Dương Viết Điền,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

THỰC TẬP TOẠ THIỀN

Bức tượng Ngài Lord Shiva đang tọa thiền theo thế kiết già tại Bangalore ( Hình trích từ Wikipedia).

Thiền là một phép tu bao la bát ngát, không có biên giới. Mục đích của tu Thiền theo Tỳ Kheo Thích Đức Niệm là “Quay về với nội tâm, trầm tĩnh sống lại với chính lòng mình, biết rõ tâm thức mình biến chuyển qua từng sát na, theo từng nhịp tim bóp thắt, quán chiếu tận suốt cội nguồn tâm thức sinh động thầm kín của dòng sinh mệnh tâm linh”. (Trong bài “Thay Lời Tựa” đăng trong tác phẩm “The Practice of zen” (Thiền Đạo Tu Tập) của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 09). Vì tính chất bất khả lĩnh hội cũng như bản chất bất định của Thiền nên hầu hết cácThiền Sư thường không theo một quy luật nào rõ rệt. Theo Thiền Sư Chang Chien Chi thì “Hình như không có hệ thống có tổ chức nào để theo, mà cũng chẳng có một triết học nào để học. Những mâu thuẫn và tương khắc đầy rẫy khắp mọi nơi. Mặc dầu những điều đó có thể được giải thích bằng cái gọi là luận lý phi- luận lý của Thiền” (Trong “Thiền Đạo Tu Tập” của Thiền Sư Chang Chen Chi, Như Hạnh dịch, trang 25). Vì tính chất mông lung và  siêu việt của Thiền nên Thiền Sư Chang Chien Chi nhấn mạnh rằng “ Có thể giải thích Thiền bằng nhiều cách bởi vì không có “những chỉ thị” nhất định để Thiền tuân theo. Các Thiền Sư vĩ đại hiếm khi tuân theo một khuôn mẫu nhất định nào trong việc tự bày tỏ hoặc trong việc dạy đệ tử họ” (Trong “Thiền Đạo Tu Tập” trang 31). Thiền Sư Chang Chen Chi còn cho biết rằng “ Từ Bồ Đề Đạt Ma tới Huệ Năng và từ Huệ Năng suốt cho tới Lâm Tế và Động Sơn, trọn một thời kỳ gần 400 năm, ta chẳng truy ra được một hệ thống tham Thoại Đầu vững chắc nào cả. Các Thiền Sư xuất chúng của thời đại này là những nghệ sĩ” vĩ đại; giáo lý của các ngài rất linh động và uyển chuyển và không bao giờ tự hạn hẹp vào bất cứ một hệ thống nào cả” (Trong “The Prace of Zen” của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 113).

Ngài Bồ Đề Đạt Ma đang hành Thiền

Cũng theo Thiền Sư thì “Ta phải luôn luôn nhớ rằng đa số những người học Thiền ở Đông phương là những tu sĩ đã hiến trọn đời mình để tham thiền. Họ chỉ có một mục đích duy nhất: Giác Ngộ; họ chỉ có một công việc độc nhất trên đời: tu tập Thiền; cuộc sống mà họ sống là cuộc sống giản dị, giới hạnh; và họ chỉ học Thiền bằng một lối duy nhất- bằng cách sống và tu tập với các bậc thầy trong một thời gian rất lâu. Trong những hoàn cảnh này bất cứ lúc nào họ cũng thấy Thiền, nghe Thiền, nếm Thiền, và thậm chí ngửi Thiền nữa “ (Trong The Practice of Zen, của Thiền Sư Chang Chien Chi, trang 87).

