DU LICH,  Dương Viết Điền

Du Lịch Hạ Uy Di.

…Sau khi tham quan tất cả các làng trong Trung Tâm Văn Hoá Polynesian, chúng tôi liền đến bờ hồ, nơi được chọn để tất cả các bộ tộc biểu diễn các vũ khúc của mình trên một chiếc phà hay chiếc đò, để xem các vũ khúc do các diễn viên của các làng hồi nãy trình diễn chung trong cùng một chương trình. Trên đoạn đường từ làng của bộ tộc TONGA đến bờ hồ, trời lúc đó đã về chiều, xa xa khói lam chiều từ mái nhà tranh sau lùm cây bay lên cao làm tôi bỗng nhớ nhà da diết. Bất giác, tôi hát bài Chiều, thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh do nhạc sĩ Dương thiệu Tước phổ nhạc:

“Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa trong ngày. Tiếng buồn vang trong mây. Tiếng buồn vang trong mây. Chim rừng thôi cất cánh. Xót xa tình ngây ngây. Có ai sầu vạn cổ.Chất trong hồn chiều nay.Chất trong hồn chiều nay. Tôi là người lữ khách. Trời chiều có làm khuây. Ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây.  Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói buồn vang trong mây.”

Vừa hát xong bài Chiều thì chúng tôi cũng vừa đến bờ hồ.

Nơi đây, tất cả các du khách đều ngồi ở những ghế đá có sẵn quanh bờ hồ nhìn ra giữa hồ để xem trình diễn. Một sân khấu lộ thiên ở cuối bờ hồ đã được dựng lên từ trước để các ca sĩ, các vũ công TRUNG TÂM đứng giới thiệu chương trình và các tiết mục trình diễn của từng bộ tộc.

Các diễn viên của các bộ tộc gồm cả nam lẫn nữ mang áo quần đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,vừa hát vừa múa may quay cuồng trên một chiếc thuyền, hay phà theo những điệu vũ mang sắc thái văn hoá của bộ tộc mình, trông thật đẹp mắt, thật quyến rũ, thật thơ mộng. Đặc biệt các nam diễn viên hầu hết là những chàng trai vai u thịt bắp, nước da người nào người nấy rám nắng chứng tỏ ngày nào họ cũng phải trình diễn cho du khách thưởng ngoạn dưới ánh nắng mặt trời. Các nữ diễn viên múa thật điêu luyện, thật nhịp nhàng, uyển chuyển, chẳng khác gì vũ khúc của những tiên nữ ở trên Đào Hồng mà Lưu Nguyễn ngày xưa đã lạc bước vào thăm! Có bộ tộc thì vừa múa vừa hát những bản nhạc nghe thật nhẹ nhàng, êm dịu. Trái lại có những bộ tộc vừa hát vừa múa may quay cuồng vừa la hét thật ghê rợn như muốn ăn tươi nuốt sống người nào!

Có một chiếc thuyền vì các diễn viên trình diễn vừa múa vừa nhảy quá mạnh khiến anh chàng chèo thuyền đứng thất thế nên rớt xuống nước ướt cả áo quần. Anh ta liền phải leo lên thuyền lại gấp rồi chèo cho chiếc thuyền đi nhanh để thuyền bộ tộc khác ra trình diễn.

Sau đây là các hình ảnh của những thanh niên và thiếu nữ của các bộ tộc trình diễn trên hồ cho du khách xem:

Màn trình diễn của bộ tộc này vừa chấm dứt thì một chiếc thuyền xuất hiện từ bờ hồ đằng xa từ từ tiến ra giữa hồ. Trên thuyền, một người đàn ông mang hia đội mũ, trang phục màu  vàng đỏ như những vị vua chúa ngày xưa, ngồi chểm chệ trên một chiếc ghế bành được đặt giữa thuyền. Bên cạnh là một người đàn bà bận áo quần muôn màu sặc sỡ: đó là Hoàng đế và Hoàng hậu của xứ HẠ UY DI một thời vang bóng. Hai bên có hai người lính cầm giáo đứng hầu.

Chiếc thuyền này được người chèo thuyền chèo chầm chậm để du khách có thể quan sát, chiêm ngưỡng vua và hoàng hậu của xứ Hạ uy di, một xứ sở được mệnh danh là thiên đường hạ giới, một hải đảo mà văn sĩ Mark Twain gọi đây là miền đất thanh bình và hạnh phúc nằm giữa Thái bình dương với khí hậu quanh năm suốt tháng luôn luôn hiền hoà, dịu mát.

