi mùa đông đến. Kẻ thì khóc gió than mây vì mùa đông sao lạnh lùng tê buốt triền miên. Rất nhiều thi sĩ bắt đầu yêu lại gặp mùa đông về trong giá lạnh. Lắm nhà thơ cũng đã từng cảm thấy cô quạnh giữa đêm đông điêu tàn. Ta hãy nghe thi sĩ Lưu Trọng Lư yêu khi mùa đông về:

    “Yêu hết một mùa đông

    Không một lần đã nói

    Nhìn nhau buồn vời vợi

    Có nói cũng không cùng

    … …

    Giờ hết một mùa đông

    Gió bên thềm thổi mãi

    Qua rồi mùa ân ái

    Đàn sếu đã sang sông”.

    (Lưu Trọng Lư)

    Tuy nhiên, nhiều khi đã yêu được rồi mà lòng vẫn buồn da diết vì tình yêu bị ép buộc. Nhất là khi mùa đông lại về giữa cuộc đời đầy bão táp mưa sa, nên dù nằm bên chồng mà trái tim vẫn tê buốt giá băng:

    “Biết chăng chi? mỗi mùa đông

    Đáng thương những kẻ có chồng như em

    Vẫn còn thấy lạnh trong tim

    Đan đi đan lại áo len cho chồng”.(T.T.KH)

    Mùa đông là mùa buồn bã, mùa của mưa gió triền miên, mùa của giá rét u sầu. Thế mà lại phải xa nhau, lại biệt ly thì chỉ còn nức nở nghẹn ngào, rồi nhìn nhau buồn vời vợi, chẳng nói được lời nào. Ta hãy nghe nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào khi tiễn em về xứ mẹ lúc mùa đông vừa đến ở Paris:

    “Lên xe tiễn em đi

    Chưa bao giờ buồn thế

    Trời mùa đông Paris

    Suốt đời làm chia ly

    ……….

    Tuyết rơi mỏng manh buồn

    Ga Lyon đèn vàng

    Cầm tay em muốn khóc

    Nói chi cũng muộn màng”.

    Chỉ có một số thi nhân đề cập đến tình yêu trong mùa đông, còn lại là những bài thơ được diễn tả về cảnh điêu tàn của mùa đông hiu quạnh, với những cơn gió lạnh lùng làm cho cảnh vật trở nên tiêu điều xơ xác, làm cho bầu không khí luôn luôn rét mướt quạnh hiu.

    Ta hãy nghe các thi nhân Việt Nam đua nhau tả cảnh mùa đông về trên đất Việt:

    “Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,

    Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng

    Theo khe cửa sổ gió thổi rú

    Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng”.

    (Đông Hồ)

    hay là:

    “Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng

    Giải buồn chén rượu lúc sầu đông

    Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa

    Gió phẩy mùa băng giải mặt sông”.

    (Ngô Chi Lan)

    Mặc dầu cảnh vật mùa đông thường đượm màu sắc âm u, ủ dột khi mưa gió bay về. Nhưng nhiều khi ta vẫn thấy một vài nơi trên quê hương xuất hiện nhiều cảnh đẹp tuyệt vời, với những lá vàng bay bay giữa cảnh chiều đông ruộng đồng ngập nước, có đàn cò trắng bay về phía chân trời xa thăm thẳm:

    “Lá bàng

    Như lá vàng

    Rụng

    Ôi! Đìu hiu

    Cảnh chiều

    Đông!

    Ruộng ngập: mênh mông

    Nước phẳng

    Cò bay, yên lặng,

    Quanh đồng

    Thi tứ viễn vông:

    Thần tưởng  tượng

    Như đàn cò đói lượn

    Đồng không”.

    (Huế, đẹp và thơ – Nam Trân Nguyễn Ngọc Sỹ)

    Tuy nhiên cảnh đẹp mùa đông lâu lắm mới xuất hiện. Có chăng đi nữa ta chỉ thấy một vài lúc trời quang mây tạnh, mưa thuận gió hòa. Còn thì suốt mùa đông mưa gió tơi bời, mây mờ che phủ. Các thi nhân rất rõ điều này nên đã sáng tác những dòng thơ nghe toàn mưa rơi gió thổi, bão tố đêm ngày, như một nhạc sĩ nào đó viết một bản nhạc mà khi hát lên ta tưởng chừng như bầu trời ngập cả mưa rơi, gió thổi, lá vàng bay khắp nẻo đường:

    “Trời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi.

    Bao cánh tan nát hoa rơi đưa về cuối trời, gió mưa tơi bời.

    Ôi trời mưa gió điêu tàn… …”

    Trái lại, một số thi sĩ khác đã tả về mùa đông với những cơn gió nhẹ nhàng, êm đềm, vì họ chỉ muốn lấy gió đông làm mốc báo hiệu cho đông đến hay đông đi mà thôi. Những vần thơ sau đây mà ngọn gió đông là biểu tượng chính:

    “Đã thấy xuân về với gió đông

    Với trên màu má gái chưa chồng

    Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

    Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”.

    (Nguyễn Bính)

    Hay là:

    “Biết thân đến bước lạc loài

    Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

    Vì ai ngăn đón gió đông

    Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”.

    (Nguyễn Du)

    Hoặc là:

    “Hoa thược dược mơ màng thuỵ vũ

    Đoá hải đường thức ngủ xuân tiên

    Cành xuân hoa chúm chím chào

    Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai”.

    (Ôn Như Hầu)

    Hay là:

    “Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió

    Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

    Nay đào đã quyến gió đông

    Phù dung lại nở bên sông bơ sờ”.

    (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)

    Nhiều thi sĩ sau những năm tháng sống nơi đất khách quê người, lòng luôn luôn hướng về quê cha đất tổ, để rồi ước mơ một ngày về thăm lại quê hương, nơi có lũy tre xanh bao bọc quanh làng, có hàng dừa xanh thẳng tắp dưới trời cao. Sống giữa cảnh tuyết rơi trắng xoá lạnh lùng, họ ước mơ một ngày trở lại. Nhưng rồi sự mơ ước trở về quê cũ có trở thành sự thật không? Hay vì nghịch cảnh của cuộc đời, khiến ước mơ đó chỉ còn là tuyệt vọng? Nếu những hoài bão đó không thành thì cuộc đời không còn gì nữa! Tâm hồn thi nhân như đã chết lịm theo mùa đông.

    Ta hãy nghe nhà thơ Duy Lam nói lên những ước mơ đó:

    “Tuyết rơi rơi đất lạ mênh mông

    Hồn ta vất vưởng trôi trong không

    Tang tóc trắng trời nơi đất hứa

    Bao giờ ta mới hết nhớ mong

    … ….

    Nếu thế phải chăng hồn đã chết!

    Dù xác vẫn đây mơ viễn vông

    Dù sống đến cuối đời cũng chỉ

    Giá băng vĩnh viễn một mùa đông”.

    (Tuyết trắng)

    Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy nhiều thi  nhân đã run rẩy vì cái lạnh triền miên của khí trời mùa đông, rồi dệt nên những bài thơ lâm ly não nuột, những điệp khúc tình sầu da diết trước cảnh vật điêu tàn đìu hiu, với mưa rơi gió thổi dai dẳng suốt đêm ngày.

    Dương viết Điền

  • Dương Viết Điền,  KÝ SỰ

    Lẩm Cẩm Hay Nghẹn Ngào?

    Như một số người mới sang đất Mỹ lần đầu, tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, rụt rè trước nền văn minh tại xứ Hiệp chủng quốc này.

    Tất cả mọi sinh hoạt ở đây đã làm cho tôi cảm thấy lạ-lùng. Điều này làm cho tôi nhiều khi trở nên lẩm cẩm và nghẹn ngào khi va chạm với cuộc sống hằng ngày tại đây.

    Sau đây xin được kể một vài câu chuyện điển hình tôi đã gặp trên đất này.

    Trước nhất là chuyện gọi số 911 năm lần chỉ trong 3 năm.

    Lúc mới qua bạn bè tôi khuyên bảo rằng trong cuộc sống hằng ngày nếu gặp chuyện gì khẩn-cấp quá như đau quá nặng, bị thương nặng, gặp hỏa-hoạn vv… thì cầm điện thoại gọi 3 con số 911.

    Sáng hôm ấy, không hiểu sao tôi cảm thấy đau bụng một cách kỳ lạ. Mặt mày tự nhiên tái mét, mồ-hôi ra như tắm. Tôi ôm bụng kêu la thảm thiết. Đang nằm trên giường tôi bỗng té xuống sàn nhà. Lúc bấy giờ cả nhà đều đi vắng. Đang cơn đau, vừa bấm số 911 vừa trả lời những câu hỏi của nhân viên hữu trách ở đầu dây, giọng tôi bị lạc hẳn nói không được rõ ràng.

    Khoảng năm phút sau tôi nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đổ ngay trước nhà. Vì đau quá đi không được nên tôi phải bò xuống cầu thang (vì đang ở trên “gác trọ về khuya cơn gió lùa”) Cuối cùng các nhân-viên lái xe cứu thương dìu tôi lên xe chở tới bệnh-viện. Lúc bấy giờ là năm 1991. Đó là lần thứ nhất tôi gọi 911.

    Trong thời gian đầu lúc mới sang xứ cờ hoa này, người bảo trợ tôi đang hành-nghề cắt cỏ. Thế là tôi”tấp-tểnh người làm tớ cũng làm”. Vào một buổi sáng trời xanh mây trắng nắng hồng, người bảo trợ bảo tôi đi rải giấy quảng-cáo cắt cỏ.

    Tôi ôm một mớ “truyền đơn” quảng-cáo cắt cỏ leo lên chiếc xe Mustang màu đen đời 75 mới mua lại 100 dollars để đi rải giấy. Sau khi đậu xe tại một ngã tư, tôi bắt đầu đi bộ để rải. Sau khi rải xong (khoảng 2 tiếng đồng hồ) tôi trở lại ngã tư đậu xe hồi nãy để lái xe về. Nhưng khi vừa đến nơi thì hỡi ôi! Xe không cánh mà bay!

    Tôi chạy qua chạy lại, chạy tới chạy lui, nhìn quanh nhìn quất, vẫn không thấy chiếc xe Mustang đâu cả. Trời ơi! mới qua Mỹ được một chiếc xe mà kẻ gian đã ăn cắp thì lấy gì mà đi làm đây. Vì nghĩ rằng chắc kẻ gian vừa mới lái xe di thôi nên phải báo-cáo cho cảnh sát gấp may ra cảnh sát kịp thời chận bắt chúng ở dọc đường; Thế là tôi bay ra ngoài đường, tới chỗ có máy điện thoại công cộng, bỏ 25 cent vào, bấm ngay số 911 và báo-cáo cho giới hữu-trách đầu giây biết rõ tự-sự sau khi tôi đã khai rõ tên tuổi, số xe vv…

    Gác điện-thoại lên, tôi liền ngồi phịch xuống đường để nghỉ vì nãy giờ đi bộ rải giấy quá lâu nên mỏi chân quá. Khoảng 5 phút sau, tôi đứng dậy đến chỗ ngã tư kia tìm lại xe vì tiếc của. Rồi vừa giận vừa tiếc, tôi đi vòng vòng quanh mấy ngã tư gần đấy xem kẻ gian có lái xe đậu quanh đâu đấy không! Bỗng cách đó một ngã tư, tôi thấy xe ai giống xe tôi quá. Nhanh như chớp tôi lao mình tới chỗ chiếc xe đang đậu. Khi đến nơi, tôi thấy đích thị là “Người tình có chân-dung” Mustang màu đen của tôi rồi! Oh my God! (lúc đó tôi chưa quen miệng nói mấy chữ này nhưng viết lỡ vào đây rồi viết luôn).

    Chợt một ý-nghĩ lóe lên trong đầu tôi: mình đậu xe ở ngã tư này, lại đi tìm ở ngã tư khác thật là lẩm-cẩm. Vậy mà cứ nghĩ là thằng cha hay con mẹ nào đã ăn cắp lái đi rồi! Sau đó tôi nghĩ rằng mình phải báo lại cho cảnh sát biết chứ nếu người ta đang đi tìm “học xì-dầu” trong khi mình leo lên xe lái về nhà, dọc đường gặp họ chận lại hỏi thì bỏ tiếp 25 cent vào máy rồi bấm 911. Tiếp theo đó, tôi trình bày cho giới hữu-trách đầu giây điện-thoại biết rằng tôi đã tìm ra chiếc xe của tôi đậu cách chỗ cũ vài “Block” vv…

    Thế là tôi đã gọi 911 ba lần.

    Tiếp theo là vụ ăn thịt gà nguội của anh vợ tôi. Không hiểu sao chiều hôm ấy sau khi ăn cơm với thịt gà (chưa hâm lại) xong, anh vợ tôi đau bụng dữ dội rồi đi cầu nhiều lần. Anh ta điện-thoại cho tôi lên chở anh ta đi bác sĩ gấp (vì người con trai mới qua chưa biết lái xe).

    Khi vừa vào nhà anh tôi, tôi thấy mặt anh ta xanh như tàu lá chuối! Tôi liền chở anh ta đến phòng mạch bác-sĩ ở Resida. Nhưng khi vừa đến ngã tư đường Vanowen& Sherman Wat, mặt anh ta bỗng tái đi không còn một giọt máu làm tôi sợ quá. Thều thào qua hơi thở, anh ta run rẩy mấy lời như mới gặp người yêu lần đầu không nói được:…gọ…gọ…gọi chín một một …đi. Anh…thấy tro…trong người sao mệt quá…!”

    Thất kinh, tôi liền cho xe vào đậu ở trạm xăng gần đấy, bay đến ổ điện-thoại ở trạm xăng bấm ngay 911 rồi trình cho giới hữu-trách biết rõ tự-sự. Năm phút sau, một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa hụ còi inh ỏi chạy đến ngã tư tôi đang đậu xe rồi dừng lại.

    Sau khi bắt mạch và đo nhiệt độ cho anh tôi xong và cũng sau khi xem bảo-hiểm Medical của anh ta (loại bảo-hiểm welfare của anh em HO đó mà), ông “bác sĩ” bảo tôi chở anh tôi đến bệnh viện gần đấy vì bệnh tình không trầm trọng lắm! Tôi rất ngạc-nhiên vì anh tôi đang nằm ngoẻo cổ sang một bên và mặt mày không còn một giọt máu. OH my god! (lúc này tôi hay quen miệng nói Oh my God!).

    Cuối cùng tôi đành phải tốc thắng chở anh tôi đến bác sĩ gia đình Resida ngay vì gần hơn bệnh viện. Thế là tôi đã gọi 911 lần thứ tư!

    Lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng (không biết còn lần nào nữa không) tôi gọi 911 (không biết bị gọi hay được gọi) là thời gian tôi đang ở apartment tại đường Gilmore St tỉnh Van Nuys. Chiều hôm ấy, bỗng dưng hệ thống báo động khói trong phòng tôi rú lên mặc dầu lúc bấy giờ chẳng có ai nấu nướng gì cả.

    Nhìn ra cửa sổ tôi thấy cũng chẳng có khói ở đâu từ ngoài bay vào. Thế mà hệ thống báo động khói vẫn kêu la inh-ỏi. Tôi liền qua báo cho Manager của apartment biết. Manager là một thiếu phụ Mễ có chồng hai con ở cách tôi 2 phòng. Sau khi qua phòng tôi quan-sát và nghe ngóng “địch-tình”, người đẹp “Mexicana” liều ủy thác cho tôi gọi 911.

    Sở dĩ cô ta không gọi 911 vì cô ta nói tiếng Mỹ giống như người Rhadê ở cao nguyên trung phần nước ta nói tiếng Việt vậy, sợ giới hữu trách không hiểu. Thế là tôi từ từ bấm 911 lần thứ năm trong vòng 3 năm trên máy điện thoại cầm tay người đẹp mới trao cho tôi.

    Vài phút sau, một chiếc xe ambulance và hai xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi đậu ngay trước apartment tôi ở. Nhân viên cứu hỏa lật đật chạy vào phòng tôi. Họ nhìn quanh nhìn quất trong phòng chẳng thấy khói đâu cả, họ mở cửa chứa bình đựng gas cũng chẳng thấy gì. Sau đó một nhân viên cứu hỏa với tay mở cái nắp tròn của hệ thống báo động khói gắn trên trần nhà xuống. Thế là tiếng kêu inh ỏi ngưng bặt. Oh my God! Biết thế tôi đưa tay mở cái nắp ấy ra từ lâu, làm gì phải gọi Cẩu dzách dzách à quên 911, làm rùm beng như thế này.

    Thế là trong ba năm, tôi gọi 911 năm lần, trong lúc có nhiều người ở Mỹ 25 năm chưa gọi 911 lần nào cả.

    Oh my God!

    Bây giờ tôi hay nói Oh my God! vì thói quen “hay nói” . Tuy nhiên tôi nghĩ mình không phải tín đồ của thiên chúa giáo mà hay nói Oh my God! thì kỳ quá. Đáng lẽ mình theo đạo nào thì nói theo đạo đó mới đúng. Tôi theo đạo Khổng-Tử, vậy tôi phải sửa lại thay vì Oh my God! tôi phải nói là Oh my Khổng!

    Tiếp theo, tôi xin được phép kể câu chuyện thứ 2. Đó là vụ bị xe tông.

    Chiều hôm ấy đặc-biệt là một buổi chiều cũng có trời xanh mây trắng nắng hồng giống như ngày tôi đi rải giấy quảng cáo cắt cỏ vậy, tôi cùng với “người tình có chân dung” Mustang 75 “bị mất cắp” trước đó, đang chạy phom phom trên đại lộ Sherman way tiến về thị trấn Reseda để vào tiệm kính Viễn Đông lấy cặp kính về cho “con đầm già” (Danh từ anh em ở trong trại cải-tạo gọi để chỉ các bà vợ của mình vì một nắng hai sương bán buôn cực khổ nuôi con nuôi chồng, đợi chờ mòn mỏi nên các bà bị tháng năm làm cho già hết rồi).

    Khi vừa đến ngã tư Sherman Way và Louis, bỗng đâu người tình Mustang 75 của tôi trở chứng, rồi làm nũng. Không biết vì trục-trặc-kỹ-thuật gì trong lục phủ ngũ tạng mà nàng chạy tiếp. Bỗng nhìn kính chiếu hậu tôi thấy có một chiếc xe đang chạy thật nhanh về phía tôi. Chiếc xe bay tới ào ào như vũ bão. Tốc-độ của nó 45, 50 miles là ít. Nhìn kính chiếu hậu, thấy xe vẫn lao tới vùn-vụt, tôi thầm kêu trời ơi! Sao gần tới xe mình rồi mà nó không chậm lại. Thế rồi tôi nghe một tiếng rầm! Xe tôi đang chạy chầm-chậm bỗng nhiên bay tới phía trước khoảng 6 mét rồi rơi xuống nghe một tiếng rầm! Tôi gục đầu vào vô-lăng bất tỉnh.

    Khoảng 15 giây sau tôi tỉnh dậy liền mở dây seat belt ra, vặn trái cửa rồi bước ra khỏi xe. Một cảnh tượng “hoang-tàn đổ nát” hiện ra trước mắt tôi: “người tình” Mustang của tôi đầu quay về phía lề đường, đèn emergency vẫn còn nhấp-nháy nhưng cặp kính đèn đã vỡ nát, cửa bên phải nàng bị bể kính hết và bị lỏm vào trong không mở ra được, phía sau nàng dẹp lép như cái bánh tráng vì bị tông quá mạnh, cửa kính sau bị vỡ nát vụn, bình xăng bị bể nên xăng chảy ra tràn cả mặt đường.

    Tiến tới chiếc xe tông vào tôi, tôi thấy một thiếu nữ da trắng (nhưng có lẽ người Mễ thì đúng hơn là Mỹ, tôi đoán vậy) ngồi khóc hu-hu trong xe một mình, áo quần con nít đâu trong xe tung lên bừa bãi. Đầu xe của cô ta cũng bẹp dí như cái bánh tráng.

    Nhìn cô ta tôi nói:

    “Cô đi đâu mà lái xe nhanh như vậy há, há””

    Cô ta vừa khóc vừa trả lời:

    “Ông đi đâu mà lái xe chậm thế””

    Tôi nói lại:

    “Tôi đã bật đèn emergency rồi cô không thấy sao há, há””

    Nghe tôi nói vậy không biết sao cô ta không nói gì nữa, chỉ bước xuống xe tới lề đường ngồi phịch xuống khóc tiếp. Có lẽ vừa hư xe vừa chạy ẩu tông xe tôi nên cô ta sợ chăng”

    Có lẽ cư dân quanh đấy thấy tai nạn xảy ra có vẻ ghê gớm quá đã gọi điện thoại cho cảnh sát biết nên khoảng 7 phút sau tôi thấy xe cảnh sát đến . Sau khi làm thủ tục biên bản xong, cảnh sát bảo chúng tôi ký vào tờ biên bản của họ. Sau đó, họ bảo chúng tôi phải làm thế nào để “Tow” hai chiếc xe vất vào “bãi tha ma” gấp, nếu không sẽ còn cản trở sự lưu thông xe cộ.

    Tôi đang loay hoay chưa biết tính sao thì cảnh sát gọi điện thoại cho xe cần trục ở công ty nào đó đến kéo xe tôi rồi trao cho tôi một cái card và bảo rằng xe cần trục của công ty trong card này sẽ đến đây “tow” xe của tôi đi. Tôi nói với cảnh-sát:

    “Thế thì ai bồi thường chiếc xe hư của tôi đây” Chính người lái chiếc xe tông vào xe tôi có lỗi vì cô ta lái xe quá nhanh lúc đang chạy trong thành phố.”

    Viên Cảnh-sát trả lời:

    “Anh thuê luật-sư kiện cô ta ra tòa.”

    Trả lời xong cảnh sát leo lên xe lái đi mất dạng.

    Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ lúc đó tôi và cô kia cả hai đều không ai có bảo hiểm cả và đã khai với cảnh sát lúc họ làm biên bản rồi. Khoảng 10 phút sau, một chiếc xe cần trục đến câu “người tình” Mustang 75 của tôi đi vất vào nghĩa địa xe hơi.

    Sau khi đứng nghiêm chỉnh để tiễn đưa nàng về dưới suối vàng an nghỉ nghìn năm, lòng tôi buồn vời vợi vì kể từ nay, “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”!

    Vài ngày sau, tôi nhận được một cái “citation” phải ra tòa trình diện để nộp tiền phạt $170 dollars vì không có bảo hiểm. Tiếp theo đó, tôi phải ra DMV để làm việc thiện bất đắc dĩ tặng cho DMV $250 dollars để xin lại bằng lái xe nếu không sẽ bị cúp bằng một nghìn năm!

    Trong thời gian này, tôi nhận được một phần thưởng của DMV trao tặng: treo bằng 3 năm, riêng năm đầu chỉ được phép lái xe độc đạo từ nhà đến hãng và từ hãng đến nhà, nếu đi lộn đường cảnh-sát bắt được thì đừng có kêu trời ơi! đất hỡi! Tiếp nữa, tôi nhận được một cái Bill phải trả cho công ty “Tow” đã ân-ái mua một bó hoa vĩ-đại $70 (tiền “Tow” xe) để tiễn đưa người tình Mustang 75 của tôi ra nghĩa-địa an giấc ngàn thu! Tổng-cộng tất cả phí tổn từ tiền thuốc men chạy chữa, tiền cúng điếu hoa lá cành, tiền mua đất ở nghĩa địa, tiền chôn cất v.v… Cho người tình có chân dung MUSTANG đời 75 vị chi là $490 dollars.

    Không biết tình trạng cô da trắng kia như thế nào, chắc cũng giống tôi thôi vì không có bảo-hiểm, Lúc bấy giờ là 1994, hàng triệu người lái xe không có bảo hiểm. Chứ bây giờ theo luật mới, lái xe không có bảo hiểm bị phạt nặng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm, khi cả hai bên không có bảo hiểm, nên thông cảm mà tha cho nhau, rồi mạnh ai nấy chuồn.

    Cả hai bên vừa chạy trốn vừa ngâm hai câu thơ sau đây thì tuyệt diệu:

    “Liệu mà cao chạy xa bay

    Ái ân ta có ngần này mà thôi!”

    Chứ để cảnh sát tới nơi làm biên bản thì cả hai bên sẽ tan thành mây khói. May sao trong tai nạn này, tôi hoàn toàn vô sự có lẽ nhờ mang nịt an toàn nên “Con đầm già” cũng yên tâm.

    Tức quá, cơn giận Trương Phi nổi lên đùng đùng, tôi lấy tờ report của cảnh sát ra tìm số điện thoại của cô lái chiếc xe tông tôi rồi gọi cô ta ngay. Sau khi có tiếng trả lời đầu dây điện thoại, tôi nói ngay:

    “Tôi là người lái chiếc xe Mustang mà cô tông tôi tuần trước cô còn nhớ không””

    “Nhớ chứ!”

    “Cô phải bồi thường chiếc xe cho tôi chứ! Nếu không tôi sẽ gọi cô liên tục bất cứ lúc nào, 2 giờ sáng, 3 giờ chiều, 12 giờ khuya, 1 giờ trưa v.v…”

    Tôi nghe đầu giây trả lời:

    “Ông cứ gọi, cho ông gọi. Tôi sẵn sàng nghe ông gọi!”

    Oh My God! Oh My Khổng! Nó biết tôi không có bảo hiểm nên nó cũng liều luôn. Hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè nói rằng thành phần này ở bên Mỹ nhiều lắm. Vả lại “Người tình có chân dung” Mustang của tôi cũng quá cũ, mình lại không mua bảo hiểm nữa, bây giờ kiện cô ta ra tòa tốn tiền thuê luật sư phiền toái mà dân HO mới qua tiền đâu thuê luật sư. Đã thế cô ta lại tỏ ra liều mạng như vậy thì kiện làm gì cho mất công bỏ việc. Tuy nhiên trong lòng vẫn còn tức giận nên tôi thử tố lần nữa xem sao:

    “Tao sẽ thưa luật sư đưa mày ra tòa, OK?”

    Cô ta trả lời:

    “Tôi sẵn sàng ra tòa, ông cứ thuê luật sư đi!”

    Biết nó liều mạng rồi tôi nói với nó lần cuối bằng ba thứ tiếng chắc nó nghĩ rằng tôi chửi thề nó:

    –        OK! Tau thua mi! “Bonjour Tristesse”! (Buồn ơi! Chào mi!).

    North Hollywood, tháng 6- 2000      


    DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

    Lẩm Cẩm Hay Nghẹn Ngào?

    Dương viết Điền

    Như một số người mới sang đất Mỹ lần đầu, tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, rụt rè trước nền văn minh tại xứ Hiệp chủng quốc này.

    Tất cả mọi sinh hoạt ở đây đã làm cho tôi cảm thấy lạ-lùng. Điều này làm cho tôi nhiều khi trở nên lẩm cẩm và nghẹn ngào khi va chạm với cuộc sống hằng ngày tại đây.

    Sau đây xin được kể một vài câu chuyện điển hình tôi đã gặp trên đất này.

    Trước nhất là chuyện gọi số 911 năm lần chỉ trong 3 năm.

    Lúc mới qua bạn bè tôi khuyên bảo rằng trong cuộc sống hằng ngày nếu gặp chuyện gì khẩn-cấp quá như đau quá nặng, bị thương nặng, gặp hỏa-hoạn vv… thì cầm điện thoại gọi 3 con số 911.

    Sáng hôm ấy, không hiểu sao tôi cảm thấy đau bụng một cách kỳ lạ. Mặt mày tự nhiên tái mét, mồ-hôi ra như tắm. Tôi ôm bụng kêu la thảm thiết. Đang nằm trên giường tôi bỗng té xuống sàn nhà. Lúc bấy giờ cả nhà đều đi vắng. Đang cơn đau, vừa bấm số 911 vừa trả lời những câu hỏi của nhân viên hữu trách ở đầu dây, giọng tôi bị lạc hẳn nói không được rõ ràng.

    Khoảng năm phút sau tôi nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đổ ngay trước nhà. Vì đau quá đi không được nên tôi phải bò xuống cầu thang (vì đang ở trên “gác trọ về khuya cơn gió lùa”) Cuối cùng các nhân-viên lái xe cứu thương dìu tôi lên xe chở tới bệnh-viện. Lúc bấy giờ là năm 1991. Đó là lần thứ nhất tôi gọi 911.

    Trong thời gian đầu lúc mới sang xứ cờ hoa này, người bảo trợ tôi đang hành-nghề cắt cỏ. Thế là tôi”tấp-tểnh người làm tớ cũng làm”. Vào một buổi sáng trời xanh mây trắng nắng hồng, người bảo trợ bảo tôi đi rải giấy quảng-cáo cắt cỏ.

    Tôi ôm một mớ “truyền đơn” quảng-cáo cắt cỏ leo lên chiếc xe Mustang màu đen đời 75 mới mua lại 100 dollars để đi rải giấy. Sau khi đậu xe tại một ngã tư, tôi bắt đầu đi bộ để rải. Sau khi rải xong (khoảng 2 tiếng đồng hồ) tôi trở lại ngã tư đậu xe hồi nãy để lái xe về. Nhưng khi vừa đến nơi thì hỡi ôi! Xe không cánh mà bay!

    Tôi chạy qua chạy lại, chạy tới chạy lui, nhìn quanh nhìn quất, vẫn không thấy chiếc xe Mustang đâu cả. Trời ơi! mới qua Mỹ được một chiếc xe mà kẻ gian đã ăn cắp thì lấy gì mà đi làm đây. Vì nghĩ rằng chắc kẻ gian vừa mới lái xe di thôi nên phải báo-cáo cho cảnh sát gấp may ra cảnh sát kịp thời chận bắt chúng ở dọc đường; Thế là tôi bay ra ngoài đường, tới chỗ có máy điện thoại công cộng, bỏ 25 cent vào, bấm ngay số 911 và báo-cáo cho giới hữu-trách đầu giây biết rõ tự-sự sau khi tôi đã khai rõ tên tuổi, số xe vv…

    Gác điện-thoại lên, tôi liền ngồi phịch xuống đường để nghỉ vì nãy giờ đi bộ rải giấy quá lâu nên mỏi chân quá. Khoảng 5 phút sau, tôi đứng dậy đến chỗ ngã tư kia tìm lại xe vì tiếc của. Rồi vừa giận vừa tiếc, tôi đi vòng vòng quanh mấy ngã tư gần đấy xem kẻ gian có lái xe đậu quanh đâu đấy không! Bỗng cách đó một ngã tư, tôi thấy xe ai giống xe tôi quá. Nhanh như chớp tôi lao mình tới chỗ chiếc xe đang đậu. Khi đến nơi, tôi thấy đích thị là “Người tình có chân-dung” Mustang màu đen của tôi rồi! Oh my God! (lúc đó tôi chưa quen miệng nói mấy chữ này nhưng viết lỡ vào đây rồi viết luôn).

    Chợt một ý-nghĩ lóe lên trong đầu tôi: mình đậu xe ở ngã tư này, lại đi tìm ở ngã tư khác thật là lẩm-cẩm. Vậy mà cứ nghĩ là thằng cha hay con mẹ nào đã ăn cắp lái đi rồi! Sau đó tôi nghĩ rằng mình phải báo lại cho cảnh sát biết chứ nếu người ta đang đi tìm “học xì-dầu” trong khi mình leo lên xe lái về nhà, dọc đường gặp họ chận lại hỏi thì bỏ tiếp 25 cent vào máy rồi bấm 911. Tiếp theo đó, tôi trình bày cho giới hữu-trách đầu giây điện-thoại biết rằng tôi đã tìm ra chiếc xe của tôi đậu cách chỗ cũ vài “Block” vv…

    Thế là tôi đã gọi 911 ba lần.

    Tiếp theo là vụ ăn thịt gà nguội của anh vợ tôi. Không hiểu sao chiều hôm ấy sau khi ăn cơm với thịt gà (chưa hâm lại) xong, anh vợ tôi đau bụng dữ dội rồi đi cầu nhiều lần. Anh ta điện-thoại cho tôi lên chở anh ta đi bác sĩ gấp (vì người con trai mới qua chưa biết lái xe).

    Khi vừa vào nhà anh tôi, tôi thấy mặt anh ta xanh như tàu lá chuối! Tôi liền chở anh ta đến phòng mạch bác-sĩ ở Resida. Nhưng khi vừa đến ngã tư đường Vanowen& Sherman Wat, mặt anh ta bỗng tái đi không còn một giọt máu làm tôi sợ quá. Thều thào qua hơi thở, anh ta run rẩy mấy lời như mới gặp người yêu lần đầu không nói được:…gọ…gọ…gọi chín một một …đi. Anh…thấy tro…trong người sao mệt quá…!”

    Thất kinh, tôi liền cho xe vào đậu ở trạm xăng gần đấy, bay đến ổ điện-thoại ở trạm xăng bấm ngay 911 rồi trình cho giới hữu-trách biết rõ tự-sự. Năm phút sau, một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa hụ còi inh ỏi chạy đến ngã tư tôi đang đậu xe rồi dừng lại.

    Sau khi bắt mạch và đo nhiệt độ cho anh tôi xong và cũng sau khi xem bảo-hiểm Medical của anh ta (loại bảo-hiểm welfare của anh em HO đó mà), ông “bác sĩ” bảo tôi chở anh tôi đến bệnh viện gần đấy vì bệnh tình không trầm trọng lắm! Tôi rất ngạc-nhiên vì anh tôi đang nằm ngoẻo cổ sang một bên và mặt mày không còn một giọt máu. OH my god! (lúc này tôi hay quen miệng nói Oh my God!).

    Cuối cùng tôi đành phải tốc thắng chở anh tôi đến bác sĩ gia đình Resida ngay vì gần hơn bệnh viện. Thế là tôi đã gọi 911 lần thứ tư!

    Lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng (không biết còn lần nào nữa không) tôi gọi 911 (không biết bị gọi hay được gọi) là thời gian tôi đang ở apartment tại đường Gilmore St tỉnh Van Nuys. Chiều hôm ấy, bỗng dưng hệ thống báo động khói trong phòng tôi rú lên mặc dầu lúc bấy giờ chẳng có ai nấu nướng gì cả.

    Nhìn ra cửa sổ tôi thấy cũng chẳng có khói ở đâu từ ngoài bay vào. Thế mà hệ thống báo động khói vẫn kêu la inh-ỏi. Tôi liền qua báo cho Manager của apartment biết. Manager là một thiếu phụ Mễ có chồng hai con ở cách tôi 2 phòng. Sau khi qua phòng tôi quan-sát và nghe ngóng “địch-tình”, người đẹp “Mexicana” liều ủy thác cho tôi gọi 911.

