Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Những Kỷ Niệm Xa Xưa
(Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Hiền nhân ngày mất vào dịp Giáng Sinh 2005)
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng tuổi (sinh năm 1927) và bạn thân với nhau. Lê Trọng Nguyễn qua đời sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004. Nguyễn Hiền và gia đình Lê Trọng Nguyễn thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn nên Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức ngày 17 tháng 4, 2005 tại Little Saigon. Lúc đó sức khỏe ông tuy yếu nhưng vì tình bạn thâm tình, ông cùng với các nhạc sĩ trong The Stars Band đảm trách chương trình âm nhạc với các ca sĩ ngày xưa ở Sài Gòn trình bày những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn.
Nào ngờ, Nguyễn Hiền qua đời vào sáng 23/12/2005. Lễ Hỏa Táng ngày 31/12 tại Peek Family Funeral Home. Pháp danh Minh Trí. Ông ra đi rất thanh thản. Trước đó còn lái xe chỉ cảm thấy mệt mỏi, hiền thê của ông khuyên đến bác sĩ khám bệnh, phát hiện bị ung thư phổi. Một tháng sau, ông qua đời.
Vào những năm đầu của thập niên 1990s, cùng uống cà phê với nhau ở quán Tài Bửu (góc Bolsa & Magnolia) với ông, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009), nhà văn Viên Luông, gợi ý tôi tham gia vào Trung Tâm Văn Bút ở Nam Califorinia. Ông là Tổng Thư Ký năm 1992 và Chủ Tịch năm 1999. Có một nhiệm kỳ tôi làm Tổng Thư Ký. Lúc đó, Trần Ngọc có văn phòng đại diện luật sư trên dãy lầu trong khu chợ Anh Minh (Góc đường Ward & Bolsa) nhưng nhiều năm chẳng thấy bạn tôi hành nghề (ngay cả những vụ đụng xe) nơi đó cũng là chỗ sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút. Thỉnh thoảng, buổi tối anh em hội viên và thân hữu gặp nhau trò chuyện, văn nghệ bỏ túi. Sau đó vì có sự tranh chấp với nhau (giữa danh xưng Tây Nam Hoa Kỳ, Nam California…) nên không sinh hoạt nữa.
Năm 1997, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thực hiện tuyển tập về nhà văn Khái Hưng, gồm 2 quyển dày hơn một nghìn trang, ông là người cộng tác nhiệt tình nhất, edit các bài viết, còn tôi chỉ giúp typset vài bài viết. Đây là quãng thời gian tôi được gần gũi, trò chuyện với các ông.
Ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordéon (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp. Ông được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt. Ông am tường về nhạc sử và các nhạc sĩ cổ điển Tây Phương. Nguyễn Hiền học nhạc năm 8 tuổi với thấy dạy nhạc người Pháp, sau đó ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, tốt nghiệp năm 1951 rồi trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội. Năm 1953 theo lời ông “Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng”, là nghệ sỹ dưới ánh đèn màu nhưng một đời thủy chung với vợ.
Tháng 9 năm 1954, gia đình Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Ông là công chức phục vụ trong Bộ Công Dân Vụ thời Việt Nam Cộng Hòa, tiền thân của Bộ Thông Tin, Xây Dựng Nông Thôn, Dân Vận & Chiêu Hồi… Ông từng làm Chủ Sự Phòng Văn Nghệ của đài phát thanh Sài Gòn, phụ tá Giám Đốc đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa.
Ông là người hướng dẫn các xướng ngôn viên đọc đúng tên gọi nhân vật, địa danh ngoại quốc viết theo tiếng Anh, tiếng Pháp… Trong những lần trò chuyện, ông kể vanh vách từng người, đảm nhận công việc trong hai thập niên cùng làm việc với nhau.
Về sáng tác, khi mới 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên Người Em Nhỏ của nhà thơ Thiệu Giang, bạn thân với nhau ở Hà Nội.