Thiền Sư Chang Chien Chi

Vì biết mục đích duy nhất của Thiền là Giác Ngộ mà nói đến Giác Ngộ, tất cả mọi người theo đạo Phật ai cũng ước mơ cả. Sở dĩ ai cũng chỉ mơ ước thôi vì tu Thiền để đạt đến Giác Ngộ là một việc làm quá phi thường và rất khó khăn cho con người trong một kiếp người. Tuy nhiên cho dù quá phi thường và quá khó khăn mấy đi nữa, trong quá khứ ta cũng đã thấy có rất nhiều Thiền Sư đã đạt đạo. Nếu không đạt đạo thì tu Thiền cũng mang đến cho ta vô số lợi ích trong cuộc sống hằng ngày như xa lánh dần được tham, sân, si; thấu hiểu được chân lý của Phật giáo để phát huy lòng từ bi ngõ hầu làm vơi bớt đau thương cho tha nhân, cho nhân loại, đang quằn quại dưới vòm trời khổ đau và tang tóc này. Ngoài ra đối với những người không theo đạo Phật, họ vẫn muốn thực tập Thiền để giảm bớt sự căng thẳng (Stress) khi phải tiếp xúc với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Và bởi yếu tố thất tình (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ) thường ảnh hưởng đến con người nên người ta muốn tập Thiền để tránh những vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ hay bệnh khủng hoảng thần kinh được chừng nào tâm hồn sẽ thoái mái chừng đó. “Theo bác sĩ Andrew Weil (University of Arizona) thì cách điều hoà hơi thở là cách thức hữu hiệu nhất để chống lại sự âu lo (anxiety) và Stress, và ngay đối với cả những thể loại nặng nhất của bịnh khủng hoảng thần kinh (panic disorder) Vì khi bạn chú tâm vào hơi thở, và thở sâu, chậm, yên lặng và đều đặn thì bạn không thể nào … stress, hay lo âu được. Bởi lẽ rất dễ hiểu là cơ thể bạn không thể nào cùng một lúc làm được những việc trái ngược nhau. Như chúng ta biết, ngược lại với Stress, sự điều hoà hơi thở sẽ làm cho tim đập chậm, giảm huyết áp, làm an tĩnh hệ thần kinh. Khi não bộ không nhận được tín hiệu nguy cơ nữa thì cơ thể trở lại với trạng thái điều hoà, các bộ phận điều tiết những Stress hormone không còn được kích thích cũng sẽ trở về trạng thái bình thường, và cơ thể bạn không nằm trong trạng thái chuẩn bị ứng chiến như ta đã thấy ở trên. Và như thế, bạn vừa…. khóa lại (shut down) những tác hại của Stress. Hiện nay những bịnh viện lớn như Columbia Medical center ở New York city, những bịnh nhân trước khi giải phẩu Tim, đều được mời tham dự những buổi Thiền Meditation. Ở những bịnh nhân có tham gia thiền quán, người ta nhận thấy ít lo âu trước khi mổ, ít mất máu trong khi mổ và hồi phục nhanh hơn sau khi mổ. Điều hòa hơi thở chỉ là một dạng thô thiển nhất của Thiền quán, cần nói thêm là Thiền không chỉ là sự điều hòa hơi thở nhưng nếu bạn biết áp dụng vào đời sống hàng ngày thì ít ra bạn cũng ngăn ngừa hay chận đứng được những tác hại của Stress, tuy bạn chưa đi vào trạng thái Thiền định nhưng bạn cũng đã kiểm soát được mình qua sự điều tức. Khi kiểm soát được hơi thở của mình, cơ thể của bạn là của bạn. Có thể bạn chưa đạt được giải thoát hay Đốn ngộ với sự kiểm soát hơi thở, nhưng ít ra đời sống bạn cũng sẽ được thoải mái hơn và….. ít bịnh tật hơn !!!”

(Trích từ bài Tác Dụng Của Thiền Và Tress của Hoàng Vũ trong web site http://khoahoc-kythuat.blogspot.com/2013/07/tac-dung-cua-thien-va-stress.html ).

Vì những lý do đó mà tôi cũng muốn học Thiền và dĩ nhiên để học phương pháp tu Thiền nầy, tôi bắt đầu tìm hiểu những phương thức sơ khởi của Toạ Thiền.

Nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng đang hành Thiền:

Bác sĩ Sư Huynh Phạm Gia Cổn, võ sư chưởng Môn Hoàng Hạc, thiền yoga khí công

Minh tinh màn ảnh, Heather Graham, thực hành Thiền để chống lão hóa
Các nhà sư đang đứng Thiền tại thác Pongour
Ngồi Thiền tập thể tại Sri Lanka (Ấn Độ)
( Hình trích từ Wikipedia)
Ngồi Thiền trong Madison Square Park tại Nữu Ước
( Hình trích từ Wikipedia)
Bảo Tháp Giác NgộẤN ĐỘ: 4,000 binh sĩ Vương quốc Anh sẽ thay phiên nhau thiền định tại cây Bồ đề ở Bồ đề Đạo tràng tại Bảo Tháp Giác Ngộ bắt đầu từ tháng 01 năm 2013.
( Hình trích từ  www.HoPhap.net )

Sau khi nghiên cứu một số sách viết về Thiền cũng như nghe những lời hướng dẫn của một số bạn bè, tôi bắt đầu thực tập Toạ Thiền. Điều trước tiên là cách thức ngồi Thiền. Vẫn biết rằng đi đứng nằm ngồi đều Thiền được cả, nhưng ngồi Thiền là vấn đề quan trọng hơn cả. Lúc đầu tôi ngồi theo thế kiết già, chân trái kéo để lên đùi mặt, chân mặt kéo để lên đùi trái. Nhưng rồi tập hoài cũng không được, nhiều khi mới vài phút đã cảm thấy đau lưng.

Bức tượng Ngài Lord Shiva đang tọa thiền theo thế kiết già tại Bangalore ( Hình trích từ Wikipedia).

Vì ngồi theo thế kiết già hơi khó khăn nên tôi đổi qua thế bán già. Ngày trước, Ngài Phổ Hiển và Ngài Vân Thù thường toạ Thiền theo thế bán già. Ngài Phổ Hiển toạ Thiền với thế chân trái để lên đùi mặt, Ngài Vân Thù toạ Thiền với chân mặt để lên đùi trái. Tôi đã thực tập cả hai thế trên, cuối cùng tôi thấy thế ngồi chân mặt để lên đùi trái thuận tiện hơn đối với tôi nên tôi quyết định toạ thiền theo thế này luôn. Các Thiền Sư thường khuyên chúng ta khi ngồi, lưng phải thật thẳng. Đầu phải nhìn thẳng phía trước. “Khi chư vị ngồi Thiền, tuyệt đối không nên để thoại đầu lên cao quá, vì vậy hẵn sẽ bị hôn trầm. Cũng không được để ngang trên ngực, nếu để nơi ngực, thế nào nơi ngực cũng bị đau. Cũng không nên đè nó xuống thấp, làm vậy sẽ bị đau bụng, hoặc rơi vào âm cảnh, phát sinh ra nhiều bệnh tật. Chỉ cần giữ tâm bình lặng, hơi thở điều hoà, nhẹ nhàng quán chữ “ai” như gà ấp trứng, như mèo rình chuột. Khi quán chiếu đắc lực, mệnh căn tất nhiên đứt đoạn” (Trong Thiền Đạo Tu Tập (The Practice of Zen) của Thiền Sư Chang Chen-Chi, trang139).

