• Tin tức,  Trần Huy Bích

    Giới thiệu sách “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại” và Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

    “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

    Tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”

    của nhà văn Khánh Lan

    (Bài nói chuyện của Gs. Trần Huy Bích tại NT Studio, Westminster, CA,

    GS Trần Huy Bích

    Ngày 19 tháng 9-2021)

    Kính thưa …

    Tôi rất vui được trao nhiệm vụ giới thiệu cuốn “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”

    và tuyển tập truyện trinh thám “Thám Tử Lê Minh”của nhà văn Khánh Lan.

    Cuốn trước gồm 11 bài viết riêng biệt. Trong bài đầu tiên, chị Khánh Lan viết chung với nhà văn Việt Hải, thuật lại cuộc bút chiến từ năm 1935 đến năm 1939 ở Việt Nam giữa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, người chủ trương nghệ thuật phải được dùng để phục vụ xã hội (nghệ thuật vị nhân sinh), và Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên, người đưa ra quan niệm nghệ thuật cần có giá trị về phương diện nghệ thuật, vì thế nên được tự do, không nên bị gò bó trong nguyên tắc, giáo điều (nghệ thuật vị nghệ thuật). Chị Khánh Lan đóng góp bằng cách cung cấp thêm một vài ý kiến của một số văn hào thế giới.

    Trong mười bài sau, chị viết về mười nhà văn danh tiếng của quốc tế cùng những tác phẩm chính của họ:

    –Erich Maria Remarque (Đức) với cuốn Zeit zu leben und Zeit zu sterben (bản dịch sang tiếng Anh: A Time to Love and a Time to Die; bản dịch sang tiếng Việt: Một thời để yêu và một thời để chết).

    Victor Hugo (Pháp) với cuốn Les Misérables (bản dịch sang tiếng Việt: Những kẻ khốn cùng).

    –Herman Hesse (nhà văn Đức với quốc tịch Thụy Sĩ). Với ông, chị giới thiệu hai cuốn: Demian (bản dịch sang tiếng Việt: Tuổi trẻ băn khoăn) và Siddhartha (bản dịch sang tiếng Việt: Câu chuyện dòng sông).

    –Alexandre Dumas, Jr. (Pháp) với cuốn La Dame aux camélias (bản dịch sang tiếng Việt: Trà hoa nữ).

    –André Gide (Pháp) với cuốn La Porte étroite (bản dịch sang tiếng Việt: Khung cửa hẹp).

    –Mark Twain (Hoa Kỳ) với cuốn The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer).

    –Marcel Proust (Pháp) với cuốn À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất).

    Ernest Hemingway (Hoa Kỳ) với cuốn The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả).

    Erich Segal (Hoa Kỳ) với cuốn Love Story (Chuyện tình yêu).

    –Boris Pasternak (Nga) với cuốn Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago).

    Tóm lại, Khánh Lan đã viết về 10 văn hào quốc tế (4 Pháp, 3 Mỹ, 1 Nga, 2 Đức, một vị sau đó lấy quốc tịch Thụy Sĩ), và tóm lược 11 tác phẩm của họ. Trong các văn hào chị giới thiệu, 4 vị đã được giải Nobel về Văn chương: André Gide, Herman Hesse, Ernest Hemingway, và Boris Pasternak. Giải này được phát từ năm 1901, không đi ngược thời gian để cân nhắc trường hợp các đại văn hào Victor Hugo và Alexandre Dumas, sáng tác từ thế kỷ trước.

    Trong một bài nhận xét của nhà văn Việt Hải cũng được in trong cuốn sách, anh Việt Hải ghi nhận rằng chị Khánh Lan đã tóm lược và đưa ra những suy nghĩ về ba cuốn tiểu thuyết xã hội lấy chủ đề là thân phận con người, ba cuốn với những suy tư triết học, hai tiểu thuyết về thời đại và chiến tranh, và hai tiểu thuyết thuộc khuynh hướng tình yêu lãng mạn.

    Trong tác phẩm thứ hai, tuyển tập truyện trinh thám mang tên “Thám Tử Lê Minh,” Khánh Lan giới thiệu với chúng ta một nữ thám tử xinh đẹp với nhiều điểm đặc sắc: “dong dỏng cao, mặt trái xoan xinh xắn, mắt phượng to tròn dưới hàng lông mi dài cong vút, mũi dọc dừa, nụ cười tươi giữa hai lúm đồng tiền làm tăng phần duyên dáng.” Một phần vì tên giống con trai nên khi lên Trung học bị nhà trường xếp vào lớp dành cho nam sinh, được chú ý một cách đặc biệt, một phần vì chơi với các anh trai từ nhỏ, Lê Minh đã quen với đá banh, bắn súng, đánh võ, xem phim bạo động hay trinh thám. Vì thế cô cũng “ngổ ngáo” như con trai: ghét cay ghét đắng nếu phải mặc áo dài, đi giày kiểu, xách bóp đầm …, nhưng thích cắt tóc kiểu demi-garçon, mặc quần jean, đội mũ lưỡi trai…

    Từ khi sang Mỹ, Lê Minh đã có ý định trở thành thám tử điều tra những vụ án bí ẩn. Cô theo dõi những tin tức về tội phạm trong xã hội, bị thu hút bởi những phim gián điệp như Silence of the Lamb, The Girl on the Train … Vì thế sau khi tốt nghiệp Đại học với bằng Cao học về Tư pháp Hình sự (Criminal Justice), cô xin vào làm cho Ban Tư pháp Hình sự Sát nhân (Criminal Justice Homicide Department). Để được chấp nhận làm việc trong Ban này, Lê Minh phải hoàn tất chương trình đào tạo các sĩ quan cảnh sát và thám tử điều tra tội phạm sát nhân của Học viện Cảnh sát. Sau vài năm làm việc tại sở Cảnh sát với nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực điều tra, Lê Minh mới được thăng chức thám tử và được bổ nhiệm làm người cộng tác (partner) với một thám tử đã khoảng 50 tuổi với trên 20 năm kinh nghiệm, là thám tử McBride. Từ đây tác giả trình bày sự cộng tác chặt chẽ của hai người để phanh phui nhiều án mạng bí ẩn.

    Sau bài viết đầu tiên để giới thiệu người nữ thám tử đặc biệt và án mạng thứ nhất, Khánh Lan viết về 12 án mạng khác. Vụ nào cũng mang tính cách kỳ bí, nhưng về sau, nhờ khả năng suy luận sắc bén và cũng một phần do may mắn, thám tử chính McBride và thám tử cộng tác Lê Minh cũng đều giải quyết được, đưa phạm nhân ra ánh sáng và thành công. Người Việt ở Nam California dễ say sưa theo dõi các truyện trinh thám do Khánh Lan viết vì chị kể những sự việc chung quanh chúng ta: chuyện xảy ra ở các thành phố Irvine, Seal Beach, Westminster …, trên xa lộ 73, với những số điện thoại bắt đầu bằng area code 714. Truyện trinh thám của Khánh Lan có khả năng hấp dẫn người đọc. Hai người viết “Lời mở đầu,” các anh Dương Viết Điền và Việt Hải, đều có những nhận xét rất tích cực về tập truyện của chị.

    Văn hào Anh Ian Fleming đã thành công vượt bực khi dựng nên điệp viên quốc tế James Bond. Sir Arthur Conan Doyle đã làm thám tử giả tưởng Sherlock Homes thành ra bất tử. Nhà văn Thế Lữ tạo ra phóng viên trinh thám Lê Phong tài ba. Các chuyện trinh thám của nhà văn Phạm Cao Củng được xây dựng chung quanh thám tử Kỳ Phát. Nhà văn Khánh Lan của chúng ta góp phần bằng cách kiến tạo nên nữ thám tử Lê Minh.

    Đọc tới cuối tập, tôi có chút luyến tiếc vì Khánh Lan cho Lê Minh “giã từ sân khấu” sớm quá. Sau hơn 20 năm trong nghề, cô vẫn còn độc thân. Thám tử McBride về hưu ở tuổi 70. Một thời gian sau, ông kết liễu đời mình bằng một viên đạn bắn vào đầu. Tin ấy khiến nhiều người bàng hoàng, nhất là Lê Minh. Cô cảm thấy mệt mỏi sau cái chết của người bạn tri kỷ nên đã xin thôi việc, đến thăm mộ thám tử McBride rồi về xuống tóc quy y. Nhà nữ thám tử tài ba đã nhận ra “tu là cõi phúc.” Tập truyện trinh thám của Khánh Lan, vì thế mang thêm tính cách triết lý và tình cảm.

    Được biết Khánh Lan rất nhiệt thành với việc học hỏi thêm và viết một cách say sưa. Tôi tin rằng với những tác phẩm đầu tay mà đã được như thế, chị sẽ còn tiến rất xa.

    Với đại thi hào Nguyễn Du, từ bài “Thác lời trai phường nón,” một trong những tác phẩm đầu tiên, đến Truyện Kiều, là một bước tiến rất dài. Với văn hào Nhất Linh, hai cuốn truyện đầu tay của ông, Nho PhongNgười Quay Tơ, chưa đạt trình độ nghệ thuật cao. Tuy nhiên, đó là bước đầu để về sau ông viết Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng, Hai Buổi Chiều Vàng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy …, và chủ  trương các tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay, Văn Hóa Ngày Nay… Các tác phẩm đầu tiên của đại thi hào Shakespeare nước Anh hay đại văn hào Ernest Hemingway của Hoa Kỳ cũng chưa đạt tới trình độ xuất sắc của những tác phẩm viết sau. Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng người bạn Khánh Lan của chúng ta sẽ còn cho ra đời những tác phẩm giá trị hơn những cuốn được giới thiệu hôm nay.

    Tôi cũng tin rằng đa số các vị thức giả, các văn nghệ sĩ lớn tuổi, cũng như các bạn trẻ tới đây hôm nay đều có chung một niềm mong ước. Đó cũng là niềm mong ước tôi trình bày một cách khái quát trong Lời mở đầu tập sách biên khảo của chị Khánh Lan.

    Sau biến cố 30-4-1975, hơn 4 triệu người Việt đã ra sống ở ngoài nước, trong đó khoảng một nửa, hơn 2 triệu, cư ngụ ở Hoa Kỳ. “Chúng ta đi, mang theo quê hương.” Quê hương đây không phải chỉ gồm thức ăn, trang phục, một số phong tục truyền thống…, mà còn là sinh hoạt tinh thần, với sách báo, văn thơ…

    Gần nửa thế kỷ trôi qua, thế hệ các nhà văn, nhà thơ tiền bối (Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh …) không còn giữa chúng ta. Lớp nhà văn, nhà thơ trẻ hơn (Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Du Tử Lê, gần đây là Nguyễn Mạnh Trinh …) cũng đã ra người thiên cổ. Tại nhiều nơi, vẫn còn một số nhà văn, nhà biên khảo có tâm huyết và thành tích, nhưng các vị đã, hoặc đang bước vào tuổi lão niên. Đã có nhi ều người lo âu: “Tre” tuy già nhưng “măng” chưa kịp mọc. Vì nhu cầu tinh thần, tập thể người Việt ở ngoài nước cần có những người cầm bút mới. Rất nhiều người Việt đã thành công khi sáng tác bằng Anh ngữ, Pháp ngữ…, làm giàu thêm cho văn học thế giới. Chúng ta có Lan Cao, Andrew Lam, Monique Truong …và nhiều người nữa. Có những vị thành công một cách xuất chúng như Viet Thanh Nguyen với giải thưởng văn học danh giá Pulitzer, Ocean Vuong với giải thưởng T.S. Eliot, cùng nhiều giải khác. Các vị ấy đã chứng tỏ rằng trong khả năng diễn đạt bằng ngòi bút, dân Việt không thua kém ai. Tuy nhiên, muốn duy trì căn cước và ngôn ngữ, cộng đồng Việt ở ngoài nước vẫn cần những cây bút viết bằng tiếng Việt. Chúng ta cần có những cây bút nhiệt thành, dấn thân như Khánh Lan, và chân thành cầu chúc cho sự thành công của chị và các bạn cùng thế hệ.

    Chân thành cám ơn sự lưu tâm theo dõi của toàn thể Quý vị.

  • Dương Viết Điền,  Tin tức

    MÙA THU QUA THI CA VIỆT NAM

    Ai đã từng đọc bài thơ nổi tiếng “Chansons D’automne” của thi sĩ lừng danh Pháp quốc Paul Verlaine đều cảm thấy lòng mình bồi hồi và xúc động. Không xúc động sao đựơc khi nhà thơ đa tình này đã rung cảm hồn mình thành những dòng thơ bất hủ sau đây để nức nở về tình thu bên bờ sông Seine tuyệt đẹp năm nào:

    Les sanglots longs

    Des violons

    De l’automne

    Blessent mon coeur

    D’une langueur monotone

    Tout suffocant

    Et blême, quand

    Sonne l’heures

    Je me souviens

    Des jours anciens

    Et je pleure

    Et je m’en vais

    Au vent mauvais

    Qui m’emporte

    Decà delà

    Pareil à la

    Feuille morte

    Tiếng đàn ai đó lê thê

    Vĩ  cầm réo rắt ê chề lòng đau

    Bơ vơ chuông đổ đồng hồ

    Lòng như héo hắt thu tàn năm xưa

    Bao kỷ niệm, theo gió đưa

    Cuốn theo lệ đổ chưa vừa xót xa

    Bao năm lữ thứ xa nhà

    Giang hồ phiêu bạt lá vàng tả tơi…”

                                            (Lãng Du)

    Thật vậy, mùa thu là mùa của tình yêu, mùa của lá vàng rơi rụng. Mùa thu là mùa của những cặp tình nhân dìu nhau đi dưới nắng thu để thưởng thức bầu không khí mát mẻ trong lành, rồi trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy để rồi cùng nhau nhìn lá vàng rơi, rơi mãi tận cuối chân trời.

    Mùa thu là mùa các thi nhân đi tìm những vần thơ để sáng tác thành những tuyệt phẩm bất hủ nghìn năm.

    Ai đã từng đi qua phố vắng dưới ánh nắng chiều thu khi lá vàng bay bay khắp trời rồi lác đác rơi qua mái đầu và rớt xuống đất, mới cảm thấy được cái đẹp tuyệt vời của mùa thu, mới rung cảm theo nhịp của lá vàng đang rơi, rung cảm theo những tia nắng thu dịu hiền vươn mãi đến tận chân trời xa thăm thẳm. Nói đến mùa thu là nói đến mùa của lá vàng bay bay, mùa của lá vàng rơi rơi, mùa của lá vàng khô rụng khắp mọi nẻo đường. “Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về”. Ta hãy nghe các thi nhân Việt nam nói về lá vàng rơi mỗi độ thu về qua những dòng thơ trữ tình sau đây.

    Hình ảnh nổi bật nhất về lá rụng giữa mùa thu là hình ảnh trong hai câu thơ sau đây của thi sĩ Tản Đà:

    Trận gió thu phong rụng lá vàng

    Lá bay hàng xóm lá bay sang.

    Nhưng hình ảnh trữ tình và lãng mạn nhất là hình ảnh con nai vàng ngơ ngác giữa rừng thu qua bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư với những câu thơ năm chữ nghe thật êm đềm như khúc nhạc tình thu trong rừng vắng:

    Em không nghe rừng thu

    Lá thu kêu xào xạc

    Con nai vàng ngơ ngác

    Đạp trên lá vàng khô

    Không phải chỉ có Tản Đà hay Lưu Trọng Lư mới nói đến lá vàng khi mùa thu tới; hầu hết các thi nhân Việt Nam đều ca ngợi cái đẹp của mùa thu bằng cách diễn tả hình ảnh của lá vàng rơi giữa trời thu. Sau đây là những dòng thơ diễn tả về lá vàng mùa thu của một số thi nhân Việt Nam.

    Sắc trời trôi nhạt dưới khe

    Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng

                                              (Huy Cận)

    Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

    Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

    Đây mùa thu tới mùa thu tới

    Với áo mơ phai dệt lá vàng

                                      (Xuân Diệu)

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

                                (Nguyễn Khuyến)

    Ai đâu trở lại mùa thu trước

    Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

                             (Chế Lan Viên)

    Chẳng được như hoa vướng gót nàng

    Cõi lòng man mác giá như sương!

    Ta về nhặt lấy hoa thu rụng

    Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương

                                         (Thái Can)

    Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ

    Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa

    Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm

    Rừng phong lá rụng tiếng như mưa

                                   (Ngô Chi Lan)

    Đêm thu khắc lậu canh tàn

    Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương

                                          (Nguyễn Du)

    Ngoài lá vàng rơi là biểu tượng của mùa thu, ta còn phải đề cập đến ánh trăng thu huyền ảo. Nói đến mùa thu mà không đề cập đến ánh trăng thu mờ ảo sau áng mây trời giữa đêm khuya thanh vắng là một sự thiếu sót lớn lao đối với mùa thu.

    Không phải đêm thu nào ánh trăng cũng vằng vặc giữa trời trong khi lá vàng rơi nhè nhẹ giữa đêm khuya cô tịch mà trái lại, có những đêm thu trăng buồn ảo não, gió heo may thổi về làm cho lòng người cảm thấy u buồn man mác trước cái lạnh không làm tê buốt con tim như mùa đông, nhưng lắm lúc làm cho hồn ta bâng khuâng giá rét, làm cho hồn ta nhung nhớ lạnh lùng.

    Nếu thi sĩ Thượng Quan Nghi đời Đường bên Trung Quốc đã diễn tả cái đẹp của ánh trăng thu qua hai câu thơ:

    “Thước phi sơn nguyệt thự

    Thuyền táo đã phong thu”

    “Sườn non trăng sáng chim bay

    Đồng thu gió lộng, ve say nhạc sầu”.

                                  (Chi Điền dịch)

    Thì tại Việt Nam, rất nhiều nhà thơ đã tốn không biết bao nhiêu mực và giấy để diễn tả chị Hằng giữa đêm thu huyền diệu. Thật vậy nếu bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư không đề cập đến ánh trăng mờ thì toàn bài thơ mất đi rất nhiều ý nghĩa về mùa thu:

    Em không nghe mùa thu

    Dưới trăng mờ thổn thức

    Riêng nhà thơ Xuân Diệu đã nhân cách hóa ánh trăng thu khiến những dòng thơ trở thành bất tử:

    Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

    Non xa khởi sự nhạt sương mờ

    Đã nghe rét mướt luồn trong gió

    Đã vắng người sang những chuyến đò.

    Tuy nhiên nói đến trăng nhất là ánh trăng thu mà không nói đến thi sĩ Hàn Mạc Tử là một sự thiếu sót vô cùng trọng đại.

    Ta hãy nghe Hàn Mạc Tử nói về trăng thu qua những câu thơ bảy chữ với lối nhân cách hóa làm cho ta có cảm tưởng như người đẹp Hằng Nga đang rón rén dời gót ngọc vào nhà ai giữa đêm thu trăng sáng:

    Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối

    Gió thu lọt cửa cọ mài chăn

    hay là:

    Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm

    Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

    Ngoài Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu ra, ta cũng thấy rất nhiều nhà thơ nói về ánh trăng thu. Sau đây là một số bài thơ của một vài thi nhân đều ca tụng ánh trăng thu qua những dòng thơ đủ các thể loại:

    Lòng anh giếng ngọt trong veo

    Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh

    Lòng em như bụi kinh thành

    Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.

                                              (Nguyễn Bính)

    Nước biếc trông như tầng khói phủ

    Song thưa để mặc bóng trăng vào

                             (Nguyễn Khuyến)

    Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

    Trần thế em nay chán nữa rồi

                                       (Tản Đà)

    Mặt trăng tỏ thường soi bên gối,

    Bừng mắt trông sương gội cành ngô

    Lạnh lùng thay, bấy chiều thu,

    Gió may hiu hắt trên đầu tường vôi

         (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)

    Vi lô san sát heo may

    Một trời thu để riêng ai một người

    Dặm khuya ngất tạnh mù khơi

    Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

    Rừng thu từng biếc chen hồng

    Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn!

                                              (Nguyễn Du)

    Đêm thu gió lọt sông đào

    Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời

                                            (Nguyễn Du)

    Hoa xuân nọ, còn phong nộn nhị,

    Nguyệt thu kia, chưa hé hàn quang

                                    (Ôn Như Hầu)

    Nếu mùa thu có lá vàng rơi rụng, có trăng thu huyền ảo thì cũng có nắng thu nhẹ lướt trên đồi. Nắng mùa thu không gay gắt rực lửa như mùa hạ trái lại rất mát dịu trong lành, nhất là những lúc trời xanh mây trắng nắng hồng. Đi dưới nắng thu người ta thấy tâm hồn rất thoải mái lâng lâng, nhất là những lúc trời chiều nhạt nắng có lá vàng bay bay rồi rụng khắp phố phường. Nhiều cặp tình nhân thích đi dưới nắng thu để thưởng thức cái vẻ đẹp của mùa thu, nhặt những lá vàng rơi rồi nhìn những hàng cây khẳng khiu chỉ còn những cành trụi lá dọc hai bên đại lộ lúc chiều tà.

    Ai cũng biết rằng các thi nhân khi nói về mùa thu thường không quên đề cập đến nắng thu. Nhà thơ Chế Lan Viên đã làm cho ta ngạc nhiên khi viết mấy câu thơ liên quan đến nắng thu như sau:

    Chao ôi! thu đã tới rồi sao?

    Thu trước vừa qua mới độ nào

    Mới độ nào đây hoa rạn vỡ

    Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.

    Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là hai câu thơ đầy nhạc tính của nhà thơ Bích Khê sau đây làm cho ta cảm thấy thích thú khi đọc lên vì nghe như một giai điệu tuyệt vời:

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng

    Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

    Dĩ nhiên, mỗi nhà thơ diễn tả vẻ nắng thu một cách khác nhau, nhưng hầu hết đều ca ngợi nắng thu như là hình ảnh tuyệt đẹp giữa gió chiều.

    Nhà thơ Xuân Diệu cũng nói về nắng thu với hai câu thơ thất ngôn đầy lưu luyến trữ tình:

    Nõn nà sương ngọc quanh thềm dậu

    Nắng nhỏ bang khuâng chiều lỡ thì

    Nhưng nếu ai đã đọc mấy câu thơ sau đây của nhà thơ Trúc Ly đều cảm thấy hồn mình xao xuyến bâng khuâng:

    Tôi đứng bên nầy bờ dĩ vãng

    Thương về con nước ngại ngùng xuôi

    Những người con gái bên kia ấy

    Ai biết chiều nay có nhớ tôi

    Tôi muốn hôn bằng môi của em

    Mùa thu tha thiết nắng hoe thềm

    Ngoài ra ta còn thấy rất nhiều nhà thơ khác cũng đã nói về nắng thu với những dòng thơ thật đẹp và thật buồn:

    Chiều nay nắng nhạt luyến chân đồi

    Hơi lạnh tàn thu giục lá rơi

    Sương xuống chiều đi lòng vắng vẻ

    Thê lương thêm bận khúc ly hoài.

    hay là:

    Hát bài hát ngô nghê và êm ái

    Bên sườn non mục tử cưỡi trâu về

    Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê

    Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.

                        (Nam Trân Nguyễn Học Sỹ)

    Nếu những hình ảnh đẹp của mùa thu là lá vàng rơi, là ánh trăng thu giữa đêm khuya thanh vắng, và nắng chiều thu trong buổi hoàng hôn, thì hình ảnh buồn nhất của mùa thu là mưa thu. Chính những giọt mưa thu đã làm cho lòng người lạnh lẽo, u buồn, làm cho lòng người hoang vắng sầu thương, bơ vơ giữa thế giới mưa rơi buồn bã.

    Trước cảnh mưa thu ảm đạm ở ngoài bệnh viện, nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong đã xúc động rồi sáng tác ngay bản nhạc “Giọt mưa thu” trước khi vĩnh biệt trần gian để lại cho đời những giọt lệ thu sầu thương nức nở, những giọt lệ tình ai oán lâm ly: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ… …”

    Bởi vậy nói đến mưa thu là nói đến một trong những cảnh vật buồn bã nhất của trần thế. Đọc mấy câu thơ sau đây của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy cảnh mưa thu thật là tiêu điều buồn bã:

    Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa

    Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ

    Xanh um cổ thụ tròn xoe tán

    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

    Hay hai câu thơ sau đây của nhà thơ Xuân Diệu cũng cho ta thấy cảnh lặng lẽ u buồn:

    Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa

    Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà

    Tuy nhiên nếu trăng thu, nắng thu, mưa thu là những đề tài bất hủ cho các văn thi sĩ, nhạc sĩ lấy đó để sáng tác thì sương thu là một đề tài không kém quan trọng để các thi nhân dệt thành thơ. Vào những lúc trời sáng tinh sương, ai đã từng ra sau vườn, đều trông thấy những giọt sương đọng trên cành cây, ngọn cỏ giống như những hạt kim cương lóng lánh đẹp tuyệt vời. Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người Việt nam đã thuộc lòng đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh tả về cảnh sương thu: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi, dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp”. Một nhà thơ nổi tiếng như sóng cồn một thời vang bóng đã ca ngợi sương thu qua bài thơ “Sương rơi”. Đó là thi sĩ Nguyễn Vỹ với bài thơ hai chữ đã để lại cho đời một tác phẩm bất hủ về sương thu:

    Sương rơi

    Nặng trĩu

    Trên cành

    Dương liễu…

    Nhưng hơi

    Gió bấc

    Lạnh lùng

    Hiu hắt

    Thấm vào

    Em ơi,

    Trong lòng

    Hạt sương

    Thành một

    Vết thương!..

    Rồi hạt

    Sương trong

    Tan tác

    Trong lòng

    Tả tơi

    Em ơi!

    Từng giọt

    Thánh thót,

    Từng giọt

    Điêu tàn

    Trên nấm

    Mồ hoang!..

    Rơi sương

    Cành dương…

    Liễu ngã

    Gió mưa

    Tơi tả

    Từng giọt,

    Thánh thót..

