• Tin tức

    Từ Thu tiếng hát lên trời- Thanh âm còn lại bên người tài hoa

    Nguyễn văn Lập


    Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng ngày nào giờ đã đi vào cõi miên viễn chiêm bao, tin Lê Thu nằm xuống trong cơn đại dịch để lại bao bàng hoàng thương tiếc cho người ái mộ giọng hát vàng mười của chị, cả trong và ngoài nước đã có rất nhiều giọt nước mắt tiếc thương rơi xuống khi thần tượng của mình đã không còn nữa.
    Lệ Thu là một trong hai nữ danh ca được ái mộ nhất Việt Nam, người kia là tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh, con chim sơn ca của làng âm nhạc Việt Nam, nếu Thái Thanh là người có gọng hát bay bướm lãnh lót với điệu hót như chim tuyệt vời trong bản Giòng Sông Xanh lời Việt của Phạm Duy và Buồn Tàn Thu của Văn Cao, hay diễn tả nỗi nhớ thương ray rức trong lòng người chinh phụ ôm con chờ chồng rồi hóa đá nghe muốn khóc trong trường ca Hòn Vọng Phu của Nguyễn văn Thương, thì Lệ Thu bằng giọng soprano vô cùng rạng rỡ và trong như pha lê với giọng ngân cao vút cuối câu tưởng như có thể kéo dài đến bất tận, mà ít ai quên được giọng ca vừa oán than vừa ray rức lòng người trong một buổi chiều nắng tơ vàng qua tình khúc đong đầy nổi nhớ thương nàng Quỳnh Như từ xa xưa hiện về trong bản Hương Xưa của Cung Tiến, và dầu khóc cho một cuộc tình đã tan như đời mình mà làn điệu vẫn lúc nào cũng rạng rỡ sang trọng trong bản Mười Năm Tình Củ của Trần Quảng Nam, hay ngọt ngào nỗi nhớ, muộn phiền nỗi đau qua bản Mắt Lệ Cho Người của Từ Công Phụng
    Thông thường, mỗi ca sĩ thường nổi bật với một hoặc hai bản ruột làm nên tên tuổi của mình thí dụ như Bạch Yến với bản Đêm Đông của Nguyễn văn Thương, Hoàng Oanh với bản Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Phương Dung với bản Nổi Buồn Gác Trọ của Thanh Sơn, Mai Hương với bản Chiều, thơ của Hồ Dếnh nhạc Dương Thiệu Tước, giọng hát liêu trai Thanh Thúy với bản Nữa Đêm Ngoài Phố của Trúc Phương, Nguyên Khang với bản Riêng Một Góc Trời, Nguyễn Hưng với giọng ca nức nỡ, Ngọc Lan với giọng hát não nùng ai oán, Khánh Ly với giọng khàn đục thì nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh Công Sơn.
    Còn Lệ Thu hát bất cứ bản nhạc nào của bất cứ nhạc sĩ nào đều hay, và nhiều nhạc sĩ thêm nổi tiếng nhờ giọng hát Lệ Thu, thực sự là như vậy, vì thế Nhà thơ Nguyên Sa người có những dòng thơ bay bướm nhất nước đã gọi Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là tinh chất không vẫn đục, nghĩa là không chê vào đâu được, và khó ai có thể bắt chước giọng ngân trong vắt này được. Lệ Thu đến với âm nhạc từ năm 16 tuổi rất tình cờ khi cùng cô bạn đến Nhà hàng Bồng Lai trên đường Lê Lợi Saigon nghe nhạc, và được mời lên ca góp vui bằng bản nhạc Dang Dỡ tức Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn, rồi từ đó bắt đầu đi vào lòng khán giả nhờ tài năng thiên phú mà không qua một trường lớp nào về âm nhạc, càng không phải nổi tiếng nhờ các bài hát của nhạc sĩ sáng tác để tặng riêng mình, Lệ Thu ít khi hát nhạc thời trang và hầu như chỉ hát những tình khúc hay nhạc tiền chiến, nói chung là nhạc thính phòng, bằng giọng ca êm như hạt ngọc long lanh – trong như nước biếc đầu gành trăng soi như trong bài Tiếng Sáo Thiên Thai của Văn Cao, đã thu hồn khán thính giả, và đã nhanh chóng nổi tiếng có cát-sê cao nhất trong các phòng trà tại Saigon thời bấy giờ.
    Lúc bấy giờ tại đài phát thanh Saigon, chương trình Nhạc Chủ Đề của Nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn phụ trách, rồi sau này do Duy Trác đãm nhiệm với lời dẫn chương trình hết sức văn hoa và truyền cãm ấm áp của Nguyễn Đình Toàn và Đào Trường Phúc với các giọng ca chủ lực của Mộc Lan, Kim Tước, Quỳnh Giao, Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Mai Hương, Thái Thanh, Lệ Thanh qua các bản nhạc tiền chiến hay những tình khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam đã làm nhóm anh em CVA cùng lớp chúng tôi hết sức ái mộ gọi là tuyệt tác văn chương trong nền âm nhạc Việt khiến ai cũng mê, đến nổi tôi còn nhờ anh bạn Hoàng Quốc Bảo thu âm cho chương trình này lại để khi đi hành quân về mở nghe, và người tôi mong nhất được nghe tiếng trong chương trình này, chính là tiếng hát Lệ Thu nhưng ít khi được nghe, vì Lệ Thu rất bận vừa đi thu âm cho các trung tâm băng nhạc, vừa trình diễn nên không còn nhiều thì giờ.
    Nếu bất cứ người nào yêu nghệ thuật hội họa đều thích nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa trong tranh của Leonardo Da Vinci, nếu bất cứ ca nhạc sĩ nào của người Việt hải ngoại đều háo hức muốn về Little Saigon, thủ phủ của người Việt tỵ nạn tại nam California để ra mắt CD hay DVD đầu tay hoặc nhiều lần, hoặc làm một hay vài chương trình kỷ niệm một thời ca hát của mình, thì riêng Lệ Thu vẫn lặng lẽ bên đời, không hề tranh đua với đồng nghiệp, trên hai chục năm mới làm một chương trình cho mình, vì thế khán giả càng yêu thích tính cách của Lệ Thu hơn. Thỉnh thoảng mới thấy Lệ Thu xuất hiện trong các show ca nhạc của Thúy Nga Paris của Asia, hay các buổi đi show, mà tôi đã có dịp thực hiện rất nhiều bài viết về các đêm ra mắt các chương trình văn nghệ này tại nam Cali và nhiều nhất là tại vũ trường Majestic của anh Quốc & Phi Khanh. Trong đó đặc biệt là đêm tái ngộ khán giả của Lệ Thu vào cuối năm 2003, trước khi tôi về Dallas, mới đó mà đã gần 18 năm. nhưng những kỷ niệm về Lệ Thu vẫn đong đầy.
    Em từ hoang sử bước ra
    Thơm môi một nét kiêu sa giửa đời
    Chắp tay xin tạ ơn trời
    Tự nhiên bổng có một thời si mê (NVL).
    Tôi mê giọng ca Lệ Thu như mê người tình của mình thuở còn chưa biết làm thơ yêu em, và chưa biết hết cái đẹp của âm nhạc, cho đến khi tôi làm phóng viên cho nhiều cơ quan truyền thông báo chí tại nam Cali, và hàng tuần vào tối Thứ sáu thường đến vũ trường Majestic thực hiện các bài văn nghệ suốt nhiều năm trời, lúc đó, tôi đã gặp hầu hết các ca nhạc sĩ thượng thặng nhất của làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại và viết về họ như một quý mến tài năng làm đẹp cho đời của anh chị em nghệ sĩ. Tôi đã có dịp gặp Lệ Thu thường xuyên, và giửa báo chí với nghệ sĩ thường coi như anh em một nhà khá thân tình, nên nhiều việc buồn vui chúng tôi thường chia sẻ với nhau.
    Khi biết tôi sắp xuất giá tòng thê sắp dọn về Dallas, tôi nói đùa với Lệ Thu như thế, Lệ Thu bảo tôi, ông khoan về đã, giúp Thu ra mắt khán giả tại Majestic lần đầu tiên trên hai chục năm nay (khi xưng hô với bạn bè, Lệ Thu thường xưng tên bằng một chữ Thu). Một phần vì là bạn bè, một phần vì rất thích giọng hát Lệ Thu, nên tôi đã nhận lời đồng ý về Dallas trễ một tuần và còn bàn ra rằng, tôi chưa bao giờ đến nhà một ca sĩ để làm phóng sự sinh hoạt đời thường, tôi sẻ làm một cuộc phỏng vấn Lệ Thu tại nhà về các sinh hoạt thường nhật cũng như tại sao trên hai chục năm nay mới làm một chương trình văn nghệ kỷ niệm trong khi các ca sĩ khác hết ra mắt CD này đến CD khác, thì Lệ Thu trả lời nói tại mình nhớ khán giả. Sau đó tôi đến nhà Lệ Thu làm một album ảnh đời thường trên nhiều khía cạnh như tập thể dục, chăm sóc nhà cửa, hoa cỏ, nấu nướng, và trang điểm… Lúc đó trời đã về chiều, khi thấy Lệ Thu bắt đầu vẽ lông mày, tôi thầm nghĩ, Lệ Thu khởi nghiệp từ bài hát Dang Dỡ, có lẻ nghiệp dĩ nó vận vào mình nên nên đã có ba lần gã Vô Kỵ đã vụng về không vẽ được lông mày cho một nàng Triệu Minh, tiếc thật. Sau đó Lệ mời tôi dùng bữa tối tại nhà hàng Sushi của người Nhật tại thành phố Hungtington Beach. Đàn bà coi nhan sắc như tính mệnh, nghệ sĩ là người của công chúng thì càng thận trọng hơn nữa, lúc nào cũng mong khán giả yêu mến mình nên sớm tối gì khi ra đường đều make-up cẫn thận. Lệ Thu cho biết ăn kiêng đã lâu, ăn uống tự nấu tại nhà, ít khi đi ăn ngoài trừ khi đi show, giữ gìn sức khỏe là chính, ăn rất nhiều rau, thảo nào mới có làn da mịn đẹp như thế, và thanh âm giọng hát tồn tại lâu dài như thế.
    Đêm Lệ Thu ra mắt khán giả có vài ca sĩ đến giúp như Caroll Kim cùng với các ca sĩ thường trực của Majestic, cả vũ trường không còn chổ ngồi, tôi tiếc nếu không phải về Dallas thì tôi sẻ quay phim làm cho Lệ Thu một DVD ghi nhận những lúc Lệ Thu xúc động nhận những tràng pháo tay hay những cành hoa ái mộ của khán giả sau hơn hai chục năm tái ngộ qua các tình khúc để đời của các nhạc sĩ nổi tiếng như bản Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh, Ngậm Ngùi thơ Huy Cận nhạc của Phạm Duy, Hoài Cãm của Cung Tiến, Nữa Hồn Thương Đau của Phạn Đình Chương, Tình Khúc Thứ Nhất thơ Nguyễn Đình Toàn nhạc Vũ Thành An, Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa… Thông thường một ca sĩ hát trong chương trình riêng của mình đều hát trên chục bài, nhưng Lệ Thu chỉ hát giới hạn một số bài, còn lại để dành cho ca sĩ bạn, rất khiêm nhượng, vì thế mới được khán giả thương yêu nhiều.
    Tôi đã gửi bài viết về buổi tái ngộ khán giả này của Lệ Thu cho các tờ nhật báo, tuần báo, và tạp chí văn hóa nghệ thuật tại nam Cali mà tôi đang cộng tác như một lời cãm ơn của Lệ Thu đến quý cơ quan truyền thông báo chí và độc giả.
    Lần tôi gặp Lệ Thu sau cùng vào tháng 11/2019 trong chương trình văn nghệ hai ngày kỷ niệm ngày thành lập của Teletron tại Dallas, tôi đã tặng bài thơ “Thu Vạn Cổ Sầu” cho Lệ Thu và nói cứ xem tôi như một khán thính giả ái mộ làm thơ tặng danh ca Lệ Thu, bài thơ này đã được hai Ca nhạc sĩ, Hoàng Lan phổ nhạc theo điệu Tango và Hà Lan Phương phổ nhạc theo điệu Valse & Rumba cũng để riêng tặng Lệ Thu. Tôi đã mail cho Lệ Thu bài thơ này, còn hai bản nhạc thì sẽ gửi sau khi đã hoàn chĩnh, và Lệ Thu đã không bao giờ còn nhận được. Trước đây đã có ba nhạc sĩ viết nhạc riêng tặng cho Lệ Thu nay đã lên 5 người. Cũng tại nơi này, tôi đã chở Nam Lộc và Chí Tài ra phi trường về lại Cali sau buổi trình diễn, thì nay Chí Tài cũng đã mất trước Lệ Thu trên một tháng.
    Từ nay về sau muốn nghe lại tiếng hát vàng mười của Lệ Thu thì chỉ còn biết tìm lại trên internet, nhưng hương xưa vẫn sẻ cùng thời gian đọng lại trong tình người viễn xứ, và dầu hoa tàn tình tan theo không gian, nhưng tiếng hát Lệ Thu với hương thơm phảng phất khói trần nhiễu nhương này sẻ còn để lại cho đời một giọng ca dĩ vãng đã một thời làm lòng người mê muội.
    Lệ Thu đã giả từ cõi tạm, hôm nay nhớ lại bài viết về Lệ Thu cách đây 18 năm trong buổi tái ngộ với khán giả năm xưa, với hai câu thơ mở đầu bài viết này như trên để thương tiếc giọng ca một thời xuân sắc trên đỉnh cao nghệ thuật cùng những cuộc tình đã qua, mỗi mùa thu đến rồi đi mang theo biết bao nỗi nhớ thương u uất cùng với bao lần đưa tiễn không mong lại về, để rồi mỗi khi thu về lại nhớ đến giọng hát của Thu.

    Thu Vạn Cổ Sầu
    Nắng nghiêng vàng bước chân ngày
    Gió hiu hiu những đêm dài phương đông
    Lá rơi trên ngọn thu phong
    Hồn theo nổi nhớ, sầu trông héo người
    Nằm nghe mưa đổ xuống đời
    Len vào song cửa, bên ngoài gió lay
    Lá vàng rụng xuống chưa thay
    Lá xanh hiu hắt, sương mai lạnh lùng
    Thu sao buồn đến não nùng
    Dưới chân lá cỏ úa từng nổi đau
    Trăng thu viển xứ cổ sầu
    Hồn thu thổn thức trên lầu nghinh phong
    Thu xưa tím cả nổi lòng
    Bao lần đưa tiễn, không mong, lại về
    Nghìn trùng vạn lý sơn khê
    Thiên thu vọng nguyệt, tứ bề vấn vương
    Ta xin đời có vô thường
    Vì ai tấu khúc đoạn trường, nhớ quê.

    (NVL)

  • Tin tức

    Lệ Thu ơi, chào bạn

    Khánh Ly

    Đà Lạt 1963

    Tôi đã ở đây gần một năm. Đà Lạt thời gian này còn hoang sơ, sạch sẽ và êm ả. Mừng vì có việc làm. Được hát và có tiền. Lại nữa gia đình bên nội của con tôi cũng có cơ ngơi ở đây. Tôi có chỗ nương thân. Tôi quên mau những ngày tháng Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ. Tôi quên ngôi nhà có bà nội với tiếng đọc kinh rầm rì mỗi đêm. Quên cái buồng trống trên hở dưới trên dòng kinh nước đen như mực bên chợ Đa Kao. Căn buồng có chiếc giường mà nằm xuống là tôi có thể thấy mông của người nào đó vừa ngồi. Sài Gòn chỉ là thoáng nhớ mơ hồ trong tôi. Không vui, không buồn, không chờ mong. Tôi chẳng có gì, chẳng có ai để nhớ.

    Rất tình cờ tôi gặp lại Anh. Anh là người tôi đã gặp ở phòng trà Anh Vũ đường Bùi Viện bây giờ. Anh có vẻ ngạc nhiên, thích thú khi thấy ở đâu ra một con bé quê ệch mà lại biết và hát Chiều vàng (Nguyễn Văn Khánh), Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong)... Anh bảo tôi đừng bao giờ quên nụ cười. “Vì nó sẽ mở ra cho em nhiều cánh cửa”, anh nói. Tôi thích Anh. Nhưng Anh thì không.

    Chúng tôi đi bên nhau trên con đường đất nhỏ. Anh ôm vai tôi như ôm một đứa em trai và nói: “Này Mai. Về Sài Gòn đi em nếu em muốn đeo đuổi nghề này”. “Em không về đâu. Anh biết đó. Về Sài Gòn em sống làm sao. Nhà không. Tiền không. Việc làm không. Sài Gòn không có chỗ nào cho em”. “Vậy em có gì ở đây? Về Sài Gòn em sẽ có nhiều cơ hội khá hơn”.

    Anh nói thêm: “Hiện nay có một ca sĩ mới nổi, hát bài Tiễn em (Phạm Duy – Cung Trầm Tưởng) hay lắm. Em có nghe Lệ Thu hát bao giờ chưa?”. “Em không biết. Em ở trên này làm sao mà nghe”.

