PHÂN TÂM HỌC & TỰ LỰC VĂN ĐOÀN (TLVĐ)
Phân tâm học là một ngành gồm các học thuyết và kỹ thuật trị liệu tâm lý có nguồn gốc từ những công trình nghiên cứu dựa theo học thuyết của Sigmund Freud. Đây cũng là một học thuyết nghiên cứu về thế giới nội tâm của con người nhằm tìm ra lời giải thích cho những hành vi lập dị, khác thường, biểu hiện qua hành động mà kết quả có thể gây ảnh hưởng đến giá trị đạo đức và gây rắc rối trong xã hội. Trên thực tế, Phân tâm học ra đời chịu nhiều ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phi lý tính của Schopenhaur (1788-1860). Schopenhaur cho rằng xã hội chứa đầy sự mâu thuẫn, sự suy nghĩ thiếu minh mẫn và sự khốn cùng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người, từ những quá khứ không hoàn hảo bởi sự đổ vỡ của tình mẫu tử. Sự thất bại của khát vọng vinh quang từ cái nhìn đầy bi quan đối với cuộc sống hiện tại, khiến Schopenhauer trở nên thù hận đồng nghiệp, khinh bỉ và coi thường phụ nữ. Với ông: “Triết học là quay trở về với thế giới nội tâm của mình, là tìm tòi bản tính thật sự của con người và thế giới”.
Vậy thế giới nội tâm thật phải chăng là những gì tiềm tàng, ẩn dấu ở thế giới bên trong của con người mà học thuyết Phân tâm học là chìa khóa mở cửa cho các nhà tâm lý học nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý của con người trong thế giới nội tâm? Cái thế giới nội tâm ấy chính là cõi vô thức trong học thuyết của Freud và là cái đối tượng quan tâm và nghiên cứu của các nhà tâm lý học nổi tiếng ở châu Âu vào những năm 80 của thế kỷ XIX. Như vậy, chúng ta có thể định nghĩa rằng Phân tâm học là học thuyết nghiên cứu về thế giới bên trong của con người nhằm giải thích cho những hành vi khác thường mà con người không thể kiểm soát được, nó là phương pháp hữu hiệu để điều chỉnh lại những hành vi sai lạc ấy.
Ngày nay, Phân tâm học không những được sử dụng trong khoa học xã hội và nhân văn mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong những trường hợp khảo sát với những phân tích chuyên nghiệp như trong lãnh vực y học, phương pháp nghiên cứu tâm lý trong hoạt động tư pháp và ngay cả trong lãnh vực tâm linh, văn chương nghệ thuật, phim ảnh, v.v…dựa vào sự tìm ra “cái vô thức” của Freud nên học thuyết của Sigmund Freud đã có một ảnh hưởng rộng lớn đối với tư duy hiện đại cũng như cuộc sống của con người. Trong bài viết này, người viết chỉ nói trình bày tóm lược về các phương pháp nghiên cứu tâm lý: (Phần này được giải thích rõ ràng trong tác phẩm PHÂN TÂM HỌC VÀ ĐỜI SỐNG của NV Khánh Lan, xuất bản năm 2023).
Trong lãnh vực y học: Phân tâm học là một khoa dùng để chữa bệnh và được phân chia thành hai loại bệnh khác nhau:
- Bệnh do tổn thương gây ra: Do những ảnh hưởng khi bệnh nhân trực tiếp chứng kiến những dữ kiện khủng khiếp, tang thương trong cuộc sống như chiến tranh, bị lạm dụng (abuse), v.v… khiến nạn nhân mất hết hứng thú cũng như sở thích riêng của mình, họ luôn âu sầu ủ rũ, hay buồn vô cớ, cau có, cảm thấy chán nản, mệt mỏi, mất năng lượng, ăn mất ngon, sút cân, mất ngủ.
- Bệnh không do tổn thương gây ra: Từ thế kỷ XIX trở về trước, người ta cho rằng đây là “bệnh giả vờ”, “bệnh tưởng tượng”, “bệnh quỷ ám”, nhưng càng về sau, khoa học đã chứng minh rằng đây là nguyên nhân tiêu biểu cho “chứng cuồng loạn” (hystérie) và họ bắt đầu tìm những phương thức để chữa trị cho bệnh nhân. Đầu tiên là phương pháp “thôi miên” như trong trường hợp bệnh nhân của Jean Martin Charcot (1825-1893) và Sarah Bernheim (1844-1923). Sau đó người ta thay thế bằng cách dùng “cocaine” để chữa bệnh và sau cùng là phương pháp “phân tích tâm lý” do Joseph Breuer đề xướng.
Để có thể giúp người bệnh trở lại bình thường, các nhà cố vấn tâm lý cần phải thấu hiểu nguyên nhân gây bịnh, thông qua các phương pháp hỗ trợ như phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu, phân tích những sinh hoạt và tiểu sử của bệnh nhân. Ngày nay, Phân tâm học được ứng dụng trong việc chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần bằng cách tạo cơ hội cho bệnh nhân giải bày những uẩn khúc hay tâm trạng lo lắng của họ.
