Kiều My,  Văn Thơ

PHẬN ĐÀN BÀ DƯỚI NÉT BÚT CỦA KIỀU MY

Trong đời sống chúng ta, theo tôn giáo hoặc triết lý thì mỗi con người đều có duyên số hay phần số mà đã được an bài. Trong bài viết này, tôi xin cô đọng vào số phận của người đàn bà như thế nào qua ba  tác phẩm lớn của các đại văn hào như:

Lolita: Vladimir Nabokov

Trà Hoa Nữ: (La Dame aux Came’lias) Alexandre Dumas Jr.            

Kim Vân Kiều: Nguyễn Du

LOLITA – Tiểu thuyết  Nabokov.

            Lolita!…Lolita!…Âm vang đắm đuối khát khao phát xuất từ con tim đầy lửa dục vọng của gã đàn ông trung niên Humbert Humbert, luôn ám ảnh về tình dục với cô bé mới lớn Lolita. Cô vừa tròn 12 tuổi, lứa tuổi còn ngây thơ vụng dại cắp sách đến trường. Cô như một đóa hoa vừa chớm nở với những cánh hoa còn búp đọng sương khuya, lấp lánh dưới ánh nắng ban mai rực rỡ của một ngày mới. Đóa hoa xinh tươi mơn mởn đầy hấp dẫn và vô cùng quyến rũ này đối với Humbert, đã đốn ngã một linh hồn bệnh hoạn. Trong cơn bốc cháy lửa dục vọng ấu dâm, gã si tình Humbert đã miên man: “Lolita! Ánh sáng của đời tôi, lửa dục lòng tôi, tội lỗi của linh hồn tôi, nàng sẽ trong vòng tay tôi. Tôi biết sẽ vĩnh viễn yêu thần tượng bé nhỏ của tôi, nhưng cũng biết nàng sẽ không mãi mãi là Lolita!”…

            Lolita là tác phẩm viết về một thực trạng bất thường của tình yêu nam nữ, mà nó luôn tồn tại qua mọi thời đại trong xã hội loài người. Câu chuyện về tình yêu, về nhục dục, luôn hiện diện trong cuộc sống của con người, mà tác giả người Nga Vladimir Nabokov đã khéo léo, nâng niu vẻ đẹp thiên thần của cô bé Lolita, đến người đọc cũng phải bị ám ảnh về nàng. Nét bút của tác giả cũng thật tài tình khi diễn tả từng nét tâm lý, từng ngõ ngách thèm muốn tình dục ấu dâm của Humbert với thần tượng bé nhỏ Lolita mà gã luôn khao khát.

            Tác phẩm Lolita ra đời vào năm 1955, tại thủ đô ánh sáng Paris, là một hiện tượng rất mới và lạ lẫm của nền văn chương Âu Châu vào giữa thế kỷ 20. Tuy thành phố Paris thuộc về Tây phương, là một châu lục văn minh nhất trên hành tinh này; nhưng xã hội thời bấy giờ vẫn không chấp nhận được sự đồi trụy về mặt đạo đức của nhân vật chính Humbert trong truyện. Tác phẩm này nổi tiếng bởi phong cách mới mẻ về nội dung; và cách diễn tả tâm lý thật sâu sắc, tỉ mỉ về một gã đàn ông trung niên học thức, luôn mang trong đầu óc bệnh hoạn của sự ám ảnh về nhục dục với cô bé 12 tuổi Dolores Haze, mà gã âu yếm gọi là “Lolita”.

