Dương Viết Điền,  Văn Thơ

MÙA ĐÔNG QUA THI CA VIỆT NAM

Ai cũng biết rằng mùa đông là mùa lạnh lẽo nhất trong bốn mùa. Đó là mùa của băng giá của lạnh lùng, mùa của mưa rơi tơi tả suốt cả ngày đêm. Bầu trời luôn luôn vẩn đục vì mây mờ phủ kín thường xuyên. Đã thế, nhiều lúc sấm chớp liên hồi làm kinh thiên động địa rồi gió thổi ào ào làm lá vàng rơi rụng phủ ngập khắp nơi, khiến cảnh vật mùa đông trở nên ủ dột âm u, đìu hiu cô quạnh. Trước cảnh đông về ai cũng thấy lòng mình u buồn man mác, để rồi suốt mùa đông nghe trái tim như tê buốt giá băng vì sự lạnh lẽo và u buồn, cũng như vì mưa rơi gió thổi suốt cả đêm ngày khiến nhiều thi nhân trên thế giới ghét cay ghét đắng mùa đông. Điển hình là nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ qua bài thơ “To Winter”với những dòng thơ đầy phẫn nộ mùa đông:

“Blow, blow thou winter wind

away from here

And I shall greet thy passing breath

without a tear

I do not love thy snow and sleet

or icy floes

when I must jump or stamp to warm my

freezing toes.

… …

I am cold, no matter how I warm

or clothe me

O winter, greater bards have sung

I loath thee”

Tạm dịch:

“Nhà ngươi hãy thổi đi hỡi cơn gió mùa đông

Thổi xa khỏi nơi đây

Và ta sẽ đón chào hơi thở của nhà ngươi qua đây

mà chẳng thèm khóc.

Ta chẳng thích gì những trận mưa tuyết

của nhà ngươi

hay những tảng băng giá lạnh

Khi ta phải nhảy nhót hay dậm chân,

vì nững ngón chân tê cóng

… …

Ta lạnh và dầu ta được sưởi ấm thế nào chăng nữa

hay mặc áo quần cho ta

Mùa đông ơi! những nhà thơ vĩ đại vẫn thường hát

Ta khinh tởm nhà ngươi”.

Nhưng đối với thi ca Việt Nam, ta thấy ít người ghét mùa đông như nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ. Trái lại nhiều nhà thơ tả cảnh mùa đông thật đẹp và nên thơ. Vì mùa đông quá lạnh lẽo và buồn bã nên các thi nhân cũng như các nhạc sĩ ít nói về mùa đông. Tuy vậy ta cũng thấy bàng bạc trong thi ca Việt Nam nhiều bài thơ nói về mùa đông đã được nhiều nhà thơ sáng tác thật công phu và đầy ý nghĩa. Nhất là những bài thơ tình yêu. Nhiều nhạc sĩ cũng thế, họ đã sáng tác nhiều bản nhạc thật trữ tình và ướt át để ca ngợi những mối tình nồng nàn lãng mạn xuyên qua những mùa đông tê buốt giá băng. Trong chúng ta hầu như không ai không biết bản nhạc “Mùa đông của anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào năm 1970, với nhịp điệu Boléro thật dễ thương. Chính bản nhạc này đã khiến tim ta bồi hồi xúc động khi nghe ca sĩ hát như than thở về tình yêu băng giá giữa dòng đời: “Em ơi! đông lại về từ trăm năm lạnh giá, tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó. Em nghe không mùa đông, mùa đông!”.

Thấy nhiều nhạc sĩ run rẩy thành nhạc khi mùa đông lại về, nên nhiều thi nhân cũng đã đắm mình trong mưa gió bão bùng, giữa cơn giá rét căm căm của mùa đông để dệt nên những dòng thơ ủ dột âm u, nghìn đời băng giá. Người thì sáng tác những bài thơ nói về biệt ly khi mùa đông đến. Kẻ thì khóc gió than mây vì mùa đông sao lạnh lùng tê buốt triền miên. Rất nhiều thi sĩ bắt đầu yêu lại gặp mùa đông về trong giá lạnh. Lắm nhà thơ cũng đã từng cảm thấy cô quạnh giữa đêm đông điêu tàn. Ta hãy nghe thi sĩ Lưu Trọng Lư yêu khi mùa đông về:

“Yêu hết một mùa đông

Không một lần đã nói

Nhìn nhau buồn vời vợi

Có nói cũng không cùng

… …

Giờ hết một mùa đông

Gió bên thềm thổi mãi

Qua rồi mùa ân ái

Đàn sếu đã sang sông”.

(Lưu Trọng Lư)

Tuy nhiên, nhiều khi đã yêu được rồi mà lòng vẫn buồn da diết vì tình yêu bị ép buộc. Nhất là khi mùa đông lại về giữa cuộc đời đầy bão táp mưa sa, nên dù nằm bên chồng mà trái tim vẫn tê buốt giá băng:

“Biết chăng chi? mỗi mùa đông

Đáng thương những kẻ có chồng như em

Vẫn còn thấy lạnh trong tim

Đan đi đan lại áo len cho chồng”.(T.T.KH)

Mùa đông là mùa buồn bã, mùa của mưa gió triền miên, mùa của giá rét u sầu. Thế mà lại phải xa nhau, lại biệt ly thì chỉ còn nức nở nghẹn ngào, rồi nhìn nhau buồn vời vợi, chẳng nói được lời nào. Ta hãy nghe nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào khi tiễn em về xứ mẹ lúc mùa đông vừa đến ở Paris:

“Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly

……….