    Sở dĩ cô ta không gọi 911 vì cô ta nói tiếng Mỹ giống như người Rhadê ở cao nguyên trung phần nước ta nói tiếng Việt vậy, sợ giới hữu trách không hiểu. Thế là tôi từ từ bấm 911 lần thứ năm trong vòng 3 năm trên máy điện thoại cầm tay người đẹp mới trao cho tôi.

    Vài phút sau, một chiếc xe ambulance và hai xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi đậu ngay trước apartment tôi ở. Nhân viên cứu hỏa lật đật chạy vào phòng tôi. Họ nhìn quanh nhìn quất trong phòng chẳng thấy khói đâu cả, họ mở cửa chứa bình đựng gas cũng chẳng thấy gì. Sau đó một nhân viên cứu hỏa với tay mở cái nắp tròn của hệ thống báo động khói gắn trên trần nhà xuống. Thế là tiếng kêu inh ỏi ngưng bặt. Oh my God! Biết thế tôi đưa tay mở cái nắp ấy ra từ lâu, làm gì phải gọi Cẩu dzách dzách à quên 911, làm rùm beng như thế này.

    Thế là trong ba năm, tôi gọi 911 năm lần, trong lúc có nhiều người ở Mỹ 25 năm chưa gọi 911 lần nào cả.

    Oh my God!

    Bây giờ tôi hay nói Oh my God! vì thói quen “hay nói” . Tuy nhiên tôi nghĩ mình không phải tín đồ của thiên chúa giáo mà hay nói Oh my God! thì kỳ quá. Đáng lẽ mình theo đạo nào thì nói theo đạo đó mới đúng. Tôi theo đạo Khổng-Tử, vậy tôi phải sửa lại thay vì Oh my God! tôi phải nói là Oh my Khổng!

    Tiếp theo, tôi xin được phép kể câu chuyện thứ 2. Đó là vụ bị xe tông.

    Chiều hôm ấy đặc-biệt là một buổi chiều cũng có trời xanh mây trắng nắng hồng giống như ngày tôi đi rải giấy quảng cáo cắt cỏ vậy, tôi cùng với “người tình có chân dung” Mustang 75 “bị mất cắp” trước đó, đang chạy phom phom trên đại lộ Sherman way tiến về thị trấn Reseda để vào tiệm kính Viễn Đông lấy cặp kính về cho “con đầm già” (Danh từ anh em ở trong trại cải-tạo gọi để chỉ các bà vợ của mình vì một nắng hai sương bán buôn cực khổ nuôi con nuôi chồng, đợi chờ mòn mỏi nên các bà bị tháng năm làm cho già hết rồi).

    Khi vừa đến ngã tư Sherman Way và Louis, bỗng đâu người tình Mustang 75 của tôi trở chứng, rồi làm nũng. Không biết vì trục-trặc-kỹ-thuật gì trong lục phủ ngũ tạng mà nàng chạy tiếp. Bỗng nhìn kính chiếu hậu tôi thấy có một chiếc xe đang chạy thật nhanh về phía tôi. Chiếc xe bay tới ào ào như vũ bão. Tốc-độ của nó 45, 50 miles là ít. Nhìn kính chiếu hậu, thấy xe vẫn lao tới vùn-vụt, tôi thầm kêu trời ơi! Sao gần tới xe mình rồi mà nó không chậm lại. Thế rồi tôi nghe một tiếng rầm! Xe tôi đang chạy chầm-chậm bỗng nhiên bay tới phía trước khoảng 6 mét rồi rơi xuống nghe một tiếng rầm! Tôi gục đầu vào vô-lăng bất tỉnh.

    Khoảng 15 giây sau tôi tỉnh dậy liền mở dây seat belt ra, vặn trái cửa rồi bước ra khỏi xe. Một cảnh tượng “hoang-tàn đổ nát” hiện ra trước mắt tôi: “người tình” Mustang của tôi đầu quay về phía lề đường, đèn emergency vẫn còn nhấp-nháy nhưng cặp kính đèn đã vỡ nát, cửa bên phải nàng bị bể kính hết và bị lỏm vào trong không mở ra được, phía sau nàng dẹp lép như cái bánh tráng vì bị tông quá mạnh, cửa kính sau bị vỡ nát vụn, bình xăng bị bể nên xăng chảy ra tràn cả mặt đường.

    Tiến tới chiếc xe tông vào tôi, tôi thấy một thiếu nữ da trắng (nhưng có lẽ người Mễ thì đúng hơn là Mỹ, tôi đoán vậy) ngồi khóc hu-hu trong xe một mình, áo quần con nít đâu trong xe tung lên bừa bãi. Đầu xe của cô ta cũng bẹp dí như cái bánh tráng.

    Nhìn cô ta tôi nói:

    “Cô đi đâu mà lái xe nhanh như vậy há, há””

    Cô ta vừa khóc vừa trả lời:

    “Ông đi đâu mà lái xe chậm thế””

    Tôi nói lại:

    “Tôi đã bật đèn emergency rồi cô không thấy sao há, há””

    Nghe tôi nói vậy không biết sao cô ta không nói gì nữa, chỉ bước xuống xe tới lề đường ngồi phịch xuống khóc tiếp. Có lẽ vừa hư xe vừa chạy ẩu tông xe tôi nên cô ta sợ chăng”

    Có lẽ cư dân quanh đấy thấy tai nạn xảy ra có vẻ ghê gớm quá đã gọi điện thoại cho cảnh sát biết nên khoảng 7 phút sau tôi thấy xe cảnh sát đến . Sau khi làm thủ tục biên bản xong, cảnh sát bảo chúng tôi ký vào tờ biên bản của họ. Sau đó, họ bảo chúng tôi phải làm thế nào để “Tow” hai chiếc xe vất vào “bãi tha ma” gấp, nếu không sẽ còn cản trở sự lưu thông xe cộ.

    Tôi đang loay hoay chưa biết tính sao thì cảnh sát gọi điện thoại cho xe cần trục ở công ty nào đó đến kéo xe tôi rồi trao cho tôi một cái card và bảo rằng xe cần trục của công ty trong card này sẽ đến đây “tow” xe của tôi đi. Tôi nói với cảnh-sát:

    “Thế thì ai bồi thường chiếc xe hư của tôi đây” Chính người lái chiếc xe tông vào xe tôi có lỗi vì cô ta lái xe quá nhanh lúc đang chạy trong thành phố.”

    Viên Cảnh-sát trả lời:

    “Anh thuê luật-sư kiện cô ta ra tòa.”

    Trả lời xong cảnh sát leo lên xe lái đi mất dạng.

    Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ lúc đó tôi và cô kia cả hai đều không ai có bảo hiểm cả và đã khai với cảnh sát lúc họ làm biên bản rồi. Khoảng 10 phút sau, một chiếc xe cần trục đến câu “người tình” Mustang 75 của tôi đi vất vào nghĩa địa xe hơi.

    Sau khi đứng nghiêm chỉnh để tiễn đưa nàng về dưới suối vàng an nghỉ nghìn năm, lòng tôi buồn vời vợi vì kể từ nay, “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”!

    Vài ngày sau, tôi nhận được một cái “citation” phải ra tòa trình diện để nộp tiền phạt $170 dollars vì không có bảo hiểm. Tiếp theo đó, tôi phải ra DMV để làm việc thiện bất đắc dĩ tặng cho DMV $250 dollars để xin lại bằng lái xe nếu không sẽ bị cúp bằng một nghìn năm!

    Trong thời gian này, tôi nhận được một phần thưởng của DMV trao tặng: treo bằng 3 năm, riêng năm đầu chỉ được phép lái xe độc đạo từ nhà đến hãng và từ hãng đến nhà, nếu đi lộn đường cảnh-sát bắt được thì đừng có kêu trời ơi! đất hỡi! Tiếp nữa, tôi nhận được một cái Bill phải trả cho công ty “Tow” đã ân-ái mua một bó hoa vĩ-đại $70 (tiền “Tow” xe) để tiễn đưa người tình Mustang 75 của tôi ra nghĩa-địa an giấc ngàn thu! Tổng-cộng tất cả phí tổn từ tiền thuốc men chạy chữa, tiền cúng điếu hoa lá cành, tiền mua đất ở nghĩa địa, tiền chôn cất v.v… Cho người tình có chân dung MUSTANG đời 75 vị chi là $490 dollars.

    Không biết tình trạng cô da trắng kia như thế nào, chắc cũng giống tôi thôi vì không có bảo-hiểm, Lúc bấy giờ là 1994, hàng triệu người lái xe không có bảo hiểm. Chứ bây giờ theo luật mới, lái xe không có bảo hiểm bị phạt nặng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm, khi cả hai bên không có bảo hiểm, nên thông cảm mà tha cho nhau, rồi mạnh ai nấy chuồn.

    Cả hai bên vừa chạy trốn vừa ngâm hai câu thơ sau đây thì tuyệt diệu:

    “Liệu mà cao chạy xa bay

    Ái ân ta có ngần này mà thôi!”

    Chứ để cảnh sát tới nơi làm biên bản thì cả hai bên sẽ tan thành mây khói. May sao trong tai nạn này, tôi hoàn toàn vô sự có lẽ nhờ mang nịt an toàn nên “Con đầm già” cũng yên tâm.

    Tức quá, cơn giận Trương Phi nổi lên đùng đùng, tôi lấy tờ report của cảnh sát ra tìm số điện thoại của cô lái chiếc xe tông tôi rồi gọi cô ta ngay. Sau khi có tiếng trả lời đầu dây điện thoại, tôi nói ngay:

    “Tôi là người lái chiếc xe Mustang mà cô tông tôi tuần trước cô còn nhớ không””

    “Nhớ chứ!”

    “Cô phải bồi thường chiếc xe cho tôi chứ! Nếu không tôi sẽ gọi cô liên tục bất cứ lúc nào, 2 giờ sáng, 3 giờ chiều, 12 giờ khuya, 1 giờ trưa v.v…”

    Tôi nghe đầu giây trả lời:

    “Ông cứ gọi, cho ông gọi. Tôi sẵn sàng nghe ông gọi!”

    Oh My God! Oh My Khổng! Nó biết tôi không có bảo hiểm nên nó cũng liều luôn. Hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè nói rằng thành phần này ở bên Mỹ nhiều lắm. Vả lại “Người tình có chân dung” Mustang của tôi cũng quá cũ, mình lại không mua bảo hiểm nữa, bây giờ kiện cô ta ra tòa tốn tiền thuê luật sư phiền toái mà dân HO mới qua tiền đâu thuê luật sư. Đã thế cô ta lại tỏ ra liều mạng như vậy thì kiện làm gì cho mất công bỏ việc. Tuy nhiên trong lòng vẫn còn tức giận nên tôi thử tố lần nữa xem sao:

    “Tao sẽ thưa luật sư đưa mày ra tòa, OK?”

    Cô ta trả lời:

    “Tôi sẵn sàng ra tòa, ông cứ thuê luật sư đi!”

    Biết nó liều mạng rồi tôi nói với nó lần cuối bằng ba thứ tiếng chắc nó nghĩ rằng tôi chửi thề nó:

    –        OK! Tau thua mi! “Bonjour Tristesse”! (Buồn ơi! Chào mi!).

    North Hollywood, tháng 6- 2000      


    DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    Du Lịch Alaska.

    Để quý độc giả khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi đọc mục này, tôi chỉ trích những đoạn văn, những hình ảnh quan trọng có ý nghiã cho cuộc du lịch mà thôi. Vì thế cứ mỗi đoạn văn được trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Alaska”, tôi đều để ký hiệu ba chấm (. . .) như là để tiếp nối những đoạn văn khác.Vì tác phẩm “ Ký Sự Du Lịch Alaska” dày mấy trăm trang nên không thể đăng hết vào đây được. Mong quý độc giả thông cảm.

    Được biết Alaska là tiểu bang của Hoa Kỳ nằm về phía Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ. Biên giới phía Đông là thị trấn Yukon và tỉnh British Columbia nằm trong lãnh thổ Gia Nã Đại. Phía Bắc giáp Bắc Băng Dương, phía Tây và Nam giáp Thái Bình Dương. Alaska là tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ. Khoảng một nửa dân số (735.132 người) sống tại thành phố Anchorage. Thủ đô là Juneau. Kinh tế của Alaska chuyên về dầu lửa, hơi đốt và ngư nghiệp. Du lịch cũng chiếm một vị trí quan trọng cho nền kinh tế của tiểu bang này. Mặc dầu hằng ngàn năm trước đây, Alaska do thổ dân nơi đây làm chủ, nhưng từ thế kỷ thứ 18 trở về sau, các cường quốc Âu châu đến đây chiếm đóng để khai thác và buôn bán làm ăn. Hoa Kỳ đã mua Alaska của Đế quốc Nga vào ngày 30 tháng 3 năm 1867 với giá 7.2 triệu dollars, khoảng 2 cent một mẫu Anh ($4.74/km2). Nhiều cơ quan hành chánh đổi thay tại

    xứ này trước khi trở thành lãnh thổ chính thức vào ngày 11 tháng 5 năm 1912. Alaska chính thức được thừa nhận là tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 1 năm 1959. Một vài sự kiện đặc biệt tại Alaska là nhiều lúc trăng tròn đúng 12 giờ trưa, đúng ngọ. Có khi quá 30 ngày mặt trời không lặn, không có đêm. Tại Ketchikan, mưa quanh năm suốt tháng đúng 365 ngày, và lắm lúc mưa bụi trong nắng gọi là liquid sunshine. Ngoài ra lại có chuyện tuyết ngược nữa: gió thổi mạnh làm tuyết bay lên trời, đến nơi khác tuyết lại rơi xuống đất.

    Để độc giả biết thêm một vài chi tiết nữa về Alaska, tôi xin đăng bài sau đây của Dịch giả Phạm Khánh lấy từ trên mạng:

    “Tại sao Nga lại bán Miếng Đất Vàng Alaska cho Hoa Kỳ ?”

    “Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng: Mỹ đã ăn cướp Alaska từ Nga, hoặc chỉ mới thuê lãnh thổ này, mà đến một lúc nào đó sẽ trả lại. Tuy nhiên, sự thật là Nga đã bán Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD vào năm 1867.

    Tờ check được dùng để trả tiền mua Alaska,

    mang mệnh giá 7,2 triệu dollar Mỹ (Source upsieutoc.com)

    Có một điều nhiều người không hiểu là tại sao Nga lại bán miếng đất đầy vàng Alaska cho Mỹ?

    Tờ Russia Beyond the Headlines (RBTH) của Nga đã có một bài phân tích về sự kiện trên.

    * Alaska trước khi bán:

    Trong thế kỷ 19, Alaska của Nga là một Trung tâm thương mại thế giới. Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (nay là Sitka) của Alaska, các hoạt động giao dịch diễn ra rất nhộn nhịp với các mặt hàng như: vải Tàu Chệt, trà, và thậm chí là nước đá đông đặc, mặt hàng mà miền Nam nước Mỹ rất cần trước khi phát minh ra tủ lạnh. Ở đây cũng phát triển ngành đóng tàu, và có rất nhiều nhà máy, cũng như rất nhiều mỏ vàng. Do đó, việc bán vùng đất này được coi là một điều điên rồ.

    Các thương nhân Nga kéo tới Alaska để mua ngà hải mã (một loại ngà đắt tiền như ngà voi) và lông rái cá biển có giá trị từ người dân địa phương.

    Các giao dịch thương mại được kiểm soát bởi các Công ty Nga-Mỹ (RAC), do các nhà thám hiểm và doanh nhân Nga thành lập từ thế kỷ 18. Công ty này cũng kiểm soát tất cả các mỏ, và khoáng sản của Alaska. Nó có thể ký hiệp định thương mại với các nước khác một cách độc lập, có lá cờ, và tiền tệ riêng.

    Sa Hòang cấp cho công ty này những đặc quyền trên. Tuy nhiên, chính phủ không chỉ thu các khoản thuế lớn, mà còn làm chủ một phần lớn công ty này – Sa Hòang và các thành viên trong gia đình là cổ đông của RAC.

    Ông đã xây dựng trường học và các nhà máy, dạy dân địa phương cách trồng củ cải và khoai tây, xây dựng pháo đài, và nhà máy đóng tàu, mở rộng các hoạt động buôn bán rái cá biển. Ông yêu mến Alaska không chỉ vì nơi này giúp ông kiếm được nhiều tiền, mà còn bằng tình yêu thực sự nữa.

    Dưới sự lãnh đạo của Baranov, RAC có khoản doanh thu khổng lồ: hơn 1.000% lợi nhuận. Khi Baranov nghỉ hưu, và rời bỏ vị trí của mình, sĩ quan quân đội Hagemeister đã lên thay ông. Hagemeister đã tuyển thêm nhiều nhân viên, và cổ đông mới trong quân đội. Thay vì chú trọng đến việc điều hành và phát triển công ty, ông này lại tìm cách chiếm đoạt lợi nhuận kinh doanh, và chính những hành động đó đã hủy hoại RAC.

    * Lợi lộc bẩn thỉu:

    Ban lãnh đạo mới của công ty này đã tự cho mình mức lương khổng lồ, những nhân viên quản lý thông thường có thể kiếm tới 1.500 rúp mỗi năm (tương đương với mức lương của các Bộ trưởng và các Thượng nghị sĩ), trong khi người đứng đầu của công ty có mức lương tới 150.000 rúp. Họ mua lông thú từ người dân địa phương với giá chỉ bằng một nửa. Kết quả, trong 20 năm sau, người dân ở đây đã giết chết gần như tất cả các con rái cá biển, khiến cho ngành thương mại có lợi nhuận nhất của Alaska bị dập tắt.

    Trước tình hình đó, RAC bắt đầu tìm kiếm các nguồn thu nhập khác. Do đó việc buôn bán đá đông, và trà bắt đầu, nhưng những người lãnh đạo lại không đủ sức điều hành tốt công ty và cũng không bao giờ nghĩ đến việc giảm lương của chính mình. Kết quả, RAC đã phải nhận trợ cấp của nhà nước – 200.000 rúp mỗi năm. Nhưng cuối cùng công ty này cũng bị phá sản.

    Sau đó, Chiến tranh Crimea (1853-1856) nổ ra, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chống lại Nga. Với tình huống đó Nga không thể cung cấp cũng như bảo vệ Alaska, vì các tuyến đường biển ở đó đã bị kiểm soát bởi các tàu của quân đồng minh. Thậm chí cũng không thể khai thác vàng ỏ đây. Nga lo sợ rằng Alaska sẽ bị Anh cướp mất, và Nga sẽ chẳng được lợi lộc gì.

    Căng thẳng giữa Moscow, và London tăng lên, trong khi mối quan hệ với các nhà chức trách Mỹ đang êm ấm hơn bao giờ hết. Cả hai gần như cùng có ý tưởng mua bán Alaska.

    Vì vậy Baron Eduard de Stoeckl, phái viên của Nga tại Washington, đã thay mặt Sa Hoàng mở cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ William Seward.

    * Cờ Nga bị hạ xuống:

    Trong khi hai bên đang đàm phán, dư luận ở cả hai nước cùng phản đối thỏa thuận trên. Các phương tiện Nga tràn ngập những câu hỏi như: “Sao chúng ta có thể từ bỏ vùng đất mà chúng ta đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để phát triển, vùng đất đã có kết nối điện báo, và có nhiều vàng?”. Trong khi truyền thông Mỹ thì phẫn nộ: “Tại sao Mỹ cần vùng đất băng giá đó hả?”.

    Không chỉ có báo chí, Quốc hội Mỹ cũng không chấp thuận việc mua bán này. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những bất đồng đó, ngày 30/3/1867, tại Washington, hai bên đã ký thỏa thuận bán Alaska với diện tích 1,5 triệu ha cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD, một khoản tiền được cho là chỉ mang tính tượng trưng.

    alt Ở thời điểm đó, một vùng đất bình thường ở Siberia với diện tích tương tự có thể có giá gấp 1395 lần. Nhưng khi đang phải đối mặt với tình cảnh sẽ bị mất Alaska, mà không kiếm được đồng xu nào, thì có vẻ như việc chấp thuận thỏa thuận trên vẫn là một giải pháp tốt hơn nhiều đối với Nga.

    Việc bàn giao chính thức Alaska cho Mỹ được thực hiện ở Novoarkhangelsk. Những người lính Mỹ và Nga xếp hàng bên cạnh cột cờ, lá cờ Nga bị hạ xuống, và được đánh dấu bằng phát súng đại bác. Sau đó, người Mỹ đã đổi tên thủ phủ Novoarkhangelsk thành Sitka. Hàng trăm người Nga quyết định không lấy quốc tịch Mỹ, đã phải đi khỏi khu vực này bằng tàu buôn.

    Một thời gian ngắn trôi qua, vàng đã bắt đầu được khai thác. Các cơn sốt vàng bắt đầu nổi lên ở Alaska, giúp người Mỹ kiếm được hàng trăm triệu USD”.

    (Phạm Khánh dịch)

    ……Bước ra khỏi phòng Art Gallery là đến phòng trà ngay. Phòng này tương đối đẹp mắt, lãng

    mạn đầy nghệ sĩ tính. Một màn ảnh thật lớn trong phòng để máy chiếu khuếch đại hình ảnh của các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu nằm trước mặt.Tại đây ban nhạc của du thuyền trình diễn thường xuyên cho du khách đến thưởng thức. Cũng như nhiều show hài hước hay trò chơi cho các trẻ nhỏ để giải trí cho du khách từng giờ.

    Một cầu thang bằng nhôm đã được thiết lập từ phòng nghe nhạc lên tầng trên, để du khách nào

    muốn lên ngồi nghe nhạc trên ấy thì cứ tự nhiên như người Hà nội, với những chậu cây hoa lá cành thật thơ mộng nằm cuối cầu thang. Nhiều cặp tình nhân du khách trẻ tuổi đến đây thấy phòng này có vẻ ấm cúng và lãng mạn nên ngồi nghe nhạc suốt ngà. Họ

    thường ngồi ở tầng trên để vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe nhạc cổ điển Tây phương của Mozart,

    Strauss, Chopin, Bethoveen, Tchaikovsky v.v…, vừa nhìn sóng biển đang xô đuổi nhau giữa lòng đại dương dưới ánh nắng vàng. Lắm lúc có nhiều trò chơi tiêu khiển dành cho giới trẻ, hay hai nhân viên thuộc ngành hoả đầu vụ biểu diễn trên sân khấu làm cho du khách ngồi uống cà phê nơi đây được nhiều phen cười đùa thoả thích. Nhiều lần khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt vang dội cả một góc du thuyền. Nhiều du khách khoái chí kêu bia hay rượu uống thay vì gọi cà phê khi thấy hai nhân vật đóng kịch quá hấp dẫn và tài tình.

    Sau khi rời phòng trà để đến những địa điểm giải trí khác, vừa đi khoảng một phút, tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy một cô gái ngồi uống cà phê chỉ một mình thôi giống hệt như chiều hôm qua, khi đi ngang qua đây, tôi cũng thấy cô ta chỉ ngồi một mình.

    Đi du lịch mà thơ thẩn một mình chắc phải có uẩn khúc gì đây về cuộc sống chăng? Hay vì tuyệt vọng về chuyện tình yêu đôi lứa?

    Nói đến tình tuyệt vọng, tôi bỗng nhớ đến bài thơ “Sonnet” của thi sĩ nổi tiếng người Pháp là Alexis Félix Arvers, sinh năm 1805, qua đời năm1850. Ông có xuất bản tập thơ “Mes heures perdues” nhưng ít người biết đến. Thi sĩ Alexis Félix Arvers chỉ nổi tiếng nhờ bài thơ “Sonnet” mà thôi. Nhờ cảm hứng thình lình mà ông ta đã sáng tác nên bài thơ này.

    Thấy cô gái kia buồn bã ngồi nhìn ra biển cả bao la, tôi như cảm thông được chuyện tình buồn vời vợi của nàng, nên vừa đi vừa đọc bài thơ “Sonnet” của thi sĩ Alex Félix Arvers đầy cay đắng, ngậm ngùi. 

    S O N N E T

    Mon âme a son secret, ma vie a son mystère,
    Un amour éternel en un moment conçu.
    Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
    Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

    Hélas ! J’aurais passé près d’elle inaperçu,
    Toujours à ses côtés et pourtant solitaire.
    Et j’aurais jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
    N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

    Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
    Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
    Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.

    A l’austère devoir pieusement fidèle,
    Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle:
    -“Quelle est donc cette femme?” et ne comprendra pas.

                                                                                                                                                                              Alexis Félix Arvers

    TÌNH TUYỆT VỌNG

    Lòng ta chôn một khối tình,
    Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
    Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
    Mà người gieo thảm như hầu không hay.

     
    Hỡi ơi ! Người đó ta đây,
    Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
    Dẫu ta đi trọn đường trần,
    Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi.

     
    Người dù ngọc nói hoa cười,
    Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
    Đường đời lặng lẽ bước tiên,
    Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

     
    Một niềm tiết liệt đoan trinh,
    Xem thơ nào biết có mình ở trong.
    Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng :
    -“Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?”


                                     Khái Hưng dịch

    ———————————————————-

    ……..Sau khoảng 30 phút băng qua rừng thưa và nghe cô Teresa giải thích sự hình thành và phát triển của một số loài thảo mộc đặc biệt, đoàn chúng tôi đã đến ven biển nên cô hướng dẫn viên cho đoàn dừng lại. Tại đây, cô Teresa chỉ cho chúng tôi thấy dãy núi bên kia eo biển bị tuyết phủ ngập thường xuyên quanh năm suốt tháng.

    Dưới biển nổi trên mặt nước là những khối băng nho nhỏ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt suốt tháng quanh năm và chỉ tan ra khi trời nắng gắt mà thôi. Thấy một khối băng nho nhỏ nằm ngay sát bờ, chúng tôi liền cầm lên quan sát rồi thay nhau chụp hình làm kỷ niệm, bởi mấy khi lên được xứ lạnh cóng triền miên ở tận vùng Bắc cực nầy.

    Cô Teresa cho biết mẩu băng này nằm trơ gan cùng tuế nguyệt giữa đại dương đã 200 năm.

    Sau thời gian băng rừng để nhìn tuyết phủ trên núi, chúng tôi liền theo hướng dẫn viên Teresa băng qua một con đường mòn trong rừng để ra lại bến xe buýt hồi nãy.

    Tại đây, sau khi điểm danh lại số khách du lịch của đoàn chúng tôi, cô Teresa bảo mọi người lên xe và tài xế lái xe trực chỉ đến bờ biển để lên tàu nhỏ ra khơi xem cá voi theo chương trình đã vạch sẵn.

    Khi xe buýt dừng lại, chúng tôi được hướng dẫn đi băng qua một chiếc cầu tương đối ngắn và nhỏ để đến bến tàu.

    Đến bờ biển được khoảng mười lăm phút thì cô Teresa đã liên lạc được ca-nô.

    Thế là chúng tôi nhảy ngay lên ca-nô nho nhỏ và ông tài công cho nổ máy rồi khởi hành ra biển ngay.

    Tàu chạy với tốc độ nhanh làm cho sóng biển rẽ thành hai đường thật đẹp mắt. Trên tàu có một cửa kính được mở ra nên khi có cơn gió thổi mạnh nước biển theo gió tạt vào trong tàu làm ướt áo vài du khách ngồi xem sóng biển. Cô Teresa đứng ngay bên người tài công, vừa nhìn du khách, vừa giải thích và trình bày về địa điểm cũng như thời gian cá voi xuất hiện cho du khách biết. Lại chỉ có một du khách nho nhỏ có đầu óc thích tìm tòi, học hỏi và đam mê những điều mới lạ, nhất là bầy cá voi đang quậy trước cảnh đại dương bao la bát ngát, nên đã liên miên hỏi hướng dẫn viên Teresa về những điều cậu ta muốn biết. Đó là cậu David Châu, 8 tuổi, du khách đã chất vấn cô ta trong rừng thưa mấy giờ trước đây cả đoàn ai cũng biết. Dĩ nhiên cô Teresa cảm thấy rất thích thú khi có người nêu câu hỏ

    Vì thế cô ta nhất định làm vừa lòng cậu du khách nho nhỏ này bằng cách từ từ trả lời những câu hỏi của cậu David Châu để làm cho cậu ta thoả mãn. Một du khác người ngoại quốc ngồi bên tôi khi thấy cậu nho nhỏ này cứ hỏi cô Teresa mãi cũng có vẻ thích thú nên nhìn tôi mỉm miệng cười hoài. Bỗng mọi người trên ca-nô la lên rồi chồm về mạn tàu bên phải để nhìn khi thấy mấy con cá voi nhảy lên trên không, lượn vòng đùa giỡn rồi lặn chìm lại xuống biển. Nhìn mấy con cá voi đang đùa giỡn trong nắng giữa biển cả bao la, tôi chợt nhớ đến một bài thơ mang tựa đề “What Whales and Infants Know” của Thi Sĩ Kim Cornwall sáng tác năm 2012:

    What Whales and Infants Know (Kim Cornwall)                                                                                                                                          

    A beluga rising from the ocean’s muddy depths
    reshapes its head to make a sound or take a breath.

    I want to come at air and light like this,
    to make my heart
    a white arc above the muck of certain days,
    and from silence and strange air

    send a song

    to breach the surface
    where what we most need lives.

    Tạm dịch:

        Cá voi mẹ và con

    Một con cá voi

    nhô đầu lên từ lòng đại dương

    tạo lại hình dáng của chiếc đầu

    rồi phát thành tiếng kêu

    hay là đang thở.

    Tôi muốn đến giữa lòng đại dương

    đầy ánh sáng như thế này,

    để cho tâm hồn mình

    được uốn lượn

    thành hình cung màu trắng

    một vài ngày,

    từ sự tĩnh lặng

    và bầu không khí lạ thường

    gởi một bản tình ca

    làm rối bời

    khuôn mặt đại dương

    Nơi đây chúng ta cần sự sống.

    Tung tăng trên mặt nước, khi thì chúng đùa giỡn bên phải, khi thì chúng giỡn đùa bên trái. Tùy theo vị trí cá voi xuất hiện, người tài công cho tàu quay qua quay lại để du khách nhìn được dễ dàng. Vì tàu quay qua, quay lại, quay tới quay lui nên bị chóng mặt rồi say sóng vì chưa bao giờ đi biển cũng như tuổi còn quá nhỏ dại nên cậu David Châu, người thường xuyên làm cho cô Teresa có việc làm, đã phải đến nằm kê đầu vào bố nình vì cảm thấy buồn nôn.

    Du khách trên tàu vẫn mỏi mắt nhìn ra khơi. Nếu người nào thấy cá voi xuất hiện ở đằng xa thì chỉ tay cho mọi người trên tàu cùng xem. Bỗng tàu di chuyển qua lại gần mấy thùng màu đỏ làm mốc định vị cho tàu bè đi ngang qua biết, chúng tôi thấy hai con cá voi đang nằm trên mấy thùng màu đỏ đó thật vui mắt.

    Sau hơn một tiếng đồng hồ nhìn mấy con cá voi đùa giỡn trên biển, hướng dẫn viên Teresa báo cho ông tài công đã đến lúc rời địa điểm để trở lại du thuyền Norwegian Pearl dùng cơm trưa.

    Cũng như thường lệ, mỗi lần dùng điểm tâm hay cơm trưa, tối, chúng tôi thường lên tầng 12 theo thói quen, ít khi đi địa điểm khác. Cứ mỗi lần du khách bước vào phòng ăn là có nhân viên của du thuyền đứng chờ sẵn trước cửa để xịt thuốc (alcohol) vào tay du khách hay trao một miếng giấy ẩm ướt cho du khách lau tay để khử trùng. Trưa ấy tôi tách khỏi gia đình để đi trước lên phòng ăn. Khi vừa bước vào phòng, tôi thấy một thanh niên đang đứng đánh đàn guitare ngay cửa ra vào để đón chào du khách vào dùng cơm trưa.

    Chàng ta vừa đàn vừa hát, bên cạnh là một nữ nhân viên đứng cầm bình xịt alcohol để khử trùng hai bàn tay cho du khách.

    Một du khách đang vỗ tay bên cạnh chàng guitarist Nhìn chàng thanh niên vừa đàn vừa hát làm cho một du khách vốn là một nghệ sĩ, cảm thấy hân hoan trong lòng nên anh du khách này liền mượn cây đàn guitare và cũng đứng ngay cửa ra vào, rồi vừa đàn vừa hát bản nhạc “ L’amour c’est pourrien” của Enrico Macias cho các du khách khác trên du thuyền Norwegian Pearl vào dùng cơm trưa nghe.

    Một du khách mượn đàn để vừa đàn vừa hát bản nhạc L’amour, C’est pour rien.

       
    Một du khách mượn đànđể đàn bản nhạst pour rien   
    Một du khách mượn đànđể đàn bản nhạc“L’amour c’est pour rien”   

    L’amour c’est pour rien(Enrico Macias)

    Comme une salamandre, l’amour est merveilleux
    Et renait de ses cendres comme l’oiseau de feu,
    nul ne peut le contraindre
    Pour lui donner la vie.
    et rien ne peut l’eteindre                                
    Sinon l’eau de l’oubli.
    L’amour, c’est pour rien.
    Tu ne peux pas le vendre.
    L’amour, c’est pour rien.
    Tu ne peux l’acheter.
    Quand ton corps se revelille,
    Tu te mets a trembler.
    Mais si ton coeur s’eveille,
    Tu te mets a rever.
    Tu reves d’un echange avec un autre aveu,
    Car ces frissons etranges
    Ne vivent que par deux.
    L’amour, c’est pour rien.
    Tu ne peux pas le vendre.
    L’amour, c’est pour rien.
    Tu ne peux l’acheter.
    L’amour, c’est l’esperance,
    Sans raison et sans loi.
    L’amour comme la chance
    Ne se merite pas.
    Il y a sur terre un etre
    Qui t’aime a la folie,
    Sans meme te reconnaitre
    Pret a donner sa vie.
    L’amour, c’est pour rien.
    Tu ne peux pas le prendre.
    L’amour, c’est pour rien.
    Mais tu peux le doner.
    L’amour, c’est pour rien.
    L’amour, c’est pour rien.

    Tình cho không biếu không  (Phạm Duy)

         

    Ngon như là trái táo chín
    Thơm như vườn hoa kín
    Mong manh như dây tơ chìm
    Nhẹ êm như là mây tím.

    Tình là rất cao mù khơi
    Tình là thấp như biển vơi
    Tình tỏa khắp, khắp cuộc đời
    Đi bao la khắp nơi nơi…

    Tình cho không, biếu không
    Ân tình ai cũng cho được nhiều.
    Tình cho không, biếu không
    Chớ nên mua bán tình yêu.

