II -Du Lịch Bahamas
…Đến chiều tối sau khi tranh thủ thời gian để di thăm viếng những nơi có danh lam thắng cảnh, hay những kỳ tích lịch sử của xứ đảo thần tiên nầy, chúng tôi liền vào phòng ăn để dùng cơm tối như chiều qua rồi về khách sạn nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, chỉ còn một ngày phù du trên thiên đàng nữa nên chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đúng như ngày hôm qua. Kéo đến phòng ăn để dùng điểm tâm đã rồi mọi việc sẽ tính sau.
Vì trên xứ Đào Nguyên nầy chỉ ăn hai bữa chính: sáng và tối. Thế nên nhiều du khách dùng điểm tâm như bữa ăn chính luôn để trưa khỏi phải ăn, đợi cơm tối ăn luôn. Vì vậy sau khi dùng một ly cà phê sữa và một miếng bánh ngọt, tôi lại ăn thêm một miếng beefsteak, vài lát cà chua và hai lát bánh mì nữa cho trọn phần cơm trưa; lấy cớ thịt beefsteak ở trên thiên đàng sao mà nó mềm và ngon hơn thịt ở hạ giới!
Không biết có phải thượng đế trên thiên đàng này đã mời ba người Việt Nam vừa trúng giải quán quân quốc tế “Chef de Cuisine” là các cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh ái nữ của anh chị Lê Văn Khoa và Ngọc Hà vừa thắng giải Cooking Champion và $10,000 tiền thưởng trong cuộc thi nấu ăn trong chương trình Chopped của Food Network trên truyền hình Hoa Kỳ, phát hình lúc 8 và 10 giờ tối Thứ Ba 16-4-2013 vừa qua, và hai cô Luke Nguyễn (Úc Châu), Christine Hà (Master Chef) lên chỉ huy và hướng dẫn mấy cô cậu hoả đầu vụ trên “Atlantic, the Paradise Island” này hay không mà món nào món nấy đều ngon tuyệt cú mèo cả!
Các du khách từ người Pháp, người Đức, người Anh, người Ý, người Đại Hàn, người Ả Rập, người Ấn Độ, người Tầu, người Mễ Tây Cơ v.v… đều ca ngợi vô cùng.
Cô Maiki Le, tức cô Lê Mai Khanh, ái nữ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và chị Ngọc Hà.
Sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi lại lên đường để tiếp tục cuộc hành trình săn lùng những cảnh đẹp của xứ thần tiên, nơi có nhiều huyền thoại vang bóng một thời khi Bahamas đang còn là thuộc địa của đế quốc Anh với câu nói bất hủ đã đi vào lịch sử thuôc địa: Đế quốc Anh, mặt trời không bao giờ lặn!.
Đang đi trên đường bỗng thấy con cá đối đang bơi dưới suối thật là đẹp mắt, tôi lấy camera ra chụp ngay vài hình.
Cứ mỗi lần đến một địa điểm khác, nhân viên trực an ninh của địa điểm đó bắt chúng tôi đeo vào tay một vòng tròn, khác với màu sắc của vòng tròn cũ. Biểu tượng này coi như là giấy phép được đi thăm viếng trong địa điểm mới vậy thôi. Sau đó chúng tôi có thể tự do đi ngắm cảnh hay xuống hồ bơi tùy thích.
Vì chúng tôi chỉ lấy vé vào thăm đảo NASSAU có ba ngày thôi nên còn rất nhiều kỳ hoa dị thảo, cũng như những lâu đài tráng lệ nguy nga, những nơi phồn hoa đô hội của xứ bồng lai tiên cảnh này chúng tôi chưa đến thăm được, đành phải ra về vì đi du lịch cũng đã lâu rồi. Thế rồi khi thấy trời đã về chiều, chúng tôi liền đi lui lại để vào trung tâm Marketplace dùng cơm tối. Sau đó cả gia đình kéo nhau đi một vòng dưới ánh sáng chan hòa của đèn điện đủ màu sắc về đêm, để thưởng lãm những bức tượng, những hình ảnh thuộc về lịch sử của quần đảo Bahamas. Chúng tôi cũng đi ngang qua phòng ngồi uống cà phê Starbucks, ghé đến xem các sòng bài ở casino, nơi các du khách vào đây để giải trí, cũng là nơi các tay triệu phú và những người nghiện cờ bạc đốt tiền như đốt giấy vàng bạc.
