Tin tức

CHINH PHỤ NGÂM & VƯỜN HOA THƠ

Lời Tựa Của Tác Gỉả (Vương Thanh)
(Preface for Vietnamese & Bilingual Readers)
Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác của danh sĩ Đặng Trần Côn, diễn nôm song thất lục bát của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thơ tình kiệt tác của Việt Nam và thế giới. Tập thơ diễn tả nỗi thương nhớ chồng, người chinh phu nơi quan ải, và những đau khổ người khuê phụ thời chiến loạn phải chịu đựng trong sự sự bạo tàn của chiến tranh. Tiếp tục sự đóng góp cá nhân cho công trình bảo tồn và phổ biến văn hóa Việt mà tôi bắt đầu từ tập thơ nhạc song ngữ “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”, gồm khoảng 150 bài thơ và nhạc của nhiều tác giả, tiền chiến và hiện đại, xuất bản năm 2019, cho đến tác phẩm song ngữ “The Tale of Kiều” được phổ biến năm 2023 qua ebook, sách in, trang mạng và youtube videos, rồi năm giáp thìn này, tôi vừa hoàn tất tập thơ song ngữ “Chinh Phụ Ngâm / Lament Song of a Soldier’s Wife”.
Để tiện lợi cho việc phổ biến văn hóa Lạc Hồng tới tay những người yêu thơ ở khắp nơi trên thế giới, tôi làm ebook thay vì sách in, tuy cũng có bản giấy đen trắng được phổ biến trên Amazon cho hai tập thơ nhạc song ngữ “The Tale of Kieu” và “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”. Với sách ebook, tranh ảnh, lời thơ có màu sắc, đẹp, dễ đọc và có thể mang theo trong phone hay để trên mạng và xem bất cứ nơi nào, lúc nào. Ebook (sách điện tử) có links để bấm vào xem những tài liệu liên quan ở trên mạng Internet, hay là nghe nhạc, xem youtube videos. Bản giấy in không thể làm được những điều này.
Chinh Phụ Ngâm dùng nhiều từ cổ và điển tích, nên bản tiếng Việt cũng không dễ đọc. Dưới mỗi trang thơ gồm những đoạn thơ Việt, Anh đối chiếu, tôi để chú thích tiếng Việt và có khi chú thích tiếng Anh. Chú thích tiếng Anh ít khi cần thiết vì bản dịch tiếng Anh cũng giải thích vừa đủ để thưởng thức và không có những từ cổ như bản tiếng Việt. Tôi nghĩ một thiếu niên lớp 10, lớp 11 ở Hoa Kỳ có thể đọc hiểu bản dịch tiếng Anh thoải mái.

