DU LICH,  Dương Viết Điền

DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

Dương viết Điền

Đúng 8:00 giờ sáng, xe buýt từ từ chuyển bánh  để qua nước Ý đến thành phố Milan .

Milan là một trong những hành phố lớn nhất của nước Ý. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử nên ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào thành phố nầy để thưởng ngoạn.  Thành phố nầy cũng là trung tâm của thời trang về nhiều loại sản phẩm nỗi tiếng nhất thế giới như áo quần, giày dép, crystal pha lê vv…Vì vậy chúng tôi được ông trưởng đoàn cho lên tàu vượt dòng sông để đến bờ bên kia xem trung tâm chế tạo ly, tách và những sản phẩm được chế tạo bằng cát rồi biến chế để trở thành trong sáng như thuỷ tinh, pha lê.

Sau đó để tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm nhà thờ nỗi tiếng Milan, người Ý gọi là Dumo Di Milano. Nhà thờ này được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới, sau đền thánh Saint Peter ở La mã. Tôi và bà xã tôi cũng đã vào xem nhà thờ này trong khi nhiều người khác thích đi shopping ở ngoài hơn vì biết rằng nhà thờ này còn đang tiếp tục được xây cất chưa hoàn thành. Khi đến gần một cột trụ xây bằng đá ở trong nhà thờ, tôi dang tay ôm cột trụ để ước luợng khoảng bao nhiêu người ôm mới xuể. Sau đó tôi thấy rằng phải đến bốn người mới ôm hết cột trụ này. Điều này chứng tỏ cột trụ bằng đá trong nhà thờ Milan to đến chừng nào.

Thánh  đường Dumo Di Milano (Hình trích từ Wikipedia)

Sau đó chúng tôi đến xem bức tượng của nhà danh họa Ý đại lợi, Da Vinci, người Ý gọi là Leonardo Da Vinci, tác giả của hai bức danh họa Mona Lisa và The last Supper. Ông trưởng đoàn cho chúng tôi biết rằng, Leonardo Da Vinci không những là một danh hoạ mà còn là một nhà toán học, một kiến trúc sư, một điêu khắc gia, một nhạc sĩ, và cũng là một văn sĩ nữa.

Nhà danh họa Leonardo Da Vinci (Hình trích từ Wikipedia)

Sau đó chúng tôi đến xem hý trường La scala nỗi tiếng của thành phố. Hý trường bị hoả hoạn vào tháng 02 năm 1776, sau đó được xây dựng lại và đã được khánh thành vào ngày 03 tháng 08 năm 1778. Đây là Opera House lớn nhất của thành phố Milan.

Hý trường La Scala (Hình trích từ Wikipedia)

Sau khi đi xem một số di tích lịch sử trong thành phố, chúng tôi nghỉ ngơi để ăn cơm trưa. Chiều hôm đó chúng tôi được ông trưởng đoàn hướng dẫn đến ngôi nhà cũ của nàng Juliete trong chuyện tình Romeo và Juliete mà văn sĩ nỗi tiếng Anh quốc Shakespear đã viết lại trong tác phẩm của ông ta.

Lúc bắt đầu bước vào ngõ hẻm dẫn vô nhà ở của nàng Juliete, tôi thấy một tấm bảng nho nhỏ vuông vắn gắn trên một cột bằng đồng nhỏ đề mấy chữ bằng tiếng Ý:

CASA DI GIULIETTA (Ngôi nhà của Juliete ).

Đi theo ngõ hẻm vào trong, chúng tôi thấy bức tượng bằng đồng của nàng Juliete đứng trước ngôi nhà nhìn ra ngoài đường.Nhiều du khách đang chụp hình bức tượng, kẻ khác lại đứng gần bức tượng rồi nhờ bạn bè chụp một tấm hình để làm kỷ niệm. Tôi và bà xã tôi cũng muốn chụp mỗi người một tấm hình để làm kỷ niệm. Tuy nhiên tôi phải đợi một du khách khác đang đứng sát bức tượng để nhờ bạn anh ta chụp xong tôi mới đến gần được. Nhưng ông du khách này lại đùa giởn thật kỳ quái làm mất thì giờ của những người khác đang chờ: ông ta cứ đưa tay vừa thoa vừa bóp cái vú bên phải của bức tượng, vừa cười một cách trơ trẻn. Sau khi bạn ông ta chụp xong, vợ chồng tôi mới thay phiên nhau tiến đến gần bức tượng để chụp hình làm kỷ niệm.

