Cáo phó - Phân Ưu,  Khánh Lan,  Kiều Mỹ Duyên,  Tin tức

SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CUỐI TUẦN

LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

Kiều Mỹ Duyên tường trình

Lễ tưởng niệm 100 ngày mất khoa học gia, cựu tư lệnh Không Quân, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove) do Viện Việt- Học tổ chức.

            Thứ bảy ngày 5 tháng 11 năm 2022, nhiều sinh hoạt cộng đồng người Việt ở miền Nam California tổ chức cùng giờ, cùng ngày. Nơi nào có sinh hoạt cũng có đồng hương đến đông đảo. Tại Thư Viện Việt Nam, đường Westminster thành phố Garden Grove, Viện Việt- Học tổ chức kỷ niệm 100 ngày tưởng nhớ giáo sư, khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân điều hợp chương trình.

            Thư mời được nhà văn Trần Việt Hải gửi đi khắp nơi, gửi nhiều lần, ngoài học trò của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của trường Chu Văn An, Sài Gòn, còn có sự hiện diện của các chiến sĩ Không Quân, khoa học gia, bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, v.v. đến tham gia rất đông. Hội trường không còn một chỗ ngồi, một số anh chị em đứng ở ngoài hành lang của thư viện.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (1930-2022)

Khi chúng tôi đến, giáo sư Phạm Thị Huê đang phát biểu tỏ lòng kính trọng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài văn chương và khoa học gia. Ông lấy bút hiệu Toàn Phong để sáng tác văn chương. Tác phẩm “Đời Phi Công” của Nguyễn Xuân Vinh đã đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Năm 1991, cuốn sách “Theo Ánh Tinh Cầu” của ông được nhà xuất bản Đại Nam xuất bản, đã được tiêu thụ hết ngay trong năm đầu. Ông còn một tác phẩm khác là “Gương Danh Tướng” được sáng tác năm 1956.

            Một ngày làm nhà giáo suốt đời làm nhà giáo, ngoài là tư lệnh Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết sách không ngừng nghỉ, những tác phẩm ông để lại cho đời rất hữu ích cho thế hệ mai sau.

Các văn nghệ sĩ đến tham dự lễ tưởng niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh rất đông.

Ông Trần Văn Sùng đến từ San Diego, ông vừa nói vừa nức nở như khóc, ông thương tiếc một người tài đã ra đi dù giáo sư Vinh về với Chúa khi đã 92 tuổi.

            Khoa học gia Cai Văn Khiêm tỏ lòng thương tiếc một nhân tài đã ra đi, có lẽ tất cả đồng hương hiện diện trong ngày tưởng niệm không ai muốn giáo sư Vinh ra đi.

Nhà văn Khánh Lan nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
 

Nhà văn Khánh Lan xinh đẹp, duyên dáng nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và trong câu chuyện nhà văn trẻ này nhắc đến nhà văn Việt Hải nhiều lần trước khi Việt Hải lên diễn đàn.

            Nhà văn Việt Hải vừa phát biểu cảm tưởng vừa nuốt nước mắt, có lúc nhà văn nghẹn ngào như nói không ra lời. Nhà văn rất thành thật nói:

            – Cho tôi được ngồi, nếu tôi đứng một chút nữa tôi sẽ té.

Nhà văn Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà
nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản

Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản và sẽ xuất bản tiếp. Nhà văn Việt Hải để rất nhiều cảm tình của mình trong giọng nói nghẹn ngào. Nhiều người kể cho tôi nghe lúc tiễn đưa giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lên đường, Việt Hải đã khóc, bây giờ cũng nức nở.

            Cô Hoa, vợ của Việt Hải đưa chồng lên trước sân khấu, chăm sóc chồng từng tí. Thật hạnh phúc cho những người có gia đình ấm cúng, và hạnh phúc cho những người lý tưởng sống với nhau.

