Tin tức

Tường Trình Buổi Ra Mắt Tác Phẩm Đóa Hoa Nở Muộn Của Nhà Văn Kiều My

Chủ nhật ngày 15 tháng 8, 2021 là một ngày đẹp trời, không nắng gắt, có lẽ do làn gió thoảng từ bờ biển Huntington Beach thổi vào đất liền khiến khí hậu giữa trưa hè trở nên mát mẻ hơn thường ngày. Tuy có những buổi hội họp quan trọng khác tổ chức cùng thời gian, nhưng ngay từ lúc 12 giờ trưa bầu không khí tại NT Studio, tọa lạc trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, miền Nam California bắt đầu nhộn nhịp cho buổi Văn Học ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My sẽ diễn ra từ lúc 1:00 giờ trưa đến 4:30 chiều. Nhà văn Việt Hải trưởng Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG) chọn Đoá Hoa Nở Muộn (ĐHNM) là tác phẩm trước tiên, trong hàng loạt tác phẩm khác dự trù giới thiệu đến độc giả vào thời gian sắp tới do trì trệ bởi đại dịch COVID-19.

Ban tổ chức, cố vấn, diễn giả, ca sĩ, truyền thông đến trước giờ chờ Studio mở cửa đem vật dụng cần thiết trang trí cờ xí vào. Khán thính giả tham dự đến sớm để xem Poster và tờ chương trình được Ban Tổ Chức (BTC) đặt ngay cửa chính và để gặp gỡ, chụp hình lưu niệm, chúc mừng tác giả cùng chọn chỗ ngồi cho cá nhân hoặc nhóm. Thành viên trong BTC mỗi người mỗi tay khệ nệ bê sách, hoa, thực phẩm nhẹ, nước giải khát trình bày trên đôi bàn dài được chủ nhân Studio đặt cuối căn phòng. Nhà báo Kiều Mỹ Duyên cùng toán kỹ thuật viên, trực tiếp thâu hình từng quan khách hiện diện, chúc mừng đứa con tinh thần tác phẩm đầu tay của ngòi bút Kiều My ra đời, khiến bầu không khí bỗng nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Trong chớp nhoáng, mọi thứ được bày biện tươm tất, quầy sách hình thành ngay khi bước qua cửa chính vào Studio, tấm khăn phủ bàn mầu đỏ cùng nhiều đóa hoa Hồng đỏ thắm (mầu biểu tượng cho Văn sĩ Kiều My tuổi Dương Cưu) do bàn tay ai đó khéo léo cắt tỉa, đem cắm trong bình hoa thủy tinh trong suốt đặt trên quầy sách, nơi tác giả trong bộ trang phục mầu trắng trông nhã nhặn và rạng rỡ hẳn lên. Với nét bút cẩn thận nữ sĩ ký tên trên mỗi cuốn sách, ân cần trao đến tay người nhận và không quên kèm theo lời cảm ơn cùng nụ cười nhẹ điểm trên môi.

Đúng 1:00 trưa, MC Huỳnh Anh và Mộng Thuỷ đại diện BTC tuyên bố khai mạc buổi ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Jacqueline Lê Kiều My và giới thiệu đại diện BTC ngỏ lời chào mừng quan khách.

Mở đầu với nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, Hoa Kỳ rất trang trọng, và phút mặc niệm đầy xúc động, trong phút mặc niệm tưởng nhớ đến thân nhân của tác giả vừa qua đời.

Tham dự Chiều Văn Học ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn ngoài thành viên Liên nhóm, quan khách có: Các vị Giáo sư Dương Ngọc Sum, Quyên Di, Trần Mạnh Chi, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà thơ Việt Cường, Hà Nguyên Du, nhà văn Nguyễn Quang, Việt Hải, Vương Trùng Dương, Quỳnh Giao, Du Miên, Khánh Lan, Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Ân, nhân sĩ Phan Hùng Tuấn, Ô.Bà John Tạ, nhóm Hy Vọng Yểm Trợ Nhân Quyền ông Trần Quang Tuyến, ông Nguyễn Đức Luận, ông Nguyễn Hữu Thành, ông Hoàng Đình Khuê (khoá 16 Võ Bị Quốc Gia VN), KQ Trần Vê, KQ Dương Viết Đang, ông Nguyễn Đình Trung (Tổng thư ký hội Thủ Đức), ông Phạm Ngọc Lân, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nhiếp ảnh gia Paul Lê, XNV Minh Châu, các ca sĩ Hùng Ngọc, Mạnh Bổng, Mỹ Lan, Thụy Lan, Lệ Hoa, Thu Phượng và Julie Hạnh.