    Từng giọt,

    Tơi bời,

    Mưa rơi,

    Gió rơi,

    Lá rơi,

    Em ơi!…

    Như đã được trình bày ở trên, mùa thu là mùa có lá vàng rơi lác đác, có trăng thu mờ ảo giữa đêm buồn, có những giọt mưa rơi thánh thót thật lâm ly. Đã thế, nhiều lúc ánh nắng chiều thu làm cho người lữ hành thêm cô độc bâng khuâng, luôn luôn cảm thấy như xa vắng lạc loài như biệt ly hiu quạnh.Vì thế mà nhiều người đã cho rằng, mùa thu là mùa của biệt ly, của xa cách nên tình thu thường nức nở nghẹn ngào. Mùa thu là mùa nhớ nhung từ đó và cũng là nhung nhớ từ đây. Thế nên nói đến mùa thu là nói đến biệt ly nhung nhớ, là nói đến ngăn cách xa nhau, là nói đến chia ly buồn bã và lắm lúc nói đến vĩnh biệt ngàn đời để rồi “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười”.

    Sau đây, ta hãy nghe các thi nhân Việt nam nói về sự biệt ly, sự nhung nhớ cũng như những nỗi u buồn giữa mùa thu:

    Mây vẫn từng không chim bay đi

    Khí trời u uất, hận chia ly

    Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

    Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

                                    (Xuân Diệu)

    Hay những dòng thơ lục bát đầy vẻ âm u, tiêu điều của Huy Cận:

    Non xanh ngây cả buồn chiều

    Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

    Hoặc những câu thơ đầy nhung nhớ quằn quại giữa mùa thu:

    Chao ôi! mong nhớ! ôi mong nhớ

    Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

                                   (Chế Lan Viên)

    Hay hình ảnh xa vắng biệt ly của người chinh phu trong lòng người cô phụ:

    Em không nghe rạo rực

    Hình ảnh kẻ chinh phu

    Trong lòng người cô phụ.

                     (Lưu Trọng Lư)

    Hoặc là những câu thơ đầy nỗi nhớ thương của thi nhân:

    Chẳng được như hoa vướng gót nàng 

    Cõi lòng man mác giá như sương!

    Ta về nhặt lấy hoa thu rụng

    Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương.

                                         (Thái Can)

    Nhưng sự biệt ly đớn đau nhất hay nỗi nhớ nhung quằn quại triền miên cũng như sự khổ đau cay đắng suốt đời mà ta có thể thấy được là những dòng thơ nức nở lệ nhòa của nữ thi sĩ T.T.KH, một nhà thơ đã sáng tác nên những bài thơ bất hủ ngàn năm và đã trở thành huyền thọai trong thi ca Việt Nam. Ta hãy nghe nhà thơ T.T.KH nức nở những điệp khúc tình thu sau đây:

    Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ?

    Một mùa thu cũ một lòng đau

    Ba năm ví biết anh còn nhớ

    Em đã câm lời có còn đâu!.

    hay là:

    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

    Mà từng thu chết từng thu chết

    Vẫn giấu trong tim một bóng người.

    Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy hầu hết các thi nhân nước Việt đều nói đến mùa thu, ca ngợi mùa thu vì mùa thu có những đêm trăng mờ ảo, có những lá vàng rơi tuyệt đẹp, có những giọt mưa thu thánh thót rơi thật lâm ly, bi thảm v.v… Và cũng vì mùa thu là mùa của ngăn cách, của ly biệt, là mùa của nức nở nghẹn ngào nên các thi nhân Việt Nam không ai mà không xúc động khi thấy mùa thu đến. Vì vậy, qua thi ca Việt Nam, ta thấy nhiều nhà thơ đã để lại cho đời những bài thơ trữ tình bất hủ về mùa thu.

    Dương Viết Điền

  • Kiều Mỹ Duyên,  Tin tức

    NHÀ VĂN KHÁNH LAN RA MẮT SÁCH

    VIỄNNĐÔNG DAILY. Monday, 27/09/2021 – 05:40:10

    Sinh hoạt cuối tuần. Bài KIỀU MỸ DUYÊN

    Kiều Mỹ Duyên đến chúc mừng nhà văn Khánh Lan trong buổi ra mắt sách

    Nhà văn Khánh Lan trẻ và đẹp là con dâu của nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm, ra mắt 4 quyển sách ở thành phố Westminster, đó là: Vài Nét về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại, Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh và Thám Tử Lê Minh.

    Nhà văn trẻ này sáng tác một cách hăng say. Ông bà mình thường nói hậu sinh khả úy, nghĩa là người trẻ sẽ vượt qua người đi trước, con hơn cha nhà có phước.

    Một buổi ra mắt sách vô cùng long trọng với sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng trong cộng đồng như thi sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Nguyễn Duy Quang, nhà văn Phạm Gia Đại, ký giả Thanh Phong, giáo sư Dương Ngọc Sum, giáo sư Nguyên Di, giáo sư Trần Huy Bích, nhà văn kiên nhà báo Trần Phong Vũ, v.v…Những bóng hồng tha thướt trong những chiếc áo dài rực rỡ đón khách từ ngoài cửa vào trong phòng họp, đa số là phụ nữ, có sự hiện diện của 3 thế hệ. 

    Nhà văn Khánh Lan (áo dài hồng) đang ký tặng sách.

    Nhà văn Khánh Lan là ngôi sao sáng hôm nay trong chiếc áo dài màu hồng lóng lánh kim tuyến, tất bật ký tên vào sách để tặng khách. Những bậc trưởng thượng như giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Trần Phong Vũ, thi sĩ Dương Hồng Anh, ký giả Thanh Phong, sách tặng đã ký sẵn. Người nào cũng thích chụp hình chung với tác giả.

    Mạnh Bổng, phu quân của tác giả rất đẹp trai nhưng ít người biết vì không ở bên cạnh vợ. Nhiều người có vợ đẹp, đến giữa đám đông thường đứng hoặc ngồi bên cạnh vợ, nhưng Mạnh Bổng lại khác, chạy tới chạy lui lo hậu trường cho vợ.

    Ban nhạc và ca sĩ đến rất sớm. Trên sân khấu hết người này đến người khác trình diễn. Âm nhạc rất quyến rũ con người, nơi nào có âm nhạc, có thơ văn thì có người đến đông. Các bài hát tuyệt vời qua các giọng hát truyền cảm của Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Thụy Lan, Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Mạnh Bổng, Đắc Triều, Hồng Quyên, Đào Minh Tâm và Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian. Ra mắt sách mà không nói về sách, mà hát thì nhiều hơn, có lẽ để đồng hương tự đọc, tự thưởng thức cái hay của sách?

    Nữ sĩ Dương Hồng Anh đã gửi tặng hai bài thơ chúc mừng ngày ra sách của Khánh Lan. Nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng hòa âm bài “Ngày vui hộn ngộ.” Ca nhạc sĩ Lâm Dung hòa âm và hát trình diễn nhạc phẩm “Xa quê hương của Khánh Lan.  

    Khán giả ngồi bên dưới đều là thân hữu quen biết nhau từ trước,
     và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

    Trong số quan khách tham dự ngày ra mắt sách có nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm. Ông rất hãnh diện về con dâu của mình, nhưng ông rất khiêm tốn chỉ cười khi có người khen con dâu của ông.

    Tác giả không nói nhiều, chỉ nói mình viết việc thật, không hư cấu, viết với trái tim cảm xúc của mình. Những diễn giả nói về sách của Khánh Lan: Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di và nhà văn Trần Phong Vũ. Những người đọc sách để phát biểu là những người nhiều công phu nhất. Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Việt Hải, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Ngọc Cường, nhà văn Vương Trùng Dương, và nhà văn Dương Viết Điền đã viết lời tựa cho sách.

    Nhà báo Thanh Phong, Phạm Khanh- đài truyền hình Little Saigon, Minh Trương- Saigon TV đến phỏng và viết phóng sự, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiều Minh, Lê Hùng và Phú Lê Văn chụp hình lưu niệm.

    Ông bà Susan và John Tạ bảo trợ buổi ra mắt sách và các mạnh thường quân anh Ngô Thiện Đức, cô Vi Anh (chủ nhiệm nguyệt san Việt Media), Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Kiều Mỹ Duyên, nhà thơ Yên Sơn, nhà văn Dương Viết Điền, Hoàng Giang, Thu Dung, Vee Hương và Thành Nguyễn.

    Mọi người xúc động khi thấy nhà văn Việt Hải lên sân khấu với cây gậy trong tay, hay giáo sư Dương Ngọc Sum, bà Nga Nguyễn (phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên) hoặc nữ sĩ Dương Hồng Anh bước từng bước thật chậm, nhưng nụ cười vẫn tươi.

    Đến những buổi ra mắt sách như thế này mới thấy tình người rất đậm đà. Thế hệ trước nâng đỡ thế hệ sau trong vấn đề viết sách. Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã nâng đỡ nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bây giờ Việt Hải khuyến khích thế hệ thứ hai viết sách, tiếp nối những nhà văn đi trước. Công lao của những người nâng đỡ thế hệ trẻ nhiều lắm và nhiều lắm.

    Cuối tuần, chúng tôi chạy hết chỗ này đến chỗ khác, cho nên không ở một chỗ tham dự từ đầu đến cuối. Rất tiếc, rất tiếc, nếu có cơ hội ở tới giờ chót, sau khi quan khách về hết, ở lại sẽ nghe tác giả tâm tình nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

    Nói tóm lại, buổi ra mắt sách của Khánh Lan rất thành công. Truyền thông đến rất đông, tin tức được phổ biến khắp nơi trên thế giới, bà con ở xa cũng có thể đọc được trên báo, trên mạng, trên YouTube.

    Hy vọng những người trẻ tiếp tục viết, trong đó có Khánh Lan, sẽ xuất bản đều đều để cho độc giả khắp nơi thưởng thức những tác phẩm mới, viết về người thật, việc thật bằng cảm xúc thật.

    Kiều Mỹ Duyên

  • Khánh Lan,  Tin tức

    SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS 19

    Bài viết của Khánh Lan

    Có thể nói đại dịch CORONAVIRUS 19 và biến thể của nó đã đưa đến những ảnh hưởng và hậu quả đáng lo ngại cho thế giới nói chung và cho từng cá nhân nói riêng. Thật vậy, cơn sốt COVID 19 đã mang đi sự sống của hàng triệu người trên thế giới và để lại trong tiềm thức của chúng ta một nỗi kinh hoàng sợ hãi, một đe dọa giết người thầm kín mà y học gọi là “Silent killer“.  Một câu hỏi đã gây hoang mang hoảng sợ trong thế giới loài người mà không ai biết trước được câu trả lời: “Bao giờ đến lượt mình?”

    Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về 4 lãnh vực chính mà đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa đại dịch CORONAVIRUS 19, đó là:

    1. Ảnh hưởng trong lãnh vực tâm lý.
    2. Ảnh hưởng trong lãnh vực y khoa.
    3. Ảnh hưởng trong lãnh vực kinh tế.
    4. Ảnh hưởng trong lãnh vực xã hội.

    1. ẢNH HƯỞNG TRONG LÃNH VỰC TÂM LÝ:

    Đây là một vấn đề rất quan trọng trong lãnh vực liên quan đến sức khỏe của con người mà phần lớn chúng ta không để ý đến, nhất là người Á Châu. Bởi đối với người Á Đông chúng ta, một dân tộc mà đa số sống trong sự thiếu thốn về vật chất, nghèo khó và đông con, thì có lẽ việc lo cho “miếng ăn manh áo” hàng ngày cho gia đình, đã trở nên quan trọng và làm lu mờ sự chú tâm vào cảm xúc của chính mình. Tuy nói như thế, không hẳn là chúng ta không để ý đến sự xuất hiện của cảm xúc, nhưng phần lớn chúng ta có khuynh hướng chủ quan là cảm xúc ấy chỉ thoáng qua trong chốc lát hoặc “phớt tỉnh ăng lê” chúng đi, vì không trước thì sau, chúng sẽ tự biến mất. Sự biến mất tạm thời ấy xuất hiện là vì chúng ta cố gắng lấp kín cái hố sâu cảm xúc ấy bằng những độc chất như rượu, thuốc lá, cần sa ma túy, v.v… bởi chính những hóa chất độc hại này sẽ có sức mạnh làm tê liệt những cảm giác lo âu, sầu khổ, trầm tư, sợ hãi trong tâm trí con người.

    Cái nguy hiểm là khi chúng ta bỏ qua và không để ý đến những cảm xúc của mình thì đó là lúc chúng có thể đưa chúng ta đến tình trạng trầm cảm, u sầu, lo sợ. Lúc ấy, chúng ta tự cách ly với xã hội bên ngoài và nguy hiểm hơn nữa là chúng ta có thể rơi vào tình trạng quẩn trí và tự tìm đến cái chết. Để giải tỏa những ưu tư ảnh hưởng trên đời sống tâm lý, chúng ta cần phải chú ý đến những cảm xúc của mình và tận dụng phương pháp tâm lý trị liệu, bởi nó có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.  

    Vậy “Tâm lý trị liệu” là gì? Xin thưa đó là phương pháp giúp chúng ta giải tỏa những cơn khủng hoảng nhất thời hay đã tồn tại lâu năm trong tiềm thức. Tâm lý trị liệu, (psychotherapy) là một hệ thống các phương pháp kỹ thuật nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc, giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại. Tâm lý trị liệu giúp thay đổi những hành vi của con người qua lời nói hoặc các kỹ năng giao tiếp khác. Thật ra phương pháp tâm lý trị liệu không xa lạ đối với con người, ở nhiều quốc gia trên thế giới, những người làm tâm lý trị liệu phải được đào tạo, có bằng cấp và được cấp giấy phép hành nghề. Họ là những nhà chuyên môn giúp chữa trị các vấn đề tâm lý. Để nhận được sự giúp đỡ, chúng ta có thể nhờ các cơ quan cố vấn tâm lý cộng đồng, các bậc tu sĩ (tùy theo tín ngưỡng của mình), nhân viên tại các cơ quan xã hội, điều dưỡng viên tâm thần, bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm học hoặc các chuyên viên khác đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần… Điều quan trọng là chúng ta cần phải ý thức được lúc nào mình cần sự giúp đỡ để gột bỏ những ý tưởng không lành mạnh (unheathy thinking) ra khỏi ký ức.

    Để tránh tình trạng khủng hoảng tâm lý trong thời gian dịch bịnh COVID, ngoài việc tiếp tục với những công việc hằng ngày, chúng ta cần phải dành thời gian để thư giãn tâm trí qua những sinh hoạt lành mạnh như thể dục, yoga, thiền, đi bộ, bơi lội, v.v… hoặc tìm cho mình một sở thích, thú đọc sách, niềm đam mê như học nhạc, tập đàn piano, guitar, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, v.v…  

    II. ẢNH HƯỞNG TRONG LÃNH VỰC Y KHOA:

    Đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả sâu rộng trong lãnh vực y học bởi ngoài việc phải tìm cách đương đầu với khả năng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, các khoa học gia đã phải bỏ nhiều thời gian và nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát minh ra loại thuốc chủng có khả năng kiểm soát và ngăn chặn bịnh dịch. Căn cứ vào những tin tức hằng ngày trên radio, tivi, báo chí và nhất là Internet chúng ta cũng hiểu dịch bịnh COVID 19 đã gây những ảnh hưởng tiêu cực lớn lao trong lãnh vực y khoa, từ bác sĩ, y tá và những nhân viên phục vụ trong ngành chuyên môn. Ngay từ ngày đầu của sự khởi phát bệnh dịch vào tháng 4, 2019, hầu hết các bệnh viện trên thế giới đều chật cứng. Các nhà thương phải dựng những lều y tế dã chiến bên ngoài để đáp ứng với nhu cầu cấp cứu khẩn trương cho bệnh nhân, những bệnh nhân không người thăm viếng, tình trạng thiếu dược phẩm, giường cho bệnh nhân, dụng cụ y tế như máy thở và ngay cả đến y sĩ, nhân viên y tế đều bị thiếu hụt. Nhưng sự mất mát đáng kể nhất là sự hy sinh tính mạng của những người được mệnh danh là “Thiên thần áo trắng“.

    Bi thảm hơn nữa khi những nhà quàn không đủ chỗ để chứa xác người, những đám tang không người đưa tiễn và những thây ma nằm cô đơn trong nghĩa trang buồn. Sông Hằng, dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ, ngập xác người bị nhiễm Covid-19, hàng trăm thi thể nổi lềnh bềnh trên sông hoặc bị vùi trong bãi cát bên bờ ở bang miền bắc Uttar Pradesh. Xác người vất vưởng bên bờ, các giàn hỏa táng được thắp sáng bên sông Hằng ở Allahabad, cháy suốt ngày đêm vì các khu hỏa táng không còn chỗ.

    III. ẢNH HƯỞNG TRONG LÃNH VỰC KINH TẾ:

    Sự bùng phát của dịch bịnh Coronavirus đã là một mối lo ngại và có tác động lớn đến nền kinh tế trên toàn thế giới. Bách khoa toàn thư Wikipedia ghi nhận rằng: Sự bùng phát của đại dịch CORONAVIRUS 2019 đã gây ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Tác động của nó cao hơn nhiều so với tác động của virus SARS năm 2003. Nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân, hàng hóa, thực phẩm tăng lên gấp nhiều lần so với giá bình thường, dẫn đến việc tăng giá và khan hiếm, tạo nên sự hoang mang lo sợ trong quần chúng bởi người dân tích trữ nhu cầu, lương thực. Sự gián đoạn hoạt động các nhà sản xuất gây nên sự thiếu hụt và chậm trễ trong việc cung cấp hàng hóa. Sự thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng đến một số ngành do tình trạng mua bán hoảng loạn, tăng cường sử dụng hàng hóa để chống lại đại dịch, thí dụ như khẩu trang trở nên khan hiến và đã bán hết trên toàn quốc, áp lực đặt nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhu cầu kiểm tra y tế tăng lên.

    Nhiều nhân chứng đã báo cáo về cảnh mua bán hoảng loạn và hậu quả là thiếu hụt thực phẩm và các mặt hàng tạp hóa thiết yếu khác. Chẳng những thế, khi đại dịch lan rộng, các hội nghị, công nghệ, thời trang, thể thao, du lịch và thương mại đi xuống, phi trường đóng cửa, chuyến bay bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Các nhà hàng đã đóng cửa, rạp hát trong nước đã bị xóa sổ toàn bộ phòng vé. Các nhà máy, nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng đóng cửa gây nên nạn thất nghiệp trầm trọng, một số nhà hàng, cơ sỏ thương mại phải đóng cửa vì không cầm cự nổi với nhưng khó khăn tài chánh, v.v… Ngay đến thị trường chứng khoán toàn cầu cũng bị ảnh hưởng vào ngày 24 tháng 2 năm 2020. Đến ngày 28 tháng 2 năm 2020, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sụt giảm lớn nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    IV. ẢNH HƯỞNG TRONG LÃNH VỰC XÃ HỘI:

    Coronavirus đã làm tê liệt không những nền kinh tế thế giới mà còn kéo theo hàng triệu người thất nghiệp hoặc bị sa thải tạm thời, Nạn thất nghiệp leo thang, tỷ lệ nhà cửa bị thu hồi trong lúc thị trường địa ốc bị phá giá, quỹ tiền tệ quốc gia thiếu hụt, người dân lâm vào cảnh đói nghèo, vô gia cư (homeless), tệ nạn xã hội tăng cao, giết người, hôi của, v.v… Nhiều triệu người lao động nghèo bị buộc phải quay trở về quê để tránh tình trạng nghèo đói hàng loạt và thậm chí là chết đói…. Bộ trưởng y tế đã ra chỉ thị hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người, làm gián đoạn nhưng sinh hoạt cộng đồng, giải trí, v.v…  

    Để cứu vãn tình thế, hầu hết các chính phủ đã bơm hàng nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế của họ để ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sự phục hồi không đưa đến một kết qua khả quan, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn, 1/4 tỷ người ở các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói. Tại ở Mỹ, người dân may mắn nhận được sự trợ giúp của chính phủ khiến công quỹ cũa quốc gia ngày càng cạn.

    Đại Dịch COVID-19 Có Ảnh Hưởng Trên Sức Khỏe Tâm Thần Của Trẻ Em Như Thế Nào?

    Chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ con đóng vai trò quan trọng khi có một cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 xảy ra. Thật vậy, có nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến trẻ em trong khoảng thời gian này, kết quả có thể dẫn đến suy nhược sức khỏe tâm thần: Một nghiên cứu khảo sát bởi Hiệp Hội Y Học Thiên Tai và Y Tế Công Cộng công bố:

    • Sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây.
    • Gia đình bị cách ly.
    • Mất mát gia đình vì COVID-19.
    • Giáo dục trực tuyến.
    • Thiếu tiếp cận với bạn bè đồng trang lứa.
    • Bạo lực có thể xảy ra trong gia đình.

    Sức khỏe tâm thần của những trẻ em có cha mẹ bị cách ly vì bệnh COVID-19 có khả năng bị ảnh hưởng cao hơn ở mức độ tâm thần. Thí dụ: Nếu cha mẹ mắc chứng lo âu hoặc PTSD thì con cái của họ cũng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu mới đây cho thấy người trưởng thành đang phải chống chọi với những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng cha mẹ nên quan tâm về phương thức hỗ trợ sức khỏe tâm thần của con cái. Những tài nguyên có thể giúp ích như giúp trẻ em đối phó với chứng lo âu liên quan đến virus corona đã được quảng bá trong dân chúng như những phương cách giúp trẻ em đối phó với sự căng thẳng liên quan đến COVID-19. Hoặc làm thế nào để nói chuyện với trẻ về nỗi thất vọng trong đại dịch COVID-19. Hay làm thế nào để có thể giúp trẻ em khi các em nhớ bạn bè trong đại dịch COVID-19.

    Kimberley Norris, nhà tâm lý học và nghiên cứu viên người Úc, đã khám phá ra rằng khi con người bị cách ly vì một đại dịch, họ có xu hướng xoay vòng quanh những giai đoạn cảm xúc khác nhau. Hành vi của họ thay đổi trong những giai đoạn này còn tùy thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác, tuy nhiên chu trình cảm xúc thường đi theo khuôn mẫu sau:

    Rối loạn: Mua hàng tích trữ hoặc trẻ em không hiểu tại sao chúng không
    còn có thể gặp bạn bè ở trường.

    Thích nghi: Thay đổi khi làm việc tại nhà.

    Oán giận: Cảm thấy bị gò bó hoặc chán ngấy việc mang khẩu trang.

    Tái hợp: Giai đoạn chúng ta bắt đầu ngưng cách ly và có thể cảm thấy nhiều cảm xúc hỗn tạp.

    Tái hòa nhập: Quay trở lại hoạt động bình thường trong xã hội.

    Những dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ em có thể bao gồm:

    • Trầm cảm và/hoặc lo âu.
    • Hành vi thoái bộ như mất kỹ năng đi vệ sinh. 
    • Tăng sự lo âu phân ly.
    • Giấc ngủ, việc ăn uống và kết quả học tập có sự thay đổi.
    • Tham gia vào những hành vi rủi ro.
    • Mất hứng thú đối với bạn bè và/hoặc các hoạt động.
    • Cô lập.
    • Không vâng lời.

    Giúp kiểm soát những cảm xúc.


    · Hít thở sâu: Việc này sẽ giúp trẻ bình tĩnh và tự dịu lại. Hít vào trong 3 giây, giữ yên trong 3 giây sau đó thở ra trong 3 giây.
    · Tăng thư giãn cơ: Việc này sẽ giúp quý vị nhận diện được thời điểm căng thẳng khi cảm thấy bồn chồn. Sử dụng kỹ năng hít thở sâu để giúp thư giãn cơ thể. Căng cơ khi quý vị hít vào sau đó giãn cơ khi quý vị thở ra.
    · Tập trung vào hiện tại: Đem sự chú ý của quý vị về thời điểm hiện tại thông qua năm giác quan. Ví dụ, kể tên năm đồ vật quý vị nhìn thấy trong phòng, bốn đồ vật quý vị cảm nhận, ba âm thanh quý vị nghe được.

    Khánh Lan, California, Sept. 27, 2021


    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    • Bách khoa toàn thư Wikipedia.
    • https://blog.chocchildrens.org/how-living-through-a-pandemic-like-covid-19-can-affect-childrens-mental-health/
  • Khánh Lan,  Tin tức

    NHỮNG CẢM NGHĨ CỦA KHÁNH LAN VỀ BA DIỄN GIẢ: QUYÊN DI, TRẦN HUY BÍCH, TRẦN PHONG VŨ TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH 09/19/2021

    Ngày mới lớn, Khánh Lan những tưởng VĂN cũng như THƠ, chẳng cần phải theo một mô thức nào cũng có thể tạo nên một tác phẩm cho chính mình.  Cái cần thiết chỉ là có nguồn cảm hứng, có khung cảnh hữu tình, cộng thêm một chút “ROMANTIC” là đủ để cho ra một bài thơ tuyệt diệu, một tác phẩm văn học có giá trị và đích thực. Nhưng khi trưởng thành, ý tưởng ấy càng lúc càng rõ rệt trong trí óc, một người với ước vọng cầm bút viết văn từ thuở nhỏ. Thật vậy, để có thể đặt bút viết lên một tác phẩm và đoạt được sự thành công trong tác phẩm của mình, chắc chắn không đơn giản và dễ dàng như tôi hằng nghĩ. Cái danh từ “Dấn thân và đam mê” bỗng trở nên quen thuộc với giới cầm bút, nhất là đối với chính Khánh Lan.

    Khánh Lan thiết nghĩ, điều này rất đúng, khi ta dựa theo dòng tư tưởng của văn hào Jean Paul Sartre, thì một người khi quyết định đặt ngòi bút xuống trang giấy đề viết hoặc ước muốn trở thành một nhà văn đích thực thì phải đi theo đúng chính nghĩa “Nhà văn” của nó. Theo Jean Paul Sartre, một người viết văn cần phải qua 3 tiêu chuẩn căn bản, đó là:

    1. Phải dấn thân và phải có niềm đam mê viết.
    2. Phải được viết một cách tự do và không dưới một hình thức sự ép buộc hay một bạo lực nào.
    3. Phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình.
    NV Việt Hải & Khánh Lan

    Việc gì đã xày ra trong buổi RMS 4 tác phẩm đầu tay của Khánh Lan ngày 19 tháng 09, 2021 tại NT Studio? NV Việt Hải đã yêu cầu Khánh Lan giải thích về mô thức viết văn của Khánh Lan? Để trả lời câu hỏi của NV Việt Hải, xin thưa, một mô thức mà Khánh Lan đã ghi nhận và hấp thụ được từ lớp văn chương khi còn đi học, nó cũng không thoát ra khỏi ba yếu tố căn bản còn được gọi là “dàn bài”. Dàn bài gồm có ba phần chính: Nhập đề, thân bài và kết luận. Riêng phần thân bài gồm nhiều đoạn, trong mỗi đoạn có nhiều tiểu đoạn. Những đoạn hay tiểu đoạn dài hay ngắn là còn tuy thuộc vào tác giả. Dàn bài có rõ ràng thì bố cục mới vững chắc và thật vậy, Khánh Lan đã dựa theo mô hình này để hình thành 4 tác phẩm đầu tay của mình.