Kiều Mỹ Duyên đến tham dự lễ tưởng niệm 100 ngày mất của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cùng các anh chị em nghệ sĩ. (Xướng ngôn viên, ca sĩ Hương Thơ đứng ngoài cùng bên phải)

Những phụ nữ tham dự trong chiếc áo dài tha thướt, trong đó có ca sĩ Hương Thơ, người nào cũng đẹp nhưng nam thì nhiều còn nữ thì ít, đặc biệt những người yêu chuộng văn nghệ đều có mặt.

            Khoa học gia Cai Văn Khiêm trong hội Bình Định Tây Sơn, bác sĩ Lê Đình Phước, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ký, Không Quân hiện diện trong buổi lễ tưởng niệm này, bác sĩ đỡ đầu cho giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vào đạo Công Giáo.

            Nguyện cầu giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hưởng nhan Thánh Chúa. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Viện Việt-Học chân thành cảm ơn quý Hội, quý giáo sư và quý anh chị em đã cùng gia đình của giáo sư và Viện Việt- Học tổ chức Lễ Tưởng Niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh chân tình và cảm động.

KIỀU MỸ DUYÊN, Orange County, 7/11/2022

(kieumyduyen1@yahoo.com)

—————————————————————————————————————–

LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

Khánh Lan tường trình từ California.

Buổi lễ tưởng nhớ đến vị giáo sư khả kính Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài của thế giới văn học đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và thân mật tại THƯ VIỆN VIỆT NAM thuộc thành phố Garden Grove, tiểu bang California ngày 05 tháng 11 măm 2022 do Gia Đình Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Hội Ái Hữu CHS Bưởi-Chu Văn An Nam California, Hội Ái Hữu Không Quân, Hội Giáo Chức Việt Nam California, Hùng Sử Việt, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, Nguyệt San KBC và Viện Việt Học đồng tổ chức.

Ngoài hành lang, các hình ảnh và những giải thưởng mang tên GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh được ban tổ chức trưng bày rất cẩn thận, chu đáo và đẹp mắt.

Bước vào bên trong hội trường, căn phòng đã đông nghẹt người, những hàng ghế đã kín/đầy người ngồi. Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng đến tham dự. Ngoài hành lang cũng chật cứng người, bởi không có ghế ngồi nào trống.

Khoảng 10 phút sau 10:30 sáng, khi Chị Kim Ngân, giám đốc của Viện Việt Học mở đầu chương trình và thay mặt cho bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cám ơn tất cả các quan khách hiện diện, thì cả hội trường trở nên yên lặng để tỏ lòng kính trọng người quá cố. Theo sau là Lễ chào quốc kỳ Việt, Mỹ và phút mặc niệm.

Sau phần nghi lễ, Cô Kim Ngân trở lại với tiểu sử của cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, đồng thời giới thiệu slideshow về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS do nguyệt san KBC thực hiện, ghi lại đầy đủ hình ảnh từ khi Cố GS nhập ngũ cho đến khi ông từ giã cõi trần.

Giáo Sư Trần Huy Bích

GS Tiến Sĩ Trần Huy Bích nói về những tác phẩm của văn học nổi tiếng của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Cũng như quyển sách mới nhất “Thiên Chức Của Một Nhà Giáo” sẽ do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuận đảm nhiệm và phát hành.

Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh

Chương trình tưởng nhớ Cố GS Toàn Phong chấm dứt khoảng 12:30 pm sau khi Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cảm tạ các quan khách, bà cũng không quên mời mọi người ở lại dùng bữa ăn trưa thân mật do chính tay bà các bạn bè cùng nấu. Phần phụ diễn văn nghệ gồm 4 bài hát do các ca sĩ của Viện Việt Học và Tiếng Thời Gian đảm trách.

Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Vĩnh biệt Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Xin Thiên Chúa toàn năng rước linh hồn ông về cùng hưởng an vui bên cạnh nhan thánh Ngài.

Khánh Lan

VỀ MỘT NGƯỜI VỪA MỚI RA ĐI: GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH,

Viết bởi: KIỀU MỸ DUYÊN

Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh- nhà khoa học người Việt được NASA vinh danh. Ông đã vạch ra quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên mặt trăng.Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được Hội Khoa Học Không Gian Hoa Kỳ tuyển chọn trao giải thưởng Dirk Brouwer về những thành tích và phục vụ của ông trong ngành cơ học phi hành không gian.

