Tin tức,  Trần Huy Bích

Giới thiệu sách “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại” và Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

“Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

của nhà văn Khánh Lan

(Bài nói chuyện của Gs. Trần Huy Bích tại NT Studio, Westminster, CA,

GS Trần Huy Bích

Ngày 19 tháng 9-2021)

Kính thưa …

Tôi rất vui được trao nhiệm vụ giới thiệu cuốn “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

và tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”của nhà văn Khánh Lan.

Cuốn trước gồm 11 bài viết riêng biệt. Trong bài đầu tiên, chị Khánh Lan viết chung với nhà văn Việt Hải, thuật lại cuộc bút chiến từ năm 1935 đến năm 1939 ở Việt Nam giữa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, người chủ trương nghệ thuật phải được dùng để phục vụ xã hội (nghệ thuật vị nhân sinh), và Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên, người đưa ra quan niệm nghệ thuật cần có giá trị về phương diện nghệ thuật, vì thế nên được tự do, không nên bị gò bó trong nguyên tắc, giáo điều (nghệ thuật vị nghệ thuật). Chị Khánh Lan đóng góp bằng cách cung cấp thêm một vài ý kiến của một số văn hào thế giới.

Trong mười bài sau, chị viết về mười nhà văn danh tiếng của quốc tế cùng những tác phẩm chính của họ:

–Erich Maria Remarque (Đức) với cuốn Zeit zu leben und Zeit zu sterben (bản dịch sang tiếng Anh: A Time to Love and a Time to Die; bản dịch sang tiếng Việt: Một thời để yêu và một thời để chết).

Victor Hugo (Pháp) với cuốn Les Misérables (bản dịch sang tiếng Việt: Những kẻ khốn cùng).

–Herman Hesse (nhà văn Đức với quốc tịch Thụy Sĩ). Với ông, chị giới thiệu hai cuốn: Demian (bản dịch sang tiếng Việt: Tuổi trẻ băn khoăn) và Siddhartha (bản dịch sang tiếng Việt: Câu chuyện dòng sông).

–Alexandre Dumas, Jr. (Pháp) với cuốn La Dame aux camélias (bản dịch sang tiếng Việt: Trà hoa nữ).

–André Gide (Pháp) với cuốn La Porte étroite (bản dịch sang tiếng Việt: Khung cửa hẹp).

–Mark Twain (Hoa Kỳ) với cuốn The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer).

–Marcel Proust (Pháp) với cuốn À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất).

Ernest Hemingway (Hoa Kỳ) với cuốn The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả).

Erich Segal (Hoa Kỳ) với cuốn Love Story (Chuyện tình yêu).

–Boris Pasternak (Nga) với cuốn Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago).

Tóm lại, Khánh Lan đã viết về 10 văn hào quốc tế (4 Pháp, 3 Mỹ, 1 Nga, 2 Đức, một vị sau đó lấy quốc tịch Thụy Sĩ), và tóm lược 11 tác phẩm của họ. Trong các văn hào chị giới thiệu, 4 vị đã được giải Nobel về Văn chương: André Gide, Herman Hesse, Ernest Hemingway, và Boris Pasternak. Giải này được phát từ năm 1901, không đi ngược thời gian để cân nhắc trường hợp các đại văn hào Victor Hugo và Alexandre Dumas, sáng tác từ thế kỷ trước.

Trong một bài nhận xét của nhà văn Việt Hải cũng được in trong cuốn sách, anh Việt Hải ghi nhận rằng chị Khánh Lan đã tóm lược và đưa ra những suy nghĩ về ba cuốn tiểu thuyết xã hội lấy chủ đề là thân phận con người, ba cuốn với những suy tư triết học, hai tiểu thuyết về thời đại và chiến tranh, và hai tiểu thuyết thuộc khuynh hướng tình yêu lãng mạn.

