Khánh Lan,  Tin tức

NHỮNG CẢM NGHĨ CỦA KHÁNH LAN VỀ BA DIỄN GIẢ: QUYÊN DI, TRẦN HUY BÍCH, TRẦN PHONG VŨ TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH 09/19/2021

Ngày mới lớn, Khánh Lan những tưởng VĂN cũng như THƠ, chẳng cần phải theo một mô thức nào cũng có thể tạo nên một tác phẩm cho chính mình.  Cái cần thiết chỉ là có nguồn cảm hứng, có khung cảnh hữu tình, cộng thêm một chút “ROMANTIC” là đủ để cho ra một bài thơ tuyệt diệu, một tác phẩm văn học có giá trị và đích thực. Nhưng khi trưởng thành, ý tưởng ấy càng lúc càng rõ rệt trong trí óc, một người với ước vọng cầm bút viết văn từ thuở nhỏ. Thật vậy, để có thể đặt bút viết lên một tác phẩm và đoạt được sự thành công trong tác phẩm của mình, chắc chắn không đơn giản và dễ dàng như tôi hằng nghĩ. Cái danh từ “Dấn thân và đam mê” bỗng trở nên quen thuộc với giới cầm bút, nhất là đối với chính Khánh Lan.

Khánh Lan thiết nghĩ, điều này rất đúng, khi ta dựa theo dòng tư tưởng của văn hào Jean Paul Sartre, thì một người khi quyết định đặt ngòi bút xuống trang giấy đề viết hoặc ước muốn trở thành một nhà văn đích thực thì phải đi theo đúng chính nghĩa “Nhà văn” của nó. Theo Jean Paul Sartre, một người viết văn cần phải qua 3 tiêu chuẩn căn bản, đó là:

  1. Phải dấn thân và phải có niềm đam mê viết.
  2. Phải được viết một cách tự do và không dưới một hình thức sự ép buộc hay một bạo lực nào.
  3. Phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình.
NV Việt Hải & Khánh Lan

Việc gì đã xày ra trong buổi RMS 4 tác phẩm đầu tay của Khánh Lan ngày 19 tháng 09, 2021 tại NT Studio? NV Việt Hải đã yêu cầu Khánh Lan giải thích về mô thức viết văn của Khánh Lan? Để trả lời câu hỏi của NV Việt Hải, xin thưa, một mô thức mà Khánh Lan đã ghi nhận và hấp thụ được từ lớp văn chương khi còn đi học, nó cũng không thoát ra khỏi ba yếu tố căn bản còn được gọi là “dàn bài”. Dàn bài gồm có ba phần chính: Nhập đề, thân bài và kết luận. Riêng phần thân bài gồm nhiều đoạn, trong mỗi đoạn có nhiều tiểu đoạn. Những đoạn hay tiểu đoạn dài hay ngắn là còn tuy thuộc vào tác giả. Dàn bài có rõ ràng thì bố cục mới vững chắc và thật vậy, Khánh Lan đã dựa theo mô hình này để hình thành 4 tác phẩm đầu tay của mình.

