• Dương Viết Điền,  Tin tức

    BIỆT LY QUA THI CA VIỆT NAM

    Nói đến biệt ly là nói đến xa cách không gặp nhau nữa, là nói đến chia ly mỗi người một ngã. Nhiều khi sau một thời gian sẽ gặp nhau lại, nhưng cũng có thể xa nhau nghìn năm hay vĩnh biệt nghìn đời.

    Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chưa bao giờ ta nghe nói đến cuộc biệt ly nào vui cả. Đã nói đến biệt ly là nói đến xa nhau, xa nhau thường hay nhớ nhau mà nhớ nhau thì lòng luôn luôn buồn vời vợi. Khi thì khắc khoải sầu thương giữa đêm khuya thanh vắng, khi thì nức nở lệ sầu lúc tiễn nhau đi.

    Chính sự biệt ly thường đem đến khổ đau cho con người nên các thi nhân Việt Nam đã từng than mây khóc gió mỗi khi gặp sự ly biệt. Biết rằng khổ đau là điều cay đắng, đau thương là những quằn quại trong tâm hồn. Thế mà nhiều thi nhân lại thích đắng cay và quằn quại để dệt nên những dòng thơ ly biệt bất hủ ngàn năm.

    Chính những quằn quại và cay đắng đó đã làm cho nhiều thi nhân thích thú nên mới có bài “Thú đau thương” xuất hiện trong thi ca Việt Nam. Nếu ngày xưa ở bên xứ sương mù Anh Quốc, thi sĩ Lord Byron đã rên rỉ về sự biệt ly qua bài “When we two parted”:

    “When we two parted

    In silence and tears

    Half broken hearted

    To sever for years”.

    mà một thi sĩ nào đó đã dịch là:

    “Giờ phút chia ly đã điểm rồi

    Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi

    Mang mang nửa cõi lòng tan tác

    Ly biệt xui chi tủi trọn đời”.

    Thì tại Việt Nam, các thi nhân cũng rên rỉ về sự ly biệt còn ai oán lâm ly hơn nhiều. Sự biệt ly ta thấy nghẹn ngào nhất là sự ly biệt của người vợ tiễn chồng ra ngoài mặt trận vào “thưở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Không ai mà không rơi lệ trước cảnh người vợ đưa tiễn chồng ra ngoài mặt trận vì biết rằng ngày về của chồng chỉ độ đào bông và lắm lúc cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Chính vì xưa nay mấy khi đi đánh giặc mà trở lại nhà, nên người vợ cảm thấy quá khổ đau như có linh tính là sẽ vĩnh biệt chồng ngàn năm. Thảo nào mỗi bước đi là một bước sầu tê tái, tâm hồn như choáng váng, lý trí không điều khiển được con tim khiến người vợ quá xúc động nên sắp xỉu phải vin vào áo chàng:

    “Ngoài đầu cầu nước trong như lọc

    Đường bên cầu cỏ mọc còn non

    Đưa chàng lòng dặc dặc buồn

    Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền

    Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa

    Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên

    Nhủ rồi tay lại trao liền

    Bước đi một bước lại vin áo chàng”.

                                   (Đặng Trần Côn)

    Thật đúng là “Ôi! cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”. Chàng ra đi không hẹn ngày về khiến nàng đêm đêm trằn trọc bên chiếc gối, nhìn trăng không tài nào ngủ được vì cứ miên man suy nghĩ hoài về “Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”:

    “Người lên ngựa, kẻ chia bào

    Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san

    Dặm hồng bụi cuốn chinh an

    Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

    Người về chiếc bóng năm canh

    Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

    Vừng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

                                              (Nguyễn Du)

    Sự biệt ly giữa người vợ và người chồng khi tiễn chồng ra ngoài mặt trận là sự biệt ly khổ đau nhất trong thi ca Việt Nam vì người về chiếc bóng năm canh, vó câu muôn dặm sơn khê mịt mù. Để rồi từng đêm, từng đêm, người vợ hiền thao thức nghĩ về người chồng và biết đâu một ngàn năm, một vạn năm không bao giờ thấy chồng trở lại quê nhà nữa.