Bức tượng Juliete

Sau đó chúng tôi liền mua vé để vào trong ngôi nhà của nàng Juliete cách đây mấy trăm năm mà xem cho được tường tận khi nhớ lại chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliete sao mà buồn vời vợi. Một chuyện tình thật bi thương và cay đắng, một chuyện tình thật nghẹn ngào đầy nước mắt. Khi vào trong chúng tôi thấy một số đồ đạc của gia đình Juliete vẫn còn nguyên vẹn tuy có hơi cũ mà thôi. Chiếc giường của nàng còn đó. Trên giường có trải một tấm ra trắng .Cạnh chiếc giường là hai chiếc ghế bằng gỗ mà trên hai chiếc ghế này, đã nhiều lần Romeo trốn vào đây ngồi bên cạnh Juliete để tỏ bày tâm sự , để chàng và nàng cùng nhau nức nở lệ sầu. Vì cấm chụp hình lúc vào xem trong ngôi nhà này, nhưng vì một lần đi là một làn khó, biết bao giờ trở lại được nơi nầy nên nhanh như chớp, tôi đưa máy chụp hình cầm sẵn trên tay chụp liền hai hình để làm kỷ niệm: một hình chụp chiếc giường nàng Juliete nằm, một hình chụp hai chiếc ghế bằng gỗ nơi chàng Romeo và nàng Juliete ngồi tâm sự chuyện tình cách đây mấy trăm năm.

Chiếc giường gỗ của Juliete nằm.

Hai chiếc ghế đặt trong nhà Juliete.

Sau đó tôi và bà xã tôi ra đứng tại cửa sổ, nơi nàng Juliete đêm đêm đứng trông ngóng chàng Romeo đến thăm nàng. Bỗng bà xã tôi hỏi:

-Làm sao mà Romeo leo lên cửa sổ nầy được anh ?

Nghe bà xã tôi hỏi như vậy tôi không biết trả lời làm sao cả. Bởi vì khi đứng trên cửa sổ tầng thứ nhất của ngôi nhà Juliete nhìn xuống, tôi thấy khó mà leo lên được cửa sổ nầy thật. Tuy nhiên có một bức tường chung của nhà hàng xóm bên cạnh với nhà của nàng Juliete  nằm phía bên phải cách cửa sổ của nhà nàng Juliete khoảng ba thước nên tôi nghĩ rằng, anh chàng Romeo có thể leo lên bức tường ấy rồi đu dây qua được cửa sổ nầy chăng?

Bỗng thấy chị Thu Hương đang cầm máy chụp hình đứng dưới nhìn lên cửa sổ chúng tôi đang đứng, tôi cất tiếng nói vọng xuống:

-Juliete đấy à, Juliete ơi ! Romeo đang đứng trên cửa sổ đây nè, chụp cho Romeo một tấm hình đi Juliete.

Sau khi nghe tôi nói xong, chị Thu Hương nhìn lên, điều chỉnh camera ba mươi dây rồi bấm nút. Khi tia flash loé sáng, chị ấy cười đắc chí vì đã chụp được một Romeo « dỏm » đứng bên cạnh một Juliete cũng « dỏm » là bà xã tôi, tại cửa sổ thật của nhà nàng Juliete thật ở tại thành phố Verona (Milan) trên đất nước Ý.

Sau khi từ giả nhà Juliete để ra ngoài, chúng tôi thấy trên mấy bức tường, hằng trăm câu viết, chữ ký của du khách viết để kỷ niệm nằm chằng chịt sát bên nhau. Thôi thì đủ loại mực, xanh, đỏ, tím, vàng vv…, và đủ các thứ ngôn ngữ trên cõi ta bà này.

Vì chuyện tình Romeo và Juliete là một chuyện tình buồn vời vợi mà tất cả mọi người trên thế giới đều biết từ lâu nên khi đã đến thăm đất Ý đại lợi, du khách của tất cả các nước với hằng chục ngôn ngữ khác nhau, không thể không ghé lại ngôi nhà của Juliete được bởi đây là cơ hội ngàn năm một thưở. Đó là lý do tại sao ta thấy quá nhiều ngôn ngữ được viết trên mấy bức tường này vậy.