Nếu được hỏi, viết văn dễ hay khó, xin trả lời “Khó hay dễ” cũng còn tuy thuộc vào mỗi người. “Dễ” khi ta chấp nhận sự dấn thân, có miềm đam mê cộng thêm sở thích nghiên cứu, yêu đọc sách, vui thú học hỏi và nhất là phải có thời gian. Viết văn trở nên “Khó” khi ta không có những tiêu chuẩn kể trên. Khánh Lan còn nhớ mãi khi Khánh Lan hỏi ý kiến “Bố chồng Khánh Lan”, nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm về “Giấc mơ viết văn” của Khánh Lan thì ông khuyên rằng:  “Thơ cũng như văn, một khi mình bắt đầu làm thơ hay viết văn, thì ý thơ, lời văn cứ dồn đập kéo đến khiến mình mê man như lạc vào vườn văn thơ lai láng. Mà ý thơ đến chẳng có giờ giấc nhất định gì cả, ngày cũng như đêm chẳng khác gì viết văn. Ý thơ đến và đi rất nhanh, nó chỉ thoáng qua trong trí óc. Thơ xuất hiện khi trí óc nhận được tín hiệu của sự cảm xúc từ trái tim hay có khi là do cảm hứng mà ra. Còn văn là do kinh nghiệm, học hỏi và nghiên cứu cũng như sở thích đọc sách. Có như thế thì kiến thức mới mở mang được. Do đó, có khi chúng ta sáng tác những áng thơ nhẹ nhàng và vui tươi, nhưng cũng có lúc những vần thơ đợm nét u sầu hoặc những áng văn bi thảm hay khôi hài. Con phải nhớ, những giây phút ấy quan trọng vô cùng và cần được ghi lại trên trang giấy, vì nếu không nó sẽ không trở lại toàn vẹn như lúc ban đầu.  Thơ làm cho tâm hồn mình trẻ mãi không già. Thơ khiến cho ta yêu đời, yêu người và thơ là phương cách tốt nhất để chúng ta gói ghém niềm tâm sự. Văn giúp ta trau dồi kiến thức, hiểu nhiều, biết rộng và giúp chúng ta trở thành nổi tiếng trong thế giới văn chương.”

NT Việt Cường Lưu Tấn Lâm

Trở lại buổi ra mắt sách ngày 19 tháng 09, 2021 thành công rực rỡ và quý khán giả đã ngồi lại đến giây phút cuối, chính là nhờ vào những bài nói chuyện xuất sắc, thu hút và nhận xét đích thực của ba diễn giả mà Khánh Lan vô cùng kính nể và quý mến. Đó là GS Quyên Di, GS Trần Huy Bích, NB & NV Trần Phong Vũ. Khánh Lan xin phép được ghi lại dưới đây những lời vàng ý ngọc ấy, những lời nói chân thật, thân tình của 3 vị diễn giả là một động lực, một khuyến khích cho Khánh Lan tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp văn chương.

NT Nga Nguyển, NV Trần Phong Vũ, GS Quyên Di,
GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải, NV Nguyễn Quang, GS Trần Huy Bích
Huỳnh Anh, NV Nguyễn Quang, NT Nga Nguyển, NS Dương Hồng Anh,
GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải, John Tạ, GS Trần Huy Bích, Hoàng Khuê.

Mở đầu với GS Quyên Di, ông giới thiệu một tác phẩm mới, tác phẩm thứ 5 mang tên KHÁNH LAN do tác giả “Đấng Sáng Tạo” sáng tác. Bài diễn văn hay quá, người cầm bút này xin ghi lại toàn vẹn bài của GS Quyên Di sau đây:

“Kính thưa quý vị, Thưa các Chị, các Anh, hôm nay chúng ta tham dự một buổi ra mắt sách sách đặc biệt với 5 tác phẩm được giới thiệu. Bốn tác phẩm:

  1.  Vài nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại
  2.  Dĩ Vãng Khôn Nguôi
  3.  Tuyển tập truyện ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh
  4.  Tuyển tập truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh

Bốn tác phẩm trên sẽ do những vị cao minh giới thiệu sau. Riêng tôi, rất hân hạnh được giới thiệu một tác phẩm mà tác giả không phải là Khánh Lan nhưng nhan đề lại là KHÁNH LAN. Tác giả của tác phẩm ấy chính là Đấng Sáng Tạo. Thật ra, nói về sáng tác, tôi muốn nhắc lại lời của nhạc sư HẢI LINH. Ông phát biểu:

Chỉ có một đấng làm công việc SÁNG TÁC, đó là ĐẤNG SÁNG TẠO, còn chúng ta chỉ là những kẻ SÀNG TẠC, tức là SÀNG LỌC những gì đã có, để rồi TẠC theo mà thôi”.

