• RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Vương Trùng Dương

    Hồi Ký “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại

    Vương Trùng Dương

    Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù  (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn. (Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ” của tôi đăng trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt năm 1973, giới thiệu tổng quát về giá trị tác phẩm của người cầm bút đã sống trong gông cùm của guồng máy cai trị độc tài đảng trị được phổ biến trên văn đàn quốc tế).

    Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố trao tặng giải Nobel Văn Chương trong toàn bộ tác phẩm của ông đánh động lương tâm mọi người trên thế giới.

    Trong thời gian ở Hoa Kỳ, nhà văn Solzhenitsyn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm: Russian Nights, 1977 (Đêm Nước Nga), The Mortal Danger, 1980 (Nguy Hiểm Tử Vong), The Red Whell (Bánh Xe Đỏ), August 1914 (Tháng Tám 1914),  October 1916 (Tháng Mười 1916), March 1917 (Tháng Ba 1917) và April 1917 (Tháng Tư  1917)…

    Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, Quần Đảo Ngục Tù dựng lên từ Nam ba Bắc. Trong chốn lao tù nầy đã có nhiều tù nhân đã ấn hành tác phẩm, tiêu biểu như: Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Cuối Tầng Địa Ngục của Đỗ Văn Phúc, Trại Ái Tử & Bình Điền của Dương Viết Điền… họ là những nhà văn nên viết hồi ký cũng là lẽ thường tình.

    Trải qua 17 năm trong lao tù, tác giả Phạm Gia Đại ấn hành hồi ký Người Tù Cuối Cùng năm 2011. Chương II với Cánh Cửa Địa Ngục, “Một năm ở trại Long Thành, họ đã để cửa ngỏ, bây giờ lần đầu tiên họ chính thức đối xử với chúng tôi như những tù nhân… Cánh cửa của Địa Ngục vừa mở rộng ra để đón nhận chúng tôi vào”. Chương Ngày Trở Về nơi trại tù Hàm Tân (Chương I Khu Rừng Lá Buông) có 3 chương. Chương XXIII (Kết). Danh sách hai mươi người cuối cùng còn sót lại bao gồm bốn ông tướng là Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di, mười lăm anh em nữa là hai anh Bửu Uy và trung úy Thắng trong Phủ Đặc Ủy; ba cảnh sát là hai trung tá NH Hải, TV Xoàn, thiếu tá PT Ngưu; người về từ Việt Nam Thương Tín Hoàng Hiểu; thiếu úy PRU trinh sát tỉnh Hòa “điếc”; anh Miên “hồi chánh viên”; ANQĐ là đại tá Sảo, Hãn, trung tá Hiếu, Kiên, thiếu tá Mẫn; lực lượng đặc biệt là thiếu tá LH Minh, nhà văn Thảo Trường TD Hinh và tôi thuộc tòa đại sứ HK”.

    Ngày trở về, anh không được niềm vui trọn vẹn vì người bạn đời “chia tay” trong lúc anh còn ở trong lao tù. Nhưng câu kết: “Anh muốn nói với em rằng anh còn thương yêu em, thương em rất nhiều dù cho kỷ niệm của chúng mình đã phần nào phai nhòa theo năm tháng”.

    Khi chúng tôi cùng làm chung tờ báo trong tòa soạn, tôi mới biết người bạn đời đó là em gái của người bạn cùng khóa với tôi và cùng học với anh ở trường trung học Chu Văn An.

    Tác phẩm Người Tù Cuối cùng với lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng, không có gì hằn học nhưng qua từng chương sách với từng cảnh ngộ, nỗi xót xa, đau khổ qua tháng ngày nghịch cảnh và tình cảm cao đẹp của những người tù cư xử với nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã nên rất cảm động.

    Hồi Ký nầy do tác giả dịch sang Anh ngữ The Last Prioners để độc giả ngoại quốc và giới trẻ am hiểu.

    Tác phẩm Những Người Tù Cuối Cùng ra mắt ở Little Saigon ngày 18/5/2011 và The Last Prioners cũng ra mắt vào ngày 15/5/2016. Tác phẩm Người Muôn Năm Cũ sẽ ra mắt vào Chủ Nhật (từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều) tại Westminster Community, 8200 Westminster Blvd. TP Westminster, đối diện Tượng Đài Việt-Mỹ. Tác giả chọn ngày ra mắt vào tháng 5 rất ý nghĩa vì đó là ngày mất nước.

    Hồi ký Người Muôn Năm Cũ dày trên 500 trang với 17 chương  là tác phẩm thứ nhì của nhà văn Phạm Gia Đại.

    Trải qua 17 năm lao tù với con người mảnh khảnh nhưng rất nghị lực, anh dấn thân trong lãnh vực truyền thông, xông xáo trong sinh hoạt cộng đồng trong những thập niên qua, thật đáng quý.

    Trong hai câu thơ của Vũ Đình Liên vào thời tiền chiến “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ” thường được nhắc đến qua các bài viết khi nhớ đến hình ảnh trong quá khứ, nay nhà văn Phạm Gia Đại chọn tựa đề trong tác phẩm qua 17 chương để độc giả nhớ lại ngày tháng cũ… Nếu gọi “văn tức là người” thì bản tính hiền hòa, nhân hậu của tác giả sẽ cùng đồng cảm với người đọc.

    Vương Trùng DươngLittle Saigon, March 28, 2024

  • Khánh Lan,  RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Tin tức

    KỶ NIỆM NGÀY RA MẮT SÁCH TẬP THƠ NHỮNG GÌ ĐỂ NHỞ CỦA NS DƯƠNG HỒNG ANH.

