CHỮ TÂM TRONG TRUYỆN KIỀU
Khánh Lan biên soạn
CHỮ TÂM TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU
Trong bài viết về chữ TÂM của tác giả Lê Ánh, ông đã bàn về chữ CHỮ TÂM TRONG ĐẠO PHẬT và cho rằng chữ TÂM gắn liền với đời sống của con người và trong đạo Phật. Theo giáo lý nhà Phật: Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”. “Nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là: “Mọi sự việc đều do tâm tạo ra”. Về phần này tác giả Lê Ánh nói rất chi tiết trong bài viết của ông về chữ CHỮ TÂM TRONG ĐẠO PHẬT, nên người viết xin không đi sâu vào chi tiết này, mà đi thẳng vào phần “CHỮ TÂM TRONG TRUYỆN KIỀU” của Nguyễn Du. Trong truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du khi luận về “chữ Tài chữ Mệnh”, ông viết: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nhưng khi kết thúc câu truyện luận về chữ Tài và chữ Mệnh, ông lại kết luận với hai câu thơ:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Phải chăng Nguyễn Du cho rằng Tâm quan trọng hơn Tài? Tại sao lại có sự so sánh giữa “Tài và Tâm”. Tâm đồng nhất với thiện tâm, tâm tính nhân hậu. Hai câu thơ trên có nghĩa là: Con người sinh ra đã sẵn có “cái thiện” trong lòng và tấm lòng quý giá hơn tài năng. Như vậy, có phải Tâm là gốc, là nền nền móng, là căn cốt và là cội rễ của nhân cách con người? Dưới lăng kính của Nguyễn Du về Tâm và Tài thì đó là hai từ ngữ không thể tách rời. Nếu có Tài mà không có Tâm, thì cái Tài đó thật sự chẳng có ý nghĩa mà còn có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Một khi con người không có Tâm thì vô tri giác, thiếu tình cảm, sống hời hợt, không cảm thông cho nỗi khổ của những kể khốn cùng.
Nếu chữ TÂM trong đạo Phật là “từ, bi, hỷ, xả” thì chữ TÂM trong Truyện Kiều bao hàm “Nghiệp và Mệnh”. Tâm “thiện” hay “ác” sẽ quyết định cho “hành động”, từ đó tạo nên nghiệp và số mệnh tương ứng. Như vậy, ta thấy truyện Kiều không đơn thuần mang tư tưởng Phật giáo mà còn có cả tư tưởng Nho giáo. Theo Giáo sư Trần Đình Sử, Tâm là chân như, tĩnh tại, đồng cảm, thương người, ông cho rằng chữ Tâm trong Truyện Kiều là sự gặp gỡ luồng tư tưởng của hai bậc Nho gia và Phật gia. Nhưng, chữ Tâm trong Truyện Kiềukhông đồng nhất với chữ Tâm của nhà Phật bởi Nguyễn Du không coi sự diệt dục là quan trọng như lời Phật dạy. Truyện Kiều là câu “truyện thế tục”, kể về một cái Tâm thế tục cao thượng, tuy không đạo đức siêu hình nhưng không tầm thường dung tục.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần nhắc đến chữ Tâm. Thí dụ:“Từ tâm” xuất hiện qua lá thơ Kiều thề nguyền đồng tâm cùng Kim Trọng; “lễ tâm” khi chạy án cho hai cha con Vương Ông; “hiếu tâm” thể hiện qua câu “lửa tâm càng dập, càng nồng“, lửa lòng, lửa ghen cháy trong lòng Hoạn Thư và “tâm thành” khi Kiều bán mình chuộc cha. Ở đây ta thấy chữ Tâm luôn đi kèm với một từ khác, để biểu hiệu cho một khái niệm có liên quan đến chữ Tâm. Khi chữ Tâm đứng độc lập thì nó có nghĩa là lương tâm, đạo đức; nhân ái, vị tha; khoan dung, nhân hậu; cảm thông, sẻ chia, v.v…
Để hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về chữ Tâm trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu chú tâm vào vào hai lãnh vực: Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu chữ Tâm qua hành động của một vài nhân vật điển hình như: Thúy Kiều, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến… Trong phạm vi này, nhà nghiên cứu phân tích tiểu sử của câu truyện để tìm hiểu về bối cảnh văn hóa, xã hội của tác phẩm cũng như tiểu sử của tác giả để thu góp những tài liệu xác thực chứng minh cho tác động, tư tưởng và bối cảnh thực tại khiến có sự ra đời của tác phẩm. Phương pháp phân tích nhân vật nhằm thu nhặt khái quát những nét đặc trưng của cái Tâm trong tác phẩm. Phương pháp văn hóa học được sử dụng để khám phá những nét văn hóa đặc thù trong tác phẩm của nhà văn.
