• Cáo phó - Phân Ưu,  Khánh Lan,  Kiều Mỹ Duyên,  Tin tức

    SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CUỐI TUẦN

    LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

    Kiều Mỹ Duyên tường trình

    Lễ tưởng niệm 100 ngày mất khoa học gia, cựu tư lệnh Không Quân, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove) do Viện Việt- Học tổ chức.

                Thứ bảy ngày 5 tháng 11 năm 2022, nhiều sinh hoạt cộng đồng người Việt ở miền Nam California tổ chức cùng giờ, cùng ngày. Nơi nào có sinh hoạt cũng có đồng hương đến đông đảo. Tại Thư Viện Việt Nam, đường Westminster thành phố Garden Grove, Viện Việt- Học tổ chức kỷ niệm 100 ngày tưởng nhớ giáo sư, khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân điều hợp chương trình.

                Thư mời được nhà văn Trần Việt Hải gửi đi khắp nơi, gửi nhiều lần, ngoài học trò của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của trường Chu Văn An, Sài Gòn, còn có sự hiện diện của các chiến sĩ Không Quân, khoa học gia, bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, v.v. đến tham gia rất đông. Hội trường không còn một chỗ ngồi, một số anh chị em đứng ở ngoài hành lang của thư viện.

    Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (1930-2022)

    Khi chúng tôi đến, giáo sư Phạm Thị Huê đang phát biểu tỏ lòng kính trọng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài văn chương và khoa học gia. Ông lấy bút hiệu Toàn Phong để sáng tác văn chương. Tác phẩm “Đời Phi Công” của Nguyễn Xuân Vinh đã đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Năm 1991, cuốn sách “Theo Ánh Tinh Cầu” của ông được nhà xuất bản Đại Nam xuất bản, đã được tiêu thụ hết ngay trong năm đầu. Ông còn một tác phẩm khác là “Gương Danh Tướng” được sáng tác năm 1956.

                Một ngày làm nhà giáo suốt đời làm nhà giáo, ngoài là tư lệnh Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết sách không ngừng nghỉ, những tác phẩm ông để lại cho đời rất hữu ích cho thế hệ mai sau.

    Các văn nghệ sĩ đến tham dự lễ tưởng niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh rất đông.

    Ông Trần Văn Sùng đến từ San Diego, ông vừa nói vừa nức nở như khóc, ông thương tiếc một người tài đã ra đi dù giáo sư Vinh về với Chúa khi đã 92 tuổi.

                Khoa học gia Cai Văn Khiêm tỏ lòng thương tiếc một nhân tài đã ra đi, có lẽ tất cả đồng hương hiện diện trong ngày tưởng niệm không ai muốn giáo sư Vinh ra đi.

    Nhà văn Khánh Lan nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
     

    Nhà văn Khánh Lan xinh đẹp, duyên dáng nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và trong câu chuyện nhà văn trẻ này nhắc đến nhà văn Việt Hải nhiều lần trước khi Việt Hải lên diễn đàn.

                Nhà văn Việt Hải vừa phát biểu cảm tưởng vừa nuốt nước mắt, có lúc nhà văn nghẹn ngào như nói không ra lời. Nhà văn rất thành thật nói:

                – Cho tôi được ngồi, nếu tôi đứng một chút nữa tôi sẽ té.

    Nhà văn Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà
    nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản

    Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản và sẽ xuất bản tiếp. Nhà văn Việt Hải để rất nhiều cảm tình của mình trong giọng nói nghẹn ngào. Nhiều người kể cho tôi nghe lúc tiễn đưa giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lên đường, Việt Hải đã khóc, bây giờ cũng nức nở.

                Cô Hoa, vợ của Việt Hải đưa chồng lên trước sân khấu, chăm sóc chồng từng tí. Thật hạnh phúc cho những người có gia đình ấm cúng, và hạnh phúc cho những người lý tưởng sống với nhau.

    Kiều Mỹ Duyên đến tham dự lễ tưởng niệm 100 ngày mất của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cùng các anh chị em nghệ sĩ. (Xướng ngôn viên, ca sĩ Hương Thơ đứng ngoài cùng bên phải)

    Những phụ nữ tham dự trong chiếc áo dài tha thướt, trong đó có ca sĩ Hương Thơ, người nào cũng đẹp nhưng nam thì nhiều còn nữ thì ít, đặc biệt những người yêu chuộng văn nghệ đều có mặt.

                Khoa học gia Cai Văn Khiêm trong hội Bình Định Tây Sơn, bác sĩ Lê Đình Phước, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ký, Không Quân hiện diện trong buổi lễ tưởng niệm này, bác sĩ đỡ đầu cho giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vào đạo Công Giáo.

                Nguyện cầu giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hưởng nhan Thánh Chúa. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Viện Việt-Học chân thành cảm ơn quý Hội, quý giáo sư và quý anh chị em đã cùng gia đình của giáo sư và Viện Việt- Học tổ chức Lễ Tưởng Niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh chân tình và cảm động.

    KIỀU MỸ DUYÊN, Orange County, 7/11/2022

    (kieumyduyen1@yahoo.com)

    —————————————————————————————————————–

    LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

    Khánh Lan tường trình từ California.

    Buổi lễ tưởng nhớ đến vị giáo sư khả kính Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài của thế giới văn học đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và thân mật tại THƯ VIỆN VIỆT NAM thuộc thành phố Garden Grove, tiểu bang California ngày 05 tháng 11 măm 2022 do Gia Đình Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Hội Ái Hữu CHS Bưởi-Chu Văn An Nam California, Hội Ái Hữu Không Quân, Hội Giáo Chức Việt Nam California, Hùng Sử Việt, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, Nguyệt San KBC và Viện Việt Học đồng tổ chức.

    Ngoài hành lang, các hình ảnh và những giải thưởng mang tên GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh được ban tổ chức trưng bày rất cẩn thận, chu đáo và đẹp mắt.

    Bước vào bên trong hội trường, căn phòng đã đông nghẹt người, những hàng ghế đã kín/đầy người ngồi. Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng đến tham dự. Ngoài hành lang cũng chật cứng người, bởi không có ghế ngồi nào trống.

    Khoảng 10 phút sau 10:30 sáng, khi Chị Kim Ngân, giám đốc của Viện Việt Học mở đầu chương trình và thay mặt cho bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cám ơn tất cả các quan khách hiện diện, thì cả hội trường trở nên yên lặng để tỏ lòng kính trọng người quá cố. Theo sau là Lễ chào quốc kỳ Việt, Mỹ và phút mặc niệm.

    Sau phần nghi lễ, Cô Kim Ngân trở lại với tiểu sử của cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, đồng thời giới thiệu slideshow về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS do nguyệt san KBC thực hiện, ghi lại đầy đủ hình ảnh từ khi Cố GS nhập ngũ cho đến khi ông từ giã cõi trần.

    Giáo Sư Trần Huy Bích

    GS Tiến Sĩ Trần Huy Bích nói về những tác phẩm của văn học nổi tiếng của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Cũng như quyển sách mới nhất “Thiên Chức Của Một Nhà Giáo” sẽ do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuận đảm nhiệm và phát hành.

    Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh

    Chương trình tưởng nhớ Cố GS Toàn Phong chấm dứt khoảng 12:30 pm sau khi Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cảm tạ các quan khách, bà cũng không quên mời mọi người ở lại dùng bữa ăn trưa thân mật do chính tay bà các bạn bè cùng nấu. Phần phụ diễn văn nghệ gồm 4 bài hát do các ca sĩ của Viện Việt Học và Tiếng Thời Gian đảm trách.

    Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

    Vĩnh biệt Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Xin Thiên Chúa toàn năng rước linh hồn ông về cùng hưởng an vui bên cạnh nhan thánh Ngài.

    Khánh Lan

    VỀ MỘT NGƯỜI VỪA MỚI RA ĐI: GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH,

    Viết bởi: KIỀU MỸ DUYÊN

    Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh- nhà khoa học người Việt được NASA vinh danh. Ông đã vạch ra quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên mặt trăng.Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được Hội Khoa Học Không Gian Hoa Kỳ tuyển chọn trao giải thưởng Dirk Brouwer về những thành tích và phục vụ của ông trong ngành cơ học phi hành không gian.

    Khi nghe giáo sư Nguyễn Xuân Vinh bệnh, nhiều người cầu nguyện cho giáo sư sớm khỏi bệnh. Nhiều người định đi thăm giáo sư nhưng cứ nghĩ để cho người bệnh nghỉ ngơi, đến thăm nhiều không nên, nhưng những người ở xa về chơi Orange County nhất định phải đến thăm ông. Giáo sư Phạm Thái ở San Jose về Orange County họp mặt liên trường và đồng hương Tây Ninh nói với chúng tôi trước khi lên xe trở lại San Jose:

                – Chị ơi, giáo sư Vinh yếu lắm rồi, chắc không qua khỏi trong 2 tuần nữa.

    Hôm nay, khi giáo sư Vinh qua đời, 1 giờ đồng hồ sau tôi được tin, chúng tôi gọi ngay cho giáo sư Phạm Thái. Ông nói:

                – Chúng tôi đợi tin tức gia đình để xem ngày nào an táng, chúng tôi sẽ đến thăm giáo sư Vinh lần cuối.

    Chúng tôi còn nhớ vào thập niên 60, chúng tôi đang học ở Úc, tình cờ đọc báo thấy tin tức giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là khoa học gia. Chúng tôi rất hãnh diện về khoa học gia Việt Nam có tài làm phi thuyền lên cung trăng. Chúng tôi mua ngay một tấm thiệp chúc mừng, anh chị em du học ở Canberra, thủ đô của Úc, viết lời chúc mừng rồi gửi sang tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa nhờ chuyển đến giáo sư Vinh.

