Hồi Ký “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại
Vương Trùng Dương
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn. (Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ” của tôi đăng trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt năm 1973, giới thiệu tổng quát về giá trị tác phẩm của người cầm bút đã sống trong gông cùm của guồng máy cai trị độc tài đảng trị được phổ biến trên văn đàn quốc tế).
Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố trao tặng giải Nobel Văn Chương trong toàn bộ tác phẩm của ông đánh động lương tâm mọi người trên thế giới.
Trong thời gian ở Hoa Kỳ, nhà văn Solzhenitsyn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm: Russian Nights, 1977 (Đêm Nước Nga), The Mortal Danger, 1980 (Nguy Hiểm Tử Vong), The Red Whell (Bánh Xe Đỏ), August 1914 (Tháng Tám 1914), October 1916 (Tháng Mười 1916), March 1917 (Tháng Ba 1917) và April 1917 (Tháng Tư 1917)…
Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, Quần Đảo Ngục Tù dựng lên từ Nam ba Bắc. Trong chốn lao tù nầy đã có nhiều tù nhân đã ấn hành tác phẩm, tiêu biểu như: Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Cuối Tầng Địa Ngục của Đỗ Văn Phúc, Trại Ái Tử & Bình Điền của Dương Viết Điền… họ là những nhà văn nên viết hồi ký cũng là lẽ thường tình.
Trải qua 17 năm trong lao tù, tác giả Phạm Gia Đại ấn hành hồi ký Người Tù Cuối Cùng năm 2011. Chương II với Cánh Cửa Địa Ngục, “Một năm ở trại Long Thành, họ đã để cửa ngỏ, bây giờ lần đầu tiên họ chính thức đối xử với chúng tôi như những tù nhân… Cánh cửa của Địa Ngục vừa mở rộng ra để đón nhận chúng tôi vào”. Chương Ngày Trở Về nơi trại tù Hàm Tân (Chương I Khu Rừng Lá Buông) có 3 chương. Chương XXIII (Kết). Danh sách hai mươi người cuối cùng còn sót lại bao gồm bốn ông tướng là Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di, mười lăm anh em nữa là hai anh Bửu Uy và trung úy Thắng trong Phủ Đặc Ủy; ba cảnh sát là hai trung tá NH Hải, TV Xoàn, thiếu tá PT Ngưu; người về từ Việt Nam Thương Tín Hoàng Hiểu; thiếu úy PRU trinh sát tỉnh Hòa “điếc”; anh Miên “hồi chánh viên”; ANQĐ là đại tá Sảo, Hãn, trung tá Hiếu, Kiên, thiếu tá Mẫn; lực lượng đặc biệt là thiếu tá LH Minh, nhà văn Thảo Trường TD Hinh và tôi thuộc tòa đại sứ HK”.
Ngày trở về, anh không được niềm vui trọn vẹn vì người bạn đời “chia tay” trong lúc anh còn ở trong lao tù. Nhưng câu kết: “Anh muốn nói với em rằng anh còn thương yêu em, thương em rất nhiều dù cho kỷ niệm của chúng mình đã phần nào phai nhòa theo năm tháng”.
Khi chúng tôi cùng làm chung tờ báo trong tòa soạn, tôi mới biết người bạn đời đó là em gái của người bạn cùng khóa với tôi và cùng học với anh ở trường trung học Chu Văn An.
Tác phẩm Người Tù Cuối cùng với lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng, không có gì hằn học nhưng qua từng chương sách với từng cảnh ngộ, nỗi xót xa, đau khổ qua tháng ngày nghịch cảnh và tình cảm cao đẹp của những người tù cư xử với nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã nên rất cảm động.
Hồi Ký nầy do tác giả dịch sang Anh ngữ The Last Prioners để độc giả ngoại quốc và giới trẻ am hiểu.
Tác phẩm Những Người Tù Cuối Cùng ra mắt ở Little Saigon ngày 18/5/2011 và The Last Prioners cũng ra mắt vào ngày 15/5/2016. Tác phẩm Người Muôn Năm Cũ sẽ ra mắt vào Chủ Nhật (từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều) tại Westminster Community, 8200 Westminster Blvd. TP Westminster, đối diện Tượng Đài Việt-Mỹ. Tác giả chọn ngày ra mắt vào tháng 5 rất ý nghĩa vì đó là ngày mất nước.
Hồi ký Người Muôn Năm Cũ dày trên 500 trang với 17 chương là tác phẩm thứ nhì của nhà văn Phạm Gia Đại.
Trải qua 17 năm lao tù với con người mảnh khảnh nhưng rất nghị lực, anh dấn thân trong lãnh vực truyền thông, xông xáo trong sinh hoạt cộng đồng trong những thập niên qua, thật đáng quý.
Trong hai câu thơ của Vũ Đình Liên vào thời tiền chiến “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ” thường được nhắc đến qua các bài viết khi nhớ đến hình ảnh trong quá khứ, nay nhà văn Phạm Gia Đại chọn tựa đề trong tác phẩm qua 17 chương để độc giả nhớ lại ngày tháng cũ… Nếu gọi “văn tức là người” thì bản tính hiền hòa, nhân hậu của tác giả sẽ cùng đồng cảm với người đọc.
Vương Trùng Dương–Little Saigon, March 28, 2024