    Tôi chia tay Anh và mau chóng quên những gì Anh vừa nói về Lệ Thu. Tên của cô ca sĩ đó không gợi cho tôi một chút nhớ gì. Mấy năm sau tôi mới biết Lệ Thu chính là cô bé đã khóc sau khi hát một nhạc phẩm của Lam Phương, lúc chúng tôi cùng trong ban Hoa Xuân.

    Tôi chắc Lệ Thu không nhớ đến con bé đen đủi đã chủ động đến hỏi han rồi tự giới thiệu: “Đằng ấy là Lệ Thu, còn tớ là Lệ Mai”. Bấy giờ, cô ấy đã là một tên tuổi được chú ý, được đánh giá cao. Chưa thể nào bằng Lệ Thanh, Thanh Thúy, nhưng Lệ Thu chen chân được ở đất Sài Gòn này cũng được coi là hay lắm rồi. Trong khi tôi vẫn chỉ là một bé con ngây ngô, nhút nhát chỉ muốn mãi mãi bám lấy Đà Lạt và coi như thế là nhất.

    Khánh Ly (phải) bên Lệ Thu trong bức ảnh cuối cùng bên nhau vào tháng 11/2020. Khánh Ly sinh năm 1945, Lệ Thu sinh năm 1943. Ảnh: Jimmy Nhựt Hà.

    Lệ Thu và tôi có một tình bạn không thân không sơ, lúc gần lúc xa trong suốt nửa thế kỷ. Tình bạn chúng tôi không hoàn toàn êm ấm, có thể có những điều không ưng ý nhau. Nhưng chúng tôi đã cùng trải qua vui buồn nửa thế kỷ. 50 năm. Ôi, một đời người thử hỏi được mấy lần 50 năm.

    Khi tôi vẫn làng nhàng trong giới sinh viên học sinh quân đội, Lệ Thu đã là “bà hoàng” của vũ trường, là tiếng hát sang cả của một tầng lớp quý tộc khoa bảng, những người nhiều tiền. Họ yêu tiếng hát Lệ Thu bởi chất giọng lành lạnh, kiêu kỳ. Tiếng hát của đỉnh cao vực sâu. Tiếng hát sắc lạnh như một vết chém. Dứt khoát. Không nương tay. Vết chém ngọt ngào.

    Nhiều lần hát chung, đứng bên cánh gà nhìn ra, tôi bồn chồn xốn xang nghe Lệ Thu hát, nghe những tràng pháo tay như sấm rền dành cho chị. Chưa đến lượt mình, tôi đã muốn tắt giọng. Đành là hồn ai nấy giữ, nhưng đứng trước Lệ Thu, tôi không còn một miếng tự tin nào.

    50 năm tình bạn, có lần tôi cũng nói xấu nàng. Tôi đã kể cho mọi người nghe chuyện chị ta làm biếng nấu cơm, rồi còn kể lể nào là vì là con một nên không biết nấu ăn, nào là do đẻ thiếu tháng nên được gia đình làm cho hết.

    Khoảng 20 năm trước, trong một lúc cao hứng tôi hứa sẽ kho cá cho nàng. Lời hứa thì phải ráng giữ. Nhưng rồi vì bận chồng con, tôi quên. Thu không nhắc suốt 20 năm. Cách đây chừng ba tháng, tôi kho một nồi cá xong rồi chia cho bà con. Nhờ Jimmy đưa hộp cá kho cho Thu. Nàng kinh ngạc vì chính nàng cũng không nhớ lời tôi hứa.

    Tháng 11/2020, một chương trình ở Mỹ mời cả hai quay chung. Lệ Thu và tôi đều quý cậu dẫn chương trình, lại được dịp hội ngộ, chúng tôi đồng ý ngay. Quay xong, vừa coi, Quang Thành hét tướng: “Hai cô trang điểm xấu quá, không được, phải quay lại”.

    Dù có tuổi phải giữ hình ảnh đẹp nhất trước công chúng chứ. Tôi thì dễ, quay lại thì quay, nhưng mọi người ngại nhất là “giọng ca vàng mười” Lệ Thu. Nàng vốn làm việc đâu ra đó, bỏ đi làm lại biết nàng có đồng ý, có thời gian không. Ấy vậy mà nàng đồng ý ngay mới lạ. Ngày quay, Jimmy đến đón tôi, rồi hai cô cháu tới đón chị Lệ Thu tại nhà riêng của chị đường Bolsa. Cả ba thẳng tiến phòng thâu. Đúng lúc chuẩn bị ghi hình, Lệ Thu hét tướng: Áo dài đâu rồi? Áo ở đâu ai biết. Thì ra, nàng để quên ở nhà. Cả đám nhìn nhau cười. Thằng bé Jimmy phóng như bay về nhà Lệ Thu lấy áo.

    Ai biết được đó lần cuối chúng tôi gặp nhau. Ai biết được ký ức cuối cùng chúng tôi giữ về nhau chỉ là câu chuyện nhỏ như thế.

    Lệ Thu đã bỏ đi. Lần trước quên áo. Lần này quên lời hứa với tôi, với Quang Thành. Lời hứa một tour xuyên Việt cho chương trình Vòng tay Nhân ái vào mùa hè tới ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng hai cô ca sĩ này có ưa nhau bao giờ. Mọi người không biết rằng: Đối thủ của nhau lại chính là tri kỷ của nhau đấy chứ.

    Thu ơi. Tôi nhớ Thu lắm. Mọi người nhớ Thu. Thương tiếc Thu. Cả một đời, Thu hát cho người. Giờ Thu mang theo tiếng hát ấy đi, mang theo nụ cười ấy. Thu đi nhé. Chào bạn.

  • Tin tức

    Nhân lần Lam Phương ra đi, nghĩ về những kẻ viết nhạc bằng máu lệ người Nam

    Dẫn nhập: Trong hơn năm mươi năm (từ 1968) xử dụng chữ nghĩa, tôi hầu như không đề cập đến người và việc của giới ca nhạc, cho dẫu đã tham dự sinh hoạt ca hát trong phong trào Hướng Đạo mà những ca khúc yêu nước, nhạc thanh thiếu niên của thập niên 1940, 1950 là chất men nuôi dưỡng, phát triển, gìn giữ nên tâm chất của bản thân cũng như thế hệ chúng tôi từ năm tháng xa xưa kia cho đến hôm nay. Chỉ một lần duy nhất năm 1972, do thân quen với Trần Thiện Thanh qua những người bạn lính trong đơn vị nhảy dù (điễn hình với Trần D. Phước, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, danh hiệu truyền tin “Phước Thiện -Tên hai người ghé lại”, tử trận cuối năm 1969 tại Tây Ninh, và lần người niên trưởng Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo tử trận tại Cao Điểm Charlie, Kontum (12/4/1972), nên mới cộng tác với Nhật Trường thực hiện CD ca nhạc: “Người Ở Lại Charlie” do Trung Tâm Tiếng Hát Đôi Mươi của TTT sản xuất. Năm 2005, tại hải ngoại lập lại thêm một lần cũng với “Người Ở Lại Charlie” trong DVD ASIA 50 kỷ niệm Nhật Trường với lời hát và âm nhạc vĩnh cửu Anh Không Chết Đâu Anh. Sự thiếu vắng “Nhạc Tính” nơi những nội dung sáng tác dài lâu từ 1968 của tôi đã được một người bạn, anh Phg “râu”, (chuyên trình diễn ca nhạc tài tử từ Đà Lạt trước 1975 nay ở San José, California) tinh tế nhận xét và nói lên lời bình phẫm. Và tôi cùng đánh chấp nhập sự thiếu sót nầy với cách giải thích rất nhiều thành thật (cũng có phần hài hước): Đi lính năm 17 tuổi, chỉ có hai cái bằng Nhày Dù và Biệt Động Quân, nên cao lắm là biết violon làn đàn để trên vai (như Hg Th Thao) và guitar thì ôm trong tay (như TTT)! Sự thiếu sót trầm trọng kia sau 1975 khi đi tù mới vỡ ra.. Đêm Giao Thừa 1975 qua 1976 không hẹn mà tất cả trại tù nơi Miền Nam đồng cất tiếng Việt Nam! Việt Nam tên gọi vào đời! Và “Ta như nước dâng dâng hoài không bao giờ tàn…” Cuối cùng dần chuyển qua một cách rất có ý thức.. Cờ bay! Cờ bay… Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu Tiếng hát dũng mãnh phơi phới bay cao, vượt qua chấn song sắt trại giam, bất chấp sự đe dọa đòi bắn bỏ của đám vệ binh cộng sản Miền Bắc. Và sau 1976 nơi những trại tù Miền Bắc, hàng ngàn con người đói khổ, tuyệt vọng đã đồng bặt im lặng, nghẹn thở khi nghe âm vọng từ cây đàn tự chế dạo lời hát trầm buồn thăm thăm.. Mẹ ơi! Xuân nầy con không về.. Ôi biết ra thì đã quá muộn! Hóa ra đã quá vô tâm sau bao nhiêu năm trước 1975 người Miền Nam/Người Lình Miền Nam đã được tặng hiến hàng hàng chuỗi minh châu, ngọc kết, được an ủi, nâng đở bởi vô vàn tiếng hát lời ca từ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Lê Minh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Lâm Ngân, Nhật Trường, Duy Khánh, Hoàng Anh, Ngọc Minh.. Và chung cho tất cả là Lam Phương như một ngọn lửa ấm áp mà người nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đốt lên trên cánh đồng đất ẩm mùi phù sa trãi dài mênh mông tận chân trời sau mùa mùa lúa mới gặt xong, chất lên những rơm khổng lồ nằm im lặng dưới trăng.. Hò lơ..hò lơ.. Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Biết ra thì đã quá muộn màng. Xin cho lời Ân Tạ như một cách xin lổi, hàm ân.                          

    Một. Ngày 30 Tháng 4 năm 1975 là một biến cố vô cùng lớn lao đối với tất cả các giai tầng xã hội Nam Việt Nam. Tuy nhiên trong số đông người Việt miền Nam hiện có mặt khắp nơi trên thế giới hôm nay có thể nói văn nghệ sĩ miền Nam là tập thể phải hứng chịu cơn chuyển đổi mạnh mẽ sâu xa nhất. Bởi khả năng nghệ thuật, tri thức nghề nghiệp của họ khó phát triển được nơi xứ lạ mà trở ngại cụ thể trước tiên là không thể nào vượt qua hàng rào ngôn ngữ dù cố gắng cải tiến tới đâu. Điễn hình như bộ môn cải luơng không cách gì chuyển sang tiếng ngoại quốc. Tuy nhiên, tập thể nghệ sĩ người Việt ra đi từ miền Nam vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển với những sáng tác của họ trong rất nhiều lãnh vực sau cuộc đổi đời khốc liệt 1975. Cụ thể là Nhạc Sĩ Lam Phương với những khúc hát đã một thời vang dội khắp miền Nam mà dẫu sau 45 năm (từ 1975), tiếng nhạc của người nghệ sĩ thuần hậu chân chính nầy vẫn tiếp tục tồn tại như thanh âm bất diệt của đất, nước, con người Miền Việt dù cách biệt bao xa, dù đã bao lâu.

    Cần trở lại từ đầu, ngày còn rất trẻ khi chưa đến 20 tuổi, Lam Phương đã dựng nên Khúc Ca Ngày Mùa (KCNM).. Đây là một bức tranh toàn bích về đời sống thanh bình, tươi sáng, hạnh phúc của nông thôn miền Nam sau 1954.. Bài hát đã vang dội khắp xóm làng, thành phố, nơi quán hàng, rạp chớp bóng, nhà ga, bến xe, bến bắc.. Nghĩa là nơi đâu có người hát và người nghe nhạc.. Thật kỳ lạ, vì người nhạc sĩ đã tạo dựng được cảnh tượng thôn dã sống động ấy khi đang sống tại Đa-Kao, Sàigòn trong một khu lao động lầy lội! Chúng ta không nói lời xưng tụng quá đáng, vì KCNM đã trở thành một bài hát của người Miền Nam và là cảnh sắc Miền Nam chứ không phải của một nơi nào khác. Và điều cảm động hơn hẳn là LP không chỉ là người tài hoa chuyên miêu tả cảnh sắc đồng quê như qua KCNM, mà ông còn là một nghệ sĩ với tâm chất sâu lắng thắm thiết qua bản Kiếp Nghèo và một người đã nghệ thuật hóa sự kiện chính trị lần chia cắt đất nước năm 1954 với nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến dẫu không hề có sinh hoạt chính trị, thời sự Đây là hai ca khúc có cấu trúc nhạc kỹ thuật cao với lời ca giàu cảm tính nghệ thuật mà ông đã sáng tạo nên vào lúc tuổi còn rất trẻ trong khu xóm nghèo ở Sài Gòn với thực tế hoàn toàn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, tâm lý..

    Hai. Biến cố 30 Tháng 4, 1975 đối với một số người có thể chỉ gây tác động bình thường tương đối, nhưng chắc đã quá lớn lao tàn nhẫn đối với một nghệ sĩ như Lam Phương, người nghệ sĩ có tâm chất vô cùng nhạy cảm hiện thực qua hơn 200 tác phẩm (mà đúng ra là 217 theo như tài liệu thống kê) đề cập đến tất cả tình huống, cảm xúc, tâm trạng của con người trong cuộc nhân sinh. Con người bình thường, nhỏ bé như tất cả chúng ta giữa cuộc sống khốc liệt của chiến tranh khởi động từ người, đảng cộng sản Hà Nội dài theo hậu bán Thế Kỷ 20 qua những biến cố 1954, 1968, 1972, 1975 và cao điểm là cảnh nước mất nhà tan lần sụp vỡ Miền Nam, 1975. Trong một bài báo phổ biến trước đây, nhà báo chuyên về sinh hoạt sân khấu âm nhạc Trường Kỳ đã một lần đề cập đến tâm lý bi quan, u uất của LP từ thuở hàn vi khó nhọc đến lúc thành nhân, thành công trước 1975, càng hiện thực hơn sau 1975 nơi hải ngoại.. Phải chăng dẫu đang lúc thành công rực rỡ nhất kéo dài trong hai thập niên sau 1954 đến 1975 ấy, LP đã linh cảm nỗi bi thảm không phải chỉ riêng cho cá nhân ông mà chung cho cả miền Nam, với hết Việt Nam. Điều nầy phản ảnh cụ thể qua những ca khúc có chủ đề “CHIỀU” chiếm một số lượng lớn rất rõ nét.. Cụ thể như bài nhạc đầu đời, Chiều Thu Ấy, và những bài sau 1975 như Chiều Hoang Đảo, cho dẫu Chiều Hành Quân trước 1975là bản nhạc nói về cuộc tình của Người Lính Miền Nam.. Tất cả những buổi chiều trong cấu trúc nhạc của Lam Phương đều mang hình tượng của những buổi chiều chia ly, tan vỡ, nhạt nhòa.. Điễn hình cụ thể nhất là Chiều Hoang Vắng vớinhững hình ảnh xa xót như:Có những chiều mưa buồn giăng giăng khắp lối. Có những chiều giá lạnh tím cả hoàng hôn. Tôi đi qua thôn xa heo hút lưng đèo. Rừng cây hoang vắng tiêu điều.. Với cảm tính nghệ sĩ cao độ, ông đã thấy trước những buổi chiều tàn tạ của quê hương, chiều hấp hối kiệt cùng của đất nước từ cuộc đổi đời khốc hại sau 30 Tháng 4, 1975! Chiều Tây Đô của Cần Thơ sau 1975 là điễn hình rõ nét với tính bi kịch cao độ về lần tan vỡ quê hương Miền Nam qua câu hỏi xa xót cay đắng: Bao năm giải phóng như thế nầy phải không anh?

    Với hơn 200 nhạc phẩm, LP đã đề cập hết tất cả những gì con người đã sống qua hạnh phúc lẫn khổ đau trong cuộc đời vô vàn nầy.. Mà theo như cảm quan thông thường, giới thưởng ngoạn xếp hạng những nhạc sĩ vào một thứ hạng chung nhất dễ phân loại như Vũ Thành An, Từ Công Phụng chuyên về tình ca; Trầm Tử Thiêng nghiêng về các vấn đề xã hội.. Nhưng quần chúng yêu nhạc LP hầu như đều băn khăn trước hằng hà tác phẩm của ông mà khó định hình, xếp hạng vào một thể loại nhạc nhất định. Điều nầy thể hiện qua sự kiện: Là một người miền Nam thuần chất nên ông vẽ lại đủ cảnh tượng thôn quê miền Nam trong KCNM là một điều dễ hiểu, hợp lý.. Nhưng tại sao, từ đâu ông lại viết nên Tình Cố Đô với những ca từ vô vàn thắm thiết: Buồn nhìn về xa xôi, Hà Nội ơi đã xa thật rồi. Mịt mùng ngàn trùng khơi, thành phố cũ lắng sau núi đồi. Đâu Thăng Long năm xưa, cùng tháp cũ rêu phai mờ. Còn tìm đâu nên thơ, cành liễu úa rũ bên ven hồ..Cũng bởiNhạc Sĩ Anh Bằng chỉ có thể viết nên lời xúc động: ”Tôi xa Hà Nội.. do đã hứng chịu cảnh chia ly của năm 1954, còn Lam Phương hoàn toàn không liên hệ với nơi chốn Hà Nội kia, cũng không mảy may dính dấp đền cuộc chia ly không hề có. Thế nên, quả là một điều bí ẩn kỳ diệu mà chỉ từ tấm lòng thuần hậu, thắm thiết của một (Thật) Nghệ Sĩ mới cấu tạo nên những ca từ chân thực và cấu trúc nhạc tuyệt vời như thế kia.  