Thể thơ tự do được dùng trong việc chuyển ngữ. Với sự khác biệt rất lớn giữa hai ngôn ngữ Anh, Việt, thì chỉ có thể thơ tự do mới có thể diễn tả tương đối trọn vẹn ý nghĩa của một áng thơ nguyên tác dài. Không bị gò bó bởi khuôn khổ, bởi vần điệu, âm tiết, số câu, số chữ, nên có thể dùng những cụm từ thích hợp nhất với ý nghĩa của nguyên tác. Tuy thể tự do, nhưng cũng khá nhiều vần điệu vì tôi là nhà thơ song ngữ và là người Việt Nam, nên cố gắng làm cho những lời thơ dịch nghe nhẹ nhàng, tự nhiên, ngát hương vị thơ, để khỏi phụ lòng những áng văn chương kiệt tác của quê hương.
Dịch thơ Việt qua tiếng Anh khác khá nhiều với dịch thơ tiếng Hán qua tiếng Việt. Tiếng Việt có rất nhiều vần và có nhiều từ Hán Việt thông dụng, nên dịch qua thơ Việt khá dễ dàng.
Trong hơn 50 bài Hán thi mà tôi dịch qua thơ Việt, với những tác giả Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Lương Ý Nương, Tô Đông Pha, v.v., tôi đã dùng nhiều thể loại thơ bao gồm bát cú, lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn, lục ngôn, tự do (và tự do phối hợp nhiều thể loại thơ). Quan điểm chính yếu trong dịch thuật của tôi là phải dịch tương đối sát ý nghĩa với nguyên tác, và cho bản dịch có “Hồn”, lời nghe tự nhiên, còn dùng thể thơ nào chỉ là tùy duyên.
Tôi dịch những tác phẩm truyện Kiều, Khu Vườn Thơ Nhạc Việt, Chinh Phụ Ngâm, v.v. qua Anh ngữ cũng là DUYÊN.. Duyên là vì tôi lớn lên và ở Hoa Kỳ gần nửa thế kỷ và làm thơ từ thuở thiếu niên. Một hôm, tôi đọc lướt qua một số câu dịch truyện Kiều qua tiếng Anh của vài dịch giả, đăng ở trên mạng. Tôi thấy có những bản dịch phóng tác quá nhiều, thêm thắt ý tưởng, lời riêng của dịch giả để gò ép cho có vần, hay có bản vì gò ép số âm tiết (syllables) cho mỗi câu, nên nghe rất không tự nhiên, có khi rườm lời, có khi thiếu sót và làm mất đi khá nhiều cái Hay, cái Đẹp của câu thơ trong nguyên tác. Vì cái Duyên ở nước ngoài gần nửa thế kỷ, vì cái Duyên là một nhà thơ song ngữ, vì cái Duyên yêu thích thơ cổ phong (mời đọc áng thơ Vọng Tiền Nhân của VT), vì cái Duyên tôn trọng sự chính xác của một người làm việc trong ngành kỹ thuật, tôi muốn đóng góp, sau khi tham khảo vài bản dịch khác, một bản dịch truyện Kiều thật xứng đáng với văn chương tuyệt diệu của thi hào Nguyễn Du. Tôi đưa phổ biến đầu năm 2023, rồi mùa đông vừa qua,
tôi chợt có cảm hứng muốn dịch áng thơ gửi gấm nỗi lòng người chinh phụ thời ly loạn: kiệt tác phẩm Chinh Phụ Ngâm. Quyển sách ebook gồm hai tập thơ: “Chinh Phụ Ngâm” và “Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng”.
Lúc đầu, tôi tính chỉ cho vào một ít thơ văn nhạc của mình ở cuối sách để bạn đọc biết thêm một chút về dịch giả Chinh Phụ Ngâm. Nhưng trước khi xuất bản lại chợt muốn chia sẻ một ít di sản của nền thi ca, âm nhạc Việt, nên quyết định làm một vườn hoa thơ nhạc cho vào cuối tập để tiện việc phổ biến văn hóa quê hương. Từ đó, tập thơ “Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng” ra đời với thơ và nhạc của 165+ tác giả, 60+ nghệ sĩ, đường dẫn vào (links) 120+ youtube videos và mp3s, và 180+ đóa hoa thơ, hoa nhạc.
Chúc bạn đọc những khoảnh khắc an vui, thoải mái khi xem tập thơ Chinh Phụ Ngâm và dạo bước Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng. Xin tùy tiện chỉa sẻ tập thơ nhạc này với gia đình và quý bằng hữu.