Cửa sổ nhà Juliete (Hình trích từ Wikipedia)

Sau khi tham quan ngôi nhà của nàng Juliete, ông trưởng đoàn bảo anh em chúng tôi lên xe để đến thành phố Venice ăn cơm tối. Khoảng một giờ đồng hồ sau xe buýt đã đến khách sạn Sheraton Padova ở Corso Argentina 535129 Padova tại Ý.  Sau khi ăn uống xong chúng tôi lên phòng ngủ để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình của mấy ngày du lịch còn lại. Cũng giống như những lần khác, đúng 8:00 giờ sáng, sau khi ăn điểm tâm xong chúng tôi lại lên xe buýt để đi tham quan những danh lam thắng cảnh trong thành phố. Tại đây dưới sự hướng dẫn của ông trưởng đoàn, chúng tôi đến xem đại giáo đường thánh Mark, the Magical Piazza San

Marco và chiếc cầu Bridge of Sighs.

Thánh đường The Magical Piazza San Marco

The Bridge of Sighs (Hình tích từ Wikipedia)

Tên chiếc cầu nầy do thi sĩ Lord Byron đặt ra . Vì khi tội nhân nào vào nhà tù cũng đi ngang chiếc cầu nầy và khi đi qua cầu nầy, tội nhân hay than vắn thở dài nên nhà thơ Lord Byron đặt tên là cầu thở dài(Bridge of sighs). Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn đến  địa điểm bước xuống thuyền để đi vòng quanh trên lạch nước the Grand Canal thơ mộng nằm giữa thành phố Venice gọi là “Serenade Gondola Ride”. Du khách muốn được ngồi trên thuyền này phải mua vé, 35 Euro cho mỗi người. Nhóm chúng tôi vẫn 6 người như thường lệ ngồi trên một chiếc thuyền màu đen do một anh chàng người Ý khoẻ mạnh chèo thuyền đưa chúng tôi dạo quanh con lạch . Thuyền này cách thuyền kia khoảng mười thước. Thuyền nào ít người thì có ban nhạc ngồi chung. Họ vừa đàn vừa hát giúp vui cho du khách ngồi trên các thuyền thưởng thức. Dưới ánh nắng dịu hiền của mùa thu mới về trên đất Ý, chúng tôi ngồi trên thuyền nghe tiếng đàn, tiếng hát của mấy chàng ca sĩ người Ý ở chiếc thuyền trước mặt cũng khiến cho tâm hồn chúng tôi cảm thấy rộn ràng, hân hoan, cảm thấy hạnh phúc, vui tươi. Bất giác tôi cất tiếng hát bài Le Beau Danube Bleu của nhạc sĩ nổi tiếng Johann Strauss Jr mà nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang tiếng Việt là Dòng Sông Xanh :

Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh

Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp

Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến

Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ

Quay về miền đời lúc mơ huyền

Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu

Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai.

Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui

Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi.

Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi

……………………………………………..

Lạch nước The Grand Canal (Hình trích từ Wikipedia)

Ngồi trên thuyền dạo chơi trên lạch nước The Grand Canal tại thành phố Venice

Vì cảnh mấy chiếc thuyền đen đang lướt nhẹt trên lạch nước chảy quanh thành phố Venice dưới ánh nắng thu thật tuyệt đẹp nên chúng tôi thay phiên nhau quay phim, chụp hình. Thuyền này chụp thyền kia, người kia chụp người nọ liên hồi.

Khoảng nửa giờ sau anh chàng lái thuyền người Ý cho thuyền chúng tôi cập bến rồi gác mái chèo. Chúng tôi liền lên bờ và theo ông trưởng đoàn để đi ăn cơm trưa.

Thế rồi chiều hôm ấy, chúng tôi đến tham quan tháp nghiêng Pisa rồi chụp hình làm kỷ niệm. Vì tháp hơi nghiêng và lên tầng cấp hơi khó khăn, cũng như phải mua vé mới lên xem được, vì vậy rất nhiều người trong đoàn du lịch chúng tôi không muốn lên xem. Riêng nhóm 6 người chúng tôi nhất quyết lên xem cho được mặc dầu tôi bị đau lưng và bà xã tôi mới bị té sáng qua nên lưng bị sưng lên làm hơi đau đớn. Trước khi leo lên tháp Pisa, ông trưởng đoàn cũng nói cho chúng tôi biết sơ tiểu sử về di tích của tháp này. Tháp The Leaning Tower of Pisa tiếng Ý là Torre pendente di Pisa hay là La Torre di Pisa. Tháp này là cấu trúc thứ ba trong quãng trường Piazza del Duomo và được xây đứng một mình bên cạnh nhà thờ thành phố Pisa ở Ý. Lúc xây thì tháp thẳng đứng, nhưng sau khi xây xong vào năm 1173, tháp bị lệch hướng và nghiêng về phía đông nam vì có một nền móng của tháp bị yếu vì thiếu chất nền. Tháp cao 55.86 mét, rộng 4.09 mét, đỉnh rộng 2.48 mét. Từ dưới lên trên có tất cả 294 tầng cấp. Độ nghiêng của tháp 5.5 và nặng

