Dương Viết Điền,  Khánh Lan

KỶ NIỆM VỚI THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG

THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG (1932-2022)

Nào ai có thể đoán trước được rằng CHIỀU THƠ NHẠC THÍNH PHÒNG CUNG TRẦM TƯỞNG do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tổ chức ngày 20 tháng 11, 2019 đã là ngày cuối cùng mà anh em trong nhóm hội ngộ cùng thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Dù là đã bao lần nhà văn Việt Hải và nhóm dự định làm một chuyến đi chơi và thăm người thi sĩ tài ba họ CUNG. Tiếc thay NVNT & TTG chưa thực hiện được ước nguyện thì thi sĩ đã ra đi, ra đi trong sự thương tiếc của mọi người và thế giới thi ca đã mất đi một một nhà thơ đáng kính. Xin ghi lại đây những kỷ niệm năm xưa cùng thi sĩ.

THI SĨ CUNG TRẦM T;ƯỞNG CÙNG CÁC ANH CHỊ EM TRONG LIÊN NHÓM NVNT & TTG (Hình chụp trong Chiều Thơ nhạc thính phòng)

Khánh Lan ghi nhận, Oct. 2022

NV DƯƠNG VIẾT ĐIỀN VỚI NHỮNG KỶ NIỆM CÙNG THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG

Từ trái: Dương viết Điền và Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng

Được biết tên thật của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng là Cung Thúc Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Cựu Trung Tá Không quân VNCH. Tù Cộng Sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota, USA. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp.

Lúc còn theo học ở bậc trung học, tôi rất thích bản nhạc “TIỄN EM”, thơ của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc.

Cứ mỗi lần nghe bản nhạc nầy, tôi luôn luôn ước mơ làm sao được như Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng, đi du học ở bên Tây rồi tiễn đưa người tình về quê mẹ để rồi lúc chia tay, cả hai con tim đều thổn thức nghẹn ngào!

Chính bài thơ này do Phạm Duy phổ nhạc đã làm cho biết bao nhiêu cặp tình nhân nức nở lệ sầu mỗi khi biệt ly nhau.

Vì vậy lúc viết bài “Biệt Ly Qua Thi Ca Việt Nam”, tôi cố tìm cho ra bài thơ này để đưa vào trong bài viết của tôi. Thế là tôi quyết chí tìm cho ra Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng. Không biết ai đã cho tôi số điện thoại của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng tôi quên mất vì lâu ngày quá, cách đây những mười bốn mười lăm năm rồi. Cũng có thể là Nhà Thơ Cao Mỵ Nhân hay Nhà Văn Duy Lam cho tôi số điện thoại và nói cho tôi biết Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng hiện đang định cư tại tiểu bang Minisota thì phải. Thế là tôi nhấc điện thoại gọi Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng ngay. Sau khi nghe Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng lên tiếng ở đầu dây, tôi liền tự giới thiệu về tôi cho anh ấy biết. Sau đó tôi xin phép Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng được đăng bài “ Tiễn Em” vào trong bài viết “ Biệt Ly Qua Thi Ca Việt Nam” của tôi cho số xuất bản tuần tới của Nguyệt San Viễn Xứ, do Nhà Báo Phong Vũ làm chủ nhiệm, Nhà Văn Thinh Quang làm chủ bút. Dĩ nhiên anh ấy chấp thuận ngay. Nói đến bài thơ “Tiễn Em” của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi nhớ có lần gặp Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên trong đêm ramắt sách của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc tại Quận Cam cách đây cũng mười mấy năm. Lợi dụng lúc ra ngoài để hút thuốc, tôi đã gặp Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên.  Anh ấy nói với tôi hiện đang định cư tại tiểu bang Minisota. Nghe anh ấy nói vậy, tôi liền hỏi anh có hay gặp Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng bên đó không. Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên nói với tôi anh ta cũng hay gặp Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng. Tôi liền nói với Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên tôi có điện thoại cho anh Cung Trầm Tưởng để xin phép anh ấy đăng bài thơ “ Tiễn Em” trong bài viết của tôi vì tôi rất thích bài này. Nghe tôi nói đến bài thơ “TIỄN EM”, Nhà Thơ Tô Thuỳ Yên liền nói với tôi:

– Anh Cung Trầm Tưởng không bằng lòng Nhạc Sĩ Phạm Duy phổ nhạc  bài “ TIỄN EM” đoạn “ Em ơi! Khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em” và Nhạc Sĩ Phạm Duy cũng đã đổi câu “ Tuyết buông cuồng mênh mang” thành “Tuyết rơi buồn mênh mang”. Đã thế, nhan đề của bài thơ “ TIỄN EM” nguyên văn là “CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ” nhưng Nhạc Sĩ Phạm Duy đổi thành “TIỄN EM”. Sau đây là nguyên văn bài thơ “CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ” của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng.  Bản mới trích từ tác phẩm “Cung Trầm Tưởng, Một hành Trình Thơ (1948-2008) do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012.