Sau khi chọn được thế ngồi thích hợp, tôi bắt đầu tập thở. Vấn đề hơi thở lúc toạ Thiền rất nhiều sách đề câp đến. Có sách dạy rằng “Dùng miệng thở hơi ô trược ra, khi thở há miệng cho hơi ra, đừng mạnh cũng đừng gấp, thở thật dài và sạch, hơi ra tưởng như tất cả những phiền não bệnh hoạn theo hơi thở ra ngoài hết. Ngậm miệng lại dùng mũi hít hơi vào, dài nhẹ và thật đầy, hơi vô tưởng không khí trong sạch vào khắp châu thân. Như thế ba lần. Thở xong ngậm miệng lại, môi và răng vừa kề nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều nhẹ nhẹ mà dài. Thân ngồi ngay thẳng như cột trụ, dù có ngứa ngáy cũng không cựa động, nhức mỏi cũng gan dạ chịu đựng đúng giờ mới xả.” (Trong “Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20”, trang 114-115, tái bản lần thứ II). Một sách khác hướng dẫn rằng: “Khi bắt đầu tập thở bụng, ta thở ra thật dài vài lần bằng mũi, bụng thót vào, cố gắng thở ra cho hết khí trong phế nang, cần làm cho phổi trống (giống như ta bóp miếng sponge rửa chén cho hết bọt sà phòng khi rửa chén). Khi nín lại thì phản xạ tự nhiên là cần phải hít sâu vào nhiều hơn cảm thấy như đầy ngực đầy bụng (giống như miếng sponge sau khi bóp cho hết chất xà phòng dơ rồi buông ra trong nước sạch, tự nhiên hút nước sạch vào). Cũng vậy, sau khi chu kỳ thở ra thật dài thì tự động khí sạch sẽ vào đầy ngực đầy bụng. Như vậy có thể nói thở ra là phần chủ động và hít vào là phần thụ động. Càng thở ra thật nhiều, thật sâu có nghĩa là đưa hết khí dơ (CO2) trong phế nang ra thì càng được vào nhiều khí sạch, trong lành. Như vậy thở ra sẽ quyết định cho việc hít vào.   


Chú ý là khi thở ra hay hít vào, ta cần phải giữ hơi thở (nín thở) một vài giây tuỳ theo sức, ta sẽ nhận thấy bộ máy hô hấp lúc đó tự nó chuẩn bị phát động. Lúc đó giản mềm các cơ bụng để cho hô hấp tự phát. Khí thở ra bụng thót vào, khí hít vào phổi bụng tự phình lên. Tóm lại trong phương pháp thở bụng, thở ra là chính và là động tác chủ động, còn hít vào phình bụng ra là động tác thụ động.” (Trích từ bài “ Luyện khí công tập bụng” của một tác giả trên mạng.).

Một sách khác lại chỉ dạy như sau: “Đối với người mới tập, tư thế nằm ngửa rất thuận lợi. Phải để ý là không nên thở dài đến mức tối đa. Làm như thế có thể nguy hiểm cho phổi, nhất là trong trường hợp phổi yếu vì chưa bao giờ biết tập thở. Ban đầu người hành giả nên nằm xuống, hai tay xuôi theo hai chân, đầu không gối, trên một mặt phẳng hay hơn là trên nệm. Buông thả tay chân cho thư thái. Thở vài hơi tự nhiên rồi khởi sự chú ý đến hơi thở ra, xem nó dài bao nhiêu. Có thể đếm thầm trong trí: một, hai, ba, v.v…Sau vài lần như thế, ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra; ví dụ chiều dài ấy là 5. Bây giờ ta dự tính thêm vào 1 hay 2 nữa để cho hơi thở ra của ta dài tới 6 hay 7. Thế là lần này khi thở ra, ta bắt đầu đếm từ một đến 5, thay vì chuẩn bị thở vào, ta cứ tiếp tục thở ra thêm 1 hay 2, đếm tiếp là 6,7. Như vậy có nghĩa là ta đem thêm không khí dơ trong phổi ra ngoài. Xong rồi ta buông thả, để hai phổi ta tự động đưa không khí trong lành vào.” (Trong “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”, trang 34, 35, 36, in lần thứ 10).

Riêng Thiền Sư Sogyal Rinpoche, Ngài lại hướng dẫn phương thức khác; “ Vậy khi Thiền định, bạn hãy thở tự nhiên, như thường ngày bạn thở. Tập trung sự chú ý của bạn vào hơi thở ra. Khi thở ra bạn hãy buông ra theo hơi thở. Tưởng tượng hơi thở bạn tan vào trong khoảng không bao la của chân lý. Mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có môt khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến. Hãy an trú trong khoảng hở ấy, không gian rộng mở ấy. Và khi tự nhiên bạn thở vào, thì đừng chú ý hơi thở vào, mà cứ tiếp tục an trú tâm nơi khoảng hở đã mở ra ấy.”  (Trong tác phẩm “Đưa Tâm Về Nhà”, trang 37). Ngài còn nhấn mạnh: “Đừng quá tập trung vào hơi thở, chỉ để cho nó chừng 25 phần trăm, còn 75 phần trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la. Càng chánh niệm về hơi thở, bạn càng tỉnh thức về chính mình, gom lại những mảnh vụn phân tán của bạn thành một nhất thể, tính nhị nguyên và ngăn cách tan biến. Tuy nhiên, có nhiều người không được thoải mái với pháp quán hơi thở, họ còn thấy gần như bị ngộp.”