    Nếu được hỏi, viết văn dễ hay khó, xin trả lời “Khó hay dễ” cũng còn tuy thuộc vào mỗi người. “Dễ” khi ta chấp nhận sự dấn thân, có miềm đam mê cộng thêm sở thích nghiên cứu, yêu đọc sách, vui thú học hỏi và nhất là phải có thời gian. Viết văn trở nên “Khó” khi ta không có những tiêu chuẩn kể trên. Khánh Lan còn nhớ mãi khi Khánh Lan hỏi ý kiến “Bố chồng Khánh Lan”, nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm về “Giấc mơ viết văn” của Khánh Lan thì ông khuyên rằng:  “Thơ cũng như văn, một khi mình bắt đầu làm thơ hay viết văn, thì ý thơ, lời văn cứ dồn đập kéo đến khiến mình mê man như lạc vào vườn văn thơ lai láng. Mà ý thơ đến chẳng có giờ giấc nhất định gì cả, ngày cũng như đêm chẳng khác gì viết văn. Ý thơ đến và đi rất nhanh, nó chỉ thoáng qua trong trí óc. Thơ xuất hiện khi trí óc nhận được tín hiệu của sự cảm xúc từ trái tim hay có khi là do cảm hứng mà ra. Còn văn là do kinh nghiệm, học hỏi và nghiên cứu cũng như sở thích đọc sách. Có như thế thì kiến thức mới mở mang được. Do đó, có khi chúng ta sáng tác những áng thơ nhẹ nhàng và vui tươi, nhưng cũng có lúc những vần thơ đợm nét u sầu hoặc những áng văn bi thảm hay khôi hài. Con phải nhớ, những giây phút ấy quan trọng vô cùng và cần được ghi lại trên trang giấy, vì nếu không nó sẽ không trở lại toàn vẹn như lúc ban đầu.  Thơ làm cho tâm hồn mình trẻ mãi không già. Thơ khiến cho ta yêu đời, yêu người và thơ là phương cách tốt nhất để chúng ta gói ghém niềm tâm sự. Văn giúp ta trau dồi kiến thức, hiểu nhiều, biết rộng và giúp chúng ta trở thành nổi tiếng trong thế giới văn chương.”

    NT Việt Cường Lưu Tấn Lâm

    Trở lại buổi ra mắt sách ngày 19 tháng 09, 2021 thành công rực rỡ và quý khán giả đã ngồi lại đến giây phút cuối, chính là nhờ vào những bài nói chuyện xuất sắc, thu hút và nhận xét đích thực của ba diễn giả mà Khánh Lan vô cùng kính nể và quý mến. Đó là GS Quyên Di, GS Trần Huy Bích, NB & NV Trần Phong Vũ. Khánh Lan xin phép được ghi lại dưới đây những lời vàng ý ngọc ấy, những lời nói chân thật, thân tình của 3 vị diễn giả là một động lực, một khuyến khích cho Khánh Lan tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp văn chương.

    NT Nga Nguyển, NV Trần Phong Vũ, GS Quyên Di,
    GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải, NV Nguyễn Quang, GS Trần Huy Bích
    Huỳnh Anh, NV Nguyễn Quang, NT Nga Nguyển, NS Dương Hồng Anh,
    GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải, John Tạ, GS Trần Huy Bích, Hoàng Khuê.

    Mở đầu với GS Quyên Di, ông giới thiệu một tác phẩm mới, tác phẩm thứ 5 mang tên KHÁNH LAN do tác giả “Đấng Sáng Tạo” sáng tác. Bài diễn văn hay quá, người cầm bút này xin ghi lại toàn vẹn bài của GS Quyên Di sau đây:

    “Kính thưa quý vị, Thưa các Chị, các Anh, hôm nay chúng ta tham dự một buổi ra mắt sách sách đặc biệt với 5 tác phẩm được giới thiệu. Bốn tác phẩm:

    1.  Vài nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại
    2.  Dĩ Vãng Khôn Nguôi
    3.  Tuyển tập truyện ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh
    4.  Tuyển tập truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh

    Bốn tác phẩm trên sẽ do những vị cao minh giới thiệu sau. Riêng tôi, rất hân hạnh được giới thiệu một tác phẩm mà tác giả không phải là Khánh Lan nhưng nhan đề lại là KHÁNH LAN. Tác giả của tác phẩm ấy chính là Đấng Sáng Tạo. Thật ra, nói về sáng tác, tôi muốn nhắc lại lời của nhạc sư HẢI LINH. Ông phát biểu:

    Chỉ có một đấng làm công việc SÁNG TÁC, đó là ĐẤNG SÁNG TẠO, còn chúng ta chỉ là những kẻ SÀNG TẠC, tức là SÀNG LỌC những gì đã có, để rồi TẠC theo mà thôi”.

    GS Quyên Di

    Vâng, mỗi chúng ta là một quyển sách mà Đấng Sáng Tạo chính là tác giả. Mỗi quyển sách Ngài viết có một bố cục khác nhau, với những tình tiết khác nhau. Tác phẩm nào cũng đặc biệt. Hôm nay, chúng ta được dịp biết về quyển sách mang tên KHÁNH LAN mà Ngài đã viết với tất cả lòng ưu ái của Ngài. Theo phép viết truyện, việc đầu tiên là tác giả đưa ra bối cảnh mà tiếng Anh gọi là background. Truyện xảy ra ở đâu, khi nào, hoàn cảnh lúc ấy có gì đặc biệt, có những nhân vật phụ nào không. Sau khi đã bày ra một bối cảnh với những chi tiết như thế, tác giả mới đưa nhân vật chính vào.

    Chúng ta sẽ không lầm khi nói rằng Đà Lạt là một trong số những thành phố đẹp nhất nước Việt Nam. Đà Lạt vào thập niên 60 với Thung Lũng Tình Yêu, Nhà thờ Con Gà, hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Viện Đại Học Đà Lạt, trường Võ Bị Quốc Gia, với những con đường ngập tràn hoa dã quỳ, mimosa, anh đào đã là một thành phố vô cùng thơ mộng và lãng mạn. Đó chính là bối cảnh mở đầu của tác phẩm. Được sinh ra tại thành phố đó, cô bé Khánh Lan cũng có một tâm hồn mộng mơ và lãng mạn. Tuy thế, tuổi thơ của Khánh Lan là một tuổi thơ rất hồn nhiên, ngây thơ. Hồn nhiên, ngây thơ đến độ hôm tiễn chân cha về cõi vĩnh hằng với cơn mưa giữa mùa hè vừa mới tạnh cô bé Khánh Lan đã khóc thảm thiết, nhưng chẳng khóc vì mất đi người cha thân yêu, mà lại khóc nức nở vì không tìm được chiếc giày bị lún xuống bùn sâu. Một kỷ niệm cười ra nước mắt cho một cô bé còn quá dại khờ khi nhớ về quá khứ xa xưa.

    Lớn lên trong sự đùm bọc của Ngoại và Mẹ, Khánh Lan thường nghe Mẹ kể rằng: người ta gọi Bố Khánh Lan là ông “Đội Lễ.” Ông vào miền Nam trước năm 1954 với nhiệm vụ bảo vệ cho hoàng đế Bảo Đại, bởi ông là trưởng đoàn của quân đội hoàng gia “Ngự Lâm Quân.” Sau năm 1954, ông “Đội Lễ” trở thành “Thiếu Úy Lễ,” phục vụ trong đơn vị tác chiến dưới thời của TT Ngô Đình Diệm. Ông đánh giặc rất hăng trên các chiến trường Komtum, Pleiku, Ban Mê Thuột, v.v… Thế mà lạ, không bao giờ bị thương, trong lúc rất nhiều đồng đội quanh ông đã nằm xuống tại chiến trường.

    Sau lần đầu tiên bị thương nhẹ, Thiếu úy Lễ được thăng chức Trung Úy và thuyên chuyển về làm trưởng trại Trần Quốc Tuấn, nhưng chỉ vài năm sau ông lại trở về đơn vị tác chiến. Năm 1963, với cấp bậc Đại úy, ông được bổ nhiệm về Sài Gòn để thụ huấn khóa học ba tháng trước khi trở lại Đà lạt làm giảng viên trường Võ Bị Quốc Gia. Nhưng ông đã qua đời vào tháng Tám ngày 25, 1963, ba tuần trước ngày trình diện nhận chức vụ mới, vì tai biến mạch máu, khi ông chưa tròn 53 tuổi.

    Cũng trong phép viết truyện, tác giả đưa độc giả theo những diễn tiến của câu truyện mà tiếng Anh gọi là những plots. Càng ngày diễn tiến càng lên cao, tiếng Anh gọi là Rising Action; cuối cùng lên đến đỉnh điểm mà tiếng Anh gọi là Climax. Theo diễn tiến này, tác giả tạo ra những nút thắt của câu truyện. Chính những nút thắt này khiến cho truyện trở nên gay cấn và hấp dẫn, gợi trí tò mò của người đọc, muốn biết rồi truyện sẽ diễn biến ra sao. Nút thắt và cũng là đỉnh điểm của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN là sự việc xảy ra vào tháng 4 năm 1975. Khánh Lan cũng như bao người VN bỏ nước ra đi. Mặc dù ba tuần trước khi Sài Gòn thất thủ, Dr. Britton là cha nuôi của cô chị của Khánh Lan và Vy Hương, ông đã về Việt Nam bảo lãnh cho hai chị em sang Mỹ, mang theo cả giấy bảo lãnh của thống đốc đảo Guam, thế mà chị em Vy Hương, Khánh Lan vẫn không lọt vào được phi trường Tân Sơn Nhất.

    Đã thắt nút thắt, trách nhiệm của tác giả là phải gỡ nút thắt ấy ra. Đó chính là nguyên tắc mà các tác giả viết truyện phải theo. Vậy thì Đấng Sáng Tạo, tác giả quyển truyện mang tựa đề KHÁNH LAN bắt đầu tìm cách gỡ nút thắt. Và cũng từ đây, các diễn tiến bắt đầu đi xuống, mà tiếng Anh gọi là falling action. Thêm một nhân vật xuất hiện: người anh rể của Khánh Lan được trường Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn cấp học bổng đi học chương trình tiến sĩ ngành Political Science tại North Carolina hồi đầu năm 1975. Anh đã đánh điện tín về Sài Gòn và nhờ một người bạn ngoại quốc đang làm việc tại Sài Gòn chở Khánh Lan, Vy Hương và hai người em của anh vào phi trường. Đó là ngày 28, tháng 4, năm 1975. Bị kẹt lại trong phi trường hai ngày vì lúc ấy phi đạo bị pháo kích liên tục. Khánh Lan và Vy Hương là những người ra đi trong những chuyến bay sau cùng rời phi trường Tân Sơn Nhất, vĩnh biệt quê hương trong vội vã, bỏ lại tất cả: Ngoại, Mẹ, anh Cả, anh hai và bạn bè…

    Từ Phi Luật Tân, qua Guam và sau một tháng ở trại tị nạn Forth Chafee, Khánh Lan và Vy Hương đoàn tụ với người chị thứ ba ở Sacramento. Lúc ấy, chị làm việc cho cơ quan từ thiện: FOOD FOR THE HUNRY và đang giúp tìm người bảo trợ cho gia đình tị nạn VN. Vì không muốn là gánh nặng cho vợ chồng chị, Khánh Lan và Vy Hương chấp nhận sự bảo trợ của ông bà Shidler. Ông bà là chủ nhân của một motel vùng Yuba City. Thế rồi ông bà cho Khánh Lan & Vy Hương đi học. Nút thắt càng ngày càng được nới lỏng.

    • Niên khoá 1975-1978 KL lấy bằng AA ngành kế toán, Yuba City College.
    • Niên khoá 1978-1980 KL tốt nghiệp cử nhân kế toán quản trị, đại học California State University, Sacramento,
    • Niên khoá 2000-2002 KL tốt nghiệp Cao học tâm lý xã hội (socio- psychology), đại học California State University, Fullerton.

    Thêm một diễn biến mới: Sáu tháng sau ngày nhập học Yuba City College, Khánh Lan gặp Mạnh Bổng. Hai người giữ mối liên hệ bạn trai bạn gái suốt 5 năm trời. Đến tháng 8, 1980, hai người kết hôn. Hai năm sau, 1982, Khánh Lan sinh con gái đầu lòng Thiên Kim. Kết hôn với Mạnh Bổng quả thật cuộc đời Khánh Lan bay bổng rất mạnh!!! Với cuộc sống thăng tiến như thế, Khánh Lan đã:

    • 2 năm làm việc cho ngân hàng.
    • 12 năm làm việc cho chương trình Dịch vụ Hỗ trợ Tại gia. Đồng thời làm việc bán thời gian cho nơi tạm trú an toàn của Phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, với tư cách là cố vấn tại trung tâm Fullerton và Tư vấn Khải Đạo cho người Nam Hàn, đồng thời là người hướng dẫn chương trình điều trị nạn nhân Bạo lực và chương trình điều trị ma túy.
    • 3 năm làm việc cho Chương trình Tư vấn cho Cư dân Châu Á Thái Bình Dương với tư cách là cố vấn, tiếp xúc với phụ huynh và hỗ trợ nhóm phụ huynh.
    • 18 năm làm việc cho Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em với tư cách Nhân viên Xã hội cao cấp của phần vụ Ứng phó Khẩn cấp, phần vụ bảo vệ nạn nhân Bạo hành Gia đình và phần vụ Bảo trì Gia đình.

    Sau 35 năm làm việc, KL nghỉ hưu vào năm 2018.

    Chương sách này viết về Khánh Lan, Đấng Sáng Tạo đã ban cho nhân vật chính của mình một sự thông minh, tế nhị, sự chịu đựng, lòng can đảm và nỗ lực tuyệt vời. Đây được xem là một trong những chương đẹp nhất của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN, mặc dù có những lúc người Cán Sự Xã Hội Cao Cấp ấy phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm và lo sợ khi phải đương đầu với công việc hằng ngày, nhất là trong thời gian làm việc ở cơ quan chống lạm dụng trẻ em và Ứng cứu khẩn cấp, là những cơ quan mà phần lớn phụ nữ Á Đông không dám làm vì phải chịu nhiều căng thẳng, phải ra quyết định, phải tách rời trẻ em khỏi gia đình mà các em bị lạm dụng, phải đối phó với bệnh viện, đối diện với cái chết của một đứa trẻ, đối đầu với nạn ma túy, với thành viên của các băng nhóm v.v…, phải viết báo cáo hầu như mỗi ngày và phải ra tòa khi cần thiết.

    Một chương khác trong tác phẩm mang tên KHÁNH LAN cũng đẹp không kém là chương Khánh Lan tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật với những thành tích rực rỡ:

    • Những sinh hoạt trong các lãnh vực Vũ nghệ thuật (arts choreography), thi ca, biên khảo văn học, tham luận văn chương, truyện ngắn, hồi ký, văn tạp ghi và kịch nghệ Song ngữ Việt Anh.
    • Trưởng Nhóm Văn Học & Nhóm Vũ Nghệ Thuật của Liên Nhóm Nhân văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, cộng tác trong ban biên tập các tổ chức văn học: Việt Media, Văn Học Mới, Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian.
    • Được vinh danh trong số 100 tác giả văn hóa Việt Nam trong quyển Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại (NKMVHVNHN) của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris.
    • Cộng tác trong ban biên tập các tổ chức văn học: Tác phẩm phổ biến trên báo chí, internet, và chủ đề văn học hoặc thi ca trên tạp chí Việt Media, Chim Việt Cành Nam, Tuổi Trẻ online, CLB Văn Hóa Paris, Văn Học Mới, Saigon Time, Ninh-hoa.com, trang web ledinh.ca, Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, vùng Nam Hoa Kỳ.

    Kính thưa quý vị, Thưa các chị, các anh, Đấng Sáng Tạo vẫn còn tiếp tục viết những chương kế tiếp của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN. Tác phẩm chưa chấm dứt, nhưng cá nhân tôi tiên đoán đây là một tác phẩm có hậu, HAPPY ENDING. Chúng ta hãy chờ xem Ngài còn viết những gì. Trăm lời nói không bằng một lần nhìn, tôi xin được phép giới thiệu tác phẩm KHÁNH LAN do Đấng Sáng Tạo sáng tác, bằng xương bằng thịt: NHÀ VĂN KHÁNH LAN.

    Khánh Lan

    Diễn giả thứ hai là GS Trần Huy Bích, bài diễn văn của ông ngắn gọn nhưng rất đầy đủ và nói lên được giá trị nội dung của tác phẩm cũng như phong cách viết văn của tác giả, phương cách nhận định giá trị và nội dung của tác phẩm, Khánh Lan xin tóm tắt như sau: 

    “Kính thưa các bậc trưởng thọ, kính thưa các thân hữu,

    Tôi được trao nhiệm vụ nói về 2 tác phẩm trong 4 tác phẩm của chị Khánh Lan. Đó là Đôi nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại và Tuyển tập truyện trinh thám: Thám tử Lê Minh. Trong tác phẩm Đôi nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại, bài đầu tiên là bài tóm tắt về Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Đây là cuộc tranh luận tại Việt Nam từ năm 1930 của hai nhà văn Hải Triều và Hoài Thanh về nghệ thuật phục vụ nghệ thuật và nghệ thuật phục vụ về cuộc đời. Đây là cuộc thảo luận gay go trước năm 1945, chị Khánh Lan đã tóm lược một cách đầy đủ, kỹ càng và ghi nhận được những điểm chính của cuộc tranh luận đó. Đây là một sự thành công. Sau đó tác giả trình bày về sự nghiệp và cuộc đời của10 tác giả Tây phương cận đại trong đó có 4 tác giả người Pháp là Victor Hugo, Alexandre Dumas, Marcel Proust và André Gide. Chị đã đặc biệt để ý đến 2 cuốn là “Khung Cửa Hẹp-La Porte E1troite” và “Đi tìm thời gian đã mất-À la Recherche du Temps Perdu”, chị say mê 2 cuốn đó. Ngoài ra những tác phẩm còn lại là 3 tác giả Mỹ, 1 Nga, 2 Đức. Đây là những tác giả quan trong của văn học thế giới, chị đã làm đầy đủ, chị đọc rất kỹ, chị tóm được các điểm chính đặc sắc của tác giả.

    GS Trần Huy Bích

    Đứng về phương diện văn học, những nhận xét của chị có lương tâm, chu đáo, chị đã thành công, chúng tôi không thấy khuyết điểm gì. Quyển thứ nhì là quyển truyện trinh thám, Thám Tử Lê Minh gổm 13 truyện. Truyện cuối cùng nói về cuộc đời của tác giả Lê Minh. Điều đặc biệt thì Lê Minh không phải là một nam thám tử mà là một nữ thám tử, có lẽ vì tác giả là một nữ tác giả nên đã tạo nên một nhân vật nữ với những đặc điểm của mình. Truyện của Khánh Lan khiến người đọc thích thú, vui vẻ, hấp dẫn và mến nhân vật trong truyện. Nên theo quan niệm của tôi, Khánh Lan đã thành công trong tập truyện Tuyển tập truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh. Nhất định chị Khánh Lan là một nhà văn.

    Tóm lại, đứng về lãnh vực biên khảo, Khánh Lan thành công trong tập truyện về các nhà văn trên thế giới: Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại. Đứng về phương diện giải trí, Khánh Lan thành công trong truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh. Tôi xin chúc mừng chị Khánh Lan, anh Mạnh Bổng, chúc mừng tất cả của nghệ thuật viết văn. Xin kính chào.

    Mabel, Stephen, Thiên Kim, Mạnh Bổng, Khánh Lan,
    Vy Hương và NT Việt Cường.

    Và sau cùng là bài diễn văn của nhà báo kiêm nhà văn Trần Phong Vũ, bài diễn văn của ông thật hùng hồn và có lẽ đã thu hút được hầu hết các khán giả tham dự buổi RMS hôm ấy. Khánh Lan xin ghi lại tóm tắt phần lớn bài diễn văn của ông như sau.

                “Khánh Lan, đây là ngày đầu tiên tôi được gặp cô, mặc dầu cô đã liên lạc với tôi có lẽ từ nửa năm qua và đã gởi qua máy vi tính cho tôi 2 đến 3 lần cái bản thảo và bản layout quyển truyện dài: Dĩ vãng khôn nguôi và quyển truyện ngắn: Tình yêu, cuộc đời và định mệnh để tôi dễ đọc hơn. Ngày hôm nay tôi đến đây như một sự chia sẻ về một người trẻ, một khuôn mặt mà phải nói rằng phải “Dấn thân” lắm. Đúng, phải là một con người có một cái ý chí đặc biệt mới có thể đi vào một lãnh vực, phải nói là rất là khó chứ không phải dễ. Nhưng ngày hôm nay tôi xin thưa, tôi hoàn toàn đồng ý với GS Trần Huy Bích, vì sau khi tôi đọc xong hai tác phẩm này, không phải chỉ một lần, mà nhiều lần. Bởi lẽ mỗi một lần nhận được bản mới, tôi nghĩ là nó phải có những thay đổi, mà có những thay đổi thật và chính nhưng thay đổi đó nó đã đánh giá cô Khánh Lan rất cao. Bởi vì khi làm một công việc gì cũng vậy, ngoài cái tài thiên phú ra, cái sự chăm chỉ, sự phục thiện để mà lắng nghe lời nói của một người khác là rất quan trọng và cô đã có các đặc điểm đó. Trong suốt thời gian tiếp xúc với cô qua điện thoại hoặc email, cô vẫn có được một sự kính trọng đối với tôi, mặc dầu cô chưa biết tôi là ai.

    NV Trần Phong Vũ

    Bây gì tôi xin được nói về tác phẩm truyện ngắn trước khi nói đến tác phẩm truyện dài. Đúng ra, tôi phải đi vào từng chi tiết của mỗi câu truyện để hiểu rỏ tác phẩm ấy nói gì. Tuy nhiên, tôi chỉ hiểu rõ một điều này, khi viết truyện ngắn, cái khó nhất của viết truyện ngắn là đoạn kết. Nếu mà đoạn kết thất bại thì coi như là bỏ hết, vứt đi. Cái kết có thể là “happy ending” hay là một hình thái gì đó để mà đưa ra một cái kết. Ở đây, tôi nhận thấy cô chọn lựa rất đặc biệt cho cái kết trong những truyện ngắn của cô cũng như qua một vài đoạn khi cô nói về mình ở trong phần tâm sự hay là lời cám ơn. Có rất nhiều những dữ kiện trong cuộc đời của cô, nhất là những kiến thức của cô, những cái gì mà cô đã học được của nhà trường, những gì cô đã thực tập khi cô làm thày dậy người ta hay là thực tế lao đầu vào những công việc hiểm nguy. Thế thì cái vấn đề là cô ấy đã làm gỉ với những kiến thức ấy, tôi phải nói là nhiều những truyện ngắn trong sách, cô đã mang những suy nghĩ, những kiến thức của cô, tấm lòng của cô, cái đặc biệt của một tấm lòng yêu thương con người, say mê với công việc của mình. Thành ra tôi vẫn tin tưởng rằng, với một người như vậy khi bước vào văn chương cũng mang tấm lòng đó vào và sẽ thành công và sự thành công đó là ngay trong những tác phẩm truyện ngắn. 

                Như tôi đã đề cập lúc đầu là cái kết thúc rất quan trọng, thì ở điểm này cô Khánh Lan đã thành công. Tôi nhận thấy, thứ nhất là cô có cái khuynh hướng rõ ràng là cô thích có một cái “happy ending” cô muốn có một kết thúc tròn đầy. Đó là con người của cô, một con người yêu thương, một con người mà chỉ muốn mọi chuyện xảy ra tròn vẹn, không phải cho mình mà cho mọi người. Vì vậy khi cô gửi vào những nhân vật có thực trong tác phẩm truyện ngắn. Tuy vậy, trong một vài truyện, tôi đã nhìn thấy vì một lý do gì đó cô phải đưa ra một “ending” khác, nhưng hầu hết đều gọn ghẽ, rất đầy đủ, chỉnh chu như cô đã trả lời NV Việt Hải về cái bố cục của một câu truyện, một quyển sách như thế nào rất là chính xác. Với tư cách là một người đã từng dậy quốc văn, tôi thấy cái quan niệm đó, cái nhìn đó, cái mà cô đã cố gắng đi theo con đường văn chương. Đây chính là một cái chìa khóa để mở cho cô đi vào sự thành công, không phải chỉ có ngày hôm nay với 4 cuốn sách này, mà sẽ còn nữa trong tương lai như lời sự ước ao của GS Trần Huy Bích.

    Thế thì, cái điểm chính ở đây là cô rất thành công như trong tác phẩm truyện ngắn, như truyện “Hạnh Phúc Trở Về”. Cô có thể kết thúc ngay lúc mà người con trai của cặp vợ chồng rất là hạnh phúc đã chết trong một hoàn cảnh tức tưởi, đồng thời nó cũng đưa ra một sự cảnh giác cho những người cha mẹ chỉ lo làm ăn mà quên đi đứa con của mình bị bệnh tự kỷ. Cái điểm này cũng nằm trong ngành học chuyên môn của cô, cô đã ứng dụng vào truyện rất là đúng. Cuối cùng, cô đã có một cái kết rất hay mà quý vị về đọc truyện này sẽ có một cảm nhận giống như tôi. Trong truyện “Nỗi Cô Đơn Trong Biển Tình” cũng thế, cô đã biết cách lợi dụng đại dịch Covid 19 để hàn gắn lại một mối tình tưởng chừng tan biến.