    Cũng thế, chỉ từ một tấm lòng chân chất mến thương mới cảm nhận đủ Nỗi Đau qua lần chia ly Người Mẹ kính yêu, nên LP mới viết nên lời rất đỗi chân thành trong Khóc Mẹ – Người Mẹ Việt Nam với nỗi hy sinh thầm lặng vô bờ mà các nhạc sĩ Thu Hồ, Y Vân mới viết nên lời xưng tụng ân tạ. Cũng thế, chỉ từ Người Con-Lam Phương mới viết nên những giòng Khóc Mẹ cảm xúc.. Cát bụi này mẹ vừa yên thân. Sau bao năm nước mắt chảy xuôi. Con ra đi trong giờ mẹ hấp hối. Để muôn đời (con) thành kẻ vong ân.

    Không được có mặt với mẹ trong lần ra đi lần cuối, biến động 1975 còn giáng xuống đời ông sự mất mát tình cảm ngang trái – Không phải là tình cảnh riêng của gia đình Nhạc Sĩ Lam Phương mà cũng là đỗ vỡ chung của rất nhiều gia đình khác do từ lần đổi thay tàn nhẫn 1975. Tuy  nhiên cuối cùng cuộc đời vẫn không phụ kẻ có lòng, sau lần chịu đựng khổ nạn chung với toàn dân tộc, gánh riêng cảnh ngang trái trong cuộc sống tình cảm cá nhân, gặp phải tai nạn bệnh tật.. Nhạc Sĩ Lam Phương vẫn là, luôn là đối tượng thương yêu quý trọng của toàn gia đình gồm những người em với danh tính Anh Hai vô cùng kính mến. Ông vĩnh hằng là Nhạc Sĩ Lam Phương của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, những người lớn lên, ra đi từ Miền Nam.. Những người đã cùng ông chia xẽ Nắng Đẹp Miền Nam, đã sống trong những con hẻm đường về đêm nay vắng tanh nơi Đa Kao, Phú Nhuận.. Những người đã cùng ông lắng nghe đêm Sàigòn mưa rơi tí tách..

    Thưa cùng Nhạc Sĩ Lam Phương, xin nhận lời ân tạ chân thành của chúng tôi, thành phần người Miền Nam, Người Lính Cộng Hòa đã cùng ông gánh chịu cơn Thật Chết Với Quê Hương khi bầy đàn cướp nước “Tiến về Sàigòn ta quyết diệt giặc thù.. “, những kẻ gọi là “giải phóng” đến từ Miền Bắc, từ đầm lầy bưng biền Miền Nam. Vĩnh biệt nha Anh Hai! 

    Kết Từ.  Bài viết như trên thoạt tiên nghĩ rằng tạm đầy đủ để nói về Lam Phương, nhưng nhân có sự kiện sau đây liên hệ đến với một thành phần viết nhạc nơi Miền Nam khác, chúng tôi xin kể ra để làm sáng tỏ hơn tư cách nhân hậu cao thượng của Lam Phương. Tháng 11 năm 2019 trên diễn đàn văn học của Đài VOA có phổ biến nhận định của ký giả Mặc Lâm như sau.. “Có những câu nói bị xua đuổi, những câu nói bị phỉ nhổ, và cả những câu nói bị cho là thiểu năng nhưng khi ông nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói nền Văn Học Nghệ Thuật của Miền Nam đáng bị “đóng đinh” thì nó trở thành câu nói bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay! Chuyện gì đã xẩy ra đối với một người gọi là “nhạc sĩ Trần Long Ẩn”, mà quả tình chúng tôi, người lính Miền Nam lần đầu tiên mới nghe đến tính danh, 2019. Ký giả Mặc Lâm giải thích tiếp: Sự khinh bỉ (đối với Ẩn-Pnn) đến từ người dân cả hai miền Nam-Bắc, từ cán bộ (Cộng sản-Pnn) đến nhân viên (Trong nước-Pnn) quèn trong công sở, từ thị dân tới người nông phu căng mình dưới ruộng bởi nó dính liền tới ý thức cảm nhận cái đẹp của con người. Đọc thêm những bài viết khác, chúng tôi dần hiểu ra câu câu chuyện.. Nguyên Trần Long Ẩn là một người gốc ở Bình Định năm 1966 vào Sảigòn theo học Đại Học Văn Khoa. Những Ẩn không học văn khoa mà lại vào khu theo cộng sản; năm 1970 Ẩn được đưa ra Hà Nội học nhạc lý theo tinh thần và nội dung xã hội chủ nghĩa. Sau 1975, Ẩn về Nam viết những ca khúc có tên Tình Đất Đỏ Miền Đông, Đi Qua Vùng Cỏ Non, Một Đời Người Một Rừng Cây..để ca ngợi lần toàn thắng cuộc chiến cướp nước của lực lượng cộng sản Miền Bắc có tiếp tay đắc lực/tối thậm vô nghĩa của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tóm lại, thành tích của Ẩn là hành vi trả ơn đối với Đảng Cộng Sản của một văn công (hạng thừa hành) mà ngay chính những kẻ có lương tri, lương năng tối thiểu cũng đồng im bặt.. Cho dù kẻ ấy là loại văn công được trả giá cao của chế độ Hà Nội như Văn Cao, Phạm Nhuận.. hoặc trong lãnh vực văn học như Chế Lan Viên, Tô Hoài.. Nhưng tại sao Ẩn “..tỏ ra cay cú đến gần như mất trí khi nói đến nền Văn Học Nghệ Thuật của vùng đất (của Miền Nam/VNCH-Pnn) mà trước đây ông ta được nuôi lớn lên, được học hành tới nơi tới chốn ngay giữa lòng Sài Gòn  (Mặc Lâm ibid). Bài viếtcủa một tác giảtrong nước nói rõ “sự cay cú như mất trí của Ẩn” có nguyên nhân là do:  Trong Hội nghị giao ban Quý III/2019 của Hội Đồng Lý Luận Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật TP.HCM, ngày 10/11 ông Trần Long Ẩn cho biết: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó (của VNCH-Pnn) xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Tại hội nghị của Hội Đồng Lý Luận Phê Bình nầy, Ẩn kêu gào.. “..phong trào cách mạng ở miền Nam (trước 1975-Pnn) trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì (LẠI-Pnn) không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng (Âm nhạc Miền Nam/VNCH-PNN) nữa”. A hóa ra là vậy, tức là Người Miền Nam (cũng bao gồm người Miền Bắc) không hát, không nghe thứ gọi là “nhạc giải phóng, nhạc cách mạng” trong đó có những bài hát “nổi  tiếng” của Ẩn, của một văn công thứ cấp gọi là “nhạc sĩ Năm Ẩn”.

    Thế nên, coi như Năm Ẩn không hiểu, không nhận ra sự vất bỏ của quần chúng đối với “tác phẩm: âm nhạc của đương sự, chúng tôi từ tinh thần khách quan của người ngoài giới nghệ thuật sân khấu âm nhạc, cũng từ tinh thần đơn giản của Người Lính Miền Nam có nhận định sau đây căn cứ từ một bài  hát “nổi tiếng/nổi tiếng nhất” của Ẩn: Một Đời Người Một Rừng Cây.. Khi nghĩ về một đời người. Tôi thường nhớ về rừng cây… Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương! Xin hát về bạn bè tôi. Những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời..Trích dẫn về nhạc và lời của “nhạc sĩ Năm Ân” đến đây coi như đủ để hỏi về một điều cụ thể: Nầy Năm Ẩn  (tên phổ thông của Ẩn ở Thành Ùy TP?HCM-Pnn) anh hãy chỉ cho chúng tôi “MỘT NGƯỜI/MỘT NGƯỜI THÔI HẲN ĐỦ/MỘT NGƯỜI CANH GIỮ ĐẤT TRỜI” nơi bộ chính trị đảng cộng sản ở Hà Nội?! Bởi vì nơi ấy từ rất lâu chỉ vang vang những lời chỉ đạo khẳng định: Để Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc giữ vẫn tốt hơn để bọn Mỹ-Ngụy – Lời Trường Chinh, nhân lần Hải quân Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH, 19/1/1974. Nơi ấy cũng khắc ghi công ơn to lớn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô. Đánh cho Trung Quốc.”. Nếu nhắc đến những người và việc kể trên trên e có phần xưa cũ, xa xôi vượt khỏi hiểu biết, khả năng, trách nhiệm của nhạc sĩ Năm Ẩn, nên chúng tôi xin kể ra những vụ việc của thời đại hôm nay, tại thời điểm những bài hát của Năm Ẩn được rầm rộ phổ biến (nhưng không người hát/không ai nghe).. đấy là lời: “Khai thác Bâu-xít là chủ trương lớn của Đảng”, của kẻ được gọi là thủ tướng Dũng khi đồng thuận cho nhà thầu Trung Cộng phá hủy toàn bộ thảm thực vật vùng Đồng Nai Thượng mà thiên nhên ngàn năm đã xây dựng trên quê hương Cao Nguyên Trung Phần. Đấy là xác nhận: “Formosa là điễn hình tiên tiến” của Tổng Bí Thư Trọng trước thảm họa rộng khắp lâu dài vùng biển Hà Tỉnh do nhà thầu formosa gây nên! Đấy là nhận định từ một chị ả người Bến Tre được đưa ra Hà Nội giữ chức vị “chủ tịch quốc hội”: “Trung ương (BCT-Pnn) đã quyết định, quốc hội chỉ biểu quyết thành luật!”đối với lần thuận nhượng ký kết cho tư bản nước ngoài (chủ yếu là tư bản TC) khai thác ba Đặc Khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc trong vòng 99 năm! Chúng tôi có thể kể ra một danh sách bất tận những “bạn bè” của Năm Ẩn.. Những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời?! Từ sáu tỉnh biên giới phía Bắc nay dùng bạc giấy in từ Bắc Kinh và nghe đài phát thanh tiếng Hoa đến cực Nam đất Mũi Cà Mâu với những bí thư tỉnh ủy, giám đốc công an tỉnh được bổ nhiệm bởi Bộ Chính Trị Hà Nội có quyền ký giấy cho người Hoa thuê đất rừng 50, 90 năm, và bảo vệ cho tư bản TC chiếm đất lập tô giới người Hoa trên đất Việt ở Đông Đô Đại Phố Bình Dương, ngay tại Sài Gòn, ở Thủ Thiêm nơi Năm Ẩn đang ngồi lập lý luận, phê bình văn hóa nghệ thuật “độc hại” của VNCH qua nhạc Boléro!       

    Nầy nhạc sĩ Năm Ẩn, anh không thể, không có quyền bắt người Việt trong nước hát lời ca ngợi.  Không thể hát lời ca ngợi kẻ bán nước. Không thể hát lời xưng tụng đứa sát nhân! Nhũng bài hát viết từ máu lệ Miền Nam – Cũng bao gồm “Huyền Thoại Mẹ” máu me, giả trá của Trịnh Công Sơn và rất nhiều, rất nhiều nhân sự thuộc tập đoàn “cộng sự sát nhân” với đảng cộng sản Hà Nội. Đối với đám nhân sự độc hại hạ tiện nầy, Anh Hai Lam Phương trung hậu và cao quý biết bao nhiêu.

    Phan Nhật Nam

    Sinh Nhật 77 tuổi

    28/12/1942-2020 

  • Tin tức

    Danh ca Lệ Thu qua đời, hưởng thọ 78 tuổi

    FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt.

    Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.

    Trước đó, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể: “Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức.

    Cô kể tiếp: “Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy.”

    Khi được hỏi mong mỏi điều gì nhất lúc này, ái nữ của nữ danh ca nói: “Tôi mong những người hâm mộ mẹ, nếu có nghĩ đến bà, xin cầu nguyện cho bà chóng qua khỏi. Nếu phải ra đi thì đi trong nhẹ nhàng. Cầu mong có một phép lạ nào đó cho bà chóng bình phục.”

    Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

    Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như “Nước Mắt Mùa Thu,” “Mùa Thu Chết,” “Hạ Trắng,” “Thu Hát Cho Người”…

    Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.

    Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

    Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở.”

    Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.

    Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”

    Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

    Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…

    Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.

    Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.

    Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

    Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.

    Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.

    Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.

    Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn và hát.

    Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980.

    Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do nhạc sĩ Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills.

    Sau đó bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh,” và tiếp tục thu âm những bản nhạc từng làm bà nổi tiếng.

    Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian. (Đ.D.)

    www.nguoiviet.com

  • Tin tức

    Lệ Thu, Chim Oanh Về Cõi Thiên Thu

    Vương Trùng Dương

    Trong thời gian qua, ca nhạc sĩ đã một thời nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi: nhạc sĩ Lê Dinh (9/11/2020 tại Canada), nhạc sĩ Lam Phương (22/11), ca sĩ Mai Hương (29/11)… và lần nầy đến ca sĩ Lệ Thu, sau thời gian bị nhiễm Covid-19, vừa qua đời vào 7 giớ tối Thứ Sáu, 15/1/2021 tại Orange County (Quận Cam).

    Là người đam mê âm nhạc, thưởng thức những tiếng hát đã một thời, một đời và đã viết về hình ảnh ca sĩ làm thăng hoa nền âm nhạc Việt Nam trong gần 3 thập niên qua. Để tưởng nhớ Mai Hương, tôi viết bài “Mai Hương, Một Ánh Sao Rơi!” như lời tạ từ. “Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm vang” (Tô Vũ). Đầu mùa dịch Covid-19, ca sĩ Thái Thanh qua đời vào trưa ngày 17/3/2020 tại Orange County, đêm đó tôi viết: Danh ca Thái Thanh ra đi, gởi lại “Tiếng Hát Vượt Thời Gian & Không Gian”, vì nghĩ đến tang lễ ca sĩ được mọi người ái mộ, tiếc thương do lệnh khắt khe của tiểu bang nhằm tránh sự lây lan của đại dịch nên không đễn tiễn biệt làn cuối. Và, loạt bài “Viết trong mùa đại dịch” của tôi liên quan đến bệnh dịch trong quá khứ và tác phẩm văn học…

    *

    Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất giữa thập niên 60 & 70. Trong 6 thập niên, từ trong nước, ở hải ngoại, Lệ Thu đã đi trình diễn khắp nơi, theo thời gian có trên 20 băng nhạc, CD, DVD… đã được thực hiện từ cá nhân đến Sóng Nhạc, Asia, Thúy Nga… Năm 2017, trong tai nạn xe cộ suýt chết, ngưng hát. Trong mùa dịch quái ác Covid-19, bị nhiễm virus, vào bệnh viện Orange Coast Medical Center (Fountain Valley, California, Mỹ). Sau thời gian chữa trị không không thoát khỏi cơn dịch quái ác nầy nên đã vĩnh viễn ra đi!

    Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 7 năm 1943 tại Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông. Về bản thân, Lệ Thu chia sẻ:

    “Trước năm 1945, bố làm một chức quan nhỏ ở Hải Phòng. Mẹ là vợ lẽ, sống dưới quyền của bà vợ cả, phải chịu đựng đủ điều. Bà bắt mẹ cô làm đủ thứ việc. Một sân thóc rộng mênh mông, giữa trưa nắng như đổ lửa, phải phơi, trở thóc, rồi thu dọn, quét sân từ trưa cho đến khi trời xế bóng. Rồi đủ thứ việc, chả bao giờ được nghỉ tay.

    Mẹ cô sinh tám người con, cứ đến 3 tuổi thì mất, duy nhất có cô còn sống. Năm 1953, khi mẹ cô vào Sài Gòn, bố cô không đi vì tiếc của cải.

    Năm 1954, một ngày nọ tôi đi học về, mẹ cô gọi vào và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Thầy con mất rồi!”. Từ đó mẹ sống lặng lẽ, không đi bước nữa. Và cũng từ đó cô không hay tin tức gì ngoài đó nữa. Hai mẹ con tôi sống ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng”.

    Vì là đứa con gái duy nhất nên được nuông chiều, cũng thích chơi các trò chơi của nam sinh, đánh đáo, u mọi… Theo Lệ Thu “Tôi nhớ lúc 14 tuổi, đã có ngực, mà tôi hồn nhiên đi tắm mưa không mặc áo, cũng không mặc áo ngực…” như con trai.

    Lệ Thu học đàn piano từ nhỏ, khi vào Sài Gòn học đàn guitar và hát với vị thầy cận nhà và được nhạc sĩ Đức Quỳnh chỉ dẫn thêm về ca nhạc. Theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers. Vào đầu thập niên 50, trường Les Lauriers ở Tân Định, giảng dạy chương trình Pháp Việt song song với nhau. Năm 1959, trường dời về đường Đinh Công Tráng, đổi tên là trường Tân Thịnh. Nhạc sĩ Lam Phương đã học ngôi trường nầy. Sau năm 1975 đổi tên trường Đuốc Sống.