Theo tài liệu Wikipedia, Nguyễn Du sống trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, một giai đoạn với nhiều biến động trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước chia thành hai Đảng dưới sự cầm quyền của hai thế lực: Miền Bắc do Vua Lê và Chúa Trịnh thống trị, trong Nam là Chúa Nguyễn. Cả hai nơi đều do các thế lực phong kiến cầm quyền, nội bộ của bị phân hóa và yếu trong vai trò ổn định tình hình, lãnh đạo đất nước. Nguyễn Du đã sống qua cả ba thời đại: Lê-Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn và trải qua nhiều cuộc binh biến tàn khốc của các tập đoàn phong kiến cũng như các cuộc khởi nghĩa đòi quyền sống của tầng lớp nông dân. Ông đã chứng kiến tận mắt cảnh sống xa hoa, đồi trụy cũng như sự thống trị dã man, tàn ác của giai cấp phong kiến, đến cảnh đau khổ, nghèo đói, đày đọa và những áp bức bất công, cảnh nước mất nhà tan, kiếp người tài hoa bạc mệnh. Chính những biến cố của thời đại, của gia đình đã đẩy Nguyễn Du ra giữa cuộc đời lưu lạc và có nhiều tâm sự u uẩn. Niềm u uẩn ấy, được ông gửi gấm vào thi ca, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của ông.
Nghiên cứu nhân vật trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” hay “Truyện Kiều”. cho ta thấy những hành động xuất phát từ Tâm mà ra,như trong cảnh Thúy Kiều khóc thương Đạm Tiên là cái Tâm thành đưa đến từ tâm lý đồng cảm của Kiều qua hai câu thơ: “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.” [83 – 84]. Những nhân vật có Tâm nhân ái, lòng lương thiện là Thúy Vân, thùy mị, đoan trang, hồn nhiên, vô tư. Vương Quan có tư cách đứng đắn, đàng hoàng, nghiêm trang, hòa nhã: “Cũng trong nha dịch, lại là từ tâm;”. Nhân vật Từ Hải với khí tiết anh hùng là đại diện cho một hình ảnh nam nhân xuất sắc bên cạnh Kim Trọng.
Chữ Tâm trong truyện Kiều biểu hiện rõ nét cho một chữ “Tâm” trong triết lý Phật giáo thể hiện trong buổi đi chơi gặp mộ Đạm Tiên, sau khi nghe qua tiểu sử cuộc đời cô kỹ nữ xa lạ, Kiều liên tưởng đến mình: “Nỗi niềm tưởng đến mà đau, Thấy người nằm đó biết sau thế nào?” Trong tâm thức Kiều đã ngầm chứa những hạt giống khổ đau, bạc mệnh. Đó là điều Kiều cảm nhận được mà người khác không biết.
Trong đoạn cuối câu truyện, sau bao ngày chìm đắm trong bể khổ, Kiều từ bỏ trần tục để được sống thanh thản, nhẹ nhàng cũng là cái tâm của nho gia. Tâm thiền thể hiện qua sự tu hành của Kiều. Chữ Tâm trong Tâm lý học gồm “Thiền tâm”. Tâm tức lý. Nỗi nhớ mẹ, nhớ em, nhớ nhà, nhớ Kim Trọng đều là tâm lý mà cũng là thiện lý. Chữ Tâm của Nguyễn Du qua Kiều ghi nhận như một phép nhiệm mầu nơi cửa Phật qua câu thơ: “Cho hay giọt nước cành dương, Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên” hoặc“Mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng”. Vậy Kiều có thực sự chọn con đường tu hành là giải thoát? Có lẽ sẽ tùy theo độc giả phán quyết.
Tóm Lại:
Nguyễn Du mất đi, nhưng ông đã để lại những câu thơ lục bát bất hủ và một tuyệt tác có giá trị. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác văn học ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam, có ảnh hưởng sâu đậm sắc màu Phật giáo và Nho giáo. Truyện Kiều đã thấm vào trí nhớ, tâm hồn người Việt qua hai chữ Tâm-Tài. Trong tác phẩm, Nguyễn Du đã vẽ ra một Thúy Kiều có Tài nhưng bạc mệnh, nhưng với chữ Tâm thánh thiệnnhư ngọn đèn sáng soi lối đi cho Thúy Kiều trong những ngày cuối đời.
Tư tưởng của Nguyễn Du với tư cách là một đại Nho gia đã thể hiện rõ trong Truyện Kiều và chứng minh cho chúng ta thấy rằng, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết lý Nho giáo hòa quyện với triết học nhà Phật. Bởi bối cảnh của câu chuyện lệ thuộc vào hoàn cảnh chính trị, xã hội, tư tưởng của Việt Nam thời đó nên Truyện Kiều dễ dàng ghi sâu vào tâm trí người dân Việt cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội Việt Nam. Một lý do khác là tư tưởng Truyện Kiều có liên quan mật thiết đến đời sống người dân Việt, một dân tộc vốn coi trọng chữ trung và chữ hiếu.
Khánh Lan,
California, November 2022