            Tuy là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất về mặt đạo đức; nhưng giới yêu văn chương, học giả khắp nơi vẫn mở rộng vòng tay tiếp đón món quà tràn ngập tư tưởng mới mẻ này; nhờ vào lối dùng ngôn từ rất ư phù thủy của tác giả, và nội dung câu chuyện hết sức khác thường đầy lôi cuốn. Người đọc Lolita như bước vào mê cung ngôn ngữ, dưới ngòi bút thật tài tình đã diễn tả từng nét tâm lý sâu xa của một kẻ bệnh hoạn nhục dục của Nabokov. Humbert đã yêu say mê đôi mắt xanh lơ, mái tóc nâu bóng bẫy, làn da nâu hồng…và ngay cả tính nghịch ngợm trẻ con của Lolita. Humbert bất đắc dĩ cưới bà Charlotte, là mẹ của Lolita chỉ vì muốn được gần gũi với cô con gái bắt đầu tuổi dậy thì của vợ. Ông điên cuồng vì nét quyến rũ của Lolita và có thể làm bất cứ điều gì vì cô. Dù bao tháng ngày trôi qua, nhưng trong tâm trí của Humbert, cô bé Lolita vẫn là: “một thần tượng, một hiện tượng khác lạ, vẫn luôn mang đặc tính của một nữ thần bé nhỏ vĩnh viễn bất kham.”

            Tuy sống với vợ nhưng Humbert không hề có hứng thú tình dục với vợ, mà luôn thầm mơ tưởng nhớ đến Lolita và những cô gái 12, 13 tuổi…Như mong tìm lại thiên đường tuổi trẻ đã mất, khi người yêu thuở nhỏ là Annabel của mình đã chết vì bệnh hiểm nghèo trong nuối tiếc ngẩn ngơ của cậu bé Humbert ở tuổi 15.

            Charlotte, đã bị bấn loạn tâm lý sau khi đọc được những dòng nhật ký của chồng mình. Trong những dòng chữ như thú tội, bà nhận ra rằng Humbert từ lâu đã mang trong đầu hình bóng đứa con gái của bà với tư tưởng nhơ nhớp tội lỗi. Chính vì điều này đã làm bà mang trạng thái hoang mang tột độ khi lái xe đến bưu điện gửi thư cho Lolita đang ở trại hè; để rồi bị tử vong trong một tai nạn xe cộ khủng khiếp. Lolita trở thành đứa trẻ mồ côi cha mẹ, khi cô đang vô tư vui chơi cùng bạn bè mà không hề hay biết về cái chết của mẹ. Giờ đây, cô trở thành một đứa trẻ bơ vơ và hụt hẫng giữa thế giới bao la; đã trở thành tình nhân bé bỏng khờ dại của gã đàn ông trung niên lão luyện Humbert. Tâm lý của một đứa trẻ mất hết tất cả tình gia đình, một mái ấm hạnh phúc, với tình yêu thương và sự giáo dục của cha mẹ, không còn nơi nương tựa; khiến đứa trẻ đành phải buông xuôi cho số phận đưa đẩy. Lolita không còn sự lựa chọn nào hơn, ngoài việc nương tựa vào người đàn ông đáng tuổi cha đầy thèm khát dục vọng với một đứa trẻ vị thành niên.

Nỗi lo sợ mất Lolita khiến gã ngày đêm canh giữ và rắp tâm chiếm đoạt thân xác cô cho thỏa mãn dục tình, sau khi rước cô ra khỏi trại hè. Humbert đưa Lolita đi hết thành phố này đến thành phố khác hầu tránh mọi tai mắt, và cũng để tránh các chàng thanh niên trai trẻ để mắt đến Lolita. Những đêm về tại các nhà nghỉ dừng chân – theo gã đó là thiên đường rực lửa của hỏa ngục dục vọng mà gã đã đợi chờ bấy lâu, như một con thú rình mồi. Những đêm dài giao hoan với thần tượng bé nhỏ đã mang lại niềm hoan lạc và sinh khí mãnh liệt cho người đàn ông bệnh hoạn này. Hai năm sau, hành trình của con đường dục vọng tội lỗi đã đến hồi kết thúc khi Lolita lâm trọng bệnh phải vào bệnh viện. Sau khi bệnh tình cô được hồi phục, cô lặng lẽ biến mất không để lại cho Humbert một lời nào.

            Nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, cho đến một ngày Humbert nhận được lá thơ của Lolita cho biết cô đã lập gia đình và đang mang thai. Humbert  tức tốc lái xe đến địa chỉ người gởi. Giờ đây, Lolita đã thay đổi nhiều, cô không còn tươi tắn rực rỡ như ngày nào nhưng Humbert vẫn còn yêu cô, muốn cô trốn đi với gã nhưng cô đã lạnh lùng từ chối. Gã đăm chiêu nhìn về xa xăm: “Lolita mãi mãi vắng bóng bên cạnh tôi.” Gã ra đi trong nỗi đau tuyệt vọng và trở thành tay sát nhân, sau đó chết trong tù bởi chứng nghẹn động mạch vành. Không lâu sau đó, cuộc đời ngắn ngủi của Lolita cũng kết thúc sau khi sinh đứa con đầu lòng; để lại gian trần một câu chuyện thương tâm về thân phận của một Eva còn non trẻ chịu nhiều bất hạnh và đầy khổ lụy.

            Đọc Lolita, tôi cảm thương cho thân phận đàn bà như Lolita, phải chịu cảnh phủ phàng khi tuổi đời còn ngây thơ, bởi một tay dâm đãng luôn rắp tâm chiếm đoạt nàng. Một đứa trẻ còn khờ dại như con cừu non, làm sao tránh khỏi cái bẫy của một tay thợ săn chuyên nghiệp? Nhân vật Humbert – tiêu biểu bản chất ích kỷ tham lam của con người, chỉ muốn thỏa mãn những ham muốn hèn hạ cho riêng mình, nhưng không nghĩ đến nỗi thống khổ của kẻ khác.- Trong tác phẩm Lolita, Vladimir Nabokov đã dàn dựng lên nhân vật Humbert  hẵn theo đường lối của thuyết hiện sinh (Existentialism) do các triết gia của thế kỷ 19 chủ trương như: Kierkegaad, Dostoyevsky, J.P. Sartre, Nietzsche…Đặc biệt, đại triết gia Jean Paul Sartre (1905-1980) đã đưa chủ nghĩa hiện sinh phát triển vượt bậc ở thế kỷ 20. Các triết gia lỗi lạc này biện minh rằng: thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản  (L’existentialisme est un humanism) – mỗi con người tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách say mê và đích thực. Nếu tôn thờ chủ nghĩa hiện sinh thì mọi người sống theo ý thích và sự ham muốn của mình để chà đạp lên nhau, bất chấp phẩm giá và quyền lợi của  người khác ư? Nhất là về phẩm giá của người đàn bà khi bị những tay đàn ông đớn hèn đang tâm chà đạp phủ phàng lên thân xác họ như một món đồ chơi? Thảm trạng này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ? Hay sẽ tồn tại mãi mãi trong xã hội loài người…?

            Lolita! Lolita!

            Mãnh hồn trong trắng đã rời xa

            Tuổi thơ ngây nhuốm đầy hoen ố

            Bước vào đời tan tác phong ba

            Hoa chớm nở gục đầu héo úa

            Còn ai thương xót cánh hoa rơi

            Tan tác bên đường nằm tơi tả

            Ngày chưa thắp nắng sao vội tắt?

            Một vì sao rụng giữa trời đêm!

TRÀ HOA NỮ – La Dame aux Camélias.

Ngoài người đàn bà trẻ đẹp đáng thương Lolita, ta còn thấy nhiều người đàn bà khác phải gánh chịu bao nỗi truân chuyên, bao điều nhục nhã mà xã hội đưa đến. Giữa thế giới muôn trùng có biết bao tiếng than ai oán, với bao khổ lụy mà những con người yếu đuối đang ngày đêm oằn oại gánh chịu. Như nàng kỹ nữ xinh đẹp Marguerite Gautier trong tác phẩm Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias)  Came’lias của đại văn hào nổi tiếng người Pháp Alexandre Dumas Jr. xuất bản năm 1848. Thiên tình sử trong Trà Hoa Nữ, đã làm say đắm và thổn thức biết bao trái tim lãng mạn của nhân loại. Cũng như Lolita, Trà Hoa Nữ đã được in thành sách trong nhiều ngôn ngữ và được dàn dựng thành phim, chiếu khắp nơi trên thế giới qua nhiều năm mà vẫn còn ăn khách. Biết bao nhiêu người đã rơi nước mắt xót thương cô kỹ nữ xinh đẹp, mang thân phận đàn bà bất hạnh trong một xã hội đầy nhiễu nhương.