Nhạc phẩm của ông không nhiều nhưng có các ca khúc nổi tiếng. Những ca khúc của ông như: Em Là Vì Sao Sáng, Gửi Một Cánh Chim, Hương Thề, Huyền Trân Công Chúa, Ngàn Năm Mây Bay, Thầm Ước, Xuân Vui Ca, Ý Nhạc Chiều…
Ông thích thơ nên có nhiều ca khúc của ông phổ thơ như: Anh Cho Em Mùa Xuân (thơ: Kim Tuấn, Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân), Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy), Chiều Nào Em Đến (thơ Đinh Hùng), Mái Tóc Dạ Hương (thơ Đinh Hùng, nguyên tác Một Tiếng Em)… Chuyện Đêm Mưa (lời Hoài Linh), Thanh Bình Ca (lời Thanh Nam), Hoa Bướm Ngày Xưa (lời Thanh Nam). Khi ở Hoa Kỳ ông ấn hành tuyển tập với tựa Hoa Bướm Ngày Xưa để nhớ người bạn thân.
Ông sáng tác chung với các nhạc sĩ: Ân Tình Lên Ngôi (với Minh Kỳ), Bước Chân Dĩ Vãng (với Lan Đài), Buồn Ga Nhỏ, Đã Mấy Thu Rồi, Từ Giã Thơ Ngây (với Minh Kỳ), Đêm Sơn Cước (với Thiện Huấn), Hai Mươi Câu Tuổi Trẻ (với Song Hồ), Hoa Đào Năm Trước (với Lê Dinh), Hoài Thơ (với Hà Dũng), Về Đây Anh (với Nhật Bằng), Lá Rơi Bên Thềm, Màu Tím Hoàng Hôn (nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền), Tiếng Hát Học Trò (với Minh Kỳ).
Tác phẩm Ngàn Năm Mây Bay của nhà văn Văn Quang, năm 1963 đạo diễn Hoàng Anh Tuấn dựng thành phim với các diễn viên chính Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Bích Sơn, Bích Thủy. Thái Lai sản xuất (có lẽ vào thời điểm đó với biến động về chính trị nên phim không được thành công) nhưng ca khúc Ngàn Năm Mây Bay rất nổi tiếng.
Trong lần xuất hiện trên Paris by Night, ông chia sẻ: “Khi tôi nghe thấy tên phim ấy là Ngàn Năm Mây Bay, tôi cũng thích văn chương, nhất là văn chương cổ cũng như văn chương Pháp rất là romantic. Thành ra tôi liên tưởng đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, trong đó có hình ảnh cánh hạc bay đi rồi mà ngàn năm mây trắng vẫn còn bay, thì tôi viết tựa trong bài nhạc Ngàn Năm Mây Bay “Em đi như cánh hạc vàng. Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn trôi” dưới tựa đề trong ca khúc”.
Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi Hiệu vào thế kỷ thứ 8 đời nhà Đường hay đến nỗi, khi nhà thơ Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu thấy bài thơ phải thốt lên: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. Rất nhiều nhà thơ dịch bài thơ nầy, sau 1975 bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Chương dịch hay nhất. Bản dịch của Vũ Hoàng Chương gởi “chui” cho nhạc sĩ Cung Tiến, dựa vào bài thơ nầy phổ nhạc năm 1976 ở Úc. Trong tuyển tập của anh lấy tên ca khúc Hoàng Hạc Lâu đặt tên cho tuyển tập ấn hành năm 2010 để nhớ vị thầy Vũ Hoàng Chương dạy học ở Chu Văn An.
Với hai câu đề trong bài thơ thất ngôn bát cú (đề, thực, luận, kết), Vũ Hoàng Chương dịch thơ: “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi. Trắng một màu mây vạn vạn đời”. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền không nói đến người xưa mà hình bóng “Em đi như cánh hạc vàng”.
Lời ca phác họa hình ảnh người yêu bóng giai nhân xa cách:
“Chiều tím không gian
Mênh mang niềm nhớ
Mây bay năm xưa còn đó
Đâu tìm người hẹn hò.
