• KÝ SỰ,  Vương Trùng Dương

    Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Những Kỷ Niệm Xa Xưa

    (Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Hiền nhân ngày mất vào dịp Giáng Sinh 2005)

    Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng tuổi (sinh năm 1927) và bạn thân với nhau. Lê Trọng Nguyễn qua đời sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004. Nguyễn Hiền và gia đình Lê Trọng Nguyễn thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn nên Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức ngày 17 tháng 4, 2005 tại Little Saigon. Lúc đó sức khỏe ông tuy yếu nhưng vì tình bạn thâm tình, ông  cùng với các nhạc sĩ trong The Stars Band đảm trách chương trình âm nhạc với các ca sĩ ngày xưa ở Sài Gòn trình bày những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn.

    Nào ngờ, Nguyễn Hiền qua đời vào sáng 23/12/2005. Lễ Hỏa Táng ngày 31/12 tại Peek Family Funeral Home. Pháp danh Minh Trí. Ông ra đi rất thanh thản. Trước đó còn lái xe chỉ cảm thấy mệt mỏi, hiền thê của ông khuyên đến bác sĩ khám bệnh, phát hiện bị ung thư phổi. Một tháng sau, ông qua đời.

    Vào những năm đầu của thập niên 1990s, cùng uống cà phê với nhau ở quán Tài Bửu (góc Bolsa & Magnolia) với ông, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009), nhà văn Viên Luông, gợi ý tôi tham gia vào Trung Tâm Văn Bút ở Nam Califorinia. Ông là Tổng Thư Ký năm 1992 và Chủ Tịch năm 1999. Có một nhiệm kỳ tôi làm Tổng Thư Ký. Lúc đó, Trần Ngọc có văn phòng đại diện luật sư trên dãy lầu trong khu chợ Anh Minh (Góc đường Ward & Bolsa) nhưng nhiều năm chẳng thấy bạn tôi hành nghề (ngay cả những vụ đụng xe) nơi đó cũng là chỗ sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút. Thỉnh thoảng, buổi tối anh em hội viên và thân hữu gặp nhau trò chuyện, văn nghệ bỏ túi. Sau đó vì có sự tranh chấp với nhau (giữa danh xưng Tây Nam Hoa Kỳ, Nam California…) nên không sinh hoạt nữa.

    Năm 1997, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thực hiện tuyển tập về nhà văn Khái Hưng, gồm 2 quyển dày hơn một nghìn trang, ông là người cộng tác nhiệt tình nhất, edit các bài viết, còn tôi chỉ giúp typset vài bài viết. Đây là quãng thời gian tôi được gần gũi, trò chuyện với các ông.

    Ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordéon (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp. Ông được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt. Ông am tường về nhạc sử và các nhạc sĩ cổ điển Tây Phương. Nguyễn Hiền học nhạc năm 8 tuổi với thấy dạy nhạc người Pháp, sau đó ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, tốt nghiệp năm 1951 rồi trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội. Năm 1953 theo lời ông “Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng”, là nghệ sỹ dưới ánh đèn màu nhưng một đời thủy chung với vợ.

    Tháng 9 năm 1954, gia đình Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Ông là công chức phục vụ trong Bộ Công Dân Vụ thời Việt Nam Cộng Hòa, tiền thân của Bộ Thông Tin, Xây Dựng Nông Thôn, Dân Vận & Chiêu Hồi… Ông từng làm Chủ Sự Phòng Văn Nghệ của đài phát thanh Sài Gòn, phụ tá Giám Đốc đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa.

    Ông là người hướng dẫn các xướng ngôn viên đọc đúng tên gọi nhân vật, địa danh ngoại quốc viết theo tiếng Anh, tiếng Pháp… Trong những lần trò chuyện, ông kể vanh vách từng người, đảm nhận công việc trong hai thập niên cùng làm việc với nhau.

    Về sáng tác, khi mới 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên Người Em Nhỏ của nhà thơ Thiệu Giang, bạn thân với nhau ở Hà Nội.

    Nhạc phẩm của ông không nhiều nhưng có các ca khúc nổi tiếng. Những ca khúc của ông như: Em Là Vì Sao Sáng, Gửi Một Cánh Chim, Hương Thề, Huyền Trân Công Chúa, Ngàn Năm Mây Bay, Thầm Ước, Xuân Vui Ca, Ý Nhạc Chiều…

    Ông thích thơ nên có nhiều ca khúc của ông phổ thơ như: Anh Cho Em Mùa Xuân (thơ: Kim Tuấn, Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân), Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy), Chiều Nào Em Đến (thơ Đinh Hùng), Mái Tóc Dạ Hương (thơ Đinh Hùng, nguyên tác Một Tiếng Em)… Chuyện Đêm Mưa (lời Hoài Linh), Thanh Bình Ca (lời Thanh Nam), Hoa Bướm Ngày Xưa (lời Thanh Nam). Khi ở Hoa Kỳ ông ấn hành tuyển tập với tựa Hoa Bướm Ngày Xưa để nhớ người bạn thân.

    Ông sáng tác chung với các nhạc sĩ: Ân Tình Lên Ngôi (với Minh Kỳ), Bước Chân Dĩ Vãng (với Lan Đài), Buồn Ga Nhỏ, Đã Mấy Thu Rồi, Từ Giã Thơ Ngây (với Minh Kỳ), Đêm Sơn Cước (với Thiện Huấn), Hai Mươi Câu Tuổi Trẻ (với Song Hồ), Hoa Đào Năm Trước (với Lê Dinh), Hoài Thơ (với Hà Dũng), Về Đây Anh (với Nhật Bằng), Lá Rơi Bên Thềm, Màu Tím Hoàng Hôn (nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền), Tiếng Hát Học Trò (với Minh Kỳ).

    Tác phẩm Ngàn Năm Mây Bay của nhà văn Văn Quang, năm 1963 đạo diễn Hoàng Anh Tuấn dựng thành phim với các diễn viên chính Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Bích Sơn, Bích Thủy. Thái Lai sản xuất (có lẽ vào thời điểm đó với biến động về chính trị nên phim không được thành công) nhưng ca khúc Ngàn Năm Mây Bay rất nổi tiếng.

    Trong lần xuất hiện trên Paris by Night, ông chia sẻ: “Khi tôi nghe thấy tên phim ấy là Ngàn Năm Mây Bay, tôi cũng thích văn chương, nhất là văn chương cổ cũng như văn chương Pháp rất là romantic. Thành ra tôi liên tưởng đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, trong đó có hình ảnh cánh hạc bay đi rồi mà ngàn năm mây trắng vẫn còn bay, thì tôi viết tựa trong bài nhạc Ngàn Năm Mây Bay “Em đi như cánh hạc vàng. Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn trôi” dưới tựa đề trong ca khúc”.

    Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi Hiệu vào thế kỷ thứ 8 đời nhà Đường hay đến nỗi, khi nhà thơ Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu thấy bài thơ phải thốt lên: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. Rất nhiều nhà thơ dịch bài thơ nầy, sau 1975 bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Chương dịch hay nhất. Bản dịch của Vũ Hoàng Chương gởi “chui” cho nhạc sĩ Cung Tiến, dựa vào bài thơ nầy phổ nhạc năm 1976 ở Úc. Trong tuyển tập của anh lấy tên ca khúc Hoàng Hạc Lâu đặt tên cho tuyển tập ấn hành năm 2010 để nhớ vị thầy Vũ Hoàng Chương dạy học ở Chu Văn An.

    Với hai câu đề trong bài thơ thất ngôn bát cú (đề, thực, luận, kết), Vũ Hoàng Chương dịch thơ: “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi. Trắng một màu mây vạn vạn đời”. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền không nói đến người xưa mà hình bóng “Em đi như cánh hạc vàng”.

    Lời ca phác họa hình ảnh người yêu bóng giai nhân xa cách:

    “Chiều tím không gian

    Mênh mang niềm nhớ

    Mây bay năm xưa còn đó

    Đâu tìm người hẹn hò.

    … Ngàn kiếp mây bay

    Không phai niềm nhớ

    Thu sang lòng thấy bơ vơ

    Giờ chỉ còn mộng mơ”

    (Nhạc phẩm nầy ấn hành năm 1964)

    Năm 2023, ca sĩ Kim Tước thực hiện CD, lấy ca khúc nầu cho CD. Với tôi, giọng mezzo-soprano rất hợp và hay nhất trong các ca sĩ đã hát.

    Hầu hết lời ca của ông qua những tình khúc mang nỗi buồn man mác, không ủy mị mà thường nhắc đến hình bóng xa xôi, tiếc nuối.

    Tác phẩm Tiếng Hát Học Trò của nhà văn Văn Quang, Thái Thúc Nha (cậu ruột của Thanh Lan) đạo diễn với hai diễn viên chính Huy Cường và Thanh Lan thành phim cùng tên với ca khúc Tiếng Hát Học Trò (chung với Minh Kỳ) với tiếng hát Thanh Lan sản xuất năm 1970. Tuy phim trắng đen nhưng hình ảnh Thanh Lan sexy đã gây đình đám.

    Phần cuối của phiên khúc:

    “Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi

    Còn thiết tha như giọng hát buông lơi

    Rồi thời gian trôi Xuân qua Hè tới

    Mùa Thu mâý báo khắp trời

    Gieo niềm thương nhớ đầy vơi”

    Ông là người mẫu mực, thận trọng từ giai điệu đến lời ca qua những nhạc phẩm sáng tác nhưng cũng có vài trường hợp ông viết ngay tại chỗ. Gặp nhà thơ Đinh Hùng khi ăn phở, ĐH khoe: “Này, có bài thơ tôi đưa cho ông đây, ông xem ra làm sao”, ông thấy bài thơ tên là Một Tiếng Em, ca ngợi người phụ nữ trong lý tưởng của anh ấy là một người có nét sầu mộng. Ngay tại tiệm phở ông phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Mái Tóc Dạ Hương.

    Với 4 câu cuối trong phiên khúc:

    “Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em

    Chao ôi! màu suối tóc buông mềm

    Nét buồn khuê cát hoen sương phủ

    Nhạt ánh sao ngàn bên dáng xiêng”.

    Với ca khúc Anh Cho Em Mùa xuân, theo lời ông:

    “Có một hôm vào mùng 5 Tết, lúc đó tôi làm việc ở Bộ Thông Tin, làm phụ tá cho Văn Hóa Bộ Trưởng, trụ sở của nó ở số 15 đường Lê Lợi, đối diện với G-France ở bên kia. Buổi sáng mùng 5 Tết thì cũng buồn thôi, anh Thượng Sĩ Già là một nhà phê bình văn học và anh Sĩ Trung cũng làm việc ở đó, lúc về thì tôi thấy trên bàn giấy có một tập thơ nhan đề là 40 Bài Thơ Của Vương Đức Lệ, trong đó có Mai Trung Tĩnh – Định Giang là một anh sĩ quan hải quân trẻ tuổi và có Kim Tuấn.

    Trong 40 bài thơ ấy tôi mới lật, lật – đúng là mùng 5 Tết, không khí xuân vẫn còn tràn trề trong người nên còn nhiều hứng khởi. Mở ra thì gặp đúng cái bài Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn. Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân thì lúc ấy không khí xuân vẫn còn thì tôi mới lấy giấy ra – không có giấy nhạc, tôi lấy tay kẻ khuông nhạc và không ngờ cũng là cái duyên, tôi viết xong độ 1, 2 tiếng thì đã xong bài, xong tôi cất ở trong ngăn kéo, sáng hôm sau có một anh trẻ tuổi đến tìm tôi, nói rằng hôm qua tôi đến tìm anh biếu tập 40 bài thơ, tự giới thiệu là Kim Tuấn… “Ủa? Kim Tuấn à? Tôi vừa mới phổ cái bài của anh ra thành nhạc đây này!”, anh ấy mới xin tôi chép lại một bài, và ngay lúc đó thì ông chủ hãng Asia thâu đĩa ghé qua, chắc cũng đói bài, mới bảo “Có bài gì mới không?”, tôi mới nói “Có bài mới toanh đây này!” – đưa cho ông ấy thì ông ấy ký contrat (hợp đồng) với anh Kim Tuấn, tôi cưa đôi cho ảnh một nửa. Thế rồi hãng xuất bản Tinh Hoa là anh Lê Mộng Bảo, anh ấy cũng lại in bài đó, thành ra chúng tôi cũng cứ chia nhau, chia hai hết tất cả chứ không tứ lục tục gì cả”. Lời ca khúc sát với bài thơ 5 chữ.

    Qua ca nhúc nầy, nhà thơ Kim Tuấn được biết đến. Trước đó Kim Tuấn dã ấn hành các tập thơ: Hoa Mười Phương (1959), Ngàn Thương (in chung với Định Giang 1969), Dấu Bụi Hồng (1971) nhưng ít người biết đến, qua cac khúc nầy ấn hành Thơ Kim Tuấn  đầu năm 1975. Gồm những bài thơ chọn lọc trong các tập thơ cũ.

    Theo nhà thơ Du Tử Lê: Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Sài Gòn, cuối đường Phan Đình Phùng… Sau khi nghe thi sĩ Đinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là “hữu duyên”!… Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế , dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông, để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.”. Ông là người ít quan tâm về tiền nhuận bút và bản quyền. Và từ đó cho đến khi cùng định cư ở Little Saigon vẫn thường gặp nhau.

    Năm 1978 nhạc sĩ Nguyễn Hiền bị quy là dính líu đến tổ chức phục quốc và bị giam đến năm 1980. Ông thoát khỏi Trong quyển Vụ Án Hồ Con Rùa trong đó có các văn nghệ sĩ. điển hình như: Trần Dạ Từ – Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Thái Thủy, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương, Thanh Thương Hoàng,  Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu… Năm 1998, gia đình ông được bảo lãnh, định cư tại Little Saigon.

    *Trong sinh hoạt cộng đồng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã tham gia Ủy Viên Văn Hóa & Nghệ Thuật của thành phố Westminster, với Hội Cao Niên Á Mỹ, ông từng là Chủ Tịch và cố vấn. Đặc san Hạc Trắng giao cho tôi layout, nhà ông ở nhà nhà tôi nên có nhiều dịp tiếp xúc với nhau. Ông cũng tham gia, cố vấn Kế Hoạch Phát Triển Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới. (Tuy ông không phải là võ sĩ nhưng các võ sĩ trong tổng hội thân quen với ông mời giữ vai trò cố vấn vì có nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức).

    Ông là người điềm đạm, lịch sự, rất tế nhị khi giao tiếp và sẵn sàng hỗ trợ bạn văn. Điển hình như nhà văn Dương Viết Điền (người bạn cùng Khóa Nguyễn Trãi I với tôi ở Los Angeles). Theo Dương Viết Điền:

    “… Chiều ngày 08 tháng 12 năm 2004, tôi đã gọi điện thoại xuống cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền hỏi xem thử Lời Bạt về hai tác phẩm (hồi ký) của tôi đã được viết xong chưa để tôi xuống lấy thì nhạc sĩ trả lời mới viết xong được một lời bạt thôi, cuốn thứ hai đang viết nửa chừng.

    … Cuối cùng thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng đã viết cho tôi hai Lời Bạt, một cho tác phẩm Trại Ái Tử & Bình Điền, và một cho tác phẩm Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”. (Trong hai tác phẩm của Dương Viết Điền, tôi đã trích và dăng trên tờ báo của tôi)

    *

    Với Hà Nội, tôi là dân Quảng Nam nhưng trước năm 1975, đọc Hà Nội 36 Phố Phường của nhà văn Thạch Lam, Thương Nhớ Mười Hai của nhà văn Vũ Bằng, các tác phẩm của Vũ Trong Phụng vào thập niên 1930s và nhiều bài viết về nơi chốn nầy nên rất thích.

    Năm 1972, bố vợ từ Nha Trang lên Đà Lạt thăm vợ chồng tôi, lúc đó mới có dịp bố con trò chuyện với nhau. Cụ ông, con trai vị thầu khoán ở phố Hàng Đào, phục vụ trong ngành Cảnh Sát vì vậy có nhiều dịp “nay đây mai đó” khắp phố cổ Hà Nội từ tuổi thơ cho đến tháng 8, 1954 di cư vào Nha Trang. Cụ ông nhớ rất rõ từng con đường, góc phố, những món ăn đặc sản, nơi vui chơi ở mỗi phố, hàng, con đường từ Hà Nội ra ngoại thành. Hà Nội có khoảng sáu mươi hàng (con dường ngắn khoảng 100 mét đến 1 km, có quán xá hai bên)… Mỗi phố, có khi chỉ một hàng, có khi hai, ba hàng nên rộng hẹp khác nhau. Đặc biệt với phố Huế, giữa lòng Hà Nội, cùng tên với cố đô Huế… Qua lời kể, tôi viết Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù (ký bút hiệu Hoàng Bích Yên) đăng trên đặc san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị năm 1973. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Quản Đốc đài phát thanh Đà Lạt (sau nầy ở Hoa Kỳ ấn hành thi phẩm Yêu Em, Hà Nội) tưởng tôi là người Hà Nội nên cùng với nhà thơ Tô Kiều Ngân thực hiện chương trình ca nhạc với bài viết nầy.

    Sau hai thập niên, những lần cà phê ở Little Saigon, nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể về Hà Nội với trí nhớ làm tôi kinh ngạc. Ông nhớ cả số nhà vũ trường, vài văn nghệ sĩ từng quen biết từ cách ăn mặc cho đến thói quen…

    Khi tôi viết bài Quang Dũng, Sổ Tay & Cuộc Tình, trong bài thơ Tây Tiến có hai câu thơ rất trữ tình: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (Theo thủ bút của Quang Dũng trong Sổ Tay thì chữ giáng Kiều) nhưng sau nầy in lại ghi là dáng kiều.  Ngôi nhà 68 phố Hàng Bông, nơi trú ngụ của bốn chị em họ Nguyễn là Kiều Vinh, Kiều Hinh, Kiều Hương, Kiều Dinh. Quang Dũng lấy hình ảnh 4 nàng Kiều nầy ghi trong thơ. Tôi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Hiền và ông xác nhận đó là “giáng Kiều” không phải là “dáng kiều”.

    Ngày 5/5/2005, tôi ra tờ Cali Weekly, khổ standard (nhật báo), 24 trang, có 4 trang full color (1, 2 & 23, 24), (Chủ Nhiệm: Vương Trùng Dương, Chủ Bút Nguyễn Ngọc Chấn, Tổng Thư Ký: Việt Hải) số ra mắt tôi viết bài về Stars Band (trang 1 & 9) khi tiếp xúc, phỏng vấn vài nhạc sĩ tham gia được hình thành từ năm 1995 do nhạc sĩ Mạc Vũ (BS Phạm Gia Cổn) cùng các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Hiền (3 năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vừa mới định cư được mời tham gia).

    Nhớ những lần cùng uống cà phê với nhau, ông và Phạm Gia Cổn luôn “Nhớ nhà châm điếu thuốc” (Chiều – Hồ Dzếnh) rồi “liều một đám – làm một điếu”.

    Không ngờ sau đó, cả hai trở thành người thiên cổ!

    Nhờ những lần gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Hiền, với kiến thức, trí nhớ và sự cởi mở, chân tình của ông giúp tôi hiểu biết thêm về nhạc sử cổ điển Tây phương qua các thời kỳ Trung Cổ, Phục Hưng, Baroque, Cổ Điển, Lãng Mạn… hai giai đoạn âm nhạc thời tiền chiến và hai thập niên ở miền Nam Việt Nam.

    Hầu như mọi người được tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền đều quý trọng nhân cách, trí nhờ và tài hoa sáng tác, sử dụng những nhạc cụ điêu luyện và sự dấn thân của ông trong sinh hoạt cộng đồng.

    Vương Trùng Dương

  • KÝ SỰ,  Vương Trùng Dương

    GS Trần Huy Bích, Người Nặng Tình Với Non Sông & Chữ Nghĩa

    Trưa Thứ Bảy 16/12/2023, giáo sư Trần Huy Bích thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo & hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi tại Viện Việt Học. Nguyễn Trãi là Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị VNCH. Trong Bình Ngô Đại Cáo có hai câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo” làm kim chỉ nam cho ngành CTCT.

    Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt có 6 khóa lấy tên từ Nguyễn Trãi 1 đến NT 6 (ra trường 4 khóa). Tôi xuất thân Khóa NT 1, thời gian 2 năm ở quân trường đã học về Bình Ngô Đại Cáo nhưng 57 năm sau nghe bài thuyết trình của GS Trần Huy Bích rất cặn kẽ, giải thích rõ ràng từ chữ từng câu được đối chiếu qua bản dịch của cụ Bùi Kỷ trong Quốc Văn Cụ Thể, cụ Ngô Tất Tố và đối chiếu với nhiều tư liệu qua sách, báo.

    Bình Ngô Đại Cáo được coi là áng văn hùng hồn trong lịch sử dân tộc khi quân nhà Minh xâm lăng, cai trị rất tàn bạo (1414-1427). Lê Lợi thắng quân Minh, sai quân sư Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo lưu lại hậu thế.

    Với tấm lòng của giáo sư với bậc tiền nhân, nay viết vài dòng về ông.

    *

    Trước đây, trong vài bài viết liên quan đến văn học, trong tài liệu sưu tầm, tôi đã dựa vào số bài viết của GS Trần Huy Bích để xác minh vì sự thận trọng trong công trình biên khảo của ông, ngay cả chữ nghĩa.

    GS Trần Huy Bích sinh năm 1936 tại Nam Định. Hồi còn ở vùng VM trong những năm chiến tranh VM – Pháp, ông học năm đầu bậc trung học ở trường Trung Học Nguyễn Biểu thuộc tỉnh Hà Nam niên khóa 1948-49. Sau đó, theo học trường Trung Học Nguyễn Khuyến ở thành phố Nam Định từ năm 1951 đến 1954, từ Đệ Lục đến hết Đệ Tứ, rồi thi Trung Học Đệ Nhị Cấp cuối tháng 5 năm 1954.

    Đó là hậu thân của trường Thành Chung Nam Định. Tên “Trường Nguyễn Khuyến” có từ năm 1945, dưới thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Bộ Trưởng Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn, những vị đã đổi tên “Trường Bảo Hộ” (còn gọi là Trường Bưởi) ở Hà Nội thành “Trường Chu Văn An”

    Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn, theo học Ban Văn Chương (Ban C) ở Trường Trung Học Chu Văn An (cùng với Song Thao Tạ Trung Sơn, Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh Công, Phạm Công Bạch…), học trò nhà thơ Vũ Hoàng Chương nên viết nhiều bài về vị thầy với cả tấm lòng tri ân. Vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đỗ cử nhân văn chương Việt Hán, dạy học từ cuối thập niên 1950s.

    Sau khi động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông được phục vụ trong Văn Hóa Vụ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, ông được học bổng du học Hoa Kỳ. Năm 1975, ông bị kẹt lại và tốt nghiệp cao học và tiến sĩ về Giáo Dục & Chính Trị Đối Chiếu tại University of Texas, Austin.

    Sau thời gian dạy học, ông giữ chức Phó Giám Đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasadena City College, Pasadena, California, Quản Thủ thư viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California, phụ tá quản thủ thư viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện đại học UCLA (1989-2001) và đại học USC (2002 cho đến khi về hưu năm 2007). Nơi đây là cơ hội nghiên cứu tài liệu trên nhiều lãnh vực.

    Viện Việt Học (Instutute of Vietnamese Studies) thành lập năm 2000, GS Nguyễn Đình Hòa, Viện Trưởng sáng lập mời ông gia nhập Ban Giảng Huấn của VVH và giữ nhiệm vụ Phụ Tá Viện Trưởng.

    Sau khi GS Nguyễn Đình Hòa tạ thế, GS Nguyễn Khắc Hoạch lên thay, đổi nhiệm vụ ông thành Phó Viện Trưởng phụ trách Học Vụ trong các năm 2001, 2002, và hai lần tổ chức lớp “Đại Cương Về Văn Học VN” (I và II). GS Đoàn Khoách phụ trách phần Văn Học chữ Hán, các GS Nguyễn Sỹ Tế và Lưu Trung Khảo phụ trách Văn Chương Quốc Âm qua các thời, GS Nguyễn Văn Sâm phụ trách Văn Học & Văn Chương Miền Nam, GS Trần Lam Giang phụ trách phần Văn Chương Cách Mạng. GS Trần Huy Bích phụ trách Văn Chương Bình Dân (ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích) và “Sơ Lược Về Văn Học VN trong thời gian đất nước chia đôi”.

    Năm 2003, ông xin GS Trần Ngọc Ninh cho được rút lui khỏi chức Phó Viện Trưởng. GS Ninh đồng ý sau khi yêu cầu, ông giới thiệu GS Phạm Lệ Hương trông coi thư viện. Tuy từ chức Phó Viện Trưởng, ông vẫn giữ vai trò giảng viên của Viện Việt Học.

    Năm 2010, vợ ông qua đời. Ông chuyển về Little Saigon, mua căn mobile home trên đường Bolsa, có dịp gặp gỡ thân hữu.

    Ngoài ra, ông tích cực hỗ trợ Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California và Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California trong cương vị cố vấn. Mỗi tháng ông thường dành buổi chiều cuối tuần tiếp xúc những sinh viên trẻ với những câu hỏi về văn học, văn hóa Việt Nam. Ông là bậc thức giả, thông thạo nhiều ngoại ngữ nên hướng dẫn giúp cho giới trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại hiểu biết tường tận về văn học, văn hóa, lịch sử và nền giáo dục VNCH.

    Ông và giáo sư Dương Ngọc Sum cùng tham gia trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, chênh lệch tuổi tác, thế hệ học trò… thể hiện sự hòa đồng với nhau.

    Trước đây tôi nhận được cuốn Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam của Tổng Hội SVSQ Trường VBQG do Trung Tá Vũ Mạnh Hùng (Khóa 13 và đơn vị trưởng của tôi) ở Oregon gửi tặng. Tháng Sáu năm 2023 tại Viện Việt Học giới thiệu cuốn lược sử mới nầy, trải qua một thời phục vụ trong quân ngũ nên ông tham gia trong Ban Hiệu Đính (GS Tôn Thất Dziên, Khóa 10 và Trưởng Ban Văn Hóa Vụ) góp phần biên soạn. Với tôi, là người lính với 16 năm thực hiện nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, rất quý ông (không để ý đến sự tranh chấp) mà nặng tình vào công việc nầy với quân trường đã phục vụ. Theo ông: “Lịch sử thường được kẻ chiến thắng viết, vì nhiều lý do trong đó có sự chủ quan, tinh thần tự tôn, tự đề cao, muốn được coi mình là người nắm giữ chính nghĩa. Sau chiến tranh, kẻ chiến thắng thường tự vơ hết những gì tốt đẹp về cho mình, và gán hết những gì xấu xa tệ hại nhất cho người thất trận”.

    Năm 2016, ông thực hiện blogspost Trần Từ Mai (bút hiệu của ông) cho đến nay đã phổ biến hơn 120 bài viết của ông và bạn văn. Hơn thập niên qua, ông là diễn giả trong những lần ra mắt sách, rất tiếc nhiều bài nầy không phổ biến trên blogspost của ông và trên internet.

    Từ Mai Trần Huy Bích là nhà giáo, nhà văn hóa qua nhiều thập kỷ, ông viết về các bậc tiền nhân văn hóa nước nhà, sưu tầm nhiều áng văn bất hủ, trong đó nhiều bài chữ Nho của các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Đức Siêu…, dịch ra Quốc Ngữ, thơ, gọn và trong sáng để lưu lại hậu thế.

    Ông là người nặng tình với nước non, bảo tồn văn hóa dân tộc, trong các khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm tổ chức vào dịp Hè thường niên của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California cho các thầy, cô dạy tiếng Việt ở các Trường, Trung Tâm Việt Ngữ, ông được mời thuyết trình những đề tài về văn hóa và bảo tồn tiếng Việt rất hữu ích. (Tôi cũng có thời gian mười năm làm Trưởng Khối Báo Chí trước khi ông về Little Saigon).

    Về chữ nghĩa, tài liệu, ông rất thận trọng khi đề cập, chẳng hạn bài viết về “xử dụng, sử dụng”, “dòng, giòng” ông dựa vào các nguồn từ điển, tựa đề, tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng để phân tích rõ ràng, không chỉ trích, đả kích, đúng, sai… đó là cách xử sự của bậc thức giả khi viết cũng như khi giao tiếp.

    Ông viết cho nhiều người nhưng, với tôi, ít người đáp lễ, có lẽ khi viết về ông sẽ dài một quyển sách mới trích dẫn được nội dung qua từng bài viết. Trước đây tôi có chia sẻ với giáo sư Trần Gia Phụng, mỗi lần ở Canada sang, thường ghé nhà ông, anh cũng cho biết, ông nầy khiêm tốn và quá thận trọng với chữ nghĩa nên muốn viết cũng ngại. Nếu nghĩ như vậy cũng bất công với ông, một đời tận tụy trước tác, diễn giả bao nhiêu tác phẩm khi ra mắt trong cộng đồng người Việt.

    Những người cùng tuổi với ông như nhà văn Thảo Trường (1936-2010), GS Trần Như Tảng (1936-2013 – GS Trần Như Tráng sau khi đậu PhD về Chính Trị Đối Chiếu, Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội tại Đại Học Vạn Hạnh và sau nầy dạy đại học ở Hoa Kỳ), nhà văn Nhật Tiến (1936-2020), nhà văn Nguyễn Đình Toàn (1936-11/2023) và bạn học Bùi Quyền (1937-2020) nay đã ra người thiên cổ.

    Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) với câu nói để đời “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng” với ông cũng đúng thôi. Cây sậy Trần Huy Bích vẫn còn minh mẫn đóng góp trong cuộc hành trình với chữ nghĩa, lịch sử, văn học… đáng ngưỡng mộ.

    Little Saigon, December, 2023

    Vương Trùng Dương

  • Khánh Lan,  KÝ SỰ,  LỊCH SỬ,  Sinh Hoạt,  Trần Huy Bích

    BUỔI THUYẾT TRÌNH VỀ “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO”TẠI VIỆN VIỆT HỌC NGÀY 16 THÁNG 12-2023

    Hai hôm trước buổi nói chuyện của Giáo Sư Trần Huy Bích về buổi thuyết trình với đề tài: BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO và HAI BÀI THƠ CHỮ HÁN QUAN TRỌNG CỦA NGUYỄN TRÃI, Khánh Lan nhận được email của Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết Cô Phạm Từ Ái, giáo viên trường tiểu học DeMille tại thành phố Midway City đã khởi xướng và mời Giáo Sư làm diễn giả cho buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ngày 16 tháng 12, 2023 vừa qua.

    Với lời viết khiêm tốn, GS Trần Huy Bích viết: “Năm nay tôi 87 sắp lên 88. Ở tuổi ấy người ta có khuynh hướng … lười”. Điều nay thể hiện qua hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến như sau: “….Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu.Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác…”Hay ham hoạt động như Nguyễn Công Trứ cũng viết: “…… đến tuần lão đại.Cuộc đời trăm việc đã vâng nhường….” Và chỉ nên: “….Đem thân thế nương miền toàn (tuyền) thạch.Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn….”Rồi sau đó, Giáo Sư Trần Huy Bích kết luận rằng ông rất thích mấy câu dưới đây của Vương Duy:“…Vãn niên duy hiếu tĩnh.Vạn sự bất quan tâm…”Và đã dịch thành: a) Tuổi già riêng thích tĩnh. Mọi chuyện chẳng quan tâm. b) Tuổi già riêng thích yên thôiNgổn ngang muôn chuyện gạt ngoài chân tâm.Tuy nhiên, với BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, Giáo sư Bích cho biết ông không khỏi giật mình khi thấy một cuốn sách do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành ở trong nước gần đây giảng “Luống đăm đăm con mắt dục đông” là … “muốn đi về phía đông, hướng có mặt trời, có vượng khí” (Sic)Ngay sau đó, cuốn ấy giảng “Vẫn mịt mù như kẻ vọng dươnglà “trông về phía mặt trời, ý nói mong một vị cứu tinh” (Sic), tuy trong nguyên tác, Nguyễn Trãi dùng chữ “dương (với nghĩa là biển).

    Giáo sư tiếp: “Vị tác giả giảng BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế đã viết và in tới trên 10 cuốn sách về văn học VN. Bên cạnh cuốn Thơ Văn Bùi Kỷ tôi vừa nhắc tới, ông ta cũng viết về Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phạm Văn Nghị (thầy dạy của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến) … Tôi không có những cuốn ấy, nên không biết ông ta viết và giảng ra sao.”

    Đó chính là lý do thúc đẩy Giáo Sư Trần Huy Bích nhận lời yêu cầu của nhóm các thầy cô giáo trẻ như cô giáo Phạm Từ Ái và cô Đặng Quỳnh Hương, lớp người trẻ đang vững bước tiến tới để dần dần thay chỗ cho các vị giáo học tiền bối.

    Giáo sư Trần Huy Bích cho biết thêm: Những người khởi xướng buổi thuyết trình này là một số thầy cô giáo đang dạy tiếng Việt cho các học sinh gốc Việt tại Orange County. Các thầy cô muốn giới thiêu áng văn chương lịch sử hào hùng ấy tới các em học sinh, nhưng nhiều câu chính các vị cũng không hiểu rõ. Họ đã cử cô Phạm Từ Ái, giáo viên tại Warner Middle School thuộc thành phố Westminster tới liên lạc với Giáo sư Trần Huy Bích, để xin giáo sư giảng rõ cho các thầy cô, và Giáo sư Bích đã nhận lời.

    Khi biết tin ấy, cô Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc điều hành Viện Việt Học, đề nghị Giáo sư Bích dùng phòng hội của Viện làm nơi thuyết giảng. (dựa theo bài viết của Giáo Sư Bích)

    Trên thực tế, sau buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học, Khánh Lan đảm trách nhiệm viết bài tường thuật về buổi thuyết trình. Khánh Lan thiết tưởng, một bài tường thuật lịch sử cần phải chỉnh chu và đúng với sự thật, chính vì thế Khánh Lan xin mạn phép dùng những chi tiết được ghi nhận rất đầy đủ cũng như am hiểu tường tận về Bình Ngô Đại Cáo của ba vị tiền bối gồm: Giáo Sư Trần Huy Bích; Chủ tịch đảng Tân Đại Việt, Hoàng Đình Khuê và Ký Giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.

    Khai mạc buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, Cô Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu tiểu sử, hành trình cũng như những thành quả của diễn giả Giáo Sư Trần Huy Bích trong lãnh vực giáo dục.

    Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu diễn giả Trần Huy Bích. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Trước khi vào phần chi tiết của buổi thuyết giảng về BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, khánh Lan xin trình bày sơ lược về Nguyễn Trãi:

    Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, hiệu là Ức Trai,
    quê tại làng Chi Ngại (Chí Linh-Hải Dương). Ông là một nhà Nho yêu nước, một quân sư cho Vua và là người có công rất lớn trong chiến thắng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhắc đến Ông là nhắc đến một Danh nhân Văn hóa Thế giới, đã để lại cho đời một kho tàng văn học vĩ đại, một áng thiên cổ hùng vănđiển hình là “Bình Ngô Đại Cáo”.

    Bình Ngô Đại Cáo” được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của dân tộc Đại Việt sau bản Tuyên Ngôn Độc Lập là bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Do đó năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân Văn hóa Thế giới”. Ông cũng là người đầu tiên của Việt Nam được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc công nhận danh hiệu này.

    Nói về “Bình Ngô Đại Cáo”, khi chúng ta tách Đại Cáo ra, là tên một Thiên trong Thượng Thư, trích từ điển tích trong Thời nhà Chu Triều (周朝) (Tây Chu: 1122- 771 TCN)

    Khi Cao Tụng-Chu Thành Vương (1042-1021 TCN) lên thay Chu Vũ Vương thì bị loạn Tam Giác gồm Vũ Canh, Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ làm phản.

    Chu Công Đán là chú của Chu Thành Vương đã dẹp đám phản lọan và Chu Thành Vương truyền Đại Cáo. Đây là Đại Đạo Dĩ Cáo để trình bày và sau đó báo cáo với thiên hạ là đã dẹp Loạn Tam Giám, đất nước độc lập và lấy tên “Đại Cáo” là tên của một Thiên trong Kinh Thư.

    Giáo sư Trần Huy Bích thuyết giảng về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học ngày 16.12.2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Theo giáo sư Trần Huy Bích, bài dịch của Bùi Kỷ hay và hào hùng hơn cả, nhưng bản dịch của Ngô Tất Tố rõ ràng dễ hiểu hơn. Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, bản Ngô Tất Tố dịch như sau:

    Thay Trời lời hành hóa, Hoàng Thượng truyền rằng: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo / Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc, Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau / Song hào kiệt thời nào cũng có…

    Tiếp theo là đọan khá dài trình bày về việc dẹp xong giặc Ngô ngoại xâm đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Và câu cuối cùng của bài Bình Ngô Đại Cáo viết:

    “Than ôi! Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định – Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh – Bá cáo xa gần – Ngỏ cùng nghe biết.

    Đoạn dưới đây là lời giải thích của Giáo Sư Trần Huy Bích:

    Giáo Sư Trần Huy Bích, ông đề nghị dùng bản dịch của cụ Bùi Kỷ (được in trong Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim) làm bản chính trong việc trình bày. Đó là một bản dịch có nhiều câu văn đẹp và hào hùng. Nhưng bản dịch ấy cũng có một số câu quá cô đọng và dùng từ Hán Việt thuộc loại khó nên nhiều chỗ có phần tối nghĩa. (Dịch khoảng năm 1919 để in vào Việt Nam Sử Lược năm 1920, vị Phó bảng họ Bùi đã dùng loại tiếng Việt của trên 100 năm trước).

    Nhận thấy nhiều câu trong bản dịch của cụ Ngô Tất Tố ý nghĩa rõ hơn, Giáo Sư Bích đề nghị dùng bản này làm bản hỗ trợ và bổ túc. (Cụ Ngô Tất Tố dịch sau cụ Bùi Kỷ, và đã có ý muốn chữa lại phần nào những chỗ khó hiểu trong bản dịch trước). Giáo Sư Bích cũng muốn giới thiệu thêm hai bản dịch nữa: bản của nhà văn/học giả Nhượng Tống (dưới bút hiệu Mạc Bảo Thần) và bản của nhà biên khảo Bùi Văn Nguyên (1918-2013), sống ở miền Bắc trước năm 1975. Ông Nguyên có hoàn cảnh gặp cụ Bùi Kỷ nhiều lần trước khi cụ qua đời, nên đã có dịp hỏi cụ khá nhiều về bản Bình Ngô Đại Cáo do cụ dịch.

    Trong buổi thuyết trình tại Viện Việt Học, mỗi tham dự viên được phát một tập tài liệu gồm:

    • Đoạn mở đầu của nguyên tác Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán như được in trong Hoàng Việt Văn Tuyển
    • Phần phiên âm của đoạn mở đầu ấy
    • Bản dịch của Bùi Kỷ
    • Bản dịch của Ngô Tất Tố
    • Bản dịch của Nhượng Tống

    Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết ông không in thêm bản dịch của Bùi Văn Nguyên vào xấp tài liệu trên vì như thế sẽ dày quá.  Bản ấy được in trong Tập 4 của bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam, đã có tại Viện Việt Học. Đồng thời, bộ sách này cũng đã có bản PDF trên Net. Theo Giáo Sư Bích, chỉ cần vào Net, đánh “Tổng tập Văn học Việt Nam tập 4” là có thể tìm ra.

    Các tham dự viên ngồi kín hội trường Viện Việt Học, Westminster, chiều thứ Bảy, ngày 16 tháng 12, 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Tại phòng hội của Viện Việt Học chiều Thứ Bảy 16 tháng 12 vừa qua, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của:

    • Một số nhà giáo dục: Các giáo sư Phạm Lệ Hương, Vũ Ngọc Mai, Bùi Mỹ Dương, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Ngọc Tuyết… Đáng chú ý nhất là sự có mặt của giáo sư Nguyễn Thị Thanh Tâm (cựu giáo sư trường nữ Trung học Đồng Khánh, Huế, hiền nội của giáo sư Đoàn Khoách), tới từ San Diego. Giáo sư Đỗ Quý Toàn, nguyên giáo sư Sử trường Trung học Chu Văn An, Sài Gòn, đến hơi trễ vì phải dự tang lễ một người bạn thân trước đó. Ông đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong phần 2 của buổi thuyết trình.
    • Một số vị trong văn giới và học giới: Các nhà văn Ngự Thuyết, Nguyễn Quang (phu quân của cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh), Tràm Cà Mau, Phạm Quốc Bảo, Võ Ý, Trương Huy Văn, nhà biên khảo Đỗ Thái Nhiên, học giả Nguyễn Duy Chính …
    • Nhân vật trong cộng đồng: Đại tá Trần Minh Công, Hạm trưởng Phạm Đình San, bà Ngô Tuyết Mai (Hội trưởng Hội Đồng hương Bắc Ninh), bác sĩ Đinh Thái Sơn (Phó Chủ tịch CLB Hùng Sử Việt), ông Hoàng Đình Khuê (Chủ tịch đảng Tân Đại Việt), ông Phan Thanh Tâm (hậu duệ của đại thần Phan Thanh Giản) …
    • Một số cựu sinh viên trường Chiến tranh Chính trị VNCH, nơi Nguyễn Trãi được tôn là Thánh tổ: nhà văn Vương Trùng Dương, ông Nguyễn Huy Hiền …
    • Một số thầy cô giáo ở thế hệ trẻ: Cô Phạm Từ Ái, cô Đặng Quỳnh Hương, thầy Trần Chí Hồng Tiên …
    • Đáng cảm động nhất là sự có mặt của Nhà Văn Trần Việt Hải, con chim đầu đàn của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, và người bạn đời của anh là chị Lệ Hoa. Bị stroke từ nhiều năm trước, anh bước đi khó khăn. Phòng hội của Viện Việt Học không có thang máy, chị phải dìu anh leo lên bằng thang thường. Lúc đầu hai vị lên nhầm cầu thang phía sau nhưng cửa khóa, không vào được. Anh chị phải leo xuống để lên trở lại bằng cầu thang phía trước, vất vả vô cùng. Khi thấy anh trong phòng hội, Gs Trần Huy Bích giật mình. Ông bước tới ôm lấy anh, nghẹn lời.