14, 500 tấn. Tháp nầy được xây qua 3 giai đọan trong thời gian 177 năm. Sau khi xác định lại một lần nữa, các kiến trúc sư cho biết rằng tháp sẽ vẫn còn vững chắc ít nhất 300 năm nữa. Sau khi nghe ông trưởng đoàn trình bày xong, chúng tôi liền đến gần tháp để mua vé  rồi leo lên tháp tham quan.

Tháp nghiêng Pisa (Hình trích từ Wikipedia)

Vì phải mua vé để lên cho kịp giờ nên anh Lê văn Chính đi nhanh đến chỗ bán vé để mua trước cho anh em chúng tôi trong lúc tôi, bà xã tôi và chị Thu Hương phụ giúp chúng tôi đi gởi xách và túi đeo lưng của tôi  tại phòng gởi vì không được mang xách, túi đeo lưng lên tháp. Sau đó, tôi và bà xã tôi dìu tay nhau kẻ sau người trước vừa đi lên chầm chậm vừa nghỉ. Đến tầng thứ tư của tháp Pisa, vì quá đau lưng nên bà xã tôi không muốn đi lên nữa. Nhờ sự thuyết phục và động viên của tôi và nhờ tôi dìu bà xã tôi đi chầm chậm, cuối cùng chúng tôi đã lên được đỉnh của tháp Pisa. Lúc đứng trên tháp Pisa nhìn xuống, tôi nói với bà xã tôi rằng chúng mình đã chiến thắng nhờ cố gắng khắc phục được sự đau lưng nên mới lên tới đỉnh tháp Pisa. Thế rồi chúng tôi chụp vài bức hình làm kỷ niệm trước khi đi xuống.

Hình chụp trên đỉnh tháp Pisa.

Sau khi về khách sạn nằm nghĩ lại vụ leo lên tháp, tôi thấy tôi và bà xã tôi thật liều lĩnh và quá chịu đựng vì đã leo tất cả 294 tầng cấp (bậc thềm) đang trơn trợt vì có nước ở các tầng cấp trong khi lưng chúng tôi đau nhói lúc đang leo. Có lẽ một lần đi là một lần khó cũng như biết rằng chẳng bao giờ trở lại tháp Pisa nầy nữa nên phải  quyết chí mà thôi .

Sau khi từ giả tháp nghiêng Pisa, chúng tôi được ông trưởng đoàn du lịch hướng dẫn về khách sạn Grand Hotel Guinigi ở tại Via Romana 1247, Lucca thuộc tỉnh Lucca nướcÝ để nghỉ ngơi và ăn cơm tối.

Sáng hôm sau ông trưởng đoàn du lịch đưa chúng tôi đi tham quan một số di tích lịch sử trong thành phố Florence. Chúng tôi đã đến xem Cổng Thiên Đàng (the Door of Paradise) hay còn gọi là the Bronze Door of the Baptistery, quãng trường Signoria, trung tâm thương mại Duomo và di tích “ the 13 Santa Crose”. Sau khi tham quan những di tích lịch sử nầy chúng tôi đuợc hướng dẫn đi xem các cửa tiệm bán áo quần, giày dép vv…làm bằng da thuộc của thú vật chính hiệu con nai vàng. Đến chiều, ông trưởng đoàn du lịch dẫn chúng tôi đến thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới của Thiên chúa giáo, đó là thành phố La mã. Tại đây ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào tham quan toà thánh Vatican trước. Sau khi mua vé vào cửa xong, 36 Euro cho mỗi một người, chúng tôi đứng sắp hàng nối đuôi nhau để vào xem. Vì hằng trăm đoàn du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về đây để tham quan toà thánh La mã, nên chúng tôi tuy đã sắp hàng nối đuôi nhau rồi, nhưng vẫn di chuyển rất chậm chạp từng bước một và phải mất một giờ bốn mươi lăm phút mới vào được bên trong toà thánh La mã. Tại đây, chúng tôi được tham quan quãng trường và đại giáo đường Thánh St.Peter. Trong lúc nhìn kỹ lối kiến trúc và những bức tượng được đặt trong đền Thánh St.Peter, anh Lê văn Chính đi bên cạnh tôi ca ngợi liên tục. Anh nói:

