• Khánh Lan,  KÝ SỰ,  LỊCH SỬ,  Sinh Hoạt,  Trần Huy Bích

    BUỔI THUYẾT TRÌNH VỀ “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO”TẠI VIỆN VIỆT HỌC NGÀY 16 THÁNG 12-2023

    Hai hôm trước buổi nói chuyện của Giáo Sư Trần Huy Bích về buổi thuyết trình với đề tài: BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO và HAI BÀI THƠ CHỮ HÁN QUAN TRỌNG CỦA NGUYỄN TRÃI, Khánh Lan nhận được email của Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết Cô Phạm Từ Ái, giáo viên trường tiểu học DeMille tại thành phố Midway City đã khởi xướng và mời Giáo Sư làm diễn giả cho buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ngày 16 tháng 12, 2023 vừa qua.

    Với lời viết khiêm tốn, GS Trần Huy Bích viết: “Năm nay tôi 87 sắp lên 88. Ở tuổi ấy người ta có khuynh hướng … lười”. Điều nay thể hiện qua hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến như sau: “….Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu.Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác…”Hay ham hoạt động như Nguyễn Công Trứ cũng viết: “…… đến tuần lão đại.Cuộc đời trăm việc đã vâng nhường….” Và chỉ nên: “….Đem thân thế nương miền toàn (tuyền) thạch.Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn….”Rồi sau đó, Giáo Sư Trần Huy Bích kết luận rằng ông rất thích mấy câu dưới đây của Vương Duy:“…Vãn niên duy hiếu tĩnh.Vạn sự bất quan tâm…”Và đã dịch thành: a) Tuổi già riêng thích tĩnh. Mọi chuyện chẳng quan tâm. b) Tuổi già riêng thích yên thôiNgổn ngang muôn chuyện gạt ngoài chân tâm.Tuy nhiên, với BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, Giáo sư Bích cho biết ông không khỏi giật mình khi thấy một cuốn sách do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành ở trong nước gần đây giảng “Luống đăm đăm con mắt dục đông” là … “muốn đi về phía đông, hướng có mặt trời, có vượng khí” (Sic)Ngay sau đó, cuốn ấy giảng “Vẫn mịt mù như kẻ vọng dươnglà “trông về phía mặt trời, ý nói mong một vị cứu tinh” (Sic), tuy trong nguyên tác, Nguyễn Trãi dùng chữ “dương (với nghĩa là biển).

    Giáo sư tiếp: “Vị tác giả giảng BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế đã viết và in tới trên 10 cuốn sách về văn học VN. Bên cạnh cuốn Thơ Văn Bùi Kỷ tôi vừa nhắc tới, ông ta cũng viết về Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phạm Văn Nghị (thầy dạy của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến) … Tôi không có những cuốn ấy, nên không biết ông ta viết và giảng ra sao.”

    Đó chính là lý do thúc đẩy Giáo Sư Trần Huy Bích nhận lời yêu cầu của nhóm các thầy cô giáo trẻ như cô giáo Phạm Từ Ái và cô Đặng Quỳnh Hương, lớp người trẻ đang vững bước tiến tới để dần dần thay chỗ cho các vị giáo học tiền bối.

    Giáo sư Trần Huy Bích cho biết thêm: Những người khởi xướng buổi thuyết trình này là một số thầy cô giáo đang dạy tiếng Việt cho các học sinh gốc Việt tại Orange County. Các thầy cô muốn giới thiêu áng văn chương lịch sử hào hùng ấy tới các em học sinh, nhưng nhiều câu chính các vị cũng không hiểu rõ. Họ đã cử cô Phạm Từ Ái, giáo viên tại Warner Middle School thuộc thành phố Westminster tới liên lạc với Giáo sư Trần Huy Bích, để xin giáo sư giảng rõ cho các thầy cô, và Giáo sư Bích đã nhận lời.

    Khi biết tin ấy, cô Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc điều hành Viện Việt Học, đề nghị Giáo sư Bích dùng phòng hội của Viện làm nơi thuyết giảng. (dựa theo bài viết của Giáo Sư Bích)

    Trên thực tế, sau buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học, Khánh Lan đảm trách nhiệm viết bài tường thuật về buổi thuyết trình. Khánh Lan thiết tưởng, một bài tường thuật lịch sử cần phải chỉnh chu và đúng với sự thật, chính vì thế Khánh Lan xin mạn phép dùng những chi tiết được ghi nhận rất đầy đủ cũng như am hiểu tường tận về Bình Ngô Đại Cáo của ba vị tiền bối gồm: Giáo Sư Trần Huy Bích; Chủ tịch đảng Tân Đại Việt, Hoàng Đình Khuê và Ký Giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.

    Khai mạc buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, Cô Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu tiểu sử, hành trình cũng như những thành quả của diễn giả Giáo Sư Trần Huy Bích trong lãnh vực giáo dục.

    Nguyễn Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học, giới thiệu diễn giả Trần Huy Bích. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Trước khi vào phần chi tiết của buổi thuyết giảng về BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, khánh Lan xin trình bày sơ lược về Nguyễn Trãi:

    Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, hiệu là Ức Trai,
    quê tại làng Chi Ngại (Chí Linh-Hải Dương). Ông là một nhà Nho yêu nước, một quân sư cho Vua và là người có công rất lớn trong chiến thắng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhắc đến Ông là nhắc đến một Danh nhân Văn hóa Thế giới, đã để lại cho đời một kho tàng văn học vĩ đại, một áng thiên cổ hùng vănđiển hình là “Bình Ngô Đại Cáo”.

    Bình Ngô Đại Cáo” được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của dân tộc Đại Việt sau bản Tuyên Ngôn Độc Lập là bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Do đó năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân Văn hóa Thế giới”. Ông cũng là người đầu tiên của Việt Nam được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc công nhận danh hiệu này.

    Nói về “Bình Ngô Đại Cáo”, khi chúng ta tách Đại Cáo ra, là tên một Thiên trong Thượng Thư, trích từ điển tích trong Thời nhà Chu Triều (周朝) (Tây Chu: 1122- 771 TCN)

    Khi Cao Tụng-Chu Thành Vương (1042-1021 TCN) lên thay Chu Vũ Vương thì bị loạn Tam Giác gồm Vũ Canh, Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ làm phản.

    Chu Công Đán là chú của Chu Thành Vương đã dẹp đám phản lọan và Chu Thành Vương truyền Đại Cáo. Đây là Đại Đạo Dĩ Cáo để trình bày và sau đó báo cáo với thiên hạ là đã dẹp Loạn Tam Giám, đất nước độc lập và lấy tên “Đại Cáo” là tên của một Thiên trong Kinh Thư.

    Giáo sư Trần Huy Bích thuyết giảng về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học ngày 16.12.2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Theo giáo sư Trần Huy Bích, bài dịch của Bùi Kỷ hay và hào hùng hơn cả, nhưng bản dịch của Ngô Tất Tố rõ ràng dễ hiểu hơn. Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, bản Ngô Tất Tố dịch như sau:

    Thay Trời lời hành hóa, Hoàng Thượng truyền rằng: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo / Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc, Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau / Song hào kiệt thời nào cũng có…

    Tiếp theo là đọan khá dài trình bày về việc dẹp xong giặc Ngô ngoại xâm đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Và câu cuối cùng của bài Bình Ngô Đại Cáo viết:

    “Than ôi! Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định – Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh – Bá cáo xa gần – Ngỏ cùng nghe biết.

    Đoạn dưới đây là lời giải thích của Giáo Sư Trần Huy Bích:

    Giáo Sư Trần Huy Bích, ông đề nghị dùng bản dịch của cụ Bùi Kỷ (được in trong Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim) làm bản chính trong việc trình bày. Đó là một bản dịch có nhiều câu văn đẹp và hào hùng. Nhưng bản dịch ấy cũng có một số câu quá cô đọng và dùng từ Hán Việt thuộc loại khó nên nhiều chỗ có phần tối nghĩa. (Dịch khoảng năm 1919 để in vào Việt Nam Sử Lược năm 1920, vị Phó bảng họ Bùi đã dùng loại tiếng Việt của trên 100 năm trước).

    Nhận thấy nhiều câu trong bản dịch của cụ Ngô Tất Tố ý nghĩa rõ hơn, Giáo Sư Bích đề nghị dùng bản này làm bản hỗ trợ và bổ túc. (Cụ Ngô Tất Tố dịch sau cụ Bùi Kỷ, và đã có ý muốn chữa lại phần nào những chỗ khó hiểu trong bản dịch trước). Giáo Sư Bích cũng muốn giới thiệu thêm hai bản dịch nữa: bản của nhà văn/học giả Nhượng Tống (dưới bút hiệu Mạc Bảo Thần) và bản của nhà biên khảo Bùi Văn Nguyên (1918-2013), sống ở miền Bắc trước năm 1975. Ông Nguyên có hoàn cảnh gặp cụ Bùi Kỷ nhiều lần trước khi cụ qua đời, nên đã có dịp hỏi cụ khá nhiều về bản Bình Ngô Đại Cáo do cụ dịch.

    Trong buổi thuyết trình tại Viện Việt Học, mỗi tham dự viên được phát một tập tài liệu gồm:

    • Đoạn mở đầu của nguyên tác Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán như được in trong Hoàng Việt Văn Tuyển
    • Phần phiên âm của đoạn mở đầu ấy
    • Bản dịch của Bùi Kỷ
    • Bản dịch của Ngô Tất Tố
    • Bản dịch của Nhượng Tống

    Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết ông không in thêm bản dịch của Bùi Văn Nguyên vào xấp tài liệu trên vì như thế sẽ dày quá.  Bản ấy được in trong Tập 4 của bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam, đã có tại Viện Việt Học. Đồng thời, bộ sách này cũng đã có bản PDF trên Net. Theo Giáo Sư Bích, chỉ cần vào Net, đánh “Tổng tập Văn học Việt Nam tập 4” là có thể tìm ra.