    Từ trái: Ông Phạm Đình Hưng, KG Vương Trùng Dương, NV Khánh Lan, GS Trần Huy Bích, NV Việt Hải & phu nhân Lệ Hoa

    Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết một số bản dịch Bình Ngô Đại Cáo được in ở trong nước, kể cả bản của ông Văn Tân trong Nguyễn Trãi Toàn Tập (1976), bản của các ông Ngô Linh Ngọc & Mai Quốc Liên trong Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên (2000), bản được in trong bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập (do Viện Sử Học ở Hà Nội biên soạn, tái bản năm 2017), đã làm một việc không nên làm là cắt bỏ hẳn một câu của Nguyễn Trãi. Theo ông, như thế là “kiểm duyệt văn của tiền nhân, không trung thành với lịch sử.” Câu của Nguyễn Trãi bị các vị cắt bỏ là: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã” (Cũng do sự linh thiêng của Trời Đất Tổ tông đã âm thầm phù trợ mà được như thế).

    Cũng theo Giáo Sư Bích, trong cuốn Thơ văn Bùi Kỷ do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành ở trong nước năm 1994, tác giả Nguyễn Văn Huyền đã giảng sai một số chữ trong Bình Ngô Đại Cáo. Một trong những chữ ấy là “vọng dương.” Nguyên Nguyễn Trãi dùng chữ “dương” 洋 ở bộ Thủy với nghĩa là “biển” (như trong “đại dương, trùng dương”), và cụ Ngô Tất Tố đã dịch là “mịt mù như nhìn chốn biển khơi,” nhưng trong cuốn sách trên, ông Nguyễn Văn Huyền lại giảng là “vọng dương là trông về phía mặt trời.”

    Trong cuốn Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản do Viện Sử Học ở Hà Nội phát hành năm 1976, ông Văn Tân cũng hiểu sai ý Nguyễn Trãi trong câu ông dịch, “Quân Mộc Thạnh bị bại ở Cần Trạm.” Theo Giáo Sư Bích, điều ấy không đúng với sự thật lịch sử, và bản dịch của cụ Ngô Tất Tố trước đó đúng hơn:

    “Nghe [Liễu] Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.”

    Trong buổi thuyết trình, Giáo Sư Trần Huy Bích đọc từ câu đầu tiên đến câu cuối bản dịch của Bùi Kỷ để trình bày ý nghĩa. Với những câu tối nghĩa, ông đối chiếu với nguyên tác để có thể hiểu ý Nguyễn Trãi. Khi có câu tương ứng và dễ hiểu hơn trong bản dịch của Ngô Tất Tố hay Nhượng Tống, ông đọc những câu ấy trước cử tọa. Sau khi ông giảng xong, mọi người đều vui vì đã hiểu Bình Ngô Đại Cáo rõ hơn. Tới đoạn trình bày các trận đánh (Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tụy Động/Tốt Động, Chi Lăng, Xương Giang, Lê Hoa ….) ông phát một tấm bản đồ màu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và giúp mọi người hiểu các diễn tiến của cuộc khởi nghĩa cho tới khi chiến thắng.  

    Sau đây là một số trường hợp Giáo Sư Trần Huy Bích đối chiếu những câu quá cô đọng trong bản dịch của cụ Bùi Kỷ với những câu rõ nghĩa hơn trong các bản dịch của Ngô Tất Tố và Nhượng Tống:

    Bản Bùi Kỷ: vẫn đăm đăm con mắt dục đông.

    Bản Ngô Tất Tố: vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông

    Bản Nhượng Tống: thường bồn chồn muốn đánh sang Đông.

    Bản BK: luống đằng đẵng cỗ xe hư tả

    Bản NTT: cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả

    Bản NhT: nên sắp xe đợi bậc hiền tài, vẫn thành kính bỏ không phía tả.

    Bản BK: vẫn mịt mù như kẻ vọng dương

    Bản NTT: mịt mù như nhìn chốn biển khơi

    Bản NhT: mờ mịt như trông ra bể

    Bản BK: thêm vội vã như khi chửng nịch

    Bản NTT: vội vã hơn cứu người chết đuối

    Bản NhT: vội vàng hơn vớt đắm đò.

    Và nhiều trường hợp tương tự.

    Sau khi trình bày xong, Giáo Sư Trần Huy Bích mời hai thầy cô giáo trẻ, thầy Trần Chí Hồng Tiên và cô Đặng Quỳnh Hương, tiếp sức nhau đọc lại bản dịch của cụ Bùi Kỷ, để xem còn ai thấy chỗ nào chưa rõ nghĩa nữa không. Cả hội trường đều vui, vì ai nấy đều đã hiểu bản dịch có giá trị văn chương ấy.

    Sau 10 phút giải lao, phần 2 của buổi hội thảo để giải đáp thắc mắc. Giáo sư Đỗ Quý Toàn và ông Hoàng Đình Khuê đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong phần này.

    Theo chương trình, Giáo Sư Trần Huy Bích sẽ trình bày thêm hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, nhưng thấy nhiều người tỏ ra mệt và cũng gần hết giờ, ông chỉ nói về bài “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác.” Khi mới đọc, bài thơ có điểm mâu thuẫn. Tuy tiêu đề là “Cảm xúc làm ra khi về lại Côn Sơn sau cơn loạn” (Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi Nguyễn Trãi sống trong thời thơ ấu), trong bài lại có câu:

    Can qua vị tức hạnh thân tuyền

    (Chiến tranh chưa chấm dứt, may mắn thân mình còn nguyên vẹn).

    Theo Giáo Sư Bích, bài thơ được làm ra khoảng cuối năm Bính Ngọ 1426 hay đầu năm Đinh Mùi 1427. Sau khi làm chủ vùng đất từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa, tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, quân ta tiến ra Bắc. Sau khi thắng một trận lớn ở Tụy Động/Tốt Động, quân ta vây Thăng Long (Đông Đô). Tuy có nhiệm vụ chính ở cạnh Bình Định vương trong đạo quân vây Đông Đô, có thể Nguyễn Trãi được cử đi với đạo quân thu phục vùng Hải Dương là nơi ông được nhiều người biết trong ít ngày, để hiệu triệu các phụ lão ở vùng ấy ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn. Với vùng Hải Dương, Côn Sơn, hai tiếng “loạn hậu” kể như chính xác vì đã do quân ta làm chủ, nhưng can qua vẫn chưa hết (“vị tức”) trong toàn cuộc kháng Minh.

    Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc mọi người lưu ý đến hai câu cuối để nhận ra cốt cách thanh cao, làm việc vì nhiệm vụ chứ không ham danh lợi của Nguyễn Trãi:

              Hà thời kết ốc vân phong hạ?

    Cấp giản phanh trà, chẩm thạch miên.

    (Bao giờ được làm nhà ở dưới mây và núi?

    Múc nước dưới khe suối nấu trà, gối đầu vào đá ngủ)

    Sau phần thuyết giảng là phần hỏi đáp do Giáo Sư Đỗ Quý Toàn và Giáo Sư Trần Huy Bích đảm trách. Trong bài viết này Khánh Lan xin ghi lại dưới đây bài viết của ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt.

    Câu hỏi 1: Tại sao Nguyễn Trãi không lấy tên “Bình Minh Đại Cáo” mà lại là “Bình Ngô Đại Cáo”?

    Đáp: Ta biết Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hào Châu, xưa thuộc đất NGÔ là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Chương xưng là Ngô Quốc Công và sau đó cải xưng là      
    Ngô Vương. Do đó NGÔ ở đây là tước hiệu của Chu Nguyên Chương mà cũng là nguồn gốc đất tổ của Chu Nguyên Chương, Ngô cũng là Minh mà  
    nhà Minh cũng là Ngô. Nếu lấy tên Bình Minh Đại Cáo thì không rõ nghĩa và có thể mới nghe qua Bình Minh là buổi sáng. Cho nên Nguyễn Trãi đã sắc bén dùng từ Bình Ngô là diệt tận gốc dòng dõi nhà Minh.

    Câu hỏi 2Tại sao Nguyễn Trãi lại dùng Bình Ngô Đại Cáo mà không dùng một văn kiện hay một Tuyên ngôn khác?

    Đáp: Như ta thấy trong phần trên hai chữ Đại Cáo rất quan trọng trong mệnh đề Đại Đạo Dĩ Cáo được đặt tên trong một Thiên của Kinh Thư.
    Từ đó Nguyễn Trãi cho thấy ý của Đại Đạo là Đạo lý lớn nhất của Đại Việt đã đem “Đại nghĩa thắng hung tàn, lấy Chí nhân thay cường bạo”. Đồng thời Nguyễn Trãi cũng muốn thiên hạ thấy rằng Đại Cáo là một văn kiện mang tính pháp luật, có nghĩa trọng đại ngang với văn kiện pháp lý mà Chu Thành Vương (Cơ Tụng- 1042-1021 TCN) đã ban hành. Cho nên Nguyễn Trãi thay lời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) để Cáo nền Độc Lập của Đại Việt, ngoài ra còn khẳng định sự bình đẳng ngang hàng của Đại Việt với nhà Minh.


            Trong lịch sử từ trước đến nay và xét về tâm lý dân tộc, bất kỳ nước nào mạnh lớn đều coi các nước khác là rừng rú dã man. Cho nên người Trung Hoa coi mình là trung tâm vũ trụ, là nền văn minh của nhân loại.       Họ coi các nước chung quanh là man di mọi rợ:

    • Phương Bắc gọi Mông Cổ, Liêu, Kim là Bắc dịch.
    • Phía Nam gọi Việt Nam và Xiêm La (Lào) là Nam man.
    • Phía Đông gọi Cao Ly (Triều Tiên-Nam Hàn), Nhật Bản là Đông di.
    • Phía Tây coi Thổ Phồn, Hồi Hột là Tây nhung hay Khuyển nhung.
    • Còn gọi các nước ở xa như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha …là Bạch quỷ.   

    Cho nên ta thấy mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã dùng lý lẽ đanh thép, một triết lý nhân sinh đã được tích lũy từ bao đời:

    • Từng nghe việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân.
    • Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
    • v.v…

    Sau đó Nguyễn Trãi đã khẳng định về tánh cách độc lập, bình đẳng của dân tộc. Nguyễn Trãi đã đi xa hơn nữa trong việc tìm kiếm khái niệm Dân tộc, đó là cơ sở cho cuộc đấu tranh chống xâm lược. Quan niệm này đã được hình thành trong quá trình tranh đấu dựng nước và giữ nước.
    Nguyễn Trãi đã thuyết phục cho thấy chiến thắng được xuất phát từ truyền thống yêu nước của toàn dân phù hợp với tính nhân bản và chân lý về chủ quyền độc lập và bình đẳng của dân tộc Đại Việt. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh về tính chính danh của cuộc Chiến thắng giành Độc lập và phải Bình đẳng giữa Lê Vương và Ngô Vương, do đó phải sử dụng Đại Đạo Dĩ Cáo tức “Bình Ngô Đại Cáo”.

    Và sau cùng, Khánh Lan xin trích bài tường thuật của Ký giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.

    Ký giả Thanh Phong đã dành thời gian để phỏng vấn hai vi giáo viên trẻ Phạm Từ Ái (cô giáo dạy tiếng Việt từ đầu tại trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 8 tại Warner Middle School) và giáo viên Cô Đặng Quỳnh Hương (giáo viên dạy tiếng Việt lớp Mẫu Giáo đầu tiên ở trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 6 cũng tại trường này). Để trả lời câu hỏi của ký giả Thanh Phong, cô Phạm Từ Ái cho biết hầu hết các thầy, cô giáo trẻ đang dạy ở chương trình công lập rất ít có cơ hội để học các bài về lịch sử hoặc các bài về Đinh, Lê, Lý, Trần, tiền Lê, hậu Lê nên họ rất mong muốn được học thêm về các chi tiết lịch sử oai hùng của nước Việt Nam. Và từ đó, các thày cô trẻ có thể truyền lại cho học sinh của mình về tinh thần yêu nước của tổ tiên, tự hào mình là người Việt Nam, và để bảo tồn tiếng Việt dấu yêu.

    Trả lời một câu hỏi khác, cô giáo Từ Ái cho biết, “Giáo sư Trần Huy Bích, một nhà giáo lão thành thông thạo nhiều ngôn ngữ, là người đã thuyết trình nhiều đề tài rất hay, rất độc đáo và giáo sư cũng sẵn sàng giúp cho các thầy cô khi chúng em nêu ra, không chỉ Bình Ngô Đại Cáo mà nhiều đề tài khác, Truyện Kiều chẳng hạn thì giáo sư Bích gần như là một bậc hiền triết vậy. Giáo sư có thể giảng giải rất sâu, rất chi tiết tất cả những thơ, văn về Truyện Kiều giáo sư đều nắm rõ hết, thành ra tụi em không những xin Thầy nói về Bình Ngô Đại Cáo, sau này có thể còn xin Thầy giảng thêm, đi sâu về những áng văn chương khác của Việt Nam mình.”

    Cô Đặng Quỳnh Hương cũng bay tỏ cảm nghĩ của mình khi tham dự buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, “Thật ra chúng em đang muốn học hỏi thêm, nhất là Bình Ngô Đại Cáo là một trong những áng văn chương mà cần phải có người giảng dạy chi tiết mới hiểu thấu đáo được, nhất là trong môi trường đặc biệt ở bên Mỹ này khi chúng em đang dạy tiếng Việt cho học sinh, nếu không hiểu sâu thì là đáng tiếc, cho nên đây là dịp để chúng em học hỏi, nhất là được các người đi trước dạy dỗ để hiều về văn chương, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì thật là điều may mắn và hạnh phúc.”

    Hai cô giáo Đặng Quỳnh Hương (trái) và cô Phạm Từ Ái (Trường De Mille) là những người đề xướng xin Giáo sư Trần Huy Bích giảng giải về bài Bình Ngô Đại Cáo hai cô đang cầm trên tay. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Bình Ngô Đại Cáo được viết vào năm 1428, cách nay 595 năm; đó là Bài Cáo do Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để Tuyên Cáo trước toàn dân việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành độc lập cho nước Đại Việt (Việt Nam bây giờ). Vậy Bình Ngô là gì? Vào thời đó, Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hảo Châu, xưa thuộc đất Ngô, là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Vương xưng là Ngô Quốc Công; 8 năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Vương, vừa là nguồn gốc quê cha đất tổ của Chu Nguyên Vương. Bình Ngô nghĩa là dẹp tận gốc gác, giống nòi của giòng họ Chu – Thái Tổ nhà Minh.

    Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán được các ông Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Mạc Bảo Thần và Bùi Kỷ dịch sang tiếng Việt. Bản chính bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi và các bản dịch giáo sư Trần Huy Bích đều phóng to ra để tại phòng họp của Viện Việt Học và in ra cho người tham dự.

    Buổi hội thảo chấm dứt trong sự vui vẻ của mọi người. Hai cô giáo Phạm Từ Ái và Đặng Quỳnh Hương hài lòng với buổi thuyết trình, các cô cho biết còn nhiều tác phẩm quan trọng khác trong văn học Việt Nam các cô và bạn hữu muốn biết rõ thêm, và sẽ còn muốn Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình nhiều lần nữa.

    Khánh Lan tường trình và trích dẫn phần lớn diễn tiến trong buổi hội thảo qua các bài viết của: Giáo Sư Trần Huy Bích; Ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt và Ký Giả Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông.

    California December 2023

  • Kiều My,  KÝ SỰ,  NGHIÊN CỨU,  Sinh Hoạt,  TẠP GHI,  Việt Hải,  Vương Trùng Dương

    NIỀM VUI MÙA GIÁNG SINH

    NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT VÀ TIẾNG THỜI GIAN: MERRY CHRISTMAS 2023 AND HAPPY NEW YEAR 2024 DO CHỊ TÂM AN THU HÌNH.

    Trước giờ khai mạc, Xướng Ngôn Viên Pham Khanh phỏng vấn GS Trần Mạnh Chi, NV Khánh Lan và chủ nhân công ty dược thảo Princess Lifestyle, Ông John Tạ và Xướng Ngôn Viên Lưu Mỹ Linh. Mời quý quan khách vào xem.

    Ngày lễ Giáng Sinh thật tưng bừng, hoa đèn đủ màu sắc rợp trời lung linh huyền ảo. Giáng Sinh là một niềm vui lớn lao của biết bao gặp gỡ thân tình, thương mến. Hòa cùng niềm vui trên khắp hành tinh trong mùa Giáng Sinh, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã có một buổi tiệc tưng bừng chào đón mùa yêu thương, mùa an lành… đến với mọi tạo vật trên khắp địa cầu. Vì, Thiên Sứ trên các tầng trời cũng đã đồng thanh ca hát trong đêm thánh, đêm con Thiên Chúa giáng trần:

    “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

    Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian mừng Lễ Giáng Sinh

    KHÁNH LAN KHUI “APPLE CIDER” ĐÃI KHÁCH

    Trời Nam California thật êm ả, dịu dàng… như trong lòng mọi người đến với nhau, cho nhau những nụ cười hân hoan, ấm áp, cho nhau niềm vui của mùa Giáng sinh, trong bầu không khí thân thiện và thật bình an!  Lời cầu chúc  Merry Christmas âm vang trong hội trường, luôn là lời chúc thật đẹp mỗi mùa Giáng sinh. Suốt một năm dài vật lộn với cuộc sống, tháng mười hai là thời gian mà mọi người mong đợi mùa lễ lớn, để được thư giản và vui chơi. Đây cũng là dịp thân nhân, bạn bè đoàn tụ, gặp gỡ để cùng chung vui trong ngày hội lớn cuối năm.

    Tiếng đàn, tiếng hát đã vang lên! Giờ đây cả hội trường rất sống động và niềm vui của mọi người đang chắp cánh bay cao. Trong buổi tiệc hôm nay, quy tụ giới tinh hoa của người Việt hải ngoại, mà một vài vị quan khách từ xa đến tham dự đã nhận xét và ca ngợi. Từ những bậc trưởng thượng như các vị giáo sư khả kính: Dương Ngọc Sum, Trần Huy Bích, nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân ca sĩ Ngọc Hà; các nhà văn như Nguyễn Quang, nhà văn Người Việt Phạm Quốc Bảo; ký giả nhà văn Du Miên và phu nhân Ngọc Hà; nhà báo nhà văn Vương Trùng Dương; nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà thơ Lê Trọng Nguyễn Nga.

    Hành ngồi: NV Phạm Quốc Bảo, NV Việt Hải, KS Nguyễn Văn Viễn, GS Dương Ngọc Sum, GS Trần Huy Bích, NV Nguyễn Quang. Hàng đứng: Lệ Hoa, NV Khánh Lan, NS Dương Hồng Anh, NT Lê Trọng Nguyễn Nga, Thụy Lan, Katherine Minh Thư, Micheal Jean.

    Quan khách tham dự tiệc

    Đặc biệt có cựu đại tá Lê Thương, bình luận gia kiêm nhà văn Phạm Gia Đại, giáo sư Phạm Hồng Thái, thi sĩ John Tạ kiêm giám đốc Cty Princess Lifestyle cùng phu nhân Susan Xuân Tạ, nhà văn Hạo Nhiên Trần Thế Ngữ, thi sĩ Trần Quốc Thái, hiền tài Ngô Thiện Đức, nhà văn Kiều My cùng các em Minh Phượng, Đình Khôi; nhà văn Khánh Lan và phu quân Mạnh Bổng, ca sĩ Thụy Lan và phu quân Michael Jean François,… Ông bà Trần Chính San Diego; ông bà Nguyễn Mạnh Kính. Ca nhạc sĩ Lâm Dung, Ái Liên, ca sĩ Trần Hào Hiệp, các ca sĩ Lisa Trần, Quỳnh Thúy, Mỹ Linh, Tony Hiếu và Thanh Mai, Hùng Ngọc, Ngọc Châu và Khắc Đức, xướng ngôn viên Phạm Thanh…

    TS John Tạ, Michael Jean François, cựu đại tá Lê Thương, Thụy Lan

    Cựu võ bị Đà Lạt khóa 16 ông Hoàng Đình Khuê, hải quân khóa 17 ông Bùi văn Tẩu và phu nhân, anh Nguyễn văn Viễn chủ nhân công ty xây cất Vincent Construction,  cựu trung tá không quân Phạm Đăng Khải và phu nhân Thanh Mỹ, ca sĩ Dương Viết Đang, ông bà Phan Cảnh Cho, anh Vĩnh Than và phu nhân là cựu đại úy cảnh sát biệt đội Thiên Nga, ký giả Thanh Huy của Việt báo, cựu tù nhân chính trị Vũ Hoàng Hải trong Mạng Lưới Nhân Quyền, cùng nhà truyền thông Tâm An, nhạc ca sĩ Nguyễn Văn Thành (phong trào Dân Chủ Ca và phu nhân; chị Minh Khai (em nhạc sĩ Lam Phương) và anh Khanh, nhiếp ảnh gia Paul Lê văn Phú, nhạc sĩ Phạm Vĩnh, ca sĩ Katherine Lê (ái nữ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn) và nhà thơ Lê Trọng Nguyễn Nga.

    Hàng ngồi: NS Phạm Vĩnh, CS Quỳnh Thúy, XNV Lưu Mỹ Linh, Ông John Tạ. Hàng đứng: Michael Jean François, Susan Tạ, Khánh Lan, Thụy Lan

    Hàng ngồi: Minh Khai, Minh Châu, Tuyết Mai, Tony Hiếu. Hàng đứng: Lệ Hoa, Ngọc Châu, Kim Hương, Katherine Minh Thư, NV Phạm Gia Đại.

    Đặc biệt, lần đầu tiên nhạc sĩ keyboardist Đinh Trung Chính, người bạn văn nghệ của anh Trần Mạnh Chi, là người bảo trợ và phụ trách phần âm nhạc và âm thanh cho chương trình. Người nhạc sĩ tài ba đầy nhiệt huyết này đã mang đến tiếng nhạc rộn ràng và niềm phấn khởi trong lòng mọi người, như lân gặp pháo…trong bầu không khí sống động vui tươi. Xin chân thành cảm tạ nhạc sĩ Đinh Trung Chính và kỷ thuật viên,…

    Nhạc sĩ keyboardist Đinh Trung Chính

    Hai MC tài ba của nhóm là cô Mộng Thủy và anh Trần Mạnh Chi, đã điều khiển chương trình khá xuất sắc. Những tiếc mục đã được giới thiệu và thực hiện trôi chảy.

    MC khả ái Mộng Thủy và MC tài ba, anh Trần Mạnh Chi

    Trong buổi tiệc đình đám này, dưới sự chủ tọa của nhà văn Trần Việt Hải, bên cạnh là phu nhân ca sĩ Lệ Hoa khả ái. Nhà văn đã bày tỏ: Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian thành lập cách đây 8 năm gồm 5 người: Lý Tòng Tôn đã ra đi, họa sĩ Lưu Anh Tuấn  vì sức khỏe không thể tham dự, giáo sư Trần Mạnh Chi, hiền tài Ngô Thiện Đức và nhà văn Việt Hải.

    GS Trần Mạnh Chi là một trong 5 vị đã thành lập nhóm NVNT năm 2015 và NV Việt Hải

    Nhà văn Việt Hải và Anh Ngô Thiện Đức, một trong 5 vị đã sáng lập ra nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật

    Sau đó, Ngô Thiện Đức tiếp lời: Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian sinh hoạt về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc. Ngoài ra còn tổ chức những buổi vinh danh các vị giáo sư, giúp ra mắt sách cho những thi sĩ,  nhà văn trẻ, là thế hệ tiếp nối cho những thế hệ sau này để duy trì nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Giúp giới trẻ nối bước các bậc cha anh về văn hóa theo truyền thống” uống nước nhớ nguồn” vậy.

    Và tiếp theo là phần trình bày của nhà văn duyên dáng của Khánh Lan tường trình tổng kết về các sinh hoạt trong năm 2023 và những dự định cho năm 2024. Mở đầu với lời chào trân trọng đến quý Giáo sư, Văn thi sĩ, các anh chị em thành viên và thân hữu, Khánh Lan kính chúc quý vị hiện diện trong buổi tiệc một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc và một năm mới 2024 với vạn sự như ý, an khang thịnh vượng và sức khỏe vẹn toàn.

    Tiếp theo, Khánh Lan mở đầu bài tường trình bằng bốn câu thơ do cô sáng tác, qua  giọng ngâm thật truyền cảm:

    “Chào mừng quan khách gần xa

    Hàn huyên phút chốc thì là người thân

    Chúng ta mới cũ quây quần

    Hôm nay lễ hội ân cần xin thưa”

    Trước khi trình bày về những thành tích hoạt động của năm 2023, NV Khánh Lan nói: “Kính thưa quý vị, LN NVNT & TTG sau 8 năm thành lập, đây là lần thứ 6 mà chúng ta họp mặt mừng chúa Giáng Sinh và cùng nâng ly mừng năm mới 2024. Theo truyền thống của hội, chúng ta có 3 buổi họp mặt quan trọng gồm: Tiệc mừng Chúa Giáng Sinh, Mừng Tết Nguyên Đán và kỷ niệm ngày thành lập của nhóm“.

    Xong nhà văn Khánh Lan nói tiếp: “Cũng như mọi năm, Khánh Lan xin được tường trình về những sinh hoạt của nhóm trong năm 2023 và những dự định cho các chương trình của năm 2024“.

    Trong năm 2023:

     1/ Tưởng niệm NS Minh Đức Hoài Trinh và mừng sinh nhật NV Nguyễn Quang.

     2/ RMS 3 tác phẩm: TLVD Hậu Duệ và Thân Hữu tập 2 do Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian bảo trợ Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Học và Đời Sống của Khánh Lan

    3/ Tiệc kỷ niệm 8 năm thành lập của NVNT& TTG

    4/ Du lịch Âu Châu và tham dự “Chiều Thu Paris, Văn Học Nghệ Thuật” do các văn nghệ sĩ Câu Lạc Bộ văn hóa Paris Việt Nam tổ chức.

    Những sinh hoạt dự định cho năm 2024:

    • Mừng Xuân Giáp Thìn
    • Mừng sinh nhật của các thành viên LN NVNT & TTG
    • NV Nguyễn Quang : The Manifest Destiny ( Anh ngữ )
    • NS Dương Hồng Anh: tập thơ Những Gì Để Nhớ
    • Tưởng nhớ Nhà Văn Hóa Khai Trí Nguyễn Hùng Trương
    • GS/NS Lê Văn Khoa: Hồn Việt và Ước Mơ
    • Tập nhạc: do các thành viên NVNT & TTG sáng tác
    • Dự định ra ebook, youtube các sách: Khái Hưng, Thạch Lam, Võ Phiến, Nguyễn Xuân Vinh…
    • Du lịch mùa thu Nhật Bản và Đại Hàn.
    • RMS của nhà văn Kiều My: Thi phẩm Như Lá Cỏ Tàn Phai  và Tuyển tập: Thêm Ngày Nữa Để Yêu Thương.
    • Kỷ niệm 9 năm thành lập của Liên Nhóm NVNT & TTG

    Sau phần tường trình của NV Khánh Lan là phần Văn nghệ Giáng Sinh. Từ trên sân khấu, tiếng nhạc tưng bừng trổi lên khai mạc chương trình ca nhạc Giáng Sinh.  Mở đầu với nhạc phẩm Jingel Bells – Tiếng chuông rộn rã của Jingle Bells cất lên qua tiếng hát của toàn ban ca sĩ NVNT & TTG đã âm vang trong hội trường. Mang đến bầu không khí đầy hương vị của mùa Giáng Sinh. Là một trong những bản nhạc Giáng Sinh được hát nhiều nhất trên khắp thế giới.

    Mở đầu với nhạc phẩm Jingel Bells

    Tiếp theo với Ban tam ca Cherry Three Lệ Hoa, Thụy Lan và Minh Thư trong áo dạ hội màu đỏ rực rỡ, đã mang khán giả trở về với niềm vui Giáng sinh,  qua những ca khúc đầy hương vị của Christmas bằng Anh ngữ. Giai điệu vui tươi nhưng thật thánh thiêng đã mạng lại cảm giác ấm áp trong không khí se lạnh của đêm đông lạnh giá. Đồng thời cũng chuyển tải niềm vui và tình yêu, khỏa lấp những buồn đau trong mùa Noel.

    Lệ Hoa, Thụy Lan, Katherine Minh Thư với liên khúc:

    • Joy to the World – niềm hoan ca bất tận

    Joy to the world nguyên là một khúc thơ trích từ bản tụng ca The Psalms of David do nhà thơ Issac Watts viết năm 1719, sau được nhạc sỹ Dr. Lowell Mason phổ nhạc và trở thành một trong những bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất, luôn vang lên khắp thế giới mỗi mùa Noel. Bài hát ca ngợi niềm vui sướng hạnh phúc khi con người sống với đức tin chân thành, và cao hơn nữa, có được niềm tin vào chính bản thân, vào mọi người xung quanh, vào cuộc sống tươi đẹp này.

    Có thể nói Joy to the World là ca khúc gắn liền với bất kỳ một album Giáng sinh nào. Hầu hết các ca sỹ mọi dòng nhạc đều đã hơn một lần ngân nga điệp khúc “Joy to the world. The Lord has come. Let earth receive her King. Let every heart prepare him room…”. Từ Natalie Cole đến Charlotte Church, từ Dolly Parton tới Whitney Houston, Boy II men v.v. với nhiều thể loại Christian, Pop, R&B, Jazz, hòa tấu …chuyển tải những cảm xúc đặc biệt tới người nghe dịp lễ Giáng Sinh. Bài ca Joy to the World phổ thông từ khi ra đời năm 1719. Và vào  cuối thế kỷ 20, “Joy to the world” là bài thánh ca Giáng sinh được hát nhiều nhất tại Bắc Mỹ.

    • Feliz Navidad.

    Theo tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa như Merry Christmastiếng Anh, Joyeux Noel tiếng Pháp.  Là ca khúc rất vui ca, là một trong những ca khúc tiêu biểu của mùa Giáng Sinh. Với câu điệp khúc đơn giản và lặp đi lặp lại, một ballad hoan ca rộn ràng, điệp khúc sôi dộng, như: I wanna wish you a Merry Christmas, I wanna wish you a Merry Christmas, I wanna wish you a Merry Christmas, From the bottom of my heart.

    “Feliz Navidad” là bài hát thịnh hành vào dịp lễ Giáng sinh do ca nhạc sĩ người Puerto Rico José Feliciano sáng tác năm 1970. Bằng những đoạn tiếng Tây Ban Nha đơn giản, với lời chúc mừng Giáng sinh/Năm mới truyền thống, “Feliz Navidad, próspero año y felicidad” hay “Merry Christmas, and a happy New Year” và lời chúc chân thành từ đáy lòng vui ca lễ cuối năm. Feliciano cho điệp khúc mang thanh âm pop, cùng lời chúc lành trong tiết điệu vui nhộn “Feliz Navidad” dược viết với đoạn điệp khúc đơn giản: “I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart”. Thông điệp ca khúc đơn giản nhưng lại quá đỗi ngọt ngào. Đã đưa Feliz Navidad trở thành bài hát mà mỗi khi giai điệu của nó ngân lên trong đêm Christmas, tất cả mọi người đều muốn nhảy múa xung quanh cây thông Noel trong bầu không khí se lạnh ngày cuối đông.

    • Mary’ Boy Child.

    Lời ca khúc kể một câu chuyện cổ tích – về ngày Chúa Hài Đồng giáng sinh đến với nhân loại. Ca khúc này vẫn luôn là bản nhạc Giáng Sinh được yêu thích vượt thời gian, mỗi mùa Giáng Sinh đến. Mary’s Boy Child được viết năm 1956 và lời ca kể về ngày Thiên chúa Giáng sinh đến với con người. Tên gốc của ca khúc này là “Mary’s Little Boy Child” nhưng khi nhóm nhạc disco lừng danh người Jamaica Boney M. cover lại vào năm 1978, họ đã đổi thành “Mary’s Boy Child / Oh My Lord”.

    Đôi dòng về bài hát… Bài hát có nguồn gốc khi Jester Hairston đang ở cùng với một người bạn. Người bạn yêu cầu anh ấy viết một bài hát cho một bữa tiệc sinh nhật.  Hairston đã viết bài hát với một nhịp điệu calypso vì những người trong buổi tiệc sẽ chủ yếu là người Tây Ấn. Tiêu đề ban đầu của bài hát là “He Pone and Chocolate Chai“, pone là một loại bánh mì ngô và Nó chưa bao giờ được ghi lại dưới hình thức này. Một thời gian sau, Walter Schumann, tại thời điểm tiến hành Choir của Hollywood Schumann, yêu cầu Hairston viết một bài hát Giáng sinh mới cho dàn hợp xướng của mình. Hairston nhớ lại nhịp điệu calypso từ bài hát cũ của mình và đã viết lời cho nó. Harry Belafonte nghe bài hát được biểu diễn bởi dàn hợp xướng và xin phép ghi lại nó.  Nó đã được ghi lại vào năm 1956 cho album An Evening with Belafonte. Một phiên bản đã được chỉnh sửa sau đó đã được phát hành dưới dạng đĩa đơn, đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Anh trong tháng 11 năm 1957. Đây là đĩa đơn đầu tiên bán được hơn một triệu bản chỉ riêng ở Anh.  Cho đến nay, phiên bản của Belafonte đã bán được hơn 1,19 triệu copes.  Năm 1962, Phiên bản đầy đủ đã được bổ sung vào một vấn đề tái phát hành album đầu tiên của Belafonte cho Wish You a Merry Christmas.

    Bài hát này cũng được ghi lại bởi Mahalia Jackson vào năm 1956 nhưng có tựa đề “Mary’s Little Boy Child“. Một trong những phiên bản cover nổi tiếng nhất của bài hát là từ nhóm nhạc disney Boney M. Đức, từ năm 1978, “Baby Boy của Mary – Chúa ơi“. Phiên bản này đã đưa bài hát này lên đỉnh cao của các nước thuộc liên hiệp Vương Quốc Anh. Đây là một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại ở Anh và đã bán được 1,87 triệu bản vào tháng 11 năm 2015.

    Sau những âm thanh rộn ràng vui nhộn, tâm hồn mọi người bỗng trở nên lắng đọng qua giai điệu thánh thiêng du dương, êm ái bay bỗng… trong một ca khúc Giáng Sinh tuyệt vời và nổi tiếng khắp hoàn vũ, mà không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh. Ca khúc này do ban tam ca Kiều My, Minh Phượng và Đình Khôi trình bày, đó là:

    • Silent Night – Đêm Thánh Vô cùng

    Tiếng Việt từ tiếng Anh (Silent Night) mà nguồn gốc từ Stille Natcht tiếng Áo.Mang một âm điệu kỳ diệu, êm đềm…như gửi đến thông điệp tình yêu và hòa bình… khiến cho người nghe cảm nhận được sự bình an và ấm áp trong cõi lòng giữa mùa đông lạnh giá của đêm Giáng Sinh. Mọi cảnh vật xung quanh bỗng trầm lắng để họp thành một nhạc khúc rung cảm êm dịu, mọi âu lo biến thành những giây phút thanh thản, để tận hưởng niềm hạnh phúc đang đến…Thật tuyệt vời!

        Kiều My, Đình Khôi, Minh Phương

    Blue Christmas Qua hai giọng ca truyền cảm của Lâm Dung và Ái Liên.  Mùa lễ đầu tiên, sau khi mất người thân yêu, thật vô cùng khó khăn để vượt qua. Ngay cả dựng lên cây thông Noel hay nướng những chiếc bánh ngọt thơm ngon…

    Lâm Dung và Ái Liên với Blue Christmas

    Thật ngoạn mục! Nhà văn nhà báo Vương Trùng Dương kiêm thêm chức phó nhòm, luôn bận rộn với máy ảnh, hầu mang đến cho NVNT&TTG những hình ảnh quý giá thật đẹp, màu sắc rực rỡ, để lưu niệm những hình ảnh đáng ghi nhớ trong những sự kiện. Bên cạnh đó, còn có Tâm An trong Mạng Lưới Nhân Quyền, quay video những khoảnh khắc đầy ý nghĩa của những buổi tiệc họp mặt, thật đẹp.

    Nhà truyền thông Tâm An trong Mạng Lưới Nhân Quyền

    Ngoài ra, có một phó nhòm thứ hai là anh Paul Lê Văn, đã chụp những bức ảnh đầy nghệ thuật, như những hình ảnh lưu niệm mãi mãi. Thay mặt NVNT&TTG, KM chân thành cảm tạ sự nhiệt tình của các vị: Vương Trùng Dương, Tâm An và Paul Lê Văn.

    Nhà văn, Ký giả, Nhiếp Ảnh Gia, Chủ nhân, Chủ nhiệm, chủ bút Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa Vương Trùng Dương

    Nhiếp Ảnh Gia Paul Levan

    Seven Lonely Days, một tiếc mục khá thú vị, ca sĩ Katherine Minh Thư gây ấn tượng cho mọi người khi cô ôm đàn guitar, vừa đàn vừa hát ca khúc Seven Lonely Days. Thật “ Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!”, vì thân phụ cô là cố nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn, nổi tiếng qua nhạc phẩm Nắng Chiều.

    Katherine Minh Thư, ái nữ của NS Lê Trọng Nguyễn

    La Vie En Rose – Bản nhạc nổi tiếng vượt thời gian của Édith Piaf, qua giọng hát điêu luyện của ca sĩ Ngọc Hà, phu nhân của Gs, Ns Lê Văn Khoa. Tiếng hát cao vút của cô khiến lòng người phơi phới, cảm thấy cuộc đời đẹp như những hoa hồng tươi thắm.

    Ca sĩ Ngọc Hà, phu nhân của GS, NS Lê Văn Khoa

    Ha Long Bay’s By Night – Thơ của thi sĩ John Tạ, do GS. Phạm Vĩnh phổ nhạc. Ca sĩ Thụy Lan trình bày nhạc phẩm này bằng Anh ngữ, đã chạm đến trái tim người nghe. Cô kể về một chuyện tình đẹp tuyệt vời bên vịnh Hạ Long vào đêm trăng thơ mộng. Cảnh đẹp trữ tình của vịnh Hạ Long, đã khiến trái tim đôi tình nhân say đắm như đang khiêu vũ.

    …..”Khi màn đêm buông xuống và những vì sao mờ dần

    Tình yêu chúng ta vẫn là dạ khúc Vĩnh Cửu

    Vịnh Hạ Long đêm mãi trong tim ta     

    Một minh chứng cho tình yêu không bao giờ rời xa”

    Thụy Lan with Ha Long Bay’s By Night

    Li thơ thật trữ tình của thi sĩ John Tạ, phối hợp với dòng nhạc thật đẹp của nhạc sĩ giáo sư Phạm Vĩnh, qua tiếng hát điêu luyện truyền cảm của Thụy Lan, khiến mọi người phải vỗ tay khen ngợi. Chúc mừng thi sĩ John Tạ và Gs Ns Phạm Vĩnh đã mang đến cho người thưởng lãm âm nhạc một tác phẩm xuất sắc.

    Phần cắt bánh:  mọi thành viên NVNT&TTG quây quần bên chiếc bánh Buche De Noel để chụp bức ảnh kỷ niệm Giáng Sinh 2023, kèm theo những nụ cười rạng rỡ trên môi.

    Cờ Bay Trên Thành Phố Quảng Trị Thân Yêu & Đoàn Quân Chiến Thắng Trở Về. Với sự hiện diện của cựu đại tá Lê Thương, thân phụ của ca sĩ Thụy Lan, dịp này, toàn ban họp xướng hai bài Cờ Bay Trên Thành Phố Quảng Trị Thân Yêu và Đoàn Quân Chiến Thắng Trở Về. Không ngoài mục đích gợi nhớ về những trang sử oai hùng đến cựu đại tá, mà ông đã phần nào đóng góp xương máu. Đưa ông trở về dĩ vãng một thời oanh liệt của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Đây là sự ưu ái mà NV Việt Hải có nhã ý dành cho cựu đại tá Lê Thương. Thật là một mỹ ý đầy ý nghĩa!

    Tiết mục xổ số: tiết mục này rất hấp dẫn nhưng cũng không ít hồi hộp. Những phần quà thưởng đầy ắp trên bàn do các mạnh thường quân bảo trợ như: Ông John Tạ, giám đốc Cty Princess Lifestyle, nhà văn Khánh Lan, ca sĩ Minh Thư v.v…

    MC Mộng Thủy quảng cáo quà tặng cho Tiết mục xổ sốgồm: hai bao gạo (25 pounds mỗi bao) & một thùng nước mắm (6 chai) do Katherine Minh Thư tặng, một 5 gói thuốc bổ (mỗi bịch 2 lọ) do anh John Tạ gởi tặng và một bình succulents plants & một cái White Hammock (võng màu trắng) do Khánh Lan gởi tặng.

    MC Mộng Thủy & MC GS Trần Mạnh Chi vớiTiết mục xổ số

    Và lô độc đắc: Một thùng nước mắm Phú Quốc, 6 chai do Katherine Minh Thư tặng

    Chị Kính đã trúng lô độc đắc

    Chương trình dạ vũ – Được mở đầu với bản Đoàn Lữ Nhạc điệu Psaodoble qua hai giọng ca gạo cội của nhóm: Lâm Dung và Ái Liên. Từng cặp dìu nhau ra sàn nhảy trong vũ điệu quân hành hào hứng.

    Somewhere My Love  – Một bản nhạc nổi tiếng của điệu luân vũ trong phim Doctor Jhivago, qua giọng hát trầm ấm lả lướt của ca sĩ Mạnh Bỗng .

    Tiếp theo là những ca khúc qua điệu Rumba, Cha cha cha, Tango, Slow Rock, Twist, Techno…qua những tiếng hát Tony Hiếu, Thanh Mai và Thụy Lan, Dương Viết Đang, Ngọc Châu, Khắc Đức, Phạm Gia Đại, Ngọc mai, Trần Hào Hiệp, Lisa Trần, Quỳnh Thúy, Ngô Thiện Đức…

    Bế mạc chương trình –

    Tiệc đã tàn, mọi người chia tay mang trong tim niềm vui còn đọng lại. Trên đường về, nhà nhà đã thắp sáng lên những ngôi sao rực rỡ, những hoa tuyết sáng ngời, cùng những chú nai vàng xinh xắn và những cây thông xanh lập lòe ánh đèn màu… trước sân nhà trong khu xóm. Niềm vui Giáng Sinh tràn dâng trong lòng người và lan tỏa khắp nơi nơi, chắc chắn sẽ còn lặp lại mãi mỗi mùa Giáng Sinh về…

                                                                            Cảm tạ

    Nhà văn Trần Việt Hải cùng toàn ban Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian chân thành cảm tạ tất cả quý vị quan khách tham dự buổi tiệc Giáng Sinh 2023. Kính chúc quý vị một mùa Giáng Sinh an lành.

    12/18/2023. Kiều My.