-Điền thấy không, nhìn lối kiến trúc của ngôi đền từ ngoài vào trong từ trong ra ngoài, cũng như những nét điêu khắc, chạm trổ thật điêu luyện và tinh vi của mỗi bức tượng, mình phải thán phục những nghệ nhân cách đây mấy thế kỷ. Nếu so sánh nghệ thuật thưở ấy và bây giờ mình phải nói nghệ thuật của người xưa quá tuyệt vời.

Theo sự trình bày và giải thích của một cụ già ngườiÝ được ông trưởng đoàn du lịch giới thiệu cho chúng tôi, đại giáo đường Saint Peter tiếng Ý gọi là Basilica di San Pietro in Vaticano. Đây là một trong bốn đại giáo đường quan trọng nhất của La mã. Đại giáo đường này là biệt thự nỗi bật nhất bên trong thành phố Vatican và được xây dựng ngay trên nơi hoang tàn đổ nát của đại giáo đường cũ. Đại giáo đường này chiếm một diện tích 5.7 acres và có khả năng chứa trên 60,000 người.

Thánh đường Peter (Hình trích từ Wikipedia)

Tân ước không đề cập đến sự hiện diện của thánh Peter tại La mã, nhưng truyền thống của Thiên chúa giáo nghĩ rằng, ngôi mộ của thánh Peter được an táng ở phía dưới đền thờ của ngài. Vì lý do nầy, nhiều Giáo hoàng, bắt đầu với những vị đầu tiên, đã được an táng nơi đây. Đại giáo đường ngày hôm nay được xây trên chỗ hoang tàn đổ nát cũ bắt đầu ngày 18 tháng 04 năm 1506 và hoàn thành xong vào năm1626. Vào ngày 23 tháng 12 năm 1950, trong lần phát thanh trước lễ Giáng sinh trên toàn thế giới, đức Giáo Hoàng Pio 12 thông báo cho toàn thể thế giới biết rằng các nhà khảo cổ đã tìm ra ngôi mộ của Thánh Peter sau 10 năm tìm kiếm dưới hầm mộ của đại giáo đường.

Còn quãng trường Thánh Peter ( Piazza di San Pietro) nằm ở phía đông của nhà thờ do Gianlorenzo Bernini kiến tạo giữa năm 1656 và 1667. Quãng trường này được bao quanh bởi một số dãy cột hình bầu dục với hai đôi cột, theo kiểu thật giản dị của Hy lạp thưở trước, tạo thành chiều rộng của quãng trường. Mỗi cột mang một cái mũ trên cột theo lối kiến trúc cũ. Những dãy cột này như như dang rộng vòng tay quanh quãng trường, như ôm ấp niềm tin trong cánh tay của người mẹ ở trong giáo đường.

Quãng trường Thánh Peter(Hình trích từ Wikipedia)