    Các tham dự viên ngồi kín hội trường Viện Việt Học, Westminster, chiều thứ Bảy, ngày 16 tháng 12, 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Tại phòng hội của Viện Việt Học chiều Thứ Bảy 16 tháng 12 vừa qua, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của:

    • Một số nhà giáo dục: Các giáo sư Phạm Lệ Hương, Vũ Ngọc Mai, Bùi Mỹ Dương, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Ngọc Tuyết… Đáng chú ý nhất là sự có mặt của giáo sư Nguyễn Thị Thanh Tâm (cựu giáo sư trường nữ Trung học Đồng Khánh, Huế, hiền nội của giáo sư Đoàn Khoách), tới từ San Diego. Giáo sư Đỗ Quý Toàn, nguyên giáo sư Sử trường Trung học Chu Văn An, Sài Gòn, đến hơi trễ vì phải dự tang lễ một người bạn thân trước đó. Ông đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong phần 2 của buổi thuyết trình.
    • Một số vị trong văn giới và học giới: Các nhà văn Ngự Thuyết, Nguyễn Quang (phu quân của cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh), Tràm Cà Mau, Phạm Quốc Bảo, Võ Ý, Trương Huy Văn, nhà biên khảo Đỗ Thái Nhiên, học giả Nguyễn Duy Chính …
    • Nhân vật trong cộng đồng: Đại tá Trần Minh Công, Hạm trưởng Phạm Đình San, bà Ngô Tuyết Mai (Hội trưởng Hội Đồng hương Bắc Ninh), bác sĩ Đinh Thái Sơn (Phó Chủ tịch CLB Hùng Sử Việt), ông Hoàng Đình Khuê (Chủ tịch đảng Tân Đại Việt), ông Phan Thanh Tâm (hậu duệ của đại thần Phan Thanh Giản) …
    • Một số cựu sinh viên trường Chiến tranh Chính trị VNCH, nơi Nguyễn Trãi được tôn là Thánh tổ: nhà văn Vương Trùng Dương, ông Nguyễn Huy Hiền …
    • Một số thầy cô giáo ở thế hệ trẻ: Cô Phạm Từ Ái, cô Đặng Quỳnh Hương, thầy Trần Chí Hồng Tiên …
    • Đáng cảm động nhất là sự có mặt của Nhà Văn Trần Việt Hải, con chim đầu đàn của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, và người bạn đời của anh là chị Lệ Hoa. Bị stroke từ nhiều năm trước, anh bước đi khó khăn. Phòng hội của Viện Việt Học không có thang máy, chị phải dìu anh leo lên bằng thang thường. Lúc đầu hai vị lên nhầm cầu thang phía sau nhưng cửa khóa, không vào được. Anh chị phải leo xuống để lên trở lại bằng cầu thang phía trước, vất vả vô cùng. Khi thấy anh trong phòng hội, Gs Trần Huy Bích giật mình. Ông bước tới ôm lấy anh, nghẹn lời.

    Từ trái: Ông Phạm Đình Hưng, KG Vương Trùng Dương, NV Khánh Lan, GS Trần Huy Bích, NV Việt Hải & phu nhân Lệ Hoa

    Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết một số bản dịch Bình Ngô Đại Cáo được in ở trong nước, kể cả bản của ông Văn Tân trong Nguyễn Trãi Toàn Tập (1976), bản của các ông Ngô Linh Ngọc & Mai Quốc Liên trong Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên (2000), bản được in trong bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập (do Viện Sử Học ở Hà Nội biên soạn, tái bản năm 2017), đã làm một việc không nên làm là cắt bỏ hẳn một câu của Nguyễn Trãi. Theo ông, như thế là “kiểm duyệt văn của tiền nhân, không trung thành với lịch sử.” Câu của Nguyễn Trãi bị các vị cắt bỏ là: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã” (Cũng do sự linh thiêng của Trời Đất Tổ tông đã âm thầm phù trợ mà được như thế).

    Cũng theo Giáo Sư Bích, trong cuốn Thơ văn Bùi Kỷ do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành ở trong nước năm 1994, tác giả Nguyễn Văn Huyền đã giảng sai một số chữ trong Bình Ngô Đại Cáo. Một trong những chữ ấy là “vọng dương.” Nguyên Nguyễn Trãi dùng chữ “dương” 洋 ở bộ Thủy với nghĩa là “biển” (như trong “đại dương, trùng dương”), và cụ Ngô Tất Tố đã dịch là “mịt mù như nhìn chốn biển khơi,” nhưng trong cuốn sách trên, ông Nguyễn Văn Huyền lại giảng là “vọng dương là trông về phía mặt trời.”

    Trong cuốn Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản do Viện Sử Học ở Hà Nội phát hành năm 1976, ông Văn Tân cũng hiểu sai ý Nguyễn Trãi trong câu ông dịch, “Quân Mộc Thạnh bị bại ở Cần Trạm.” Theo Giáo Sư Bích, điều ấy không đúng với sự thật lịch sử, và bản dịch của cụ Ngô Tất Tố trước đó đúng hơn:

    “Nghe [Liễu] Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.”

    Trong buổi thuyết trình, Giáo Sư Trần Huy Bích đọc từ câu đầu tiên đến câu cuối bản dịch của Bùi Kỷ để trình bày ý nghĩa. Với những câu tối nghĩa, ông đối chiếu với nguyên tác để có thể hiểu ý Nguyễn Trãi. Khi có câu tương ứng và dễ hiểu hơn trong bản dịch của Ngô Tất Tố hay Nhượng Tống, ông đọc những câu ấy trước cử tọa. Sau khi ông giảng xong, mọi người đều vui vì đã hiểu Bình Ngô Đại Cáo rõ hơn. Tới đoạn trình bày các trận đánh (Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tụy Động/Tốt Động, Chi Lăng, Xương Giang, Lê Hoa ….) ông phát một tấm bản đồ màu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và giúp mọi người hiểu các diễn tiến của cuộc khởi nghĩa cho tới khi chiến thắng.  

    Sau đây là một số trường hợp Giáo Sư Trần Huy Bích đối chiếu những câu quá cô đọng trong bản dịch của cụ Bùi Kỷ với những câu rõ nghĩa hơn trong các bản dịch của Ngô Tất Tố và Nhượng Tống:

    Bản Bùi Kỷ: vẫn đăm đăm con mắt dục đông.

    Bản Ngô Tất Tố: vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông

    Bản Nhượng Tống: thường bồn chồn muốn đánh sang Đông.

    Bản BK: luống đằng đẵng cỗ xe hư tả

    Bản NTT: cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả

    Bản NhT: nên sắp xe đợi bậc hiền tài, vẫn thành kính bỏ không phía tả.

    Bản BK: vẫn mịt mù như kẻ vọng dương

    Bản NTT: mịt mù như nhìn chốn biển khơi

    Bản NhT: mờ mịt như trông ra bể

    Bản BK: thêm vội vã như khi chửng nịch

    Bản NTT: vội vã hơn cứu người chết đuối

    Bản NhT: vội vàng hơn vớt đắm đò.

    Và nhiều trường hợp tương tự.

    Sau khi trình bày xong, Giáo Sư Trần Huy Bích mời hai thầy cô giáo trẻ, thầy Trần Chí Hồng Tiên và cô Đặng Quỳnh Hương, tiếp sức nhau đọc lại bản dịch của cụ Bùi Kỷ, để xem còn ai thấy chỗ nào chưa rõ nghĩa nữa không. Cả hội trường đều vui, vì ai nấy đều đã hiểu bản dịch có giá trị văn chương ấy.

    Sau 10 phút giải lao, phần 2 của buổi hội thảo để giải đáp thắc mắc. Giáo sư Đỗ Quý Toàn và ông Hoàng Đình Khuê đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong phần này.

    Theo chương trình, Giáo Sư Trần Huy Bích sẽ trình bày thêm hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, nhưng thấy nhiều người tỏ ra mệt và cũng gần hết giờ, ông chỉ nói về bài “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác.” Khi mới đọc, bài thơ có điểm mâu thuẫn. Tuy tiêu đề là “Cảm xúc làm ra khi về lại Côn Sơn sau cơn loạn” (Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi Nguyễn Trãi sống trong thời thơ ấu), trong bài lại có câu:

    Can qua vị tức hạnh thân tuyền

    (Chiến tranh chưa chấm dứt, may mắn thân mình còn nguyên vẹn).

    Theo Giáo Sư Bích, bài thơ được làm ra khoảng cuối năm Bính Ngọ 1426 hay đầu năm Đinh Mùi 1427. Sau khi làm chủ vùng đất từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa, tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, quân ta tiến ra Bắc. Sau khi thắng một trận lớn ở Tụy Động/Tốt Động, quân ta vây Thăng Long (Đông Đô). Tuy có nhiệm vụ chính ở cạnh Bình Định vương trong đạo quân vây Đông Đô, có thể Nguyễn Trãi được cử đi với đạo quân thu phục vùng Hải Dương là nơi ông được nhiều người biết trong ít ngày, để hiệu triệu các phụ lão ở vùng ấy ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn. Với vùng Hải Dương, Côn Sơn, hai tiếng “loạn hậu” kể như chính xác vì đã do quân ta làm chủ, nhưng can qua vẫn chưa hết (“vị tức”) trong toàn cuộc kháng Minh.

    Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc mọi người lưu ý đến hai câu cuối để nhận ra cốt cách thanh cao, làm việc vì nhiệm vụ chứ không ham danh lợi của Nguyễn Trãi:

              Hà thời kết ốc vân phong hạ?

    Cấp giản phanh trà, chẩm thạch miên.

    (Bao giờ được làm nhà ở dưới mây và núi?

    Múc nước dưới khe suối nấu trà, gối đầu vào đá ngủ)

    Sau phần thuyết giảng là phần hỏi đáp do Giáo Sư Đỗ Quý Toàn và Giáo Sư Trần Huy Bích đảm trách. Trong bài viết này Khánh Lan xin ghi lại dưới đây bài viết của ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt.

    Câu hỏi 1: Tại sao Nguyễn Trãi không lấy tên “Bình Minh Đại Cáo” mà lại là “Bình Ngô Đại Cáo”?

    Đáp: Ta biết Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hào Châu, xưa thuộc đất NGÔ là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Chương xưng là Ngô Quốc Công và sau đó cải xưng là      
    Ngô Vương. Do đó NGÔ ở đây là tước hiệu của Chu Nguyên Chương mà cũng là nguồn gốc đất tổ của Chu Nguyên Chương, Ngô cũng là Minh mà  
    nhà Minh cũng là Ngô. Nếu lấy tên Bình Minh Đại Cáo thì không rõ nghĩa và có thể mới nghe qua Bình Minh là buổi sáng. Cho nên Nguyễn Trãi đã sắc bén dùng từ Bình Ngô là diệt tận gốc dòng dõi nhà Minh.

    Câu hỏi 2Tại sao Nguyễn Trãi lại dùng Bình Ngô Đại Cáo mà không dùng một văn kiện hay một Tuyên ngôn khác?

    Đáp: Như ta thấy trong phần trên hai chữ Đại Cáo rất quan trọng trong mệnh đề Đại Đạo Dĩ Cáo được đặt tên trong một Thiên của Kinh Thư.
    Từ đó Nguyễn Trãi cho thấy ý của Đại Đạo là Đạo lý lớn nhất của Đại Việt đã đem “Đại nghĩa thắng hung tàn, lấy Chí nhân thay cường bạo”. Đồng thời Nguyễn Trãi cũng muốn thiên hạ thấy rằng Đại Cáo là một văn kiện mang tính pháp luật, có nghĩa trọng đại ngang với văn kiện pháp lý mà Chu Thành Vương (Cơ Tụng- 1042-1021 TCN) đã ban hành. Cho nên Nguyễn Trãi thay lời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) để Cáo nền Độc Lập của Đại Việt, ngoài ra còn khẳng định sự bình đẳng ngang hàng của Đại Việt với nhà Minh.


