• Âm nhạc,  Tha Nhân

    THƠ: LỜI TỬ SĨ

    Ngày cuối năm, kính mời quý vị bớt ít phút lắng nghe bản nhạc để nhớ về những tử Sĩ VNCH

    những đồng đội của chúng ta đã xả thân bảo vệ Đất Nước VNCH,và đã hy sinh  mạng sống để

    lại người vợ góa bụa bơ vơ trên đời cô đơn này., qua những dòng thơ đầy tình cảm của nhà thơ lão thành Trần Quốc Bảo bên dưới:

    Kính chúc toàn thể quý vị năm mới Giáp Thìn luôn vui khỏe an bình và hạnh phúc…

    THA NHÂN

    LỜI TỬ SĨ     
    https://youtu.be/b2h5aowL-ww     

    Tạ ơn em, đến thăm anh,

    Nằm ngoan, ôm nấm cỏ xanh trên mồ!

    Mùi hương lan tỏa mơ hồ,

    Thấm vào lòng huyệt, thơm tho nồng nàn.

    Thôi em! Xin chớ khóc than,

    Để hồn anh được bình an miên trường!

    Tình mình, chẳng trọn yêu thương,

    Biệt ly nhau, giữa đoạn đường thanh xuân.

    Anh xin chịu lỗi muôn phần,

    Làm em đứt ruột bao lần xót thương!

    Anh nằm xuống giữa chiến trường!

    Dâng lên Tổ Quốc, máu xương hình hài.

    Tình nhà, tình Nước: hai vai,

    Đáp đền chỉ một, trong hai mối tình!

    Trận tiền, thập tử nhất sinh,

    Bỏ em đành đoạn, một mình lẻ loi!

    Bơ vơ góa bụa nửa đời,

    Khăn tang ủ rũ, bời bời tóc xanh!

    Tạ ơn em, đến thăm anh,

    Hai dòng nước mắt, tưới xanh cỏ vàng!

              Trần Quốc Bảo, Richmond, Virginia

             Địa chỉ điện thư của tác giả: quocbao_30@yahoo.com

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

    DU LỊCH Ý ĐẠI LỢI

    Dương viết Điền

    Đúng 8:00 giờ sáng, xe buýt từ từ chuyển bánh  để qua nước Ý đến thành phố Milan .

    Milan là một trong những hành phố lớn nhất của nước Ý. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử nên ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào thành phố nầy để thưởng ngoạn.  Thành phố nầy cũng là trung tâm của thời trang về nhiều loại sản phẩm nỗi tiếng nhất thế giới như áo quần, giày dép, crystal pha lê vv…Vì vậy chúng tôi được ông trưởng đoàn cho lên tàu vượt dòng sông để đến bờ bên kia xem trung tâm chế tạo ly, tách và những sản phẩm được chế tạo bằng cát rồi biến chế để trở thành trong sáng như thuỷ tinh, pha lê.

    Sau đó để tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm nhà thờ nỗi tiếng Milan, người Ý gọi là Dumo Di Milano. Nhà thờ này được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới, sau đền thánh Saint Peter ở La mã. Tôi và bà xã tôi cũng đã vào xem nhà thờ này trong khi nhiều người khác thích đi shopping ở ngoài hơn vì biết rằng nhà thờ này còn đang tiếp tục được xây cất chưa hoàn thành. Khi đến gần một cột trụ xây bằng đá ở trong nhà thờ, tôi dang tay ôm cột trụ để ước luợng khoảng bao nhiêu người ôm mới xuể. Sau đó tôi thấy rằng phải đến bốn người mới ôm hết cột trụ này. Điều này chứng tỏ cột trụ bằng đá trong nhà thờ Milan to đến chừng nào.

    Thánh  đường Dumo Di Milano (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó chúng tôi đến xem bức tượng của nhà danh họa Ý đại lợi, Da Vinci, người Ý gọi là Leonardo Da Vinci, tác giả của hai bức danh họa Mona Lisa và The last Supper. Ông trưởng đoàn cho chúng tôi biết rằng, Leonardo Da Vinci không những là một danh hoạ mà còn là một nhà toán học, một kiến trúc sư, một điêu khắc gia, một nhạc sĩ, và cũng là một văn sĩ nữa.

