Tin tức,  Trần Phong Vũ

DIỄN GIẢ TRẦN PHONG VŨ

Giới thiệu hai tác phẩm:

Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh. Truyện Dài Dĩ Vãng Khôn Nguôi.

NV & NB Trần Phong Vũ

“Khánh Lan, đây là ngày đầu tiên tôi được gặp cô, mặc dầu cô đã liên lạc với tôi có lẽ từ nửa năm qua và đã gởi qua máy vi tính cho tôi 2 đến 3 lần cái bản thảo và bản layout quyển truyện dài: Dĩ vãng khôn nguôi và quyển truyện ngắn: Tình yêu, cuộc đời và định mệnh để tôi dễ đọc hơn. Ngày hôm nay tôi đến đây như một sự chia sẻ về một người trẻ, một khuôn mặt mà phải nói rằng phải “Dấn thân” lắm. Đúng, phải là một con người có một cái ý chí đặc biệt mới có thể đi vào một lãnh vực, phải nói là rất là khó chứ không phải dễ.

Nhưng ngày hôm nay tôi xin thưa, tôi hoàn toàn đồng ý với GS Trần Huy Bích, vì sau khi tôi đọc xong hai tác phẩm này, không phải chỉ một lần, mà nhiều lần. Bởi lẽ mỗi một lần nhận được bản mới, tôi nghĩ là nó phải có những thay đổi, mà có những thay đổi thật và chính nhưng thay đổi đó nó đã đánh giá cô Khánh Lan rất cao. Bởi vì khi làm một công việc gì cũng vậy, ngoài cái tài thiên phú ra, cái sự chăm chỉ, sự phục thiện để mà lắng nghe lời nói của một người khác là rất quan trọng và cô đã có các đặc điểm đó. Trong suốt thời gian tiếp xúc với cô qua điện thoại hoặc email, cô vẫn có được một sự kính trọng đối với tôi, mặc dầu cô chưa biết tôi là ai.

            Bây gì tôi xin được nói về tác phẩm truyện ngắn trước khi nói đến tác phẩm truyện dài. Đúng ra, tôi phải đi vào từng chi tiết của mỗi câu truyện để hiểu rỏ tác phẩm ấy nói gì. Tuy nhiên, tôi chỉ hiểu rõ một điều này, khi viết truyện ngắn, cái khó nhất của viết truyện ngắn là đoạn kết. Nếu mà đoạn kết thất bại thì coi như là bỏ hết, vứt đi. Cái kết có thể là “happy ending” hay là một hình thái gì đó để mà đưa ra một cái kết. Ở đây, tôi nhận thấy cô chọn lựa rất đặc biệt cho cái kết trong những truyện ngắn của cô cũng như qua một vài đoạn khi cô nói về mình ở trong phần tâm sự hay là lời cám ơn. Có rất nhiều những dữ kiện trong cuộc đời của cô, nhất là những kiến thức của cô, những cái gì mà cô đã học được của nhà trường, những gì cô đã thực tập khi cô làm thày dậy người ta hay là thực tế lao đầu vào những công việc hiểm nguy.

Thế thì cái vấn đề là cô ấy đã làm gì với những kiến thức ấy, tôi phải nói là nhiều những truyện ngắn trong sách, cô đã mang những suy nghĩ, những kiến thức của cô, tấm lòng của cô, cái đặc biệt của một tấm lòng yêu thương con người, say mê với công việc của mình. Thành ra tôi vẫn tin tưởng rằng, với một người như vậy khi bước vào văn chương cũng mang tấm lòng đó vào và sẽ thành công và sự thành công đó là ngay trong những tác phẩm truyện ngắn. 

            Như tôi đã đề cập lúc đầu là cái kết thúc rất quan trọng, thì ở điểm này cô Khánh Lan đã thành công. Tôi nhận thấy, thứ nhất là cô có cái khuynh hướng rõ ràng là cô thích có một cái “happy ending” cô muốn có một kết thúc tròn đầy. Đó là con người của cô, một con người yêu thương, một con người mà chỉ muốn mọi chuyện xảy ra tròn vẹn, không phải cho mình mà cho mọi người. Vì vậy khi cô gửi vào những nhân vật có thực trong tác phẩm truyện ngắn.

Tuy vậy, trong một vài truyện, tôi đã nhìn thấy vì một lý do gì đó cô phải đưa ra một “ending” khác, nhưng hầu hết đều gọn ghẽ, rất đầy đủ, chỉnh chu như cô đã trả lời NV Việt Hải về cái bố cục của một câu truyện, một quyển sách như thế nào rất là chính xác. Với tư cách là một người đã từng dậy quốc văn, tôi thấy cái quan niệm đó, cái nhìn đó, cái mà cô đã cố gắng đi theo con đường văn chương. Đây chính là một cái chìa khóa để mở cho cô đi vào sự thành công, không phải chỉ có ngày hôm nay với 4 cuốn sách này, mà sẽ còn nữa trong tương lai như lời sự ước ao của GS Trần Huy Bích.

