Âm nhạc,  Khánh Lan

DÒNG NHẠC BOLÉRO

BOLERO VÀ NGUỒN GỐC

Sánchez (guitar, left) and Emiliano Blez (tres) with three singers (standing)

Bolero là một thể loại âm nhạc, kèm theo nhạc cụ và khiêu vũ, bắt nguồn từ thành phố Santiago de Cuba và lan rộng khắp Cuba. Santiago là một thành phố phía đông nam đảo quốc Cuba, nơi thịnh hành những nghệ sĩ du ca dùng guitar đàn hát để lưu diễn và kiếm sống trong ba thập niên cuối của thế kỷ 19.  Những sáng tạo đầu tiên của bolero đều từ Santiago. Một trong những người tiên phong, chủ xướng, định hình phong cách đặc trưng cho bolero là Pepe Sánchez (1856 – 1918), một nghệ sĩ – thầy giáo, người đã sáng tác bản bolero đầu tiên Tristezas (Những niềm đau) vào khoảng năm 1883.

Pepe Sánchez (1856 – 1918)

Với giai điệu sang trọng, tinh tế, những bài bolero với sức hấp dẫn của âm nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn, giai điệu bolero nhanh chóng lan truyền sang Mexico và các quốc đảo ở vùng Caribe cũng như các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia và Tây Ban Nha.

Thời kỳ hoàng kim của bolero ở các quốc gia Mỹ Latin bắt đầu từ những năm 1930 và kéo dài liên tục trong suốt ba thập kỷ, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico),… , Lucho Gatica (Chile)… Thời kỳ này, bolero cũng ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được biểu diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như: Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.

Bolero du nhập vào các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, trữ tình và phóng khoáng của người Mỹ Latin và đương nhiên Bolero trở thành âm nhạc của quần chúng. Những bản bolero nổi tiếng bậc nhất thế giới, minh chứng cho những đỉnh cao và sự bền bỉ của một trong những dòng nhạc đứng vững như một biểu tượng văn hóa đại chúng của các nước Mỹ La Tinh. Theo hai tác giả Lisa Shaw, Stephanie Dennison của cuốn sách Pop Culture Latin America: Media, Arts, and Lifestyle (Văn hóa đại chúng Mỹ La Tinh: Truyền thông, Nghệ thuật và Lối sống), hầu hết giới nghiên cứu cho rằng nhạc bolero xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19. Những bài bolero đầu tiên khởi sinh từ Cuba, nhanh chóng lan tỏa sang các đảo quốc ở vùng biển Caribbean và Mexico.

THĂNG TRẦM CỦA TRĂM NĂM

Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các giai điệu tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách thức biểu diễn ca khúc.

Như các thể loại khác, bolero được cho là từ một điệu nhạc nhảy theo nhịp ¾ ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18, nhưng điệu bolero mới này đã thay đổi nhịp thành 2/4, và sau đó là nhịp 4/4. Tuy nhiên, nó cũng bị pha trộn bởi nhiều điệu nhạc gốc Châu Âu và Châu Phi như danza, habanera, trova, son bởi tiếng đệm đàn guitar ảnh hưởng lên giai điệu.

Los Panchos là một trong những nhóm nhạc bolero nổi tiếng khu vực châu Mỹ La tinh vào những năm 30 của thế kỷ 20. Những bản tình ca sang đã làm rung động hàng triệu con tim như “Besame Mucho”, “Guantanamera”, “My Heart Will Go On” hay thậm chí “Yesterday” của nhóm nhạc lừng danh. Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi.

BOLERO TẠI VIỆT NAM

Bolero du nhập vào Việt Nam, khoảng đầu thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng giai điệu phương Tây thay cho giai điệu truyền thống. Nền tân nhạc của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu giai điệu bolero và biến nó thành một dòng nhạc tình ca. Bolero được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nhạc tại miền Nam Việt Nam, và trở thành một phần quan trọng của văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam.

Đặc điểm của điệu Bolero trên thế giới được các nhạc sĩ áp dụng sáng tác trong cả nhạc cổ điển lẫn nhạc đại chúng. Ở Việt Nam, bolero được áp dụng để sáng tác cho loai nhạc nhẹ bởi khi Bolero du nhập vào Việt Nam được Việt hóa cho hợp với lối nói phát âm của người Việt. Boloro Việt Nam hát theo kiểu truyền thống, ngân rung, làm cho bài hát trở nên vừa dễ hát, vừa dễ thuộc. Ngoài ra nó còn rất hợp với chất cải lương, để hát tân cổ giao duyên.