 Trong Trà Hoa Nữ, Alexandre Dumas đưa độc giả trở về nước Pháp đầy thi vị và lãng mạn vào thế kỷ 19, một đất nước văn minh phóng khoáng bậc nhất hành tinh; nhưng vẫn không chấp nhận giới buôn hương bán phấn trong xã hội, nhất là giới quý tộc thời bấy giờ. Trà Hoa Nữ là một câu chuyện tình đầy bi thương về cuộc đời nàng ca kỹ Marguerite Gautier yêu chàng luật sư trẻ tuổi Armand Duval bằng tấm chân tình. Chàng là người có gốc quý tộc, chưa có sự nghiệp trong tay, nhưng cô kỹ nữ vẫn chấp nhận để yêu thương. Cô sở hữu một nhan sắc đẹp tuyệt trần, lại thông minh và có tâm hồn phong phú; khiến bao vương tôn công tử giàu có say mê đưa đón và cung phụng. Nàng ca kỹ yêu hoa trà: nàng thường cài lên áo hoa trà trắng khi sẵn sàng tiếp khách; trong tháng có những ngày người ta thấy hoa trà đỏ trên áo nàng là dấu hiệu cho biết nàng chối từ. Vì thế nàng được mệnh danh là “Trà Hoa Nữ”. Nàng hưởng thụ cuộc đời hoan lạc nhung gấm phủ phê; nhưng phải oằn mình chịu đựng sự cay nghiệt và khinh thường của xã hội Pháp, nhất là giới trâm anh quý tộc. Người đời mỉa mai khinh thường khi nhìn vào khía cạnh kiêu sa, với nếp sống xa hoa tội lỗi của một nàng ca kỹ nổi tiếng trong chốn lầu xanh. Nhưng có mấy ai biết được tâm hồn nàng lại chứa đựng sự vị tha, ẩn giấu bên trong một trái tim đôn hậu yêu thương đong đầy và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cho người mình yêu.

Những tay đàn ông giàu có quyền thế không ngần ngại bung tiền để hưởng thụ những đêm hoan lạc, bằng thể xác của một người đàn bà sống bằng nghề mua vui cho thiên hạ. Họ dùng đồng tiền để dày vò thân xác của phụ nữ cho thỏa mãn tình dục một cách vô tội vạ. Đây cũng là một tệ đoan trong xã hội, hầu như có mặt khắp nơi qua mọi thời đại trên địa cầu này. Đến khi yêu Duval tha thiết, nàng kỹ nữ Marguerite đã can đảm khước từ tất cả nhung lụa giàu sang, những đêm truy hoan trác táng dưới ánh đèn mờ ảo, để được yêu Duval cho trọn vẹn. Nàng quyết tâm bỏ lại sau lưng những bá tước nhiều tiền lắm bạc, đã từng cung phụng cho nàng cuộc sống xa hoa phủ phê, để sống với người nàng yêu thương. Nàng bỏ hết tất cả, rời xa chốn phồn hoa để về miền quê cùng Duval xây tổ ấm.

Tình cảm cao quý mang lại cho con người hạnh phúc vô ngần, nhưng cũng không ít khổ đau bất tận. Nhưng…một bàn tay vô hình là “định mệnh”- hay nói cách khác là xã hội thời bấy giờ cướp đi hạnh phúc của đời nàng. Giông tố lại kéo đến khi bố của Duval tìm gặp Marguerite lúc Duval không có ở nhà. Ông đã nhẫn tâm yêu cầu nàng phải rời xa con ông vì danh tiếng của dòng tộc ông, một gia đình danh giá không thể chấp nhận một nàng dâu ca kỹ. Marguerite luôn mong muốn được sống cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc bên người mình yêu thương. Nhưng bất hạnh thay! Nàng trót mang trái tim cao thượng và nhân hậu để rồi nàng phải hy sinh hạnh phúc đời mình hầu bảo tồn danh giá cho Duval và gia đình chàng mà chàng nào hay biết. Thật mỉa mai! Cuộc đời con người đến khi tìm được ý nghĩa của cuộc sống, vừa tìm được một chân trời mới của hạnh phúc, thì cũng vừa nhận ra đó chỉ là… phù du! Hạnh phúc của cuộc đời mà mọi người hằng mong ước, có mấy ai nắm bắt được nó và giữ được nó lâu dài!