    Sau ngày Ra Mắt Sách thi tập NHỮNG GÌ ĐỂ NHỚ ngày 17 tháng 03, 2024, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã sáng tác bài thơ “Kỷ Niệm Ngày Ra Mắt Sách” để gởi tặng Liên Nhóm NVNT & TTG. Khánh Lan xin gởi đến quý Giáo Sư, quý Văn Thi Sĩ và quý Anh Chị Em.

    Nữ Sĩ Dương Hồng Anh

    NS Dương Hồng Anh cắt bánh mừng ngày ra mắt thi phẩm NHỮNG GÌ ĐỂ NHỚ

    Mạnh Bổng, TS Lê Nguyễn Nga, NS Dương Hồng Anh, NV Việt Hải, Lệ Hoa, NV Khánh Lan

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh: Ái Liên, Khánh Lan, Lệ Hoa, NS Dương Hồng Anh, Việt Hải, Minh Thư, Lâm Dung, Thụy Lan

    Con dâu Học Đức tặng hoa cho Mẹ chồng Hồng Anh

    Con trai Nguyễn Đại Thành và con dâu Học Đức tặng hoa

    mừng ngày RMS của Mẹ Hồng Anh

    BÀI THƠ MẸ TÔI

    Tuổi thơ nghịch té, mẹ vỗ về         

    Miếng ngon cho bé, mẹ hy sinh

    Vào đời ngơ ngác, mẹ cận kề

    Đưa lối ta thấy ánh bình minh

    Nếu hỏi rằng mẹ có hoàn hảo?

    Trả lời không … mẹ cũng thường tình

    Nhưng hoàn hảo, tôi không hoài bảo

    Chỉ cần mẹ đúng cho chính mình

    Trách nhiệm trong đời đã qua lâu

    Nay tuổi lớn, vai trò khác cũ

    Văn chương thơ phú, ngày qua mau

    Chỉ cần mẹ sống vui là đủ

    Nguyễn Đại Thành

    Nguyễn Đại Thành đọc bài thơ “Mẹ Tôi” do anh sáng tác để mừng NS Dương Hồng Anh ra tác phẩm.    

    Trong dịp này Khánh Lan cũng thay mặt Liên Nhóm NVNT & TTG sáng tác BÀI THƠ CẢM TÁC VỀ NS DƯƠNG HỒNG ANH, và bài thơ này cũng được ghi lại trong album CHẮT CHIU KỶ NIỆM.

    BÀI THƠ CẢM TÁC VỀ NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH

    Hồng Anh người bạn vong niên

    Hạc vàng cao vút trong nền thi ca

    Thơ văn gắn kết chúng ta

    Tâm đầu ý hợp vui niềm văn chương

    Tình bạn chan chứa tình thương

    Rạng ngời tinh tú bốn phương tuyệt vời

    Thi ca tâm đắc cho đời

    Tâm tình tri kỷ muôn lời thiết tha.

    Khánh Lan, March 17, 2024

    Album CHẮT CHIU KỶ NIỆM mà Liên Nhóm NVNT & TTG kính tặng NS Dương Hồng Anh, do GS Phạm Thái & NV Khánh Lan đã layout và design.

    GS Phạm Thái, NS Dương Hồng Anh, NV Khánh Lan

    GS Dương Ngọc Sum và NV Nguyễn Quang thay mặt Liên Nhóm NVNT &TTG kính biếu NS Dương Hồng Anh tập album lưu niệm những sinh hoạt với Nữ Sĩ từ ngày Nữ Sĩ gia nhập hội (2019-2024).

    NS Dương Hồng Anh đọc bài thơ “Tôi Vẫn Còn Đây” để cám ơn khách tham dự ngày RMS

    TÔI VẪN CÒN ĐÂY

    Hôm nay hoa nắng bay nhiều quá

    Hoa nắng vào thơ, ươm sắc xuân

    Mây nước hồng tươi, vui chào đón

    Tao nhân mặc khách mộng tao đàn

    Cám ơn bằng hữu đến chiếu nay

    Tôi vẫn còn đây mộng ước đầy

    Những gì để nhớ trong tim óc

    Chia sẻ cùng nhau, tay nắm tay

    Tôi vẫn còn đây dưới nắng chiều

    Nâng niu ngọn bút rất thân yêu

    Những gì để nhớ xin trao tặng

    Bằng hữu văn chương nhạc khúc reo

    Tôi vẫn còn đây trải mộng hồn

    Gửi về quê mẹ tấm lòng son

    Nhạc thơ bừng nở mừng xuân mới

    Còn đón hoàng hôn trong mắt trong.

    Hồng Anh, 20 tháng 02, 2024

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh

    Chúc mừng Nữ Sĩ Dương Hồng Anh,

    Khánh Lan, March 25, 2024

  • Kiều My,  RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Tin tức

    LITTLE SAIGON- ĐỊA ĐÀNG HẠ GIỚI

    Kiều My tường trình

    Thuở xa xưa, tổ tiên loài người là Adam và Eva được Thượng Đế tạo dựng và ưu ái ban cho vườn địa đàng tuyệt đẹp, cùng muôn cầm thú, nhiều cây trái và hoa thơm cỏ lạ… để đôi uyên ương được hưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn tràn đầy. Nhưng ở thế kỷ 21, đâu là vườn địa đàng dành cho người Việt Nam tị nạn chúng ta trên hành tinh này?      