    Kim Hương & Khánh Lan

    Khánh Lan & Mạnh Bổng

    Khắc Đức & Ngọc Châu

    Tuyết Nga & Khánh Lan

    KHG Lâm Quốc Dân & phu nhân Kim Hương

    CS Thanh Mỹ & chị Ngọc Châu

    Kiều My, Việt Hải, Lê Trọng Nguyễn Nga, Khánh Lan

    GS Phạm Hồng Thái, NV Việt Hải, NT Lê Trọng Nguyễn Nga, GS Trần Mạnh Chi, KTS Mạnh Bổng

    Phạm Thái, Kiều My, Việt Hải, Lê Trọng Nguyễn Nga, Khánh Lan, Mạnh Bổng

    ÁI LIÊN, LỆ HOA, KIỀU MY, NS HỒNG ANH, THỤY LAN, NT LÊ TRỌNG NGUYỄN NGA, MỘNG THỦY, KATHERINE MINH THƯ, LÂM DUNG, SUSAN XUÂN TẠ

    MẠNH BỔNG, KHÁNH LAN, TUYẾT NGA, NGỌC CHÂU, KHẮC ĐỨC

    GS Trần Mạnh Chi và gia đình

    Minh Châu, Quốc Dân, Kim Hương, Ngọc Châu

    Ông John Tạ & Phu Nhân, Susan Tạ, Thụy Lan, Michael Jean François, Mộng Thủy

    Cô Lisa và Ông Trần Hào Hiệp

    Tuyết Nga, Khánh Lan, NV Nguyễn Quang, Ngọc Châu, Minh Khai

    Lâm Dung, Tuyết Nga, Quốc Dân, Kim Hương, Ngọc Châu, Ái Liên

    TÌM HIỂU THÊM:

    Hơn 50 năm qua, vào đúng đêm vọng Giáng sinh, khắp nơi luôn vang vọng một ca khúc rạng ngời niềm hân hoan của con người chào mừng Chúa Giáng trần với niềm tin năm mới sẽ bình an, tốt đẹp. Và đó lại là sáng tác của một người không được sáng mắt từ nhỏ và không bao giờ trông thấy cảnh tượng tươi đẹp của lễ Giáng sinh. Những bài nhạc Giáng sinh ca ngợi Thiên Chúa Giáng Trần đã được sáng tác bởi nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trong vườn âm nhạc như:

    It’s beginning to look a lot like Christmas; Last Christmas; Driving home for Christmas; Run Rudolph Run; Winter Wonderland; Santa Claus is Coming to Town; Jingle Bell Rock; Dancing around the Christmas tree; Little Drummer Boy; Silent Night; Mary’s Boy Child; We wish you a Merry Christmas; Please Come Home for Christmas; A Merry Little Christmas và kết thúc bằng niềm hân hoan vô vàn với bài… Feliz Navidad.

    Feliz Navidad

    Cuối cùng là bài hát ấn tượng với đoạn điệp khúc đơn giản: “I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart”. Thông điệp ca khúc đơn giản nhưng lại quá đỗi ngọt ngào. Đã đưa Feliz Navidad trở thành bài hát mà mỗi khi giai điệu của nó ngân lên trong đêm Christmas, tất cả mọi người đều muốn nhảy múa xung quanh cây thông Noel trong không khí se lạnh ngày cuối đông.

    Mary’s Boy Child

    Lời ca khúc được viết giống như một câu chuyện cổ tích, kể về ngày Chúa Giáng Sinh đến với nhân loại. Được nhóm Boney M thể hiện vào năm 1978 và đã nhanh chóng leo lên đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh. Từ đó cho đến nay, ca khúc Mary’s Boy Child vẫn luôn là bản nhạc Giáng Sinh được yêu thích vượt thời gian mỗi khi mùa Christmas sắp cận kề.

    Last Christmas

    Do ban nhạc Wham biểu diễn và được phát hành vào năm 1984. Đây là một bài hát Noel bất hủ được nhiều nghệ sĩ cover nhất, mang lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là với những người Châu Á. Bài hát kể về câu chuyện của một chàng trai cuồng si, hết mình vì tình yêu trong mùa Giáng Sinh. Nhưng người con gái anh yêu lại rời bỏ ra đi, khiến anh ấy cô đơn, tuyệt vọng trong mùa Noel lạnh giá.

    We Wish You A Merry Christmas

    Nếu nói đến những giai điệu về dịp Noel thì không thể bỏ qua ca khúc We Wish You A Merry Christmas chân phương, quen thuộc với biết bao thế hệ trong hơn 500 năm qua. Bài hát được dành cho tất cả mọi người và bất cứ ai cũng có thể cất cao giọng hát của mình trong đêm Giáng Sinh. Mang giai điệu nhẹ nhàng, câu từ đơn giản nhưng ca khúc này lại được đóng nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới.

    Joy To The World

    Bài thánh ca này nổi bật vì được phổ biến rộng khắp trong các giáo hội Cơ Đốc, chuyền tải thông điệp niểm vui và tình yêu thế chỗ cho tội lỗi và buồn đau trong đêm Noel. Bản nhạc Giáng Sinh này có gia điệu rộn ràng, mang lại không khí đêm mùa đông se lạnh nhưng đầy hân hoan và luôn khiến cho người nghe có cảm giác ấm áp khi thưởng thức trong nhà thờ cùng một dàn đồng ca lớn

    Silent Night

    Silent Night là bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới. Bài hát mang giai điệu du dương, ca từ nhẹ nhàng, theo thông điệp về tình yêu, hòa bình khiến bạn cảm nhận được sự bình yên và ấm áp của đêm Giáng sinh. 

    Theo tiếng Tây Ban Nha, Feliz Navidad có nghĩa như Merry Christmas (tiếng Anh); Joyeux Noel (tiếng Pháp); Buon Natale (tiếng Ý) và Mừng Giáng sinh trong tiếng Việt. Năm 1970, có một nghệ sĩ 25 tuổi, có tài sáng tác và đàn ca rất hay tên là José Feliciano chuẩn bị phát hành album nhạc Giáng sinh.

    Đĩa nhạc có bao bì tuyệt đẹp, trông như một gói quà giấy màu vàng đồng thắt nơ xanh lá cây và đỏ, đúng màu truyền thống Noel rất quen thuộc với nhãn quan người Âu Mỹ. Đĩa nhạc mang chính tên của chàng nghệ sĩ tác giả José Feliciano. Mọi việc sáng tác, thiết kế, ghi âm đã gần hoàn tất thì nhà sản xuất Rick Jarrard nêu ý kiến rằng José nên có một ca khúc Giáng sinh mới hoàn toàn, hát tiếng Tây Ban Nha để thêm lực hút cho album.

    Suy nghĩ mãi không ra ý, một buổi chiều gần đến thời hạn phải kết thúc dự án, José cảm thấy nhớ thời mình còn là chú nhóc con nhà nghèo sống ở Puerto Rico rồi lại là những ngày nghèo túng khác ở New York. Nhớ âm thanh cuộc sống là chính, vì anh nào có thấy chi đâu.

    José Monserrate Feliciano Garcia chào đời ngày 10 Tháng Chín 1945 tại Lares, Puerto Rico, con trai thứ tư trong gia đình có đến 10 người con trai. José sinh ra đã bị mù. Bù lại, thính giác của anh phát triển hơn mức bình thường nên khi ba tuổi đã biết gõ nhịp trên lon thiếc khi nghe chú của mình khảy đàn cuatro (đàn giây, nhỏ hơn guitar bình thường).

    Theo bố mẹ và các anh, em trai qua Mỹ định cư khi năm tuổi, chú nhóc José không cảm thấy lạc lõng nhiều lắm nhờ gia đình có thuê căn hộ trong khu Spanish Harlem ở New York City. Tự mày mò tập chơi accordion khi lên bảy, có cây guitar đầu đời khi lên chín, mỗi ngày tập chơi 14 tiếng và để rồi cũng năm chín tuổi ấy đã lần đầu xuất hiện trước công chúng, trong nhà hát Teatro Puerto Rico, khu phố Bronx.

    Đó là những năm 1950 khi mà nhạc rock đang trỗi dậy nhưng jazz vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc sống người dân Mỹ. José thích nghe cả Ray Charles lẫn Sam Cooke. Nhưng ở nhà trường thì anh học guitar classic. Năm 17 tuổi, José nghỉ học, đi làm để phụ bố mẹ nuôi các em.

    Đàn hát bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở ven đường lẫn trong các quán rượu ở khu Greenwich Village rồi chìa cái nón ra để ai muốn cho bao nhiều thì cho. Vậy mà từng bước, anh trở thành nghệ sĩ có danh thơm biểu diễn các loại nhạc Latin, jazz, pop, rock. Và rồi José đã có những lúc đồng sáng tác và biểu diễn cùng những siêu sao như Johnny Cash, Jimi Hendrix, Diana Ross, Quincy Jones…

    Và cảm hứng đã đến, ca khúc Feliz Navidad ra đời, trở thành một trong những “bài tủ” nổi tiếng nhất của José Feliciano cùng với những bài do anh cover của các nghệ sĩ/ban nhạc khác (điển hình thành công nhất là Light my fire của nhóm The Doors và California Dreamin’; Che Sera…). Lời ca ngắn gọn bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, dễ hiểu, gợi lên những hình ảnh vui tươi, lạc quan trong bối cảnh Giáng sinh và năm mới, bám vào lòng người nghe và cứ ở lại trong đó mỗi khi mùa Giáng sinh về.

    Từ đầu thập niên 1970 đến nay, Feliz Navidad đã được ghi âm bởi vô số nam nữ nghệ sĩ tài hoa, riêng bài do chính José Feliciano trình bày thì được yêu thích và yêu cầu streaming, download nhiều nhất. ASCAP công nhận Feliz Navidad là một trong 25 ca khúc Giáng sinh được nghe nhiều nhất mọi thời trên thế giới. Năm 2020, kỷ niệm 50 năm bài này ra đời, người ta tổng kết rằng nó đã được trình bày ở gần 90 nước, từ Argentina, Ấn Độ, Canada, Israel, Na Uy, Nam Phi, New Zealand đến Nhật… Và nó cũng được khắc ghi vào Grammy Hall of Fame.

    Tháng Mười Một 2021, José Feliciano tung album Behind This Guitar để kỷ niệm 50 năm phát hành Feliz Navidad, rồi tiếp thêm album Behind this guitar deluxe với bản ghi âm Feliz Navidad đặc biệt, quy tụ tiếng đàn tiếng hát của 30 nghệ sĩ đến từ khắp thế giới, từ Lin-Manuel Miranda đến anh em nhà Jonas Brothers. Ngoài ra ông còn hát tuyệt tác Eagle when she flies với nữ hoàng nhạc country Dolly Parton!

    ——————————————————————–

    Nguồn Gốc Ca Khúc Silent night Nổi Tiếng (Đêm thánh vô cùng)

    Silent night bản nhạc giáng sinh sâu lắng và ý nghĩa đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và đã được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp cuối năm, vang vọng từ những ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Andes cho đến những thánh đường hoành tráng ở Antwerp hay La Mã. Ít ai biết được “Silent Night” lôi cuốn bao người có một nguồn gốc kỳ lạ…

    Bài Thánh Ca Kỳ Diệu. Việt Hải Los Angeles

    (Dedicated to the one I admire and respect. Xmas 2010)

    http://chimviet.free.fr/…/vhan100_LmTranCapTuong%20.htm

    Nguồn Gốc Ca Khúc Silent night (Đêm thánh vô cùng)

    “Silent night” đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp cuối năm.

    Bài hát này vang vọng từ những ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Andes cho đến những thánh đường hoành tráng ở Antwerp hay La Mã. Ít ai biết được “Silent Night” lôi cuốn bao người có một nguồn gốc kỳ lạ. ..

    Câu chuyện bắt đầu từ 11-12-1792, tại Salzburg, Áo. Cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi. Đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu, mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu và cả cách thức chào đón Noel trên thế giới.

    Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng. Joseph bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ,

    Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!).

    Rồi Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm bị hỏng. Không thể để ngày Noel thiếu lễ nhạc, cha Joseph nảy ra ý định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Thời gian cấp bách, ông nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” và đề nghị Franz Gruber (người chơi đàn cho nhà thờ) lo phần nhạc, Joseph đệm guitar và hát giọng nam cao, Franz hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng… Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.

    Sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó Silent Night đã chẳng bao giờ được cất lên.

    Tình cờ một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser đã đưa Silent Night vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel.

    Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1863, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh. ..

    Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.

    GIÁNG SINH VÀ NHỮNG BẤT NGỜ KỲ DIỆU TỪ MỘT CA KHÚC.

    Giáng sinh tưng bừng. Giáng sinh rợp trời hoa đèn dủ sắc mầu lung linh huyền ảo.

    Giáng sinh nếu chưa mang lại niềm vui thánh thiện, thì ít nhất, Giáng Sinh cũng là một niềm vui lớn lao của biết bao gặp gỡ thân tình thương mến.

    Từ rất lâu, Giáng sinh không chỉ là ngày Đại lễ của người Công giáo, nhưng đã trở thành một lễ hội lớn của mọi người thuộc nhiều xã hội và tôn giáo khác nhau.

    Tính phổ cập của Kitô giáo được thể hiện rất rõ qua Đại lễ Giáng sinh, đặc biệt, Giáng sinh còn gắn liền với một bài Thánh ca, tuy là Thánh ca của nhà đạo, nhưng đã được mọi giới qua mọi thời đại nhiệt tình đón nhận và thiết tha yêu mến. Đó là ca khúc : “Đêm thánh vô cùng”, ca khúc này có một lịch sử rất thú vị.

    Bất ngờ và kỳ diệu

    “Stille Nacht” Tiếng Áo, “Silent night”, tiếng Anh hoặc “Đêm thánh vô cùng”

    Thật là thú vị, khi được biết ca khúc vô cùng danh tiếng ấy lại được sáng tác bởi người không phải là nhạc sĩ, trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, buộc phải sáng tác.

    Đêm vọng Giáng Sinh, tức đêm 24/12 năm 1818, cây đàn Organ của Nhà thờ Thánh Nicholas (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo đột nhiên bị hỏng.

    Cha xứ là Linh mục Josef Mohr rất bối rối không biết tính sao, đang lúng túng thì Ngài chợt nhớ tới một bài thơ ngắn mà Ngài đã sáng tác từ 2 năm trước đó (1816). Bài thơ rất đơn sơ này có tựa là “Đêm Thánh”. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, cha xứ muốn có một ca khúc mới dành cho lễ nửa đêm, nhưng làm sao bây giờ, vì Ngài không phải là nhạc sĩ để có thể phổ nhạc bài thơ này ?

    Làm sao bây giờ, khi gần hết hạn và Thánh lễ nửa đêm sắp bắt đầu ?

    Một ý nghĩ lại sáng lên, còn ai khác trong lúc này, ngoài Frank Gruber, là người vẫn thường chơi đàn Organ cho nhà thờ, ông là giáo viên và cũng là bạn thân của Cha. Thế là, Ngài đã tìm gặp ngay F. Gruber để nhờ soạn phần giai điệu và phối âm bài thơ “Đêm thánh”, nhưng …bằng đàn Guitar.

    Lúc đầu, F. Gruber không đồng ý với đề nghị của J. Mohr, vì e rằng giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn guitar vì vốn vẫn quen với đàn Organ xưa nay. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, F. Gruber đành phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Hết sức bất ngờ, chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất.

    Thoạt tiên, những người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn guitar, nhưng chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát.

    Kể từ đó bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng đã trở thành một bài hát gây ấn tượng nhất cho đêm thánh giáng sinh hài nhi Ki-tô.

    Dẫu cùng niềm tin hay không, người ta cũng không thể không rung động trước những vẻ đẹp, và đặc biệt, là nét đơn sơ nhưng rất sâu sắc của bài hát, chính vì thế đã lan rộng khắp địa cầu như một điều tự nhiên.

    Bài Đêm Thánh Vô Cùng đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên hoàn vũ. Người ta còn hát với tiếng Et-ki-mô và với thổ ngữ Ban-tu ở Phi Châu. Không có một âm hưởng nào, đời hay đạo, được quốc tế biết tới nhiều như bài thánh ca Giáng sinh khiêm nhu này của Áo quốc.

    Ca khúc Giáng sinh này đã được dịch ra hơn 300 thứ tiếng trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất trong mọi thời đại. Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công giáo, nhưng bài hát này đã có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo hội Luther.

    Xuyên qua lịch sử Ki-tô giáo, bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng đã trở thành một biểu tượng chân thực cho mầu nhiệm sâu kín, đêm Thiên Chúa giáng trần của người tín hữu Ki-tô.

    Thực tế, có chăng một đêm nào êm dịu hơn, thánh thiêng hơn, cái đêm được nhìn thấy một hài nhi, vị Sứ giả của Trời cao, sinh ra trong một máng cỏ nơi chuồng súc vật, trong khi đó, các gia súc quen thuộc như bò và lừa lại thổi hơi cho ấm hài nhi? Chuyện hoang đường hay sự thật? Thật không quan trọng về điều này, vì niềm tin không thể áp đặt cho ai, nhưng trọng điểm dễ nhận biết là, ca khúc đã khơi động niềm xúc cảm cho nhân loại.

    Thật khá lý thú, khi mà hầu hết các âm hưởng nhạc Giáng sinh truyền thống đều bị mai một hoặc thay đổi, trong khi âm hưởng của bản Stille Nacht vẫn lưu giữ được nguyên vẻ trong sáng về hình thức và cách cấu trúc ban đầu.

    Sự kiện đáng chú ý và cảm động hơn nữa, là bài Đêm Thánh Vô Cùng có từ nguồn gốc Ki-tô giáo đã được các tôn giáo khác đón nhận. Có nơi tại Á Châu còn hát bài này ngay cả trong những đền Chùa Phật giáo…

    Mọi người đều biết rằng trong thế chiến thứ hai, Đức và Mỹ đã đồng ý với nhau có một cuộc hưu chiến trong đêm Giáng Sinh để binh sĩ cùng tham dự thánh lễ nửa đêm, hôm đó mọi người đã cùng nhau hát lên bài “Đêm Thánh Vô Cùng”.

    Từ đầu thập niên 1900, Nhà thờ Thánh Nicholas đã không còn nữa do sự tàn phá của lũ lụt. Một ngôi nhà thờ mới đã được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là “Stille-Nacht-Gedachtniskapelle” (Nhà nguyện Tưởng nhớ Ca khúc Đêm Yên lặng), được dựng lên ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ đã bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành Nhà bảo tàng.

    Nơi đây, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

    Hiện nay, trong Bảo Tàng Đêm Yên lặng và Nhà nguyện kỷ niệm tại Oberndorf, mọi người còn được thấy bản viết tay bài thơ “Đêm thánh”của Cha J. Mohr. Cả bản giai điệu viết tay của F. Gruber, giai điệu chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

    Cả bài thơ và giai điệu của bài ca đều rất đơn sơ giản dị, nhưng lại gây xúc động vô cùng nên đã chinh phục được toàn thế giới. Điểm nổi bật hơn hết là so với âm điệu của các bài thánh ca Noel khác, bài “Đêm Thánh Vô Cùng” tiêu biểu cho đêm hạ sinh một hài nhi – Thiên Chúa, đến với trần gian và sống với con người. Chính nhờ thế, bài Thánh ca ấy đã giúp cho Đại lễ Giáng sinh thêm rất nhiều ý nghĩa. Thật khó hình dung, lễ Giáng sinh mà lại thiếu bài Thánh ca “Đêm thánh vô cùng”.

    Nhưng ngày lễ không chỉ là dịp để cho ta kỷ niệm, nhớ tới hoặc nghĩ về, vì như thế sẽ chẳng sinh ích lợi bao nhiêu, vì lễ nào rồi cũng qua, như bao nhiêu Thánh lễ đã qua và từng được dự trong đời, nhưng phải là những nhắc nhở và đòi buộc ta phải sống với mầu nhiệm Giáng sinh, nghĩa là Chúa cũng phải được sinh ra, phải lớn lên ở ngay trong lòng mình. Nghĩa là, ta cũng phải đổi thay, phải tự điều chỉnh để nên giống Chúa hơn qua từng ngày. Nghĩa là, ta phải thực sự ý thức, để không thể tự hài lòng và an tâm với lối sống hời hợt, nặng phần trình diễn của các hình thức ồn ào ở bên ngoài.

    Lạy Chúa !

    Xin luôn nâng đỡ và nhắc nhở, để con biết vâng theo ý Chúa, hơn là bắt Chúa phải chiều theo ý con, nhờ thế, con sẽ có được niềm vui và sự bình an mà Thiên thần đã ngợi ca chúc tụng khi hài nhi Giêsu sinh ra năm nào :

    “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Ước gì Đêm Giáng Sinh Mừng Ngôi Hai Con Chúa xuống thế làm Người là Đêm Thánh mà Chúa đang hiện diện trong tâm hồn nơi sâu thẳm của từng người, của lòng tin luôn tràn đầy nguồn ân sủng và Bình An của Chúa.

    ———————————————————————–

    Hoàn cảnh ra đời Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng)

    200 năm qua, cứ vào mỗi đêm Giáng sinh, giai điệu bài thánh ca kinh điển Silent Night – vốn quen thuộc với người Việt Nam với cái tên Đêm Thánh Vô Cùng – đều mang lại những khoảnh khắc thiêng liêng, ấm áp, đưa con người xích lại gần nhau hơn. Đã có nhiều phiên bản dịch lời Việt ca khúc này, nhưng nổi tiếng nhất là bản của Nguyễn Văn Đông, đặc biệt là phiên bản đầu tiên của nhạc sĩ Hùng Lân. Click để nghe Thái Thanh hát Đêm Thánh Vô Cùng (lời Hùng Lân) Click để nàng Hoàng Oanh hát Đêm Thánh Vô Cùng (lời Nguyễn Văn Đông) Bài thánh ca Silent Night được ra đời vào mùa Giáng Sinh năm 1818 tại nhà thờ nhỏ bé thuộc làng Obendorf vùng Salzburg của nước Áo. Bài hát được Franz Xaver Gruber soạn nhạc, còn phần lời là của “thầy Sáu” trong nhà thờ tên là Joseph Mohr. Chuyện kể rằng trước khi về nhà thờ Thánh Nicholas ở Salzburg, Joseph Mohr đã về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp và sáng tác rất nhiều bài thơ. Một mùa đông đầu thế kỷ 19, với niềm xúc cảm khi nhìn miền tuyết trắng phủ và không khí yên ắng của đất trời nơi đây, Joseph đã viết 1 bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!). Xem bài khác Hoàn cảnh sáng tác “Xập Xám Chướng” của nghệ sĩ Tùng Lâm Ca khúc Đêm Xuân (Dạ Khúc) và chuyện tình Phạm Duy – Thái Hằng Click để nghe 1 phiên bản Silent Night của 1 cô bé 4 tuổi hát Sau đó Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Vào đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm của nhà thờ bị hư, mà ngày lễ thì không thể thiếu nhạc nên cha Sở là Joseph Kessler có ý định cho ca đoàn hát cùng tiếng đàn guitar. Khi đó Joseph Mohr nhớ lại bài thơ ngắn năm xưa và đề nghị người chơi đàn cho nhà thờ là Franz Gruber soạn giai điệu dựa theo bài thơ. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm trong nhà thờ sẽ tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng… Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu của Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng… Một Noel thật đáng nhớ. Tuy nhiên sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và Silent Night bị rơi vào quên lãng suốt 7 năm. Một ngày kia, tình cờ có một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing để trình diễn. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, họ quyết định đưa bài hát mới này vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser còn đưa Silent Night đi trình diễn vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho vua Frederick William đệ IV của nước Phổ. Vì quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel. Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1859, Silent Night được linh mục John Freeman Young ở giáo phận Floria dịch sang tiếng Anh và nhanh chóng trở thành một nhạc phẩm Giáng sinh được yêu thích ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ca khúc có những quãng nhạc bình dị, những ý nhạc ngắn gọn, nhấc lên hạ xuống nhịp nhàng như hơi thở nên rất dễ hát. Silent Night có thể được biểu diễn trên những sân khấu lớn bởi các ngôi sao nổi tiếng hoặc theo chân các em nhỏ đến từng ngôi nhà theo phong tục của phương Tây. Giai điệu của bài hát như một sự nín thở chờ đón một sự kiện vĩ đại sắp xảy ra: Sự ra đời của Chúa Jesus. “… Silent night! Holy night! All is calm, all is bright ‘Round yon Virgin Mother and Child, Holy infant so tender and mild, Sleep in Heavenly peace! Sleep in Heavenly peace!” “… Đêm yên tĩnh! Đêm linh thiêng! Tất cả thật êm đềm, tất cả thật rạng rỡ Quanh Đức mẹ Đồng Trinh và Con của Người Chúa hài đồng thật hiền dịu và tốt lành Ngủ say trong sự yên bình tuyệt vời! Ngủ say trong sự yên bình tuyệt vời!” Click để nghe Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”. Bài Silent Night được dịch ra 140 ngôn ngữ trên khắp thế giới, nhưng dù được hát với ngôn ngữ nào, thì giai điệu bài hát đều gợi lên một khung cảnh quen thuộc của đêm Giáng sinh xứ lạnh: Khi đó đường phố rất yên tĩnh, vắng lặng, những ngôi nhà ngủ yên, ngập trong tuyết trắng. Khung cảnh ấy đẹp đẽ mơ màng như trong chuyện cổ tích. Đúng 12 giờ đêm, chuông nhà thờ đổ vang và Silent Night được cất vang từ dàn đồng ca, nghe như tiếng vọng từ thiên đường. Đó là một khoảng khắc thiêng liêng, lòng người tràn đầy sự thành kính và biết ơn. Tưởng như trong giây phút, mọi cái xấu, cái ác đều được xóa sạch khỏi mặt đất. Lịch sử vẫn còn ghi lại câu chuyện về đêm hưu chiến Giáng sinh huyền thoại trong Thế chιến thứ nhất tại Mặt trận phía Tây năm 1914. Bất chấp sự phản đối từ chỉ huy, các binh sĩ Đức và Anh đã tự động ngừng giao tranh. Các binh sĩ Đức vừa trang trí khu vực xung quanh chιến hào của họ trong vùng Ypres thuộc Bỉ, vừa ca vang những ca khúc Giáng sinh, trong đó quen thuộc nhất là bài Silent Night bằng tiếng Đức. Khi đó các binh sĩ Anh cũng bắt đầu ra khỏi hào sâu ở bên kia chιến tuyến và đáp lời bằng chính bài hát đó ở phiên bản tiếng Anh. Đó là giây phút diệu kỳ khi hai bên bặt tiếng sung và thay vào đó là tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa. Suốt đêm ấy, họ cùng hét vang: “Chúc mừng Giáng sinh” với nhau. Họ thậm chí còn tặng nhau quà lưu niệm cho nhau. Đấy là đêm hoàn toàn không có máu đổ, không có ai phải ngã xuống, đúng nghĩa “Đêm yên tĩnh” như tên gọi của bài hát. Hơn cả vị trí của một bài thánh ca nổi tiếng, Silent Night đã trở thành một biểu tượng của hòa bình. Vào mỗi dịp Giáng sinh, người ta lại lắng nghe với Silent Night như một sự thanh lọc tâm hồn, tìm về với cái Thiện. Ca khúc đem lại cho người nghe một viễn cảnh tốt đẹp về một thế giới hòa bình, không có hận thù, không thiên tai, địch họa, không có tiếng khóc hay sự chia ly, chỉ còn là “đêm yên tĩnh” với những đứa trẻ say ngủ trong vòng tay cha mẹ. Bài Silent Night đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại hồi tháng 3/2011. Năm 2013, tạp chí Time, sau một thời gian khảo sát tại Văn phòng bản quyền Mỹ (U.S. Copyright Office) cũng tuyên bố Silent Night là ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới với 733 lần được thu âm, tính riêng từ 1978 trở lại đây.

    -Mary’s Boy Child

    Lời ca khúc được viết giống như một câu chuyện cổ tích, kể về ngày Chúa Giáng Sinh đến với nhân loại. Được nhóm Boney M thể hiện vào năm 1978 và đã nhanh chóng leo lên đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh. Từ đó cho đến nay, ca khúc Mary’s Boy Child vẫn luôn là bản nhạc Giáng Sinh được yêu thích vượt thời gian mỗi khi mùa Christmas sắp cận kề.

    Last Christmas

    Do ban nhạc Wham biểu diễn và được phát hành vào năm 1984. Đây là một bài hát Noel bất hủ được nhiều nghệ sĩ cover nhất, mang lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là với những người Châu Á. Bài hát kể về câu chuyện của một chàng trai cuồng si, hết mình vì tình yêu trong mùa Giáng Sinh. Nhưng người con gái anh yêu lại rời bỏ ra đi, khiến anh ấy cô đơn, tuyệt vọng trong mùa Noel lạnh giá.

    We Wish You A Merry Christmas

    Nếu nói đến những giai điệu về dịp Noel thì không thể bỏ qua ca khúc We Wish You A Merry Christmas chân phương, quen thuộc với biết bao thế hệ trong hơn 500 năm qua. Bài hát được dành cho tất cả mọi người và bất cứ ai cũng có thể cất cao giọng hát của mình trong đêm Giáng Sinh. Mang giai điệu nhẹ nhàng, câu từ đơn giản nhưng ca khúc này lại được đóng nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới.

    Joy To The World

    Bài thánh ca này nổi bật vì được phổ biến rộng khắp trong các giáo hội Cơ Đốc, chuyền tải thông điệp niểm vui và tình yêu thế chỗ cho tội lỗi và buồn đau trong đêm Noel. Bản nhạc Giáng Sinh này có gia điệu rộn ràng, mang lại không khí đêm mùa đông se lạnh nhưng đầy hân hoan và luôn khiến cho người nghe có cảm giác ấm áp khi thưởng thức trong nhà thờ cùng một dàn đồng ca lớn

    Feliz Navidad

    Cuối cùng là bài hát ấn tượng với đoạn điệp khúc đơn giản: “I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart”. Thông điệp ca khúc đơn giản nhưng lại quá đỗi ngọt ngào. Đã đưa Feliz Navidad trở thành bài hát mà mỗi khi giai điệu của nó ngân lên trong đêm Christmas, tất cả mọi người đều muốn nhảy múa xung quanh cây thông Noel trong không khí se lạnh ngày cuối đông.

    Silent Night

    Silent Night là bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới. Bài hát mang giai điệu du dương, ca từ nhẹ nhàng, theo thông điệp về tình yêu, hòa bình khiến bạn cảm nhận được sự bình yên và ấm áp của đêm Giáng sinh.

    Nếu bạn thích nghe nhạc Giáng sinh theo đúng từng thời điểm thì thứ tự bấm máy chọn bài chắc sẽ như thế này: 1.It’s beginning to look a lot like Christmas; 2.Last Christmas; 3.Driving home for Christmas; 4.Run Rudolph Run; 5.Winter Wonderland; 6.Santa Claus is Coming to Town; 7.Jingle Bell Rock; 8.Dancing around the Christmas tree; 9.Little Drummer Boy; 10.Silent Night; 11.Mary’s Boy Child; 12.We wish you a Merry Christmas; 13.Please Come Home for Christmas; 14.A Merry Little Christmas và kết thúc bằng niềm hân hoan vô vàn với bài… Feliz Navidad.

    Theo tiếng Tây Ban Nha, Feliz Navidad có nghĩa như Merry Christmas (tiếng Anh); Joyeux Noel (tiếng Pháp); Buon Natale (tiếng Ý) và Mừng Giáng sinh trong tiếng Việt. Năm 1970, có một nghệ sĩ 25 tuổi, có tài sáng tác và đàn ca rất hay tên là José Feliciano chuẩn bị phát hành album nhạc Giáng sinh.

    Đĩa nhạc có bao bì tuyệt đẹp, trông như một gói quà giấy màu vàng đồng thắt nơ xanh lá cây và đỏ, đúng màu truyền thống Noel rất quen thuộc với nhãn quan người Âu Mỹ. Đĩa nhạc mang chính tên của chàng nghệ sĩ tác giả José Feliciano. Mọi việc sáng tác, thiết kế, ghi âm đã gần hoàn tất thì nhà sản xuất Rick Jarrard nêu ý kiến rằng José nên có một ca khúc Giáng sinh mới hoàn toàn, hát tiếng Tây Ban Nha để thêm lực hút cho album.

    Suy nghĩ mãi không ra ý, một buổi chiều gần đến thời hạn phải kết thúc dự án, José cảm thấy nhớ thời mình còn là chú nhóc con nhà nghèo sống ở Puerto Rico rồi lại là những ngày nghèo túng khác ở New York. Nhớ âm thanh cuộc sống là chính, vì anh nào có thấy chi đâu.

    José Monserrate Feliciano Garcia chào đời ngày 10 Tháng Chín 1945 tại Lares, Puerto Rico, con trai thứ tư trong gia đình có đến 10 người con trai. José sinh ra đã bị mù. Bù lại, thính giác của anh phát triển hơn mức bình thường nên khi ba tuổi đã biết gõ nhịp trên lon thiếc khi nghe chú của mình khảy đàn cuatro (đàn giây, nhỏ hơn guitar bình thường).

    Theo bố mẹ và các anh, em trai qua Mỹ định cư khi năm tuổi, chú nhóc José không cảm thấy lạc lõng nhiều lắm nhờ gia đình có thuê căn hộ trong khu Spanish Harlem ở New York City. Tự mày mò tập chơi accordion khi lên bảy, có cây guitar đầu đời khi lên chín, mỗi ngày tập chơi 14 tiếng và để rồi cũng năm chín tuổi ấy đã lần đầu xuất hiện trước công chúng, trong nhà hát Teatro Puerto Rico, khu phố Bronx.

    Đó là những năm 1950 khi mà nhạc rock đang trỗi dậy nhưng jazz vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc sống người dân Mỹ. José thích nghe cả Ray Charles lẫn Sam Cooke. Nhưng ở nhà trường thì anh học guitar classic. Năm 17 tuổi, José nghỉ học, đi làm để phụ bố mẹ nuôi các em.

    Đàn hát bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở ven đường lẫn trong các quán rượu ở khu Greenwich Village rồi chìa cái nón ra để ai muốn cho bao nhiều thì cho. Vậy mà từng bước, anh trở thành nghệ sĩ có danh thơm biểu diễn các loại nhạc Latin, jazz, pop, rock. Và rồi José đã có những lúc đồng sáng tác và biểu diễn cùng những siêu sao như Johnny Cash, Jimi Hendrix, Diana Ross, Quincy Jones…

    Và cảm hứng đã đến, ca khúc Feliz Navidad ra đời, trở thành một trong những “bài tủ” nổi tiếng nhất của José Feliciano cùng với những bài do anh cover của các nghệ sĩ/ban nhạc khác (điển hình thành công nhất là Light my fire của nhóm The Doors và California Dreamin’; Che Sera…). Lời ca ngắn gọn bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, dễ hiểu, gợi lên những hình ảnh vui tươi, lạc quan trong bối cảnh Giáng sinh và năm mới, bám vào lòng người nghe và cứ ở lại trong đó mỗi khi mùa Giáng sinh về.

    Từ đầu thập niên 1970 đến nay, Feliz Navidad đã được ghi âm bởi vô số nam nữ nghệ sĩ tài hoa, riêng bài do chính José Feliciano trình bày thì được yêu thích và yêu cầu streaming, download nhiều nhất. ASCAP công nhận Feliz Navidad là một trong 25 ca khúc Giáng sinh được nghe nhiều nhất mọi thời trên thế giới. Năm 2020, kỷ niệm 50 năm bài này ra đời, người ta tổng kết rằng nó đã được trình bày ở gần 90 nước, từ Argentina, Ấn Độ, Canada, Israel, Na Uy, Nam Phi, New Zealand đến Nhật… Và nó cũng được khắc ghi vào Grammy Hall of Fame.

    Tháng Mười Một 2021, José Feliciano tung album Behind This Guitar để kỷ niệm 50 năm phát hành Feliz Navidad, rồi tiếp thêm album Behind this guitar deluxe với bản ghi âm Feliz Navidad đặc biệt, quy tụ tiếng đàn tiếng hát của 30 nghệ sĩ đến từ khắp thế giới, từ Lin-Manuel Miranda đến anh em nhà Jonas Brothers. Ngoài ra ông còn hát tuyệt tác Eagle when she flies với nữ hoàng nhạc country Dolly Parton!

    ——————————————————————–

    Feliz Navidad, Feliz Navidad. Feliz Navidad, prospero ano y felicidad

    I want to wish you a Merry Christmas, I want to wish you a Merry Christmas

    I want to wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart….

    Thánh ca là nhạc hát trong nhà thờ; tình ca là nhạc có tình yêu, thường là tình yêu nam nữ. Có một loại nhạc Giáng Sinh nói về Giáng Sinh chỉ trong khía cạnh văn hóa thuần túy, không sâu vào tâm linh như thánh ca. Đây là loại nhạc Giáng Sinh thế tục, ta có thể gọi như thế, hay ta tạm gọi là dân ca, một loại nhạc truyền thống dân tộc, không tôn giáo, về Giáng Sinh.

    Hôm nay chúng ta nghe qua các dân ca Giáng Sinh quốc tế rất phổ thông, và chúng ta đều đã nghe trước đây, vì chúng quá phổ thông tại mọi nơi trên thế giới. Các video clips dưới đây đều có lời nhạc tiếng Anh để các bạn tiện theo dõi và hát theo. Trước mối bài hát chúng ta sẽ có một giới thiệu ngắn cho bài.

    Và chúng ta có các bài sau đây:

    1. Deck The Halls

    2. Carol of the Bells

    3. It’s the Most Wonderdful Time of the Year

    4. Let It Snow

    5. The Little Drummer Boy

    6. O Christmas Tree

    7. The Most Wonderful Day of the Year

    8. We Need A Little Christmas

    9. Rudolph the Red-Nosed Reindeer

    10. Jingel Bells

    11. Jengel Bell Rock

    12. Santa Claus Is Coming To Town

    13. We Wish You A Merry Christmas

    14. 12 Days Of Christmas

    15. Rockin’ Around The Christmas Tree

    16. Feliz Navidad

    Mời các bạn !

    1. Deck the halls

    “Deck the Halls” (đầu đề nguyên thủy là “Deck the Hall”) là một bài hát Giáng Sinh / Năm Mới truyền thống của dân Welsh, ở vùng Wales, là một nước thuộc, Liên Hiệp Hoàng Gia Anh (United Kingdom of England) ở phía tây nước Anh. Điệp khúc fa-la-la có lẽ vao thời nguyên thủy là nhạc mở đầu của đàn harp. Bản nhạc này có từ thời thế kỷ 16, và là một phần của một bản nhạc mùa đông, Nos Galan.

    Điệp khúc Fa-la-la có từ một bản nhạc luân vũ thời trung cổ và dùng trong bài Nos Galan. Các phần còn lại của lời nhạc là đo người Mỹ sáng tác khoảng đầu thê kỷ 19.

    2. Carol of the Bells

    “Carol of the Bells” là bài nhạc Giáng Sinh do nhà soan nhạc người Ukraine tên Mykola Leontovych soạn nhạc, với lời nhạc tiếng Anh do Peter J. Wilhousky viết sau đó. Ngoài tên Carol of the Bells, bản nhạc này còn được biết đến trong thế giới tiếng Anh với tên “Ukrainian Bell Carol”. Âm diệu của bản nhạc là một âm điệu Ukraine gọi là “Shchedryk”, với các nhóm 4 bốn gọi là “ostinato motif” rất được ưa chuộng và làm bản nhạc rất nổi tiếng trong thế giới tiếng Anh.

    3. It’s the Most Wonderful Time of The Year – Andy Williams

    “It’s the Most Wonderful Time of the Year” được viết năm 1963 bởi Edward Pola và George Wyle, được thu âm năm đó và làm nổi tiếng bởi Andy Williams trong album Giáng Sinh tên “The Andy Williams Christmas Album”.

    4. Let It Snow – Dean Martin

    “Let It Snow! Let It Snow! Let It Snow!”, còn có tên “Let It Snow”, là bài hát do Sammy Cahn viết lời và nhạc sĩ Jule Styne viết nhạc năm 1945. Bản nhạc được viết vào tháng 7 năm 1945 trong thời gian trời nóng kỷ lục ở California! Được ghi âm lần đầu bởi Vaughn Monroe, bản nhạc trở thành nổi tiếng, lên đến số 1 trên bảng âm nhạc Billboard. Và mặc dù được xem là nhạc Giáng Sinh, nhưng từ Giáng Sinh không hề có trong bài.

    5. The Little Drummer Boy

    “The Little Drummer Boy,” có tên nguyên thủy là “Carol of the Drum,” do nữ nhạc giá cổ điển người Mỹ tên Katherine Kennicott Davis viết năm 1941. Đến năm 1955 bài hát được Trapp Family Singers thu âm và năm 1958 được ban hợp xướng Harry Simeone Chorale thu âm và làm nổi tiếng từ đó.

    Lời nhạc là lời kể chuyện của một câu bé nghèo kể lại chuyện cậu được Ba Vua gọi đến máng cỏ của Thánh Gia, và vì không có quà cho Chúa Hài Đồng, cậu bé đánh trống với sự đồng ý của Mẹ Maria, “Tôi chơi thật tốt cho Chúa” và “Chúa mỉm cười với tôi”.

    6. O Christmas Tree

    “O Tannenbaum” trong tiếng Đức và “O Christmas Tree” trong tiếng Anh là bài hát Giáng Sinh của Đức.

    A Tannenbaum là một loài thông ở Đức, thường gợi hứng cho các nhạc sĩ Đức soạn nhạc về “Tannenbaum”. Bản Tannenbaum đầu tiên có lẽ viết từ thế kỷ 15. Bài Tannenbaum nổi tiếng nhất là bài viết lời năm 1824 bởi nhạc sĩ organ Leipzig và nhà soạn nhạc Ernst Anschütz. Nhạc là nhạc của một bài dân ca cổ tên (Lauriger Horatius).

    7. The Most Wonderful Day of The Year

    “The Most Wonderful Day of The Year” do Johnny Marks viết năm 1964. Johnny Marks là nhạc sĩ chuyên viết nhạc Giáng Sinh và có một số bài nổi tiếng khắp thế giới như “Rudolph, the Red-Nosed Reindeer,” viết nhac với lời là một bài thơ do người anh rể viết.

    8. We Need A Little Christmas

    “We Need a Little Christmas” là môt bản nhạc Giáng Sinh trong nhạc kịch Broadway của Jerry Herman tên Mame, hát lần đầu tiên bởi Angela Lansbury trong nhạc kịch đó năm 1966.

    Trong nhạc kicnh, Mame hát bản nhạc này sau khi cô bị mất hết tài sản vì thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929, và Mame quyết định là cô, cậu cháu trai Patrick, và hai người làm trong nhà “cần một chút Giáng Sinh” cho vui một chút.