(Trong tác phẩm “Đưa Tâm Về Nhà”, trang 38).

Thêm một vài hướng dẫn khác về hơi thở lúc ngồi Thiền của Thiền Sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso như sau (Trích từ Wikipedia):

“When we have settled down comfortably on our meditation seat we begin by becoming aware of the thoughts and distractions that are arising in our mind. Then we gently turn our attention to our breath, letting its rhythm remain normal. As we breathe out we imagine that we are breathing away all disturbing thoughts and distractions in the form of black smoke that vanishes in space. As we breathe in we imagine that we are breathing in all the blessings and inspiration of the holy beings in the form of white light that enters our body and absorbs into our heart. We maintain this visualization single-pointedly with each inhalation and exhalation for twenty-one rounds, or until our mind has become peaceful and alert. If we concentrate on our breathing in this way, negative thoughts and distractions will temporarily disappear because we cannot concentrate on more than one object at a time. At the conclusion of our breathing meditation, we should think `Now I have received the blessings and inspiration of all the holy beings.’ At this stage our mind is like a clean white cloth which we can now colour with a virtuous motivation such as compassion or bodhichitta.”

Thiền Sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso

Tạm dịch:

“Sau khi đã ổn định chỗ ngồi để toạ Thiền, chúng ta bắt đầu tập trung tư tưởng. Sau đó chúng ta để ý đến hơi thở và để cho nhịp thở ra vào bình thường. Khi thở ra, chúng ta cứ tưởng tượng là chúng ta đang thở ra ngoài những vọng tưởng, như là làn khói đen, sẽ biến mất trong khoảng không. Khi hít vào, chúng ta cũng tưởng tượng rằng chúng ta đang hít vào những hồng ân và những cảm hứng của những sinh vật thiêng liêng dưới hình thức là ngọn bạch quang và chính luồng bạch quang này xuyên vào trong cơ thể ta và thấm dần vào trong tim ta. Chúng ta cần duy trì sự tưởng tượng về hình ảnh nầy mỗi lần thở ra hay hít vào cho đến khi ta cảm thấy tâm rí đã an bình. Nếu chúng ta tập trung vào hơi thở theo phương thức này, những tư tưởng tiêu cực tạm thời sẽ biến mất vì chúng ta không thể tập trung hơn một đối tượng cùng một lúc. Để kết luận về hơi thở lúc toạ Thiền, chúng ta nên nghĩ rằng “Bây giờ, tôi đã nhận được những hồng ân và phước lành từ những đấng linh thiêng”. Ở giai đoạn này, tâm trí tôi giống hệt như tấm vải trắng tinh mà chúng ta có thể biến thành màu sắc đức hạnh như là lòng trắc ẩn và từ bi.”

Nhưng theo Trưởng Lão Thích Thông Lạc trong các trang mạng sau đây:

Nguồn sách:

http://www.nguyenthuychonnhu.net/ebooks/NhungLoiGocPhatDay-1.pdf

Bài: http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/310-pxdcptt

thì Trưởng Lão  Thích  Thông Lạc nhắc đến lời dạy của Đức Phật sau đây rất quan trọng:

1- Nhất tâm là định.

2- Bốn niệm xứ là định tưởng.

3- Bốn tinh cần là định tư cụ.

4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

5- Thở vô và thở ra là thân hành.

6- Tầm tứ là khẩu hành.

7- Tưởng thọ là tâm hành.

Và căn cứ những chân lý bất biến trên, Trưởng Lão Thích Thông Lạc có những nhận xét khác biệt với hầu hết các Thiền Sư về hơi thở như sau:

“Ví dụ ngồi tu tập Ðịnh Niệm Hơi Thở, nếu cứ mãi lo tập trung trong hơi thở thì bị ức chế tâm.Cho nên khi tu Ðịnh Niệm Hơi Thở mà quan sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp nếu có một chướng ngại pháp nào hiện đến trong bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì khắc phục, đẩy lui như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu và trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. Nhưng khi bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp không có chướng ngại pháp thì tâm ở đâu? – Tâm ở tại hơi thở. Tâm ở tại hơi thở mà không bắt buộc tâm bám vào hơi thở. Tâm định trên niệm của hơi thở, tức là không ức chế tâm vào hơi thở. Nên trong kinh Nguyên Thủy, Phật gọi là “Ðịnh Niệm Hơi Thở” chứ không gọi là “Quán Niệm Hơi Thở”, vì Quán Niệm Hơi Thở tức là ức chế tâm bám vào hơi thở. (Còn cứ ĐỂ TÂM TỰ NHIÊN BIẾT HƠI THỞ RA VÔ, mới gọi là ĐỊNH). Chúng ta nên đọc lại bài kinh “Nhập Tức Xuất Tức” trong kinh Nguyên Thủy: “Quán ly tham, tôi biết, tôi hít vô. Quán ly tham, tôi biết, tôi thở ra”. Chữ “Quán” ở đây có nghĩa là xả tâm: “Quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở hít vô. Quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở thở ra”. Chứ không phải “hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Đó là cách thức tu tập ức chế tâm để tỉnh thức, chứ không phải xả tâm.”