    Địa đàng đó chính là  LITTLE SAIGON – thuộc quận Orange, nam California, Hoa Kỳ. Nhị vị  tác giả Du Miên và Ngọc Hà đã vinh danh Little Saigon là Địa Đàng Hạ Giới  của người Việt tị nạn. Đồng thời, tác giả cũng đã trình bày rất tỉ mỉ những diễn biến qua từng giai đoạn thời gian về địa đàng này, trong tác phẩm VIỆT EDEN-ĐỊA ĐÀNG HẠ GIỚI.

    Nói đến Little Saigon, mọi người đều biết: đây là “thủ đô tị nạn” của người Việt tại Mỹ Quốc. Nơi đây tập trung người Việt tị nạn đông nhất so với phần còn lại của thế giới. Làn sóng người Việt tị nạn Cộng Sản đến Hoa Kỳ sau biến cố 30 tháng tư năm 1975, đã gần nửa thế kỷ, chỉ là một cộng đồng nhỏ trong Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể thành lập một Saigon nho nhỏ, một địa đàng dành cho người Việt tị nạn trong một cường quốc hàng đầu của thế giới? Địa đàng này không như địa đàng của Adam và Eva xưa; nhưng là địa đàng của sự tự do về tín ngưỡng, ngôn luận, tôn trọng nhân quyền và đã tạo cơ hội cũng như một cuộc sống sung túc cho những ai đặt chân trên mảnh đất hứa này.  Người Việt đã rời bỏ đất nước sau cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ đầy tang thương, đã trốn chạy một chế độ vô luân, tìm mảnh đất tự do để nương náu. May mắn thay! Dân  Việt đã được Trời Phật Tổ Tiên ban cho vùng đất của tự do, của sữa ngọt và mật ong để định cư mang tên “Little Saigon.”

    LITTLE SAIGON XƯA VÀ NAY

    Little Saigon đã được hình thành do công sức của nhiều người có lòng với dân Việt, đã bền chí tranh đấu gay go trong một thời gian dài, để chúng ta có được quyền lợi này. Tuy xa quê hương, nhưng người Việt tha hương vẫn cảm nhận được gần gũi với thủ đô yêu dấu Saigon năm xưa. Có thể nói, Little Saigon là cái nôi văn hóa Việt; vì nơi đây vẫn còn tiếng nói Việt, vẫn còn phát triển và duy trì văn chương Việt cho những thế hệ mai sau. Bao lâu ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt còn… thì dân tộc Việt vẫn còn tồn tại, sẽ không bị mất gốc. Mặc dù ở hải ngoại, nhưng những phong tục cổ truyền như ngày Tết, hay những ngày lễ hội tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, hay những anh hùng vị nước vong thân v.v… được tổ chức rầm rộ tại Little Saigon. Những tà áo dài Việt Nam truyền thống vẫn tung bay khắp đó đây. Nhiều nhà hàng đầy đủ những món ăn thuần túy của ba miền: Nam, Trung, Bắc… đậm hương vị quê hương. Tại thủ đô của người tị nạn, cũng có nhiều văn phòng hay cơ sở, cung cấp đầy đủ những dịch vụ cần thiết để phục vụ người đồng hương.

    Đặc biệt, các nhà thờ cũng như chùa, luôn đông đảo những tín hữu đến phụng thờ Thần Phật cho tín ngưỡng của mình mà không bị cản trở hay áp bức. Nhờ vào tính cần cù, siêng năng làm việc, mà mọi gia đình đều có cuộc sống đầy đủ trong một xã hội văn minh, tôn trọng tự do và bình đẳng.  Hơn thế nữa, những con cháu ở thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư… có nhiều cơ hội tiến thân và thành công vượt bậc, mang đến niềm hãnh diện cũng như làm rạng danh dân tộc Việt ở xứ người. Thành phần trẻ ưu tú của dân Việt tị nạn sau gần 5 thập kỷ đã thành đạt và đứng lên mạnh mẽ, cùng chung tay  đóng góp tài năng, phục vụ trong nhiều lãnh vực cho đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang mình. Đây! Little Saigon! … Thật không sai!  Khi nhị vị tác giả Du Miên và Ngọc Hà đã ban tặng cho Little Saigon danh hiệu  “địa đàng hạ giới” của người Việt tị nạn tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vậy !

    Vào ngày Chủ nhật 13 tháng 8 năm 2023, tại Thư Viện Việt Nam, thuộc Little Saigon, thành phố Westminster, nam California, Hoa Kỳ, đã long trọng trình làng một tác phẩm đi vào lịch sử của người Việt tị nạn. Đó là,  VIỆT EDEN ĐỊA ĐÀNG HẠ GIỚI mà tác giả chính là đôi uyên ương ký giả, nhà văn, nhà truyền thông DU MIÊN và NGỌC HÀ. Việt Eden được hiểu là Địa Đàng Hạ Giới hay Địa Đàng của Người Việt Nam Tị Nạn, mà tác giả đã đặc biệt đề cao.  Trong quyển sách dày 330 trang, kèm theo nhiều hình ảnh về những sự kiện suốt chiều dài lịch sử của Little Saigon  gần 5 thập kỷ, mà nhị vị tác giả đã khổ công góp nhặt và ghi lại trong tác phẩm giá trị này. Thiết tưởng, đây là quyển sách và cũng là nhân chứng… mà mọi người đang mong đợi, để được nghe giải đáp thỏa đáng những thắc mắc về sự có mặt của Little Saigon tại Hoa Kỳ.