    Khi em mơ niềm yêu dấu
    Em run như là tơ liễu
    Khi con tim em xoay động
    Và tình yêu vừa lên tiếng

    Tình cần có hai lời ca
    Tình là bãi khô cần mưa
    Diều chờ gió dong ngoài trời
    Đêm khuya mong sáng yên vui.

    Ta yêu nhau là mong nhớ
    Không băn khoăn hoặc suy nghĩ
    Như say mê như hi vọng
    Tình yêu như là may mắn.
    Tình là mắt ta vừa che
    Tình là biết yêu người xa
    Người tình vẫn nhớ mong dù
    Ta không quen biết bao giờ.

    Tình cho không không thiếu
    Không bán mua tình yêu!

    Sáng ngày 20 tháng 6 năm 2015, như thường lệ, chúng tôi đến phòng điểm tâm để ăn sáng. Hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc du ngoạn nên chúng tôi đành phải từ giả Alaska để trở lại “quê nhà” ở California. Thế nên chúng tôi chẳng có gì phải bận rộn như những ngày qua, vì phải vội vàng theo chân các hướng dẫn viên để đi xem danh lam thắng cảnh. Lúc còi tàu hú vang rền và nhổ neo rồi lướt sóng đại dương để về bến cảng Seattle, chúng tôi ngồi nhìn phố xá của Alaska mà lòng buồn vời vợi, vì phải xa cách xứ sở của băng hà tuyết trắng, của sóng biển dạt dào giữa đại dương bao la bát ngát mà mới hôm qua đây, chúng tôi đã ngụp lặn và đắm chìm trong hạnh phúc và tràn đầy niềm vui của mấy ngày du ngoạn tại Alaska, và trên du thuyền Norwegian Pearl ở tận cực Bắc của địa cầu. Ngồi dùng điểm tâm sát bên cửa kính trên du thuyền, tôi đưa tay vẫy chào lần cuối bến cảng ở Alaska và thấy bến cảng xa dần, xa dần rồi mất hẳn ở tận chân trời đầy tuyết trắng.

    Hình chụp từ trên du thuyền lúc tàu nhổ neo rời bến cảng

    Lúc chiếc du thuyền ra giữa đại dương tràn ngập ánh bình minh đẹp tuyệt trần, tôi vẫn còn nhìn về phía chân trời xa vời vợi, nơi có dãy băng hà phủ cả một góc trời suốt tháng quanh năm và mãi mãi trơ gan cùng tuế nguyệt.

    Bất giác tôi ngâm bài thơ “Alaska Trắng” của Thi Sĩ Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang đăng trong bài “Mười Điều Về Alaska, Đất, Mặt Trời Nửa Đêm”của chính tác giả, như để tiếc nuối thời gian du ngoạn quá ngắn ngủi ở xứ tuyết trắng băng hà nầy.

    ALASKA TRẮNG

    Yêu em trắng dải băng hà,

    Trắng từ thiên cổ, trắng già muôn năm.

    Yêu em trăng ngọ (1) rất rằm,

    Muôn đom đóm tuyết (2) chỗ nằm đùa chơi.

    Bắc quang nhẩy múa rạng ngời (3),

    Hoàng hôn khuya tím, mặt trời nửa đêm (4).

    Yêu em. Gió cứng. Bão mềm,

    Sương treo. Nắng lỏng (5). Mây chìm. Khói hoang.

    Yêu em. Tuyết ngược. Mưa ngang (6).

    Bỏ thôi, hạ giới (7), nhân gian hồ đồ.

    Đời ta trắng Eskimo,

    Nghìn thu trang sử cột-thờ-totem (8).

    Bao la riêng của anh, em.

    * Ghi Chú (của Thi Sĩ Nguyễn Xuân Quang)

    (1) Trăng ngọ: ở Alaska có ngày trăng tròn như trăng rằm còn thấy vào lúc đúng ngọ, giữa trưa.

    (2) Những tinh thể tuyết lóng lánh như muôn ngàn đom đóm tuyết bay lượn.

    (3) Bắc quang là áng sáng Bắc  (aurora borealis, Northern lights)

    (4) Ở Alaska có khi quá nửa đêm mặt trời mới lặn. Có chỗ có khi hơn ba mươi ngày mặt trời không lặn, không có đêm, lúc đó một ngày ở đó dài hơn ba mươi ngày «hạ giới».

    (5) Nắng lỏng:ở Ketchikan một năm gần 360 ngày mưa,  có năm độ mưa lên tới 3.900 mm. Mưa bụi hay giọt bụi nắng, mưa trong nắng gọi là ‘liquid sunshine’.

    (6) Tuyết ngược: gió hất tung tuyết từ mặt đất lên trời mang đi chỗ khác rơi xuống thành tuyết ngược.

    Mưa ngang: gió trên Bắc Cực thổi tạt ngang bưng những trận mưa từ phương xa lại tạo thành những trận mưa ngang.

    (7) Dân Alaska gọi những người Mỹ ở 48 tiểu bang phía dưới là «dân 48 miệt dưới» (lower 48), hạ giới.

    (8) Cột thờ totem có một khuôn mặt dùng ghi lại lịch sử, truyền thuyết, tình sử…

    (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Alaska” xuất bản năm 2015).

     Dương viết Điền

  • Dương Viết Điền,  KÝ SỰ

    II -Du Lịch Bahamas

    …Đến chiều tối sau khi tranh thủ thời gian để di thăm viếng những nơi có danh lam thắng cảnh, hay những kỳ tích lịch sử của xứ đảo thần tiên nầy, chúng tôi liền vào phòng ăn để dùng cơm tối như chiều qua rồi về khách sạn nghỉ ngơi.

    Sáng hôm sau, chỉ còn một ngày phù du trên thiên đàng nữa nên chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đúng như ngày hôm qua. Kéo đến phòng ăn để dùng điểm tâm đã rồi mọi việc sẽ tính sau.

    Vì trên xứ Đào Nguyên nầy chỉ ăn hai bữa chính: sáng và tối. Thế nên nhiều du khách dùng điểm tâm như bữa ăn chính luôn để trưa khỏi phải ăn, đợi cơm tối ăn luôn. Vì vậy sau khi dùng một ly cà phê sữa và một miếng bánh ngọt, tôi lại ăn thêm một miếng beefsteak, vài lát cà chua và hai lát bánh mì nữa cho trọn phần cơm trưa; lấy cớ thịt beefsteak ở trên thiên đàng sao mà nó mềm và ngon hơn thịt ở hạ giới!

    Không biết có phải thượng đế trên thiên đàng này đã mời ba người Việt Nam vừa trúng giải quán quân quốc tế “Chef de Cuisine” là các cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh ái nữ của anh chị Lê Văn Khoa và Ngọc Hà vừa thắng giải Cooking Champion và $10,000 tiền thưởng trong cuộc thi nấu ăn trong chương trình Chopped của Food Network trên truyền hình Hoa Kỳ, phát hình lúc 8 và 10 giờ tối Thứ Ba 16-4-2013 vừa qua, và  hai cô Luke Nguyễn (Úc Châu), Christine Hà (Master Chef) lên chỉ huy và hướng dẫn mấy cô cậu hoả đầu vụ trên “Atlantic, the Paradise Island” này hay không mà món nào món nấy đều ngon tuyệt cú mèo cả!

    Các du khách từ người Pháp, người Đức, người Anh, người Ý, người Đại Hàn, người Ả Rập, người Ấn Độ, người Tầu, người Mễ Tây Cơ v.v… đều ca ngợi vô cùng.

    Cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh, ái nữ của nhạc sĩ  Lê Văn Khoa và chị  Ngọc Hà.

    Sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi lại lên đường để tiếp tục cuộc hành trình săn lùng những cảnh đẹp của xứ thần tiên, nơi có nhiều huyền thoại vang bóng một thời khi Bahamas đang còn là thuộc địa của đế quốc Anh với câu nói bất hủ đã đi vào lịch sử thuôc địa: Đế quốc Anh, mặt trời không bao giờ lặn!.

    Đang đi trên đường bỗng thấy con cá đối đang bơi dưới suối thật là đẹp mắt, tôi lấy camera ra chụp ngay vài hình.

    Cứ mỗi lần đến một địa điểm khác, nhân viên trực an ninh của địa điểm đó bắt chúng tôi đeo vào tay một vòng tròn, khác với màu sắc của vòng tròn cũ. Biểu tượng này coi như là giấy phép được đi thăm viếng trong địa điểm mới vậy thôi. Sau đó chúng tôi có thể tự do đi ngắm cảnh hay xuống hồ bơi tùy thích.

    Vì chúng tôi chỉ lấy vé vào thăm đảo NASSAU có ba ngày thôi nên còn rất nhiều kỳ hoa dị thảo, cũng như những lâu đài tráng lệ nguy nga, những nơi phồn hoa đô hội của xứ bồng lai tiên cảnh này chúng tôi chưa đến thăm được, đành phải ra về vì đi du lịch cũng đã lâu rồi. Thế rồi khi thấy trời đã về chiều, chúng tôi liền đi lui lại để vào trung tâm Marketplace dùng cơm tối. Sau đó cả gia đình kéo nhau đi một vòng dưới ánh sáng chan hòa của đèn điện đủ màu sắc về đêm, để thưởng lãm những bức tượng, những hình ảnh thuộc về lịch sử của quần đảo Bahamas. Chúng tôi cũng đi ngang qua phòng ngồi uống cà phê Starbucks, ghé đến xem các sòng bài ở casino, nơi các du khách vào đây để giải trí, cũng là nơi các tay triệu phú và những người nghiện cờ bạc đốt tiền như đốt giấy vàng bạc.

    Chụp hình để làm vua một phút

    Lúc đi ngang qua một phòng thấy rất nhiều người vây quanh một chiếc ghế màu vàng đặt trên cao như ghế của vua chúa ngày xưa, tôi liền đến gần để xem. Thì ra có lẽ đây là chiếc ngai vàng của một ông vua nào đó đã trị vì trên quần đảo Bahamas này trong thế kỷ trước. Thấy nhiều người thay phiên nhau lên ngồi trên ghế chụp hình để làm kỷ niệm, tôi cũng leo lên ngồi rồi nhờ người ta chụp một hình để kỷ niệm một phút làm vua trên thiên đàng; dù đây chỉ là thiên đàng của NASSAU, một đảo lớn trong mấy nghìn đảo của quần đảo Bahamas.

    Sau khi đi vòng vo tam quốc trong ROYAL TOWER khoảng hai giờ thì trời đã về khuya, chúng tôi liền về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên đường bay về Miami.

    Sáng hôm sau vừa thức giấc, bà xã tôi mở cửa ra thì thấy mấy tờ giấy nằm trước cửa. Lấy lên đọc thì thấy bản tin thứ nhất là tờ hoá đơn tính tiền, bản tin thứ hai là những lời cám ơn du khách đã quyết định

    chọn Atlantic, the Paradise Island, là nơi để đến du lịch. Cuối cùng là xin hẹn gặp nhau lại tại thiên đàng này trong tương lai!

          Theo chương trình chúng tôi đã vạch sẵn, sau khi dùng điểm tâm xong, gia đình chúng tôi mang hành lý rời khách sạn ra phòng làm thủ tục để lên xe buýt vào phi trường. Trong lúc ngồi chờ đợi gia đình con gái tôi làm thủ tục, tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế ở gần cổng ra vào. Bỗng có một bà người gốc Phi Châu thân hình mập ú, đến ngồi nghỉ bên cạnh tôi. Tôi liền cất tiếng chào bà ta. Bà ta cũng chào lại để đáp lễ. Để đánh tan bầu không khí im lặng, tôi liền hỏi bà ta:

    – Thưa Bà, Bà làm việc trên thiên đàng này phải không?

    Bà ta vừa nhìn tôi vừa cười:

    – Ở đây là thiên đàng?

    Tôi trả lời ngay:

    – Thì đây là thiên đàng chứ còn gì nữa! Bằng chứng là trên tấm bảng thật to trong phòng kia cũng như trên các poster quảng cáo đều có chữ PARADISE. Bà thấy trên hình quảng cáo đằng kia kìa: Atlantic, the Paradise Island!!

    Nghe tôi nói như vậy bà ta cười hì hì hì hì thật to. Đợi cho bà ta cười xong tôi liền nói:

    – Công nhận thiên đường này đẹp thật. Tôi muốn trở lại thăm lần thứ hai mà không được. Tiếc quá!

    Bà ta hỏi ngay:

    – Tại sao vậy, thưa ông?

    Tôi trả lời ngay:

    – Thì bà cũng biết đấy, khi người nào chết, Chúa chỉ cho người đó lên thiên đàng một lần thôi! Thế nên làm sao tôi có thể trở lại thiên đường nầy lần thứ hai được!

    Tôi vừa nói xong bà ta lại cười hi hi hi hi có vẻ khoái chí vì câu nói hài hước vừa rồi của tôi.

    Cuộc đối thoại giữa tôi và người đẹp mập ú gốc Phi Châu vừa dứt thì gia đình tôi gọi lên xe buýt. Thế là lên xứ Đào Nguyên mấy ngày khi giã từ Bồng Lai Tiên Cảnh để bay về lại hạ giới, mấy nàng tiên của Lưu Nguyễn ngày xưa đâu không thấy, lại thấy một nàng tiên gốc Phi Châu mập ú ngồi trên thiên đàng đang vẫy tay chào vĩnh biệt ta! Thôi thế cũng được, miễn sao có Nàng Tiên vẫy tay chào là quý lắm rồi! Được sinh ra rồi sống cho trọn một kiếp người dễ gì gặp được Tiên!

    Để đáp lại nụ cười giã từ của Nàng Tiên da đen mập ú, tôi vừa vẫy tay chào từ biệt nàng vừa hát mấy câu trong bản nhạc của nhạc sĩ nào đó tôi đã quên tên mất:

    “Yêu nhau, cho nhau nụ cười!

    Thương nhau cho nhau một lời.

    Một lời thôi vĩnh biệt!

    Một lời thôi xa nhau!”

    Nhưng rồi thấy nàng tiên lại đứng lên vẫy tay mỗi lúc một mạnh hơn. Xúc động quá tôi liền hát mấy câu cuối trong bài “Vĩnh Biệt” của Nhạc Sĩ Lam Phương để từ biệt nàng:

    Thôi kiếp sau gặp nhau
    Giờ đã muộn màng
    Chỉ biết lỡ làng … !!!

    Lúc xe buýt sắp chuyển bánh để lên phi trường, chợt nhớ cái ba lô nhỏ đựng máy quay phim, máy ảnh trên lưng tôi đâu mất rồi. Thế là cậu Quang và tôi liền xuống xe gấp để lấy ba lô lên. Vì trong lúc chờ xe buýt, tôi để cái ba lô nhỏ đó ở góc tường nơi chỗ tôi và cậu Quang đứng chuyện trò hồi nãy. Sau khi chạy vòng vo tam quốc gần bốn mươi phút thì xe buýt đến phi trường. Chúng tôi vào trong phòng làm thủ tục hải quan để lên máy bay về Miami. Vì NASSAU, thủ đô của quần đảo Bahamas, không phải là lãnh thổ của Hoa Kỳ nên thủ tục hải quan ở đây được thực thi rất kỹ lưỡng trước khi về lại Hoa Kỳ. Như thường lệ, gia đình tôi cũng đã làm thủ tục hải quan tại phi trường nầy không có gì trở ngại. Riêng cá nhân tôi, vì hôm nay là ngày trở về nên tôi nghĩ rằng, có thể nằm hay ngồi lê lết tại phi trường hay khách sạn, để chờ xe buýt hay máy bay nên mặc áo quần gì cũng được. Vì vậy trong số 5 cái quần dài mang theo, tôi lấy đại cái quần kaki và cái áo ca rô màu xanh đỏ tím vàng mặc vào. Đầu tôi đội thêm cái mũ lưỡi trai màu đen nữa, chân mang giày.

    Sau khi tôi bỏ tất cả giày, bóp đựng giấy tờ căn cước, tiền bạc, nón lưỡi trai, nịt, cell-phone vào một cái khay rồi để trên bàn cho chạy qua máy, mọi việc đều êm xuôi. Bỗng anh chàng an ninh phi trường da đen đứng gần tôi bảo tôi đứng riêng một bên để kiểm soát. Không biết vì thấy tôi bề ngoài bận áo quần như thế nó có tưởng tôi là hải tặc từ Caribean đến không. Nằm bơi giữa nắng mấy năm liên tục để chữa bệnh đau lưng nên nước da đã ngâm đen; giờ đây đi tắm biển giữa nắng gần 12 ngày nữa nên nước da càng đen thêm. Đã thế vì chúng tôi còn đi từ hướng Caribean về nên không biết thấy tôi bận áo quần như vậy nó có nghi tôi là hải tặc từ Caribean đến hay không mà chàng an ninh nhất định phải kiểm soát trên người tôi một lần nữa!

    Tên “hải tặc” (áo ca-rô, quần kaki) về từ hướng Caribean, đang ngồi chờ xe buýt đến chở vào phi trường NASSAU để bay qua Miami. Bên cạnh là du khách thăm viếng Atlantis, Paradise Island, Bahamas.

    Khi tôi đứng riêng ra rồi nó bảo:

    – Hands up.

    Tôi liền giơ tay lên cao. Khi tôi đưa tay lên cao thì cái quần kaki của tôi rơi xuống đất vì nó rộng quá và không đeo nịt vì tôi đã lấy nịt bỏ trên khay cho chạy vào máy để kiểm soát rồi! Sở dĩ tôi mua rộng quá mà không sửa vì khi mang nịt vào thắt lại, cũng vừa thôi. Vì quần rơi xuống đất nên tôi phải bỏ hai tay xuống chụp nhanh lưng quần lại để quần khỏi rơi xuống. Khi thấy tôi bỏ hai tay xuống chụp lưng quần, nhân viên an ninh da đen kia lại nói:

    – Hands up!

    Tôi liền đưa tay lên đầu hàng (hands up) lại thì quần tôi lại rơi xuống nữa! Vì thấy quần rơi xuống tôi lại phải bỏ tay xuống chụp quần lại để kéo lên! Thấy tôi không chịu đưa tay lên cao mà cứ bỏ tay xuống nữa nó lại nói lớn:

    – Please hands up!

    Tôi nghĩ bụng, nếu tình trạng cái quần này kéo lên rồi rớt xuống, rồi lại kéo lên rồi rớt xuống nữa cứ tiếp tục hoài thì mệt quá. Vì vậy tôi quyết định đứng chàng hảng hai chân, giang hai chân ra thêm cho thật rộng thì cái quần dài chỉ rơi ngang bắp vế sẽ bị giữ lại thôi khỏi phải rơi xuống dưới xa! Vì anh chàng an ninh da đen này đã ra lệnh 3 lần rồi, tôi nghĩ sự bất quá tam, nên để quần liều như thế cũng được rồi, không thì mệt với nó. Cuối cùng đứng trong tư thế hai chân chàng hảng như vậy là yên chí lớn rồi, nên tôi vừa đưa tay lên cao vừa nói với anh chàng nhân viên kiểm soát da đen kia:

    – OK. Tau đầu hàng mày rồi (hands up), mầy muốn làm gì thì làm!

    Thế là chàng ta cầm một chiếc máy nho nhỏ hình chữ nhật bắt đầu đưa sát vào ngực áo tôi rồi rà từ từ trên ngực xuống bụng. Khi ngang “vùng cấm địa”, không biết nghi ngờ cái gì mà chàng ta rà chầm chậm chầm chậm khiến tôi bật cười làm cái quần suýt rơi xuống đất nữa! Sau đó chàng ta ra phía sau lưng rà từ trên xuống dưới. Khi thấy chàng rà xong rồi tôi liền hỏi:

    – OK. Sir?

     Chàng ta vừa trả lời OK xong thì tôi bay đến cái khay lấy nịt mang vào thắt lưng quần ngay! Đúng là kêu trời không thấu!

    Sau khi làm thủ tục hải quan tại phi trường NASSAU xong, chúng tôi vào phòng đợi để chuẩn bị lên máy bay về Miami. Ngồi chờ khoảng một giờ thì có lệnh lên máy bay. Đúng 2giờ chiều ngày 11 tháng 4 năm 2013, máy bay bắt đầu cất cánh tại phi trường NASSAU, thủ đô của quần đảo Bamahas, nhắm hướng phi trường Miami của tiểu bang Florida trực chỉ.

    Ngồi trên máy bay nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đảo NASSAU, được mệnh danh là thiên đàng của hạ giới, The Paradise Island, đang nổi bật dưới ánh nắng chiều tà thật đẹp mắt. Lúc máy bay bay hơi nghiêng về phía bên phải, tôi thấy tháp ROYAL TOWERS phản chiếu ánh nắng chiều đang đứng sừng sững dưới trời cao, quyện lấy nắng hồng mây trắng trời xanh, làm cho tháp ngà trở nên tráng lệ, ngoạn mục bên cạnh dãy núi rừng thật là hùng vĩ. Rồi đằng kia là tháp The COVE ATLANTIS và The REEF ATLANTIS đang hiển hiện bên bờ đại dương tràn ngập những sóng biển dạt dào.

    Thôi thì thời gian và thủy triều không bao giờ đợi chờ người. Thời gian thì vẫn trôi trôi mãi giữa dòng đời hiu quạnh. Thủy triều thì vẫn lên cao rồi xuống thấp, suốt đời xua đuổi nhau chạy theo thời gian để hòa mình vào cát trắng giữa chốn trần gian.

    Thế nên chúng ta, dù trong tương lai có ghé lại thiên đường hạ giới này để thăm lại cảnh cũ người xưa, hay một nghìn năm sau vẫn biền biệt xa cách nghìn trùng, thì hình ảnh đẹp tuyệt trần của thiên đường hạ giới này vẫn mãi mãi tiềm tàng trong lòng du khách.

    Xin tạm biệt thiên đường Atlantic, The Paradise Island! Xin tạm biệt hải đảo nằm bơ vơ bên cạnh lòng đại dương tận cuối chân trời ngút ngàn xa vời vợi, nơi mà sóng gió ba đào thường hay dậy sóng cuồng điên.

    Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Bahamas” xuất bản năm 2013)             

    Dương Viết Điền

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ

    RƯỢU QUA THI CA VIỆT NAM

    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

    Dục ẩm, tì bà mã thượng thôi.

    Túy ngọa sa trường, quân mạc tiếu,

    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    (Rượu đào chén ngọc kề môi,

    Chớm say, nhạc đã giục người ra đi.

    Sa trường say khướt cười chi?

    Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về!)

                                        (Chi Điền dịch)

    Nhan đề của bài thơ trên đây là Lương Châu từ (Bài hát Lương Châu) của thi sĩ nổi tiếng Vương Hàn đời nhà Đường bên Trung quốc. Trong những giờ rỗi rảnh ở chốn sa trường, binh lính thường hay uống rượu để tiêu sầu, để quên đi những tháng ngày xa gia đình, xa vợ xa con. Lắm lúc họ cũng uống để quên đời vì nghĩ rằng trong tương lai, không biết có trở lại quê nhà không hay là cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Nói chung, nhiều khi vì buồn chán một việc gì người ta hay uống rượu để quên đi những nỗi buồn da diết. Các nhà thơ cũng vậy, khi trong tâm hồn có những chuyện gì sầu tình lai láng, các thi nhân thường hay uống rượu để tiêu sầu. Bởi vậy mỗi lần đi đâu họ luôn luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, lắm lúc cũng là bạn đời luôn. Người ta cho rằng trong số 2200 thi sĩ đời nhà Đường bên Trung quốc, hầu hết đều uống rượu hằng ngày. Các thi sĩ nổi tiếng về rượu phải nói là Thôi Hiệu, Giả Đảo, Vương Hàn, Lý Bạch, Đỗ Phủ v.v… Họ say sưa suốt ngày đêm, vừa uống rượu vừa làm thơ, vừa làm thơ vừa uống rượu. Lắm lúc đi chân xiêu bên nọ vẹo bên kia, chếnh choáng hơi men triền miên suốt năm tháng. Thời Ngũ Đại bên Trung Hoa khi soạn sách “Chính ngôn”, Vương Định Bảo đề cập đến thi sĩ Lý Bạch viết rằng: “Lý Bạch mặc áo cẩm bào, chơi trong sông Thái Thạnh (ở huyện Đang Đồ), ngạo nghễ tự đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước bắt bóng trăng rồi chết”. Còn thi sĩ Giả Đảo mỗi năm cứ đến đêm trừ tịch, ông đem tất cả thơ sáng tác trong năm đặt lên bàn, đốt hương vái lạy rồi rót một ly rượu thật đầy xong đổ xuống đất và nói rằng: “Đó là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!”. Nói xong ông liền uống rượu, ngâm thơ cho đến lúc say túy lúy. Còn tại Việt Nam thì sao, các thi sĩ có hay uống rượu tiêu sầu, đêm ngày say túy lúy như các thi nhân đời nhà Đường nói trên hay không? Điểm qua một số thi sĩ của Việt Nam ta, ta thấy họ uống rượu cũng không phải là ít. Nhiều thi nhân say mèm suốt ngày đêm không kém gì các bợm rượu bên Trung Hoa đời Đường. Mặc dầu nhiều người dở duyên với rượu nhưng khi có ai mời thì sẵn sàng uống ngay, không từ chối:

    Trời đất cho ta một cái tài,

    Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

    Dở duyên với rượu không từ chén,

    Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.

    Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,

    Đàn còn phím trúc, tính tình dây

    Ai say, ai tỉnh, ai thua được,

    Ta mặc ta, mà ai mặc ai.

         (Bài Cầm kỳ thi tửu” của Nguyễn Công Trứ)

    Bởi vì trót đã khuya sớm với ma men, trót đã nghiện rượu triền miên nên nhà thơ ngày đêm vẫn uống rượu cho dù mặc người đời khen hay chê thì cứ bỏ ngoài tai thôi, miễn sao vào vòng cương tỏa chân vẫn không vướng, tới cuộc trần ai, áo cũng chẳng hoen:

    Trót đà khuya sớm với ma men,

    Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.

    Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,

    Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.

    Vào vòng cương tỏa chân không vướng,

    Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.

    Cứ những ai hay tình thú ấy,

    Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên

         (Bài “Uống rượu tự vịnh” của Nguyễn Công Trứ)

    Bởi vì uống rượu thì phải say và đành chấp nhận tiếng say. Khi say thì sẽ quên đời, quên những nỗi buồn man mác chia phôi đang tung hoành và giày xéo tâm hồn. Vì vậy mà buồn ruột cho nên men phải nhấp, vui với ma men thế mà hay để rồi khi ma men tác oai tác quái trong cơ thể, hai tay bắt đầu quờ quạng vơ đũa, vơ chén trước mặt; lắm lúc say mèm nằm gục đầu bên cạnh mâm thức ăn mà ngủ li bì không ngồi dậy được:

    Đời này thực tỉnh những ai đây?

    Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.

    Buồn ruột cho nên men phải nhấp,

    Dở mồm nào biết giọng là cay.

    Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,

    Vui với ma men thế cũng hay.

    Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén,

    Đố ai đã được cái say này.

           (Bài “Say rượu” của Trần Kế Xương)

    Có nhiều thi nhân vui với ma men vì nhung nhớ người yêu đã thành người thiên cổ. Vì thế càng nhớ người yêu càng say túy lúy. Nếu cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa, thi nhân lại uống thêm rượu vào sao cho cổ nóng lên như có lửa đang rực cháy, đầu nhức như búa bổ rồi thấy trời đất đang quay cuồng trước mặt. Lúc đó chàng đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, miệng thốt lên liên hồi rằng say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn. Thế rồi chàng quá say, chân chàng đã rã rời quay cuồng không được nữa, gối mỏi gần rơi, say rồi chàng không còn biết chi đời. Say như thế mà chàng vẫn thấy thành sầu vẫn chưa sụp đổ, nỗi buồn tê tái vẫn còn ngự trị trong lòng chàng!:

    Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

    Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa

    Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng.

    Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.

    Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

    Say đi em! Say đi em!

    Say cho lơi lả ánh đèn

    Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.

    Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

    Ta quá say rồi Sắc ngả màu trôi

    Gian phòng không đứng vững

    Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.

    Chân rã rời Quay cuồng chi được nữa

    Gối mỏi gần rơi

    Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa

    Say không còn biết chi đời

    Nhưng em ơi, Đất trời nghiêng ngửa

    Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;

    Đất trời nghiêng ngửa

    Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

         (Trong bài “Say đi em” của Vũ Hoàng Chương)

    Nhiều người uống rượu lâu ngày đến nỗi ghiền bỏ không được. Vì thế nhiều kẻ đã trở thành những ông nghiện rượu suốt đời. Họ uống hết ngày này sang ngày khác, tháng nọ đến tháng kia. Nhiều khi để thỏa mãn sự thèm khát, họ đưa chai lên miệng rồi “tu” một hơi cạn hết nửa chai! Thế rồi họ uống suốt tháng quanh năm không bao giờ ngưng được:

    Một năm mười hai tháng,

    Một tháng ba mươi ngày.

    Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,

    Hay!

       (Bài “Người say rượu” của Phạm Đan Phượng)

    Chính vì uống rượu liên tu bất tận suốt đời ở dương gian như thế nên khi thác về dưới âm phủ, Diêm vương thấy anh chàng say rượu này mang kè kè bên mình một vật gì liền hỏi thì chàng ta trả lời rằng đó là cái BE!:

    Sống ở dương gian đánh chén nhè

    Thác về âm phủ cắp kè kè

    Diêm vương phán hỏi mang gì đó,

    Be!

    (Bài “Anh nghiện rượu” của Phạm Đan Phượng)

    Tuy nhiên không phải người nào uống rượu cũng muốn say mèm đề rồi đi chân bên nọ đá chân bên kia. Trái lại nhiều người uống rượu chỉ để tiêu sầu, hay mỗi lúc xuân về nhắp đôi ly rượu để đón xuân sang. Cũng có lúc chán chê đường danh vọng, họ chỉ muốn về quê vui thú điền viên. Thế rồi một tay cầm cuốc một tay cầm cần câu, họ tìm nơi vắng vẻ ngồi nhìn trời xanh mây trắng nắng hồng, lưng dựa vào gốc cây, miệng nhắp vài ly rượu hồng rồi thưởng thức cảnh thanh bình nơi miền hoang dã:

    Một mai một cuốc một cần câu

    Thơ thẩn dù ai vui thú nào

    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

    Người khôn người đến chốn lao xao

    Thu ăn măng trúc đông ăn giá

    Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

    Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp

    Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

                          (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

    Thật thế, nhiều người uống rượu để ngồi nhìn thế thái nhân tình xảy ra trong đời như thế nào thôi. Vì thế ngày nào họ cũng uống lai rai năm ba ly nho nhỏ để rồi mang tiếng là uống rượu hay nhưng hay chẳng là bao nhiêu, nhiều khi mới nhắp năm ba chén đã say rồi:

    Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,

    Độ năm ba chén đã say nhè.

        (Trong bài: “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến)

    Vì có nhiều người mới uống một hai ly nhỏ đã thấy say ngà ngà rồi nằm ngủ luôn một giấc chẳng đụng chạm tới ai cả, nên người yêu thỉnh thoảng mua rượu cho chàng uống đề chàng say vài ba giờ cho đời thêm tươi mà trong lòng không có gì hậm hực hay buồn lòng:

    Đốt than nướng cá cho vàng

    Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi

                                        (Ca dao Việt Nam)

    Nhưng thường thường khi tửu nhập thì ngôn xuất, mà ngôn lại xuất lúc trí óc không sáng suốt nên lắm lúc nói năng lung tung, lời qua tiếng lại đụng chạm tha nhân làm mất lòng người. Đó là chưa nói đến những anh chàng say sưa suốt ngày suốt đêm, miệng luôn luôn lẩm bẩm những lời lẽ thiếu nhã nhặn, lắm lúc nói dai dẳng không bao giờ ngưng khiến ai cũng sợ nên phải tránh mặt:

    Ở đời chẳng biết sợ ai

    Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày

                              (Ca dao Việt Nam)

    Ai cũng biết rằng khi say rượu thì không thể làm gì được cả. Bởi vì khi ma men đang điều khiển thì lý trí bị lu mờ làm sao có thể kiểm soát được mà chỉ thị cho cơ thể hành động. Cuối cùng đành phải bỏ dở công việc vì đầu nhức như búa bổ sau khi say tít cung thang:

    Ai ơi uống rượu thì say

    Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo.

                                (Ca dao Việt Nam)

    Đã thế, khi say lại nói năng đủ điều. Chuyện gì bí mật trong đời cũng cho tuôn ra ngoài như thác đổ. Thảo nào một nhà tư tưởng phương Tây đã nói rằng khi yêu và khi say rượu, người ta thường nói hết sự thật:

    Mang bầu đến quán rượu dâu

    Say sưa quên hết những câu ân tình.

                                   (Ca dao Việt Nam)

    Đã thế gặp lúc chuếnh choáng hơi men, người đi không vững, mặt mày đỏ lên khiến mọi người trông thấy ai cũng chê cười và nguyền rủa. Chính điểm này mà nhiều người muốn chừa không uống rượu nữa. Tuy nhiên nhiều lúc họ nghĩ rằng khi say rượu, tâm hồn họ thấy lâng lâng thích thú như đang bay bổng trên mây. Vì thế mà nhiều khi chừa cũng được nhưng họ lại chẳng muốn chừa!:

    Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

    Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.

    Hay ưa nên nỗi không chừa được.

    Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

            (Bài “Chừa rượu” của Nguyễn Khuyến)

    Nói thế không phải những người say rượu lỡ nghiện rồi không thể bỏ được. Mà nhiều người cũng có thể bỏ được khi họ bị dồn vào thế phải chọn lựa giữa việc bỏ rượu và bỏ cái khác ngon hơn rượu nữa. Cuối cùng họ đành quyết định bỏ rượu nhưng vẫn còn nằm trong ý nghĩ “may ra” hay là “họa chăng” mà thôi:

    Một trà một rượu một đàn bà

    Ba cái lăng nhăng cứ quấy ta

    Chừa được cái nào hay cái ấy

    Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

                                   (Trần Kế Xương)

    Tóm lại, chẳng khác gì các thi sĩ bên Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ vv…, tại nước ta các thi sĩ cũng uống rượu như điên nên họ đã mang rượu vào trong thơ khiến lắm lúc khi đọc thơ, ta cứ tưởng ta cũng đang uống rượu rồi say mèm đến tít cung thang vậy.