Trong hoạt động tư pháp: Hoạt động tư pháp là những hoạt động của các nhân viên tư pháp, nó có tính chất rất đa dạng, phức tạp và có những nét đặc thù riêng. Nghiên cứu tâm lý trong hoạt động tư pháp không những giúp cho các nhân viên tư pháp nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, bảo vệ pháp luật, giúp cho công tác được hoàn tất tốt đẹp. Khi sử dụng phương pháp nghiên cứu tâm lý, các nhân viên tư pháp phải tuân theo những nguyên tắc của phương pháp luận tâm lý học gồm: Phương pháp quan sát. Phương pháp đàm thoại & phỏng vấn. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ & tài liệu độc lập. Phương pháp thực nghiệm. Phương pháp trắc nghiệm. Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động. Phương pháp điều tra. Phương pháp nghiên cứu tiểu sử.
Trong niềm tin tôn giáo (Tâm linh) TheoGiáo Sư Quyên Di,Phật Giáo Thiền Tông đã đào tạo ra nhiều Phật tử Thiền Tông, am tường Phân Tâm Học và tâm lý trị liệu. Bởi phương pháp trị liệu tâm linh giúp con người thoát ra khỏi những đau khổ để hưởng hạnh phúc. Điều này rất gần với mục địch của Phân Tâm Học trị liệu. Muốn tránh đau khổ thì trạng thái tâm thần phải được thanh tịnh là quan trọng. Muốn hạnh phúc thì cần phải có tâm an lạc như thế ta mới có thể an nhiên tự tại và bình tâm đối phó với những khó khăn và nghịch cảnh. Đạo Phật dạy về tâm từ bi, khoan dung, bất bạo động qua thiền quán, chánh niệm bởi chúng sẽ giúp những người thực hành phương thức này đạt được sự an lạc nội tâm thực sự. Phật Giáo Thiền Tông khuyên người ta rũ bỏ những bám víu trần gian, sống vô chấp để tỉnh thức, thoát khỏi vọng niệm về một bản ngã không có thật, để có mối liên hệ hỗ tương và thể hiện lòng từ bi rộng rãi đối với xã hội, để cư xử tốt và tử tế hơn với tha nhân, từ đó mà được giải thoát khỏi đau khổ và hưởng hạnh phúc.
Trong lãnh vực văn chương nghệ thuật: Ngành Phân tâm học đã ảnh hưởng sâu rộng trong lãnh vực văn chương nghệ thuật và kịch nghệ. Các dẫn chứng điển hình như những tác phẩm văn chương nổi tiếng được chuyển thể thành phim ảnh, được nhiều độc giả/khán giả biết đến và lưu truyền cho đến ngày nay. Sigmund Freud cho rằng nhà văn là người khám phá ra cái vô thức. Để dẫn chứng cho lời phát biểu trên về sự liên quan giữa văn chương và Tâm lý học, Freud nghiên cứu hai tác phẩm “Edipe làm vua” của Sophocle và “Hamlet” của William Shakespeare. Freud cho rằng, “Nghệ sĩ là người có một trực cảm nhạy bén và có thể tiên tri về các hiện tượng mà bản thân anh ta không biết được nhưng Phân tâm học có thể khai phá những bí mật đó”. Trong lúc Freud tiến hành khảo sát quá trình sáng tạo của văn hào Dostoievski, ông phát giác được: Mặc cảm Oedipe, chính là chứng bệnh động kinh và sự ghét cha đã tạo nên những tác phẩm văn học lừng danh trên toàn thế giới của Dostoievski.
Một tác phẩm văn chương khác là Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu) của nhà văn người Pháp, Marcel Proust. Proust cho rằng “Đi tìm thời gian đã mất” là “Thời gian lại tìm thấy“. Nó có nghĩa là ông đã tìm ra lẽ sống của mình, là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Tất cả những hoạt động trong quá khứ là “thời gian đã mất” và việc biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo trong văn chương thì đó thật là thiên đường thật của những thiên đường đã mất. Cốt truyện “Đi tìm thời gian đã mất” có giá trị ở lối kiến trúc diễn đạt thâm sâu trong phần phân tích xuất sắc liên quan đến cái vô thức của Freud, bởi cho ta những cảm giác dào dạt, mộng tưởng, có giá trị cao và đượm nét triết tính. Những câu văn dài với dòng suy tư, hoài niệm, hồi ức là bằng chứng cho học thuyết Phân tâm học của Freud hiện diện trong lối viết văn của Proust.
KẾT LUẬN: Trong tất cả các nghiên cứu khoa học, chúng ta phải thừa nhận rằng tâm lý học là một khoa học huyền bí và khó có thể chứng minh hơn bất cứ bộ môn khoa học nào. Bởi đời sống tâm lý của con người có bản chất hư hư, thực thực, không minh bạch và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo Freud, tất cả mọi người đều sở hữu những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn mà chúng tiềm ẩn trong ký ức vô thức. Phân tâm học cho rằng mọi người có thể trải nghiệm và hiểu rõ trạng thái tâm trí hiện tại của họ bằng cách đưa nội dung của vô thức vào nhận thức hay ý thức. Đó là một phương cách hữu hiệu nhất để giải tỏa khỏi sự đau khổ về tâm lý cho chính mình. Phân tâm học cũng cho rằng hành vi của một người chịu ảnh hưởng bởi những động lực trong vô thức và đưa đến các vấn đề về cảm xúc tâm lý, chẳng hạn như triệu chứng trầm cảm và lo lắng thường bắt nguồn từ những xung đột giữa ý thức và vô thức. Vậy, phải chăng con người có khả năng phòng bị để bảo vệ mình khỏi những thông tin không tốt tiềm ẩn trong vô thức?