                Quan khách đến tham dự buổi ra mắt sách Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới gồm nhiều thành phần trong nhiều giới như: ký giả, nhà báo Vương Trùng Dương, chủ bút “Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa“. Ký giả nhà báo Kiều Mỹ Duyên, Broker của “Ana Real Estate” Ký giả báo Người Việt Thanh Huy, nhân sĩ Phan Kỳ Nhơn, MC. Nhà truyền thông Nguyễn Ngọc Chấn, Hoa Thế Nhân và nhiếp ảnh gia, phóng viên Nick Út v.v… Giáo sư Nguyễn Lộc Thọ. MC Vũ Long Trần Hải v.v… cùng rất nhiều thân hữu. Đặc biệt có sự tham dự của năm thành viên thay mặt cho nhà văn chủ soái nhóm Nhân Văn NGhệ Thuật & Tiếng Thời Gian Trần Việt Hải gồm có: Trần Mạnh Chi, Khánh Lan, Mạnh Bỗng, Mộng Thủy và Kiều My. Sự hiện diện đông đảo của quan khách, đã nói lên tinh thần đoàn kết, cũng như hổ trợ nhau trong giới nhân văn thi sĩ của cộng đồng người Việt hải ngoại.

     Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian: Trần Mạnh Chi, Khánh Lan, Mạnh Bỗng, Mộng Thủy và Kiều My.

    Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ cùng phút mặc niệm thật trang trọng, là phần chào mừng quan khách và giới thiệu nhị vị tác giả của Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới là ký giả nhà văn Du Miên và phu nhân Ngọc Hà.

                Diễn giả hôm nay cũng chính là tác giả tài ba của sách Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới, ông Du Miên. Trong phần diễn giả thật lưu loát và đầy đủ của tác giả Du Miên, đã giúp cử tọa hiểu rõ thêm về địa đàng hạ giới của người Việt tị nạn được hình thành và hoạt động, cũng như phát triển như thế nào? Tác giả Du Miên lần lượt trình bày:

    Nhà truyền thông Nguyễn Ngọc Chấn và tác giả Du Miên

    Đi ngược dòng thời gian vào năm 1975, khi đàn lưu dân Việt đặt chân đến thành phố Westminster, thuộc quận Orange, không đông lắm. Nhưng sau 10 năm,  đã thu hút cả trăm ngàn người kéo về và từng bước nhẫn nại khởi dựng Little Saigon. Bình minh đã bắt đầu ló dạng cho vùng đất “hứa”, vùng đất của cơ hội, mà người dân Việt tị nạn mong mỏi được định cư tại vùng đất lành chim đậu này. Cũng nên biết – thành phố Westminster được sáng lập vào năm 1870 do Mục sư Lemuel Peterson Webber, thuộc giáo hội Presbyterian Church. Với ý niệm: “Chúa đã cho đàn chiên của Ngài một miền đất để cho những người có đức tin tôn giáo, quan niệm về đạo đức và giáo dục trú ngụ.” Âu, đây cũng là sự đãi ngộ mà ơn trên cũng đã dành cho người dân Việt chúng ta vậy.

    Kể từ đó, vùng đất mà trước đây dân bản xứ thưa thớt, hoang vắng, đời sống kinh tế còn yếu kém… đến khi dân Việt đến định cư thì thành phố bừng lên sức sống mãnh liệt. Các cơ sở thương mại như nhà hàng, chợ búa, dịch vụ v.v… mọc lên như nấm. Ngôi chùa đầu tiên của Little Saigon là: Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thích Tâm Châu sáng lập năm 1978 vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Các nhà thờ, nhà nguyện Công giáo cũng được mở mang cho giáo dân được sinh hoạt về tâm linh của giáo hữu.

    Năm 1979, Bolsa Mini Mall được khai trương – Chính nơi đây là cái nôi hình thành Little Saigon, theo hai tác giả Du Miên và Ngọc Hà. Văn phòng bảo hiểm State Farm của Ô.B. Nguyến Xuân Phước ra đời, song song với nhà sách Tú Quỳnh của Ô. Nguyễn Văn Thạnh. Vì đam mê nghệ thuật, mà nhóm Nguyễn Ngọc Chấn và Đặng Văn Thạnh đã thực hiện nhiều phim như: Vì Tôi Là Linh Mục, Tiếu Vương Hội, Kịch Sống Túy Hồng, Đoạn Cuối Tình yêu v.v…

    Năm 1982, Hội Chợ Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa – do Thiếu tá Trần Duy Hòe phối hợp cùng bằng hữu tổ chức. Đây là lần đầu tiên hội chợ Tết được tưng mừng diễn ra tại Little Saigon. Đặc biệt, trong hội chợ Xuân này có cựu Hoàng Bảo Đại, cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đến tham dự. Có cả bà Thị trưởng Kathy Buchoz cùng cựu Hoàng Bảo Đại và ông Trần Duy Hòe lên khán đài vẫy tay chào mừng đồng bào.

    Năm 1984, hai ngân hàng Việt Nam cũng được thành lập là Delta Saving do Loan Trần Kiêm Lưu và Paul Howe giám đốc và United American Bank, chủ tịch là Phil Trịnh.

    Vào ngày 27 tháng 7 năm 1984, một buổi lễ Phát thưởng học sinh xuất sắc niên khóa 1983-1984, được tổ chức long trọng tại hội trường trong khuôn viên Tòa Thị Chính Westminster. Đồng thời cũng nhầm mục đích vinh danh và cám ơn thầy cô cùng giới chức chính quyền”. Đây là nổ lực tiên phong nhằm hóa giải sự xung khắc, tạo thông cảm giữa giới chức chính quyền và cư dân tị nạn. Nhờ thế mà người dân Little Saigon và các viên chức chính quyền đã bắt được nhịp cầu hợp tác và cảm thông.