    Lệ Thu đến với nghề ca hát hết sức tình cờ rồi trở thành ca sĩ. Theo lời kể Lệ Thu: “Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một người bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Tôi liền đứng lên hát bài “Tà Áo Xanh” (Dang Dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Tự dưng giọng hát tôi lọt tai ông chủ phòng trà. Ông bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Ông thuyết phục tôi: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn học bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy. Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại bật lên một cách tự nhiên như thế…”. (Lúc đó Ngọc Phu & Hoàng Cầm điều khiển chương trình).

    Khởi nghiệp từ phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là phòng trà Tự Do vào năm 1962. (Trước tháng 11 năm 1963, cấm nhảy đầm, chỉ nghe ca nhạc nên gọi là phòng trà. Sau thời điểm đó, báo chí, giải trí, nhảy nhót… như nắng hạn gặp mưa, sau đó gọi là vũ trường (nơi có khiêu vũ) và sau nầy thường gọi là phòng trà theo thói quen, Trong loạt bài Phòng Trà Ca Nhạc Sài Gòn Xưa của Lê Văn Nghĩa viết tương đối chính xác).

    Kể từ đó, Lệ Thu được nổi tiếng cùng với những ca sĩ tên tuổi ở Sài Gòn. Tiếng hát Lệ Thu hút khách đến với các phòng trà như Queen Bee (năm 1969 của Jo Marcel), Ritz… Tháng 4/1970, Lệ Thu đã về với phòng trà Tự Do. Ông Ngô Văn Cường chủ Tự Do đã dùng giá cao để “giựt” Lệ Thu ra khỏi Ritz của Jo Marcel. Trước đó Jo ký với Lệ Thu là 700.000 đồng hát một năm, cộng tiền cát-sê khá cao, còn ông Cường kêu Lệ Thu trả hợp đồng 1 triệu và tiền hát hằng đêm gấp đôi. Lệ Thu thường ký độc quyền với các phòng trà, hát nhạc Việt và ngoại quốc rất hay nên ăn khách. Ngay cả phòng trà Khánh Ly đã có một thời cộng tác với nhau vẫn sòng phẳng. Và, “một trong những giọng hát tình khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam”, nhất là các ca khúc dòng nhạc bán cổ điển (semi-classic), ca khúc thời tiền chiến.

    Giọng ca Lễ Thu được mệnh danh “Giọng Ca Vàng Ròng”, “Tiếng Hát Vàng Mười” nghe không được “bay bổng, sang trọng, lãng mạn” như Thanh Thúy, Thái Thanh… Nếu gọi “Giọng Oanh Vàng Tình Khúc”, vừa mang tên người vừa mang tên loài chim oanh.

    Trong thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Chinh Phụ Ngâm của tác giả Đặng Trần Côn (1705-1745) qua bản dịch nhà thơ Đoàn Thị Điểm (1705-1749) có câu

    “Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu

    Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca”

    Chim oanh biểu trưng cho mùa xuân, trong thơ ca cổ hình ảnh này xuất hiện khá phổ biến nhất là trong Đường thi.

    Lệ Thu tham gia các chương trình ca nhạc trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Phát Thanh Quân Đội, Mẹ Việt Nam, Đài Truyền Hình Việt Nam… và được trung tâm sản xuất băng nhạc mời cộng tác thu âm. Hầu hết ca khúc do Lệ Thu hát, được chọn lọc, ngay cả nhạc sĩ sáng tác. Lệ Thu thường chọn những tình khúc buồn, với tà áo dài, vừa hợp với phong cách trình diễn, âm điệu linh động với giọng alto-contralto và mezzo-alto dễ ru vào lòng người. Từ trong nước đến hải ngoại, trong 6 thập niên qua, Lệ Thu vẫn giữ được sự chọn lọc nầy.

    *

    Năm 2010. Nhạc sĩ Cung Tiến ấn hành tuyển tập ca khúc Hoàng Hạc Lâu, gồm 15 ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại. Tôi email cho Việt Hải, viết bài về Cung Tiến. Bài viết Cung Tiến: Những Tình Khúc Lãng Mạn Về Cố Nhân của Việt Hải đăng tải trên nhật báo Saigon Nhỏ, số ra ngày Thứ Bảy, 12 tháng 6/2010. Văn Học Nghệ Thuật với chủ đề về Cung Tiến.

    Ca khúc Hương Xưa (1955) trang 18, ghi tặng Khuất Duy Trác, ca khúc Kẻ Ở (1977-1999) phổ thơ Quang Dũng, trang 44, ghi tặng Lệ Thu.

    Tháng 10/2020, trong loạt bài “Viết trong mùa đại dịch”, tôi viết bài Một Thoáng “Hương Xưa” về dòng nhạc đến ý nghĩa của lời ca mang nhiều điển tích. Tình khúc Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến hay và đẹp từ giai điệu đến lời ca ẩn chứa điển tích nói lên cái hồn của cung bậc.

    Duy Trác là ca sĩ đầu tiên hát tình khúc Hương Xưa, và Lệ Thu khi hát Hương Xưa theo lời kể:

    “Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc, sau đó mới ồ lên vỗ tay…”.

    Nghe ca khúc Hương Xưa rồi nghe ca khúc Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời”… thế hệ chúng tôi sống đời lưu vong cảm nhận như tựa đề tác phẩm “Một Thởi Để Yêu & Một Thời Để Chết” (A Time to Love and a Time to Die) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque. Với tác phẩm nầy tôi đã viết Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn (4/2020).

    Với tôi, Hương Xưa là một trong những tình khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam và cũng “giới hạn” ca sĩ trình bày. Có thể cho rằng giọng ca nào thành công với Thiên Thai của Văn Cao, Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành, Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Phạm Duy, Dòng Sông Xanh (lời Phạm Duy) và Hương Xưa… thì dễ dàng thành công với nhiều tình khúc khác.

    Trong thanh nhạc, kỹ thuật ngân rung (vibrato) xuất phát rất quan trọng đánh giá giọng ca. Hầu hết, ca sĩ đều luyện tập ngân rung cổ họng, Lệ Thu áp dụng từ bụng nên làn hơi được điêu luyện, khỏe hơn.

    Trong cuộc sống ít khi được toàn vẹn, nhất là giới ca sĩ. Trong ca khúc Eternally của Charles Chaplin (Ánh Đèn Màu qua lời Việt của Nguyễn Xuân Mỹ năm 1965) với thân phận:

    “Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui

    Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây

    … Đời cam sống một bóng lặng lẽ cô đơn

    Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương bẽ bàng”

    Hay trong ca khúc Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh:

    “Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần

    Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa

    … Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng

    Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu”

    Trong quyển Thân Phận & Hào Quang của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ ấn hành ở Việt Nam năm 2016. Tác giả phỏng vấn các ca sĩ trong nước và các ca sĩ ở Mỹ (Bạch Yến & Họa Mi ở Pháp) về VN trình diễn. Trong đó có bài: “Ca sĩ Lệ Thu: 3 lần đò và những nỗi đau chưa kể”.

    Trích phần Lệ Thu đề cập đến các cuộc tình:

    “… Mẹ tôi sợ có con gái trong nhà như một trái bom nổ chậm, lại theo ca hát nên mẹ sợ ế, và đặc biệt là sợ sa ngã. Tôi đi hát, có gặp một anh chàng không quân thích tôi, gia đình họ đến đặt vấn đề hỏi cưới, thế là mẹ “tống” tôi đi ngay.

    Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não nề về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên anh quyết định bỏ.

    … Tôi bị chồng bỏ mà vui, hí hửng về với mẹ. Mẹ tôi cũng không buồn vì mỗi lần lên thăm con cũng cảm nhận được cái cảnh cơm nguội canh nhạt ấy. Lạ lùng là bị chồng bỏ mà tôi không thấy đau khổ. Có lẽ vì tôi không yêu. Bởi nếu có một tình yêu đúng nghĩa thì bằng mọi cách tôi sẽ giữ lấy hạnh phúc của mình.

    … Chia tay chừng 5-7 năm, tôi gặp lại anh ấy một cách tình cờ khi tên tuổi tôi cũng đã nổi lắm rồi. Anh ấy cũng là một người hát rất hay, và cũng có đi hát như một đam mê.

    Năm 1963 tôi đi bước nữa. Tôi gặp một người từ bên Pháp về đây chơi. Anh ấy ở Pháp từ nhỏ, đã có vợ có con bên đó nhưng về đây thấy tôi thì mê, và bỏ luôn vợ bên đó.

    Mãi sau này tôi mới biết chuyện này chứ trước đó, nếu tôi biết anh ấy có vợ con rồi thì chẳng bao giờ tôi đến với anh ấy. Sau một năm tìm hiểu chúng tôi tổ chức đám cưới.

    … Tôi từng tính bỏ hát để yên phận cơ mà. Anh ấy không phải là một người đàn ông của gia đình, đúng hơn không phải là người chung thủy. Anh đi chơi rất nhiều mà tôi thì không chịu nổi điều đó và cuối cùng tôi phải bỏ cảnh sống đó dù không cãi vã to tiếng. 7 năm một cuộc hôn nhân như thế, chúng tôi có hai đứa con gái.

    Với cuộc tình thứ ba:

    “Năm 1969, chúng tôi gặp nhau nhưng đến năm 1974 mới chính thức tổ chức đám cưới tại nhà thờ. Cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, chúng tôi có với nhau một đứa con gái, anh ấy cũng rất yêu thương, lo lắng cho tôi.

    Hạnh phúc được thử thách qua những tháng ngày gian khổ, thế nên tôi hoàn toàn yên tâm đó là những gì ngọt ngào có được sau những cay đắng riêng tư. Chúng tôi mất nhau cũng vì lỗi của đàn ông. Và khốn khổ cho tôi, tôi đi Mỹ thì ngay lập tức đã có một người phụ nữ khác vào nhà tôi sống với chồng tôi. Và lần nữa, tôi vẫn là người khờ khạo.

    … Tôi cũng có một cuộc tình rất thắm thiết. Năm 1988 tôi gặp người đó, tôi mới biết rung động thật sự là gì, tình yêu đúng nghĩa là gì, nhưng tôi vẫn khờ khạo không giữ được tình yêu của mình.

    Và từ đó tôi cũng chẳng yêu ai được nữa. Tính tôi vốn nhát và không bao giờ đi tán tỉnh hay giành giật đàn ông dù tôi có thích họ hoặc ước gì họ là người yêu của mình.

    Cả ba người đàn ông đó giờ còn sống, kể cả anh hàng xóm si tình năm ấy, có người ở Mỹ, có người còn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn là bạn và vẫn thăm nhau nếu có dịp.

    … Những người nào đi qua đời mình hay những gì mình trải qua đều là duyên, đều là ngộ. Những gì mình khổ, hay nó vướng bận vào đời mình và cuộc sống của mình, đều là nợ nhau cả và mình phải trả. Trả hết thì thôi”.

    Ở Việt Nam, các cây bút viết về ca sĩ, thường khai thác về tình yêu, tình cảm lăng nhăng hầu đáp ứng tính hiếu kỳ, tò mò của độc giả. Không dẫn chứng ca khúc nào làm nên tên tuổi. Có khi khai thác bí ẩn theo tin đồn để tung ra…

    Ở hải ngoại có nhạc sĩ Trường Kỳ đã ấn hành các Tuyển Tập Nghệ Sĩ. Trong TTNS tập 5 năm 2001, dày 374 trang, bài viết Lệ Thu, Sau 40 Năm Thăng Trầm Trong Âm Nhạc (trang 283-288) vì cùng sinh hoạt trong giới ca nhạc với nhau nên ghi lại chính xác.

    Với tôi, thích nhà văn Hồ Trường An, trong tác phẩm Chân Dung Những Tiếng Hát, quyển I ấn hành năm 2001, dày 446 trang với 52 ca sĩ. Cách viết ví von và nhận xét tinh tế qua từng lời ca, giai điệu, âm sắc… Lệ Thu, Tiếng Ca Khởi Phụng Đằng Giao (trang 127-135) “Năm 1971, tôi có cộng tác với tờ tuần san Minh Tinh, có đến tư thất của Lệ Thu ở đường Trần Quang Khải (Tân Định) để phỏng vấn cô. Thuở đó cô đang chung sống với nhà văn Hồng Dương”… “Người chồng trước của cô (Người ta gọi anh là Tony Sơn). Khi gặp Lệ Thu, nhà văn Hồng Dương ly dị vợ là nữ sĩ Linh Linh Ngọc” (Người chồng thứ ba theo lời kể của Lệ Thu ở trên)…

    Hồ Trường An nêu tên những ca khúc do Lệ Thu hát đã được mọi người ngưỡng mộ. “Tiếng hát Lệ thu làm cho chúng ta nghĩ đến một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng… Tiếng hát Lệ Thu là tiếng hát hay bay về trời, gợi hình ảnh khởi phụng đằng giao trong tuyện cổ tích, trong huyền thoại”.

    Đạo diễn Nguyễn Long, thuyền nhân định cư tại Quận Cam năm 1992. Trước năm 1975 quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ ở Sài Gòn. Làm thân tị nạn, sống lang bạt, làm báo, viết lách. Với chiếc xe truck cà rịch cà tàng, đóng thùng chứa sách báo. Làm chỗ ngủ qua đêm đi vòng quanh nước Mỹ. Anh viết 88 Nữ Ca Sĩ, dày 512 trang. Và tiếp theo với 32 Nữ Ca Sĩ, ấn hành năm 1997. Cuộc phỏng vấn Lệ Thu ngày 15/1/1996 đăng trên trang sách Trang 621-626). Lời chia sẻ của Lệ Thu về cuộc đời, tình trường cũng giống như những gì kể trên.

    Trong các mối tình kể trên cho thấy danh vọng cuộc đời và tình yêu lận đận trong cõi vô thường nầy của Lệ Thu cũng như nhiều nữ ca sĩ khác trên thế gian!

    Hồng Dương gia nhập làng báo rất sớm ở nhật báo Chính Luận thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Cuộc tình của Hồng Dương & Lệ Thu có với nhau con gái út là Thu Uyển. Năm 1978, Lệ Thu có mở một hàng cà phê Thu Uyển ở Tân Định. Đến tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng Thu Uyển vượt biển đến Pulau Bidong và sang Mỹ vào giữa năm 1980. Đến năm 1982, hai cô con gái lớn của Lệ Thu với người chồng thứ hai (Tony Sơn) cũng vượt biên và đoàn tụ với mẹ tại Nam California.

    Sau tháng 4/1974, Hồng Dương bị tù một năm. Không vượt biên cùng Lệ Thu. Khi mới đến Quận Cam trên đất Mỹ, vả 3 gặp nhau (có Linh Linh Ngọc) rồi “riêng một góc trời” mỗi người có cuộc sống riêng. Để giúp bạn ta có niềm vui trên đất Mỹ, Bùi Xuân Hiến, Long Ân và Ngọc Hoài Phương ra tuần báo Chính Luận, Hồng Dương làm Chủ Bút nhưng được thời gian tờ Chính Luận bỏ cuộc chơi.

    Sau nầy nơi cà phê Mưa Rừng (người thân của Hồng Dương) ở góc đường Brookhurst & Edinger. Thỉnh thoảng anh ra quán gặp bằng hữu. Hồng Dương qua đời ngày 18/1/2018 tại Quận Cam, nên lúc Lệ Thu trả lời phỏng vấn năm 2016, anh vẫn còn sống.

    Cùng là báo giới với nhau, gọi là “tình bạn” giữa “người đó” nhà báo ở Seatlle và ca sĩ mang tính lãng mạn cho đời thêm vui trong cõi tạm. Tôi đã từng được những lời chia sẻ, người đàn bà với ngày tháng còn lại sợ nhất là nỗi cô đơn! Ở Mỹ, con cháu có cuộc sống riêng, hình như “hồn nhiên” trong nỗi buồn đang “gặm nhấm tâm hồn” hoàng hôn của cuộc đời! Cháu nội, ngoại ghé thăm cũng dán mắt vào iPhone… rồi vào chúc sức khỏe trước khi về.

    Trước đây, bạn văn Lâm Tường Dũ (tác giả Tình Sử Nhạc Khúc) cũng vào thời điểm nầy, nhờ tôi viết bài: Lệ Thu, Tình Khúc Với Thu. Tôi thấy đề tài ngồ ngộ vì tên tuổi ca sĩ với những tình khúc liên quan đến Thu đã từng đi vào tâm hồn ngưới ái mộ âm nhạc từ nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy đến Vũ Đức Sao Biển, Ngô Thụy Miên, Trường Sa… Ở trong nước “Nhạc Vàng” bị cấm, bị đả kích thậm tệ rồi “Nhạc Vàng ngự trị nền âm nhạc cả nước, nhưng tôi tế nhị từ chối, tuy chẳng quan tâm ca sĩ về VN hát hò với cái nghiệp “xướng ca” mà truyền thông Việt ngữ nơi đây đã nêu lên vài trường hợp không mấy hay ho gì. Hát hò là chuyện thường tình nhưng tuyên bố lung tung, chấp nhận bài hát theo “đơn đặt hàng” dễ gây dị ứng trong cộng đồng người Việt tị nạn là chuyện khó chấp nhận. Đã có những lời bình phẩm khi viết về hình ảnh vài tiếng hát đã hy sinh mạng sống, bỏ nước ra đi… rồi quay về ca khúc “Hậu Đình Hoa” mà nhà thơ Đỗ Mục than thở trước vận nước trong bài thơ Bạc Tần Hoài. Chuyện cũ đã qua!