Sau phần giới thiệu quan khách, tác giả ĐHNM cô Kiều My ngỏ lời chào mừng quan khách, cùng đa tạ nhà văn kiêm Họa sĩ Vi Khiêm giúp phát hoạ bià sách phù hợp với nội dung và Giáo sư Phạm Hồng Thái trang trí kỹ thuật bên trong cuốn sách ĐHNM. Tiếp theo, ca khúc La Paloma Adieu nhạc Pháp do chính tác giả trình bày gửi đến quý khách như lời tri ân, cùng mở đầu phần Hội thảo nhóm về Tình yêu Đông Phương, Tình yêu Tây Phương, Tình yêu trong tôn giáo, gia đình bền vững và tâm lý xã hội tương quan với tác phẩm ĐHNM do các diễn giả: GS Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di, NV Nguyễn Quang, NV Vi Khiêm, NV Khánh Lan và Xướng ngôn viên Minh Châu, được chia làm ba phiên.

LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỒI GIAN

Phiên 1: Tình Yêu Đông Phương tương quan với tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn với Giáo sư Quyên Di và XNV Minh Châu.

Trình bày qua 3 tác phẩm:

  • Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du.
  • Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
  • Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

1- Tình yêu đoan chính: Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, quan niệm về trinh tiết của người phụ nữ theo triết lý Khổng Mạnh. Kim Trọng là bạn của Vương Quan em Thuý Kiều, Kim Trọng quen biết Kiều nhân dịp lễ Tảo mộ và Tiết Thanh Minh. Thế rồi, một hôm nhân khi gia đình về dự lễ giỗ bên ngoại, Thuý Kiều lén vượt tường qua thăm trò chuyện cùng Kim Trọng, khi chàng Kim có cử chỉ muốn “vượt rào” Thuý Kiều ngăn lại và thuyết phục Kim Trọng chờ đến ngày thành hôn của hai người.

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Kiều sửa lưng:

“Thưa rằng: đừng lấy làm chơi

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!”

Tình yêu lý tưởng của Kim & Kiều, một đôi trai tài gái sắc yêu nhau nồng nàn, không kém phần táo bạo “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” nhưng phận làm con gái phải tuyệt đối gìn giữ trinh tiết.

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Sau đó, Kim Trọng về quê còn gia đình Kiều bị tai họa do Thằng bán tơ vu oan chứa chấp tơ lụa bị mất cắp, tài sản bị quan quân cướp bóc Vương Ông và Vương Quan bị tù tội, Kiều phải bán mình lấy tiền chuộc cha và em. Cuộc đời Thuý Kiều lưu lạc trôi nổi, thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần. Khi gặp lại Kim Trọng thì đã lỡ làng, Kim Trọng thành hôn với Thuý Vân là do ý muốn của Thuý Kiều, nên hai người hứa hẹn sẽ là bạn của nhau “Tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ.”

2- Tình yêu lễ giáo: Tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu xuất bản vào năm 1889, mở đầu câu chuyện cụ Nguyễn Đình Chiểu gắt gao răn rằng:

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”

Trong tình yêu phải tôn trọng đạo lý “Nam nữ thọ thọ bất thân.” theo quan niệm phong kiến thời Nho Giáo trai gái không được kề cận nhau hoặc có những cử chỉ suồng sã vô tình hay cố ý. Khi triều đình mở khoa thi, Lục Vân Tiên từ giã thầy xuống núi về kinh ứng thí. Trên đường trở về nhà thăm cha mẹ, gặp bọn cướp Phong Lai hoành hành, Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Nàng Nguyệt Nga định bước ra khỏi xe để lạy tạ ơn cứu mạng, thì Vân Tiên lật đật khoát tay.

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai”

Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, làm ơn không muốn cho người trả ơn. Nguyệt Nga lạy tạ ơn cứu mạng cũng không nhận, xin Vân Tiên theo về nhà lấy bạc vàng đền ân cũng không đi, Nguyệt Nga liền rút trâm cài tóc đưa vật làm tin (người nữ tặng trâm cài là quý lắm) thế nhưng Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn.

“Đưa trâm chàng đã làm ngơ

Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ

Vân Tiên ngó lại rằng: ừ

Làm thơ cho kịp bấy chừ chẳng lâu”

Lúc này Vân Tiên mới chịu nhận thơ. Nguyệt Nga vốn giỏi văn thơ, nên thoắt một thoáng làm xong bài Đường luật (tám câu năm vần).

“Thơ rồi này thiếp xin dâng,

Ngửa trông rộng lượng văn nhân thế nào?”