            Trong lịch sử từ trước đến nay và xét về tâm lý dân tộc, bất kỳ nước nào mạnh lớn đều coi các nước khác là rừng rú dã man. Cho nên người Trung Hoa coi mình là trung tâm vũ trụ, là nền văn minh của nhân loại.       Họ coi các nước chung quanh là man di mọi rợ:

    • Phương Bắc gọi Mông Cổ, Liêu, Kim là Bắc dịch.
    • Phía Nam gọi Việt Nam và Xiêm La (Lào) là Nam man.
    • Phía Đông gọi Cao Ly (Triều Tiên-Nam Hàn), Nhật Bản là Đông di.
    • Phía Tây coi Thổ Phồn, Hồi Hột là Tây nhung hay Khuyển nhung.
    • Còn gọi các nước ở xa như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha …là Bạch quỷ.   

    Cho nên ta thấy mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã dùng lý lẽ đanh thép, một triết lý nhân sinh đã được tích lũy từ bao đời:

    • Từng nghe việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân.
    • Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
    • v.v…

    Sau đó Nguyễn Trãi đã khẳng định về tánh cách độc lập, bình đẳng của dân tộc. Nguyễn Trãi đã đi xa hơn nữa trong việc tìm kiếm khái niệm Dân tộc, đó là cơ sở cho cuộc đấu tranh chống xâm lược. Quan niệm này đã được hình thành trong quá trình tranh đấu dựng nước và giữ nước.
    Nguyễn Trãi đã thuyết phục cho thấy chiến thắng được xuất phát từ truyền thống yêu nước của toàn dân phù hợp với tính nhân bản và chân lý về chủ quyền độc lập và bình đẳng của dân tộc Đại Việt. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh về tính chính danh của cuộc Chiến thắng giành Độc lập và phải Bình đẳng giữa Lê Vương và Ngô Vương, do đó phải sử dụng Đại Đạo Dĩ Cáo tức “Bình Ngô Đại Cáo”.

    Và sau cùng, Khánh Lan xin trích bài tường thuật của Ký giả Thanh Phong thuộc tòa báo Viễn Đông.

    Ký giả Thanh Phong đã dành thời gian để phỏng vấn hai vi giáo viên trẻ Phạm Từ Ái (cô giáo dạy tiếng Việt từ đầu tại trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 8 tại Warner Middle School) và giáo viên Cô Đặng Quỳnh Hương (giáo viên dạy tiếng Việt lớp Mẫu Giáo đầu tiên ở trường De Mille, nay cô đang dạy lớp 6 cũng tại trường này). Để trả lời câu hỏi của ký giả Thanh Phong, cô Phạm Từ Ái cho biết hầu hết các thầy, cô giáo trẻ đang dạy ở chương trình công lập rất ít có cơ hội để học các bài về lịch sử hoặc các bài về Đinh, Lê, Lý, Trần, tiền Lê, hậu Lê nên họ rất mong muốn được học thêm về các chi tiết lịch sử oai hùng của nước Việt Nam. Và từ đó, các thày cô trẻ có thể truyền lại cho học sinh của mình về tinh thần yêu nước của tổ tiên, tự hào mình là người Việt Nam, và để bảo tồn tiếng Việt dấu yêu.

    Trả lời một câu hỏi khác, cô giáo Từ Ái cho biết, “Giáo sư Trần Huy Bích, một nhà giáo lão thành thông thạo nhiều ngôn ngữ, là người đã thuyết trình nhiều đề tài rất hay, rất độc đáo và giáo sư cũng sẵn sàng giúp cho các thầy cô khi chúng em nêu ra, không chỉ Bình Ngô Đại Cáo mà nhiều đề tài khác, Truyện Kiều chẳng hạn thì giáo sư Bích gần như là một bậc hiền triết vậy. Giáo sư có thể giảng giải rất sâu, rất chi tiết tất cả những thơ, văn về Truyện Kiều giáo sư đều nắm rõ hết, thành ra tụi em không những xin Thầy nói về Bình Ngô Đại Cáo, sau này có thể còn xin Thầy giảng thêm, đi sâu về những áng văn chương khác của Việt Nam mình.”

    Cô Đặng Quỳnh Hương cũng bay tỏ cảm nghĩ của mình khi tham dự buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo, “Thật ra chúng em đang muốn học hỏi thêm, nhất là Bình Ngô Đại Cáo là một trong những áng văn chương mà cần phải có người giảng dạy chi tiết mới hiểu thấu đáo được, nhất là trong môi trường đặc biệt ở bên Mỹ này khi chúng em đang dạy tiếng Việt cho học sinh, nếu không hiểu sâu thì là đáng tiếc, cho nên đây là dịp để chúng em học hỏi, nhất là được các người đi trước dạy dỗ để hiều về văn chương, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì thật là điều may mắn và hạnh phúc.”

    Hai cô giáo Đặng Quỳnh Hương (trái) và cô Phạm Từ Ái (Trường De Mille) là những người đề xướng xin Giáo sư Trần Huy Bích giảng giải về bài Bình Ngô Đại Cáo hai cô đang cầm trên tay. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Bình Ngô Đại Cáo được viết vào năm 1428, cách nay 595 năm; đó là Bài Cáo do Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để Tuyên Cáo trước toàn dân việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành độc lập cho nước Đại Việt (Việt Nam bây giờ). Vậy Bình Ngô là gì? Vào thời đó, Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hảo Châu, xưa thuộc đất Ngô, là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Vương xưng là Ngô Quốc Công; 8 năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Vương, vừa là nguồn gốc quê cha đất tổ của Chu Nguyên Vương. Bình Ngô nghĩa là dẹp tận gốc gác, giống nòi của giòng họ Chu – Thái Tổ nhà Minh.

    Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán được các ông Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Mạc Bảo Thần và Bùi Kỷ dịch sang tiếng Việt. Bản chính bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi và các bản dịch giáo sư Trần Huy Bích đều phóng to ra để tại phòng họp của Viện Việt Học và in ra cho người tham dự.

    Buổi hội thảo chấm dứt trong sự vui vẻ của mọi người. Hai cô giáo Phạm Từ Ái và Đặng Quỳnh Hương hài lòng với buổi thuyết trình, các cô cho biết còn nhiều tác phẩm quan trọng khác trong văn học Việt Nam các cô và bạn hữu muốn biết rõ thêm, và sẽ còn muốn Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình nhiều lần nữa.

    Khánh Lan tường trình và trích dẫn phần lớn diễn tiến trong buổi hội thảo qua các bài viết của: Giáo Sư Trần Huy Bích; Ông Hoàng Đình Khuê, Chủ tịch đảng Tân Đại Việt và Ký Giả Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông.

    California December 2023

  • LỊCH SỬ,  Trần Huy Bích

    MỘT SỐ ĐIỀU NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT VỀ TRUNG TÁ BÙI QUYỀN

    Dựa theo lời của GS Trần Huy Bích, Cố Trung tá Bùi Quyền là một sĩ quan của QLVNCH chứ không phải một văn nhân, bài viết của GS Trần Huy Bích nhằm đưa ra mối liên quan đến văn học của gia đình ông. Ông là chắt (cháu cố) một người bạn thân của hai cụ Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, và là cháu gọi cụ Bùi Kỷ và cụ bà Trần Trọng Kim là bác ruột. Nhân chúng ta vừa nói chuyện về “Bình Ngô đại cáo,” cố Trung tá Bùi Quyền là người đã giúp GS Trần Huy Bích giải đáp mối thắc mắc: Cụ Bùi Kỷ và cụ Trần Trọng Kim, vị nào đã dịch bản “Bình Ngô đại cáo” được in trong Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim?

    Bùi Quyền thời đi học

    Trung tá Bùi Quyền, khi là sĩ quan Nhảy Dù

    Trung tá Bùi Quyền, khi tới Hoa Kỳ với những dấu hiệu của lao khổ và thời gian

    Trung Tá Bùi Quyền thuộc binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạ thế chiều Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020 vừa qua.  Hầu như ai cũng biết ông là một trong những sĩ quan lỗi lạc của QLVNCH. Tốt nghiệp Thủ khoa khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cuối tháng 12 năm 1962, ông đã chọn binh chủng Nhảy Dù khi ra trường. Từ đó cho tới khi miền Nam sụp đổ cuối tháng 4-1975, ông được coi là “một quân nhân dũng cảm, luôn có mặt ở tuyến đầu trong những trận chiến ác liệt nhất.” Mới ở cấp Đại Úy đã được Bảo Quốc Huân Chương. Còn Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, với sao vàng, sao bạc … cùng nhiều loại huân chương khác thì … đếm không xuể. Ông có mặt trong nhiều trận chiến ác liệt: DakTo – Tân Cảnh, giải vây An Lộc, lấy lại Quảng Trị, bảo vệ đèo Khánh Dương, và từ 4 tháng 4 năm 1975, bảo vệ Sàigòn. Ông không bỏ binh sĩ, chiến đấu tới phút chót, và sau lệnh phải buông súng ngày 30-4-1975, bị những người ở “bên thắng cuộc” nhốt vào “trại cải tạo” 13 năm với nhiều tháng biệt giam. Khi sang Mỹ năm 1991, ông được vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ (Tổng thống George H.W. Bush), và Học Viện Không Quân của Hoa Kỳ (U.S. Air Force Academy) ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado, đón tiếp một cách trang trọng.

    Nhưng một khía cạnh khác cũng khá đặc biệt về ông có lẽ nhiều người chưa biết. Một người bạn từ thuở còn đi học, gặp nhau từ 1954 (66 năm trước đây), xin được nói ít lời về khía cạnh ấy. Để thuật lại một số chuyện mang tính cách bạn hữu, từ đây trở đi xin được theo cách nói của bè bạn, dùng tiếng “anh” mỗi khi nhắc đến ông.

    Anh Quyền xuất thân từ một gia đình khoa bảng và văn học có danh tiếng từ nhiều đời. Từ nửa sau của thế kỷ 19, họ Bùi làng Châu Cầu của gia đình anh cùng họ Dương làng Vân Đình của các cụ Dương Khuê, Dương Lâm đã nổi tiếng với nhiều nhân vật xuất sắc.