    9. Rudolph the Red Nosed Reindeer

    “Rudolph the Red-nosed Reindeer” laf một chú nai tưởng tượng với đầu mũi đỏ chói. Là chú nai thứ chín của Ông Già Noel, dẫn đầu đoàn nai kéo xe của Ông Già Noel. Vì thế cậu còn có tên “Nai Thứ Chín Của Ông Noel”. Chính đầu mũi sáng chói của Rudolph soi sáng đường đi cho đoàn nai kéo xe đưa Ông Già Noel đi trong đêm.

    Rudolph xuất hiện lần đầu tiên trong tập sách mỏng của Robert L. May năm 1939 do công ty Montgomery Ward phát hành. Bản nhạc Rudoff the Red-nosed Reindeer do Johnny Marks viết năm 1964.

    10. Jingle Bells

    “Jingle Bells” là một trong những bản nhạc Giáng Sinh được hát nhiều nhất trong thế giới tiếng Anh. Bản nhạc được James Lord Pierpont (1822–1893) viết năm 1857 và phát hành với tên “One Horse Open Sleigh”.

    11. Jingel Bell Rock

    “Jingle Bell Rock” do Joseph Carleton Beal (1900–1967) và James Ross Boothe (1917–1976) viết. Beal là một người làm nghề Pulbic relations ở New Jersey và Boothe là một nhà văn ở tiểu bang Texas. Bản nhạc được Bobby Helms ghi âm và làm nổi tiếng năm 1957.

    12. Santa Claus Is Coming To Town

    “Santa Claus is Coming to Town” do John Frederick Coots và Haven Gillespie viết, và hát lần đầu tiên bởi Eddie Cantor trên radio tháng November 1934. Bản nhạc thành công tức thì với 100 nghin tờ nhạc bán ngày hôm sau và hơn 400 nghìn bản bán trong dịp Giáng Sinh.

    13. We wish you a Merry Christmas

    “We Wish You a Merry Christmas” là một bài hát Giáng Sinh của Anh từ vùng miền tây nước Anh thế kỷ 16. Vào thời đó những người giàu có truyền thống phát kẹo, nhất là kẹo Sôcola, cho những đoàn hát nhạc Giáng Sinh trên đường phố. Đây là một trong ít bản nhạc Giáng Sinh có nhắc đến Năm Mới trong đó.

    14. 12 Days of Christmas

    “The Twelve Days of Christmas” là 12 ngày lễ hội bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 đến ngày 5 tháng 1. 12 ngày này có tên là Christmastide hay Twelvetide. Ngày 6 tháng 1, là ngày Lễ Ba Vua, chứng tỏ qiuyeen lực của Giêsu là Con Thượng Đế đối với Ba Vua đến từ phương Đông.

    “The Twelve Days of Christmas” là bài hát Giáng Sinh kể hàng loạt quà tặng quý tặng nhau trong 12 ngày đó. Dù là phát hành lần đầu tiên ở Anh năm 1780, có bằng chứng cho rằng bài nhạc có nguồn gốc từ Pháp trước đó.

    15. Rockin’ Around The Christmas Tree

    “Rockin’ Around the Christmas Tree” do nhạc sĩ nhạc Giáng Sinh Johnny Marks viết và ca sĩ Brenda Lee ghi ăm 1958, nhưng phải đến 1960 khi Brenda Lee nổi tiếng bản nhạc mới nổi tiếng theo.

    16. Feliz Navidad

    “Feliz Navidad” là bài nhạc Giáng Sinh / Năm Mới do ca nhạc sĩ người Puerto Ric0 tên José Feliciano viết năm 1970. Với điệp khúc Tây Ban Nha giản dị, câu chào Giáng Sinh và Năm Mới truyền thống–“Feliz Navidad, próspero año y felicidad” hay “Merry Christmas, and a happy New Year”–và câu tiếng Anh đơn giản–“I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my hear–bài nhạc nhanh chóng trở thành bản nhạc Giáng Sinh kinh điển trong thế giới tiếng Anh.

    Vương Trùng Dương.

    ——————————————————————————————————————————————————————-

    Xmas Song: ‘Feliz Navidad’

    José Feliciano‘s “Feliz Navidad,” originally released in 1970, celebrates the most wonderful time of the year in both English and Spanish. The repeating chorus, “Feliz Navidad / Próspero año y felicidad,” means “Merry Christmas, a prosperous year and happiness.”

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Feliz Navidad

    Próspero año y felicidad

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    I wanna wish you a Merry Christmas

    From the bottom of my heart…. 

    VIỆT HẢI

  • Dương Viết Điền,  KÝ SỰ

    Lẩm Cẩm Hay Nghẹn Ngào?

    Như một số người mới sang đất Mỹ lần đầu, tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, rụt rè trước nền văn minh tại xứ Hiệp chủng quốc này.

    Tất cả mọi sinh hoạt ở đây đã làm cho tôi cảm thấy lạ-lùng. Điều này làm cho tôi nhiều khi trở nên lẩm cẩm và nghẹn ngào khi va chạm với cuộc sống hằng ngày tại đây.

    Sau đây xin được kể một vài câu chuyện điển hình tôi đã gặp trên đất này.

    Trước nhất là chuyện gọi số 911 năm lần chỉ trong 3 năm.

    Lúc mới qua bạn bè tôi khuyên bảo rằng trong cuộc sống hằng ngày nếu gặp chuyện gì khẩn-cấp quá như đau quá nặng, bị thương nặng, gặp hỏa-hoạn vv… thì cầm điện thoại gọi 3 con số 911.

    Sáng hôm ấy, không hiểu sao tôi cảm thấy đau bụng một cách kỳ lạ. Mặt mày tự nhiên tái mét, mồ-hôi ra như tắm. Tôi ôm bụng kêu la thảm thiết. Đang nằm trên giường tôi bỗng té xuống sàn nhà. Lúc bấy giờ cả nhà đều đi vắng. Đang cơn đau, vừa bấm số 911 vừa trả lời những câu hỏi của nhân viên hữu trách ở đầu dây, giọng tôi bị lạc hẳn nói không được rõ ràng.

    Khoảng năm phút sau tôi nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đổ ngay trước nhà. Vì đau quá đi không được nên tôi phải bò xuống cầu thang (vì đang ở trên “gác trọ về khuya cơn gió lùa”) Cuối cùng các nhân-viên lái xe cứu thương dìu tôi lên xe chở tới bệnh-viện. Lúc bấy giờ là năm 1991. Đó là lần thứ nhất tôi gọi 911.

    Trong thời gian đầu lúc mới sang xứ cờ hoa này, người bảo trợ tôi đang hành-nghề cắt cỏ. Thế là tôi”tấp-tểnh người làm tớ cũng làm”. Vào một buổi sáng trời xanh mây trắng nắng hồng, người bảo trợ bảo tôi đi rải giấy quảng-cáo cắt cỏ.

    Tôi ôm một mớ “truyền đơn” quảng-cáo cắt cỏ leo lên chiếc xe Mustang màu đen đời 75 mới mua lại 100 dollars để đi rải giấy. Sau khi đậu xe tại một ngã tư, tôi bắt đầu đi bộ để rải. Sau khi rải xong (khoảng 2 tiếng đồng hồ) tôi trở lại ngã tư đậu xe hồi nãy để lái xe về. Nhưng khi vừa đến nơi thì hỡi ôi! Xe không cánh mà bay!

    Tôi chạy qua chạy lại, chạy tới chạy lui, nhìn quanh nhìn quất, vẫn không thấy chiếc xe Mustang đâu cả. Trời ơi! mới qua Mỹ được một chiếc xe mà kẻ gian đã ăn cắp thì lấy gì mà đi làm đây. Vì nghĩ rằng chắc kẻ gian vừa mới lái xe di thôi nên phải báo-cáo cho cảnh sát gấp may ra cảnh sát kịp thời chận bắt chúng ở dọc đường; Thế là tôi bay ra ngoài đường, tới chỗ có máy điện thoại công cộng, bỏ 25 cent vào, bấm ngay số 911 và báo-cáo cho giới hữu-trách đầu giây biết rõ tự-sự sau khi tôi đã khai rõ tên tuổi, số xe vv…

    Gác điện-thoại lên, tôi liền ngồi phịch xuống đường để nghỉ vì nãy giờ đi bộ rải giấy quá lâu nên mỏi chân quá. Khoảng 5 phút sau, tôi đứng dậy đến chỗ ngã tư kia tìm lại xe vì tiếc của. Rồi vừa giận vừa tiếc, tôi đi vòng vòng quanh mấy ngã tư gần đấy xem kẻ gian có lái xe đậu quanh đâu đấy không! Bỗng cách đó một ngã tư, tôi thấy xe ai giống xe tôi quá. Nhanh như chớp tôi lao mình tới chỗ chiếc xe đang đậu. Khi đến nơi, tôi thấy đích thị là “Người tình có chân-dung” Mustang màu đen của tôi rồi! Oh my God! (lúc đó tôi chưa quen miệng nói mấy chữ này nhưng viết lỡ vào đây rồi viết luôn).

    Chợt một ý-nghĩ lóe lên trong đầu tôi: mình đậu xe ở ngã tư này, lại đi tìm ở ngã tư khác thật là lẩm-cẩm. Vậy mà cứ nghĩ là thằng cha hay con mẹ nào đã ăn cắp lái đi rồi! Sau đó tôi nghĩ rằng mình phải báo lại cho cảnh sát biết chứ nếu người ta đang đi tìm “học xì-dầu” trong khi mình leo lên xe lái về nhà, dọc đường gặp họ chận lại hỏi thì bỏ tiếp 25 cent vào máy rồi bấm 911. Tiếp theo đó, tôi trình bày cho giới hữu-trách đầu giây điện-thoại biết rằng tôi đã tìm ra chiếc xe của tôi đậu cách chỗ cũ vài “Block” vv…

    Thế là tôi đã gọi 911 ba lần.

    Tiếp theo là vụ ăn thịt gà nguội của anh vợ tôi. Không hiểu sao chiều hôm ấy sau khi ăn cơm với thịt gà (chưa hâm lại) xong, anh vợ tôi đau bụng dữ dội rồi đi cầu nhiều lần. Anh ta điện-thoại cho tôi lên chở anh ta đi bác sĩ gấp (vì người con trai mới qua chưa biết lái xe).

    Khi vừa vào nhà anh tôi, tôi thấy mặt anh ta xanh như tàu lá chuối! Tôi liền chở anh ta đến phòng mạch bác-sĩ ở Resida. Nhưng khi vừa đến ngã tư đường Vanowen& Sherman Wat, mặt anh ta bỗng tái đi không còn một giọt máu làm tôi sợ quá. Thều thào qua hơi thở, anh ta run rẩy mấy lời như mới gặp người yêu lần đầu không nói được:…gọ…gọ…gọi chín một một …đi. Anh…thấy tro…trong người sao mệt quá…!”

    Thất kinh, tôi liền cho xe vào đậu ở trạm xăng gần đấy, bay đến ổ điện-thoại ở trạm xăng bấm ngay 911 rồi trình cho giới hữu-trách biết rõ tự-sự. Năm phút sau, một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa hụ còi inh ỏi chạy đến ngã tư tôi đang đậu xe rồi dừng lại.

    Sau khi bắt mạch và đo nhiệt độ cho anh tôi xong và cũng sau khi xem bảo-hiểm Medical của anh ta (loại bảo-hiểm welfare của anh em HO đó mà), ông “bác sĩ” bảo tôi chở anh tôi đến bệnh viện gần đấy vì bệnh tình không trầm trọng lắm! Tôi rất ngạc-nhiên vì anh tôi đang nằm ngoẻo cổ sang một bên và mặt mày không còn một giọt máu. OH my god! (lúc này tôi hay quen miệng nói Oh my God!).

    Cuối cùng tôi đành phải tốc thắng chở anh tôi đến bác sĩ gia đình Resida ngay vì gần hơn bệnh viện. Thế là tôi đã gọi 911 lần thứ tư!

    Lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng (không biết còn lần nào nữa không) tôi gọi 911 (không biết bị gọi hay được gọi) là thời gian tôi đang ở apartment tại đường Gilmore St tỉnh Van Nuys. Chiều hôm ấy, bỗng dưng hệ thống báo động khói trong phòng tôi rú lên mặc dầu lúc bấy giờ chẳng có ai nấu nướng gì cả.

    Nhìn ra cửa sổ tôi thấy cũng chẳng có khói ở đâu từ ngoài bay vào. Thế mà hệ thống báo động khói vẫn kêu la inh-ỏi. Tôi liền qua báo cho Manager của apartment biết. Manager là một thiếu phụ Mễ có chồng hai con ở cách tôi 2 phòng. Sau khi qua phòng tôi quan-sát và nghe ngóng “địch-tình”, người đẹp “Mexicana” liều ủy thác cho tôi gọi 911.

    Sở dĩ cô ta không gọi 911 vì cô ta nói tiếng Mỹ giống như người Rhadê ở cao nguyên trung phần nước ta nói tiếng Việt vậy, sợ giới hữu trách không hiểu. Thế là tôi từ từ bấm 911 lần thứ năm trong vòng 3 năm trên máy điện thoại cầm tay người đẹp mới trao cho tôi.

    Vài phút sau, một chiếc xe ambulance và hai xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi đậu ngay trước apartment tôi ở. Nhân viên cứu hỏa lật đật chạy vào phòng tôi. Họ nhìn quanh nhìn quất trong phòng chẳng thấy khói đâu cả, họ mở cửa chứa bình đựng gas cũng chẳng thấy gì. Sau đó một nhân viên cứu hỏa với tay mở cái nắp tròn của hệ thống báo động khói gắn trên trần nhà xuống. Thế là tiếng kêu inh ỏi ngưng bặt. Oh my God! Biết thế tôi đưa tay mở cái nắp ấy ra từ lâu, làm gì phải gọi Cẩu dzách dzách à quên 911, làm rùm beng như thế này.

    Thế là trong ba năm, tôi gọi 911 năm lần, trong lúc có nhiều người ở Mỹ 25 năm chưa gọi 911 lần nào cả.

    Oh my God!

    Bây giờ tôi hay nói Oh my God! vì thói quen “hay nói” . Tuy nhiên tôi nghĩ mình không phải tín đồ của thiên chúa giáo mà hay nói Oh my God! thì kỳ quá. Đáng lẽ mình theo đạo nào thì nói theo đạo đó mới đúng. Tôi theo đạo Khổng-Tử, vậy tôi phải sửa lại thay vì Oh my God! tôi phải nói là Oh my Khổng!

    Tiếp theo, tôi xin được phép kể câu chuyện thứ 2. Đó là vụ bị xe tông.

    Chiều hôm ấy đặc-biệt là một buổi chiều cũng có trời xanh mây trắng nắng hồng giống như ngày tôi đi rải giấy quảng cáo cắt cỏ vậy, tôi cùng với “người tình có chân dung” Mustang 75 “bị mất cắp” trước đó, đang chạy phom phom trên đại lộ Sherman way tiến về thị trấn Reseda để vào tiệm kính Viễn Đông lấy cặp kính về cho “con đầm già” (Danh từ anh em ở trong trại cải-tạo gọi để chỉ các bà vợ của mình vì một nắng hai sương bán buôn cực khổ nuôi con nuôi chồng, đợi chờ mòn mỏi nên các bà bị tháng năm làm cho già hết rồi).

    Khi vừa đến ngã tư Sherman Way và Louis, bỗng đâu người tình Mustang 75 của tôi trở chứng, rồi làm nũng. Không biết vì trục-trặc-kỹ-thuật gì trong lục phủ ngũ tạng mà nàng chạy tiếp. Bỗng nhìn kính chiếu hậu tôi thấy có một chiếc xe đang chạy thật nhanh về phía tôi. Chiếc xe bay tới ào ào như vũ bão. Tốc-độ của nó 45, 50 miles là ít. Nhìn kính chiếu hậu, thấy xe vẫn lao tới vùn-vụt, tôi thầm kêu trời ơi! Sao gần tới xe mình rồi mà nó không chậm lại. Thế rồi tôi nghe một tiếng rầm! Xe tôi đang chạy chầm-chậm bỗng nhiên bay tới phía trước khoảng 6 mét rồi rơi xuống nghe một tiếng rầm! Tôi gục đầu vào vô-lăng bất tỉnh.

    Khoảng 15 giây sau tôi tỉnh dậy liền mở dây seat belt ra, vặn trái cửa rồi bước ra khỏi xe. Một cảnh tượng “hoang-tàn đổ nát” hiện ra trước mắt tôi: “người tình” Mustang của tôi đầu quay về phía lề đường, đèn emergency vẫn còn nhấp-nháy nhưng cặp kính đèn đã vỡ nát, cửa bên phải nàng bị bể kính hết và bị lỏm vào trong không mở ra được, phía sau nàng dẹp lép như cái bánh tráng vì bị tông quá mạnh, cửa kính sau bị vỡ nát vụn, bình xăng bị bể nên xăng chảy ra tràn cả mặt đường.

    Tiến tới chiếc xe tông vào tôi, tôi thấy một thiếu nữ da trắng (nhưng có lẽ người Mễ thì đúng hơn là Mỹ, tôi đoán vậy) ngồi khóc hu-hu trong xe một mình, áo quần con nít đâu trong xe tung lên bừa bãi. Đầu xe của cô ta cũng bẹp dí như cái bánh tráng.

    Nhìn cô ta tôi nói:

    “Cô đi đâu mà lái xe nhanh như vậy há, há””

    Cô ta vừa khóc vừa trả lời:

    “Ông đi đâu mà lái xe chậm thế””

    Tôi nói lại:

    “Tôi đã bật đèn emergency rồi cô không thấy sao há, há””

    Nghe tôi nói vậy không biết sao cô ta không nói gì nữa, chỉ bước xuống xe tới lề đường ngồi phịch xuống khóc tiếp. Có lẽ vừa hư xe vừa chạy ẩu tông xe tôi nên cô ta sợ chăng”

    Có lẽ cư dân quanh đấy thấy tai nạn xảy ra có vẻ ghê gớm quá đã gọi điện thoại cho cảnh sát biết nên khoảng 7 phút sau tôi thấy xe cảnh sát đến . Sau khi làm thủ tục biên bản xong, cảnh sát bảo chúng tôi ký vào tờ biên bản của họ. Sau đó, họ bảo chúng tôi phải làm thế nào để “Tow” hai chiếc xe vất vào “bãi tha ma” gấp, nếu không sẽ còn cản trở sự lưu thông xe cộ.

    Tôi đang loay hoay chưa biết tính sao thì cảnh sát gọi điện thoại cho xe cần trục ở công ty nào đó đến kéo xe tôi rồi trao cho tôi một cái card và bảo rằng xe cần trục của công ty trong card này sẽ đến đây “tow” xe của tôi đi. Tôi nói với cảnh-sát:

    “Thế thì ai bồi thường chiếc xe hư của tôi đây” Chính người lái chiếc xe tông vào xe tôi có lỗi vì cô ta lái xe quá nhanh lúc đang chạy trong thành phố.”

    Viên Cảnh-sát trả lời:

    “Anh thuê luật-sư kiện cô ta ra tòa.”

    Trả lời xong cảnh sát leo lên xe lái đi mất dạng.

    Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ lúc đó tôi và cô kia cả hai đều không ai có bảo hiểm cả và đã khai với cảnh sát lúc họ làm biên bản rồi. Khoảng 10 phút sau, một chiếc xe cần trục đến câu “người tình” Mustang 75 của tôi đi vất vào nghĩa địa xe hơi.

    Sau khi đứng nghiêm chỉnh để tiễn đưa nàng về dưới suối vàng an nghỉ nghìn năm, lòng tôi buồn vời vợi vì kể từ nay, “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”!

    Vài ngày sau, tôi nhận được một cái “citation” phải ra tòa trình diện để nộp tiền phạt $170 dollars vì không có bảo hiểm. Tiếp theo đó, tôi phải ra DMV để làm việc thiện bất đắc dĩ tặng cho DMV $250 dollars để xin lại bằng lái xe nếu không sẽ bị cúp bằng một nghìn năm!

    Trong thời gian này, tôi nhận được một phần thưởng của DMV trao tặng: treo bằng 3 năm, riêng năm đầu chỉ được phép lái xe độc đạo từ nhà đến hãng và từ hãng đến nhà, nếu đi lộn đường cảnh-sát bắt được thì đừng có kêu trời ơi! đất hỡi! Tiếp nữa, tôi nhận được một cái Bill phải trả cho công ty “Tow” đã ân-ái mua một bó hoa vĩ-đại $70 (tiền “Tow” xe) để tiễn đưa người tình Mustang 75 của tôi ra nghĩa-địa an giấc ngàn thu! Tổng-cộng tất cả phí tổn từ tiền thuốc men chạy chữa, tiền cúng điếu hoa lá cành, tiền mua đất ở nghĩa địa, tiền chôn cất v.v… Cho người tình có chân dung MUSTANG đời 75 vị chi là $490 dollars.

    Không biết tình trạng cô da trắng kia như thế nào, chắc cũng giống tôi thôi vì không có bảo-hiểm, Lúc bấy giờ là 1994, hàng triệu người lái xe không có bảo hiểm. Chứ bây giờ theo luật mới, lái xe không có bảo hiểm bị phạt nặng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm, khi cả hai bên không có bảo hiểm, nên thông cảm mà tha cho nhau, rồi mạnh ai nấy chuồn.

    Cả hai bên vừa chạy trốn vừa ngâm hai câu thơ sau đây thì tuyệt diệu:

    “Liệu mà cao chạy xa bay

    Ái ân ta có ngần này mà thôi!”

    Chứ để cảnh sát tới nơi làm biên bản thì cả hai bên sẽ tan thành mây khói. May sao trong tai nạn này, tôi hoàn toàn vô sự có lẽ nhờ mang nịt an toàn nên “Con đầm già” cũng yên tâm.

    Tức quá, cơn giận Trương Phi nổi lên đùng đùng, tôi lấy tờ report của cảnh sát ra tìm số điện thoại của cô lái chiếc xe tông tôi rồi gọi cô ta ngay. Sau khi có tiếng trả lời đầu dây điện thoại, tôi nói ngay:

    “Tôi là người lái chiếc xe Mustang mà cô tông tôi tuần trước cô còn nhớ không””

    “Nhớ chứ!”

    “Cô phải bồi thường chiếc xe cho tôi chứ! Nếu không tôi sẽ gọi cô liên tục bất cứ lúc nào, 2 giờ sáng, 3 giờ chiều, 12 giờ khuya, 1 giờ trưa v.v…”

    Tôi nghe đầu giây trả lời:

    “Ông cứ gọi, cho ông gọi. Tôi sẵn sàng nghe ông gọi!”

    Oh My God! Oh My Khổng! Nó biết tôi không có bảo hiểm nên nó cũng liều luôn. Hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè nói rằng thành phần này ở bên Mỹ nhiều lắm. Vả lại “Người tình có chân dung” Mustang của tôi cũng quá cũ, mình lại không mua bảo hiểm nữa, bây giờ kiện cô ta ra tòa tốn tiền thuê luật sư phiền toái mà dân HO mới qua tiền đâu thuê luật sư. Đã thế cô ta lại tỏ ra liều mạng như vậy thì kiện làm gì cho mất công bỏ việc. Tuy nhiên trong lòng vẫn còn tức giận nên tôi thử tố lần nữa xem sao:

    “Tao sẽ thưa luật sư đưa mày ra tòa, OK?”

    Cô ta trả lời:

    “Tôi sẵn sàng ra tòa, ông cứ thuê luật sư đi!”

    Biết nó liều mạng rồi tôi nói với nó lần cuối bằng ba thứ tiếng chắc nó nghĩ rằng tôi chửi thề nó:

    –        OK! Tau thua mi! “Bonjour Tristesse”! (Buồn ơi! Chào mi!).

    North Hollywood, tháng 6- 2000      


    DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

    Lẩm Cẩm Hay Nghẹn Ngào?

    Dương viết Điền

    Như một số người mới sang đất Mỹ lần đầu, tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, rụt rè trước nền văn minh tại xứ Hiệp chủng quốc này.

    Tất cả mọi sinh hoạt ở đây đã làm cho tôi cảm thấy lạ-lùng. Điều này làm cho tôi nhiều khi trở nên lẩm cẩm và nghẹn ngào khi va chạm với cuộc sống hằng ngày tại đây.

    Sau đây xin được kể một vài câu chuyện điển hình tôi đã gặp trên đất này.

    Trước nhất là chuyện gọi số 911 năm lần chỉ trong 3 năm.

    Lúc mới qua bạn bè tôi khuyên bảo rằng trong cuộc sống hằng ngày nếu gặp chuyện gì khẩn-cấp quá như đau quá nặng, bị thương nặng, gặp hỏa-hoạn vv… thì cầm điện thoại gọi 3 con số 911.

    Sáng hôm ấy, không hiểu sao tôi cảm thấy đau bụng một cách kỳ lạ. Mặt mày tự nhiên tái mét, mồ-hôi ra như tắm. Tôi ôm bụng kêu la thảm thiết. Đang nằm trên giường tôi bỗng té xuống sàn nhà. Lúc bấy giờ cả nhà đều đi vắng. Đang cơn đau, vừa bấm số 911 vừa trả lời những câu hỏi của nhân viên hữu trách ở đầu dây, giọng tôi bị lạc hẳn nói không được rõ ràng.

    Khoảng năm phút sau tôi nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đổ ngay trước nhà. Vì đau quá đi không được nên tôi phải bò xuống cầu thang (vì đang ở trên “gác trọ về khuya cơn gió lùa”) Cuối cùng các nhân-viên lái xe cứu thương dìu tôi lên xe chở tới bệnh-viện. Lúc bấy giờ là năm 1991. Đó là lần thứ nhất tôi gọi 911.

    Trong thời gian đầu lúc mới sang xứ cờ hoa này, người bảo trợ tôi đang hành-nghề cắt cỏ. Thế là tôi”tấp-tểnh người làm tớ cũng làm”. Vào một buổi sáng trời xanh mây trắng nắng hồng, người bảo trợ bảo tôi đi rải giấy quảng-cáo cắt cỏ.

    Tôi ôm một mớ “truyền đơn” quảng-cáo cắt cỏ leo lên chiếc xe Mustang màu đen đời 75 mới mua lại 100 dollars để đi rải giấy. Sau khi đậu xe tại một ngã tư, tôi bắt đầu đi bộ để rải. Sau khi rải xong (khoảng 2 tiếng đồng hồ) tôi trở lại ngã tư đậu xe hồi nãy để lái xe về. Nhưng khi vừa đến nơi thì hỡi ôi! Xe không cánh mà bay!

    Tôi chạy qua chạy lại, chạy tới chạy lui, nhìn quanh nhìn quất, vẫn không thấy chiếc xe Mustang đâu cả. Trời ơi! mới qua Mỹ được một chiếc xe mà kẻ gian đã ăn cắp thì lấy gì mà đi làm đây. Vì nghĩ rằng chắc kẻ gian vừa mới lái xe di thôi nên phải báo-cáo cho cảnh sát gấp may ra cảnh sát kịp thời chận bắt chúng ở dọc đường; Thế là tôi bay ra ngoài đường, tới chỗ có máy điện thoại công cộng, bỏ 25 cent vào, bấm ngay số 911 và báo-cáo cho giới hữu-trách đầu giây biết rõ tự-sự sau khi tôi đã khai rõ tên tuổi, số xe vv…

    Gác điện-thoại lên, tôi liền ngồi phịch xuống đường để nghỉ vì nãy giờ đi bộ rải giấy quá lâu nên mỏi chân quá. Khoảng 5 phút sau, tôi đứng dậy đến chỗ ngã tư kia tìm lại xe vì tiếc của. Rồi vừa giận vừa tiếc, tôi đi vòng vòng quanh mấy ngã tư gần đấy xem kẻ gian có lái xe đậu quanh đâu đấy không! Bỗng cách đó một ngã tư, tôi thấy xe ai giống xe tôi quá. Nhanh như chớp tôi lao mình tới chỗ chiếc xe đang đậu. Khi đến nơi, tôi thấy đích thị là “Người tình có chân-dung” Mustang màu đen của tôi rồi! Oh my God! (lúc đó tôi chưa quen miệng nói mấy chữ này nhưng viết lỡ vào đây rồi viết luôn).

    Chợt một ý-nghĩ lóe lên trong đầu tôi: mình đậu xe ở ngã tư này, lại đi tìm ở ngã tư khác thật là lẩm-cẩm. Vậy mà cứ nghĩ là thằng cha hay con mẹ nào đã ăn cắp lái đi rồi! Sau đó tôi nghĩ rằng mình phải báo lại cho cảnh sát biết chứ nếu người ta đang đi tìm “học xì-dầu” trong khi mình leo lên xe lái về nhà, dọc đường gặp họ chận lại hỏi thì bỏ tiếp 25 cent vào máy rồi bấm 911. Tiếp theo đó, tôi trình bày cho giới hữu-trách đầu giây điện-thoại biết rằng tôi đã tìm ra chiếc xe của tôi đậu cách chỗ cũ vài “Block” vv…

    Thế là tôi đã gọi 911 ba lần.

    Tiếp theo là vụ ăn thịt gà nguội của anh vợ tôi. Không hiểu sao chiều hôm ấy sau khi ăn cơm với thịt gà (chưa hâm lại) xong, anh vợ tôi đau bụng dữ dội rồi đi cầu nhiều lần. Anh ta điện-thoại cho tôi lên chở anh ta đi bác sĩ gấp (vì người con trai mới qua chưa biết lái xe).

    Khi vừa vào nhà anh tôi, tôi thấy mặt anh ta xanh như tàu lá chuối! Tôi liền chở anh ta đến phòng mạch bác-sĩ ở Resida. Nhưng khi vừa đến ngã tư đường Vanowen& Sherman Wat, mặt anh ta bỗng tái đi không còn một giọt máu làm tôi sợ quá. Thều thào qua hơi thở, anh ta run rẩy mấy lời như mới gặp người yêu lần đầu không nói được:…gọ…gọ…gọi chín một một …đi. Anh…thấy tro…trong người sao mệt quá…!”

    Thất kinh, tôi liền cho xe vào đậu ở trạm xăng gần đấy, bay đến ổ điện-thoại ở trạm xăng bấm ngay 911 rồi trình cho giới hữu-trách biết rõ tự-sự. Năm phút sau, một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa hụ còi inh ỏi chạy đến ngã tư tôi đang đậu xe rồi dừng lại.

    Sau khi bắt mạch và đo nhiệt độ cho anh tôi xong và cũng sau khi xem bảo-hiểm Medical của anh ta (loại bảo-hiểm welfare của anh em HO đó mà), ông “bác sĩ” bảo tôi chở anh tôi đến bệnh viện gần đấy vì bệnh tình không trầm trọng lắm! Tôi rất ngạc-nhiên vì anh tôi đang nằm ngoẻo cổ sang một bên và mặt mày không còn một giọt máu. OH my god! (lúc này tôi hay quen miệng nói Oh my God!).

    Cuối cùng tôi đành phải tốc thắng chở anh tôi đến bác sĩ gia đình Resida ngay vì gần hơn bệnh viện. Thế là tôi đã gọi 911 lần thứ tư!

    Lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng (không biết còn lần nào nữa không) tôi gọi 911 (không biết bị gọi hay được gọi) là thời gian tôi đang ở apartment tại đường Gilmore St tỉnh Van Nuys. Chiều hôm ấy, bỗng dưng hệ thống báo động khói trong phòng tôi rú lên mặc dầu lúc bấy giờ chẳng có ai nấu nướng gì cả.

    Nhìn ra cửa sổ tôi thấy cũng chẳng có khói ở đâu từ ngoài bay vào. Thế mà hệ thống báo động khói vẫn kêu la inh-ỏi. Tôi liền qua báo cho Manager của apartment biết. Manager là một thiếu phụ Mễ có chồng hai con ở cách tôi 2 phòng. Sau khi qua phòng tôi quan-sát và nghe ngóng “địch-tình”, người đẹp “Mexicana” liều ủy thác cho tôi gọi 911.

    Sở dĩ cô ta không gọi 911 vì cô ta nói tiếng Mỹ giống như người Rhadê ở cao nguyên trung phần nước ta nói tiếng Việt vậy, sợ giới hữu trách không hiểu. Thế là tôi từ từ bấm 911 lần thứ năm trong vòng 3 năm trên máy điện thoại cầm tay người đẹp mới trao cho tôi.

    Vài phút sau, một chiếc xe ambulance và hai xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi đậu ngay trước apartment tôi ở. Nhân viên cứu hỏa lật đật chạy vào phòng tôi. Họ nhìn quanh nhìn quất trong phòng chẳng thấy khói đâu cả, họ mở cửa chứa bình đựng gas cũng chẳng thấy gì. Sau đó một nhân viên cứu hỏa với tay mở cái nắp tròn của hệ thống báo động khói gắn trên trần nhà xuống. Thế là tiếng kêu inh ỏi ngưng bặt. Oh my God! Biết thế tôi đưa tay mở cái nắp ấy ra từ lâu, làm gì phải gọi Cẩu dzách dzách à quên 911, làm rùm beng như thế này.

    Thế là trong ba năm, tôi gọi 911 năm lần, trong lúc có nhiều người ở Mỹ 25 năm chưa gọi 911 lần nào cả.

    Oh my God!

    Bây giờ tôi hay nói Oh my God! vì thói quen “hay nói” . Tuy nhiên tôi nghĩ mình không phải tín đồ của thiên chúa giáo mà hay nói Oh my God! thì kỳ quá. Đáng lẽ mình theo đạo nào thì nói theo đạo đó mới đúng. Tôi theo đạo Khổng-Tử, vậy tôi phải sửa lại thay vì Oh my God! tôi phải nói là Oh my Khổng!

    Tiếp theo, tôi xin được phép kể câu chuyện thứ 2. Đó là vụ bị xe tông.

    Chiều hôm ấy đặc-biệt là một buổi chiều cũng có trời xanh mây trắng nắng hồng giống như ngày tôi đi rải giấy quảng cáo cắt cỏ vậy, tôi cùng với “người tình có chân dung” Mustang 75 “bị mất cắp” trước đó, đang chạy phom phom trên đại lộ Sherman way tiến về thị trấn Reseda để vào tiệm kính Viễn Đông lấy cặp kính về cho “con đầm già” (Danh từ anh em ở trong trại cải-tạo gọi để chỉ các bà vợ của mình vì một nắng hai sương bán buôn cực khổ nuôi con nuôi chồng, đợi chờ mòn mỏi nên các bà bị tháng năm làm cho già hết rồi).

    Khi vừa đến ngã tư Sherman Way và Louis, bỗng đâu người tình Mustang 75 của tôi trở chứng, rồi làm nũng. Không biết vì trục-trặc-kỹ-thuật gì trong lục phủ ngũ tạng mà nàng chạy tiếp. Bỗng nhìn kính chiếu hậu tôi thấy có một chiếc xe đang chạy thật nhanh về phía tôi. Chiếc xe bay tới ào ào như vũ bão. Tốc-độ của nó 45, 50 miles là ít. Nhìn kính chiếu hậu, thấy xe vẫn lao tới vùn-vụt, tôi thầm kêu trời ơi! Sao gần tới xe mình rồi mà nó không chậm lại. Thế rồi tôi nghe một tiếng rầm! Xe tôi đang chạy chầm-chậm bỗng nhiên bay tới phía trước khoảng 6 mét rồi rơi xuống nghe một tiếng rầm! Tôi gục đầu vào vô-lăng bất tỉnh.

    Khoảng 15 giây sau tôi tỉnh dậy liền mở dây seat belt ra, vặn trái cửa rồi bước ra khỏi xe. Một cảnh tượng “hoang-tàn đổ nát” hiện ra trước mắt tôi: “người tình” Mustang của tôi đầu quay về phía lề đường, đèn emergency vẫn còn nhấp-nháy nhưng cặp kính đèn đã vỡ nát, cửa bên phải nàng bị bể kính hết và bị lỏm vào trong không mở ra được, phía sau nàng dẹp lép như cái bánh tráng vì bị tông quá mạnh, cửa kính sau bị vỡ nát vụn, bình xăng bị bể nên xăng chảy ra tràn cả mặt đường.

    Tiến tới chiếc xe tông vào tôi, tôi thấy một thiếu nữ da trắng (nhưng có lẽ người Mễ thì đúng hơn là Mỹ, tôi đoán vậy) ngồi khóc hu-hu trong xe một mình, áo quần con nít đâu trong xe tung lên bừa bãi. Đầu xe của cô ta cũng bẹp dí như cái bánh tráng.

    Nhìn cô ta tôi nói:

    “Cô đi đâu mà lái xe nhanh như vậy há, há””

    Cô ta vừa khóc vừa trả lời:

    “Ông đi đâu mà lái xe chậm thế””

    Tôi nói lại:

    “Tôi đã bật đèn emergency rồi cô không thấy sao há, há””

    Nghe tôi nói vậy không biết sao cô ta không nói gì nữa, chỉ bước xuống xe tới lề đường ngồi phịch xuống khóc tiếp. Có lẽ vừa hư xe vừa chạy ẩu tông xe tôi nên cô ta sợ chăng”

    Có lẽ cư dân quanh đấy thấy tai nạn xảy ra có vẻ ghê gớm quá đã gọi điện thoại cho cảnh sát biết nên khoảng 7 phút sau tôi thấy xe cảnh sát đến . Sau khi làm thủ tục biên bản xong, cảnh sát bảo chúng tôi ký vào tờ biên bản của họ. Sau đó, họ bảo chúng tôi phải làm thế nào để “Tow” hai chiếc xe vất vào “bãi tha ma” gấp, nếu không sẽ còn cản trở sự lưu thông xe cộ.

    Tôi đang loay hoay chưa biết tính sao thì cảnh sát gọi điện thoại cho xe cần trục ở công ty nào đó đến kéo xe tôi rồi trao cho tôi một cái card và bảo rằng xe cần trục của công ty trong card này sẽ đến đây “tow” xe của tôi đi. Tôi nói với cảnh-sát:

    “Thế thì ai bồi thường chiếc xe hư của tôi đây” Chính người lái chiếc xe tông vào xe tôi có lỗi vì cô ta lái xe quá nhanh lúc đang chạy trong thành phố.”

    Viên Cảnh-sát trả lời:

    “Anh thuê luật-sư kiện cô ta ra tòa.”

    Trả lời xong cảnh sát leo lên xe lái đi mất dạng.

    Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ lúc đó tôi và cô kia cả hai đều không ai có bảo hiểm cả và đã khai với cảnh sát lúc họ làm biên bản rồi. Khoảng 10 phút sau, một chiếc xe cần trục đến câu “người tình” Mustang 75 của tôi đi vất vào nghĩa địa xe hơi.

    Sau khi đứng nghiêm chỉnh để tiễn đưa nàng về dưới suối vàng an nghỉ nghìn năm, lòng tôi buồn vời vợi vì kể từ nay, “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”!

    Vài ngày sau, tôi nhận được một cái “citation” phải ra tòa trình diện để nộp tiền phạt $170 dollars vì không có bảo hiểm. Tiếp theo đó, tôi phải ra DMV để làm việc thiện bất đắc dĩ tặng cho DMV $250 dollars để xin lại bằng lái xe nếu không sẽ bị cúp bằng một nghìn năm!

    Trong thời gian này, tôi nhận được một phần thưởng của DMV trao tặng: treo bằng 3 năm, riêng năm đầu chỉ được phép lái xe độc đạo từ nhà đến hãng và từ hãng đến nhà, nếu đi lộn đường cảnh-sát bắt được thì đừng có kêu trời ơi! đất hỡi! Tiếp nữa, tôi nhận được một cái Bill phải trả cho công ty “Tow” đã ân-ái mua một bó hoa vĩ-đại $70 (tiền “Tow” xe) để tiễn đưa người tình Mustang 75 của tôi ra nghĩa-địa an giấc ngàn thu! Tổng-cộng tất cả phí tổn từ tiền thuốc men chạy chữa, tiền cúng điếu hoa lá cành, tiền mua đất ở nghĩa địa, tiền chôn cất v.v… Cho người tình có chân dung MUSTANG đời 75 vị chi là $490 dollars.

    Không biết tình trạng cô da trắng kia như thế nào, chắc cũng giống tôi thôi vì không có bảo-hiểm, Lúc bấy giờ là 1994, hàng triệu người lái xe không có bảo hiểm. Chứ bây giờ theo luật mới, lái xe không có bảo hiểm bị phạt nặng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm, khi cả hai bên không có bảo hiểm, nên thông cảm mà tha cho nhau, rồi mạnh ai nấy chuồn.

    Cả hai bên vừa chạy trốn vừa ngâm hai câu thơ sau đây thì tuyệt diệu:

    “Liệu mà cao chạy xa bay

    Ái ân ta có ngần này mà thôi!”

    Chứ để cảnh sát tới nơi làm biên bản thì cả hai bên sẽ tan thành mây khói. May sao trong tai nạn này, tôi hoàn toàn vô sự có lẽ nhờ mang nịt an toàn nên “Con đầm già” cũng yên tâm.

    Tức quá, cơn giận Trương Phi nổi lên đùng đùng, tôi lấy tờ report của cảnh sát ra tìm số điện thoại của cô lái chiếc xe tông tôi rồi gọi cô ta ngay. Sau khi có tiếng trả lời đầu dây điện thoại, tôi nói ngay:

    “Tôi là người lái chiếc xe Mustang mà cô tông tôi tuần trước cô còn nhớ không””

    “Nhớ chứ!”

    “Cô phải bồi thường chiếc xe cho tôi chứ! Nếu không tôi sẽ gọi cô liên tục bất cứ lúc nào, 2 giờ sáng, 3 giờ chiều, 12 giờ khuya, 1 giờ trưa v.v…”

    Tôi nghe đầu giây trả lời:

    “Ông cứ gọi, cho ông gọi. Tôi sẵn sàng nghe ông gọi!”

    Oh My God! Oh My Khổng! Nó biết tôi không có bảo hiểm nên nó cũng liều luôn. Hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè nói rằng thành phần này ở bên Mỹ nhiều lắm. Vả lại “Người tình có chân dung” Mustang của tôi cũng quá cũ, mình lại không mua bảo hiểm nữa, bây giờ kiện cô ta ra tòa tốn tiền thuê luật sư phiền toái mà dân HO mới qua tiền đâu thuê luật sư. Đã thế cô ta lại tỏ ra liều mạng như vậy thì kiện làm gì cho mất công bỏ việc. Tuy nhiên trong lòng vẫn còn tức giận nên tôi thử tố lần nữa xem sao:

    “Tao sẽ thưa luật sư đưa mày ra tòa, OK?”

    Cô ta trả lời:

    “Tôi sẵn sàng ra tòa, ông cứ thuê luật sư đi!”