Khi nghe giáo sư Nguyễn Xuân Vinh bệnh, nhiều người cầu nguyện cho giáo sư sớm khỏi bệnh. Nhiều người định đi thăm giáo sư nhưng cứ nghĩ để cho người bệnh nghỉ ngơi, đến thăm nhiều không nên, nhưng những người ở xa về chơi Orange County nhất định phải đến thăm ông. Giáo sư Phạm Thái ở San Jose về Orange County họp mặt liên trường và đồng hương Tây Ninh nói với chúng tôi trước khi lên xe trở lại San Jose:

            – Chị ơi, giáo sư Vinh yếu lắm rồi, chắc không qua khỏi trong 2 tuần nữa.

Hôm nay, khi giáo sư Vinh qua đời, 1 giờ đồng hồ sau tôi được tin, chúng tôi gọi ngay cho giáo sư Phạm Thái. Ông nói:

            – Chúng tôi đợi tin tức gia đình để xem ngày nào an táng, chúng tôi sẽ đến thăm giáo sư Vinh lần cuối.

Chúng tôi còn nhớ vào thập niên 60, chúng tôi đang học ở Úc, tình cờ đọc báo thấy tin tức giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là khoa học gia. Chúng tôi rất hãnh diện về khoa học gia Việt Nam có tài làm phi thuyền lên cung trăng. Chúng tôi mua ngay một tấm thiệp chúc mừng, anh chị em du học ở Canberra, thủ đô của Úc, viết lời chúc mừng rồi gửi sang tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa nhờ chuyển đến giáo sư Vinh.

Bẵng đi một thời gian rất lâu mấy chục năm sau, chúng tôi gặp lại giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ở đại học Michigan, hội thảo toàn nước Mỹ về người tị nạn ở đại học này. Những thành viên tham dự hội thảo có giáo sư Vũ Quốc Thùy, con trai của giáo sư Vũ Quốc Thúc, giáo sư của trường đại học luật khoa Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Xuân Vinh đang dạy, giáo sư cũng là một diễn giả thuyết trình trong tuần lễ hội thảo đó. Người tham dự đại hội ở luôn trong trường học, buổi trưa khi ra phòng ăn, chúng tôi may mắn được ngồi đối diện giáo sư. Chúng tôi nhắc lại tấm thiệp chúc mừng mà chúng tôi đã gửi đến giáo sư sau khi phi hành đoàn bình yên trở về.

Chúng tôi cũng nhớ một chuyện tình rất đẹp trong tiểu thuyết ngắn “Đời Phi Công” của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh, bút danh Toàn Phong. Chúng tôi nói ngay:

            – Thưa giáo sư, giáo sư trả nợ cho tôi!

            Giáo sư Vinh ngạc nhiên hỏi:

            – Tôi thiếu nợ cô hồi nào mà cô đòi nợ tôi?

            Tôi trả lời:

            – Vì tôi đọc “Đời Phi Công” của giáo sư cho nên khi đến Paris, tôi vội vã đến bờ biển Nice để xem cát vàng lóng lánh qua ngòi bút miêu tả của giáo sư bờ biển Nice vô cùng quyến rũ. Chúng tôi cất công, tốn tiền đến đó, nhưng than ôi đến bờ biển Nice rồi, chúng tôi vỡ mộng vì bờ biển Nice không đẹp bằng biển Nha Trang. Như thế giáo sư phải đền phí tổn cho chúng tôi phải không?

            Giáo sư Vinh hỏi chúng tôi:

            – Cô đến Nice một mình hay đi với nhiều người?

Tôi trả lời:

            – Đi với nhiều người.

Giáo sư Vinh nói ngay:

            – Đi với nhiều người làm sao thấy được cát vàng lóng lánh?

Sau này đến Mỹ, chúng tôi có dịp gặp lại ông bà giáo sư Vinh ở miền Nam California khi có hội họp tổ chức ở đây.