    Năm Ất Sửu 1865 đời vua Tự Đức, ở làng Châu Cầu (nay thuộc tỉnh Hà Nam) có hai cụ Bùi Dị và Bùi Quế (anh em họ) cùng đậu Phó bảng. Khi vinh quy, được mừng đôi câu đối như sau:

    Bùi tộc đồng khoa song hội bảng

    Châu Cầu nhất nhật lưỡng vinh quy.

    (Họ Bùi đậu cùng khoa, hai người trên bảng thi hội

    Làng Châu Cầu trong một ngày hai đám rước vinh quy).

    Cụ Bùi Dị, thường được sử chép bằng tên tự Bùi Ân Niên, nổi tiếng văn thơ hay, làm quan trải các chức Hàn lâm, Nội các, Chánh sứ sang Trung Hoa, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp biện Đại học sĩ, Phụ chánh đại thần, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Sau khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai khiến Tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ tự tử năm Nhâm Ngọ 1882, cụ giữ chức Kinh lược sứ, cùng Tiết chế Quân vụ Hoàng Kế Viêm điều động binh sĩ chống lại quân Pháp.

    Cụ Bùi Quế làm quan trải các chức Tham tri bộ Hộ, Tuần phủ Quảng Nam, Tuần phủ Thuận Khánh (Bình Thuận & Khánh Hòa). Quốc Triều Khoa Bảng Lục của Cao Xuân Dục cho biết cụ “cáo bệnh về hưu” và ghi lời nhận xét rằng “ông điềm đạm, tự lấy thế làm vui.” Theo tài liệu trong gia đình, cụ cáo quan lui về khi thấy đất nước đã mất chủ quyền, giống trường hợp hai người bạn thân là Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, “Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là.” Nguyễn Khuyến, Bùi Quế, và Dương Khuê là ba người “bạn đồng khoa”: cùng đậu Cử nhân năm Giáp Tý 1864  tại trường Hà Nội. Khoa ấy Nguyễn Khuyến đậu đầu (Giải nguyên). Thêm vào đó, các vị hợp tâm tính và có nhiều kỷ niệm chung với nhau.

    Cụ Bùi Quế sinh ra cụ Bùi Thức, tuy đậu Tiến sĩ năm 1898 đời vua Thành Thái nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học và viết sách.

    Cụ Bùi Thức sinh ra cụ Bùi Kỷ (đậu Phó bảng năm 1910 đời vua Duy Tân), hai cụ Bùi Khải và Bùi Lương (cùng đậu Cử nhân). Cụ bà Trần Trọng Kim và cụ Bùi Nam, thân phụ của anh Bùi Quyền, là em của các vị ấy. Cụ Bùi Nam còn một người em trai là Bùi Nhung, làm Giám đốc Đài Phát thanh Hà Nội, sau dời xuống Hải Phòng cho tới năm 1955. Người vợ đầu tiên của ông là bà Thụy An, một nhà văn nữ nổi danh, ở lại miền Bắc, sau bị nhà cầm quyền CS xử tới 15 năm tù vì có liên quan với nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Nói cách khác, anh Quyền là cháu, gọi các cụ Bùi Kỷ, Bùi Khải, Bùi Lương là bác ruột, gọi học giả Trần Trọng Kim là bác rể, gọi ông bà Bùi Nhung – Thụy An là chú thím. Anh là cháu nội của Tiến sĩ Bùi Thức, và chắt nội của Phó bảng Bùi Quế, một trong những người bạn thân nhất của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Tiến sĩ Vân Đình Dương Khuê.

    Sau khi đậu Phó bảng, cụ Bùi Kỷ cũng không ra làm quan. Sau vài năm thử kinh doanh, cụ chuyên tâm dạy học và viết sách. Cụ thông thạo chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp một cách nghiêm túc, từng sang Pháp hai năm, là một trí thức tham bác cựu học và tân học. Cụ Bùi Lương từng dạy ở Đại học Văn khoa Sàigòn trong thập niên 1950.

    Trong một bài thơ gửi cụ Bùi Quế, cụ Nguyễn Khuyến từng viết như sau:

    Kim lan từ thuở nhỏ chơi bời

    Đôi lứa như ta được mấy người

    Trời hẹn ngày cho ba vạn sáu

    Ta chung tuổi mới một trăm hai …

    Khi Nguyễn Khuyến làm bài thơ ấy, cả hai người cộng lại mới được 120 tuổi. Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Mùi 1835, Bùi Quế sinh năm Đinh Dậu 1837, trẻ hơn 2 tuổi. Nhiều phần bài này làm năm Nguyễn Khuyến 61 và Bùi Quế 59. Chắc Nguyễn Khuyến nói theo tuổi ta, nhiều hơn tuổi thật một năm. Như vậy bài này được làm năm (1835 + 60) 1895, sau khi Nguyễn Khuyến cáo quan về hưu năm 1884. Cụ Bùi Quế cũng về hưu trong hoàn cảnh tương tự, dùng kiến thức về Đông y để giúp dân quanh vùng:

    Kẻ già nét bút chăm cùng trẻ

    Người khỏe tay đao hộ lấy đời

    (Trong từ “đao” ở đây, Nguyễn Khuyến muốn nói tới dao cầu, vật dụng để thái thuốc dùng trong Đông y).

    Nguyễn Khuyến quan tâm đến đời sống của bạn cho đến những chi tiết nhỏ. Khi vùng Châu Cầu bị lụt trong nhiều tháng, cụ viết:

    Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu

    Lụt lội năm nay bác ở đâu?

    Mấy ổ lợn con rày lớn bé?

    Vài gian nếp cái ngập nông sâu?

    Đó là những bài thơ được đem ra bình giảng trong chương trình Trung học của Việt Nam Cộng Hòa. Bài “Nước lụt hỏi thăm bạn” Nguyễn Khuyến làm để gửi Bùi Quế được in trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm (Sàigòn : Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1968, trang 171-72). Anh Quyền là hậu duệ của một gia đình có liên quan đến văn học.

    Khi còn trẻ, sinh làm con trai và rất giỏi võ (cả Judo lẫn Jujitsu), anh không thể không chịu ảnh hưởng của câu ca dao:

    Làm trai cho đáng nên trai

    Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan

    Hay những câu của Nguyễn Công Trứ, cũng được ghi vào chương trình Quốc văn bậc Trung học:

    Chí làm trai nam bắc đông tây

    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

    Đó là lý do anh đã chọn binh nghiệp. Sau khi vào quân trường, anh nhất quyết “đậu cho được Thủ khoa,” để có thể trong lễ mãn khóa, nhận cái vinh dự đại diện anh em, giương cung bắn đi bốn phương.

    Sinh viên Thủ khoa bắn tên đi bốn phương trong lễ mãn khóa tại trường Võ Bị Quốc Gia Viêt Nam, Đà Lạt

    Một khi đã bắn tên đi, trong tâm thức trọng trách nhiệm của một sĩ quan QLVNCH, được huấn luyện để tôn thờ Tổ quốc trong Danh dự với tinh thần Trách nhiệm, anh đã hết lòng với nhiệm vụ từ khi tốt nghiệp, ra trường:

    … Trót đem thân thế hẹn tang bồng
    Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung
    Hết
    bốn chữ “trinh trung báo quốc”

    Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm và Trung Tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gắn cấp hiệu cho Thiếu Úy Bùi Quyền trong lễ mãn khóa Khóa 16, ngày 22-12-1962.

    Đó là lý do trong hơn 12 năm, từ 1963 đến tháng 4-1975, gần trọn tuổi thanh xuân, anh xông pha khắp bốn vùng chiến thuật để thi hành nhiệm vụ: giữ cuộc sống an bình cho dân miền Nam.

    Miền Nam bị sụp đổ. Tuy bị giam hãm và đày đọa, gian khổ đến cùng độ, anh vẫn vững tinh thần, không nản chí, không bỏ phí thời giờ. Gặp cơ duyên, anh tìm cách học tiếng Thái, tiếng Hoa, phòng cần tới khi vượt thoát khỏi trại giam. Vì học tiếng Hoa, anh có dịp ôn lại và học thêm một số chữ Hán căn bản. Kết quả là khi ra khỏi trường Chu Văn An năm 1957, số chữ Hán của anh chỉ ở mức sơ đẳng như hầu hết học sinh đã xong bậc Trung học. Nhưng sau 13 năm trong nhà tù CS, khi sang tới Hoa Kỳ đầu thập niên 1990, trình độ chữ Hán của anh đủ để nói chuyện một cách tương đắc với một người bạn có Cử nhân Văn chương Việt Hán của Đại học Văn khoa Sàigòn. Một người anh họ, hơn anh 14 tuổi và là con một vị Phó bảng, đã trông cậy ở anh trong việc đọc những tài liệu bằng chữ Hán về gia phả họ Bùi, để dựa vào đó soạn ra cuốn gia phả bằng chữ quốc ngữ cho các thế hệ sau. Nhưng vì đã bỏ ra gần trọn tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến tranh khốc liệt, mỗi khi nghĩ đến những bạn hữu thân thiết đã nằm xuống, mối quan tâm lớn nhất của anh là tìm tài liệu để hiểu thêm rồi viết về cuộc chiến tranh ấy. Cũng do cơ duyên, một bạn thân của anh từ 1954, được coi là “ham học, chịu đọc,” đã sưu tầm được nhiều sách về văn học cũng như về cuộc chiến Việt Nam.

    Năm 2010, nhà tôi qua đời. Ở lại căn nhà cũ thì quá rộng, không thể trông coi xuể. Nhân đã về hưu, không còn phải đi làm, tôi có ý dời xuống Orange County, mua một căn mobile home nhỏ quanh Little Sàigòn để sống gần mấy người bạn cũ ở quanh đó. Vừa chọn xong một căn thì nhận được điện thoại từ anh Quyền, gọi từ San Jose, “Nghe nói Bích đang lựa mua mobile home. Chịu khó mua một căn hơi rộng, có dư ra một buồng, để thỉnh thoảng Quyền về ở. Quyền đang viết sách. Ở với Bích là tốt nhất.” Lúc ấy anh đang ở San Jose, thỉnh thoảng về Quận Cam khi có sinh hoạt với bạn hữu, nhất là bạn đồng ngũ trước. Đem niềm vui đến cho bạn, nhất là bạn từ mấy chục năm và có cốt cách đáng quý như anh, là điều chắc ai cũng muốn làm. Tôi bỏ chuyện mua một căn hai phòng ngủ, coi cũng tạm được, để đổi mua một căn rộng rãi, khang trang hơn với ba buồng ngủ. Căn này, ngoài phòng cho chủ nhân, có một phòng làm việc với một số kệ sách, và một buồng dành cho khách,  mà người tới đầu tiên, cũng là người hiện diện thường xuyên nhất, là anh Quyền.

