Kiều My,  RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Tin tức

Buổi Ra Mắt Hồi Ký: NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ CỦA NV PHẠM GIA ĐẠI

Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian chào mừng NV Phạm Gia Đại ra tác phẩm

Tập hồi ký “Người Muôn Năm Cũcủa nhà văn Phạm Gia Đại được ra mắt cùng độc giả ngày Chủ nhật 5 tháng Năm 2024 vừa qua, trong không khí vui tươi giữa không gian ấm cúng của Westminster Community Center tại thành phố Westminster, Nam California.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho thủ đô người Việt tị nạn một ngày đẹp trời của tiết Xuân…  mát mẻ dịu dàng. Người người nô nức về đây cùng tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn, kiêm bình luận gia Phạm Gia Đại của đài truyền hình VCAL TV, mà mọi người rất quý mến. Bằng sự nhiệt tình, độc giả đã mở rộng vòng tay đón nhận quyển hồi ký thứ hai mang tên NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ của nhà văn Phạm Gia Đại, sau tập hồi ký thứ nhất NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG xuất bản năm 2011, thành công mỹ mãn.

 Với sự tham dự đông đảo của nhiều thành phần trong cộng đồng người Việt tại thủ đô tị nạn Hoa Kỳ, trong sự kiện đặc biệt này. Chúng ta nhận thấy có sự góp mặt của GS. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân Ngọc Hà, các cựu quân nhân Sư đoàn 5 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những cựu tù nhân chính trị và hình sự; nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian gồm có: Thụy Lan, Mộng Thủy, Minh Khai, Minh Châu, Minh Thư v.v… Những nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Quang,Vương Trùng Dương, nhà thơ Lê Nguyễn Nga, nhà văn Khánh Lan và phu quân Mạnh Bỗng,Nhà văn ký giả Kiều Mỹ Duyên và nhà văn Kiều My…các thân hữu, quan khách và những hội đoàn: đặc biệt với sự hổ trợ của gia đình tác giả từ khắp nơi tề tựu về; khiến khánh phòng trở nên rộn rịp như một ngày hội.

GS Lê Văn Khoa & Phu Nhân, C Ngọc Hà và tác giả: NV Phạm Gia Đại

 Susan Tạ, Khánh Lan, Minh Khai, Thụy Lan, Kiều My, Minh Thư   

Tác giả Phạm Gia Đại cùng những người bạn tù

Quang Cảnh của hội trường Westminster trong ngày RMS

Khai mạc chương trình là nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa kỳ trong sự trang nghiêm cung kính…Người Việt hải ngoại cùng một lòng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu, dù nghìn trùng xa cách. Cũng như thế, mọi người kính cẩn nghiêng mình trước lá cờ Hoa Kỳ, bày tỏ lòng tri ân đối với nhân dân và đất nước này đã cưu mang những người Việt tị nạn CS. Sau đó, một phút mặc niệm trong thinh lặng thật cảm động, bùi ngùi thương cảm cho những chiến sĩ QLVNCH, dân quân cán chính, những người tranh đấu cho tự do, nhân quyền đã hy sinh vì Tổ quốc. Ngoài ra, sau 1975, hàng trăm ngàn nạn nhân xấu số đã vùi thây dưới lòng biển cả hay những nơi rừng thiêng nước độc trên con đường thoát hiểm đi tìm Tự do.

Ca khúc Ai Trở Về Xứ Việt: thơ cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, mở đầu chương trình văn nghệ qua phần trình diễn của ca sĩ MC. Bích Ngọc…

MC Ngọc Bich và NV Phạm Gia Đại

Ký Giả Kiều Mỹ Duyên:

Nữ ký giả tài ba Kiều Mỹ Duyên đảm trách nhiều vai trò, vừa là ký giả, nhà báo, đồng thời là nhà văn. Bà là tác giả của 2 tác phẩm xuất sắc đã được xuất bản, đó là: “Chinh Chiến Điêu Linh” và “Hoa Cỏ Bên Đường”.