                Nói về tác phẩm truyện dài “Dĩ Vãng Khôn Nguôi” tôi cho rằng đây là một tác phẩm được dàn dựng rất công phu về phần nội dung của cốt truyện. Tác phẩm ghi lại những cảm xúc của tác giả khi rời xa quê hương trong vội vã cũng như sự ngỡ ngàng, niềm xúc động khi đứng trước những đổi thay của đất nước. Bởi vậy, tôi đưa ra kết luận như sau: Tác giả đã dùng rất nhiều thời gian để nghiên cứu về những thắng cảnh, nhất là cô đã cung cấp hình ảnh đầy đủ về những thành phố mà cô đã đi qua khi về thăm lại quê hương Việt Nam sau 20 năm viễn xứ. Tóm lại, cô đã thành công về lãnh vực sáng tác truyện dài và truyện ngắn, chúc mừng cô Khánh Lan.

    Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

    Sự thành công của Khánh Lan ngày hôm nay là do sư đóng góp của quý Thày Cô và các bạn bè đã đưa đến cho Khánh Lan một buổi ra mắt sách hoàn hảo. Xin ghi lại đây lòng cảm ơn chân thành của Khánh Lan và cũng xin ghi nhớ mãi ngày vui hội ngộ hôm nay.

    Khánh Lan, California, Sept. 26, 2021

    Gia đình tôi: Mạnh Bổng & Khánh Lan
    Mabel, Khánh Lan, Stephen, Thiên Kim
  • Khánh Lan,  Tin tức

    Nhà văn Khánh Lan ra mắt một lúc 4 tác phẩm (Bài của Ký Giả Thanh Phong)

    Nhà văn Khánh Lan tươi cười chào đón quan khách tham dự.
    (Thanh Phong/Viễn Đông)

    WESTMINSTER – Giữa thời đại của internet, nhiều người nghĩ rằng sách, báo không còn được nhiều người đọc như xưa, nhưng hôm Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021, vừa qua nhà văn Khánh Lan đã tổ chức ra mắt một lúc bốn tác phẩm: Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn, Tuyển Tập Truyện Trinh Thám Thám Tử Lê Minh, và Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại được đông đảo giáo chức, nhà văn, nhà thơ và thân hữu đến tham dự và nhiệt tình đón nhận các tác phẩm, chứng tỏ suy nghĩ trên chưa hẳn đã đúng.

    Trong các buổi ra mắt sách của nhiều nhà văn, nhà thơ chúng tôi có dịp tham dự trước đây, ít thấy có tác giả nào ra mắt một lúc bốn tác phẩm và có được sự hiện diện của đông đảo quý vị giáo sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo được kính nể và yêu mến như buổi ra mắt sách của Khánh Lan.

    Các giáo sư Trần Huy Bích, Lê Văn Khoa, Dương Ngọc Sum, Quyên Di, Đỗ Bằng Lăng, các nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang, Việt Hải, Dương Hồng Anh, Vương Trùng Dương, Nguyễn Văn Liêm; Việt Cường, Lê Nguyễn Nga, Kiều My, Kiều Mỹ Duyên, Vi Khiêm, Hà Nguyên Du là những tên tuổi mà cộng đồng người Việt tại Nam California không ai không nghe biết.

    Ngoài ra còn có rất đông bạn bè thân hữu của Khánh Lan trong Nhóm Vũ Phù Sa, các bạn trong lớp Piano online của Dr. Bằng Lăng, nhóm bạn từ cơ quan Orange County Children Protective Services, một số cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt và Võ Khoa Thủ Đức cùng một số bạn đến từ Denver Colorado, Valencia, Sacramento, không ai đến với Khánh Lan mà không cầm trên tay bốn tác phẩm khiến tác giả phải một phen ký chữ ký mỏi tay.

    Buổi ra mắt sách của nhà văn Khánh Lan được chuẩn bị, sắp xếp chu đáo trong một Studio ấm cúng ngay góc ngã tư McFadden – Brookhust, Westminster City. Ban tiếp tân ân cần niềm nở đón tiếp khách tham dự. Cô Mộng Thủy và Bích Trâm, hai MC duyên dáng đã điều hợp chương trình cách linh hoạt và khéo léo khiến buổi ra mắt bốn tác phẩm bắt đầu từ 12 giờ 30 trưa đến 4 giờ 45 chiều mới kết thúc mà ít ai ra về sớm.

    Mở đầu có nghi thức chào quốc kỳ Quốc Gia Việt Nam, Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Sau đó Mộng Thủy giới thiệu đôi nét về nhà văn Khánh Lan, “Khánh Lan tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Kế Toán Quản Trị tại California State University, Sacramento năm 1980 và Cao Học Tâm Lý Xã Hội tại California State University, Fullerton năm 2002. Cô hiện là Trưởng Nhóm Văn Học & Nhóm Vũ Nghệ Thuật của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, được vinh danh trong số 100 tác giả văn hóa Việt Nam trong quyển “Những khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải ngoại” của CLB Văn Hóa Paris. Ngoài ra, cô còn cộng tác trong ban biên tập các tổ chức văn học: Tác phẩm phổ biến trên báo chí, internet, và chủ đề văn học hoặc thi ca trên tạp chí Việt Media, Chim Việt Cành Nam, Tuổi Trẻ online, CLB Văn Hóa Paris, Văn Học Mới, Saigon Time, Ninh-Hoa DOT Com, www.ledinh,ca, Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa và Hội Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ.”

    Các giáo sư, nhà văn, nhà thơ tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Khánh Lan.
    (Thanh Phong/Viễn Đông)

    Sau phần giới thiệu tác giả, MC Mộng Thủy mời nhà văn Việt Hải lên đặt một số câu hỏi với tác giả Khánh Lan về vai trò của nhà văn, mô thức viết văn thế nào? Tác giả Khánh Lan đã dùng cơ hội này cảm tạ các nhà văn, nhà giáo đã nhận lời làm diễn giả cho buổi ra mắt sách hôm nay cũng như đã viết Lời Tựa giới thiệu các tác phẩm của Khánh Lan. Cô cũng không quên đặc biệt cám ơn phu quân Mạnh Bổng và hai người con Thiên Kim & Stephen đã cho Khánh Lan niềm hãnh diện để hoàn tất các tác phẩm và có lẽ không thiếu sót người nào, từ các vị cố vấn kỹ thuật đến người góp ý, các bạn bè và thân hữu tham dự mà cô không quên cám ơn.

    Sau lời cảm tạ và trả lời nhà văn Việt Hải, Khánh Lan nhận được những bó hoa tươi thắm từ nhà thơ Việt Cường, phu quân Mạnh Bổng, MS Mabel Chong, chị Vy Hương, hai cháu Thiên Kim và Steven trao tặng. Ngoài tài viết văn, làm thơ, Khánh Lan còn sáng tác một số nhạc phẩm và bản “Ngày Vui Hội Ngộ” đã được nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng phổ nhạc và MC Bích Trâm giới thiệu ban hợp ca Tiếng Thời Gian trình bày để mọi người thưởng thức.

    Diễn giả đầu tiên là giáo sư Quyên Di, ông nói về tiểu sử tác giả. Giáo sư Quyên Di là vị giáo sư ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam. Trước năm 1975, ông là tổng thư ký tờ báo Tuổi Hoa, chủ bút tờ báo Ngàn Thông. Ông dạy tại một số trường trung học nổi tiếng tại Saigon và là Phó Giám Đốc Ban Tiêu Thủ tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tại Hoa Kỳ, GS Quyên Di là người tiên phong trong phong trào dạy tiếng Việt cho các em tại các Trung Tâm Việt ngữ. Ông là giáo sư tại trường đại học University of California, Los Angeles (UCLA) và California State University Long Beach (CSULB), ông cũng là một nhà văn, nhà thơ và là cố vấn văn học của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian.

    Kế tiếp, ca sĩ Ngọc Quỳnh ngâm hai bài thơ do nữ sĩ Dương Hồng Anh sáng tác tặng nhà văn Khánh Lan. Diễn giả thứ hai, giáo sư Trần Huy Bích, ông đậu Cử Nhân Văn Chương và Hán Học tại Viện Đại Học Saigon; Cao Học Tiến Sĩ về Giáo Dục và Chính Trị Đối Chiếu tại Hoa Kỳ. Giáo sư dạy học từ năm 1957 và cuối cùng là Phân Khoa Nhân Văn thuộc Văn Hóa Vụ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tại Hoa Kỳ, giáo sư Trần Huy Bích là Phó Giám Đốc phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệm cho sinh viên ngoại quốc tại Pasadena, Quản Thủ Thư Viện trong chương trình ASIA và phụ tá quản thủ thư viện phụ trách các tài liệu giáo dục Á Châu và Trung học, cố vấn văn học Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian. Giáo sư Trần Huy Bích trình bày “Những ý nghĩ về Văn Học và Tuyển Tập Trinh Thám: Thám tử Lê Minh.”

    Diễn giả thứ ba, nhà văn Trần Phong Vũ, trình bày về hai tác phẩm Truyện Dài, Dĩ Vãng Khôn Nguôi và Tuyển tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh. Nhà văn Trần Phong Vũ sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương và bình luận trên chương trình của Đài Phát Thanh Quốc Gia VNCH từ năm 1957, tổng thư ký nhiều tờ báo miền Nam VN trước 1975, giáo sư văn chương đệ nhị cấp tại các trường Thủ Khoa, Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Taberd. Ông đoạt Giải Nhất của Văn Hóa Vụ Bộ Thông Tin VNCH năm 1956 với “Mùa Hợp Tấu,” một tác phẩm trường ca “Tâm Bút Niềm Đau Của Huế” đăng hàng ngày trên nhật báo Sóng Thần (1972-1973). Sau năm 1975 định cư tại Cali ông tiếp tục cầm bút chủ trương tờ Đường Sống, Diễn Đàn Giáo Dân, hợp tác trong nhiều chương trình bình luận thời sự, văn học trên các đài truyền hình. Xen kẽ vào các lời phát biểu của các diễn giả là chương trình văn nghệ đặc sắc do nhiều ca nghệ sĩ trình diễn được mọi người nồng nhiệt tán thưởng.

    Nhà văn Khánh Lan ký tặng sách cho nhà văn Vương Trùng Dương.
    (Thanh Phong/Viễn Đông)

    Ngoài ba diễn giả đầy kinh nghiệm về văn chương thơ phú vừa nêu, bốn tác phẩm của Khánh Lan đã được các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng giới thiệu trong những trang đầu mỗi tác phẩm. Trong cuốn Dĩ Vãng Khôn Nguôi gồm 13 chương với những mẫu chuyện về dĩ vãng khó quên được nhà văn Nguyễn Quang (phu quân cố văn thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh), nhà văn Ngọc Cường, nhà thơ Việt Cường và nữ sĩ Dương Hồng Anh viết lời giới thiệu, nữ sĩ Dương Hồng Anh là cháu nội của cố văn thi sĩ nổi tiếng Dương Khuê, bà là em họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và là chị họ của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Nữ sĩ Dương Hồng Anh làm thơ từ năm 13 tuổi, đến nay bà đã xuất bản nhiều tập thơ giá trị, đóng góp cho nền văn học nước nhà. Trong lời giới thiệu, nữ sĩ Dương Hồng Anh viết tặng Khánh Lan hai bài thơ “Chúc Mừng Khánh Lan” và “Tháng Chín Mùa Thu.”

    Nhà văn Nguyễn Quang, sau lời giới thiệu rất mặn mà, viết, “Sự thành công của cốt truyện là sau khi đọc xong, độc giả buông quyển sách xuống nhưng vẫn còn thổn thức trong câu chuyện…”

    Tuyển Tập Truyện Ngắn gồm 10 mẫu truyện về cuộc đời, hạnh phúc, sự thủy chung và định mệnh cuộc đời được giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn, nhà báo Vương Trùng Dương và nữ sĩ Dương Hồng Anh viết lời giới thiệu, trong đó ký giả Vương Trùng Dương một cây viết lão luyện trong làng báo Việt hải ngoại viết cảm nghĩ của ông về tác phẩm Tuyển Tập Truyện Ngắn “Tuyển Tập Truyện Ngắn của Khánh Lan được sáng tác và hoàn thành trong mùa đại dịch Covid -19 năm 2020. Sống trong cơn dịch bệnh, chết sống khó lường, chết trong cô đơn, người thân ngậm ngùi vĩnh biệt. Thân phận con người quá mong manh, bé nhỏ trước mắt với hư vô và cát bụi! Có lẽ cảm nhận từ nỗi đau. Trăn trở của cuộc sống, Khánh Lan mang tâm cảm đó để gợi lại hình ảnh 45 năm về trước, mất nước, chia lìa, tang tóc…mới đưa đẩy con người vào vòng xoáy, biến thiên của cuộc đời!”

    Tác phẩm thứ ba Tuyển Tập Truyện Trinh Thám – Thám Tử Lê Minh gồm 13 câu chuyện trinh thám với nhân vật chính: Thám tử Lê Minh. Sách được hai nhà văn Dương Viết Điền và Việt Hải viết lời giới thiệu, một đoạn trong lời giới thiệu, nhà văn Dương Viết Điền viết “Tuyển Tập Trinh Thám” của nhà văn Khánh Lan đã trở thành bất hủ trong nền văn chương Việt Nam hải ngoại hiện nay, đặc biệt về những truyện trinh thám. Điểm qua 13 truyện trinh thám trong tác phẩm này, truyện nào cũng thật hấp dẫn khiến độc giả đọc đến say mê, Càng đọc càng thấy hồi hộp đến sởn tóc gáy, nổi da gà…” Tác phẩm thứ tư: Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại, sách được giáo sư Trần Huy Bích viết lời giới thiệu rất chi tiết, trong đó có đoạn. “…Khánh Lan, Trưởng Nhóm Văn Học của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã làm việc một cách tích cực, cẩn trọng và công phu. Cuốn sách cung cấp những hiểu biết căn bản và hữu ích về mười văn hào quốc tế nổi danh cùng những tác phẩm chính yếu của họ. Tôi hân hoan giới thiệu tới những ai muốn biết rộng thêm về văn học thế giới trong vị thế của một người Việt Nam.”

    Bốn tác phẩm của nhà văn Khánh Lan ra mắt sách ngày 19.9.2021.
    (Thanh Phong/Viễn Đông)

    Viễn Đông đã được một số giáo sư, nhà văn cho biết nhận xét về tác giả Khánh Lan và bốn tác phẩm:

    Ký giả Kiều Mỹ Duyên: “Cô Khánh Lan viết có cái tâm rất là cảm động, cô học về khoa học toán và cũng học về triết học nên cái nhìn của cô có sự hòa hợp giữua thực tế và triết học; cô làm văn nghệ và có trái tim nhân hậu, mong rằng cô sẽ còn viết nhiều hơn.”

    Nữ sĩ Dương Hồng Anh: “Hôm nay là ngày ra sách của văn sĩ Khánh Lan, cô là một người tôi rất quý mến, lúc nào cũng vui tươi, hiền hậu. Cô ra bốn quyển sách hôm nay tôi rất mừng, tôi xin chúc mừng cô thành công hôm nay và tôi nghĩ bà con mình ở Little Saigon ai cũng biết cô Khánh Lan là người vừa tài, vừa sắc, rất là quý hóa thành ra chúng tôi đến hôm nay để chúc mừng cô thành công.”

    Giáo sư Quyên Di: “Cô Khánh Lan là một cây bút mới nhưng đầy năng lực. Chúng ta thấy rằng không thể tưởng tượng được, đầu tiên cô ra mắt sách mà ra mắt một lúc bốn tác phẩm. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên và cũng cảm thấy kính phục cô, mà cô viết bốn tác phẩm thuộc thể loại khác nhau cho thấy cô có sức sáng tác và cái đầu óc để làm công việc văn học rất là dồi dào”.

    Sau tất cả các tiết mục trong chương trình đã thực hiện trọn vẹn, vào lúc 4 giờ 45 chiều, MC Mộng Thủy thay mặt tác giả và ban tổ chức cảm tạ mọi người và tuyên bố bế mạc. Mọi người ra về với bốn tác phẩm trên tay và vẫn còn nghe tiếng nhà văn Nguyễn Quang nhắn nhủ, “Chúng ta có thể chờ đón các tác phẩm tương lai của Khánh Lan, vì Khánh Lan còn quá trẻ và vấn đề xã hội thì sẽ còn có bao nhiêu chuyện ly kỳ và lý thú để cô viết tiếp.”

    Thanh Phong

    California, Sept. 23, 2021



  • Khánh Lan,  Tin tức

    Vài Nét Về Khánh Lan và Ngày Ra Mắt Sách

    Trong những tia nắng vàng nhạt của đầu mùa Thu chiếu rọi xuống vùng Little Saigon, nam California, tại NT Studio trên đường Brookhurst góc McFadden đã diễn ra buổi Ra Mắt 4 cuốn Sách đầu tay của Khánh Lan. Tôi đã tham dự nhiều RMS tại vùng Quận Cam, nhưng chiều RMS của Khánh Lan vào ngày Chủ Nhật 19 tháng 9, 2021, khá đặc biệt vì tính cách thân tình của nó, có lẽ vì hầu hết những khán giả ngồi bên dưới đều là thân hữu quen biết nhau từ trước, nên vừa mới gặp, những khuôn mặt tươi vui đã bắt tay nắm tay nhau mừng rỡ, chuyện trò rôm rả, và chụp hình mệt nghỉ. Nhiều người tâm sự có lẽ gần hai năm nay mới gặp lại nhau. 

    Có lẽ cũng theo truyền thống “đám cưới“, “hội họp” nên giờ khai mạc đã lui đến gần hai tiếng mới thấy khán giả đến ngồi kín các hàng ghế. Tôi đến sớm và dự định sẽ ghé qua mua một cuốn cô viết về mười tác phẩm hiện đại rồi sẽ rút lui lặng lẽ vì còn nhiều việc linh tinh chưa làm, thế mà tôi cũng không ngờ rằng tôi đã ở lại đến giờ phút chót vì thấy RMS có ý nghĩa và chương trình văn nghệ rất chọn lọc với những ca sĩ tài tử mà hát hay không thua gì ca sĩ thực thụ. Các dòng nhạc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Ngô Thụy Miên, và Đoàn Chuẩn-Từ Linh, đã cuốn hút khán giả về một thời xa xưa nào đó khi mình còn hạnh phúc bên những người thân yêu tại miền Nam và Sài Gòn ngày trước, qua các giọng hát truyền cảm của Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Thụy Lan, Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Mạnh Bổng, Bùi Quỳnh Giao, Đạt Tiêu, Đào Minh Tâm và Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian. Có nhiều ca sĩ tâm sự rằng chưa hề lên sân khấu lần nào, vậy mà cô đã hát rất thành công không ngờ, hoặc đang dọn nhà mệt quá mà mến Khánh Lan nên cố gắng lên hát, nhưng cô cũng không ngờ đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

    Hợp Ca Tiếng Thời Gian
    Ái Liên, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh
    Bích Trâm, Minh Ngân, Hồng Quyên
    Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Thụy Lan

    Hai MC Mộng Thủy và Bích Trâm đã điều khiển chương trình thật khéo léo, uyển chuyển và linh hoạt. Ba diễn giả Quyên Di, Trần Huy Bích và Trần Phong Vũ đã trình bầy được những điểm khán giả cần biết về Khánh Lan và về bốn tác phẩm đầu tay của cô, cũng như nguyên nhân động lực nào giúp cô hoàn thành được chỉ trong thời gian ngắn cả bốn tác phẩm. Phần mở đầu trong chương trình là đối thoại giữa anh Việt Hải (con chim đầu đàn của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian/NVNT & TTG) với Khánh Lan đã cho thấy sự yểm trợ của anh Việt Hải và nhóm cho Khánh Lan trong thời gian viết lách, và sự đóng góp không nhỏ của Khánh Lan cho nhóm NVNT & TTG kể cả trong lĩnh vực văn nghệ và ca vũ.

    Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian

    Một điều làm cho khán giả đến gần với tác giả hơn là chủ trương của Khánh Lan là viết để phục vụ nhân sinh chứ không phải phục vụ nghệ thuật, và điều này cô đã thể hiện bàng bạc và nhiều chỗ cụ thể trong bốn tác phẩm của cô bao gồm: “Vài Nét về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”- “Dĩ Vãng Khôn Nguôi” – “Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh” – và cuốn thứ tư là “Thám Tử Lê Minh”. Trong Dĩ Vãng Khôn Nguôi là niềm hối tiếc về những dĩ vãng một thời thân yêu nay không còn nữa và chúng ta không thể trở về để sống và tìm lại dĩ vãng một lần nữa. Trong cuốn thứ ba, Khánh Lan cho rằng Tình Yêu là cái gì chúng ta có thể chọn lựa, nhưng Cuộc Đời và Định Mệnh là cái gì chúng ta không chọn được, như ngoài tầm tay, như đã định sẵn, mà chúng ta phải chấp nhận.

    Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

    Chương trình dự trù kết thúc lúc 4:30 giờ chiều nhưng kéo dài mãi đến gần 5 giờ rưỡi mới tan hàng sau khi ban tổ chức và khán giả thân hữu đã dành đến mười lăm phút để chụp hình lưu niệm. Mọi người ra về trong sự quyến luyến về tình bạn, tình thân hữu, về tình người sau buổi chiều RMS hiếm hoi tại Quận Cam vì tình hình dịch bệnh – khi một lần nữa mùa Thu lại về trên miền nắng ấm nam California với những cơn gió bắt đầu se se lạnh.

    Phạm Gia Đại

    20 Sept., 2021

    MỜI VÀO XEM CUỘC PHỎNG VẤN CỦA KHÁNH LAN VỚI PHẠM KHANH, ĐÀI LITTLE SAIGON TV.

    VÀ VIDEO CỦA NGÀY RA MẮT SÁCH.

    Lời Cảm Tạ

    Kính thưa Quý Giáo Sư, Các Văn, Thi, Ca, Nhạc Sĩ, các Nhà Báo, Ký Giả, Nhiếp Ảnh Gia, Các anh chị em, bạn bè và thân hữu,

    Trước hết, Khánh Lan xin mượn “email” này để gửi lời cám ơn đến GS Trần Huy Bích, GS Quyên Di, NB kiên NV Trần Phong Vũ đã nhận lời làm diễn giả cho buổi RMS của Khánh Lan ngày 19 tháng 09, 2021. GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải, NV Nguyễn Quang, NV Ngọc Cường, NV Vương Trùng Dương, NV Dương Viết Điền đã viết lời tựa cho sách. NV Nguyễn Quang, NV Việt Hải, NV kiên NB Kiều Mỹ Duyên, NV Vi Khiêm, NT Việt Cường, GS cố vấn Kỹ thuật, Phạm Hồng Thái đã khuyến khích, góp ý cho 4 tác phẩm đầu tay của Khánh Lan. Khánh Lan cám ơn các nhà văn, các thi sĩ, các nhà báo Thanh Phong, Đài truyền hình Little Saigon với anh Phạm Khanh và Saigon TV với Minh Trương đã đến phỏng vấn và viết phóng sự. Các Nhiếp Ảnh Gia: Nguyễn Thiều Minh, Lê Hùng, Phú LeVan đã chụp những tấm hình lưu niệm tuyệt mỹ. Các bạn bè đã đến chung vui, ủng hộ và gởi lời chúc mừng tới Khánh Lan.

    Khánh Lan đặc biệt cám ơn anh Mạnh Bổng, hai con Thiên Kim & Stephen, ba bố con đã đặt lòng tin tưởng và cho Mẹ niềm hãnh diện để hoàn tất tác phẩm đầu tay. Vy Hương, người em song sinh và người bạn tâm đắc Thanh Châu đã hỗ trợ tinh thần cho Khánh Lan trong suốt thời gian qua. Cháu Andrea Tú Anh đã giúp chụp hình, quay video và kết những đóa hoa hồng xinh đẹp cho Dì Khánh Lan. Keyboard  player, Anh Thọ Lâm đã giúp làm danh sách và ghi nhận bạn bè “order” thêm tác phẩm. Thu Dung, Ánh Nhật, Hoàng Giang, Tú Anh, Vee Hương đã giúp điều hành và phân  phối sách. Hạnh Nguyễn & Tuyết Nga giúp phối hợp phần ẩm thực cho buổi Ra Mắt Sách. Còn những ai nữa mà Khánh Lan không nhớ?

    Sau cùng, Khánh Lan cám ơn ông bà Susan và John Tạ đã bảo trợ cho buổi RMS và các mạnh thường quân, anh Ngô Thiện Đức, Vi Anh, GS Quyên Di, NS Dương Hồng Anh, NV Kiều Mỹ Duyên, NT Yên Sơn, NV Dương Viết Điền, Hoàng Giang, Thu Dung, Vee Hương, Thành Nguyễn, v.v… đã hỗ trợ tài chánh giúp in ấn tác phẩm của Khánh Lan. Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã gởi tặng hai bài thơ chúc mừng ngày Ra Mắt Sách của Khánh Lan. Nhạc Sĩ HạĐỏBíchPhượng đã giúp Khánh Lan hòa âm bài “Ngày Vui Hội Ngộ”. Ca Nhạc Sĩ Lâm Dung đã giúp hòa âm và hát trình diễn nhạc phầm “Xa Quê Hương” của Khánh Lan. Các Ca Sĩ: Hồng Quyên, Đắc Triều, Minh Ngân, Trâm Anh, Ái Liên, Ngọc Quỳnh, Huỳnh Anh, Thụy Lan, Đào Minh Tâm, Tammy Minh Tâm, Hùng Ngọc, Thanh Sơn & Hồng Mai. Hai MC khả ái Bích Trâm & Mộng Thủy cũng như NS Duy Nhật và Vương Trang đã bảo trợ cho chương trình âm nhạc ngày Ra Mắt Sách.

    Khánh Lan vô cùng cảm động khi nhận thấy sự hiện diện Dr. Đỗ Bằng lăng và các anh chị trong lớp nhạc online. Các người bạn thân quý, đã không quan ngại đường xá xa sôi từ Colorado, Sacramento, Valencia, Los Angeles: Hoàng Giang & Thu Dung, Budiawan, Mabel, Jennifer và Hamish. Các anh chị cựu sinh viên Kinh Thương Minh Đức: Chị Tố Đoan, anh Nguyễn Văn Viễn, anh Nguyễn An Ninh. Các bạn từ chương trình Child protective Services: Kim Phạm, Deanna & Trảm, Michelle Diễm Hồng, Hạnh Nguyễn, Tuyết Nga Lâm. Các bạn trong nhóm vũ Phù Sa ngày xưa và các anh chị em. Các bạn bè và thân hữu từ liên nhóm NVNT & TTG đã đến chia vui và hỗ trợ tinh thần cho Khánh Lan. 