Khi chiếc thuyền chở vị Vua và Hoàng hậu vừa biến mất cuối bờ hồ là xem như chấm dứt cuộc trình diễn ngày hôm nay của các bộ tộc, chúng tôi liền theo du khách vào Restaurant để chuẩn bị ăn cơm tối. Mặc dầu lúc bấy giờ đã 07 giờ chiều, nhưng vì mùa hè nên trời vẫn còn sáng. Sau khi làm thủ tục nộp vé vào cổng, cũng giống như buổi trưa lúc mới vào cổng để bắt đầu đi tham quan các làng, một thanh niên thân hình vạm vỡ và một thiếu nữ của một bộ tộc thay phiên nhau choàng cho chúng tôi mỗi người một vòng hoa tươi như mới hái từ trên cây xuống. Chúng tôi rất thích thú khi mang những vòng hoa này vì đây có lẽ là biểu tượng rõ nét nhất của cuộc du lịch trên xứ Hạ uy di nầy. Nhớ lại sáng nay khi được choàng những vòng hoa kết bằng những vỏ ốc nho nhỏ, chúng tôi cũng không được vui lắm và cũng hơi ngạc nhiên tại sao người ta lại không choàng cho mình vòng hoa mà lại choàng bằng vòng “võ ốc”. Sau khi suy nghĩ vài dây tôi nghiệm ra rằng trưa nay, có lẽ người ta chưa choàng cho mình những vòng hoa tươi, mà chỉ choàng bằng những vòng “võ ốc” vì trong thời gian đi từ làng này qua làng khác giữa trời nắng chang chang, những vòng hoa này sẽ bị héo đi chăng?

Sau khi choàng những vòng hoa xong, họ cũng mời chúng tôi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm. Khi đứng chụp hình với chúng tôi, chàng thanh niên và nàng thiếu nữ nầy cũng để các ngón tay thành biểu tượng của hangloose (relax) như chàng thanh niên và nàng thiếu nữ sáng nay vậy.

Sau khi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm, chúng tôi được nhận một tấm phiếu có đề số để vài giờ sau, nếu muốn lấy hình thì cầm phiếu ấy kèm thêm 15$ đến lấy hình về! Sau đó chúng tôi được mời vào phòng ăn để dùng cơm tối. Phòng ăn khá rộng rãi, có thể chứa khoảng 200 thực khách.

Đối diện với phòng ăn là một sân khấu lộ thiên tương đối rộng được thiết lập đâu từ trước, nơi đây các diễn viên của các bộ tộc sẽ trình diễn văn nghệ giúp vui lúc du khách đang ngồi ăn cơm tối. Lần lượt từng bàn nọ đến bàn kia, chúng tôi tự động sắp hàng đi lấy dồ ăn kiểu self-service rồi đem về lại chỗ ngồi vừa ăn vừa xem văn nghệ. Tuy nhiên trước khi bắt đầu dùng cơm tối, một xướng ngôn viên đứng trên sân khấu thông báo cho toàn thể thực khách rằng, ai muốn đến xem lấy con heo quay dưới đất lên thì hãy tiến về phía trái của sân khấu. Con heo này được quay theo một tiến trình đặc biệt khác với heo quay như người ta vẫn làm ở nững nơi khác. Khi đến xem, tôi thấy người ta bắt đầu lấy lớp bao bố ở phía trên ra. Khi bao bố vừa

được lấy ra, hơi nóng vẫn còn đang bốc lên. Sau lớp bao bố là một lớp lá chuối phủ lên trên. Hơi nóng cũng đang bốc lên từ lớp lá chuối này. Khi lấy hết lớp lá chuối, một chiếc rọ bằng sắt hiện ra trước mặt mọi người và dưới rọ là con heo đã được quay xong đang còn bốc hơi. Nước mỡ từ thân con heo quay chảy xuống đất toả mùi thơm phức khi người ta khiêng con heo lên để đem vào trong thái thịt cho thực khách dùng. Khi con heo vừa được nhấc lên, người ta thấy một lớp đá cuội nằm dưới cùng vẫn còn nóng và đang bốc hơi. Như vậy là lò lửa được thiết lập dưới đất bằng than, rồi được đun nóng thường xuyên trong một thời gian nào đó đủ để con heo vừa được quay chín vàng là có thể lấy ra ăn được. Sau khi xem lấy con heo quay ở lò quay ra, chúng tôi liền đi lấy thức ăn rồi vừa ngồi ăn vừa xem văn nghệ do các diễn viên của trung tâm văn hoá Polynesian trình diễn. Cũng giống như tại các làng chúng tôi ghé lại lúc buổi trưa và buổi chiều, tại đây chương trình văn nghệ gồm những vũ khúc và những bài ca cũng mang những  sắc thái của nền văn hoá từng bộ tộc. Các diễn viên nam nữ trình diễn rất nhuần nhuyễn. Nhìn những trang phục đủ màu sắc loè loẹt, nghe những lời ca khi thì nhẹ nhàng khi thì man rợ, khi thì chát chúa khi thì hãi hùng, du khách ngồi xem có thể đoán được nền văn hoá của từng bộ tộc như thế nào. Nếu đem so sánh những điệu vũ cũng như những giai điệu và tiết tấu trong các bản nhạc của nền văn hoá Polynesian này, tôi thấy nền văn hoá này không khác gì nền văn hoá của các dân tộc thiểu số ở nước ta bao nhiêu cả.