Sáng nay đáng lẽ chúng tôi vào thăm di tích cổ thành La mã trước, nhưng khi đến nơi, các đoàn du lịch khác nối đuôi nhau vào xem quá đông nên ông trưởng đoàn sau khi hướng dẫn chúng tôi đi thăm một vài di tích ở bên ngoài thành liền thay đổi chương trình, qua thăm toà thánh La mã trước. Trong khi điểm danh lại trên xe buýt, ông trưởng đoàn thấy mất tích hai người. Ông liền chỉ thị cho tài xế xe buýt phải chờ hai vợ chồng người Hoa kia trở lại rồi mới khởi hành. Trong lúc đó, ông trưởng đoàn cầm cây cờ hãng du lịch Tour Ritz chạy tới chạy lui trong mấy đám đông mất mười lăm phút toát mồ hôi hột vẫn không tìm thấy hai người kia đâu cả. Cuối cùng, ông trưởng đoàn quyết định cho tài xế lái xe buýt qua thăm toà thánh La mã nếu không sẽ bị trễ dây chuyền ở những nơi khác. Cũng may là ông trưởng đoàn đã cho tất cả du khách trong đoàn biết số cell phone của ông ta nên khi hai vợ chồng người Hoa kia bị lạc, họ đã gọi cell phone cho ông trưởng đoàn . Sau đó nghe đâu ông chồng người Hoa này bị Tào tháo rượt nên phải tìm nơi đi cầu. Vì vậy bà vợ phải chờ ông ta nên khi ông trưởng đoàn tập họp du khách lại để lên đường, hai vợ chồng người Hoa này không ra kịp nên bị lạc. Đi du lịch kiểu này vợ chồng luôn luôn phải sát cánh bên nhau mới khỏi bị lạc nhau. Thà lạc đoàn du lịch rồi nhờ cảnh sát tìm cách liên lạc lại sau chứ vợ lạc chồng hay chồng lạc vợ thì rắc rối cho cuộc tình! Cuối cùng hai vợ chồng người Hoa này đã gọi tắc xi về khách sạn. Không hiểu đồ ăn thức uống tại các tiệm ăn như thế nào mà hết nửa đoàn du lịch chúng tôi đều bị Tào tháo rượt! Vì vậy vấn đề đi tìm phòng vệ sinh lắm lúc làm trở ngại cho cả đoàn. Dĩ nhiên đây là những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn của mọi người.

Trở lại vấn đề trên, sau khi tham quan toà thánh La mã xong, chúng tôi liền lên xe buýt để đến xem cổ thành La mã. Tại đây ông trưởng đoàn hướng dẫn đi thăm những di tích lịch sử còn lại tại thành phố La mã như the eternal Colosseum, the Roman Forum, Constatine’s Triumphal Arch, Spanish Steps, và Trevi Fountain.

Cũng như những nơi khác, cứ mỗi lần đến thăm di tích nào ông trưởng đoàn cùng người hướng dẫn địa phương lại phải giải thích cũng như thuyết minh về nguồn gốc của từng thắng cảnh một. Chúng tôi khi thì lắng tai nghe khi thì đành bỏ nghe để  chụp hình, quay phim những nơi chúng tôi đến tham quan vì mỗi lần đi là một lần khó nên phải nhanh tay chụp hình để làm kỷ niệm, nếu không lúc ông trưởng đoàn dẫn đến những thắng cảnh khác thì không sao chụp lại hình nơi mình đã đến được. Vì vậy nhiều lúc các du khách say sưa chụp hình nầy, chụp hình nọ nên đã bị đi lạc đoàn du lịch mấy lần khiến ông trưởng đoàn kêu trời không thấu!

The Roman Forum. ( Hình trích từ Wikipedia)

The Arch of Constatine. (Hình trích từ Wikipedia)


Cổ thành La mã (Hình trích từ Wikipedia)

The Spanish Steps. (Hình trích từ Wikipedia)

The Trevi Fountain. (Hình trích từ Wikipedia)

Cũng như những nơi khác, chúng tôi thay phiên nhau chụp hình, quay phim cổ thành La mã để làm kỷ niệm. Thế rồi chiều hôm ấy, sau mười mấy ngày đi du lịch qua 4 nước Anh, Pháp, Thuỵ sĩ, Ý, sau khi tham quan những nơi đã vạch sẵn trong chương trình du lịch, chúng tôi còn khoảng một đến hai giờ đồng hồ nữa là chấm dứt cuộc du lịch 4 nước Âu châu. Chỉ còn một hai giờ phù du còn lại, chúng tôi được ông trưởng đoàn cho đi shopping để mua sắm quà kỷ niệm tặng bạn bè và nhìn thành phố La mã lần cuối trước khi đi ăn cơm tối, rồi về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên máy bay trở lại quê nhà.

Cuối cùng ông trưởng đoàn tập họp điểm danh chúng tôi trước khi hướng dẫn chúng tôi về khách sạn Holiday Inn Rome Eur Parco dei Medici ở tại Viale Castello della Magliana 65, 00148 thành phố Rome tại Ý.