GS Quyên Di

Vâng, mỗi chúng ta là một quyển sách mà Đấng Sáng Tạo chính là tác giả. Mỗi quyển sách Ngài viết có một bố cục khác nhau, với những tình tiết khác nhau. Tác phẩm nào cũng đặc biệt. Hôm nay, chúng ta được dịp biết về quyển sách mang tên KHÁNH LAN mà Ngài đã viết với tất cả lòng ưu ái của Ngài. Theo phép viết truyện, việc đầu tiên là tác giả đưa ra bối cảnh mà tiếng Anh gọi là background. Truyện xảy ra ở đâu, khi nào, hoàn cảnh lúc ấy có gì đặc biệt, có những nhân vật phụ nào không. Sau khi đã bày ra một bối cảnh với những chi tiết như thế, tác giả mới đưa nhân vật chính vào.

Chúng ta sẽ không lầm khi nói rằng Đà Lạt là một trong số những thành phố đẹp nhất nước Việt Nam. Đà Lạt vào thập niên 60 với Thung Lũng Tình Yêu, Nhà thờ Con Gà, hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Viện Đại Học Đà Lạt, trường Võ Bị Quốc Gia, với những con đường ngập tràn hoa dã quỳ, mimosa, anh đào đã là một thành phố vô cùng thơ mộng và lãng mạn. Đó chính là bối cảnh mở đầu của tác phẩm. Được sinh ra tại thành phố đó, cô bé Khánh Lan cũng có một tâm hồn mộng mơ và lãng mạn. Tuy thế, tuổi thơ của Khánh Lan là một tuổi thơ rất hồn nhiên, ngây thơ. Hồn nhiên, ngây thơ đến độ hôm tiễn chân cha về cõi vĩnh hằng với cơn mưa giữa mùa hè vừa mới tạnh cô bé Khánh Lan đã khóc thảm thiết, nhưng chẳng khóc vì mất đi người cha thân yêu, mà lại khóc nức nở vì không tìm được chiếc giày bị lún xuống bùn sâu. Một kỷ niệm cười ra nước mắt cho một cô bé còn quá dại khờ khi nhớ về quá khứ xa xưa.

Lớn lên trong sự đùm bọc của Ngoại và Mẹ, Khánh Lan thường nghe Mẹ kể rằng: người ta gọi Bố Khánh Lan là ông “Đội Lễ.” Ông vào miền Nam trước năm 1954 với nhiệm vụ bảo vệ cho hoàng đế Bảo Đại, bởi ông là trưởng đoàn của quân đội hoàng gia “Ngự Lâm Quân.” Sau năm 1954, ông “Đội Lễ” trở thành “Thiếu Úy Lễ,” phục vụ trong đơn vị tác chiến dưới thời của TT Ngô Đình Diệm. Ông đánh giặc rất hăng trên các chiến trường Komtum, Pleiku, Ban Mê Thuột, v.v… Thế mà lạ, không bao giờ bị thương, trong lúc rất nhiều đồng đội quanh ông đã nằm xuống tại chiến trường.

Sau lần đầu tiên bị thương nhẹ, Thiếu úy Lễ được thăng chức Trung Úy và thuyên chuyển về làm trưởng trại Trần Quốc Tuấn, nhưng chỉ vài năm sau ông lại trở về đơn vị tác chiến. Năm 1963, với cấp bậc Đại úy, ông được bổ nhiệm về Sài Gòn để thụ huấn khóa học ba tháng trước khi trở lại Đà lạt làm giảng viên trường Võ Bị Quốc Gia. Nhưng ông đã qua đời vào tháng Tám ngày 25, 1963, ba tuần trước ngày trình diện nhận chức vụ mới, vì tai biến mạch máu, khi ông chưa tròn 53 tuổi.