Trong tác phẩm thứ hai, tuyển tập truyện trinh thám mang tên “Thám Tử Lê Minh,” Khánh Lan giới thiệu với chúng ta một nữ thám tử xinh đẹp với nhiều điểm đặc sắc: “dong dỏng cao, mặt trái xoan xinh xắn, mắt phượng to tròn dưới hàng lông mi dài cong vút, mũi dọc dừa, nụ cười tươi giữa hai lúm đồng tiền làm tăng phần duyên dáng.” Một phần vì tên giống con trai nên khi lên Trung học bị nhà trường xếp vào lớp dành cho nam sinh, được chú ý một cách đặc biệt, một phần vì chơi với các anh trai từ nhỏ, Lê Minh đã quen với đá banh, bắn súng, đánh võ, xem phim bạo động hay trinh thám. Vì thế cô cũng “ngổ ngáo” như con trai: ghét cay ghét đắng nếu phải mặc áo dài, đi giày kiểu, xách bóp đầm …, nhưng thích cắt tóc kiểu demi-garçon, mặc quần jean, đội mũ lưỡi trai…

Từ khi sang Mỹ, Lê Minh đã có ý định trở thành thám tử điều tra những vụ án bí ẩn. Cô theo dõi những tin tức về tội phạm trong xã hội, bị thu hút bởi những phim gián điệp như Silence of the Lamb, The Girl on the Train … Vì thế sau khi tốt nghiệp Đại học với bằng Cao học về Tư pháp Hình sự (Criminal Justice), cô xin vào làm cho Ban Tư pháp Hình sự Sát nhân (Criminal Justice Homicide Department). Để được chấp nhận làm việc trong Ban này, Lê Minh phải hoàn tất chương trình đào tạo các sĩ quan cảnh sát và thám tử điều tra tội phạm sát nhân của Học viện Cảnh sát. Sau vài năm làm việc tại sở Cảnh sát với nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực điều tra, Lê Minh mới được thăng chức thám tử và được bổ nhiệm làm người cộng tác (partner) với một thám tử đã khoảng 50 tuổi với trên 20 năm kinh nghiệm, là thám tử McBride. Từ đây tác giả trình bày sự cộng tác chặt chẽ của hai người để phanh phui nhiều án mạng bí ẩn.

Sau bài viết đầu tiên để giới thiệu người nữ thám tử đặc biệt và án mạng thứ nhất, Khánh Lan viết về 12 án mạng khác. Vụ nào cũng mang tính cách kỳ bí, nhưng về sau, nhờ khả năng suy luận sắc bén và cũng một phần do may mắn, thám tử chính McBride và thám tử cộng tác Lê Minh cũng đều giải quyết được, đưa phạm nhân ra ánh sáng và thành công. Người Việt ở Nam California dễ say sưa theo dõi các truyện trinh thám do Khánh Lan viết vì chị kể những sự việc chung quanh chúng ta: chuyện xảy ra ở các thành phố Irvine, Seal Beach, Westminster …, trên xa lộ 73, với những số điện thoại bắt đầu bằng area code 714. Truyện trinh thám của Khánh Lan có khả năng hấp dẫn người đọc. Hai người viết “Lời mở đầu,” các anh Dương Viết Điền và Việt Hải, đều có những nhận xét rất tích cực về tập truyện của chị.

Văn hào Anh Ian Fleming đã thành công vượt bực khi dựng nên điệp viên quốc tế James Bond. Sir Arthur Conan Doyle đã làm thám tử giả tưởng Sherlock Homes thành ra bất tử. Nhà văn Thế Lữ tạo ra phóng viên trinh thám Lê Phong tài ba. Các chuyện trinh thám của nhà văn Phạm Cao Củng được xây dựng chung quanh thám tử Kỳ Phát. Nhà văn Khánh Lan của chúng ta góp phần bằng cách kiến tạo nên nữ thám tử Lê Minh.

Đọc tới cuối tập, tôi có chút luyến tiếc vì Khánh Lan cho Lê Minh “giã từ sân khấu” sớm quá. Sau hơn 20 năm trong nghề, cô vẫn còn độc thân. Thám tử McBride về hưu ở tuổi 70. Một thời gian sau, ông kết liễu đời mình bằng một viên đạn bắn vào đầu. Tin ấy khiến nhiều người bàng hoàng, nhất là Lê Minh. Cô cảm thấy mệt mỏi sau cái chết của người bạn tri kỷ nên đã xin thôi việc, đến thăm mộ thám tử McBride rồi về xuống tóc quy y. Nhà nữ thám tử tài ba đã nhận ra “tu là cõi phúc.” Tập truyện trinh thám của Khánh Lan, vì thế mang thêm tính cách triết lý và tình cảm.