Thí dụ điển hình nhất là khi Freud giải thích về Giấc mơ. Theo ông Giấc mơ là “con đường hoàng đạo” dẫn đến vô thức, nó giữ vị trí hàng đầu trong sự phát triển của cuộc tự phân tích của Freud, ông cho rằng những tư liệu mà người nằm mơ nhớ và ghi nhận lại là những gì họ đã trải qua khi ngủ cũng như những ao ước lúc thức. Những dẫn liệu ấy đã giải thích cho những hành vi hoặc hoạt động khác thường trong đời sống hàng ngày, khởi nguồn từ những ham muốn bị dồn nén đã tiềm ẩn trong cõi vô thức. Freud đã nhận thấy giấc mơ là sự biểu lộ trá hình của một ham muốn bị lãng quên, là những mong ước thầm kín tiềm ẩn trong vùng vô thức tự biến đổi, chuyển hoán thành những hành động và lời nói mà người nằm mơ biết rõ nội dung, nguồn gốc, giá trị của nó. Khi giấc mơ được đem ra phân tích trong trạng thái thức là vì nó đã được chuyển tải từ vùng vô thức sang vùng ý thức. Nó đã trở thành một câu chuyện kể khi nằm mộng và nhớ ra trong lúc tỉnh táo. Đó là giây phút mà vùng ý thức hoạt động trở lại trong người nằm mơ. Hoạt động của giấc mơ thể hiện qua hành vi của cảm giác, những ý tưởng cụ thể như niềm vui, nỗi buồn, sự chán chường hoặc sự thay đổi giữa tình cảm (xúc cảm).
Những công trình nghiên cứu của Sigmund Freud để lại cho các chuyên khoa tâm lý là những nền tảng căn bản trong việc nghiên cứu cõi vô thức của con người. Theo như Tu Sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, khi ngài đối chiếu với học thuyết phân tâm của Freud, ngài nhận thấy có nhiều điểm trong đời sống tâm lý bản thân trùng khớp với những gì mà Freud đã trình bày trong học thuyết của ông. Tu Sĩ Giuse Nguyễn Công kết luận “Sigmund Freud đã mở ra cho các nhà tâm lý một hướng đi mới, đặt một nền tảng mới khi nghiên cứu về con người dưới cái nhìn tâm lý”. Ngài cho rằng:
“Phân tâm học của Sigmund Freud có một ý nghĩa lớn đối với những ai muốn tìm hiểu các hiện tượng tâm lý của con người, nhất là cõi vô thức”.
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN (TLVĐ) xuất hiện vào lúc mà văn học Việt Nam vừa trải qua 30 năm đầu thế kỷ XX, một nền văn học mang tính chất giao thời do sự chuyển đổi của nền văn học dân tộc từ mô hình văn học Đông Á trung đại truyền thống, lấy văn – thơ – phú – lục làm căn bản, sang mô hình văn học hiện đại của thế giới dựa trên các thể thơ, kịch nói, văn xuôi, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình, v.v... Năm 1934 Nhất Linh thành lập TLVĐ gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu tiêu biểu cho mô hình này.
Các thành viên trong TLVĐ đều trải qua một tuổi thơ khốn khó về vật chất lẫn tinh thần, họ lớn lên giữa buổi giao thời của tư tưởng cũ-mới, giữa phong kiến-tân thời khiến họ nung nấu ý chí cải cách phong hóa những hủ lậu của xã hội. Mục đích của TLVĐ là loại trừ lối văn chịu ảnh hưởng Nho học và đề cao tinh thần xây dựng canh tân xứ sở nhằm đưa giá trị tình yêu quê hương dân tộc, tinh thần vị tha tự lập, phục vụ đời sống người dân lao động, chủ trương đả phá, chống đối những phong tục tập quán phong kiến như trong hai tác phẩm tiêu biểu nhất của khuynh hướng này là cuốn Đoạn tuyệt (1934) và Lạnh lùng (1936)… TLVĐ muốn dùng ngòi viết để nâng cao giá trị nhân phẩm của con người khởi nguồn từ những bài trào phúng, đem tiếng cười để chế giễu những thói hư, tật xấu, của những nhân vật “tai to mặt lớn“. Những nhân vật như “Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh” là ba mẫu người điển hình mà TLVĐ dựng lên để ám chỉ các nhân vật này trong bài viết của họ.
Cuối những năm 1930-1940, sự sinh hoạt và tồn tại của nhóm TLVĐ trong đời sống văn học đã suy giảm và trở nên lỗi thời, thay thế vào đó là các bài phóng sự và tiểu thuyết theo lối tả thực. Sự suy tàn của TLVĐ bắt đầu khi anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo bỏ văn chương đi làm chính trị. Tháng 06, 1942 Thạch Lam chết vì bệnh lao, Nhất Linh trốn sang Tàu, Khái Hưng và Hoàng Đạo bị Pháp bắt đày lên Vụ Bản, Hòa Bình, Thế Lữ thôi làm thơ làm báo để chuyên tâm với sân khấu kịch nói. Xuân Diệu về Mỹ Tho làm viên chức nhà Đoan… Mặc dù, TLVĐ đã chấm dứt hoạt động kể từ sau năm 1940 nhưng tiếng tăm vẫn mãi vang dội trong làng văn học và trong lòng độc giả yêu văn chương. Dưới đây là phần phân tích tâm lý nhân vật trong một số tác phẩm của TLVĐ.