Cũng trong phép viết truyện, tác giả đưa độc giả theo những diễn tiến của câu truyện mà tiếng Anh gọi là những plots. Càng ngày diễn tiến càng lên cao, tiếng Anh gọi là Rising Action; cuối cùng lên đến đỉnh điểm mà tiếng Anh gọi là Climax. Theo diễn tiến này, tác giả tạo ra những nút thắt của câu truyện. Chính những nút thắt này khiến cho truyện trở nên gay cấn và hấp dẫn, gợi trí tò mò của người đọc, muốn biết rồi truyện sẽ diễn biến ra sao. Nút thắt và cũng là đỉnh điểm của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN là sự việc xảy ra vào tháng 4 năm 1975. Khánh Lan cũng như bao người VN bỏ nước ra đi. Mặc dù ba tuần trước khi Sài Gòn thất thủ, Dr. Britton là cha nuôi của cô chị của Khánh Lan và Vy Hương, ông đã về Việt Nam bảo lãnh cho hai chị em sang Mỹ, mang theo cả giấy bảo lãnh của thống đốc đảo Guam, thế mà chị em Vy Hương, Khánh Lan vẫn không lọt vào được phi trường Tân Sơn Nhất.

Đã thắt nút thắt, trách nhiệm của tác giả là phải gỡ nút thắt ấy ra. Đó chính là nguyên tắc mà các tác giả viết truyện phải theo. Vậy thì Đấng Sáng Tạo, tác giả quyển truyện mang tựa đề KHÁNH LAN bắt đầu tìm cách gỡ nút thắt. Và cũng từ đây, các diễn tiến bắt đầu đi xuống, mà tiếng Anh gọi là falling action. Thêm một nhân vật xuất hiện: người anh rể của Khánh Lan được trường Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn cấp học bổng đi học chương trình tiến sĩ ngành Political Science tại North Carolina hồi đầu năm 1975. Anh đã đánh điện tín về Sài Gòn và nhờ một người bạn ngoại quốc đang làm việc tại Sài Gòn chở Khánh Lan, Vy Hương và hai người em của anh vào phi trường. Đó là ngày 28, tháng 4, năm 1975. Bị kẹt lại trong phi trường hai ngày vì lúc ấy phi đạo bị pháo kích liên tục. Khánh Lan và Vy Hương là những người ra đi trong những chuyến bay sau cùng rời phi trường Tân Sơn Nhất, vĩnh biệt quê hương trong vội vã, bỏ lại tất cả: Ngoại, Mẹ, anh Cả, anh hai và bạn bè…

Từ Phi Luật Tân, qua Guam và sau một tháng ở trại tị nạn Forth Chafee, Khánh Lan và Vy Hương đoàn tụ với người chị thứ ba ở Sacramento. Lúc ấy, chị làm việc cho cơ quan từ thiện: FOOD FOR THE HUNRY và đang giúp tìm người bảo trợ cho gia đình tị nạn VN. Vì không muốn là gánh nặng cho vợ chồng chị, Khánh Lan và Vy Hương chấp nhận sự bảo trợ của ông bà Shidler. Ông bà là chủ nhân của một motel vùng Yuba City. Thế rồi ông bà cho Khánh Lan & Vy Hương đi học. Nút thắt càng ngày càng được nới lỏng.

  • Niên khoá 1975-1978 KL lấy bằng AA ngành kế toán, Yuba City College.
  • Niên khoá 1978-1980 KL tốt nghiệp cử nhân kế toán quản trị, đại học California State University, Sacramento,
  • Niên khoá 2000-2002 KL tốt nghiệp Cao học tâm lý xã hội (socio- psychology), đại học California State University, Fullerton.