Nữ ký giả đã viết về hồi ký “Người Muôn Năm Cũ” như sau: “Nhà văn Phạm Gia Đại ở tù 17 năm vẫn còn sinh tiền, đã viết ra những nỗi khốn khổ nhất trên trần gian cho chúng ta đọc. Ông là người sống hết lòng với Tổ Quốc, có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, yêu thương Mẹ và tha nhân, biết ơn cuộc đời, biết ơn mọi người đã giúp ông sống sót qua những năm tháng tối tăm nhất trong ngục tù CS. Người mà ông mang ơn nhất là thân mẫu của ông. Ông ngưỡng mộ những vị lãnh đạo tinh thần qua những việc làm bình thường nhưng rất phi thường của ngài Thượng tọa Thích Thanh Long.”

Trong LỜI TỰA ở trang đầu của tác phẩm Người Muôn Năm Cũ, ký giả Kiều Mỹ Duyên đã viết: “Cố gắng để sinh tồn, để vươn lên dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Trong khốn cùng mới thấy nghị lực phi thường và sĩ khí của người tù. Hãy đọc hồi ký NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ của nhà văn Phạm Gia Đại để thấy đời vẫn đẹp sao, để thấy rằng mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc. Hãy tu nhân tích đức để mai này ra đi nếu được trở lại trần gian sẽ không phải trầm luân và có cuộc đời an vui hạnh phúc.”

Nhà Văn Ký giả Kiều Mỹ Duyên

Nhà văn, diễn giả Phạm Gia Đại:

Có thể nói: đây là tiết mục xuất sắc nhất trong chương trình. Nhà văn Phạm Gia Đại kiêm diễn giả, trình bày về hồi ký “Người Muôn Năm Cũ,” thật tuyệt vời! Trong suốt một giờ đồng hồ qua phần trình bày về tác phẩm của ông, mọi người trong khán phòng thinh lặng, lắng nghe…cảm động và thán phục!

Cả hội trường cùng trở về quá khứ với ông trong “Người Muôn Năm Cũ”, để cùng chia sẻ những ngày tháng tù đày của những người tù khốn khổ trong những trại tù “cải tạo” của CSVN. Dưới ngòi bút với lối văn phong trong sáng của tác giả, nhưhọa sĩ tài ba, đã vẽ lại bức tranh u ám về thảm cảnh đau khổ tột cùng của những tù nhân còm cõi không còn dáng dấp của con người. Tâm trí cũng như thể xác họ đã bị tê liệt bởi sự đọa đày khủng khiếp của những tên cai ngục lòng lang dạ thú, với dã tâm giết người tù chính trị chết lần mòn trong những trại giam tập trung. Người tù bị tra tấn hằng ngày qua nhiều hình thức như: bỏ đói, hành xác, lao động khổ sai, kết hợp rất tinh vi với tra tấn tinh thần qua những buổi học tập để nghe chính trị viên khoác lác tô vẽ về thiên đường ảo tưởng “Xã hội chủ nghĩa.” Những tay sai này có cơ hội lên án tù nhân chế độ cũ, hầu biện minh cho việc chính quyền Hà Nội đã giam cầm họ quá lâu, so với sự tuyên truyền “khoan hồng nhân đạo” khi mới chiếm đoạt miền Nam.

NV Phạm Gia Đại

Những người tù cuối cùng được sống sót thoát khỏi trại giam giết người sau 17 năm, có thể nói, đó là “một phép mầu”! Nhờ vào nhiều yếu tố thiết yếu như: sự tiếp tế lương thực, thuốc men, quần áo ấm, các vật dụng cần thiết…từ gia đình; nhờ vào sự tranh đấu bền bỉ và khốc liệt của nhiều cá nhân và đoàn thể với chính phủ Hoa Kỳ; nhờ vào sức chịu đựng phi thường của người tù, vượt lên trên tất cả những gì bình thường nhất về sức người trong cuộc đời. Ngoài yếu tố gia đình, tình đồng đội, sức chịu đựng phi thường của người tù – niềm tin vào đấng thiêng liêng là sức mạnh đã giúp họ sống sót. Lại thêm tấm lòng nhân bản của người tù đã xoay chuyển được cơn sóng dữ trong thảm trạng, trở thành một sự thường tình để chấp nhận và chịu đựng trong hoàn cảnh thiếu sống thừa chết.