    Với tâm hồn nhân bản của truyền thống Việt Nam từ thời cha ông, nghĩa tử, nghĩa tận. Nhận được tin buồn Lệ Thu vĩnh viễn ra đi trong cơn đại dịch, Orange County trong tình trạng ban bố “stay at home”, tình trạng bi đát đến lúc bệnh viện không có chỗ nhận người già bị nhiễm Covid-19, xác người trở thành “hư vô & cát bụi” quá đau thương cho thân nhân!

    Trước nỗi đau nầy, mượn câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm để tiễn biệt Lệ Thu Bùi Thị Oanh: “Oanh bay đi biền biệt chẳng quay về”.

    Và, tiếng hát đầu tiên của cuộc đời với câu kết trong nhạc phẩm Dang Dở như định mệnh “Hoa tàn nhạc bay theo không gian” tiễn người: Lệ Thu về cõi thiên thu! “Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương bẽ bàng” (Ánh Đèn Màu).

    Little Saigon. January 16, 2021

    Vương Trùng Dương.

  • Tin tức

    Ca-Nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng và sản phẩm âm nhạc, trao tặng yêu thương.

    Trong từng giây phút, HạĐỏ BíchPhượng luôn tri ân Thượng Đế đã ban cho mình món quà vô giá – Đó là Feeling… là Cảm Xúc – để sáng mắt trong đời thường, biết cảm nhận yêu thương và sáng tác. Đối với HạĐỏBP, Sáng Tác là một sự thách thức của Bóng Tối, là hành trình phiêu lưu can đảm thể hiện khả năng Cảm Xúc của chính mình, là cánh cửa linh hồn mở ra để khám phá Nội Tâm của riêng mình.

    Trải qua một Năm có nhiều biến động tại Hoa Kỳ và trên Thế Giới như ThiênTai, Đại Dịch, Biểu Tình, Bạo Loạn, xung đột Đảng Phái, Bầu Cử… Bạn thấy gì? Bạn nghĩ gì? Riêng HạĐỏBP ở một góc nhìn từ bi, chỉ muốn dùng cọ vàng Âm Nhạc vẽ lên cảm xúc, để nét vẽ khơi dậy tính Nhân Bản đang bị màn đêm vây kín từ một vài sự kiện nghiệt ngã trong năm…Mỗi một bài nhạc là một bức tranh lãng mạn trong hiện thực với ước mong Bạn cảm nhận được tất cả những biểu tượng, thanh âm, nhạc ngữ, vị trí và giá trị của các Notes Nhạc… dù là những Dấu Lặng yếu đuối, bất lực trong sợ hãi và rũ mềm trước sự mất mát / cách ly / thương nhớ vắng xa, trước hình tượng cong queo Môi Sầu khép lại sau vành khẩu trang che đậy…hoặc là những Dấu Thăng / Giảm theo cường độ tỉnh thức giữa những trường canh để các Notes Nhạc nẩy lên cao trào, vươn lên nỗi niềm khát khao, mong tìm Niềm Tin hay Xác Tín cho sự nối kết, chở che từng Mạng Sống…khẩn cầu Thượng Đế tha thứ lỗi lầm cho con người, được bình an, thoát cơn Đại Dịch…Cuối cùng, dù viết cho Tình Yêu hay Tình Người, Nhạc và Lời của HạĐỏ BP luôn có những Âm Sắc đam mê tỏa sáng tình yêu nồng nàn với Tâm Tình sâu lắng…

    Bức Tranh Âm Nhạc của HạĐỏ BíchPhượng là bộ CD thứ tư gồm 2 cds / 24 bài nhạc (Tâm Tình + Lời Cầu Xin Trong Tình Yêu Thương) mang nhiều ý nghĩa, chất lượng, sự kiện, cảm xúc và tư duy.

    Bên cạnh những Ca Sĩ nổi danh như Tuấn Ngọc, Ý Lan , Cẩm Vân, Thanh Hà, Ngọc Anh, Quỳnh Lan, Trọng Bắc… đặc biệt có một số bài nhạc khiến Bạn thích thú, hãnh diện khi nghe tiếng đàn & giọng hát của các em trẻ VStar Kids – thật trong sáng và tinh khiết như những giọt sương bình minh, long lanh, tuyệt đẹp trên cánh đồng cung bậc xanh tươi… HạĐỏ BP xin ân cần trao tặng bộ CD tràn đầy tình cảm này đến những tâm hồn đồng điệu bằng cả tấm lòng trân trọng trong Năm Mới 2021 !

    · Xin mời ủng hộ mua CDs để thưởng thức và tiền ủng hộ của Bạn sẽ giúp Hội Bạn Người Cùi chăm sóc cho Người Bất Hạnh & Phong Cùi.

    Vui lòng liên lạc với: Hội Bạn Người Cùi to order Chị Soi: (714)732- 8162

    hoặc nếu muốn biết thêm chi tiết, please text HạĐỏBP: (714) 293 -1294

  • Tin tức

    Danh Ca Thanh Thúy và Những Mối Tình Đơn Phương

    1. Mở bài

    Ca sĩ Thanh Thúy là một hiện tượng của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Nổi bật nhất của chị là giọng hát u buồn như tiếng khóc nức nở, được cho là: “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc Không Giờ” của chị.

    Ngoài tiếng hát đặc biệt đó, Thanh Thúy còn là một người đẹp, được chọn là “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”, ca sĩ ăn khách nhất, ca sĩ được ái mộ nhất. Nữ hoàng Bolero.

    Giọng ca, tiếng hát và sắc đẹp đưa Thanh Thúy lên đỉnh cao trong nền âm nhạc Việt Nam thời đó.

    “Thanh Thúy là người tình trong mộng của cả một thế hệ”. Ba mối tình đơn phương đối với Thanh Thúy là, nhạc sĩ Trúc Phương, đạo diễn Nguyễn Long, và mối tình đầu đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    2* Ca sĩ Thanh Thúy

    2.1. Vài nét tổng quát về ca sĩ Thanh Thúy

                               Thanh Thúy và chồng là Ôn Văn Tài

    Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sanh ngày 2-12-1943 tại Huế, trong một gia đình 5 chị em. Năm 1964 Thanh Thúy kết hôn với tài tử vừa là phi công Ôn Văn Tài, (Cấp bậc sau cùng là Đại tá Không Quân VNCH).

    Thanh Thúy là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn trong nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Được mệnh danh là Nữ Hoàng trong thể điệu Bolero và Rumba-Bolero.

    2.2. Sinh hoạt ca hát của Thanh Thúy

    nhacsitrucphuong

                                    Thanh Thúy và nhạc sĩ Trúc Phương

    Tên tuổi của Thanh Thúy gắn liền với những ca khúc mà nhạc sĩ Trúc Phương viết riêng cho chị hát. Đồng thời cũng gắn liền với những nhạc khúc tiền chiến, nổi bật nhất là bản nhạc bất hủ Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong.

    Thanh Thúy được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và diễn viên điện ảnh nổi tiếng, hết lòng ca ngợi bằng những mỹ từ như “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”.

    Năm 1961. Đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi” nói về Thanh Thúy. Ngoài cuốn phim nầy, tên tuổi Thanh Thúy còn xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình.

    Năm 1962. Thanh Thúy được bầu chọn danh hiệu “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”.

    Năm 1964. Bản nhạc Chuyến Tàu Hoàng Hôn đã khắc sâu tên tuổi và tài nghệ của chị trong lòng khách mộ điệu.

    Năm 1970. Đoạt giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất với nhạc phẩm Tình Đời (Duyên Kiếp Cầm Ca) của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương.

    Năm 1972. Đoạt hai giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất của năm 1972 do chị làm trưởng ban.


    2.3. Thanh Thúy và những ca khúc u hoài của cuộc đời



    Nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã về tâm trạng thương cảm, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình, được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người thưởng ngoạn.

    Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác của Tu My (Đỗ Mạnh Cường) , Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Nhắn Gió Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, Tiếng Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy…cho đến Ngăn Cách, Người Em Sầu Mộng của Y Vân, Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang, sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương, đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai cửa Hoàng Nguyên… và nhiều ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền giọng ca và dòng nhạc trong giới yêu nhạc.


    2.4. Tiếng hát Thanh Thúy qua ngòi bút của các văn, thi sĩ.

    Nhà thơ Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy, cũng có những bài ca ngợi Thanh Thúy bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ. Tiếng hát Thanh Thúy đã từng được nhà văn Mai Thảo mệnh danh là “Tiếng hát lúc 0 giờ”. Được giải thích là thời gian kéo dài ra, sau 12 giờ và trước 1 giờ. 

    Giáo sư Nguyễn Văn Trung thì gọi chị là “Tiếng hát liêu trai”, là tiếng hát có ma lực tưởng như từ một cõi âm nào đó, cuốn hút khiến người nghe không thể cưỡng lại được. Liêu trai bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Liêu Trai Chí Dị của tác giả Bồ Tùng Linh, Trung Hoa, có 431 chuyện hư cấu trong đó con người có liên hệ tình cảm với tiên nữ, hồn ma, yêu tinh…

    Nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”.

    Nhiều nhạc sĩthi sĩ sáng tác ca khúc, bài thơ để dành riêng cho Thanh Thúy hát. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay “Ướt Mi và Thương Một Người, Tôn Thất Lập sáng tác “Tiếng Hát Về Khuya, Anh Bằng viết ca khúc Tiếng Ca U Hoài để chị hát. Y Vân với “Thúy đã đi rồi” trong phim cùng tên. Và rất nhiều sáng tác của Trúc Phương đều lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.

    Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết tám câu thơ lục bát nổi tiếng bày tỏ lòng giao cảm với tiếng hát Thanh Thúy, tựa đề “Sầu ca sĩ”.

    Nhà thơ, danh họa Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ dành tặng bốn câu thơ:

    Liêu trai tiếng hát khói sương
    Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình
    Nghiên sầu từng nét lung linh
    Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.

    Nguyên Sa viết:

    “Từ em tiếng hát lên trời

    Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.

    Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

    Lắng nghe da thịt tan tành hư vô”


    2. 5. Nhận xét về Thanh Thúy của nhà văn Hồ Trường An


    Nhà văn Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa, thì Thanh Thúy, Lệ Thanh và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền. Ở chót vót đỉnh cao danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”.

    Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách.


    2.6. Những ca khúc dành riêng cho Thanh Thúy:

    • Trúc Phương: “Hình bóng cũ”, “Lời ca nữ”, “Mắt em buồn”, “Tình yêu trong mắt một người”, “Mắt chân dung để lại”
    • Trịnh Công Sơn: “Ướt mi”, “Thương một người”
    • Châu Kỳ: “Được tin em lấy chồng”
    • Hoàng Thi Thơ: “Lời hát tạ ơn”, “Tôi yêu Thúy”
    • Y Vân: “Thúy đã đi rồi” (Nguyễn Long đưa vào phim),
    • Nhật Ngân: “Lời tự tình”
    • Anh Bằng & Lê Dinh: “Phận tơ tằm” (ký Hồ Tịnh Tâm), “Tiếng ca u hoài”, “Chuyện buồn của Thúy”. Minh Kỳ & Vũ Chương: “Tình đời”.Tôn Thất Lập: “Tiếng hát về khuya”
    •  

    3. Mối tình đơn phương của Trúc Phương đối với Thanh Thúy

    1. Đường đời hai ngã

    Trúc Phương yêu Thanh Thúy bằng mối tình trọn vẹn, nhưng có lẽ hai người có duyên mà không có phận.

    Thanh Thúy viết: “Đường đời chia chúng tôi làm hai ngã, hai hướng đi. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm nhã tơ. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi, qua tiếng hát. Trong thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau: Nhạc Trúc Phương-Tiếng hát Thanh Thúy.

    Tâm trạng, nổi lòng của người mang tình yêu đơn phương vẫn còn vang vọng qua những bản nhạc: Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối Tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ.

    Hình ảnh Thanh Thúy xuất hiện qua những bản nhạc đó. Với Trúc Phương, duyên nợ bẽ bàng nhưng mối giao cảm vẫn còn cao đẹp. Hình ảnh Thanh Thúy vẫn trọn vẹn trong tim Trúc Phương.

    1. Thanh Thúy viết về Trúc Phương

    “Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ tôi trở thành sứ giả đem tâm sự của anh đến mọi người.

    Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa, về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…

    Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nà, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường, cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài Tiếng nói Quân đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…Nổi buồn không nguôi của một khách đa tình, cứ mãi đi tìm một người không hẹn đến. Bi đát thật.

    Lời của bản nhạc Nửa Đêm Ngoài Phố

    Buồn vào hồn không tên,
    Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
    Đường phố vắng đêm nao quen một người
    Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..

    Để rồi làm sao quên?
    Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
    Và biết có đêm nao ta hẹn hò
    Để tâm tư những đêm ngủ không yên ..

    Nửa đêm lạnh qua tim
    Giữa đường phố hoa đèn
    Có người mãi đi tìm,
    Một người không hẹn đến
    Mà tiếng bước buồn thêm ..

    Tiếc thay hoài công thôi
    Phố đã vắng thưa rồi
    Biết rằng chẳng duyên thừa
    Để người không gặp nữa
    Về nối giấc mơ xưa

    Ngày buồn dài lê thê
    Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
    Làm rét mướt qua song len vào hồn
    Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi..

    Đời còn nhiều bâng khuâng
    Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
    Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
    Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi… 

    “Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho bằng được để dợt nhạc.

    Anh là một nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời. 

    Hình như anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẩm của anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gởi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: “Buồn Trong Kỷ Niệm”, “Đêm Tâm Sự”, “Chuyện Chúng Mình”, “Hình Bóng Cũ”, v.v…


    1. Vài nét về nhạc sĩ Trúc Phương

    Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

    Cuối năm 1950, ông lên Sài Gòn và vào học lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng, chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết…

    Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi khòm, bị cận thị nặng, lãng tay và bị hen suyễn nặng.


    1). Trúc Phương, nhạc sĩ đa tình

    Nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại, trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết bằng xe lửa, Trúc Phương tình cờ gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng, hợp ý. Đến Phan Thiết, một tỉnh phía nam Trung Bộ, hai người chia tay và hẹn 3 ngày hôm sau họ sẽ ra ga cùng về Sài Gòn với nhau trên một chuyến tàu. Trúc Phương đến nhà ga, chờ đến 9 giờ tối mà cô gái không đến.
    Đa tình đến nổi không thể quên “mối tình” ngắn ngủi, anh viết bài Hai Chuyến Tàu Đêm.

    “Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về/ Và cùng một tàu ấy anh về/ Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm/ Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn/ Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ/ Gặp lại người xưa.”

    Hai Chuyến Tàu Đêm

    Lòng buồn rạt rào/ Nhớ hôm nào xuôi miền trung/ Chuyến xe đêm anh gặp em/ Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần/ Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền/ Áo em màu tím/ Đậm đà vì là buổi ban đầu ta gần nhau/ Nói nhau nghe câu chuyện cũ/ Tâm tư cho vơi bao nỗi buồn bước vào đời/ Giờ gặp lại nét thắm môi/ Tiếng em hẹn hò tìm lại ngày mơ/ Khi chân đến quê em/ Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi/ Thoáng thấy em cười vì mùa thương vừa chắp nối/ Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về/ Và cùng một tàu ấy anh về/ Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm/ Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn/ Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn  còn chờ/ Gặp lại người xưa.

    2). Trúc Phương vượt biên ba lần đều thất bại

    Năm 1976, Trúc Phương vượt biên thất bại, căn nhà số 301 đường Lý Thường Kiệt, quận 11 bị tịch thu. Những năm sau, ông vượt biên thêm hai lần nữa nhưng đều thất bại. 

    Khi ra tù, vợ con ly tán, ông không nhà không cửa, không giấy tờ tùy thân rồi lưu lạc về Trà Vinh, Vĩnh Long và một số nơi khác.

    Năm 1985, ông được thu nhận vào Hội Văn Nghệ Cửu Long, và được cấp một căn phòng ở số 6 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Vĩnh Long.

    Ít lâu sau, ông lên Sài Gòn và qua đời ở đó ngày 18-9-1995. 

    Thanh Thúy viết: “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này.

    Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn nơi trời Nam xa xôi. Tôi đã mất Anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa Anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng. Nơi đây, bây giờ và mãi mãi, tôi sẽ vẫn còn cất tiếng hát, đem đến cho đời những lời tâm sự của Anh. Xin Anh hãy yên nghỉ, Anh nhé”.

    Ba lần vượt biên thất bại, ngoài việc tù tội, mất nhà cửa, mất gia đình,  và cũng mất rất nhiều cây vàng. Trắng tay, lại mang bịnh không tiền chữa trị, thật là bi đát.


    3). Lời kể của nhạc sĩ Trúc Phương trên DVD Asia 55 khi ông còn sống.


    “Sau biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, “bèo dạt hoa trôi”. Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng nói no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Tôi không có một mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng khổ nỗi hoàn cảnh của họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… Hơn nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắt, bạn bè không ai dám chứa tôi trong nhà cả vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… 

    Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng Miền Tây thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Nói với anh Nam Lộc trong Asia 55, khổ lắm, hôm nào có tiền đi xe lam ra sớm được, khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thì thuê chiếc chiếu trải được ở chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một chút, còn hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết những chỗ sạch sẽ vệ sinh mất rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “có mấy thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi. 

    Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát mà lẽ ra nên buồn cho hoàn cảnh. Nhưng không bao giờ tôi buồn. Tôi nghĩ còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”.

    4). Lời phát biểu của Trúc Linh, con trai của Trúc Phương


    Trúc Linh, con trai của Trúc Phương, hiện định cư ở Mỹ cho biết: “Ba tui không bao giờ uống rượu. Ba lấy má tui năm 1950. Má tui là con nhà gia giáo, gia đình cũng khá giả ở Bến Tre. Bài Chiều Làng Em là ba tui viết cho má tui.

    Gia đình không nghèo. Ba tui thường lái Mazda và Peugeot 404. Gia đình tui có 6 anh chị em, có nghĩa là họ sống chung với nhau cũng khá lâu. Họ ly dị vào năm 1979. Tui đã về thăm ông, 3 tháng trước khi ông mất”.


    4. Nguyễn Long và mối tình yêu một chiều với Thanh Thúy


                                        Đạo diễn Nguyễn Long và Thanh Thúy


    Trong hàng chục nghệ sĩ đã từng bày tỏ tình yêu một chiều với Thanh Thúy, thì có một người “can đảm” đã đi hết con đường một chiều với Thanh Thúy mà không có khoảnh khắc nào ngưng nghỉ, đó là tài tử Nguyễn Long.

    Nguyễn Long ghi lại, ông đã có hàng trăm đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Đã có 9 lần lái xe đâm thẳng vào phòng trà Anh Vũ lúc Thanh Thúy có mặt trình diễn.

    Thời gian có mặt ở Huế để quay phim “Thúy Đã Đi Rồi”, thình lình nhận được cú điện thoại của Thúy, Nguyễn Long đã lái xe từ 5 giờ sáng ở Huế để có mặt lúc 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do.

    Nguyễn Long tâm sự: “Nhiều lần tôi tỏ ra một cây si nặng ký nhưng cũng chỉ nhận được một nụ cười, cũng giống như nụ cười của cô đối với Duy Khánh”. Duy Khánh cũng có nhiều lần tỏ tình với Thanh Thúy.

    Theo nhà văn Du Tử Lê, năm 1981 Nguyễn Long gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco, ông viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình, tôi thấy Thanh Thúy muôn đời không thay đổi. Giọng hát của cô vẫn như ngày xưa. Có phần chắc hơn, già dặn hơn, rung cảm hơn. Thanh Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình. Không sút giảm vì qua biết bao nhiêu thăng trầm của đất nước và con người”.


    1). Ba vở kịch và một bộ phim về Thanh Thúy


    Trong hồi ký, Nguyễn Long cho biết, trước khi thực hiện bộ phim Thúy Đã Đi Rồi vào cuối năm 1961, ông đã có 3 vở kịch mà Thanh Thúy là nhân vật chính.

    1. Ba vở kịch

    Vở kịch thứ nhất mang tên “Ghen”. Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp diễn với các diễn viên Ba Bé, Linh Sơn, Nguyễn Long.

    Vở kịch thứ hai, tựa đề “Khi Người Ta Yêu Nhau”, Kim Cương đóng vai Thanh Thúy, hợp diễn với Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé, và Nguyễn Long.

    Vở kịch thứ ba, tên “Tan Tác”, Kim Cương thủ vai Thanh Thúy, cùng diễn với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và Nguyễn Long.

    1. Bộ phim “Thúy Đã Đi Rồi”

    Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Yến Vĩ vai Thanh Mỹ, em Thanh Thúy, Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa, Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, hề Minh…

    Nội dung bộ phim. Một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Do thất tình nặng, ông bị ám ảnh đến nổi thấy bất cứ một thiếu nữ nào ông cũng tưởng đó là người ông say mê. Cuối cùng, do điên loạn, ông bắt cóc và giết người ca sĩ đó. Tuy nhiên cái chết của người ca sĩ không xóa nhòa được hình ảnh mà ông ôm ấp trong lòng. Cuối cùng ông đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ và tự tử.

    1. Lai lịch của bản nhạc “Thúy Đã Đi Rồi”

    Nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác rất nhiều bản nhạc, tuy nhiên có một bản dành riêng cho người bạn thân của ông, Nguyễn Long, bản nhạc tựa đề Thúy Đã Đi Rồi. Bài hát nói lên tâm trạng tình yêu một chiều của Nguyễn Long đối với Thanh Thúy. Nguyễn Long dùng cái tên của bản nhạc nầy đặt tựa đề của bộ phim


    2). Vài nét về Nguyễn Long


    Nguyễn Long tên thật là Nguyễn Ngọc Long, sinh ngày 2-3-1934 tại Hải Phòng. Năm 1949, ông vào Sài Gòn và chính thức bước lên sân khấu kịch nghệ và điện ảnh.

    Năm 1955, xuất hiện trên một số phim do tổ hợp Việt Nam, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân thực hiện.

    Năm 1957, khởi sự viết kịch và chuyện phim, đồng thời đóng vai chánh trên 70 kịch ngắn, dài trên sân khấu và đài truyền hình.

    Năm 1961, tự sản xuất, đạo diễn và đóng vai chánh trong 14 bộ phim nổi tiếng như: Mưa Lạnh Hoàng Hôn, Nước Mắt Đêm Xuân, Thúy Đã Đi Rồi, Anh Yêu Em, Hè 72…

    Năm 1981, vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ. Ông tiếp tục đạo diễn và sản xuất các tác phẩm điện ảnh như: Mây Xám Chiều Hoang, Như Là Khởi Đầu, Biển Khổ. Nguyễn Long viết 14 quyển sách.

    Ông từ trần ngày 2-11-2009 tại Seattle bang Washington. Thọ 76 tuổi.

    • Trịnh Công Sơn và bản nhạc Ướt Mi dành cho Thanh Thúy


    Trịnh Công Sơn thuật lại, năm đó tôi 17 tuổi vào trọ học ở Sài Gòn. Đêm đêm, tôi thường đến các phòng trà để nghe nhạc. Giọng hát đặc biệt của Thanh Thúy lôi cuốn, khiến tôi luôn luôn đến nghe.

    Ngoài giọng ca, dáng dấp cô ấy cũng hấp dẫn. Dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông phủ bờ vai.

    Nói yêu Thanh Thúy thì chưa chắc, vì tôi có mặc cảm nghèo và vô danh của một thanh niên 17 tuổi, chưa có sự nghiệp trong tay, trong khi đó, Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, có kẻ đưa người đón tấp nập.

    Một lần, ở nhà hàng Mỹ Cảnh năm 1958, chàng trai 19 tuổi viết vào một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Điều bất ngờ là Thanh Thúy hát bài đó với một cảm xúc mãnh liệt. Cô đã khóc. Cuộc đời buồn, vì trước đó không lâu, người cha qua đời và hiện tại là bà mẹ, tên Tường Vy, đang bị lao phổi nặng khó chữa trị. Bà mất năm 1960.

    Giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ đẹp, đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn một cảm xúc đầy ấn tượng, thế là ca khúc Ướt Mi ra đời. Họ quen nhau. Không có chi tiết nào xác định tình yêu của Trịnh Công Sơn với Thanh Thúy.

    Thanh Thúy hát hay. Thanh Thúy đẹp. Chàng trai trẻ họ Trịnh luôn luôn bám sát Thanh Thúy từ sân khấu nầy đến những sân khấu khác. Và kết thúc bằng bản nhạc “Thương Một Người”.

    “Thúy đã đi rồi” thì Khánh Ly lại đến.


      6. Nhạc Bolero, nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh


    1). Nhạc Bolero

    Trúc Phương sáng tác đa số là nhạc theo thể điệu bolero. Thanh Thúy được phong là Nữ hoàng bolero. Vậy bolero là gì?

    Bolero là tiếng Tây Ban Nha chỉ loại nhạc chậm, trầm, thích hợp để diễn đạt tâm sự, tình buồn, hồi tưởng, kỷ niệm buồn. Loại nhạc nầy lan truyền đến các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, như Cuba chẳng hạn.

    Từ Nam Mỹ, nhạc bolero du nhập vào Việt Nam trong thập niên 1950, và phát triển mạnh ở thập niên 1960.

    Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác nhiều nhất về thể loại nầy. Mô tả tâm sự, kỷ niệm buồn trong quá khứ, như các bản: Tàu Đêm Năm Cũ, Buồn Trong Kỷ Niệm, Mưa Nửa Đêm, Hình Bóng Cũ, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình…

    Thanh Thúy là ca sĩ tiên phong trong dòng nhạc bolero của Trúc Phương. Được cho là nữ hoàng bolero. Thanh Lan, Thanh Tuyền, Phương Dung, Quang Lê cũng thường hát loại nhạc nầy.

    2). Nhạc Vàng

    Nhạc bolero chỉ thể loại, nhạc vàng chỉ nội dung lời ca của bản nhạc. Nhạc vàng chiếm đa số của bolero.

    Trước 75, nhạc miền Nam không có màu sắc nào cả. Sau 75, mấy cha Việt Cộng đặt tên: nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh.

    Nhạc vàng là nhạc trữ tình, lời ca lãng mạn, bị ghép là ướt át, đồi trụy, nên từ sau ngày 30-4-75, bị cấm trình diễn ở nơi công cộng trong một thời gian dài.

    3). Nhạc Đỏ

    Nhạc Đỏ, gọi nôm na là “nhạc cách mạng”, nội dung ca ngợi đảng CSVN, lãnh tụ Cộng Sản, và tuyên truyền ca ngợi bộ đội, cán binh trong việc vượt Trường Sơn vào đánh chiếm miển Nam, VNCH. Những bài hát tiêu biểu như: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng Chày Trên Sóc Bombo, Cô Gái Vót Chông, Cô Gái Sài Gòn Tải Đạn…Và bản nhạc phổ biến nhất được mấy đứa con nít hát nghêu ngao ngoài phố như:  “Như Có Bác Hồ Trong Nhà Thương Chợ Quán hoặc Như Có Bác Hồ Đang Ngồi Binh Xập Xám. “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài, tóc bác bạc phơ, em âu yếm hôn lên dế bác…

    4). Nhạc Xanh

    Nhạc xanh là nhạc ngoại quốc lời Việt, như các bản: Dòng Sông Xanh (The Beautiful Blue Danube). Em Đẹp Nhất Đêm Nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Người Đẹp Của Tôi (Bernadine), Giàn Thiên Lý Đã Xa (Scarborough Fair- Lễ hội Scarborough)

    Người Tình Mùa Đông (Nhạc Nhật, nhạc sĩ Nakajima Naomi), Cho Quên Thú Đau Thương (Main Dans La Main), Mùa Thu Lá Bay (Nhạc Hoa), Bến Thượng Hải (Nhạc Hoa)…

    5). Nhạc Sến

    Chữ “Sến” bắt nguồn từ chữ “Sen”. Người Bắc gọi những cô gái giúp việc nhà (đầy tớ, ở đợ) là “con sen”. Báo chí đưa câu chuyện, chiều chiều mấy cô giúp việc nhà, ăn diện cũng đẹp ra phết. Mấy cậu theo tán tỉnh, hỏi em tên gì. Trả lời em tên Marie Sến. Mấy cô gánh nước mướn tên là Marie La Fontaine. “Phông tên” là trụ nước công cộng.

    Trước kia, thời Pháp thuộc, những người sang trọng, quý phái thường đặt tiếng Tây trước cái tên của mình, như Philipe Lúa. Bernard Chôm, George Phước, Paul Lành…

    Nhạc sến chỉ nhạc bình dân, phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Người ta đặt tên những tiếng hát phổ biến bình dân là tiếng ca Sến, như Hương Lan, Chế Linh. Tiếng hát được xem sang trọng là Khánh Hà…


    7. Kết luận

    Ca sĩ Thanh Thúy là một hiện tượng trong nền ca nhạc Việt Nam hồi trước năm 1975. Đặc điểm nổi bật nhất là tiếng hát, được cho là tiếng hát liêu trai, tiếng hát lúc không giờ, tiếng hát khói sương, tiếng sầu ru khuya…

    Tóm lại, tài, sắc, và phẩm chất đạo đức đã đưa người ca sĩ nầy lên đỉnh cao của nền ca nhạc một thời của Việt Nam Cộng Hòa. Cũng có ý kiến cho rằng Thanh Thúy đã xa quê hương suốt 45 năm, mà chưa có lần nào về nước hát để kiếm tiền cả.


    Trúc Giang

    Minnesota ngày 31-12-2020

  • Tin tức

    Mai Hương, Một Ánh Sao Rơi!

    Vương Trùng Dương

    Cách đây hai thập niên, vào thời điểm nầy, Lâm Tường Dũ bàn với tôi thực hiện Giai Phẩm Xuân cho tờ Thế Giới Nghệ Thuật. Với nhạc sĩ thì dựa vào các nhạc phẩm sáng tác về Xuân nhưng với ca sĩ thì mông lung nên dựa vào bức tranh tứ quý: mai, lan, cúc, trúc để viết. Tôi chọn 4 ca sĩ khởi đầu với chữ Mai: Mai Hương, Mai Hân, Mai Ngọc Khánh & Mai Lệ Huyền. Lâm Tường Dũ chọn 4 chữ Lan cuối cùng: Thanh Lan, Ngọc Lan, Ý Lan & Hương Lan.

    Ngọc Lan sinh ở Nha Trang, qua đời năm 2001, nay đến Mai Hương sinh ở Đà Nẵng từ trần vào chiều Chủ Nhật 29/11/2020 tại Nam California. Tôi thích và thiện cảm với hai ca sĩ nầy từ tiếng hát đến nhân cách sống và gắn liền với nơi chốn cố hương và quê vợ.

    Mai Hương là một trong những ca sĩ duy nhất không bị scandal nào trong tình yêu và nghiệp dĩ. Ca sĩ có công việc vững chắc ở Bank of America. Là con chiên rất ngoan đạo Tin Lành, Chủ Nhật nào cũng đi lễ ở nhà thờ Vietnamese United Methodist ở Anaheim, tuy xa nhà nhưng có đông cộng đồng người Việt. Thứ Sáu, 11 tháng 12, nhà thờ làm Lễ Dâng Xác Trương Mai Hương (lấy họ chồng) – tôi là Phật Tử thuần thành nhưng trong văn học nghệ thuật với những khuôn mặt chân chính đều bày tỏ lòng cảm mến.

    Trong mùa dịch Covid-19 đang cô lập mọi người, rất tiếc có hai ca sĩ được mọi người ái mộ đã vĩnh biệt cõi trần, ca sĩ Thái Thanh qua đới 17 tháng 3, 2020 và lần nầy đến ca sĩ Mai Hương, những người ái mộ không đến để tiễn đưa lần cuối!

    Về tiểu sử Mai Hương đã được đề cập khá nhiều nên ghi tổng quát:

    Mai Hương nguyên danh Phạm Thị Mai Hương, gốc Hà Nội, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, cha mẹ MH là Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, diễn viên đoàn kịch Sao Vàng của Thế Lữ, được Bộ Thông Tin VNCH đã trao tặng danh hiệu nữ kịch sĩ xuất sắc nhất năm 1956. Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung Phạm Đình Viêm và nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương.

    Năm 1951, gia đình ông Phạm Đình Sỹ mới trở về Hà Nội, cuối năm 1952 di cư vào Sài Gòn sống cho đến năm 1975. Năm 1953, mới 12 tuổi đã tham dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại rạp Norodom, với ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ (nhạc La Hối, lời Thế Lữ) được trúng tuyển. Mai Hương cộng tác với chương trình nhi đồng của nữ ca sĩ Minh Trang trên đài Phát Thanh Sài Gòn, thời gian cộng tác với các chương trình thiếu nhi, khi trao lại cho kịch sĩ Kiều Hạnh đổi tên là ban Tuổi Xanh. Khi Đài Phát Thanh Pháp Á, sau đổi tên thành Đài Phát Thanh Quốc Gia rồi Đài Phát Thanh Sài Gòn), Ban Tuổi Xanh tiếp tục cộng tác với đài phát thanh hàng tuần. Ban Tuổi Xanh đã quy tụ những tiếng hát Bích Chiêu, Mai Hương, Bạch Tuyết, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu… và  Bạch Tuyết (sinh năm 1943, em gái Mai Hương vừa qua đời cách nay 3 tháng, trùng tên đào cải lương Bạch Tuyết). Mai Hương theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc (cùng thời điểm theo tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng) được khoảng ba năm về violin, ký âm pháp, đàn tranh và hợp xướng. Sau đó vì bận thi tú tài 1 nên phải bỏ dở.

    Khi Mai Hương tham gia trong ban nhạc của Võ Đức Tuyết và Hoàng Lang cùng với những ca sĩ nổi danh của nền tân nhạc lúc đó là Anh Ngọc, Duy Trác, Nhật Bằng, Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà…Và, Mai Hương lần lượt xuất hiện trong nhiều ban ca nhạc khác, như Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, ban Phương Hoa của Vũ Thành, ban Hương Quê của Hoàng Trọng… Và nổi tiếng nhất với Ban Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng năm 1967 (Ông hoàng của dòng nhạc Tango, tôi đã viết bài Hoàng Trọng, Ngàn Thu Áo Tím trong quyển Văn Nhân & Tình Sử). Ban nhạc quy tụ những ca sĩ lừng danh, thường trình bày những ca khúc tiền chiến và những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ nổi tiếng ổ Sài Gòn. Mai Hương trong tam ca của Ban Tiếng Tơ Đồng (Kim Tước, Quỳnh Giao), theo dòng thời gian từ trong nước, ở Hoa Kỳ. Tiếng hát Mai Hương thường xuyên ngoài Đài Phát Thanh Sài Gòn còn có  Đài Tiếng Nói Quân Đội, Đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam trên băng tần số 9 ở Sài Gòn.