    Sau sự biệt ly của người vợ tiễn chồng ra mặt trận là sự ly biệt khổ đau của đôi tình nhân vừa mới yêu nhau đành phải tạm thời xa nhau vì hoàn cảnh.

    Ở đất khách quê người bên dòng sông Seine tuyệt đẹp, chàng mới yêu nàng chưa được bao lâu thì nàng lại muốn về thăm quê mẹ, khiến chàng cảm thấy lòng buồn vời vợi đến nỗi mùa đông ở Paris suốt đời là cả một cuộc biệt ly, khi chàng tiễn người yêu về thăm quê mẹ:

    “Lên xe tiễn em đi

    Chưa bao giờ buồn thế

    Trời mùa đông Paris

    Suốt đời làm chia ly

    Tiễn em về xứ mẹ

    Anh nói bằng tiếng hôn

    Không còn gì lâu hơn

    Một trăm ngày xa cách

    Ga Lyon đèn vàng

    Tuyết buông cuồng mênh mang

    Cầm tay em muốn khóc

    Nói chi cũng muộn màng”.

                        (Cung Trầm Tưởng)

    Đây là sự biệt ly của đôi tình nhân tại ga xe lửa. Nhưng nhiều người cũng tại ga xe lửa, không phải họ đến để tiễn biệt người yêu, mà để xem sự biệt ly của kẻ đi người ở. Ở đây không phải nơi đất khách quê người mà ngay tại nơi quê nhà yêu dấu, chàng thường đón những chuyến tàu đi đến những ga xe lửa để đứng bơ vơ xem tiễn biệt, rồi tâm hồn cảm thấy ngẩn ngơ và nhớ thương lan xa mấy dặm trường:

    “Những ngày nghỉ học tôi thường tới

    Đón chuyến tàu đi đến những ga

    Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

    Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

    … …

    Người về không nói bước vương vương

    Thương nhớ lan xa mấy dặm trường

    Lẽo đẽo tôi về theo bước họ

    Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương”.

                                                    (Tế Hanh)

    Tuy nhiên, hầu hết những đôi tình nhân đến ga xe lửa thường là để tiễn nhau đi và luôn luôn ước mơ sẽ gặp nhau lại trong một thời gian rất gần. Nhưng nếu lúc biệt ly, chàng biết chắc chắn rằng sẽ không bao giờ gặp lại người yêu nữa, nên chàng khuyên nàng đừng quay lại nhìn chàng nữa:

    “Anh biết em đi chẳng trở về

    Dặm ngàn liễu khuất với sương che

    Em đừng quay lại nhìn anh nữa

    Anh biết em đi chẳng trở về”.

                                          (Thái Can)

    Nói đến ly biệt là nói đến buồn bã, là nói ảo não sầu thương. Thế mà lúc biệt ly lại gặp mưa rơi gió thổi thì cảnh ly biệt càng thêm đau khổ nghẹn ngào.

    Nếu cổ thi có câu: “Hoàng điệp hoàng hoa cổ thành lộ. Thu phong thu vũ biệt ly nhân”. “Hoa vàng lá úa thành xưa. Nẻo đường ly biệt gió đưa tiễn người”, thì ngày nay, các thi nhân cũng đưa mây gió vào thơ để làm cho sự ly biệt thêm não nùng; để rồi “nước” và “trời” cả hai đều đượm màu hương sắc của sự biệt ly:

    “Đương lúc hoàng hôn xuống

    Là giờ viễn khách đi

    Nước đượm màu ly biệt

    Trời vương hương biệt ly

    Mây lạc hình xa xôi

    Gió than niềm trách móc

    Mây ôi và gió ôi

    Chớ nên làm họ khóc

    Buổi chiều ra cửa sổ

    Bóng chụp cả trời tôi

    Ôm mặt khóc rưng rức

    Ra đi là hết rồi”.

                      (Xuân Diệu)

    Thật thế, nhiều khi “ra đi là hết rồi”, biệt ly lắm lúc là ngàn đời vĩnh biệt. Sự ly biệt làm cho lòng người tê tái vì kẻ ở người đi nên nhiều lúc cả hai đều khóc nức nở như mưa rơi:

    “Thùng thùng trống đánh ngũ liên

    Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”.