    Năm 1985, Thương xá Phước Lộc Thọ ra đời, do nhiều nhà đầu tư đứng đầu là ông Triệu Phát, xây dựng khu thương xá nổi tiếng tại Little Saigon.

    Vào ngày 17 tháng 6 năm 1988, Chính Quyền Công Nhận Little Saigon. Thống Đốc George Deukmejian tiểu bang California khánh thành 2 tấm bảng “ Little Saigon Next Exit” gắn trên hai xa lộ 405 và 22, chỉ dẫn vào Little Saigon. Kể từ khi Little Saigon hợp pháp trở thành thủ đô của người Việt tị nạn, thì nền thương mại phát triển sầm uất, nhiều cao ốc mọc lên ngạo nghễ, các cơ sở thương mại thi đua nhau nở rộ… đã làm cho giới chính quyền cũng như người dân bản xứ phải nể phục vì sự cầu tiến và thành công của người Việt. Nơi đây, cũng chính là trung tâm văn hóa Việt,  thương mại, chính trị, tôn giáo v.v… Sinh hoạt tôn giáo rất khởi sắc, nhà thờ, đền chùa cũng được tạo dựng thêm theo nhu cầu của tín đồ.

    Vào năm 1992, Hội Đồng Liên Tôn được thành hình, tạo tình đoàn kết giữa các tôn giáo ở hải ngoại sau khi trải qua nhiều thử thách. Đây là nổ lực vận động của Đức ông Trần Văn Hoài, chính thức gửi thư đến đại diện 5 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, mời dự lễ: Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Việt Nam tại Tòa Thánh Vatican, Ý Đại Lợi. Dịp này, đại diện 5 tôn giáo Việt Nam ký bản tuyên bố chung tại Tòa Thánh Vatican năm 1992.

    Ngày 7 tháng 3 năm 1994, Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại Ra Đời – Gồm những nhà báo mới và cũ tề tựu tại nhà hàng Seafood World dự cuộc họp để thành lập Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại. Gồm có: Đông Duy, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Việt Định Phương. Du Miên, Ngọc Hà, Tâm Chung v.v….

    Năm 1996, nhờ có Little Saigon, mà thành phố Westminster được nhận huy hiệu “All America City”. Xét trên các thành tựu – giải quyết thành công các vấn đề bất hòa về chủng tộc, tội phạm, tình trạng an ninh trong khu phố và tình trạng thất nghiệp.

    Tháng 9 năm 1999, Thư Viện Việt Nam được thành lập và khai trương tại Little Saigon, do nhóm văn nghệ sĩ gồm có: nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, bác sĩ nha khoa Võ Trọng Di, ký giả Trần Lam Giang, nhà văn Nguyễn Đức Lập, và nhà báo Du Miên.  Thư Viện Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay do các thiện nguyện viên: Đốc sự Bùi Đắc Danh, Hồ thị Ngọc Ánh, Hồ Lạng Hồng, Nguyễn văn Phúc, Ngọc Hà và Võ Hiền Nhơn v.v…

    Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2003, một buổi lễ khánh thành bảng “WELLCOM TO LITTLE SAIGON” tại thành phố Garden Grove được tổ chức thật long trọng. Chi phí bảng hiệu này do sự đóng góp của nhóm thương gia Little Saigon Business District Committee. Logo của bảng hiệu do kiến trúc sư Trần Đình Thục thiết kế, in trên từng miếng gạch rời và ráp lại đính lên bảng đá WELLCOM TO LITTLE SAIGON. Khi thành phố Garden Grove chấp nhận dự án 2 bảng Wellcome to Little Saigon thuộc tài sản của Garden Grove được bảo vệ và bảo hiểm công.

    Đêm 19 tháng 2 năm 2003, cư dân Little Saigon nô nức đón nhận NGHỊ QUYẾT CỜ VÀNG của thành phố Westminster. Đây là niềm hãnh diện mà người Việt tị nạn bấy lâu hằng tranh đấu và mong đợi. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, là hồn thiêng sông núi, là biểu tưởng của người Việt Nam Cộng Hòa trên khắp địa cầu; vì thế, lá cờ vàng không thể vắng bóng ở Little Saigon.  Đây là nghị quyết công nhận cờ vàng đầu tiên trên thế giới được thể hiện tại thành phố Westminster, Hoa Kỳ.

    Ngày 11 tháng 3 năm 2003, nối gót theo Westminster, người dân Việt trong thành phố Garden Grove cũng tụ tập đón tin vui kết quả thành phố Garden Grove thông qua nghị quyết “Công Nhận Cờ Vàng.

    Vào ngày 27 tháng 4, năm 2003, tượng đài CHIẾN SĨ VIỆT MỸ tại 14180 Monroe, Westminster, do Kiến trúc sư Tuấn Nguyễn thiết kế, được khánh thành long trọng. Tượng đài này mang biểu tượng nhớ ơn sự hy sinh của quân nhân Việt Mỹ để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Người dân Việt mãi mãi ghi ơn những chiến sĩ Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, đã bỏ mình vì Tự Do trong cuộc nội chiến tương tàn giữa 2 miền Nam, Bắc, Việt Nam ở thế kỷ 20.

    Năm 2004, khánh thành bảng “Wellcome to Little Saigon” tại thành phố Westminster. Một điều may mắn là chính phủ liên bang tài trợ khuếch trương Little Saigon qua dự án kéo dài hàng chục năm để có được khu phố chính “Downtown Little Saigon” đẹp đẽ khang trang như ngày nay.