    Bẵng đi một thời gian rất lâu mấy chục năm sau, chúng tôi gặp lại giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ở đại học Michigan, hội thảo toàn nước Mỹ về người tị nạn ở đại học này. Những thành viên tham dự hội thảo có giáo sư Vũ Quốc Thùy, con trai của giáo sư Vũ Quốc Thúc, giáo sư của trường đại học luật khoa Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Xuân Vinh đang dạy, giáo sư cũng là một diễn giả thuyết trình trong tuần lễ hội thảo đó. Người tham dự đại hội ở luôn trong trường học, buổi trưa khi ra phòng ăn, chúng tôi may mắn được ngồi đối diện giáo sư. Chúng tôi nhắc lại tấm thiệp chúc mừng mà chúng tôi đã gửi đến giáo sư sau khi phi hành đoàn bình yên trở về.

    Chúng tôi cũng nhớ một chuyện tình rất đẹp trong tiểu thuyết ngắn “Đời Phi Công” của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh, bút danh Toàn Phong. Chúng tôi nói ngay:

                – Thưa giáo sư, giáo sư trả nợ cho tôi!

                Giáo sư Vinh ngạc nhiên hỏi:

                – Tôi thiếu nợ cô hồi nào mà cô đòi nợ tôi?

                Tôi trả lời:

                – Vì tôi đọc “Đời Phi Công” của giáo sư cho nên khi đến Paris, tôi vội vã đến bờ biển Nice để xem cát vàng lóng lánh qua ngòi bút miêu tả của giáo sư bờ biển Nice vô cùng quyến rũ. Chúng tôi cất công, tốn tiền đến đó, nhưng than ôi đến bờ biển Nice rồi, chúng tôi vỡ mộng vì bờ biển Nice không đẹp bằng biển Nha Trang. Như thế giáo sư phải đền phí tổn cho chúng tôi phải không?

                Giáo sư Vinh hỏi chúng tôi:

                – Cô đến Nice một mình hay đi với nhiều người?

    Tôi trả lời:

                – Đi với nhiều người.

    Giáo sư Vinh nói ngay:

                – Đi với nhiều người làm sao thấy được cát vàng lóng lánh?

    Sau này đến Mỹ, chúng tôi có dịp gặp lại ông bà giáo sư Vinh ở miền Nam California khi có hội họp tổ chức ở đây.

    Có lần, trong buổi cơm, tôi ngồi gần ông bà, tôi hỏi phu nhân của giáo sư Vinh:

                – Phượng trong tiểu thuyết “Đời Phi Công” có phải là chị không?

    Phu nhân giáo sư Vinh trả lời:

                – Nếu ai yêu không quân thì đều là Phượng.

    Hai ông bà người nào cũng rất thông minh, trả lời như không trả lời.

    Tiểu thuyết ngắn “Đời Phi Công” của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sáng tác năm 1959, bút hiệu Toàn Phong. Đạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961. Tiểu thuyết dài 53 trang, gồm 9 chương: Đường đời muôn vạn nẻo, Ánh sáng kinh thành, Trăng dãi Bắc Phi, Gió Hải Hồ, Có một đàn chim, Hội mùa hoa, Hẹn

    một ngày về, và Tiếng gọi lên đường.

    … Đêm nay có một anh chàng

    ngồi giữa ánh sáng kinh thành

    mà nhớ đến quê hương…

    … Mang thân làm cánh chim,

    ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm …

    … Để chờ đợi một ngày mai hạnh phúc,

    Có những mùa xuân đôi trẻ con gửi cho nhau

    những cánh hoa kèm theo những câu chúc tâm tình …

    … Mang thân ra đi để che mưa gió

    là các anh muốn cho những người như em

    được mãi mãi sống trong bầu không khí thanh bình …

    … Ra đi vì nhiệm vụ

    bao giờ thanh bình

    con xin trở lại mái tranh xưa …

    Khi đi thuyết trình ở đại học Berkeley, trên đường về tôi đổi chuyến bay từ San Jose về Orange County để thăm một số người thân, trong đó có giáo sư Vinh và gia đình. Tôi đi xe từ San Francisco về thăm ông bà giáo sư Vinh, ở trong một căn nhà xa thành phố, đường vào nhà cây cỏ xanh mướt. Chị Vinh ngồi xe lăn đón tôi ở phòng khách, chị hỏi:

                – Cô lên đây hồi nào?

    Chị đưa tay chỉ ly nước và đĩa trái cây, mời tôi:

                – Cô uống nước và dùng trái cây.

    Giáo sư Vinh chào tôi và nói:

                – Cô ở nhà với bà xã tôi, tôi đi họp với hội cựu tù nhân chính trị.

    Ngồi nói chuyện với chị Vinh một chút, chị gầy hẳn đi, khác với ngày tôi gặp chị, khuôn mặt chị xanh xao, nhưng chị không than khi tôi hỏi về sức khỏe của chị. Có một cô em kề cận chăm sóc cho chị.

    Tôi kể cho chị nghe về sinh viên Berkeley rất quan tâm đến chính trị, đề tài của tôi thuyết trình là: Làm thế nào để trở thành triệu phú? Sinh viên Berkeley đặt câu hỏi về chính trị nhiều hơn về kinh tế, trái với sinh viên của Cal State Fullerton và Long Beach, mà tôi đã từng thuyết trình nhiều năm qua. Tôi cũng nói với chị về tờ báo của trường đại học Berkeley rất lớn, nhiều tầng lầu, tờ báo rất xuất sắc. Chị Vinh hỏi tôi về những người chị quen ở Orange County có gặp họ thường không?

    Tôi muốn kể cho chị nghe nhiều chuyện nữa nhưng sợ chị mệt, với lại đến giờ phải ra phi trường nên tôi xin giã từ. Ra đến cửa, tôi quay đầu lại vẫy tay chào chị, bàn tay yếu ớt của chị đưa lên chào tôi. Tôi hy vọng gặp lại chị lần nữa nhưng khi tôi vừa về đến Orange County vài tuần thì nghe tin chị được đưa vào nhà thương. Sau đó mấy tuần, chị mất.

    Hôm nay, nghe tin giáo sư Nguyễn Xuân Vinh qua đời, gia đình, người thân, bạn bè, học trò của giáo sư trên thế giới, và đồng hương yêu quý ông đang cầu nguyện cho giáo sư sớm về hưởng nhan Thánh Chúa.

    Orange County, 25/7/2022

    KIỀU MỸ DUYÊN, (kiuemyduyen1@yahoo.com)

  • Kiều Mỹ Duyên,  Sinh Hoạt

    RMS TUYỂN TẬP HOA CỎ BÊN ĐƯỜNG Ở SAN JOSE VÀ SACRAMENTO CỦA TÁC GIA KIỀU MỸ DUYÊN

    Tối thứ ba 21/6/2022, tôi đến phi trường San Jose, thời tiết nóng 90 độ, Mỹ Thanh (phu nhân của thi sĩ Chinh Nguyên- nguyên chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt) đón tôi với nụ cười thật tươi. Trời nóng không có gió nhưng nhìn người xinh đẹp, tự nhiên thấy lòng mình dịu xuống.

    Về đến nhà Mỹ Thanh và Chinh Nguyên, thức ăn đã nấu sẵn, trước khi ăn tối, tôi đi một vòng từ trước ra sau nhà. Trước nhà, hoa rực rỡ, hoa vàng, hoa tím, hoa trắng rung rinh trong gió. Có nhiều cây cổ thụ thật to ở ngoài đường rợp bóng mát vào nhà. Patio thật lớn làm phòng thu hình. Sau nhà, rau tươi, cây cỏ xanh tươi, hồ cá với những con cá thật to bơi lội nhởn nhơ, 8 con vịt nhỏ, 2 con vịt to, những con bồ câu bay lượn trong nhà, v.v.

    Nhà ở cuối đường nên có nhiều đất, nhà đối diện là nhà em ruột của Mỹ Thanh, không có một hạt bụi, phòng khách có nhiều hoa, hoa trước nhà, sau nhà, hoa tươi trên bàn thờ Đức Mẹ, chỗ nào cũng hoa. Nhà không chứa nhiều đồ đạc nên rất thoáng mát như nhà của người Nhật, người Đại Hàn.

    Sáng thứ tư 22/6/2022, chúng tôi đi thăm tòa báo Cali Today, đài TV. Ngày xưa, mỗi lần tôi đến San Jose, chủ báo, chủ đài Nguyễn Xuân Nam phỏng vấn chúng tôi, ngày nay cũng như thế. Trước khi lên San Jose, Nguyễn Xuân Nam có nói một câu làm tôi cảm động:

    – Khi chị đến San Jose, đến ngay thăm em buổi sáng nhé, buổi chiều em đi nhà thương lọc máu. 

    Nguyễn Xuân Nam rất ân cần, niềm nở với người ở xa đến, mỗi lần 2 vợ chồng Nguyễn Xuân Nam đến Orange County thường đến thăm tôi. Có lần, Nguyễn Xuân Nam nói sẽ đến Orange County thăm thầy Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang. Tôi đem lời này của Nguyễn Xuân Nam thưa lại với thầy Quảng Thanh, thầy nói: khi 2 vợ chồng Nguyễn Xuân Nam đến, thầy sẽ mời ở lại chùa để biết sinh hoạt của chùa. Chùa lúc nào cũng có sinh hoạt, buổi sáng, buổi tối đều có tụng kinh, nhưng Nguyễn Xuân Nam hứa rồi chưa đến cho đến khi thầy Quảng Thanh qua đời, Nam cũng đã cầu nguyện cho thầy.