    Biết nó liều mạng rồi tôi nói với nó lần cuối bằng ba thứ tiếng chắc nó nghĩ rằng tôi chửi thề nó:

    –        OK! Tau thua mi! “Bonjour Tristesse”! (Buồn ơi! Chào mi!).

    North Hollywood, tháng 6- 2000      


    DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

  • DU LICH,  KÝ SỰ

    DU LICH PHI CHÂU

    Châu Phi: South Africa, Zimbabwe và Boswana từ ngày 28/8 – 13/9/2023 với công ty du lịch Exoticca.

    1.  South Africa: 

                 South Africa còn được gọi là Cộng hòa Nam Phi, nằm ở phía nam châu Phi.  Thường mỗi quốc gia chỉ có một thủ đô nhưng Nam Phi có ba thủ đô: Pretoria – thủ đô hành chính (administrative capital), Cap Town – thủ đô lập pháp (legislative capital) và Bloemfontein – thủ đô tư pháp (judicial capital).  Chưa kể Johannesburg tuy không chính thức nhưng cũng được mệnh danh là “thủ đô kính tế”…  South Africa nổi tiếng với sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên, lịch sử và có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Johannesburg, Cap Town, Kruger National Park….

           Khởi hành từ phi trường Los Angelos, CA và sau gần 30 tiếng ngừng, nghỉ và chuyển máy bay ở London, chúng tôi đã đến thành phố Johannesburg, South Africa, được đưa về ăn tối và ngủ qua đêm ở khách sạn Garden Court.  Sáng hôm sau, chúng tôi được xe của công ty chở đi Mpumalanga để thăm Kruger National Park.  Chuyến đi này hơn 7 tiếng đồng hồ, dọc đường nghỉ ăn trưa và thăm ba thắng cảnh nổi tiếng thu hút nhiều du khách yêu vẻ đẹp thiên nhiên: Blyde River Canyon, Three Rondavels và God’s Window.

    –  Blyde River Canyon: là một trong những thung lũng với hẻm núi đẹp và lớn nhất trên thế giới, nằm ở tỉnh Mpumalanga, South Africa.  Hẻm núi này có độ dài khoảng 25 km và được tạo ra bởi sông Blyde River, cung cấp cảnh quan đẹp tuyệt vời với những vách đá đỏ và cây cỏ xanh mướt.  Dọc theo đường đi là những điểm đẹp nổi tiếng như Three Rondavels, God’s Window…

    –  Three Rondavels: là ba đỉnh đá đặc biệt có hình dáng giống với các lều tròn truyền thống của người Bantu, gọi là “rondavels”.  Từ đỉnh cao này, chúng ta có thể thưởng ngoạn toàn cảnh tuyệt đẹp của thung lũng và sông Blyde.

    –  God’s Window (Cửa Sổ của Thượng Đế): là một địa điểm gần với Blyde River Canyon, nổi tiếng với khung cảnh tuyệt mỹ của sự hoang sơ và đa dạng trong thiên nhiên.  Từ God’s Window, chúng ta có thể nhìn thấy những dãy núi, khe núi và rừng rậm trải dài đến tận chân trời, tạo nên một cảm giác như đang đứng trước một cửa sổ thiên đàng.

           Chúng tôi đến Ingwenyama Resort vào lúc chạng vạng tối, sau khi về phòng, tắm rửa, chúng tôi đã có một bửa tối buffet thật ngon.   

           –  Ingwenyama Conference & Sport Resort:  ở thành phố nhỏ White Water trong tỉnh Mpumalanga, cách Johannesburg khoảng 5 tiếng và Kruger National Park 45 phút lái xe.  Đây là khu nghỉ dưỡng yên tĩnh, đẹp trang nhã, lịch sự, thức ăn ngon.  Chúng tôi sau khi thăm viếng Kruger Natonal Park đã có một ngày nghỉ nhàn hạ và chụp nhiều hình kỷ niệm ở resort này.

          –  Kruger National Park, South Africa: là một trong những công viên quốc gia hàng đầu của Nam Phi và cũng là một trong những khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất trên thế giới, nơi du khách có thể trải nghiệm các chuyến safari thú vị và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên cũng như có cơ hội thấy nhiều loại động vật hoang dã, bao gồm cả “Big Five” (sư tử, voi, trâu nước, báo, tê giác).  Những con thú hoang này thường đi ra ngoài vào sáng sớm hay chiều muộn nên chúng tôi đã phải dậy sớm đi từ 5 giờ sáng.  Rất may mắn trong chuyến safari này, chúng tôi đã thấy được nhiều thú hoang trong đó có voi, trâu rừng, báo, ngựa vằn, nai, hươu, linh dương, chó sói, khỉ đột, hươu cao cổ, heo rừng, gà rừng, diều hâu và nhiều loại chim khác…  Đặc biệt trong chuyến đi này, chúng tôi đã nhìn thấy một con báo từ xa và một con nai đã bị con báo bắt ăn thịt và treo xác trên một cành cây để dành ăn dần…

           Sau ba ngày ở Ingwenyama Resort, chúng tôi lên xe bus về lại phi trường Johannesburg để bay đi Cap Town.  Trên đường ra phi trường Johannesburg, chúng tôi đã ngừng lại thăm thành phố Pretoria.

    –  Pretoria:  là thủ đô hành chính của Nam Phi, thường là nơi làm việc của Tổng Thống, nằm ở phía bắc Nam Phi.  Pretoria là một trung tâm về văn hóa, chính trị và giáo dục, nổi tiếng với kiến trúc đa dạng và vị trí lịch sử quan trọng.  Pretoria còn là quê hương của loài phượng tím nở rộ vào cuối tháng 10, nhuộm tím cả thành phố lãng mạn cổ kính.  Nếu Johannesburg sầm uất, hối hả và ngột ngạt thì Pretora ngược lại – có phần chậm rãi và yên tĩnh, cho chúng ta một cảm giác thanh bình êm ả.

            Chuyến bay dài hơn 2 tiếng đã đưa chúng tôi từ phi trường Johannesburg đến Cap Town lào lúc 8 giờ tối, sau đó được đưa về khách sạn Cresta Grande nằm giữa trung tâm thành phố.  Sau một ngày dài mệt mỏi, chúng tôi đi ngủ sớm sau khi dùng cơm tối ở khách sạn.  Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu đi thăm và khám phá Cap Town, một thủ đô của Cộng hòa Nam Phi từ lâu tôi đã được nghe danh nhưng mãi đến bây giờ mới có dịp viếng thăm và thấy thành phố này quả thực rất đẹp, văn minh, sạch sẽ (đặc biệt các toilet ở phi trường, sạch sẽ nhất trong những toilet trên thế giới nơi tôi từng đến)  và người dân hiền lành, lịch sự và tốt bụng hơn trong trí tưởng tượng của tôi nhiều.  Chúng tôi đã dùng phương tiện Hop-on Hop-Off Tour bus để đi thăm toàn cảnh Cap Town, đặc biệt ghé thăm những nơi nổi tiếng như Victoria & Alfred Waterfront Marina, Signal Hill, Kirstenbosch National Botanical Garden, Table Mountain, Chapman’s Peak Drive, Boulder Beach, Cape of Good Hope…, tất cả mọi nơi đều để lại cho chúng tôi những ấn tượng tuyệt đẹp.

     –  Cap Town: thủ đô lập pháp và là thành phố lớn nhất của Nam Phi, nằm ở cực Nam của châu Phi, nơi biển Đại Tây Dương và biển Ả Rập gặp nhau.  Vị trí này tạo nên một cảnh quan hùng vĩ với dãy núi nổi tiếng như Table Mountain và 12 Apostles nằm bên cạnh biển xanh biếc, những bãi biển tuyệt đẹp như Camps Bay và Cliffton Beach với bãi cát trắng mịn.  Thành phố này có một kiến trúc, lịch sử và văn hóa đa dạng, thể hiện qua nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực đa quốc gia.  Đây là một nơi đến tuyệt vời cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp và văn hóa của Nam Phi.

    –  Victoria & Alfred Waterfront Marina:  là hải cảng đẹp với nhiều trung tâm thương mại và vui chơi hàng đầu của Cap Town, nơi du khách có thể mua sắm, ăn ngon, thăm bảo tàng viện, dạo chơi, ngắm hải cẩu phơi mình trên bờ trong nắng ấm hoặc đi du thuyền ngắm toàn bộ thương cảng rất đẹp.

    –  Signal Hill: nằm cạnh núi Table Mountain, là nơi du khách và dân địa phương thường đến để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp và bắn pháo hoa vào mùa lễ hội.  Đỉnh đồi này có một bảo tàng quân sự và nhiều pháo cổ điển, từng được sử dụng để phát tín hiệu giao thông và báo hiệu thời tiết cho thủy thủ đoàn.

    – Kirstenbosch National Botanical Garden:  nằm dưới chân núi Table Mountain, là một trong những vườn bách thảo quốc gia đẹp nổi tiếng nhất thế giới với trên 7,000 đủ loại thực vật bản địa được trồng trong khu viên rộng 36 hecta này.  Chúng tôi đã có một buổi sáng thư giản yên bình đi trên những con đường mòn ngắm cây cảnh và nghe nhiều tiếng chim hót líu lo.

    –  Table Mountain: là một đỉnh núi nổi tiếng tại Nam Phi, nằm ở trung tâm của Cap Town, có thể nhìn thấy được gần khắp mọi nơi ở Cap Town.  Nó được gọi là “Table Mountain” (Núi Bàn) là do hình dạng phẳng đỉnh của nó, trông giống như một tấm bàn lớn đặt ngang.  Table Mountain có độ cao khoảng 1,085 m trên mực nước biển và từ đỉnh núi, có thể nhìn thấy cảnh quan của cả thành phố Cap Town và vịnh Table Bay tuyệt đẹp.  Để lên đến đỉnh Table Mountain, chúng tôi đã dùng hệ thống cáp treo hiện đại.  Nhưng chẳng may khi lên được đến đỉnh, nhìn xuống dưới chúng tôi chẳng thấy được gì vì lúc đó mây và sương mù bao phủ chung quanh, gió thổi mạnh và trời rét buốt nên chúng tôi chỉ chụp hình loanh quanh rồi một tiếng sau, vội vàng theo cáp treo xuống núi.  

    –  Chapman’s Peak Drive:  là một trong những con đường ngắn, 9 km, ngoạn mục nhất ở South Africa, nổi tiếng với  các khúc cua quanh co và các chỗ dừng xe vị trí tuyệt vời để ngắm cảnh biển và núi.

    –  Boulders Beach: là bãi biển ở Simon’s Town, phía nam Cap Town, nơi sinh sống của một loài chim cánh cụt đặc biệt, được gọi là African Penguin hoặc Cape Penguin.

    –  Cap of Good Hope: nằm ở phía nam của bán đảo Cap Peninsula, là một biểu tượng của South Africa, nổi tiếng với việc có một bảo tàng và những con sóng mạnh mẽ của Đại Tây Dương gặp nhau với biển Ấn Độ Dương, được nhiều du khách viếng thăm và chiêm ngưỡng khung cảnh biển cả và các vách đá cao và đồng cỏ xanh tuyệt đẹp.

          Sau 3 ngày 4 đêm ở Cap Town, chúng tôi đáp chuyến bay đế́n thăm một nước khác ở châu Phi:  Zimbabwe.

    2.  Zimbabwe:

               Zimbabwe là một quốc gia không giáp biển, nằm ở phía Bắc của South Africa, giữa hai nước South Africa và Zambia, thủ đô là Harare và có khoảng 15 triiệu dân, tiếng Anh là ngôn ngữ chính.  Zimbabwe nổi tiếng với Hwange National Park và Victoria Falls, có di sản văn hóa và lịch sử phong phú.  Đất nước tuy có nhiều tài nguyên nhưng chưa được phát triễn, phần đông dân chúng sống trong cảnh đói nghèo.

          Chúng tôi đến phi trường Victoria Falls Airport của nước Zimbanwe  vào khoảng 1:30 pm, được đưa về ở  tại Nguni Lodge, cách phi trường không xa, rất xinh xắn, thơ mộng với những mái nhà lợp tranh, hồ bơi và cây cảnh xanh mát chung quanh.  Chúng tôi chỉ ở đây có 1 ngày 2 đêm nhưng cũng đã xem được những cảnh đẹp nổi tiếng và có những kỷ niệm vui, buồn lẫn lộn.

    –  Sunset Cruise on the Zambezi River:  chúng tôi đã có một buổi chiều tuyệt vời khi đi trên chuyến du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Zambezi, một trong những con sông lớn nổi tiếng nhất châu Phi.  Chúng tôi đã uống rượu vang, thưởng thức những món khai vị bản xứ thật ngon, chiêm ngưỡng mặt trời lặn trên sông tuyệt đẹp và ngắm những con cò trắng, hươu, nai, voi, cá sấu, hà mã ngâm mình trong nước, phơi mình trong nắng hoặc lang thang trên cánh đồng hoang…

    –  Victoria Falls: thác nước lớn nhất thế giới có chiều rộng khoảng 1.7 km và chiều cao khoảng 108 m (Niagara Falls rộng khoảng 1.6 km va cao 51 m), nằm ở biên giới giữa Zimbabwe và Zambia, phía Nam của châu Phi.  Thác Victoria được hình thành bởi nước sông Zambezi cung cấp, từ độ cao 108m đổ thẳng xuống một phiến đá lớn.  Kẽ nứt được hình thành rộng khoảng 1.7 km.  Từ đó nước sông bị hẫng nên tạo thành một thác nước vô cùng thú vị.  Cảnh đẹp ấn tượng này được một nhà thám hiểm người Scotland tên David Livingstone tìm ra vào ngày 16/11/1855.  Thác được lọt vào danh sách Di sản thế giới, 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất.

    – Kituso Primary School & Village: không nằm trong chương trình du lịch, chúng tôi yêu cầu được đi thăm một làng quê để tìm hiểu đời sống của người dân ở đây và được người tour guide đưa đi thăm trường tiểu học Kituso và một làng quê cách Victoria Falls khoảng 10 phút lái xe.  Nói là “trường” nhưng thật ra đó là hai phòng nhỏ lợp mái tôn, trong lớp chỉ có hai cái bàn và vài ba cái ghế, các em bé thay phiên nhau ngồi đọc, viết ở bàn.  Hôm chúng tôi đến thăm trúng vào ngày Thứ Bảy, trường nghỉ học nhưng vì được tin có du khách đến thăm nên cô giáo và các phụ huynh đã mang con em ̣mặc đồng phục đến trường, khoảng độ 30 em, tất cả ngồi ở sân đất sau trường, dưới bóng cây, chờ chúng tôi thăm viếng.  Nhìn cảnh thiếu thốn của trường và các em, chúng tôi không khỏi xót xa và mọi người chúng tôi đã đóng góp ít nhiều giúp đỡ trường và mua quà bánh cho các em.

           Rời trường, chúng tôi được đưa đến một làng nhỏ kế bên gồm 5,6 căn nhà cho 37 người dân ở đó.  Một cô bé 14 tuổi và người mẹ được cử làm đại diện tiếp đón chúng tôi.  Chúng tôi được cho biết làng không có điện, nước, người dân phải đi khiêng nước cách làng vài ba cây số.  Nguyên cả làng chỉ có một cái bếp, một phòng chứa đồ ăn và tất cả mọi người trong làng tụ tập nơi đây để nấu nướng, ăn uống chung với nhau.  Họ chỉ có ăn ngày hai bửa, sáng và chiều, thức ăn thường là những loại ngũ cốc địa phương nấu loãng như cháo, hiếm khi có rau trái, thịt thà trung bình 1-2 lần một tuần. Làng không có trường trung học, được cô bé kể phải đi bộ 5 km mới đến trường, trưa nhịn đói…

           Chúng tôi ra về sau khi biếu một ́it tiền, lòng bồi hồi thương xót cảnh nghèo khó của dân làng ở đây cũng như của phần đông dân chúng trong xứ sở này và không khỏi liên tưởng cảnh nghèo khổ thiếu thốn tương tự ở những làng quê VN…

           Hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi lên xe van đi mất hơn một tiếng, băng qua biên giới đến thành phố giáp ranh Kasane, ở hai đêm tại Chobe Safari Lodge nằm bên bờ sông Chobe nổi tiếng để thăm nước láng giềng: Botswana.

    3. Botswana:

               Botswana là một quộ́c gia không giáp biển, nằm ở phía Bắc của South Africa và giáp ranh với bốn nước Namibia, Zimbabwe, Zambia và South Africa, thủ đô là Gaborone và có khoảng 2.3 dân, ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Botswana, trù phú hơn Zimbabwe, có một nền kinh tế mạnh mẽ, chủ yếu là khai thác mỏ kim cương và du lịch, nổi tiếng với động vật hoang dã và một trong những nơi thu hút khách du lịch hàng năm này là Chobe National Park.

    –  Chobe National Park:  nằm ở phía Bắc của Botswana, gần biên giới với South Africa, Zimbabwe và Zambia và là công viên quốc gia lớn thứ ba ở Botswana, lấy tên từ con sông Chobe, chảy dọc theo ranh giới phía Bắc của công viên.  Chobe National Park nổi tiếng khắp thế giới về sự đa dạng của động vật hoang dã, bao gồm cả “Big Five”.  Cũng như chuyến safari ở Kruger National Park, South Africa chúng tôi ra đi từ lúc 5 giờ sáng, khi chưa rạng đông, trời lạnh như cắt và mỗi người trong xe được phát cho một cái mền quấn người cho ấm.  Loài  thú chúng tôi nhìn thấy đầu tiên là voi, rất nhiều voi, đi từng đàn, nhìn những chú voi con đi sát cạnh mẹ thấy thật thương và cảm độ̣ng.  Đang mãi ngắm voi thì người tài xế nhận được tin có hai con báo, ông ta bảo chúng tôi

    ngồi cẩn thận và chạy xe thật nhanh đến đ̣ịa điểm đó vì sợ đến chậm hai con báo bỏ đi mất.  Ông chạy xe như bay trên những con đường mòn hẹp, lắm lúc cán trên những bụi cây để đi và đây là lần đầu tiên tôi thấy sự lợi hại của four-wheel drive… Khi đến nơi thì đã có mười mấy chiếc xe chen chúc ở đó để mọi người nh̀ìn ngắm hai con báo trong rừng, một con trên cành cây đang ăn thịt một con nai, một con dưới đất, cách xa mọi người khoảng 300 m.  Tôi đã phải vất vả lắm mới nhìn thấy chúng vì quá xa và hình dáng chúng lẫn vào cây rừng, may mà máy ảnh tôi có ống kính dài nên tôi mới có thể trông thấy và chụp hình hai con báo đó.  Hôm đó chúng tôi cũng đã nhìn thấy nhiều thú vật hoang dã, có lẽ còn nhiều hơn ở Kruger National Park, như hươu, nai, ngựa vằn, voi, cá sấu, linh dương, heo rừng, khỉ, trâu nước, gà rừng, ngựa vằn, hươu cao cổ… và nhiều loại chim đặc biệt.  Chỉ tiếc là trong chuyến đi này chúng tôi đã không nhìn thấy sư tử và tê giác là hai loài thú ngày càng hiếm hoi trên thế giới.

    –  Sunset Cruise on the Chobe River:  Buổi chiều chúng tôi ̣đi du thuyền để ngắm mặt trời lặn đẹp tuyệt vời trên sông Chobe, một trong những con sông nổi tiếng nhất châu Phi.  Con sông này là nhịp tim của cả khu vực, tạo thành môi trường sống lý tưởng cho vô số động vật phụ thuộc vào nước, trong đó có hà mã, cá sấu…  Trong chuyến cruise này chúng tôi đã thấy nhiều nai, cá sấu, heo rừng, trâu nước, hà mã, nhiều loại chim và nhất là voi, đặc biệt là cảnh đàn voi lội qua sông thật ngoạn mục, voi con dùng vòi quấn đuôi voi mẹ thấy thật thương và cảm động.

              Buổi cơm tối tại Chobe Safari Lodge, tôi đã có dịp thưởng thức món  đuôi cá sấu rất ngon mềm và những món ăn địa phương khác cũng thật ngon.  Hôm sau chúng tôi được chở ra phi trường Victora Falls để bay đến Johannesburg, rồi từ Johannesburg đến London và từ London về lại Los Angelos, một chặng đường dài gần 30 tiếng, kết thúc một chuyến đi thăm châu Phi thật thú vị với những kỷ niệm tuyệt vời khó quên.

    Xin mời quí Thầy Cô, quí anh cḥi và các bạn cùng PL đi thăm vài nước châu Phi qua hình ảnh cho vui.

    https://photos.app.goo.gl/xZNwRqb5qpSA91UFA

    Kính chúc sức khỏe và an lành.

    Thân kính,

    PLang

    Phan Lang

             

             

  • Dương Viết Điền,  KÝ SỰ

    II -Du Lịch Bahamas

    …Đến chiều tối sau khi tranh thủ thời gian để di thăm viếng những nơi có danh lam thắng cảnh, hay những kỳ tích lịch sử của xứ đảo thần tiên nầy, chúng tôi liền vào phòng ăn để dùng cơm tối như chiều qua rồi về khách sạn nghỉ ngơi.

    Sáng hôm sau, chỉ còn một ngày phù du trên thiên đàng nữa nên chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đúng như ngày hôm qua. Kéo đến phòng ăn để dùng điểm tâm đã rồi mọi việc sẽ tính sau.

    Vì trên xứ Đào Nguyên nầy chỉ ăn hai bữa chính: sáng và tối. Thế nên nhiều du khách dùng điểm tâm như bữa ăn chính luôn để trưa khỏi phải ăn, đợi cơm tối ăn luôn. Vì vậy sau khi dùng một ly cà phê sữa và một miếng bánh ngọt, tôi lại ăn thêm một miếng beefsteak, vài lát cà chua và hai lát bánh mì nữa cho trọn phần cơm trưa; lấy cớ thịt beefsteak ở trên thiên đàng sao mà nó mềm và ngon hơn thịt ở hạ giới!

    Không biết có phải thượng đế trên thiên đàng này đã mời ba người Việt Nam vừa trúng giải quán quân quốc tế “Chef de Cuisine” là các cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh ái nữ của anh chị Lê Văn Khoa và Ngọc Hà vừa thắng giải Cooking Champion và $10,000 tiền thưởng trong cuộc thi nấu ăn trong chương trình Chopped của Food Network trên truyền hình Hoa Kỳ, phát hình lúc 8 và 10 giờ tối Thứ Ba 16-4-2013 vừa qua, và  hai cô Luke Nguyễn (Úc Châu), Christine Hà (Master Chef) lên chỉ huy và hướng dẫn mấy cô cậu hoả đầu vụ trên “Atlantic, the Paradise Island” này hay không mà món nào món nấy đều ngon tuyệt cú mèo cả!

    Các du khách từ người Pháp, người Đức, người Anh, người Ý, người Đại Hàn, người Ả Rập, người Ấn Độ, người Tầu, người Mễ Tây Cơ v.v… đều ca ngợi vô cùng.

    Cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh, ái nữ của nhạc sĩ  Lê Văn Khoa và chị  Ngọc Hà.

    Sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi lại lên đường để tiếp tục cuộc hành trình săn lùng những cảnh đẹp của xứ thần tiên, nơi có nhiều huyền thoại vang bóng một thời khi Bahamas đang còn là thuộc địa của đế quốc Anh với câu nói bất hủ đã đi vào lịch sử thuôc địa: Đế quốc Anh, mặt trời không bao giờ lặn!.

    Đang đi trên đường bỗng thấy con cá đối đang bơi dưới suối thật là đẹp mắt, tôi lấy camera ra chụp ngay vài hình.

    Cứ mỗi lần đến một địa điểm khác, nhân viên trực an ninh của địa điểm đó bắt chúng tôi đeo vào tay một vòng tròn, khác với màu sắc của vòng tròn cũ. Biểu tượng này coi như là giấy phép được đi thăm viếng trong địa điểm mới vậy thôi. Sau đó chúng tôi có thể tự do đi ngắm cảnh hay xuống hồ bơi tùy thích.

    Vì chúng tôi chỉ lấy vé vào thăm đảo NASSAU có ba ngày thôi nên còn rất nhiều kỳ hoa dị thảo, cũng như những lâu đài tráng lệ nguy nga, những nơi phồn hoa đô hội của xứ bồng lai tiên cảnh này chúng tôi chưa đến thăm được, đành phải ra về vì đi du lịch cũng đã lâu rồi. Thế rồi khi thấy trời đã về chiều, chúng tôi liền đi lui lại để vào trung tâm Marketplace dùng cơm tối. Sau đó cả gia đình kéo nhau đi một vòng dưới ánh sáng chan hòa của đèn điện đủ màu sắc về đêm, để thưởng lãm những bức tượng, những hình ảnh thuộc về lịch sử của quần đảo Bahamas. Chúng tôi cũng đi ngang qua phòng ngồi uống cà phê Starbucks, ghé đến xem các sòng bài ở casino, nơi các du khách vào đây để giải trí, cũng là nơi các tay triệu phú và những người nghiện cờ bạc đốt tiền như đốt giấy vàng bạc.

    Chụp hình để làm vua một phút

    Lúc đi ngang qua một phòng thấy rất nhiều người vây quanh một chiếc ghế màu vàng đặt trên cao như ghế của vua chúa ngày xưa, tôi liền đến gần để xem. Thì ra có lẽ đây là chiếc ngai vàng của một ông vua nào đó đã trị vì trên quần đảo Bahamas này trong thế kỷ trước. Thấy nhiều người thay phiên nhau lên ngồi trên ghế chụp hình để làm kỷ niệm, tôi cũng leo lên ngồi rồi nhờ người ta chụp một hình để kỷ niệm một phút làm vua trên thiên đàng; dù đây chỉ là thiên đàng của NASSAU, một đảo lớn trong mấy nghìn đảo của quần đảo Bahamas.

    Sau khi đi vòng vo tam quốc trong ROYAL TOWER khoảng hai giờ thì trời đã về khuya, chúng tôi liền về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên đường bay về Miami.

    Sáng hôm sau vừa thức giấc, bà xã tôi mở cửa ra thì thấy mấy tờ giấy nằm trước cửa. Lấy lên đọc thì thấy bản tin thứ nhất là tờ hoá đơn tính tiền, bản tin thứ hai là những lời cám ơn du khách đã quyết định

    chọn Atlantic, the Paradise Island, là nơi để đến du lịch. Cuối cùng là xin hẹn gặp nhau lại tại thiên đàng này trong tương lai!

          Theo chương trình chúng tôi đã vạch sẵn, sau khi dùng điểm tâm xong, gia đình chúng tôi mang hành lý rời khách sạn ra phòng làm thủ tục để lên xe buýt vào phi trường. Trong lúc ngồi chờ đợi gia đình con gái tôi làm thủ tục, tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế ở gần cổng ra vào. Bỗng có một bà người gốc Phi Châu thân hình mập ú, đến ngồi nghỉ bên cạnh tôi. Tôi liền cất tiếng chào bà ta. Bà ta cũng chào lại để đáp lễ. Để đánh tan bầu không khí im lặng, tôi liền hỏi bà ta:

    – Thưa Bà, Bà làm việc trên thiên đàng này phải không?

    Bà ta vừa nhìn tôi vừa cười:

    – Ở đây là thiên đàng?

    Tôi trả lời ngay:

    – Thì đây là thiên đàng chứ còn gì nữa! Bằng chứng là trên tấm bảng thật to trong phòng kia cũng như trên các poster quảng cáo đều có chữ PARADISE. Bà thấy trên hình quảng cáo đằng kia kìa: Atlantic, the Paradise Island!!

    Nghe tôi nói như vậy bà ta cười hì hì hì hì thật to. Đợi cho bà ta cười xong tôi liền nói:

    – Công nhận thiên đường này đẹp thật. Tôi muốn trở lại thăm lần thứ hai mà không được. Tiếc quá!

    Bà ta hỏi ngay:

    – Tại sao vậy, thưa ông?

    Tôi trả lời ngay:

    – Thì bà cũng biết đấy, khi người nào chết, Chúa chỉ cho người đó lên thiên đàng một lần thôi! Thế nên làm sao tôi có thể trở lại thiên đường nầy lần thứ hai được!

    Tôi vừa nói xong bà ta lại cười hi hi hi hi có vẻ khoái chí vì câu nói hài hước vừa rồi của tôi.

    Cuộc đối thoại giữa tôi và người đẹp mập ú gốc Phi Châu vừa dứt thì gia đình tôi gọi lên xe buýt. Thế là lên xứ Đào Nguyên mấy ngày khi giã từ Bồng Lai Tiên Cảnh để bay về lại hạ giới, mấy nàng tiên của Lưu Nguyễn ngày xưa đâu không thấy, lại thấy một nàng tiên gốc Phi Châu mập ú ngồi trên thiên đàng đang vẫy tay chào vĩnh biệt ta! Thôi thế cũng được, miễn sao có Nàng Tiên vẫy tay chào là quý lắm rồi! Được sinh ra rồi sống cho trọn một kiếp người dễ gì gặp được Tiên!

    Để đáp lại nụ cười giã từ của Nàng Tiên da đen mập ú, tôi vừa vẫy tay chào từ biệt nàng vừa hát mấy câu trong bản nhạc của nhạc sĩ nào đó tôi đã quên tên mất:

    “Yêu nhau, cho nhau nụ cười!

    Thương nhau cho nhau một lời.

    Một lời thôi vĩnh biệt!

    Một lời thôi xa nhau!”

    Nhưng rồi thấy nàng tiên lại đứng lên vẫy tay mỗi lúc một mạnh hơn. Xúc động quá tôi liền hát mấy câu cuối trong bài “Vĩnh Biệt” của Nhạc Sĩ Lam Phương để từ biệt nàng:

    Thôi kiếp sau gặp nhau
    Giờ đã muộn màng
    Chỉ biết lỡ làng … !!!

    Lúc xe buýt sắp chuyển bánh để lên phi trường, chợt nhớ cái ba lô nhỏ đựng máy quay phim, máy ảnh trên lưng tôi đâu mất rồi. Thế là cậu Quang và tôi liền xuống xe gấp để lấy ba lô lên. Vì trong lúc chờ xe buýt, tôi để cái ba lô nhỏ đó ở góc tường nơi chỗ tôi và cậu Quang đứng chuyện trò hồi nãy. Sau khi chạy vòng vo tam quốc gần bốn mươi phút thì xe buýt đến phi trường. Chúng tôi vào trong phòng làm thủ tục hải quan để lên máy bay về Miami. Vì NASSAU, thủ đô của quần đảo Bahamas, không phải là lãnh thổ của Hoa Kỳ nên thủ tục hải quan ở đây được thực thi rất kỹ lưỡng trước khi về lại Hoa Kỳ. Như thường lệ, gia đình tôi cũng đã làm thủ tục hải quan tại phi trường nầy không có gì trở ngại. Riêng cá nhân tôi, vì hôm nay là ngày trở về nên tôi nghĩ rằng, có thể nằm hay ngồi lê lết tại phi trường hay khách sạn, để chờ xe buýt hay máy bay nên mặc áo quần gì cũng được. Vì vậy trong số 5 cái quần dài mang theo, tôi lấy đại cái quần kaki và cái áo ca rô màu xanh đỏ tím vàng mặc vào. Đầu tôi đội thêm cái mũ lưỡi trai màu đen nữa, chân mang giày.

    Sau khi tôi bỏ tất cả giày, bóp đựng giấy tờ căn cước, tiền bạc, nón lưỡi trai, nịt, cell-phone vào một cái khay rồi để trên bàn cho chạy qua máy, mọi việc đều êm xuôi. Bỗng anh chàng an ninh phi trường da đen đứng gần tôi bảo tôi đứng riêng một bên để kiểm soát. Không biết vì thấy tôi bề ngoài bận áo quần như thế nó có tưởng tôi là hải tặc từ Caribean đến không. Nằm bơi giữa nắng mấy năm liên tục để chữa bệnh đau lưng nên nước da đã ngâm đen; giờ đây đi tắm biển giữa nắng gần 12 ngày nữa nên nước da càng đen thêm. Đã thế vì chúng tôi còn đi từ hướng Caribean về nên không biết thấy tôi bận áo quần như vậy nó có nghi tôi là hải tặc từ Caribean đến hay không mà chàng an ninh nhất định phải kiểm soát trên người tôi một lần nữa!

    Tên “hải tặc” (áo ca-rô, quần kaki) về từ hướng Caribean, đang ngồi chờ xe buýt đến chở vào phi trường NASSAU để bay qua Miami. Bên cạnh là du khách thăm viếng Atlantis, Paradise Island, Bahamas.

    Khi tôi đứng riêng ra rồi nó bảo:

    – Hands up.

    Tôi liền giơ tay lên cao. Khi tôi đưa tay lên cao thì cái quần kaki của tôi rơi xuống đất vì nó rộng quá và không đeo nịt vì tôi đã lấy nịt bỏ trên khay cho chạy vào máy để kiểm soát rồi! Sở dĩ tôi mua rộng quá mà không sửa vì khi mang nịt vào thắt lại, cũng vừa thôi. Vì quần rơi xuống đất nên tôi phải bỏ hai tay xuống chụp nhanh lưng quần lại để quần khỏi rơi xuống. Khi thấy tôi bỏ hai tay xuống chụp lưng quần, nhân viên an ninh da đen kia lại nói:

    – Hands up!

    Tôi liền đưa tay lên đầu hàng (hands up) lại thì quần tôi lại rơi xuống nữa! Vì thấy quần rơi xuống tôi lại phải bỏ tay xuống chụp quần lại để kéo lên! Thấy tôi không chịu đưa tay lên cao mà cứ bỏ tay xuống nữa nó lại nói lớn:

    – Please hands up!

    Tôi nghĩ bụng, nếu tình trạng cái quần này kéo lên rồi rớt xuống, rồi lại kéo lên rồi rớt xuống nữa cứ tiếp tục hoài thì mệt quá. Vì vậy tôi quyết định đứng chàng hảng hai chân, giang hai chân ra thêm cho thật rộng thì cái quần dài chỉ rơi ngang bắp vế sẽ bị giữ lại thôi khỏi phải rơi xuống dưới xa! Vì anh chàng an ninh da đen này đã ra lệnh 3 lần rồi, tôi nghĩ sự bất quá tam, nên để quần liều như thế cũng được rồi, không thì mệt với nó. Cuối cùng đứng trong tư thế hai chân chàng hảng như vậy là yên chí lớn rồi, nên tôi vừa đưa tay lên cao vừa nói với anh chàng nhân viên kiểm soát da đen kia:

    – OK. Tau đầu hàng mày rồi (hands up), mầy muốn làm gì thì làm!

    Thế là chàng ta cầm một chiếc máy nho nhỏ hình chữ nhật bắt đầu đưa sát vào ngực áo tôi rồi rà từ từ trên ngực xuống bụng. Khi ngang “vùng cấm địa”, không biết nghi ngờ cái gì mà chàng ta rà chầm chậm chầm chậm khiến tôi bật cười làm cái quần suýt rơi xuống đất nữa! Sau đó chàng ta ra phía sau lưng rà từ trên xuống dưới. Khi thấy chàng rà xong rồi tôi liền hỏi:

    – OK. Sir?

     Chàng ta vừa trả lời OK xong thì tôi bay đến cái khay lấy nịt mang vào thắt lưng quần ngay! Đúng là kêu trời không thấu!

    Sau khi làm thủ tục hải quan tại phi trường NASSAU xong, chúng tôi vào phòng đợi để chuẩn bị lên máy bay về Miami. Ngồi chờ khoảng một giờ thì có lệnh lên máy bay. Đúng 2giờ chiều ngày 11 tháng 4 năm 2013, máy bay bắt đầu cất cánh tại phi trường NASSAU, thủ đô của quần đảo Bamahas, nhắm hướng phi trường Miami của tiểu bang Florida trực chỉ.

    Ngồi trên máy bay nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đảo NASSAU, được mệnh danh là thiên đàng của hạ giới, The Paradise Island, đang nổi bật dưới ánh nắng chiều tà thật đẹp mắt. Lúc máy bay bay hơi nghiêng về phía bên phải, tôi thấy tháp ROYAL TOWERS phản chiếu ánh nắng chiều đang đứng sừng sững dưới trời cao, quyện lấy nắng hồng mây trắng trời xanh, làm cho tháp ngà trở nên tráng lệ, ngoạn mục bên cạnh dãy núi rừng thật là hùng vĩ. Rồi đằng kia là tháp The COVE ATLANTIS và The REEF ATLANTIS đang hiển hiện bên bờ đại dương tràn ngập những sóng biển dạt dào.

    Thôi thì thời gian và thủy triều không bao giờ đợi chờ người. Thời gian thì vẫn trôi trôi mãi giữa dòng đời hiu quạnh. Thủy triều thì vẫn lên cao rồi xuống thấp, suốt đời xua đuổi nhau chạy theo thời gian để hòa mình vào cát trắng giữa chốn trần gian.

    Thế nên chúng ta, dù trong tương lai có ghé lại thiên đường hạ giới này để thăm lại cảnh cũ người xưa, hay một nghìn năm sau vẫn biền biệt xa cách nghìn trùng, thì hình ảnh đẹp tuyệt trần của thiên đường hạ giới này vẫn mãi mãi tiềm tàng trong lòng du khách.

    Xin tạm biệt thiên đường Atlantic, The Paradise Island! Xin tạm biệt hải đảo nằm bơ vơ bên cạnh lòng đại dương tận cuối chân trời ngút ngàn xa vời vợi, nơi mà sóng gió ba đào thường hay dậy sóng cuồng điên.

    Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Bahamas” xuất bản năm 2013)             

    Dương Viết Điền

  • Khánh Lan,  KÝ SỰ

    DU LỊCH THU VÀNG

    Trong 4 mùa thì mùa xuân và mùa thu được nhiều người ưa chuộng nhất mà trong ấy có 6 anh em chúng tôi. Còn gì đẹp hơn khi mùa xuân với muôn hoa đua nở và mùa thu với lá vàng khoe sắc, lá đỏ đổi màu…chính vì thế mà mùa thu năm nay, anh em chúng tôi (Quốc Dân, Mạnh Bổng, Kim Hương, Đức Hạnh, Tuyết Nga và Khánh Lan) chọn du thuyền Royal Caribbean, Jewel of the Sea, 10 Night Fall Foliage Northbound Cruise, để đi ngắm lá vàng rơi vùng New England & Canada.

    Mạnh Bổng, Khánh Lan, Tuyết Nga, Đức Hạnh, Kim Hương, Quốc Dân

    New York-New York: Trước khi xuống du thuyền Royal Caribbean, one way from Cape Liberty New Jersey to Quebec City, Canada, chúng tôi ghé thăm thành phố New York mà đã hơn 20 năm nay tôi chưa trở lại. Tôi còn nhớ đó là năm 2000 (Millennium 2000), một năm trước vụ khủng bố 911 (2001).

    New York 2000 với 5 hiệp sĩ “Mù” Mạnh Bổng, Thiên Kim, Khánh Lan, Bích Chi, Đức Hạnh

    The World Trade Center (2000) một năm trước vụ khủng bố 911 Khánh Lan & Đức Hạnh

    Millennium 2000 là năm mà một số người dân trên thế giới cho rằng: “Đó là ngày tận thế!” nên e dè và không dám đi du lịch ra nước ngoài. Vì thế, các hãng du lịch không có nhiều du khách nên đều xuống giá các tour bao gồm land tour, cruise, train và flights, v.v… Chúng tôi (Mạnh Bổng, Khánh Lan, Thiên Kim, Đức Hạnh và Bích Chi) là những kẻ “Điếc không sợ súng, mù không thấy đường và… ham của rẻ” nên quyết định booked a land tour with Trafalgar tour đi Spain và Portago.

    Hello New York (2023)

    Và lần này (2023) chúng tôi ghé lại New York để viếng thăm đài tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong vụ khủng bố 911: Ground Zero Memorial Park. Vụ khủng bố 911 là một vụ thảm sát, kinh hoàng trong lịch sử xảy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã cướp đi sinh mạng của gần 3,000 người trong 102 phút và làm đảo lộn, kiệt quệ nền kinh tế cũng như làm thay đổi cuộc sống của nhiều người trên thế giới và nước Mỹ.

    Ground Zero Memorial Park

    ROYAL CARIBBEAN, JEWEL OF THE SEA, 10 NIGHT FALL FOLIAGE NORTHBOUND CRUISE-NEW ENGLAND & CANADA

    Bao gồm những thành phố: Boston (Massachusetts); Portland (Maine); Saint John (New Brunswich, Bay of Fundy); Sydney (Nova Scotia); Charlottetown (Prince Edward Island) và Saguenay, Quebec.

    Jewel of the Seas là tàu du lịch Radiance do Royal Caribbean điều hành, hoàn thành vào mùa xuân năm 2004 với chuyến đầu tiên vào tháng 5 năm đó. Jewel of the Seas lúc ban đầu với những chuyến du ngoạn từ Rome (Civitavecchia), Ý đến Quần đảo Hy Lạp ở Biển Địa Trung Hải. Tháng 11 năm 2016, Jewel of the Seas tái định vị để đi từ San Juan, Puerto Rico đến các điểm đến ở Caribe. Vào tháng 3 năm 2019, Jewel of the Seas lại tái định vị từ vùng biển Caribe đến Địa Trung Hải và thực hiện các chuyến du ngoạn ở Quần đảo Hy Lạp. Đến tháng 12 năm 2019, Jewel of the Seas đã cập bến tại cảng nhà ở Dubai và thực hiện các chuyến du ngoạn trong Vịnh Ba Tư. Jewel of the Seas đã mang du khách đến một số địa điểm ngoạn mục nhất trên thế giới.

    Jewel of the Seas & Cruise members welcome guests

    Jewel of the Seas có nhiều sinh hoạt và chương trình biểu diễn rất hấp dẫn như rạp chiếu phim trình chiếu những bộ phim cổ điển hoặc những bộ phim cập nhật mới nhất. Du thuyền cũng có một số phim được chọn để chiếu trên màn hình chiếu phim ngoài trời cạnh hồ bơi chính và nhiều sinh hoạt khác như leo tường, đánh gôn, v.v…Các thành viên của du thuyền ngoài việc phục vụ du khách, họ còn tham dự những sinh hoạt giúp vui như diễn hành, đơn ca, đồng ca, dạy khiêu vũ, family field, love and marriage show, v.v…

    International Parade Of Flags with the Jewel Of the Seas Cruise Members

    Dancing all night

    Về phần ẩm thực thì trên trung bình và những quán Café, quán rượu thì sẵn sàng phục vụ du khách. Có hai buổi tối đặc biệt (Formal Evernings) mà du khách thường diện quần áo đep để chụp hình lưu niệm.