… Ngàn kiếp mây bay
Không phai niềm nhớ
Thu sang lòng thấy bơ vơ
Giờ chỉ còn mộng mơ”
(Nhạc phẩm nầy ấn hành năm 1964)
Năm 2023, ca sĩ Kim Tước thực hiện CD, lấy ca khúc nầu cho CD. Với tôi, giọng mezzo-soprano rất hợp và hay nhất trong các ca sĩ đã hát.
Hầu hết lời ca của ông qua những tình khúc mang nỗi buồn man mác, không ủy mị mà thường nhắc đến hình bóng xa xôi, tiếc nuối.
Tác phẩm Tiếng Hát Học Trò của nhà văn Văn Quang, Thái Thúc Nha (cậu ruột của Thanh Lan) đạo diễn với hai diễn viên chính Huy Cường và Thanh Lan thành phim cùng tên với ca khúc Tiếng Hát Học Trò (chung với Minh Kỳ) với tiếng hát Thanh Lan sản xuất năm 1970. Tuy phim trắng đen nhưng hình ảnh Thanh Lan sexy đã gây đình đám.
Phần cuối của phiên khúc:
“Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi
Còn thiết tha như giọng hát buông lơi
Rồi thời gian trôi Xuân qua Hè tới
Mùa Thu mâý báo khắp trời
Gieo niềm thương nhớ đầy vơi”
Ông là người mẫu mực, thận trọng từ giai điệu đến lời ca qua những nhạc phẩm sáng tác nhưng cũng có vài trường hợp ông viết ngay tại chỗ. Gặp nhà thơ Đinh Hùng khi ăn phở, ĐH khoe: “Này, có bài thơ tôi đưa cho ông đây, ông xem ra làm sao”, ông thấy bài thơ tên là Một Tiếng Em, ca ngợi người phụ nữ trong lý tưởng của anh ấy là một người có nét sầu mộng. Ngay tại tiệm phở ông phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Mái Tóc Dạ Hương.
Với 4 câu cuối trong phiên khúc:
“Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em
Chao ôi! màu suối tóc buông mềm
Nét buồn khuê cát hoen sương phủ
Nhạt ánh sao ngàn bên dáng xiêng”.
Với ca khúc Anh Cho Em Mùa xuân, theo lời ông:
“Có một hôm vào mùng 5 Tết, lúc đó tôi làm việc ở Bộ Thông Tin, làm phụ tá cho Văn Hóa Bộ Trưởng, trụ sở của nó ở số 15 đường Lê Lợi, đối diện với G-France ở bên kia. Buổi sáng mùng 5 Tết thì cũng buồn thôi, anh Thượng Sĩ Già là một nhà phê bình văn học và anh Sĩ Trung cũng làm việc ở đó, lúc về thì tôi thấy trên bàn giấy có một tập thơ nhan đề là 40 Bài Thơ Của Vương Đức Lệ, trong đó có Mai Trung Tĩnh – Định Giang là một anh sĩ quan hải quân trẻ tuổi và có Kim Tuấn.
Trong 40 bài thơ ấy tôi mới lật, lật – đúng là mùng 5 Tết, không khí xuân vẫn còn tràn trề trong người nên còn nhiều hứng khởi. Mở ra thì gặp đúng cái bài Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn. Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân thì lúc ấy không khí xuân vẫn còn thì tôi mới lấy giấy ra – không có giấy nhạc, tôi lấy tay kẻ khuông nhạc và không ngờ cũng là cái duyên, tôi viết xong độ 1, 2 tiếng thì đã xong bài, xong tôi cất ở trong ngăn kéo, sáng hôm sau có một anh trẻ tuổi đến tìm tôi, nói rằng hôm qua tôi đến tìm anh biếu tập 40 bài thơ, tự giới thiệu là Kim Tuấn… “Ủa? Kim Tuấn à? Tôi vừa mới phổ cái bài của anh ra thành nhạc đây này!”, anh ấy mới xin tôi chép lại một bài, và ngay lúc đó thì ông chủ hãng Asia thâu đĩa ghé qua, chắc cũng đói bài, mới bảo “Có bài gì mới không?”, tôi mới nói “Có bài mới toanh đây này!” – đưa cho ông ấy thì ông ấy ký contrat (hợp đồng) với anh Kim Tuấn, tôi cưa đôi cho ảnh một nửa. Thế rồi hãng xuất bản Tinh Hoa là anh Lê Mộng Bảo, anh ấy cũng lại in bài đó, thành ra chúng tôi cũng cứ chia nhau, chia hai hết tất cả chứ không tứ lục tục gì cả”. Lời ca khúc sát với bài thơ 5 chữ.