PHÂN TÍCH TÂM LÝ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM TLVĐ
Anh Phải Sống của Khái Hưng và Nhất Linh ra mắt độc giả vào năm 1934 và đã đào sâu vào thế giới nội tâm phức tạp về quan niệm của con người về tình nghĩa vợ chồng trong đó tác giả đề cao phẩm chất cao thượng, tinh thần trách nhiệm và hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Anh Phải Sống kể lại một chuyện tình của một cặp vợ chồng nghèo mưu sinh trên sông nước không may gặp ngày nước lũ. Trong cơn nguy kịch, người vợ đã hy sinh mạng sống của mình trong dòng nước chảy xiết để nhường lại sự sống cho chồng, để “Anh Phải Sống”, để muôi các con còn thơ dại ờ nhà. Trong khoảnh khắc khi vợ chồng phải đối diện với tử thần, kề cận với “thập tử nhất sinh”, thì lòng bác ái đã đánh tan sự ích kỷ riêng tư để nhường chỗ cho một tâm hồn cao thượng. Anh Phải Sống nói lên giá trị nhân bản, ca ngợi bản chất thủy chung, chịu đựng, hy sinh thầm lặng, thương chồng con, trọng tình nghĩa phu thê của người đàn bà thuần túy Việt Nam, khi đứng trước ranh giới giữa lý trí và tình cảm, giữa cái riêng và cái chung. Xuyên qua truyện Anh Phải Sống, chúng ta nhận thấy rõ sự kết hợp hài hòa về tư tưởng cũng như phong văn giữa 2 tác giả. Đối với Nhất Linh và Khái Hưng, Có lẽ tình yêu không phải là một loại ái tình tầm thường, đơn giản mà nó hướng đến một tình yêu đích thực, thanh cao, tuyệt mỹ vượt lên trên cả tình yêu: ĐÓ LÀ TÌNH CAO THƯỢNG.
Đời Mưa Gió của Nhất Linh và Khái Hưng là một hành trình đi vào thế giới sâu thẳm của con người với những uẩn khúc quanh co, tâm hồn rối loạn. Trong truyện Đời Mưa Gió, tác giả đã đưa người đọc tới cõi vô thức, một nơi bí ẩn để che giấu những ước vong chưa thực hiện được, để khám phá ra những suy nghĩ, ao ước tiềm tàng trong ấy. Đời Mưa Gió kể lại một mối tình lãng mạn, về cuộc gặp gỡ tình cờ và định mệnh giữa Chương và Tuyết. Một mối tình tuyệt đẹp nhưng để lại trong ký ức nhiều muộn phiền, đớn đau, một thế giới phức tạp, đầy mâu thuẫntrong cuộc phiêu lưu vào thế giới nội tâm.
Theo tác giả Nguyễn Thị Minh, tác phẩm Đời mưa gió trên phương diện cấu trúc tâm lý các nhân vật chính từ góc nhìn phân tâm học và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Trong câu chuyện, Chương là một thày giáo với bề ngoài hiền lành, đạo mạo, với một cuộc sống điều độ, an nhàn nhưng lại luôn luôn có những hành động, suy nghĩ trái ngược nhau mà chính anh cũng không giải thích được. Theo Freud, suy nghĩ, hành động của Chương không chỉ chịu sự điều khiển của cái tôi (ego) mà phần ý thức tỉnh táo còn bị chi phối bởi cái siêu tôi (superego) được tiếp nhận một cách vô thức từ bố mẹ trong những năm tháng tuổi thơ và nhất là cái ấy (id)
Trở lại câu chuyện, trong quá khứ, Chương đã từng đối diện với một nghịch cảnh khiến chàng đau đớn về tinh thần, khi anh vấp phải thái độ khinh bỉ của cha mẹ Loan và sự lãnh đạm của người yêu khi anh thi rớt. Nỗi đau đớn vì bị phản bội và cú sốc tâm lý khiến vùng ý thức trong Chương không muốn chấp nhận, anh dồn nén, tìm cách đưa nó ra khỏi suy nghĩ của mình. Nhưng thực chất, nỗi đau ấy không mất đi mà chỉ bị vùi chôn vào vùng vô thức. Để tránh cho nó không có khả năng trỗi dậy, Chương phản ứng bằng cách trở nên một người cứng cỏi, ghét phụ nữ. Bản ngã của Chương cảm thấy khoan khoái, thoải mái dưới lớp vỏ của một ông giáo đứng đắn, kiêu ngạo, lạnh lùng khi tiếp xúc với nữ giới.