Sau khoảng một giờ ngồi vừa dùng cơm tối vừa xem văn nghệ, chúng tôi lại chuẩn bị vào hội trường gần đấy để xem một màn trình diễn vĩ đại đầy đủ tất cả tiết mục mang hầu hết sắc thái văn hoá của các bộ tộc SAMOA, AOTEAROA, FIJI, HAWAII, MARQUESAS ISLANDS, TAHITI, TONGA. Sau khi nộp vé vào cửa, chúng tôi liền đi tìm số ghế để ngồi xem. Đứng trước chiếc ghế đã tìm ra số, tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng trong hội trường mới thấy hội trường này thật là rộng, có thể chứa khoảng 10 nghìn người.

Vị trí ngồi của khán giả xuôi như mái nhà từ cao xuống thấp trông giống như chỗ ngồi ở ngoài sân vận động vậy. Mặc dầu lúc bấy giờ đã gần 08 giờ tối nhưng trời vẫn còn sáng nên  chúng tôi nhìn lên sân khấu vẫn còn thấy sân khấu rất rõ ràng. Nói là nhìn lên sân khấu, nhưng thực ra là nhìn xuống vì chúng tôi đang ngồi ở một vị trí trên cao của hội trường.

Nhìn thật kỹ trái, phải, trước, sau của sân khấu, tôi thấy đây là một ngọn núi nho nhỏ được biến chế, thiết lập, xây cất với những cây cối um tùm, rậm rạp bao bọc xung quanh. Một thác nước từ trên cao chảy xuống thường xuyên trông rất đẹp mắt nằm ngay phía sau sân khấu. Sân khấu là một mặt bằng diện tích rất rộng, bên trái, bên phải, phía sau sân khấu có những lối đi bằng đường hầm để các diễn viên đi từ sân khấu ra hậu trường và từ hậu trường ra sân khấu. Đặc biệt ở phía bên trái, bên phải của sân khấu nhìn lên cao, tôi thấy có hai mặt bằng tạo thành hai sân khấu nho nhỏ nằm ở lưng chừng núi, bao quanh với những cây cối um tùm để các diễn viên xuất hiện đột xuất khi trình diễn những vũ khúc man rợ giữa núi rừng. Tóm lại, mặt bằng sân khấu như là một thung lũng nho nhỏ được vây quanh bởi ngọn núi có cây cối rậm rạp và thác nước chảy liên tục đêm ngày.  

Sau khi tất cả du khách an tọa đầy đủ trên các dãy ghế trong hội trường thì trời cũng bắt đầu tối, đèn điện trên sân khấu được bật sáng. Một vị đại diện lên chào du khách và đọc chương trình văn nghệ giúp vui, hầu hết là những vũ khúc của tất cả các bộ tộc mà tôi đã đề cập ở trên. Sau đó các vũ khúc của các bộ tộc bắt đầu. Trang phục của các diễn viên đủ tất cả màu sắc loè loẹt, sặc sở trên trần gian này. Xanh có, đỏ có, tím có, vàng có, nâu có, vv…Nhiều vũ khúc chỉ có hai hoặc ba người, nhiều vũ khúc năm hoặc mười người, có vài vũ khúc lên đến ba bốn chục người, năm chục người, hay gần một trăm người.

Nhiều vũ khúc chỉ có nữ diễn viên của các bộ tộc trình diễn, lắm vũ khúc chỉ có nam diễn viên mà thôi, nhưng cũng có nhiều vũ khúc gồm cả nam lẫn nữ trình diễn chung với nhau.