Thế thì, cái điểm chính ở đây là cô rất thành công như trong tác phẩm truyện ngắn, như truyện “Hạnh Phúc Trở Về”. Cô có thể kết thúc ngay lúc mà người con trai của cặp vợ chồng rất là hạnh phúc đã chết trong một hoàn cảnh tức tưởi, đồng thời nó cũng đưa ra một sự cảnh giác cho những người cha mẹ chỉ lo làm ăn mà quên đi đứa con của mình bị bệnh tự kỷ. Cái điểm này cũng nằm trong ngành học chuyên môn của cô, cô đã ứng dụng vào truyện rất là đúng. Cuối cùng, cô đã có một cái kết rất hay mà quý vị về đọc truyện này sẽ có một cảm nhận giống như tôi. Trong truyện “Nỗi Cô Đơn Trong Biển Tình” cũng thế, cô đã biết cách lợi dụng đại dịch Covid 19 để hàn gắn lại một mối tình tưởng chừng tan biến.

            Nói về tác phẩm truyện dài “Dĩ Vãng Khôn Nguôi” NV Trần Phong Vũ nói: “Ngay từ cái tựa quý vị đã thấy được tác phẩm nói gì. Dĩ vãng là những cái gì đã qua và trong cái dĩ vãng đã qua đó có nhiều sự kiện đã khắc sâu vào tâm khảm của mình. Trong đó, dĩ vãng nào là một dĩ vãng nổi bật nhất, một cuộc tình khởi đầu và trong cuộc tình ấy có những gì diễn đạt trong đó, mà thời gian cũng không làm người ta nguôi ngoai được, thì tác phẫm này, đã nói được trong trọn vẹn cái tiêu đề ấy. Bám sát được cái tiêu đề là cả một vấn đề. Vì vậy từng chương một, trong 13 chương sách đó chúng ta thấy lần lượt tác giả đã có một sự xắp xếp rất thông minh và trong đó có đầy đủ “hỷ, nộ, ái ố”.

Có một điều mà tôi xin thưa ngay, những cái đoạn tả cảnh của tác giả rất đặc biệt, hình ảnh hợp theo thời gian và đặc biệt nhất là trong chuyến đi du hành trở về thăm quê hương, chúng ta tìm ra một cái sự nỗ lực không cùng của tác giả để tìm ra những lịch sử về từng nơi như Đà Lạt hay Lăng Cô, chùa Hương, v.v… Cô làm rất chỉnh chu, tới nơi tới chốn. Ngược lại, trong quyển truyện ngắn, cô tham khảo rất kỹ và xoay chung quanh những người lính, những người trong quân trường, trại tù cải tạo, v.v… Chính vì cha của cô cũng trong quân đội, vì vậy những câu chuyện trong quân trường, chuyện chiến đấu, bị đi tù đều được đưa vào trong tác phẩm. Đó là những chuyện rất thật, tuy có chút hư cấu vì đó là điều không thể tránh được. Điều quan trọng là phải hư cấu như thế nào mà vẫn còn giữ được ý chính. Đó là một câu truyện mà chúng tôi gọi là câu truyện văn chương.

Lúc nãy, GS Trần Huy Bích có nói đến “văn chương nghệ thuật vị nghệ thuật và văn chương nghệ thuật vị nhân sinh” thì trong hai tác phẩm của cô Khánh Lan đều ít nhiều mang một giá trị thứ hai, về con người. Đó chính là văn chương nghệ thuật vị nhân sinh. Thêm nữa, cô đã đem sự học đưa vào các nhân vật với hành động, suy nghĩ, cảm nghiêm làm việc cho bệnh nhân, cho người yếu kém vào tác phẩm của cô. Đó là về con người.

Tôi xin thưa qúy vị và đặc biệt thưa với cô Khánh Lan, tôi đã không làm tròn vai trò “diễn giả” đọc hai tác phẩm rất quan trọng của cô. Cái quan trong là tác phẩm đầu và từ đó hy vọng có các tác phẩm kế tiếp. Tôi xin thưa là cô Khánh Lan đã đặt được cái nền tảng, đặt được bước chân vững chắc để đi tới trong những bước chân kế tiếp như GS Trần Huy Bích đã nói, sẽ được đọc những tác phẩm lớn của cô sau này.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe những điều thật sự từ trong tấm lòng của chúng tôi. Xin cám ơn.

Trần Phong Vũ

California, Sept. 19, 2021