Sau đó tôi có gởi tặng anh ấy tập thơ “Ngậm Ngùi” và tác phẩm hồi ký Trại Ái Tử Và Bình Điền. Khoảng tháng hai năm 1996, tôi lại gọi Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng hỏi xem anh ấy có viết bài gì không thì gởi qua để đăng vào Tạp chí Viễn Xứ. Nhân tiện Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng cũng cho tôi biết rằng, anh ta đang mở Phong Trào phản đối sự xâm nhập của Cộng Sản ở khắp nơi, trong đài VOA, đài BBC,vv… Sau đó tôi có đề cập đến sự rạn nứt của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nói với tôi rằng anh ta đã tiên đoán trước một năm là Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại sẽ sụp đổ.

Trước đây, lúc tôi điện thoại cho Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng vẫn trả lời cho tôi vì câu chuyện liên quan đến bài thơ “TIỄN EM” của anh ấy mặc dầu chưa bao giờ biết tôi. Sau khi tôi gởi tặng anh ấy mấy tác phẩm của tôi, anh ấy mới biết rõ tôi và đã tặng cho tôi thi tập “LỜI  VIẾT HAI TAY” của anh ấy.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đang ký sách tặng tác giả (2012)

Có lần đọc báo thấy Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng sắp ra mắt sách tại Quận Cam, tôi chuẩn bị xuống tham dự thì lâm bệnh nặng không đi được. Thế là muốn gặp Thi Sĩ của bài “TIỄN EM” một lần mà không được. Một thời gian sau khi tham dự buổi kỷ niệm ngày thành lập THƯ VIÊN VIÊT NAM, tôi liền xuống Quận Cam tham dự. Lúc vào trong, chú em tôi là Dương Viết Đang nói có Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng cũng đến tham dự. Thế rồi chú em tôi dẫn tôi đến giới thiệu với Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng. Sau khi chào Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng xong , Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn tôi rồi nói:

-Anh mà đẹp trai hơn em vậy?

Nghe Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng nói như vậy, tôi chỉ mỉm miệng cười.  Sau đó nhìn lại em tôi, tôi nghĩ rằng anh ấy nói cũng đúng thôi. Bởi vì mái tóc em tôi đều bạc trắng như vôi trong lúc tóc tôi đen tuyền óng mượt, mái tóc chải chuốt gọn gàng vì mới nhuộm chiều qua! Chứ nếu tôi không nhuộm, cứ để mái tóc bạc phơ chắc Thi Sĩ Cung Tầm Tưởng sẽ thấy tôi già hơn chú em tôi nhiều. Thỉnh thoảng tôi cũng hay nhuộm mái tóc cho trẻ trung một tí nếu không khuôn mặt thấy có vẻ già quá! Tôi nhớ lúc mới ra khỏi hàng rào kẻm gai của trại tù cải tạo vào năm 1985, mái tóc tôi đã bạc trắng như vôi rồi!

Chiều ngày 21 tháng 07 năm 2012, tôi xuống Quận Cam để tham dự buổi ra mắt thi tập “ Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” tổ chức tại Viện Việt Học. Đáng lẽ buổi ra mắt sách được tổ chức tại  hội trường Nhật Báo Người Việt, nhưng Nhật Báo nầy vừa bị công luận tẩy chay vì đăng bài của tác giả Sơn Hào nói xấu các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cọng Hoà nên ban tổ chức đã phải dời đến địa điểm khác là Viện Việt Học, nằm trên đường Brookhurst. Khi tôi đến đã thấy Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng đang ngồi ký sách tặng. Tôi cũng đứng sắp hàng để chuẩn bị nhận sách. Lúc đứng trước mặt  Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi nói tôi là Dương Viết Điền đây, anh của Dương Viết Đang. Nghe tôi nói vậy anh CTT nhận ra tôi ngay vì mới hai năm trước, tôi và em tôi đã gặp Thi Sĩ CTT trong ngày kỷ niệm đệ II (?) chu niên, ngày thành lập Thư Viện Việt Nam. Anh CTT thấy tôi liền nói:

  • Sao, vẫn viết lách lai rai chứ? Hay viết những đề tài gì? Tôi đọc thấy anh cũng viết nhiều đấy.

Tôi trả lời:

  • Dạ cũng viết lai rai chơi vậy anh. Trước đây em có viết cuốn hồi ký Trại Ái Tử Và Bình Điền. Em đã tặng anh rồi đấy. Tặng anh lâu lắm rồi, cách đây cũng khoảng mười mấy năm. Không biết anh còn nhớ không.

Anh CTT vừa cười vừa nói:

  • Sao, bây giờ anh viết gì đây để tặng Điền, Nhà Thơ, Nhà Văn, Điền muốn viết gì?

Tôi trả lời:

  • Anh viết gì cũng được. Anh muốn viết gì thì viết

Anh CTT liền nói:

  • Thôi, nhà văn nhé.