    Nguyễn Xuân Nam phỏng vấn tôi về việc ra mắt tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường, giọng rất xúc động khi Nam nhắc đến một đề tài nào đó. Nam nói:

    – Bây giờ Nam không nói thì đến bao giờ mới nói hả chị?

    Chúng tôi cũng được biết khi Nam đặt câu hỏi với các chính khách rất độc đáo và làm đau đầu nhiều người.

    Ai làm truyền thông cũng biết một điều: sự thật, sự thật và sự thật. Nhà thơ Phùng Quán đã viết: 

     “… Yêu ai cứ bảo là yêu

    Ghét ai cứ bảo là ghét

    Dù ai ngon ngọt nuông chiều

    Cũng không nói yêu thành ghét

    Dù ai cầm dao doạ giết

    Cũng không nói ghét thành yêu.

    Tôi muốn làm nhà văn chân thật

    chân thật trọn đời

    Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

    Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

    Bút giấy tôi ai cướp giật đi

    Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.

    Nguyễn Xuân Nam phỏng vấn chúng tôi chừng 1 giờ, để yểm trợ buổi ra mắt tuyển tập của tôi vào ngày thứ bảy 25/6/2022 và Chúa nhật 26/6/2022 ở Sacramento. 

    Đến nơi nào chúng tôi cũng thăm chùa và nhà thờ. Đến chùa Đức Viên, ngày xưa sư bà Đàm Lựu học Trưng Vương, học ban C là ban triết. Chùa nữ, chùa rất rộng, các ni sư đang đọc kinh cầu nguyện ở chánh điện. Chúng tôi cũng đi thăm một số chùa nhỏ. Chùa ở San Jose rất nhiều, chúng tôi đi ngang 1 con đường tìm chùa của sư thầy Trần Minh Lợi, Tiến Sĩ luật khoa, cựu chủ báo Thằng Mõ, nhưng tìm hoài không được. 

    Nhà thờ có linh mục Việt Nam cũng nhiều, tín đồ đến nhà thờ Saint Maria Goretti rất đông, thêm1 nhà thờ đang xây, 1 nhà thờ đang trùng tu. Chúng tôi email và gọi điện thoại thăm Linh Mục Lê Trung Tướng, mà có lần Đại Tướng Trần Thiện Khiêm nói với tôi:

    – Cô Kiều Mỹ Duyên, tôi đã theo đạo, Trung Tướng rửa tội cho Đại Tướng.

    Kiều Mỹ Duyên thăm trụ sở hội cựu tù nhân chính trị.

    Chúng tôi đi thăm trụ sở của khu hội cựu tù nhân chính trị, trên bàn thờ có di ảnh của các Tổng Thống, các tướng lãnh đã tử tiết, trên bàn thờ có di ảnh ông Trần Trảng, cựu chủ tịch hội cựu tù nhân.

    Ông chủ tịch hội cựu tù nhân, ông Mai Khuyên nói:

    – Ngày xưa trụ sở ở phố,  phải trả $6,000 một tháng không trả nổi nên dời về đây, 900 square feet, $1,800 một tháng. Đó là tiền nhà, còn tiền điện nước, bảo hiểm, nước uống cho khách tới tham quan, v.v. Tổng cộng không dưới $3,000 một tháng.

    Tôi nghĩ 10 người trong ban chấp hành có thể bỏ tiền túi ra.

    Trụ sở của hội tù nhân chính trị ở trong 1 khu đất mà xung quanh là rừng cây cổ thụ rất to cao cho bóng mát quanh năm, tượng Phật Bà Quan Âm rất đẹp, tượng Đức Mẹ Maria rất đẹp, du khách đến đây rất thích.

    Nhìn tới nhìn lui không thấy hình Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, mỗi lần chị và anh chị em H.O tổ chức đại nhạc hội Cám Ơn Anh, người thương binh Việt Nam Cộng Hòa, lấy tiền giúp cho cô nhi quả phụ, tử sĩ ở quê nhà.

    Tôi hỏi ông Mai Khuyên: 

    – Sao tôi tìm hoài không thấy hình của chị Hạnh Nhơn, ký giả chiến trường Phan Trần Mai, trung tá Nuôi?

    Ông Mai Khuyên trả lời:

    – Chúng tôi có xin hình của Trung Tá Hạnh Nhơn, nhưng hội cựu nữ quân nhân ở đây chưa cho.

    Tôi nói:

    – Dễ quá, dễ quá, tôi sẽ gửi hình chị Hạnh Nhơn và Phan Trần Mai cho hội.

    Buổi chiều, chúng tôi thăm mộ Phan Trần Mai. Mai thuộc binh chủng Nhảy Dù, sau này giải ngũ đi làm cho nhật báo Trắng Đen. Khi định cư ở San Jose, Mai đi làm ngay để lấy tiền giúp cho chị em còn kẹt ở quê nhà, có người còn đang ở tù.

    Phan Tuấn, em ruột của Phan Trần Mai hướng dẫn chúng tôi và Đại Úy Đào, Lê Diễm đến mộ của Mai. Sau khi Mai qua đời, người nhà hỏa táng, tro được đặt trên mảnh đá, dưới là dòng suối nước chảy róc rách.

    Chúng tôi im lặng. Tôi thì thầm:

    – Phan Trần Mai ơi, chị đem tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường ba bản tặng em. Trong tuyển tập này, có bài viết về em, về chị Hạnh Nhơn.

    Ở Orange County, nhiều người thương Mai lắm, như chị Hạnh Nhơn, bà Việt Định Phương- chủ báo Trắng Đen. Mỗi lần  Mai đến đây và khi trở về San Jose, bà Việt Định Phương pha cà phê, chị Hạnh Nhơn gói bánh, Đại Úy Nguyệt cũng gói thức ăn cho Mai, vì Mai một mình lái xe, sợ dọc đường Mai đói thì có thức ăn. Mai có một thời làm cho báo Trắng Đen sau khi giải ngũ. Ông bà Việt Định Phương thương Mai như con trong gia đình nên chăm sóc Mai rất kỹ.

    Ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường ở San Jose 25/6/2022

    Về San Jose lần này, tôi rất bùi ngùi vì nhiều người quen biết đã ra đi. Năm 1994, tôi đến San Jose ra mắt bút ký chiến trường Chinh Chiến Điêu Linh, tôi gặp rất nhiều người nổi tiếng tham dự như: Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn và phu nhân Đề Đốc Trần Văn Chơn, Trung Tướng Lâm Quang Thi và phu nhân, bộ trưởng bộ giáo dục Ngô Khắc Tinh, em ruột của phu nhân Trung Tướng Ngô Du là trung tá Đại, ông Trần Trảng, chủ tịch hội cựu tù nhân, v.v. Bây giờ thì quý vị đã về với ông bà. Tôi rất bùi ngùi xúc động người còn, người mất.

    Bác sĩ Trần Công Luyện, thầy của chúng tôi, dạy ở trường trung học Lý Thường Kiệt. (Thầy ngồi phía trước, trên xe lăn). Chánh án Phan Quang Tuệ và phu nhân đứng cạnh Kiều Mỹ Duyên và thân hữu.

    Quan khách đến trong ngày ra mắt tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường của Kiều Mỹ Duyên ở San Jose 25/6/2022, người lớn tuổi nhất đó là bác sĩ Trần Công Luyện, năm nay 93 tuổi, là thầy của chúng tôi, dạy ở trường trung học Lý Thường Kiệt, trung tâm Huấn Luyện Quang Trung năm 1956, tôi học đệ lục với thầy, sau đó chuyển đến trung học Trưng Vương học đệ tam. Thầy ngồi trên xe lăn, con của thầy là bác sĩ Trần Công Khanh đưa thầy đi. Tôi rất cảm động khi thầy mua 1 quyển Hoa Cỏ Bên Đường là $1,000.

    Nhiều nhà hảo tâm khác yểm trợ nhiệt thành: Bác sĩ Đỗ Văn Học, chủ báo Thằng Mõ ở Los Angeles mua 1 quyển $500, tu sĩ Trần Minh Lợi mua 1 quyển $100, Hùng Tâm, con nhà sách Khai Trí, mua 1 quyển $200, ông bà Lê Đình Thọ mua 1 quyển $200, v.v. 

    Kiều Mỹ Duyên bên các em thiếu nhi trong ban văn nghệ mừng ngày ra mắt sách.

    Chúng tôi đón tiếp nhiều quan khách đến buổi ra mắt sách: Linh mục Trần Đình Thảo đến từ Fresno, chánh án Phan Quang Tuệ và phu nhân, giáo sư Trần Hoài Bắc, đại học Stanford, và phu nhân, Đại Tá Vũ Văn Lộc, sáng lập bảo tàng viện Việt Nam, ông Biên Đoàn, cô Vân Lê, v.v.

    Thẩm phán Phan Quang Tuệ, con trai của bác sĩ Phan Quang Đáng, 23 năm làm chánh án, từ tiểu bang đến liên bang, ngày xưa là sinh viên đấu tranh, năng động, đối đãi bạn hữu rất tốt. Có lần, tôi gọi cho ông:

    – Có người lính Biệt kích rất có hiếu với mẹ, đem mẹ vào nhà thương giải phẫu. Trước khi đi, bà còn nấu canh rau, để sau khi giải phẫu trở về nhà thì 2 mẹ con ăn. Nhưng chẳng may, sau khi giải phẫu, người mẹ mê man và qua đời. Người con trai duy nhất của bà xách súng vào bệnh viện tìm bác sĩ. Người chiến sĩ đã ra Bắc Việt, bị bắt ở trong tù, gọi ra nhờ Hòa Thượng cầu siêu cho mẹ, không xin giảm tội, nhờ luật sư biện hộ vì người con hiếu thảo này muốn chết theo mẹ. 