    Những hỗ trợ, chúc mừng, giúp đỡ của Quý Giáo Sư, Các Văn, Thi, Ca, Nhạc Sĩ, các Nhà Báo, Ký Giả, Nhiếp Ảnh Gia, Các anh chị em, bạn bè và thân hữu cũng như sự hiện diện của quý vị là một khích lệ lớn cho Khánh Lan. Sự thành công trong ngày Ra Mắt sách của Khánh Lan cũng do những sự đóng góp một cánh tay của quý thân hữu. Nếu trong thư này có sự thiếu sót tên của các thân hữu, Khánh Lan thành thật xin lỗi.

    Một lần nữa Khánh Lan thành tâm cảm tạ.

    Khánh Lan

    California, Sept. 24, 2021

  • Tin tức

    Mốc chứng lịch sử: Đạo Công Giáo có ở việt Nam năm 1615. Quân Pháp đến Việt Nam năm 1858 (cách nhau 243 năm).

    Vi Khiêm Nguyễn văn Liêm & Nhóm Phóng viên Vận Hội Mới.

    Hình của Ký Giả Thanh Phong, Viễn Đông

    Không chỉ một số sử gia và nhiều người Việt Nam nghĩ rằng đạo Công Giáo tại Việt Nam bắt nguồn từ những Linh Mục người Pháp, mà ngay trong Giáo hội Pháp cũng có một số người nghĩ như vậy. Vào thời điểm tài liệu lịch sử khan hiếm, ý niệm trên cũng lan truyền trong nhân gian, tạo ra dư luận ác ý suốt thời gian khá dài: Công Giáo Việt Nam có liên hệ đến việc Pháp xâm chiếm nước Việt Nam. Thế nhưng lối suy nghĩ này đang được chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam Roland Jacques (Dương Hữu Nhân) phản đối, bắt đầu từ bài tranh luận qua dạng lá thư gửi đến Hội đồng giám mục Pháp từ năm 1997.

    [1] Những năm gần đây, do tài liệu lịch sử dễ tiếp cận, những “ác ý” nói trên bị mai một theo thời gian. Bởi vì Đạo Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 và được thiết lập vững chắc bởi các thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý, từ trụ Dòng Tên tại Nhật Bản đến Việt Nam năm 1615 [2]. Mãi 243 năm sau, tháng 8 năm 1858, quân Pháp mới đổ bộ
    vào Đà-nẵng, Việt Nam. Đây là MỐC LỊCH SỬ RÕ RÀNG NHẤT, làm cho những ai có dụng ý muốn gán cho Công Giáo Việt Nam “tội rước Pháp xâm chiếm Việt Nam” phải xét lại định kiến sai lầm. Trong cuộc trao đổi với phái viên Vận Hội Mới tối 30/8/ 2021, Linh Mục Roland Jacques, Trưởng Khoa Giáo Luật Đại Học St Paul, Ottawa, Canada đã xác
    nhận những điểm quan trong thượng dẫn.

    Linh mục Roland Jacques (Dương Hữu Nhân),
    Phó Cáo Thỉnh Viên Án Phong Thánh Cha Trương Bửu Diệp. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

    Roland Jacques, lấy tên Việt Nam là Dương hữu Nhân từ thập niên 80. Ông là người say mê văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Từ năm 1997, Roland Jacques (Dương Hữu Nhân) phản đối, bắt đầu từ bài tranh luận qua dạng lá thư gửi đến Hội đồng giám mục Pháp để chứng minh: Kể từ năm 1615, những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Ðào Nha trong các mối lệ thuộc về mặt pháp lý.

    Giáo sư Roland Jacques, Trưởng khoa Giáo luật đại học St Paul, Ottawa, Canada  Tiến Sỹ Luật Khoa  Tiến Sỹ Giáo Luật,  Là người đã góp phần mình vào việc xây dựng hồ sơ và giúp cho chúng ta có được tên Anrê Phú Yên vào danh sách các vị Chân phước.  Trong hồ sơ Tuyên Thánh Linh Mục Phanxicoxavie Trương Bửu Diệp, LM Dương hữu Nhân
    được cử làm Cộng Tác Viên Ngoại Vụ, Bộ Phong Thánh tại Giáo Triều Roma. Nhân chuyến thăm Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, tại trụ sở của Hội 13962 Seaboard Circle, Garden Grove, California, Hoa Kỳ, Linh Mục Roland Jacques Dương hữu Nhân được mọi thành viên cùng một số Linh Mục và quan khách, đã dành cho Ngài một buổi tiếp đón trong không khí cầu nguyện thánh thiêng với tấm lòng ngưỡng mộ một người gốc Pháp yêu mến quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Chính vì lý do này, cha Nhân, ngoài 9 ngôn ngữ khác trên thế giới, ngài đã cố gắng học để đọc, viết và nói chuyện bằng tiếng Việt một cách thành thạo, không thua gì những con dân Việt. Do tâm tình yêu mến quê hương Việt Nam, Linh Mục Roland Jacques đã chọn cho mình tên Việt là Dương hữu Nhân từ cuối thập niên 1980. Chính nhờ biết đọc, viết sành sỏi các ngôn ngữ như Hy lạp, Do Thái, La Tinh, Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và cả tiếng Việt Nam . . .

    Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp chụp ảnh lưu niệm với cha Dương Hữu Nhân vừa đến từ Roma. (Thanh Phong/Viễn Đông)

    Nên cha Nhân đã tiếp cận được nhiều tài liệu khác nhau để đủ giúp ngài chứng minh rằng, kể từ năm 1615, các vị giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có nhiều Linh Mục mang Quốc Tịch khác nhau, có tầm vóc quốc tế đã đặt nền móng thành hình cho công cuộc truyền giáo, cũng là nền móng cho Giáo Hội Việt Nam. Tài liệu trên Bách Khoa Toàn Thư Mở ghi rõ: Các vị thừa sai Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng Tên để thấy được những hy vọng trở thành sự thật.  Vào năm 1615 các Linh Mục Dòng Tên như LM Francesco Buzomi, ngưới Ý lần đầu tiên đến Đàng Trong.

    LM Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt. LM Giuliano Baldinotti, người Ý tới tìm hiểu Đàng Ngoài năm 1626. LM Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), người Pháp cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa năm 1627 và bắt đầu công cuộc truyền giáo với nhiều thành tựu tại Đàng Ngoài. LM Girolamo Maiorica, người Ý nhiều năm truyền giảng Phúc Âm, viết sách chữ Nôm và hoạt động mục vụ tại Đại Việt cho tới những năm cuối đời. Dòng Tên đã gây dựng nền móng vững chãi cho Công giáo Việt Nam ngay từ thế kỷ 16.

    [3] Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến Việt nam vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm 8 quốc tịch khác nhau đã kẻ trước, người sau cũng đặt chân đến nơi này, trong số đó có 35 vị người Bồ Ðào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. [1] Như thế, vào thời kỳ đầu của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, chưa có vị nào mang quốc tịch Pháp.  Sau 243 năm, tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh
    Pháp cùng Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn.

    [4] Căn cứ vào mốc thời gian để minh chứng lịch sử cho từng giai đoạn thì những gì LM Roland Jacques Dương hữu Nhân trinh bầy hoàn toàn thuyết phục. Về tiến trình xin tuyên Thánh cho Linh Mục Tử Đạo Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, Cha Dương Hữu Nhân thông báo chung cho mọi người biết : Mọi việc đã thực hiện theo qui định tuyên Thánh trong Tông huấn Divinus Perfectionis Magister, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.1.1983. – “Special Problems in Canon Law III – Canonizations, do linh mục Roland Jacques, omi. tức Cha Dương Hữu Nhân, Cha Giáo Sư và Khoa Trưởng Giáo Luật Đại Học St. Paul ở Ottawa soạn và dạy trong niên khoá 2007-2008. – Huấn thị “Sanctorum Mater” Mẹ của các Thánh, do Bộ Tuyên Thánh ban hành năm 2007 và được Toà Thánh chính thức giải thích ngày 28.2.2008 tại Roma.Theo hướng dẫn của “Sanctorum Mater”, tiến trình tuyên phong chân phước phải được bắt đầu nơi địa phận mà ứng viên tuyên thánh đã chết. Về luận án 400 trang khổ giấy lớn với đầy đủ chứng từ cần thiết đã đệ trình Tòa Thánh Vatican.

    Một vài cuốn đã được chuyển đến các thành viên của Hội Đồng Sử Gia, để những vị này lượng giá tài liệu trong luận án đối với lịch sử. Công việc này đang được tiến hành, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên có sự chậm trễ đôi chút. Sau khi Hội Đồng Sử Gia lượng giá, luận án được chuyển đến Hội Đồng Thần Học gồm 9 nhà Thần Học khuyết danh để thẩm định Cha Diệp đã bị chết như thế nào? Và kết luận sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng, để ngài ký sắc lệnh công bố rằng, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp thực sự là một vị tử đạo.

    [5] Công việc của chúng ta là tiếp tục cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho một người con đất Việt ở thời đại này, Cha Trương Bửu Diệp sớm được hoàn thành, để ngài được tôn kính trên bàn thờ của mọi Kitô Hữu trên toàn thế giới. Giới thiệu về Linh Mục Roland Jacque, tác giả cuốn sách “Les Missionnaires Potugais et les débuts de l’Église Catholique au Viet-nam – Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công Giáo Việt Nam”, Đức Giám Mục Joseph Vũ duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Hội đồng Giám Mục Việt Nam viết: Roland Jacques xây dựng nội dung các tác phẩm từng được xuất bản về lãnh vực này qua hai trục nghiên cứu. Trục đầu là phần nghiên cứu về ngữ học mà các vị thừa sai Dòng Tên do Bồ Đào Nha gửi đến đã khởi sự và thực hiện một cách thành công.

    Ngoài Cha A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ, mà tên tuổi che che khuất những vị tiên phong đầy công lao khác, chúng ta sẽ thích thú khám phá được rằng đây là một công trình tập thể: có những người Việt Nam và những người Âu Châu từng cộng tác với nhau rất mật thiết và lâu dài cho công trình nầy, chuẩn bị cho một tương lai văn hóa dân tộc. Sự nghiệp của các bậc nghiên cứu tiền nhân này đã cống hiến vào gia sản chung của toàn dân tộc Việt Nam. Trục thứ hai là Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của chúng ta. Vì tác giả là người đã góp phần mình vào việc xây dựng hồ sơ và giúp cho chúng ta có được tên Anrê Phú Yên vào danh sách các vị Chân phước, nên tác giả quá quen thuộc với khuôn mặt sáng chói lạ lùng về sự trưởng thành trong cuộc sống kitô giáo và lòng dũng cảm tông đồ.

    Một trong những kỳ công lớn lao của cuốn sách nầy của tác giả hẳn sẽ là việc giúp độc giả biết rỏ hơn về vị tử đạo của chúng ta và giúp chúng ta nhìn nhận công đức và vai trò của ngài. Như tác giả từng viết : “Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh nầy, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết… Chính ở điểm nầy mà Anrê là một gương mẫu của đời sống công giáo rất thích hợp cho thời nay.” Hiệp thông cùng Linh Mục Phạm ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận Orange, Tuyên Úy Hội Yểm Trợ Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp, chúng tôi nhóm phóng viên Vận Hội Mới, xin lập lại lời Đức Cha Joseph Vũ duy Thống như trên để ghi ơn và tỏ lòng ngưỡng mộ một vị ân nhân của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, một người say mê văn hóa và Tiếng Nước Nam . . . để kết thúc bài tường trình cho lần đầu gặp gỡ Linh Mục Roland Jacques Dương Hữu Nhân, hôm 30/8/2021.


    Ghi chú:
    [1] https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2004/06/040609_vietcatholic

    [2] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

    [3] https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_T%C3%AAn

    [4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Ph%C3%A1p%E2%80%93%C4%90%E1%BA%A1i_Nam

    [5] Lễ giỗ Cha P.X. TBD Lần Thứ 75 – LM Dương Hữu Nhân

  • Khánh Lan,  Tin tức

    “MAI TÔI ĐI”

    Kim Vui (1960-2021)

    “Mai tôi đi… Chẳng có gì quan trọng,

    Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,

    Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,

    Chuyện bé nhỏ giữa dòng đời động loạn…”

    Đó là bài thơ do Nhà thơ Thái Thúc Hoàng Minh sáng tác đầu thập niên 70, mà tôi được nghe trong thánh lễ an tang của chị Kim Vui, cố hiền thê của Ca Sĩ Ngọc Hùng. Có lẽ tôi và tất cả mọi người tham dự Thánh lễ ngảy 28 tháng 08, 2021 tại Thánh đường St. George, thuộc thành phố Ontario, California 91762 đều xúc động bởi lời lẽ trong bài thơ, hẳn nó chất chứa những ý nghĩa thâm sâu, chẳng khác chi là những lời than thở của một linh hồn vừa lìa khỏi xác, khi tuổi còn quá thanh xuân và chưa sống trọn vẹn một kiếp người như chị Kim Vui.

    “Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng,

    Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,

    Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,

    Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.

    Khoảnh khắc cuối… Đâu còn gì tha thiết…

    Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.

    Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,

    Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi…

    Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,

    Để đi vào ranh giới của âm dương,

    Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,

    Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ…”

    Thật vậy, những câu thơ trên đã gợi lại trong ký ức chúng ta hình ảnh của những người bệnh đã và đang quần quại trong cơn đau thể xác. Ôi, chẳng có gì sợ cho bằng nằm chờ đợi bóng tử thần trước giờ hấp hối, cũng như chẳng có sự tiễn đưa nào mà không có nước mắt rơi và không để lại nhiều sầu muộn, thương tiếc cho người ở lại? Nhất là người vợ, người bạn đời tri kỷ, người mà ta đã bao năm đầu ấp tay gối, bao ngày chia ngọt sẻ bùi, người mà đã cho ta những đứa con ngoan, thông minh, đẹp đẽ.

    Ngọc Hùng & Kim Vui và tám người con

    Năm năm trước, ngày 13 tháng 03 năm 2016, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG) đã gặp chị Kim Vui trong buổi tưởng niệm Giáo Sư Lưu Trung Khảo và Nhạc Sĩ Anh Bằng. Với vẻ mặt hiền lành phúc hậu, ánh mắt và nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, Chị Kim Vui đã cùng chúng tôi hát những bài hát do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác, trong đó có bài: “MAI TÔI ĐI” thơ của Thi sĩ Nguyên Sa và do Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc. Bài hát có cùng tựa đề với bài thơ của Thi sĩ Thái Thúc Hoàng Minh.

    “Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ.
    Đời trăm muôn góc phố, con đường dài thật dài.
    Thẳng mãi có bao nhiêu, thẳng mãi có bao nhiêu
    Mai tôi đi, xin đừng gọi tên, thêm nhiều muộn phiền.

    Dù môi kêu đắm đuối, hay mặn nồng một trời.

    Cùng đành lòng xa thôi, cũng đành lòng xa thôi…”

    LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN

    Hôm nay, Liên Nhóm NVNT & TTG đã tiễn đưa một người con hiếu thảo, một người vợ thủy chung, một người mẹ hiền thục và một người bạn thân tình sang bên kia thế giới, thế giới mà mai này tất cả chúng ta đều sẽ phải đi qua theo vòng xoáy của tạo hóa. Thế giới ấy, chắc hẳn không có tiếng khóc, nỗi đau, chiến tranh và hận thù. Hẳn không có chết chóc tang thương. Phải chăng đó là thế giới của hoàn mỹ? Một thế giới an bình? Thì tại sao loài người lại hoảng sợ khi phải đối diện với nó nhỉ?

    LIÊN NHÓM NVNT & TTG

    Chị Kim Vui ra đi và để lại trong lòng mọi người một sự thương tiếc nhớ nhung sâu đậm. Sự ra đi của chị như thầm nhắc nhở chúng ta:

    “No matter how hard life can be. We must embrace every moment of it. Because, we never know when it’s going to be the end in our life.” (Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu. Chúng ta phải nắm lấy từng khoảnh khắc của nó. Bởi vì, chúng ta không bao giờ biết khi nào nó sẽ là dấu chấm hết trong cuộc đời mình.)

    Người con gái lớn nhất của chị Kim Vui và Ca sĩ Hùng Ngọc là Sr. Theresa ThanhThao thuộc tu viện Holy Spirit Missionary Sisters, Sr. Theresa ThanhThao đã chia sẻ một bài tiễn đưa hương hồn của Mẹ Kim Vui về nơi an nghỉ cuối cùng, vô cùng tha thiết và tạo một sự xúc động mạnh cho hơn 200 người tham dự tang lễ. Khánh Lan xin trích vài phân đoạn trong bài đọc của Sr. Theresa ThanhThao.

              “Mẹ ơi, thân cát bụi phải trở về cát bụi, nhưng sao lòng chúng con vô cùng tan nát…Mặc dù Mẹ đã rời xa chúng con nhưng hình ảnh của Mẹ luôn khắc sâu trong lòng chúng con …Mẹ lớn lên trong một gia đình truyền thống, thuần nông, đơn sơ, giản dị. Một quê hương mến yêu đó là giáo xứ Du Đức, Tân Hiệp, Kiên Giang, Việt nam…

    Mẹ của chúng con, Maria Nancy Nguyễn Thị kim Vui sinh ngày 23/8/1960 tại cần Thơ Việt Nam. Mẹ là người con thứ tư trong gia đình 12 chị em. Khi vừa tròn 15 tuổi, Mẹ đã kết hôn cùng ba Nguyễn Văn Ngọc tại Tỉnh Kiên Giang. Năm 1985, Mẹ đã cùng ba rời xa quê hương, để tìm cuộc sống tự do. Một chuyến đi đầy mạo hiểm, gian nan. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, gia đình chúng con cũng được cập bến tại trại tị nạn Thái Lan và Philippines. Sau hai năm trong trại tị nạn năm 1987, gia đình chúng ta đã được định cư tại California, Hoa Kỳ.

    Cái thuở ấy sao mà cơ cực! Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng chính lúc đó mới đích thực là lúc tỏ rõ tấm lòng của mẹ “Suốt đời tận tụy chồng con, sớm hôm chẳng quản hao mòn tấm thân”. Tám anh em chúng con đã lớn trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Và hoa trái đầu lòng chính là con đã được Mẹ khuyến khích dạy dỗ để sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa trong Dòng Thánh Linh Truyền Gíáo,SSpS.

    Giờ đây đối với gia đình, Mẹ đã hoàn thành mọi nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ. “Sống tận tụy mọi người yêu quý, chất thuỷ chung con cháu nhớ thương… “Để lo toàn cho một gia đình tám người con quả thật khó khăn không sao nói hết, tuy vậy, Mẹ vẫn không quản ngại tham gia những sinh hoạt cộng đồng. Mẹ đã từng là Trưởng Liên Hội các bà mẹ công giáo giáo phận Sanbernadino; là trưởng hội các bà mẹ công giáo tại cộng đoàn Nữ Vương Ontario. Ngoài những sinh hoạt của giáo xứ, Mẹ còn nhiều năm giúp vui trong nhóm hợp ca vui sống, tham gia câu lạc bộ thế giới tình nghệ sĩ. Tham gia các sinh hoạt nghệ thuật, và cũng Hân hạnh đoạt giải Á hậu Quý bà năm 2003. Quả thật “Cả đời Mẹ đã hy sinh, thuỷ chung nhân nghĩa soi đời cháu con.” Nhân gian Mẹ đã sống tròn, tấm gương vằng vặc sắt son truyền đời.”

    Nhưng rồi, cái gì đến phải đến. Năm 2013, Mẹ đã có những dấu hiệu của bệnh. Căn bệnh teo não đã lấy đi tất cả sức khỏe, sắc đẹp, lấy đi giọng ca thánh thót một thời, Lấy đi những bước chân miệt mài phục vụ. Những tháng ngày trên giường bệnh Mẹ vẫn không ngừng phục vụ cộng đoàn và xã hội qua lời cầu nguyện, những hy sinh đau khổ về thân xác và tinh thần… trên gường bệnh…

    Câu nói của người xưa con hoài ghi nhớ: “Sinh thành đông hải. Dưỡng dục thái sơn cao.” Mẹ đã cho chúng con một thể xác và linh hồn để hiện hữu trên cõi đời này. Những thể xác ấy lúc đầu còn bé nhỏ, những tâm hồn ấy lúc đầu còn thơ dại… Mẹ đã dành cả cuộc đời và mồ hôi nước mắt để nuôi nấng, giáo dục cho khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. 

    Sr. Theresa ThanhThao

    Trải theo năm tháng mẹ ngày càng kiệt sức để chúng con thêm khỏe mạnh. Công lao của mẹ đối với chúng con rất rộng như biển đông, cao như núi thái. Nỗi đau này đã thấu đến trời cao. Vào lúc 17h 15 phút, ngày 18/8 / 2021, Chúa đã gọi Má về trời. Vẫn biết đời vô thường là thế!  Mẹ về bên Chúa, không còn gánh chịu những đau khổ của bệnh tật, Nhưng đối với cõi phàm, biệt ly là nỗi đau đứt ruột. Mẹ ơi! “Mây tán tuyết tan. Hoa tàn Nguyệt khuyết. Hôm nay đây. Toàn thể các con cùng quy tụ nơi đây, tóc xanh phủ dày tang trắng cùng than khóc mẹ. Vẫn biết rằng sống là gửi, thác là về… Dù nơi nào Mẹ về thì chúng con vẫn mãi khổ đau. Vì chúng con đã vĩnh viễn mất Mẹ…

              Phải chăng, con người đến từ cõi hư vô, xong trải qua một kiếp người, rồi cũng sẽ trở về với hư vô? Phải chăng, chúng ta sinh ra từ cát bụi thì sẽ trở về cùng cát bụi? Khánh Lan xin thay mặt NVNT & TTG gởi lời chia buồn đến Ca sĩ Hùng Ngọc cùng tang quyến. Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng đón nhận linh hồn chị Maria Nancy Kim Vui sớm về huổng phúc bên Thánh nhan Ngài trên Thiên Đàng.

    Khánh lan

    California August 30, 2021

    TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

    1. Bài thơ được sáng tác bằng hai thứ tiếng – tiếng Việt và tiếng Anh. Tác giả bài thơ này là Thái Thúc Hoàng Minh, con của cố đạo diễn Thái Thúc Nha, và là cậu của ca sĩ Thanh Lan. Tác giả rời California về sống tại Đà Lạt và qua đời ngày 13/2/2015.
    • Bài thơ: Bản tiếng Việt của NQH – Bản dịch tiếng Anh của Roberto Wissai/NKBa 

                              MAI TÔI ĐI     

    Mai tôi đi… Chẳng có gì quan trọng,

    Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,

    Chuyện bé nhỏ giữa dòng đời động loạn…

    Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng,

    Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,

    Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,

    Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.

    Khoảnh khắc cuối… Đâu còn gì tha thiết…

    Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.

    Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,

    Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi…

    Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,

    Để đi vào ranh giới của âm dương,

    Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,

    Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ…

    Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả

    Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,

    Quên đàng sau những níu kéo giựt dành,

    Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế…

    Mắt nhắm rồi… Xin đừng thương rơi lệ,

    Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,

    Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.

    Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống…

    Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,

    Đến trần truồng và đi vẫn tay không.

    Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,

    Nay rũ sạch… Lên bờ, thuyền đến bến…

    Nếu tưởng nhớ… Xin âm thầm cầu nguyện,

    Nên xem như giải thoát một kiếp người,

    Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,

    Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp…

    Chính tác giả đã dịch bài thơ sang tiếng Anh:

    TOMORROW I’M GOING!

    Tomorrow I’m going… It’s no big a deal,

    It happens all the time, like fallen leaves in the park

    Like flowers driven by winds onto the side walk,

    These are minor matters in the turbulent waters of life…

    Death is hovering over my death bed,

    Please spare me of comments, visitations, or prayers of peace

    While my breathing is going to cease

    And I’m lying, waiting to bid farewell.

    These last dying moments… I wouldn’t care less…

    The hot and cold months on this planet.

    No matter I’m rich or full of glory,

    At the end I still return to dust and ashes…

    My finite existence decisively comes to an end

    And enters the yin and yang borderlands

    I won’t be bewildered at the frontier’s gate

    Earthly realm is on this side, the other an unimaginable and unknown fate

    I only wish my soul always at peace,

    Traveling lightly, I quicken my pace

    Leaving behind those who push and pull,

    While I finish my journey on earth’s face…

    My eyes are already closed…

    Please don’t shed tears of sympathy

    Please, no flower wreaths, no offerings, nor condolences,

    No videotaping, no picture taking for memories.

    That would only bring stresses and strains to the surviving…

    A quick look behind and life is just like a dream

    I arrived naked and I’m leaving with empty hands

    Many ups and downs, happy and sad moments piled high,

    Now they’re all cleared up…I’m stepping on board, the boat has arrived…

    If you miss me… Please silently pray,

    And consider a life has been liberated,

    Be calm, relaxed, and gay,

    I go first, you follow behind, we’ll meet again…

    Thái Thúc Hoàng Minh.

    MAI TÔI ĐI

    Thơ Nguyên Sa

    Nhạc: Anh Bằng

    Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
    Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
    Nhưng chẳng thế nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

    Mai tôi đi, chắc rằng Paris khóc,
    nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
    Cho dù cách nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

    Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ
    Đời trăm muôn góc phố, con đường dài thật dài
    Thẳng mãi có bao nhiêu, thẳng mãi có bao nhiêu

    Mai tôi đi, xin đừng gọi tên, thêm nhiều muộn phiền
    Dù môi kêu đắm đuối, hay mặn nồng một trời
    Cùng đành lòng xa thôi, cũng đành lòng xa thôi

    Mai tôi đi, chắc dòng sông Seine nhớ
    nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
    Muôn vạn u sầu, rồi cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau

  • Tin tức

    Tường Trình Buổi Ra Mắt Tác Phẩm Đóa Hoa Nở Muộn Của Nhà Văn Kiều My

    Chủ nhật ngày 15 tháng 8, 2021 là một ngày đẹp trời, không nắng gắt, có lẽ do làn gió thoảng từ bờ biển Huntington Beach thổi vào đất liền khiến khí hậu giữa trưa hè trở nên mát mẻ hơn thường ngày. Tuy có những buổi hội họp quan trọng khác tổ chức cùng thời gian, nhưng ngay từ lúc 12 giờ trưa bầu không khí tại NT Studio, tọa lạc trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, miền Nam California bắt đầu nhộn nhịp cho buổi Văn Học ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My sẽ diễn ra từ lúc 1:00 giờ trưa đến 4:30 chiều. Nhà văn Việt Hải trưởng Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG) chọn Đoá Hoa Nở Muộn (ĐHNM) là tác phẩm trước tiên, trong hàng loạt tác phẩm khác dự trù giới thiệu đến độc giả vào thời gian sắp tới do trì trệ bởi đại dịch COVID-19.