Chụp hình để làm vua một phút
Lúc đi ngang qua một phòng thấy rất nhiều người vây quanh một chiếc ghế màu vàng đặt trên cao như ghế của vua chúa ngày xưa, tôi liền đến gần để xem. Thì ra có lẽ đây là chiếc ngai vàng của một ông vua nào đó đã trị vì trên quần đảo Bahamas này trong thế kỷ trước. Thấy nhiều người thay phiên nhau lên ngồi trên ghế chụp hình để làm kỷ niệm, tôi cũng leo lên ngồi rồi nhờ người ta chụp một hình để kỷ niệm một phút làm vua trên thiên đàng; dù đây chỉ là thiên đàng của NASSAU, một đảo lớn trong mấy nghìn đảo của quần đảo Bahamas.
Sau khi đi vòng vo tam quốc trong ROYAL TOWER khoảng hai giờ thì trời đã về khuya, chúng tôi liền về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên đường bay về Miami.
Sáng hôm sau vừa thức giấc, bà xã tôi mở cửa ra thì thấy mấy tờ giấy nằm trước cửa. Lấy lên đọc thì thấy bản tin thứ nhất là tờ hoá đơn tính tiền, bản tin thứ hai là những lời cám ơn du khách đã quyết định
chọn Atlantic, the Paradise Island, là nơi để đến du lịch. Cuối cùng là xin hẹn gặp nhau lại tại thiên đàng này trong tương lai!
Theo chương trình chúng tôi đã vạch sẵn, sau khi dùng điểm tâm xong, gia đình chúng tôi mang hành lý rời khách sạn ra phòng làm thủ tục để lên xe buýt vào phi trường. Trong lúc ngồi chờ đợi gia đình con gái tôi làm thủ tục, tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế ở gần cổng ra vào. Bỗng có một bà người gốc Phi Châu thân hình mập ú, đến ngồi nghỉ bên cạnh tôi. Tôi liền cất tiếng chào bà ta. Bà ta cũng chào lại để đáp lễ. Để đánh tan bầu không khí im lặng, tôi liền hỏi bà ta:
– Thưa Bà, Bà làm việc trên thiên đàng này phải không?
Bà ta vừa nhìn tôi vừa cười:
– Ở đây là thiên đàng?
Tôi trả lời ngay:
– Thì đây là thiên đàng chứ còn gì nữa! Bằng chứng là trên tấm bảng thật to trong phòng kia cũng như trên các poster quảng cáo đều có chữ PARADISE. Bà thấy trên hình quảng cáo đằng kia kìa: Atlantic, the Paradise Island!!
Nghe tôi nói như vậy bà ta cười hì hì hì hì thật to. Đợi cho bà ta cười xong tôi liền nói:
– Công nhận thiên đường này đẹp thật. Tôi muốn trở lại thăm lần thứ hai mà không được. Tiếc quá!
Bà ta hỏi ngay:
– Tại sao vậy, thưa ông?
Tôi trả lời ngay:
– Thì bà cũng biết đấy, khi người nào chết, Chúa chỉ cho người đó lên thiên đàng một lần thôi! Thế nên làm sao tôi có thể trở lại thiên đường nầy lần thứ hai được!
Tôi vừa nói xong bà ta lại cười hi hi hi hi có vẻ khoái chí vì câu nói hài hước vừa rồi của tôi.
Cuộc đối thoại giữa tôi và người đẹp mập ú gốc Phi Châu vừa dứt thì gia đình tôi gọi lên xe buýt. Thế là lên xứ Đào Nguyên mấy ngày khi giã từ Bồng Lai Tiên Cảnh để bay về lại hạ giới, mấy nàng tiên của Lưu Nguyễn ngày xưa đâu không thấy, lại thấy một nàng tiên gốc Phi Châu mập ú ngồi trên thiên đàng đang vẫy tay chào vĩnh biệt ta! Thôi thế cũng được, miễn sao có Nàng Tiên vẫy tay chào là quý lắm rồi! Được sinh ra rồi sống cho trọn một kiếp người dễ gì gặp được Tiên!
Để đáp lại nụ cười giã từ của Nàng Tiên da đen mập ú, tôi vừa vẫy tay chào từ biệt nàng vừa hát mấy câu trong bản nhạc của nhạc sĩ nào đó tôi đã quên tên mất:
“Yêu nhau, cho nhau nụ cười!