    Nhà danh họa Leonardo Da Vinci (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó chúng tôi đến xem hý trường La scala nỗi tiếng của thành phố. Hý trường bị hoả hoạn vào tháng 02 năm 1776, sau đó được xây dựng lại và đã được khánh thành vào ngày 03 tháng 08 năm 1778. Đây là Opera House lớn nhất của thành phố Milan.

    Hý trường La Scala (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau khi đi xem một số di tích lịch sử trong thành phố, chúng tôi nghỉ ngơi để ăn cơm trưa. Chiều hôm đó chúng tôi được ông trưởng đoàn hướng dẫn đến ngôi nhà cũ của nàng Juliete trong chuyện tình Romeo và Juliete mà văn sĩ nỗi tiếng Anh quốc Shakespear đã viết lại trong tác phẩm của ông ta.

    Lúc bắt đầu bước vào ngõ hẻm dẫn vô nhà ở của nàng Juliete, tôi thấy một tấm bảng nho nhỏ vuông vắn gắn trên một cột bằng đồng nhỏ đề mấy chữ bằng tiếng Ý:

    CASA DI GIULIETTA (Ngôi nhà của Juliete ).

    Đi theo ngõ hẻm vào trong, chúng tôi thấy bức tượng bằng đồng của nàng Juliete đứng trước ngôi nhà nhìn ra ngoài đường.Nhiều du khách đang chụp hình bức tượng, kẻ khác lại đứng gần bức tượng rồi nhờ bạn bè chụp một tấm hình để làm kỷ niệm. Tôi và bà xã tôi cũng muốn chụp mỗi người một tấm hình để làm kỷ niệm. Tuy nhiên tôi phải đợi một du khách khác đang đứng sát bức tượng để nhờ bạn anh ta chụp xong tôi mới đến gần được. Nhưng ông du khách này lại đùa giởn thật kỳ quái làm mất thì giờ của những người khác đang chờ: ông ta cứ đưa tay vừa thoa vừa bóp cái vú bên phải của bức tượng, vừa cười một cách trơ trẻn. Sau khi bạn ông ta chụp xong, vợ chồng tôi mới thay phiên nhau tiến đến gần bức tượng để chụp hình làm kỷ niệm.

    Bức tượng Juliete

    Sau đó chúng tôi liền mua vé để vào trong ngôi nhà của nàng Juliete cách đây mấy trăm năm mà xem cho được tường tận khi nhớ lại chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliete sao mà buồn vời vợi. Một chuyện tình thật bi thương và cay đắng, một chuyện tình thật nghẹn ngào đầy nước mắt. Khi vào trong chúng tôi thấy một số đồ đạc của gia đình Juliete vẫn còn nguyên vẹn tuy có hơi cũ mà thôi. Chiếc giường của nàng còn đó. Trên giường có trải một tấm ra trắng .Cạnh chiếc giường là hai chiếc ghế bằng gỗ mà trên hai chiếc ghế này, đã nhiều lần Romeo trốn vào đây ngồi bên cạnh Juliete để tỏ bày tâm sự , để chàng và nàng cùng nhau nức nở lệ sầu. Vì cấm chụp hình lúc vào xem trong ngôi nhà này, nhưng vì một lần đi là một làn khó, biết bao giờ trở lại được nơi nầy nên nhanh như chớp, tôi đưa máy chụp hình cầm sẵn trên tay chụp liền hai hình để làm kỷ niệm: một hình chụp chiếc giường nàng Juliete nằm, một hình chụp hai chiếc ghế bằng gỗ nơi chàng Romeo và nàng Juliete ngồi tâm sự chuyện tình cách đây mấy trăm năm.

    Chiếc giường gỗ của Juliete nằm.

    Hai chiếc ghế đặt trong nhà Juliete.

    Sau đó tôi và bà xã tôi ra đứng tại cửa sổ, nơi nàng Juliete đêm đêm đứng trông ngóng chàng Romeo đến thăm nàng. Bỗng bà xã tôi hỏi:

    -Làm sao mà Romeo leo lên cửa sổ nầy được anh ?