    Có một chủ nhà hàng nói với chúng tôi, người con hiếu thảo này thường đến nhà hàng và chỉ gọi món ăn cho bà cụ những món bà thích nhất, ăn xong trả tiền cộng với tiền hoa hồng. Anh chàng này chăm sóc mẹ rất chu đáo, nhặt từng cọng rau cho mẹ.

    Một trường hợp khác, một thanh niên trai trẻ đi theo diện H.O với cha mẹ, người cha ở tù lâu năm, sang Hoa Kỳ bệnh nằm một chỗ, người mẹ lặn lội thăm chồng, vất vả nuôi con nên bị bệnh tim. Người trẻ này muốn tìm việc làm để có tiền giúp cho cha mẹ. Một ngày đẹp trời, có người hẹn đến quán cafe để cho việc làm. Vừa đến thì gặp 2 băng đánh nhau, người trẻ này võ nghệ cao cường, đưa tay cướp con dao của tên cướp sắp sửa chém đối thủ, chẳng may dấu tay của người nghĩa khí này in trên con dao, cuối cùng người làm ơn họa vào thân, bị Cảnh Sát bắt. Sau khi xử ở tòa án San Jose, mãn tù đến tòa án di trú, đem nhốt vào nhà tù Orange County và chờ trục xuất về Việt Nam. Chúng tôi hỏi rất nhiều trường hợp oan ức với chánh án Phan Quang Tuệ vì chúng tôi quen nhau hơn 60 năm, ông chỉ dẫn rất tỉ mỉ, nhiều trường hợp khác nhau nhưng trường hợp nào cũng cần đến luật sư giỏi.

    Chánh án Phan Quang Tuệ rất quan tâm đến người trẻ, đến hậu duệ và ông rất nhân đạo. Chúng tôi còn nhớ mãi một trường hợp mà tôi và ký giả Phan Trần Mai sắp đứng tim, chánh án Phan Quang Tuệ mời chúng tôi dùng cơm trưa, nhưng tôi đến trước giờ trưa để xem ông xử kiện. Một phụ nữ ốm nhom người Cuba làm ở tòa tổng lãnh sự Cuba ở San Francisco, hết nhiệm kỳ bà ở lại Hoa Kỳ xin tị nạn cùng đứa con 14 tuổi. Hôm đó, cộng đồng tị nạn Cộng Sản Cuba đến tòa án rất đông yểm trợ người đàn bà đáng thương này. Mọi người phập phồng chờ đợi phán quyết của quan tòa, nếu chánh án xử người đàn bà có tội thì 2 mẹ con bà sẽ bị trục xuất về Cuba, đi ở tù, chồng bà đã lập gia đình với người đàn bà khác.

    Sau khi luật sư 2 bên bàn cãi, và nhờ cộng đồng tị nạn Cuba yểm trợ, người đàn bà ốm yếu này được chánh án Phan Quang Tuệ tha bổng. Người đàn bà ốm yếu quỳ lạy chánh án Phan Quang Tuệ như tế sao, cậu con trai cũng lạy theo mẹ, cộng đồng tị nạn Cuba đứng dậy xá xá chánh án.

    Chúng tôi vô cùng xúc động và mừng cho người đàn bà bất hạnh được ở lại Hoa Kỳ và đứa con trai sẽ tiếp tục đến trường như những đứa trẻ khác. Hình ảnh người đàn bà lạy chánh án chúng tôi nhớ mãi cho đến bây giờ như ngày hôm qua dù chuyện này đã xảy ra từ mấy chục năm về trước.

    Kiều Mỹ Duyên ký tên lưu niệm cho khách mua sách Hoa Cỏ Bên Đường. (Linh Mục Trần Đình Thảo đến từ Fresno, đứng bên phải Kiều Mỹ Duyên)

    Giáo sư Trần Hoài Bắc dạy đại học Stanford thường hướng dẫn sinh viên đến viện bảo tàng Việt Nam nghiên cứu về hành trình tị nạn của người Việt Nam.

    Cha Trần Đình Đệ, cựu trung tá Nhảy Dù, được rất nhiều người kính mến. Cha đã hưu trí nhưng rất quan tâm đến đồng hương của mình và được đồng hương quý mến. Qua cuộc đối thoại trong điện thoại, chúng tôi biết cha Đệ còn khỏe mạnh và đầy sĩ khí như ngày xưa.

    Luật sư Nguyễn Quốc Lân đến từ Orange County.

    Luật sư Nguyễn Quốc Lân đến từ Orange County. Luật sư Lân nói:

    – Đi ngang thấy có cờ vàng ba sọc đỏ phất phới nên đến đây.

    Kiều Mỹ Duyên và bạn bè, thân hữu trong buổi ra mắt sách ở San Jose.

    6 giờ sáng Chúa nhật 26/6/2022, tôi thức dậy nghe chim hót líu lo, ánh sáng chói chang báo hiệu một ngày sẽ nắng. Nắng chói chang ở mọi nơi. Mỹ Thanh, bà chủ nhà duyên dáng, mời mọi người ăn sáng trước khi ra khỏi nhà. 

    Lê Diễm và Sơn đến là lên đường. Phái đoàn gồm có thi sĩ Chinh Nguyên, Mỹ Thanh, Lê Diễm, Sơn và tôi lên đường đến Sacramento. Mai Hân mời ăn sáng, Hoàng Mộng Thu mời ăn sáng, và 10 gia đình mời ăn sáng. Nếu không ăn mà nhận tiền mỗi người cho $100 chắc trẻ em mồ côi, chắc trẻ em mồ côi sẽ có thức ăn, ăn cả năm chưa hết!

    Trên đường đi, những phụ nữ nói chuyện líu lo như chim hót, chuyện Trời mây đất nước, chuyện “tình” của những người nổi tiếng, hơn 90 tuổi, 2 năm cưới vợ một lần, chuyện tình bao giờ cũng hấp dẫn. Chuyện một linh mục đẹp trai nói chuyện hay, có bằng tiến sĩ, làm việc xã hội rất nhiều. Một hôm, bỗng dưng có một tín đồ Công Giáo đem súng vào nhà thờ, chĩa vào đầu và nói:

    – Nếu cha không thương thì tôi sẽ tự sát.

    Làm cả nhà thờ náo loạn. Người kể chuyện có mặt ở nhà thờ hôm đó. Chuyện này tôi biết từ lâu, vì ai cũng biết thì làm truyền thông sao lại không biết chứ?

    Tôi đã từng phỏng vấn vị linh mục đẹp trai này. Nhiều người quen với gia đình của người đàn bà đẹp kia cho biết: linh mục đã làm phép xác, cầu nguyện cho bà ngoại, cha mẹ của tín đồ đó, trong gia đình hễ có người đau thì mời linh mục đến cầu nguyện, có người chết thì mời linh mục đến làm phép xác, v.v. Rồi từ từ tín đồ thương linh mục hồi nào không hay, cho đến khi cô cầm súng vào nhà thờ làm xáo trộn cả buổi lễ. Cuối cùng, người phụ nữ đẹp này được đưa vào nhà thương tâm thần, trước đây cô ấy cũng đã ở nhà thương. Tội nghiệp vị linh mục làm việc hết lòng hết dạ, bỗng dưng phiền não xảy đến với mình.

    Ngồi trong xe hơn 2 giờ đồng hồ, nhiều chuyện tình sôi nổi được kể liên tục. Công nhận những người làm truyền thông việc gì cũng biết, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện tình, v.v.

    Ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường ở Sacramento 26/6/2022

    Đến Sacramento, đến nhà phu nhân nhà văn Tô Ngọc. Ký giả Tô Ngọc ngày xưa làm cho báo Chính Luận của thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Sung. Ký giả Tô Ngọc và ký giả Linh Lan giữ quỹ học bổng và trao học bổng cho rất nhiều học sinh giỏi.

    Tòa soạn báo Chính Văn tại nhà, vườn rộng, phòng khách làm sân khấu. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Liêm, chủ tịch cộng đồng đã có mặt, bác sĩ Trần Hoài Liêm và phu nhân, Thiếu Tá Nga, vợ chồng đều là nhà binh, Tiến sĩ Trần Diệu Chân, Cẩm Tâm, phu nhân của bác sĩ Tôn Thất Phan, ở tù 14 năm.

    Ban nhạc, ca sĩ rất đông ở San Jose cũng như Sacramento, chỗ nào có hội họp là ở đó có ban nhạc, có nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp, ca sĩ tài tử, ca sĩ thế hệ thứ nhất, thứ hai và các ca sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ hiện diện. Giáo sư triết Lại Quốc Hùng phân tích Hoa Cỏ Bên Đường rất tỉ mỉ. Ông thích bài nói về mẹ, về cha. Lê Diễm rất quan tâm đến thương phế binh ở quê nhà, Đoan Trang, nhạc sĩ ôm cây đàn. Giáo sư Lại Quốc Hùng hát tiếng Pháp xuất sắc. Bác sĩ Liêm hát rất có hồn. Thi sĩ Chinh Nguyên ngâm thơ. Ở San Jose, nhà văn Phương Hoa, Không Quân Lê Văn Hải ngâm thơ hay thì ở Sacramento, Chinh Nguyên ngâm bài thơ vừa mới sáng tác.

    Ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường ở Sacramento 26/6/2022

    Cây ngoài vườn vẫn xanh, hoa vẫn nở, nhưng ký giả Tô Ngọc đã về với ông bà, để lại người vợ hiền từ Đức sang. Chị Tô Ngọc cho biết 2 năm nữa, chị sẽ về Đức sống với gia đình bên đó.

    Buổi ra mắt sách ở Sacramento với 36 người rất ấm cúng, người khuất bóng được nhắc nhiều nhất.

    Báo Chính Văn được tặng cho mọi người, CD Túi Khôn của sơ Đào Thủy và CD Mái Ấm Gia Đình được đọc trong sách Mái Ấm Gia Đình của linh mục Anthony Đào Quang Chính, tặng không còn CD nào. Có một phụ nữ rất đẹp chạy ra xe hỏi:

    – Cho em xin CD, em thích lắm!

    Nhưng than ôi, không còn một CD nào. Nhìn khuôn mặt người đẹp xìu xuống, tôi rất đau lòng, nhưng biết làm sao bây giờ? Hội từ thiện Hồng Ân của sơ Đào Thủy ở Vatican xa quá làm sao có thêm CD bây giờ?

    Vườn của tòa soạn báo Chính Văn rất rộng, cây cỏ xanh mướt, hoa lá rợp trời. Nếu Trời mát thì nơi đây là nơi lý tưởng để họp mặt. Chị chủ nhà Tô Ngọc ân cần, niềm nở với tất cả mọi người. Thức ăn rất nhiều, có thức ăn chay cho người ăn chay. Nhiều phụ nữ trong chiếc áo dài tha thướt, người đẹp ngày xưa bây giờ vẫn đẹp. Khách ở xa tới cảm thấy ấm lòng vì được chăm sóc, có phòng riêng dành cho khách ở xa tới. Mệt thì lên lầu ngủ một giấc, sau đó xuống lầu ca hát, hàn huyên tâm sự. Chuyện nửa thế kỷ lúc còn đi học được nhắc lại, nhất là nhắc về người đã qua đời. Hỡi người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ? Người của trường luật, của văn khoa bây giờ ở đâu? Người làm việc chung ở trong trường luật văn khoa, người đi theo Việt Cộng bỏ tù người quốc gia, bạn với bạn, cùng học một ban rồi bỏ tù, nhắc lại chuyện vô lương tâm, vô nhân đạo mà ứa nước mắt. Người theo Cộng Sản không có trái tim, bỏ tù bạn, tịch thu nhà cửa, đưa bạn vào rừng, vào vùng kinh tế mới một cách dễ dàng?

    Ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường ở Sacramento 26/6/2022 (chị Tô Ngọc đứng bên phải Kiều Mỹ Duyên, và các chị em thân hữu)

    Xin cảm ơn đồng bào, đồng hương, bằng hữu đã đón tiếp, đã cho ở nhà, đưa đi mọi nơi. Tình cảm nồng nàn này chúng tôi sẽ nhớ mãi. Thi sĩ làm thơ dễ dàng ở miền Bắc như thi sĩ Chinh Nguyên, nhà văn Phương Hoa, đứng cũng làm thơ, ngồi cũng làm thơ. Mọi người nói rất hay: Không Quân Lê Văn Hải, giáo sư Phạm Thái, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, chủ báo Huỳnh Lương Thiện, v.v., người nào cũng nói rất hay không thua gì luật sư. Có người nói: 

    – Văn Thơ Lạc Việt người nào nói cũng hay, thao thao bất tuyệt.

    3 tháng một lần, báo Thằng Mõ tổ chức sinh nhật cho các thân hữu. Mọi người đều có quà, bánh, rượu, vòng hoa choàng cổ. Sao mà trịnh trọng! Vậy thì các thành viên của Văn Thơ Lạc Việt nên sống lâu lâu để năm nào cũng được tổ chức sinh nhật nhé.

    Còn nhiều điều để nhớ, nhiều điều để mang ơn nhưng không viết hết. Miền Bắc và miền Nam California có sự liên hệ mật thiết. Có người ngồi trên xe đò ngủ một giấc thì đến miền Nam, vui với bằng hữu, rồi trở lại miền Bắc California cuối tuần. Hưu trí rồi tha hồ đi du lịch và làm việc xã hội nhưng phải có tiền. Cho nên còn làm việc được thì cứ làm, sau này hết làm việc phải có tiền mỗi tháng mới có cơ hội làm việc từ thiện hay đi du lịch. Mong bằng hữu có sức khỏe để đi du lịch khắp nơi, để làm việc từ thiện và sống cuộc đời bình yên. Mong lắm thay!

    Tập san “Cảm nhận về tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường- Kiều Mỹ Duyên”

    Hai buổi ra mắt tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường của Kiều Mỹ Duyên ở San Jose và Sacramento tràn ngập niềm vui, hạnh phúc như một cuộc hội ngộ sau 18 năm gặp lại bạn bè, thân hữu, độc giả thân thương. Mọi người tề tựu nơi đây thể hiện lòng yêu mến với tác giả và trên hết là lòng yêu thương tha nhân, chung tay cùng Kiều Mỹ Duyên giúp đỡ trẻ em mồ côi, người không nhà. Tất cả tiền bán sách được trao lại cho Không Quân Lê Văn Hải, chủ tịch Văn Thơ Lạc Việt, chủ báo Thằng Mõ ở San Jose làm từ thiện. 

    Cảm ơn quý Cha, anh chị em, bạn bè, thân hữu yêu thương đã đọc tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường và viết những bài cảm nhận thật sâu sắc. Chúng tôi đã in thành tập san những bài cảm nhận của mọi người như một quyển lưu bút đầy kỷ niệm.

    Chân thành cảm ơn các anh chị em Văn Thơ Lạc Việt đã vất vả trong 2 năm qua: biên tập, in ấn sách, các buổi mạn đàm giới thiệu tuyển tập trên TV, Youtube, gửi thiệp mời, chuẩn bị chu đáo ngày ra mắt sách, v.v. 

    Cảm ơn quý độc giả gần xa luôn ủng hộ Chinh Chiến Điêu Linh, và mong mọi người tiếp tục yêu mến tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường, chung tay làm từ thiện giúp đỡ đồng bào còn khó khăn ở Việt Nam từ tiền mua sách. 

    Xin Ơn Trên trả ơn bội hậu cho tất cả mọi người. 

    Orange County, tháng 6/2022

    KIỀU MỸ DUYÊN

    (kieumyduyen1@yahoo.com)

  • Kiều Mỹ Duyên,  Sinh Hoạt

    NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG RA MẮT SÁCH

    KIỀU MỸ DUYÊN

    Hai tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ và ÔN CỐ TRI TÂN của nhà văn Nguyễn Quang.

    Những tà áo dài rực rỡ đẹp tuyệt vời tung bay trong gió của các nhà văn nữ: Lưu Khánh Lan, Đỗ Mộng Thủy, Lê Thụy Lan, Lê Kiều My và nhiều người đẹp khác nữa trong ngày 10 tháng 4 năm 2022 tại thư viện Việt Nam, thành phố Garden Grove, mà nhiều người cứ tưởng là ngày thi hoa hậu áo dài của phụ nữ Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang ra mắt 2 tác phẩm là Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân, do liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức, từ 12.30 đến 5 giờ chiều.

                Bước vào phòng họp, mọi người thấy nhà văn Nguyễn Quang ký sách cho độc giả. Đồng bào đứng xếp hàng để mua sách, trong đó có ông Phát Lưu, một người sinh hoạt tích cực trong cộng đồng Việt Nam, giáo sư Quyên Di, nhà văn Việt Hải, chim đầu đàn của Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, và Nga Nguyễn, cựu nữ sinh Trưng Vương, phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên. Cảm động nhất là các giáo sư lớn tuổi đều hiện diện như giáo sư Dương Ngọc Sum, giáo sư Trần Huy Bích, và giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

    Nhà văn Nguyễn Quang ký tặng sách cho ông Phát Lưu.

    Buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Quang rất thành công, nhà văn Nguyễn Quang ký tên trên sách liên tục. Mời anh chị em vào Website VBS kieumyduyenshow để xem lại Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang trên đài truyền hình VBS 57.6 ngày 31/3/2022 lúc 3-4 chiều.

                Giọng nói của nhà văn Nguyễn Quang vẫn mạnh mẽ, chắc sẽ sống trên 100 tuổi và tiếp tục in nhiều sách nữa, rất tiếc chị Minh Đức Hoài Trinh không còn hiện hữu để nhìn thấy sự thành công của nhà văn Nguyễn Quang. Ngày xưa ở Paris, tôi chưa được hân hạnh gặp anh Nguyễn Quang, khi đó chỉ có chị Minh Đức Hoài Trinh đưa tôi đi uống cafe và dạo phố Paris tấp nập người đi bộ.

                Ngày ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Quang, tôi bỗng dưng nhớ chị Minh Đức Hoài Trinh quá! Nhiều người còn ở đây mà chị đã đi rồi, sao chị đi sớm quá?

                Chị Dương Hồng Anh năm nay 91 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Chị cười thật tươi và nói:

                – Tôi sẽ tiếp tục in thơ.