Nàng ca kỹ đau đớn âm thầm ra đi bỏ lại sau lưng người mà nàng yêu thương nhất đời khi hạnh phúc còn nồng cháy. Không còn sự lựa chọn nào hơn, nàng đành phải trở về con đường cũ kiếm tiền từ những tay giàu có để trả nợ cho những ngày tháng sống với Duval. Nàng đã mất Duval, mất tất cả hạnh phúc đời mình! Cuộc đời nàng đã trở thành vô nghĩa! Giờ đây nàng vùi đầu vào ánh đèn màu như những con thiêu thân, tiếp tục làm món đồ chơi cho thiên hạ. Tưởng rằng mình đã được cứu vớt, đã được ngoi lên từ bùn nhơ, nào ngờ lại rơi xuống vực thẳm thêm lần nữa. Phải chăng nàng sống kiếp con tằm phải nhả tơ cho hết kiếp làm người, hay làm kiếp hoa cho ong bướm hút nhụy? Ong bướm bay dập dìu khi hoa còn mật ngọt, đến khi hoa rữa nhụy tàn thì ong bướm cũng bay xa.

 Thật xót thương cho số phận người đàn bà bất hạnh như Marguerite, đã hy sinh cho người mình yêu như thế, với ước mong sẽ có được sự đền bù xứng đáng. Nhưng nào ngờ, từ lúc rời xa Duval đến khi lìa đời, nàng phải chịu biết bao tủi nhục cay đắng. Cho đến chết nàng vẫn không đạt được ước vọng tha thiết được gặp mặt Duval lần cuối, cho vơi đi nỗi đau khổ nhớ nhung hành hạ nàng từ tâm hồn đến thể xác. Nàng từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn nợ nần chồng chất, trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, không một người thân yêu bên cạnh trong giờ phút sau cùng. Duval là người nàng yêu thương vô bờ bến, trong cơn hấp hối nàng luôn thì thào gọi tên chàng trong hơi thở yếu ớt… đầy nước mắt…

Khi biết được nàng ca kỹ yêu chàng bằng trái tim chân thành đến hơi thở cuối cùng, đã làm Duval hối hận suốt một đời còn lại, vì đã hiểu lầm nàng phụ tình chàng. Duval đau xót tiếc nuối khôn nguôi nàng ca kỷ Marguerite đáng thương có một trái tim nhân ái và tấm lòng hy sinh cao cả, với một tình yêu tuyệt vời dành cho chàng đến khi nhắm mắt lìa đời. Thật xót xa cho thân phận người đàn bà đem thân xác mình cho biết bao người mua vui; nhưng đến khi lìa đời có mấy ai  nhỏ cho giọt nước mắt ngậm ngùi tiễn đưa!

Truyện Kiều – Nguyễn Du

Câu chuyện về thân phận đàn bà của nàng Lolita và Margurite Gautier ở xã hội phương tây đã quá não nề; nhưng nếu đem so sánh với nàng Thúy Kiều trong xã hội phương đông thì cũng chưa thấm vào đâu. Thúy Kiều là nhân vật mang thân phận đàn bà chịu nhiều đau đớn tủi nhục trong TRUYỆN KIỀU, tức ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, mà tác giả giới thiệu. Đây là một kiệt tác bất hủ luôn gắn liền tên tuổi với đại thi hào NGUYỄN DU (1766 – 1820) cuối thế kỷ 18.