    Ban tổ chức, cố vấn, diễn giả, ca sĩ, truyền thông đến trước giờ chờ Studio mở cửa đem vật dụng cần thiết trang trí cờ xí vào. Khán thính giả tham dự đến sớm để xem Poster và tờ chương trình được Ban Tổ Chức (BTC) đặt ngay cửa chính và để gặp gỡ, chụp hình lưu niệm, chúc mừng tác giả cùng chọn chỗ ngồi cho cá nhân hoặc nhóm. Thành viên trong BTC mỗi người mỗi tay khệ nệ bê sách, hoa, thực phẩm nhẹ, nước giải khát trình bày trên đôi bàn dài được chủ nhân Studio đặt cuối căn phòng. Nhà báo Kiều Mỹ Duyên cùng toán kỹ thuật viên, trực tiếp thâu hình từng quan khách hiện diện, chúc mừng đứa con tinh thần tác phẩm đầu tay của ngòi bút Kiều My ra đời, khiến bầu không khí bỗng nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

    Trong chớp nhoáng, mọi thứ được bày biện tươm tất, quầy sách hình thành ngay khi bước qua cửa chính vào Studio, tấm khăn phủ bàn mầu đỏ cùng nhiều đóa hoa Hồng đỏ thắm (mầu biểu tượng cho Văn sĩ Kiều My tuổi Dương Cưu) do bàn tay ai đó khéo léo cắt tỉa, đem cắm trong bình hoa thủy tinh trong suốt đặt trên quầy sách, nơi tác giả trong bộ trang phục mầu trắng trông nhã nhặn và rạng rỡ hẳn lên. Với nét bút cẩn thận nữ sĩ ký tên trên mỗi cuốn sách, ân cần trao đến tay người nhận và không quên kèm theo lời cảm ơn cùng nụ cười nhẹ điểm trên môi.

    Đúng 1:00 trưa, MC Huỳnh Anh và Mộng Thuỷ đại diện BTC tuyên bố khai mạc buổi ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Jacqueline Lê Kiều My và giới thiệu đại diện BTC ngỏ lời chào mừng quan khách.

    Mở đầu với nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, Hoa Kỳ rất trang trọng, và phút mặc niệm đầy xúc động, trong phút mặc niệm tưởng nhớ đến thân nhân của tác giả vừa qua đời.

    Tham dự Chiều Văn Học ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn ngoài thành viên Liên nhóm, quan khách có: Các vị Giáo sư Dương Ngọc Sum, Quyên Di, Trần Mạnh Chi, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà thơ Việt Cường, Hà Nguyên Du, nhà văn Nguyễn Quang, Việt Hải, Vương Trùng Dương, Quỳnh Giao, Du Miên, Khánh Lan, Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Ân, nhân sĩ Phan Hùng Tuấn, Ô.Bà John Tạ, nhóm Hy Vọng Yểm Trợ Nhân Quyền ông Trần Quang Tuyến, ông Nguyễn Đức Luận, ông Nguyễn Hữu Thành, ông Hoàng Đình Khuê (khoá 16 Võ Bị Quốc Gia VN), KQ Trần Vê, KQ Dương Viết Đang, ông Nguyễn Đình Trung (Tổng thư ký hội Thủ Đức), ông Phạm Ngọc Lân, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nhiếp ảnh gia Paul Lê, XNV Minh Châu, các ca sĩ Hùng Ngọc, Mạnh Bổng, Mỹ Lan, Thụy Lan, Lệ Hoa, Thu Phượng và Julie Hạnh.

    Sau phần giới thiệu quan khách, tác giả ĐHNM cô Kiều My ngỏ lời chào mừng quan khách, cùng đa tạ nhà văn kiêm Họa sĩ Vi Khiêm giúp phát hoạ bià sách phù hợp với nội dung và Giáo sư Phạm Hồng Thái trang trí kỹ thuật bên trong cuốn sách ĐHNM. Tiếp theo, ca khúc La Paloma Adieu nhạc Pháp do chính tác giả trình bày gửi đến quý khách như lời tri ân, cùng mở đầu phần Hội thảo nhóm về Tình yêu Đông Phương, Tình yêu Tây Phương, Tình yêu trong tôn giáo, gia đình bền vững và tâm lý xã hội tương quan với tác phẩm ĐHNM do các diễn giả: GS Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di, NV Nguyễn Quang, NV Vi Khiêm, NV Khánh Lan và Xướng ngôn viên Minh Châu, được chia làm ba phiên.

    LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỒI GIAN

    Phiên 1: Tình Yêu Đông Phương tương quan với tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn với Giáo sư Quyên Di và XNV Minh Châu.

    Trình bày qua 3 tác phẩm:

    • Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du.
    • Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
    • Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

    1- Tình yêu đoan chính: Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, quan niệm về trinh tiết của người phụ nữ theo triết lý Khổng Mạnh. Kim Trọng là bạn của Vương Quan em Thuý Kiều, Kim Trọng quen biết Kiều nhân dịp lễ Tảo mộ và Tiết Thanh Minh. Thế rồi, một hôm nhân khi gia đình về dự lễ giỗ bên ngoại, Thuý Kiều lén vượt tường qua thăm trò chuyện cùng Kim Trọng, khi chàng Kim có cử chỉ muốn “vượt rào” Thuý Kiều ngăn lại và thuyết phục Kim Trọng chờ đến ngày thành hôn của hai người.

    “Sóng tình dường đã xiêu xiêu

    Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

    Kiều sửa lưng:

    “Thưa rằng: đừng lấy làm chơi

    Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!”

    Tình yêu lý tưởng của Kim & Kiều, một đôi trai tài gái sắc yêu nhau nồng nàn, không kém phần táo bạo “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” nhưng phận làm con gái phải tuyệt đối gìn giữ trinh tiết.

    Đã cho vào bậc bố kinh,

    Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

    Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

    Thì con người ấy ai cầu làm chi!

    Sau đó, Kim Trọng về quê còn gia đình Kiều bị tai họa do Thằng bán tơ vu oan chứa chấp tơ lụa bị mất cắp, tài sản bị quan quân cướp bóc Vương Ông và Vương Quan bị tù tội, Kiều phải bán mình lấy tiền chuộc cha và em. Cuộc đời Thuý Kiều lưu lạc trôi nổi, thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần. Khi gặp lại Kim Trọng thì đã lỡ làng, Kim Trọng thành hôn với Thuý Vân là do ý muốn của Thuý Kiều, nên hai người hứa hẹn sẽ là bạn của nhau “Tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ.”

    2- Tình yêu lễ giáo: Tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu xuất bản vào năm 1889, mở đầu câu chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu gắt gao răn rằng:

    “Trai thời trung hiếu làm đầu

    Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”

    Trong tình yêu phải tôn trọng đạo lý “Nam nữ thọ thọ bất thân.” theo quan niệm phong kiến thời Nho Giáo trai gái không được kề cận nhau hoặc có những cử chỉ suồng sã vô tình hay cố ý. Khi triều đình mở khoa thi, Lục Vân Tiên từ giã thầy xuống núi về kinh ứng thí. Trên đường trở về nhà thăm cha mẹ, gặp bọn cướp Phong Lai hoành hành, Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Nàng Nguyệt Nga định bước ra khỏi xe để lạy tạ ơn cứu mạng, thì Vân Tiên lật đật khoát tay.

    “Khoan khoan ngồi đó chớ ra

    Nàng là phận gái, ta là phận trai”

    Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, làm ơn không muốn cho người trả ơn. Nguyệt Nga lạy tạ ơn cứu mạng cũng không nhận, xin Vân Tiên theo về nhà lấy bạc vàng đền ân cũng không đi, Nguyệt Nga liền rút trâm cài tóc đưa vật làm tin (người nữ tặng trâm cài là quý lắm) thế nhưng Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn.

    “Đưa trâm chàng đã làm ngơ

    Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ

    Vân Tiên ngó lại rằng: ừ

    Làm thơ cho kịp bấy chừ chẳng lâu”

    Lúc này Vân Tiên mới chịu nhận thơ. Nguyệt Nga vốn giỏi văn thơ, nên thoắt một thoáng làm xong bài Đường luật (tám câu năm vần).

    “Thơ rồi này thiếp xin dâng,

    Ngửa trông rộng lượng văn nhân thế nào?”

    Nàng Kiều Nguyệt Nga chữ ân chưa trả chữ tình lại vương, nàng vẽ hình Vân Tiên để tôn thờ một tình yêu tự nguyện, nồng nàn thắm thiết trong tâm hồn của Nguyệt Nga, nàng phải chịu trăm đắng ngàn cay, chống lại lệnh Vua khi bị cống cho giặc Ô Qua, nàng ôm bức hình Lục Vân Tiên nhảy sông tự tử, may nhờ Phật Bà Quan Âm cứu mạng, rồi gặp tên Bùi Kiệm ép uổng đòi lấy nàng làm vợ, nhưng Kiều Nguyệt Nga vẫn giữ trọn lòng chung thủy với Lục Vân Tiên.

    “Vái trời cho đặng vuông tròn

    Trăm năm cho trọn lòng son cùng chàng”

    Trên đường dẹp giặc Ô Qua chiến thắng trở về, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga gặp lại nhau nên duyên vợ chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, vinh hiển.

    3- Tình yêu thuần khiết: Tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng xuất bản năm 1933 là truyện ngắn vỏn vẹn chừng một trăm trang giấy, nhưng là tác phẩm đầu tay nổi tiếng và thành công nhất của Khái Hưng, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Nội dung tác phẩm như sau: Ngọc là chàng sinh viên trường Canh nông Hà Nội, nhân dịp nghỉ hè đã đến chùa Long Giáng ở Bắc Ninh thăm người bác là sư trụ trì và nghỉ hè. Ngày đầu đến chùa, người đầu tiên Ngọc gặp là chú tiểu Lan dịu dàng, kín đáo, đoan trang đã sốt sắng giúp xách phụ hành lý hướng dẫn Ngọc lên chùa. Trong thời gian ở lại chùa Ngọc được chú tiểu Lan săn sóc, khiến Ngọc có cảm tình đặc biệt. Về sau, Ngọc phát giác chú tiểu Lan là gái giả trai, do gia đình ép gả vào nơi quyền quý, chú tiểu Lan xin qui y cửa Phật. Ngọc không vì mối tình riêng tư mà lôi kéo chú tiểu Lan trở về trần tục, thay vào đó là chấp nhận hy sinh chuyển hoá mối tình đơn phương của mình thành tình bạn cao thượng, một tình yêu không hồi đáp mà hiếm có người thường đạt được.

    Phiên 2: Tình Yêu Tây Phương tương quan với Đoá Hoa Nở Muộn với nhà văn Nguyễn Quang và Giáo sư Dương Ngọc Sum (Dương Tử).

    1- Nhà văn Nguyễn Quang trình bày chuyện tình Romeo & Juliet:

    Tình yêu thủy chung bất diệt xuống tuyền đài: Tác phẩm của Romeo & Juliet là một truyện tình bị đát hay nhất của văn hào William Shakespeare, viết về một tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc hai dòng họ Montague và Capulet thù hận, hiềm khích nhau qua nhiều thế hệ. Romeo & Juliet đã gặp nhau trong một buổi dạ hội, tiếng sét ái tình khiến cả hai người yêu nhau say đắm. Sau buổi gặp gỡ, hai người ra về còn luyến tiếc mối tình nồng cháy vừa nảy nở, Romeo không về vội mà đi vòng ra phía sau lâu đài. Riêng Juliet trằn trọc không ngủ được nên ra ban công than thở: ”Người đâu gặp gỡ làm chi- Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Tình cờ đứng dưới đất Romeo nghe được không kiềm chế chàng bèn trèo lên ban công. Trong màn đêm thơ mộng hai người thề thốt yêu nhau và quyết định bí mật kết hôn.

    Họ yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình cản trở, vì thế trước khi trốn đi Juliet được Cha Lawrence cho uống một liều thuốc giả chết, thi hài được đưa xuống nhà mồ chờ khi tỉnh dậy Romeo sẽ đến đưa đi. Người đưa tin bị phong tỏa giữa đường vì bệnh dịch nên không đến kịp. Romeo đến trước giờ hẹn thấy Juliet chưa tỉnh dậy, tưởng nàng đã chết thật bèn uống thuốc độc mang theo để chết theo nàng. Trong khoảng khắc sau, Juliet tỉnh dậy thấy Romeo đã chết liền rút con dao bên mình của Romeo tự tử, cái chết bi thương của đôi trẻ khiến hai gia đình thức tỉnh và đoàn kết lại trong nỗi sầu đau. Kết thúc chuyện tình buồn Romeo & Juliet là sự hy sinh cho trọn cuộc tình.

    “Nợ tình chưa trả cho ai

    Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”


    2- Giáo sư Dương Ngọc Sum trình bày về tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh:

    Tình yêu trong tình thâm nghĩa trọng: Tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh của Kahlil Gibran (The Broken Wings) nói về cuộc tình bi thảm giữa chàng văn sĩ tài hoa Kahlil và nàng kiều nữ xinh đẹp Selma Karamy vì chủng tộc tôn giáo, Gibran buộc phải biệt xứ, còn nàng Selma phải về làm vợ một người đàn ông quyền thế không hề để ý đến sắc đẹp hay giá trị phẩm chất của Selma, chỉ biết hưởng thú vui riêng để mặc nàng ôm nặng mối tình chân chính tuyệt vọng. Và thời gian mỏi mòn cho đến lúc sinh con, Selma đã ra đi bình thản cùng hài nhi mới chào đời. Hai xác chết được chôn chung một nấm mồ, xác hài nhi quấn tả nằm trên ngực người thiếu phụ bạc mệnh. Gibran khóc cho mối tình dang dở của mình như huyền thoại loài chim uyên ương sống từng đôi trống mái, chim mái là Uyên, chim trống là Ương, mỗi con chỉ có một cánh, khi sống chúng phải chấp cánh nhau mà bay cùng, nếu một trong hai con gẫy cánh thì con kia đành xếp cánh tuyệt vọng trước từng trời thăm thẳm.

    Những cặp vợ chồng hay những đôi tình nhân vì lý do gì bị dở dang, người ta thường chúc phúc cho họ: ”Tái sinh làm cây liền cành, chim liền cánh” để đền bù lại sự mong chờ khổ sở của tiền kiếp.

    Phiên 3: Tình yêu trong tôn giáo, gia đình bền vững và tâm lý xã hội với nhà văn Khánh Lan và nhà văn Vi Khiêm.

    1. Tình yêu, Hôn Nhân và Tâm Lý Xã Hội với NV Khánh Lan:

    Theo nhận định của nhà văn Khánh Lan thì Xã hội bao gồm nhiều cá thể mà trong đó có nhiều gia đình khác nhau hợp lại thành một tổng thể hay một xã hội. Một gia đình hoàn mỹ luôn luôn có sự hiện diện của tình yêu đích thực, hạnh phúc gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh và niềm tin tôn giáo. Đó là những yếu tố quan trọng và căn bản của một mái ấm gia đình hạnh phúc vẹn toàn mà nhà văn Khánh Lan ghi nhận trong tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My. Tác phẩm của bà thuộc loại tiểu thuyết tình cảm xã hội về tình trường lồng vào những bối cảnh và cốt truyện nhằ đề cao giá trị của người phụ nữ trên thế giới nói chung và người phụ nữ Á Đông nói riêng…

    • Tình yêu, Hôn Nhân và Niềm Tin Tôn Giáo:

    Nhà văn Vi Khiêm cũng nêu lên những tư tưởng của ông khi nhận định về tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo trong tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn: Hình như định mệnh đã đưa đẩy Trúc Phong gặp Thuý An, đó là mối tình đẹp khởi đầu cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn, một gia đình hạnh phúc, họ tin tưởng Thiên Chúa đã ban cho gia đình họ một niềm tin sắc son, hai đứa con chung là sự keo sơn gắn bó trong tình nghĩa vợ chồng….

    Ông kết luận rằng: ”Đoá Hoa Nở Muộn” một chuyện tình tràn đầy hạnh phúc chen lẫn đau thương của một phận người. Tác phẩm “Đoá Hoa Nở Muộn”, đề cao niềm tin tôn giáo, tình yêu bất diệt, sự hy sinh cao quý và lòng chung thủy trong đạo nghĩa vợ chồng.

    Đúc kết 3 phiên Hội thảo với nhà văn Việt Hải và tác giả Kiều My.

    1. Lời Ngỏ của Tác Giả Kiều My:

    Nhà văn Kiều My đã ký thác tâm nguyện trong “Đoá Hoa Nở Muộn” muốn gửi đến quý độc giả một tình yêu thánh thiện, một tình yêu thủy chung, một tình yêu thiêng liêng (mà tiếng Pháp gọi là Platonic) chỉ có tình yêu chung thủy và thánh thiện mới có thể mang đến hạnh phúc cho chúng ta. Trong đời sống hôn nhân không chỉ có thuần tuý tình yêu đôi lứa thôi, mà cần có niềm tin tôn giáo, là hậu thuẫn vững bền cho gia đình, vì gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình có bền vững thì xã hội mới được tốt đẹp và lành mạnh hơn.

    • Nhà văn Việt Hải nhận định:

    Tác phẩm ”Đoá Hoa Nở Muộn“ là một tiểu thuyết thố lộ tâm tình của tác giả, truyện đi vào đời sống con người. Và văn chương vốn gắn bó với cuộc sống đời thường của chúng ta. Văn hào Maxim Gorky cho là cái mỹ học của văn chương vốn đem con người về với bản chất chân thiện mỹ. Trong văn học phương Đông, truyện tiểu thuyết xuất hiện từ đầu bán thế kỷ 20, cũng như theo lịch sử phát triển tiểu thuyết của nền văn học thế giới những thành tựu rực rỡ: từ những kiệt tác tiểu thuyết văn chương mà các diễn giả nêu ra trong buổi hội luận văn học hôm nay. ”Đoá Hoa Nở Muộn” là một cuốn truyện tinh cảm lãng mạn mang nét đẹp chân thiện mỹ. Tiểu thuyết lãng mạn được dựa trên phản ứng cảm xúc và có những cảnh đau khổ và nét dịu dàng, và cốt truyện được sắp xếp để nâng cao cảm xúc hơn là hành động. Khả năng biểu hiện những cảm xúc như vậy được cho là để thể hiện tính cách và kinh nghiệm, đồng thời giúp hình thành cuộc sống và mối tương quan xã hội tích cực. Các diễn giả đã đào sâu vấn đề này rồi. Hơn nữa, tiểu thuyết lãng mạn thường viết về tình yêu và nỗi đam mê. Thông thường, trọng tâm là hai nhân vật yêu nhau nhưng có vấn đề hoặc trở ngại khiến họ phải xa nhau, và có một kết thúc để lại một sự lưu luyến nào đó như trong ”Đoá Hoa Nở Muộn“ của Kiều My. Từ tác phẩm ”Đoá Hoa Nở Muộn “ ta nghĩ đến văn chương và cuộc sống. Sự kiện có vẻ như văn chương chuyên chở cuộc đời, đấy là văn chương chân thực. Qua cốt truyện có đôn hậu thuỷ chung, dù éo le không trọn vẹn. Đọc truyện về cuộc sống giá như điểm bi đát của thực tế của con người. Dòng đời tạo ra những bi thảm cho con người xuyên qua những ưu phiền chia ly, trong cái sương mù của cuộc đời, trong những điều lưu luyến của tác phẩm. NV Viết Hải kết luận:

    Một ngòi bùt hoàn thành một tác phẩm thì bạn là nhà văn.

    Chúc mừng Kiều My với 2 danh ngôn sau.

    “Một nhà văn là một người viết văn chịu đựng khó khăn hơn bất kỳ ai khác” (theo Nobel-Prize-winning German literary figure Thomas Mann, Essays of Three Decades).

    (A writer is someone for whom writing is more difficult than it is for other people).

    “Writing is its own reward.” (Viết văn là phần thưởng của Viết văn, văn hào-Henry Miller).

    Sau cùng, Đoá Hoa Nở Muộn cũng nói lên triết lý bất di bất dịch ngàn đời là: không gì vĩnh cửu trên cõi đời này, không gì tồn tại mãi mãi, có sinh thì có tử, có hợp thì có tan. Đó là điều luật tự nhiên mà mọi người chúng ta phải cúi đầu chấp nhận.


    Buổi hội thảo Văn Học rất sôi nổi và nhiều ý nghĩa, thích thú nhất là về tình yêu lãng mạn nhưng cũng nhiều kịch tính, qua phần trình bày bởi các diễn giả được vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng, một vài câu hỏi đặt ra cũng được nhà văn Kiều My trả lời rất chi tiết.

    Phần văn nghệ với nhiều ca khúc ngoại quốc và Việt nam với sự đóng góp của nhiều ca sĩ cùng thân hữu. Lời cảm tạ của Ban Tổ Chức và chương trình bế mạc vào lúc 4:30 chiều sau phần chụp hình lưu niệm, ca sĩ Mỹ Lan sôi động sân khấu với liên khúc “60 Năm Cuộc Đời và Tình Lính” kết thúc chương trình thật vui nhộn. Một buổi tiệc mừng thân mật vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với nhà văn Việt Hải, thành viên Liên nhóm và thân hữu đã quây quần tại Nhà hàng Kim Sư mừng sự thành công tốt đẹp của tác giả Kiều My.


    Theo ý tưởng của người viết, buổi ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn là cột mốc cho NVNT & TTG tiến xa hơn trong tương lai, hầu đào tạo thêm nhiều cây bút mới cho văn chương Việt Nam.

    Mng Thu

    California, August 2021

  • Khánh Lan,  Tin tức

    ĐÓA HOA NỞ MUỘN CỦA NV KIỀU MY DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA KHÁNH LAN

    NHÀ VĂN KIỀU MY & KHÁNH LAN

    Dưới góc nhìn của Khánh Lan thì Xã hội bao gồm nhiều cá thể mà trong đó có nhiều gia đình khác nhau hợp lại thành một tổng thể hay một xã hội. Một gia đình hoàn mỹ luôn luôn có sự hiện diện của tình yêu đích thực, hạnh phúc gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh và niềm tin tôn giáo.

    Đó là những yếu tố quan trọng và căn bản của một mái ấm gia đình hạnh phúc vẹn toàn mà Khánh Lan ghi nhận được trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My. Tác phẩm của bà thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm xã hội về tình trường lồng vào những bối cảnh và cốt truyện nhằm đề cao giá trị của người phụ nữ trên thế giới nói chung và những người phụ nữ Á Đông nói riêng.

    Ở đây Khánh Lan xin trình bày về hai khía cạnh:  

    • Tình yêu, hôn nhân trong lãnh vực tâm lý.
    • Tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo. 

    I. Tình yêu, hôn nhân trong lãnh vực tâm lý:

    Câu hỏi được đặt ra ở đây là tình yêu, hôn nhân và lãnh vực tâm lý có liên quan như thế nào? Trước hết, Khánh Lan xin được định nghĩa tình yêu, hôn nhân và tâm lý là gì?

    Tâm lý có nghĩa là những cảm xúc của con người mà cảm xúc là trạng thái tâm lý giao động tình cảm của từng cá nhân. Còn tình yêu là một loạt cảm xúc hay sự rung động phát xuất từ trái tim.

    Chính vì sự liên hệ giữa cảm xúc và tình yêu nên có những lúc chúng ta cảm thấy vui khi có tình yêu trọn vẹn và có lắm lúc chúng ta cảm thấy đau buồn khi cuộc tình chẳng may gãy gánh giữa đường như trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My.

    Trong truyện, nhà văn Kiều My nói về một hạnh phúc ngắn ngủi, một tình yêu chưa kịp chín mùi đã vội tan và để lại trong lòng người thiếu phụ Thúy An một sự trống vắng, cô quạnh giữa cái tuổi mà nhà văn Khái Hưng gọi là “Nửa Chừng Xuân”.

    Trong đời sống thực tại tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Hôn nhân mà không có tình yêu, sự hy sinh và lòng chung thủy thì khó có thể tạo dựng một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Vậy khi chúng ta đang có một một cuộc hôn nhân hạnh phúc trong tay thì chúng ta phải làm gì để giữ các hạnh phúc ấy?

    Khánh Lan xin được dùng câu danh ngôn của nữ văn sĩ Ann Landers để diễn tả một phương hướng hay một lối nhìn trong khía cạnh tình yêu. Bà ghi nhận:

    Tình yêu là tình bạn đã sâu đậm.

    Đó là sự thấu hiểu, tin tưởng, chia sẻ và tha th cho nhau.

    Đó là lòng trung thành qua những thời điểm tốt và sấu.

    Đó là sự bằng lòng cho những gì không hoàn hảo và chấp nhận cho những yếu điểm của con người”

    Câu nói trên như có ngụ ý nhắc nhở chúng ta hạnh phúc là gì? Phải chăng là sự tận hưởng những gì đang ở trong tầm tay, là chấp nhận những sự không hoàn mỹ trong tình yêu, để được chìm đắm trong niềm hạnh phúc hiện hữu, đích thực. Đó là lúc bạn có một tình yêu hoàn mỹ.

    Ngược lại, khi cái hạnh phúc nong manh lặng lẽ ra đi như Thúy An trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của NV Kiều My đã dẫn đến một mối tình dang dở và để lại trong ký ức của nhân vật chính trong truyện những cảm xúc nuối tiếc, day dứt và sầu bi.

    Khánh Lan lại xin dùng lời nói của nhà văn Jackie Viramontez khi bà nhận định điều gì chúng ta cần phải biết khi mất tình yêu.

    “Các quan hệ trong quá khứ là một mất mát, nên chúng ta phải coi chúng như là một mất mát.

