Dương Viết Điền,  Tin tức

TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG QUA ÂM NHẠC CỦA NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA

Nhạc Sĩ Lê Văn KHoa & Nhà văn Dương Viết Điền

Được biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa sinh ngày 10 tháng 06 năm 1933 tại tỉnh CầnThơ. Tháng 05 năm 1975, ông sang tỵ nạn tại Mỹ sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Ông là một người đa năng đa hiệu trong nhiều lãnh vực. Vừa là một nhà giáo rất tận tâm, đức độ, vừa là một nhạc sĩ tài ba lỗi lạc đã từng đoạt luôn một lần hai giải thưởng sáng tác âm nhạc toàn quốc năm 1953 và giải văn học nghệ thuật toàn quốc, vừa là một nhiếp ảnh gia xuất sắc của Việt nam đã từng đoạt luôn ba giải thưởng toàn quốc trong ba năm liên tiếp 64-65. Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông là người đứng ra sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật năm 1968 tại Việt Nam. Hội này cũng đã đoạt được huy chương vàng tại Áo quốc. Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa là người Việt Nam đầu tiên có hình ảnh triển lãm tại Quốc Hội Hoa kỳ. Từ năm 1976 đến 1977, ông là giáo sư dạy môn nhiếp ảnh tại đại học Salisbury State College ở Maryland. Để đi vào đề tài, tôi xin được viết riêng phần “Tình yêu quê hương qua âm nhạc” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Nếu nhà soạn nhạc Ludwig Van Beethoven của Đức có rất nhiều bản nhạc ngợi ca tình yêu đôi lứa và mang nặng tình yêu quê hương như Egmont, Wellington’s Victory, Zur Namensfeier, Consecration of the House, hay Franz Peter Schubert của Áo với 600 Lieder, 9 bản Symphonis, nhạc cho Operas và cả 1000 tác phẩm chan chứa tình tự dân tộc, Richard Georg Strauss của Đức với Till Eulenspiegel’s Merry Prank, Also Sprach Zarathustra, Don Quixote, Sinfonia Domestica, An Alpine  Syphony, Salome, Der Rosen Kavaliervv… bàng bạc tình hoài hương, và Dvorak của Tiệp Khắc viết rất nhiều những tấu khúc dành cho quê hương,thì những tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng biểu lộ rất chân thật tình yêu nồng nàn quê cha đất tổ, tình tự dân tộc, tình hoài hương cũng như thường xuyên khắc khoải âu lo cho tổ quốc, quằn quại nhớ nhung chất ngất quê mẹ Việt Nam qua những tác phẩm trong các tập nhạc như “GỌI NHỚ”, “NHẠC VIỆT MẾN YÊU”, “THE BEAUTIFUL BAMBOO”, và tập “DÂN CA VIỆT NAM”. Đặc biệt trong tập nhạc “HÁT CHO NGÀY MAI” xuất bản năm 1982, ông sáng tác rất nhiều bản nhạc hướng về quê hương dân tộc với những lời ca thật chân tình chứa chan niềm thương nỗi nhớ vô biên về nước Việt Nam yêu dấu. Chẳng hạn như những lời ca “…Nếu có ai hỏi: “Em là người nước nào?” Em sẽ xin thưa rằng: “Em là người Việt nam trong máu xương; hồn linh em, gan, ruột em, óc, tim từng tế bào đây: Việt Nam” trong bài “NẾU CÓ AI HỎI”, hay là những lời như “Diệt hết lũ ác ra oai, phục hồi uy danh đất nước ngày mai. Đem bình an cho đất nước Việt Nam” trong bài “TÔI ƯỚC”, hoặc là những lời ca như “Từ khắp bốn phương trời lớp lớp đi. Tìm đến quê hương về đắp xây. Dù lắm khó khăn nào ai sá chi. Thề quyết hiến dâng tổ quốc mến yêu. Giải phóng quê hương mình”. Ngoài ra, ông còn phổ nhạc