Auld Lang Syne & Nhạc Chế
Nói về nhạc chế với tuổi trẻ thời đi học vào thập niên 1950’ ở miền Nam VN, thịnh hành nhất với bài ca dân ca với giai điệu đơn giản được nhà soạn nhạc Herbert Stothart đưa ca khúc Auld Lang Syne vào phim Waterloo Bridge (La Valse dans l’ombre) từ thập niên 1940’. Ca khúc nầy với nhiều lời nhạc chế, trong đó phổ biến nhất với “Tò te, ma le đánh đu, Tarzan nhảy dù, cao bồi bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụp đuôi…”.
Phim Waterloo Bridge (trắng đen) ra đời vào thập niên 1940’ (thế kỷ XX) ở Hollywood với hai diễn viên chính là Vivien Leigh và Robert Taylor. Phim được đạo diễn Mervyn LeRoy được chuyển thể từ một vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway,
Vivien Leigh (Vivian Mary Hartley) sinh ra Tây Bengal, Ấn Độ (1913-1967), minh tinh điện ảnh nổi tiếng người Anh. Bà đã giành được 2 giải Oscar trong vai Scarlett O’Hara trong phim Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió năm 1939).
Robert Taylor (1911-1969) là một trong những tài tử gạo cội của điện ảnh Mỹ. Ông được gọi ví von là Robert Tay Bưng… cho các anh bồi nhà hàng của Pháp ở Việt Nam.
Từ ngày người Pháp đem phim vào chiếu ở Việt Nam (những năm đầu là phim câm). Lúc đó Pháp nhập phim Mỹ vào Pháp, trong hợp đồng khai thác có thêm khoản sẽ đem những phim Mỹ ấy sang chiếu các nước khác, phim Mỹ vào Pháp được người Pháp chuyển âm sang nói tiếng Pháp hay phụ đề chữ Pháp… Vì vậy phim Waterloo Bridge qua tựa đề La Valse dans l’ombre (Điệu Vũ Trong Bóng Mờ) tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ, quen thuộc với khán giả trong nước.
Cốt truyện xảy ra trong hoàn cảnh chiến tranh Đệ Nhất Thế Chiến. Roy (chú của Roy là một công tước nước Anh) và Myra tình cờ gặp nhau trên cầu Waterloo (London) khi có còi báo động chiến tranh. Họ cùng nhau trú trong ga tàu điện ngầm, tại đây Myra (Vivien Leigh) mời Roy (Robert Taylor) đến xem vở balette Hồ Thiên Nga, cô tham gia diễn xuất tuy nhiên Roy đã rất tiếc không đến được vì có việc riêng. Nhưng Myra đã bất ngờ khi nhìn thấy Roy đến trong buổi trình chiếu. Tình yêu của họ nhanh chóng nảy nở sau buổi tối lãng mạn tại câu lạc bộ Candlelight. Ngày hôm sau, Roy và Myra quyết định làm đám cưới trước ngày anh lên đường ra chiến trận.
Vì không tham gia vào một buổi diễn, Myra bị đuổi khỏi đoàn, cô bạn Kitty bất bình cho Myra và quyết định ra đi cùng cô. Mẹ của Roy hẹn gặp Myra nhưng trong lúc chờ đợi mẹ anh đến, Myra bất ngờ đọc trên báo tin Roy đã hy sinh trên mặt trận, đầu óc cô choáng váng. Do quá đau khổ Myra đã có thái độ khiếm nhã với mẹ của Roy.
Đau khổ và thất nghiệp, Myra lao vào cuộc đời vũ nữ. Trong lúc chờ khách tại sân ga, cô lặng người khi nhìn thấy Roy trở về. Roy hân hoan khi gặp người yêu cũ còn Myra cảm thấy choáng váng và tủi thân nhưng cô vẫn quyết định vẫn tiếp tục tình yêu với Roy. Trở về lâu đài của Roy ở Scotland, Myra đã không hoà nhập vào cuộc sống ở đây vì mặc cảm không còn xứng đáng với người yêu, cô bỏ đi. Roy và cô bạn Kitty tìm Myra khắp các quán bar nhưng không thấy, Myra đã lao vào các đoàn xe đi ngược chiều để tự vẫn trên cây cầu Waterloo.
Cuộc tình quá bi thảm trong hoàn cảnh trớ trêu trong ca khúc tiếng Pháp là Ce n’est qu’un au Revoir (Chant des Adieux), thi hào Scotland, Robert Burns, viết vào năm 1788. Ca khúc vang vọng trong các lần chia tay và lần vĩnh biệt khi Roy đứng trên cây cầu Waterloo (nơi lần đầu tiên họ gặp nhau) tưởng nhớ hình ảnh người tình nơi lần đầu tiên họ gặp nhau. Cuốn phim nầy ban đầu không cho chiếu ở Anh vì Roy là sĩ quan và cháu của công tước lại say mê “gái làng chơi”!