    Mỗi khi từ San Jose xuống, anh thường ở với tôi 3, 4 ngày, trước khi gọi điện thoại để chị Quyền tới đón. Quan tâm chính của anh là những tài liệu về cuộc chiến Việt Nam. Tùy theo câu anh hỏi liên quan đến khía cạnh nào, tôi đưa ra một ít cuốn, tóm lược những nét chính,  anh ghi nhận rồi cho biết sẽ đọc kỹ hơn. Có mấy lần tôi đưa anh tới thư viện của Đại học UCLA. Họ có một số sách từ phía C.S.  Anh cho biết khi tìm hiểu lại về một trận đánh trong quá khứ, ngoài những tài liệu của VNCH, của người Mỹ, anh cũng muốn đọc tài liệu của CS để có một cái nhìn thật đầy đủ trước khi đặt bút viết. Tôi thấy anh rất nghiêm túc trong công việc. Anh chú trọng tới khía cạnh quân sự của mỗi trận đánh, và muốn viết với tư cách một người nghiên cứu quân sử (lịch sử chiến tranh) hơn là người nghiên cứu lịch sử một cách tổng quát. Tuy đã về hưu, tôi được trường cho tiếp tục giữ thẻ thư viện với quy chế cựu nhân viên giảng huấn (faculty status), những cuốn sách đem về được giữ 6 tháng (thay vì 2 tuần như những độc giả thông thường). Điều ấy cũng hữu ích với anh Quyền. Có nhiều cuốn không thể mua, chúng tôi tương đối rộng thời giờ trong việc chụp lại toàn thể  hay một phần trước khi trả lại cho thư viện. Anh cũng được một người bạn Mỹ tặng một bộ bản đồ quân sự với những thông tin về địa hình khá chi tiết và rất rõ cho toàn cõi Việt Nam.

    Có những hôm anh yêu cầu tôi chở tới thăm một vài nhân vật quen biết cũ, có vai trò đáng kể  trong những trận đánh anh muốn viết để phân tích. Một lần đến thăm một vị cựu Chuẩn tướng, từng làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long – An Lộc. Một số lần khác, thăm một vài người bạn ở cấp từ Đại úy tới Trung tá, chỉ huy những đơn vị yểm trợ trong một số trận đánh anh tham dự. Anh đặt những câu hỏi khá cặn kẽ để biết thêm về một số điều chưa nắm vững, đúng phong cách của một người làm công việc nghiên cứu đối chiếu trước khi viết. Sau một lần đi thăm để hỏi thêm sự kiện như thế về, anh áy náy nói với tôi, “Mất gần trọn ngày của Bích.” Tôi cười trả lời ngay, “Không nên nghĩ như thế. Những trao đổi giữa Quyền và các bạn ấy cũng rất có ích đối với mình. Đó cũng là những điều mình nên biết.”  Chúng tôi sung sướng khi quan tâm tới nhau và đem niềm vui đến cho nhau.

    Theo thiển ý, những bài viết để phân tích các trận đánh của anh Quyền rất hữu ích. Trong PC của tôi còn một bài của anh về “Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù tại Ngok Wan,” trong đó anh viết rất tường tận về một trận đánh quan trọng trong vùng núi Ngok Wan, phía Đông Bắc Dak To (gần biên giới Việt Lào) từ 18/11/1967 tới 22/11/1967.  Trận đánh ấy có sự tham dự của Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù trong đó — năm 1967 — anh mới là một Đại Úy Đại đội trưởng (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam còn là Trung Tá, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Nhảy Dù). Bài viết rất công phu (28 trang) với bản đồ địa hình rất chi tiết, chứa đựng nhiều nhận xét tinh tế. Anh đã viết nhiều bài như thế về những trận đánh anh từng tham dự trong quá khứ, để lưu lại chút kinh nghiệm về quân sự cho những người muốn nghiên cứu một cách nghiêm túc cuộc chiến ở Việt Nam.

    Chúng tôi cũng trao đổi, chuyện trò về văn học. Anh rất vui thấy tôi lưu tâm đến cuộc đời của hai cụ Bùi Dị, Bùi Quế, và thuộc khá nhiều thơ của các cụ Bùi Dị, Bùi Kỷ. Có một kỷ niệm vui. Có lần anh cho biết tương truyền rằng nhà thơ Cao Bá Quát từng có một cặp câu đối mừng khi hai cụ Bùi Dị, Bùi Quế đậu Phó bảng đồng khoa. Chúng tôi lật từng trang những sách về thơ văn Cao Bá Quát có tại nhà, cộng thêm một quyển mượn được từ UCLA, nhưng không thấy. Mãi sau, đến khi tôi nhớ ra rằng hai cụ đậu Phó bảng năm Ất Sửu 1865 trong khi Cao Bá Quát, dù bị bắn tại trận (theo sử nhà Nguyễn) hay bị chém (theo các giai thoại được truyền tụng) thì cũng đã mất năm 10 năm trước đó từ 1855,  khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương bị thất bại, làm sao có câu đối mừng được, cả hai mới nhìn nhau cười. Các giai thoại văn chương đời trước để lại nhiều khi không chính xác, cần được kiểm chứng. Cũng nhờ anh, tôi trả lời được một cách tự tín trước câu hỏi, “Bản dịch bài ‘Bình Ngô đại cáo’ in trong Việt Nam Sử Lược là của cụ Bùi Kỷ hay cụ Trần Trọng Kim?” Nếu không có sự giúp ý của một người cháu gọi hai cụ bằng bác và sống gần hai cụ hồi nhỏ, câu hỏi ấy thật cũng khó trả lời.

    Cựu Trung Tá Bùi Quyền, một người cháu của học giả Trần Trọng Kim nói chuyện về bác mình tại Little Sàigòn, Nam California, nhân dịp tái xuất bản cuốn Một Cơn Gió Bụi tại Hoa Kỳ năm 2015

    Hôm được mời làm diễn giả nói về cụ Trần Trọng Kim nhân dịp cuốn Một Cơn Gió Bụi được tái bản tại Mỹ, anh đang ở với tôi. Hôm ấy, “tài xế của TrT Bùi Quyền” được vinh dự mời lên hàng ghế đầu, ngồi cạnh “cháu của cụ Trần,” một trong hai diễn giả chính trong buổi giới thiệu sách. Câu anh nói, “Quyền muốn thỉnh thoảng về ở với Bích” đã khiến tôi cảm động, và đã giúp chúng tôi có những giờ phút vui, ngày tháng đẹp, và nhiều kỷ niệm khó quên với nhau.

    Từ cuối năm 2019, sức khỏe có dấu hiệu suy kém, anh về ở hẳn với chị Quyền và cũng để gần các cháu hơn. Trước khi đại dịch bùng phát mạnh ở Mỹ, anh Trần Minh Công và tôi thỉnh thoảng còn đến đón anh ra gặp các bạn học cũ, cùng uống cà phê, ăn trưa, rồi lại đưa anh về. Có lần chị Quyền đích thân chở anh ra gặp chúng tôi. Từ giữa tháng 3 năm nay, đại dịch khiến chúng tôi khó gặp nhau nhưng vẫn liên lạc qua điện thoại hay email. Anh yếu nặng từ giữa tháng 5, được sự chăm sóc rất chu đáo của chị Quyền và các cháu, với sự hỗ trợ của bác sĩ và một dàn y tá tận tâm. Tin anh ra đi khiến tất cả chúng tôi bàng hoàng.

    Chúng ta đúng khi nhận thức rằng anh Quyền là một sĩ quan Nhảy Dù can trường và anh dũng, một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc. Do cơ duyên, và chắc cũng do “gene” từ gia đình, tôi thấy thêm ở anh một trí thức có phong thái, cốt cách, với kiến thức vững chắc về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, yêu văn học Việt Nam, cổ văn học Trung Hoa. Trong một bài báo loan tin anh tới Mỹ, đăng trên New York Times số ra ngày 30 tháng 5, 1991, ký giả Dick Johnson đã cho biết anh nói thạo 5 ngôn ngữ. Điều ấy đúng. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, anh nói thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái, tiếng Hoa. Anh cũng đọc và viết được chữ Hán, chữ Thái. Trong việc viết biên khảo, nhất là loại biên khảo quân sự, anh nghiêm túc, cẩn trọng, rành mạch, chu đáo. Nếu mục tiêu của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt là đào luyện những sĩ quan hết lòng với đất nước, trọng danh dự, giàu tinh thần trách nhiệm, và văn võ kiêm toàn, Trung Tá Bùi Quyền của chúng ta rất xứng đáng với danh hiệu ấy.

    Trần Huy Bích


  • Trần Huy Bích,  Văn Thơ

    NVNT & TTG GIỚI THIỆU TRANG BLOGSPOT.COM CỦA GS TRẦN HUY BÍCH

    tranhuybich.blogspot.com

    NV KG Vương Trùng Dương đã nhận xét:

    Giáo Sư Trần Huy Bích được mời làm diễn giả trong nhiều lần ra mắt sách của các nhà văn, nhà thơ tại cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng có rất nhiều bài viết trên trang tranhuybich.blogspot.com của ông không thấy phổ biến trên internet hay facebook.

    Ngày 19 tháng 12, 2023, Khánh Lan nhận được email của Giáo Sư Trần Huy Bích và khi duyệt qua những bài viết của ông, Khánh Lan ghi nhận: Đây là những bài viết hay, có giá trị văn học, nên xin được ghi nhận vào trang nhà của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian. Khánh Lan xin cám ơn GS Trần Huy Bích đã chia sẻ với thế hệ trẻ của chúng em về những bài nhận xét văn học qua các tác phẩm của những nhà văn tiền bối. Kính mời Quý Giáo Sư, Quý Văn Thi Sĩ và Quý anh chị em vào xem.

    1) Còn 4 bài được xếp dưới mục “Với bạn văn,” trong đó có:

      –Giới thiệu cuốn “Ở cuối hai con đường” của nhà văn Phạm Tín An Ninh, năm 2008.

      –Giới thiệu cuốn “Tản mạn về ca dao lịch sử” của nhà giáo Đào Đức Nhuận, năm 2017:

    TRẦN HUY BÍCH: Với bạn văn (tranhuybich.blogspot.com)

    2) Còn 3 bài được xếp dưới đề mục “Với niên trưởng,” trong đó có:

      –Giới thiệu cuốn “Tuyển tập Nguyễn Thanh Liêm” của Gs Nguyễn Thanh Liêm, năm 2015

      –Giới thiệu cuốn “Thiên chức của nhà giáo” của Gs Nguyễn Xuân Vinh, năm 2017

    TRẦN HUY BÍCH: Với niên trưởng (tranhuybich.blogspot.com)

    3) Có hai bài với đường dẫn độc lâp trong blogspot:

    –Giới thiệu cuốn “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo [Phú Quốc]” của Nguyễn Công Khanh, năm 2017:

    TRẦN HUY BÍCH: “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” – Một vài cảm nghĩ sau khi đọc tuyển tập bút ký của Nguyễn Công Khanh. (tranhuybich.blogspot.com)

    –Giới thiệu hai cuốn sách của nhà văn Khánh Lan, năm 2021:

    TRẦN HUY BÍCH: Giới thiệu hai cuốn” Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại” (tranhuybich.blogspot.com)

    Tôi sẽ phải bỏ ra chút thời giờ để sắp xếp lại, ngõ hầu việc tìm bài được dễ dàng hơn.