                Nhiều người hiện diện trong buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Quang trên 90 tuổi, nhiều thế hệ rất có lòng, nhiều ca sĩ ca rất hay. Thầy Dương Ngọc Sum, thầy Trần Huy Bích, giáo sư Quyên Di và giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa, các thầy người nào cũng có lòng, người ở xa, ở gần cũng là những người có lòng. Giáo sư Quyên Di lúc nào cũng đến đúng hẹn, ăn mặc tươm tất, đúng là giáo sư. Những tà áo dài tha thướt sặc sỡ, Khánh Lan lúc nào cũng có phu quân đi bên cạnh thật là diễm phúc. Kiều My và Nga Nguyễn đến rất sớm. Nga Nguyễn học ban văn chương ở Trưng Vương, phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên, rất dễ thương.

    Ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Quang tại thư viện Việt Nam.
    (Hình đứng từ phải qua trái: Kiều Mỹ Duyên, Ái Liên, Ngọc Quỳnh,

    giáo sư Quyên Di, giáo sư Dương Ngọc Sum, Lâm Dung,
    Mộng Thủy, Khánh Lan, Mạnh Bồng.
    Hình ngồi từ phải qua: nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Việt Hải, nhà thơ Nga Nguyễn, giáo sư Trần Huy Bích)
     

    Những diễn giả phát biểu ý kiến, người nào nói cũng xuất sắc, chứng tỏ họ đọc Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân rất kỹ, đọc và nhập vào sách mới phát biểu cảm động như thế.

                Nhà văn Nguyễn Quang du học ở Pháp từ năm 1950, từng viết sách và in sách ở Mỹ, đã xuất bản 9 quyển sách:

                – Văn Nghiệp và Cuộc Đời năm 2005; Nhập Gia năm 2007; Ông Giáo Làng năm 2009; Ốc Mượn Hồn năm 2012; Một Giấc Mơ năm 2013; Ngoại Tình năm 2016; Thần Giao Cách Cảm năm 2017; Ôn Cố Tri Tân năm 2020; Phận Đàn Bà năm 2020.

                Nhà văn Nguyễn Quang đang in một quyển bằng tiếng Anh. Phu nhân của ông là thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã xuất bản 26 quyển. Nhà văn Nguyễn Quang và Minh Đức Hoài Trinh và một số văn sĩ, thi sĩ hải ngoại đã vận động tích cực trong một thời gian mới được văn bút quốc tế cho văn bút Việt Nam hải ngoại vào làm thành viên của văn bút quốc tế. Hy vọng anh chị em trong văn bút tiếp tục tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho Việt Nam như nguyện vọng của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã khuất bóng.

    Một trong 9 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang là Một Giấc Mơ, ông mơ Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Hy vọng giấc mơ của nhà văn Nguyễn Quang sẽ thành sự thật.

                Một buổi ra mắt sách kéo dài 5 giờ đồng hồ, mọi người thưởng thức nhạc, chúc mừng sức khỏe các giáo sư. Nhà văn giáo sư Quyên Di, giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Dương Ngọc Sum và giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa được học trò chúc lành. Các nhà văn nữ vẫn duyên dáng được mời chụp hình rất nhiều, ở nơi ra mắt sách, các chị em cười hồn nhiên dễ thương như các nữ học trò ngày nào. Ở đây chỉ có tình người, âm nhạc và sách. Ra về vẫn còn luyến tiếc, thời gian 5 giờ vẫn chưa đủ để hàn huyên tâm sự, gặp nhau là quý lắm, hẹn gặp nhau lần sau.

    Buổi ra mắt sách có sự hiện diện của các giáo sư,
    các nhà văn, nhà báo, bạn bè, thân hữu.

    Nhiều người nói:

                – Bây giờ viết sách và in sách là sự hy sinh rất lớn, vì người ta đọc trên mạng, có người mua sách vì nể bằng hữu nhưng đâu có thì giờ để đọc.

                Nhưng quý vị ơi, trong tất cả các buổi ra mắt sách rất đông người tham dự, ai đến tham dự đều mua sách. Các vị hãy đến thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ ở Washington D.C, các thư viện của các trường đại học, các thư viện của các thành phố mua nhiều sách tác giả là người Việt Nam. Ở trường đại học Irvine, có nhiều sách và tài liệu về hành trình tị nạn của người Việt Nam, do Tiến Sĩ Thủy Đặng là người làm ra chương trình này.

                Tháng 8/2021 khoa trưởng Anthony, Tiến Sĩ Hải Nguyễn từ đại học Harvard, Massachusetts đến Orange County để chuẩn bị phỏng vấn, thu hình, thu âm và viết về hành trình người tị nạn Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

                Hàng năm gần đến ngày 30/4, nhiều ký giả Mỹ, Âu, Úc Châu đến nhiều nơi có người Việt Nam tị nạn để phỏng vấn, viết bài.

                Chúng tôi có niềm tin sách của tác giả Việt Nam vẫn là nhu cầu cho người đọc và nhất là những học giả nghiên cứu về nước Việt Nam, về chiến trường Việt Nam, cho nên sách vẫn còn có giá trị đến muôn đời.

                Chúc nhà văn Nguyễn Quang sẽ ra mắt sách thứ 10, và chúc nhiều nhà văn có tâm huyết tiếp tục viết sách, viết về đời sống của mình và của mọi người xung quanh, lúc nào cũng được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình.

    Ông Lưu Phát, Kiều Mỹ Duyên, Khánh Lan, và bạn bè chụp ảnh kỷ niệm tại văn phòng Ana Real Estate trước buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Quang.
     

    Những quyển sách về sự thật như quyển Bridge of Madeson, 165 trang, viết về mối tình của cô giáo làng với ký giả chiến trường, đã được thành phim và chỉ trong 2 tuần lễ đã bán hơn 40 triệu cuốn. Love Story đã thành phim và được thế giới yêu chuộng, tác giả đã trở thành triệu phú chỉ một cuốn sách này mà thôi.

                Chúc cho tất cả nhà văn viết sự thật và thành công như những tác giả kể trên, mong lắm thay.

    KIỀU MỸ DUYÊN, Orange County, 11/4/2022

    (kieumyduyen1@yahoo.com)

  • Kiều Mỹ Duyên,  Văn Thơ

    SINH HOẠT CUỐI TUẦN, BÁO VIỄN ĐÔNG

    http://m.viendongdaily.com/sinh-hoat-cuoi-tuan-MqlM8KEU.html
    Bài KIỀU MỸ DUYÊN, HỌP BÁO. CHỦ ĐỀ: DÂN TỘC TỰ QUYẾT, MỤC SƯ NGUYỄN CÔNG CHÍNH.
    
    Mục sư Nguyễn Công Chính đang thuyết trình

    Sinh hoạt cuối tuần trong cộng đồng Việt Nam phong phú lắm và đầy ý nghĩa. Người tham dự dù lớn tuổi, trẻ tuổi, phụ nữ hay nam giới, người nào đến chỗ đông người đều ăn mặc rất đẹp. Niềm vui của họ là hội ngộ, là gặp gỡ người thân và đồng hương.

    Thứ sáu ngày 17/9/2021, chúng tôi tham dự cuộc họp ở thư viện Việt Nam đường Westminster, thành phố Garden Grove, do mục sư Nguyễn Công Chính tổ chức. Đề tài rất hấp dẫn: Dân Tộc Tự Quyết. Nghe đề tài này, quý độc giả cũng biết là những người yêu nước cũng biết tâm huyết của người tổ chức là quyết tâm tranh đấu để cho nước Việt Nam người dân làm chủ, người dân quyết định vận mạng của mình, của đất nước mình mà không lệ thuộc vào ngoại bang.

    Mục sư Nguyễn Công Chính suốt đời tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đã từng bị bắt, bị hành hạ, bị ở tù. Ông tranh đấu cho sự bất công với đồng bào Thượng ở cao nguyên Trung Phần. Bà mục sư cũng thế, khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Pleiku phỏng vấn bà mục sư, sau đó Cộng Sản vào nhà hỏi cung, chất vấn bà. Bà im lặng không trả lời thì bị đánh, bị đá vào người, gãy cả xương. Con trai ôm mẹ cũng bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Sau đó, nhờ sự can thiệp một cách mãnh liệt của đồng bào ở hải ngoại, nhất là giáo hội Tin Lành, ông được đưa từ nhà tù ra phi trường, gia đình ông đã được đưa ra phi trường trước. Từ ngày được định cư ở Mỹ, gia đình ông tiếp tục tranh đấu cho Nhân Quyền ở Việt Nam. Theo mục sư cho biết thì ông đã vận động được đồng hương 17 quốc gia ở Âu Châu, Mỹ, Úc, và Á Châu, mục đích tranh đấu cho Dân Tộc Tự Quyết. 

    Buổi họp báo Dân Tộc Tự Quyết ở thư viện Việt Nam có nhiều quan khách nổi tiếng trong cộng đồng tham dự như ông Nguyễn Tấn Lạc, bà Như Hảo, giám đốc đài Mẹ Việt Nam, ký giả Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông, ông Võ Đức Văn người điều khiển chương trình họp báo. Mục sư Chính trình bày mục đích của buổi họp báo hôm nay. Ông trình bày ngắn gọn, ông nghĩ rằng sẽ có biến cố xảy ra trong nước trong những ngày sắp tới. Ông kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước một lòng tranh đấu cho quê hương có được quyền tự quyết cho đất nước của mình, không để ngoại bang xâm lấn.

    Lòng yêu nước của mục sư Nguyễn Công Chính được nhiều người tán thành và ủng hộ, trong đó có ông Võ Đức Văn, nói lên nỗi lòng của mình. Ông Võ Đức Văn đã từng tranh đấu ở Thái Lan. Ông Nguyễn Tấn Lạc cũng là một nhà hoạt động chính trị ở hải ngoại nhiều năm và hoạt động không ngưng nghỉ.