    Hãy cứ đau buồn, sầu khổ. Hãy đi đến tận cùng của nỗi đau để chúng đừng mãi mãi ngự trị trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.”

    Trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My, bà đã thành công vượt bực trong lời văn khi diễn tả nỗi tiếc thương người bạn đời tri kỷ Trúc phong. Sự cô đơn của Thúy An khi mất người yêu, một người yêu dấu đã từng chia sẻ những ước mơ.

    Thật vậy, khi bạn mất đi người bạn đời với nhiều năm gắn bó, bạn cảm thấy cuộc sống trở thành vô nghĩa, bạn nhận thấy lòng mình tan rã, suy nghĩ của bạn bị tê liệt. Bạn thấy choáng ngộp, vô vọng, bất lực trước vòng xóay của tạo hóa. Bạn cảm thấy cuộc sống là vô thường, bạn tự cách ly với mọi người và thu mình vào một góc nhỏ của riêng mình.

    Trong đời sống tâm lý, bạn phải tự giúp mình thoát ra khỏi góc nhỏ ấy, bởi khi bạn trải qua một nỗi đau của sự mất mát là bạn bắt đầu một cuộc hành trình cá nhân để hiểu biết thế nào là ý nghĩa của sự mất mát và ảnh hưởng của nó trong đời sống của bạn.

    Sự đau buồn sẽ đưa chúng ta qua những thử thách trên nhiều lãnh vực khác nhau gồm: Cảm xúc, tinh thần, thể chất và xã hội. Đối phó với sự mất mát là một việc làm rất khó khăn và mỏi mệt. Nhưng đó là những phản ứng bình thường và xảy ra cho hầu hết mọi người.

    Điều quan trọng là làm thế nào để bạn có thể bắt đầu một quá trình cảm nhận, hiểu và chấp nhận sự mất mát của bạn, bởi sự mất mát, đau buồn, cô đơn, cách ly sẽ đưa bạn vào con đường trầm cảm, con đường mà bạn không bao giờ muốn bước vào.

    Sự hỗ trợ của gia đình, lãnh đạo tôn giáo, cố vấn tâm lý, cộng đồng và bạn bè sẽ giúp bạn thoát ra khỏi những cảm xúc ấy. Họ là nơi an toàn để bạn có thể chia sẻ, tâm sự mà không bị tổn thương hay phản bội và đó là nơi bạn nhận được sự giúp đỡ tận tình.

     II. Trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo:

    Khánh Lan đã đọc được một đoạn văn rất hay trong Vườn Hoa Phật Giáo, đoạn văn ấy ghi nhận rằng:

    “Để thực sự yêu thương và tôn trọng nhau thì trước hết các bạn nên giữ vững niềm tin tôn giáo của riêng mình. Chính sự tôn trọng tuyệt đối tín ngưỡng của mỗi cá nhân trong gia đình là biểu hiện cụ thể của việc thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng nhau thật sự.”

    Điều này chứng tỏ: Giáo Hội Phật giáo cũng như Giáo Hội Công Giáo đều cho rằng chúng ta cần phải thận trọng và chính chắn một khi chúng ta quyết định đi đến hôn nhân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng cá nhân là điều quan trọng, được công nhận bởi cả hai tôn giáo: Phật giáo và Công giáo. Cả hai tôn giáo không hề ngăn cấm tín đồ kết hôn với người khác đạo nhưng cũng chẳng khuyến khích hay khuyên tín đồ dùng hôn nhân để lôi kéo hay dụ dẫn người phối ngẫu phải theo tín ngưỡng của mình.

    • Nếu sự kết hôn mà bắt buộc người bạn đời phải theo tôn giáo của mình thì bạn trở nên quá ích kỷ, xúc phạm và không tôn trọng người bạn đời tương lai của mình, bởi niềm tin tôn giáo của một người là điều thiêng liêng, sâu kín và bất khả xâm phạm.
    • Khi sự kết hôn không cùng tôn giáo, cuộc sống vợ chồng cũng ít nhiều gặp khó khăn. Trong thời gian đầu chung sống, nhờ tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ, chúng ta có thể khỏa lấp những khác biệt về niềm tin trong tôn giáo. Nhưng khi về già, những đam mê luyến ái lắng xuống, lúc ấy, sức sống tâm linh sẽ trỗi dậy, những mâu thuẫn, bất hoà, xung đột xưa kia vốn âm ỉ trong ký ức, nay bắt đầu xuất phát. Chính điều này có thể dẫn đến đổ vỡ bởi những xung đột, trắc trở trong tình yêu. Ngoại trừ trường hợp,  những cập hôn nhân thực sự yêu thương, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể vượt qua.
    • Khi tình yêu của bạn được hai bên gia đình đồng ý và chấp thuận cho phép người bạn đời của bạn theo tôn giáo của bạn, thì đó là giải đáp tuyệt vời nhất. Nhưng nếu khi bố mẹ không cho phép thì chắc chắn bạn cũng gặp không ít những khó khăn.
    • Trong trường hợp gia đình cho phép hai bạn đến với nhau như “đạo ai người nấy giữ”. Giải pháp này khá toàn vẹn vì bạn vừa làm tròn chữ hiếu mà vẫn giữ được chữ tình. Khi đi theo lựa chọn này, bạn nên có những trao đổi và thỏa thuận với người bạn đời về những vấn đề như niềm tin, vai trò và trách nhiệm của vợ chồng trong việc giáo dục con cái, sau này cho con theo đạo của bố hay mẹ… để tránh những mâu thuẫn về sau.

    Nhà văn Vi Khiêm cũng đã nêu lên những tư tưởng của ông khi nhận định về tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My như sau:

    Trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của tác giả Kiều My, hai nhận vật chính là Thúy An và Trúc Phong có tín ngưỡng là Thiên Chúa Giáo. Niềm tin vào Thiên Chúa của Thúy An và Trúc Phong đã tỏ rõ trong suốt con đường “Tình Yêu” từ thuở hai người gặp nhau, yêu nhau, lấy nhau và cho đến ngày cuối đời như một định mệnh.

    Duyệt qua tác phẩm “Đóa Hoa Nở Muộn”, nhà văn Vi Khiêm nhận định: Hình như định mệnh đã đưa đẩy Trúc Phong gặp Thúy An. Khi ấy, Trúc Phong đã ở tuổi lục tuần và Thúy An cũng đã đi qua 40 mùa xuân. Cuộc đời của Thúy An chẳng phải lỡ làng mà có lẽ nàng được sinh ra để đợi chờ. Đợi chờ một mối tình nồng nàn đích thực mà Trúc Phong đã dành cho nàng.

    Nhà văn Vi Khiêm viết, tình yêu của đôi uyên ương Thúy An và Trúc Phong ví như trong câu ca dao dưới đây:

    Cây đa lá rụng đầu đình,

    Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu”.

    Đó là một mối tình đẹp khởi đầu cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn, một gia đình hạnh phúc. Thúy An đã sanh cho Trúc Phong một cặp song sang trai gái vẹn toàn, một tác phẩm tình yêu tuyệt vời mà Trúc Phong và Thúy An tin tưởng rằng Thiên Chúa đã ban cho gia đình của họ, do niềm tin sắc son vào Thiên Chúa. Hai đứa con là sợi dây thắt chặt thêm sự keo sơn gắn bó trong tình vợ chồng, nghĩa phu thê.

    Tạo hóa xoay vần, hạnh phúc tan biến, âu lo ập đến, cơn bệnh suy tim quái ác kia khiến sức khỏe của Trúc Phong yếu dần. Những ngày chăm sóc chồng đã không làm thuyên giảm tình yêu mà Thúy An dành cho Trúc Phong. Phải chăng niềm tin tôn giáo đả giúp Thúy An vượt lên trên sự vị kỷ, để nàng sẵn sàng hy sinh cho người bạn đời của mình, bất chấp những gian khổ, nhọc nhằn. Mặc cho định mệnh đẩy đưa cuộc đời mình cho đến ngày Trúc Phong vĩnh viễn xa nàng.

    Nhà văn Vi Khiêm kết luận: “Đóa Hoa Nở Muộn”, một chuyện tình tràn đầy hạnh phúc chen lẫn thương đau của một phận người. Tác phẩm “Đóa Hoa Nở Muộn”, đề cao niềm tin tôn giáo, tình yêu bất diệt, sự hy sinh cao quý và lòng chung thủy trong đạo nghĩa vợ chồng.

    Khánh Lan xin được dùng câu danh ngôn của Nhà văn Mỹ Richard Puz trong tác phẩm “The Carolinian” đã nói:

    “Cái chết để lại nỗi đau không ai có thể chữa lành, tình yêu để lại ký ức không ai có thể lấy đi”

    Khánh Lan

    California August 2021

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Vườn hoa Phật Giáo.
    2. Internet / Wikipedia.
    3. Bài nhận định của NV Vi Khiêm, Nguyễn Văn Liêm về tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn.

    MỜI VÀO XEM VIDEO VỀ BÀI VIẾT CỦA KHÁNH LAN.

  • Kiều My,  Tin tức,  Văn Thơ

    Đóa Hoa Nở Muộn

    Tác giả tên Jacqueline Lê, bút hiệu Kiều My, tuổi Dương Cưu (Aries) sinh trưởng trong một gia đình Công giáo ở Sài Gòn. Được thụ hưởng sự giáo dục và học vấn của các soeur St. Paul cấp tiểu học. Sau đó, là nữ sinh của trường trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn. Khi sang Hoa Kỳ theo học ngành English Literature tại Santa Ana College, California.

    Tác giả sinh ra và lớn lên trong thời chiến của lứa tuổi học trò; thay vì được hưởng thời vàng son của thời con gái; nhưng lại là chuỗi ngày của bom đạn rơi và chết chóc tang thương; khiến tâm hồn thuần khiết của người con gái mang đầy vết thương của chiến cuộc chia lìa đã qua.

    Từ đó, tác giả luôn khao khát quê hương sớm được hưởng nền TỰ DO DÂN CHỦ để người dân được ấm no hạnh phúc. Với niềm mong mỏi: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghễ tung bay khắp giang sơn hình chữ S từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Hơn hết, tác giả  diễn tả nét đẹp về một tình yêu tuyệt vời của đôi uyên ương bên mái ấm gia đình cùng với các con yêu quý. Tất cả tâm tình này, tác giả đã gói ghém trong ĐÓA HOA NỞ MUỘN để cống hiến cùng quý độc giả bốn phương…

    Jacqueline Lê Kiều My

  • Khánh Lan,  Tin tức,  Văn Thơ

    NGÀY VUI HỘI NGỘ

    Khánh Lan

    Sau hơn hai năm vắng bóng vì đại dịch COVID 19, Liên Nhóm NVNT & TTG hân hoan trở lại với những sinh hoạt về văn học, nghệ thuật và âm nhạc. Buổi họp mặt đã diễn ra trong khung cảnh thân mật và ấm cúng tại nhà hàng Diamond Seafood Palace III thuộc thành phố Westminster, California với sự hiện diện của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng Hải ngoại.

    Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của Giáo Sư (GS) Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di, GS Lê Tinh Thông, v.v… Các nhà thơ (NT): Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, NT Việt Cường Lưu Tấn Lâm, NT Hồng Vũ Lan Nhi, NT Nga Nguyễn. Các Nhà văn (NV): NV Việt Hải, NV Kiều Mỹ Duyên, NV Nguyễn Quang, NV Thùy Vân, NV Triều Lam, NV Kiều My, NV Lê Thị Việt Nam. Ngoài ra Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của Bác Sĩ Nguyễn Trọng Việt, Khoa Học Gia Nguyễn Viết Kim và Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh. Ký Giả Trần Nguyên Thao. Hai Nhiếp ảnh gia Phú LeVan và Hannah Hà, Nhạc Sĩ Võ Tá Hân và Chủ tịch công ty dược thảo Princess Lifestyle, ông John Tạ và phu nhân, bà Susan Tạ.

    Khánh Lan cũng ghi nhận có sự hiện diện của cựu Đại tá Lê Thương, Chỉ huy trưởng Pháo binh, SĐ 2 Bộ Binh; cựu Đại tá Lê Bá Khiếu, Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi; cựu Trung tá Hà Văn Thức, Chỉ huy trưởng quân nhu bốn vùng chiến thuật; cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Nhường, TĐ 34 Pháo binh.

    Buổi họp mặt với ba mục đích: NVNT & TTG hội ngộ, tưởng niệm Nữ Sĩ MDHT và mừng ngày lễ Father’s Day. Sau nghi thức chào Quốc Kỳ tháp tùng với NV Nguyễn Quang là NS Võ Tá Hân và Phu Nhân đại diện cho hội lên thắp nhan tưởng niệm Nữ Sĩ MDHT.

    NV Nguyễn Quang, NS Võ Tá Hân và phu Nhân

    Mở đầu chương trình với NVNT & TTG hành khúc do bạn hợp cả TTG trình bày. Ca khúc Bạn Bè Tôi, thơ của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, Nhạc Sĩ Lâm Dung phổ Nhạc. 

    Ban Hợp Ca Tiếng Thời Gian

    Bốn diễn giả được mời cho buổi tiệc gồm GS Quyên Di, ông nói về tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Nữ Sĩ MDHT cũng như ý nghĩa của ngày lễ Father’s Day. NS Võ Tá Hân là cháu của Nữ Sĩ MĐHT, ông trình bày về những bài thơ phố Nhạc của bà.  Kế tiếp là NV Kiều My Duyên, bà kể về tình bạn giữa bà và Nữ Sĩ MDHT trong thời gian cả hai còn là phóng viên chiến trường. Cuối cùng là NV Nguyễn Quang, phu quân của Nữ Sĩ MDHT, ông tâm tình về những kỷ niệm đẹp của ông và nữ sĩ.

    Ca khúc KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU do Thụy Lan trình bày đã làm rung động con tim 150 quan khách hiện diện trong phòng và đưa hồn người về kỷ niệm của năm xưa khi bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau ra đời.

    Lệ nhòa trên gối trắng

    Anh đâu anh đâu rồi

    Rượu yêu nồng cây đng

    Sao cạn mình em thôi.

     NS phạm Duy đã ghi nhận trên trang nhật ký của ông về cuộc gặp gỡ giữa ông và Nữ Sĩ MDHT năm 1944 tại Huế và được bà mời đến dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi. Chính 4 câu thơ này đã là nguồn cảm hứng cho NS Phạm Duy phổ nhạc bài thơ bất hủ, Kiếp Nào Có Yêu Nhau năm 1950. 

    Thụy Lan với Kiếp Nào Có Yêu Nhau

    Vào đúng giờ Ngọ, một bữa cơm với những món ăn ngon được dọn ra, tiếng nói cười vang lên như tiếng pháo, tràn ngập cả căn phòng, lấn át tiếng nhạc và giọng ca của các thân hữu giúp vui trên sân khấu. Trên tường, Slideshow về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nữ Sĩ MDHT do NS Võ Tá Hân biên soạn vẫn chạy đều từ 10:00 sáng. Những video và CD nhạc của Nữ Sĩ MDHT được gởi tặng đến tay từng khách mời. Kết thúc bữa ăn trưa, Khánh Lan thay mặt Liên Nhóm NVNT & TTG mời 5 vị trưởng thượng lên sân khấu, đại diện cắt bánh chúc mừng những người cha cao niên & Trung niên.

    Sau cùng, là phần văn nghệ do MC Mộng Thủy và Thụy Lan đảm trách với những bài hát chọn lọc để tưởng nhớ đến công sanh thành và nuôi dưỡng của người cha. Bài hát Ngày Hạnh Phúc, một sáng tác của NS Lam Phương do GS Quyên Di và NV Kiều My trình bày đã nói lên được thiên chức cao quý cũng như sự tự hào của người cha khi đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Theo sau là những bài thơ phổ nhạc của Nữ Sĩ MDHT qua tiếng đàn Tây Ban Cầm của NS Võ Tá Hân, CNS Lâm Dung và CS Ái Liên: Mơ Thấy Mẹ Về, Viết Bài Thơ Này, Đợi Em Về, v.v…

    Chương trình bế mạc với những giọng ca trẻ như Ngọc Mai, Minh Châu, Mộng Thủy đã làm cho chương trình trở nên vui, nhộn và linh động. Thật là một ngày vui, ghi dấu một kỷ niệm đẹp trong lòng mọi người.

    Khánh Lan

    California, June 2021

  • Tin tức

    Mùa Thu Sài Gòn với Khánh Lan, Thụỵ Lan và Trầm Hương Pu

    Nhân nhận được thi tập mới mới của thi sĩ Trầm Hương Pu vừa in xong, nhà văn Nguyễn Vĩnh Thịnh gửi biếu chúng tôi. Hai ông bà văn nghệ sĩ này đều nhà giáo tại miền Nam tự do trước năm 1975.

    Em hỏi anh có mùa thu Sài Gòn ?

    Tôi biết một mùa thu Sài Gòn | Radio Tâm Sự

    GS. Nguyễn Vĩnh Thịnh là cựu học sinh Petrus Ký, do vậy chúng tôi quen biết nhau. GS. Thịnh cho ấn hành nhiều tác phẩm, trong số tác phẩm ông cho ấn hành, tôi rất quý tác phẩm biên khảo mang nét triết học tâm linh, Triết Học Phật Giáo và Những Luận Đề. Với nhà thơ Trầm Hương Pu, bà yêu thơ, bà say thơ, thơ bà dã được dăng tải ở nhiều nơi như Mỹ, Canada, Úc, Pháp…. Trong tác phẩm trước mặt tôi đây: Tình Nhẹ Như Tơ, một thi tập gần một trăm trang, bìa rất thẩm mỹ, màu xanh lơ ở đầu bìa lan toả xuống, chen lẫn tím nhạt gần cuối bìa với tên tác giả Trầm Hương Pu . Tôi thoáng nghĩ người tao bìa ngỏ ý biệu lộ đây là những dòng thơ nối kết nhiều niên kỷ khi tác giả thanh xuân rồi ngày nay khi chiều về. Viết giới thiệu sách do GS. Nguyễn Khắc Phụng, Ph.D.; Thật vậy, thi tập gồm những bài thơ tình yêu thương nhuóm chất lãng mạn cho đến những bài thơ nhắc nhớ thiên nhiên và quê hương. Ví dụ như trích đoạn:

    Mùa thu Sài Gòn

    Buổi sáng trời se lạnh

    người Sài Gòn gọi thu, với những cơn mưa đổ về

    sáng trưa chiêu, bất chợt

    làm dịu đi cái cái nóng oi bức của miền quanh năm hai mùa mưa nắng

    (Tôi ra di mang theo mùa thu Sài Gòn, Trầm Hương Pu).

    Thơ tình của Trầm Hương Pu xin trích đoạn tiêu biểu như bài thơ làm tựa dề cho bìa sách, đăng ở trang 69 như sau:

    Tình một thưở như sương

    Nhẹ nhàng như phím nhạc

    Như cung sầu cung thương

    Tơ vương sầu không dứt

    (Tình Nhẹ Như Tơ, Trầm Hương Pu)

    Chúng tôi đọc những bài tình thơ ướt át khác như Trầm Hương, Nụ Cười Còn Lưu Dấu, Hạ Buồn, Độc Thoại, Mơ, Buồn, Cơn Mưa Buồn, Bâng Khuâng, Giấc Mơ Buồn, Tình Nhẹ Trầm Hương, Này Em,….

    Ba anh em chúng tôi, Thuỵ Lan, Khánh Lan và Việt Hải bàn nhau về mùa thu trong thi ca, mùa thu ở các nơi. DĨ nhiên phải có mùa thu Sài Gòn. Nói tới thu Sài Gòn. Chúng tôi nhớ đến nhạc của Ngô Thụy Miên, như bài nhạc sau:

    Em hỏi anh mùa thu Sài Gòn

    Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng

    Em hỏi anh mùa thu Sài Gòn

    Nước mắt bây giờ có như mưa tuôn

    Sài Gòn đó em ơi

    Nước mắt đau thương che bao nụ cười héo hắt trên môi

    Cuộc đời đó em ơi

    Đã quá gian nan cho bao phận người chơi vơi một thời

    Tìm đâu tháng năm xưa

    Đâu nắng như thơ, đâu mưa tình cờ, lá hát như mơ

    Và đường phố quanh đây

    Nghe vẫn chưa quen bao nhiêu nhọc nhằn kiếp sống hôm nay

    Như mùa thu về qua một trời

    Áo lụa năm xưa đâu còn phố cũ

    Anh giờ như mộng du một đời

    Em có bao giờ thấu cho lòng anh…

    (Thu Sài Gòn).

    Để xem thi tập của tác giả Trầm Hương Pu hay GS. Phạm Thị Trí, xin tham khảo các link sau đây….

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/tag/tram-huongptt/…

    https://online.fliphtml5.com/edkn/ukee/…

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/2020/10/mot-goc-mua-thu/

    Thử bàn về chủ đề Mùa thu Sài Gòn ta mang theo trong miền ký ức hay là bất cứ mùa thu nơi đâu có lá vàng rơi công viên, với khí hậu ôn hoà dễ chịu, dù là ở Âu châu, Mỹ châu, Á châu,…

    Đầu tiên, nhìn về các mùa trong năm như Xuân Hạ Thu Đông theo từng tháng thì tính theo âm lịch, tháng Giêng, tháng 2, 3 là mùa Xuân; tháng 4, 5, 6 là mùa Hạ; tháng 7, 8, 9 là mùa Thu; 10, 11, 12 là mùa Đông. Theo cách tính này thì ngày mùng 1 tháng Giêng là ngày đầu của mùa Xuân. Nhưng âm lịch không phản ánh thực đúng sự biến thiên của thời tiết. Với Viêt Nam thì Sài Gòn ở vĩ độ 10 vùng ảnh hưởng nhiệt đới, được xem như có 2 mũa mưa nắng rõ rệt, Mùa thu hình như các tháng 10 dến 12 chỉ se lành lạnh, thu rất nhẹ. Còn Hà Nội ở vĩ độ 21 vùng ảnh hưởng ôn đới, Thu Hà Nội rất rõ nết. Vì miền Bắc có 4 mùa trong năm. Nhiều quốc gia ở vùng ôn đới sẽ cảm nhận được rõ rệt đặc trưng của các mùa trong năm và các đặc tính thời tiết cụ thể như mùa xuân ấm áp hoa nở khắp nơi, mùa hè nóng nực, mùa thu mát mẻ, mùa đông giá rét. Như đã nói tại Việt Nam chỉ có ở miền Bắc chúng ta mới cảm nhận được thời tiết 4 mùa trong năm còn lại miền Nam chỉ có 2 mùa; Thực sự đó là mùa nắng và mùa mưa. Khí trời của các mùa xuân hạ thu đông theo nhiệt độ khí hậu như sau:

    Mùa xuân : từ 10 – 12°C

    Mùa hè : cao hơn 22°C

    Mùa thu : từ 10 – 12°C

    Mùa đông : khí hậu dưới 10°C

    Nhà văn Thụy Lan kể về kỷ niệm mùa thu Sài Gòn trong nỗi nhớ tiềm ẩn trong dĩ vãng, nỗi nhớ Sài Gòn nay định cư nơi xứ người nên thời gian chỉ còn là khi ngồi ngắm một cơn mưa thu hoa dầu trong gió, dưới bầu trời loang nắng. Sài Gòn làm văn nhân nhớ nhiều ký ức cơn mưa thu về tháng 10, khi hoa dầu bay trong gió, dưới bầu trời loang nắng. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn vấn vương có nắng mưa, như thời gian và trong bài hát Thu Sài Gòn của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã đem chúng tôi về với những ngày mùa thu khi ta thấy Sài Gòn chuyển mùa chút se lành vì trời đổ mưa.

    Em hỏi anh mùa thu Sài gòn

    Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng

    Em hỏi anh mùa thu Sài gòn

    Nước mắt bây giờ có như mưa tuôn

    Trong vòm trời ký ức, mùa thu Sài Gòn hiện lên trong hồn với những tia nắng vào sáng sớm và chút se lạnh nhẹ nhàng của những cơn gió chiều vờn bay mái tóc và xoay tròn vài chiếc lá vàng trên phố hay những cơn mưa rả rích trong tiếng nhạc ru không gian thu về. Bàn luận về ý tưởng qua bài thi ca Tôi ra di mang theo mùa thu Sài Gòn, khi xem cảm tác của nhà thơ Trầm Hương Pu, hình như ai đã ở lâu với Sài Gòn thì kỷ niệm phải có, và đã mang theo như hồn thơ Trầm Hương Pu,

    Thông thường đa số người ta hồ nghi Sài Gòn có mùa thu. Thụỵ Lan cho là Sài Gòn có mùa thu khi khí trời chuyển mùa từ mùa hè oi bức nhẹ nhàng sang thu dễ chịu. Ta trầm mặc nghĩ ngợi về Sài Gòn nhe nhàng bước sang thu khi cánh phượng hồng dần rũ cánh, tiếng ve vọng vang tắt hẳn trên những con đường, trong không gian thiên nhiên và khi trời Sài Gòn bỗng mây xanh trên cao vời vợi với chút nắng vàng e ấp dưới hàng cây lác đác lá vàng rơi. Mùa thu ghé ngang Sài Gòn khi cơn gió se lạnh tràn về trong tháng 10. Cái lạnh vào buổi sáng sớm nhè nhẹ dịu dàng. Cái lạnh chỉ vừa chớm dâng lên cảm giác thu sang, khi những cơn gió heo may làm tóc bay bay trong buổi sớm tinh mơ. Thật vậy, Sài Gòn lúc sang thu đẹp thi vị và nhẹ nhàng e ấp. Hình như hàng cây vươn mình như cao hơn, trời như xanh hơn, và tiếng xào xạc của bước chân báo hiệu mùa tựu trường trong kỷ niệm.

    Nắng thu gió vờn lao xao

    Cổng trường mở rộng đón chào học sinh

    Cho năm học mới yên bình

    Người người đổ đạt cung nghinh nhân tài

    Mùa thu Sài Gòn ít lạnh hơn Huế và Hà Nội, vì 2 thành phố này ở vĩ dộ cao hơn ở hướng trên vùng ôn đới. Ví dụ như thời tiết mùa thu hiện nay, ngày 10/30/20, Hà Nội nhiệt độ ban ngày là 77°F, Huế 78°F và Sài Gòn 84°.F lúc 10 giờ sáng. Nhiệt độ Huế và Hà Nội mùa thu năm nay khá gần nhau, lạnh hơn ở Sài Gòn. Nhiệt độ 84°.F tương đương với 23° Celsius. Mùa thu Sài Gòn của Trầm Hương Pu, hay của tất cả chúng ta như se lạnh, không cần khoác áo manteau dầy hay pardessus khi đi ra phố.