Thêm một diễn biến mới: Sáu tháng sau ngày nhập học Yuba City College, Khánh Lan gặp Mạnh Bổng. Hai người giữ mối liên hệ bạn trai bạn gái suốt 5 năm trời. Đến tháng 8, 1980, hai người kết hôn. Hai năm sau, 1982, Khánh Lan sinh con gái đầu lòng Thiên Kim. Kết hôn với Mạnh Bổng quả thật cuộc đời Khánh Lan bay bổng rất mạnh!!! Với cuộc sống thăng tiến như thế, Khánh Lan đã:

  • 2 năm làm việc cho ngân hàng.
  • 12 năm làm việc cho chương trình Dịch vụ Hỗ trợ Tại gia. Đồng thời làm việc bán thời gian cho nơi tạm trú an toàn của Phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, với tư cách là cố vấn tại trung tâm Fullerton và Tư vấn Khải Đạo cho người Nam Hàn, đồng thời là người hướng dẫn chương trình điều trị nạn nhân Bạo lực và chương trình điều trị ma túy.
  • 3 năm làm việc cho Chương trình Tư vấn cho Cư dân Châu Á Thái Bình Dương với tư cách là cố vấn, tiếp xúc với phụ huynh và hỗ trợ nhóm phụ huynh.
  • 18 năm làm việc cho Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em với tư cách Nhân viên Xã hội cao cấp của phần vụ Ứng phó Khẩn cấp, phần vụ bảo vệ nạn nhân Bạo hành Gia đình và phần vụ Bảo trì Gia đình.

Sau 35 năm làm việc, KL nghỉ hưu vào năm 2018.

Chương sách này viết về Khánh Lan, Đấng Sáng Tạo đã ban cho nhân vật chính của mình một sự thông minh, tế nhị, sự chịu đựng, lòng can đảm và nỗ lực tuyệt vời. Đây được xem là một trong những chương đẹp nhất của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN, mặc dù có những lúc người Cán Sự Xã Hội Cao Cấp ấy phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm và lo sợ khi phải đương đầu với công việc hằng ngày, nhất là trong thời gian làm việc ở cơ quan chống lạm dụng trẻ em và Ứng cứu khẩn cấp, là những cơ quan mà phần lớn phụ nữ Á Đông không dám làm vì phải chịu nhiều căng thẳng, phải ra quyết định, phải tách rời trẻ em khỏi gia đình mà các em bị lạm dụng, phải đối phó với bệnh viện, đối diện với cái chết của một đứa trẻ, đối đầu với nạn ma túy, với thành viên của các băng nhóm v.v…, phải viết báo cáo hầu như mỗi ngày và phải ra tòa khi cần thiết.

Một chương khác trong tác phẩm mang tên KHÁNH LAN cũng đẹp không kém là chương Khánh Lan tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật với những thành tích rực rỡ:

  • Những sinh hoạt trong các lãnh vực Vũ nghệ thuật (arts choreography), thi ca, biên khảo văn học, tham luận văn chương, truyện ngắn, hồi ký, văn tạp ghi và kịch nghệ Song ngữ Việt Anh.
  • Trưởng Nhóm Văn Học & Nhóm Vũ Nghệ Thuật của Liên Nhóm Nhân văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, cộng tác trong ban biên tập các tổ chức văn học: Việt Media, Văn Học Mới, Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian.
  • Được vinh danh trong số 100 tác giả văn hóa Việt Nam trong quyển Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại (NKMVHVNHN) của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris.
  • Cộng tác trong ban biên tập các tổ chức văn học: Tác phẩm phổ biến trên báo chí, internet, và chủ đề văn học hoặc thi ca trên tạp chí Việt Media, Chim Việt Cành Nam, Tuổi Trẻ online, CLB Văn Hóa Paris, Văn Học Mới, Saigon Time, Ninh-hoa.com, trang web ledinh.ca, Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, vùng Nam Hoa Kỳ.