    Dương viết Điền

  • Dương Viết Điền

    VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ

    VÀI  KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN  DOÃN QUỐC SỸ

    Dương viết Điền

    Lúc còn đang theo học bậc trung học, tôi đã có dịp đọc được một vài tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Một trong những tác phẩm tôi thích nhất là cuốn “Gìn Vàng Giữ Ngọc”.

    Vì ở miền Trung nên tôi không hân hạnh được học với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và cũng chưa hân hạnh được diện kiến nhà văn. Mãi cho đến khi sang Mỹ tôi mới có dịp gặp nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

    Vào khoảng tháng 03 năm 2003, tôi nhận được giấy mời của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Nam California, xuống Quận Cam họp để chuẩn bị bầu Ban Chấp Hành mới của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Vì nằm trong ban tổ chức do anh Trần Thy Vân, chủ tịch Hội Văn Bút Nam Cali, chỉ định, tôi cũng giúp anh em trong ban tổ chức một tay tiếp đón các văn hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự đại hội.

    Chính trong dịp này tôi đã gặp nhà văn khả kính Doãn Quốc Sỹ. Sở dĩ có sự hiện diện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngày hôm ấy vì nhà văn là một trong những nhân vật nằm trong ban cố vấn của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Lúc nhà văn Doãn Quốc Sỹ đang ngồi nói chuyện với một văn hữu bên cạnh, tôi tiến lại gần nhà văn và khi nhà văn vừa ngưng nói chuyện, tôi liền kính cẩn nghiêng mình rồi lên tiếng chào nhà văn sau khi tự giới thiệu tên tuổi mình:

    – Nghe danh giáo sư từ lâu nhưng mãi đến bây giờ mới hân hạnh được diện kiến giáo sư

    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa nhoẻn miệng cười vừa nói:

    – Dạ không dám!

    Sau một vài phút tâm sự rồi chúc sức khoẻ nhà văn, tôi liền tặng cho nhà văn hai tác phẩm của tôi. Đó là cuốn hồi ký “Trại Ái Tử và Bình Điền” và cuốn “Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”. Sau khi tặng xong, tôi có nhờ giáo sư cho một vài nhận xét về hai tác phẩm đó. Nhân thấy có nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhà văn Minh Đức Hoài Trinh ngồi bên cạnh, tôi cũng tặng cho hai vị này mỗi vị cũng hai tác phẩm của tôi luôn. Sau đó vì bận công việc trong ban tổ chức nên tôi xin tạm biệt giáo sư để giúp anh em một tay. Sau ngày hội ngộ của các văn hữu trong Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Nam California, chúng tôi chia tay nhau ra về và không biết bao giờ sẽ gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ nữa. Vì gặp giáo sư Doãn Quốc Sỹ lúc đang bận rộn nên tôi không có nhiều thì giờ để được tâm sự và hiểu biết giáo sư nhiều.

    Mãi đến 3 năm sau trong dịp ra mắt tuyển tập Nam Phong tại hội trường Thánh Thất Cao Đài ở California, tôi mới có dịp được gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ.

    Số là ban chủ trương và thực hiện tuyển tập Nam Phong ra thông báo sẽ tổ chức một buổi ra mắt tuyển tập I tại Nam California và yêu cầu các tác giả có đăng bài trong tuyển tập hãy đến tham dự. Thế là tôi và nhà văn Việt Hải rủ nhau xuống Quận Cam để tham dự buổi ra mắt. Trước khi đi anh Việt Hải (một trong những người nằm trong ban thực hiện Tuyển tập Nam Phong) cho tôi biết rằng có nhiều nhà văn nổi tiếng như qiáo sư Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nguyễn Thị Vinh (trong Tự Lực Văn Đoàn) cũng sẽ tham dự buổi ra mắt sách thể theo lời mời của ban chủ trương và thực hiện tuyển tập vì các nhà văn tiền bối này cũng có bài đăng trong tuyển tập. Vì đi nhờ xe của một người bạn nên tôi phải theo bạn tôi xuống Quận Cam rất sớm nên khi đến hội trường, tôi thấy chỉ có một vài người trong ban tổ chức đang sửa soạn sân khấu và giăng biểu ngữ. Lúc ấy lòng tôi thật nôn nóng muốn được gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ, một nhà văn nổi tiếng như sóng cồn từ nhiều thập niên qua với những tác phẩm viết rất công phu và mang nhiều sắc thái của nền văn hoá dân tộc Việt Nam có trên 4 ngàn năm văn hiến. Những tác phẩm như  Sợ Lửa (1965), U Hoài (1957), Gánh Xiếc (1958), Gìn Vàng Giữ Ngọc (1959), Dòng Sông Định Mệnh (1959), Hồ Thuỳ Dương (1960), Trái Cây Đau Khổ (1963), Người Việt Đáng Yêu (1965), Cánh Tay Nối Dài (1966), Đốt Biên Giới (1966), Sầu Mây (1970), VàoThiền (1970), Người Vái Tứ Phương, Dấu Chân Cát Xoá, Mình Lại Soi Mình, Khu Rừng Lau, Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng v.v… đã đưa nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào thẳng lâu đài văn học sử Việt Nam. Vì thế trong văn học sử Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã chiếm một vị trí hết sức quan trọng vì đã tạo nên một trang văn học thật sáng chói và huy hoàng. Trong lúc chờ đợi giáo sư Doãn Quốc Sỹ đến để được tiếp chuyện và nghe giáo sư bàn về văn học, tôi thấy nhiều nhân vật mà tôi chưa từng quen biết bước chân vào hội trường. Đoán chừng những nhân vật nầy là những tác giả có đăng bài trong tuyển tập đến tham dự, tôi tiến lại gần họ và cúi đầu chào. Thấy một anh vóc dáng cao cao, đầu đội mũ bêrê đen chào lại, hỏi ra mới biết đó là nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, phu quân của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, từ Na Uy đến. Sau đó tôi tự giới thiệu tên tôi cho anh Nhật biết. Thế là hai người ôm chầm lấy nhau như quen nhau đâu từ tiền kiếp mặc dầu trước đây chúng tôi chưa hề gặp nhau bao giờ, mà chỉ gặp nhau qua báo chí, có bài đăng chung cùng tuyển tập, qua internet và đọc tiểu sử của nhau thôi! Sau phút hạnh ngộ diệu kỳ đó tôi liền hỏi anh Nhật nhà văn Nguyễn Thị Vinh đâu, anh Nhật cho biết nhà văn Nguyễn Thị Vinh đang còn ngồi ngoài xe và cũng sắp vào hội trường. Tôi liền xin phép anh Nhật ra ngoài để chào đón một nhà văn nữ có chân trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu, qua những tác phẩm đã một thời vang bóng tôi đã đọc được hồi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường. Khi đến gần xe, tôi thấy một người đàn bà trạc độ gần 70 tuổi ngồi một mình trên xe phía bên tay lái. Vì lúc vừa ra khỏi hội trường, một người ngồi ở ghế ngoài cửa cho tôi biết nhà văn Nguyễn Thị Vinh đang ngồi ở trên xe nên khi vừa thấy nhà văn tôi hơi ngạc nhiên. Vì theo tiểu sử của nhà văn, năm nay (2005) nhà văn đã 81 tuổi (sinh năm 1924). Nhìn người đàn bà ngồi trên xe tôi thấy trẻ hơn nhiều. Khi tiến đến gần xe, tôi liền cúi đầu chào rồi nói ngay:

     – Dạ kính chào chị. Nghe danh tiếng của chị đã lâu ngay từ lúc còn ở tại quê nhà, mãi cho đến bây giờ em mới diện kiến được chị ở quê người đất khách.

    Tôi vừa nói xong thì thấy nhà văn Nguyễn Thị Vinh chắp hai tay trước mặt như lúc lễ Phật rồi nói:

    – Dạ không dám.

    Thấy chị Nguyễn Thị Vinh chắp tay lại làm tôi giật mình vì tuổi tác của chị đáng vào bậc dì hay mẹ mình nên tôi cũng chắp tay lại đáp lễ ngay rồi mời chị vào hội trường. Chị bảo từ từ rồi chị sẽ vào sau vì đang còn sớm.

    Sau khi chào nhà văn Nguyễn Thị Vinh xong, tôi liền vào ngay hội trường để đón chào giáo sư Doãn Quốc Sỹ. Khoảng 20 phút sau, giáo sư Doãn Quốc Sỹ từ ngoài cửa bước vào hội trường. Đi bên cạnh giáo sư là một người đàn ông cũng trạc tuổi giáo sư mà tôi đoán là bạn vong niên. Tôi liền tiến về phía giáo sư và kính cẩn cúi đầu chào. Sau khi nhắc lại lần gặp gỡ đầu tiên trong ngày đại hội Văn Bút Việt

    Nam Hải Ngoại, tôi liền tặng cho giáo sư mấy tác phẩm cũ của tôi, thêm thi phẩm “Ngậm Ngùi” nữa. Sau đó giáo sư, bạn giáo sư và tôi cùng một vài anh ngồi nói chuyện văn học. Vài phút sau tôi thấy nhà văn Việt Hải và nhà văn Nguyễn Ngọc Minh bước vào. Nhà văn Việt Hải đến sau tôi vì đi nhờ xe nhà văn Nguyễn Ngọc Minh. Mặc dầu chúng tôi ở gần nhau nhưng cả hai đều không lái xe được nên phải nhờ xe bạn bè chở xuống. Thế là chúng tôi ngồi quây quần bên nhau để nghe giáo sư Doãn Quốc Sỹ bàn chuyện văn học nghệ thuật. Được dịp ngồi bên cạnh giáo sư, tôi mới nhận thấy rằng giáo sư đúng là một mẫu người rất khiêm tốn, bình dị. Khuôn mặt rất nhân hậu, trí thức. Nụ cười thật hiền hòa, dễ thương, tươi tắn, luôn luôn nở trên môi dù tuổi tác đã xế chiều. Xuyên qua những lời nói khi bàn về văn học, tôi thấy giáo sư tự hạ mình ngang hàng với những đối tượng đang ngồi nghe. Giáo sư như muốn hòa mình với tha nhân với tuổi trẻ, muốn tha nhân, tuổi trẻ và giáo sư cùng đập chung một nhịp tim, cùng thổn thức hay nức lòng một giai điệu văn học. Giáo sư vừa làm trưởng ban nhạc, cầm đũa đánh nhịp một bản đại hợp xướng nhiều bè, vừa muốn hát chung cùng những ca viên trên sân khấu khiến người nghe bản đại hợp xướng thật êm dịu và hài hòa. Đó là lý do khiến giáo sư luôn luôn muốn hòa mình với tha nhân để cùng nhau bảo tồn và phát huy nền văn học nước Việt. Nếu không nền văn học hải ngoại sẽ mai một trong một sớm một chiều. Chính điểm nầy khiến giáo sư đã không quản ngại đường sá xa xôi, quyết chí lên đường bay sang California để tham dự buổi ra mắt tuyển tập Nam Phong nầy. Chính điểm nầy khiến giáo sư nhất quyết lên đứng trên sân khấu chung với những tác giả có bài đăng trong tuyển tập, để được ban tổ chức giới thiệu với cử toạ, nhưng tuổi tác và trình độ của họ đáng ngang hàng với học trò mình như tôi, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, nhà văn Ngọc An, nhà văn Việt Hải, nhà văn Cù Hoà Phong, nhà văn Hà Đình Huy.

    Từ trái: Nhà văn Đỗ Tiến Đức, một thân hữu, Dương Viết Điền, nhà văn Bích Huyền, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Ngọc An.

    Hành động này đúng là biểu tượng của hòa đồng làm nức lòng tha nhân và tuổi trẻ, khuyến khích tha nhân và tuổi trẻ hãy cùng nhau bảo tồn và phát huy nền văn học nước nhà. Bởi vì giáo sư Doãn Quốc Sỹ biết rằng nếu không bảo tồn và phát huy nền văn học nước nhà, rồi đây nền văn học của chúng ta sẽ bị lai căng, mất gốc vì sẽ bị ảnh hưởng nhiều sắc thái của một vài nền văn học ngoại lai, bệnh hoạn. Và khi nền văn học bệnh hoạn, đau yếu thì xã hội cũng khó mà lành mạnh được đúng như lời của tư tưởng gia Maurice Nadeau đã từng nói “Quand la litérature a mal, la société ne va pas bien (Khi văn chương đau yếu, thì xã hội không lành mạnh). Tuyển tập Đồng Tâm chính là thửa đất mà giáo sư và nhà văn Tạ Xuân Thạc muốn tất cả các văn nhân nên tham gia vào để bảo tồn và phát huy nền văn học. Đây là nơi giáo sư muốn gieo những hạt mầm văn học cho tương lai, và cũng là nơi “dụng võ” của tao nhân mặc khách. Vì quyết chí hoà đồng với mọi người nên trong truyện ngắn “Người Vái Tứ Phương”, giáo sư đã không ngần ngại hạ bút viết: “Thế giới nầy là nơi cộng đồng trách nhiệm. Khi cái đẹp, cái thiện đã được khơi nguồn, thắp sáng, người ta dễ bề mở rộng cái tôi cá biệt đi vào cái ta hòa đồng”.

    Và với những ước mơ suốt đời canh cánh bên lòng, giáo sư luôn luôn cổ xúy và  xiển dương tư  tưởng “Gìn Vàng Giữ Ngọc” để bảo tồn nền văn hóa nước Việt, ngõ hầu khỏi làm phật lòng thi hào Nguyễn Du qua hai câu thơ Kim Trọng dặn dò Thuý Kiều trước khi tạm biệt:

    Gìn vàng giữ ngọc cho hay

    Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

    Với chủ trương luôn luôn gìn vàng giữ ngọc của giáo sư nên ngày hôm nay, thi hào Nguyễn Du có thể tiếp tục an giấc nghìn thu dưới suối vàng khỏi phải trăn qua trở lại giữa đêm khuya thanh vắng vì trên thế gian này, giáo sư Doãn Quốc Sỹ vẫn còn thức.

    Viết về thân thế và sự nghiệp văn chương của giáo sư Doãn Quốc Sỹ qua mấy chục tác phẩm đã xuất bản phải cần một cuốn sách vài trăm trang, làm sao có thể cô đọng được trong vài trang giấy trắng nầy? Vì thế tôi chỉ viết một vài kỷ niệm với giáo sư Doãn Quốc Sỹ trong những lần gặp gỡ giáo sư thôi. Cuối cùng tôi có một nhận xét tổng quát sau khi đọc được một số tác phẩm của giáo sư và xuyên qua cuộc đời của giáo sư từ lúc thiếu thời cho đến ngày hôm nay rằng, một con người có dáng dấp dong dỏng cao, hơi gầy, với một khuôn mặt thật đôn hậu như thế, một con người đã tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ tại một đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ và suốt đời chỉ cầm cục phấn trên tay với nghề gõ đầu trẻ, mà vẫn cố gắng chịu đựng được sự khủng bố triền miên về tinh thần, chịu đựng được sự hành xác giữa trời lúc thì nóng như thiêu như đốt, lúc thì rét căm căm phải run rẩy thân tàn ma dại qua một thời gian đầy khổ luỵ trên dưới 12 năm trong trại tù, lòng vẫn luôn luôn giữ được khí tiết và tỏ ra bất khuất trước bạo tàn thì đúng là một đấng trượng phu nghìn đời khâm phục.

    Giáo sư Doãn Quốc Sỹ đúng là một mẫu người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” vậy.

      Những người được tặng hoa (từ trái): Nhà văn Việt Hải, Dương Viết Điền, nhà văn Cù Hoà Phong, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nguyễn Lý Tưởng, nhà thơ Ngọc An.

    Dương viết Điền

    Ky-niem-voi-DQS

  • Dương Viết Điền,  Khánh Lan

    KỶ NIỆM VỚI THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG

    THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG (1932-2022)

    Nào ai có thể đoán trước được rằng CHIỀU THƠ NHẠC THÍNH PHÒNG CUNG TRẦM TƯỞNG do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tổ chức ngày 20 tháng 11, 2019 đã là ngày cuối cùng mà anh em trong nhóm hội ngộ cùng thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Dù là đã bao lần nhà văn Việt Hải và nhóm dự định làm một chuyến đi chơi và thăm người thi sĩ tài ba họ CUNG. Tiếc thay NVNT & TTG chưa thực hiện được ước nguyện thì thi sĩ đã ra đi, ra đi trong sự thương tiếc của mọi người và thế giới thi ca đã mất đi một một nhà thơ đáng kính. Xin ghi lại đây những kỷ niệm năm xưa cùng thi sĩ.

    THI SĨ CUNG TRẦM T;ƯỞNG CÙNG CÁC ANH CHỊ EM TRONG LIÊN NHÓM NVNT & TTG (Hình chụp trong Chiều Thơ nhạc thính phòng)

    Khánh Lan ghi nhận, Oct. 2022

    NV DƯƠNG VIẾT ĐIỀN VỚI NHỮNG KỶ NIỆM CÙNG THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG

    Từ trái: Dương viết Điền và Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng

    Được biết tên thật của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng là Cung Thúc Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Cựu Trung Tá Không quân VNCH. Tù Cộng Sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota, USA. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp.

    Lúc còn theo học ở bậc trung học, tôi rất thích bản nhạc “TIỄN EM”, thơ của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc.

    Cứ mỗi lần nghe bản nhạc nầy, tôi luôn luôn ước mơ làm sao được như Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng, đi du học ở bên Tây rồi tiễn đưa người tình về quê mẹ để rồi lúc chia tay, cả hai con tim đều thổn thức nghẹn ngào!

    Chính bài thơ này do Phạm Duy phổ nhạc đã làm cho biết bao nhiêu cặp tình nhân nức nở lệ sầu mỗi khi biệt ly nhau.

    Vì vậy lúc viết bài “Biệt Ly Qua Thi Ca Việt Nam”, tôi cố tìm cho ra bài thơ này để đưa vào trong bài viết của tôi. Thế là tôi quyết chí tìm cho ra Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng. Không biết ai đã cho tôi số điện thoại của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng tôi quên mất vì lâu ngày quá, cách đây những mười bốn mười lăm năm rồi. Cũng có thể là Nhà Thơ Cao Mỵ Nhân hay Nhà Văn Duy Lam cho tôi số điện thoại và nói cho tôi biết Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng hiện đang định cư tại tiểu bang Minisota thì phải. Thế là tôi nhấc điện thoại gọi Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng ngay. Sau khi nghe Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng lên tiếng ở đầu dây, tôi liền tự giới thiệu về tôi cho anh ấy biết. Sau đó tôi xin phép Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng được đăng bài “ Tiễn Em” vào trong bài viết “ Biệt Ly Qua Thi Ca Việt Nam” của tôi cho số xuất bản tuần tới của Nguyệt San Viễn Xứ, do Nhà Báo Phong Vũ làm chủ nhiệm, Nhà Văn Thinh Quang làm chủ bút. Dĩ nhiên anh ấy chấp thuận ngay. Nói đến bài thơ “Tiễn Em” của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi nhớ có lần gặp Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên trong đêm ramắt sách của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc tại Quận Cam cách đây cũng mười mấy năm. Lợi dụng lúc ra ngoài để hút thuốc, tôi đã gặp Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên.  Anh ấy nói với tôi hiện đang định cư tại tiểu bang Minisota. Nghe anh ấy nói vậy, tôi liền hỏi anh có hay gặp Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng bên đó không. Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên nói với tôi anh ta cũng hay gặp Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng. Tôi liền nói với Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên tôi có điện thoại cho anh Cung Trầm Tưởng để xin phép anh ấy đăng bài thơ “ Tiễn Em” trong bài viết của tôi vì tôi rất thích bài này. Nghe tôi nói đến bài thơ “TIỄN EM”, Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên liền nói với tôi:

    – Anh Cung Trầm Tưởng không bằng lòng Nhạc Sĩ Phạm Duy phổ nhạc  bài “ TIỄN EM” đoạn “ Em ơi! Khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em” và Nhạc Sĩ Phạm Duy cũng đã đổi câu “ Tuyết buông cuồng mênh mang” thành “Tuyết rơi buồn mênh mang”. Đã thế, nhan đề của bài thơ “ TIỄN EM” nguyên văn là “CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ” nhưng Nhạc Sĩ Phạm Duy đổi thành “TIỄN EM”. Sau đây là nguyên văn bài thơ “CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ” của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng.  Bản mới trích từ tác phẩm “Cung Trầm Tưởng, Một hành Trình Thơ (1948-2008) do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012.

    Sau đó tôi có gởi tặng anh ấy tập thơ “Ngậm Ngùi” và tác phẩm hồi ký Trại Ái Tử Và Bình Điền. Khoảng tháng hai năm 1996, tôi lại gọi Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng hỏi xem anh ấy có viết bài gì không thì gởi qua để đăng vào Tạp chí Viễn Xứ. Nhân tiện Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng cũng cho tôi biết rằng, anh ta đang mở Phong Trào phản đối sự xâm nhập của Cộng Sản ở khắp nơi, trong đài VOA, đài BBC,vv… Sau đó tôi có đề cập đến sự rạn nứt của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nói với tôi rằng anh ta đã tiên đoán trước một năm là Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại sẽ sụp đổ.

    Trước đây, lúc tôi điện thoại cho Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng vẫn trả lời cho tôi vì câu chuyện liên quan đến bài thơ “TIỄN EM” của anh ấy mặc dầu chưa bao giờ biết tôi. Sau khi tôi gởi tặng anh ấy mấy tác phẩm của tôi, anh ấy mới biết rõ tôi và đã tặng cho tôi thi tập “LỜI  VIẾT HAI TAY” của anh ấy.

    Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đang ký sách tặng tác giả (2012)

    Có lần đọc báo thấy Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng sắp ra mắt sách tại Quận Cam, tôi chuẩn bị xuống tham dự thì lâm bệnh nặng không đi được. Thế là muốn gặp Thi Sĩ của bài “TIỄN EM” một lần mà không được. Một thời gian sau khi tham dự buổi kỷ niệm ngày thành lập THƯ VIÊN VIÊT NAM, tôi liền xuống Quận Cam tham dự. Lúc vào trong, chú em tôi là Dương Viết Đang nói có Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng cũng đến tham dự. Thế rồi chú em tôi dẫn tôi đến giới thiệu với Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng. Sau khi chào Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng xong , Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn tôi rồi nói:

    -Anh mà đẹp trai hơn em vậy?

    Nghe Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nói như vậy, tôi chỉ mỉm miệng cười.  Sau đó nhìn lại em tôi, tôi nghĩ rằng anh ấy nói cũng đúng thôi. Bởi vì mái tóc em tôi đều bạc trắng như vôi trong lúc tóc tôi đen tuyền óng mượt, mái tóc chải chuốt gọn gàng vì mới nhuộm chiều qua! Chứ nếu tôi không nhuộm, cứ để mái tóc bạc phơ chắc Thi Sĩ Cung Tầm Tưởng sẽ thấy tôi già hơn chú em tôi nhiều. Thỉnh thoảng tôi cũng hay nhuộm mái tóc cho trẻ trung một tí nếu không khuôn mặt thấy có vẻ già quá! Tôi nhớ lúc mới ra khỏi hàng rào kẻm gai của trại tù cải tạo vào năm 1985, mái tóc tôi đã bạc trắng như vôi rồi!

    Chiều ngày 21 tháng 07 năm 2012, tôi xuống Quận Cam để tham dự buổi ra mắt thi tập “ Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” tổ chức tại Viện Việt Học. Đáng lẽ buổi ra mắt sách được tổ chức tại  hội trường Nhật Báo Người Việt, nhưng Nhật Báo nầy vừa bị công luận tẩy chay vì đăng bài của tác giả Sơn Hào nói xấu các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cọng Hoà nên ban tổ chức đã phải dời đến địa điểm khác là Viện Việt Học, nằm trên đường Brookhurst. Khi tôi đến đã thấy Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng đang ngồi ký sách tặng. Tôi cũng đứng sắp hàng để chuẩn bị nhận sách. Lúc đứng trước mặt  Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi nói tôi là Dương Viết Điền đây, anh của Dương Viết Đang. Nghe tôi nói vậy anh CTT nhận ra tôi ngay vì mới hai năm trước, tôi và em tôi đã gặp Thi Sĩ CTT trong ngày kỷ niệm đệ II (?) chu niên, ngày thành lập Thư Viện Việt Nam. Anh CTT thấy tôi liền nói:

    • Sao, vẫn viết lách lai rai chứ? Hay viết những đề tài gì? Tôi đọc thấy anh cũng viết nhiều đấy.

    Tôi trả lời:

    • Dạ cũng viết lai rai chơi vậy anh. Trước đây em có viết cuốn hồi ký Trại Ái Tử Và Bình Điền. Em đã tặng anh rồi đấy. Tặng anh lâu lắm rồi, cách đây cũng khoảng mười mấy năm. Không biết anh còn nhớ không.

    Anh CTT vừa cười vừa nói:

    • Sao, bây giờ anh viết gì đây để tặng Điền, Nhà Thơ, Nhà Văn, Điền muốn viết gì?

    Tôi trả lời:

    • Anh viết gì cũng được. Anh muốn viết gì thì viết

    Anh CTT liền nói:

    • Thôi, nhà văn nhé.

     Nói xong, anh CTT liền viết câu “Thân tặng Nhà văn Dương Viết Điền” và ký tên Cung Trầm Tưởng phía dưới rồi đề ngày 21-07-2012 luôn.

    Cầm cuốn “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” do Tiếng Hương Quê xuất bản, tôi thấy đây đúng là một công trình vĩ đại. Thực hiện được là cả một vấn đề! Bởi cuốn sách dày đến 640 trang, bìa cứng, láng, giấy vàng chữ đen trông rất đẹp mắt.

    Cung Trầm Tưởng.

    Ngày 23 tháng 08 năm 2016, Nhà văn Việt Hải gởi e-mail sang tôi cho biết, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng ở Minisota sang California có việc, sẽ ghé thăm Việt Hải lúc 01:30 ngày 24 tháng 08 năm 2016. Thế là đúng 01:30 giờ ngày 14 tháng 08 năm 2016, tôi liền lái xe qua nhà anh Việt Hải để thăm Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đi chung một xe với một số anh chị em nghệ sĩ gồm giáo sư Trần Mạnh Chi, Hoạ sĩ Lưu Anh Tuấn và phu nhân, và nữ nhạc sĩ Hồng Tước. Lúc gặp Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi liền chào anh ấy rồi nói:

    • Đã mấy năm rồi mới gặp lại anh kể từ ngày gặp anh ra mắt sách tại Viện Việt Học.

    Nghe tôi nói như vậy, anh Cung Trầm Tưởng vẫn chưa nhận ra tôi mà chỉ bắt tay. Khi tôi nói cho anh Cung Trầm Tưởng biết “em là Dương viết Điền đây”, anh Cung Trầm Tường mới nhận ra tôi rồi vừa ôm chầm lấy tôi vừa nói “Ôi! Dương viết Điền đây nầy!”. Chiều hôm ấy, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến tiểu sử và những thi phẩm của ông ta cho chúng tôi nghe. Nào là hoàn cảnh và thời điểm Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Tiễn em”, nào là nhờ bài thơ “Tiễn em” được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mà danh tiếng của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng nổi lên như sóng cồn, đến nỗi khi đi đến đâu cũng có những người đẹp đi theo làm “cận vệ”, nào là sự bất đồng của thi sĩ về mấy lời thơ được phổ nhạc trong bài “Tiễn em”, v v…Bỗng tôi hỏi Thi sĩ Cung Trầm Tưởng:

    • Anh Cung Trầm Tưởng này, em hỏi nhỏ anh nhé. Nhân vật “em” trong bài “Tiễn em” của anh là ai vậy anh?

    Anh Cung Trầm Tưởng trả lời ngay:

    • Thưở ấy, nhân vật “em” là những bà đầm Pháp thôi em ạ.

    Thấy năm nay, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng đã 84 tuổi rồi mà nước da vẫn còn hồng hào, dáng người vẫn còn khoẻ mạnh nên tôi hỏi anh ấy, bí quyết nào làm anh ấy vẫn giữ được như thế. Anh Cung Trầm Tưởng liền trả lời:

    • Anh luôn luôn làm sao cho tâm trí được thoải mái. Phải cho đầu óc làm việc thường xuyên như đọc sách, ngâm thơ, xem TV, báo chí. Nhất là nghe nhạc cổ điển Tây phương trước khi đi ngủ v v…Ngoài ra anh còn tập thể dục như đi bộ hằng ngày.

    Nhớ lại ngày ra mắt thi phẩm “Hành Trình Thơ” của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại Viện Việt Học ở Quận cam năm nào, tôi liền nói với anh Cung Trầm Tưởng:

    • Lúc anh chuẩn bị bay từ Minesota qua California để ra mắt thi phẩm “Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ 1948-2008” tại phòng hội của nhật báo Người Việt năm 2012, em thấy không ổn vì lúc bấy giờ dân chúng đang phản đối nhật báo Người Việt. Em định gọi điện thoại cho anh để nói anh nên thay đổi địa điểm ra mắt sách của anh, nhưng không có số điện thoại của  anh đành chịu thua. Sau đó không biết ai đã giúp anh nên đã đổi địa điểm ra mắt sách cho anh rồi.

    Anh Cung Trầm Tưởng trả lời:

    • Lúc ấy cô Hoàng Dược Thảo đã trình bày việc ấy cho anh biết và anh Trần Phong Vũ đã giúp anh địa điểm ra mắt sách nơi khác là Viện Việt Học em ạ.

    Dương viết Điền

    Sau đây là một số hình ảnh chụp chung với Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại tư gia của Nhà văn Việt Hải ở thành phố Canoga Park vào ngày 24 tháng 08 năm 2016

    Từ trái: Nhà văn Việt Hải, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng ,Nhạc sĩ Hồng Tước và Dương viết Điền.
    Từ trái: Nhà văn Việt Hải, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Tác giả, Giáo sư Trần Mạnh Chi, và Hoạ sĩ Lưu Anh Tuấn

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ,  Viết Về MẸ

    NHỚ MẸ QUA THI CA VIỆT NAM

    Từ cổ chí kim từ đông sang tây khi nói đến người mẹ, tất cả mọi người ai ai cũng đều kính trọng, mến yêu rồi nhớ nhung chất ngất dù lúc ấy ta đang ở nơi chân bể hay góc trời, nơi rừng thiêng hay đồng nội.

    Bởi vì trong suốt thời gian kể từ khi mang thai cho đến lúc lâm bồn, người mẹ đã phải chịu đựng rất nhiều khổ đau. Nào là mang nặng đi đứng khó khăn trong mấy tháng trời. Nào là đau đớn quằn quại trong thời gian sinh đẻ. Sau khi đứa bé ra chào đời rồi người mẹ bắt đầu phải thức khuya dậy sớm, lắm lúc thức trắng nhiều đêm triền miên mất ngủ để chăm sóc đứa con. Đã thế, nhiều lúc con cái bị đau ốm, người mẹ luôn luôn nằm thường trực bên cạnh, lấy thuốc cho con uống, mong sao con chóng bình phục. Nếu rủi ro gặp chuyện bất trắc xảy ra như con thở quá yếu hay bị sốt quá cao đưa đến co giật, người mẹ tái mặt run sợ, tim như thắt lại, trong lòng quằn quại khổ đau.

    Đến khi con cái bắt đầu chạy nhảy khôn lớn, người mẹ phải tìm cách kiếm kế sinh nhai, nuôi con ăn học. Thế rồi để có đủ tiền nuôi nấng con cái, người mẹ phải dấn thân vào đời, dầm mưa dãi nắng, một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm, buôn bán tảo tần, làm lụng vất vả để kiếm cho đươc đồng tiền bát gạo mà trang trải trong gia đình. Lắm lúc người mẹ nhường cơm cho con ăn dù bụng đang đói cồn cào, nhường áo cho con mặc dù trời đang rét căm căm. Sự hy sinh cao cả vô bờ bến đó khiến lòng người thường xuyên xúc động. Thương xót triền miên, chạnh lòng nhớ mẹ, nhạc sĩ Y Vân đã rung động con tim mà sáng tác nên bản nhạc “Lòng mẹ” với nội dung và giai điệu thật tuyêt vời: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”. Vì biết lòng mẹ bao la như biển cả, tình mẹ chan chứa tình thương vô biên nên nhà văn Pháp nổi tiếng là Anatone France đã không ngần ngại hạ bút viết: “Trong thiên  nhiên có rất nhiều cái đẹp, nhưng cái đẹp cao quý nhất là trái tim người mẹ” (Il y a bien des merveilleuses dans la nature, mais la plus précieuse, C’est le coeur d’une mère).

    Trước sự hy sinh cao cả vô bờ bến của người mẹ như vậy nên tất cả mọi người con, ai ai cũng thương nhớ mẹ mình và luôn luôn mong ước được trả hiếu cho mẹ dù mẹ mình còn sống hay đã qua đời. Vì vậy trong Kinh Địa Tạng của Phật giáo, chữ hiếu được bàn luận và giải thích rất cặn kẽ vì đây là một trong những đạo làm người rất quan trọng của con cái đối với cha mẹ.

    Thế nên hằng năm, cứ đến ngày “Tự Tứ”, các vị chân tu thường thuyết giảng cho các Phật tử nghe về hạnh hiếu của Tôn Giả Mục Kiền Liên: cứu mẹ đang thọ khổ ở địa ngục hay hạnh hiếu của Tôn Giả Xá Lợi Phất đã tìm mọi cách để thuyết pháp độ mẹ ra khỏi tà kiến của ngoại đạo Ni Kiều Tử đắc pháp nhãn thanh tịnh trước khi Tôn Giả nhập niết bàn.

    Ai cũng biết rằng ở bên Trung Quốc tự ngàn xưa, có 24 nhân vật rất có hiếu đối với cha mẹ đã vang dậy như sóng cồn một thời vang bóng trong tập “Nhị Thâp Tứ Hiếu”: nhiều người con trong lúc mùa hè oi bức, đã cởi trần nằm ngủ lúc đêm về để cho muỗi bay đến cắn vào thân thể mình ngõ hầu khỏi cắn vào thân thể của mẹ, hay có người nằm trên băng tuyết giá lạnh suốt mùa đông chờ tuyết tan để bắt cá về nấu cháo cho mẹ già ăn.

    Để đi vào đề tài, chúng ta hãy ghi lại đây những vần thơ của các thi nhân đã xúc động mà sáng tác nên những lời thơ bất hủ khi nhớ đến mẹ già.

    Nhiều nhà thơ đã khóc thương nhớ mẹ lúc mẹ còn sống, nhưng hầu hết các thi nhân nhớ thương khóc mẹ khi mẹ đã qua đời.

    Ta hãy nghe một số bài thơ nhớ mẹ của vài thi nhân khi mẹ còn sống.