    Lập gia đình với người bạn đời Trương Dục, tuy không ở trong giới nghệ sĩ năm 1961 nhưng là người cảm thông và khích lệ. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Mai Hương cùng chồng Trương Dục, phục vụ tại Nha Hàng Không Dân Sự, và bốn người con rời Việt Nam tạm trú tại trại Pendleton ở Nam California. Lần đầu tiên Mai Hương được mời đi trình diễn ở thành phố New Orleans.

    Năm 1980, Mai Hương phát hành băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tên Giấc Mơ Hồi Hương (Ca khúc nổi tiếng cũa Vũ Thành). Và từ đó thu âm, có nhiều CD như Nhặt Cánh Sao Rơi, Serenade, Vàng Phai Mấy Lá… Tổng cộng khoảng 10 CD với tiếng hát của Mai Hương, trong số đó có CD Tìm Nhau Bốn Mùa hát chung với Kim Tước và Quỳnh Giao. Năm 1989 Mai Hương sống ở Rowland Heights, Nam California và làm việc cho ngân hàng Bank Of America. Sau 22 năm với công việc, năm 2000 Mai Hương về hưu và thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ qua đời… Tiếng hát của Mai Hương là tiếng hát của hoài vọng, nhớ thương của cung thương ngày cũ.

    Mỗi ca sĩ thường có những ca khúc để đời. Với giọng soprano, nhẹ nhàng, dịu dàng, thiết tha, bay bổng, cao vuốt và điêu luyện… thích hợp với những ca khúc bán cổ điển. Mai Hương đã thực hiện trong CD như: Giấc Mơ Hồi Hương, Bóng Ngày Qua, Đi Chơi Chùa Hương, Mai Hương & Những Tuyệt Phẩm Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Tình Khúc Dương Thiệu Tước, Khúc Nhạc Ly Hương, Nhạc Tiền Chiến, Nhặt Cánh Sao Rơi, Vàng Phai Mấy Lá, Như Ngọn Buồn Rơi, Sérénade, LỠ Chuyến Đò, Tình Khúc Văn Cao với Quỳnh Giao… Với hàng trăm ca khúc đó cũng hình dung được những bài hát do Mai Hương trình bày.

    Trong cuộc phỏng vấn của Nghiêm Xuân Cường thực hiện, ca sĩ Mai Hương đã chia sẻ:

    “Trong các kỷ niệm của tôi về thuở niên thiếu, phải nói thời gian êm đẹp nhất là những năm tôi học từ lớp Đệ Ngũ đến Đệ Tam. Tôi nhớ lại những tháng năm ấy như một giòng sông êm đềm trôi mãi trong ký ức bởi lẽ ở tuổi mười bốn, mười lăm, tôi đã bắt đầu biết nghĩ và chớm yêu thơ nhạc nhưng vẫn chưa có gì phải lo nghĩ về thi cử hay về cuộc chiến. Những năm cuối thập niên 60, Sài Gòn vẫn còn huởng không khí tương đối yên bình…

    … Từ năm 1972 đến 1975 một số người bỏ đài, không còn hứng khởi hát hò như xưa. Trong số đó có chị Kim Tước ra Nha Trang, chị Hà Thanh ra Huế. Các anh Thanh Vũ, Trần Ngọc (nhạc sĩ Tuấn Khanh) chú Anh Ngọc không hát nữa. Cô Thái Thanh cũng vậy. Trong đài bấy giờ chỉ còn tôi, Hoàng Oanh, cô Mộc Lan, chị Thể Tần và Phượng Bằng, Phương Nga. Quỳnh Giao thì không đi hát đều đặn như trước mà bận dậy đàn nhiều hơn. Ngày 22 tháng 4 năm 1975 chúng tôi rời bỏ quê hương đi lánh nạn xứ người…”

    Với tâm niệm của người ca sĩ: “Tôi muốn làm công việc giới thiệu này để nhắc nhở cho những người yêu nhạc rằng kho tàng âm nhạc Việt Nam rất phong phú bằng cách ghi âm lại những bài hát ấy để lưu lại một cái gì cho người, cho mình. Tôi cũng muốn ghi lại giọng ca của mình trong lúc còn có thể hát được vì có ai trẻ mãi với thời gian. Những bản nhạc mà tôi đã chọn để hát cho khoảng hơn 10 CDs cho các trung tâm Diễm Xưa, Tú Quỳnh, Mai Ngọc Khánh… cũng không ngoài mục đích kể trên”.

    Với nhạc sĩ Vũ Thành ngoài ca khúc Giấc Mơ Hoài Hương, tôi thích tình khúc Nhặt Cánh Sao Rơi với tiếng hát Mai Hương cũng là chủ đề của CD.

    Giờ đây, anh Trương Dục ngậm ngùi thương tiếc hình ảnh người vợ hiền Mai Hương ra người thiên cổ với nỗi lòng trong ca khúc:

    “Người năm trước còn nhớ chăng đêm nào

    Đầu xanh tóc tình lứa đôi dạt dào

    Bạn ngồi bên tôi tay nắm tay tim nghẹn ngào

    Lặng nhìn trời xanh thẳm đẹp muôn ánh sao

    … Nhưng đêm nay sao trời vẫn sáng

    Ngân hà đôi hướng có riêng mình tôi

    Lắng buồn đoái nhìn ngàn sao thờ ơ

    Áng mây buông lững lờ

    Bới trong tro tàn tìm ánh sao xưa”.

    Trước đây, thỉnh thoảng tôi gặp anh Trương Dục ở quán cà phê trong khu Catinat Plaza ở Little, sau nầy chưa có dịp gặp nhau.

    Tưởng nhớ người quá cố, ca sĩ Mai Hương, gởi đến anh lời chia buồn và tựa đề bài viết: Mai Hương, Một Ánh Sao Rơi trong gia đình anh và mọi người ở trong nước và hải ngoại đã một thời yêu thích tiếng hát theo năm tháng.

    Little Saigon, Nov 30, 2020

    Vương Trùng Dương

  • Tin tức

    NHỚ VỀ DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020)

    http://www.cothommagazine.com/

    Tối Chủ Nhật 11/29/2020 nhận được email của anh Dương Ngọc Hoán báo tin buồn là danh ca Mai Hương (MH) đã qua đời lúc 3 giờ trưa cùng ngày, hưởng thọ 79 tuổi. (Anh Dương Ngọc Hoán, cựu nhân viên Đài phát thanh Quân Đội Sài Gòn, là người thân quen với gia đình MH). Anh Hoán vừa gởi cho tôi tấm ảnh chụp với vợ chồng chị MH (1) tháng 9, 2019 khi anh qua thăm Cali. Xem hình này và  youtube từ Jimmy Show cũng vào tháng 9, 2019 thì chị MH có vẻ khỏe mạnh, trả lời mạch lạc và nhớ rõ nhiều chi tiết.

    Lạ nhất là tuần trước tôi vừa gởi cho anh Hoán một hình chị Mai Hương ôm đàn violon do ảnh viện Đống Đa chụp (2),  nhà xuất bản Diên Hồng chọn hình này cho trang trong của bản nhạc rời “Thương Đời Hoa” – sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh ấn hành năm 1960. Sau đó, một người bạn cũng gởi youtube chị  MH hát “Định Mệnh Buồn“, một ca khúc ít phổ biến của người chú ruột là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

    Tôi nhớ lại một số kỷ niệm với chị Mai Hương:

    * Qua giới thiệu của anh Hoán khoảng năm 2004, thỉnh thoảng tôi có nói chuyện điện thoại hay email cho chị MH. Chị nói chuyện nhẹ nhàng, dễ mến, vui vẻ và không ngại chia sẻ những câu hỏi liên quan đến bản nhạc hay đến các ca nhạc sĩ thời trước 1975. Nhờ đó mà tôi biết lúc mới di cư năm 1954 gia đình chị có ở chung với gia đình bố mẹ của danh ca Thái Thanh trong hẻm 121 đường Ngô Tùng Châu (gần ngã sáu Phù Đổng Sài Gòn/ nhà thờ Huyện Sĩ/ trường trung học Nguyễn Bá Tòng). Nhà của ông bà bố mẹ tôi cũng ở trong hẻm này.

    * Chị Mai Hương còn nhớ rất nhiều nhạc xưa, nên khi tìm không ra bài nhạc tôi thường hỏi chị như bài Ngàn Năm Mây Bay” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Khi có dịp về Việt Nam, chị đến thăm nhạc sĩ Hoàng Giác và được ông tặng một tập nhạc trong đó có những ca khúc ông viết sau 1954. Nhờ đó mà tôi đã thực hiện trang Mơ Hoa và dòng nhạc của NS Hoàng Giác” được đầy đủ hơn.

    * Chiều 15 tháng 5 năm 2005 – nhóm Cỏ Thơm đến tham dự một chương trình nhạc thính phòng ở Annandale, Virginia có tên “Mai Hương, kỷ niệm 50 Năm Hát Cho Người” (3,4,5,6). Ngoài MH còn có mặt 2 ca sĩ Tuấn Ngọc, Thu Phương và ban nhạc The Nights với các con của cố nhạc sĩ Nhật Bằng.

    * Mẹ tôi rất yêu quý giọng ca và tính tình đằm thắm của MH nên cũng đến dự chương trình trên. Sau đó, chị MH có gởi tặng CD và viết thư chúc thọ bà 80 tuổi (7).

    * Tâm Hảo và tôi có dịp gặp lại chị Mai Hương ngày 17 tháng 10 năm 2010 (8,9). Chị MH đã bay từ California sang tham dự và hát vài nhạc phẩm trong buổi ra mắt sách “Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng” của nhà văn Hồng Thủy.

    Khi ca sĩ Quỳnh Giao qua đời năm 2014, gia đình chị có gởi cho tôi một số ảnh, trong đó có bức ảnh hiếm quý rất rõ và đẹp (10) gồm các ca sĩ Thái Thanh, Châu Hà, Hà Thanh, Mộc Lan, Quỳnh Giao, Mai Hương và Như Thủy (em của NS Trần Thiện Thanh). Thoáng ngậm ngùi  khi các giọng ca điêu luyện hàng đầu thời trước 75 không còn nữa! Giờ đây chỉ còn bà Châu Hà, hiện ở Virginia, sức khỏe kém đi nhiều, đã không còn hát từ lâu và ca sĩ Kim Tước, hiện ở Nam California, sức khỏe còn tốt và vẫn hát khi có dịp.

    Xin thành thật chia buồn với anh Trương Dục và toàn tang quyến. Cầu mong linh hồn bà PHẠM THỊ MAI HƯƠNG sớm về nước Chúa.

    Phan Anh Dũng (Rockville, Maryland USA – 2 tháng 12, 2020)

  • Tin tức

    VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY

    ** Hồng Thủy **

    ** Hồng Thủy **

    Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị.

    Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94. Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm.

    Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54

    Mùa thu mây trắng xây thành

    Tình em mầu ấy có xanh da trời

    Hoa lòng em có về tươi

    Môi em có thắm nửa đời vì anh?

    Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu

    Yêu Hoài Ngàn Năm

    Yêu nhau ngày tháng qua nhanh

    Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau

    Từ xanh đến bạc mái đầu

    Tình Ta nước biển một mầu như xưa

    Yêu bao giờ, đến bao giờ

    Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?

    Lòng em hoa vẫn tươi hoa

    Môi em thắm đến em già chưa phai

    Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai

    Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em

    Mặt trời có lặn về đêm

    Sáng mai em dậy bên thềm lại soi

    Cuộc đời có khóc, có cười

    Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay

    Thu về trời lại xanh mây

    Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu

    Càng yêu, yêu lại càng nhiều

    Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.

    Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào.

    Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng

    Nằm trong khám tối âm u

    Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa

    Bồi hồi tưởng mái nhà xưa

    Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?

    Thương em nhạt phấn, phai đào

    Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình

    Ngủ đi em, mộng bình minh

    Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu

    *

    Nằm trong khám tối nghe mưa

    Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh

    Thương nhau nên ngủ không đành

    Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi

    Anh nghe từng tiếng lệ rơi

    Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…

    Về văn nghiệp, mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó. Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu. Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần. Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$.

    Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như: Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.

    Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.

    Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.

    Người bạn tù hỏi qua song cửa

    Phải anh là Hoàng Hải Thủy

    Anh viết truyện Kiều Giang?

    Kiều Giang …!

    Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng

    Làm bố vỡ tim và hồn nức nở

    Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở

    Nghe tên con giữa chốn lao tù

    Những đêm dài ngục tối âm u

    Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ

    Bố yêu con trong từng hơi thở

    Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ

    Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ

    Con có run da thịt đêm nay?

    Bố cho con trọn máu xương này.

    Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia is for lovers”.

    Thêm nữa, anh chị chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn. Thời gian đầu anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “ Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.”

    Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm

    Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.

    Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.

    Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi.

    Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau.

    Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước.Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.”

    Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng… ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc,bỗng đứt đoạn chia lìa… Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi.Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018.

    Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng.

    Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị , không biết anh sẽ ra sao.

    Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết. Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây?

    Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.”

    Từ ngày chị ra đi,anh sống âm thầm như một cái bóng.Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết’.Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy. Hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Nhớ ngày nào, hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh, ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị, hoặc chọc phá chị, để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái.Bây giờ, trông anh buồn như một tầu lá úa.

    Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói “lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa.Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé “ Tôi đang định trả lời:Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn .Rồi chị quay sang tôi: “ lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là “phát ngôn viên”của anh.Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thuỷ thì khác, “ Vợ muốn là Trời muốn”.Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả giò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách.

    Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp… như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau?

    Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch “cô vít”.

    Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài .Con cái ở xa hết.Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai thăm viếng ? anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều.

    Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh.

    Hồng Thủy, WDC.

  • Tin tức

    Nghệ sĩ Chí Tài qua đời (1958 – 2020)

    www.vietbao.com

    Nghệ sĩ Chí Tài, một tài năng đa dạng nhiều lĩnh vực sân khấu nghệ huật, vừa từ trần hôm 9/12/2020 tại Việt Nam vì đột quỵ, thọ 62 tuổi, dự kiến thi thể ông sẽ được đưa về Hoa Kỳ làm tang lễ. Theo Wikipedia, nghệ sĩ có tên thật là Nguyễn Chí Tài (sinh 15/8/1958 – mất 09/12/2020) nổi tiếng với các hoạt động âm nhạc và sân khấu tại hải ngoại và trong nước và là bạn diễn với nghệ sĩ Hoài Linh. Chí Tài còn là một nhạc công ghi-ta, nhạc sĩ hòa âm tại hải ngoại trong giai đoạn thập niên 90 và là nhạc sĩ sáng tác và viết lời Việt cho một số ca khúc.
    .
    Năm 1981, Chí Tài sang Mỹ định cư theo diện gia đình bảo lãnh. Thành lập ban nhạc gia đình “Chi Tai’s Brothers” với Chí Thiện, Quang Mỹ, Phương Loan, Kiều Linh, Chí Thái, Trịnh Nam Sơn và Chí Tài. Từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga qua một số chương trình Paris By Night. Mở studio làm hòa âm và thu âm cho nhiều ca sĩ tại hải ngoại, truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn,… Từng giữ vai nghệ sĩ hài với nhóm kịch Thúy Nga và trong các chương trình Paris By Night. Cộng tác với các trung tâm băng nhạc. Năm 1987, Chí Tài kết hôn với ca sĩ Phương Loan.
    .
    Vào chiều ngày 9 tháng 12 năm 2020, Chí Tài được xác nhận là đã qua đời tại bệnh viện vì lý do đột quỵ. Ông được phát hiện đã nằm bất động ở cầu thang bộ tầng 7 của chung cư nơi ông sống ở tại quận Phú Nhuận, xe cứu thương ngay sau đó đã được điều đến để chở ông đến bệnh viện cấp cứu, nhưng cuối cùng Chí Tài không qua khỏi và đã qua đời vào hồi 15h20 chiều cùng ngày. Được biết, trước đó Chí Tài đã từng có tiền sử bị bệnh tiểu đường, mỡ trong máu và hàm lượng cholesterol cao. Hoạt động cuối cùng của ông là làm bình luận viên game 3 cho chung kết VBA 2020.
    .

  • Tin tức

    Tình Người Ông Tạ Ngoại Đạo Với Mùa Sao Sáng

    Cù Mai Công

    Năm 1970, cách đây nửa thế kỷ, có đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được hai năm gom góp tiền mua ngôi nhà nhỏ gần góc đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) – đại lộ Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Đây là vùng ngoại ô Ông Tạ. Khu vực này lúc đó còn rất vắng vẻ, nhưng gần nơi ông làm việc là trụ sở Bộ Tổng Tham Mưu VNCH.

    Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ lớn ở xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Vùng này khô cằn nhưng mía ngọt nổi tiếng. Liệu những vườn mía quê xưa có khiến ông thích uống nước mía hơn các loại nước uống khác? Ông là nhạc sĩ Chiều Mưa Biên Giới Nguyễn Văn Đông. Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất miền Nam trước 1975 cùng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc đa dạng, gần gũi mọi lứa tuổi; một tài năng rất lớn với sinh hoạt sôi động. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc với những hợp âm đơn giản nhưng ca từ sâu sắc, đi vào thân phận con người.


    Trong khi đó, nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một vẻ khác biệt rất rõ: sang trọng một cách gần gũi, sâu lắng và đẫm yêu thương. Ông cũng sống với một nhân cách sống của kẻ sĩ miền Đông Nam bộ thời tao loạn: hiền lành nhưng cứng cỏi giữ tiết tháo, không thay đổi cả trong lúc khó khăn đến tận cùng. Ông theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân Lực VNCH là Đại Tá Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Phó Quân Lực VNCH; trải qua hai đời Tổng Tham Mưu Phó là Trung Tướng Nguyễn Văn Là (1968-1974) và Trung Tướng Nguyễn Văn Mạnh (1974-1975). Tổng Tham Mưu Trưởng là Đại Tướng Cao Văn Viên. Hồi ở trường Thiếu Sinh Quân, ông học nhạc với các giảng viên của Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Pháp; thành viên Ban Quân Nhạc Thiếu Sinh Quân; sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè… Đó là lý do tại sao đám tang ông có nhiều cựu Thiếu Sinh Quân VNCH đưa tiễn.

    Nhà ông trên đường Nguyễn Minh Chiếu, đi một chút là ra ngã tư Thoại Ngọc Hầu. Tên con đường này cũng là tên một chiến dịch quân sự năm 1956 của Quân Đội VNCH (từ 1965, đổi thành Quân Lực VNCH) ở vùng Đồng Tháp Mười mà ông tham gia; Tướng VNCH Dương Văn Minh làm Tư Lệnh. Còn nhạc sĩ, khi ấy 24 tuổi nhưng đã là Trưởng Phòng 3 – Tác Chiến của Phân Khu Đồng Tháp Mười VNCH.

    Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm – như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù Tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong Chiến Dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc: Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Phiên Gác Đêm Xuân, Bến Đò Biên Giới, Về Mái Nhà Xưa, Niềm Đau Dĩ Vãng, Hải Ngoại Thương Ca, Khi Đã Yêu… Ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử. Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 như: Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Mưa Rừng…

    Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là Trưởng Ban (văn nghệ) Vì Dân; 26 tuổi (1958), ông là Trưởng Ban (ca nhạc) Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm Nhạc Quốc Gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân Cố Vấn Ngô Đình Nhu trao. Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng – như tính cách của ông. Khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt “săn một con vật về cũng thương, ăn không được”. Cô cháu ở cùng nhà bảo: “Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng”. Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông có vẻ không hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng Chiều Mưa Biên Giới (cùng với Mấy Dặm Sơn Khê của ông và 15 ca khúc khác) có lúc bị Bộ Thông Tin của chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đài Phát Thanh Sài Gòn không thu âm và phổ biến vì ca từ bắt đầu thể hiện sự hoang mang của một anh lính: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu – Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu…” (những năm 1955-1956, ông đóng quân ở khu biên giới Đồng Tháp Mười).

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và loài hoa cúc ông yêu thích – Ảnh tư liệu


    Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng miền Tây, cụ thể là giọng Mỹ Tho rặt; s/x, ch/tr… rành mạch. Sau được thể hiện với tiếng hát Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa – trong trẻo, tròn vành rõ tiếng rất sang trọng chứ không uốn éo, ma mị như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người, khi ấy và cả hôm nay. Bắc-Trung-Nam đủ mặt trong thể hiện tác phẩm của ông, đều hay.

    Quê ông ở Bến Cầu, bên này sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia, cách ít cây số là xóm đạo Tha La nổi tiếng, cạnh rạch Vàm Trảng, bao phen binh lửa. Chắc ông cũng từng ghé qua xóm đạo này? Nhưng ông sanh ngày 15-3-1932 và học ở quận Nhứt, Sài Gòn.


    Ngôi nhà mới của đôi vợ chồng trẻ rất gần nhà thờ Ba Chuông (nhà thờ, giáo xứ Đa Minh), chỉ vài bước chân là tới. Ông đã tới đây bao nhiêu lần? Và hơn thế, hẳn không ít lần ông đã nghe nhạc đạo, xem lễ nhà thờ và nghe Thánh ca nơi đây? Nếu không, làm sao ông có thể viết những nhạc phẩm mà ca từ, hình ảnh rất quen, rất thân với người Công giáo: Tình Người Ngoại Đạo, Mùa Sao Sáng, Màu Xanh Noel, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Hồi Chuông Kỷ Niệm (đồng tác giả với Song Ngọc)…

    Viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: Ave Maria (nhạc Franz Schubert), Đêm Thánh Huy Hoàng (nguyên tác Silent night” – khác với bài Đêm Thánh Vô Cùng do Hùng Lân, cũng một cư dân Ông Tạ trên đường Thánh Mẫu viết lời Việt), Hồi Chuông Nửa Đêm (nguyên tác Jingle Bells của James Lord Pierpont)… Có thể nói xuân và đạo là hai nội dung âm nhạc thường xuyên có mặt trong nhạc Nguyễn Văn Đông. Nhưng nếu nhạc xuân của ông luôn là nỗi buồn mất mát, có lúc tuyệt vọng thì nhạc đạo của của ông lại là niềm tin yêu vào cuộc sống và sự tái hợp:

    Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời

    Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…

    (…) Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời

    Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi sao…

    Bài Mùa Sao Sáng là nhạc đạo chứ không phải thánh ca, viết ở âm thể Trưởng, giai điệu giản dị nhưng sáng đẹp, trong trẻo như đêm Noel, nghe như thánh ca. Mùa Giáng sinh trong nhạc ông là “hội sao trần thế”, “xanh như liễu Đà Lạt” – màu vòng lá Noel; nhạc của những tâm tình reo vui:

    “Pong ping pong, pong ping pong…

    Chuông giáo đường thánh thót

    Đêm Noel chuông vang như mang bao yêu thương loan trong ánh sao sáng… (Hồi Chuông Nửa Đêm).

    Xóm đạo nào đó của ông luôn có hình ảnh một người cụ thể, rất cụ thể trong ăn mặc, tính cách đơn sơ và tất nhiên rất ngoan đạo. Tôi không nghĩ ông chưa từng có một người thương nào đó ở một xóm đạo. “Yêu ai, yêu cả đường đi lối về…”. Như có lần trong lễ nửa đêm Noel, ông lặng lẽ đứng một mình trong sân nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) – như để gợi lại kỷ niệm, người thương nào đó ở một xóm đạo nào đó. Trong gió may se lạnh đêm cuối năm. Một mình…

    Album Chiều Mưa Biên Giới do Paris By Night phát hành năm 2018, ngay sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời – Ảnh: CMC


    Những đêm cuối năm Ông Tạ ngày xưa ấy chắc chắn lạnh hơn bây giờ khi nhà cửa chưa chật chội như hôm nay. Phía sau các dãy nhà mặt tiền đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)… vẫn là những nhà trệt, nhà gác gỗ. Kinh rạch còn nhiều và còn cả những cánh đồng rộng ở An Lạc, Lộc Hưng, khu Chăn nuôi… Đường phố cũng không rực rỡ đèn hoa giăng ngang đường như hôm nay. Chỉ là những hang đá kín ban công tầng một nhiều nhà mặt tiền và những dây đèn quả nhót ánh sáng không mạnh. Hang đá rất lớn của các nhà thờ luôn là điểm chiêm ngưỡng, tưởng tượng của bao ánh mắt trẻ thơ Ông Tạ.


    Những ngày ấy, cả khu vực Ông Tạ là vô vàn những hang đá lớn nhỏ, bằng giấy bạc, bằng giấy bao ximăng phun sơn đen, xám, trắng và bằng cả những thanh mút sốp trắng ngâm xăng dầu… để kết dính. Mút sốp được bóp vụn rải lên những cây thông làm tuyết. Trái châu và dây kim tuyến treo lóng lánh reo vui các cửa tiệm… Trẻ con Ông Tạ đi học qua đứa nào cũng ngẩn ngơ nhìn ngắm đến rơi cả cặp; tưởng tượng lóng lánh đêm Giáng Sinh và mơ quà của Ông già Noel… Các trường khu Ông Tạ hầu hết cạnh nhà thờ. Học trò có những buổi học được nghỉ để Thầy Cô, các Cha, các Dì (Soeur) bắt xếp hàng, “dong” đi xưng tội. Về nhà, cha mẹ dắt ra tiệm hớt tóc “gọt” lại cái đầu cho dễ chải, dễ vuốt nước những mái tóc lởm chởm mưa nắng đi lễ đêm Noel. Tạm quên con dế, viên bi, xấp hình…; tạm quên những buổi choảng nhau vỡ đầu thằng xóm khác; tạm quên những trò nghịch ngợm trẻ con bấm chuông nhà hàng xóm…

    Đó thật sự là những ngày đáng sống của Ông Tạ; những ngày thanh tẩy, reo vui tâm hồn người người. Ai ở Ông Tạ không từng trải qua, từng nhớ da diết…? Anh Đặng Quốc Thông, một “thằng bé” Ông Tạ xưa vốn không phải Kitô hữu, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tới giờ vẫn nhớ rõ mồn một những ngày Giáng Sinh khu Ông Tạ này:

    “Vì cơ bản là khu Công Giáo di cư, nên không khí chào đón ngày Chúa sinh ra đời ở Ông Tạ rất nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng 12, các nhà mặt phố ở ngã ba Ông Tạ đã dẹp các hàng bán truyền thống qua một bên để bày bán đồ trang trí Giáng Sinh. Các ông sao đủ cỡ, ông nhỏ bằng cái chậu con, ông to bằng cả mặt bàn ăn 12 người; ông nào cũng được phết bằng giấy bóng kiếng đỏ có rồng rắn mấy đường trang trí bằng phẩm màu trắng và xanh lơ sặc sỡ. Có vòng ngôi sao cuốn giấy hoa chạy quanh năm đỉnh cánh. Rồi cây thông, thường là bằng giấy kim tuyến bạc lóng lánh có đính các trái châu thủy tinh xanh đỏ tím vàng trông rất bắt mắt. Rồi ông già Noel và các giải tua ren trắng đỏ cũng như các giải băng hình cánh cung ghi hàng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

    Nhưng đặc sắc hơn cả ở khu này là hang đá đủ cỡ đủ kiểu, có cái làm bằng giấy bao ximăng phun nhựa đường hay sơn đen gì đó. Có hang làm bằng giấy bạc óng ánh. Hang nào cũng đi kèm một bộ tượng nặn rất sắc nét và tô màu rất cầu kỳ với Chúa Hài Đồng nằm giang hai bàn tay thơ ngây trong trắng trong máng cỏ, hai bên có ông Giuse và bà Maria khuôn mặt hiền hậu, thánh thiện. Lơ lửng trên không là Thiên Thần; trước cửa hang trong tư thế quỳ lạy là ba nhà Tiên Tri chống gậy dắt theo bầy dê, bò, cừu như lễ vật mừng Chúa Giáng Sinh.

    Trễ nhất, khoảng giữa tháng 12, các nhà dọc hai bên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) từ ngã ba Ông Tạ đổ xuống đến rạp hát Đại Lợi, hoặc dọc đường Lê Văn Duyệt (nay là Cánh mạng tháng 8) từ ngã ba Ông Tạ đổ về đến khu nhà thờ Chí Hòa phía bên kia hồ bơi Cộng Hòa, cũng đều đã trang trí mặt tiền nhà, thường được đặt trên lan can tầng 1, 2 với những hang đá, đèn ngôi sao, hình thiên thần, ngôi sao Bếtlêhem, và các dây tua và dây đèn điện chớp sáng đủ màu.

    Thường thì đèn trang trí sẽ được bật lên lúc 6 giờ chiều khi trời mới nhọ nhem và để vậy cho đến sáng. Khoảng 9, 10 giờ đêm, các nhà hai bên đường đóng cửa, tạo ra một khoảng tối dưới mặt đường, tương phản hoàn toàn với không gian sáng ấm phía trên. Trong tiết trời se se lạnh những ngày cuối năm, khách đi bộ hay đi xe máy ngang trên đường, không ai là không ngước nhìn lên các hang đá rực rỡ, lung linh hai bên; không tai ai không nghe văng vẳng như từ hai ngàn năm trước vọng về bài hát có thể nói là truyền thống của các xóm đạo: “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời… Chúa… sinh ra đời… nằm trong hang đá… nơi máng lừa…”. Và không ai là không nghĩ đến tình thương bao la của Thiên Chúa đang rải xuống trần, để chợt thấy lòng mình ấm áp hẳn và cảm nhận ngay lập tức như đang ùa vào hồn mình một tình yêu người, yêu đời tha thiết…”.

    Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thấy, đã sống trong các xóm đạo Ông Tạ những ngày yêu thương, ấm cúng này, trong hồi chuông nửa đêm lành thánh, yên bình xóm đạo… Ông tự xác định mình là người ngoại đạo, nhưng ông đã làm nhạc không khác một Kitô hữu thuần thành: “Lạy Chúa con xin nguyện Chúa trên trời – Cho trọn niềm tin ơn trên Thiên Chúa – Con xin đuợc sống bên chàng – Nguời con nhớ con thương – Kính mến tôn thờ Chúa, Amen” (Tình Người Ngoại Đạo).


    Và Mẹ Maria, lời kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phước…” hiện ra trong nhạc ông, trông đợi ngày gặp lại:

    “Xin Mẹ Maria

    Cho nước con vui đời thăng hoa

    Đã mấy mươi năm, Mẹ ơi sống trông mong ngày vui

    Một ngày bên nhau hát câu đoàn viên

    Hãy ban cho một mùa xuân như ý quên sầu bi

    Đầy ơn phước trong tay Người

    Mẹ ơi bao la lòng Maria

    Này đây muôn kinh quỳ lạy tấu dâng lên Bà” (Ave Maria)…

    Tôi quen và là “khách ruột” mua giò chả, phômai… mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Cô Thu cùng quê Gò Công với Hoàng Hậu Nam Phương (tuy nhiên, như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch. Cô vốn là Quản Lý Hãng dĩa hát Continental mà chú là Giám Đốc Nghệ Thuật. Cô Nguyệt Thu về với chú năm 1968, ở nhà mướn khu cư xá Đô Thành.


    Thực sự nhiều người ngạc nhiên khi lúc đó ông là Sĩ Quan cấp Tá Bộ Tổng Tham Mưu VNCH, rồi là Giám Đốc ba công ty băng dĩa lớn ở Sài Gòn lúc đó mà lại mua ngôi nhà nhỏ ở khu vực nhà cửa khi ấy khá lụp xụp như vậy (sát khu vực vốn là đất trồng cây giống của Sở Bảo Vệ Mùa Màng VNCH bị thương phế binh VNCH chiếm). Thời điểm đó, cách vài bước chân là ra đại lộ Cách Mạng 1-11 có rất nhiều ngôi nhà lớn, biệt thự của Sĩ Quan VNCH chức vụ và cấp bậc còn dưới ông. Niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ được vài năm. Sau 1975, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO do nhiều lý do. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng ban đầu bán cám gà, chuối… rồi mới thành tiệm bán thịt nguội, tạp hóa nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và Tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng…

    Cô Nguyệt Thu gửi tặng tôi album nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông do Paris by night phát hành năm 2018, sau khi chú ra đi – Ảnh: CMC


    Cửa hàng tên Nhiên Hương phải chăng là suy nghĩ của hai vợ chồng: “Hữu xạ tự nhiên hương”, không cần phải gồng mình, lớn tiếng khẳng định? Cả hai vợ chồng đều sống lặng lẽ, lặng lẽ đến mức khi ông ra đi, nhiều người hàng xóm và khách mua hàng mới biết ông là tác giả nhiều nhạc phẩm họ yêu thích… Vị nhạc sĩ này hoàn toàn lặng lẽ, không một phát biểu sau khi cải tạo về. Lãnh Sự Quán Mỹ liên lạc kêu đi diện HO (Đại Tá VNCH, đi cải tạo bảy năm, đi khá dễ dàng), ông từ chối. Lặng lẽ như khi còn trong Trại cải tạo Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông nằm lắng nghe tiếng xe lửa vang xình xịch cách trại không xa và viết nhạc phẩm không lời Tiếng Chim Hót Trong Lồng. Lặng lẽ nhớ Sài Gòn, nơi ông sinh ra, lớn lên cho một nhạc phẩm có lời: “Sài Gòn trong trái tim tôi”, “Cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”…

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi tối 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất), sau giao thừa thứ 87 của đời mình và chỉ hơn nửa tháng nữa là sinh nhật ông. Thế là hết những “Phiên Gác Đêm Xuân”: “Đón giao thừa một phiên gác đêm…”.

    Cù Mai Công

    https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_%C4%90%C3%B4ng

    https://web.archive.org/web/20180227142215/https://tuoitre.vn/tac-gia-chieu-mua-bien-gioi-qua-doi-o-tuoi-86-20180226225744514.htm