Tại đây, ông trưởng đoàn dẫn chúng tôi vào một tiệm ăn người Ý để dùng cơm tối. Vì đây là bữa cơm chung vui cuối cùng của tất cả du khách trong đoàn nên mỗi người đóng góp 45 Euro cho ông trưởng đoàn để ông ta đặt trước tại nhà hàng. Vì là một bữa tiệc ly biệt nên tối hôm ấy ông trưởng đoàn du lịch đã cùng anh em trong đoàn chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác say sưa bên nhau rất là vui vẻ. Vui nhất là các anh bồi bàn ngườiÝ. Họ luôn luôn diện veston, thắt cà vạt lúc bưng đồ ăn ra cho thực khách. Không biết đây có phải truyền thống đùa vui trong tiệm ăn của người Ý hay không mà mấy anh chàng bồi bàn này mỗi lần bưng một món ăn cho một phụ nữ, họ thường cầm theo một cánh hoa hồng để tặng cho người phụ nữ đó. Trước khi tặng cho người phụ nữ nào, các anh chàng này làm một dấu hiệu để xin các nàng một nụ hôn. Nhiều nàng chiều ý chàng để cho chàng hôn lên má, nhiều nàng lại không muốn chiều chàng vì có chồng bên cạnh nên chỉ biết cười rồi ngoảnh mặt đi. Tuy nhiên có một chàng bồi bàn lại liều lĩnh khi xin nàng một nụ hôn và vì thấy nàng cười có vẻ như ưng ý, chàng ta liền lấy một khăn trắng để sẵn trên bàn rồi thả nhẹ để phủ  trên đầu và mắt người chồng ngồi bên cạnh nàng. Nhanh như chớp, anh chàng bồi bàn kia vừa hôn nhẹ lên má nàng vừa trao cánh hoa hồng cho nàng. Vì động tác của chàng bồi bàn quá nhanh nên nàng trở tay không kịp. Cuối cùng nàng chỉ biết ngồi cười hì hì trong lúc chồng nàng cũng vừa lấy chiếc khăn trắng ra khỏi đầu. Tất cả thực khách thấy thế đều cười to lên khiến người chồng của nàng kia cũng ngạc nhiên không biết tại sao mọi người lại cười như thế. Tiếp theo trò tặng hoa hồng của mấy anh chàng bồi bàn là những bài hát nhạc dạo của hai chàng ca sĩ ngườiÝ. Lúc chúng tôi đang ngồi chờ những thức ăn khác, có hai thanh niên người Ý bước vào. Anh chàng lớn tuổi hơn thì cầm kèn clarinet, anh chàng nhỏ tuổi hơn cầm đàn guitare. Cả hai vừa đàn vừa hát một bản nhạc của nước Ý. Sau khi họ hát xong chúng tôi vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhiều người lấy tiền tặng cho họ. Tôi cũng lấy 5 đô la để sẵn trong túi ra tặng cho họ. Sau đó tôi đề nghị họ hát bài “Torna A Surriento” của nhạc sĩ  người Ý tên là Ernesto De Cutis, tức là bài Come back to Sorrento ( Trở về mái nhà xưa ). Anh chàng lớn tuổi hơn bảo tôi rằng họ không biết bài đó. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe chàng ta nói như vậy bởi vì bài này rất phổ biến tại nước Ý và đã ra đời cách đây hơn 100 năm cả thế giới đều biết.Tuy nhiên ba mươi giây sau họ nói với tôi rằng họ đùa chơi vậy thôi, để họ hát cho mà nghe! Có thế chứ ! Tôi liền nhìn anh Bùi Ty ngồi trước mặt rồi nói :

-Ca sĩ Ý mà không biết bài “Trở về mái nhà xưa” của nhạc sĩ Ernesto De Cutis thì đập vỡ cây đàn guitare đi là vừa Ty há.

Thế là anh chàng lớn tuổi thổi kèn clarinet trong lúc anh chàng cầm đàn guitare vừa đàn vừa hát bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý thật du dương, nhẹ nhàng, thật khoan thai và điêu luyện.