    Trước hết, mấy vần thơ tứ tuyệt qua bài “Bóng mẹ chiều thu” của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong thi tập “Lời viết hai tay” khi đọc lên khiến ta nhớ đến người mẹ già đang vất vả trong buổi chợ chiều của cuộc đời và ngong ngóng mỏi mắt chờ trông con trở lại quê nhà sau những tháng ngày tù tội:

    “Mẹ là mẹ chú em nào hình sự

    Dáng lưng gù làm nhớ tới mẹ tôi

    Mẹ nẻo xa mưa nắng ắt bồi hồi

    Ai đỡ mẹ đi nghiêng sầu goá bụa

    Mưa gió quất lưng tre còng vất vả

    Vóc mai kia na ná nét hao mòn

    Của mẹ ruột quằn đau cho tiếng khóc

    Đến cuối đời lại chong bóng chờ con”.

         (Cung Trầm Tưởng Trong “Lời viết hai tay”)

    Cho dù ở trong ngục tù hay ở quê người đất khách, cho dù ở trên rừng sâu hay góc bể chân trời, ai ai cũng triền miên nhớ mẹ mỗi lần vọng về quê cũ sau lũy tre xanh. Ta hãy nghe mấy vần thơ lục bát sau đây của Hạ Ái Khanh khi nhà thơ nhớ mẹ đang lom khom chống gậy chờ con ở quê nhà:

    “Mỗi lần nhìn khói lam chiều

    Nhớ về quê mẹ hắt hiu nỗi buồn

    Mẹ già nước mắt trào tuôn

    Lom khom chống gậy bên đường chờ con

    Bâng khuâng mẹ nhớ mỏi mòn

    Bao mùa lá rụng héo hon thân gầy”.

      (Hạ Ái Khanh “Thương mẹ”: thi phẩm “Ngậm ngùi”)

    Nhiều người quá nhớ mẹ, thương mẹ, lâu ngày chưa về thăm lại mẹ được vì nghìn trùng xa cách, ở tận đất khách quê người, khiến lắm lúc nằm mơ thấy mẹ để rồi ở xứ đất lạ nghe lòng hắt hiu sầu nhớ muôn đời. Ta hãy nghe nhà thơ Thái Tú Hạp dệt mấy vần thơ nhớ mẹ qua những câu thơ ngũ ngôn thật dễ thương và nhẹ nhàng:

    “Đêm hoài mơ thấy mẹ

    Thắp nến soi hồn đau

    Đời con chiều quạnh quẻ

    Đất lạ hắt hiu sầu”.

         (Thái Tú Hạp Trong thi tập “Hạt bụi nào bay qua”)

    Tuy nhiên có nhiều người thương mẹ, nhớ mẹ lúc mẹ đang còn sống. Nhưng vì cuộc sống của mẹ hằng ngày luôn luôn làm việc thiện và trọn đời mẹ đã tỏ ra thương người, hy sinh cho tha nhân và quyết sống môt cuộc sống đầy lòng nhân ái, từ bi. Vì thế, người con nguyện sẽ xuống tóc giữ lời quy y nếu một mai mẹ qua đời. Mấy vần thơ lục bát sau đây của nhà thơ Việt Hải cho ta thấy rõ được những điều nói trên:

    Nếu mai mẹ sẽ qua đời

    Con xin xuống tóc giữ lời quy y

    Mẹ tôi trọn kiếp từ bi

    Con quỳ lạy mẹ ra đi yên lòng”.

         (Việt Hải Trong bài Nhớ mẹ)

    Tuy nhiên cho dù nghìn trùng xa cách, cho dù đường về quê mẹ xa tít mù khơi, nhưng vì quá nhớ mẹ già ở miền quê xa vắng và cũng vì lâu lắm rồi chưa thấy lại dung nhan của người mẹ thân yêu, nên người con quyết chí trở về thăm mẹ giữa một mùa xuân. Vì hoàn cảnh của cuộc sống phải ở đất khách quê người quá lâu, nên khi trở lại quê nhà thăm mẹ thì mẹ đã quá già khiến mắt đã mờ, tai đã điếc vì ngũ giác của mẹ giảm sút đi nhiều. Ta hãy nghe nhà thơ Mạc Phương Đình dệt mấy vần thơ nhớ mẹ trong bài Xuân về thăm mẹ:

    Em ra đứng hiên nhà chờ đợi

    Nụ cười vui, se chút lạnh sang mùa

    Mẹ còn sống, nhưng giảm nhiều trí nhớ

    Tấm thân gầy, còm cõi tuổi già nua

    Những lúc tỉnh, mẹ buồn cười rồi hỏi

    Các con đâu, sao đi mãi không về

    Đến bên mẹ, nắm bàn tay gầy guộc

    Gọi mẹ ơi, nhưng mẹ chẳng còn nghe

    Tuổi chín bốn, mắt mẹ mờ tai điếc

    Sống hiền lành, đôi lúc tỉnh lúc mê”.

           (Trong tác phẩm Lời ru của mẹ)

    Nhưng đớn đau quằn quại nhất là lúc nhớ mẹ từng giờ, từng phút, từng giây. Muốn về thăm mẹ ngay nhưng không thể nào được, bởi vì con đang bị đoạ đày trong ngục tù ở trên rừng thiêng nước độc. Ta hãy nghe bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ phong sau sau đây của thi sĩ Trương Thúc Cổn mới thấy tình mẫu tử là một trong những tình thiêng liêng của con người:

    Con biết ngày nay mẹ khổ nhiều

    Những ngày quạnh quẽ vắng con yêu

    Bâng khuâng mẹ nhớ con ngàn dặm

    Tựa cửa mắt mờ gió hắt hiu

    Mẹ ơi, có thấu nỗi lòng con

    Nhớ mẹ lòng con hoá mỏi mòn

    Con cố tìm trong tình mẫu tử

    Những lời an ủi trái tim con

    Nhớ túp lều tranh dưới khói mờ

    Bên đường khóm trúc gió phất phơ

    Tim con ray rứt đời phiêu bạt

    Nhớ mẹ lòng con hóa vẩn vơ

    Những lời vàng ngọc mẹ khuyên con

    Nước đó nhà đây mãi vẫn còn

    Đại nghĩa luôn luôn cùng nghĩa vụ

    Dãi dầu sương gió chút lòng son

    Chân mãi bước lên miệng vẫn cười

    Con đầy hy vọng cuộc đời tươi

    Mong sao nhớ lấy lời khuyên mẹ

    Quên hết đau thương của cuộc đời…”

          (Trương Thúc Cổn Trong bài “Nhớ mẹ”)

    Sau khi đã đề cập một số bài thơ nhớ mẹ của một vài thi nhân khi mẹ còn sống, giờ đây ta hãy nói lên những vần thơ bất hủ về nhớ mẹ khi mẹ đã qua đời.

    Ai cũng biết rằng sau ngày 30/4/75, tất cả các chiến sĩ thuộc QLVNCH đều bị bắt bỏ tù trên rừng thiêng nước độc. Nhiều người bị hành xác trong một thời gian quá lâu dài mới được trả tự do nên khi trở lại quê nhà thì thấy mái tranh vẫn còn đó, cây soan bên thềm cũ vẫn còn đây nhưng cũng đã tàn phai theo năm tháng, còn mẹ già thì đã vĩnh biệt trần gian không một lời trăn trối, chỉ thấy một ngôi mộ nằm bên đường hoang vắng giữa chiều quê. Ta hãy nghe Hạ Ái Khanh dệt mấy vần thơ sầu thảm đó qua bài “Ngày về” để tặng cho một người bạn sau mười ba năm ở tù trở lại quê nhà:

    “Mười ba năm “cải tạo”

    Ngày về không còn ai

    Cây soan bên thềm cũ

    Bây giờ cũng tàn phai

    Mái nhà tranh còn đấy

    Vẫn nghiêng nghiêng thuở nào

    Trong nhà sao vắng lặng

    Không một bóng người vào

    Mẹ già chờ lâu quá

    Vẫn không thấy con về

    Tháng ngày rưng rưng lệ

    Mẹ mất giữa chiều quê

    Bên nấm mồ con khóc

    Nhớ thương mẹ não nề

    Sao mẹ đành vĩnh biệt

    Mẹ ơi, con đã về!”

       (Hạ Ái Khanh Trong thi phẩm “Ngậm ngùi”)

    Cũng tương tự như trên, sau mấy năm trời bị bắt hành xác trong ngục tù ở trên rừng, nhà thơ Ngô Văn Thọ lúc trở lại quê nhà đã nghẹn ngào rưng rưng nước mắt khi vừa nghe chị mình nói mẹ đã qua đời từ lâu. Mấy vần thơ sau đây khi đọc lên ai ai cũng thấy bùi ngùi xót xa:

    “Về Sài gòn đau xé lòng gặp chị

    Được hung tin mẹ mất đã lâu rồi

    Quả đất buồn thoạt muốn vỡ làm đôi

    Không gian rộng con nghe chừng ngộp thở”

        (Ngô Văn Thọ Trong Tuyển tập“Dưới trăng”)

    Có nhiều thi nhân khi nghe mẹ mất, tâm hồn như nghẹn ngào đau khổ, trong lòng như quằn quại đớn đau, nhưng họ không biểu lộ ra bên ngoài mà lại giấu kín tận đáy lòng. Ngược lại, nhiều thi nhân vì quá nhớ mẹ già cũng như vì quá khổ đau khi mẹ qua đời nên đã oà ra khóc thành tiếng theo bản năng tự nhiên vì tình mẫu tử là một trong những tình thiêng liêng của con nguời.

    Trên bước đường hành quân trong xã Mỹ Đức, quận Phú Mỹ năm 1950, nhà thơ Hoàng Duy đã khóc sướt mướt giữa cơn mưa tầm tã khi quá nhớ người mẹ hiền đã vĩnh biệt cõi đời. Bài thơ “Mưa rơi” sau đây của nhà thơ Hoàng Duy khi đọc lên ai ai cũng cảm thấy thật ai oán, não nùng:

    “Mưa rơi!

    Mưa rơi!

    Má ơi! Mưa rơi!

    Má ơi! Rơi rơi!

    Má đâu? Má ơi!

    Hỡi má! Má ơi!

    Má đi Mau về

    Thẫn thờ… Chúng con

    Chúng con Mong đợi

    Bơ vơ Má ơi!

    Cõi đời Má ơi!

    Lạnh không!…”

      (Bài “Mưa rơi” trong thi tập “Như bóng mây bay”)

    Có nhiều nhà thơ vì xa mẹ già quá lâu ngày vẫn chưa về thăm được vì hoàn cảnh cuộc sống, vì nghìn trùng xa cách ở đất khách quê người. Đến khi trở lại quê nhà sau mười năm biền biệt thì mẹ già đã an giấc nghìn thu khiến nhà thơ quá đau lòng rồi nức nở trong nắng chiều ngay tại sân ga, nơi mà xưa kia người mẹ đã tiễn đưa dưới cơn mưa tầm tã, khiến người con nghẹn ngào không nói nên lời. Bài thơ “Sân ga ngày trở lại” của Hạ Ái Khanh sau đây cho ta thấy rõ cảnh biệt ly sao mà buồn quá, để rồi người mẹ và người con sau đó đã vĩnh biệt nghìn đời:

    Chín mười năm biền biệt

    Về thăm lại quê nhà

    Sao lòng buồn da diết

    Nắng chiều ngập sân ga

    Nhớ xưa cũng nơi nầy

    Mẹ già khóc tiễn đưa

    Khi còi tàu gào thét

    Trời mưa ơi là mưa.

    Vẫy tay từ  biệt mẹ

    Nước mắt rơi như mưa

    Nghẹn ngào trong tiếng khóc

    Ly biệt nói sao vừa

    Nay về thăm quê lại

    Nức nở trong nắng chiều

    Mẹ già không còn nữa

    Sân tàu cũng buồn thiu.

                          (Hạ Ái Khanh)

    Nhiều thi nhân sau khi mẹ mất đã nhớ lại những tháng năm nằm bên gối mẹ, nhớ những ngày mẹ nở những nụ cười đầy lòng nhân ái dạt dào, nhớ những lúc nắng sớm mưa chiều mẹ thương con rồi quá nuông chiều con khi ru con ngủ, để rồi dệt mấy vần thơ đầy nhung nhớ ngậm ngùi. Ta hãy nghe thi sĩ Cao Mỵ Nhân sáng tác mấy vần thơ não nuột sau đây khi nhà thơ bỗng một chiều nước mắt rưng rưng vì nhớ mẹ đến nghẹn ngào:

    “Mẹ ơi, tất cả đã mờ theo.

    Nước mắt khi mưa ướt dáng chiều.

    Mẹ sớm rời xa con, cháu mẹ.

    Lòng tôi chùng xuống, chợt hoang liêu.

    Mẹ về tiên cảnh hẳn vui hơn.

    Chốn ấy hoa đăng, nhã nhạc buồn.

    Mỗi lúc dõi theo vầng nhật nguyệt.

    Lung linh ảnh mẹ thắp tâm hồn”.

        (Cao Mỵ Nhân  “Từ nơi mẹ nở đóa hạnh trinh”).

    Nếu cố gắng đưa tất cả những bài thơ viết về nhớ mẹ của tất cả các thi sĩ vào trong bài “Nhớ mẹ qua thi ca Việt Nam” thì chúng ta phải viết một cuốn sách dày khoảng vài trăm trang vẫn không đủ. Vì vậy ta chỉ nêu lên đây môt số bài thơ tượng trưng mà thôi. Bởi thi sĩ nào, khi nghĩ đến mẹ cũng nhớ thương dạt dào, cũng nghẹn ngào quay quắt, tuỳ không gian và thời gian của hoàn cảnh từng người. Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy hầu hết các thi nhân khi nhớ mẹ thường dệt nên những vần thơ thật diễm tuyệt mang đầy sắc thái hạnh hiếu và tình người.

    California, mùa Lễ Vu Lan.

    Dương viết Điền

  • Dương Viết Điền,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

    THỰC TẬP TOẠ THIỀN

    Bức tượng Ngài Lord Shiva đang tọa thiền theo thế kiết già tại Bangalore ( Hình trích từ Wikipedia).

    Thiền là một phép tu bao la bát ngát, không có biên giới. Mục đích của tu Thiền theo Tỳ Kheo Thích Đức Niệm là “Quay về với nội tâm, trầm tĩnh sống lại với chính lòng mình, biết rõ tâm thức mình biến chuyển qua từng sát na, theo từng nhịp tim bóp thắt, quán chiếu tận suốt cội nguồn tâm thức sinh động thầm kín của dòng sinh mệnh tâm linh”. (Trong bài “Thay Lời Tựa” đăng trong tác phẩm “The Practice of zen” (Thiền Đạo Tu Tập) của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 09). Vì tính chất bất khả lĩnh hội cũng như bản chất bất định của Thiền nên hầu hết cácThiền Sư thường không theo một quy luật nào rõ rệt. Theo Thiền Sư Chang Chien Chi thì “Hình như không có hệ thống có tổ chức nào để theo, mà cũng chẳng có một triết học nào để học. Những mâu thuẫn và tương khắc đầy rẫy khắp mọi nơi. Mặc dầu những điều đó có thể được giải thích bằng cái gọi là luận lý phi- luận lý của Thiền” (Trong “Thiền Đạo Tu Tập” của Thiền Sư Chang Chen Chi, Như Hạnh dịch, trang 25). Vì tính chất mông lung và  siêu việt của Thiền nên Thiền Sư Chang Chien Chi nhấn mạnh rằng “ Có thể giải thích Thiền bằng nhiều cách bởi vì không có “những chỉ thị” nhất định để Thiền tuân theo. Các Thiền Sư vĩ đại hiếm khi tuân theo một khuôn mẫu nhất định nào trong việc tự bày tỏ hoặc trong việc dạy đệ tử họ” (Trong “Thiền Đạo Tu Tập” trang 31). Thiền Sư Chang Chen Chi còn cho biết rằng “ Từ Bồ Đề Đạt Ma tới Huệ Năng và từ Huệ Năng suốt cho tới Lâm Tế và Động Sơn, trọn một thời kỳ gần 400 năm, ta chẳng truy ra được một hệ thống tham Thoại Đầu vững chắc nào cả. Các Thiền Sư xuất chúng của thời đại này là những nghệ sĩ” vĩ đại; giáo lý của các ngài rất linh động và uyển chuyển và không bao giờ tự hạn hẹp vào bất cứ một hệ thống nào cả” (Trong “The Prace of Zen” của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 113).

    Ngài Bồ Đề Đạt Ma đang hành Thiền

    Cũng theo Thiền Sư thì “Ta phải luôn luôn nhớ rằng đa số những người học Thiền ở Đông phương là những tu sĩ đã hiến trọn đời mình để tham thiền. Họ chỉ có một mục đích duy nhất: Giác Ngộ; họ chỉ có một công việc độc nhất trên đời: tu tập Thiền; cuộc sống mà họ sống là cuộc sống giản dị, giới hạnh; và họ chỉ học Thiền bằng một lối duy nhất- bằng cách sống và tu tập với các bậc thầy trong một thời gian rất lâu. Trong những hoàn cảnh này bất cứ lúc nào họ cũng thấy Thiền, nghe Thiền, nếm Thiền, và thậm chí ngửi Thiền nữa “ (Trong The Practice of Zen, của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 87).

    Thiền Sư Chang Chien Chi

    Vì biết mục đích duy nhất của Thiền là Giác Ngộ mà nói đến Giác Ngộ, tất cả mọi người theo đạo Phật ai cũng ước mơ cả. Sở dĩ ai cũng chỉ mơ ước thôi vì tu Thiền để đạt đến Giác Ngộ là một việc làm quá phi thường và rất khó khăn cho con người trong một kiếp người. Tuy nhiên cho dù quá phi thường và quá khó khăn mấy đi nữa, trong quá khứ ta cũng đã thấy có rất nhiều Thiền Sư đã đạt đạo. Nếu không đạt đạo thì tu Thiền cũng mang đến cho ta vô số lợi ích trong cuộc sống hằng ngày như xa lánh dần được tham, sân, si; thấu hiểu được chân lý của Phật giáo để phát huy lòng từ bi ngõ hầu làm vơi bớt đau thương cho tha nhân, cho nhân loại, đang quằn quại dưới vòm trời khổ đau và tang tóc này. Ngoài ra đối với những người không theo đạo Phật, họ vẫn muốn thực tập Thiền để giảm bớt sự căng thẳng (Stress) khi phải tiếp xúc với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Và bởi yếu tố thất tình (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ) thường ảnh hưởng đến con người nên người ta muốn tập Thiền để tránh những vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ hay bệnh khủng hoảng thần kinh được chừng nào tâm hồn sẽ thoái mái chừng đó. “Theo bác sĩ Andrew Weil (University of Arizona) thì cách điều hoà hơi thở là cách thức hữu hiệu nhất để chống lại sự âu lo (anxiety) và Stress, và ngay đối với cả những thể loại nặng nhất của bịnh khủng hoảng thần kinh (panic disorder) Vì khi bạn chú tâm vào hơi thở, và thở sâu, chậm, yên lặng và đều đặn thì bạn không thể nào … stress, hay lo âu được. Bởi lẽ rất dễ hiểu là cơ thể bạn không thể nào cùng một lúc làm được những việc trái ngược nhau. Như chúng ta biết, ngược lại với Stress, sự điều hoà hơi thở sẽ làm cho tim đập chậm, giảm huyết áp, làm an tĩnh hệ thần kinh. Khi não bộ không nhận được tín hiệu nguy cơ nữa thì cơ thể trở lại với trạng thái điều hoà, các bộ phận điều tiết những Stress hormone không còn được kích thích cũng sẽ trở về trạng thái bình thường, và cơ thể bạn không nằm trong trạng thái chuẩn bị ứng chiến như ta đã thấy ở trên. Và như thế, bạn vừa…. khóa lại (shut down) những tác hại của Stress. Hiện nay những bịnh viện lớn như Columbia Medical center ở New York city, những bịnh nhân trước khi giải phẩu Tim, đều được mời tham dự những buổi Thiền Meditation. Ở những bịnh nhân có tham gia thiền quán, người ta nhận thấy ít lo âu trước khi mổ, ít mất máu trong khi mổ và hồi phục nhanh hơn sau khi mổ. Điều hòa hơi thở chỉ là một dạng thô thiển nhất của Thiền quán, cần nói thêm là Thiền không chỉ là sự điều hòa hơi thở nhưng nếu bạn biết áp dụng vào đời sống hàng ngày thì ít ra bạn cũng ngăn ngừa hay chận đứng được những tác hại của Stress, tuy bạn chưa đi vào trạng thái Thiền định nhưng bạn cũng đã kiểm soát được mình qua sự điều tức. Khi kiểm soát được hơi thở của mình, cơ thể của bạn là của bạn. Có thể bạn chưa đạt được giải thoát hay Đốn ngộ với sự kiểm soát hơi thở, nhưng ít ra đời sống bạn cũng sẽ được thoải mái hơn và….. ít bịnh tật hơn !!!”

    (Trích từ bài Tác Dụng Của Thiền Và Tress của Hoàng Vũ trong web site http://khoahoc-kythuat.blogspot.com/2013/07/tac-dung-cua-thien-va-stress.html ).

    Vì những lý do đó mà tôi cũng muốn học Thiền và dĩ nhiên để học phương pháp tu Thiền nầy, tôi bắt đầu tìm hiểu những phương thức sơ khởi của Toạ Thiền.

    Nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng đang hành Thiền:

    Bác sĩ Sư Huynh Phạm Gia Cổn, võ sư chưởng Môn Hoàng Hạc, thiền yoga khí công

    Minh tinh màn ảnh, Heather Graham, thực hành Thiền để chống lão hóa
    Các nhà sư đang đứng Thiền tại thác Pongour
    Ngồi Thiền tập thể tại Sri Lanka (Ấn Độ)
    ( Hình trích từ Wikipedia)
    Ngồi Thiền trong Madison Square Park tại Nữu Ước
    ( Hình trích từ Wikipedia)
    Bảo Tháp Giác NgộẤN ĐỘ: 4,000 binh sĩ Vương quốc Anh sẽ thay phiên nhau thiền định tại cây Bồ đề ở Bồ đề Đạo tràng tại Bảo Tháp Giác Ngộ bắt đầu từ tháng 01 năm 2013.
    ( Hình trích từ  www.HoPhap.net )

    Sau khi nghiên cứu một số sách viết về Thiền cũng như nghe những lời hướng dẫn của một số bạn bè, tôi bắt đầu thực tập Toạ Thiền. Điều trước tiên là cách thức ngồi Thiền. Vẫn biết rằng đi đứng nằm ngồi đều Thiền được cả, nhưng ngồi Thiền là vấn đề quan trọng hơn cả. Lúc đầu tôi ngồi theo thế kiết già, chân trái kéo để lên đùi mặt, chân mặt kéo để lên đùi trái. Nhưng rồi tập hoài cũng không được, nhiều khi mới vài phút đã cảm thấy đau lưng.

    Bức tượng Ngài Lord Shiva đang tọa thiền theo thế kiết già tại Bangalore ( Hình trích từ Wikipedia).

    Vì ngồi theo thế kiết già hơi khó khăn nên tôi đổi qua thế bán già. Ngày trước, Ngài Phổ Hiển và Ngài Vân Thù thường toạ Thiền theo thế bán già. Ngài Phổ Hiển toạ Thiền với thế chân trái để lên đùi mặt, Ngài Vân Thù toạ Thiền với chân mặt để lên đùi trái. Tôi đã thực tập cả hai thế trên, cuối cùng tôi thấy thế ngồi chân mặt để lên đùi trái thuận tiện hơn đối với tôi nên tôi quyết định toạ thiền theo thế này luôn. Các Thiền Sư thường khuyên chúng ta khi ngồi, lưng phải thật thẳng. Đầu phải nhìn thẳng phía trước. “Khi chư vị ngồi Thiền, tuyệt đối không nên để thoại đầu lên cao quá, vì vậy hẵn sẽ bị hôn trầm. Cũng không được để ngang trên ngực, nếu để nơi ngực, thế nào nơi ngực cũng bị đau. Cũng không nên đè nó xuống thấp, làm vậy sẽ bị đau bụng, hoặc rơi vào âm cảnh, phát sinh ra nhiều bệnh tật. Chỉ cần giữ tâm bình lặng, hơi thở điều hoà, nhẹ nhàng quán chữ “ai” như gà ấp trứng, như mèo rình chuột. Khi quán chiếu đắc lực, mệnh căn tất nhiên đứt đoạn” (Trong Thiền Đạo Tu Tập (The Practice of Zen) của Thiền Sư Chang Chen-Chi, trang139).

    Sau khi chọn được thế ngồi thích hợp, tôi bắt đầu tập thở. Vấn đề hơi thở lúc toạ Thiền rất nhiều sách đề câp đến. Có sách dạy rằng “Dùng miệng thở hơi ô trược ra, khi thở há miệng cho hơi ra, đừng mạnh cũng đừng gấp, thở thật dài và sạch, hơi ra tưởng như tất cả những phiền não bệnh hoạn theo hơi thở ra ngoài hết. Ngậm miệng lại dùng mũi hít hơi vào, dài nhẹ và thật đầy, hơi vô tưởng không khí trong sạch vào khắp châu thân. Như thế ba lần. Thở xong ngậm miệng lại, môi và răng vừa kề nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều nhẹ nhẹ mà dài. Thân ngồi ngay thẳng như cột trụ, dù có ngứa ngáy cũng không cựa động, nhức mỏi cũng gan dạ chịu đựng đúng giờ mới xả.” (Trong “Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20”, trang 114-115, tái bản lần thứ II). Một sách khác hướng dẫn rằng: “Khi bắt đầu tập thở bụng, ta thở ra thật dài vài lần bằng mũi, bụng thót vào, cố gắng thở ra cho hết khí trong phế nang, cần làm cho phổi trống (giống như ta bóp miếng sponge rửa chén cho hết bọt sà phòng khi rửa chén). Khi nín lại thì phản xạ tự nhiên là cần phải hít sâu vào nhiều hơn cảm thấy như đầy ngực đầy bụng (giống như miếng sponge sau khi bóp cho hết chất xà phòng dơ rồi buông ra trong nước sạch, tự nhiên hút nước sạch vào). Cũng vậy, sau khi chu kỳ thở ra thật dài thì tự động khí sạch sẽ vào đầy ngực đầy bụng. Như vậy có thể nói thở ra là phần chủ động và hít vào là phần thụ động. Càng thở ra thật nhiều, thật sâu có nghĩa là đưa hết khí dơ (CO2) trong phế nang ra thì càng được vào nhiều khí sạch, trong lành. Như vậy thở ra sẽ quyết định cho việc hít vào.   


    Chú ý là khi thở ra hay hít vào, ta cần phải giữ hơi thở (nín thở) một vài giây tuỳ theo sức, ta sẽ nhận thấy bộ máy hô hấp lúc đó tự nó chuẩn bị phát động. Lúc đó giản mềm các cơ bụng để cho hô hấp tự phát. Khí thở ra bụng thót vào, khí hít vào phổi bụng tự phình lên. Tóm lại trong phương pháp thở bụng, thở ra là chính và là động tác chủ động, còn hít vào phình bụng ra là động tác thụ động.” (Trích từ bài “ Luyện khí công tập bụng” của một tác giả trên mạng.).

    Một sách khác lại chỉ dạy như sau: “Đối với người mới tập, tư thế nằm ngửa rất thuận lợi. Phải để ý là không nên thở dài đến mức tối đa. Làm như thế có thể nguy hiểm cho phổi, nhất là trong trường hợp phổi yếu vì chưa bao giờ biết tập thở. Ban đầu người hành giả nên nằm xuống, hai tay xuôi theo hai chân, đầu không gối, trên một mặt phẳng hay hơn là trên nệm. Buông thả tay chân cho thư thái. Thở vài hơi tự nhiên rồi khởi sự chú ý đến hơi thở ra, xem nó dài bao nhiêu. Có thể đếm thầm trong trí: một, hai, ba, v.v…Sau vài lần như thế, ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra; ví dụ chiều dài ấy là 5. Bây giờ ta dự tính thêm vào 1 hay 2 nữa để cho hơi thở ra của ta dài tới 6 hay 7. Thế là lần này khi thở ra, ta bắt đầu đếm từ một đến 5, thay vì chuẩn bị thở vào, ta cứ tiếp tục thở ra thêm 1 hay 2, đếm tiếp là 6,7. Như vậy có nghĩa là ta đem thêm không khí dơ trong phổi ra ngoài. Xong rồi ta buông thả, để hai phổi ta tự động đưa không khí trong lành vào.” (Trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”, trang 34, 35, 36, in lần thứ 10).

    Riêng Thiền Sư Sogyal Rinpoche, Ngài lại hướng dẫn phương thức khác; “ Vậy khi Thiền định, bạn hãy thở tự nhiên, như thường ngày bạn thở. Tập trung sự chú ý của bạn vào hơi thở ra. Khi thở ra bạn hãy buông ra theo hơi thở. Tưởng tượng hơi thở bạn tan vào trong khoảng không bao la của chân lý. Mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có môt khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến. Hãy an trú trong khoảng hở ấy, không gian rộng mở ấy. Và khi tự nhiên bạn thở vào, thì đừng chú ý hơi thở vào, mà cứ tiếp tục an trú tâm nơi khoảng hở đã mở ra ấy.”  (Trong tác phẩm “Đưa Tâm Về Nhà”, trang 37). Ngài còn nhấn mạnh: “Đừng quá tập trung vào hơi thở, chỉ để cho nó chừng 25 phần trăm, còn 75 phần trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la. Càng chánh niệm về hơi thở, bạn càng tỉnh thức về chính mình, gom lại những mảnh vụn phân tán của bạn thành một nhất thể, tính nhị nguyên và ngăn cách tan biến. Tuy nhiên, có nhiều người không được thoải mái với pháp quán hơi thở, họ còn thấy gần như bị ngộp.”

    (Trong tác phẩm “Đưa Tâm Về Nhà”, trang 38).

    Thêm một vài hướng dẫn khác về hơi thở lúc ngồi Thiền của Thiền Sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso như sau (Trích từ Wikipedia):

    “When we have settled down comfortably on our meditation seat we begin by becoming aware of the thoughts and distractions that are arising in our mind. Then we gently turn our attention to our breath, letting its rhythm remain normal. As we breathe out we imagine that we are breathing away all disturbing thoughts and distractions in the form of black smoke that vanishes in space. As we breathe in we imagine that we are breathing in all the blessings and inspiration of the holy beings in the form of white light that enters our body and absorbs into our heart. We maintain this visualization single-pointedly with each inhalation and exhalation for twenty-one rounds, or until our mind has become peaceful and alert. If we concentrate on our breathing in this way, negative thoughts and distractions will temporarily disappear because we cannot concentrate on more than one object at a time. At the conclusion of our breathing meditation, we should think `Now I have received the blessings and inspiration of all the holy beings.’ At this stage our mind is like a clean white cloth which we can now colour with a virtuous motivation such as compassion or bodhichitta.”

    Thiền Sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso

    Tạm dịch:

    “Sau khi đã ổn định chỗ ngồi để toạ Thiền, chúng ta bắt đầu tập trung tư tưởng. Sau đó chúng ta để ý đến hơi thở và để cho nhịp thở ra vào bình thường. Khi thở ra, chúng ta cứ tưởng tượng là chúng ta đang thở ra ngoài những vọng tưởng, như là làn khói đen, sẽ biến mất trong khoảng không. Khi hít vào, chúng ta cũng tưởng tượng rằng chúng ta đang hít vào những hồng ân và những cảm hứng của những sinh vật thiêng liêng dưới hình thức là ngọn bạch quang và chính luồng bạch quang này xuyên vào trong cơ thể ta và thấm dần vào trong tim ta. Chúng ta cần duy trì sự tưởng tượng về hình ảnh nầy mỗi lần thở ra hay hít vào cho đến khi ta cảm thấy tâm rí đã an bình. Nếu chúng ta tập trung vào hơi thở theo phương thức này, những tư tưởng tiêu cực tạm thời sẽ biến mất vì chúng ta không thể tập trung hơn một đối tượng cùng một lúc. Để kết luận về hơi thở lúc toạ Thiền, chúng ta nên nghĩ rằng “Bây giờ, tôi đã nhận được những hồng ân và phước lành từ những đấng linh thiêng”. Ở giai đoạn này, tâm trí tôi giống hệt như tấm vải trắng tinh mà chúng ta có thể biến thành màu sắc đức hạnh như là lòng trắc ẩn và từ bi.”

    Nhưng theo Trưởng Lão Thích Thông Lạc trong các trang mạng sau đây:

    Nguồn sách:

    http://www.nguyenthuychonnhu.net/ebooks/NhungLoiGocPhatDay-1.pdf

    Bài: http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/310-pxdcptt

    thì Trưởng Lão  Thích  Thông Lạc nhắc đến lời dạy của Đức Phật sau đây rất quan trọng:

    1- Nhất tâm là định.

    2- Bốn niệm xứ là định tưởng.

    3- Bốn tinh cần là định tư cụ.

    4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

    5- Thở vô và thở ra là thân hành.

    6- Tầm tứ là khẩu hành.

    7- Tưởng thọ là tâm hành.

    Và căn cứ những chân lý bất biến trên, Trưởng Lão Thích Thông Lạc có những nhận xét khác biệt với hầu hết các Thiền Sư về hơi thở như sau:

    “Ví dụ ngồi tu tập Ðịnh Niệm Hơi Thở, nếu cứ mãi lo tập trung trong hơi thở thì bị ức chế tâm.Cho nên khi tu Ðịnh Niệm Hơi Thở mà quan sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp nếu có một chướng ngại pháp nào hiện đến trong bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì khắc phục, đẩy lui như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu và trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. Nhưng khi bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp không có chướng ngại pháp thì tâm ở đâu? – Tâm ở tại hơi thở. Tâm ở tại hơi thở mà không bắt buộc tâm bám vào hơi thở. Tâm định trên niệm của hơi thở, tức là không ức chế tâm vào hơi thở. Nên trong kinh Nguyên Thủy, Phật gọi là “Ðịnh Niệm Hơi Thở” chứ không gọi là “Quán Niệm Hơi Thở”, vì Quán Niệm Hơi Thở tức là ức chế tâm bám vào hơi thở. (Còn cứ ĐỂ TÂM TỰ NHIÊN BIẾT HƠI THỞ RA VÔ, mới gọi là ĐỊNH). Chúng ta nên đọc lại bài kinh “Nhập Tức Xuất Tức” trong kinh Nguyên Thủy: “Quán ly tham, tôi biết, tôi hít vô. Quán ly tham, tôi biết, tôi thở ra”. Chữ “Quán” ở đây có nghĩa là xả tâm: “Quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở hít vô. Quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở thở ra”. Chứ không phải “hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Đó là cách thức tu tập ức chế tâm để tỉnh thức, chứ không phải xả tâm.”