những bài ca dao Việt Nam đầy xúc động lòng người, đầy tình tự quê hương tình yêu dân tộc để nhắc nhở mọi người ở quê người đất khách luôn luôn nhớ về quê nhà đã nghìn trùng xa cách. Chẳng hạn như bài “TRÂU ƠI”, bài “CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM”, hay bài “LẠY TRỜI MƯA XUỐNG” v.v… Tuy nhiên ta thấy rất nhiều bài, là một nhạc sĩ, ông sáng tác rất nhiều thể loại như nhạc dân ca, nhạc phổ thông và đặc biệt là những tấu khúc cho ban nhạc Đại Hợp Xướng Ngàn Khơi và Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trình diễn. Có lẽ ông ta là người đầu tiên lồng nhac Việt Nam vào nhạc Tây phương, để cho nhạc phương Tây quyện với nhạcViệt Nam làm cho thế giới có thể biết nhạc Việt ta như thế nào, Đây là một vấn đề rất khó thực hiện và rất công phu. Ông chuyên môn sáng tác và soạn hoà âm cho dàn nhạc giao hưởng, đại hoà tấu.Vậy mà ông ta đã thành công thật tuyệt vời! Nếu ai đã từng tham dự những đêm hoà nhạc tại Fullerton năm 1978 với bài “SE CHỈ LUỒN KIM”, năm 1979 với bài “VIETNAMESE RHAPSODY”, năm 1995 với bài SYMPHONIC SUITE 1.9.7.5”, năm 1996 và 1997 với hai bài “TRĂNG RẰM” và “NGÀY HỘI” mới biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã tốn không biết bao nhiêu công sức để soạn hoà âm như thế nào. Sự vỗ tay hoan hô, tán thưởng nhiêt liệt của tất cả khán giả trong rạp là bằng chứng hùng hồn về sự thành công của nhạc sĩ Lê Văn khoa vậy. Tổng số những tác phẩm của ông trên dưới 600 bài. Đây là một công trình thật vĩ đại. Đặc biệt là “LULLABY” của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Ngoại trừ những tác phẩm diễn tả lại tình cảm của cuộc đời, tình yêu nồng nàn của cuộc sống, hai ca khúc “Dawn of my country” và “Dream of Homeland” trong “LULLABY” là những ước mơ, hoài vọng cho một quê mẹ Việt Nam được sáng ngời, một đất nước sẽ được yên vui trong thanh bình thịnh vượng. Tuy nhiên trong dòng nhạc chảy như suối nguồn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nổi bật và vĩ đại nhất vẫn là SYMPHONY “VIET NAM 1975”, một đại tấu khúc viết nửa chừng rồi lại ngưng, rồi lại viết, rồi lại ngưng. Nhưng với sự quyết tâm và kiên trì theo năm tháng, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hoàn thành xong tác phẩm vĩ đại này sau 10 năm miệt mài bên đàn piano (1985-1995) và phải đợi thêm 10 năm nữa mới được xuất hiện trên vòm trời âm nhạc hải ngoại. Và những ước mơ, những khắc khoải đêm ngày của nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa đã được toại nguyện khi SYMPHONY “VIET NAM 1975” xuất hiện như diều gặp gió và đã tha hồ lướt gió tung trời trên vòm trời âm nhạc hải ngoại như ta đã thấy; vì Kyiv Symphony Orchestra And Chorus của xứ UKRAINE đã bằng lòng thu thanh CD SYMPHONY “VIET NAM 1975” cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Điều nầy đã làm cho tác giả “phỉ chí tang bồng”, hạnh phúc triền miên vì ông ta đã từng ước mơ, đã từng ôm ấp hoài bão này trong một thời gian dài đằng đẳng đến 20 năm trời ròng rã. Vì thế, đây là một niềm hãnh diện vô biên cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa nói riêng và cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung.