Khi những vũ khúc chỉ gồm những nữ diễn viên trình diễn, dưới ánh điện mờ mờ ảo ảo thêm vào những ánh trăng ảo ảo mờ mờ từ trên trời rọi xuống, tôi thấy những đôi tay của các thiếu nữ múa qua múa lại thật mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thật nhịp nhàng đều đặn, miệng luôn luôn nở những nụ cười thật là xinh. Toàn cảnh trên sân khấu trông rất đẹp mắt, thật ngoạn mục giống như những tiên nữ giáng trần đang múa những khúc nghê thường dưới chốn dương gian giữa rừng khuya đêm vắng.

Bỗng đâu nơi hai sân khấu nho nhỏ ở trên cao giữa mấy lùm cây về phía trái và phía phải của sân khấu lớn xuất hiện hai cô sơn nữ mang gùi, mắt ngẩng lên nhìn ánh trăng đêm, nhìn lá vàng rơi, miệng cất tiếng ca giống như tiếng ca của đoàn vũ nữ đang vừa hát vừa múa dưới sân khấu chính, tạo thành một cảnh thật linh động như trên nguyệt điện của chị Hằng nga. Thấy hai cô sơn nữ mang gùi vừa múa vừa hát, vừa nhìn trăng rồi nhìn lá vàng rơi làm tôi chợt nhớ đến bài Sơn nữ ca.

Bất giác tôi cất tiếng hát:

“Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm. Môt đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng.

Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi!

Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương.

Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi!

Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.

Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần. Khi nhìn chim bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn, khi nhìn gió cuốn, lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ. Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.”

Tôi vừa hát bài sơn nữ ca xong thì vũ kúc cũng vừa chấm dứt, đèn điện trên sân khấu bỗng vụt sáng. Thác nước sau sân khấu vẫn đổ xuống ào ào đều đều trông thật thơ mộng.

Màn vũ tiếp theo tôi nghe giới thiệu không rõ thì bỗng đâu, mấy chàng thanh niên thuộc bộ tộc nào đó vừa nhảy ra sân khấu vừa cầm giáo, mác, đoản côn, trường côn, vừa nhảy vừa múa, vừa la, vừa hét, làm âm thanh dội cả một góc rừng thật đinh tai nhức óc. Mấy anh chàng nầy có rất nhiều hình xâm trên mặt, trên người, trên tay, sau lưng, đầu chít một vòng đầy những lông chim giống hình ảnh của dân da đỏ. Họ vừa đi, vừa chạy, vừa nhảy, vừa hét, vừa quay lui, quay tới, trông thật hãi hùng man rợ cứ tưởng như họ sắp ăn tươi nuốt sống người nào. Khoảng mười phút sau, mấy anh chàng này chia làm hai toán, mỗi toán đi vào mỗi đường hầm nằm hai bên sân khấu rồi mất dạng.

Nói chung, tất cả các vũ khúc mang sắc thái văn hoá của mấy bộ tộc thuộc quần đảo Polynesia đều được trình diễn trong đêm cho tất cả du kách xem. Vũ khúc độc đáo nhất và nguy hiểm nhất là vũ khúc múa đuốc. Gần năm, sáu chục người ở trên sân khấu cầm đuốc được thắp sáng rực cả một góc trời. Họ vừa cầm đuốc vừa nhảy vừa múa, chàng nào cũng ở trần, chỉ mang một cái váy che thân, nếu sơ ý một tí là đụng lửa vào da sẽ bị phỏng ngay. Vậy mà chẳng có chàng nào bị phỏng cả. Tuy nhiên tôi nhớ hồi còn đang theo học ở bậc trung học, một giáo sư vật lý có giải thích cho tôi nghe về một chất hoá học dưới dạng chất lỏng. Nếu bôi chất lỏng này vào da hay bất kỳ chỗ nào trên cơ thể thì khi đụng lửa, da ở nơi đó vẫn không bị phỏng. Vì vậy trong các gánh xiệc, khi một người biểu diễn đưa một que vải tẩm dầu với lửa đỏ rực vào miệng, khi lấy que lửa ra, miệng anh ta vẫn không bị gì cả nhờ đã bôi trong miệng một lớp chất nước hoá học kia rồi. Vậy thì tôi nghĩ rằng, chắc các chàng diễn viên nầy đã bôi một lớp nước hoá học kia khắp cả cơ thể rồi nên mới múa may quay cuồng mà chẳng lo ngại gì chăng?

Đó cũng là lý do tại sao khi tôi thấy một anh chàng diễn viên người hơi thấp, đầu chít một vòng dây gắn mấy sợi lông gà, tay cầm một ngọn đuốc sáng rực đứng múa may quay cuồng giữa cả một rừng đuốc trên sân khấu, quay ngọn đuốc vòng quanh cơ thể mình rất nhanh, rất mạnh, lắm lúc đụng chân, đụng tay mà chàng ta vẫn cười tươi như hoa nở!