Trải qua sóng gió của kiếp tù đày khổ sai trong ngục tù CS, nhà văn Phạm Gia Đại đã hít thở được không khí tự do, đã được nhìn thấy ánh bình minh cuối đời mình ở miền đất hứa…Đi lần về quá khứ để tìm những “Người Muôn Năm Cũ,” mà quãng đời còn lại của tác giả sẽ chẳng bao giờ quên. Hình ảnh gia đình thân thương từ những ngày còn ở Hải Phòng bên cha mẹ cùng những anh em, rồi di tản vào miền Nam qua hiệp định Geneve 1954, chia đôi đất nước. Sau khi di cư vào Nam, người cha qua đời vì bạo bệnh, Mẹ phải gánh vác hết mọi việc. Sau đó là biến cố miền Nam sụp đổ tháng 4, 1975. Tác giả đi tù khổ sai suốt 17 năm dài và hai người anh cũng đi tù nhưng được thả sớm hơn. Trong giai đoạn khó khăn sống chết này, chính người Mẹ đã chắt chiu từng đồng để gửi quà nuôi ba anh em trong tù. Ôi…tình thương của Mẹ dành cho con quá đổi bao la như biển cả, khiến ông luôn tưởng nhớ đến Mẹ, dù bà đã về cõi vĩnh hằng. Ngoài ra, còn gia đình những người em từ bên Mỹ cũng gửi quà về nuôi hai anh được kéo dài cuộc sống mõi mòn trong cảnh tù đày cho đến khi ra tù. Thuốc men, thực phẩm do gia đình gửi vào tù, nhờ vậy mà các bạn tù cũng được chia sẻ trong tình người (theo lời Mẹ ông căn dặn) – “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vậy!

Trở về những ngày tháng tuổi học trò dù đã xa xưa lắm, nhưng tác giả vẫn nhớ đến những người bạn cũ với những kỷ niệm tuy đơn sơ, nhưng chan chứa tình cảm dạt dào của thời niên thiếu. Cậu bé tên Nam, người bạn đầu tiên của những lớp tiểu học ở bến Chương Dương, khi mới di cư vào Nam. Hai bạn Nguyễn văn Duyệt và Đặng Trần Đắc là hai người bạn thân ở bậc trung học. Khi định cư ở Hoa Kỳ, tác giả có dịp hội ngộ với bạn Đắc tại California; và chính Đắc là người đầu tiên khuyến khích Phạm Gia Đại viết quyển hồi ký thứ nhất “Những Người Tù Cuối Cùng” Trong “Người Muôn Năm Cũ”, có Lâm Minh Hạnh là bạn đồng nghiệp của tác giả làm việc tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè vào những năm 1966-1970. Đã nhiều năm xa cách, và cũng có duyên hội ngộ tại California cách đây vài năm.

Trong trận đại hồng thủy 1975, đã cuốn trôi một số lớn người vào những ngục tù tăm tối của CS, và họ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ vĩnh viễn chôn vùi trong đó. Nhưng may mắn thay! Tác giả đã gặp được những vị thầy, những ân nhân, những người bạn tù… đã giúp ông thêm kiến thức sâu sắc về chính trị và củng cố lập trường quốc gia vững chắc hơn. Những ân nhân này là thầy Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Chánh và Thượng tọa Thích Thanh Long, là những bậc thầy đáng kính. Bên cạnh đó, còn có anh Thạnh, Lạng và Kiên trong tổ điện…là những người đã từng chia sẻ khổ đau với tác giả trong những ngày dài tù rạc.