    Ngoài việc thực tập theo sách vở tôi cũng thực tập theo lời chỉ dẫn trực tiếp của bạn bè. Người bạn chỉ dẫn cho tôi đó là anh Trần Văn Cát, cựu Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt, người bạn tù thân nhất của tôi trong trại tù tại trại Ái Tử và Bình Điền mà tôi đã dành riêng nửa chương để viết về anh trong Hồi Ký Trại Ái Tử Và Bình Điền của tôi xuất bản năm 1993. Anh Trần Văn Cát đi tu đã 25 năm rồi sau khi ra khỏi tù được vài năm. Lúc đầu anh tu trên một ngọn núi ở tỉnh Tuy Hoà. Sau khi qua Mỹ theo diện HO, anh chỉ tu tại gia và đang ở tại tiểu bang Massachusetts. Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm anh ấy và mỗi lần gặp anh, anh thường giảng về Phật Pháp cho tôi nghe. Khi nào cần bộ kinh gì để nghiên cứu, anh nhờ tôi lên các chùa thỉnh về rồi gởi cho anh ta. Riêng về vấn đề thở trong lúc tọa Thiền, anh Cát hướng dẫn cho tôi rằng, khi hít vào thì đọc thầm trong miệng hai chữ NAM MÔ, khi thở ra thì đọc bốn chữ A-DI -ĐÀ- PHẬT. Hơi thở cũng từ từ, thong thả, lúc hít vào cũng như lúc thở ra. Rồi cứ như thế mà tiếp tục vừa thở ra hít vào vừa niệm 6 chữ A-DI-ĐÀ-PHẬT.

    Tạm dẫn chứng một số phương thức nói trên, tôi thấy nhìn chung các vị Thiền Sư cũng như bạn bè đều dạy bảo phương pháp toạ thiền tương đối giống nhau nhưng riêng vấn đề hơi thở, tôi thấy các Thiền Sư đều nói chung chung về lượng không khí mà ta thở ra và hít vào. Thiền Sư này thì nhấn mạnh rằng thở “đừng mạnh cũng đừng gấp, thở thật dài và sạch”. Thiền Sư khác lại dạy rằng “Phải để ý là không nên thở dài đến mức tối đa. Làm như thế có thể nguy hiểm cho phổi.” hay “Thở vài hơi tự nhiên rồi khởi sự chú ý đến hơi thở ra, xem nó dài bao nhiêu. Có thể đếm thầm trong trí: một, hai, ba,v..v…Sau vài lần như thế, ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra”. Riêng Thiền Sư Sogyal Rinpoche ngài lại bảo“Đừng quá tập trung vào hơi thở, chỉ để cho nó chừng 25 phần trăm, còn 75 phần trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la”.

    Thiền Sư Sogyal Rinpoche

    Xem thế, thật là khó khăn khi chúng ta muốn lúc hít vào và lúc thở ra, những động tác này phải được đều đặn, đồng bộ. Như thế rõ ràng lần hít thở nầy khác hẳn với lần hít thở khác về số lượng không khí đưa vào và đẩy ra khỏi phổi. Sự không đồng đều này nhiều khi làm cho phổi bị mệt lúc hít vào, thở ra. Vã lại, đo “chiều dài” hơi thở là cả một vấn đề khó khăn, phức tạp, thực hiện có tính cách tương đối thôi.  Vì vậy, sau khi thực tập theo những phương pháp do các Thiền Sư dạy bảo, tôi thấy khó thích ứng với những phương pháp này. Vì thế tôi tự nghĩ ra một phương pháp riêng của tôi để khi hít vào và lúc thở ra, tôi sẽ tiếp nhận một số lượng không khí tương đối giống nhau cho mỗi lần hít thở. Đó là thở theo nhịp điệu của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng lúc hít vào, không khí sẽ di chuyển bao nhiêu trường canh (measure) rồi dừng lại. Sau đó lúc thở ra, không khí cũng sẽ di chuyển bao nhiêu trường canh rồi phải dừng lại. Làm như vậy số lượng không khí lúc hít vào sẽ bằng nhau, và số lượng khí carbonic thải ra cũng bằng nhau. Động tác thở theo nhạc này làm cho phổi hít thở được đều đặn và phổi khỏi bị mệt. Nếu hành giả nào không chịu thở cho đúng nhịp sẽ làm cho số lượng không khí vào ra không đều khiến phổi bị mệt, hành giả ấy xem như bỏ cuộc (giống như ca sĩ hát sai nhịp sẽ coi như bị loại vậy).

    Sau đây là một đoạn nhạc tôi sáng tác để ứng dụng cho nhịp thở:

    • Khuông nhạc thứ nhất ứng dụng lúc hít vào.
    • Khuông nhạc thứ hai ứng dụng lúc thở ra.
    • Hai khuông nhạc kế tiếp là sự nối tiếp hơi thở ( giống như hai khuông nhạc trên)

    Lúc hít vào, ta bắt đầu đếm thầm các số 123456 trong miệng giống như đang hát vậy. Vì giống như ca sĩ đang hát, hết trường canh nầy ta sang trường canh khác nên số lượng không khí lúc hít vào hay thở ra rất đều đặn.  Hít vào làm sao lúc ngang số 6 là phổi đã đầy không khí rồi. Sang trường canh thứ tư thì phải ngưng hít vào để nghỉ một thời gian hai nhịp (tôi để dấu lặng trắng).

    Sau khi ngưng hít vào hai nhịp ở trường canh thứ tư xong, ta bắt đầu thở ra ở trường canh thứ nhất của khuông nhạc thứ hai ngay và cứ thế ta đếm thầm trong miệng như hát 12345678. Khi thở ra đến số 6 ở trường canh thứ 3 của khuông nhạc thứ hai là lúc ta đẩy hết không khí trong phổi ra xong. Sở dĩ lúc thở ra ở trường canh thứ tư tôi cũng để một dấu lặng trắng vì theo Thiền Sư Sogyal Rinpoche, “mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có một khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến. Hãy an trú trong khoảng hở ấy, không gian rộng mở ấy.” Nghĩa là Ngài bảo rằng lúc thở hết hơi trong phổi ra rồi, sẽ có một khoảng thời gian nghỉ rất ngắn trước khi hít không khí vào phổi lại. Và cứ thế vừa thở ra xong ta lại bắt đầu hít vào ở khuông nhạc thứ ba rồi tiếp tục như thế hít vào thở ra lúc toạ Thiền. Nhờ phương pháp này mà thể tích không khí vào ra trong buồng phổi tương đối đều đặn giống nhau, không làm cho phổi bị mệt. Dĩ nhiên lúc thở ra hay hít vào phải từ từ giống như ca sĩ hát phải từ từ để cho đúng nhịp. Đối với phương pháp này tôi phải lấy máy đánh nhịp Metronome của nhà sáng chế Johann Maelzel, chế tạo năm 1815, ngõ hầu đưa ra một số lượng tiếng gõ nhịp thật chậm để tôi theo đó mà thở cho thong thả. Thực tập thở theo phương pháp này, tôi tạm thử lấy số lượng tiếng gõ của máy Metronome trung bình là: Allegro M.M.  = 180. Trong mấy khuông nhạc, tôi để tượng trưng mấy gạch dọc cho có vẻ là những nốt nhạc thôi chứ không ghi nốt nhạc nào cả. Cuối đoạn nhạc tôi không viết hai vạch nhạc để chấm dứt, vì còn thở ra hít vào liên tục. Nếu tôi để hai vạch sổ dọc như tất cả những bản nhạc để chấm dứt theo luật sáng tác, thì một số hành giả nếu tập theo phương pháp này sẽ ngưng thở giống như ngưng hát ngay.

    Vẫn biết rằng vì luôn suy nghĩ đến nhịp điệu của hơi thở nên tâm bị phân tán nhưng theo Thiền sư Osho, cần phải có những kỷ thuật trước để loại khỏi những chướng ngại trước khi Thiền, nên tôi vẫn tập theo cách thở của tôi xem sao; mặc dầu Ngài Krisnamurti không chấp nhận phải có phương pháp kỷ thuật trước vì sẽ cản trở việc nhập Thiền. Và cứ thế tôi thực tập thường xuyên ngày này qua ngày khác. Thường thì sau mỗi lần ngồi Thiền, các hành giả thường cử động chân tay qua lại cho máu lưu thông vì lúc ngồi Thiền bất động, máu trong cơ thể không được luân lưu đều đặn. Riêng tôi, cứ mỗi lần sau thời gian tọa Thiền xong, tôi thường bấm hay thoa mạnh vào các huyệt đạo để đả thông kinh mạch cho máu lưu thông trở lại. Trên đầu thì tôi thoa huyệt Bách hội, tiếp theo tôi vò hai cái tai. Vì trong khoa Nhĩ Châm, trên vành tai đều có tất cả các huyệt đạo để chữa bệnh cho lục phủ ngũ tạng. Kế đến, tôi dùng bàn tay thoa vào trán và mặt vì trong khoa Diện Châm, trên mặt cũng có tất cả các huyệt để chữa bệnh như khoa Nhĩ Châm vậy. Tuy nhiên nhiều khi tôi chỉ thoa vào huyệt Ấn Đường ở trán, các huyệt Tinh Minh, Toán Trúc ở mắt, hai huyệt Nghinh Hương ở hai bên mũi mà thôi. Sau đó tôi tiếp tục thoa vào hai cánh tay để làm cho máu ở hai tay lưu thông đều đặn trở lại. Nhưng thường thì tôi hay ấn vào ba huyệt tương đối quan trọng của đường kinh Thủ Dương Minh Đại Trường là huyệt Kiên Ngung, Khúc Trì và Hiệp Cốc là đủ. Tiếp theo, tôi thoa mạnh hai bàn tay vài chục giây vì trên mu bàn tay cũng như trong lòng bàn tay, có rất nhiều huyệt đạo. Riêng đối với bắp đùi, cẳng chân, khi thì tôi thoa mạnh khi thì tôi bấm vào các huyệt Hoàn Khiêu, Phong Thị của đường kinh Thiếu Dương Đởm, rồi các huyệt Độc Tỷ, Túc Tam Lý, Phong Long của đường kinh Túc Dương Minh Vị thì máu cũng lưu thông. Vì trong thời gian đang còn thực tập nên chưa dám suy tư về những tư tưởng cao siêu để đạt đến giác ngộ. Mà chỉ cố gắng làm sao tập thở cho đúng phương pháp tọa Thiền do các Thiền sư để lại trong sách vở mà thôi. Ngoài những vấn đề liên quan đến cách ngồi, cách thở, lúc toạ Thiền thường gặp một số trở ngại khác làm cho việc hành Thiền không có kết quả, hay lắm lúc phải vất vả lắm mới hành Thiền được. Theo Ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

    Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14.

    Ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14.

    thì “Kinh điển Phật giáo đề cập đến 4 loại trở ngại chính, một Thiền giả phải vượt qua để đi tới mức thành công. Thứ nhất là các vọng tâm hay những tư tưởng tán loạn khởi lên trên bình diện thô thiển của tâm thức làm cho ta không thể định tâm được. Loại thứ hai là sự buồn chán, hôn trầm khiến cho thiền giả ngủ gục. Loại thứ ba là sự buông lung, giải đãi, tâm ta không giữ được sự tinh tường sáng sủa. Cuối cùng vi tế hơn, đó là sự lăng xăng, khích động bắt nguồn từ bản chất dễ lay động của tâm.” (Trong tác phẩm “Transforming the mind” Chuyển hoá tâm) của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Chân Huyền dịch, trang 21). Vì mới thực tập hành Thiền nên tôi gặp trở ngại này thường xuyên và đang tìm cách vượt qua. Để vượt qua những trở ngại này Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khuyên chúng ta: “Trong 4 loại trở ngại của Thiền tập, hai loại chính là sự tán loạn và buông lung. Chúng ta phải đối phó với 4 thứ chướng ngại này ra sao? Tâm buồn chán hôn trầm thường liên quan tới tình trạng sức khoẻ của cơ thể, như thiếu ngủ chẳng hạn thường làm cho chúng ta hôn trầm. Khi ăn uống không thích hợp với tình trạng cơ thể hoặc ăn nhiều quá, ta cũng dễ bị buồn nản. Đó là lý do các vị tăng sĩ trong tu viện Phật giáo thường được khuyên không nên ăn quá ngọ (sau bữa trưa). Giữ giới này, các tăng ni có thể giữ được đầu óc tỉnh táo phần nào khi hành thiền, và tâm trí cũng sáng suốt hơn khi thức dậy buổi sớm hôm sau. Thói quen ăn uống đúng phép có ảnh hưởng rất tốt để chống lại sự hôn trầm, buồn nản. Đối với tâm buông lung giải đãi, người ta cho rằng sở dĩ Thiền giả bị như vậy vì họ thiếu năng lượng khi hành Thiền, khiến cho họ không giữ được tỉnh thức. Khi gặp chướng ngại này, ta cần làm sao để cho tinh thần được phấn chấn. Một trong các phương cách tốt nhất là ta nên nuôi dưỡng sự lạc quan vui vẻ khi nghĩ tới những thành quả của các việc thiện ta đã làm được trong đời v v…Đó là một thứ đối trị được với tâm buông lung giải đãi.” (Trong tác phẩm “Chuyển hoá tâm” của Đức Đạt Lai lạt Ma tứ 14, trang 23).

    Ngoài việc tập tọa Thiền ở nhà, mỗi lần vào bơi trong hồ bơi của Bally Gym Center, tôi cũng ngồi tập tập trung tư tưởng như phương pháp Thiền luôn. Mỗi lần dầm mình trong nước nóng, nước ấm thì đúng hơn, trong spa, tôi thường chỉ ngâm mình khoảng 20 phút thôi. Vì nếu ngâm lâu quá sẽ làm cho cơ thể nóng lên không tốt cho sức khoẻ. Trong thời gian ngâm mình trong nước nóng, tôi ngồi trên băng ghế dài bằng đá nằm dưới nước rồi dựa lưng vào thành bờ hồ. Tôi cũng ngồi theo thế bán già, hai tay để úp vào đầu gối, rồi bắt đầu tập trung tư tưởng. Có lần lúc bắt đầu ngồi tập trung tư tưởng, tôi nhìn đồng hồ treo trên tường trước mặt là 4:00 giờ chiều. Tôi liền nhắm mắt để thực tập bất chấp cả nước nóng đang sôi kêu lùng bùng quanh cơ thể mình và nước sủi bọt lên chung quanh ngực mình. Vì nước nóng sủi bọt lên tạo thành những gợn sóng, và hai vòi nước phun ra phía sau lưng tôi từ từ đẩy nhẹ cơ thể tôi ra khỏi chỗ ngồi, khiến tôi trở thành một vật của nguyên lý Archimedes làm tôi tỉnh dậy vì sắp chìm dưới đáy hồ. Mở mắt ra, tôi thấy một ông Mỹ già ngồi ngâm nước nóng bên phải tôi cách tôi khoảng một thước, trước mặt tôi một ông già có vẻ người Trung Đông cũng đang ngồi ngâm nước nóng dựa lưng vào bờ thành. Hai ông già này xuống ngâm nước trong spa bên cạnh tôi lúc nào tôi cũng chẳng hay biết, vì lúc tôi xuống ngâm nước rồi bắt đầu tập trung tư tưởng, trong spa chỉ có một mình tôi thôi. Nhìn đồng hồ trên tường tôi thấy kim dài chỉ con số10. Điều này chứng tỏ trong thời gian 10 phút đó tôi ngồi Thiền trong nước nóng đang sủi bọt quanh tôi mà tôi chẳng biết gì chung quanh cả. Thế rồi tôi tự nhủ thầm rằng, đang thực tập ngồi tập trung tư tưởng như vậy là khá lắm rồi, nhưng tiếc rằng chỉ được có 10 phút thôi. Khi tôi mở mắt ra, hai ông già nói trên nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên vì thấy tôi vừa ngồi ở một tư thế như tư thế của một người tập Yoga. Có lẽ hai ông già ấy nghĩ rằng tập yoga mà lại tập ngồi trong nước nóng sủi bọt như đang sôi? Chuyện khó tin nhưng lại có thật vì đang xảy ra trước mắt họ!

    Hết tập ngồi tập trung tư tưởng trong spa tôi lại tập ngồi tập trung tư tưởng trong phòng tắm hơi (Steam room). Thường mỗi khi tắm hơi tôi chỉ ngồi khoảng 7 phút thôi, lâu lắm là 10 phút. Riêng trong phòng sauna, tôi chỉ ngồi 15 phút như chỉ thị treo trên tường trước cửa vào phòng. Bởi vì nếu ngồi lâu hơn mồ hôi sẽ ra nhiều quá đưa đến tình trạng mất nước trong cơ thể, dễ sinh bệnh (Đông y gọi là âm hư). Dĩ nhiên ngồi trong phòng tắm hơi giống như ngồi xông hơi trong mền lúc bị cảm cúm vậy. Hơi nóng toả ra khắp phòng rồi nhỏ từng giọt nước rất nóng. Mồ hôi ra như tắm. Lúc vào phòng tắm hơi mọi người thường im lặng nhiều hơn là nói chuyện. Đó là lý do tại sao tôi muốn thực tập tập trung tư tưởng ngay cả trong phòng tắm hơi và cũng để thử thách xem mình ngồi chịu đựng trong hơi nóng được bao lâu. Có lần tôi ngồi tập trung tư tưởng một mình trong phòng, mắt lim dim. Tôi cố gắng không để ý gì trong phòng cả, nhưng rồi vẫn cảm nhận được mồ hôi toát ra trên lưng, trên cơ thể; cảm nhận được hơi nóng đang toả ra khắp phòng. Nếu so với sức nóng của nước trong spa thì hơi nóng trong phòng tắm hơi nóng hơn nhiều, có thể gấp đôi, gấp ba; nhất là lúc máy bắt đầu chạy để cho hơi nóng toả ra giữa phòng. Bỗng nghe một tiếng ho làm tôi “tĩnh mộng”. Tôi liền mở mắt ra thì thấy một Ông Mỹ già khoảng 75 tuổi bước vào phòng để xông hơi. Bước ra khỏi phòng nhìn đồng hồ treo trên tường, tôi thấy mới ngồi tập trung tư tưởng được khoảng 7 phút thôi. Ngồi tập trung tư tưởng được bảy phút trong phòng tắm hơi lúc hơi nóng đang toả ra mà không biết gì xảy ra quanh mình là cả một vấn đề trong thời gian mới thực tập! Dĩ nhiên trong thời gian ngồi thực tập tập trung tư tưởng trong spa cũng như trong phòng tắm hơi the steam room, sauna), tôi không bao giờ hít ra thở vào theo phương pháp đếm hơi thở lúc hành Thiền; vì hai địa điểm này hơi nóng toả ra quá nhiều nếu hít hơi vào sẽ rất nguy hiểm cho phổi và dễ bị sặc ngay. Cũng như không đọc kinh hay nghĩ gì liên quan đến Phật pháp vì nơi đây là những địa điểm không được trong sạch cho lắm, mà chỉ ngồi tập trung tư tưởng thì đúng hơn, và suy nghĩ đến một vấn đề nào đó hay đếm từ số 1 đến số 10 rồi đếm ngược lại. Mục đích chỉ là xem cơ thể mình chịu đựng sức nóng ra sao lúc ngồi tập trung tư tưởng và quên đi ngoại cảnh xung quanh mình. Lợi dụng lúc ngồi tập trung tư tưởng trong phòng này, ta nên ngồi thật thẳng lưng rồi cho lưng dựa sát vào tường. Lúc mới dựa vào, da lưng cảm thấy rất nóng. Tuy nhiên nếu để yên như thế khoảng vài dây sau, da sẽ quen và chịu đựng được hơi nóng ngay. Để lưng dựa sát vào tường rất lợi ở chỗ trên lưng, có hai dãy huyệt của Bàng Quang Kinh nằm trên hai đường thẳng song song và đối xứng với xương sống chạy từ hai vai xuống hai mông. Hai dãy huyệt này có thể chữa tất cả các bệnh của cơ thể; đặc biệt là lục phủ và ngũ tạng tâm, can, tỳ, phế, thận vì trên hai dãy huyệt nầy có các huyệt tâm du, can du, tỳ du, phế du, thận du. Vì thế nên khi lưng nóng lên, các huyệt này cũng sẽ nóng lên xem như đang được châm cứu nên kinh mạch trong cơ thể được đả thông, khiến cơ thể cảm thấy sảng khoái lên.

    Nói chung, trong thời gian tập Thiền, tôi luôn luôn tập bất cứ lúc nào và nơi nào tôi có thể thực hành được là tôi tập. Từ trong nhà, sau vườn dưới cây cam, trong spa, trong phòng tắm hơi (steam room, sauna) của Bally Gym Center. Khi thì tôi đứng Thiền, khi thì ngồi Thiền, thỉnh thoảng cũng nằm Thiền nữa. Vì đang thực tập Thiền nên tôi tập tổng hợp theo nhiều phái khác nhau để thử nghiệm và theo Thiền sư Osho, đi, đứng, nằm ngồi đều Thiền được cả.

    Và sau khi cảm thấy thực tập được vững vàng, tôi sẽ bắt đầu hành Thiền thật sự.

    Dương viết Điền, California, ngày 04 tháng 09 năm 2012

    Tác giả đang thực tập tọa Thiền dưới cây cam sau vườn
  • Cáo phó - Phân Ưu,  Dương Viết Điền

    MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN MINH ĐỨC HOÀI TRINH

    Nhà Văn Dương Viết Điền và Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh

    Vào khoảng tháng 03 năm 2003, tôi nhận được giấy mời của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Nam California, xuống Quận Cam họp để chuẩn bị bầu Ban Chấp Hành mới của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Vì nằm trong ban tổ chức do anh Trần Thy Vân, chủ tịch Hội Văn Bút Nam Cali, chỉ định, tôi cũng giúp anh em trong ban tổ chức một tay tiếp đón các văn hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự đại hội.

    Tại đây tôi đã gặp Nhà Văn Nữ khả kính Minh Đức Hoài Trinh. Sở dĩ chị Minh Đức Hoài Trinh hiện diện hôm ấy vì chị là một trong những cố vấn của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và cũng đã từng là cựu chủ tịch Hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại.

    Khi gặp chị, tôi tự giới thiệu tên, họ vv… với chị ấy rồi nói:

    – Lúc còn đang theo học ở bậc trung học, khi đọc tạp chí Phổ Thông của Nhà Văn Nguyễn Vỹ làm chủ bút, em thấy chị viết thường xuyên trong tạp chí này. Những bài viết của chị em quá thích. Đã thế khi đọc mấy đoạn toà soạn giới thiệu chị làm phóng viên cho rất nhiều tờ báo cũng như những tạp chí của Việt, Pháp và chị đã đi gần ba phần tư quả địa cầu khiến em thích quá, rồi cứ ước mơ làm sao sau này sẽ trở thành một phòng viên rồi đi khắp thế giới được như chị vậy.

    Nghe tôi nói như vậy chị mỉm cười rất duyên dáng như để đáp lễ. Thế rồi tôi và Nhà Văn Nữ Minh Đức Hoài Trinh chụp chung một bức hình làm kỷ niệm trong lúc chờ đợi các hội viên Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đến tham dự.

    Sau đó tôi liền tặng cho chị hai tác phẩm của tôi là hồi ký Trại Ái Tử Và Bình Điền và cuốn Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân. Lúc trao sách của tôi cho chị, chị liền nói:

    Sách nầy tặng chị nhé, chứ khỏi ủng hộ nghe em.

    Tôi trả lời ngay:

    -Em chỉ tặng chị thôi mà, chứ đâu có nói chị mua dùm cho em  đâu.

    Nghe tôi nói vậy, chị liền mỉm cười.

    Tôi nhớ ngày đại hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại toàn thế giới hôm ấy, họp tại hội trường của Nhật báo Người Việt ở Quận Cam để bầu ban chấp hành mới, sức khoẻ của chị Minh Đức Hoài Trinh cỏ vẻ yếu nên chị ấy đi chầm chậm đến bục gổ, nhưng phu quân của chị đã bước lên bục gỗ rồi trình bày những hoạt động trong nhiệm kỳ qua thay thế cho chị ấy.

    Vì lái xe trên free way không được và cũng vì thường đi làm vào ngày chủ nhật và thứ bảy nên sau đó tôi cũng ít khi xuống Quận Cam. Cũng vì thế mà ít khi gặp chị Minh Đức Hoài Trinh. Tuy nhiên có lần đọc báo thấy Nhà Văn nữ Ngọc Anh và Nhà Thơ  Ngô Tịnh Yên sắp ra mắt sách dưới Quận Cam, tôi liền đáp xe lửa xuống tham dự vì cả chị Ngọc Anh cũng như chị Ngô Tịnh Yên tôi cũng quen biết vì cùng ở trong Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại với tôi. Khi gặp chị Ngô Tịnh Yên, tôi liền nói:

    • Nghe Ngô Tịnh Yên và chị Ngọc Anh ra mắt sách, tôi liền đáp xe lửa xuống tham dự đây.

    Nhà thơ Ngô Tịnh Yên trả lời:

    • Cám ơn anh nhé. Em chưa đi xe lửa lần nào cả từ ngày qua Mỹ đến bây giờ anh ạ. Chắc bữa nào em phải đi một chuyến xem sao.

    Trong đêm ra mắt sách này, tình cờ tôi ngồi cùng một bàn với chị Minh Đức Hoài Trinh. Vừa thấy chị, tôi liền đến chào chị ngay nhưng chị ấy chẳng nhớ ai lại ai cả, chị chỉ mỉm cười đáp lễ thôi. Sau đó tôi liền hỏi chị ấy:

    -Chị năm nay chắc cũng đã “thất thập cổ lai hy” rồi phải không thưa chị?

    Chị Minh Đức Hoài Trinh liền gật đầu mỉm cười. Nhưng rồi tôi thấy hình như chị ấy có vẻ lãng trí vì tôi nhìn khuôn mặt chị có vẻ mơ màng và ngơ ngác làm sao ấy. Vì thế tôi lại hỏi chị ấy một lần nữa, nhưng số tuổi thọ tôi đổi khác:

    -Chị năm nay chắc cũng đã được bảy mươi tư tuổi rồi phải không thưa chị?

    Nghe tôi hỏi như vậy chị ấy lại cũng cười rồi gật đầu! Vì vậy tôi liền nói với Nhà Thơ Ngô Tịnh Yên  :

    -Chị Ngô Tịnh Yên này, tôi hỏi chị Minh Đức Hoài Trinh năm nay bảy mươi tuổi phải không, chị ấy gật đầu, tôi lại hỏi chị ấy năm nay chị bảy mươi tư tuổi phải không, chị ấy cũng gật đầu luôn!

    Nhà Thơ Ngô Tịnh Yên  nói với tôi:

    • Chắc chị ấy hơi lẫn rồi đấy anh ạ.

    Tôi nhớ ngày đại hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại toàn thế giới hôm ấy, họp tại hội trường của Nhật báo Người Việt ở Quận Cam để bầu ban chấp hành mới, sức khoẻ của chị Minh Đức Hoài Trinh cỏ vẻ như đã yếu rồi nên chị ấy chỉ đi chầm chậm đến bục gỗ, nên phu quân của chị là Nhà Văn Nguyễn Quang đã bước lên bục gỗ rồi trình bày những hoạt động trong nhiệm kỳ qua thay thế cho chị ấy.

    Chiều ngày 15 tháng 01 năm 2012, tôi đến tham dự buổi ra mắt sách “ Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây ” của Nhà Văn Nguyễn Hữu Của, tân chủ tịch Hội Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ. Khi đứng trên sân khấu hát bài Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc trong ban hợp ca của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, tôi thấy Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh đang ngồi ở dãy ghế thứ 6 nhìn lên. Bên cạnh là phu quân của chị. Thế là sau khi hát xong tôi liền đến chào chị ấy ngay. Biết chị ấy đã lớn tuổi và lâu ngày chưa gặp lại chị nên tôi liền tự giới thiệu tôi với chị ấy :

    • Chào chị. Thưa chị, em là Dương Viết Điền đây. Năm 2002, em đã gặp chị trong ngày Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại họp tại trụ sở của Nhật báo Người Việt để bầu lại Ban Chấp Hành của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Ngày đó em đã tặng chị hai tác phẩm mang tựa đề “ Trại Ái Tử Và Bình Điền” và  “Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”chắc chị còn nhớ.

    Tôi vừa nói xong thì chị Minh Đức Hoài Trinh liền chắp tay lại trước ngực rồi cười đáp lễ. Tôi cũng chắp tay lại rồi cũng cười đáp lễ. Vì tôi đã gặp và chào phu quân của chị ở ngoài cửa ra vào trước khi gặp chị ấy nên tôi cũng không hỏi chị về anh ấy nữa. Mới đây, trong ngày kỷ niệm hai năm thành lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, tôi lại thấy chị Minh Đức Hoài Trinh cũng đến tham dự cùng với phu quân của chị. Tôi liền đến chào chị và phu quân của chị rồi nhờ Thi Sĩ Khiêu Long đứng cầm máy chụp hình gần đấy, chụp một tấm hình với chị để làm kỷ niệm:

    Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh và Tác giả. Hình chụp trong ngày kỷ niệm 2 năm thành lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tại Diamond Seafood Restaurant. ( Ngày 08 tháng 04 năm 2012)
    Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ

    Chiều ngày 08 tháng 04 năm 2012, tôi lại gặp Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh cùng phu quân của chị là Nhà Văn Nguyễn Quang tại phòng thâu hình của Đài Global TV 57.8. Tối hôm ấy tôi cùng một số anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đến đài để thâu hình cho chương trình 30 tháng 04 năm 2012. Sở dĩ Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh đến vì chị là một trong những vị khách danh dự được mời đến tham dự trong buổi thu hình ấy.

     ( Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh mang áo đỏ, đứng bên cạnh là phu quân Nguyễn Quang, người đứng sát bên cờ vàng 3 sọc đỏ là tác giả)

    Tại đây, Nhà Văn Nguyễn Quang, phu quân của chị Minh Đức Hoài Trinh, đã gặp Nhà Văn Phong Vũ của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và trao cho Nhà Văn Phong Vũ tác phẩm “Ốc Mượn Hồn” để Nhà Văn Phong Vũ xem tổng quát ngõ hầu viết chương trình cho ngày ra mắt sách vào thượng tuần tháng 05 sắp tới; vì Nhà Văn Nguyễn Quang nhờ Nhà Văn Phong Vũ trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và cô xướng ngôn viên Hồng Vân của Đài truyền hình 57.5 làm em- xi cho chương trình ra mắt tác phẩm này. Đứng bên cạnh Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh và phu quân của chị, sau khi phu quân chị Minh Đức Hoài Trinh trao sách cho Nhà Văn Phong Vũ, tôi liền nói với chị Minh Đức Hoài Trinh (MĐHT):

    • Bữa nào anh Nguyễn Quang ra mắt tác phẩm “Ốc Mượn Hồn” nầy, em sẽ hát tặng chị một bản nhạc.

    Nghe tôi nói như vậy, chị MĐHT liền mỉm miệng cười. Không biết lúc bấy giờ hứng bất tử sao tôi lại hứa với chị MĐHT là sẽ hát một bản nhạc tặng chị ấy, vì chưa bao giờ tôi hát đơn ca trên sân khấu cả, mà chỉ thường hát hợp ca trong ban hợp ca của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ mà thôi. Nhưng vì bận việc nên tôi quên ghi danh hát gởi đến cho anh Phong Vũ. Thế nên sau khi nhận  được e mail của anh Phong Vũ cho biết những người tham gia vào chương trình, tôi thấy các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ghi danh hát đông quá rồi nên tôi không muốn ghi danh  hát nữa:

    CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ:
    1-Hạnh Cư …Vì đó là em (Diệu Hương)

    2- Quỳnh Hoa …….Đường Xưa Lối Cũ (Hoàng Thi Thơ)-

    3-Như Ngọc Hoa …….  Em Vẫn Chờ  (thơ của Hư Vô, nhạc cuả NNHoa)

    4- Lan Hương ….. Mắc Nợ  (thơ Phi Loan, nhạc Cao Minh Hưng)

    5-Trịnh Thanh Thủy … Người Tình Không Chân Dung (nhạc Hoàng Trọng)

    6- Xuân Thanh ….. Qua Cơn Mê (Trịnh LâmNgân, phổ thơ Nguyễn Từ Nam)  

     7- Khánh Vân …… Quê Hương Bỏ Lại (Tô Huyền Vân).

    8- Thúy Liêm …… Gửi Người Giới Tuyến (Nhật Lệ) 

    9-Tuấn Nguyễn – “Xin Hãy Rời Xa”(Vũ Tuấn Đức)

    10-Ngọc Đăng – Anh Vẫn Mơ Một Ngày Về (Nguyet Anh)

    11- Phong Vũ  –  Riêng Một Góc  Trời (Ngô Thụy Miên)

     (Hình chụp trong ngày ra mắt sách “Ốc Mượn Hồn” của Nhà Văn Nguyễn Quang , phu quân của Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh.)

    Trưa ngày 06 tháng 05 năm 2012, lúc vừa đến Thư Viện Việt Nam để tham dự ngày ra mắt sách của Nhà Văn Nguyễn Quang, sau khi Nhà Văn Nguyễn Quang ký tặng sách xong, tôi thấy chị Minh Đức Hoài Trinh đang ngồi ở dãy ghế hàng đầu nên cầm sách đến bên chị ấy và nói:

    • Đáng lẽ chị cũng ký vào sách này luôn để làm kỷ niệm

    Chi Minh Đức Hoài Trinh trả lời:

    • Thôi, anh Nguyễn Quang ký cũng được rồi em.

    Sau đó tôi liền nói với chị MĐHT:

    -Bữa trước em hứa với chị là sẽ hát một bài tặng chị, nhưng bây giờ anh chị em ghi tên hát đông quá rồi nên em không thể hát đơn ca được. Thôi, chị ngồi chờ xem em hát hợp ca vậy. Nghe tôi nói như vậy, chị MĐHT liền mỉm miệng cười. Sau khi  buổi ra mắt sách bế mạc, Nhà Văn Nguyễn Quang lên nói đôi lời cảm tạ với mọi người. Lúc đó tôi đang đứng bên cạnh chị MĐHT, bỗng nghe chị ấy hỏi một cậu đứng bên trái chị :

    – Anh Quang đâu rồi?