….Đúng 6 giờ sáng, vừa nghe đồng hồ báo thức từ chiếc cell phone, chúng tôi liền vùng dậy ngay. Nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm ngoài xa , biết rằng sắp ra đi, biết rằng sắp giả từ, tôi và bà xã tôi tiến về phía cửa nhìn ra ngoài biển cả mênh mông bát ngát, nhìn xuống bãi biển sóng đang vỗ rì rào mà lòng buồn vời vợi vì “nghìn trùng xa cách, người sắp đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười!”. Bất giác tôi đọc mấy câu thơ của thi sĩ Lord Byron:

When we two parted

In silence and tears

Half broken hearted

To sever for years.

mà một thi sĩ nào đó đã dịch là:

“Giờ phút chia ly đã điểm rồi

Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi

Mang mang nửa cõi lòng tan tác

Ly biệt xui chi tủi trọn đời.”

Bỗng chuông điện thoại reo lên, tôi nhấc điện thoại lên nghe thì từ đầu dây, anh”TÀI xế” hỏi chúng tôi đã chuẩn bị hành trang xong xuôi chưa để xuống ăn điểm tâm mà lên đường. Sau đó chúng tôi liền xuống thang máy, ra nhà điểm tâm ăn qua loa vài món rồi lên lại phòng xách hành trang xuống văn phòng làm thủ tục trước khi rời khách sạn. Khoảng 5 phút đợi chờ, nhânviên khách sạn đã lái xe ra cho chúng tôi và chúng tôi bắt đầu lên xe nhắm hướng phi truờng HONOLULU trực chỉ. Vì sợ đến trễ sẽ vội vàng mệt nhọc nên chúng tôi quyết định đi thật sớm cho thoải mái .Theo chương trình, đúng 11 giờ máy bay sẽ cất cánh. Vì vậy chúng tôi quyết định đến phi trường trước khi bay 2 giờ để nếu vừa kẹt xe vừa làm thủ tục mất thì giờ cũng không thể nào bị trễ được. Vì đã thuộc đường đi nước bước nên anh“TÀI xế” lái một mạch đã đến phi trường. Sau khi làm thủtục trả xe rồi leo lên xe của hảng để vào phi trường làm thủ tục trước khi bay, chúng tôi đến trước giờ bay 1 giờ 30 phút nên cùng nhau ngồi chờ. Trước khi đi vào phòng đợi, chúng tôi phải đi ngang qua một phòng, tại đây có một ban nhạc đang trình diễn cho du khách xem trước khi du khách giả từ Hạ uy di. Khi đi ngang qua đây, tôi thấy một thiếu nữ có trang phục giống các cô đã trình diễn tại trung tâm văn hoá POLYNESIAN, cổ choàng một vòng hoa tim tím, vừa múa vừa hát theo tiếng đàn, tiếng trống của các nhạc công rất đẹp mắt và thật dễ thương.Sau những phút chờ đợi, chúng tôi được lệnh vào phòng để lên máy bay. Đúng 11 giờ, máy bay bắt đầu cất cánh rời phi trường HONOLULU để bay về California.

Ngồi trên máy bay nhìn xuyên qua cửa kính, tôi thấy thành phố HONOLULU mỗi lúc một xa dần, xa dần, rồi quần đảo Hawaii cũng dần dần nhỏ lại, dần dần lu mờ. Thôi thế là hết! Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để nghe sóng vỗ rì rào suốt ngàyđêm trên bờ biển. Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để tắm nắng chiều trên bờ cát trắng dưới những bóng dừa loang loáng ánh nắng vàng. Xin tạm biệt Hawaii, xin tạm biệt các cô sơn nữ rất khả ái dễ thương như những nàng tiên giáng trần miệng luôn luôn nở những nụ cười tươi như hoa nở. Xin tạm biệt các chàng trai thân hình vạm vỡ, nước da ngâm ngâm của các bộ tộcSAMOA,AOTEAROA,FIJI,HAWAII,MARQUESA, TAHITI. Ngồi trong máy bay, tôi đưa tay vẫy chào Hạ uy di lần cuối mà lòng xao xuyến bâng khuâng, bất giác tôi cất tiếng hát bài Biệt ly của nhạc sĩ Doãn Mẫn:


Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên giòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

California, ngày 14 tháng 10 năm 2006.
Dương viết Điền
(Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu châu và Hạ uy di” xuất bản năm 2009).