Được biết Khánh Lan rất nhiệt thành với việc học hỏi thêm và viết một cách say sưa. Tôi tin rằng với những tác phẩm đầu tay mà đã được như thế, chị sẽ còn tiến rất xa.

Với đại thi hào Nguyễn Du, từ bài “Thác lời trai phường nón,” một trong những tác phẩm đầu tiên, đến Truyện Kiều, là một bước tiến rất dài. Với văn hào Nhất Linh, hai cuốn truyện đầu tay của ông, Nho PhongNgười Quay Tơ, chưa đạt trình độ nghệ thuật cao. Tuy nhiên, đó là bước đầu để về sau ông viết Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng, Hai Buổi Chiều Vàng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy …, và chủ  trương các tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay, Văn Hóa Ngày Nay… Các tác phẩm đầu tiên của đại thi hào Shakespeare nước Anh hay đại văn hào Ernest Hemingway của Hoa Kỳ cũng chưa đạt tới trình độ xuất sắc của những tác phẩm viết sau. Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng người bạn Khánh Lan của chúng ta sẽ còn cho ra đời những tác phẩm giá trị hơn những cuốn được giới thiệu hôm nay.

Tôi cũng tin rằng đa số các vị thức giả, các văn nghệ sĩ lớn tuổi, cũng như các bạn trẻ tới đây hôm nay đều có chung một niềm mong ước. Đó cũng là niềm mong ước tôi trình bày một cách khái quát trong Lời mở đầu tập sách biên khảo của chị Khánh Lan.

Sau biến cố 30-4-1975, hơn 4 triệu người Việt đã ra sống ở ngoài nước, trong đó khoảng một nửa, hơn 2 triệu, cư ngụ ở Hoa Kỳ. “Chúng ta đi, mang theo quê hương.” Quê hương đây không phải chỉ gồm thức ăn, trang phục, một số phong tục truyền thống…, mà còn là sinh hoạt tinh thần, với sách báo, văn thơ…

Gần nửa thế kỷ trôi qua, thế hệ các nhà văn, nhà thơ tiền bối (Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh …) không còn giữa chúng ta. Lớp nhà văn, nhà thơ trẻ hơn (Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Du Tử Lê, gần đây là Nguyễn Mạnh Trinh …) cũng đã ra người thiên cổ. Tại nhiều nơi, vẫn còn một số nhà văn, nhà biên khảo có tâm huyết và thành tích, nhưng các vị đã, hoặc đang bước vào tuổi lão niên. Đã có nhi ều người lo âu: “Tre” tuy già nhưng “măng” chưa kịp mọc. Vì nhu cầu tinh thần, tập thể người Việt ở ngoài nước cần có những người cầm bút mới. Rất nhiều người Việt đã thành công khi sáng tác bằng Anh ngữ, Pháp ngữ…, làm giàu thêm cho văn học thế giới. Chúng ta có Lan Cao, Andrew Lam, Monique Truong …và nhiều người nữa. Có những vị thành công một cách xuất chúng như Viet Thanh Nguyen với giải thưởng văn học danh giá Pulitzer, Ocean Vuong với giải thưởng T.S. Eliot, cùng nhiều giải khác. Các vị ấy đã chứng tỏ rằng trong khả năng diễn đạt bằng ngòi bút, dân Việt không thua kém ai. Tuy nhiên, muốn duy trì căn cước và ngôn ngữ, cộng đồng Việt ở ngoài nước vẫn cần những cây bút viết bằng tiếng Việt. Chúng ta cần có những cây bút nhiệt thành, dấn thân như Khánh Lan, và chân thành cầu chúc cho sự thành công của chị và các bạn cùng thế hệ.

Chân thành cám ơn sự lưu tâm theo dõi của toàn thể Quý vị.