    Mục sư Nguyễn Công Chính lắng nghe tiếng nói của đồng hương để tổ chức đại hội lần tới vào tháng 3/2022. Đề tài Dân Tộc Tự Quyết sẽ được tổ chức khắp nơi trên thế giới.

    Ông Phát Lưu, một nhân sĩ trong cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California kêu gọi sự đoàn kết của tất cả mọi người ngồi lại với nhau để cùng tranh đấu cho quê hương có quyền dân tộc tự quyết. Ông rất chú trọng về văn hóa ở hải ngoại. Ông khuyến khích người trẻ phải học tiếng Việt, phải nói tiếng Việt thông thạo. Ông khen một người trẻ đứng bên cạnh ông là Nguyễn Minh Triết nói tiếng Việt thông thạo. Con của ông không nói tiếng Việt thông thạo như người trẻ này. Con của ông là luật sư, lẽ dĩ nhiên giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. Một ngày nào đó các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ giỏi tiếng Việt, sinh ra và lớn lên ở đây nhưng các cháu tự hào mình là người Việt Nam.

    Trong cuộc họp này trong giới truyền thông tham dự cũng đông, có sự hiện diện của nhạc sĩ Nam Hưng, Đoàn Thế Cường, Phan Bùi Đạt, Kỳ Quỳnh, Trần Trung Dũng, Vũ Hoàng Lân, v.v.  

    SINH NHẬT CỦA NHẠC SĨ NAM HƯNG

    Thứ Bảy, ngày 18/9/2021

    Kiều Mỹ Duyên chúc mừng sinh nhật nhạc sĩ Nam Hưng

    Nhạc sĩ Nam Hưng tốt nghiệp quốc gia âm nhạc ở Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ, hiện nay đang dạy nhạc. Những nhạc sĩ phổ thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là nhạc sĩ Hoàng Văn Quế, nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ Thùy Linh, và nhạc sĩ Nam Hưng. Ngày xưa thơ, nhạc về dạo Phật không nhiều, sang định cư ở Hoa Kỳ, nhiều nhạc sĩ phổ thơ thành nhạc ngày càng nhiều hơn. Đó là niềm vui, vì nhạc đi vào lòng người nghe, dễ truyền cảm hơn.

    Nhạc sĩ Nam Hưng giúp nhiều chùa ở miền Nam trong những ngày lễ Vu Lan, Phật Đản, đêm giao thừa, v.v..

    Đây là sinh nhật thứ 5 của nhạc sĩ Nam Hưng được tổ chức ở Fountain Valley, tại nhà hàng chay. Trong không khí ấm cúng, không quá 15 người gồm gia đình và bằng hữu. Ca sĩ Cao Thu Hương hát bài Tình Mẹ tuyệt vời. Nhìn vào ánh mắt, nghe cô diễn tả về tình mẹ con, mọi người xúc động lắng nghe. Cô kể lúc cô tập bài hát này thì mẹ cô mất. Cô khóc và khóc hoài, không tập luyện được, ngày nào cũng khóc. Cao Thu Hương đi trình diễn khắp nơi lấy nước mắt của khán thính giả qua bài hát Tình Mẹ. Cô diễn xuất rất linh động, tiếng hát từ trái tim của người con thương mẹ. Ai cũng có mẹ, ai cũng thương mẹ của mình cho nên bài Tình Mẹ đến với gia đình Nam Hưng, đến với bằng hữu đúng lúc, trong không khí thân mật, mọi người lắng nghe không một tiếng động.

    Kỹ sư Miên Trường với đôi mắt ươn ướt, xúc động nói:

    – Trước ngày tôi đi vượt biên, mẹ tôi cho tôi 1 chiếc nhẫn và chúc thượng lộ bình an. Đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận sao tôi lại đi, tôi bỏ lại mẹ tôi, tôi rất thương mẹ tôi.

    Bằng hữu hiện diện rất thông cảm với thân mẫu của Miên Trường. Người mẹ nào cũng muốn con của mình có tương lai. Nếu bây giờ người trẻ Miên Trường không thoát khỏi chế độ Cộng Sản, vẫn còn ở Việt Nam thì làm sao có kỹ sư Miên Trường thành tài trong xã hội như bây giờ? Con thương mẹ thì ân hận nhưng mẹ thương con thì hãnh diện về con của mình thành tài nơi xứ người. Con luôn nghĩ về cha mẹ, về quê hương, tổ quốc của mình và lúc nào cũng nhớ mình là người Việt Nam.

    Khi ca sĩ Cao Thu Hương hát, kỹ sư Miên Trường nói về mẹ của mình, mọi người im lặng vì bài hát và những lời phát biểu chân thành đi vào trái tim của người nghe.

    Lời phát biểu của nhạc sĩ Nam Hưng giản dị, là lời cảm ơn nồng nhiệt đến gia đình và bằng hữu. Khi nào Nam Hưng có những sáng tác mới về đạo sẽ mời bằng hữu nghe. Con trai của Nam Hưng, Arnie rất hãnh diện về bố của mình. Mỗi lần Nam Hưng để hai bàn tay vào phiếm đàn thì cháu lắng nghe không nói một lời, chăm chú nhìn bố của cháu. Khi tôi hỏi cảm nhận của cháu về người bố nhạc sĩ tài năng, Arnie cười cười và nói:

    – Con thương bố con lắm, cô à!

    Nhạc sĩ Nam Hưng sẽ có những sáng tác mới về đạo không phân biệt tôn giáo và sẽ mời đồng hương thưởng thức trong chương trình nhạc của nhạc sĩ Nam Hưng. Nhạc sĩ Nam Hưng phổ nhạc nhiều nhất là thơ của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh tức là thi sĩ Thanh Trí Cao. Bài Phật Giáo sứ mạng Hòa Bình được rất nhiều người yêu chuộng. Nhạc sĩ Nam Hưng cũng đã phổ nhạc từ thơ của ni sư Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền, thiền viện Sùng Nghiêm, phổ nhạc 4 bài, 1 bài của thầy Viên Lý, 1 bài mới sáng tác của thầy Liễu Nguyên, chùa Quan Âm ở Anaheim, và DVD Hoa Ưu Đài Nở của ni sư Giới Hương, chùa Hương Sen ở Perris.

    Trong số quan khách có 1 người Mỹ, ông thích ăn thức ăn Việt Nam, thích nghe nhạc Việt Nam. Khi ca sĩ Quan Kiều cất tiếng hát, ông khách người Mỹ này lắng nghe, chia sẻ và nguyện cầu. Đến sinh nhật của nhạc sĩ Nam Hưng, nhà hàng sắp đóng cửa, mọi người ra về còn lưu luyến, đứng ở chỗ đậu xe còn nói chuyện tiếp, hình như tình cảm của người và người không bao giờ hết.

    NHÀ VĂN KHÁNH LAN RA MẮT SÁCH

    Kiều Mỹ Duyên đến chúc mừng nhà văn Khánh Lan trong buổi ra mắt sách

    Nhà văn Khánh Lan trẻ và đẹp là con dâu của Nhà thơ Úy Việt Cường Lưu Tấn Lâm, ra mắt 4 quyển sách ở thành phố Westminster, đó là: Vài Nét về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại, Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh và Thám Tử Lê Minh.

    Nhà văn trẻ này sáng tác một cách hăng say. Ông bà mình thường nói hậu sinh khả úy, nghĩa là người trẻ sẽ vượt qua người đi trước, con hơn cha nhà có phước.

    Một buổi ra mắt sách vô cùng long trọng với sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng trong cộng đồng như thi sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Nguyễn Duy Quang, nhà văn Phạm Gia Đài, ký giả Thanh Phong, giáo sư Dương Ngọc Sum, giáo sư Nguyên Di, Quỳnh Giao.

    Những bóng hồng tha thướt trong những chiếc áo dài rực rỡ đón khách từ ngoài cửa vào trong phòng họp, đa số là phụ nữ, có sự hiện diện của 3 thế hệ. 

    Nhà văn Khánh Lan là ngôi sao sáng hôm nay trong chiếc áo dài màu hồng lóng lánh kim tuyến, tất bật ký tên vào sách để tặng khách. Những bậc trưởng thượng như giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Trần Phong Vũ, thi sĩ Dương Hồng Anh, ký giả Thanh Phong, sách tặng đã ký sẵn. Người nào cũng thích chụp hình chung với tác giả.

    Ca Sĩ Mạnh Bổng, phu quân của tác giả rất đẹp trai nhưng ít người biết vì không ở bên cạnh vợ. Nhiều người có vợ đẹp, đến giữa đám đông thường đứng hoặc ngồi bên cạnh vợ, nhưng Mạnh Bổng lại khác, chạy tới chạy lui lo hậu trường cho vợ.

    Ban nhạc và ca sĩ đến rất sớm. Trên sân khấu hết người này đến người khác trình diễn. Âm nhạc rất quyến rũ con người, nơi nào có âm nhạc, có thơ văn thì có người đến đông. Các bài hát tuyệt vời qua các giọng hát truyền cảm của Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Thụy Lan, Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Mạnh Bổng, Bùi Quỳnh Giao, Đạt Tiêu, Đào Minh Tâm và Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian. Ra mắt sách mà không nói về sách, mà hát thì nhiều hơn, có lẽ để đồng hương tự đọc, tự thưởng thức cái hay của sách?