    Tôi liền vừa cười vừa trả lời thay cho cậu đứng bên cạnh :

    -Anh Quang đang nói đôi lời cảm tạ chị ạ. Khoảng 5 phút nữa anh Quang sẽ đến bên chị ngay, chị không mất anh Quang đâu mà sợ. 

    Nghe tôi nói như vậy chị MĐHT lại mỉm miệng cười. Chị ấy luôn luôn mỉm miệng cười và chắp tay trước ngực.

    Ngày 27 tháng 10 năm 2013, tôi đến nhà Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng để tham dự Tiền Đại Hội ngày ra mắt sách của Giáo Sư Lưu Trung Khảo thì lại gặp Nhà Văn Minh Đức Hoài trinh và phu quân. Tôi liền đến chào chị:

    • Kính chào chị. Em là Dương Viết Điền đây. Chị nhận ra em không?

    Cũng như lần trước, chị liền chắp tay trước ngực đáp lễ nhưng hôm nay bỗng nhiên chị nói:

    • Hân hạnh, hân hạnh.

    Nghe chị nói như vậy, tôi liền nói ngay:

    • Tội quá chị ạ. Em mới hân hạnh được gặp chị chứ.

    Nghe tôi nói như thế chị bỗng nhoẻn miệng cười. Sau đó tôi nhờ một người bạn chụp hình tôi, chị Minh Đức Hoài Trinh và phu quân của chị làm kỷ niệm

    Từ trái: Nhà Văn Nguyễn Quang, Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh và Tác Giả.
    Từ trái: Nhà Văn Nguyễn Quang, Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh, Phu Nhân Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm , Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm và Tác Giả.

    Tối thứ bảy ngày 23 tháng 11 năm 2013, tôi lại gặp Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh trong buổi Lễ Mừng Sinh Nhật 80 tuổi của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, tại hý viện La Mirada.

    Trong lúc ngồi chờ đợi giờ khai mạc, tôi nói với chị Minh Đức Hoài Trinh:

    • Em có viết một bài kỷ niệm với chị về những lần sinh hoạt về văn học nghê thuật, cũng như những lần gặp gỡ chị.

    Nghe tôi nói vậy, chị nói ngay:

    • Sao không cho chị đọc với?

    Tôi trả lời ngay:

    • Em đang viết mà chị. Khi nào viết xong em sẽ gởi cho chị đọc.

    Vào ngày chủ nhật 07 tháng 12 năm 2014, nhân chuyến viếng thăm Nhà Văn Thinh Quang để chúc mừng cụ đã được 92 tuổi, tôi cùng vợ chồng Nhà Văn Việt Hải và anh Cao Thái Hải ghé đến nhà Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh để thăm chị cùng phu quân. Tại đây chúng tôi ngồi đàm đạo về chuyện văn học nghệ thuật liên quan đến văn nghiệp của chị MĐHT để chuẩn bị tổ chức lễ ra mắt sách vinh danh chị ấy trong tuần tới. Lúc ấy phu quân của chị MĐHT cho chúng tôi xem một DVD nói về cuộc đời văn nghiệp của chị. Trong thời gian chờ đợi ra BLEU RESTAURANT ở đường Beach để tham dự đêm văn nghệ chủ đề về nhạc của Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng, tôi có chụp một số hình ảnh treo trên tường trong nhà chị MĐHT vì thấy những hình ảnh này liên quan đến cuộc đời của chị ấy.

    Ngày 14 tháng 12 năm 2014, lúc tham dự buổi ra mắt sách “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” và mừng sinh nhật thứ 85 của Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tổ chức tại nhà hàng Emeral Bay, lúc ngồi trên xe chờ phu quân của chị ra chở về lại nhà, tôi đến bên chị giả bộ hỏi để xem tình trạng Alzheimer của chị ấy như thế nào mặc dầu mới tham dự tiệc sinh nhật thứ 85 của chị ấy xong:

    • Chị năm nay được bao nhiêu tuổi rồi thưa chị?

    Chị Minh Đức Hoài Trinh trả lời:

    • Chị được bảy mươi …

    Nghe chị Minh Đức Hoài Trinh nói như vậy biết chị ấy bị lẫn rồi, tôi liền nói ngay:

    • Bảy mươi đâu mà bảy mươi chị. Chị sinh năm nào chị còn nhớ không?

    Chị Minh Đức Hoài Trinh trả lời:

    • Chị sinh năm 1930

    Tôi liền nói :

    • Vậy chị để em tính tuổi cho chị nhé. Năm nay là năm 2014, chị sinh năm 1930. Làm một bài toán trừ thì năm nay chị đã được 84 tuổi Tây và 85 tuổi ta rồi. Chứ bảy mươi đâu mà bảy mươi!

    Nghe tôi nói như vậy, chị Minh Đức Hoài Trinh liền mỉm miệng cười!

    Nhà Văn Minh Đức Hoài Trinh (tay cầm bông hồng) chuẩn bị cắt bánh sinh nhật trong ngày ra mắt sách “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Người Cầm Bút”

    Ngày 25 tháng 06 năm 2017, sau khi đọc được bản cáo phó về ngày ra đi của chị Minh Đức Hoài Trinh, tôi liền xuống Quận cam để chia buồn với phu quân của chị là nhà văn Nguyễn Quang Huy và tiễn biệt nhà văn Minh Đức Hoài Trinh về bên kia thế giới.

    Sau đây là một vài hình ảnh trong ngày tiễn biệt chị Minh Đức Hoài Trinh.

    Nhà Văn Nguyễn Quang, Phu quân nhà văn Minh Đức Hoài Trinh và tác giả.
    Tác giả và trưởng nữ của nhà văn Minh Đức hoài Trinh
    Thân hữu đang khiêng quan tài đến nhà hoả thiêu.

    California, ngày 27 tháng 06 năm 2017.

    Dương viết Điền, California, ngày 27 tháng 06 năm 2017.

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ

    KÝ SỰ CỦA NV DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

    Ký Sự Du Lịch Pháp Quốc

    “…Mà thật thế, đứng ở tầng thứ hai của tháp Eiffel nhìn xuống, chúng tôi thấy toàn cảnh của thành phố Paris đẹp tuyệt trần! Xa xa, Điện Versailles, Bảo tàng viện Louvre, Điện Champs Elysees như nổi bật một góc trời. Đẹp nhất và nên thơ nhất là dòng sông Seine chảy qua thành phố Paris đang uốn khúc giữa nắng chiều. Bởi mùa thu đang về trên nước Pháp, vì trời thu đang ngự trị giữa thành phố Paris nên lá vàng từ trên một số cây dọc hai bên bờ sông Seine đang bay nhè nhẹ rồi từ từ rơi xuống dòng sông. Nhìn dòng sông Seine đang uốn khúc giữa nắng chiều thu, nhìn lá vàng bay là đà rồi rơi trên dòng nước biếc, lòng tôi bỗng xúc động đến ngậm ngùi, rồi bâng khuâng nhớ đến những thi nhân của nước Pháp cứ mỗi độ thu về đã từng dệt nên những vần thơ thật lãng mạn, đa tình, thật nghẹn ngào, nuối tiếc! Một Guillaume Apollinaire với L’Adieu thật nức nở sầu thương, một Alphonse de Lamartine với Le Lac thật hoang vắng đơn côi, một Paul Verlaine với Chansons D’automne thật ê chề đau đớn, đầy ắp những kỷ niệm nghẹn ngào! Bất giác tôi ngâm bài thơ Chansons D’automne của Paul Verlaine khi thấy nắng chiều đang trải dài trên dòng sông Seine tuyệt đẹp:

    Les sanglots longs

    Des violons

    De l’automne

    Blessent mon coeur

    D’une langueur monotone

    Tout suffocant

    Et blême, quand

    Sonne l’heures

    Je me souviens

    Des jours anciens

    Et je pleure

    Et je m’en vais

    Au vent mauvais

    Qui m’emporte

     Deçà delà

    Pareil à la

    Feuille morte

    “Tiếng đàn ai đó lê thê 

    Vĩ  cầm réo rắt ê chề lòng đau

    Bơ vơ chuông đổ đồng hồ

    Lòng như héo hắt thu tàn năm xưa

    Bao kỷ niệm, theo gió đưa

    Cuốn theo lệ đổ chưa vừa xót xa

    Bao năm lữ thứ xa nhà

    Giang hồ phiêu bạt lá vàng tả tơi…” (Lãng Du dịch)

    Bỗng tiếng bà xã tôi thúc giục bên cạnh làm tôi trở về với thực tại:

    – Anh, chuẩn bị mà xuống kẻo ông trưởng đoàn du lịch và anh em du khách chờ.

    Đáng lẽ chúng tôi định mua vé để lên tầng cao nhất của tháp Eiffel nhìn tiếp, nhưng vì thời gian của ông trưởng đoàn cho quá eo hẹp nên vợ chồng tôi đành phải từ giả tháp Eiffel. Nếu là thanh niên, tôi sẽ cầm tay bà xã tôi đi bộ từ từ theo những bậc thang từ tầng thứ hai của tháp Eiffel mà đi xuống, để vừa đi vừa nhìn chầm chậm quang cảnh thành phố Paris và dòng sông Seine cho thỏa thích một lần cuối; nhưng vì tuổi tác của chúng tôi cũng đã xế chiều, vã lại, tôi bị bệnh đau lưng đã mấy năm rồi nên đành phải tốc chiến tốc thắng đi theo thang máy để xuống cho kịp với đoàn du lịch đang đợi chờ dưới chân tháp Eiffel. Lúc đứng trên thang máy đang di chuyển xuống chân tháp, tất cả du khách đều reo hò lên như ngày hội vì chúng tôi cảm thấy quá thích thú khi thấy thành phố Paris và dòng sông Seine mỗi lúc một lớn dần, lớn dần, để rồi mấy phút sau xuất hiện trước mắt mọi người vì thang máy đã chạm mặt đất. Như giấc mơ của Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên, chúng tôi cũng vừa lạc vào một thế giới huyền ảo trên bầu trời của thành phố Paris thủ đô nước Pháp, khi đứng trên tháp Eiffel nhìn xuống dòng sông Seine đang uốn khúc giữa dòng đời.

    Để níu kéo thêm thời gian đong đầy kỷ niệm bên dòng sông Seine, tôi cầm tay bà xã tôi vừa đi vừa hát bản nhạc “Hoa thạch thảo” do Phạm Duy phổ nhạc theo ý bài thơ L’Adieu của Apollinaire ngày nào:

    Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.

    Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

    Mùa thu đã chết em nhớ cho, mùa thu đã chết em nhớ cho  

    ………………………………………………………….

    Bất giác, tôi ngâm mấy vần thơ trong bài L’Adieu của Apollinaire để giả từ mùa thu trên dòng sông Seine giữa thủ đô Paris:

    J’ai cueilli ce brin de bruyère

    L’automne est morte souviens-t’en

    Nous ne nous verrons plus sur terre

    Odeur du temps brin de bruyère

    Et souviens-toi que je t’attends.

    Tôi vừa đi vừa ngâm thơ nên khi đến gần xe buýt lúc nào cũng không biết. May nhờ bà xã tôi đi bên cạnh bảo lên xe buýt gấp tôi mới tỉnh táo và bước lên xe ngay.”

    Trích đoạn từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu Và Hạ Uy Di” của Dương viết Điền xuất bản năm 2009).

    Dương viết Điền
                 Thơ

    Vĩnh Biệt!

    Thôi thế thì thôi mình xa nhau

    Thương chi thêm khổ chuốc thêm sầu

    Nhạc tình réo rắt buồn vời vợi

    Vạn kiếp nghìn năm lỡ nhịp cầu!

    Thôi thế thì thôi mình xa nhau

    Khổ lụy từ đây đẫm lệ sầu

    Quằn quại bên dòng đời hiu quạnh

    Tiếc thương giờ đã lỡ chuyến tàu.

    Thôi thế thì thôi mình xa nhau

    Nắng sớm chiều mưa những nghẹn ngào

    Có nhớ nhau thì hôn trong gió

    Cho tình ngang trái bớt sầu đau.

    Thôi thế thì thôi mình xa nhau

    Vĩnh biệt từ đây nắng qua cầu

    Đớn đau đau đớn tình hai đứa

    Nức nở nghìn năm giọt lệ sầu.

    Tháng 07,1997.

    Hạ Ái Khanh

    (Trích từ thi phẩm Nghẹn Ngào xuất bản năm 2000)

    Farewell!

    Well! My sweetheart, we two parted!

    Love was miserable and broken-hearted

    Love music was shrilled sadly

    For one thousand years, it has been half-way already!

    Well! My sweetheart, we two parted!

    From now on, we have been so afflicted

    We have writhed by the side of deserted life

    Love and regret have got for nothing, right?

    Well! My sweetheart, we two parted!

    Morning sun and evening rain have made us heart-rending

    We would kiss in the wind if missing

    To make the sorrow of our illegimate love abated!

    Well! My sweetheart, we two parted!

    Farewll! From now on, the sun has passed by the bridge

    Our love has been suffering

    For one thousand years, we have shed tears in sorrowing!

    July 1997,

     By Duong viet Dien

    (Trích từ thi phẩm Speechless xuất bản năm 2000)

  • Dương Viết Điền,  Tin tức

    Khi người nữ viết truyện trinh thám hình sự.

    Đôi Lời Phi Lộ

    Ai đã từng đọc những chuyện trinh thám đều biết rằng, bất kỳ câu chuyện nào cũng làm cho chúng ta say mê nhờ nội dung của các câu chuyện quá kỳ bí, hồi hộp, ghê rợn và lắm lúc kết cuộc thật đau lòng. Vì vậy, các tác giả của những chuyện trinh thám phải là những nhà văn có những đặc tính như thích phiêu lưu mạo hiểm, thích dấn thân, thích tò mò và nhất là trí tưởng tượng rất mạnh đến tuyệt vời, lắm lúc hơn cả tuyệt vời!. Họ thường rất thông minh, lanh lẹ, năng động, hoạt bát. Lắm lúc họ xông xáo vào đời một cách liều lĩnh, nhiều lúc rất ngoạn mục. Nhờ thế những tác phẩm của họ được thai nghén bằng những dữ kiện thật kỳ bí, hấp dẫn, thật ly kỳ và hồi hộp. Thế nên lắm lúc đọc các tác phẩm trinh thám của họ, ta cảm thấy như bị nghẹt thở, sởn da gà, cảm thấy như dựng tóc gáy, rụng rời tay chân! 

    Tuy nhiên, cho dù những người nào có năng khiếu thiên phú đi nữa, nhưng một khi muốn hành nghề thám tử để điều tra tôi phạm, người ta phải học qua những khoá học chuyên môn về nghiêp vụ này. Thế nên ngay từ đầu, tác giả đã cố ý trang bị cho nữ thám tử Lê Minh trong cốt chuyện bằng những khoá học như phải tốt nghiệp Cao học Criminal Justice, hoàn thành khoá đào tạo của Học viện Cảnh sát và sẽ gia nhập Lực Lượng Tư Pháp Tội Phạm Sát Nhân.

    Điểm qua một số nhà văn trên thế giới với những tác phẩm của họ viết về chuyện trinh thám, ta thấy rất nhiều nhà văn nam cũng như nữ, đã để lại cho đời những tác phẩm thật hấp dẫn và lâm ly, thật ngoạn mục và hồi hộp đến toát mồ hôi hột. Chẳng hạn như văn sĩ người Anh Ian Flaming với điệp viên 007 lừng danh nhất thế giới, văn sĩ Conan Doyle với tác phẩm nổi tiếng Sherlock Holmes, nữ văn sĩ Agatha Christie với tác phẩm Án Mạng Trên Sông Nile, nhà văn Da Brown với tác phẩm Mật Mã Davinci, tác giả Lôi Mễ với tác phẩm Đề Thi Đẫm Máu, nữ văn sĩ Gillian Flyn với Cô Gái Mất Tích, nhà văn Shannon Mc Kenna với Đứng Trong Bóng Tối, nhà văn Thomas Harris với Sự Im Lặng Của Bầy Cừu, nhà văn Thuỵ Điển Stieg Larsson với Cô Gái Có Hình Xăm Rồng, nhà văn Truman Capote với Máu Lạnh, nhà văn Nhật Minato Kanae với Thú Tội, nhà văn Nesbo với Chim Cổ Đỏ,  nhà văn Việt nam Phạm Cao Cũng với Chiếc Gối Đẫm Máu, Vết Tay Trên Trần, nhà văn Thế Lữ với tác phẩm Lê Phong và Mai Hương, Gói Thuốc Lá, Đòn Hẹn, Tay Đại Bợm.

    Đặc biệt trong bài đôi lời phi lộ này, tôi muốn đề cập đến những nhà văn nữ viết về chuyện trinh thám. Ai cũng biết rằng phái nữ thường được mệnh danh là phái liễu yếu đào tơ với những đặc tính nhu mì, hiền hậu thường chỉ thích đọc và viết về những chuyện tình yêu lãng mạn, những chuyện tình buồn vời vợi, khi thì nức nở sầu thương, khi thì giận hờn tiếc nuối để rồi biệt ly và xa nhau, chứ ít khi viết về những chuyện đánh đấm, võ thuật, múa may quay cuồng, đâm chém giết nhau, thịt rơi máu đổ; hay những tác phẩm liên quan đến hình sự, điều tra tội phạm, nói chung là các chuyện phản gián, chuyện gián điệp, chuyện tình báo.v v…Vậy mà trong những nhà văn nữ của thế giới nói chung và  của Việt nam nói riêng, có một nữ văn sĩ Việt nam ở hải ngoại đã dấn thân bất chấp thân phận là liễu yếu đào tơ đã quyết chí hoàn thành một tác phẩm về chuyện trinh thám để cống hiến cho độc giả một tác phẩm trinh thám tuyệt vời. 

    Đó là nữ văn sĩ Khánh Lan với tác phẩm“Tuyển Tập Truyện Trinh Thám”. Được biết nhà văn Khánh Lan đã tốt nhiệp Cử nhân …..Sau đó bà ta tiếp tục học và đã lấy luôn văn bằng Cao học về tâm lý và xã hội học. Nhờ thụ giáo được những kiến thức về tâm lý và xã hội học tại đại học, nhờ giàu óc tưởng tượng cực mạnh, nhờ sẵn có đặc tính thật bén nhạy trước những án mạng ngoại cảnh, cũng như nhờ có óc sáng tạo và rất thông minh, cùng với những lý luận thật sắc bén và vững chắc cho từng sự việc qua những phương pháp như tam đoạn luận, song quan luận, liên châu luận; cũng như những phương thức điều tra tôi phạm của một thám tử tác giả cũng đã thấm nhuần như Tư duy phản biện (Critical thinking); Giao tiếp bằng văn bản (Written communication); Giao tiếp bằng miệng (Oral communication); Hành vi đạo đức (Ethical behavior); Sự chú ý đến chi tiết (Attention to detail); Hiểu biết sâu sắc về hành vi và tâm lý con người (Keen understanding of human behavior and psychology), nên tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám” của nhà văn Khánh Lan đã trở thành bất hủ, có một không hai trong nền văn chương Việt nam hải ngoại hiện nay, đặc biệt về những chuyện trinh thám. Điểm qua 10 chuyện trinh thám trong tác phẩm này, ta thấy chuyện nào cũng thật hấp dẫn khiến độc giả đọc đến say mê. Càng đọc càng thấy hồi hộp đến sởn tóc gáy, nổi da gà. Nhiều tình tiết trong vài cốt chuyện thật éo le, khi thì hạnh phúc vô biên bỗng kết cuộc quá thảm sầu, khi thì giàu sang phú quý nhưng rồi lại rơi vào vòng lao lý vì ghen tỵ và muốn đoạt gia tài đến độ quá độc ác ( trong Hai Chị Em: Joey Rodriguez giết vợ chồng anh cột chèo Tara và Mathew Taylors rồi xô xuống biển), khi thì yêu nhau đắm đuối nhưng rồi phản bội đến kinh hoàng (trong Mối Tình Oan Nghiệt: Jimmy Smith và Roberto Rivera cắt cổ gia đình ông Christpher Adams 6 người, hay trong Tình Luỵ : Margarita Cruz phản bội Michael Albertini nên bị Michael giết bởi chất độc Antifreeze), khi thì tĩnh táo khám bệnh cho bệnh nhân vì là một bác sĩ đáng kính, nhưng ai ngờ bác sĩ ấy lại trở thành một kẻ sát nhân vì loạn trí nên không kiểm soát được hành động của mình khi mắc bệnh tâm thần (trong Điệp Vụ Cuối Cùng Với McBride: bác sĩ Allan Figuerola là kẻ đã giết hụt thám tử Lê Minh, thật kinh hoàng). Lắm lúc tìm ra được thủ phạm do gặp may (!) như nhờ báo mộng (trong Oan Hồn Báo Mộng: bà Sophia Garcia nằm mộng được bà Pamela cillpam Mơlan báo cho biết thủ phạm là ai). Riêng trong chuyện “Điệp Vụ Cuối Cùng Với McBride”, chúng ta mới biết tác giả rất thông thạo về một bệnh kỳ lạ mà ít khi ta nghe nói đến. Đó là bệnh “Rối Loạn Đa Nhân Cách hay Rối Loạn Nhận Dạng Phân Ly”. Theo tác giả thì: “Đây là một chứng bịnh tâm thần Rối loạn đa nhân cách (Multiple personality disorder/MPD) hay Rối loạn nhận dạng phân ly (dissociative identity disorder/DID). Một chứng tâm bịnh mà bệnh nhân không nhận biết được là mình đã làm gì và chuyện gì đã xẩy ra cho họ. Họ bị rơi vào tình trạng lẫn lộn (confuse) và không biết đâu là thật và đầu là giả. Có những nghi vấn cho rằng đây là bịnh giả vờ để chạy tội. MPD hay DID là sự mất kết nối giữa suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc ý thức của một người về con người của họ. Sự khác biệt giữa những hành vi phân ly hàng ngày và MPD hay DID gây ra bởi trải qua một kinh nghiệm đau thương, chẳng hạn như tai nạn, thảm họa hoặc nạn nhân của tội phạm. Sự phân ly có thể giúp tinh thần một người thoát khỏi nỗi sợ hãi, đau đớn và kinh hoàng, điều này khiến họ khó có thể nhớ hoặc kể lại chi tiết những hành vi hay kinh nghiệm đau thương sau này.”Ngoài những tình tiết éo le, oái ăm của từng câu chuyện, ta thấy tác giả rất thông thạo về những phương thức khám phá khác để tìm ra thủ phạm như xử dụng máy nói sự thật bằng một cuộc kiểm tra tiến hành với máy nói dối còn được gọi là bài kiểm tra PDD (psychophysiological detection of deception), lấy mẫu giảo nghiệm DNA, nhờ các nhân chứng tại hiện trường v v. Tác giả lại còn thông thạo về những chất hoá học trong nghiệp vụ ( trong chuyện Tình Luỵ) nên nhờ đó giúp cho thám tử  McBride và Lê Minh tìm ra được thủ phạm dễ dàng: thí dụ như chất độc Antifreeze tức là Mechanical coolant. Đây là một loại chất độc gồm chất Ethylene Glycol Methanol và Propylene. Hợp chất nầy không có màu, không mùi vị rất nguy hiểm. Hay là thuốc lắc estacy còn được gọi với nhiều tên khác nhau như Methylenedioxy-metham-phetamine hay MDMA. Theo tác giả, đây là một loại thuốc gây nghiện bất hợp pháp có tác dụng kích thích và gây ảo, tăng cường năng lực và sự tỉnh táo. Tuy nhiên chất MDMA có tác dụng làm cho não sản xuất quá mức lượng serotonin, dopamine và norepinephrine khiến người sử dụng có cảm giác hứng khởi, vui vẻ giúp giảm sự trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên tác giả cũng cho biết nếu xử dụng loại thuốc này thường xuyên lại trở nên trầm cảm, lú lẫn, giấc ngủ bị rối loạn. 

    Đặc biệt trong câu chuyện trinh thám cuối cùng mang tựa đề “Giấc Mơ Hạnh Phúc”, tác giả đã làm cho độc giả cảm thấy bỡ ngỡ và ngạc nhiên rằng, tại sao thám tử McBride và người đẹp điệp viên Lê Minh lại không cùng nhau kết tóc xe tơ sau mấy mươi năm đi với nhau bên cạnh cuộc đời, đã cùng nhau vào sinh ra tử chia ngọt xẻ bùi với biết bao thăng trầm khắc khoải; khi thì hồi hộp lo âu, khi thì trầm tư mặc tưởng, khi thì thức khuya dậy sớm để cùng nhau giải quyết những điệp vụ đầy hiểm nguy. Đọc tiếp những dòng cuối cùng của câu chuyện, độc giả sẽ biết rằng có lẽ vì đã dấn thân vào nghề trinh thám này nên thám tử McBride và điệp viên Lê Minh đã thấy con người không thoát khỏi được tham sân si nên thường hay phạm tội, để rồi phải rơi vào vòng lao lý, lắm lúc kết thúc bằng những cái chết đầy oan nghiệt và thật đau lòng. Vì chứng kiến hằng ngày những cái chết chóc đau buồn đó nên quá chán ngán cho tình đời, hay chẳng nghe được lời ân ái nào từ người đẹp Lê Minh nên thám tử McBride đã quyết định từ giả cõi đời bằng một phát súng lúc tuổi đã “thất thập cổ lai hy”. Khi được tin McBride tự sát, người đẹp điệp viên Lê Minh đã ngỡ ngàng đến sửng sốt để rồi cuối cùng, nàng liền quyết định xuống tóc đi tu, có lẽ vì cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa cuộc đời vì hình bóng người mà nàng yêu thầm nhớ trộm cuối đời đã ra đi không bao giờ trở lại chăng? Với kết cuộc như trên, tác giả đã mượn triết lý của thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều để kết luận thật tuyệt vời cho tác phẩm “Tập Truyện Trinh Thám” của bà ta. Đó là: Tu là cõi phúc, tình là dây oan. 

    Nếu sánh vai với một vài nữ văn sĩ viết chuyện trinh thám trên thế giới, ta thấy nữ văn sĩ Khánh Lan cũng có thể ngang hàng với họ không chừng. Thí dụ như nhà văn Tana French với tác phẩm In the woods, Edgar. Nhà văn Megan Abbott với những tác phẩm The fever, Dare me, The end of everything. Nhà văn Daphne Du Maurier với tác phẩm Rebecca. Nhà văn Camilla Lackberg với những tác phẩm Isprinsessan (the Ice Princess), Predikanten (the Preacher), Olycksfagelon.

    Nhà văn Tess Gerritsen với tác phẩm Call after Midnight, Peggy Sue Got Murdered, The Bone Garden.

    Nhìn chung, tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám” này là một tác phẩm rất có giá trị cho ngành tội phạm hình sự theo đó, những ai mới bắt đầu vào nghề hay đang hành nghề thám tử, gián điệp, cần nên đọc để trau giồi thêm kiến thức nghề nghiệp và rút tỉa kinh ngiệm quý báu trong lúc hành nghề.

    Tóm lại, với tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám”, nữ văn sĩ Khánh Lan đã để lại cho đời một kiệt tác về văn chương Việt nam tại hải ngoại, đặc biệt trong lãnh vực về chuyện trinh thám, rất hấp dẫn, thật hồi hộp, đọc xong sẽ nổi da gà và dựng tóc gáy ngay. Tôi xin trân trọng giới thiệu với độc giả khắp năm châu tác phẩm trinh thám thật tuyệt vời này.

    California, ngày 20 tháng 02 năm 2021.

    Dương viết Điền.

    (Hình ảnh trong bài lấy từ nguồn Wikipedia)

  • Dương Viết Điền,  Tin tức

    TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG QUA ÂM NHẠC CỦA NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA

    Nhạc Sĩ Lê Văn KHoa & Nhà văn Dương Viết Điền

    Được biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa sinh ngày 10 tháng 06 năm 1933 tại tỉnh CầnThơ. Tháng 05 năm 1975, ông sang tỵ nạn tại Mỹ sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Ông là một người đa năng đa hiệu trong nhiều lãnh vực. Vừa là một nhà giáo rất tận tâm, đức độ, vừa là một nhạc sĩ tài ba lỗi lạc đã từng đoạt luôn một lần hai giải thưởng sáng tác âm nhạc toàn quốc năm 1953 và giải văn học nghệ thuật toàn quốc, vừa là một nhiếp ảnh gia xuất sắc của Việt nam đã từng đoạt luôn ba giải thưởng toàn quốc trong ba năm liên tiếp 64-65. Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông là người đứng ra sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật năm 1968 tại Việt Nam. Hội này cũng đã đoạt được huy chương vàng tại Áo quốc. Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa là người Việt Nam đầu tiên có hình ảnh triển lãm tại Quốc Hội Hoa kỳ. Từ năm 1976 đến 1977, ông là giáo sư dạy môn nhiếp ảnh tại đại học Salisbury State College ở Maryland. Để đi vào đề tài, tôi xin được viết riêng phần “Tình yêu quê hương qua âm nhạc” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

    Nếu nhà soạn nhạc Ludwig Van Beethoven của Đức có rất nhiều bản nhạc ngợi ca tình yêu đôi lứa và mang nặng tình yêu quê hương như Egmont, Wellington’s Victory, Zur Namensfeier, Consecration of the House, hay Franz Peter Schubert của Áo với 600 Lieder, 9 bản Symphonis, nhạc cho Operas và cả 1000 tác phẩm chan chứa tình tự dân tộc, Richard Georg Strauss của Đức với Till Eulenspiegel’s Merry Prank, Also Sprach Zarathustra, Don Quixote, Sinfonia Domestica, An Alpine  Syphony, Salome, Der Rosen Kavaliervv… bàng bạc tình hoài hương, và Dvorak của Tiệp Khắc viết rất nhiều những tấu khúc dành cho quê hương,thì những tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng biểu lộ rất chân thật tình yêu nồng nàn quê cha đất tổ, tình tự dân tộc, tình hoài hương cũng như thường xuyên khắc khoải âu lo cho tổ quốc, quằn quại nhớ nhung chất ngất quê mẹ Việt Nam qua những tác phẩm trong các tập nhạc như “GỌI NHỚ”, “NHẠC VIỆT MẾN YÊU”, “THE BEAUTIFUL BAMBOO”, và tập “DÂN CA VIỆT NAM”. Đặc biệt trong tập nhạc “HÁT CHO NGÀY MAI” xuất bản năm 1982, ông sáng tác rất nhiều bản nhạc hướng về quê hương dân tộc với những lời ca thật chân tình chứa chan niềm thương nỗi nhớ vô biên về nước Việt Nam yêu dấu. Chẳng hạn như những lời ca “…Nếu có ai hỏi: “Em là người nước nào?” Em sẽ xin thưa rằng: “Em là người Việt nam trong máu xương; hồn linh em, gan, ruột em, óc, tim từng tế bào đây: Việt Nam” trong bài “NẾU CÓ AI HỎI”, hay là những lời như “Diệt hết lũ ác ra oai, phục hồi uy danh đất nước ngày mai. Đem bình an cho đất nước Việt Nam” trong bài “TÔI ƯỚC”, hoặc là những lời ca như “Từ khắp bốn phương trời lớp lớp đi. Tìm đến quê hương về đắp xây. Dù lắm khó khăn nào ai sá chi. Thề quyết hiến dâng tổ quốc mến yêu. Giải phóng quê hương mình”. Ngoài ra, ông còn phổ nhạc những bài ca dao Việt Nam đầy xúc động lòng người, đầy tình tự quê hương tình yêu dân tộc để nhắc nhở mọi người ở quê người đất khách luôn luôn nhớ về quê nhà đã nghìn trùng xa cách. Chẳng hạn như bài “TRÂU ƠI”, bài “CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM”, hay bài “LẠY TRỜI MƯA XUỐNG” v.v… Tuy nhiên ta thấy rất nhiều bài, là một nhạc sĩ, ông sáng tác rất nhiều thể loại như nhạc dân ca, nhạc phổ thông và đặc biệt là những tấu khúc cho ban nhạc Đại Hợp Xướng Ngàn Khơi và Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trình diễn. Có lẽ ông ta là người đầu tiên lồng nhac Việt Nam vào nhạc Tây phương, để cho nhạc phương Tây quyện với nhạcViệt Nam làm cho thế giới có thể biết nhạc Việt ta như thế nào, Đây là một vấn đề rất khó thực hiện và rất công phu. Ông chuyên môn sáng tác và soạn hoà âm cho dàn nhạc giao hưởng, đại hoà tấu.Vậy mà ông ta đã thành công thật tuyệt vời! Nếu ai đã từng tham dự những đêm hoà nhạc tại Fullerton năm 1978 với bài “SE CHỈ LUỒN KIM”, năm 1979 với bài “VIETNAMESE RHAPSODY”, năm 1995 với bài SYMPHONIC SUITE 1.9.7.5”, năm 1996 và 1997 với hai bài “TRĂNG RẰM” và “NGÀY HỘI” mới biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã tốn không biết bao nhiêu công sức để soạn hoà âm như thế nào. Sự vỗ tay hoan hô, tán thưởng nhiêt liệt của tất cả khán giả trong rạp là bằng chứng hùng hồn về sự thành công của nhạc sĩ Lê Văn khoa vậy. Tổng số những tác phẩm của ông trên dưới 600 bài. Đây là một công trình thật vĩ đại. Đặc biệt là “LULLABY” của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Ngoại trừ những tác phẩm diễn tả lại tình cảm của cuộc đời, tình yêu nồng nàn của cuộc sống, hai ca khúc “Dawn of my country” và “Dream of Homeland” trong “LULLABY” là những ước mơ, hoài vọng cho một quê mẹ Việt Nam được sáng ngời, một đất nước sẽ được yên vui trong thanh bình thịnh vượng. Tuy nhiên trong dòng nhạc chảy như suối nguồn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nổi bật và vĩ đại nhất vẫn là SYMPHONY “VIET NAM 1975”, một đại tấu khúc viết nửa chừng rồi lại ngưng, rồi lại viết, rồi lại ngưng. Nhưng với sự quyết tâm và kiên trì theo năm tháng, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hoàn thành xong tác phẩm vĩ đại này sau 10 năm miệt mài bên đàn piano (1985-1995) và phải đợi thêm 10 năm nữa mới được xuất hiện trên vòm trời âm nhạc hải ngoại. Và những ước mơ, những khắc khoải đêm ngày của nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa đã được toại nguyện khi SYMPHONY “VIET NAM 1975” xuất hiện như diều gặp gió và đã tha hồ lướt gió tung trời trên vòm trời âm nhạc hải ngoại như ta đã thấy; vì Kyiv Symphony Orchestra And Chorus của xứ UKRAINE đã bằng lòng thu thanh CD SYMPHONY “VIET NAM 1975” cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Điều nầy đã làm cho tác giả “phỉ chí tang bồng”, hạnh phúc triền miên vì ông ta đã từng ước mơ, đã từng ôm ấp hoài bão này trong một thời gian dài đằng đẳng đến 20 năm trời ròng rã. Vì thế, đây là một niềm hãnh diện vô biên cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa nói riêng và cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung.