    Chính sự lưu luyến càng làm thêm đau khổ cho người ra đi và cũng tạo nên những khổ đau quằn quại cho người ở lại. Bởi vì khi nghĩ đến tương lai, ai nấy đều cảm thấy nhớ nhung đau buồn, cô đơn và hiu quạnh. Vì thế, giây phút bịn rịn lúc chia tay là phút giây gần nhau nhất mà kẻ ở người đi không ai muốn rời nhau, không muốn nghĩ đến ngày mai vì “ngày mai chàng ruổi xa, mặc kẻ nước mắt sa”. Nhà thơ Phan Văn Dật đã cho ta thấy rõ những sự khổ đau quằn quại đó lúc chia tay:

    “Đừng nghĩ đến ngày mai

    Hôm nay biết hôm nay

    Thiếp đây mà chàng đó

    Chừng ấy là đủ rồi

    Ngày mai chàng ruổi xa

    Mặc kẻ nước mắt sa

    Yên ngựa rong đường thẳng

    Thức dậy lúc canh gà”.

                                 (Tiễn Đưa)

    Vì biệt ly là u buồn, vì xa nhau thường nhung nhớ rồi đưa đến sự khổ đau triền miên qua những năm tháng dài lê thê trong hiu quạnh. Vì thế mà các thi nhân cũng như các nhạc sĩ đã dệt những tình khúc biệt ly thật lâm ly bi đát như “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười” hay “Biệt ly, nhớ nhung từ đây” hoặc là “Bến cũ, ngày xưa, người đi vấn vương biệt ly. Gió cuốn, muôn phương, về đây. Bến ấy, người về hay chăng”.

    Chính vì sự biệt ly là đau buồn chua xót, là thê thảm não nùng. Chính vì sự biệt ly là khổ đau để rồi nức nở quằn quại bên nhau khiến nhiều người không dám nhắc lại sự ly biệt, vì nếu khơi lại chuyện lòng xa nhau ấy sẽ thêm buồn đau cho cuộc đời.

    Ta hãy nghe nhà thơ T.T. KH diễn tả ý nghĩ ấy qua những vần thơ bảy chữ thật buồn:

    “Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly

    Càng khơi càng thấy lụy từng khi

    Trách ai mang cánh ‘tigôn’ ấy

    Mà viết tình em được ích gì”.

    Tóm lại, qua thi ca Việt Nam, ta thấy các thi nhân đã sáng tác rất nhiều bài thơ liên quan đến sự biệt ly và chính sự ly biệt đã làm cho các nhà thơ đau buồn rồi xúc động mà dệt nên những dòng thơ lâm ly não nuột nghìn năm.

    Dương Viết Điền

  • Dương Viết Điền,  Tin tức

    MÙA THU QUA THI CA VIỆT NAM

    Ai đã từng đọc bài thơ nổi tiếng “Chansons D’automne” của thi sĩ lừng danh Pháp quốc Paul Verlaine đều cảm thấy lòng mình bồi hồi và xúc động. Không xúc động sao đựơc khi nhà thơ đa tình này đã rung cảm hồn mình thành những dòng thơ bất hủ sau đây để nức nở về tình thu bên bờ sông Seine tuyệt đẹp năm nào:

    Les sanglots longs

    Des violons

    De l’automne

    Blessent mon coeur

    D’une langueur monotone

    Tout suffocant

    Et blême, quand

    Sonne l’heures

    Je me souviens

    Des jours anciens

    Et je pleure

    Et je m’en vais

    Au vent mauvais

    Qui m’emporte

    Decà delà

    Pareil à la

    Feuille morte

    Tiếng đàn ai đó lê thê

    Vĩ  cầm réo rắt ê chề lòng đau

    Bơ vơ chuông đổ đồng hồ

    Lòng như héo hắt thu tàn năm xưa

    Bao kỷ niệm, theo gió đưa

    Cuốn theo lệ đổ chưa vừa xót xa

    Bao năm lữ thứ xa nhà

    Giang hồ phiêu bạt lá vàng tả tơi…”

                                            (Lãng Du)

    Thật vậy, mùa thu là mùa của tình yêu, mùa của lá vàng rơi rụng. Mùa thu là mùa của những cặp tình nhân dìu nhau đi dưới nắng thu để thưởng thức bầu không khí mát mẻ trong lành, rồi trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy để rồi cùng nhau nhìn lá vàng rơi, rơi mãi tận cuối chân trời.