Khi Chương gặp Thu, sự tươi mát, trẻ trung của nàng làm tỉnh giấc vùng ý thức trong Chương, nhưng niềm khao khát ấy lại bị lu mờ bởi những cảm xúc (phức cảm) về Loan sống dậy và xuất hiện trong vùng ý thức ám ảnh anh. Cảm giác bị chế nhạo, giày vò chàng bởi cuộc chiến giữa cái tôi và cái ước mơ đã đẩy tình yêu anh dành cho Thu lùi lại. Các nghiên cứu về vô thức đưa ra kết luận rằng: Nhân cách con người là sự kết hợp của nhiều phần riêng biệt, mỗi phần có năng lượng riêng. Trong quá trình phát triển của bản ngã–ý thức thì khi những cảm xúc bị tổn thương, dồn nén sẽ tự động chuyển vào cõi vô thức. Khi những ham muốn bị vùng ý thức từ chối, nó sẽ không chịu sự kiểm soát của vùng ý thức. Khi cảm xúc tâm thần bị giao động giữa cá nhân và xã hội, nó sẽ tạo dựng cá tính hay bản sắc xã hội của một người.
Giữa lúc ấy thì Chương gặp Tuyết, tình yêu của Chương với Tuyết, nhìn bên ngoài có vẻ rất phi lý: Một ông giáo đạo đức, rất ghét phụ nữ lại say mê một cô gái giang hồ trụy lạc, phóng đãng. Sự phi lý này chỉ có thể có trở thành hợp lý khi được nhìn từ góc độ tâm lý. Tuyết đã chiến thắng những phần ý thức-vô thức trong Chương và đã giúp anh giải tỏa những ham muốn bấy lâu bị kìm lại. Sự vỗ về, nâng niu chiều chuộng của Tuyết khiến những phức cảm về Loan, về Thu dịu xuống. Sự vô tư, dâng hiến của Tuyết đã làm thỏa mãn cái tôi (ego) và không cho Chương có đủ thời gian để băn khoăn nghĩ ngợi. Tuyết đã xoa dịu vết thương trong tìm Chương và chiếm được cả hồn lẫn xác của anh. Cái bản ngã–ý thức của Chương cũng hài lòng tiếp nhận Tuyết, quên đi cái quá khứ đau đớn do Tuyết và Thu để lại trong anh. Vùng ý thức trong Chương cho phép chàng gạt bỏ quá khứ đã qua mà chấp nhận đời sống hiện tại, khiến chàng rất mãn nguyện.
Tuyết sau cuộc hôn nhân không tình yêu mà gia đình đẩy Tuyết vào, Tuyết tự do tiếp thu nền học vấn mới. Quan niệm và lối sống theo phương Tây, bản ngã của Tuyết đã nhanh chóng lựa chọn, quyết định con đường đi của nhân cách. Tuyết xuất hiện như một “gái mới” từ lối suy nghĩ, hành xử và quan niệm sống bất cần, khiến Chương không còn bị mạc cảm hất hủi, khước từ. Con người Tuyết toát ra sức hấp dẫn của một bản ngã vừa rạo rực, vừa tràn sức sống bên trong, vừa khoác lên mình cái “phông” văn hóa theo xu thế thời đại. Tuyết cũng như Chương, họ đã lựa chọn hoàn toàn có ý thức cho hướng đi của mình. Bản ngã của Tuyết với bản năng mách bảo, vùi chôn quá khứ, dồn nén tình cảm chân thành, tâm hồn dễ xúc cảm của mình xuống tầng vô thức. Bởi trong vô thức ấy là cả một chuỗi ngày xanh tràn đầy nhiệt huyết, những ngày tủi cực, tù túng, không ánh sáng, không niềm vui mà Tuyết muốn gạt bỏ và không muốn mang trở lại vùng ý thức để phải đối diện với hoang mang rối loạn. Tuyết chỉ muốn sống với đời sống hiện tại và chỉ muốn nghĩ đến tương lai là một biểu hiện tâm lý của bản ngã-ý thức. Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Đời mưa gió là một thể loại tiểu thuyết tâm lý, một mô hình của tiểu thuyết phương Tây nhưng vẫn giử được tính cách Á Đông.
Hai đứa trẻ của Thạch Lam là lối viết giản dị, giàu cảm xúc, ẩn chứa nhiều ý nghĩa và đã để lại những suy tư trong lòng người đọc. Trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” Thạch Lam đã phác họa một bức tranh của Liên với nhiều suy tư, với tâm hồn nhân hậu, thương người. Ông đã khéo léo dùng ngòi bút của mình để diễn tả nhân vật qua một phong văn tinh tế, sâu sắc trong môi trường nghèo nàn, cơ cực của một kiếp người. Thạch Lam đã miêu tả thế giới nội tâm của từng nhân vật qua những chi tiết, những hành động và lời nói của nhân vật rất ư là phong phú và độc đáo. Chẳng hạn như nhân vật Liên trong tác phẩm là một điển hình của nghệ thuật này. Những cảnh chiều tàn trên phố thị đến những người sống nơi tỉnh lẻ là một bức tranh hoàn mỹ với tâm hồn và tâm trạng được bộc lộ một cách tinh tế và sâu sắc.