     Từ trái: Dương Viết Điền, Nhạc sĩ Anh Bằng, Việt Hải, nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

    Chính vì “Symphony Việt Nam 1975” là một đại tấu khúc tuyệt vời như vậy nên rất nhiều nhạc sĩ ngoại quốc không ngớt ca ngợi. Nhạc trưởng của dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra và dàn nhạc The National Ukranian Opera and Ballet là Alla Kulbaba viết: “Nhạc của Lê Văn Khoa thật tinh vi, đầy xúc động, rất mực nhân hậu thân thiết… Qua tác phẩm “Symphony Việt Nam 1975”, Lê văn Khoa chứng tỏ là nhà viết đại tấu khúc có tài. Ông dùng thể loại Tây phương nhưng đặt trên căn bản nguồn gốc quốc gia”. Riêng Tiến sĩ Nghệ Thuật Âm Nhạc Vũ Tôn Bình, ông nhận xét về nhạc sĩ Lê Văn Khoa như sau: “Đối với người cùng thời, Lê Văn Khoa luôn luôn ở đầu giới tuyến; là người đưa cao ngọn đuốc và ánh sánh của ngọn đuốc ấy sưởi ấm lòng nhiều người ở các ngã rẽ của xã hội và những khúc quanh quan trọng trong lịch sử dân Việt”. Ta hãy nghe thêm một nhạc sĩ nổi tiếng của xứ Ukraine, nữ nhạc sĩ NINA RODIONOVA, nói về nhạc sĩ Lê Văn Khoa như sau: “…You are a talented painter and a composer in one person. Each piece of your album is a picture. When I listen, I see Vietnam with its wonderful rich nature… But most important, in this music I can hear composer’s feelings, I can feel his soul. It always excited me. I’m very thankful to you for your light charming music”. (Trích từ bức thư gởi cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa).

    Ai cũng biết rằng, Richard Georg Strauss là một nhà soạn nhạc vĩ đại của Đức. Đến khi Nazi lên nắm chính quyền, rất nhiều nhà soạn nhạc không muốn cộng tác với Nazi. Nhưng Richard Georg Strauss lại hợp tác với chế độ độc tài Nazi tại hạt Third Reich và đã được Joseph Goebbels bổ nhiệm làm giám đốc Âm Nhạc Viện The Reichs-musik-kammer. Thế rồi ông ta chơi thân với các sĩ quan cao cấp của Nazi. Chính điểm này đã khiến cho rất nhiều nhà soạn nhạc không muốn nhìn ông ta nữa. Bởi vậy có lần nhà soạn nhạc đương thời là Arturo Toscanni nói về Richard Georg Strauss như sau:

    “Đối với nhà soạn nhạc Strauss, tôi kính cẩn ngả nón chào. Nhưng đối với Strauss là con người, tôi lại ngoảnh mặt  không nhìn ông ta nữa” (To Strauss the Composer, I take off my hat. To Strauss the Man, I put it back on again”).

    Vậy thì đối với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, vì ông ta dứt khoát bỏ nước ra đi tìm tự do ở quê người đất khách, quyết không hợp tác với chế độ độc tài tại Việt Nam. Cho dù ở đất khách quê người, ông vẫn luôn luôn hướng về quê mẹ để rồi ngày đêm sáng tác những ca khúc hiến dâng cho quê mẹ mến yêu. Đã thế ông ta còn chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam với bất cứ giá nào. Vì vậy tôi có thể nói giống như Arturo Toscanni nói về Strauss như đã nêu ở trên, nhưng câu thứ hai thì tôi đổi lại khác hẳn. Tôi xin được trang trọng nói rằng:

    “Đối với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, tôi xin kính cẩn ngả nón chào. Còn đối với Lê Văn Khoa là con người, tôi cũng xin được kính cẩn ngả nón chào luôn vậy” (To Khoa Van Le the Composer, I take off my hat. To Khoa Van Le the Man, I take off my hat too).

    California ngày 10 tháng10 năm 2009.

    Dương Viết Điền.

  • Dương Viết Điền,  Tin tức

    TÌNH YÊUQUA THI CA VIỆT NAM

    Khi nói đến tình yêu, thông thường người ta hay đề cập đến sự rung động hai con tim của một cặp nhân tình. Nói khác đi, khi hai trái tim của một nam và một nữ đang cùng thổn thức bên nhau bất chấp cả thời gian lẫn không gian, người ta nói rằng họ đang yêu nhau. Như vậy ở đây chúng ta cần loại bỏ những trường hợp tình yêu không do sự rung động của hai con tim bắt nguồn từ một vài trường hợp nào đó, hay vì những hoàn cảnh khác tạo thành. Chẳng hạn như hai người thành vợ thành chồng nhưng không phải vì họ đã yêu nhau, mà do cha mẹ của hai gia đình đã hứa hẹn với nhau từ trước như ngày xưa qua mấy câu thơ sau:

    Chồng chị là ai

    Chị nào có biết

    Đợi đến ngày mai

    Dòm sang kẽ liếp

    Hay là trường hợp của hai nhà khoa học trong tổ chức “American Association for the Advancement of Science” đã tuyên bố nhân ngày Valentine năm 1997 tại Washington rằng, tình yêu lãng mạn của con người từ cổ chí kim, từ đông sang tây là do ảnh hưởng bởi những chuỗi phản ứng hoá học mà thôi. Sở dĩ chúng ta cần loại bỏ những trường hợp nói trên vì hai chữ tình yêu mang một ý nghĩa quá rộng lớn và cũng để cho phù hợp với đề tài vậy.

    Ai cũng biết rằng “Cái tình là cái chi chi, dẫu chi chi cũng chi chi với tình”. Cái chi chi ở đây là sự yêu nhau say đắm, là sự nhớ nhung chất ngất. Cái chi chi ở đây là những quằn quại đớn đau, là những năm tháng giận hờn. Chàng yêu nàng rồi thề non hẹn biển. Nàng yêu chàng để rồi nức nở sầu thương. Khi yêu nhau họ chẳng biết trời trăng mấy nước đâu cả. Đến lúc xa nhau vì không còn yêu nhau nữa, họ bắt đầu nhìn trời trăng mây nước mà lòng buồn vời vợi vì “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười!”. Thật vậy, tình yêu đúng là “cái chi chi”. Lắm lúc yêu nhau để rồi nhớ nhau mất ngủ. Lắm lúc yêu nhau nhưng bỗng nhiên lại giận nhau để rồi khắc khoải đêm ngày. Yếu tố “thất tình” (vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) luôn luôn ám ảnh cặp tình nhân khi hai trái tim họ đang cùng thổn thức.

    Theo y lý Đông phương, yếu tố “thất tình” đưa đến tình chí bị kích động, sang chấn về tinh thần. Điều này làm cho âm dương, khí huyết, tạng phủ, kinh lạc mất thăng bằng rồi sinh ra đủ thứ bệnh tật. Bởi vì khi hai người yêu nhau, chắc chắn những chuyện vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ sẽ xuất hiện trong tâm hồn họ hằng ngày. Cứ thế, nếu chàng và nàng càng yêu nhau, yếu tố “thất tình” xuất hiện trong tâm hồn họ càng mãnh liệt. Và cũng theo thuyết Đông y, nếu vui quá sẽ hại tim, giận quá sẽ hại gan, suy nghĩ quá sẽ hại tỳ, lo lắng quá sẽ hại phổi, sợ hãi quá sẽ hại thận. Vì sự xuất hiện của “thất tình” khi họ đang yêu nhau nên nếu ta biểu diển tình yêu của họ trên một đồ thị, ta sẽ thấy đường cong khi lên khi xuống, khi cao khi thấp thất thường. Và một ngày nào đó nếu ta thấy đường cong ấy đâm thẳng xuống và đụng trục hoành, thế là xong: chàng và nàng vì một lý do nào đó không lấy nhau được nên đã cùng nhau nhảy xuống sông để vĩnh biệt cõi đời cho trọn tình trọn nghĩa, cho trọn vẹn lời thề. Anh chàng Roméo và nàng Juliete của Shakespear đúng là biểu tượng của đường cong này ở nơi có dòng sông tuyệt đẹp Adige chảy qua thành phố Verona bên bờ hồ Garda ở miền Bắc nước Ý đầy những di tích cổ kính nhiệm màu. Anh chàng Lương Sơn Bá và nàng Chúc Anh Đài cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó ở bên xứ Vạn Lý Trường Thành.

    Riêng tại nước ta, lịch sử tình yêu cũng đã cho ta thấy rất nhiều chuyện tình buồn vời vợi, mỗi khi nhớ lại ai ai cũng phải rơi lệ đến nghẹn ngào. Vậy thì qua thi ca Việt Nam, ta hãy xem “cái tình lá cái chi chi, dẫu chi chi cũng chi chi với tình”đó được diễn tả như thế nào?

    Vì hai chữ tình yêu quá rộng lớn nên để trình bày được dễ dàng, chúng ta tạm thời chỉ đề cập đến ba phần: lúc đang yêu nhau, tình yêu bất thành và tình yêu đã thành nhưng rồi phải xa nhau.

    A. Lúc đang yêu nhau:

    Một triết gia Tây phưong, ông Virgile, đã từng nói rằng ái tình còn mạnh hơn sự chết. Vì thế mà lúc đang yêu nhau, đôi tình nhân chẳng biết trời trăng mây nước hiện giờ nằm ở đâu. Họ chỉ biết yêu nhau thật say đắm, yêu nhau thật điên cuồng, miễn sao họ cảm thấy đê mê trong hồ bơi tình ái cho dù nếu có động đất xảy ra đến 9 hay 10 độ Richter, họ cũng vẫn yêu nhau đắm say vì “ái tình còn mạnh hơn sự chết” mà! Lúc mới bắt đầu yêu, đôi tình nhân nghe tim mình đập thình thịch. Thế rồi bốn mắt nhìn nhau như bị thôi miên vì đang say đắm và ngụp lặn trong men tình. Rồi môi bắt đầu run như bị cảm lạnh khi đi giữa đêm đông đầy giá rét. Cặp tình nhân cảm thấy như có cái gì chận ở cuống họng nên bị nghẹn lời. Vâng, họ đang yêu nhau đấy:

    Môi run, lời chẳng ngỏ,

    Mắt đắm trong men tình:

    Thì ra hai đứa chúng mình say yêu,

    Lòng phiêu phiêu.

    Ngợp trong cảm giác rất nhiều mến thương.

    Phải chăng giấc mộng yêu đương

    Hay cơn say tình bất thường là đây?

       (Trong bài “Say Yêu”của Nguyễn Thị Vinh)

    Tuy nhiên có nhiều đôi tình nhân không muốn trầm lặng, không muốn nghẹn ngào. Bởi vì chàng muốn nàng phải nói, phải nói và phải nói. Chàng muốn nàng phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần. Chàng muốn nàng khi yêu thì tay phải riết, miệng phải cười, đầu phải ngả chứ đừng êm đềm và phẳng lặng như mặt nước hồ thu khi đứng gió. Yêu tha thiết như thế vậy mà vẫn thốt lên là chưa thấm vào đâu:

    Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ,

    Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần;

    Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân,

    Đem chi bướm thả trong vườn tình ái.

    Em phải nói, phải nói và phải nói:

    Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày.

    Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say,

    Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết,

    Bằng im lặng, bằng chi anh có biết!

    Cốt nhất là em chớ lạnh như đồng,

    Chớ thản thiên bên một kẻ cháy lòng,

    Chớ yên ổn như mặt hồ nước ngủ.

    Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ.

         (Trong bài: “Phải Nói” của Xuân Diệu)

    Để tiếp tục cuộc chiến tình yêu như đôi nhân tình nói trên, nhiều cặp tình nhân yêu nhau quá cuồng nhiệt. Tình yêu của họ được biểu lộ qua những động tác hết sức mãnh liệt đầy dục tình. Nhất là lúc họ đã trở thành đệ tử của Lưu Linh để cố say sưa cho quên đời mặc cho trời đất nghiêng ngửa, mặc cho mưa gào gió thét, cho dù đó chỉ là hư ảnh của nàng mà chàng đang ngồi mơ tưởng:

    – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – 

    Ánh đèn tha thướt

    Lưng mềm, não nuột dáng tơ

    Hàng chân lả lướt

    Đê mê hồn gởi cánh tay hờ.

    Âm ba gờn gợn nhỏ,

    Ánh sáng phai phai dần

    Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

    Lui đôi vai, tiến đôi chân,

    Riết đôi tay, ngả đôi thân

    Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

    Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

    Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

    Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa

    Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng.

    Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng

    Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

    Say đi em! Say đi em!

    Say cho lơi lả ánh đèn

    Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.

    Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

    Ta quá say rồi

    Sắc ngả màu trôi

    Gian phòng không đứng vững

    Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.

    Chân rã rời

    Quay cuồng chi được nữa

    Gối mỏi gần rơi

    Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa

    Say không còn biết chi đời

    Nhưng em ơi,

    Đất trời nghiêng ngửa

    Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;

    Đất trời nghiêng ngửa

    Thành Sầu không sụp đổ em ơi!

      (Trong bài: “Say đi em” của Vũ Hoàng Chương)

    Ngược lại với chuyện tình trên, đôi uyên ương khác lại muốn khi yêu nhau hãy để cho tình yêu nằm lơ lửng giữa trời! Chàng không muốn gặp nàng để cho cuộc tình trở thành huyền thoại, để cho cuộc tình đẹp mãi nghìn đời. Em hẹn anh rồi nhưng đừng đến nghe em. Có như thế anh mới nhớ em đến điên cuồng và khờ dại, anh mới nhớ em đến điêu đứng, quay quắt để rồi rối loạn cả tâm hồn. Nếu đã trót lỡ đến thăm anh dù trời đang mưa hay nắng, em hãy cố gắng quay về đừng gặp anh nữa nghe em, để cho anh được rung cảm hồn anh theo một giai điệu trầm bổng tuyệt vời: Đời mất vui khi đã vẹn câu thề, tình chỉ đẹp những khi còn dang dở. Mấy vần thơ sau đây của thi sĩ Hồ Dzếnh đã diễn tả chuyện tình này thật diễm tuyệt:

    Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

    Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân.

    Ngó lên tay thuốc lá cháy lụi dần,

    Anh nói khẽ: “Gớm, sao mà nhớ thế!”

    Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

    Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu?

    Nếu là không lưu luyến lúc ban đầu,

    Thuở ái ân mong manh như nắng lụa.

    Hoa lá ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,

    Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi

    Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi.

    Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

    Anh sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ:

    Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,

    Đời mất vui khi đã vẹn câu thề,

    Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở.

    Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,

    Cho nghìn sau lơ lửng…với nghìn xưa.

          (Bài “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh)

    Tuy nhiên có nhiều cặp tình nhân thật là rắc rối, mong người yêu đến từng giờ, từng phút, từng giây vì khi xa người yêu thì nhớ nhung chất ngất. Nhưng khi người yêu đã đến với nàng cũng vì nhung nhớ đến điên cuồng, nàng lại phủ nhận sự hiện hữu của chàng bên cạnh! Giận quá chàng không biết phải làm sao, chỉ biết thổ lộ tâm tình qua mấy vần thơ:

    Tao ở nhà tao, tao nhớ mi,

    Nhớ mi nên phải bước chân đi.

    Không đi mi nói rằng không đến,

    Đến thì mi nói đến làm chi.

    Làm chi tao đã làm chi được,

    Làm được chớ tao đã làm chi.

      (Bài “Bỡn tình nhân”của Nguyễn Công Trứ)

    B. Tình yêu bất thành:

    Không phải bao giờ yêu nhau cũng thành tựu cả. Biết bao nhiêu mối tình lúc đầu thật đẹp, thật nên thơ nhưng rồi vì một lý do nào đó đã làm cho họ bất thành, để rồi phải xa nhau đời đời không sống chung với nhau được nữa. Có lẽ lúc mới gặp nàng lần đầu, chàng ta còn bỡ ngỡ rụt rè, tim đập loạn nhịp vì chưa bao giờ yêu. Phần vì thẹn thùng, phần vì ngại ngùng nên chàng chỉ biết nhìn nàng mà không nói nên lời. Để rồi sau này khi nghe nàng trần tình, chàng mới tiếc quay quắt vì chỉ có “ba đồng một mớ trầu cay” là có thể làm chủ được trái tim nàng mà không biết:

    Trèo lên cây bưởi hái hoa

    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

    Em có chồng anh tiếc lắm thay

    Ba đồng một mớ trầu cay

    Sao anh không hỏi những ngày còn không

    Bây giờ em đã có chồng

    Như chim vào lồng như cá cắn câu

    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

    Chim vào lồng biết thưở nào ra.

                       (Ca dao Việt Nam)

    Tuy nhiên nhiều khi hai người mới gặp nhau có lẽ chỉ mới liếc mắt đưa tình mà trong lòng đã thấy bâng khuâng rồi nhung nhớ. Thế rồi sau đó họ đã xa nhau để rồi một trong hai người thấy buồn diệu vợi mà ngâm lên một giai điệu thật não nùng:

    Chim xa rừng thương cây nhớ cội

    Người xa người tội lắm người ơi!

    Thà rằng chẳng biết thì thôi

    Biết rồi mỗi đứa một nơi sao đành!

                                 (Ca dao Việt Nam)

    Cũng giống trường hợp như trên, nhưng chàng và nàng ở cùng tổng nhưng lại khác làng. Hai người đã gặp nhau đâu đó khi đi cấy đi cày, hay lúc ra đồng gặt lúa rồi bất chợt nhìn nhau liếc mắt trao tình để rồi hai con tim của chàng và nàng bỗng nghe xao xuyến, bâng khuâng. Thế rồi đêm khuya thanh vắng, nàng ngồi một mình mắt nhìn về làng nơi chàng đang ở mà nhớ, mà yêu, mà sầu, mà thảm, rồi cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi! Và nàng đã thốt lên trong cơn mê rằng thương chàng lắm lắm chàng ơi!:

    Đêm qua mưa bụi gió bay,

    Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng

    Em với anh cùng tổng khác làng

    Nào em biết ngõ nhà chàng ở đâu!

    Một thương, hai nhớ, ba sầu,

    Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.

    Thương chàng lắm lắm chàng ơi!

    Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than,

    Muốn than mà chẳng được than,

    Kìa như đá đổ bên ngàn lầu Tây,

    Đá đổ còn có khi đầy,

    Thương chàng biết thuở nào khuây hở chàng.

           (Bài “Thương nhớ anh”, ca dao Việt Nam)

    Có nhiều cặp tình nhân đang yêu nhau tha thiết thì chiến tranh bùng nổ. Chàng phải lên đường để bảo vệ non sông vì quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Thế rồi cảnh biệt ly sao mà buồn da diết. Chàng và nàng bắt đầu nhớ thương nhau. Chàng ở chốn biên thùy đang say khói súng giữa chiến địa hoang tàn, nhưng lòng vẫn buồn vời vợi và mắt luôn luôn vọng về cố quận xa xăm vì mỗi người mỗi ngã, đôi ngã đôi ta. Nàng ở quê nhà cũng buồn da diết vì nhớ thương chàng để rồi dòng lệ dạt dào tuôn trào trên má vì đôi bờ ngăn cách:

    Xa quá rồi em người mỗi ngã

    Bên này đất nước nhớ thương nhau

    Em đi áo mỏng buông hờn tủi

    Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

        (Trong bài: “Đôi Bờ” của Quang Dũng)

    Hay là cái thưở ban đầu lưu luyến ấy vào một đêm vừa gió lại vừa mưa, hai mươi bốn năm xưa, trong một gian nhà nhỏ, chàng và nàng ngồi nhìn nhau bên ngọn đèn dầu hiu hắt để rồi cùng nhau than vắn thở dài rằng, tình thương nhau thì vẫn nặng, nhưng lấy nhau thì cả hai người biết chắc rằng không đặng. Có lẽ chàng và nàng đều biết cha mẹ sẽ không bằng lòng. Nhưng khi chàng và nàng đã quấn quýt bên nhau giữa một đêm mưa gió bão bùng thì buông nhau làm sao cho nỡ. Thôi thì chàng và nàng thương nhau được chừng nào thì thương nhưng rồi phải liệu tìm cách mà xa nhau vì không bao giờ thành vợ thành chồng làm sao mà tính việc thủy chung:

    Hai mươi bốn năm xưa

    Một đêm vừa gió lại vừa mưa

    Dưới ngọn đèn mờ

    Trong gian nhà nhỏ

    Hai cái đầu xanh kề nhau than thở

    “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

    Mà lấy nhau hẳn là không đặng.

    Để đến nỗi tình trước phụ sau,

    Chi cho bằng sớm liệu mà xa nhau!”

    Hay:

     “Nó mới bạc làm sao chớ.

    Buông nhau làm sao cho nỡ?

    Thương được chừng nào hay chừng ấy.

    Chẳng qua ông trời bắt ta phải vậy:

    Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng.

    Mà tính việc thủy chung?”

    Hai mươi bốn năm sau,

    Tình cờ đất khách gặp nhau,

    Đôi cái đầu đều bạc,

    Nếu chẳng quen lưng đố có nhìn ra được!

    Ôn chuyện cũ mà thôi

    Liếc đưa nhau đi rồi!

    Con mắt còn có đuôi.

          (Bài “Tình già” của Phan Khôi)

    Tuy nhiên không phải ai ai cũng yêu nhau để rồi tính việc chung thủy đời đời mà trái lại nhiều khi mới yêu nhau, nhưng nàng lại tìm cách xa chàng vì tiếng sét ái tình từ duyên mới. Điều này làm cho chàng bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời để rồi vết thương lòng triền miên tê tái khiến chàng đã phải thốt lên một giai điệu đắng cay:

    Sao em hờ hững thế cho đành,

    Duyên mới cùng người hất hủi anh.

    Tội nghiệp cho đời anh biết mấy!

    Trăm năm chưa chắc vết thương lành”.

         (Trong bài “Hờ hững” của Tế Hanh)

    Và cũng thế, chàng và nàng khi đã yêu nhau cứ tưởng sẽ yêu nhau mãi mãi trọn đời để rồi họ cùng nhau đắm say dưới ánh trăng vàng trong đêm khuya thanh vắng. Ngờ đâu chỉ vì một lỗi lầm nho nhỏ chạm tự ái nhau, chàng và nàng cuối cùng đã phải xa nhau khiến chàng ôm hận muôn đời khi biết nàng đang điên trên gối mộng người thương:

    Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu.

    Em cười, em nói suốt trăng thâu;

    Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,

    Tình đến muôn năm chửa bạc đầu

    .……………………………………………………

    Tình ái hay đâu mộng cuối trời…

    Nhầm nhau giây lát hận muôn đời

    Kẻ ra non nước người thành thị,

    Đôi ngã tình đi, người mỗi nơi.

    Hôm nay ngồi ngắm ở bên sông,

    Ta được tin ai mới lấy chồng;

    Cười chưa dứt câu tình đã vội…

    Nàng điên trên “gối mộng” người thương

         (Trong bài “Tình điên” của Lưu Trọng Lư)

    Nhưng nhiều khi nàng yêu chàng đến say đắm, điên cuồng và luôn luôn ước mơ xây dựng một lâu đài chung thủy nghìn năm. Nhưng rồi nàng đã vỡ mộng vì gia đình bắt nàng phải lấy một người chồng mà con tim nàng chưa bao giờ có một mảy may rung động hay thổn thức. Cuối cùng nàng đành phải ngậm đắng nuốt cay trước những ái ân lạt lẽo của người chồng qua biết bao nhiêu mùa lá rụng, để rồi lặng lẽ dệt mấy vần thơ thật nghẹn ngào đầy nước mắt:

    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

    Mà từng thu chết, từng thu chết

    Vẫn giấu trong tim một bóng người.

                                             (T.T.K.H)

    Khi đọc mấy vần thơ trên của người yêu cũ, chàng thấy nhức nhối con tim để rồi đầm đìa giọt lệ vì thương nhớ nàng. Đêm đêm ngồi khắc khoải sầu thương khóc cho tình yêu sao mà đầy khổ lụy, chàng cũng liền dệt mấy vần thơ rồi gởi cho nàng để an ủi đời nàng:

    …………………………………………………………………………………………………………………………………………

    Thôi em nhé! Từ đây anh cất bước,

    Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui

    Đừng buồn thương, nhớ tiếc, hoặc ngậm ngùi,

    Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.

            (Bài “Dang dở” của Thâm Tâm tặng T.T.K.H)

    Hay là:

    ……………………………………………………………………………………………………………………………………….

    K. hỡi! Người yêu của tôi ơi!

    Nào ngờ em giết chết một đời!

    Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ

    Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi.

        (Bài “Màu máu Ti gôn” của Thâm Tâm gởi T.T.K.H)

    Tuy nhiên có nhiều trường hợp không phải vì chàng và nàng yêu nhau, mà tình yêu chỉ xảy ra đơn phương cho chàng mà thôi. Vâng, chàng thấy nàng thấp thoáng bên cạnh nhà năm ba lần rồi bắt đầu thương nhớ. Chàng nhớ cô hàng xóm, chàng thương cô láng giềng. Hai người sống giữa cô đơn, nhưng chàng lại không bao giờ chịu qua thăm nàng:

    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

    Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.

    Hai người sống giữa cô đơn,

    Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

    Giá đừng có dậu mùng tơi,

    Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

          (Trong bài “Cô hàng xóm” của Nguyễn Bính)

    Vì không chịu qua thăm nàng nhưng thỉnh thoảng lại nhớ nàng đến quằn quại nên chàng đành phải nhờ một người trung gian, qua một giấc mơ, để liên lạc đêm ngày: con bướm trắng. Khi con bướm trắng bay vào nhà chàng, chàng muốn hỏi con bướm tại sao chả bao giờ thấy nàng cười mỗi khi nàng ra hong tơ ướt ở ngoài mái hiên, mà chỉ thấy mắt nàng đăm đắm trông lên. Nhưng chưa hỏi kịp thì con bướm đã bay về bên kia rồi. Thế rồi mấy hôm nay vì tầm tầm trời cứ đổ mưa nên chàng chẳng thấy nàng ra hong tơ nữa, nhớ ơi là nhớ! Nhưng mấy ngày sau, bầu trời đã quang đãng rồi, mưa cũng đã tạnh, nhưng chàng vẫn không thấy bóng nàng thấp thoáng sau cái dậu mùng tơi, chàng cũng vẫn không thấy con bướm trắng bay sang nhà chàng nữa. Thì ra đêm qua nàng đã chết rồi, khiến chàng đớn đau quằn quại để rồi rưng rưng chàng gục xuống bàn rưng rưng. Nghẹn ngào chàng khóc đến điên cuồng, khờ dại vì chàng đã yêu nàng da diết, yêu nàng đến đắm say:

    ……………………………………………………………………………………………………

    Tầm tầm trời cứ đổ mưa

    Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.

    Cô đơn buồn lại thêm buồn,

    Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

    Hôm nay mưa đã tạnh rồi!

    Tơ không hong nữa bướm lười không sang,

    Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,

    Rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…

    Nhớ con bướm trắng lạ lùng!

    Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.

    Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!

    Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!

    Đêm qua nàng đã chết rồi,

    Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.

    Hồn trinh còn ở trần gian?

    Nhập vào bướm trắng mà sang bên này?

         (Trong bài “Cô hàng xóm” của Nguyễn Bính)

    Và rồi cũng chỉ đơn thương độc mã, một mình một ngựa, chàng cũng chỉ đơn phương yêu nàng nhưng không phải yêu cô hàng xóm mà yêu một người ở xa tận cuối thôn Đông. Cho dù thôn Đông là thôn nàng ở, và thôn Đoài là thôn chàng cư ngụ, nhưng hai thôn cùng thuộc một làng nên chàng và nàng cách nhau chẳng xa gì cho lắm. Vậy mà nàng chẳng bao giờ sang bên này cho chàng được thấy dung nhan, để rồi chàng thương, chàng nhớ, khiến chàng đã tương tư thức mấy đêm rồi, biết cho ai biết, ai người biết cho:

    Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

    Mộng người chín nhớ mười mong một người.

    Gió mưa là bệnh của trời,

    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

    Hai thôn chung lại một làng,

    Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,

    Ngày qua ngày lại qua ngày,

    Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.

    Bảo rằng cách trở đò giang,

    Không sang là chẳng đường sang đã đành

    Nhưng đây cách một đầu đình

    Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

    Tương tư thức mấy đêm rồi,

    Biết cho ai biết, ai người biết cho.

    Bao giờ bến mới gặp đò,

    Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.

    Nhà em có một giàn trầu,

    Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

    Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?

             (Bài “Tương tư” của Nguyễn Bính)

    C. Tình yêu đã thành rồi xa nhau:

    Trong mục này, tình yêu đã thành có nghĩa là hai người đã lấy nhau thành vợ thành chồng rồi, nhưng cuối cùng rồi phải xa nhau vì số phận đã được an bài: chàng và nàng đành phải ly biệt vì chiến tranh hay vì chiến tranh triền miên kéo dài quá lâu ngày, hoặc là một trong hai người đã thành người thiên cổ.

    Chúng ta ai cũng biết rằng vua Tự Đức là một thi sĩ nổi tiếng vang bóng một thời. Khi bà Bằng Phi qua đời, ông đã biểu lộ tâm tư của mình qua bài “Khóc Bằng Phi” thật là não nùng ai oán.

    Nhớ bà Bằng Phi quá đến nỗi ông muốn đập vỡ kính ra để tìm bóng “nàng”, rồi xếp mấy tấm áo quần cũ của bà ta lại để dành hơi!:

    Ới Thị Bằng ơi! Đã mất rồi,

    Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi!

    Mùa hè nắng chái oanh ăn nói,

    Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi.

    Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,

    Xếp tàn y lại để dành hơi.

    Mối tình muốn dứt càng thêm bận,

    Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

         (Bài “Khóc Bằng Phi” của vua Tự Đức)

    Ngược lại với sự ra đi của nàng là chàng. Ở đây chàng đã qua đời lúc nàng còn quá trẻ, khiến cho nàng bàng hoàng rồi xúc động đến nghẹn ngào. Đó là nữ sĩ Tương Phố Đỗ Thị Đàm.

    Nữ sĩ Tương Phố lấy chồng năm 17 tuổi, xa chồng năm 19 tuổi và trở thành góa phụ năm 21 tuổi. Khi nghe chồng là bác sĩ Thái Văn Du qua đời, bà đã vào Huế rồi ôm con ngồi khóc bên mộ chồng đến khô cả dòng lệ. Sau đó bà đã nức nở sầu thương thật lâm ly bi thảm, thật thống thiết ngậm ngùi qua thi tập GIỌT LỆ THU đến nỗi một nữ sĩ Pháp, bà Jeanne Duclossalesses quá xúc động nên đã dịch sang Pháp ngữ với tựa đề “Larmes d’Automme”. Sau này khi về lại Huế thăm mộ chồng, bà vẫn ngậm ngùi thương tiếc qua mấy dòng thơ trong bài “Bình hương lỗi nguyện”:

    ………………………………………………………………………..

    Bỗng một phút bình tan gương vỡ

    Để tình này dang dở, dở dang;

    Thề duyên thôi đã phụ phàng,

    Non sông trăng nước bẽ bàng vì ai.

    Nay trở lại ngậm ngùi cảnh cũ;

    Người xưa say giấc ngủ ngàn năm!

    Tử sinh xé giải đồng tâm,

    Trước mồ, lã chã không cầm hàng châu.

    Khóc nhau, dễ gặp nhau đâu nữa,

    Tìm nhau đành tìm ở chốn nầy;

    Tro vàng lẫn khói hương bay,

    Tro tàn, khói tỏa bao khuây hận tình!

    Trên đây là chuyện tình đầy nước mắt cùa nàng và chàng để rồi cuối cùng nàng chỉ biết ngồi khóc trên mộ chàng qua những năm tháng còn lại của cuộc đời đầy đau khồ.

    Tuy nhiên có nhiều người vì quá nhớ thương yêu người mình đã chết, liền ra ngồi bên nấm mộ mà nức nở sầu thương, rồi như muốn đánh thức hồn ma dậy để nói chuyện và chàng muốn xuống dưới mộ để thăm nàng! Ta hãy nghe nhà thơ Đinh Hùng nói chuyện với hồn ma dưới đáy mộ giữa đêm khuya thanh vắng với những vần thơ thật ghê rợn qua bài “Gởi người dưới mộ”:

    Trời cuối thu rồi em ở đâu?

    Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?

    Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,

    Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

    Em mộng về đâu?

    Em mất về đâu?

    Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu

    Đây màu hương khói là màu mắt xưa

    Em đã về chưa?

    Em sắp về chưa?

    Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ,

    Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn

    Em hãy cười lên, vọng cõi âm

    Khi trăng thu lạnh bước đi thầm

    Những hồn phiêu bạt bao năm trước

    Nay đã vào chung một chỗ nằm,

    Cười lên em!

    Khóc lên em!

    Đâu trăng tình sử

    Nép áo trần duyên?

    Gót sen Tố nữ

    Xôn xao đêm huyền

    Ta đi lạc xứ thần tiên

    Hồn trùng dương hiện bóng thuyền u minh

    Ta gởi bài thơ anh linh

    Hỡi người trong mộ có rung mình!

    Nắm xương khô lạnh còn ân ái?

    Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?

    Hỡi hồn tuyết trinh!

    Hỡi người tuyết trinh!

    Mê em ta thoát thân hình,

    Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm.

    Em có vui thêm?

    Em có buồn thêm?

    Ngồi bên cửa mộ

    Kể cho ta biết nỗi niềm.

    Thần chết cười trong bộ ngực điên,

    Ta nghe em thở tiếng ưu phiền,

    Nỗi lòng xưa dậy tan thanh vắng,

    Hơi đất mê người! Trăng hiện lên!

             (Bài “Gởi người dưới mộ” của Đinh Hùng)

    Nói chung, cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới qua thi ca, nước Việt Nam ta cũng có rất nhiều chuyện tình buồn vời vợi, nhiều chuyện tình thật cay đắng, nghẹn  ngào đầy nước mắt trong lịch sử tình yêu như ta đã thấy.

    Dương viết Điền

    California, mùa Valentine