    Nhân tiện cũng xin gửi tới anh Vương Trùng Dương và Quý Anh Chị một bài tôi mới đọc trong phần “Tưởng niệm”(trong tang lễ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn hôm CN 17 tháng 12 vừa qua):

    TRẦN HUY BÍCH (tranhuybich.blogspot.com)

    Thân quý,

    Trần Huy Bích

  • Trần Huy Bích,  Văn Thơ

    GÓP PHẦN TÌM HIỂU

    BÀI THƠ ĐIẾU PHAN THANH GIẢN BẰNG CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

    Hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu làm để điếu Phan Thanh Giản có thể được sáng tác ngay sau khi Phan Thanh Giản quyên sinh (năm 1867) hay – ở trường hợp bài chữ Hán – sau khi ông bị truy đoạt hết chức tước và đục tên khỏi bia Tiến sĩ. Từ đó đến nay đã trên 150 năm. Qua nhiều thế hệ, hai bài thơ ấy vẫn được coi là những tác phẩm bộc lộ niềm cảm thông trước hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Phan Thanh Giản và bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông. Ít năm gần đây, một vài tác giả ở trong nước biện luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã không thực sự thương tiếc Phan Thanh Giản, mà chỉ làm ra vẻ thương tiếc để mai mỉa và lên án ông. Những hàng phía sau là một cố gắng đọc lại bài thơ điếu bằng chữ Hán một cách cẩn trọng, để tìm hiểu chủ ý đích thực của Nguyễn Đình Chiểu khi sáng tác bài thơ ấy.

    Khi Phan Thanh Giản quyên sinh năm 1867, Nguyễn Đình Chiểu bị mù đã được 18 năm (từ 1849). Các tác phẩm bằng quốc âm của vị thầy mất thị giác đã được các môn sinh của ông chép ra bằng chữ Nôm rồi về sau chuyển đổi sang chữ quốc ngữ. Các tác phẩm bằng chữ Hán hẳn cũng được ghi ra chữ Hán, nhưng sau một số lần sao đi chép lại, những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa và những chữ có âm gần giống nhau đã rơi vào tình trạng “tam sao thất bổn,” khiến chúng ta thấy xuất hiện một số bản chữ Hán với cách viết và ý nghĩa khác nhau. Trước khi ông Lê Thọ Xuân liên lạc được với người con của Nguyễn Đình Chiểu là ông Nguyễn Đình Chiêm và cung cấp một bản thuộc loại “có thẩm quyền” cho bài thơ chữ Hán năm 1933 (bài “Danh nhơn Nam Kỳ,” Đồng Nai số 23 & 24, 15 Janvier – 2 Février 1933), chúng ta đã thấy có bản chữ Hán do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra năm 1909 trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca (cuốn thứ 2, trang 71), và bản chữ Hán do ông Thái Hữu Võ đưa ra năm 1927 trong Phan Thanh Giảng Truyện (Sài Gòn : Xưa Nay, trang 46-47). Nhưng ông Lê Thọ Xuân chỉ cho biết là hai bài thơ do ông Thái Hữu Võ cung cấp có nhiều chỗ sai, và nêu ra những chỗ sai ấy bằng chữ quốc ngữ, chứ không cung cấp một bản viết đầy đủ và chính xác cho bài thơ chữ Hán. Những năm sau, bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh (con gái của Nguyễn Đình Chiểu) và chồng bà là học giả Phan Văn Hùm, trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu (bản in lần thứ hai, Sài Gòn : Tân Việt, 1957), cũng chỉ làm như thế, không cung cấp một bài thơ đầy đủ và chính xác ở dạng chữ Hán.

    (Muốn biết hai bản chữ Hán với khá nhiều sai lầm của các ông Nguyễn Liên Phong và Thái Hữu Võ, xin vui lòng đọc trong cuốn Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên ([San Jose, Calif.] : Nhân Ảnh, 2022, các trang 55 và 61-62).

    Tác giả đã đưa cuốn sách lên mạng tại địa chỉ sau đây:

    https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny

    Theo ông Lê Thọ Xuân, với bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, bản do ông Thái Hữu Võ đưa ra trong Phan Thanh Giảng Truyện sai 8 chữ, thêm sự kiện hai chữ “thần” với những nghĩa khác nhau (“thần linh”神 và “vị quan, người bày tôi”臣) bị đặt sai chỗ, khiến ý nghĩa khác đi rất nhiều. Coi lại bản chữ Hán của ông Nguyễn Liên Phong, đối chiếu với bài viết của ông Lê Thọ Xuân, chúng tôi thấy có 7 chữ sai. Hai chữ “thần” cũng bị chép không đúng chỗ như thế.

    Khi phân tích bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, một vài tác giả ở trong nước trong ít năm gần đây đã dựa vào những bản bị chép sai ấy, đưa tới một số ngộ nhận rất đáng tiếc.

    Mãi tới 15 năm trước đây, nhân được đọc một tài liệu Hán Nôm chép tay của gia đình Nguyễn Đình ở Bến Tre do bà Âu Dương Thị Yến cất giữ, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh mới cung cấp cho chúng ta một bài thơ chữ Hán thuộc loại có thẩm quyền trong Việt Nam Bách Gia Thi (Sài Gòn : NXB Văn Hóa, 2005). Đối chiếu bài này vói bài thơ chữ Hán chỉ có âm Hán Việt do học giả Phan Văn Hùm cung cấp sau khi tham khảo với ông Nguyễn Đình Chiêm, chúng tôi thấy hai bản gần như giống hệt nhau. Chỉ có hai chỗ khác trong câu 2, nhưng ý nghĩa không thay đổi nhiều:

    Bản của ông Phan Văn Hùm: Vi quân nan bảo nhất phương dân

    Bản của ông Cao Tự Thanh:   Vi công thùy bảo nhất phương dân.


    Trước những tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của bài thơ mới được đưa ra gần đây, chúng tôi xin đóng góp chút nhận thức thô thiển. Trước khi làm việc này, chúng tôi có hoàn cảnh trao đổi thêm với hai vị có căn bản Hán học vững chắc ở ngoài nước, là Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính và cô Nguyễn Ngọc Dung.

    Câu 1:

                歷仕三朝獨潔身

            Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

    Câu này ý nghĩa khá đơn giản: Làm quan trải ba triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.

    Câu 2:

                微君難保一方民

                Vi quân nan bảo nhất phương dân

    Nếu không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một phương. Câu này muốn nói tới dân chúng miền Nam. Phan Thanh Giản từng được cử làm Khâm sai, Kinh lược sứ Nam kỳ, rồi về sau, Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây.

    Chúng tôi đưa ra câu trên theo bản in trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm. Trong Việt Nam Bách Gia Thi của Cao Tự Thanh, câu ấy là:

                微公谁保一方民   

                Vi công thùy bảo nhất phương dân.

    Nếu không có ông, ai sẽ bảo vệ dân chúng một phương. Tuy ý nghĩa không khác nhau bao nhiêu, chữ “công” (ông, tướng công) trong bản của Cao Tự Thanh có vẻ thích hợp hơn. Phan Thanh Giản (sinh năm 1896) hơn Nguyễn Đình Chiểu (sinh năm 1922) 26 tuổi. Phan Thanh Giản là vị “Tiến sĩ khai khoa” cho miền Nam, một Hiệp biện Đại học sĩ, Khâm sai, Kinh lược đại thần, trong khi Nguyễn Đình Chiểu mới đậu Tú tài và chưa làm quan. Thêm vào đó, Nguyễn Đình Chiểu rất tôn trọng Phan Thanh Giản, vẫn thường nhắc đến ông qua các từ “Phan học sĩ, quan Phan.”

    Câu 3:

    龍湖寧負書生老

    Long Hồ ninh phụ thư sinh lão

    Long Hồ là tên cũ của tỉnh Vĩnh Long. Chữ “ninh” ở đây có nghĩa là “thà rằng, đành,” như trong câu “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (đành chết chứ không chịu nhục). Một số vị dịch thơ trước đây cho rằng chữ “phụ” trong câu này có nghĩa là “phụ lòng.” Chẳng hạn như trong bản dịch của nhà thơ tiền bối Thượng Tân Thị (1888-1966):

    Long Hồ phụ lão thư sinh,
    Ở nơi các Phụng không đành làm quan

    Hay trong bộ Nguyễn Đình Chiểu Toàn Tập do các ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lân, Nguyễn Thạch Giang biên soạn năm 1997 (Hà Nội : Văn Học, tập 2, trang 51-52):

                Long Hồ thà phụ thư sanh lão

                Phụng các suông quy học sĩ thần.

    Theo các tự điển, chữ “phụ”負 ấy cũng có nghĩa là “vác, mang, gánh,” dùng theo nghĩa bóng là “gánh vác.” Chúng tôi tin rằng đó là ý của Nguyễn Đình Chiểu trong câu này. “Ninh phụ” có nghĩa: “đành phải ra gánh vác.”      

    Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi ở Pháp về, Phan Thanh Giản được cử làm Lại bộ Thượng thư nhưng sau vua Tự Đức đổi ông làm Hộ bộ Thượng thư vì cho rằng ở Lại bộ không nhiều việc quan trọng. Ở Hộ bộ, phải lo ngân sách, tài chánh, kể cả khoản bồi thường chiến phí hàng năm phải nộp cho người Pháp, công việc nặng, cần người giỏi và tận tâm hơn. Sau đó, năm 1865, nhà vua cử ông làm Khâm sai, Kinh lược sứ, để lo giữ ba tỉnh miền Tây Nam phần. Cũng theo Đại Nam Thực Lục, Phan Thanh Giản đã xin về hưu (ông tới 70 tuổi theo cách tính của người Việt thời trước). Thực Lục chép, “Phan Thanh Giản vì tuổi già đã xin về hưu”. Vua Tự Đức tiếp riêng ông trong Nội các để trò chuyện. Phan Thanh Giản cho biết, “Thần … cảnh bóng dâu gần xế chiều, tự biết tinh thần, sức vóc không còn được như trước. Hồi tưởng lại người ta đến 70 tuổi như cỏ bồ cây liễu đã trải mùa thu, dẫu có lòng quyến luyến thiết tha nhưng sức ngựa đã hết, rất lo ứng phó không chu để lầm lỡ công việc, nên không dám không lấy tình thực trình bày.” Vua Tự Đức ủy lạo và nói, “Khanh nên cố gắng để khích lệ những người hậu tiến,” rồi lại nói, “Ngươi nên mạnh bạo mưu toan cho trót, quyết không nên thôi,” và không cho ông lui về. (Đại Nam Thực Lục. Hà Nội : NXB Giáo Dục, 2007. Tập 7, trang 944). Vì những lẽ ấy, theo chỗ chúng tôi hiểu, câu này có thể được viết với dấu ngắt câu:

    Long Hồ ninh phụ, thư sinh lão.