    Mùa thu là mùa các thi nhân đi tìm những vần thơ để sáng tác thành những tuyệt phẩm bất hủ nghìn năm.

    Ai đã từng đi qua phố vắng dưới ánh nắng chiều thu khi lá vàng bay bay khắp trời rồi lác đác rơi qua mái đầu và rớt xuống đất, mới cảm thấy được cái đẹp tuyệt vời của mùa thu, mới rung cảm theo nhịp của lá vàng đang rơi, rung cảm theo những tia nắng thu dịu hiền vươn mãi đến tận chân trời xa thăm thẳm. Nói đến mùa thu là nói đến mùa của lá vàng bay bay, mùa của lá vàng rơi rơi, mùa của lá vàng khô rụng khắp mọi nẻo đường. “Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về”. Ta hãy nghe các thi nhân Việt nam nói về lá vàng rơi mỗi độ thu về qua những dòng thơ trữ tình sau đây.

    Hình ảnh nổi bật nhất về lá rụng giữa mùa thu là hình ảnh trong hai câu thơ sau đây của thi sĩ Tản Đà:

    Trận gió thu phong rụng lá vàng

    Lá bay hàng xóm lá bay sang.

    Nhưng hình ảnh trữ tình và lãng mạn nhất là hình ảnh con nai vàng ngơ ngác giữa rừng thu qua bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư với những câu thơ năm chữ nghe thật êm đềm như khúc nhạc tình thu trong rừng vắng:

    Em không nghe rừng thu

    Lá thu kêu xào xạc

    Con nai vàng ngơ ngác

    Đạp trên lá vàng khô

    Không phải chỉ có Tản Đà hay Lưu Trọng Lư mới nói đến lá vàng khi mùa thu tới; hầu hết các thi nhân Việt Nam đều ca ngợi cái đẹp của mùa thu bằng cách diễn tả hình ảnh của lá vàng rơi giữa trời thu. Sau đây là những dòng thơ diễn tả về lá vàng mùa thu của một số thi nhân Việt Nam.

    Sắc trời trôi nhạt dưới khe

    Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng

                                              (Huy Cận)

    Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

    Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

    Đây mùa thu tới mùa thu tới

    Với áo mơ phai dệt lá vàng

                                      (Xuân Diệu)

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

                                (Nguyễn Khuyến)

    Ai đâu trở lại mùa thu trước

    Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

                             (Chế Lan Viên)

    Chẳng được như hoa vướng gót nàng

    Cõi lòng man mác giá như sương!

    Ta về nhặt lấy hoa thu rụng

    Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương

                                         (Thái Can)

    Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ

    Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa

    Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm

    Rừng phong lá rụng tiếng như mưa

                                   (Ngô Chi Lan)

    Đêm thu khắc lậu canh tàn

    Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương

                                          (Nguyễn Du)

    Ngoài lá vàng rơi là biểu tượng của mùa thu, ta còn phải đề cập đến ánh trăng thu huyền ảo. Nói đến mùa thu mà không đề cập đến ánh trăng thu mờ ảo sau áng mây trời giữa đêm khuya thanh vắng là một sự thiếu sót lớn lao đối với mùa thu.

    Không phải đêm thu nào ánh trăng cũng vằng vặc giữa trời trong khi lá vàng rơi nhè nhẹ giữa đêm khuya cô tịch mà trái lại, có những đêm thu trăng buồn ảo não, gió heo may thổi về làm cho lòng người cảm thấy u buồn man mác trước cái lạnh không làm tê buốt con tim như mùa đông, nhưng lắm lúc làm cho hồn ta bâng khuâng giá rét, làm cho hồn ta nhung nhớ lạnh lùng.

    Nếu thi sĩ Thượng Quan Nghi đời Đường bên Trung Quốc đã diễn tả cái đẹp của ánh trăng thu qua hai câu thơ:

    “Thước phi sơn nguyệt thự

    Thuyền táo đã phong thu”

    “Sườn non trăng sáng chim bay

    Đồng thu gió lộng, ve say nhạc sầu”.