Nội dung câu chuyện là một buổi chiều nơi phố huyện nghèo nàn, xơ xác, tiêu điều với hình ảnh của những người sống trong một môi trường tù túng, chật vật, đói khổ. Liên với tâm trạng buồn bã, thương xót cho mảnh đời của những đứa trẻ con nhà nghèo. Hình ảnh của những đứa trẻ cúi lom khom nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau phiên chợ quê nghèo nàn, khiến Liên động lòng thương cảm cho số phận của những đứa trẻ cũng như thương cảm cho chính bản thân mình. Liên xót xa, cảm thông với những kiếp người nhỏ nhoi sống lây lắt trong bóng tối, trong cơ cực đói nghèo cứ bám theo họ hết ngày này qua ngày khác và cho đến hết cuộc đời. Cảnh chiều tàn nơi phố huyện trong bóng tối đã dấy lên trong lòng Liên bao nỗi niềm khát vọng và mơ ước một cuộc đổi đời.
Trong khoảng khắc của một ngày tàn, những kỷ niệm tuổi thơ với những tháng ngày tươi đẹp hiện về trong tâm hồn của Liên. Đó là những ngày tháng gia đình cô còn sống ở Hà Nội, được thưởng thức những món quà ngon, vật lạ. Nhưng giờ đây, tất cả đã là quá khứ, là kỷ niệm. Hình ảnh duy nhất mà hai chị Liên đang mong chờ, hy vọng là chuyến tàu đêm đi ngang qua, mang theo ánh sáng phồn thịnh của tia hy vọng giàu sang trở lại cho phố huyện nghèo nàm mà Liên đang sống.
Xuyên qua câu chuyện Hai Đứa Trẻ, hình ảnh Liên với tâm hồn nhạy cảm, trong sáng chen lẫn nhiều suy tư đã phản ảnh qua sự đối lập của hai thế giới: Một bên là cuộc sống phồn hoa, giầu có, tràn ngập ánh sáng, hy vọng và một phố huyện nghèo nàn, vất vả, đói khổ của những mảnh đời bất hạnh. Điều này được giải thích rõ ràng trong học thuyết Phân tâm học của Freud về vùng ý thức, tiềm thức và vô thức. Điển hình là những viễn ảnh của cuộc sống thanh thản, đầy đủ trong quá khứ đã ẩn giấu và tiềm tàng trong cõi vô thức từ lâu nay bộc lộ qua giấc mơ mập mờ trong vùng tiềm thức, chờ cơ hội bước vào vùng ý thức, thể hiệm qua sự ao ước “ánh sáng của con tàu” có một ma lực để biến khu phố huyện nghèo nàn, buồn tẻ, thiếu thôn thành một thủ đô tốt đẹp trong đó chị em Liên và những người sống trong phố không còn phải lam lũ kiếm ăn từng ngày.
Con Đường Sáng của Hoàng Đạo có tính chất luận đề mà đặc điểm là ông muốn mang những kiến thức Tây học vào phong cách sáng tác với khát vọng đổi mới thể thức viết lách trong văn chương Việt Nam. Điều này đã được thể hiện qua cuốn tiểu thuyết Con đường sáng, Hoàng Đạo đã tạo ra hình tượng người thanh niên trí thức tiểu tư sản Duy ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Duy sau khi trải qua tất cả những lạc thú của cuộc sống thành thị, anh trở về sống ở nông thôn và đem hết tâm sức, khả năng hiểu biết của mình để giáo dục dân quê trong cách sinh hoạt, làm việc hiệu quả với hy vọng thay đổi cung cách làm việc cũng như thức tỉnh lối suy nghĩ thụ động của người dân quê. Tại đây, Duy đã gặp Thơ và cưới nàng làm vợ, người vợ quê với tâm hồn trong sáng, cao đẹp đã hỗ trợ tinh thần cũng như trong công việc làm của anh. Cái lý tưởng mà Duy theo đuổi là đem những hiểu biết của mình để truyền dạy lại cho người khác (cái tôi-ego), khiến nó đã đem anh đến gần hơn với “người bình dân” và giúp chàng vượt qua cám dỗ của những thú vui trụy lạc ngày trước. Con Đường Sáng với phong cảnh thôn quê, với nhà tranh vách đất của những người dân lao động, đói khốn khổ, của gia đình bác Tẹo, của bà cụ trẻ. Sự quảng đại vị tha của Thơ đối với những tá điền đã làm cho Duy quyết tâm đổi mới lối sống vô ý thức của anh lúc trước kia để nhập tâm giúp những người nông dân có một cuộc sống khá hơn (cái siêu tôi–superego).
Sau một thời gian, Duy trở lại thăm những gia đình mà anh đã giúp đỡ khi trước để mong được nhìn thấy thành quả tốt đẹp, nhưng anh hoàn toàn thất vọng bởi những căn nhà tranh kiểu mới mà anh đã nhọc công giúp xây cất để cho những người nông dân có được chỗ ở sạch sẽ, vệ sinh và ngăn nắp, thì nay trước mắt anh, cảnh “đâu vẫn vào đấy” với giường chiếu siêu vẹo, bàn ghế bừa bãi, những vết nhơ bẩn trên tường làm hoen ố màu vôi xanh dịu anh đã cho quét hai ba nước. Cạnh đống rác, mấy đứa trẻ đóng khố đương ngồi quanh một cái rổ đựng thức ăn, khua tay đuổi đàn ruồi bay tới tấp chung quanh… khiến Duy chán nản và thất vọng (cái tôi-ego).