Vương Thanh
March 25, 2024

Thơ VƯƠNG THANH.jpeg

***********Lời Giới Thiệu (Nhất Hùng)CŨNG LÀ MỘT “CÔNG ĐỨC”
Nhất Hùng Mar 01, 2024

Là người yêu văn học, vì thế chẳng thể nào lại không nghiền ngẫm những tác phẩm “Văn Học Trung Đại” lớn của Việt Nam như TRUYỆN KIỀU, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, CHINH PHỤ NGÂM. Trong dòng Văn Học Trung Đại ấy tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM của Đặng Trần Côn bởi vì đây là một tác phẩm Văn Học có giá trị, có nội dung và có tính nghệ thuật sâu sắc, một viên ngọc quý trong kho tàng Văn Học Việt Nam. Chinh Phụ Ngâm còn là một trong những tác phẩm đầu tiên của thể loại ngâm khúc, nó có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm ngâm khúc sau này như Cung Oán Ngâm Khúc, Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm…Và quan trọng nhất tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho đến ngày nay.
Điểm qua nội dung, tác phẩm Chinh Phụ Ngâm thể hiện giá trị nhân đạo, đồng cảm sâu sắc với những nổi đau khổ, bất hạnh của người “chinh phụ” phải chịu cảnh xa cách, biệt ly chồng trong hoàn cảnh ly loạn, điều này đúng cho bất cứ “chinh phụ” nào ở khắp nơi trên quả địa cầu. Tác phẩm đã gởi lời ẩn dụ lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn khốc, gieo rắc bao bi thương mất mát cho con người, nhất là phụ nữ trong thời chiến, ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời đại nào.
Điểm qua giá trị nghệ thuật, Đặng Trần Côn sử dụng thành công thể thơ Song Thất Lục Bát, thể hiện được những cung bậc cảm xúc phức tạp của nhân vật mà lại trữ tình sinh động và hiệu quả.
Tác giả lại sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh, nhiều điển tích điển cố để thể hiện nội dung tác phẩm một cách sâu sắc, gợi cảm. Bút pháp tả cảnh ngụ tình thể hiện tâm trạng nhân vật thật tinh tế thật hiệu quả.
Một tác phẩm đạt được nhiều ưu điểm của Văn Học Việt Nam như thế mà lại không chuyển ngữ không giới thiệu cho những người yêu thích văn học của thế giới thì thật đáng tiếc. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi có hàng triệu con em Việt đang trưởng thành, nếu bảo các em các cháu nói-viết tiếng Anh còn sõi hơn tiếng Việt chắc không sai. Thế sao không giúp cho thế hệ này biết các kiệt tác văn chương Việt Nam. Muốn thế thì phải chuyển ngữ mà chuyển ngữ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Anh, quả thật không đơn giản. Nó đòi hỏi dịch giả phải là người am tường, hiểu được cái tinh túy, cái thâm thúy của Văn Chương Việt
Lại còn phải hiểu điển tích, điển cố xuyên suốt trong tác phẩm. Một câu thơ, một vài chữ điển tích điển cố được tác giả sử dụng nhưng lại diễn tả một câu chuyện, kể ra có khi dài hơn một trang giấy.
Những tưởng sẽ không có ai có kỳ công làm cái chuyện tựa “dời non, lấp biển” này.
Vậy mà hôm nay, bạn trẻ Vương Thanh báo cho biết, đã hoàn tất bản dịch CHINH PHỤ NGÂM qua Anh Ngữ và chuẩn bị in thành tác phẩm song ngữ. Trước hết, cảm ơn bạn đã đóng góp công sức truyền bá, phổ biến Văn Chương Việt cho ít nhất là thế hệ trẻ Việt ở hải ngoại, chỉ có người có tấm lòng yêu Văn Chương Việt, yêu tiếng Việt mới kỳ công đến thế, đúng là Công Đức Vô Lượng.
Giá trị của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đã được khẳng định. Phần đánh giá bản chuyển ngữ qua tiếng Anh của bạn Vương Thanh xin dành cho độc giả thẩm định. Nhưng tha thiết mời bạn đọc và quảng bá rộng cho thế hệ trẻ Việt ở hải ngoại, làm thế là quý vị đã đóng góp một phần công đức trong nỗ lực ngợi ca và duy trì văn hóa Việt nơi xứ người.
Được biết bạn Vương Thanh là con trai út của Nữ Sĩ Tuệ Nga, người đã thành danh trong giới Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Quả là “Hổ Phụ Sinh Hổ Tử”.
Chúc Mừng Nữ Sĩ Tuệ Nga, Chúc Mừng Bạn Vương Thanh

Nhất Hùng