Thương nhau cho nhau một lời.
Một lời thôi vĩnh biệt!
Một lời thôi xa nhau!”
Nhưng rồi thấy nàng tiên lại đứng lên vẫy tay mỗi lúc một mạnh hơn. Xúc động quá tôi liền hát mấy câu cuối trong bài “Vĩnh Biệt” của Nhạc Sĩ Lam Phương để từ biệt nàng:
Thôi kiếp sau gặp nhau
Giờ đã muộn màng
Chỉ biết lỡ làng … !!!
Lúc xe buýt sắp chuyển bánh để lên phi trường, chợt nhớ cái ba lô nhỏ đựng máy quay phim, máy ảnh trên lưng tôi đâu mất rồi. Thế là cậu Quang và tôi liền xuống xe gấp để lấy ba lô lên. Vì trong lúc chờ xe buýt, tôi để cái ba lô nhỏ đó ở góc tường nơi chỗ tôi và cậu Quang đứng chuyện trò hồi nãy. Sau khi chạy vòng vo tam quốc gần bốn mươi phút thì xe buýt đến phi trường. Chúng tôi vào trong phòng làm thủ tục hải quan để lên máy bay về Miami. Vì NASSAU, thủ đô của quần đảo Bahamas, không phải là lãnh thổ của Hoa Kỳ nên thủ tục hải quan ở đây được thực thi rất kỹ lưỡng trước khi về lại Hoa Kỳ. Như thường lệ, gia đình tôi cũng đã làm thủ tục hải quan tại phi trường nầy không có gì trở ngại. Riêng cá nhân tôi, vì hôm nay là ngày trở về nên tôi nghĩ rằng, có thể nằm hay ngồi lê lết tại phi trường hay khách sạn, để chờ xe buýt hay máy bay nên mặc áo quần gì cũng được. Vì vậy trong số 5 cái quần dài mang theo, tôi lấy đại cái quần kaki và cái áo ca rô màu xanh đỏ tím vàng mặc vào. Đầu tôi đội thêm cái mũ lưỡi trai màu đen nữa, chân mang giày.
Sau khi tôi bỏ tất cả giày, bóp đựng giấy tờ căn cước, tiền bạc, nón lưỡi trai, nịt, cell-phone vào một cái khay rồi để trên bàn cho chạy qua máy, mọi việc đều êm xuôi. Bỗng anh chàng an ninh phi trường da đen đứng gần tôi bảo tôi đứng riêng một bên để kiểm soát. Không biết vì thấy tôi bề ngoài bận áo quần như thế nó có tưởng tôi là hải tặc từ Caribean đến không. Nằm bơi giữa nắng mấy năm liên tục để chữa bệnh đau lưng nên nước da đã ngâm đen; giờ đây đi tắm biển giữa nắng gần 12 ngày nữa nên nước da càng đen thêm. Đã thế vì chúng tôi còn đi từ hướng Caribean về nên không biết thấy tôi bận áo quần như vậy nó có nghi tôi là hải tặc từ Caribean đến hay không mà chàng an ninh nhất định phải kiểm soát trên người tôi một lần nữa!
Tên “hải tặc” (áo ca-rô, quần kaki) về từ hướng Caribean, đang ngồi chờ xe buýt đến chở vào phi trường NASSAU để bay qua Miami. Bên cạnh là du khách thăm viếng Atlantis, Paradise Island, Bahamas.
Khi tôi đứng riêng ra rồi nó bảo:
– Hands up.
Tôi liền giơ tay lên cao. Khi tôi đưa tay lên cao thì cái quần kaki của tôi rơi xuống đất vì nó rộng quá và không đeo nịt vì tôi đã lấy nịt bỏ trên khay cho chạy vào máy để kiểm soát rồi! Sở dĩ tôi mua rộng quá mà không sửa vì khi mang nịt vào thắt lại, cũng vừa thôi. Vì quần rơi xuống đất nên tôi phải bỏ hai tay xuống chụp nhanh lưng quần lại để quần khỏi rơi xuống. Khi thấy tôi bỏ hai tay xuống chụp lưng quần, nhân viên an ninh da đen kia lại nói:
– Hands up!