Nàng Kiều Nguyệt Nga chữ ân chưa trả chữ tình lại vương, nàng vẽ hình Vân Tiên để tôn thờ một tình yêu tự nguyện, nồng nàn thắm thiết trong tâm hồn của Nguyệt Nga, nàng phải chịu trăm đắng ngàn cay, chống lại lệnh Vua khi bị cống cho giặc Ô Qua, nàng ôm bức hình Lục Vân Tiên nhảy sông tự tử, may nhờ Phật Bà Quan Âm cứu mạng, rồi gặp tên Bùi Kiệm ép uổng đòi lấy nàng làm vợ, nhưng Kiều Nguyệt Nga vẫn giữ trọn lòng chung thủy với Lục Vân Tiên.

“Vái trời cho đặng vuông tròn

Trăm năm cho trọn lòng son cùng chàng”

Trên đường dẹp giặc Ô Qua chiến thắng trở về, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga gặp lại nhau nên duyên vợ chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, vinh hiển.

3- Tình yêu thuần khiết: Tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng xuất bản năm 1933 là truyện ngắn vỏn vẹn chừng một trăm trang giấy, nhưng là tác phẩm đầu tay nổi tiếng và thành công nhất của Khái Hưng, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Nội dung tác phẩm như sau: Ngọc là chàng sinh viên trường Canh nông Hà Nội, nhân dịp nghỉ hè đã đến chùa Long Giáng ở Bắc Ninh thăm người bác là sư trụ trì và nghỉ hè. Ngày đầu đến chùa, người đầu tiên Ngọc gặp là chú tiểu Lan dịu dàng, kín đáo, đoan trang đã sốt sắng giúp xách phụ hành lý hướng dẫn Ngọc lên chùa. Trong thời gian ở lại chùa Ngọc được chú tiểu Lan săn sóc, khiến Ngọc có cảm tình đặc biệt. Về sau, Ngọc phát giác chú tiểu Lan là gái giả trai, do gia đình ép gả vào nơi quyền quý, chú tiểu Lan xin qui y cửa Phật. Ngọc không vì mối tình riêng tư mà lôi kéo chú tiểu Lan trở về trần tục, thay vào đó là chấp nhận hy sinh chuyển hoá mối tình đơn phương của mình thành tình bạn cao thượng, một tình yêu không hồi đáp mà hiếm có người thường đạt được.

Phiên 2: Tình Yêu Tây Phương tương quan với Đoá Hoa Nở Muộn với nhà văn Nguyễn Quang và Giáo sư Dương Ngọc Sum (Dương Tử).

1- Nhà văn Nguyễn Quang trình bày chuyện tình Romeo & Juliet:

Tình yêu thủy chung bất diệt xuống tuyền đài: Tác phẩm của Romeo & Juliet là một truyện tình bị đát hay nhất của văn hào William Shakespeare, viết về một tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc hai dòng họ Montague và Capulet thù hận, hiềm khích nhau qua nhiều thế hệ. Romeo & Juliet đã gặp nhau trong một buổi dạ hội, tiếng sét ái tình khiến cả hai người yêu nhau say đắm. Sau buổi gặp gỡ, hai người ra về còn luyến tiếc mối tình nồng cháy vừa nảy nở, Romeo không về vội mà đi vòng ra phía sau lâu đài. Riêng Juliet trằn trọc không ngủ được nên ra ban công than thở: ”Người đâu gặp gỡ làm chi- Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Tình cờ đứng dưới đất Romeo nghe được không kiềm chế chàng bèn trèo lên ban công. Trong màn đêm thơ mộng hai người thề thốt yêu nhau và quyết định bí mật kết hôn.

Họ yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình cản trở, vì thế trước khi trốn đi Juliet được Cha Lawrence cho uống một liều thuốc giả chết, thi hài được đưa xuống nhà mồ chờ khi tỉnh dậy Romeo sẽ đến đưa đi. Người đưa tin bị phong tỏa giữa đường vì bệnh dịch nên không đến kịp. Romeo đến trước giờ hẹn thấy Juliet chưa tỉnh dậy, tưởng nàng đã chết thật bèn uống thuốc độc mang theo để chết theo nàng. Trong khoảng khắc sau, Juliet tỉnh dậy thấy Romeo đã chết liền rút con dao bên mình của Romeo tự tử, cái chết bi thương của đôi trẻ khiến hai gia đình thức tỉnh và đoàn kết lại trong nỗi sầu đau. Kết thúc chuyện tình buồn Romeo & Juliet là sự hy sinh cho trọn cuộc tình.

“Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”


2- Giáo sư Dương Ngọc Sum trình bày về tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh:

Tình yêu trong tình thâm nghĩa trọng: Tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh của Kahlil Gibran (The Broken Wings) nói về cuộc tình bi thảm giữa chàng văn sĩ tài hoa Kahlil và nàng kiều nữ xinh đẹp Selma Karamy vì chủng tộc tôn giáo, Gibran buộc phải biệt xứ, còn nàng Selma phải về làm vợ một người đàn ông quyền thế không hề để ý đến sắc đẹp hay giá trị phẩm chất của Selma, chỉ biết hưởng thú vui riêng để mặc nàng ôm nặng mối tình chân chính tuyệt vọng. Và thời gian mỏi mòn cho đến lúc sinh con, Selma đã ra đi bình thản cùng hài nhi mới chào đời. Hai xác chết được chôn chung một nấm mồ, xác hài nhi quấn tả nằm trên ngực người thiếu phụ bạc mệnh. Gibran khóc cho mối tình dang dở của mình như huyền thoại loài chim uyên ương sống từng đôi trống mái, chim mái là Uyên, chim trống là Ương, mỗi con chỉ có một cánh, khi sống chúng phải chấp cánh nhau mà bay cùng, nếu một trong hai con gẫy cánh thì con kia đành xếp cánh tuyệt vọng trước từng trời thăm thẳm.

Những cặp vợ chồng hay những đôi tình nhân vì lý do gì bị dở dang, người ta thường chúc phúc cho họ: ”Tái sinh làm cây liền cành, chim liền cánh” để đền bù lại sự mong chờ khổ sở của tiền kiếp.

Phiên 3: Tình yêu trong tôn giáo, gia đình bền vững và tâm lý xã hội với nhà văn Khánh Lan và nhà văn Vi Khiêm.

  1. Tình yêu, Hôn Nhân và Tâm Lý Xã Hội với NV Khánh Lan:

Theo nhận định của nhà văn Khánh Lan thì Xã hội bao gồm nhiều cá thể mà trong đó có nhiều gia đình khác nhau hợp lại thành một tổng thể hay một xã hội. Một gia đình hoàn mỹ luôn luôn có sự hiện diện của tình yêu đích thực, hạnh phúc gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh và niềm tin tôn giáo. Đó là những yếu tố quan trọng và căn bản của một mái ấm gia đình hạnh phúc vẹn toàn mà nhà văn Khánh Lan ghi nhận trong tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My. Tác phẩm của bà thuộc loại tiểu thuyết tình cảm xã hội về tình trường lồng vào những bối cảnh và cốt truyện nhằ đề cao giá trị của người phụ nữ trên thế giới nói chung và người phụ nữ Á Đông nói riêng…

  • Tình yêu, Hôn Nhân và Niềm Tin Tôn Giáo:

Nhà văn Vi Khiêm cũng nêu lên những tư tưởng của ông khi nhận định về tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo trong tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn: Hình như định mệnh đã đưa đẩy Trúc Phong gặp Thuý An, đó là mối tình đẹp khởi đầu cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn, một gia đình hạnh phúc, họ tin tưởng Thiên Chúa đã ban cho gia đình họ một niềm tin sắc son, hai đứa con chung là sự keo sơn gắn bó trong tình nghĩa vợ chồng….

Ông kết luận rằng: ”Đoá Hoa Nở Muộn” một chuyện tình tràn đầy hạnh phúc chen lẫn đau thương của một phận người. Tác phẩm “Đoá Hoa Nở Muộn”, đề cao niềm tin tôn giáo, tình yêu bất diệt, sự hy sinh cao quý và lòng chung thủy trong đạo nghĩa vợ chồng.

Đúc kết 3 phiên Hội thảo với nhà văn Việt Hải và tác giả Kiều My.

  1. Lời Ngỏ của Tác Giả Kiều My:

Nhà văn Kiều My đã ký thác tâm nguyện trong “Đoá Hoa Nở Muộn” muốn gửi đến quý độc giả một tình yêu thánh thiện, một tình yêu thủy chung, một tình yêu thiêng liêng (mà tiếng Pháp gọi là Platonic) chỉ có tình yêu chung thủy và thánh thiện mới có thể mang đến hạnh phúc cho chúng ta. Trong đời sống hôn nhân không chỉ có thuần tuý tình yêu đôi lứa thôi, mà cần có niềm tin tôn giáo, là hậu thuẫn vững bền cho gia đình, vì gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình có bền vững thì xã hội mới được tốt đẹp và lành mạnh hơn.