Kính thưa quý vị, Thưa các chị, các anh, Đấng Sáng Tạo vẫn còn tiếp tục viết những chương kế tiếp của tác phẩm mang tên KHÁNH LAN. Tác phẩm chưa chấm dứt, nhưng cá nhân tôi tiên đoán đây là một tác phẩm có hậu, HAPPY ENDING. Chúng ta hãy chờ xem Ngài còn viết những gì. Trăm lời nói không bằng một lần nhìn, tôi xin được phép giới thiệu tác phẩm KHÁNH LAN do Đấng Sáng Tạo sáng tác, bằng xương bằng thịt: NHÀ VĂN KHÁNH LAN.

Khánh Lan

Diễn giả thứ hai là GS Trần Huy Bích, bài diễn văn của ông ngắn gọn nhưng rất đầy đủ và nói lên được giá trị nội dung của tác phẩm cũng như phong cách viết văn của tác giả, phương cách nhận định giá trị và nội dung của tác phẩm, Khánh Lan xin tóm tắt như sau: 

“Kính thưa các bậc trưởng thọ, kính thưa các thân hữu,

Tôi được trao nhiệm vụ nói về 2 tác phẩm trong 4 tác phẩm của chị Khánh Lan. Đó là Đôi nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại và Tuyển tập truyện trinh thám: Thám tử Lê Minh. Trong tác phẩm Đôi nét về 10 tác giả Âu Mỹ cận đại, bài đầu tiên là bài tóm tắt về Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Đây là cuộc tranh luận tại Việt Nam từ năm 1930 của hai nhà văn Hải Triều và Hoài Thanh về nghệ thuật phục vụ nghệ thuật và nghệ thuật phục vụ về cuộc đời. Đây là cuộc thảo luận gay go trước năm 1945, chị Khánh Lan đã tóm lược một cách đầy đủ, kỹ càng và ghi nhận được những điểm chính của cuộc tranh luận đó. Đây là một sự thành công. Sau đó tác giả trình bày về sự nghiệp và cuộc đời của10 tác giả Tây phương cận đại trong đó có 4 tác giả người Pháp là Victor Hugo, Alexandre Dumas, Marcel Proust và André Gide. Chị đã đặc biệt để ý đến 2 cuốn là “Khung Cửa Hẹp-La Porte E1troite” và “Đi tìm thời gian đã mất-À la Recherche du Temps Perdu”, chị say mê 2 cuốn đó. Ngoài ra những tác phẩm còn lại là 3 tác giả Mỹ, 1 Nga, 2 Đức. Đây là những tác giả quan trong của văn học thế giới, chị đã làm đầy đủ, chị đọc rất kỹ, chị tóm được các điểm chính đặc sắc của tác giả.

GS Trần Huy Bích

Đứng về phương diện văn học, những nhận xét của chị có lương tâm, chu đáo, chị đã thành công, chúng tôi không thấy khuyết điểm gì. Quyển thứ nhì là quyển truyện trinh thám, Thám Tử Lê Minh gổm 13 truyện. Truyện cuối cùng nói về cuộc đời của tác giả Lê Minh. Điều đặc biệt thì Lê Minh không phải là một nam thám tử mà là một nữ thám tử, có lẽ vì tác giả là một nữ tác giả nên đã tạo nên một nhân vật nữ với những đặc điểm của mình. Truyện của Khánh Lan khiến người đọc thích thú, vui vẻ, hấp dẫn và mến nhân vật trong truyện. Nên theo quan niệm của tôi, Khánh Lan đã thành công trong tập truyện Tuyển tập truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh. Nhất định chị Khánh Lan là một nhà văn.

Tóm lại, đứng về lãnh vực biên khảo, Khánh Lan thành công trong tập truyện về các nhà văn trên thế giới: Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại. Đứng về phương diện giải trí, Khánh Lan thành công trong truyện trinh thám: Thám Tử Lê Minh. Tôi xin chúc mừng chị Khánh Lan, anh Mạnh Bổng, chúc mừng tất cả của nghệ thuật viết văn. Xin kính chào.