Duy tự nghĩ và giận cho sự “đơn thân độc mã” của mình trong cuộc chiến chống lại cái đói, cái nghèo, cái khổ, cái nạn mù chữ và hủ tục khiến anh đã quay trở lại con đường trụy lạc(cái ấy–id). Nhưng cuối cùng lý tưởng cao đẹp đã chiến thắng, Duy tìm thấy ý nghĩa cuộc đời ở thôn quê, anh trở về nơi có người vợ hiền đang chờ đợi, sống cuộc sống của một điền chủ tâm huyết (ý thức).
Như vậy, con đường của Duy đã được Hoàng Đạo lựa chọn đi theo một lý tưởng thanh cao, trong sáng và đầy tình người. Duy, một con người có lý tưởng rõ ràng, khát khao đổi mới và lặn ngụp để tìm ra Con Dường Sáng cho mình và cho mọi người (vô thức).
Ba Chị Em của tác giả Ngọc Cường là tác phẩm cuối cùng mà người viết muốn đề cập đến. NV Ngọc Cường là hậu duệ của TLVĐ và là cháu ruột của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Ngọc Cường được độc giả quý mến bởi bản chất thân thiện, hòa nhã, bình dị của ông. Hơn thế nữa, cách diễn tả tâm lý nhân vật trong truyện của Ngọc Cường thật sâu sắc và rất thực, trong đó, ông thể hiện văn phong của mình với tính chất nhẹ nhàng, êm ái, mạch lạc khiến nó trở nên dễ hiểu và gần gũi với đại chúng.
Ba Chị Em là câu chuyện kể về một người đàn ông tên Hiếu, nhớ về quá khứ của mình thời thơ ấu, hình ảnh một đứa trẻ mồ côi Mẹ từ lúc mới có vài tháng tuổi. Vì không thấu hiểu về cái chết của Mẹ, khiến Hiếu có mạc cảm chính mình là nguyên nhân gây nên sự việc: “Vừa lọt lòng đã mất Mẹ, Hiếu coi biến cố ấy là điều bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của mình… Hiếu tự đổ lỗi cho mình đã gây ra cái chết của mẹ”. “… Nếu không có Hiếu ra đời ngày hôm ấy thì bà cụ hẳn vẫn còn sống?” Điều này chứng tỏ cái hệ lụy tự ti mặc cảm tiềm tàng trong cõi vô thức đã dằn vặt tâm trí Hiếu trong nhiều năm, bởi Hiếu luôn tin tưởng rằng sự ra đời của mình đã khiến Mẹ phải chết. Những ý nghĩ lệch lạc ấy đã ẩn dấu trong vùng vô thức của Hiếu cho đến ngày nay.
Sự khao khát được ấp ủ, nuông chiều nơi tình mẫu tử đã đeo đuổi và ám ảnh Hiếu trong suốt thời gian Hiếu khôn lớn, trưởng thành, khi đã có sự nghiệp và lập gia đình. Tâm tư Hiếu luôn bị giao động bởi sự thiếu vắng yêu thương, vỗ về, bao bọc của Mẹ khiến Hiếu cảm thấy thiếu an toàn, vắng sự chở che, sự hỗ trợ tinh thần và mất tự tin trong cuộc sống. “... Nỗi thiếu vắng to lớn và không có gì thay thế được tình mẫu tử, khiến Hiếu tích lũy nhiều mặc cảm tự ty, đưa tới ứng xử khác với bình thường cho dù sau này Hiếu kết hôn”.
Ứng xử khác với bình thường là kết quả của cái tôi (ego) trong Hiếu để che dấu cái tự ti mạc cảm. Càng lúc, sự suy nghĩ lại càng sâu sắc khiến sự vắng bóng Mẹ, thiếu tình yêu nơi Mẹ bộc phát và thể hiện rõ ràng hơn trong ký ức Hiếu: “Cả một thiếu thời không có Mẹ, Hiếu cảm thấy lẻ loi trong cái gia đình nhỏ bé chỉ có ba chị em lủi thủi trong nhà… Mang nặng tâm trạng kẻ mồ côi, sợ bị ruồng bỏ nên, để kiếm một chỗ nương tựa… là nguồn an ủi, bù đắp cho sự thiếu vắng mẹ dưới mái ấm gia đình”. Sợ bị ruồng bỏ, tìm sự nương tựa hoặc tìm nguồn an ủi xuất hiện bởi nhữngao ước, khát vọng có Mẹ trong cuộc đời. Một khi những ao ước không thề thực hiện được hoặc không nhận được, thì chúng sẽ quanh quẩn ở trong vùng vô thức và vì không thoát ra được để chuyển lên vùng ý thức nên nó ám ảnh tâm tư Hiếu khiến Hiếu sợ sự thất bại và không dám tin tưởng vào khả năng của chính mình.Hiếu tự thu gọn mình vào một cái vỏ ốc để được an toàn, Hiếu khước từ những cuộc vui, tự gian mình vào thế giới trầm lặng, bằng lòng với cuộc sống ẩn dật bởi cái mạc cảm tự ti. Hiếu trở nên nhút nhát, tránh né chỗ đông, ngại giao tiếp, sống thụ động, yếm thế và cuối cùng là…sợ sống bởi Hiếu sợ phải đối diện với thử thách trong cuộc sống.