Tuyết rơi mỏng manh buồn

Ga Lyon đèn vàng

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng”.

Chỉ có một số thi nhân đề cập đến tình yêu trong mùa đông, còn lại là những bài thơ được diễn tả về cảnh điêu tàn của mùa đông hiu quạnh, với những cơn gió lạnh lùng làm cho cảnh vật trở nên tiêu điều xơ xác, làm cho bầu không khí luôn luôn rét mướt quạnh hiu.

Ta hãy nghe các thi nhân Việt Nam đua nhau tả cảnh mùa đông về trên đất Việt:

“Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,

Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng

Theo khe cửa sổ gió thổi rú

Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng”.

(Đông Hồ)

hay là:

“Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng

Giải buồn chén rượu lúc sầu đông

Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa

Gió phẩy mùa băng giải mặt sông”.

(Ngô Chi Lan)

Mặc dầu cảnh vật mùa đông thường đượm màu sắc âm u, ủ dột khi mưa gió bay về. Nhưng nhiều khi ta vẫn thấy một vài nơi trên quê hương xuất hiện nhiều cảnh đẹp tuyệt vời, với những lá vàng bay bay giữa cảnh chiều đông ruộng đồng ngập nước, có đàn cò trắng bay về phía chân trời xa thăm thẳm:

“Lá bàng

Như lá vàng

Rụng

Ôi! Đìu hiu

Cảnh chiều

Đông!

Ruộng ngập: mênh mông

Nước phẳng

Cò bay, yên lặng,

Quanh đồng

Thi tứ viễn vông:

Thần tưởng  tượng

Như đàn cò đói lượn

Đồng không”.

(Huế, đẹp và thơ – Nam Trân Nguyễn Ngọc Sỹ)

Tuy nhiên cảnh đẹp mùa đông lâu lắm mới xuất hiện. Có chăng đi nữa ta chỉ thấy một vài lúc trời quang mây tạnh, mưa thuận gió hòa. Còn thì suốt mùa đông mưa gió tơi bời, mây mờ che phủ. Các thi nhân rất rõ điều này nên đã sáng tác những dòng thơ nghe toàn mưa rơi gió thổi, bão tố đêm ngày, như một nhạc sĩ nào đó viết một bản nhạc mà khi hát lên ta tưởng chừng như bầu trời ngập cả mưa rơi, gió thổi, lá vàng bay khắp nẻo đường:

“Trời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi.

Bao cánh tan nát hoa rơi đưa về cuối trời, gió mưa tơi bời.

Ôi trời mưa gió điêu tàn… …”

Trái lại, một số thi sĩ khác đã tả về mùa đông với những cơn gió nhẹ nhàng, êm đềm, vì họ chỉ muốn lấy gió đông làm mốc báo hiệu cho đông đến hay đông đi mà thôi. Những vần thơ sau đây mà ngọn gió đông là biểu tượng chính:

“Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”.

(Nguyễn Bính)

Hay là:

“Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Vì ai ngăn đón gió đông

Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”.

(Nguyễn Du)

Hoặc là:

“Hoa thược dược mơ màng thuỵ vũ

Đoá hải đường thức ngủ xuân tiên

Cành xuân hoa chúm chím chào

Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai”.

(Ôn Như Hầu)

Hay là:

“Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

Nay đào đã quyến gió đông

Phù dung lại nở bên sông bơ sờ”.

(Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)

Nhiều thi sĩ sau những năm tháng sống nơi đất khách quê người, lòng luôn luôn hướng về quê cha đất tổ, để rồi ước mơ một ngày về thăm lại quê hương, nơi có lũy tre xanh bao bọc quanh làng, có hàng dừa xanh thẳng tắp dưới trời cao. Sống giữa cảnh tuyết rơi trắng xoá lạnh lùng, họ ước mơ một ngày trở lại. Nhưng rồi sự mơ ước trở về quê cũ có trở thành sự thật không? Hay vì nghịch cảnh của cuộc đời, khiến ước mơ đó chỉ còn là tuyệt vọng? Nếu những hoài bão đó không thành thì cuộc đời không còn gì nữa! Tâm hồn thi nhân như đã chết lịm theo mùa đông.

Ta hãy nghe nhà thơ Duy Lam nói lên những ước mơ đó:

“Tuyết rơi rơi đất lạ mênh mông

Hồn ta vất vưởng trôi trong không

Tang tóc trắng trời nơi đất hứa

Bao giờ ta mới hết nhớ mong

… ….

Nếu thế phải chăng hồn đã chết!

Dù xác vẫn đây mơ viễn vông

Dù sống đến cuối đời cũng chỉ

Giá băng vĩnh viễn một mùa đông”.

(Tuyết trắng)

Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy nhiều thi  nhân đã run rẩy vì cái lạnh triền miên của khí trời mùa đông, rồi dệt nên những bài thơ lâm ly não nuột, những điệp khúc tình sầu da diết trước cảnh vật điêu tàn đìu hiu, với mưa rơi gió thổi dai dẳng suốt đêm ngày.

Dương viết Điền