Mabel, Stephen, Thiên Kim, Mạnh Bổng, Khánh Lan,
Vy Hương và NT Việt Cường.

Và sau cùng là bài diễn văn của nhà báo kiêm nhà văn Trần Phong Vũ, bài diễn văn của ông thật hùng hồn và có lẽ đã thu hút được hầu hết các khán giả tham dự buổi RMS hôm ấy. Khánh Lan xin ghi lại tóm tắt phần lớn bài diễn văn của ông như sau.

            “Khánh Lan, đây là ngày đầu tiên tôi được gặp cô, mặc dầu cô đã liên lạc với tôi có lẽ từ nửa năm qua và đã gởi qua máy vi tính cho tôi 2 đến 3 lần cái bản thảo và bản layout quyển truyện dài: Dĩ vãng khôn nguôi và quyển truyện ngắn: Tình yêu, cuộc đời và định mệnh để tôi dễ đọc hơn. Ngày hôm nay tôi đến đây như một sự chia sẻ về một người trẻ, một khuôn mặt mà phải nói rằng phải “Dấn thân” lắm. Đúng, phải là một con người có một cái ý chí đặc biệt mới có thể đi vào một lãnh vực, phải nói là rất là khó chứ không phải dễ. Nhưng ngày hôm nay tôi xin thưa, tôi hoàn toàn đồng ý với GS Trần Huy Bích, vì sau khi tôi đọc xong hai tác phẩm này, không phải chỉ một lần, mà nhiều lần. Bởi lẽ mỗi một lần nhận được bản mới, tôi nghĩ là nó phải có những thay đổi, mà có những thay đổi thật và chính nhưng thay đổi đó nó đã đánh giá cô Khánh Lan rất cao. Bởi vì khi làm một công việc gì cũng vậy, ngoài cái tài thiên phú ra, cái sự chăm chỉ, sự phục thiện để mà lắng nghe lời nói của một người khác là rất quan trọng và cô đã có các đặc điểm đó. Trong suốt thời gian tiếp xúc với cô qua điện thoại hoặc email, cô vẫn có được một sự kính trọng đối với tôi, mặc dầu cô chưa biết tôi là ai.

NV Trần Phong Vũ

Bây gì tôi xin được nói về tác phẩm truyện ngắn trước khi nói đến tác phẩm truyện dài. Đúng ra, tôi phải đi vào từng chi tiết của mỗi câu truyện để hiểu rỏ tác phẩm ấy nói gì. Tuy nhiên, tôi chỉ hiểu rõ một điều này, khi viết truyện ngắn, cái khó nhất của viết truyện ngắn là đoạn kết. Nếu mà đoạn kết thất bại thì coi như là bỏ hết, vứt đi. Cái kết có thể là “happy ending” hay là một hình thái gì đó để mà đưa ra một cái kết. Ở đây, tôi nhận thấy cô chọn lựa rất đặc biệt cho cái kết trong những truyện ngắn của cô cũng như qua một vài đoạn khi cô nói về mình ở trong phần tâm sự hay là lời cám ơn. Có rất nhiều những dữ kiện trong cuộc đời của cô, nhất là những kiến thức của cô, những cái gì mà cô đã học được của nhà trường, những gì cô đã thực tập khi cô làm thày dậy người ta hay là thực tế lao đầu vào những công việc hiểm nguy. Thế thì cái vấn đề là cô ấy đã làm gỉ với những kiến thức ấy, tôi phải nói là nhiều những truyện ngắn trong sách, cô đã mang những suy nghĩ, những kiến thức của cô, tấm lòng của cô, cái đặc biệt của một tấm lòng yêu thương con người, say mê với công việc của mình. Thành ra tôi vẫn tin tưởng rằng, với một người như vậy khi bước vào văn chương cũng mang tấm lòng đó vào và sẽ thành công và sự thành công đó là ngay trong những tác phẩm truyện ngắn. 