Hai ca sĩ hát dạo người Ý đang trình diễn

Lúc tiếng hát vừa dứt anh em vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Sau đó anh chàng lớn tuổi hỏi chúng tôi rằng trong chúng tôi  ai là người biết nhảy đầm, tôi liền chỉ ngay anh chị Bùi Ty ngồi trước mặt tôi. Thế là hai anh chàng này mời anh chị Bùi Ty đứng lên để họ đàn và hát cho anh chị Bùi Ty nhảy. Bài “Besame mucho” nhạc của Mễ tây cơ được hai anh chàng kia chọn để hát  cho anh chị Bùi Ty nhảy. Họ đàn bản nhạc này theo điệu cha cha cha và anh chị Bùi Ty cứ thế nhảy liên tục cho đến hết bài làm cho phòng ăn trở nên vui nhộn khác thường. Sau khi tiếng hát vừa dứt, anh chị Bùi Ty vừa về lại chỗ ngồi  thì ông trưởng đoàn du lịch thừa thắng xông lên rót rượu đỏ trong chai ra hết rồi mời anh chị em cùng nâng cốc chung vui. Sau khi cạn ly, chúng tôi liền có đôi lời từ biệt với nhau rồi tất cả lên xe buýt để về khách sạn nghỉ ngơi, sáng mai chuẩn bị lên đường trở về quê cũ. Theo lời dặn của ông Leung Reddy, trưởng đoàn du lịch, chúng tôi dậy thật sớm và đúng 5:00sáng , chúng tôi lên xe buýt để vào phi trường lên máy bay qua Thụy sĩ. Tại thuỵ sĩ, chúng tôi lại sang máy bay khác để về San Francisco. Sau khi dẫn toán chúng tôi vào phi trường, ông trưởng đoàn từ biệt chúng tôi để về lại khách sạn dẫn toán còn lại vào phi trường một lần nữa vì toán nầy phải qua Luân đôn rồi từ phi trường Heathrow tại Luân đôn, họ sẽ lên máy khác để bay về Los Angeles.

Lúc máy bay vừa cất cánh bay cao giữa mây trời bát ngát, tôi ngoái cổ nhìn xuống những lâu đài cổ kính, những biệt thự nguy nga của nước Ý mà lòng buồn vời vợi. Mới hôm qua đây, chúng tôi đã vào tham quan những kiến trúc thật tinh xảo, những nhà thờ thật vĩ đại, những công trình xây cất quá công phu và đầy nghệ thuật. Mới hôm qua đây chúng tôi đã cùng nhau chụp biết bao nhiêu tấm hình, quay biết bao nhiêu là phim ảnh khi vào trong toà thánh La mã, khi viếng thăm cổ thành, khi leo lên tháp Pisa, khi ngồi trên thuyền lướt nhẹ trên lạch nước trong thành phố Venice thật nên thơ và dịu hiền. Vậy mà giờ phút này đây tất cả đều xa dần, xa dần , chỉ còn thấy mây trời bay trong nắng. Chuyến du lịch bốn nước Âu châu giờ đây đã chấm dứt sau mười hai ngày phiêu bạt giang hồ để trở về mái nhà xưa, trở về nơi quê cũ . Không có gì thoải mái và tuyệt đẹp bằng quê nhà. Không có gì hiền hoà và ấm cúng bằng nơi ta ở. Bỗng đâu văng vẵng bên tai tôi giọng ca bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý của hai anh chàng thanh niên người Ý cầm cây đàn guitare và cây kèn clarinet hát dạo trong đêm tiệc chia tay của chúng tôi ở nhà hàng tại nướcÝ chiều qua:

TORNA A SURRIENTO

Vide ‘o mare quant’è bello.
Spira tantu sentimento,
Comme tu a chi tiene mente,
Ca scetato ‘o faie sunnà.
Guarda, guá, chisto ciardino.
Siente, sié sti sciure arance,
Nu profumo accussì fino
Dinto ‘o core se ne va.

E tu dice: “Í parto, ađio!”
T’alluntane a stu core,
Da sta terra de l’ammore
Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!

Vide ‘o mare de Surriento,
Che tesoro tene ‘nfunno,
Chie ha girato tutto ‘o mummo
Nun l’ha visto comm’a ccà.
Guarda attuorno sti Sserene,
Ca te vonno tantu bene
Te vulessero vasà.

E tu dice: “Í parto, ađio!”
T’alluntane a stu core,
Da sta terra de l’ammore
Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!

Rồi cũng lại văng vẵng bên tai tôi giọng hát của ca sĩ Trần thái Hoà  bài “Trở về mái nhà xưa “ bằng tiếng Việt:

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
Ôi lãng du quay về điêu tàn.

Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Đang khóc than trên đường não nề.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua.

California, một chiều thu nhạt nắng .

           Dương viết Điền (tháng 10 năm 2007)

             (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu và Hạ Uy Di” xuất bản năm 2009)