    Xin chúc mừng thi sĩ Trầm Hương Pu. với tác phẩm mới Tôi ra di mang theo mùa thu Sài Gòn, do giáo sư Nguyễn Vĩnh Thịnh gửi biếu. Chúc mừng ông bà.

    Doris Thuỵ Lan, Los Angeles.

    Đấy là phần văn nhân Doris Thuỵ Lan chia vui cùng 2 giáo sư cũng là hai thi văn nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Thịnh và Phạm Thị Trí. Kế tiếp là phần đóng góp của nhà văn Khánh Lan bàn luận về bài thơ nỗi nhớ quê hương qua bài thi ca Tôi ra di mang theo mùa thu Sài Gòn, nhà thơ Trầm Hương Pu…

    Khánh Lan hỏi câu hỏi ngộ nghĩnh “Sài Gòn Có Mùa Thu không?”. Hỏi có nghĩa câu trả lời đã có theo ý tôi đoán. Ký ức nhìn về thì Sài Gòn có những ngày mưa, mà cứ ngỡ như mưa thu rơi trên phố.

    Nhắc đến Sài Gòn người ta nghĩ ngay đến sự sầm uất, náo nhiệt, liên tưởng tới khói bụi và những dòng xe nườm nượp như mắc cửi; rồi bỗng dưng cơn giông kéo mây đen về thật nhanh, mưa như trút nước, nhưng chỉ một lúc thôi thì trời quang đãng, mưa tạnh và nắng lại trải dài trên những con đường vẫn còn loang nước mưa trũng. Nét đẹp khác của mùa thu Sài Gòn như Thụỵ Lan và Trầm Hương Pu cho văn thơ. Khi mùa thu ghé ngang Sài Gòn khi mà tiết trời bỗng se se lạnh vào buổi sáng sớm. Cái lạnh nhè nhẹ dịu dàng. Cái lạnh theo Khánh Lan như thu về ở Đà Lạt, Luxembourg, Amsterdam, Dartmouth, Boulder, Chiang Mai, Đài Bắc, hay Seoul,… khi thu sang chỉ vừa chớm, khi những cơn gió heo may làm tóc ai bay bay trong buổi sớm tinh mơ. Không như thu có những thiếu nữ choàng manteau, caban hay pardessus loại nhẹ trên phố xá Milan, Paris, London hay Tokyo. Thu Sài Gòn khung cảnh se lạnh trời kia trên phố Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Tư Do,… có người thiếu nữ nhè nhẹ kéo kín cổ chiếc áo khoác mỏng, nét đẹp đơn giản như trời Sài Gòn vào thu.

    Sài Gòn mùa thu bạn còn nhớ ta bước đi chầm chậm dưới những hàng me ở trung tâm thành phố. Những hàng me dọc theo những con phố để khung cảnh đáng yêu hơn, dĩ vãng có một Sài Gòn đầy lãng mạn và mộng mơ. Ai đi ngang những con đường có lá me bay dường như cũng chạnh lòng mình cảm nhận nỗi man mác thú vị bóng mát Sài Gòn dù phố Gia Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Duy Tân, Công Lý,… Thu Sài Gòn là thế đấy. Mùa ôn hoà nhưng thú vị, nét thi ca lãng mạn của nó ẩn hiện ra một thu Sài Gòn rất riêng khi nhìn thấy lá me gió ru nhẹ xao xác, vương lên tóc người thiếu nữ với tà áo dài trắng bay phất phới đang đi Honda dame, hay xe Cady hướng xe đến trường…

    Nỗi nhớ Sài Gòn của Trầm Hương Pu trong thi ca khiến anh em chúng tôi ghi nhận những dòng này, California chúng tôi hay Montreal của ông bà văn thi nhân, thu về cho tiết trời dịu dàng, lá vàng nhẹ rơi, trong khung cảnh mùa thu, tất cả chúng ta dang tìm về kỷ niệm cũ, Tháng 10 thu sang Sài Gòn da diết nỗi nhớ những kỷ niệm đã qua, những người đã xa…Thời gian làm quên mau mà thời gian cũng làm nhớ sâu lắng. Nỗi nhớ như sợi dây thật mảnh mai, nhưng thật sắc cứa vào ký ức vỡ òa kỷ niệm. Vết thương 1975 như không nhìn thấy mà sao không thể liền lại nỗi nguôi ngoai.

    Mùa Thu Sài gòn

    Thu Sài gòn mang theo góc nhớ

    Mộng mơ nhiều bên ni bên nớ

    Tĩnh nhẹ như tơ thu lãng đãng

    Thơ Trầm Hương ru về dĩ vãng !….

    Melinda Khánh Lan.

    Lời sau cùng chúng tôi chúc mừng thi nhân Trầm Hương Pu với dứa con tinh thần, thi tập Tinh Nhẹ Như Tơ được gặt hái nhiều thành công, được giới tao nhân mặc khách yêu chuộng hỗ trợ khi ra mắt sách..Xin chúc mừng, chúc mừng !

    Việt Hải, Thuỵ Lan và Khánh Lan.

    —————————-

    Cám ơn Thuỵ Lan và Khánh Lan.cho nhận xét về thi phẩm Nỗi nhớ Sài Gòn của nhà thơ Trầm Hương Pu, tức giáo sư Phạm Thị Trí bên khung trời Canada. Những gì hai bạn góp ý tưởng và chúc mừng khá thi vị, nhất là chia sẻ bài thơ Tôi ra di mang theo mùa thu Sài Gòn, của nhà thơ Trầm Hương Pu, Thiết nghĩ anh em chúng ta đều có kỷ niệm với mùa thu Sài Gòn. Để kết thúc tôi xin gửi tặng đôi uyên ương thi văn nhân Trầm Hương Pu và Nguyễn Vĩnh Thịnh, cùng các văn thi hữu các nơi bài thơ nhớ Sài Gòn, khi Sài Gòn là người tình ta mang theo trong tâm tưởng…. Theo lối suy nghĩ của nhà thơ Rudy Francisco, ông chỉ sáng tác đoản thi, hay thơ ngắn như sau:

    “Parfois, de courts poèmes ou de simples poèmes occupent encore le plus d’espace dans nos cœurs”.(Sometimes short poems or simple poems still hold the most space in our hearts).

    Việt Hải Los Angeles: Em yêu, Sài Gòn của anh .

    “Em yêu, Sài Gòn của anh …

    Trái tim ai chạm đến mùa thu đến bây giờ.

    Sài Gòn mùa thu trông thật đáng yêu trong vẻ đẹp thu sang

    Hỡi ai suy tưởng Sài Gòn chỉ có mùa mưa và nắng.?

    Mùa thu ngập cả một bầu trời thơ mộng như giấc mơ em ”.

    (Việt Hải Los Angeles)

    “Chérie, mon Saigon …

    Dont le cœur touche l’automne à venir.

    L’automne de Saigon est si adorable dans sa beauté

    Dont les juges Saigon n’a que des saisons pluvieuses et ensoleillées.?

    L’automne est rempli d’un ciel poétique comme mon rêve ».

    (Viet Hai Los Angeles)

    “Darling, my Saigon…

    Whose heart touches autumn coming now.

    Saigon’s autumn looks so adorable in its beauty

    Whọ judges Saigon is only having rainy and sunny seasons.?

    Autumn is filled with a poetic sky as my dream”.

    (Viet Hai Los Angeles)

    Mong gặp nhị vị quý văn thi nhân tại California nếu có qua đây, thủ dô người Việt tự do khi ra mắt sách.

    Việt Hải Los Angeles.

    ————————————————————————–

    Sau đây xin đính kèm lời tự tiình mùa thu của thi nhân Trầm Hương Pu….

    Nhớ Sài Gòn Mùa Thu để xem MỘT GÓC MÙA THU.

    Ngày đăng: 12/10/2020

    Tháng mười, sau lễ Tạ ơn,( Ở Canada lễ Tạ Ơn, vào ngày thứ hai của tuần lễ thứ nhì trong tháng mười, sớm hơn ở Mỹ ) là chính thu. Sẽ không còn những chiếc lá xanh, lá thật sự đổi màu, thu đẹp nhất là lúc nầy, nhất là hàng cây bên đường, trong công viên hay ở những cánh rừng phong( nhiều lắm nơi đây) và khoảng độ 1 tuần… lá sẽ bắt đầu… lìa cành rơi theo cơn gió.

    Tôi nhìn đám cúc Họa mi. đang héo dần dưới làn gió se se lạnh.

    Màu trắng thanh khiết, mang hương sắc tinh nguyên của đất trời… ngày nào… đang đỗi màu tàn úa.

    Hương cúc không còn nồng…hương chết theo mùa gần cuối thu. Hương nhạt theo những cơn mưa thu dù không nặng hạt.

    Mời xem link rất hay: Ebook thơ “Tình nhẹ như tơ” của Trầm Hương Ptt

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/tag/tram-huongptt/?fbclid=IwAR1gPTtojHmG4yV-NOEe3LkcXOXbzDPajZGlk5GIpbZ4x5GD-cmRAtMiUpc

    “Thu ơi. Hãy giữ lại giùm tôi chút nắng vàng lẫn chút yêu thương hương mùa cũ”

    Mùa thu không đáp lời tôi… mùa thu đang bước dần qua cánh cửa thời gian.

    Rồi không lâu nữa, mùa đông sẽ về. Từng cơn gió đầu đông lướt qua song..Trái tim tôi nghe chừng lạnh lắm.

    Trong khoảng thời gian giao mùa thu- đông, khi nhìn hàng cây trơ cành , những sắc thu đã mất, bầu trời có những hôm xám đục, gió lạnh từ phương bắc thổi về, con người dễ bị trầm cảm, nếu không có niềm vui gia đình, bạn bè chia sẻ tâm tư, hoặc tự tìm cho mình niềm vui qua viết, đọc, xem phim, nấu ăn, đi du lịch, chụp ảnh… hay tìm đến tôn giáo mà mình đặt niềm tin, có người đêm đêm đi khiêu vũ, hát karaoke cùng một số bạn bè cùng sở thích… Mọi người đang cố thích nghi với thời gian và cuộc sống…

    Lúc nầy, vì bệnh dịch đang trở lại đợt 2 trong thành phố. Những nơi giải trí vui chơi, hàng quán vừa mở cửa chưa được bao lâu thì có lệnh đóng cửa lại . Bài học mang mask, nhớ rửa tay, giử khoảng cách ít nhất 2 m được nhắc nhở thường xuyên trên t.v. Hạn chế tụ hợp đông người, giới hạn trong nhà 10 người, ngoài sân 25 người. Thành phố kêu gọi bải bỏ ngày Halloween của trẻ em vào cuối tháng 10.

    Mọi người thật sự âu lo, nhất là sắp đến mùa dịch cúm hằng năm, cộng thêm dịch Covid lây lan. Tôi đang tìm cho mình niềm vui để vực mình dậy, vì mọi người đang lo bệnh trầm cảm sẽ xảy ra nhiều hơn, nhất là mùa đông năm nay.

    Nhìn mùa thu tàn…Tôi ngộ ra … đời không có gì là hằng cữu, muốn tâm bình yên cũng khó lắm. Làm sao để “ tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” ?

    Trầm Hương Ptt — with Mindy Pham Luu and LAT … 65 others

    (Cho những ai yêu mến mùa thu).

  • Tin tức

    Từ Thu tiếng hát lên trời- Thanh âm còn lại bên người tài hoa

    Nguyễn văn Lập


    Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng ngày nào giờ đã đi vào cõi miên viễn chiêm bao, tin Lê Thu nằm xuống trong cơn đại dịch để lại bao bàng hoàng thương tiếc cho người ái mộ giọng hát vàng mười của chị, cả trong và ngoài nước đã có rất nhiều giọt nước mắt tiếc thương rơi xuống khi thần tượng của mình đã không còn nữa.
    Lệ Thu là một trong hai nữ danh ca được ái mộ nhất Việt Nam, người kia là tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh, con chim sơn ca của làng âm nhạc Việt Nam, nếu Thái Thanh là người có gọng hát bay bướm lãnh lót với điệu hót như chim tuyệt vời trong bản Giòng Sông Xanh lời Việt của Phạm Duy và Buồn Tàn Thu của Văn Cao, hay diễn tả nỗi nhớ thương ray rức trong lòng người chinh phụ ôm con chờ chồng rồi hóa đá nghe muốn khóc trong trường ca Hòn Vọng Phu của Nguyễn văn Thương, thì Lệ Thu bằng giọng soprano vô cùng rạng rỡ và trong như pha lê với giọng ngân cao vút cuối câu tưởng như có thể kéo dài đến bất tận, mà ít ai quên được giọng ca vừa oán than vừa ray rức lòng người trong một buổi chiều nắng tơ vàng qua tình khúc đong đầy nổi nhớ thương nàng Quỳnh Như từ xa xưa hiện về trong bản Hương Xưa của Cung Tiến, và dầu khóc cho một cuộc tình đã tan như đời mình mà làn điệu vẫn lúc nào cũng rạng rỡ sang trọng trong bản Mười Năm Tình Củ của Trần Quảng Nam, hay ngọt ngào nỗi nhớ, muộn phiền nỗi đau qua bản Mắt Lệ Cho Người của Từ Công Phụng
    Thông thường, mỗi ca sĩ thường nổi bật với một hoặc hai bản ruột làm nên tên tuổi của mình thí dụ như Bạch Yến với bản Đêm Đông của Nguyễn văn Thương, Hoàng Oanh với bản Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Phương Dung với bản Nổi Buồn Gác Trọ của Thanh Sơn, Mai Hương với bản Chiều, thơ của Hồ Dếnh nhạc Dương Thiệu Tước, giọng hát liêu trai Thanh Thúy với bản Nữa Đêm Ngoài Phố của Trúc Phương, Nguyên Khang với bản Riêng Một Góc Trời, Nguyễn Hưng với giọng ca nức nỡ, Ngọc Lan với giọng hát não nùng ai oán, Khánh Ly với giọng khàn đục thì nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh Công Sơn.
    Còn Lệ Thu hát bất cứ bản nhạc nào của bất cứ nhạc sĩ nào đều hay, và nhiều nhạc sĩ thêm nổi tiếng nhờ giọng hát Lệ Thu, thực sự là như vậy, vì thế Nhà thơ Nguyên Sa người có những dòng thơ bay bướm nhất nước đã gọi Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là tinh chất không vẫn đục, nghĩa là không chê vào đâu được, và khó ai có thể bắt chước giọng ngân trong vắt này được. Lệ Thu đến với âm nhạc từ năm 16 tuổi rất tình cờ khi cùng cô bạn đến Nhà hàng Bồng Lai trên đường Lê Lợi Saigon nghe nhạc, và được mời lên ca góp vui bằng bản nhạc Dang Dỡ tức Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn, rồi từ đó bắt đầu đi vào lòng khán giả nhờ tài năng thiên phú mà không qua một trường lớp nào về âm nhạc, càng không phải nổi tiếng nhờ các bài hát của nhạc sĩ sáng tác để tặng riêng mình, Lệ Thu ít khi hát nhạc thời trang và hầu như chỉ hát những tình khúc hay nhạc tiền chiến, nói chung là nhạc thính phòng, bằng giọng ca êm như hạt ngọc long lanh – trong như nước biếc đầu gành trăng soi như trong bài Tiếng Sáo Thiên Thai của Văn Cao, đã thu hồn khán thính giả, và đã nhanh chóng nổi tiếng có cát-sê cao nhất trong các phòng trà tại Saigon thời bấy giờ.
    Lúc bấy giờ tại đài phát thanh Saigon, chương trình Nhạc Chủ Đề của Nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn phụ trách, rồi sau này do Duy Trác đãm nhiệm với lời dẫn chương trình hết sức văn hoa và truyền cãm ấm áp của Nguyễn Đình Toàn và Đào Trường Phúc với các giọng ca chủ lực của Mộc Lan, Kim Tước, Quỳnh Giao, Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Mai Hương, Thái Thanh, Lệ Thanh qua các bản nhạc tiền chiến hay những tình khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam đã làm nhóm anh em CVA cùng lớp chúng tôi hết sức ái mộ gọi là tuyệt tác văn chương trong nền âm nhạc Việt khiến ai cũng mê, đến nổi tôi còn nhờ anh bạn Hoàng Quốc Bảo thu âm cho chương trình này lại để khi đi hành quân về mở nghe, và người tôi mong nhất được nghe tiếng trong chương trình này, chính là tiếng hát Lệ Thu nhưng ít khi được nghe, vì Lệ Thu rất bận vừa đi thu âm cho các trung tâm băng nhạc, vừa trình diễn nên không còn nhiều thì giờ.
    Nếu bất cứ người nào yêu nghệ thuật hội họa đều thích nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa trong tranh của Leonardo Da Vinci, nếu bất cứ ca nhạc sĩ nào của người Việt hải ngoại đều háo hức muốn về Little Saigon, thủ phủ của người Việt tỵ nạn tại nam California để ra mắt CD hay DVD đầu tay hoặc nhiều lần, hoặc làm một hay vài chương trình kỷ niệm một thời ca hát của mình, thì riêng Lệ Thu vẫn lặng lẽ bên đời, không hề tranh đua với đồng nghiệp, trên hai chục năm mới làm một chương trình cho mình, vì thế khán giả càng yêu thích tính cách của Lệ Thu hơn. Thỉnh thoảng mới thấy Lệ Thu xuất hiện trong các show ca nhạc của Thúy Nga Paris của Asia, hay các buổi đi show, mà tôi đã có dịp thực hiện rất nhiều bài viết về các đêm ra mắt các chương trình văn nghệ này tại nam Cali và nhiều nhất là tại vũ trường Majestic của anh Quốc & Phi Khanh. Trong đó đặc biệt là đêm tái ngộ khán giả của Lệ Thu vào cuối năm 2003, trước khi tôi về Dallas, mới đó mà đã gần 18 năm. nhưng những kỷ niệm về Lệ Thu vẫn đong đầy.
    Em từ hoang sử bước ra
    Thơm môi một nét kiêu sa giửa đời
    Chắp tay xin tạ ơn trời
    Tự nhiên bổng có một thời si mê (NVL).
    Tôi mê giọng ca Lệ Thu như mê người tình của mình thuở còn chưa biết làm thơ yêu em, và chưa biết hết cái đẹp của âm nhạc, cho đến khi tôi làm phóng viên cho nhiều cơ quan truyền thông báo chí tại nam Cali, và hàng tuần vào tối Thứ sáu thường đến vũ trường Majestic thực hiện các bài văn nghệ suốt nhiều năm trời, lúc đó, tôi đã gặp hầu hết các ca nhạc sĩ thượng thặng nhất của làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại và viết về họ như một quý mến tài năng làm đẹp cho đời của anh chị em nghệ sĩ. Tôi đã có dịp gặp Lệ Thu thường xuyên, và giửa báo chí với nghệ sĩ thường coi như anh em một nhà khá thân tình, nên nhiều việc buồn vui chúng tôi thường chia sẻ với nhau.
    Khi biết tôi sắp xuất giá tòng thê sắp dọn về Dallas, tôi nói đùa với Lệ Thu như thế, Lệ Thu bảo tôi, ông khoan về đã, giúp Thu ra mắt khán giả tại Majestic lần đầu tiên trên hai chục năm nay (khi xưng hô với bạn bè, Lệ Thu thường xưng tên bằng một chữ Thu). Một phần vì là bạn bè, một phần vì rất thích giọng hát Lệ Thu, nên tôi đã nhận lời đồng ý về Dallas trễ một tuần và còn bàn ra rằng, tôi chưa bao giờ đến nhà một ca sĩ để làm phóng sự sinh hoạt đời thường, tôi sẻ làm một cuộc phỏng vấn Lệ Thu tại nhà về các sinh hoạt thường nhật cũng như tại sao trên hai chục năm nay mới làm một chương trình văn nghệ kỷ niệm trong khi các ca sĩ khác hết ra mắt CD này đến CD khác, thì Lệ Thu trả lời nói tại mình nhớ khán giả. Sau đó tôi đến nhà Lệ Thu làm một album ảnh đời thường trên nhiều khía cạnh như tập thể dục, chăm sóc nhà cửa, hoa cỏ, nấu nướng, và trang điểm… Lúc đó trời đã về chiều, khi thấy Lệ Thu bắt đầu vẽ lông mày, tôi thầm nghĩ, Lệ Thu khởi nghiệp từ bài hát Dang Dỡ, có lẻ nghiệp dĩ nó vận vào mình nên nên đã có ba lần gã Vô Kỵ đã vụng về không vẽ được lông mày cho một nàng Triệu Minh, tiếc thật. Sau đó Lệ mời tôi dùng bữa tối tại nhà hàng Sushi của người Nhật tại thành phố Hungtington Beach. Đàn bà coi nhan sắc như tính mệnh, nghệ sĩ là người của công chúng thì càng thận trọng hơn nữa, lúc nào cũng mong khán giả yêu mến mình nên sớm tối gì khi ra đường đều make-up cẫn thận. Lệ Thu cho biết ăn kiêng đã lâu, ăn uống tự nấu tại nhà, ít khi đi ăn ngoài trừ khi đi show, giữ gìn sức khỏe là chính, ăn rất nhiều rau, thảo nào mới có làn da mịn đẹp như thế, và thanh âm giọng hát tồn tại lâu dài như thế.
    Đêm Lệ Thu ra mắt khán giả có vài ca sĩ đến giúp như Caroll Kim cùng với các ca sĩ thường trực của Majestic, cả vũ trường không còn chổ ngồi, tôi tiếc nếu không phải về Dallas thì tôi sẻ quay phim làm cho Lệ Thu một DVD ghi nhận những lúc Lệ Thu xúc động nhận những tràng pháo tay hay những cành hoa ái mộ của khán giả sau hơn hai chục năm tái ngộ qua các tình khúc để đời của các nhạc sĩ nổi tiếng như bản Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh, Ngậm Ngùi thơ Huy Cận nhạc của Phạm Duy, Hoài Cãm của Cung Tiến, Nữa Hồn Thương Đau của Phạn Đình Chương, Tình Khúc Thứ Nhất thơ Nguyễn Đình Toàn nhạc Vũ Thành An, Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa… Thông thường một ca sĩ hát trong chương trình riêng của mình đều hát trên chục bài, nhưng Lệ Thu chỉ hát giới hạn một số bài, còn lại để dành cho ca sĩ bạn, rất khiêm nhượng, vì thế mới được khán giả thương yêu nhiều.
    Tôi đã gửi bài viết về buổi tái ngộ khán giả này của Lệ Thu cho các tờ nhật báo, tuần báo, và tạp chí văn hóa nghệ thuật tại nam Cali mà tôi đang cộng tác như một lời cãm ơn của Lệ Thu đến quý cơ quan truyền thông báo chí và độc giả.
    Lần tôi gặp Lệ Thu sau cùng vào tháng 11/2019 trong chương trình văn nghệ hai ngày kỷ niệm ngày thành lập của Teletron tại Dallas, tôi đã tặng bài thơ “Thu Vạn Cổ Sầu” cho Lệ Thu và nói cứ xem tôi như một khán thính giả ái mộ làm thơ tặng danh ca Lệ Thu, bài thơ này đã được hai Ca nhạc sĩ, Hoàng Lan phổ nhạc theo điệu Tango và Hà Lan Phương phổ nhạc theo điệu Valse & Rumba cũng để riêng tặng Lệ Thu. Tôi đã mail cho Lệ Thu bài thơ này, còn hai bản nhạc thì sẽ gửi sau khi đã hoàn chĩnh, và Lệ Thu đã không bao giờ còn nhận được. Trước đây đã có ba nhạc sĩ viết nhạc riêng tặng cho Lệ Thu nay đã lên 5 người. Cũng tại nơi này, tôi đã chở Nam Lộc và Chí Tài ra phi trường về lại Cali sau buổi trình diễn, thì nay Chí Tài cũng đã mất trước Lệ Thu trên một tháng.
    Từ nay về sau muốn nghe lại tiếng hát vàng mười của Lệ Thu thì chỉ còn biết tìm lại trên internet, nhưng hương xưa vẫn sẻ cùng thời gian đọng lại trong tình người viễn xứ, và dầu hoa tàn tình tan theo không gian, nhưng tiếng hát Lệ Thu với hương thơm phảng phất khói trần nhiễu nhương này sẻ còn để lại cho đời một giọng ca dĩ vãng đã một thời làm lòng người mê muội.
    Lệ Thu đã giả từ cõi tạm, hôm nay nhớ lại bài viết về Lệ Thu cách đây 18 năm trong buổi tái ngộ với khán giả năm xưa, với hai câu thơ mở đầu bài viết này như trên để thương tiếc giọng ca một thời xuân sắc trên đỉnh cao nghệ thuật cùng những cuộc tình đã qua, mỗi mùa thu đến rồi đi mang theo biết bao nỗi nhớ thương u uất cùng với bao lần đưa tiễn không mong lại về, để rồi mỗi khi thu về lại nhớ đến giọng hát của Thu.

    Thu Vạn Cổ Sầu
    Nắng nghiêng vàng bước chân ngày
    Gió hiu hiu những đêm dài phương đông
    Lá rơi trên ngọn thu phong
    Hồn theo nổi nhớ, sầu trông héo người
    Nằm nghe mưa đổ xuống đời
    Len vào song cửa, bên ngoài gió lay
    Lá vàng rụng xuống chưa thay
    Lá xanh hiu hắt, sương mai lạnh lùng
    Thu sao buồn đến não nùng
    Dưới chân lá cỏ úa từng nổi đau
    Trăng thu viển xứ cổ sầu
    Hồn thu thổn thức trên lầu nghinh phong
    Thu xưa tím cả nổi lòng
    Bao lần đưa tiễn, không mong, lại về
    Nghìn trùng vạn lý sơn khê
    Thiên thu vọng nguyệt, tứ bề vấn vương
    Ta xin đời có vô thường
    Vì ai tấu khúc đoạn trường, nhớ quê.

    (NVL)