Tôi liền đưa tay lên đầu hàng (hands up) lại thì quần tôi lại rơi xuống nữa! Vì thấy quần rơi xuống tôi lại phải bỏ tay xuống chụp quần lại để kéo lên! Thấy tôi không chịu đưa tay lên cao mà cứ bỏ tay xuống nữa nó lại nói lớn:
– Please hands up!
Tôi nghĩ bụng, nếu tình trạng cái quần này kéo lên rồi rớt xuống, rồi lại kéo lên rồi rớt xuống nữa cứ tiếp tục hoài thì mệt quá. Vì vậy tôi quyết định đứng chàng hảng hai chân, giang hai chân ra thêm cho thật rộng thì cái quần dài chỉ rơi ngang bắp vế sẽ bị giữ lại thôi khỏi phải rơi xuống dưới xa! Vì anh chàng an ninh da đen này đã ra lệnh 3 lần rồi, tôi nghĩ sự bất quá tam, nên để quần liều như thế cũng được rồi, không thì mệt với nó. Cuối cùng đứng trong tư thế hai chân chàng hảng như vậy là yên chí lớn rồi, nên tôi vừa đưa tay lên cao vừa nói với anh chàng nhân viên kiểm soát da đen kia:
– OK. Tau đầu hàng mày rồi (hands up), mầy muốn làm gì thì làm!
Thế là chàng ta cầm một chiếc máy nho nhỏ hình chữ nhật bắt đầu đưa sát vào ngực áo tôi rồi rà từ từ trên ngực xuống bụng. Khi ngang “vùng cấm địa”, không biết nghi ngờ cái gì mà chàng ta rà chầm chậm chầm chậm khiến tôi bật cười làm cái quần suýt rơi xuống đất nữa! Sau đó chàng ta ra phía sau lưng rà từ trên xuống dưới. Khi thấy chàng rà xong rồi tôi liền hỏi:
– OK. Sir?
Chàng ta vừa trả lời OK xong thì tôi bay đến cái khay lấy nịt mang vào thắt lưng quần ngay! Đúng là kêu trời không thấu!
Sau khi làm thủ tục hải quan tại phi trường NASSAU xong, chúng tôi vào phòng đợi để chuẩn bị lên máy bay về Miami. Ngồi chờ khoảng một giờ thì có lệnh lên máy bay. Đúng 2giờ chiều ngày 11 tháng 4 năm 2013, máy bay bắt đầu cất cánh tại phi trường NASSAU, thủ đô của quần đảo Bamahas, nhắm hướng phi trường Miami của tiểu bang Florida trực chỉ.
Ngồi trên máy bay nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đảo NASSAU, được mệnh danh là thiên đàng của hạ giới, The Paradise Island, đang nổi bật dưới ánh nắng chiều tà thật đẹp mắt. Lúc máy bay bay hơi nghiêng về phía bên phải, tôi thấy tháp ROYAL TOWERS phản chiếu ánh nắng chiều đang đứng sừng sững dưới trời cao, quyện lấy nắng hồng mây trắng trời xanh, làm cho tháp ngà trở nên tráng lệ, ngoạn mục bên cạnh dãy núi rừng thật là hùng vĩ. Rồi đằng kia là tháp The COVE ATLANTIS và The REEF ATLANTIS đang hiển hiện bên bờ đại dương tràn ngập những sóng biển dạt dào.
Thôi thì thời gian và thủy triều không bao giờ đợi chờ người. Thời gian thì vẫn trôi trôi mãi giữa dòng đời hiu quạnh. Thủy triều thì vẫn lên cao rồi xuống thấp, suốt đời xua đuổi nhau chạy theo thời gian để hòa mình vào cát trắng giữa chốn trần gian.
Thế nên chúng ta, dù trong tương lai có ghé lại thiên đường hạ giới này để thăm lại cảnh cũ người xưa, hay một nghìn năm sau vẫn biền biệt xa cách nghìn trùng, thì hình ảnh đẹp tuyệt trần của thiên đường hạ giới này vẫn mãi mãi tiềm tàng trong lòng du khách.
Xin tạm biệt thiên đường Atlantic, The Paradise Island! Xin tạm biệt hải đảo nằm bơ vơ bên cạnh lòng đại dương tận cuối chân trời ngút ngàn xa vời vợi, nơi mà sóng gió ba đào thường hay dậy sóng cuồng điên.
Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Bahamas” xuất bản năm 2013)
Dương Viết Điền