    Ngày 25 tháng 4 năm 2009, khánh thành đài tượng đồng Tưởng Niệm Thuyền Nhân, do điêu khắc gia kiêm họa sĩ ViVi Võ Hồng Kiệt thực hiện. Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được đặt trên hồ nước, trong nghĩa trang Westminster – Để tưởng nhớ hàng trăm ngàn thuyền nhân vượt biển, đã bỏ mình dưới lòng đại dương trên con đường tìm “tự do”, sau ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975.

    Ngày 12 tháng 6 năm 2016, Khánh Thành Linh Tượng Trần Hưng Đạo Đại Vương, do kiến trúc sư Phạm Thông thực hiện. Với sự tham dự của rất nhiều cựu sĩ quan cao cấp của các quân binh chủng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Theo thông lệ được quy định – trước tượng Trần Hưng Đạo, các hội đoàn, cộng đồng, chào cờ vào mỗi thứ bảy đầu tháng. Đặc biệt, vào ngày 30 tháng 4 hàng năm, lễ chào cờ Việt Mỹ và phút mặc niệm cũng được diễn ra tại đây.

    Năm 2015, Dẹp Cung Văn Hóa Tàu – tống tiễn Khổng Tử cùng 72 học trò về Chinatown. Cuối thập niên 1990, sau khi khai trương 2 thương xá Asian Village và Asian Garden Mall, người Tàu đã dành một khu để lập “Cung Văn Hóa Tàu”, sau chợ Á Đông ngày nay. Một thời gian sau, Cung Văn Hóa Tàu biến mất, do hai thương gia Bùi Thọ Khang và Huỳnh Thành Thọ đã âm thầm cho di dời về Chinatown.  Việc làm của hai ông rất có ý nghĩa, vì Little Saigon không phải là nơi cho văn hóa Tàu xâm nhập. Hai ông có tinh thần dân tộc, chủ trương treo cờ Việt Nam Cộng Hòa, vinh danh lá cờ dân tộc tại tất cả chợ thuộc hệ thống của họ.

    Năm 2017, Tên Đại Lộ Trần Hưng Đạo ở Downtown Little Saigon. Được khánh thành vào ngày tưởng niệm quốc hận 30 tháng 4 năm 2017. Công việc này được hoàn thành sau những cuộc thảo luận với những viên chức thành phố, đặc biệt là kỷ sư Jake Q. Ngô thiết kế các chữ để nhà thầu làm bảng tên đường. Người dân Việt rất hài lòng, khi thấy tên đường mang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam nơi xứ người.

    Ngày 10 tháng 9 năm 2017, Khánh Thành Tượng Đài Vua Quang Trung. Tác giả bức tường đồng này  là Điêu khắc gia Phạm Thông. Do hội Ái Hữu Tây Sơn Bình  Định và Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Vua Quang Trung đã long trọng khánh thành tại số 1429 Euclic St. Garden Grove. Dịp này, Hội đồng thành phố Garden Grove cũng đã chấp thuận đổi tên đường Business Center Parkway thành đường Emperor Quang Trung và vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Có thể nói, ảnh hưởng sức mạnh của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ không nhỏ!

    BÁO CHÍ VIỆT NAM TẠI LITTLE SAIGON

    Chữ Việt Nam có 5 dấu: sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã. Đây là vấn đề nhức óc cho những nhà báo Việt vào những năm đầu trên đất Mỹ, phải đánh chữ  quốc ngữ vào computer, vì trên bàn phím không có dấu. Vì thế, họ phải bỏ dấu bằng tay vào bản đánh máy chữ không có dấu từ “phototypesetting”. Mãi đến 10 năm sau, dấu tiếng Việt mới đưa vào computer, do kỹ sư computer tiên phong Hồ Thành Việt, đã bỏ công học hỏi và nghiên cứu nhiều năm. Ngày nay, người Việt chúng ta được hưởng một công trình thú vị về việc đánh tiếng Việt có dấu vào computer thật dễ dàng. Đó là do tài trí và kiên trì  của cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa Hồ Thành Việt. Đây là một kỳ công mà kỹ sư Hồ Thành Việt đã cống hiến cho người Việt mà sẽ được lưu truyền mãi mãi.

    Vào năm 1975, năm đầu tiên định cư ở Mỹ đã có báo HỒN VIỆT SAN DIEGO ra đời do các lão tướng: Tô Văn, Trọng Viễn, Nguyễn Hoàng Đoan, Trần Văn Hiếu và Du Miên…đồng thực hiện. Chủ trương của báo viết về tin tức và đời sống người tị nạn.

    Năm 1976, báo TIN VĂN ra mắt độc giả tại quận Cam. Đứng đầu là ký giả Đông Duy, nhạc sĩ Trần Quảng Nam và Nguyễn văn Tự. Chủ đề: “Tháng 5 Đen Xin Một Phút Cúi Đầu Nghĩ Về Quê Cũ”.

    Suốt gần 5 thập kỷ qua, tại thủ đô người Việt tị nạn cho ra đời rất nhiều báo Việt ngữ như: nhật báo, tuần báo, nguyệt san. Với nhiều chủ đề như: văn học, thi ca, thương mại, quảng cáo, tôn giáo, chính trị, báo lính v.v… Nhầm truyền đạt tin tức cũng như sinh hoạt trong cộng đồng người Việt khắp nơi; và đây cũng là mối dây liên kết của di dân Việt nơi xứ người.