Ngoài việc thực tập theo sách vở tôi cũng thực tập theo lời chỉ dẫn trực tiếp của bạn bè. Người bạn chỉ dẫn cho tôi đó là anh Trần Văn Cát, cựu Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt, người bạn tù thân nhất của tôi trong trại tù tại trại Ái Tử và Bình Điền mà tôi đã dành riêng nửa chương để viết về anh trong Hồi Ký Trại Ái Tử Và Bình Điền của tôi xuất bản năm 1993. Anh Trần Văn Cát đi tu đã 25 năm rồi sau khi ra khỏi tù được vài năm. Lúc đầu anh tu trên một ngọn núi ở tỉnh Tuy Hoà. Sau khi qua Mỹ theo diện HO, anh chỉ tu tại gia và đang ở tại tiểu bang Massachusetts. Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm anh ấy và mỗi lần gặp anh, anh thường giảng về Phật Pháp cho tôi nghe. Khi nào cần bộ kinh gì để nghiên cứu, anh nhờ tôi lên các chùa thỉnh về rồi gởi cho anh ta. Riêng về vấn đề thở trong lúc tọa Thiền, anh Cát hướng dẫn cho tôi rằng, khi hít vào thì đọc thầm trong miệng hai chữ NAM MÔ, khi thở ra thì đọc bốn chữ A-DI -ĐÀ- PHẬT. Hơi thở cũng từ từ, thong thả, lúc hít vào cũng như lúc thở ra. Rồi cứ như thế mà tiếp tục vừa thở ra hít vào vừa niệm 6 chữ A-DI-ĐÀ-PHẬT.

Tạm dẫn chứng một số phương thức nói trên, tôi thấy nhìn chung các vị Thiền Sư cũng như bạn bè đều dạy bảo phương pháp toạ thiền tương đối giống nhau nhưng riêng vấn đề hơi thở, tôi thấy các Thiền Sư đều nói chung chung về lượng không khí mà ta thở ra và hít vào. Thiền Sư này thì nhấn mạnh rằng thở “đừng mạnh cũng đừng gấp, thở thật dài và sạch”. Thiền Sư khác lại dạy rằng “Phải để ý là không nên thở dài đến mức tối đa. Làm như thế có thể nguy hiểm cho phổi.” hay “Thở vài hơi tự nhiên rồi khởi sự chú ý đến hơi thở ra, xem nó dài bao nhiêu. Có thể đếm thầm trong trí: một, hai, ba,v..v…Sau vài lần như thế, ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra”. Riêng Thiền Sư Sogyal Rinpoche ngài lại bảo“Đừng quá tập trung vào hơi thở, chỉ để cho nó chừng 25 phần trăm, còn 75 phần trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la”.

Thiền Sư Sogyal Rinpoche

Xem thế, thật là khó khăn khi chúng ta muốn lúc hít vào và lúc thở ra, những động tác này phải được đều đặn, đồng bộ. Như thế rõ ràng lần hít thở nầy khác hẳn với lần hít thở khác về số lượng không khí đưa vào và đẩy ra khỏi phổi. Sự không đồng đều này nhiều khi làm cho phổi bị mệt lúc hít vào, thở ra. Vã lại, đo “chiều dài” hơi thở là cả một vấn đề khó khăn, phức tạp, thực hiện có tính cách tương đối thôi.  Vì vậy, sau khi thực tập theo những phương pháp do các Thiền Sư dạy bảo, tôi thấy khó thích ứng với những phương pháp này. Vì thế tôi tự nghĩ ra một phương pháp riêng của tôi để khi hít vào và lúc thở ra, tôi sẽ tiếp nhận một số lượng không khí tương đối giống nhau cho mỗi lần hít thở. Đó là thở theo nhịp điệu của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng lúc hít vào, không khí sẽ di chuyển bao nhiêu trường canh (measure) rồi dừng lại. Sau đó lúc thở ra, không khí cũng sẽ di chuyển bao nhiêu trường canh rồi phải dừng lại. Làm như vậy số lượng không khí lúc hít vào sẽ bằng nhau, và số lượng khí carbonic thải ra cũng bằng nhau. Động tác thở theo nhạc này làm cho phổi hít thở được đều đặn và phổi khỏi bị mệt. Nếu hành giả nào không chịu thở cho đúng nhịp sẽ làm cho số lượng không khí vào ra không đều khiến phổi bị mệt, hành giả ấy xem như bỏ cuộc (giống như ca sĩ hát sai nhịp sẽ coi như bị loại vậy).

Sau đây là một đoạn nhạc tôi sáng tác để ứng dụng cho nhịp thở:

  • Khuông nhạc thứ nhất ứng dụng lúc hít vào.
  • Khuông nhạc thứ hai ứng dụng lúc thở ra.
  • Hai khuông nhạc kế tiếp là sự nối tiếp hơi thở ( giống như hai khuông nhạc trên)

Lúc hít vào, ta bắt đầu đếm thầm các số 123456 trong miệng giống như đang hát vậy. Vì giống như ca sĩ đang hát, hết trường canh nầy ta sang trường canh khác nên số lượng không khí lúc hít vào hay thở ra rất đều đặn.  Hít vào làm sao lúc ngang số 6 là phổi đã đầy không khí rồi. Sang trường canh thứ tư thì phải ngưng hít vào để nghỉ một thời gian hai nhịp (tôi để dấu lặng trắng).