  • Nhà văn Việt Hải nhận định:

Tác phẩm ”Đoá Hoa Nở Muộn“ là một tiểu thuyết thố lộ tâm tình của tác giả, truyện đi vào đời sống con người. Và văn chương vốn gắn bó với cuộc sống đời thường của chúng ta. Văn hào Maxim Gorky cho là cái mỹ học của văn chương vốn đem con người về với bản chất chân thiện mỹ. Trong văn học phương Đông, truyện tiểu thuyết xuất hiện từ đầu bán thế kỷ 20, cũng như theo lịch sử phát triển tiểu thuyết của nền văn học thế giới những thành tựu rực rỡ: từ những kiệt tác tiểu thuyết văn chương mà các diễn giả nêu ra trong buổi hội luận văn học hôm nay. ”Đoá Hoa Nở Muộn” là một cuốn truyện tinh cảm lãng mạn mang nét đẹp chân thiện mỹ. Tiểu thuyết lãng mạn được dựa trên phản ứng cảm xúc và có những cảnh đau khổ và nét dịu dàng, và cốt truyện được sắp xếp để nâng cao cảm xúc hơn là hành động. Khả năng biểu hiện những cảm xúc như vậy được cho là để thể hiện tính cách và kinh nghiệm, đồng thời giúp hình thành cuộc sống và mối tương quan xã hội tích cực. Các diễn giả đã đào sâu vấn đề này rồi. Hơn nữa, tiểu thuyết lãng mạn thường viết về tình yêu và nỗi đam mê. Thông thường, trọng tâm là hai nhân vật yêu nhau nhưng có vấn đề hoặc trở ngại khiến họ phải xa nhau, và có một kết thúc để lại một sự lưu luyến nào đó như trong ”Đoá Hoa Nở Muộn“ của Kiều My. Từ tác phẩm ”Đoá Hoa Nở Muộn “ ta nghĩ đến văn chương và cuộc sống. Sự kiện có vẻ như văn chương chuyên chở cuộc đời, đấy là văn chương chân thực. Qua cốt truyện có đôn hậu thuỷ chung, dù éo le không trọn vẹn. Đọc truyện về cuộc sống giá như điểm bi đát của thực tế của con người. Dòng đời tạo ra những bi thảm cho con người xuyên qua những ưu phiền chia ly, trong cái sương mù của cuộc đời, trong những điều lưu luyến của tác phẩm. NV Viết Hải kết luận:

Một ngòi bùt hoàn thành một tác phẩm thì bạn là nhà văn.

Chúc mừng Kiều My với 2 danh ngôn sau.

“Một nhà văn là một người viết văn chịu đựng khó khăn hơn bất kỳ ai khác” (theo Nobel-Prize-winning German literary figure Thomas Mann, Essays of Three Decades).

(A writer is someone for whom writing is more difficult than it is for other people).

“Writing is its own reward.” (Viết văn là phần thưởng của Viết văn, văn hào-Henry Miller).

Sau cùng, Đoá Hoa Nở Muộn cũng nói lên triết lý bất di bất dịch ngàn đời là: không gì vĩnh cửu trên cõi đời này, không gì tồn tại mãi mãi, có sinh thì có tử, có hợp thì có tan. Đó là điều luật tự nhiên mà mọi người chúng ta phải cúi đầu chấp nhận.


Buổi hội thảo Văn Học rất sôi nổi và nhiều ý nghĩa, thích thú nhất là về tình yêu lãng mạn nhưng cũng nhiều kịch tính, qua phần trình bày bởi các diễn giả được vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng, một vài câu hỏi đặt ra cũng được nhà văn Kiều My trả lời rất chi tiết.

Phần văn nghệ với nhiều ca khúc ngoại quốc và Việt nam với sự đóng góp của nhiều ca sĩ cùng thân hữu. Lời cảm tạ của Ban Tổ Chức và chương trình bế mạc vào lúc 4:30 chiều sau phần chụp hình lưu niệm, ca sĩ Mỹ Lan sôi động sân khấu với liên khúc “60 Năm Cuộc Đời và Tình Lính” kết thúc chương trình thật vui nhộn. Một buổi tiệc mừng thân mật vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với nhà văn Việt Hải, thành viên Liên nhóm và thân hữu đã quây quần tại Nhà hàng Kim Sư mừng sự thành công tốt đẹp của tác giả Kiều My.


Theo ý tưởng của người viết, buổi ra mắt tác phẩm Đoá Hoa Nở Muộn là cột mốc cho NVNT & TTG tiến xa hơn trong tương lai, hầu đào tạo thêm nhiều cây bút mới cho văn chương Việt Nam.

Mng Thu

California, August 2021