Ngày ra tù là ngày chan chứa bao nỗi vui mừng, biết rằng mình vẫn sống còn để chờ ngày đi định cư Hoa Kỳ đoàn tụ với những người thân yêu. Trong thời gian này, tác giả đã kết thân với Jum Bum Seo, là C.E.O Đại Hàn trong công ty sản xuất giày thể thao Hừng Sáng, nơi tác giả làm việc. Một tình bạn mà tác giả không hề quên vì lòng tốt của bạn, là người an ủi ông trong những ngày tháng cô đơn, buồn bã khi ra tù ở Saigon.

Những “Người Muôn Năm Cũ” trong ký ức của tác giả còn có những người bạn tù đã cùng sống chết, chia sẻ với nhau trong những ngày đen tối, khổ ải của mười mấy năm chốn địa ngục. Họ là “những người tù cuối cùng” được thả sau 17 năm bị giam cầm gồm  những thành phần như: tình báo, cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, quân báo , trinh sát v. v…Là những người bạn vong niên mà tác giả nhớ nhiều nhất như: Hoàng Lãm, Trần quang Lựu, Nguyễn văn Quí, Lê Hữu Minh v.v…anh hồi chánh Miên. Ngay cả con chó trung thành Pepsi, chủ nhân của nó là Hoàng Hiểu luôn đi lẽo đẽo với những người tù ra bãi lao động, hay chạy lăn xăn theo đội đứng chờ điểm danh nhập trai, cũng là một thành viên của “người muôn năm cũ” luôn hiện diện trong ký ức của tác giả.

Sau cùng, chúng ta hãy luôn tưởng nhớ và tri ân hàng triệu quân dân cán chính VNCH, đã nằm xuống cho Tự Do, cho nền Dân chủ miền Nam, Việt Nam. Trong “Những Người Tù Cuối Cùng” đó, có những người đã là những ánh sao rơi rụng dưới bầu trời tự do, vì tuổi đã già, sức đã yếu sau những năm dài tù đày. Xin hãy an nghĩ chốn vĩnh hằng, nơi không còn đau thương đọa đày, không có chiến tranh tàn khốc, nơi có ánh sáng hiền hòa chào đón các anh! Nguyện thắp nén hương lòng để tưởng nhớ và tri ân các vị anh hùng đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam!

Sau khi diễn giả chấm dứt bài nói chuyện, cả hội trường vỗ tay tán thưởng phần trình bày lưu loát, tường tận và xúc tích về “Người Muôn Năm Cũ” của chính tác giả Phạm Gia Đại, đã gây niềm xúc động sâu sắc trong lòng người. Vì ông là một trong những người tù cuối cùng, đã chôn vùi một phần đời mình trong cảnh tù đày cùng cực, là nhân chứng của nhà tù CS. còn sống sót.

Ca khúc Trường Làng Tôi

Ca sĩ Thụy Lan và Minh Thư

Kết thúc phần văn nghệ cũng như chương trình ra mắt sách NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ bằng ca khúc Trường làng Tôi, với giai điệu vui tươi trong sáng qua tiếng hát Thụy Lan và Minh Thư, trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian. Ca khúc này gợi trong ta nỗi nhớ khôn nguôi thuở còn cắp sách đến trường… thật đẹp, thật bình yên trong 9 năm ngắn ngủi của nền đệ nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam.

Thời gian đã qua đi có bao giờ trở lại để dân Việt được hít thở không khí trong lành của TỰ DO và NHÂN BẢN! Xin ơn trên ban phúc lành cho tất cả những cựu tù nhân và toàn thể dân Việt khắp nơi trên thế giới cũng như trong nước, luôn được an vui trong cuộc sống! Hầu chờ đón một ngày mai tươi sáng rạng ngời trên quê hương Việt Nam.

KIỀU MY