Sau khi ngưng hít vào hai nhịp ở trường canh thứ tư xong, ta bắt đầu thở ra ở trường canh thứ nhất của khuông nhạc thứ hai ngay và cứ thế ta đếm thầm trong miệng như hát 12345678. Khi thở ra đến số 6 ở trường canh thứ 3 của khuông nhạc thứ hai là lúc ta đẩy hết không khí trong phổi ra xong. Sở dĩ lúc thở ra ở trường canh thứ tư tôi cũng để một dấu lặng trắng vì theo Thiền Sư Sogyal Rinpoche, “mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có một khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến. Hãy an trú trong khoảng hở ấy, không gian rộng mở ấy.” Nghĩa là Ngài bảo rằng lúc thở hết hơi trong phổi ra rồi, sẽ có một khoảng thời gian nghỉ rất ngắn trước khi hít không khí vào phổi lại. Và cứ thế vừa thở ra xong ta lại bắt đầu hít vào ở khuông nhạc thứ ba rồi tiếp tục như thế hít vào thở ra lúc toạ Thiền. Nhờ phương pháp này mà thể tích không khí vào ra trong buồng phổi tương đối đều đặn giống nhau, không làm cho phổi bị mệt. Dĩ nhiên lúc thở ra hay hít vào phải từ từ giống như ca sĩ hát phải từ từ để cho đúng nhịp. Đối với phương pháp này tôi phải lấy máy đánh nhịp Metronome của nhà sáng chế Johann Maelzel, chế tạo năm 1815, ngõ hầu đưa ra một số lượng tiếng gõ nhịp thật chậm để tôi theo đó mà thở cho thong thả. Thực tập thở theo phương pháp này, tôi tạm thử lấy số lượng tiếng gõ của máy Metronome trung bình là: Allegro M.M.  = 180. Trong mấy khuông nhạc, tôi để tượng trưng mấy gạch dọc cho có vẻ là những nốt nhạc thôi chứ không ghi nốt nhạc nào cả. Cuối đoạn nhạc tôi không viết hai vạch nhạc để chấm dứt, vì còn thở ra hít vào liên tục. Nếu tôi để hai vạch sổ dọc như tất cả những bản nhạc để chấm dứt theo luật sáng tác, thì một số hành giả nếu tập theo phương pháp này sẽ ngưng thở giống như ngưng hát ngay.

Vẫn biết rằng vì luôn suy nghĩ đến nhịp điệu của hơi thở nên tâm bị phân tán nhưng theo Thiền sư Osho, cần phải có những kỷ thuật trước để loại khỏi những chướng ngại trước khi Thiền, nên tôi vẫn tập theo cách thở của tôi xem sao; mặc dầu Ngài Krisnamurti không chấp nhận phải có phương pháp kỷ thuật trước vì sẽ cản trở việc nhập Thiền. Và cứ thế tôi thực tập thường xuyên ngày này qua ngày khác. Thường thì sau mỗi lần ngồi Thiền, các hành giả thường cử động chân tay qua lại cho máu lưu thông vì lúc ngồi Thiền bất động, máu trong cơ thể không được luân lưu đều đặn. Riêng tôi, cứ mỗi lần sau thời gian tọa Thiền xong, tôi thường bấm hay thoa mạnh vào các huyệt đạo để đả thông kinh mạch cho máu lưu thông trở lại. Trên đầu thì tôi thoa huyệt Bách hội, tiếp theo tôi vò hai cái tai. Vì trong khoa Nhĩ Châm, trên vành tai đều có tất cả các huyệt đạo để chữa bệnh cho lục phủ ngũ tạng. Kế đến, tôi dùng bàn tay thoa vào trán và mặt vì trong khoa Diện Châm, trên mặt cũng có tất cả các huyệt để chữa bệnh như khoa Nhĩ Châm vậy. Tuy nhiên nhiều khi tôi chỉ thoa vào huyệt Ấn Đường ở trán, các huyệt Tinh Minh, Toán Trúc ở mắt, hai huyệt Nghinh Hương ở hai bên mũi mà thôi. Sau đó tôi tiếp tục thoa vào hai cánh tay để làm cho máu ở hai tay lưu thông đều đặn trở lại. Nhưng thường thì tôi hay ấn vào ba huyệt tương đối quan trọng của đường kinh Thủ Dương Minh Đại Trường là huyệt Kiên Ngung, Khúc Trì và Hiệp Cốc là đủ. Tiếp theo, tôi thoa mạnh hai bàn tay vài chục giây vì trên mu bàn tay cũng như trong lòng bàn tay, có rất nhiều huyệt đạo. Riêng đối với bắp đùi, cẳng chân, khi thì tôi thoa mạnh khi thì tôi bấm vào các huyệt Hoàn Khiêu, Phong Thị của đường kinh Thiếu Dương Đởm, rồi các huyệt Độc Tỷ, Túc Tam Lý, Phong Long của đường kinh Túc Dương Minh Vị thì máu cũng lưu thông. Vì trong thời gian đang còn thực tập nên chưa dám suy tư về những tư tưởng cao siêu để đạt đến giác ngộ. Mà chỉ cố gắng làm sao tập thở cho đúng phương pháp tọa Thiền do các Thiền sư để lại trong sách vở mà thôi. Ngoài những vấn đề liên quan đến cách ngồi, cách thở, lúc toạ Thiền thường gặp một số trở ngại khác làm cho việc hành Thiền không có kết quả, hay lắm lúc phải vất vả lắm mới hành Thiền được. Theo Ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14.

Ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14.

thì “Kinh điển Phật giáo đề cập đến 4 loại trở ngại chính, một Thiền giả phải vượt qua để đi tới mức thành công. Thứ nhất là các vọng tâm hay những tư tưởng tán loạn khởi lên trên bình diện thô thiển của tâm thức làm cho ta không thể định tâm được. Loại thứ hai là sự buồn chán, hôn trầm khiến cho thiền giả ngủ gục. Loại thứ ba là sự buông lung, giải đãi, tâm ta không giữ được sự tinh tường sáng sủa. Cuối cùng vi tế hơn, đó là sự lăng xăng, khích động bắt nguồn từ bản chất dễ lay động của tâm.” (Trong tác phẩm “Transforming the mind” Chuyển hoá tâm) của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Chân Huyền dịch, trang 21). Vì mới thực tập hành Thiền nên tôi gặp trở ngại này thường xuyên và đang tìm cách vượt qua. Để vượt qua những trở ngại này Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khuyên chúng ta: “Trong 4 loại trở ngại của Thiền tập, hai loại chính là sự tán loạn và buông lung. Chúng ta phải đối phó với 4 thứ chướng ngại này ra sao? Tâm buồn chán hôn trầm thường liên quan tới tình trạng sức khoẻ của cơ thể, như thiếu ngủ chẳng hạn thường làm cho chúng ta hôn trầm. Khi ăn uống không thích hợp với tình trạng cơ thể hoặc ăn nhiều quá, ta cũng dễ bị buồn nản. Đó là lý do các vị tăng sĩ trong tu viện Phật giáo thường được khuyên không nên ăn quá ngọ (sau bữa trưa). Giữ giới này, các tăng ni có thể giữ được đầu óc tỉnh táo phần nào khi hành thiền, và tâm trí cũng sáng suốt hơn khi thức dậy buổi sớm hôm sau. Thói quen ăn uống đúng phép có ảnh hưởng rất tốt để chống lại sự hôn trầm, buồn nản. Đối với tâm buông lung giải đãi, người ta cho rằng sở dĩ Thiền giả bị như vậy vì họ thiếu năng lượng khi hành Thiền, khiến cho họ không giữ được tỉnh thức. Khi gặp chướng ngại này, ta cần làm sao để cho tinh thần được phấn chấn. Một trong các phương cách tốt nhất là ta nên nuôi dưỡng sự lạc quan vui vẻ khi nghĩ tới những thành quả của các việc thiện ta đã làm được trong đời v v…Đó là một thứ đối trị được với tâm buông lung giải đãi.” (Trong tác phẩm “Chuyển hoá tâm” của Đức Đạt Lai lạt Ma tứ 14, trang 23).

Ngoài việc tập tọa Thiền ở nhà, mỗi lần vào bơi trong hồ bơi của Bally Gym Center, tôi cũng ngồi tập tập trung tư tưởng như phương pháp Thiền luôn. Mỗi lần dầm mình trong nước nóng, nước ấm thì đúng hơn, trong spa, tôi thường chỉ ngâm mình khoảng 20 phút thôi. Vì nếu ngâm lâu quá sẽ làm cho cơ thể nóng lên không tốt cho sức khoẻ. Trong thời gian ngâm mình trong nước nóng, tôi ngồi trên băng ghế dài bằng đá nằm dưới nước rồi dựa lưng vào thành bờ hồ. Tôi cũng ngồi theo thế bán già, hai tay để úp vào đầu gối, rồi bắt đầu tập trung tư tưởng. Có lần lúc bắt đầu ngồi tập trung tư tưởng, tôi nhìn đồng hồ treo trên tường trước mặt là 4:00 giờ chiều. Tôi liền nhắm mắt để thực tập bất chấp cả nước nóng đang sôi kêu lùng bùng quanh cơ thể mình và nước sủi bọt lên chung quanh ngực mình. Vì nước nóng sủi bọt lên tạo thành những gợn sóng, và hai vòi nước phun ra phía sau lưng tôi từ từ đẩy nhẹ cơ thể tôi ra khỏi chỗ ngồi, khiến tôi trở thành một vật của nguyên lý Archimedes làm tôi tỉnh dậy vì sắp chìm dưới đáy hồ. Mở mắt ra, tôi thấy một ông Mỹ già ngồi ngâm nước nóng bên phải tôi cách tôi khoảng một thước, trước mặt tôi một ông già có vẻ người Trung Đông cũng đang ngồi ngâm nước nóng dựa lưng vào bờ thành. Hai ông già này xuống ngâm nước trong spa bên cạnh tôi lúc nào tôi cũng chẳng hay biết, vì lúc tôi xuống ngâm nước rồi bắt đầu tập trung tư tưởng, trong spa chỉ có một mình tôi thôi. Nhìn đồng hồ trên tường tôi thấy kim dài chỉ con số10. Điều này chứng tỏ trong thời gian 10 phút đó tôi ngồi Thiền trong nước nóng đang sủi bọt quanh tôi mà tôi chẳng biết gì chung quanh cả. Thế rồi tôi tự nhủ thầm rằng, đang thực tập ngồi tập trung tư tưởng như vậy là khá lắm rồi, nhưng tiếc rằng chỉ được có 10 phút thôi. Khi tôi mở mắt ra, hai ông già nói trên nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên vì thấy tôi vừa ngồi ở một tư thế như tư thế của một người tập Yoga. Có lẽ hai ông già ấy nghĩ rằng tập yoga mà lại tập ngồi trong nước nóng sủi bọt như đang sôi? Chuyện khó tin nhưng lại có thật vì đang xảy ra trước mắt họ!