    Những ngày đầu đời sống tị nạn, người Việt chúng ta gặp phải trăm ngàn thiếu thốn và khó khăn mọi mặt nơi xứ lạ quê người. May mắn thay! Có vị nữ tu Rose Mary Redding giúp đỡ thức ăn, quần áo, hay chăm sóc sức khỏe. Có các vị Giám mục như: Mai Thanh Lương, Bùi Thọ Khang; linh mục Vũ Tuấn Tú, Đỗ Thanh Hà…là những gương lành đùm bọc yêu thương đối với đồng hương. Bên cạnh đó, còn có Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Thích Tâm Châu, Thích Lương Sơn…lo tìm nơi tạo thành các tự viện cho Phật tử. Và còn rất nhiều những thiện nguyện viên cống hiến công sức của mình để phục vụ cho cộng đồng, trong thời gian đầu khó khăn nơi đất khách.

    Sự hình thành của Little Saigon là do quá trình của rất nhiều trái tim nhân ái Hoa Kỳ cũng như các vị giám mục, linh mục, cao tăng Việt Nam…cùng những nhà báo, ký giả hay các nghệ sĩ, giáo sư, các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa v.v…đã chung sức tạo thành. Nhìn qua những thành tựu mà Little Saigon đã gặt hái được, quả là một công trình thật to lớn, do nhiều bàn tay cùng xây đắp để có ngày hôm nay. Little Saigon đã mang lại vinh quang cho dân Việt tị nạn, và cũng là niềm hãnh diện của dân tộc Việt đối với xứ người. Người dân Việt ăn trái nhớ kẻ trồng cây, và những thế hệ tiếp nối sẽ không quên những thành tích, mà những vị tiên phong đã gầy dựng nên Little Saigon. Quả Thật! Little Saigon là Địa Đàng Hạ Giới của người Việt tị nạn mà nhị vị tác giả Du Miên và Ngọc Hà đã vinh danh và ca tụng…

    Kiều My California, ngày 20 tháng 8 năm 2023

    ——————————————————————————————————————

    Giới thiệu sách mới “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” của Ngọc Hà & Du Miên

    09/08/2023-Vương Trùng Dương tường trình

     Nhị vị  tác giả Du Miên và Ngọc Hà (Ảnh Thanh Phong/Viễn Đông)

    Vợ chồng nhà báo Ngọc Hà & Du Miên rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tị nạn gần nửa thế kỷ qua trong ngành truyền thông Việt ngữ vừa ấn hành sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” vào Hè 2023.

    Nhà báo Du Miên từng là phóng viên chiến trường của nhất báo Trắng Đen ở Sài Gòn. Khi đặt chân tị nạn năm 1975 ở San Diego, với hoài bão của anh, tiếp tục công việc cầm bút vì vậy anh và các thân hữu đã dấn thân vào lãnh vực nầy. Khởi đầu từ báo Hồn Việt San Diego năm 1975… Đồng sáng lập nguyệt san Hồn Việt. Chủ Bút tuần báo Sài Gòn, Trường Sơn, Thời Báo (Chủ Nhiệm: Ngọc Hà)…

    Với tựa đề “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới”, nội dung trong quyển sách nầy là tài liệu quý báu về Little Saigon, trở thành “thủ đô tị nạn” từ ngày được hình thành đến “cái nôi” của cộng đồng người Việt tị nạn trong mọi sinh hoạt. Tác phẩm dày 330 trang, hình màu gồm 3 Chương: Chương I (trang 13 đến trang 81), khái quát về Bolsa Ngày Ấy đến Chợ Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa. Chương II (trang 83 đến trang 170) sự phát triển của Little Saigon từ năm 1980 đến năm 1999. Chương III: (trang 171 đến trang 224) tiếp nối sự phát triển của Little Saigon từ năm 1999 đến nay. Phần Phụ Lục (trang 225 đến trang 330).

    Danh xưng Little Saigon có từ ngày ngày 1 tháng 2 năm 1981 nhưng phải trải qua thời gian dài vận động để hợp thức hóa tên gọi trong chính quyền địa phương và tiểu bang. Theo bản đồ của nhật báo Register, khu vực Little Saigon thuộc thành phố Westminster và vài con đường của thành phố lân cận, Bắc có Garden Grove, Đông có Santa Anna, Nam có Fountain Valley… Điểm đặc biệt trong quyển sách nầy với nhiều hình ảnh và mỗi tấm hình được chú thích rõ ràng.

    Trước đây có nhiều bài viết về về Little Saigon nhưng chỉ đề cập đến từng lãnh vực như ẩm thực, giáo dục (Trung Tâm Việt Ngữ), sinh hoạt cộng đồng của người Việt tị nạn, các cơ sở kinh doanh, truyền thông Việt ngữ… Nay, quyển sách nầy tổng hợp nhiều lãnh vực, nhiều sự kiện từ khi mới định cư đến nay. Và khi thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa, thành phố Westminster được hình thành năm 1985, được coi là trung tâm của Little Saigon.

    Đây là quyển sách tổng hợp sự kiện xảy ra theo dòng thời gian nên không thể tóm lược hết mà chỉ đề cập vài nét tổng quát với độc giả.

    Vương Trùng Dương-(Little Saigon, August 08, 2023)

    —————————————————————————————————————

    Việt Báo Giới thiệu sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” của Ngọc Hà & Du Miên, lịch sử khởi đầu của phố Little Saigon

    Bài THANH PHONG

    LITTLE SAIGON – Vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 13 tháng 8 tới đây, ký giả Du Miên và phu nhân Ngọc Hà sẽ ra mắt cuốn sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” tại Thư Viện Việt Nam, và cặp đôi này xin kính mời tất cả quý đồng hương tới tham dự để biết và yêu mến, hãnh diện nơi mình đang sinh sống (Little Saigon) và tại sao tác giả gọi nơi này là “Việt Eden- Địa Đàng Hạ Giới”.