Có những lúc Hiếu nhận ra mình không sống thật với chính mình bởi Hiếu không muốn đương đầu với khó khăn, chướng ngại, dễ dàng buông xuôi mọi việc để không phải đối diện với thất bại. Thất bại vì Hiếu mất niềm tin của chính mình, Hiếu sợ kết quả không hoàn hảo nên không muốn dấn thân. Thiếu chỗ dựa tinh thần nên Hiếu luôn tìm kiếm hình bóng Mẹ qua hình ảnh hai người chị lớn khi còn thơ ấu cũng như khôn lớn, trưởng thành: “Ở vào tuổi thơ ấu, sớm phải trông cậy vào tình thương và sự đùm bọc của hai người chị, Hiếu mong muốn các chị sẽ thay thế mẹ mình và cùng lúc, cố tìm hình ảnh của bà mẹ qua các chị nhưng thực tế đã làm Hiếu thất vọng”. Thất vọng vì Hiếu không tìm thấy ai có thể thay thế hình ành Mẹ trong tim Hiếu như một khuyết danh nào đã nói: “Chúng ta chỉ có một người Mẹ”
Khi có gia đình, Hiếu chọn Dung, một người đàn bà nhanh nhẹn, đảm đang, tinh thần mạnh mẽ vì Hiếu tưởng là đã tìm thấy Mẹ qua vị trí của Dung, bởi Hiếu cảm thấy an toàn, được che chở, bao bọc, an ủi, chiều chuộng, lo lắng khi ở bên Dung, “Hiếu từ khi có gia đình riêng, Hiếu thường đùn việc giao tế cho Dung vì nghĩ là vợ lanh lợi hơn, có óc thực tế với nhiều kinh nghiệm sống để hiểu người khác nên dễ thành công”. Đùn việc cho Dung là đúng, vì Dung có thể làm mọi việc nhanh chóng và có kết quả tốt, nhưng cái nguy hiểm là Dung đã dần dần biến Hiếu thành một người mất sự tự tin và có cảm giác là “vô dụng”. Dung dù có muốn hay không, nàng đã vô tình trở thành “Super Woman” như Hiếu đã ghi nhận về Dung “đảm đương mọi việc trong nhà, quyết định từ chi thu tiền nong cho đến dậy dỗ con cái”. Ở đây, nếu đem ra phân tích tâm lý nhân vật Hiếu và Dung, thì thực sự Hiếu không phải là người không có trách nhiệm mà bởi Dung đã gián tiếp tạo cơ hội cho Hiếu trở thành người thụ động. Dung đương nhiên trở thành một người chủ gia đình bất đắc dĩ và Hiếu tự cho rằng mọi sự đã có Dung lo liệu, khiến Hiếu buông xuôi tất cả. Có lẽ, Hiếu cần xóa bỏ những ý tưởng cực đoan về cái chết của Mẹ hoàn toàn không phải là do Hiếu gây ra, Hiếu cần phải tẩy đi cái tư tưởng sai lầm ấy trong cõi vô thức, thúc đẩy vùng ý thức hoạt động để có thể lấy lại tự tin và niềm vui sống, chia sẻ trách nhiệm với Dung, tạo sự tự tin và tự hào trong lòng mình.
KẾT LUẬN: Hầu như tất các nhân vật trong những tác phẩm của TLVĐ đều chịu ảnh hưởng bởi học thuyết Phân tâm học cùa Freud và Chủ Nghĩa Phi Lý Tính của Schopenhaur, bởi những nhân vật trong tác phẩm của TLVĐ nếu được đưa ra phân tích thì cuộc sống của con người chịu ảnh hưởng bởi một xã hội chứa đầy sự mâu thuẫn, sự suy nghĩ thiếu minh mẫn và sự khốn cùng. Từ những quá khứ không hoàn hảo bởi sự đổ vỡ của tình mẫu tử như trong truyện Ba Chị Em của Ngọc Cường, sự thất bại của khát vọng vinh quang và từ cái nhìn đầy bi quan, ảm đạm đối với cuộc sống hiện tại khiến con người trở nên thù hận, hối hận, mạc cảm, khinh bỉ và đôi khi còn coi thường phụ nữ để che dấu vết thương bị phản bội hay bỏ rơi như Chương trong tác phẩm Đời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh. Phân tâm học cũng cho rằng: Hành vi của một người bị ảnh hưởng bởi những động lực trong vô thức và đưa đến các vấn đề về cảm xúc tâm lý. Các hành vi khác thường bắt nguồn từ những xung đột giữa tâm trí có ý thức và vô thức như nhân vật Duy trong tác phẩm Con Đường Sáng của Hoàng Đạo.
Khánh Lan, California Oct. 2022
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phân Tâm Học và Đời Sống, của tác giả Khánh Lan, xuất bản năm 2022.
- Tuần báo Phong Hóa số 87.
- Văn hóa – Văn học Việt Nam.
- Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ tuyển chọn và giới thiệu (1999), Văn chương Tự lực văn đoàn (tập 2).
- Ngô Văn Thư (2006), Bàn về tiểu thuyết của Khái Hưng.
- Đỗ Lai Thúy và Phan Ngọc Hà dịch từ Psychanalyse et litérature PUF, Paris, 1978.