Bài hát nầy rất thông dụng, được phổ biến hầu như khắp hoàn cầu nhưng lại được hát vào những dịp khác nhau. Nguyên thủy của bài hát là dùng để “mừng đón” niềm vui mới đến (Quảng Trường Time Square ở New York, khi quả cầu tụt xuống theo 12 tiếng chuông đồng hồ để rồi ngân vang ca khúc nầy), nhưng về sau nó lại được sử dụng để ngậm ngùi “tiễn đưa” trong luyến tiếc trong những cuộc chia tay.
Ca khúc nầy nguyên thủy theo ca dao của xứ Scotland (Tô Cách Lan), hai người bạn thân rất lâu không gặp nhau rồi rủ nhau nhậu bia, nhậu rượu, nhưng với điều kiện tiền ai nấy trả. Hai ông cùng lè nhè nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ thuở năm xưa năm xửa như: Nào là cùng nhau leo đồi, nào là cùng nhau lội suối… Cứ nhắc xong một kỷ niệm thì họ lại cùng nâng ly nốc cạn. Uống cho đến say thì thôi. Trong cuộc đời lính tráng thuở trước, gặp nhau nhậu nhẹt “ Tò te, ta nâng cốc lên, nhậu cho đã đời, rồi mai xa cách. Uống đi, ai say thì say, rồi ra chiến trường, người còn người không!”…
Lời ca khúc Auld Lang Syne (Rod Stewart) tiếng Anh: In the Days gone by
“Should auld acquaintance be forgot and never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot and the days of auld lang syne?
For auld lang syne, my dear, fFor auld lang syne
We’ll drink a cup of kindness yet, for the sake of auld lang syne…”
Lời tiếng Pháp (Jacques Sevin): Joyeux Au Revoir
“Faut-il nous quitter sans espoir sans espoir de retour?
Faut-il nous quitter sans espoir de nous revoir un jour?
Ce n’est qu’un au revoir, mes frères, ce n’est qu’un au revoir.
Oui, nous nous reverrons, mes frềres, ce n’est qu’un au revoir!…”.
Năm 1940, nhà thơ Thế Lễ lần đầu tiên đã dịch sang tiếng Việt: Bài Ca Tạm Biệt
“Ngày nay sắp cùng bùi ngùi xa cách
Cớ sao ta không còn trông
Rồi đây có ngày mình còn gặp nhau
Cách nhau nhưng ta hằng vui
Vì nay biết sau còn ngày sung sướng
Cách xa nhưng ta hằng mong
Rồi đây có ngày lại còn gặp nhau…”
Phim tình cảm trong chiến tranh như tựa đề tiếng Anh Waterloo Bridge tưởng như phim thời sự, tựa đề tiếng Pháp La Valse dans l’ombre có vẻ lãng mạn và hấp dẫn hơn. Chẳng hạn phim Cầu Sông Kwai (tiếng Anh: The Bridge on the River Kwai, (tiếng Pháp: Le Pont de la Rivière Kwai) về đề tài chiến tranh vào Đệ Nhị Thế Chiến, quay ở Thái Lan. Nhạc phẩm nầy không có nhạc chế, đặc biệt huýt gió rất hay.
Thuở đó cụ bà Vivien Leigh được mệnh danh là người đẹp của thế kỷ, sáng chói danh vọng, thần tượng của nữ giới nhưng “hồng nhan đa truân” không những về bệnh tình mà những bi kịch trong cuộc đời tình yêu và hôn nhân. Ngoài những người đàn ông qua đời cụ, 3 mối tình từ lúc 19 tuổi với người chồng lớn hơn 13 tuổi cho đến khi 47 tuổi lấy người chồng kém hơn 4 tuổi… Vì nhan sắc và tài hoa trên nghệ thuật thứ bảy, ông chồng nào cũng ghen nên cuộc sống không được thoải mái… Cây càng cao thì hưng chịu nhiều gió. Cuộc đời là vậy.
Tình cờ được tin người bạn từ thuở xa xưa nơi cố hương vừa qua đời. Hồi đó tôi cũng sở trường với nhạc chế nhưng người bạn nầy được tôn làm “sư phụ” vì dám xâm mình nhạc chế bài “suy tôn” của nhạc sĩ Ngọc Bích, dễ bị tù như chơi! Ca khúc Auld Lang Syne qua nhạc chế của bạn tùy hứng theo đối tượng (cả thầy, cô) chọc cười trong lớp.
Bạn cũ ra đi, không biết nói gì, gởi bạn lời vĩnh biệt!
Nghe ca khúc ca khúc Auld Lang Syne, nhớ lời nhạc chế thuở nào với bạn cố hương.
Vương Trùng Dương, Little Saigon, April 2024