            Như tôi đã đề cập lúc đầu là cái kết thúc rất quan trọng, thì ở điểm này cô Khánh Lan đã thành công. Tôi nhận thấy, thứ nhất là cô có cái khuynh hướng rõ ràng là cô thích có một cái “happy ending” cô muốn có một kết thúc tròn đầy. Đó là con người của cô, một con người yêu thương, một con người mà chỉ muốn mọi chuyện xảy ra tròn vẹn, không phải cho mình mà cho mọi người. Vì vậy khi cô gửi vào những nhân vật có thực trong tác phẩm truyện ngắn. Tuy vậy, trong một vài truyện, tôi đã nhìn thấy vì một lý do gì đó cô phải đưa ra một “ending” khác, nhưng hầu hết đều gọn ghẽ, rất đầy đủ, chỉnh chu như cô đã trả lời NV Việt Hải về cái bố cục của một câu truyện, một quyển sách như thế nào rất là chính xác. Với tư cách là một người đã từng dậy quốc văn, tôi thấy cái quan niệm đó, cái nhìn đó, cái mà cô đã cố gắng đi theo con đường văn chương. Đây chính là một cái chìa khóa để mở cho cô đi vào sự thành công, không phải chỉ có ngày hôm nay với 4 cuốn sách này, mà sẽ còn nữa trong tương lai như lời sự ước ao của GS Trần Huy Bích.

Thế thì, cái điểm chính ở đây là cô rất thành công như trong tác phẩm truyện ngắn, như truyện “Hạnh Phúc Trở Về”. Cô có thể kết thúc ngay lúc mà người con trai của cặp vợ chồng rất là hạnh phúc đã chết trong một hoàn cảnh tức tưởi, đồng thời nó cũng đưa ra một sự cảnh giác cho những người cha mẹ chỉ lo làm ăn mà quên đi đứa con của mình bị bệnh tự kỷ. Cái điểm này cũng nằm trong ngành học chuyên môn của cô, cô đã ứng dụng vào truyện rất là đúng. Cuối cùng, cô đã có một cái kết rất hay mà quý vị về đọc truyện này sẽ có một cảm nhận giống như tôi. Trong truyện “Nỗi Cô Đơn Trong Biển Tình” cũng thế, cô đã biết cách lợi dụng đại dịch Covid 19 để hàn gắn lại một mối tình tưởng chừng tan biến.

            Nói về tác phẩm truyện dài “Dĩ Vãng Khôn Nguôi” tôi cho rằng đây là một tác phẩm được dàn dựng rất công phu về phần nội dung của cốt truyện. Tác phẩm ghi lại những cảm xúc của tác giả khi rời xa quê hương trong vội vã cũng như sự ngỡ ngàng, niềm xúc động khi đứng trước những đổi thay của đất nước. Bởi vậy, tôi đưa ra kết luận như sau: Tác giả đã dùng rất nhiều thời gian để nghiên cứu về những thắng cảnh, nhất là cô đã cung cấp hình ảnh đầy đủ về những thành phố mà cô đã đi qua khi về thăm lại quê hương Việt Nam sau 20 năm viễn xứ. Tóm lại, cô đã thành công về lãnh vực sáng tác truyện dài và truyện ngắn, chúc mừng cô Khánh Lan.

Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

Sự thành công của Khánh Lan ngày hôm nay là do sư đóng góp của quý Thày Cô và các bạn bè đã đưa đến cho Khánh Lan một buổi ra mắt sách hoàn hảo. Xin ghi lại đây lòng cảm ơn chân thành của Khánh Lan và cũng xin ghi nhớ mãi ngày vui hội ngộ hôm nay.

Khánh Lan, California, Sept. 26, 2021

Gia đình tôi: Mạnh Bổng & Khánh Lan
Mabel, Khánh Lan, Stephen, Thiên Kim