Qua ca nhúc nầy, nhà thơ Kim Tuấn được biết đến. Trước đó Kim Tuấn dã ấn hành các tập thơ: Hoa Mười Phương (1959), Ngàn Thương (in chung với Định Giang 1969), Dấu Bụi Hồng (1971) nhưng ít người biết đến, qua cac khúc nầy ấn hành Thơ Kim Tuấn đầu năm 1975. Gồm những bài thơ chọn lọc trong các tập thơ cũ.
Theo nhà thơ Du Tử Lê: Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Sài Gòn, cuối đường Phan Đình Phùng… Sau khi nghe thi sĩ Đinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là “hữu duyên”!… Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế , dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông, để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.”. Ông là người ít quan tâm về tiền nhuận bút và bản quyền. Và từ đó cho đến khi cùng định cư ở Little Saigon vẫn thường gặp nhau.
Năm 1978 nhạc sĩ Nguyễn Hiền bị quy là dính líu đến tổ chức phục quốc và bị giam đến năm 1980. Ông thoát khỏi Trong quyển Vụ Án Hồ Con Rùa trong đó có các văn nghệ sĩ. điển hình như: Trần Dạ Từ – Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Thái Thủy, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương, Thanh Thương Hoàng, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu… Năm 1998, gia đình ông được bảo lãnh, định cư tại Little Saigon.
*Trong sinh hoạt cộng đồng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã tham gia Ủy Viên Văn Hóa & Nghệ Thuật của thành phố Westminster, với Hội Cao Niên Á Mỹ, ông từng là Chủ Tịch và cố vấn. Đặc san Hạc Trắng giao cho tôi layout, nhà ông ở nhà nhà tôi nên có nhiều dịp tiếp xúc với nhau. Ông cũng tham gia, cố vấn Kế Hoạch Phát Triển Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới. (Tuy ông không phải là võ sĩ nhưng các võ sĩ trong tổng hội thân quen với ông mời giữ vai trò cố vấn vì có nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức).
Ông là người điềm đạm, lịch sự, rất tế nhị khi giao tiếp và sẵn sàng hỗ trợ bạn văn. Điển hình như nhà văn Dương Viết Điền (người bạn cùng Khóa Nguyễn Trãi I với tôi ở Los Angeles). Theo Dương Viết Điền:
“… Chiều ngày 08 tháng 12 năm 2004, tôi đã gọi điện thoại xuống cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền hỏi xem thử Lời Bạt về hai tác phẩm (hồi ký) của tôi đã được viết xong chưa để tôi xuống lấy thì nhạc sĩ trả lời mới viết xong được một lời bạt thôi, cuốn thứ hai đang viết nửa chừng.
… Cuối cùng thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng đã viết cho tôi hai Lời Bạt, một cho tác phẩm Trại Ái Tử & Bình Điền, và một cho tác phẩm Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”. (Trong hai tác phẩm của Dương Viết Điền, tôi đã trích và dăng trên tờ báo của tôi)
*
Với Hà Nội, tôi là dân Quảng Nam nhưng trước năm 1975, đọc Hà Nội 36 Phố Phường của nhà văn Thạch Lam, Thương Nhớ Mười Hai của nhà văn Vũ Bằng, các tác phẩm của Vũ Trong Phụng vào thập niên 1930s và nhiều bài viết về nơi chốn nầy nên rất thích.