Hết tập ngồi tập trung tư tưởng trong spa tôi lại tập ngồi tập trung tư tưởng trong phòng tắm hơi (Steam room). Thường mỗi khi tắm hơi tôi chỉ ngồi khoảng 7 phút thôi, lâu lắm là 10 phút. Riêng trong phòng sauna, tôi chỉ ngồi 15 phút như chỉ thị treo trên tường trước cửa vào phòng. Bởi vì nếu ngồi lâu hơn mồ hôi sẽ ra nhiều quá đưa đến tình trạng mất nước trong cơ thể, dễ sinh bệnh (Đông y gọi là âm hư). Dĩ nhiên ngồi trong phòng tắm hơi giống như ngồi xông hơi trong mền lúc bị cảm cúm vậy. Hơi nóng toả ra khắp phòng rồi nhỏ từng giọt nước rất nóng. Mồ hôi ra như tắm. Lúc vào phòng tắm hơi mọi người thường im lặng nhiều hơn là nói chuyện. Đó là lý do tại sao tôi muốn thực tập tập trung tư tưởng ngay cả trong phòng tắm hơi và cũng để thử thách xem mình ngồi chịu đựng trong hơi nóng được bao lâu. Có lần tôi ngồi tập trung tư tưởng một mình trong phòng, mắt lim dim. Tôi cố gắng không để ý gì trong phòng cả, nhưng rồi vẫn cảm nhận được mồ hôi toát ra trên lưng, trên cơ thể; cảm nhận được hơi nóng đang toả ra khắp phòng. Nếu so với sức nóng của nước trong spa thì hơi nóng trong phòng tắm hơi nóng hơn nhiều, có thể gấp đôi, gấp ba; nhất là lúc máy bắt đầu chạy để cho hơi nóng toả ra giữa phòng. Bỗng nghe một tiếng ho làm tôi “tĩnh mộng”. Tôi liền mở mắt ra thì thấy một Ông Mỹ già khoảng 75 tuổi bước vào phòng để xông hơi. Bước ra khỏi phòng nhìn đồng hồ treo trên tường, tôi thấy mới ngồi tập trung tư tưởng được khoảng 7 phút thôi. Ngồi tập trung tư tưởng được bảy phút trong phòng tắm hơi lúc hơi nóng đang toả ra mà không biết gì xảy ra quanh mình là cả một vấn đề trong thời gian mới thực tập! Dĩ nhiên trong thời gian ngồi thực tập tập trung tư tưởng trong spa cũng như trong phòng tắm hơi the steam room, sauna), tôi không bao giờ hít ra thở vào theo phương pháp đếm hơi thở lúc hành Thiền; vì hai địa điểm này hơi nóng toả ra quá nhiều nếu hít hơi vào sẽ rất nguy hiểm cho phổi và dễ bị sặc ngay. Cũng như không đọc kinh hay nghĩ gì liên quan đến Phật pháp vì nơi đây là những địa điểm không được trong sạch cho lắm, mà chỉ ngồi tập trung tư tưởng thì đúng hơn, và suy nghĩ đến một vấn đề nào đó hay đếm từ số 1 đến số 10 rồi đếm ngược lại. Mục đích chỉ là xem cơ thể mình chịu đựng sức nóng ra sao lúc ngồi tập trung tư tưởng và quên đi ngoại cảnh xung quanh mình. Lợi dụng lúc ngồi tập trung tư tưởng trong phòng này, ta nên ngồi thật thẳng lưng rồi cho lưng dựa sát vào tường. Lúc mới dựa vào, da lưng cảm thấy rất nóng. Tuy nhiên nếu để yên như thế khoảng vài dây sau, da sẽ quen và chịu đựng được hơi nóng ngay. Để lưng dựa sát vào tường rất lợi ở chỗ trên lưng, có hai dãy huyệt của Bàng Quang Kinh nằm trên hai đường thẳng song song và đối xứng với xương sống chạy từ hai vai xuống hai mông. Hai dãy huyệt này có thể chữa tất cả các bệnh của cơ thể; đặc biệt là lục phủ và ngũ tạng tâm, can, tỳ, phế, thận vì trên hai dãy huyệt nầy có các huyệt tâm du, can du, tỳ du, phế du, thận du. Vì thế nên khi lưng nóng lên, các huyệt này cũng sẽ nóng lên xem như đang được châm cứu nên kinh mạch trong cơ thể được đả thông, khiến cơ thể cảm thấy sảng khoái lên.

Nói chung, trong thời gian tập Thiền, tôi luôn luôn tập bất cứ lúc nào và nơi nào tôi có thể thực hành được là tôi tập. Từ trong nhà, sau vườn dưới cây cam, trong spa, trong phòng tắm hơi (steam room, sauna) của Bally Gym Center. Khi thì tôi đứng Thiền, khi thì ngồi Thiền, thỉnh thoảng cũng nằm Thiền nữa. Vì đang thực tập Thiền nên tôi tập tổng hợp theo nhiều phái khác nhau để thử nghiệm và theo Thiền sư Osho, đi, đứng, nằm ngồi đều Thiền được cả.

Và sau khi cảm thấy thực tập được vững vàng, tôi sẽ bắt đầu hành Thiền thật sự.

Dương viết Điền, California, ngày 04 tháng 09 năm 2012

Tác giả đang thực tập tọa Thiền dưới cây cam sau vườn