    Từ ngày người Việt tỵ nạn đặt chân đến miền Nam Hoa Kỳ và sau đó thành lập “Little Saigon” để không quên những kỷ niệm quen thuộc của thủ đô Saigon yêu dấu đã bị đổi tên; từ đó đến nay đã có nhiều người viết về Little Saigon nhưng chưa có ai viết tỷ mỷ và dẫn chứng đầy đủ vừa bằng chữ viết vừa bằng hình ảnh và tư liệu quý hiếm như cuốn Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới do hai vợ chồng ký giả Du Miên – Ngọc Hà chủ biên.

    Du Miên là tín đồ Cao Đài, qua Sách Sáng Thế Ký (Kinh Thánh Cựu Ước) ông biết khi tạo dựng vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng một khu vườn mang tên Eden với đầy đủ cây cối xanh tươi, hoa trái ngon ngọt, chim chóc hót líu lo để hai nguyên tổ loài người Adam và Eva sống êm đềm hạnh phúc, không phải lo lắng cơm ăn, áo mặc. Nếu trên Thiên Đàng con người được sống vĩnh cửu thì dưới đất, Eden chính là vườn Địa Đàng.

    Ký giả Du Miên, Ngọc Hà sống tại miền Nam California, và ông là một trong những người góp phần sáng lập ra Little Saigon. Trải qua gần nửa thế kỷ trên mảnh đất này, hai ông bà đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, từ khu đất trồng trái dâu hoang sơ biến thành khu phố thị sầm uất, từ chỗ bị chính quyền Hoa Kỳ không muốn người Việt tỵ nạn tập trung đông đảo một chỗ, người Mỹ kỳ thị không muốn thấy những bảng hiệu toàn chữ Việt, không muốn người Việt tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 (Nghị Viên Frank Fry sau là Thị Trưởng Westminster), thậm chí đòi trục xuất người Việt khỏi Quận Cam (Giám Sát Viên Harriett Wieder).

    Nhưng nhà báo Du Miên viết trong lời giới thiệu: “Little Saigon quả là báu vật Trời – Phật –Tổ Tiên ban cho đàn lưu dân Việt,” và theo ông, “Mọi việc đều có “yếu tố thiêng liêng, Ý Trời cả,” và Ý Trời đã dành đất lành cho người Việt khắp nơi tìm đến và biến Little Saigon mà ông so sánh như vườn Địa Đàng Eden trong Kinh Thánh.

    Sách dày 330 trang, trong đó tác giả chia thành ba Chương và một Phụ Lục. Bắt đầu Chương 1 từ trang 13 đến hết Chương 3 trang 224, tác giả ghi chép và có những hình ảnh dẫn chứng cụ thể từ ngày có danh xưng “Little Saigon” ngày 1 tháng 2, 1981 đến nay, trong đó có rất nhiều chi tiết thuộc loại “thâm cung bí sử” chưa ai viết và nhiều người chưa từng biết như ông nhà báo vẽ bản đồ, ông nhà giáo làm niên giám điện thoại, nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang từng bị một thanh niên địa phương tấn công bằng gậy baseball ngay trong phòng làm việc của ông, vụ sinh viên Lâm Văn Minh sẩy cò làm chết giáo sư Edward Lee Cooperman, đại học Fullerton, vụ án thầy giáo Trần Văn Bé Tư bắn gục ông Trần Khánh Vân.

    Ngoài ra, có hai vị lãnh đạo tôn giáo xuất chúng. Linh Mục Đỗ Thanh Hà, người mạnh mẽ ủng hộ công cuộc kháng chiến phục quốc, có công vận động xây dựng Trung Tâm Công Giáo bề thế như hiện nay, và là vị Giám Đốc tiên khởi. Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, ngài là cao đồ của Tổ Sư Minh Đăng Quang, khai sáng Tăng Già Khất Sĩ ở miền Nam Việt Nam. Ngài là vị lãnh đạo Phật Giáo chủ trương hòa mình cùng các tôn giáo bạn ngay từ những ngày còn ở Việt Nam.

    Cũng như LM Đỗ Thanh Hà, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên ủng hộ nhiệt tình các phong trào kháng chiến phục quốc. Vào thập niên 1990 ngài đã quỳ gối trước hai người đứng đầu cộng đồng tại Little Saigon để “xin các vị hãy cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ hiềm khích để phục vụ cộng đồng.”

    Ít người biết về lịch sử bốn trụ cờ trên đại lộ Bolsa, việc kỹ sư Hồ Thành Việt bỏ dấu tiếng Việt vào computer, Trúc Lâm Yên Tử ngôi chùa đầu tiên ở Little Saigon. Chủ hệ thống Phở Hòa là ai? BDQ Đặng Văn Thạnh và phu nhân Yến cô nương mở nhà sách Tú Quỳnh tại Little Saigon ra sao? Chuyện Đại úy Cọp Rằn CNN Nguyễn Ngọc Chấn làm phim “Vì Tôi là Linh Mục” với các tài tử nào? Bolsa Ngũ Hổ gồm những ai tạo dựng nên Little Saigon? Và còn nhiều, rất nhiều những điều viết về Little Saigon mà một bài báo không thể giới thiệu hết cả một cuốn sách dầy tới 330 trang.

    Ký giả Thanh Phong