Có lần, trong buổi cơm, tôi ngồi gần ông bà, tôi hỏi phu nhân của giáo sư Vinh:

            – Phượng trong tiểu thuyết “Đời Phi Công” có phải là chị không?

Phu nhân giáo sư Vinh trả lời:

            – Nếu ai yêu không quân thì đều là Phượng.

Hai ông bà người nào cũng rất thông minh, trả lời như không trả lời.

Tiểu thuyết ngắn “Đời Phi Công” của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sáng tác năm 1959, bút hiệu Toàn Phong. Đạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961. Tiểu thuyết dài 53 trang, gồm 9 chương: Đường đời muôn vạn nẻo, Ánh sáng kinh thành, Trăng dãi Bắc Phi, Gió Hải Hồ, Có một đàn chim, Hội mùa hoa, Hẹn

một ngày về, và Tiếng gọi lên đường.

… Đêm nay có một anh chàng

ngồi giữa ánh sáng kinh thành

mà nhớ đến quê hương…

… Mang thân làm cánh chim,

ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm …

… Để chờ đợi một ngày mai hạnh phúc,

Có những mùa xuân đôi trẻ con gửi cho nhau

những cánh hoa kèm theo những câu chúc tâm tình …

… Mang thân ra đi để che mưa gió

là các anh muốn cho những người như em

được mãi mãi sống trong bầu không khí thanh bình …

… Ra đi vì nhiệm vụ

bao giờ thanh bình

con xin trở lại mái tranh xưa …

Khi đi thuyết trình ở đại học Berkeley, trên đường về tôi đổi chuyến bay từ San Jose về Orange County để thăm một số người thân, trong đó có giáo sư Vinh và gia đình. Tôi đi xe từ San Francisco về thăm ông bà giáo sư Vinh, ở trong một căn nhà xa thành phố, đường vào nhà cây cỏ xanh mướt. Chị Vinh ngồi xe lăn đón tôi ở phòng khách, chị hỏi:

            – Cô lên đây hồi nào?

Chị đưa tay chỉ ly nước và đĩa trái cây, mời tôi:

            – Cô uống nước và dùng trái cây.

Giáo sư Vinh chào tôi và nói:

            – Cô ở nhà với bà xã tôi, tôi đi họp với hội cựu tù nhân chính trị.

Ngồi nói chuyện với chị Vinh một chút, chị gầy hẳn đi, khác với ngày tôi gặp chị, khuôn mặt chị xanh xao, nhưng chị không than khi tôi hỏi về sức khỏe của chị. Có một cô em kề cận chăm sóc cho chị.

Tôi kể cho chị nghe về sinh viên Berkeley rất quan tâm đến chính trị, đề tài của tôi thuyết trình là: Làm thế nào để trở thành triệu phú? Sinh viên Berkeley đặt câu hỏi về chính trị nhiều hơn về kinh tế, trái với sinh viên của Cal State Fullerton và Long Beach, mà tôi đã từng thuyết trình nhiều năm qua. Tôi cũng nói với chị về tờ báo của trường đại học Berkeley rất lớn, nhiều tầng lầu, tờ báo rất xuất sắc. Chị Vinh hỏi tôi về những người chị quen ở Orange County có gặp họ thường không?

Tôi muốn kể cho chị nghe nhiều chuyện nữa nhưng sợ chị mệt, với lại đến giờ phải ra phi trường nên tôi xin giã từ. Ra đến cửa, tôi quay đầu lại vẫy tay chào chị, bàn tay yếu ớt của chị đưa lên chào tôi. Tôi hy vọng gặp lại chị lần nữa nhưng khi tôi vừa về đến Orange County vài tuần thì nghe tin chị được đưa vào nhà thương. Sau đó mấy tuần, chị mất.

Hôm nay, nghe tin giáo sư Nguyễn Xuân Vinh qua đời, gia đình, người thân, bạn bè, học trò của giáo sư trên thế giới, và đồng hương yêu quý ông đang cầu nguyện cho giáo sư sớm về hưởng nhan Thánh Chúa.

Orange County, 25/7/2022

KIỀU MỸ DUYÊN, (kiuemyduyen1@yahoo.com)