    Nghe bà xã tôi hỏi như vậy tôi không biết trả lời làm sao cả. Bởi vì khi đứng trên cửa sổ tầng thứ nhất của ngôi nhà Juliete nhìn xuống, tôi thấy khó mà leo lên được cửa sổ nầy thật. Tuy nhiên có một bức tường chung của nhà hàng xóm bên cạnh với nhà của nàng Juliete  nằm phía bên phải cách cửa sổ của nhà nàng Juliete khoảng ba thước nên tôi nghĩ rằng, anh chàng Romeo có thể leo lên bức tường ấy rồi đu dây qua được cửa sổ nầy chăng?

    Bỗng thấy chị Thu Hương đang cầm máy chụp hình đứng dưới nhìn lên cửa sổ chúng tôi đang đứng, tôi cất tiếng nói vọng xuống:

    -Juliete đấy à, Juliete ơi ! Romeo đang đứng trên cửa sổ đây nè, chụp cho Romeo một tấm hình đi Juliete.

    Sau khi nghe tôi nói xong, chị Thu Hương nhìn lên, điều chỉnh camera ba mươi dây rồi bấm nút. Khi tia flash loé sáng, chị ấy cười đắc chí vì đã chụp được một Romeo « dỏm » đứng bên cạnh một Juliete cũng « dỏm » là bà xã tôi, tại cửa sổ thật của nhà nàng Juliete thật ở tại thành phố Verona (Milan) trên đất nước Ý.

    Sau khi từ giả nhà Juliete để ra ngoài, chúng tôi thấy trên mấy bức tường, hằng trăm câu viết, chữ ký của du khách viết để kỷ niệm nằm chằng chịt sát bên nhau. Thôi thì đủ loại mực, xanh, đỏ, tím, vàng vv…, và đủ các thứ ngôn ngữ trên cõi ta bà này.

    Vì chuyện tình Romeo và Juliete là một chuyện tình buồn vời vợi mà tất cả mọi người trên thế giới đều biết từ lâu nên khi đã đến thăm đất Ý đại lợi, du khách của tất cả các nước với hằng chục ngôn ngữ khác nhau, không thể không ghé lại ngôi nhà của Juliete được bởi đây là cơ hội ngàn năm một thưở. Đó là lý do tại sao ta thấy quá nhiều ngôn ngữ được viết trên mấy bức tường này vậy.

    Cửa sổ nhà Juliete (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau khi tham quan ngôi nhà của nàng Juliete, ông trưởng đoàn bảo anh em chúng tôi lên xe để đến thành phố Venice ăn cơm tối. Khoảng một giờ đồng hồ sau xe buýt đã đến khách sạn Sheraton Padova ở Corso Argentina 535129 Padova tại Ý.  Sau khi ăn uống xong chúng tôi lên phòng ngủ để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình của mấy ngày du lịch còn lại. Cũng giống như những lần khác, đúng 8:00 giờ sáng, sau khi ăn điểm tâm xong chúng tôi lại lên xe buýt để đi tham quan những danh lam thắng cảnh trong thành phố. Tại đây dưới sự hướng dẫn của ông trưởng đoàn, chúng tôi đến xem đại giáo đường thánh Mark, the Magical Piazza San

    Marco và chiếc cầu Bridge of Sighs.

    Thánh đường The Magical Piazza San Marco

    The Bridge of Sighs (Hình tích từ Wikipedia)

    Tên chiếc cầu nầy do thi sĩ Lord Byron đặt ra . Vì khi tội nhân nào vào nhà tù cũng đi ngang chiếc cầu nầy và khi đi qua cầu nầy, tội nhân hay than vắn thở dài nên nhà thơ Lord Byron đặt tên là cầu thở dài(Bridge of sighs). Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn đến  địa điểm bước xuống thuyền để đi vòng quanh trên lạch nước the Grand Canal thơ mộng nằm giữa thành phố Venice gọi là “Serenade Gondola Ride”. Du khách muốn được ngồi trên thuyền này phải mua vé, 35 Euro cho mỗi người. Nhóm chúng tôi vẫn 6 người như thường lệ ngồi trên một chiếc thuyền màu đen do một anh chàng người Ý khoẻ mạnh chèo thuyền đưa chúng tôi dạo quanh con lạch . Thuyền này cách thuyền kia khoảng mười thước. Thuyền nào ít người thì có ban nhạc ngồi chung. Họ vừa đàn vừa hát giúp vui cho du khách ngồi trên các thuyền thưởng thức. Dưới ánh nắng dịu hiền của mùa thu mới về trên đất Ý, chúng tôi ngồi trên thuyền nghe tiếng đàn, tiếng hát của mấy chàng ca sĩ người Ý ở chiếc thuyền trước mặt cũng khiến cho tâm hồn chúng tôi cảm thấy rộn ràng, hân hoan, cảm thấy hạnh phúc, vui tươi. Bất giác tôi cất tiếng hát bài Le Beau Danube Bleu của nhạc sĩ nổi tiếng Johann Strauss Jr mà nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang tiếng Việt là Dòng Sông Xanh :

    Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh

    Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp

    Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến

    Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ

    Quay về miền đời lúc mơ huyền

    Ánh dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu

    Cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai.

    Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui

    Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi.

    Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi

    ……………………………………………..

    Lạch nước The Grand Canal (Hình trích từ Wikipedia)

    Ngồi trên thuyền dạo chơi trên lạch nước The Grand Canal tại thành phố Venice

    Vì cảnh mấy chiếc thuyền đen đang lướt nhẹt trên lạch nước chảy quanh thành phố Venice dưới ánh nắng thu thật tuyệt đẹp nên chúng tôi thay phiên nhau quay phim, chụp hình. Thuyền này chụp thyền kia, người kia chụp người nọ liên hồi.

    Khoảng nửa giờ sau anh chàng lái thuyền người Ý cho thuyền chúng tôi cập bến rồi gác mái chèo. Chúng tôi liền lên bờ và theo ông trưởng đoàn để đi ăn cơm trưa.

    Thế rồi chiều hôm ấy, chúng tôi đến tham quan tháp nghiêng Pisa rồi chụp hình làm kỷ niệm. Vì tháp hơi nghiêng và lên tầng cấp hơi khó khăn, cũng như phải mua vé mới lên xem được, vì vậy rất nhiều người trong đoàn du lịch chúng tôi không muốn lên xem. Riêng nhóm 6 người chúng tôi nhất quyết lên xem cho được mặc dầu tôi bị đau lưng và bà xã tôi mới bị té sáng qua nên lưng bị sưng lên làm hơi đau đớn. Trước khi leo lên tháp Pisa, ông trưởng đoàn cũng nói cho chúng tôi biết sơ tiểu sử về di tích của tháp này. Tháp The Leaning Tower of Pisa tiếng Ý là Torre pendente di Pisa hay là La Torre di Pisa. Tháp này là cấu trúc thứ ba trong quãng trường Piazza del Duomo và được xây đứng một mình bên cạnh nhà thờ thành phố Pisa ở Ý. Lúc xây thì tháp thẳng đứng, nhưng sau khi xây xong vào năm 1173, tháp bị lệch hướng và nghiêng về phía đông nam vì có một nền móng của tháp bị yếu vì thiếu chất nền. Tháp cao 55.86 mét, rộng 4.09 mét, đỉnh rộng 2.48 mét. Từ dưới lên trên có tất cả 294 tầng cấp. Độ nghiêng của tháp 5.5 và nặng

    14, 500 tấn. Tháp nầy được xây qua 3 giai đọan trong thời gian 177 năm. Sau khi xác định lại một lần nữa, các kiến trúc sư cho biết rằng tháp sẽ vẫn còn vững chắc ít nhất 300 năm nữa. Sau khi nghe ông trưởng đoàn trình bày xong, chúng tôi liền đến gần tháp để mua vé  rồi leo lên tháp tham quan.

    Tháp nghiêng Pisa (Hình trích từ Wikipedia)

    Vì phải mua vé để lên cho kịp giờ nên anh Lê văn Chính đi nhanh đến chỗ bán vé để mua trước cho anh em chúng tôi trong lúc tôi, bà xã tôi và chị Thu Hương phụ giúp chúng tôi đi gởi xách và túi đeo lưng của tôi  tại phòng gởi vì không được mang xách, túi đeo lưng lên tháp. Sau đó, tôi và bà xã tôi dìu tay nhau kẻ sau người trước vừa đi lên chầm chậm vừa nghỉ. Đến tầng thứ tư của tháp Pisa, vì quá đau lưng nên bà xã tôi không muốn đi lên nữa. Nhờ sự thuyết phục và động viên của tôi và nhờ tôi dìu bà xã tôi đi chầm chậm, cuối cùng chúng tôi đã lên được đỉnh của tháp Pisa. Lúc đứng trên tháp Pisa nhìn xuống, tôi nói với bà xã tôi rằng chúng mình đã chiến thắng nhờ cố gắng khắc phục được sự đau lưng nên mới lên tới đỉnh tháp Pisa. Thế rồi chúng tôi chụp vài bức hình làm kỷ niệm trước khi đi xuống.