    The Formal Everning

    Casino mở cửa chào đón khách yêu thích đỏ đen và encore-worthy entertainment, một chương trình nhạc kịch tuyệt vời từ West End đến Broadway, từ Ấn Độ đến Atlantis trong City of Dreams, Royal Caribbean singers, dancers in Tango Buenos Aires quyến cùng hai vũ công chính đến từ Agentina.

    Dancers in Tango Buenos Aires

    Nhạc kịch từ West End đến Broadway

    Từ Ấn Độ đến Atlantis trong City of Dreams

    VISITING THE PORTS

    Boston, Massachusetts với 400 năm lịch sử, Boston là một trong những thành phố lâu đời nhất nước Mỹ. Các di tích lịch sử và ngôi nhà thời cách mạng, nơi những người yêu nước, những chính trị gia và những nhà thơ nổi tiếng từng sinh sống. Những trò chơi giải trí như chèo thuyền (kayaking) trên sông Charles, hay chơi bóng chày tại công viên Fenway, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những viên đá cuội trên đồi Beacon, hay đi bộ thư dãn trong công viên Freeway đều lý thú. Phần chúng tôi thì tản bộ xuống phố, vừa để tập thể dục “giảm cân” vừa ngắm lá nùa thu đổi màu vàng đỏ và ghé Chinatown thưởng thức món “Hoành Thắn Mì và vịt quay” nấu theo HongKong style do một người Việt Nam mà chúng tôi gặp bên đường giới thiệu…

    Downtown Boston

    Dạo phố Boston & ngắm lá nùa thu đổi màu vàng đỏ

    Chinatown

    Portland, Maine: Portland là thành phố thuộc tiểu bang Maine của Hoa Kỳ, nằm trên một bán đảo kéo dài đến Vịnh Casco. Vì là thành phố ven bờ sông nên tại Old Port có các bến tàu đánh cá, đang hoạt động, do đó một số nhà kho được chuyển đổi thành nhà hàng hoặc cửa hàng bán hải sản.

    The Old Port

    Là một thị trấn nhỏ nhưng lại thu hút nhiều nghệ sĩ, khách sành ănnhững người thích đi biển, yêu mùa đông. Từ Vịnh Casco đến ngọn hải đăng không xa lắm và có thể đi bộ được. Dạo quanh các cửa hàng trên Phố Congress và Cảng Cũ cũng thú vị, hoặc nếm thử các loại bia khác nhau của nhiều nhà máy sản xuất bia tại đây.

    Portland còn là một thành phố có rất nhiều hoạt động giải trí về đêm, mua sắm và du lịch. Gần đó, Western Promenade là công viên công cộng nằm trên đỉnh dốc, có tầm nhìn ra sông và núi. Khu West End xung quanh có nhiều ngôi nhà thời Victoria, trong đó có bảo tàng Biệt thự Victoria.

    Saint John, New Brunswich, Bay of Fundy là thành phố tổ hợp lâu đời nhất của Canada. Saint John cũng là cảng lớn thứ ba của Hoa Kỳ, hiện là thành phố lớn thứ hai trong tỉnh New Brunswich và là thành phố duy nhất nằm trên Vịnh Fundy, nơi có thủy triều cao nhất thế giới. Saint John được thành lập theo hiến chương hoàng gia vào ngày 18 tháng 5 năm 1785, dưới thời trị vì của George III. Cảng này là cảng có trọng tải lớn thứ ba của Canada với cơ sở hàng hóa bao gồm những thùng chứa hàng khô và hàng lỏng, hàng rời.

    Welcome to historic Saint John

    Saint John là một thành phố có những ngôi nhà lịch sử được xây dựng từ cả trăm năm trước.

    Loyalist là ngôi nhà lich sử lâu đời nhất ở thành phố Sain John và được xây từ năm 1811 đến năm 1817 bởi David Daniel Merrit, một người theo chủ nghĩa Trung thành đến từ Rye, New York. Tòa nhà Loyalist đã sống sót sau trận đại hỏa hoạn năm 1877 nhờ những người hầu bao quanh nó bằng khăn ướt.

    Saint John’s Reversing Rapids (Reversing Falls) là một chuỗi các xoáy nước, sóng và ghềnh nước trắng xóa được tạo ra khi thủy triều dâng cao của Vịnh Fundy (cao nhất thế giới) va chạm với Sông Saint John trong một hẻm núi đá ở Saint John, New Brunswick. Đây là một hiện tượng đáng kinh ngạc, phải quan sát ba lần khi thủy triều xuống, thủy triều lên và thủy triều rút.

    • Khi thủy triều xuống, thủy triều của Fundy thấp hơn mực nước sông Saint John. Con sông chảy qua hẻm núi và đổ vào bến cảng Saint John và Vịnh Fundy. Khi nước di chuyển qua hẻm núi, địa hình ngầm buộc nước trở nên hỗn ln với nhiều ghềnh nước trắng xóa và xoáy nước quay theo cả chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ.
    • Khi thủy triều lên, Vịnh Fundy dâng cao trên sông Saint John và sức mạnh của thủy triều thực sự làm đảo ngược dòng chảy của sông, tạo ra những đợt sóng lớn.
    • Mỗi ngày có hai lần thủy triều xuống và hai lần thủy triều lên – mất khoảng 12 giờ 13 phút để di chuyển từ đầu này đến đầu kia của chu kỳ thủy triều. Tuy nhiên, giữa lúc thủy triều lên và xuống có một khoảng thời gian gọi là thủy triều “chùng”. Khi thủy triều xuống, mực nước của Vịnh Fundy và sông Saint John bằng nhau, do đó tạo ra vùng nước yên tĩnh trong hẻm núi. Kéo dài khoảng 20 phút, thời điểm nước triều yếu là thời điểm duy nhất trong chu kỳ thủy triều mà các con thuyền có thể di chuyển qua Thác một cách an toàn. Để tính toán độ chùng thấp, hãy cộng thêm 3 giờ 50 phút vào thời điểm thủy triều xuống. Tương tự, để xác định mực nước triều cao, hãy cộng thêm 2 giờ 25 phút khi thủy triều lên.

    Saint John’s Reversing Rapids (Reversing Falls)

    Khi thủy triều lên tạo ra những đợt sóng lớn

    Sydney, Nova Scotia là một thành phố cũ trên bờ biển phía đông của đảo Cape Breton ở Nova Scotia, Canada thuộc khu đô thị vùng Cape Breton. Sydney được người Anh thành lập vào năm 1785 và được coi như là một thành phố vào năm 1904 và ngày 1 tháng 8 năm 1995 được hợp nhất vào khu đô thị khu vực. Sydney từng là thủ đô thuộc địa của Đảo Cape Breton cho đến năm 1820, khi thuộc địa này sáp nhập với Nova Scotia và thủ đô chuyển đến Halifax.

    Sự gia tăng dân số nhanh chóng xảy ra ngay sau đầu thế kỷ 20, khi Sydney trở thành nơi có một trong những nhà máy thép chính của Bắc Mỹ. Trong cả Thế chiến thứ nhất và thứ hai, đây là khu vực chính của các đoàn xe đi Anh. Nhưng đến thời kỳ hậu chiến sự sụt giảm lớn về số lượng người làm việc tại nhà máy thép của Tập đoàn Thép và Than Dominion, vì thế chính phủ Nova Scotia và Canada đã phải quốc hữu hóa nhà máy này vào năm 1967 để thành lập tập đoàn vương miện mới gọi là Tập đoàn Thép Sydney.

    Dân số thành phố đã giảm đều đặn kể từ đầu những năm 1970 và SYSCO đã bị đóng cửa vào năm 2001. Ngày nay, nguồn lợi tức chính của Sydney là ngành du lịch. Cùng với Sydney Mines, North Sydney, New Waterford và Glace Bay, Sydney tạo thành khu vực được gọi là Mũi Breton Công nghiệp.

    Với nét đẹp của đô thị bởi những tòa nhà cổ điển, kiến trúc và được xây dựng từ thế kỷ 18 đã đáp ứng lòng hiếu khách của các du khách. Sydney có rất nhiều sân chơi gôn (golf), có con đường mòn Cabot nổi tiếng, có âm nhạc sôi động theo nhịp điệu Celtic, có lối đi bộ lót ván, có trung tâm Di sản và Khoa học Cape Breton.

    Sydney Harbour

    Sydney có những ngôi làng cổ kính ở vùng North Sore, đặc biệt là những lối đi bộ được lát những tấm ván nhỏ, gọn ven bờ sông, bạn có thể tản bộ qua các khu vực lịch sử di sản của hàng hải.  

    Charlottetown, Prince Edward Island: Charlottetown là thủ đô của Đảo Hoàng tử Edward, Canada. Nó nằm trên bờ biển phía nam của tỉnh. Di tích Lịch sử Quốc gia Province House đã tổ chức Hội nghị Charlottetown năm 1864. Victoria Row có các cửa hàng, nhà hàng và Trung tâm Nghệ thuật Liên bang, nơi biểu diễn vở nhạc kịch dựa trên “Anne of Green Gables”. Gần đó là Nhà thờ St. Dunstan theo phong cách Gothic Revival. Charlottetown trong bầu không khí của thời đại Victoria của Charlottetown, thủ phủ của Đảo Hoàng tử Edward.

    Canada vào những ngày cuối thu mang theo cơn gió đông lạnh buốt da thịt. Những cơn mưa tuyết bắt đầu rơi phủ kín hai bên đường của xa lộ dẫn vào phố cổ Quebec (Little Paris). Xa xa, từng rặng thông cao vun vút, đứng xừng xững trên những thảm cỏ tuyết trắng xoá…Tuyết ở khắp nơi, đọng trên nhánh cây, cành lá, rơi trên nóc nhà, thảm cỏ xanh…lóng lánh và trắng xoá như những tảng băng hà ngoài khơi trôi dạt vào bờ…trông đẹp như một bức tranh.

    Đồi thông tuyết phủ

    Saguenay, Quebec, Canada là một thành phố ở vùng Saguenay–Lac-Saint-Jean của Quebec, Canada, trên sông Saguenay, nằm ở nơi hợp lưu với sông St. Lawrence. Saguenay,cách Thành phố Quebec khoảng 200 km (120 mi) về phía bắc bằng đường bộ, cách Tadoussac khoảng 126 km (78 dặm) về phía thượng nguồn và tây bắc. Saguenay được thành lập vào năm 2002 bằng cách sáp nhập các thành phố Chicoutimi và Jonquière và thị trấn La Baie. Chicoutimi được thành lập bởi thực dân Pháp vào năm 1676.

    Cùng với đô thị hạt khu vực Le Fjord-du-Saguenay tạo thành bộ phận điều tra dân số (CD) của Le Saguenay-et-son-Fjord (94) và là trụ sở của khu tư pháp Chicoutimi.Thành phố được chia thành ba quận: Chicoutimi (bao gồm thành phố cũ Chicoutimi, cũng như thị trấn Laterrière và Tremblay), Jonquière (bao gồm thành phố cũ Jonquière, Lac-Kénogami và Shipshaw) và La Baie (tương ứng với đến thành phố cũ La Baie). Cái tên Saguenay có thể bắt nguồn từ từ Innu “Saki-nip”, có nghĩa là “nơi nước chảy ra”. Saguenay nổi tiếng là thơ mộng với một nhà thờ sừng sững trên nền trời, những ngọn đồi nhấp nhô, những hàng cây vàng óng. Thành phố Saguenay nổi tiếng với Saguenay Fjord và là Fjord cực nam ở Bắc bán cầu.

    Phố cổ Quebec: Thành phố Quebec thành lập năm 1608, là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Canada và nằm bên sông Saint Lawrence ở tỉnh Québec, Canada. Đây là thành phố có tường bao quanh duy nhất còn sót lại ở Bắc Mỹ, phía bắc Mexico và được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1985.

    Ngoài việc là một địa điểm du lịch lớn, Quebec còn là một trung tâm hành chính và thành phố cảng cho thương mại xuyên Đại Tây Dương. Vị trí của nó ở nơi hợp lưu của sông St. Lawrence và Saint-Charles, cách Montréal khoảng 150 dặm (240 km) về phía đông bắc. Quebec mang lại một số lợi thế quân sự chiến lược quan trọng vì sự thu hẹp của sông St. Lawrence, Quebec trở thành nơi xa nhất cho các tàu đi biển ngược dòng có thể di chuyển qua lại và nếu đứng trên một sườn núi cao của thành phố bạn có thể nhìn bao quát ra đến tận dòng sông Lawrance. Năm 1842 trong chuyến thăm của Charles Dickens, ông đã gọi Quebec là “Gibraltar của Bắc Amerca”.

    Nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier là người đầu tiên khám phá ra khu vực này khi ông trên đường đến Châu Á để tìm kiếm các khoáng sản có giá trị như vàng và kim cương. Trong chuyến hành trình thứ hai đến Bắc Mỹ năm 1535, Jacques Cartier dừng thuyền trên dòng sông St. Lawrence, ông nghỉ chân tại làng Stadacona của người da đỏ Huron (địa điểm của thành phố Quebec hiện đại) và trong chuyến đi thứ ba vào năm 1541 và cũng là chuyến đi cuối cùng Jacques Carier, ông đưa một số người đến định cư và thành lập thuộc địa của Pháp tại Stadacona. Nhưng mãi cho đến măn 1600, khi lông thú trở thành một mặt hàng có giá trị thì người Pháp mới nghĩ đến việc duy trì quyền kiểm soát tại Quebec.

    Năm 1608, Samuel de Champlain thiết lập căn cứ lâu dài đầu tiên ở Canada tại Quebec và phát triển thành phố Quebec thành một trạm buôn bán lông thú và đã mang lại cho người Pháp khả năng kiểm soát việc buôn bán lông thú tại nội địa Bắc Mỹ. Từ năm 1629-1632, người Anh chiếm Quebec cho đến khi Hiệp ước Saint-Germain-en-Laye ra đời, người Anh mới trao trả Quebec lại cho Pháp.

    Tuy nhiên, khi mặt trận Quebec nổi tiếng trên Đồng bằng Abraham (liền kề thành phố) vào năm 1759, Pháp bại trận và phần lớn lãnh thổ do Pháp nắm giữ ở Bắc Mỹ đã được nhượng lại cho Vương quốc Anh theo Hiệp ước Paris năm 1763. Tuy chiến tranh trong khu vực không kết thúc bằng việc chiếm được Quebec, Người Anh đã tăng cường lực lượng phòng thủ quân sự của thành phố và kịp thời đẩy lùi một cuộc tấn công trong Cách mạng Mỹ. trong Trận Quebec lần thứ hai vào năm 1775. Sự ly khai của Hoa Kỳ khỏi Bắc Mỹ, Anh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, kinh tế và chính trị đối với Quebec. Theo Đạo luật Quebec năm 1774, người Canada gốc Pháp vẫn giữ được ngôn ngữ, tôn giáo và các thể chế văn hóa khác, do đó thành phố Quebec vẫn là trung tâm văn hóa Pháp.

    Năm 2008, Quebec kỷ niệm 400 năm thành lập và chúng tôi (Mạnh Bổng & Khánh Lan) có dịp đến Quebec thăm gia đình một người bạn gốc pháp quốc tịch Canada, Nicole Sévigny.

    Nicole & Khánh Lan (2008)

    Nicole, Mạnh Bổng and Nicole’s mother

    Hôm ấy là một ngày mưa tầm tã, nhưng cũng không làm chùng bước những giáo dân đến dự thánh lể do Đức Thánh Cha (Đức Hồng Y) gián tiếp truyền hình và truyền thanh từ Vatican City. Quebec ăn mừng 400 thành lập rất lớn và hầu như đa số các buổi concert ngoài trời đều cho vào cửa tự do. Các cửa hàng thời trang bán giảm giá và các quán ăn cũng có giá đặc biệt.

    Năm nay (2023) cũng như năm 2008, mùa đông đã về trên mảnh đất Canda và mang theo những cơn gió giá buốt. Vì thế mà thành phố cổ Quebec hôm nay chìm trong mưa với bầu trời màu xám nhạt với hàng hàng lớp lớp bụi tuyết nhỏ li ti bay lơ lửng trên không như thể bầu trời đang bị che phủ bởi một tấm voan mỏng màu trắng đục. Từng nẻo đường, góc phố gần như vắng hẳn bóng người dù đó là ngày cuối tuần. Một số người (có lẽ là du khách) bước vội vã dưới mưa, ngoại trừ chúng tôi, vẫn phớt tỉnh “Ông Trời” thơ thẩn, nhẩn nha chụp hình và ngắm phố.

    Quebec 2008 & 2023

    Phố cổ Quebec xưa nay vẵn nổi tiếng là có những nét quyến rũ với vẻ đặc trưng của thế giới cổ xưa, hơn thế nữa, Quebec mang đến cho du khách cơ hội thưởng thức hương vị  và ẩm thực của nước Pháp mà không cần rời khỏi lục địa.

    Dòng sông St. Lawrence hùng vĩ từ Terrasse Dufferin và Lâu đài Frontenac tuyệt đẹp.

    Phố cổ Quebec năm nay chào đón lễ Giáng Sinh tưng bừng với các cửa hàng bày bán những sản phẩm cho mùa Giáng Sinh. Những nơ xanh nơ đỏ buộc vòng quanh cửa xổ, cửa ra vào. Những bóng đèn tím, hồng, cam, vàng treo lấp lành trên cây, nơi cao ốc, trên đường phố, chen lẫn giữa những hàng cây với lá vàng, lá đỏ còn vương lại của cuối mùa thu…Phố cổ Quebec như ru hồn lữ khách đa tình với vẻ đẹp thơ mộng lạ thường dưới tia nắng yếu ớt của một ngày mưa. Có lẽ, Phố cổ Quebec sẽ đẹp bội phần trong những ngày nắng ấm chẳng kém gì thủ đô ánh sáng Paris, trách sao nó được mệnh danh là “Little Paris“…

    Christmas shopping

    Dạo phố cổ Quebec dưới mưa

    Phố cổ Quebec nổi bật với những con đường hẹp lát đá cộng thêm khung cảnh lộng lẫy của thành phố với cảnh trí xung quanh. Gần nhất là hai thành phố kiên cố, Vieux-Québec và Place Royale với những tòa nhà bằng đá và những con đường lát đá của quận Petit Champlain, nơi có nhiều quán rượu và cửa hàng nhỏ. Những con đường trải sỏi của Haute-Ville và Basse-Ville hay ghé vào các cửa hàng bánh ngọt để thưởng thức bánh kem cuộn hoặc bánh creperie nổi tiếng của Quebec.

    14 ngày du lịch ngắm lá vàng rơi qua nhanh như một cơn gió thoảng nhưng đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp.

    Khánh Lan, Oct. 2023

    *** Tài liệu dựa theo Wikipedia, the free encyclopedia.

  • KÝ SỰ,  Viet-Hải

    Đỗ Bình: Nhà thơ và nhân cách đáng quý.

    Tôi biết anh từ lâu: nhà thơ Đỗ Bình, một nghệ sĩ đa tài về văn, thơ và nhạc; tính tình đôn hậu, hòa nhã, khiêm cung, ba dặc diểm khiến tôi quý trọng anh.

    Là chiến sĩ quốc gia thuộc ngành chiến tranh chính trị, vào tù gulag, CS hành hạ anh dã man, hậu quả nay anh mang bệnh. Đỗ Binh thẳng thắn, cương trực, nhưng không sinh sự với bạn bè, anh chọn phong thái đứng ngoài những tranh châp, bút chiến, những chuyện đời thường vốn đau đớn lòng như thi ca của cụ Tố Như-Thanh Hiên.

    Sau đây, tôi xin giới thiệu về anh đối với bạn bè trong ngoài Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian qua những ý tưởng anh viết hay nói chuyện, mà hôm Hội ngộ bạn bè từ Pháp Mỹ tại nhà hàng Sài Gòn (Paris) chị Teresa Thanh Vân không tiếc lời khen tài nói chuyện văn thơ của anh.

    Thơ thăm hỏi của nhà thơ Đỗ Bình Paris, xin theo dõi sau đây…

    Một số bạn bè Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian trong chuyến Âu châu du.

    “Subject: Re: THƯ PAIRS

    Qúy Anh Chị mến

    Do sức khỏe hôm nay tôi mới hồi âm đến các bạn.

    Các bạn Paris rất vui khi đọc đưọc bản bút ký của nhà văn Khánh Lan, nhà văn Trần Việt Hải. Ngày 20 tháng 9 vừa qua, các bạn đã mang cho chúng tôi một món quà tinh thần trong buổi hội ngộ qua sự thân thiện chân tình. Những lời phát biểu về sinh hoạt văn học nghệ thuật của Nhóm Nhân Ảnh Nghệ Thuật& Tiếng Thời Gian, Nhóm Hậu Duệ của Tự Lực Văn Đoàn, cũng như cảm nghĩ của các anh chị. Chúng tôi được thưởng thức những giọng ca truyền cảm, độc đáo  của Lệ Hoa, Thụy Lan, Mạnh Bổng đã trình bày những ca khúc giá trị làm tăng giá trị buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật Thu Paris. Hình ảnh của nhà văn Nguyễn Ngọc Cường chúng tôi cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại người bạn cùng sinh hoạt chung vừa ra đi là KTS, TS Nguyễn Tường Hùng , một nhà đạo diễn có tài của Pháp. Ông là anh cả của nhà văn Nguyễn Ngọc Cường. Chúng tôi thấy nhà văn Trần Việt Hải ngồi xe lăn xuất hiện, hình ảnh đó làm xúc động các bạn Paris vì gợi nhớ hình ảnh ngồi xe lăn đi sinh hoạt văn hóa của các nhà văn đã tận tụy với văn chương chữ nghĩa như: Duyên Anh, nhà văn Hồ Trường An, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh (là một trong hai vị nữ giáo sư phái nữ duy nhấtt của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm xưa: GS Thái Hạc Oanh Paris, GS Nguyễn Thị Thịnh ở San Jose), nhà văn Trần Tam Tiệp, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhà thơ, nhà biên khảo Phương Du (Một trong 10 vị bác sĩ đầu tiên của QLVNCH).

    Sự mê say văn chuuơng, hăng say và tận tụy trong những sinh hoạt văn học nghệ thuật, cũng như tấm lòng trọng Thày, qúy các bậc trưởng thượng của nhà văn Trần Việt Hải ở Cali  khiến các bạn Paris ngưỡng mộ. Tôi thường ra vào nhà thương, thêm bệnh mới của tuổi đời về cột sống, nhưng gặp các bạn tôi thấy tâm hồn vui, lên tinh thần  bỗng dưng sau hôm đó đi đứng trở lại khá hơn. Nghe lời ca khúc Triệu Đóa Hoa Hồng của Vương Trùng Dương tôi lòng lâng lâng theo giai điệu lời ca.

    Cuộc du lịch của các bạn thăm xứ Pháp và một số nước Âu Châu thật đáng giá, vì đó là những nới rất giá trị, không những đẹp mà còn mang tính văn hóa ịch sử.

    Các anh chị Paris nhờ tôi chuyển lời thăm và cảm ơn những tình cảm của các anh chị đối với các bạn.

    Chúc các anh chị nhiều sức khỏe. 

    Thân mến

    Đỗ Bình  “


    Tôi giữ nguyên nội dung thơ Đỗ Bình gửi ra như sau:

    “Objet : Re: Bản Chương Trình Thu Paris Văn Học Nghệ Thuật 20 tháng 9

    Thưa các Anh Chị

    Xin gởi các Anh Chị bản chương trình ngày 20 tháng 9 năm 2023, mong gặp các anh chị. Xin các anh chị tìm nghe lại giai điệu hai ca khúc Lối Về Xóm Nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Hưng và Trăng Mờ Bên Suối của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên để hôm đó chúng cùng đồng ca.    Lời của những ca khúc Trăng Mờ Bên Suối, và Lối Về Xóm Nhỏ sẽ được in ra nhiều bản để chúng ta cùng hát.

    Thân mến,

    Đỗ Bình”

    Sujet: Chiều Văn Học & Nghệ Thuật

    MC: NhS Thẩm Thái Hà, BS Nguyễn Bá Linh.

    Quay Phim: KS Trần Đình Quốc.

    Âm Thanh KS Lê Minh Triết.

    CHƯƠNG TRÌNH

    Phần I

    12h00 Tiếp Tân

    12h10 Khai Mạc :

    Nhà văn Đỗ Bình giới thiệu các văn nghệ sĩ từ Mỹ sang (15’).

    TS Nguyễn Thị Phượng Anh và BS Nguyễn Tối Thiện phát biểu cảm tưởng (5’).

    Luật gia  Đoàn Trần Thiều : phát biểu cảm tưởng.(2’)

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Cường: Vài Nét Vê Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. (7’)

    Nhà văn Khánh Lan Vài Nét Về Nhóm Nhân Ảnh Nghệ Thuật &Tiếng Thời Gian( 7’).

    Nhà văn Trần Việt Hải phát biểu Cảm Tưởng. (3’)

    GS Hoàng Đức Phương: Vài Nét Về Văn Hóa Thuần Việt.(7’)

    Phần II

    13h10 Dùng Cơm.

    Phần III

     14h00 Nhạc Thính Phòng : Tình Thơ Trong Ý Nhạc

    Nhà văn Đỗ Bình : Vài nét về guồn cảm hứng sáng tác những ca khúc trữ tình của một số nhạc sĩ vang bóng một thời: Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Lê Mộng Nguyên, Lê Trạch Lựu, Trịnh Hưng, Phạm Trọng Cầu, Quốc Dũng, Vũ Đức Sao Biển.(3’)

    Bên Nhau Ngày Vui, nhạc Quốc Dũng, Lê Hoa trình bày.

    Hai ca khúc: Trăng Mờ Bên Suối của Lê Mộng Nguyên và Lối Về Xóm Nhỏ, sẽ do tất cả những người hiện diện cùng hát.

    Ngọc Lan, nhạc & lời Dương Thiệu Tước, Hồng Loan trình bày.

    Em Tôi của Lê Trạch Lựu Đỗ Bình trình bày.

    Thu Hát Cho Người: nhạc&lời Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Dung trình bày.

    Mùa Thu Paris qua Âm nhạc:

    GS Nguyễn Bảo Hưng : Vài nét độc đáo trong văn hóa Paris. Thái Hà trình bày ca khúc minh họa Les Feuilles Mortes , thơ Jacques Prévert, nhạc Joseph Kosma.

    Mùa Thu Paris, thơ Cung Trầm Tưỏng, nhạc Phạm Duy, Mạnh Bổng trình bày.

    Chiều Trên Sông Seine, thơ &nhạc Đỗ Bình, Thúy Hằng trình bày.

    Mùa Thu Không Trở Lại, nhạc &Lời Phạm Trọng Cầu, Kim Thu trình bày.

    Phần IV

    15h50 Mạn đàm với văn nghệ sĩ.

    17h00       Chấm dứt.


    Sau dây tôi xin tóm lược nội dung Đỗ Bình kể chuyện, mà nhà văn Vương Trùng Dương vì kẹt babysit giữ cháu ngoại như nhà văn Dương Việt Điền phải ở Nam Cali, nên không biết Đỗ Binh nói gì mà madame Teresa Thanh Văn Virginia khen nồng nàn, mà ông Vương Trùng Dương (aka tên cúng cơm Trần Văn Dưỡng) nóng lòng biên email “sao 2 bạn Khánh Lan và Việt Hải lại im lìm vậy cả”. Thôi thì hôm nay xin gởi bài cho sư huynh Dương Trần dây nhé…

    Trong buổi lễ Chiều Văn Học & Nghệ Thuật tại nhà hàng Sài Gòn, Paris.

    Nhà văn Đỗ Bình nhắc đến bài viết của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian “Nhìn về phương diện văn hoá tại Nam California”, được dăng trong ấn phẩm biên khảo công phu của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris,… tóm lược như sau:

    Ban Biên Tập chúng tôi, Vương Trùng Dương, Trần Mạnh Chi, Trần Việt Hải và Lưu Khánh Lan xin gởi đến Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris bài “Nhìn Về Văn Hóa Tại Nam California”.  Bài được đúc kết gồm ba phần sau đây:

    • Phần 1:  Về Văn Hóa VN Nam Cali.

    (Bài của Khánh Lan, Trần Việt Hải ) 

    • Phần 2:  Về Nền Báo Chí Tại Miền Nam California.

    (Bài của Vương Trùng Dương)

    • Phần 3:  Bảo Tồn Việt ngữ Tại Miền Nam California.

    (Bài của Trần Mạnh Chi)

    Phần 1:  Về văn hóa tại miền Nam California:

    Khánh Lan và Việt Hải   

    Định nghĩa văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, báo chí, truyền thông, giáo dục, v.v…Riêng vùng Nam California của nước Mỹ, từ mùa thu năm 1975 là thời điểm bắt đầu cho những hứa hẹn một “Trung tâm văn hóa” của người Việt ở hải ngoại, bởi vì chính quyền Mỹ thiết lập một trại tiếp cư Pendleton, đón nhận người tị nạn Việt Nam lớn nhất nhất tại Hoa Kỳ.   Camp Pendleton tọa lạc ở vùng Oceanside, cách San Diego độ 38 miles (hay 62 kilometers) và cách thành phố Wewstminster khoảng 58 miles (hay 93 km).  Camp Pendleton là một căn cứ của Thủy quân Lục Chiến Mỹ, ngay từ đầu tháng ba năm 1975, trại tị nạn Pendleton đã tiếp nhân 20,000 người Việt, trong số này rất nhiều người tài hoa về phạm vi văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa qua trại này, rồi phân tán ra các nơi khác trên nước Mỹ, đặc biệt là một số đông văn nghệ sĩ đã định cư và sinh hoạt văn hóa tại miền Nam California.

    Nói về văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ văn hóa lấy yếu tố nhân bản con người làm gốc:  Đó là yếu tố dân tộc sinh tồn, lấy yếu tố cội nguồn lưu truyền làm nền và yếu tồ khai phóng giáo dục để xã hội được tự do, thăng hoa, mở mang và phát triển.  Để lưu truyên văn hóa gốc thì vấn đề giảng dậy tiếng Việt vô cùng hệ trọng.  Tại miền Nam California từ hạt Santa Barbara hướng Bắc xuống tới hạt San Diego ở tận cuối hướng Nam của hoa kỳ, có rất nhiều trường dạy Việt ngữ. …

     Bài viết khá dài, xin xem đính kèm.

    —————————————————

    Đỗ Bình kể chuyện về nhạc sĩ Trịnh Hưng Paris khiến madame Teresa Thanh Vân nghe mùi tai nên vỗ tay lốp bốp…

    Lối về xóm nhỏ & Tôi yêu (với NS. Trịnh Hưng)

    Cuộc đời, nhạc sĩ Trịnh Hưng tên thật là Trịnh Hưng (sau này đổi tên thành Nguyễn Văn Hưng) sinh năm 1930 tại Hà Nội. Cha ông là một quan huyện, còn mẹ là thứ thiếp. Ông mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi nên sống với một người bà con ở Hà Nội.

    Từ năm 1945 đến 1953, ông tham gia kháng chiến chống Pháp với chức vụ Đội phó văn công Trung đoàn Thăng Long.

    Năm 1954, ông hồi thành rồi theo đoàn người di cư vào miền Nam. Tại đây, ông mở lớp nhạc dạy đàn, sáng tác và luyện giọng tại đường Cao Thắng – Sài Gòn. Học trò của ông có nhiều người thành danh như Ánh Tuyết, Bạch Yến, Thanh Thúy, Đỗ Lễ, Phạm Thế Mỹ và đặc biệt là nhạc sĩ Trúc Phương. Ông bắt đầu sáng tác nhạc vào những năm 1950 nhưng khoảng sáu năm sau mới được chú ý. Nhạc của ông lời ca mộc mạc, trong sáng, vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn dã.

    Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam. Năm 1980, con trai cả của ông bị bắt đi lính sang Campuchia chống Khmer Đỏ, chịu không nổi nên đã bỏ trốn. Hai năm sau bị công an bắt được và hành hung đến chết. Trịnh Hưng phẫn uất nên đã viết bài “Ta quyết tâm giết lũ Hồ”[1], cũng vì bài này nên Trịnh Hưng bị đi tù 8 năm ở Hàm Tân. Năm 1990, sau khi ra tù, ông được con gái bảo lãnh sang Pháp. Tại đây, ông theo đạo Tin Lành và cộng tác với các tạp chí văn học.

    Ông mất ngày 10 tháng 5 năm 2008 tại Paris, Pháp. Sáng tác hơn 25 bái ca về quê hương và tình ca. NS. Trịnh Hưng và các nhạc bản đượm tình quê hương

    ——————————————————

    Kế tiếp Đỗ Bình kể về Nhà văn Duyên Anh thời xưa và thời ở Paris…

    Duyên Anh, Đắng cay của một người tù do Đỗ Bình ghi nhận như sau.

    Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình nghèo. Di cư vào Nam năm 1954, một thời gian lại về Mỹ Tho mở lớp trường dạy đàn guitare tại gia, rồi lại bỏ trở về Sài Gòn, ở đây ông được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn thương mến nâng đỡ hướng dẫn vào con đường văn chương, tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý đã nổi tiếng, tiếp theo là những tác phẩm Thằng Côn,Thằng Vũ, Con Thúy được độc gỉa yêu thích, nhất là đối với những độc giả di cư, văn của ông rất lãng mạn đầy hoài niệm về thời kỳ ấu thơ tại quê hương miền Bắc. Tên tuổi của Duyên Anh sáng chói trong lòng giới mộ điệu và từ đó sự nghiệp văn chương của ông thăng tiến. Ngoài nghề viết văn, ông còn làm ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…Những tác phẩm của Duyên Anh trước năm 1975 thường mang tính hiện thực xã hội diễn tả những mảnh đời sống trong một góc khuất ở những con hẻm, những ngõ cùng nơi đô thị. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi. Sau biến cố 30 tháng 4.1975, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Mai Thảo, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn bị nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng” và tác phẩm bị cấm lưu hành.Trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam tháng 4.1976 của nhà cầm quyền CS ban hành, Duyên Anh cùng chung số phận với các văn nghệ sĩ khác đều bị bắt vào tù. Ông được ra tù tháng 11 năm 1981, sau đó ông vượt biên. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại mang tính phê phán chế độ độc tài Cộng sản VN, sách ông được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn Thời gian này, ông còn làm thơ và soạn nhạc. Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này. Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp, để lại hơn 100 tác phẩm.

    Tôi qúy nhà văn Duyên Anh ngoài tài năng còn ở một nghị lực phi thường. Bản tính nghệ sĩ trong anh quá mãnh liệt, tâm hồn anh là một khoảng rộng chứa sự bao dung và tha thứ. Anh chọn cho mình một con đường riêng để đi, những điều anh nói phát ra từ con tim mà người đời chưa quen hay không muốn nghe về triết lý sống. Đó là quyền sống và sự tự do, nên anh đã dung nạp cả thiên đường lẫn địa ngục mà trên đời chưa có người nào đặt chân đến!Đỗ Bình, Paris 05.12.2016.

    Madame Teresa Thanh Vân tiếp tục vỗ tay, về sau madame cho biết madame là độc giả của những Mơ Thành Người Quang Trung, Nắng Chiều Quê Nội, Ngày Xưa Còn Bé, Tuổi Học Trò,  Hoa Thiên Lý, Nhà Tôi, Điệu Ru Nước Mắt,…

    ———————————————

    Khi Đỗ Bình kể vể NS. Lê Trạch Lựu Paris, tôi chạnh nhớ ông bạn Cỏ Thơm Phan Anh Dũng và tác phẩm “Văn Nhân & Tình Sử” của nhà văn Vương Trùng Dương, sách có bài viết về một chuyện tình đẹp về kỷ niệm và thơ mộng như: “Lê Trạch Lựu và Tình Khúc Em tôi”, ở trang 167, đây là một mối tình mang theo mãi một đời người. Nhạc phẩm Em Tôi ra đời đầu năm 1953 đến nay vẫn tiếp tục đem đến cho người nghe những xúc cảm như gần, như xa của một thời tưởng như đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm rung động trái tim những thính giả trẻ tuổi ở thế hệ bây giờ. Đằng sau ca khúc lãng mạn này là một cuộc tình mang theo từ thuở vừa biết yêu cho đến tuổi xế chiều khi nhạc sĩ sáng tác liên lạc lại người xưa qua đường dây điện thoại viễn liên. Nay chuyện ấy đã chìm vào danh sách những thiên tình sử đẹp trong lãng mạn và lưu luyến kèm theo bạn tình ca Em Tôi bất hủ.

    ———————————————

    Em tôi: Lê Trạch Lựu và mối tình theo mãi một đời.

    “Em tôi” ra đời đầu năm 1953 đến nay vẫn tiếp tục đem đến cho người nghe những xúc cảm như gần, như xa của một thời tưởng như đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm rung động trái tim những thính giả trẻ tuổi ở thế hệ bây giờ. Đằng sau ca khúc lãng mạn này là một cuộc tình mang theo từ thuở vừa biết yêu cho đến tuổi xế chiều khi nhạc sỹ sáng tác “gặp” lại người xưa qua đường dây điện thoại viễn liên. Hôm nay nhạc sĩ Lê Trạch Lựu nói về câu chuyện tình đã đưa chúng ta đến với “Em Tôi”, mời quí vị cùng theo dõi với Lan Phương sau đây.

    Lê Trạch Lựu rời Việt nam thời loạn ly năm 1951, bỏ lại sau lưng một mối tình, không hiểu người yêu của mình ở phương nao khi mà khói lửa, chiến tranh, tản cư, ly tán đã đẩy mọi người vào tình huống chẳng biết những người thân của mình còn sống hay đã chết.

    (theo Phưong Lan, VOA)

    ————————————————-

    Chính nhạc sĩ Lê Trạch Lựu đã tâm sự rằng: Cái bóng của “Em Tôi” che mờ những tác phẩm khác của ông…

    “Nhạc của tôi người ta không biết nhiều, người ta chỉ biết đến ‘Em Tôi’ thôi. Ở Hà Nội, ông Thẩm Oánh có ra một bài của tôi là bài ‘Thôn Chiều’, ông ấy quí bài đó lắm. Sang Pháp, nhớ quê hương, tôi làm bài ‘Nhớ’ được trình bày trên đài phát thanh Hà Nội, và Sài Gòn sau này. Bài thứ ba là bài ‘Em tôi’. Bài ‘Em Tôi’ được người ta quí trọng nó quá nên thên hạ quên mất ‘Nhớ’ và ‘Thôn Chiều’.”

    Khoảng 20 năm sau khi “Em Tôi” ra đời, vẫn nỗi nhớ người xưa, nhạc sĩ họ Lê đã sáng tác “Cành Mai Tóc Ngắn”.

    —————————————

    Madame Teresa Thanh Vân say sưa nghe thuyết giảng và không quên vỗ tay tiếp…

    Đỗ Binh và ông Dương Trần đều có bài về NS Lê Mộng Nguyên Paris

    Tin tức cho biết: “Lê Mộng Nguyên đã qua đời ngày 19 tháng 5 vừa qua, đã  hỏa thiêu 9 ngày sau”. Về tiểu sử của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã được phổ biến trước đây. Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần tại Việt Nam, Lê Mộng Nguyên sang Pháp du học. Năm 1949, ông sáng tác nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối được thành danh nên ban đầu ông muốn theo học hòa âm tại Trường Âm Nhạc Paris nhưng sau đó sang học Luật và Kinh Tế tại Đại Học Paris 1 Panthéon Sorbonne (Faculté de Droit et de Sciences Economiques).Năm 1954, Lê Mộng Nguyên tốt nghiệp cử nhân Luật. Từ năm 1955 tới năm 1958, ông được mời làm tùy viên kinh tế và xã hội cạnh Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Paris (Attaché économique et social près l’Ambassade du Vietnam à Paris) dưới quyền của Đại Sứ Việt Nam Phạm Duy Khiêm. Sau đó ông thi đậu cuộc thi để được hành nghề luật sư. Năm 1962, ông đậu Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État) về Droit Public, Droit Privé và Sciences Politiques. Sau khi thôi hành nghề luật sư, năm 1967, ông dạy Luật Hiến Pháp (Droit Constitutionnel) và Khoa Học Chính Trị (Sciences Politiques) tại Đại Học Franche-Comté Besançon, miền Đông nước Pháp.  Năm 1985 ông quay lại Paris và giảng dạy tại Đại Học Paris 8 Saint Denis đến khi về hưu năm 1997.

        Lê Mộng Nguyên thành hôn với Nicole Moulin, một phụ nữ người Pháp vào ngày 8 tháng 1 năm 1959. Hai người không có con. Ông cũng chưa từng về lại Việt Nam từ khi đi du học năm 1950. Ngày 5 tháng 12 năm 1997, Lê Mộng Nguyên được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Académie des Sciences d’Outre-Mer) của Pháp. Lê Mộng Nguyên là người Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm Hội Viên Chính Thức (Membre Titulaire), trước đó, đã có một số người Việt làm Hội Viên Liên Lạc (Membre

    Correspondant) như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm…

        Về lãnh vực âm nhạc, ông tự học nhạc từ khi còn nhỏ ở Huế, đàn mandoline, guitar và violon. Ca khúc đầu tay Xuân Tươi vào năm 15 tuổi ký tên Lan Đào. Bài nhạc Mừng Khánh Đản sáng tác vào năm 1948 nhân dịp khánh thành Chùa Từ Đàm. Kế tiếp với nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối, tháng 11, năm 1949 khi ông mới 19 tuổi. Và từ đó, ông tiếp tục sáng tác rất nhiều ca khúc…

    ————————–

    Mới đây Đỗ Bình gởi tôi xem bài viết của anh, ôội đọc và hiểu anh cũng như đồng tình về những tranh cãi trong văn học như về những chuyện, về tổ chức Văn Bút hay về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện,… là những chuyện buồn Nguyễn Du, “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

    Trong bài viết về Nhà báo Đặng Văn Nhâm, Đỗ Bình bộc bạch như sau:

    “….Riêng Văn Bút Việt Nam Âu Châu được thành lập ngày 27 tháng 6 năm 1987 gồm các văn sĩ ở nước Anh ,Pháp, Bỉ, Hòa Lan tạm thời do các vị LS Trần Thành Hiệp làm chủ tịch, GS Phạm Việt Tuyền làm phó chủ tịch, Nhà báo Đặng Văn Nhâm làm Tổng thư ký. Đến 30 tháng 1 năm 1988 Văn Bút Âu Châu được hợp thức hóa trở thành Trung Tâm Văn Bút Âu Châu, do Nhà báo Trần Văn Ngô làm chủ tịch, Nhà báo Đặng Văn Nhâm làm phó. Đến năm 1992 nhà báo Đặng Văn Nhâm rút khỏi Văn Bút Âu Châu. GS Phạm Việt Tuyền làm chủ tịch, Từ Nguyên phó chủ tịch, Nguyễn Hòa Tổng thư ký. Kể từ nhiệm kỳ sau nhà báo Từ Nguyên được tín nhiệm trở lại chức chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Âu Châu đến sau này. Nhà báo Từ Nguyên rất hăng say trong việc điều hành Văn Bút, hàng năm vẫn tổ chức những buổi ra mắt sách. Tập Thơ Buồn Viễn Xứ của tôi cũng do ông tổ chức. Kể từ khi Văn Bút xảy ra cuộc tranh chấp tôi đứng bên ngoài, nhưng vẫn giữ tình bạn với các văn hữu khắp nơi.”