Năm 1972, bố vợ từ Nha Trang lên Đà Lạt thăm vợ chồng tôi, lúc đó mới có dịp bố con trò chuyện với nhau. Cụ ông, con trai vị thầu khoán ở phố Hàng Đào, phục vụ trong ngành Cảnh Sát vì vậy có nhiều dịp “nay đây mai đó” khắp phố cổ Hà Nội từ tuổi thơ cho đến tháng 8, 1954 di cư vào Nha Trang. Cụ ông nhớ rất rõ từng con đường, góc phố, những món ăn đặc sản, nơi vui chơi ở mỗi phố, hàng, con đường từ Hà Nội ra ngoại thành. Hà Nội có khoảng sáu mươi hàng (con dường ngắn khoảng 100 mét đến 1 km, có quán xá hai bên)… Mỗi phố, có khi chỉ một hàng, có khi hai, ba hàng nên rộng hẹp khác nhau. Đặc biệt với phố Huế, giữa lòng Hà Nội, cùng tên với cố đô Huế… Qua lời kể, tôi viết Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù (ký bút hiệu Hoàng Bích Yên) đăng trên đặc san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị năm 1973. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Quản Đốc đài phát thanh Đà Lạt (sau nầy ở Hoa Kỳ ấn hành thi phẩm Yêu Em, Hà Nội) tưởng tôi là người Hà Nội nên cùng với nhà thơ Tô Kiều Ngân thực hiện chương trình ca nhạc với bài viết nầy.
Sau hai thập niên, những lần cà phê ở Little Saigon, nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể về Hà Nội với trí nhớ làm tôi kinh ngạc. Ông nhớ cả số nhà vũ trường, vài văn nghệ sĩ từng quen biết từ cách ăn mặc cho đến thói quen…
Khi tôi viết bài Quang Dũng, Sổ Tay & Cuộc Tình, trong bài thơ Tây Tiến có hai câu thơ rất trữ tình: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (Theo thủ bút của Quang Dũng trong Sổ Tay thì chữ giáng Kiều) nhưng sau nầy in lại ghi là dáng kiều. Ngôi nhà 68 phố Hàng Bông, nơi trú ngụ của bốn chị em họ Nguyễn là Kiều Vinh, Kiều Hinh, Kiều Hương, Kiều Dinh. Quang Dũng lấy hình ảnh 4 nàng Kiều nầy ghi trong thơ. Tôi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Hiền và ông xác nhận đó là “giáng Kiều” không phải là “dáng kiều”.
Ngày 5/5/2005, tôi ra tờ Cali Weekly, khổ standard (nhật báo), 24 trang, có 4 trang full color (1, 2 & 23, 24), (Chủ Nhiệm: Vương Trùng Dương, Chủ Bút Nguyễn Ngọc Chấn, Tổng Thư Ký: Việt Hải) số ra mắt tôi viết bài về Stars Band (trang 1 & 9) khi tiếp xúc, phỏng vấn vài nhạc sĩ tham gia được hình thành từ năm 1995 do nhạc sĩ Mạc Vũ (BS Phạm Gia Cổn) cùng các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Hiền (3 năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vừa mới định cư được mời tham gia).
Nhớ những lần cùng uống cà phê với nhau, ông và Phạm Gia Cổn luôn “Nhớ nhà châm điếu thuốc” (Chiều – Hồ Dzếnh) rồi “liều một đám – làm một điếu”.
Không ngờ sau đó, cả hai trở thành người thiên cổ!
Nhờ những lần gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Hiền, với kiến thức, trí nhớ và sự cởi mở, chân tình của ông giúp tôi hiểu biết thêm về nhạc sử cổ điển Tây phương qua các thời kỳ Trung Cổ, Phục Hưng, Baroque, Cổ Điển, Lãng Mạn… hai giai đoạn âm nhạc thời tiền chiến và hai thập niên ở miền Nam Việt Nam.
Hầu như mọi người được tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền đều quý trọng nhân cách, trí nhờ và tài hoa sáng tác, sử dụng những nhạc cụ điêu luyện và sự dấn thân của ông trong sinh hoạt cộng đồng.
Vương Trùng Dương