 Nói xong, anh CTT liền viết câu “Thân tặng Nhà văn Dương Viết Điền” và ký tên Cung Trầm Tưởng phía dưới rồi đề ngày 21-07-2012 luôn.

Cầm cuốn “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” do Tiếng Hương Quê xuất bản, tôi thấy đây đúng là một công trình vĩ đại. Thực hiện được là cả một vấn đề! Bởi cuốn sách dày đến 640 trang, bìa cứng, láng, giấy vàng chữ đen trông rất đẹp mắt.

Cung Trầm Tưởng.

Ngày 23 tháng 08 năm 2016, Nhà văn Việt Hải gởi e-mail sang tôi cho biết, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng ở Minisota sang California có việc, sẽ ghé thăm Việt Hải lúc 01:30 ngày 24 tháng 08 năm 2016. Thế là đúng 01:30 giờ ngày 14 tháng 08 năm 2016, tôi liền lái xe qua nhà anh Việt Hải để thăm Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đi chung một xe với một số anh chị em nghệ sĩ gồm giáo sư Trần Mạnh Chi, Hoạ sĩ Lưu Anh Tuấn và phu nhân, và nữ nhạc sĩ Hồng Tước. Lúc gặp Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, tôi liền chào anh ấy rồi nói:

  • Đã mấy năm rồi mới gặp lại anh kể từ ngày gặp anh ra mắt sách tại Viện Việt Học.

Nghe tôi nói như vậy, anh Cung Trầm Tưởng vẫn chưa nhận ra tôi mà chỉ bắt tay. Khi tôi nói cho anh Cung Trầm Tưởng biết “em là Dương viết Điền đây”, anh Cung Trầm Tường mới nhận ra tôi rồi vừa ôm chầm lấy tôi vừa nói “Ôi! Dương viết Điền đây nầy!”. Chiều hôm ấy, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến tiểu sử và những thi phẩm của ông ta cho chúng tôi nghe. Nào là hoàn cảnh và thời điểm Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Tiễn em”, nào là nhờ bài thơ “Tiễn em” được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mà danh tiếng của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng nổi lên như sóng cồn, đến nỗi khi đi đến đâu cũng có những người đẹp đi theo làm “cận vệ”, nào là sự bất đồng của thi sĩ về mấy lời thơ được phổ nhạc trong bài “Tiễn em”, v v…Bỗng tôi hỏi Thi sĩ Cung Trầm Tưởng:

  • Anh Cung Trầm Tưởng này, em hỏi nhỏ anh nhé. Nhân vật “em” trong bài “Tiễn em” của anh là ai vậy anh?

Anh Cung Trầm Tưởng trả lời ngay:

  • Thưở ấy, nhân vật “em” là những bà đầm Pháp thôi em ạ.

Thấy năm nay, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng đã 84 tuổi rồi mà nước da vẫn còn hồng hào, dáng người vẫn còn khoẻ mạnh nên tôi hỏi anh ấy, bí quyết nào làm anh ấy vẫn giữ được như thế. Anh Cung Trầm Tưởng liền trả lời:

  • Anh luôn luôn làm sao cho tâm trí được thoải mái. Phải cho đầu óc làm việc thường xuyên như đọc sách, ngâm thơ, xem TV, báo chí. Nhất là nghe nhạc cổ điển Tây phương trước khi đi ngủ v v…Ngoài ra anh còn tập thể dục như đi bộ hằng ngày.

Nhớ lại ngày ra mắt thi phẩm “Hành Trình Thơ” của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại Viện Việt Học ở Quận cam năm nào, tôi liền nói với anh Cung Trầm Tưởng:

  • Lúc anh chuẩn bị bay từ Minesota qua California để ra mắt thi phẩm “Cung Trầm Tưởng Một Hành Trình Thơ 1948-2008” tại phòng hội của nhật báo Người Việt năm 2012, em thấy không ổn vì lúc bấy giờ dân chúng đang phản đối nhật báo Người Việt. Em định gọi điện thoại cho anh để nói anh nên thay đổi địa điểm ra mắt sách của anh, nhưng không có số điện thoại của  anh đành chịu thua. Sau đó không biết ai đã giúp anh nên đã đổi địa điểm ra mắt sách cho anh rồi.

Anh Cung Trầm Tưởng trả lời:

  • Lúc ấy cô Hoàng Dược Thảo đã trình bày việc ấy cho anh biết và anh Trần Phong Vũ đã giúp anh địa điểm ra mắt sách nơi khác là Viện Việt Học em ạ.

Dương viết Điền

Sau đây là một số hình ảnh chụp chung với Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại tư gia của Nhà văn Việt Hải ở thành phố Canoga Park vào ngày 24 tháng 08 năm 2016

Từ trái: Nhà văn Việt Hải, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng ,Nhạc sĩ Hồng Tước và Dương viết Điền.
Từ trái: Nhà văn Việt Hải, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Tác giả, Giáo sư Trần Mạnh Chi, và Hoạ sĩ Lưu Anh Tuấn