    ” Để giải thích sự việc ông viết cuốn: Trận Giặc Văn Bút, nhà văn Hải Triều viết cuốn Vũng Lầy Văn Bút. Sau đó ông khởi xướng, cùng một ít nhà văn nhà báo ở Mỹ thành lập Hội Ái Hữu Văn Nghệ Sĩ Việt Nam, nhưng thất bại! Những văn nghệ sĩ ở Paris không hưởng ứng. Riêng tôi để giữ tình bạn và tính độc lập, kể từ đó tôi ra khỏi Văn Bút, và cũng ra khỏi HĐVNTD lui về sinh hoạt thuần túy văn hóa cho đến hôm nay.”

    Đỗ Bình viết tiếp:

    “Tôi nói:

    “Vì thế, tôi thích làm thơ thả hồn trong cõi riêng chẳng đụng chạm ai hơn viết báo,…Ngày đó trên báo chí có một số ý kiến, nhận xét trái ngược nhau về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi muốn viết về ông nhưng ngại có thêm ý kiến làm tăng sự mâu thuẫn nên thôi. Tôi đứng bên ngoài những quan niệm, phán xét, tranh chấp của bằng hữu nên tôn trọng những suy nghĩ riêng của mỗi người.” 

    Đoạn kết: “tôi chợt nhớ đến nhà thơ Nguyễn Chí thiện mà bùi ngùi, ông Thiện là nạn nhân của cộng sản, bị tù 27 năm tù ngục tối mất hết đời trai trẻ chỉ vì hai chữ Tự do mà lại bị nghi ngờ làm gián điệp cộng sản!

    Tôi ngao ngán và chán ghét sự ganh đua vì cảm thấy cuộc đời quá ngắn ngủi. Được thua tất cả rồi cũng xuôi tay chẳng mang theo được gì, do đó tôi chọn một thái độ im lặng để đừng mất thêm bạn ! Để tránh gây thêm sự mâu thuẫn nhau, tôi dừng bài viết, và cũng từ ngày đó cho đến ngày nhà báo Đặng Văn Nhâm qua đời năm 2017 dù chúng tôi không còn liên lạc nhau nữa, nhưng tôi vẫn quý mến ông.

    Paris 26.11.2022

    (Con Đường Văn Nghệ )Đỗ Bình

    Sau hết xin ghi nhận vài Nét Sinh Hoạt Tác giả Đỗ Bình:

    Đỗ Bình sinh quán Bắc Việt, theo gia đình di cư vào Nam 54. Bút hiệu khác: Lữ Bằng.

    Cựu SV Luật Khoa Sài Gòn.

    Tốt nghiệp trường Thương Mại Paris.

     Cựu SQ Chiến Tranh Chính Trị VNCH. 

    Chủ nhiệm  tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris.

    Sáng lập viên Thư Viện Cergy. 

      Nhóm chủ trương những tạp chí Văn học nghệ Thuật: Việt Điển, Hương Xa

     Nhóm chủ trương tuyển tập Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại:

    Hội viên Hội Les Poètes Du Dimanche.

     Thành viên Hội thơ Pháp Jouy Le Moutier. 

    Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris. Thành Viên Hội Ba Lê Thi Xã.

      Đã Xuất Bản nhiều tập thơ và CD Nhạc. 

    Ngoài ra còn có những: Biên Khảo, Tiểu Luận, Nhận Định Văn Học, Âm Nhạc, Truyện ngắn, Bút ký, Tản Văn, sáng tác nhiều ca khúc.

    Góp mặt các tuyển tập :  Esquisses de L’Âme (La Bibliothèque Internationale de Poésie)  Les Poètes Du Dimanche 1,2,3,4  La Plume de L’Ecritoire 1…10 

    The Silence of Yesterday (Cội Nguồn)

    Thơ Việt Hải Ngoại (Hội Văn Học Nghệ Thuật Thi Đàn Lạc Việt) Vườn Thơ Hải Ngoại (Tủ Sách Phụ Nữ Thời Nay)

      Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại (Văn Hóa Pháp Việt)

     Bút Luận 25 năm Thơ Hải Ngoại (Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn).  Thi Văn Viễn Xứ (Tình Thơ). Thập Thúy Tầm Phương (Hoa Ô Môi., Khung Trời Hướng Vọng( Nắng Mới)

    Cộng tác với nhiều Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại.

    Và tiểu sử của nhà văn Vương Trùng Dương như sau:

    Nhà văn/nhà báo Vương Trùng Dương là một tên tuổi quen thuộc trong sinh hoạt báo chí & văn học nghệ thuật hải ngoại từ gần 30 năm qua. Ông là Sĩ Quan QLVNCH xuất thân Khoá I Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (Dalat). Từ dạo định cư ở California ông viết cho nhiều báo/đài.

    Vương Trùng Dương nguyên là Tổng Thư Ký Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại & Trưởng Khối Báo Chí của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (1998-2008). Hiện cây bút chuyên nghiệp Vương Trùng Dương là Chủ Bút nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà.

    Tác phẩm của Vương Trùng Dương:

    – Đã xuất bản: Ngẫm truyện nhân sinh (2004) + Văn nhân & Tình Sử (2015).

    – Sẽ xuất bản: Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ + Vó Ngựa Trường Chinh & Nỗi Nhục Thiên Triều (lịch sử & dã sử).

    * Nhà văn/nhà báo Vương Trùng Dương (Cựu SVSQ Đại Học CTCT Khoá I).

    https://longhovinhlong.blogspot.com/2021/09/thu-paris-hoi-thao-van-hoc-nghe-thuat.html

    Cám ơn bạn bè Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris và Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian nhiều lắm.

    Trần Việt Hải, Los Angeles.

    ——————————————————————

    Chút ghi nhận sau cùng.

    Văn hào Maxim Gorky cho là cái mỹ học của văn chương vốn đem con người về với chân thiện mỹ. Thật vậy, nhà phê bình văn học Charles Du Bos ngôn là: “Văn học tức là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”.

    Maxim Gorky

    Cũng như nhà văn Maxim Gorky đã cho cảm nghĩ là nhà văn cần phải vượt lên trên những cái tầm thường, vụn vặt để viết về những điều cao thượng đáng viết hơn và đừng biến văn chương thành những thứ tầm thường, đừng làm cuộc đời xấu hơn vì những điều gì mình viết ra.

    Hãy tận tuỵ với bút pháp, trau đồi kỹ năng văn phẩm của mình. Văn chương vốn dĩ được coi như một loại sinh hoạt mang nét thanh tao về tinh thần, một phạm vi cao quý.

  • Khánh Lan,  KÝ SỰ

    BONJOUR PARIS – CHUYẾN DU LỊCH KỲ THÚ

    Khánh Lan

    Trước khi đi Pháp, chúng tôi nhận được một email “Paris đẹp lắm” của ông Nhất Hùng nói rất rõ về một số địa điểm ngoạn mục tại Pháp trong chuyến du lịch Âu Châu của ông. Khánh Lan xin đăng ở phần dưới của bài ký sự này.

    Paris, nơi được mệnh danh là “Kinh Đô Ánh Sáng”, một địa điểm du lịch mà nhiều người trên thế giới ai cũng muốn một lần ghé thăm. Đây là lần thứ tư trở lại Paris nhưng chuyến đi nào cũng để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp và khó quên. Trong chuyến đi lần này với nhóm NVNT & TTG, gồm có tất cả 12 người: NV Ngọc Cường & Bích Điệp (Ohio); NV Việt Hải & Lệ Hoa, Thụy Lan, Mạnh Bổng & Khánh Lan (California); Chị Hoàng Loan, Anh chị Tấn Công & Thanh Vân (Viginia), anh chị Vĩnh Cửu & Kim Bạch (Florida). NV Nguyễn Quang cũng đã dự định cùng đi chơi với chúng tôi trong Chuyến này nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì lý do sức khỏe.

    Mạnh Bổng & Khánh Lan, Bạch Kim, Hoàng Loan, Thụy Lan, Ngọc Cường, Vĩnh Cửu, Bích Điệp, Lệ Hoa, Raymond, Việt Hải

    18 tháng 9, 2023: KHỞI HÀNH

    NV Việt Hải & Lệ Hoa, Thụy Lan, Mạnh Bổng & Khánh Lan hẹn gặp nhau tại phi trường Los Angeles lúc 6:00 chiều vì máy bay sẽ cất cánh lúc 9:15 tối. Trong Chuyến bay sang Pháp lần này, chúng tôi được hãng Air France ưu đãi rất đặc biệt nhờ sự có mặt của một nhân vật quan trọng: Đó là NV Việt Hải. Vì NV Việt Hải là ưu tiên nên chúng tôi thẳng tiến lên máy bay mà không phải trải qua những thủ tục xếp hàng lâu lắc.

    Lệ Hoa, Việt Hải, Mạnh Bổng, Khánh Lan

    Sau 11 giờ bay non-stop, chúng tôi đã đến phi trường Charles De Gaulle (CDG). NV Ngọc Cường, chị Bích Điệp, anh Raymond và chị Hoàng Loan đã đến trước và có mặt tại khu lấy hành lý để đón chúng tôi.

    Sau khi lấy hành lý xong, Khánh Lan và Mạnh Bổng đón xe về hotel Le Mesnilamecot. Riêng các anh chị Ngọc Cường, Vĩnh Cửu, Việt Hải, Tấn Công, Hoàng Loan và Thụy Lan mướn Air B&B ở quận 13.

    20 tháng 9, 2024: “CHIỀU THU PARIS VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”

    Khánh Lan và Mạnh Bổng đi taxi đến quận 13 để dự buổi HỘI NGỘ CÙNG CÁC VĂN NGHỆ SĨ CLB VĂN HOÁ VIỆT NAM tại Paris (CLBVHVN). “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” – Đó là một ngày mà chúng tôi mong đợi vì các anh chị em nghệ sĩ chúng tôi tại Mỹ và các vị nhà văn tại Paris chỉ liên lạc qua email nhưng chưa một lần gặp mặt trong suốt những năm qua.

    Sự tiếp đón nồng hậu và chu đáo của BTC CLBVHVN tại Paris khiến chúng tôi vô cùng cảm kích bởi nó đã nói lên được mối thân tình và sự kết nối văn học giữa hai nền văn hóa Pháp & Mỹ. Đặc biệt, NV NT Đỗ Bình đã bỏ nhiều công sức cũng như thời gian để tổ chức một buổi họp mặt gần 50 người trong bầu không khí thân mật, ấm cúng, đậm nét đặc trưng và liên kết giữa hai lãnh vực: Văn học và Âm nhạc.

    HỘI NGỘ CÙNG CÁC VĂN NGHỆ SĨ CLB VĂN HOÁ VIỆT NAM tại Paris

    Khai mạc chương trình “ChiềuThu Paris, Văn Học Nghệ Thuật”, MC Dentist Thẩm Thái Hà giới thiệu NT NV Đỗ Bình. Ông ngỏ lời chào các bạn từ Mỹ, đồng thời giới thiệu Ban Chấp Hành CLBVHVN tại Paris gồm các anh chị: Nguyễn Tối Thiện, Nguyễn Thị Phượng Anh, Lê Thị Kim Lan, Nguyễn Mạnh Trí, Trần Minh Răn, Trần Trung Quân, Nguyễn Thị Cung và Đoàn Trần Thiều. Các anh chị thành viên của CLBVHVN gồm: Hoàng Đức Phương, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Đức Tăng, Nguyễn Xuân Trường, Tuyết Mai, Nguyễn Minh Cầm, Thúy Hằng, Đỗ Bình, Nguyễn Bảo Hưng, Trịnh Cơ, Phượng Anh, Thụy Vi, Cát Tưởng và Hồ Bảo Lộc. Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại Pháp gồm các vị: Vũ Ngọc Hải, Lê Đức Thọ, Lệ Hằng, Lê Lộc, Trần Thanh Loan, Mai Đỗ, Tuyết Dung.

    NV NT Đỗ Bình

    Theo NV TS Đỗ Bình, số khách mời đến dự tiệc đã được chọn lọc và giới hạn. Tuy nhiên, một số nhà văn hóa Paris rất muốn đến chung vui, nhưng hoặc vì lớn tuổi, ở xa hay đang đi nghỉ hè cùng gia đình, nên không tham dự được.

    NV NT Đỗ Bình khai mạc buổi hội ngộ và giới thiệu Quan khách tham dự

    Tiếp đến là Tiến Sĩ Nguyễn Thị Phượng Anh, Bác Sĩ Nguyễn Tối Thiện và Luật Gia Đoàn Trần Thiều phát biếu cảm Tưởng. NV NT Đỗ Bình cho biết, Tiến Sĩ Phượng Anh là người đã và đang gồng gánh rất nhiều trách nhiệm trong cộng đồng tại Pháp qua nhiều lãnh vực khác nhau, từ Văn hoá đến xã hội. Bà du học và đã sinh sống tại Paris hơn 60 năm. Hiện tại, bà đang chung sống cùng chồng, con và các cháu tại Paris.

    Tiến Sĩ Nguyễn Thị Phượng Anh, Bác Sĩ Nguyễn Tối Thiện và Luật Gia Đoàn Trần Thiều phát biếu cảm Tưởng

    Chương trình tiếp tục với NV Ngọc Cường nói về nhóm TLVD. Kế tiếp, NV Việt Hải phát biểu cảm tưởng và sau đó NV Khánh Lan tường thuật về cơ cấu và sinh hoạt của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian (NVNT &TTG).

    NV Việt Hải gởi lời chào đến NV NT Đỗ Bình, BTC, các nhà văn hóa Paris và phát biểu cảm tưởng

    NV Ngọc Cường nói về nhóm TLVD

    NV Khánh Lan tường thuật về cơ cấu và sinh hoạt của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian (NVNT &TTG)

    NV Khánh Lan đúc kết phần nói chuyện bằng bài thơ PARIS HỘI NGỘ. Bài thơ mà Khánh Lan đã viết vội trên máy bay và diễn ngâm trong buổi họp mặt thay cho lời chào và cảm tạ sự tiếp đón nồng hậu và chu đáo của BTC CLBVHVNP. Bài thơ như sau:

    Bây chừ trời chớm vào thu
    Nắng vàng vươn ngõ, vị thi hữu tình
    Sài-Gòn đầy những bạn mình
    Buổi cơm thân mật, bóng hình ngộ tri

    Hàn huyên Pháp-Mỹ văn thi
    Cám ơn bằng hữu Pa-ris đón chào
    Ân tình duyên ngộ gặp nhau
    Đây lời cảm tạ, xin trao mọi người. 

    MERCI PARIS, MERCI BEAUCOUP ATOUS

    Ngay sau đó, NT Lệ Hằng thay mặt BLBVHP tặng lại anh em chúng tôi 4 câu như sau.

    NT Lệ Hằng

    Người từ xứ Mỹ qua đây
    Cho ngày hội ngộ chan đầy quê hương
    Rồi mai người sẽ lên đường
    Để Paris nỗi vấn vương ít nhiều

    Cũng trong dịp này, 3 anh em chúng tôi gồm NV Vương Trùng Dương, NV Việt Hải và NV Khánh Lan được NV NT Đỗ Bình trao tặng tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Hải Ngoại” do CLBVHVNP phát hành năm 2022. Khánh Lan cũng biếu NT NV Đỗ Bình hai tác phẩm văn học mới nhất, phát hành trong tháng 06, 2023. Đó là PHÂN TÂM HỌC & ĐỜI SỐNG và TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN của Khánh Lan.

    MC Dentist Thẩm Thái Hà trao tặng tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Hải Ngoại”

    Phần I kết thúc với GS Hoàng Đức Phương nói về “Vài nét về văn hóa thuần Việt”, ông cũng không quên tặng mỗi chúng tôi một USB tài liệu về cách sử dụng từ ngữ văn hóa thuần Việt.

    GS Hoàng Đức Phương nói về “Vài nét về văn hoá thuần Việt”

    Trong bữa cơm thân tình giữa CLBVHVN tại Paris & NVNT &TTG, CLBVHVN đã trao tặng cho nhóm chúng tôi một chai rượu nho và chị Thanh Vân đại diện nhóm NVNT & TTG nhận quà. Chị Thanh Vân là phu nhân của anh Tấn Công.

    Chị Thanh Vân đại diện NVNT & TTG nhận chai rượu đỏ do CLBVSVNP tặng

    Bữa cơm thân tình

    NHẠC THÍNH PHÒNG

    Sau bữa cơm trưa là phần nhạc thính phòng gồm hai phần: “Tình thơ trong ý nhạc” và “Những ca khúc về mùa thu Paris qua âm nhạc”.

    NT NV Đỗ Bình nở đầu chương trình với những sáng tác của các vị tiền bối trong thi ca như thơ phổ Nhạc của Pervert, Cung Trần Tưởng, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, v.v… trong phần nhạc mở đầu này, Lệ Hoa & Thụy Lan với nhạc phẩm Bên Nhau Ngày Vui và tiếp theo là 2 bài hợp ca: Trăng Mờ Bên Suối và Lối Về Xóm Nhỏ. Thụy Lan với nhạc phẩm Ngọc Lan, Em Tôi với Đỗ Bình và Tuyết Dung với Thu Hát Cho Người.

    Lệ Hoa & Thụy Lan với nhạc phẩm Bên Nhau Ngày Vui

    Thụy Lan với nhạc phẩm Ngọc Lan

    Em Tôi với Đỗ Bình

    Tuyết Dung với Thu Hát Cho Người.

    Trước khi bước vào phần 2, GS Nguyễn Bảo Hưng giới thiệu vài nét về Paris, nơi từng được mệnh danh là cái nôi của văn hóa trên thế giới. Sau đó, những ca khúc về mùa thu Paris qua âm nhạc được trình diễn qua các giọng ca của Thái Hà-Les Fenilles Mortes, Mạnh Bổng với hai nhạc phẩm Mùa Thu Paris và Autumn Leaves. Thúy Hằng, phu nhân của NT NV Đỗ Bình-Chiều Trên Sông Seine và sau cùng là ca sĩ Kim Thu với Mùa Thu Không Trở Lại.

    Thái Hà-Les Fenilles Mortes

    Mạnh Bổng với hai nhạc phẩm Mùa Thu Paris và Autumn Leaves

    Thúy Hằng, phu nhân của NT NV Đỗ Bình-Chiều Trên Sông Seine

    Kim Thu với Mùa Thu Không Trở Lại

    Chương trình CHIỀU THU PARIS, VĂN HỌC NGHỆ THUẬT bế mạc lúc 5:00 chiều. Mọi người lưu luyến chia tay.  Những máy điện thoại di động loé sáng liên tục ghi lại những kỷ niệm thân thương giữa chúng tôi. Phải chăng PARIS & CALI là những nơi mà người đến sẽ chẳng muốn trở về!

    Tiệc hội ngộ đã tàn, nhưng hình như mọi người vẫn cứ “phớt tỉnh Paris” và tiếp tục thăm hỏi, chuyện trò vui vẻ. Hình như tất cả chúng tôi ở trong tâm trạng “chân chưa muốn bước và tâm chẳng nỡ rời“. Anh chị em chúng tôi và một số Giáo Sư, Văn Thi Sĩ đã ở lại nhà hàng Saigon cho mãi đến gần 6:30 chiều.

    Lưu luyến chia tay: “chân chưa muốn bước và tâm chẳng nỡ rời”

    Rời nhà hàng Saigon, chúng tôi cuốc bộ trên đường Rue des Orteaux để đến nghe các anh chị trong nhóm Tốp ca người ngoại quốc “La chorale des Non-vietnamiens chantant en Vietnamien” hay còn được gọi là F.A.V.I.C, chuyên hát nhạc VN do Luật gia Đoàn Trần Thiều sáng lập (ông từng là thông dịch viên Tòa Thượng Thẩm Paris) và dưới sự hướng dẫn của một nữ giáo sư tiến sĩ người Việt dạy tại trường âm nhạc Paris mà tôi không nhớ tên, cùng với 2 nhạc sĩ Phương Oanh và Vân Anh phụ trách đàn tranh và đàn guitar.

    NhómTốp ca” người ngoại quốc “La chorale des Non-vietnamiens chantant en Vietnamien” hay còn được gọi là F.A.V.I.C, chuyên hát nhạc VN

    Luật gia Đoàn Trần Thiều sáng lập FAVIC

    Hai nhạc sĩ Phương Oanh và Vân Anh

    Điều kiện được gia nhập nhóm “Tốp ca” này rất nghiêm khắc. Hội viên ca sĩ phải là người ngoại quốc mà không phải là người Việt Nam, trừ khi đó là nhạc công. Nhóm FAVIC có khoảng trên dưới 15 người gồm 8 sắc tộc khác nhau: Pháp, Nhật, Ba Lan, Thụy Điển, Hung Gia Lợi, An Giê Ri, Tây Ban Nha, Nam Tư và Bỉ. Họ hát những bài dân ca Việt Nam như Qua Cầu Gió Bay, Trống Cơm, Em Gái Bắc Ninh Anh Trai Biên Hòa, Là Hù Là Khoan hay những bài ca quốc tế như La Paloma, Besame Mucho, Come Back to Sorento, v.v…

    Nhóm FAVIC đang tập hát với giáo sư tiến sĩ người Việt của trường âm nhạc Paris (mặc áo màu xám)

    Chúng tôi nhận thấy khi hát, nhóm FAVIC chia ra làm hai bè: Nam và nữ. Với giọng hát thật uyển chuyển, rất đều và phát âm rõ ràng từng chữ. Và trong đam mê và say đắm, họ tự minh hoạ và biểu diễn dựa theo nội dung của bài nhạc. Họ trình diễn thật ngoạn mục và điệu nghệ như một ban hợp xướng chuyên nghiệp.

    Trong số các thành viên, có cô Maguy là dân bản xứ của đảo Guadeloupe, khi hát cùng các đồng nghiệp cô vừa hát vừa biểu diễn, trông rất độc đáo bởi Cô đã hát với tất cả nhiệt huyết, tâm hồn và niềm đam mê. Điều ấy thể hiện rõ trên nét mặt của cô với đôi tay tự múa, miệng cười như hoa nở và ánh mắt đa tình. Theo chúng tôi thì tất cả các thành viên trong nhóm FAVIC đều hát thật tuyệt vời khiến chúng tôi vô cùng khâm phục.

    Theo Luật gia Đoàn Trần Thiều thì trong vòng 25 năm qua, nhóm tốp ca này đã đi lưu diễn ở nhiều nơi trên nước Pháp và các nước lân cận như Cologne, Franfurt, Munnich, Damstradt, Geneve và các dịp lễ hội. Theo dự định và qua sự giới thiệu của GS NS Lê Văn Khoa, nhóm FAVIC đáng lẽ sẽ đi trình diễn ở Houston, Texas trong chương trình Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi trong năm 2023, nhưng vì đại dịch Covid đã làm trì hoãn mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật.

    DẠO PHỐ PARIS- PARIS BY NIGHT

    Quả không sai khi được mệnh danh là “Kinh Thành Ánh Sáng”! Paris By Night đẹp lộng lẫy như một nàng tiên đang khoe sắc, tỏa ánh sáng huy hoàng bao phủ cả bầu trời. Đứng bên kia đường, hàng triệu ánh đèn li-ti từ ngọn tháp Eiffel chiếu lấp lánh, tựa như những vì sao đang nhảy múa trên bức màn nhung đen thẫm tạo nên một nét đẹp lộng lẫy và kiêu kỳ.

    Tối nay, bầu trời Paris thật trong sáng và thời tiết như đãi ngộ anh em chúng tôi. Còn gì thú vị cho bằng tản bộ trên Avenue Des Champs Élysée, tận hưởng và hít thở làn gió thu se se lạnh. Chúng tôi dừng chân chụp vài kiểu hình kỷ niệm ở Arc De Triomphe De L’étoile hùng vĩ…Sau cùng, ghé thăm nhà thờ Notre Dame. Đáng tiếc là nhà thờ còn đang trong tình trạng sửa chữa nên chúng tôi chỉ chụp một tấm hình kỷ niệm phía trước sân của nhà thờ.

    Nhà thờ Notre Dame

    Tháp Eiffel

    Loanh quanh thế mà đã gần 12 giờ đêm. Mọi người cảm thấy đói nên chúng tôi ghé vào một tiệm Café-Brasserie, Le Malakoff, 6 Place du Trocadéro, 75116 PARIS để dùng cơm tối và trở về khách sạn lúc 2:00 giờ sáng ngày 21.

    Café-Brasserie, Le Malakoff, 6 Place du Trocadéro, 75116 PARIS

    Sau buổi “Dạo Phố Paris” cùng nhóm, các anh chị Ngọc Cường, anh chị Vĩnh Cửu, anh chị Việt Hải, anh chị Tấn Công, chị Hoàng Loan và Thụy Lan check-in chuyến du thuyền MSC-Grandiosa để ghé các địa điểm như Spain (Barcelona), Italy (Naples. Genoa, Palermo), France (Marseille), Tunisia. Mạnh Bổng & Khánh Lan không chọn chuyến du thuyền MSC-Grandiosa với các anh chị trong nhóm vì chúng tôi đã đi qua tuyến đường này trong tháng 04, 2023 cùng với 4 người bạn cũng trong nhóm NVNT & TTG gồm Ngọc Châu, Đức Hạnh, Kim Hương và Quốc Dân trên du thuyền Royal Caribbean, Symphony of The Sea (Xin kèm theo dưới đây vài tấm hình về những địa danh mà chúng tôi đã đi qua).

    Check-in Royal Caribbean Cruise, Symphony of The Sea (April 2023 trip)

    Marseille: Kim Hương, Khánh Lan, Đức Hạnh, Ngọc Châu (April 2023 trip)

    Naples, Italy: Quốc Dân, Kim Hương, Đức Hạnh, Khánh Lan, Mạnh Bổng (April 2023 trip)

    Florance: Mạnh Bổng & Khánh Lan (April 2023 trip)

    Florance: Mạnh Bổng, Khánh Lan, Đức Hạnh, Kim Hương, Quốc Dân

    Saint Peter’s Square & Vatican City, Rome (April 2023 trip)

    Colosseum, Rome: Đức Hạnh, Ngọc Châu, Kim Hương, Khánh Lan

    Blue City, Morocco (April 2023 trip)

    Hill Church of Barcelona (April 2023 trip)

    The Sagrada Familia, Barcelona, (April 2023 trip)

    The Gaudi Park, Barcelona, Spain

    Leaning Tower of Pisa, Italy

    21 tháng 9, 2023. Sáng ngày 21, tiếng gõ cửa của người dọn phòng khiến chúng tôi (Mạnh Bổng & Khánh Lan) choàng tỉnh. Đồng hồ điểm 9:00 sáng nên chúng tôi chỉ kịp ăn sáng, dọn hành lý, rồi gọi taxi ra Gare de Lyon đi Marseille. Chỉ cần chậm một tíc-tắc nữa là chúng tôi bị trễ chuyến tàu đi Marseille!

    Đến Gare de Saint-Charles, Marseille lúc 4:00 chiều, chúng tôi gọi taxi về Écale Villa Chambres d’hôtes, 1 rue Bernard Hinault, 13700 Marignane, cách khoảng 30 phút đi taxi từ Gare de Saint-Charles. Marignane là một thành phố nhỏ cách Marseille khoảng 2 miles, nhưng nằm tại vùng ngoại ô nên vắng vẻ và buồn hiu. Nhìn quanh không thấy tiệm ăn nào, nên chúng tôi chỉ ăn tối qua loa rồi lên giường ngủ để chuẩn bị ra bến tàu sáng sớm hôm sau.

    Gare de Saint-Charles, Marseille

    22 tháng 9, 2023. Sáng hôm sau, Mạnh Bổng & Khánh Lan thuê taxi ra bến tàu, “check-in” du thuyền MSC-Seashore khoảng 1:00 chiều. Đây là chuyến du hành qua 6 cảng bắt đầu từ Marseille (France), Genoa, Civitavecchia & Palermo (Italy), Ibiza & Valencia (Spain).

    Mạnh Bổng & Khánh Lan

    Ngày 23 tháng 9: 2023, TRÊN DU THUYỀN MSC-SEASHORE

    Có thể nói, không một du thuyền nào giống du thuyền nào về phong cách cũng như hệ thống thiết kế. Nếu so sánh du thuyền Royal Caribbean-Symphony Of The Sea với du thuyền MSC-Seashore thì sự khác biệt rất rõ. Symphony Of The Sea là một trong 5 du thuyền lớn và mới nhất của hãng Royal Caribbean sau Icon Of The Sea vừa mới khai trương đầu năm 2023. Tuy nhiên, phương cách trang trí và cơ cấu trên du thuyền MSC-Seashore cũng có những đặc điểm hay và lạ mắt như sân khấu, bar rượu, quán ăn, v.v…

    Bar rượu

    Sân khấu s 4 tầng-Piano biểu diễn ở tầng số 1

    Sân khấu trình diễn ca nhạc ở tầng số 2.

    The White Night-Dancing all night

    The Captain party là ngày mà du thuyền lênh đênh trên biển gần hai ngày. Hôm ấy, Captain sẽ chụp hình và khiêu vũ với mọi người. Đây là ngày mà “phái đẹp” có dịp diện áo đẹp, ăn tối, nhảy đầm và chụp hình. Chúng tôi cũng đóng bộ và đi chụp vài kiểu hình để làm kỳ niệm.

    The Captain party night

    Du lịch vòng quanh trái đất qua phin ảnh…

    Đây là lần đầu chúng tôi đi trên du thuyền MSC, chúng tôi nhận thấy phần lớn du khách trên du thuyền MSC là người gốc Ý hay Tây Ban Nha nên họ rất ồn ào và thiếu nguyên tắc cũng như không tuân theo luật lệ căn bản và cần thiết như xếp hàng vào lấy thức ăn hoặc khi dùng căn phòng vệ sinh, v.v…

    Nhân viên trên du thuyền chào tạm biệt du khách

    Dịch vụ trên du thuyền MSC tốt nhưng thực phẩm thì không được ngon và không có nhiều lựa chọn như các du thuyền khác (Royal Caribbean, Celebrity hay Holland America, v.v…). Hơn thế nữa, hầu hết tất cả mọi thứ trên du thuyền đều phải trả tiền thêm như coi movie (9 euros cho mỗi phim); thậm chí, nước giải khát như nước trà, nước ngọt đều phải mua – ngoại trừ nước lạnh. Tuy nhiên về lãnh vực giúp vui giải trí thì rất phong phú, nếu không muốn nói là xuất sắc. Mỗi tối đều có show mới như:

    • MYSTIC FOREST là một hành trình cổ xưa của Good vs Evil

    • COAST TO COAST: Trong show này, các ca sĩ có cơ hội góp phần trình diễn của họ vào âm nhạc của Hoa Kỳ.

    • PAZ là linh hồn của Flamenco và nghệ thuật kỳ diệu của hoạ sĩ Pablo Picasso.

    • FRENCH FOLLIES là nghệ thuật sân khấu của những nghệ nhân gồm ca, vũ, nhạc.

    • GRAVITY là những kỹ thuật nhào lộn và giữ quân bằng, một kỹ năng rất cần thiết của người trình diễn chống lại trọng lực.

    • ALLEGRO là trung tâm điểm của Địa Trung Hải tuyệt vời, là đặc trưng về văn hoá, ca múa và âm nhạc của những địa danh mà được nhiều người trên thế giới yêu thích.

    • BEAUTIFUL CELEBRATION là màn trình diễn rất đặc biệt mở đầu cho chương trình giải trí của du thuyền MSC với các nữ Ca Sĩ từ The Broadway Diva’s cùng những màn minh họa tuyệt vời của các Vũ Công.

    THĂM THÀNH PHỐ GENOA, CIVITAVECCHIA & PALERMO (ITALY)

    Thuyền nhổ neo ở Hải Cảng Marseille, France, địa điểm đầu tiên du thuyền MSC-Seashore dừng lại là Genoa.

    Genoa (Genova) là một thành phố cảng và là thủ phủ của vùng Liguria phía tây bắc nước Ý. Genoa là trung tâm thương mại hàng hải trong nhiều thế kỷ. Từ những con đường hẹp được mở rộng ra thành những quảng trường lớn như Piazza de Ferrari, nơi có đài phun nước bằng đồng và nhà hát opera Teatro Carlo Felice.

    Thị trấn Genoa nhìn từ bacony cabin của du thuyền

    Dạo phố Genoa

    Dạo phố Genoa

    • Nhà thờ St. Lorenzo Ruiz Catholic PARISH COMMUNITY tọa lạc trong khu phố cổ, đươc xây dựng theo phong cách La Mã, với mặt tiền sọc đen trắng và nội thất được trang trí bằng tranh bích họa. Thánh Lorenzo Ruiz là người Philippines đầu tiên được tôn kính trong Giáo hội Công giáo La Mã. Là người Philippines gốc Hoa gốc, ông trở thành vị tử đạo đầu tiên của đất nước sau khi bị Mạc phủ Tokugawa hành quyết trong cuộc đàn áp những người theo đạo Cơ đốc Nhật Bản vào thế kỷ 17.

    Thánh Lorenzo Ruiz sinh ra ở Binondo, Manila, cha là người Trung Quốc và mẹ là người Philippines, cả hai đều là người Công giáo. Khi còn trẻ, Lorenzo Ruiz từng là cậu bé giúp lễ tại Nhà thờ Binondo. Ông theo học với các tu sĩ Đa Minh và sau một vài năm, Lorenzo Ruiz đã giành được danh hiệu nhà thư pháp nhờ tài viết lách điêu luyện của mình. Lorenzo Ruiz trở thành thành viên của Hiệp hội Mân Côi Rất Thánh.    

    Bên trong nhà thờ St. Lorenzo Ruiz

    Lorenzo Ruiz kết hôn với Rosario và họ có hai con trai và một con gái. Gia đình Lorenzo Ruiz có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc và tôn thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi đang làm thư ký cho Nhà thờ Binondo, Lorenzo Ruiz đã bị buộc tội giết một người Tây Ban Nha, vì thế, Lorenzo Ruiz xin tị nạn trên một con tàu với sự giúp đỡ của ba linh mục Đa Minh.  

    Lorenzo Ruiz và một số bạn bè của ông rời đến Okinawa vào ngày 10 tháng 6 năm 1636, với sự giúp đỡ  của các cha Đa Minh. Khi đến Nhật Bản, các nhà truyền giáo đều bị bắt và tống vào tù. Sau hai năm, họ bị chuyển đến Nagasaki để xét xử bằng hình thức tra tấn. Ngày 27 tháng 9 năm 1637, Lorenzo Ruiz và những người bạn đồng hành bị đưa đến Đồi Nishizaka, nơi họ bị tra tấn và treo ngược. Phương pháp này cực kỳ đau đớn, vì nạn nhân bị trói, một tay luôn được thả tự do để họ có thể ra hiệu muốn rút lui, điều đó sẽ dẫn đến việc họ được thả. Nhưng Lorenzo Ruiz không chịu từ bỏ Cơ đốc giáo và chết vì mất máu và ngạt thở. Thi thể của Lorenzo Ruiz được hỏa táng và tro ném xuống biển.

    Lorenzo Ruiz được phong chân phước bởi một sử gia đáng kính, Cha Fidel Villarroel và Lorenzo Ruiz đã được phong chân phước trong chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II khi Ngài đến Philippines. Đây là lễ phong chân phước đầu tiên được tổ chức bên ngoài Vatican trong lịch sử. Thánh Lorenzo Ruiz được phong thánh bởi cùng một vị giáo hoàng tại Vatican vào ngày 18 tháng 10 năm 1987, khiến Thánh Lorenzo Ruiz trở thành vị thánh đầu tiên của người Philippines. Việc phong thánh cho Thánh Lorenzo Ruiz dựa trên một phép lạ xảy ra vào năm 1983, khi Cecilia Alegria Policarpio, một bé gái hai tuổi mắc chứng teo não bẩm sinh đã được chữa khỏi sau khi gia đình và những người ủng hộ bé cầu nguyện xin Thánh Lorenzo Ruiz chuyển cầu.

    Ở Chicago, Thánh Lorenzo Ruiz được thờ tại Nhà thờ Old St. Mary.

    Mặt tiền của nhà thờ San Lorenzo, phía chân một cột trụ bên phải của nhà thờ, có hình tượng của một con chó đang nằm ngủ dưới chân cột, có lẽ nó đã được bàn tay khéo léo của một điêu khắc gia nào đó, đẽo cắt, rồi đặt vào chỗ ấy, mà mắt thường khó có thể nhận ra nếu không được ai chỉ cho thấy.  

    Civilitavecchia tọa lạc tại Lazio. Civilitavecchia là một thị trấn ven biển phía tây bắc Rome, Ý. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 2, cảng Civilitavecchia có một số đặc điểm như Bến tàu La Mã, Pháo đài Michelangelo thế kỷ 16. Pháo đài Michelangelo không chỉ là một trong những biểu tượng của Civitavecchia mà còn là một trong những công trình kiến trúc quan trọng nhất của bờ biển Lazio. Gần đó, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia trưng bày các hiện vật bằng đồng và gốm. Phía đông bắc thị trấn là Terme Taurine, tàn tích của khu tắm nước nóng La Mã.

    Cảng Civilitavecchia

    Phố Civilitavecchia

    Phố Civilitavecchia

    • Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô Assisi (tiếng Ý: Basilica di San Francesco d’Assisi; tiếng Latin: Basilica Sancti Francisci Assisiensis) là nhà thờ của Dòng tu sĩ Công giáo La Mã nhỏ ở Assisi, một thị trấn ở vùng Umbria ở miền trung nước Ý, nơi Thánh Phanxicô sinh ra và qua đời. Đây là một tiểu vương cung thánh đường của giáo hoàng và là một trong những địa điểm quan trọng nhất của cuộc hành hương Kitô giáo ở Ý. Với tu viện đi kèm, Sacro Convento, vương cung thánh đường là một địa danh đặc biệt đối với những người đến sinh sống ở Assisi. UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2000.

    Parrocchia Cattedrale San Francesco Assisi

    Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô Assisi được khởi công xây vào năm 1228, bên sườn đồi bao gồm hai nhà thờ gọi là Nhà thờ Thượng,Nhà thờ Hạ và một hầm mộ, nơi an táng hài cốt của các vị thánh. Riêng nội thất của Nhà thờ Thượng có phong cách Gothic ở Ý. Nhà thờ Thượng và Hạ được trang trí bằng những bức bích họa của nhiều họa sĩ cuối thời trung cổ, các trường phái La Mã và Tuscan. Đồng thời bao gồm các tác phẩm của Cimabue, Giotto, Simone Martini, Pietro Lorenzetti và có thể cả Pietro Cavallini. Phạm vi và chất lượng của các tác phẩm mang lại cho vương cung thánh đường một tầm quan trọng và đặc biệt trong việc thể hiện sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Ý trong thời kỳ này.

    Bên trong Parrocchia Cattedrale San Francesco Assisi

    Palermo là thủ đô của đảo Sicily, Ý. Vì lý do văn hóa, nghệ thuật và kinh tế, Palermo là một trong những thành phố lớn nhất ở Địa Trung Hải và hiện là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở cả Ý và Châu Âu. Nhà thờ Palermo từ thế kỷ 12 có lăng mộ hoàng gia, trong khi Teatro Massimo tân cổ điển khổng lồ nổi tiếng với các buổi biểu diễn opera. Ở trung tâm thành phố có Palazzo dei Normanni, một cung điện hoàng gia được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 và Cappella Palatina với những bức tranh khảm Byzantine. Các khu chợ sầm uất bao gồm chợ đường phố tọa lạc tại trung tâm Ballarò và Vucciria… Di sản Thế giới UNESCO công nhận Arab-Norman Palermo và Nhà thờ lớn Cefalù và Monreale.

    Cảng Palermo

    Phố Palermo

    • Chợ đường phố trung tâm Ballarò và Vucciria rất vui, đông người, nhộn nhịp và bán đủ mọi thứ từ thực phẩm, hải sản, rau củ và có cả bán thức ăn đã nấu sãn.

    Chợ đường phố trung tâm Ballarò và Vucciria

    Quầy rau củ quả

    Thức ăn đã nấu sãn

    THĂM THÀNH PHỐ IBIZA & VALENCIA (SPAIN)

    Ibiza là một trong những hòn đảo nhỏ nhất trong quần đảo Balearic, Tây Ban Nha ở biển Địa Trung Hải nơi có nền văn hóa phong phú lấy những gì tốt nhất từ ​​Tây Ban Nha và pha trộn với lối sống Balearic độc đáo của riêng mình. Ibiza nổi tiếng với cuộc sống về đêm sôi động ở Thị trấn Ibiza và Sant Antoni, nơi các câu lạc bộ đêm lớn ở châu Âu. Nhưng trong đất liền, quang cảnh thực vật tươi tốt, những ngôi làng yên tĩnh, các khu tập yoga. Dọc theo bờ biển là những vùng trời ngập nắng với bầu không khí trong lành. Từ Platja d’en Bossa với dãy khách sạn, quán bar và cửa hàng cho đến những vịnh cát yên tĩnh hỗ trợ bởi những ngọn đồi phủ thông xung quanh bờ biển. Ibiza được công nhận là di sản Thế giới UNESCO.

    Dọc theo bờ biển với dãy khách sạn, quán bar và cửa hàng

    • Phố cổ ở Ibiza còn biết đến là Dalt Vila, có nghĩa là thị trấn Thượng lưu (Upper Town).  Dalt Vila là một thành phố nhỏ được bao bọc trong một pháo đài cổ từ thế kỷ 16 và là một Di sản UNESCO. Trên đỉnh một ngọn đồi, Dalt Vila là điểm thu hút văn hóa chính trên đảo, với những thánh đường đẹp và lớn, những con đường lát đá, bảo tàng, nhà hàng, tu viện, cửa hàng, quảng trường xinh, v.v… Một số khu vực trông giống như những ngôi làng trắng nổi tiếng ở Andalucia, những khu vực khác trông giống một lâu đài và những khu vực khác vẫn trông giống như một khu phố bình thường.