                                  (Chi Điền dịch)

    Thì tại Việt Nam, rất nhiều nhà thơ đã tốn không biết bao nhiêu mực và giấy để diễn tả chị Hằng giữa đêm thu huyền diệu. Thật vậy nếu bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư không đề cập đến ánh trăng mờ thì toàn bài thơ mất đi rất nhiều ý nghĩa về mùa thu:

    Em không nghe mùa thu

    Dưới trăng mờ thổn thức

    Riêng nhà thơ Xuân Diệu đã nhân cách hóa ánh trăng thu khiến những dòng thơ trở thành bất tử:

    Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

    Non xa khởi sự nhạt sương mờ

    Đã nghe rét mướt luồn trong gió

    Đã vắng người sang những chuyến đò.

    Tuy nhiên nói đến trăng nhất là ánh trăng thu mà không nói đến thi sĩ Hàn Mạc Tử là một sự thiếu sót vô cùng trọng đại.

    Ta hãy nghe Hàn Mạc Tử nói về trăng thu qua những câu thơ bảy chữ với lối nhân cách hóa làm cho ta có cảm tưởng như người đẹp Hằng Nga đang rón rén dời gót ngọc vào nhà ai giữa đêm thu trăng sáng:

    Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối

    Gió thu lọt cửa cọ mài chăn

    hay là:

    Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm

    Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

    Ngoài Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu ra, ta cũng thấy rất nhiều nhà thơ nói về ánh trăng thu. Sau đây là một số bài thơ của một vài thi nhân đều ca tụng ánh trăng thu qua những dòng thơ đủ các thể loại:

    Lòng anh giếng ngọt trong veo

    Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh

    Lòng em như bụi kinh thành

    Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.

                                              (Nguyễn Bính)

    Nước biếc trông như tầng khói phủ

    Song thưa để mặc bóng trăng vào

                             (Nguyễn Khuyến)

    Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

    Trần thế em nay chán nữa rồi

                                       (Tản Đà)

    Mặt trăng tỏ thường soi bên gối,

    Bừng mắt trông sương gội cành ngô

    Lạnh lùng thay, bấy chiều thu,

    Gió may hiu hắt trên đầu tường vôi

         (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)

    Vi lô san sát heo may

    Một trời thu để riêng ai một người

    Dặm khuya ngất tạnh mù khơi

    Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

    Rừng thu từng biếc chen hồng

    Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn!

                                              (Nguyễn Du)

    Đêm thu gió lọt sông đào

    Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời

                                            (Nguyễn Du)

    Hoa xuân nọ, còn phong nộn nhị,

    Nguyệt thu kia, chưa hé hàn quang

                                    (Ôn Như Hầu)

    Nếu mùa thu có lá vàng rơi rụng, có trăng thu huyền ảo thì cũng có nắng thu nhẹ lướt trên đồi. Nắng mùa thu không gay gắt rực lửa như mùa hạ trái lại rất mát dịu trong lành, nhất là những lúc trời xanh mây trắng nắng hồng. Đi dưới nắng thu người ta thấy tâm hồn rất thoải mái lâng lâng, nhất là những lúc trời chiều nhạt nắng có lá vàng bay bay rồi rụng khắp phố phường. Nhiều cặp tình nhân thích đi dưới nắng thu để thưởng thức cái vẻ đẹp của mùa thu, nhặt những lá vàng rơi rồi nhìn những hàng cây khẳng khiu chỉ còn những cành trụi lá dọc hai bên đại lộ lúc chiều tà.

    Ai cũng biết rằng các thi nhân khi nói về mùa thu thường không quên đề cập đến nắng thu. Nhà thơ Chế Lan Viên đã làm cho ta ngạc nhiên khi viết mấy câu thơ liên quan đến nắng thu như sau:

    Chao ôi! thu đã tới rồi sao?

    Thu trước vừa qua mới độ nào

    Mới độ nào đây hoa rạn vỡ

    Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.

    Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là hai câu thơ đầy nhạc tính của nhà thơ Bích Khê sau đây làm cho ta cảm thấy thích thú khi đọc lên vì nghe như một giai điệu tuyệt vời:

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng

    Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

    Dĩ nhiên, mỗi nhà thơ diễn tả vẻ nắng thu một cách khác nhau, nhưng hầu hết đều ca ngợi nắng thu như là hình ảnh tuyệt đẹp giữa gió chiều.

    Nhà thơ Xuân Diệu cũng nói về nắng thu với hai câu thơ thất ngôn đầy lưu luyến trữ tình:

    Nõn nà sương ngọc quanh thềm dậu

    Nắng nhỏ bang khuâng chiều lỡ thì

    Nhưng nếu ai đã đọc mấy câu thơ sau đây của nhà thơ Trúc Ly đều cảm thấy hồn mình xao xuyến bâng khuâng:

    Tôi đứng bên nầy bờ dĩ vãng

    Thương về con nước ngại ngùng xuôi

    Những người con gái bên kia ấy

    Ai biết chiều nay có nhớ tôi

    Tôi muốn hôn bằng môi của em

    Mùa thu tha thiết nắng hoe thềm

    Ngoài ra ta còn thấy rất nhiều nhà thơ khác cũng đã nói về nắng thu với những dòng thơ thật đẹp và thật buồn:

    Chiều nay nắng nhạt luyến chân đồi

    Hơi lạnh tàn thu giục lá rơi

    Sương xuống chiều đi lòng vắng vẻ

    Thê lương thêm bận khúc ly hoài.

    hay là:

    Hát bài hát ngô nghê và êm ái

    Bên sườn non mục tử cưỡi trâu về

    Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê

    Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.

                        (Nam Trân Nguyễn Học Sỹ)

    Nếu những hình ảnh đẹp của mùa thu là lá vàng rơi, là ánh trăng thu giữa đêm khuya thanh vắng, và nắng chiều thu trong buổi hoàng hôn, thì hình ảnh buồn nhất của mùa thu là mưa thu. Chính những giọt mưa thu đã làm cho lòng người lạnh lẽo, u buồn, làm cho lòng người hoang vắng sầu thương, bơ vơ giữa thế giới mưa rơi buồn bã.

    Trước cảnh mưa thu ảm đạm ở ngoài bệnh viện, nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong đã xúc động rồi sáng tác ngay bản nhạc “Giọt mưa thu” trước khi vĩnh biệt trần gian để lại cho đời những giọt lệ thu sầu thương nức nở, những giọt lệ tình ai oán lâm ly: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ… …”

    Bởi vậy nói đến mưa thu là nói đến một trong những cảnh vật buồn bã nhất của trần thế. Đọc mấy câu thơ sau đây của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy cảnh mưa thu thật là tiêu điều buồn bã:

    Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa

    Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ

    Xanh um cổ thụ tròn xoe tán

    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

    Hay hai câu thơ sau đây của nhà thơ Xuân Diệu cũng cho ta thấy cảnh lặng lẽ u buồn:

    Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa

    Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà

    Tuy nhiên nếu trăng thu, nắng thu, mưa thu là những đề tài bất hủ cho các văn thi sĩ, nhạc sĩ lấy đó để sáng tác thì sương thu là một đề tài không kém quan trọng để các thi nhân dệt thành thơ. Vào những lúc trời sáng tinh sương, ai đã từng ra sau vườn, đều trông thấy những giọt sương đọng trên cành cây, ngọn cỏ giống như những hạt kim cương lóng lánh đẹp tuyệt vời. Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người Việt nam đã thuộc lòng đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh tả về cảnh sương thu: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi, dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp”. Một nhà thơ nổi tiếng như sóng cồn một thời vang bóng đã ca ngợi sương thu qua bài thơ “Sương rơi”. Đó là thi sĩ Nguyễn Vỹ với bài thơ hai chữ đã để lại cho đời một tác phẩm bất hủ về sương thu:

    Sương rơi

    Nặng trĩu

    Trên cành

    Dương liễu…

    Nhưng hơi

    Gió bấc

    Lạnh lùng

    Hiu hắt

    Thấm vào

    Em ơi,

    Trong lòng

    Hạt sương

    Thành một

    Vết thương!..