 Từ trái: Dương Viết Điền, Nhạc sĩ Anh Bằng, Việt Hải, nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Chính vì “Symphony Việt Nam 1975” là một đại tấu khúc tuyệt vời như vậy nên rất nhiều nhạc sĩ ngoại quốc không ngớt ca ngợi. Nhạc trưởng của dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra và dàn nhạc The National Ukranian Opera and Ballet là Alla Kulbaba viết: “Nhạc của Lê Văn Khoa thật tinh vi, đầy xúc động, rất mực nhân hậu thân thiết… Qua tác phẩm “Symphony Việt Nam 1975”, Lê văn Khoa chứng tỏ là nhà viết đại tấu khúc có tài. Ông dùng thể loại Tây phương nhưng đặt trên căn bản nguồn gốc quốc gia”. Riêng Tiến sĩ Nghệ Thuật Âm Nhạc Vũ Tôn Bình, ông nhận xét về nhạc sĩ Lê Văn Khoa như sau: “Đối với người cùng thời, Lê Văn Khoa luôn luôn ở đầu giới tuyến; là người đưa cao ngọn đuốc và ánh sánh của ngọn đuốc ấy sưởi ấm lòng nhiều người ở các ngã rẽ của xã hội và những khúc quanh quan trọng trong lịch sử dân Việt”. Ta hãy nghe thêm một nhạc sĩ nổi tiếng của xứ Ukraine, nữ nhạc sĩ NINA RODIONOVA, nói về nhạc sĩ Lê Văn Khoa như sau: “…You are a talented painter and a composer in one person. Each piece of your album is a picture. When I listen, I see Vietnam with its wonderful rich nature… But most important, in this music I can hear composer’s feelings, I can feel his soul. It always excited me. I’m very thankful to you for your light charming music”. (Trích từ bức thư gởi cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa).

Ai cũng biết rằng, Richard Georg Strauss là một nhà soạn nhạc vĩ đại của Đức. Đến khi Nazi lên nắm chính quyền, rất nhiều nhà soạn nhạc không muốn cộng tác với Nazi. Nhưng Richard Georg Strauss lại hợp tác với chế độ độc tài Nazi tại hạt Third Reich và đã được Joseph Goebbels bổ nhiệm làm giám đốc Âm Nhạc Viện The Reichs-musik-kammer. Thế rồi ông ta chơi thân với các sĩ quan cao cấp của Nazi. Chính điểm này đã khiến cho rất nhiều nhà soạn nhạc không muốn nhìn ông ta nữa. Bởi vậy có lần nhà soạn nhạc đương thời là Arturo Toscanni nói về Richard Georg Strauss như sau:

“Đối với nhà soạn nhạc Strauss, tôi kính cẩn ngả nón chào. Nhưng đối với Strauss là con người, tôi lại ngoảnh mặt  không nhìn ông ta nữa” (To Strauss the Composer, I take off my hat. To Strauss the Man, I put it back on again”).

Vậy thì đối với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, vì ông ta dứt khoát bỏ nước ra đi tìm tự do ở quê người đất khách, quyết không hợp tác với chế độ độc tài tại Việt Nam. Cho dù ở đất khách quê người, ông vẫn luôn luôn hướng về quê mẹ để rồi ngày đêm sáng tác những ca khúc hiến dâng cho quê mẹ mến yêu. Đã thế ông ta còn chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam với bất cứ giá nào. Vì vậy tôi có thể nói giống như Arturo Toscanni nói về Strauss như đã nêu ở trên, nhưng câu thứ hai thì tôi đổi lại khác hẳn. Tôi xin được trang trọng nói rằng:

“Đối với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, tôi xin kính cẩn ngả nón chào. Còn đối với Lê Văn Khoa là con người, tôi cũng xin được kính cẩn ngả nón chào luôn vậy” (To Khoa Van Le the Composer, I take off my hat. To Khoa Van Le the Man, I take off my hat too).

California ngày 10 tháng10 năm 2009.

Dương Viết Điền.