    Thị trấn Thượng lưu (Upper Town), Dalt Vila

    Cổng Thị trấn Thượng lưu (Upper Town), Dalt Vila

    Nhà thờ Ibiza

    • Thị trấn mới là nơi có các tòa nhà sáng sủa và đầy màu sắc, cây cối tươi tốt và các cửa hàng bán mọi thứ, từ thời trang địa phương và cổ điển, đến đồ lưu niệm truyền thống được bày tràn ra đường.

    Valencia là thủ đô của cộng đồng tự trị Valencia, là đô thị đông dân thứ ba ở Tây Ban Nha và là trung tâm thành phố trở sản xuất tơ lụa lớn vào thế kỷ 18. Trong Nội chiến Tây Ban Nha, thành phố này từng là trụ sở tình báo của người Tây Ban Nha.

    Nằm trên bờ biển phía đông của Tây Ban Nha, thành phố 2000 năm tuổi này tự hào có những bãi biển rộng, kiến trúc đẹp, khung cảnh ẩm thực và văn hóa náo nhiệt. Đây là thành phố lớn thứ ba ở Tây Ban Nha, các điểm du lịch chính bao gồm nhà thờ, Trung tâm Mercado và Lonja de la Seda được UNESCO công nhận.

    Trên sân thượng của Valencia’s City Hall

    Bên trong của Valencia’s City Hall

    Dạo quanh thành phố Valencia

    Chợ Valencia

    Người Valencia thích tiệc tùng, Las Fallas thành phố được biết đến nhiều nhất vì một lễ hội hoang kéo dài năm ngày vào tháng 3. Khi những con rối giấy bồi khổng lồ được rước qua các đường phố và sau đó đem đốt cháy. Vào dịp Lễ hội hóa trang vào tháng 2 thì thành phố trở nên sống động với các bữa tiệc trên đường phố, có bắn pháo hoa và diễn hành. Những người ái mộ âm nhạc thường đến tham dự Festival de les Arts kéo dài hai ngày, với sự tham gia của các nhạc sĩ trong nước và quốc tế, nghệ thuật hiện đại và ẩm thực sáng tạo.

    Lễ hội hoang kéo dài năm ngày vào tháng 3

    Festival de les Arts

    Sau 7 ngày du hành trên biển, chúng tôi rời du thuyền MSC và thuê taxi về Greet Hotel Marseille ăn tối và nghỉ ngơi.

    Ngày 30 tháng 9, 2023-Sáng hôn nay, chúng tôi mướn taxi từ Greet Hotel Marseille với giá 300 Euros cho 5 tiếng (từ 11:00 sáng-4:00 chiều) để đi thăm 2 thành phố:

    SALON-DE-PROVENCE VÀ AIX-EN PROVENCE

    Salon-de-provence là một thành phố nhỏ, hiền hoà và yên tĩnh, năm 2017, có 45.528 dân số. Salon-de-Provence, thường gọi là Salon, là một xã nằm cách Marseille khoảng 52 km về phía tây bắc, thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône, vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, miền Nam nước Pháp. Đây là nơi đặt căn cứ không quân quan trọng của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp.

    • Château de l’Empéri Salon de Provencelà một lâu đài từ thế kỷ thứ 9 được xây dựng trên đá Puech, thống trị vùng đồng bằng rộng lớn Crau thuộc xã Salon-de-Provence thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône của Pháp. Nó được Bộ Văn hóa Pháp liệt kê là di tích lịch sử từ năm 1956. Lâu đài là nơi ở của các tổng giám mục Arles cũng như các hoàng đế La Mã Thần thánh. Sau này, lâu đài có tên là Đế chế bao gồm bờ Đông của sông Rhône. Trong năm 1481, vào thời điểm giao nhau với Provence, nó nằm dưới quyền lực của các vị vua Pháp. Trong thế kỷ 15 và 16, Château de l’Empéri được sử dụng làm nhà tù và doanh trại sau thời Cách mạng.

    Château de l’Empéri bị hư hại nặng nề bởi trận động đất vào năm 1909, các tòa nhà đã được Di tích Lịch sử khôi phục trong năm 1926 và là nơi đặt bảo tàng của Salon, hiện nay trở thành bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Quân đội. Trong Empéri có nhiều vị vua và hoàng hậu của Pháp. Francis I và triều đình của ông, Louis XIV. Năm 1660, Catherine de’ Medici đến hỏi ý kiến Nostradamus, nhà chiêm tinh nổi tiếng đã dự đoán ngai vàng cho ba người con trai của bà và sự lên ngôi của cháu trai bà, vị vua tương lai Henri IV.

    Lâu đài chứa đựng những hình ảnh đại diện trung thực của các quân đoàn khác nhau từ Chiến tranh Napoléon cho đến ngày nay trong bảo tàng của nó. Bảo tàng còn có bản sao chiếc giường của Napoléon I tại Saint Helena. Cùng với moussue Fontaine và Nostradamus, lâu đài đã trở thành biểu tượng của thành phố.

    Aix-en provence là một thành phố đại học ở vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur ở miền nam nước Pháp. Đây là nơi sinh của họa sĩ trường phái hậu ấn tượng Paul Cézanne. Con đường đi bộ nối các địa điểm bao gồm ngôi nhà thời thơ ấu của ông, Jas de Bouffan, và xưởng vẽ cũ của ông, Atelier Cézanne. Ngọn núi đá vôi trắng Sainte-Victoire nhìn ra thành phố cũng như vùng nông thôn xung quanh là chủ đề thường xuyên trong các tác phẩm của ông.

    Aix-en-Provence nổi tiếng với kiến trúc tuyệt đẹp, trong đó có Cathédrale Saint-Sauveur, một nhà thờ theo phong cách La Mã-Gothic có niên đại từ thế kỷ thứ 5. Aix-en-Provence thường được gọi là “Thành phố của ngàn đài phun nước” do có rất nhiều đài phun nước nằm khắp thành phố. Vào năm 122 trước Công nguyên, người La Mã đã từ bỏ cao nguyên Entremont và định cư tại một địa điểm có các dòng suối đang sủi bọt: Aquae Sextiae (vùng nước của Sextius) đã ra đời. Sau khi trở thành thuộc địa của La Mã, thị trấn là bước đệm giữa Ý và Tây Ban Nha, đồng thời phát triển thành một trung tâm đô thị và spa.

    Khác hẳn với Salon-de-provence, Aix-en provence rất vui và nhộn nhịp với những hàng quán mọc lên san sát nhau. Du khách đến thăm thành phố khá đông. Đây là thành phố du lịch mà trước kia những người Pháp giàu có ở Paris thường đến đây để nghỉ mát. Lối kiến trúc tại thành phố này tuy cổ kính nhưng được bảo trì kỹ và thường xuyên nên rất sạch sẽ, đẹp mắt và lôi cuốn khách thưởng ngoạn

    Ngày 01 tháng 10, 2023-Hôm nay là ngày Chủ Nhật, chúng tôi thuê taxi đi Marseille với giá 110 euros để chở chúng tôi đến downtown của Marseille lúc 10:30 sáng và đón chúng tôi về lại hotel lúc 4 giờ chiều. 

    Marseille là một thành phố cảng ở miền nam nước Pháp và là ngã tư của người nhập cư và thương mại kể từ khi được người Hy Lạp thành lập vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Vieux-Port là nơi những người bán cá, đó là sản phẩm mà họ đánh bắt được nên dọc theo bến cảng có nhiều thuyền. Marseille được biết đến với những bãi biển tuyệt đẹp, văn hóa và lịch sử phong phú. Marseille là một trong những thành phố sôi động và thú vị nhất ở Pháp. Từ người Hy Lạp cổ đại đến các nghệ sĩ và nhạc sĩ thời hiện đại, Marseille là nơi có nhiều nền văn hóa và ảnh hưởng đa dạng đã hình thành nên nét độc đáo của thành phố này.

    Được người Hy Lạp và La Mã cổ đại gọi là Massalia, Marseille là trung tâm thương mại quan trọng nhất trong khu vực và là cảng thương mại chính của Cộng hòa Pháp. Marseille hiện là thành phố lớn nhất của Pháp trên bờ biển Địa Trung Hải và là cảng lớn nhất cho tàu thương mại, vận chuyển hàng hóa và du lịch. Cái tên Marseille có nghĩa là “một nơi được bảo vệ” nhưng điều này không hoàn toàn chắc chắn. Thành phố được thành lập bởi các thương nhân Hy Lạp từ Phocaea vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên ban đầu được gọi là Phokaia. Nó nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại quan trọng và là đối thủ của Carthage.

    Thành phố phát triển từ Cảng Vieux (Tên Cũ) và tàu đã cập cảng ở đó gần 3000 năm. Nhờ thương mại phát đạt, Marseille vẫn độc lập trong một thời gian dài. Mãi cho đến khi vua Louis XI thừa kế Marseille, sau cái chết của René d’Anjou (Bá tước Provence), thành phố này mới trở thành một phần của Pháp. Được biết đến với những bãi biển tuyệt đẹp, lịch sử phong phú và văn hóa sôi động, Marseille là một trong những thành phố sôi động và thú vị nhất ở Pháp. Từ người Hy Lạp cổ đại đến các nghệ sĩ và nhạc sĩ thời hiện đại, Marseille là nơi có nhiều nền văn hóa và ảnh hưởng đa dạng đã hình thành nên nét độc đáo của thành phố.

    Hải cảng Marseille

    Ngày nay, Hải cảng Marseille là một Hải cảng quốc tế nổi tiếng trên thế giới về lãnh vực xuất nhập cảng hàng hóa, giao thông cũng như vận chuyển bằng đường biển của các thương thuyền. Mặc dù ngày nay, Hải cảng Marseille không còn được ưa chuộng và thông dụng nhiều như trước vì phương cách vận chuyển bằng đường hàng không thịnh hành hơn phương cách vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, hiện nay, cảng Marseille lại trở thành một trong những bến đậu tấp mập của nhiều du thuyền và là địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đa số du khách yêu thích đường hướng thưởng ngoạn và ngắm cảnh bằng đường biển. (GS Dương Ngọc Sum trước đây cũng có viết về Hải Cảng Marseille)

    Vì là ngày lễ nên một số cửa hàng thương mại đóng cửa, nhưng không vì thế mà phố phường kém vui và thiếu phần nhộn nhịp… Đường phố vẫn đông người qua lại và các quán ăn vẫn đầy thực khách. Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại Marseille. Trong lần trước, cách đây 5 tháng, du thuyền Royal Caribbean chỉ dừng lại Marseille có một ngày nên chỉ đủ đi city tour-cable car và đi shopping chút đỉnh là hết giờ. Lần này, chúng tôi quyết định ở lại thành phố Marseille thêm 3 ngày nữa để có đủ thời gian khám phá và tìm hiểu thêm về tầm vóc quan trọng của Hải cảng Marseille với một thời vang bóng.

    Hải Cảng Marseille hôm nay nhộn nhịp hơn những ngày thường. Từ 9 giờ sáng, các quán bar, tiệm cà-phê, nhà hàng đã chuẩn bị bàn ghế, thực phẩm để đón khách đến ủng hộ trận đấu World Cup 2023-WALLABIS de RUGBY. Những chiếc áo thun màu xanh rêu đậm với huy hiệu của 2 đội được các “khách ngưỡng mộ” của họ mặc trên người và đi tràn ngập đường lối. Những lá cờ màu xanh, đỏ, vàng tượng trưng cho mỗi đội tung bay trong gió, trông thật vui mắt.

    “Khách ngưỡng mộ” đội banh WALLABIS

    Vì thế mà con đường chính của trung tâm thành phố Marseille, ngay trước bến tàu tràn ngập người, vừa khách du lịch lẫn dân bản xứ vì 2 lý do:

    Hôm nay, con đường chính của trung tâm thành phố Marseille tràn ngập người vì ngoài Trận đấu World Cup 2023-WALLABIS de RUGBY giữa hai đội banh Australia & Portugal. (WALLABIS de RUGBY là một bộ môn thể thao giống như Football của Mỹ nhưng cái khác biệt là các cầu thủ của đội banh WALLABIS không đội mũ an toàn trong trận đấu).

    Trận đấu World Cup 2023-WALLABIS de RUGBY

    Những chiếc áo thun màu xanh rêu đậm với huy hiệu của 2 đội được các “khách ngưỡng mộ” của họ mặc trên người và đi khắp phố và phía dưới là những poster quảng cáo và ủng hộ đội banh WALLABIS de RUGBY.

    Ngoài ra còn có một cuộc biểu tình phản đối một vấn đề nào đó, liên quan đến nhà nước giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến. Vì thế đường phố rất ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng hô hào quá lớn qua microphone. Trên nhiều góc phố, chúng tôi nhận thấy có khoảng 30 tới 35 cảnh sát viên suất hiện với vũ trang trên người, có lẽ để bảo vệ sự an toàn cho người dân và du khách.

    • Saint-Vincent-De-Paul Churchnằm ở phía trên Canebière, ở quận Thiers, địa chỉ là 2-3 Cours Franklin Roosevelt, một đại lộ được đặt theo tên của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (1882–1945). Saint-Vincent-De-Paul Church được xây dựng trên một tu viện và nhà nguyện đã bị phá hủy của những người theo đạo Augustinô Cải cách, điều này giải thích tại sao nó thường được gọi là “Les Réformés” mặc dù là một nhà thờ Công giáo La Mã. Nhà nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư François Reybaud và tu viện Joseph-Guillaume Pougnet, xây dựng từ năm 1855 đến năm 1886.

    Saint-Vincent-De-Paul Church

    Saint-Vincent-De-Paul Church mang phong cách tân Gothic, với các lề đường hình ogival trên trần nhà. Các kiến trúc sư lấy cảm hứng từ Nhà thờ Reims và Nhà thờ Amiens. Hai mũi tên cao 70 mét. Cổng đồng được thiết kế bởi Caras-Latour, bàn thờ cao được thiết kế bởi Jules Cantini (1826-1916), và cửa sổ màu được thiết kế bởi Édouard Didron (1836-1902). Ngoài ra, nhà điêu khắc Louis Botinelly (1883-1962) đã thiết kế các bức tượng của Joan of Arc và của Chúa Giêsu. Về phần ống đàn organ, chúng được chế tạo bởi Joseph Merklin (1819–1905).

    • Ẩm thực của Marseille: Trời hôm nay dịu mát nên rất thích hợp cho việc đi dạo phố và ngắm cảnh, thưởng thức những món ăn thuần túy của Marseille. Ẩm thực của Marseille không có gì đặc sắc nếu đem so với các vùng khác của Pháp. Từ món cá truyền thống đến súp rau tươi, từ trứng cá muối Provençal đến bánh ngọt, bánh trái cây, v.v…Tuy nhiên, những đặc sản ẩm thực truyền thống ấy đã trở thành huyền thoại ở thành phố Marseille và chúng sẽ làm hài lòng vị giác của mọi du khách.

    • Basilique Notre-Dame-de-la-Garde là một nhà thờ theo phong cách La Mã-Byzantine. Notre Dame de la Garde cao 157 mét, một khung cảnh ngoạn mục của toàn bộ thành phố Phocaean. Notre Dame de la Garde nằm trên ngọn đồi cao nhất gần Cảng Marseille. Tháp chuông của Notre Dame de la Garde cao 41 mét. Tượng Đức Mẹ Maria thống trị vương cung thánh đường bằng vàng dài 11,20 mét và nặng gần 9.796 kg! Nó được sản xuất bởi công ty Christofle và cần được mạ vàng 500 gram vàng mỗi 1/4 thế kỷ. Bên trong, kích thước trở nên khiêm tốn hơn: gian giữa dài 32,7 mét và rộng 14 mét. Nhà thờ có sức chứa 3.000 chỗ ngồi và hướng ra biển. Các nhà nguyện có kích thước 3,8 mét x 5,4 mét. Notre Dame de la Garde hoàn tất sau 40 năm xây cất. Nhà thờ có sức chứa 3.000 chỗ ngồi và hướng ra biển

    Lịch sử Notre Dame de la Garde bắt đầu từ “Bonne Mère” được biết đến với cái tên “La Bonne Mère”, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1214 – lúc đó La Bonne Mère là một nhà nguyện nhỏ, xây dựng lại vào thế kỷ 15 trước khi bị phá hủy lần thứ hai vào năm 1853, để nhường chỗ cho một vương cung thánh đường lớn hơn với mục tiêu là có một nơi đủ rộng để chứa những người hành hương ngày càng đông. Bên trong nhà thờ, các vật liệu xây cất là đá cẩm thạch trắng từ Carrara và đá cẩm thạch đỏ từ Brignoles cùng với đồ khảm theo phong cách Byzantine. Dưới vương cung thánh đường, hầm mộ được đào thẳng vào đá, được hoàn thành trước vương cung thánh đường. Sự khác biệt về phong cách giữa hầm mộ và vương cung thánh đường: Vương cung thánh đường với lối trang trí rất phong phú và bằng vàng, trong khi hầm mộ và lối trang trí rất trang nhã, không có tranh vẽ hay trang trí vật gì.

    Basilique Notre-Dame-de-la-Garde

    Ngày 2 tháng 10, 2023-Trong chuyến xe lửa trở lại Paris, nhóm chúng tôi gặp lại nhau lúc 2 PM tại Gare Marseille, Saint Charles để cùng nhau về lại Paris. Riêng NV Ngọc Cường cùng vợ là chị Bích Điệp sẽ lấy xe lửa đi Toulouse thăm bạn. Anh chị Vĩnh Cửu & Bạch Kim sẽ tiếp tục chuyến du hành vùng Western Europe từ Gare Marseille Saint Charle. Phần còn lại thì cùng chúng tôi đi xe lửa về Paris. 

    Gare Marseille, Saint Charles

    Sau hơn 3 tiếng, xe lửa đến Gare De Lyon lúc 5:30 chiều. Chúng tôi lại chia tay mỗi người một ngả.  Đến Gare De Lyon, Mạnh Bổng & Khánh Lan lấy taxi về Le Mesnilamecot Hotel. Anh chị Tấn Công & Thanh Vân mướn phòng tại một nhà dòng ở Paris; NV Việt Hải, Lệ Hoa, Hoàng Loan và Thụy Lan sẽ đi thăm bạn ở Paris. Riêng NV Việt Hải và Lệ Hoa sẽ ở lại Paris cho đến tháng 10 ngày 09 để viếng thăm thành phố Bordeaux, một nơi nổi tiếng về rượu vang, trước khi trở về Mỹ. Mạnh Bổng & Khánh Lan sẽ ở khách sạn tại vùng ngoại ô Paris, gần phi trường CDG cho đến ngày 05 tháng 10 thì trở về Mỹ.

    Ngày 3 tháng 10, 2023-XUỐNG PHỐ PARIS

    Sáng nay, Paris mới thật sự vào thu. Bầu trời chuyển qua màu xám nhạt, mang theo những giọt mưa đầu mùa nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm ướt mặt đường phố. Một vài nơi, cây đã đổi màu vàng và đỏ. Vì còn ở lại Paris thêm 3 ngày nữa nên sau khi ăn điểm tâm tại hotel, chúng tôi lấy xe bus Mairie de Mautegard đến phi trường CDG. Sau đó, mua vé xe metro đi đến Downtown Paris.

    Xuống trạm xe gần nhà Gare Du Nord khoảng 10:30 sáng, chúng tôi lang thang qua nhiều con đường và rất nhiều khu phố. Tuy đi bộ xa như thế nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất thú vị và không cảm thấy mệt vì chúng tôi thường xuyên dừng lại ở vài tiệm bên đường để thưởng thức quà vặt như bánh ngọt, bánh Crâpes nhân chocolate, trái cây & nhâm nhi ly café Cappuccino…

    bánh Crâpes nhân chocolate và Nhâm nhi ly café Cappuccino

    Đến trưa, chúng tôi ghé vào tiệm Bistroi Boétie trên Rue La Boetie. Cả hai đều đói nên chúng tôi gọi 2 đĩa beef steaks, khoảng 40 euros. Tiệm này làm nón Pepper Steak và Red Wine Steak rất ngon.

    Ăn xong, chúng tôi tiếp tục quốc bộ lên tận Avenue Des Champs Élysée,

    Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi “window shopping” và ăn tối.

    Ghé vào tiệm Lafayette, ngắm quần áo, phấn son, v.v…

    Lafayette department store on Avenue Des Champs Élysée

    …rồi đến Arc De Triomphe De L’étoile chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

    Arc De Triomphe De L’étoile

    Đến 6 giờ chiều, chúng tôi đón taxi trở về hotel. Paris chẳng khác gì so với Los Angeles, trên đường phố, ngoài xa lộ lúc nào cũng bận rộn. Chúng tôi phải trả tiền taxi khá cao vì là giờ cao điểm. Nếu ai quen với hệ thống metro tại Pháp thì sẽ rẻ hơn rất nhiều.

    Ngày 4 tháng 10, 2023-Ngày cuối ở Paris, chúng tôi đi bộ quanh khu làng của quận Marne gần hotel của chúng tôi. Khi rẽ vào con đường chính Rue De Claye, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy đây là một khu phố cổ kính. Những căn nhà cũ kỹ có lẽ đã được xây cả mấy trăm năm trước. Đường phố chật hẹp, lồi lõm nhiều chỗ, nhiều bức tường đã bị tàn phá theo thời gian, trơ trụi với lớp gạch bên trong. Thông thường, khi nhìn lối kiến trúc, người ta có thể đoán được số tuổi của khu phố, thí dụ ngày xưa khi xây tường, người ta xếp những viên đá hay những viên gạch bể, vụn ghép lên nhau, mái ngói và cửa sổ theo thời cổ đại, v.v…

    Một số công sở, khu đất trống và nhiều villa không được bảo trì hoặc bỏ hoang, nên đã bị chính phủ công hữu hoá tài sản. Tuy nhiên, cũng có một số nhà đang trong tình trạng sửa chữa hoặc các xí nghiệp đang ở trong công trình kiến thiết xây dựng lại.

    Đi cả khu phố, chúng tôi chỉ thấy vỏn vẹn 2 tiệm bán Pizza, một nhà hàng Nhật, một tiệm bánh ngọt, một chợ nhỏ, một trường học cho trẻ em và một nhà thờ. Chúng tôi ăn trưa tại tiệm Pizza tên TOP PIZZA. Tiệm khá đông khách. Giá phải chăng và rất ngon.

    Ăn trưa xong, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong làng, rồi rẽ qua các con hẻm nhỏ.  Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là càng đi vào sâu trong làng, có rất nhiều những ngôi nhà khang trang và đẹp và cứ khoảng chục căn nhà lại được bao quanh bởi một cái cổng lớn giống như khu “Gated residents” hay apartments hay townhouses ở Mỹ.

    Chúng tôi trở lại hotel lúc 2 giờ chiều để sửa soạn hành trang, chuẩn bị ngày mai lên đường trở về Mỹ. Sau 4 lần đến Pháp, những gì chúng tôi mơ ước được viếng thăm, tìm hiểu có lẽ đã tạm đủ.

    Tạm biệt Paris! Không biết bao giờ sẽ trở lại nhưng chắc hẳn những hình ảnh đẹp của Paris sẽ vương vấn mãi trong tim chúng tôi.

    AU REVOIR PARIS…

    Khánh Lan, Paris 10/04/2023.

    —————————————————————————————————————–

    PARIS ĐẸP LẮM – Tản Mạn – Nhất Hùng

    Chúng tôi đến phi trường Charles De Gaulle Pháp vào một buổi sáng đầu tháng 9, trời se se lạnh, Paris đang vào thu, đã có nhiều lá rụng bên đàng và loang loáng vàng trên các hàng cây khắp phố. Lấy khách sạn ở Quận 7, bên dòng sông Seine, gần tháp Eiffel, check in xong liền đi bộ đến Tháp. Trên đường, tôi háo hức, lăng xăng chụp ảnh, chụp tất cả những gì tôi thấy, chụp kiến trúc, hàng cây, sông nước, phố xá…góc cạnh nào cũng đẹp. Chụp cả các cô đầm Pháp đạp xe thật nhanh, thật vội…có lúc áo đầm bay tung dưới gió, nom lạ mắt lắm. Chương trình đi thăm cảnh 15 ngày, mỗi ngày một nơi, có điểm chúng tôi phải ở lại hai ba ngày. Tôi viết ký sự, ghi vắn tắt những điểm đã viếng kèm hình ảnh nơi đến.

    Các Quận nội đô có nhiều công trình kiến trúc cổ vừa mỹ thuật vừa đồ sộ. Phố lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại, có du khách, có người đi làm. Lúc kiến tạo Paris, các nhà kiến trúc phân lô theo dáng mũi tàu nên tạo ra nhiều ngã năm, ngã bảy…cá biệt có ngã mười hai như các đường chung quanh Khải Hoàn Môn, không như Sài Gòn, nói ngã sáu, ngã bảy ai cũng biết ở đâu, như vậy, SG chỉ có một hai bùng binh nhiều ngã. Cách phân lô này tạo nên nhiều góc phố đẹp, nhộn nhịp. Nhiều con phố gợi nhớ lại các phố Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…của Sài Gòn ngày trước. Các quận ngoại thành có những công trình cao tầng, chung cư, cơ xưởng, văn phòng làm việc không thua kém bất cứ quốc gia tân tiến nào. Vóc dáng người Pháp có vẻ nhỏ hơn người Bắc Mỹ, đặc biệt các thiếu nữ Paris, đa phần nhỏ nhắn, mình hạc vóc mai thanh mảnh lắm, có lẽ họ đi bộ, đạp xe nhiều. Một tài xế taxi giải thích, họ ăn uống cẩn thận, tập thể dục đều đặn và rất chăm chút vóc dáng để còn diện thời trang. Nhưng khi đi về các tỉnh xa vẫn thấy còn nhiều Bà Đầm “hái nho”, quá khổ, bề thế lắm.

    Trong các quận nội thành Paris, “Café – Restaurant” nhiều, nằm san sát, nhất là những góc phố. Quán nào cũng đông khách. Có vẻ như người Pháp thích ăn uống bên vỉa hè để ngắm phố…ngắm thời trang…ngắm anh đi qua cô đi lại. Mặc dầu hàng quán lấn hè (có phép) nhưng bàn ghế ngăn nắp trật tự, khách ngồi ngay hàng thẳng lối, không lộn xộn, không cản trở khách bộ hành. Chủ quán giữ luật mà khách cũng tôn trọng quy ước này.

    Ở Paris, vợ chồng – tình nhân – trai gái ôm hôn nơi công cộng tự nhiên thoải mái, nom dễ thương và thích lắm. Lúc nghỉ trưa trong vườn Luxembourg, trước cả ngàn con mắt, một cặp tình nhân rất đẹp đến trải khăn rồi nằm bên cạnh chúng tôi, họ nằm lên nhau, ôm hôn, âu yếm… rất bạo cứ như là chốn không người. Máy ảnh của tôi sẵn sàng 24/24 nên có hình ngay, gởi bạn xem để nói có sách mách có chứng. Người Pháp nói chung, các thiếu nữ Pháp nói riêng còn hút thuốc lá nhiều quá…

    Chúng tôi cùng đi bộ lẫn trong dòng du khách nhưng không bận tâm đến những lời cảnh báo về trộm cắp ở Paris vì không mang theo thứ gì quý giá trên người, giấy tờ và một ít tiền tiêu vặt được để vào một túi nhỏ trong quần, trước bụng nên thoải mái lắm. Phố du lịch đông người nên cũng kém vệ sinh nhưng không như lời đồn thổi. Có bảng chỉ dẫn đến toilet, bỏ một đồng, cửa tự động mở, chuyện nhỏ mà…có là tốt rồi. Có những khu phố, khu chợ của người Trung Đông, bề bộn và xô bồ lắm nhưng đó là “văn hóa” của họ. Ở Paris, chúng tôi có đến phố Tàu, phố Việt…nom khang trang, sạch sẽ, có bán đủ món ăn thức uống, tạp hóa, tạp phẩm Á Đông. Phở Việt Nam ở Paris ngon lắm.

    Người Paris tử tế…cứ Bon Jour với họ trước…nếu có bất đồng ngôn ngữ họ vẫn tìm cách giúp đỡ mình.

    Đến xứ lạ, gặp người lạ, có trăm điều để kể nhưng bạn nên sắp xếp đến Paris để trải nghiệm một lần cho biết…thú vị lắm. Chẳng thế mà Paris luôn nằm trong danh sách những điểm du lịch có đông khách nhất trên thế giới.

    Chia sẻ với bạn vài nơi chúng tôi thăm viếng:

    THÁP EIFFEL

    Từ khách sạn đi bộ đến Tháp Eiffel (Tour Eiffel), đây là công trình kiến trúc bằng thép nằm trong công viên Champ de Mars, bên sông Seine do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế, xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889. Tháp là biểu tượng của kinh đô ánh sáng Paris và của nước Pháp. Buổi tối, tháp được thắp sáng và cứ thỉnh thoảng lại có đèn nhấp nháy. Du khách đông, nhất là ban đêm, khi tháp lên đèn.

    TU VIỆN MONT SAINT MICHEL

    Từ Paris, chúng tôi lái xe gần 4 tiếng vượt hơn 350 Km, qua nhiều thị trấn nhỏ, đẹp và yên bình để đến Saint Michel. Núi Saint Michel là một đảo ở Normandie. Theo tài liệu, từ thế kỷ 8, có một tu viện mà từ đó đã hình thành lên cái tên Mont-Saint-Michel.  Tu Viện có vị trí độc đáo khi nằm trên một hòn đảo chỉ cách đất liền gần 1km nên dễ dàng cho người hành hương tiếp cận khi thủy triều xuống. Mực thuỷ triều ở Mont Saint Michel có mức lên – xuống đỉnh, lúc lên, cao tới gần 13 m và xuống chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chính sự thay đổi này khiến tu viện khi thì giống một ngọn đồi trên cạn khi lại giống một hòn đảo chơ vơ nổi giữa đại dương. Lại có thời điểm Tu Viện Mont Saint Michel trông giống như một lâu đài lơ lửng trên mây, những lâu đài trong các câu chuyện cổ tích hoặc như một pháo đài trong các phim huyền thoại Hollywood “Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn”.

    Trên đường lái xe về, chúng tôi chợt nhớ và mở đi mở lại bài “Paris Có Gì Lạ Không Em” – Thơ Nguyên Sa – Nhạc Ngô Thụy Miên – Thái Thanh hát. Bài này chúng tôi đã nghe lắm lần nhưng hôm nay nghe lạ lắm. Nghe hay hơn, cảm xúc hơn, ôi lãng mạn quá.

    OMAHA NORMANDI

    Trên đường lái xe về Paris từ Mont Saint Michel, chúng tôi đến viếng Omaha, một bãi biển dài tám kilomet của vùng Normandie Pháp, đối diện với Eo biển Manche Anh, đây là một trong năm khu vực đổ bộ của quân đội Đồng Minh trong Chiến Dịch Neptune – Chiến Dịch Overlord ngày 6 tháng 6 năm 1944 (Ngày D) trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Cuộc đổ bộ vào Omaha được thực hiện bởi Quân đội Hoa Kỳ, Anh, Canada và Pháp Tự Do. Đứng từ ngoài biển nhìn vào bãi, không một chướng ngại che chắn cho quân đổ bộ, tưởng tượng biết bao người lính đã ngã gục trên bãi, cảm giác mạnh lắm, thật xúc động. Tôi thấy bãi cát thắm hồng, không biết đó là hiện tượng thiên nhiên hay máu những người lính Hoa Kỳ đã đổ xuống nhuộm đỏ cả bãi biển Omaha.

    THÀNH PHỐ CẢNG MARSEILLE

    Đi tàu điện cao tốc từ Paris đến Cảng Marseille 800 Km nhưng chỉ mất ba giờ, cảng thơ mộng, đẹp ngoài tưởng tượng. Thành phố nằm bên biển Méditerranée và là thủ phủ của tỉnh Bouches-du-Rhône. Tàu bè trên cảng, lớp ra vào tấp nập, lớp neo đậu san sát nhau, phố xá náo nhiệt và nhộn nhịp khôn tả. Ở cảng Marseille, lúc đi bộ, lúc đi tour bus du lịch dọc theo cảng biển Vieux Port, ngắm nhìn bãi biển xanh ngắt thơ mộng dưới ánh nắng rực rỡ, tận hưởng vẻ mênh mông kỳ vĩ của bờ biển Địa Trung Hải. Chưa thỏa mãn, chúng tôi thuê thuyền dong buồm ra biển để trải nghiệm cách cưỡi thuyền buồm và chiêm nghiệm những vịnh nước sâu, trong vắt, những vách đá trắng mà người Pháp gọi là những “Calanques” và được bơi giữa dòng nước trong, xanh biếc với vô số cá lội chung quanh. Thành phố Marseille được bao quanh bởi nhiều Calanques. Những núi đá trắng ngà kết hợp với biển xanh tạo nên những hình ảnh đẹp hơn tranh vẽ, ai đó cho xem một bức tranh hay một tấm ảnh chụp, tôi cũng không tin đó là thật, chỉ đến khi tận mục quan chiêm, mới biết thiên nhiên diễm ảo, kỳ diệu đến dường nào. Đã thế, khí hậu lại ôn hòa vì ảnh hưởng các dòng nước chảy dưới biển. Là người thích du lịch bạn phải đến đây một lần trong đời, nếu không, bạn sẽ không tưởng tượng hết được vẻ đẹp kỳ vĩ huyền ảo của biển của thiên nhiên. 

    Trên đồi cao có Nhà thờ Notre Dame de la Garde, với lối kiến trúc cổ kính cao gần 162m, leo qua 172 bậc thang mới tới sân nhà thờ. Tại đây bạn có thể ngắm toàn cảnh phố Marseille vô cùng xinh đẹp. 

    ĐỒI MONTMARTRE – NHÀ THỜ SACRÉ COEUR & QUẢNG TRƯỜNG TERTRE

    Đổi khách sạn đến gần Montmartre, chúng tôi leo đồi Montmartre ba lần trong ba ngày mới mong có đủ trải nghiệm nơi này, đồi lớn thuộc Quận 18. Trên đỉnh đồi là nhà thờ Sacré Coeur nổi tiếng ở Paris, xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Đến Thánh đường Sacré-Cœur, không chỉ được chiêm ngưỡng một tòa thánh cổ thật đẹp mà còn được ngắm một Paris từ trên cao, nhìn Paris lộng lẫy. Nhà Thờ có quả chuông Savoyarde, lớn nhất  Pháp. Montmartre có khung cảnh nghệ thuật, không khí nghệ sĩ, nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm… Có thang máy Funiculaire đưa du khách dưới đồi lên đỉnh. Từ trong thang máy, ta ngắm nhìn thành phố Paris, ngắm tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà Paris, Tháp Montparnasse và nhiều cảnh đẹp khác.

    Cạnh Thánh đường Sacré-Cœur có QUẢNG TRƯỜNG TERTRE (Place du Tertre) nằm trong làng Montmartre. Pháp có câu: “Thế giới thuộc về những người dậy sớm”. Hừng đông là khoảnh khắc đẹp nhất, Quảng trường Tertre cũng vậy, một ngôi làng cổ với không gian tĩnh lặng, thanh bình…trước khi du khách tấp nập đổ về. Khu vực trung tâm quảng trường đầy màu sắc. Vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm họa sĩ vẽ tranh trên quảng trường Tertre dưới ánh nắng nhẹ buổi sáng là niềm vui và thư giãn trước khi tiếp tục leo đồi.

    VƯỜN LUXEMBOURG

    Đi bộ loanh quanh ngắm cảnh rồi đến Luxembourg (vườn Lục Xâm Bảo) là khu vườn lớn và nổi tiếng ở Paris. Trong vườn có Viện Bảo Tàng Luxembourg. Đây là khu người dân thành phố, khách du ưa thích và thường vào nghỉ hoặc ăn trưa. Bao quanh vườn là hàng rào sắt nhọn, mũi mạ vàng. Trong vườn có nhiều tượng thần Hy Lạp, nhiều tượng thú trên bãi cỏ, không gian rợp bóng cây xanh được cắt tỉa công phu và thật đẹp. 

    Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từng học tại Paris đã sáng tác ca khúc nổi tiếng “Mùa thu không trở lại”, trong đó có câu “qua vườn Luxembourg, sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua”. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng có bài thơ “Mùa thu Paris” với câu: “Mùa thu âm thầm / Bên vườn Lục-Xâm / Ngồi quen ghế đá / Không em buốt giá từ tâm..” 

    CUNG ĐIỆN VERSAILLES

    Đón Taxi đến Cung điện Versailles, điện nằm phía tây của Paris. Được xây dựng vào năm 1624, là biểu tượng của hoàng gia, kiến trúc theo phong cách cổ điển. Versailles là một trong những cung điện lớn nhất thế giới với hơn 2300 phòng ngủ, nhiều cầu thang, phòng khách, phòng ăn, phòng thư viện, phòng triển lãm và vườn thượng uyển thật lớn gồm nhiều hồ nước, vườn nhỏ và lâu đài…Từng căn phòng, hành lang được chăm chút tỉ mỉ với kiến trúc và nội thất xa hoa. Cầu thang Đại Đế trong điện được xây dựng to lớn từ đá cẩm thạch. Trong Điện trang trí những tác phẩm nghệ thuật, tường và trần được vẽ chân dung các vị hoàng đế và hoàng hậu. Phòng ngủ trang trí đẹp, thiết kế sang trọng lộng lẫy và mê hoặc với các rèm cửa bằng lụa. Nhưng nóng lắm vì không có máy lạnh, còn mùa đông, đã có nhiều lò sưởi lớn nên chắc là đủ ấm. Đứng ngắm mãi phòng ngủ, rèm che, giường gối Hoàng Hậu nằm, tưởng tượng miên man, nghĩ ngợi lung tung, chợt nghĩ, nóng quá, nóng như thế này còn mần ăn gì nữa…chả lẽ có người hầu đứng quạt. Rồi chợt nhớ, vợ chồng tôi ngày trước cũng thế, Sài Gòn nóng như đổ lửa, không máy lạnh, không quạt máy (có quạt thì cũng bị cúp điện triền miên), tối ôm nhau, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà có sao đâu…nghĩ nay rồi lại nghĩ xưa…ôi biết bao kỷ niệm tràn về.

    BẢO TÀNG VIỆN LOUVRE 

    Thuê xe đạp, đạp xe dạo phố rồi đến Viện Bảo Tàng Louvre. Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới với kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác nghệ thuật vô giá của Pháp. Bảo tàng Louvre đã đi vào lịch sử như là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng của nước Pháp. Được du khách đánh giá là một trong những công trình kiến trúc có nhiều cái nhất: -Là Bảo Tàng Viện lớn nhất thế giới, -Là cung điện của nhiều triều đại nhất, -Là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có nhất, -Là bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập khổng lồ nhất, -Là bảo tàng được truy cập trên Web nhiều nhất -Là bảo tàng đón nhiều khách tham quan nhất, -Là bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất, -Là bảo tàng lưu giữ nhiều kiệt tác nghệ thuật vô giá nhất,. -Là bảo tàng có kim tự tháp bằng kính độc đáo nhất, -Là bảo tàng phát sáng nhất.

    NHÀ HÁT OPERA PALAIS GARNIER

    Trong một ngày dạo quanh ngắm phố, chúng tôi có thăm Nhà Hát Opera Palais Garnier, nhà hát lớn nhất Paris. Đây là một trong những di tích lịch sử ấn tượng với phong cách kiến trúc cổ điển cùng những bức tượng điêu khắc nổi tiếng. Hôm chúng tôi đến, không biết lý do gì, mặt trước nhà hát được che lại bằng một bức họa khổng lồ.

    KHẢI HOÀN MÔN

    Mướn xe, ngắm phố, lái đến xem Khải Hoàn Môn, kiến trúc toạ lạc ở đầu phía Tây của đại lộ Champs-Elysées, đại lộ nổi tiếng nhất Paris, Khải Hoàn Môn nằm ngay giữa quảng trường Charles De Gaulle – Étoile, được xây dựng vào năm 1806, dưới thời hoàng đế Napoleon I để tôn vinh quân đội Pháp và kỷ niệm những chiến thắng lẫy lừng. Khải Hoàn Môn nhộn nhịp và sầm uất, thể hiện rõ phong cách sống cũng như những nét văn hoá hiện đại của Paris, khu vực này thu hút rất đông khách du lịch

    DU THUYỀN TRÊN SÔNG SEINE

    Sông Seine nổi tiếng. Có vé đi du thuyền trên sông Seine ngày và đêm. Chúng tôi chọn mua vé đi ban đêm, lúc tháp Eiffel vừa lên đèn. Cảnh vật hai bên bờ như một bức tranh sống động, lộng lẫy và đẹp như tranh bao gồm cảnh quan của thủ đô Paris, thuyền chạy dưới nhiều cây cầu bắc ngang sông. Mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc tuyệt vời. Du thuyền trên sông Seine là một trải nghiệm thú vị. Ta có cơ hội ngắm nhìn thành phố từ một góc khác, ngắm các công trình kiến trúc, các danh thắng nổi tiếng của Paris như Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre, Tháp Eiffel…Ngày đã đẹp, đêm xuống, phố lên đèn càng đẹp hơn.

    PHỐ THỜI TRANG

    Đến Paris, không chỉ khám phá những cảnh quan tuyệt đẹp, thưởng thức những món ăn ngon, mà còn đi xem phố thời trang và mua sắm. Paris là kinh đô của Mỹ phẩm – Thời trang – Nước hoa và các mặt hàng xa xỉ…đi mua sắm cũng là trải nghiệm cuộc sống ở Paris. Cửa hàng thời trang có rải rác khắp nơi, nhưng một số khu vực có mật độ cửa hàng lớn với các trung tâm mua sắm nổi tiếng. Chanel đã và vẫn khẳng định vị thế, đẳng cấp của mình. Khi đến cửa hàng Chanel, đã nhiều khách phải đợi ở ngoài cửa vì bên trong đã đông người, chờ khách ra bớt chúng tôi mới được vào.

    PARIS BY NIGHT

    Paris từng nổi tiếng là Kinh Đô Ánh Sáng. Về đêm khi phố lên đèn, có rất nhiều vị trí khung cảnh chụp ảnh rất đẹp, tối nào có dịp, tôi đều vác máy đi chụp một số ảnh đêm Paris..

    Trên đường ra phi trường, lưu luyến giã từ Paris, trở về Washington DC – Hoa Kỳ, chúng tôi khẽ nghe lại bản nhạc “Để Quên Con Tim”. Lòng chùng xuống, tự hiểu mình… biết khó có dịp trở lại với Paris…chắc chắn là tôi sẽ nhớ Paris thật nhiều.

    Trăm nghe không bằng mắt thấy, phải tận mắt mục thị quan chiêm, bạn mới cảm thấy được hết cái dễ thương, cái diễm kiều, cái đáng yêu của Paris.

    Nhất Hùng