Truyện Kiều là nỗi thống khổ, là tiếng kêu đứt ruột về thân phận người đàn bà trong xã hội phong kiến ngày xưa; khi phẩm giá của họ bị những thành phần vô lương chà đạp không thương tiếc. Bằng những câu thơ lục bát trác tuyệt chuẩn mực, Nguyễn Du đã xoay quanh cuộc đời đầy sóng gió của Vương Thúy Kiều với bao nỗi oan khiên. Một người con gái tài sắc vẹn toàn cầm kỳ thi họa, cùng những đức tính hiền lành nhân hậu, hiếu thảo và sự hy sinh cao cả, đã phải gánh chịu nhiều nỗi truân chuyên, oan nghiệt trong độ tuổi thanh xuân. Dưới xã hội phong kiến hủ bại, kẻ mạnh có quyền thế tiền bạc luôn là kẻ thắng, là kẻ nắm sinh mệnh của kẻ yếu trong tay. Là người con hiếu thảo, Kiều không đành lòng để cha và em trai bị vu oan, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn đòi tiền chuộc mạng. Vì nhà nghèo không đủ tiền nạp cho đám hối mại quyền thế, Kiều bị ép vào đường cùng  phải bán mình chuộc cha và em, để đổi lấy sự an toàn cho gia đình. Đây là sự hy sinh thật cao cả đối với người con gái có giáo dục, với phẩm hạnh thanh cao và cốt cách cao quý. Nàng cũng đau đớn cắt đứt mối tơ tình với lời thề cùng Kim Trọng sẽ nên duyên cầm sắt, để có thể thực hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Kiều cũng đã nặng tình với Kim Trọng và thề nguyền sẽ cùng chàng kết nghĩa trăm năm. Nhưng trong cảnh ngộ gia đình nàng lâm vào chốn cùng cực, nàng đành phải nuốt lệ phụ tình chàng để trả hiếu cho cha thoát cảnh bị đánh đập tù đày.

Sau khi Mã Giám Sinh mua Kiều với giá 400 lạng vàng, tay ma cô này đã chiếm đoạt trinh trắng của nàng rồi đưa nàng vào lầu Ngưng Bích, một động mãi dâm của mụ tú bà để cho khách mua vui. Sau đó, Kiều lần lượt lọt vào tay những gã sở khanh, phải chịu bầm dập dưới những cơn vũ bão dục tình của họ, lại thêm những trận đòn thiếu sống thừa chết của mụ tú bà ép buộc nàng phải tiếp khách. Kiều cảm thấy nhục nhã và xót xa cho chính bản thân mình; một người con gái nhà lành có giáo dục, đẹp đẽ thanh cao… giờ đây lạc loài nơi xứ lạ quê người, không một người thân, bị áp bức phải hành nghề xấu xa nhất trong xã hội mà gia đình nàng nào có hay:

            “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

            Giật mình, mình lại thương mình xót xa”…

Không may! Kiều gặp Thúc Sinh người đã có vợ là Hoạn Thư, một người đàn bà ghen triệt để, đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Cam lòng làm vợ lẻ của Thúc Sinh, Kiều làm sao tránh khỏi những trận đòn ghen chí tử và làm nhục của Hoạn Thư dành cho nàng. Sóng gió cuộc đời nàng chưa dừng lại nơi đây, Kiều bị bán vào lầu xanh lần thứ hai. Tấm thân yếu đuối của nữ nhi bao phen bị vùi dập bỡi những con người lòng lang dạ thú thì còn mong gì để sống. Nàng chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay sống cuộc đời đen tối ô nhục trong chốn lầu xanh để khách đến mua vui. Nàng tự hỏi thân phận con người được định đoạt bởi xã hội, bởi hoàn cảnh hay số mệnh đã được an bài:

            “Ngẫm hay muôn sự tại trời

            Trời kia đã bắt làm người có thân

            Bắt phong trần phải phong trần

            Cho thanh cao mới được phần thanh cao”…

Trong những ngày tháng đen tối ở thanh lâu, Từ Hải một người quân tử lui tới lầu xanh đã tha thiết yêu Thúy Kiều, và chuộc nàng ra khỏi chốn nhơ nhớp này. Từ Hải như một vị cứu tinh cứu vớt đời nàng. Kiều ngỡ rằng phận bọt bèo của nàng từ nay sẽ được êm ấm và được che chở bảo bọc của Từ Hải. Nhưng đời luôn không như ý mình mong muốn! Những ngày bình an chẳng được bao lâu thì Kiều bị mắc mưu của Hồ Tôn Hiến, tay này bày mưu lập kế đưa đến cái chết của Từ Hải một cách oan uổng. Kiều vô cùng ân hận về cái chết đau đớn đầy oan khiên của Từ Hải.  Niềm hy vọng cuối cùng của nàng đã vụt tắt! Trước mắt nàng là bóng tối dày đặc đang phủ kín, nàng không còn nhìn thấy ánh mặt trời như một tia hy vọng dù thật yếu ớt nhỏ nhoi. Để giải thoát một linh hồn đau khổ và tuyệt vọng, nàng liều mình nhảy xuống sông Tiền Đường hầu kết liễu cuộc đời đầy ô nhục trải dài suốt bao năm qua. Nhưng số mệnh của nàng chưa chấm dứt ở cõi trần ai, nàng được sư cô Giác Duyên cứu sống đem về chùa cho tá túc. Sau khi Kiều bày tỏ sự tình, sư cô động lòng thương xót đã cố gắng đi tìm Kim Trọng khắp nơi, hầu giúp cho Thúy Kiều có cơ hội nối lại duyên xưa sau mười lăm năm lưu lạc xa cách.

 Thương thay cho phụ nữ sống trong xã hội phong kiến mà phẩm giá con người bị chà đạp, vùi dập thảm thương. Thúy Kiều vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha để rồi đời nàng phải rơi xuống vực thẳm bùn nhơ của xã hội vô tâm, và đời nàng sẽ mãi mãi là cuộc đời…bất hạnh dở dang! May mắn thay nàng còn sống sót tái hợp với chàng Kim, nhưng câu thề hẹn “nên duyên chồng vợ gắn bó keo sơn” ngày nào làm sao có thể thực hiện được, dù cho cả hai vẫn còn yêu nhau. Sự trong trắng của nàng không còn nữa, nàng không xứng đáng làm vợ chàng, chỉ xin làm người bạn tri kỷ của chàng mà thôi. Những hủ bại trong xã hội phong kiến, một xã hội trọng nam khinh nữ ít nhiều gì cũng mang đến những hệ lụy, cùng với những hậu quả khó lường cho cuộc đời người đàn bà vốn yếu đuối mong manh như Thúy Kiều.

Kết bài, nhìn lại cuộc đời của ba người đàn bà trong ba tác phẩm: Lolita, Trà Hoa Nữ và Truyện Kiều… cho tôi một sự nhận xét thật tiêu cực về thân phận của người đàn bà bất hạnh dù ở trời Tây hay trời Đông. Đàn bà thuộc về phái yếu, vì thế họ phải chịu nhiều nỗi truân chuyên, chịu nhiều áp bức trong xã hội mạnh thắng yếu thua. Có những người đàn bà vì hoàn cảnh hay bị áp bức mà phải trở thành món đồ chơi cho đàn ông thỏa mãn dục tình. Tất cả những điều tồi tệ nhất sẽ đến với thân phận người đàn bà bán phấn buôn hương, từ những sự dèm pha khinh bỉ của xã hội dành cho họ. Hơn thế nữa, họ sẽ sống với nỗi ray rức hay ân hận trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Hạnh phúc thật khó đến với những người đàn bà đã trót lỡ bước vào bùn nhơ; vì dĩ vãng đen tối như một bóng ma sẽ che khuất bầu trời mơ ước của họ mãi mãi. Thiên đường nào dành cho họ ở ngày mai…?

Kiều My, California, mùa thu 2022