    Chủ từ của động từ “phụ” (mang, gánh vác) không phải là đất Long Hồ mà là người thư sinh già:

    Người học trò già đành phải gánh vác việc [giữ đất] Long Hồ (tên cũ của tỉnh Vĩnh Long).

    Có thể Nguyễn Đình Chiểu cũng muốn nói:

                Long Hồ đành gánh vác, người thư sinh đã già.

    Câu 4:

    鳳閣空歸學士神

    Phượng Các không quy học sĩ thần

    Hồn người học sĩ (chỉ Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản) không đành, không lòng nào  trở về Phượng Các (chỗ các quan làm việc). Không giữ nổi Vĩnh Long, ông đã bị truy đoạt hết chức tước, tên bị đục khỏi bia Tiến sĩ, linh hồn ông còn danh nghĩa nào để bay về Phượng Các là chỗ làm việc của các đại thần? Hai tiếng “không quy” không mang ý nghĩa “không về” (Nếu “không về,” người xưa viết là “bất quy”). Ở đây là “về,” nhưng không thực sự về, về một cách không trọn vẹn, “về cũng như không.” Những cách dịch “về suông” hay “khôn về” (khó lòng về) đều có vẻ thích hợp.

    Hai câu 5-6:

    秉節曾勞生富弼

    盡忠何恨死張巡

    Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật

    Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

    Cầm cây cờ tiết của người đi sứ (cũng có thể hiểu là giữ tiết tháo), từng chịu gian lao, sống như ông Phú Bật (đời Tống).

    Hết lòng trung, còn hận gì nữa, chết như ông Trương Tuần (đời Đường).

    Trong một bài Đường luật bát cú, đây là hai câu “luận,” có nhiệm vụ bàn về nhân vật được nhắc đến trong bài thơ (Phan Thanh Giản).  

    Câu trên nhắc đến việc Phan Thanh Giản từng vất vả sang Pháp (cùng Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản), cố chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Câu dưới nhắc đến việc Phan Thanh Giản quyên sinh sau khi không giữ nổi Vĩnh Long.

    Việc thi hành nhiệm vụ của hai ông Phú Bật và Trương Tuần thực ra không hoàn hảo. Tuy Phú Bật thuyết phục được người Khiết Đan rút quân, nhưng triều Tống phải tăng thêm số bạc và lụa nộp cho họ hàng năm. Tuy Trương Tuần giữ thành Tuy Dương được thêm một thời gian, nhưng những việc phải giết người thiếp yêu, rồi một số người già và trẻ con làm lương thực cho binh sĩ, chung quy thành vẫn mất và Trương Tuần vẫn chết, khiến thành tích  không tốt đẹp một cách trọn vẹn. Nhưng nhiều phần Nguyễn Đình Chiểu không chú trọng đến những chi tiết ấy. Ông chỉ có ý nói: Phan Thanh Giản có thể so sánh với Phú Bật từng vất vả khi đi sứ, và với Trương Tuần chết theo thành.

    Hai câu 7-8:

    有天六省存亡事

    安得從容就義臣

    Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự

    An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

    Nghĩa đen của câu 7: Có Trời trong việc còn mất của 6 tỉnh. Câu này cũng có thể hiểu là: Chuyện còn mất của 6 tỉnh đã có Trời biết, để đưa tới câu 8: Mong có được người bề tôi biết thung dung tựu nghĩa (thung dung chết vì nghĩa).

    “An đắc” có nghĩa “mong sao có được” như trong một bài ca của Hán Cao tổ Lưu Bang,

    “An đắc mãnh sĩ hề, thủ tứ phương” (Mong sao có được những kẻ sĩ dũng mãnh để giữ bốn phương). Những chữ “thung dung tựu nghĩa”được lấy từ một cặp câu đối tương truyền là để điếu Lý Trần Quán, làm quan ở cuối đời Lê, sau khi ông tự tử (yêu cầu được chôn sống) vì Nguyễn Trang, người mà ông nhờ hộ vệ chúa Trịnh Khải đã nộp chúa cho quân Tây Sơn:

                Khảng khái cần vương dị

                Thung dung tựu nghĩa nan

    (Khảng khái giúp vua là chuyện dễ, thung dung chết vì nghĩa mới khó).

    Bốn chữ “thung dung tựu nghĩa” nói đến việc Phan Thanh Giản ung dung chọn cái chết sau khi không giữ nổi Vĩnh Long.

    Xin được chép lại toàn thể bài thơ với lời giảng ra văn xuôi và một bản dịch thơ phía sau. Người viết xin chân thành cảm tạ chị Mỹ Ngọc, một cựu đồng môn, đã tiếp tay trong bản dịch thơ này:

                                                                            歷仕三朝獨潔身

                                            微君難保一方民   

                          龍湖寧負書生老

                                            鳳閣空歸學士神

                                            秉節曾勞生富弼

                                            盡忠何恨死張巡

                                            有天六省存亡事

                                            安得從容就義臣

                                    Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

                                                    Vi quân nan bảo nhất phương dân

                                                    Long Hồ ninh phụ thư sinh lão

                                                    Phượng Các không quy học sĩ thần.

                                                    Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật

                                                    Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

                                                    Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự

                                                    An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

                Làm quan trải ba triều vua, riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.

                Không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một miền.

                Người học trò già đành ra gánh vác [việc giữ] Long Hồ

                Hồn người học sĩ khó trở về Phượng Các.

                Giữ tiết, từng gian lao, sống như Phú Bật đời Tống

                Dốc hết lòng trung, còn hận gì nữa, chết như Trương Tuần đời Đường.

                Chuyện còn mất của sáu tỉnh có trời ở trong.

    Cốt sao có được người bày tôi thung dung chết vì nghĩa.

    Dịch thơ (Nguyễn Mỹ Ngọc và Trần Từ Mai):

                            Thanh khiết ba triều vẹn tấm thân,

    Một phương nguy khó gắng che dân.

    Long Hồ đành chĩu vai nguyên lão,

    Phượng Các khôn mong vía học thần.

    Sống đã gian lao theo Phú Bật,

    Chết đâu tiếc hận với Trương Tuần.

    Mất còn sáu tỉnh, trời cao biết,

    Sao được thung dung trọn nghĩa nhân.

    PHỤ LỤC: BA BẢN DỊCH THƠ KHÁC

    Bản dịch của Thượng Tân Thị

    Mình trong sạch trải thờ ba chúa,
    Không ông ai che chở dân lành.
    Long Hồ phụ lão thư sinh,
    Ở nơi các Phụng không đành làm quan.
    Cầm tiết nhọc sống chàng Phú Bật,
    Chết ngay sao giận uất Trương Tuần.
    Mất còn sáu tỉnh trời phân,

    Thung dung tựu nghĩa làm thần khó thay.

    Bản dịch trong Nguyễn Đình Chiểu Toàn Tập

    của CV Thỉnh, NS Lân, NT Giang (1997)

    Thờ trải ba triều trọn sạch thân,

    Không ông ai đỡ một phương dân.

    Long Hồ thà phụ thơ sanh lão,

    Phụng Các suông quy học sĩ thần.

    Giữ tiết nhọc nhằn còn Phú Bật,

    Hết trung nào giận mất Trương Tuần.

    Mất còn sáu tỉnh trời kia biết,

    Sao đặng thung dung tựu nghĩa thần?

    Bản dịch của Cao Tự Thanh (2005)

                Ba triều rõ mặt bậc tôi lành,

                Che chở cho dân buổi lửa binh.

                Phượng các khôn về hồn học sĩ,

                Long Hồ thà chịu tiếng thư sinh.

                Sống từng nhọc bấy thân đi sứ,

                Chết lại hờn chi phận giữ thành.

                Sáu tỉnh mất còn, trời đã định,

                Nhưng tìm đâu được kẻ trung trinh.

                    (Việt Nam Bách Gia Thi)

    Nhận xét:

    1. Có lẽ đã dựa theo bản chép sai của ông Nguyễn Liên Phong hay ông Thái Hữu Võ, nhà thơ tiền bối Thượng Tân Thị đã hiểu chữ “thần” trong câu 4 là viên quan, và chữ “thần” trong câu 8 là ông thần.
    2. Nhà thơ Thượng Tân Thị và nhóm ông Ca Văn Thỉnh đã hiểu chữ “phụ” trong câu 3 là “phụ bạc,” và cho rằng chủ từ của động từ “phụ” là tỉnh Long Hồ.

    Trần Huy Bích, California, July 2022

  • Tin tức,  Trần Huy Bích

    Giới thiệu sách “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại” và Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

    “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

    Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

    của nhà văn Khánh Lan

    (Bài nói chuyện của Gs. Trần Huy Bích tại NT Studio, Westminster, CA,

    GS Trần Huy Bích

    Ngày 19 tháng 9-2021)

    Kính thưa …

    Tôi rất vui được trao nhiệm vụ giới thiệu cuốn “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

    và tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”của nhà văn Khánh Lan.

    Cuốn trước gồm 11 bài viết riêng biệt. Trong bài đầu tiên, chị Khánh Lan viết chung với nhà văn Việt Hải, thuật lại cuộc bút chiến từ năm 1935 đến năm 1939 ở Việt Nam giữa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, người chủ trương nghệ thuật phải được dùng để phục vụ xã hội (nghệ thuật vị nhân sinh), và Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên, người đưa ra quan niệm nghệ thuật cần có giá trị về phương diện nghệ thuật, vì thế nên được tự do, không nên bị gò bó trong nguyên tắc, giáo điều (nghệ thuật vị nghệ thuật). Chị Khánh Lan đóng góp bằng cách cung cấp thêm một vài ý kiến của một số văn hào thế giới.

    Trong mười bài sau, chị viết về mười nhà văn danh tiếng của quốc tế cùng những tác phẩm chính của họ:

    –Erich Maria Remarque (Đức) với cuốn Zeit zu leben und Zeit zu sterben (bản dịch sang tiếng Anh: A Time to Love and a Time to Die; bản dịch sang tiếng Việt: Một thời để yêu và một thời để chết).