ĐẶC ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG BÀI HÁT VIẾT BẰNG ĐIỆU BOLERO VIỆT NAM LÀ:

  • Nhiều bài hát mang đậm chất dân ca Nam Bộ.
  • Giai điệu cấu trúc đơn giản, tiết tấu đều đều, chậm, thường là nhịp 4/4, ít biến đổi nhịp, ít quãng cao, dễ hát, khi hát thường luyến láy, cho mềm mại và mùi mẫn.
  • Lời ca bình dân, có nhiều vần và dễ thuộc, dễ nhớ.
  • Có các đặc điểm như khái quát, buồn.

Nhạc Bolero rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam, và trở thành một phần quan trọng của văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã thành công bài rumba bolero đầu tiên, và trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều, NS Anh Hoa là người đã nối gót NS Lê Trọng Nguyễn với ca khúc “Trăng phương Nam”, và tiếp theo là “Chiều trong rừng thẳm” của Anh Việt sáng tác trước 1954.

NẮNG CHIỀU QUA THỂ LOẠI BOLERO

Nắng Chiều là tên của một nhạc phẩm nổi tiếng của NS Lê Trọng Nguyễn viết trước năm 1950 và hoàn tất năm 1953. NS Lê Trọng Nguyễn với bài tình ca viết dưới thể điệu rumba bolero đầu tiên có sức chinh phục, cuốn hút người nghe đã đem đến một sự thành công vượt bực bởi những ca từ trong Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, nhẹ nhàng và lãng mạn. Nó thoát ra hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Nắng chiều với phong cách rumba bolero đã trở thành bài tình ca đẹp của thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nắng chiều không chỉ chinh phục khán thính giả Việt mà còn vươn ra ngoài biên giới.

  • Nhạc phẩm Nắng Chiều được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa Sài Gòn và Huế in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản.
  • Ca khúc Nắng Chiều được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang và NS Lê Trọng Nguyễn là người đã soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này.
  • Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Cũng trong năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người điều hợp viên chương trình văn nghệ của Hội Chợ Thị Nghè, ông đã giới thiệu nhạc phẩm này với Midori Satsuki trong đoàn Ca Vũ Nhạc Nhật Bản Toho và mời cô sang trình diễn lần đầu tiên tại Hội Chợ liên tiếp trong hai tuần lễ.
  • Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã hát và thu thanh bài Nắng Chiều bằng tiếng Quan thoại, tựa đề là Tịch dương hay Việt Nam Tình Ca hay Nam Hải Tình Cado Thận Chi đặt lời. Nhạc phẩm này đã được dân chúng Đài Loan và Hồng Kông đón nhận nồng nhiệt cũng như báo chí tại hai nơi này đăng tin Nắng Chiều là một trong những bài tình ca hay nhất.
  • Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Khmer và trở thành một bài Á châu tình ca!
  • Năm 1971, bài hát là nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng.
  • Ngày 20 tháng 8 năm 2005, “Nắng Chiều” được nữ ca sĩ trẻ Doanh Doanh trình bày bằng tiếng Trung Hoa trong chương trình video có thu hình của trung tâm Asia tại thành phố Houston.
  • Sau này,Nắng chiều được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á và Đài phát thanh Huế qua các giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh, Anh Ngọc, Ngọc và được người yêu nhạc tán thưởng.

VÌ SAO NHẠC PHẨM NẮNG CHIỀU TRỞ NÊN NỔI TIẾNG?

Bởi những ca từ trong nhạc phẩm Nắng Chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, chứng tỏ NS Lê Trọng Nguyễn là con người từng thấu hiểu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam. Nắng chiều được viết dưới phong cách rumba bolero và đã trở thành bài tình ca đẹp của thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Bolero Việt Nam với phong cách chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung “re trưởng” với chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung hợp các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác. Cho đến ngày nay, nhạc phẩm Nắng Chiều vẫn giữ một vị trí ưu ái trong lòng khán giả mến yêu âm nhạc và đó là những điểm son của nhạc phẩm Nắng Chiều theo dòng thời gian.

Tóm lại, Bolero đã trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa âm nhạc Việt. Đem đến những giai điệu và lời bài hát sâu sắc, thể hiện những cảm xúc chân thành và tình yêu đích thực. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhạc bolero và những giá trị mà dòng nhạc bolero mang sắc thái bolro tình tự dân tộc Việt Nam.

Khánh Lan sưu tầm (May 25, 2024)