    Nữ sĩ Dương Hồng Anh đã gửi tặng hai bài thơ chúc mừng ngày ra sách của Khánh Lan. Nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng hòa âm bài “Ngày vui hộn ngộ.” Ca nhạc sĩ Lâm Dung hòa âm và hát trình diễn nhạc phẩm “Xa quê hương của Khánh Lan. 

    Khán giả  là thân hữu của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

    Trong số quan khách tham dự ngày ra mắt sách có thân phụ của tác giả, cựu Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông rất hãnh diện về con gái của mình, nhưng ông rất khiêm tốn chỉ cười khi có người khen con gái của ông.

    Tác giả không nói nhiều, chỉ nói mình viết việc thật, không hư cấu, viết với trái tim cảm xúc của mình. Những diễn giả nói về sách của Khánh Lan: Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di và nhà văn Trần Phong Vũ. Những người đọc sách để phát biểu là những người nhiều công phu nhất. Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Việt Hải, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Ngọc Cường, nhà văn Vương Trùng Dương, và nhà văn Dương Viết Điền đã viết lời tựa cho sách.

    Nhà báo Thanh Phong, Phạm Khanh- đài truyền hình Little Saigon, Minh Trương- Saigon TV đến phỏng và viết phóng sự, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiều Minh, Lê Hùng và Phú Lê Văn chụp hình lưu niệm.

    Ông bà Susan và John Tạ bảo trợ buổi ra mắt sách và các mạnh thường quân anh Ngô Thiện Đức, cô Vi Anh (chủ nhiệm nguyệt san Việt Media), Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Kiều Mỹ Duyên, nhà thơ Yên Sơn, nhà văn Dương Viết Điền, Hoàng Giang, Thu Dung, Vee Hương và Thành Nguyễn.

    Mọi người xúc động khi thấy nhà văn Việt Hải lên sân khấu với cây gậy trong tay, hay giáo sư Dương Ngọc Sum, bà Nga Nguyễn (phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên) hoặc nữ sĩ Dương Hồng Anh bước từng bước thật chậm, nhưng nụ cười vẫn tươi.

    Đến những buổi ra mắt sách như thế này mới thấy tình người rất đậm đà. Thế hệ trước nâng đỡ thế hệ sau trong vấn đề viết sách. Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã nâng đỡ nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bây giờ Việt Hải khuyến khích thế hệ thứ hai viết sách, tiếp nối những nhà văn đi trước. Công lao của những người nâng đỡ thế hệ trẻ nhiều lắm và nhiều lắm.

    Cuối tuần, chúng tôi chạy hết chỗ này đến chỗ khác, cho nên không ở một chỗ tham dự từ đầu đến cuối. Rất tiếc, rất tiếc, nếu có cơ hội ở tới giờ chót, sau khi quan khách về hết, ở lại sẽ nghe tác giả tâm tình nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

    Nói tóm lại, buổi ra mắt sách của Khánh Lan rất thành công. Truyền thông đến rất đông, tin tức được phổ biến khắp nơi trên thế giới, bà con ở xa cũng có thể đọc được trên báo, trên mạng, trên YouTube.

    Hy vọng những người trẻ tiếp tục viết, trong đó có Khánh Lan, sẽ xuất bản đều đều để cho độc giả khắp nơi thưởng thức những tác phẩm mới, viết về người thật, việc thật bằng cảm xúc thật.

    Kiều Mỹ Duyên

  • Kiều Mỹ Duyên,  Tin tức

    NHÀ VĂN KHÁNH LAN RA MẮT SÁCH

    VIỄNNĐÔNG DAILY. Monday, 27/09/2021 – 05:40:10

    Sinh hoạt cuối tuần. Bài KIỀU MỸ DUYÊN

    Kiều Mỹ Duyên đến chúc mừng nhà văn Khánh Lan trong buổi ra mắt sách

    Nhà văn Khánh Lan trẻ và đẹp là con dâu của nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm, ra mắt 4 quyển sách ở thành phố Westminster, đó là: Vài Nét về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại, Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh và Thám Tử Lê Minh.

    Nhà văn trẻ này sáng tác một cách hăng say. Ông bà mình thường nói hậu sinh khả úy, nghĩa là người trẻ sẽ vượt qua người đi trước, con hơn cha nhà có phước.

    Một buổi ra mắt sách vô cùng long trọng với sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng trong cộng đồng như thi sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Nguyễn Duy Quang, nhà văn Phạm Gia Đại, ký giả Thanh Phong, giáo sư Dương Ngọc Sum, giáo sư Nguyên Di, giáo sư Trần Huy Bích, nhà văn kiên nhà báo Trần Phong Vũ, v.v…Những bóng hồng tha thướt trong những chiếc áo dài rực rỡ đón khách từ ngoài cửa vào trong phòng họp, đa số là phụ nữ, có sự hiện diện của 3 thế hệ. 

    Nhà văn Khánh Lan (áo dài hồng) đang ký tặng sách.

    Nhà văn Khánh Lan là ngôi sao sáng hôm nay trong chiếc áo dài màu hồng lóng lánh kim tuyến, tất bật ký tên vào sách để tặng khách. Những bậc trưởng thượng như giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Trần Phong Vũ, thi sĩ Dương Hồng Anh, ký giả Thanh Phong, sách tặng đã ký sẵn. Người nào cũng thích chụp hình chung với tác giả.

    Mạnh Bổng, phu quân của tác giả rất đẹp trai nhưng ít người biết vì không ở bên cạnh vợ. Nhiều người có vợ đẹp, đến giữa đám đông thường đứng hoặc ngồi bên cạnh vợ, nhưng Mạnh Bổng lại khác, chạy tới chạy lui lo hậu trường cho vợ.

    Ban nhạc và ca sĩ đến rất sớm. Trên sân khấu hết người này đến người khác trình diễn. Âm nhạc rất quyến rũ con người, nơi nào có âm nhạc, có thơ văn thì có người đến đông. Các bài hát tuyệt vời qua các giọng hát truyền cảm của Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Thụy Lan, Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Mạnh Bổng, Đắc Triều, Hồng Quyên, Đào Minh Tâm và Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian. Ra mắt sách mà không nói về sách, mà hát thì nhiều hơn, có lẽ để đồng hương tự đọc, tự thưởng thức cái hay của sách?

    Nữ sĩ Dương Hồng Anh đã gửi tặng hai bài thơ chúc mừng ngày ra sách của Khánh Lan. Nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng hòa âm bài “Ngày vui hộn ngộ.” Ca nhạc sĩ Lâm Dung hòa âm và hát trình diễn nhạc phẩm “Xa quê hương của Khánh Lan.  

    Khán giả ngồi bên dưới đều là thân hữu quen biết nhau từ trước,
     và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

    Trong số quan khách tham dự ngày ra mắt sách có nhà thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm. Ông rất hãnh diện về con dâu của mình, nhưng ông rất khiêm tốn chỉ cười khi có người khen con dâu của ông.

    Tác giả không nói nhiều, chỉ nói mình viết việc thật, không hư cấu, viết với trái tim cảm xúc của mình. Những diễn giả nói về sách của Khánh Lan: Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di và nhà văn Trần Phong Vũ. Những người đọc sách để phát biểu là những người nhiều công phu nhất. Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Việt Hải, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Ngọc Cường, nhà văn Vương Trùng Dương, và nhà văn Dương Viết Điền đã viết lời tựa cho sách.

    Nhà báo Thanh Phong, Phạm Khanh- đài truyền hình Little Saigon, Minh Trương- Saigon TV đến phỏng và viết phóng sự, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiều Minh, Lê Hùng và Phú Lê Văn chụp hình lưu niệm.

    Ông bà Susan và John Tạ bảo trợ buổi ra mắt sách và các mạnh thường quân anh Ngô Thiện Đức, cô Vi Anh (chủ nhiệm nguyệt san Việt Media), Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Kiều Mỹ Duyên, nhà thơ Yên Sơn, nhà văn Dương Viết Điền, Hoàng Giang, Thu Dung, Vee Hương và Thành Nguyễn.

    Mọi người xúc động khi thấy nhà văn Việt Hải lên sân khấu với cây gậy trong tay, hay giáo sư Dương Ngọc Sum, bà Nga Nguyễn (phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên) hoặc nữ sĩ Dương Hồng Anh bước từng bước thật chậm, nhưng nụ cười vẫn tươi.

    Đến những buổi ra mắt sách như thế này mới thấy tình người rất đậm đà. Thế hệ trước nâng đỡ thế hệ sau trong vấn đề viết sách. Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã nâng đỡ nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bây giờ Việt Hải khuyến khích thế hệ thứ hai viết sách, tiếp nối những nhà văn đi trước. Công lao của những người nâng đỡ thế hệ trẻ nhiều lắm và nhiều lắm.

    Cuối tuần, chúng tôi chạy hết chỗ này đến chỗ khác, cho nên không ở một chỗ tham dự từ đầu đến cuối. Rất tiếc, rất tiếc, nếu có cơ hội ở tới giờ chót, sau khi quan khách về hết, ở lại sẽ nghe tác giả tâm tình nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

    Nói tóm lại, buổi ra mắt sách của Khánh Lan rất thành công. Truyền thông đến rất đông, tin tức được phổ biến khắp nơi trên thế giới, bà con ở xa cũng có thể đọc được trên báo, trên mạng, trên YouTube.

    Hy vọng những người trẻ tiếp tục viết, trong đó có Khánh Lan, sẽ xuất bản đều đều để cho độc giả khắp nơi thưởng thức những tác phẩm mới, viết về người thật, việc thật bằng cảm xúc thật.

    Kiều Mỹ Duyên