    Victor Hugo (Pháp) với cuốn Les Misérables (bản dịch sang tiếng Việt: Những kẻ khốn cùng).

    –Herman Hesse (nhà văn Đức với quốc tịch Thụy Sĩ). Với ông, chị giới thiệu hai cuốn: Demian (bản dịch sang tiếng Việt: Tuổi trẻ băn khoăn) và Siddhartha (bản dịch sang tiếng Việt: Câu chuyện dòng sông).

    –Alexandre Dumas, Jr. (Pháp) với cuốn La Dame aux camélias (bản dịch sang tiếng Việt: Trà hoa nữ).

    –André Gide (Pháp) với cuốn La Porte étroite (bản dịch sang tiếng Việt: Khung cửa hẹp).

    –Mark Twain (Hoa Kỳ) với cuốn The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer).

    –Marcel Proust (Pháp) với cuốn À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất).

    Ernest Hemingway (Hoa Kỳ) với cuốn The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả).

    Erich Segal (Hoa Kỳ) với cuốn Love Story (Chuyện tình yêu).

    –Boris Pasternak (Nga) với cuốn Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago).

    Tóm lại, Khánh Lan đã viết về 10 văn hào quốc tế (4 Pháp, 3 Mỹ, 1 Nga, 2 Đức, một vị sau đó lấy quốc tịch Thụy Sĩ), và tóm lược 11 tác phẩm của họ. Trong các văn hào chị giới thiệu, 4 vị đã được giải Nobel về Văn chương: André Gide, Herman Hesse, Ernest Hemingway, và Boris Pasternak. Giải này được phát từ năm 1901, không đi ngược thời gian để cân nhắc trường hợp các đại văn hào Victor Hugo và Alexandre Dumas, sáng tác từ thế kỷ trước.

    Trong một bài nhận xét của nhà văn Việt Hải cũng được in trong cuốn sách, anh Việt Hải ghi nhận rằng chị Khánh Lan đã tóm lược và đưa ra những suy nghĩ về ba cuốn tiểu thuyết xã hội lấy chủ đề là thân phận con người, ba cuốn với những suy tư triết học, hai tiểu thuyết về thời đại và chiến tranh, và hai tiểu thuyết thuộc khuynh hướng tình yêu lãng mạn.

    Trong tác phẩm thứ hai, tuyển tập truyện trinh thám mang tên “Thám Tử Lê Minh,” Khánh Lan giới thiệu với chúng ta một nữ thám tử xinh đẹp với nhiều điểm đặc sắc: “dong dỏng cao, mặt trái xoan xinh xắn, mắt phượng to tròn dưới hàng lông mi dài cong vút, mũi dọc dừa, nụ cười tươi giữa hai lúm đồng tiền làm tăng phần duyên dáng.” Một phần vì tên giống con trai nên khi lên Trung học bị nhà trường xếp vào lớp dành cho nam sinh, được chú ý một cách đặc biệt, một phần vì chơi với các anh trai từ nhỏ, Lê Minh đã quen với đá banh, bắn súng, đánh võ, xem phim bạo động hay trinh thám. Vì thế cô cũng “ngổ ngáo” như con trai: ghét cay ghét đắng nếu phải mặc áo dài, đi giày kiểu, xách bóp đầm …, nhưng thích cắt tóc kiểu demi-garçon, mặc quần jean, đội mũ lưỡi trai…

    Từ khi sang Mỹ, Lê Minh đã có ý định trở thành thám tử điều tra những vụ án bí ẩn. Cô theo dõi những tin tức về tội phạm trong xã hội, bị thu hút bởi những phim gián điệp như Silence of the Lamb, The Girl on the Train … Vì thế sau khi tốt nghiệp Đại học với bằng Cao học về Tư pháp Hình sự (Criminal Justice), cô xin vào làm cho Ban Tư pháp Hình sự Sát nhân (Criminal Justice Homicide Department). Để được chấp nhận làm việc trong Ban này, Lê Minh phải hoàn tất chương trình đào tạo các sĩ quan cảnh sát và thám tử điều tra tội phạm sát nhân của Học viện Cảnh sát. Sau vài năm làm việc tại sở Cảnh sát với nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực điều tra, Lê Minh mới được thăng chức thám tử và được bổ nhiệm làm người cộng tác (partner) với một thám tử đã khoảng 50 tuổi với trên 20 năm kinh nghiệm, là thám tử McBride. Từ đây tác giả trình bày sự cộng tác chặt chẽ của hai người để phanh phui nhiều án mạng bí ẩn.

    Sau bài viết đầu tiên để giới thiệu người nữ thám tử đặc biệt và án mạng thứ nhất, Khánh Lan viết về 12 án mạng khác. Vụ nào cũng mang tính cách kỳ bí, nhưng về sau, nhờ khả năng suy luận sắc bén và cũng một phần do may mắn, thám tử chính McBride và thám tử cộng tác Lê Minh cũng đều giải quyết được, đưa phạm nhân ra ánh sáng và thành công. Người Việt ở Nam California dễ say sưa theo dõi các truyện trinh thám do Khánh Lan viết vì chị kể những sự việc chung quanh chúng ta: chuyện xảy ra ở các thành phố Irvine, Seal Beach, Westminster …, trên xa lộ 73, với những số điện thoại bắt đầu bằng area code 714. Truyện trinh thám của Khánh Lan có khả năng hấp dẫn người đọc. Hai người viết “Lời mở đầu,” các anh Dương Viết Điền và Việt Hải, đều có những nhận xét rất tích cực về tập truyện của chị.

    Văn hào Anh Ian Fleming đã thành công vượt bực khi dựng nên điệp viên quốc tế James Bond. Sir Arthur Conan Doyle đã làm thám tử giả tưởng Sherlock Homes thành ra bất tử. Nhà văn Thế Lữ tạo ra phóng viên trinh thám Lê Phong tài ba. Các chuyện trinh thám của nhà văn Phạm Cao Củng được xây dựng chung quanh thám tử Kỳ Phát. Nhà văn Khánh Lan của chúng ta góp phần bằng cách kiến tạo nên nữ thám tử Lê Minh.

    Đọc tới cuối tập, tôi có chút luyến tiếc vì Khánh Lan cho Lê Minh “giã từ sân khấu” sớm quá. Sau hơn 20 năm trong nghề, cô vẫn còn độc thân. Thám tử McBride về hưu ở tuổi 70. Một thời gian sau, ông kết liễu đời mình bằng một viên đạn bắn vào đầu. Tin ấy khiến nhiều người bàng hoàng, nhất là Lê Minh. Cô cảm thấy mệt mỏi sau cái chết của người bạn tri kỷ nên đã xin thôi việc, đến thăm mộ thám tử McBride rồi về xuống tóc quy y. Nhà nữ thám tử tài ba đã nhận ra “tu là cõi phúc.” Tập truyện trinh thám của Khánh Lan, vì thế mang thêm tính cách triết lý và tình cảm.

    Được biết Khánh Lan rất nhiệt thành với việc học hỏi thêm và viết một cách say sưa. Tôi tin rằng với những tác phẩm đầu tay mà đã được như thế, chị sẽ còn tiến rất xa.

    Với đại thi hào Nguyễn Du, từ bài “Thác lời trai phường nón,” một trong những tác phẩm đầu tiên, đến Truyện Kiều, là một bước tiến rất dài. Với văn hào Nhất Linh, hai cuốn truyện đầu tay của ông, Nho PhongNgười Quay Tơ, chưa đạt trình độ nghệ thuật cao. Tuy nhiên, đó là bước đầu để về sau ông viết Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng, Hai Buổi Chiều Vàng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy …, và chủ  trương các tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay, Văn Hóa Ngày Nay… Các tác phẩm đầu tiên của đại thi hào Shakespeare nước Anh hay đại văn hào Ernest Hemingway của Hoa Kỳ cũng chưa đạt tới trình độ xuất sắc của những tác phẩm viết sau. Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng người bạn Khánh Lan của chúng ta sẽ còn cho ra đời những tác phẩm giá trị hơn những cuốn được giới thiệu hôm nay.

    Tôi cũng tin rằng đa số các vị thức giả, các văn nghệ sĩ lớn tuổi, cũng như các bạn trẻ tới đây hôm nay đều có chung một niềm mong ước. Đó cũng là niềm mong ước tôi trình bày một cách khái quát trong Lời mở đầu tập sách biên khảo của chị Khánh Lan.

    Sau biến cố 30-4-1975, hơn 4 triệu người Việt đã ra sống ở ngoài nước, trong đó khoảng một nửa, hơn 2 triệu, cư ngụ ở Hoa Kỳ. “Chúng ta đi, mang theo quê hương.” Quê hương đây không phải chỉ gồm thức ăn, trang phục, một số phong tục truyền thống…, mà còn là sinh hoạt tinh thần, với sách báo, văn thơ…

    Gần nửa thế kỷ trôi qua, thế hệ các nhà văn, nhà thơ tiền bối (Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh …) không còn giữa chúng ta. Lớp nhà văn, nhà thơ trẻ hơn (Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Du Tử Lê, gần đây là Nguyễn Mạnh Trinh …) cũng đã ra người thiên cổ. Tại nhiều nơi, vẫn còn một số nhà văn, nhà biên khảo có tâm huyết và thành tích, nhưng các vị đã, hoặc đang bước vào tuổi lão niên. Đã có nhi ều người lo âu: “Tre” tuy già nhưng “măng” chưa kịp mọc. Vì nhu cầu tinh thần, tập thể người Việt ở ngoài nước cần có những người cầm bút mới. Rất nhiều người Việt đã thành công khi sáng tác bằng Anh ngữ, Pháp ngữ…, làm giàu thêm cho văn học thế giới. Chúng ta có Lan Cao, Andrew Lam, Monique Truong …và nhiều người nữa. Có những vị thành công một cách xuất chúng như Viet Thanh Nguyen với giải thưởng văn học danh giá Pulitzer, Ocean Vuong với giải thưởng T.S. Eliot, cùng nhiều giải khác. Các vị ấy đã chứng tỏ rằng trong khả năng diễn đạt bằng ngòi bút, dân Việt không thua kém ai. Tuy nhiên, muốn duy trì căn cước và ngôn ngữ, cộng đồng Việt ở ngoài nước vẫn cần những cây bút viết bằng tiếng Việt. Chúng ta cần có những cây bút nhiệt thành, dấn thân như Khánh Lan, và chân thành cầu chúc cho sự thành công của chị và các bạn cùng thế hệ.

    Chân thành cám ơn sự lưu tâm theo dõi của toàn thể Quý vị.