    Rồi hạt

    Sương trong

    Tan tác

    Trong lòng

    Tả tơi

    Em ơi!

    Từng giọt

    Thánh thót,

    Từng giọt

    Điêu tàn

    Trên nấm

    Mồ hoang!..

    Rơi sương

    Cành dương…

    Liễu ngã

    Gió mưa

    Tơi tả

    Từng giọt,

    Thánh thót..

    Từng giọt,

    Tơi bời,

    Mưa rơi,

    Gió rơi,

    Lá rơi,

    Em ơi!…

    Như đã được trình bày ở trên, mùa thu là mùa có lá vàng rơi lác đác, có trăng thu mờ ảo giữa đêm buồn, có những giọt mưa rơi thánh thót thật lâm ly. Đã thế, nhiều lúc ánh nắng chiều thu làm cho người lữ hành thêm cô độc bâng khuâng, luôn luôn cảm thấy như xa vắng lạc loài như biệt ly hiu quạnh.Vì thế mà nhiều người đã cho rằng, mùa thu là mùa của biệt ly, của xa cách nên tình thu thường nức nở nghẹn ngào. Mùa thu là mùa nhớ nhung từ đó và cũng là nhung nhớ từ đây. Thế nên nói đến mùa thu là nói đến biệt ly nhung nhớ, là nói đến ngăn cách xa nhau, là nói đến chia ly buồn bã và lắm lúc nói đến vĩnh biệt ngàn đời để rồi “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”.

    Sau đây, ta hãy nghe các thi nhân Việt nam nói về sự biệt ly, sự nhung nhớ cũng như những nỗi u buồn giữa mùa thu:

    Mây vẫn từng không chim bay đi

    Khí trời u uất, hận chia ly

    Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

    Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

                                    (Xuân Diệu)

    Hay những dòng thơ lục bát đầy vẻ âm u, tiêu điều của Huy Cận:

    Non xanh ngây cả buồn chiều

    Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

    Hoặc những câu thơ đầy nhung nhớ quằn quại giữa mùa thu:

    Chao ôi! mong nhớ! ôi mong nhớ

    Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

                                   (Chế Lan Viên)

    Hay hình ảnh xa vắng biệt ly của người chinh phu trong lòng người cô phụ:

    Em không nghe rạo rực

    Hình ảnh kẻ chinh phu

    Trong lòng người cô phụ.

                     (Lưu Trọng Lư)

    Hoặc là những câu thơ đầy nỗi nhớ thương của thi nhân:

    Chẳng được như hoa vướng gót nàng 

    Cõi lòng man mác giá như sương!

    Ta về nhặt lấy hoa thu rụng

    Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương.

                                         (Thái Can)

    Nhưng sự biệt ly đớn đau nhất hay nỗi nhớ nhung quằn quại triền miên cũng như sự khổ đau cay đắng suốt đời mà ta có thể thấy được là những dòng thơ nức nở lệ nhòa của nữ thi sĩ T.T.KH, một nhà thơ đã sáng tác nên những bài thơ bất hủ ngàn năm và đã trở thành huyền thọai trong thi ca Việt Nam. Ta hãy nghe nhà thơ T.T.KH nức nở những điệp khúc tình thu sau đây:

    Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ?

    Một mùa thu cũ một lòng đau

    Ba năm ví biết anh còn nhớ

    Em đã câm lời có còn đâu!.

    hay là:

    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

    Mà từng thu chết từng thu chết

    Vẫn giấu trong tim một bóng người.

    Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy hầu hết các thi nhân nước Việt đều nói đến mùa thu, ca ngợi mùa thu vì mùa thu có những đêm trăng mờ ảo, có những lá vàng rơi tuyệt đẹp, có những giọt mưa thu thánh thót rơi thật lâm ly, bi thảm v.v… Và cũng vì mùa thu là mùa của ngăn cách, của ly biệt, là mùa của nức nở nghẹn ngào nên các thi nhân Việt Nam không ai mà không xúc động khi thấy mùa thu đến. Vì vậy, qua thi ca Việt Nam, ta thấy nhiều nhà thơ đã để lại cho đời những bài thơ trữ tình bất hủ về mùa thu.

    Dương Viết Điền