    Hình chụp trên đỉnh tháp Pisa.

    Sau khi về khách sạn nằm nghĩ lại vụ leo lên tháp, tôi thấy tôi và bà xã tôi thật liều lĩnh và quá chịu đựng vì đã leo tất cả 294 tầng cấp (bậc thềm) đang trơn trợt vì có nước ở các tầng cấp trong khi lưng chúng tôi đau nhói lúc đang leo. Có lẽ một lần đi là một lần khó cũng như biết rằng chẳng bao giờ trở lại tháp Pisa nầy nữa nên phải  quyết chí mà thôi .

    Sau khi từ giả tháp nghiêng Pisa, chúng tôi được ông trưởng đoàn du lịch hướng dẫn về khách sạn Grand Hotel Guinigi ở tại Via Romana 1247, Lucca thuộc tỉnh Lucca nướcÝ để nghỉ ngơi và ăn cơm tối.

    Sáng hôm sau ông trưởng đoàn du lịch đưa chúng tôi đi tham quan một số di tích lịch sử trong thành phố Florence. Chúng tôi đã đến xem Cổng Thiên Đàng (the Door of Paradise) hay còn gọi là the Bronze Door of the Baptistery, quãng trường Signoria, trung tâm thương mại Duomo và di tích “ the 13 Santa Crose”. Sau khi tham quan những di tích lịch sử nầy chúng tôi đuợc hướng dẫn đi xem các cửa tiệm bán áo quần, giày dép vv…làm bằng da thuộc của thú vật chính hiệu con nai vàng. Đến chiều, ông trưởng đoàn du lịch dẫn chúng tôi đến thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới của Thiên chúa giáo, đó là thành phố La mã. Tại đây ông trưởng đoàn cho chúng tôi vào tham quan toà thánh Vatican trước. Sau khi mua vé vào cửa xong, 36 Euro cho mỗi một người, chúng tôi đứng sắp hàng nối đuôi nhau để vào xem. Vì hằng trăm đoàn du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về đây để tham quan toà thánh La mã, nên chúng tôi tuy đã sắp hàng nối đuôi nhau rồi, nhưng vẫn di chuyển rất chậm chạp từng bước một và phải mất một giờ bốn mươi lăm phút mới vào được bên trong toà thánh La mã. Tại đây, chúng tôi được tham quan quãng trường và đại giáo đường Thánh St.Peter. Trong lúc nhìn kỹ lối kiến trúc và những bức tượng được đặt trong đền Thánh St.Peter, anh Lê văn Chính đi bên cạnh tôi ca ngợi liên tục. Anh nói:

    -Điền thấy không, nhìn lối kiến trúc của ngôi đền từ ngoài vào trong từ trong ra ngoài, cũng như những nét điêu khắc, chạm trổ thật điêu luyện và tinh vi của mỗi bức tượng, mình phải thán phục những nghệ nhân cách đây mấy thế kỷ. Nếu so sánh nghệ thuật thưở ấy và bây giờ mình phải nói nghệ thuật của người xưa quá tuyệt vời.

    Theo sự trình bày và giải thích của một cụ già ngườiÝ được ông trưởng đoàn du lịch giới thiệu cho chúng tôi, đại giáo đường Saint Peter tiếng Ý gọi là Basilica di San Pietro in Vaticano. Đây là một trong bốn đại giáo đường quan trọng nhất của La mã. Đại giáo đường này là biệt thự nỗi bật nhất bên trong thành phố Vatican và được xây dựng ngay trên nơi hoang tàn đổ nát của đại giáo đường cũ. Đại giáo đường này chiếm một diện tích 5.7 acres và có khả năng chứa trên 60,000 người.

    Thánh đường Peter (Hình trích từ Wikipedia)

    Tân ước không đề cập đến sự hiện diện của thánh Peter tại La mã, nhưng truyền thống của Thiên chúa giáo nghĩ rằng, ngôi mộ của thánh Peter được an táng ở phía dưới đền thờ của ngài. Vì lý do nầy, nhiều Giáo hoàng, bắt đầu với những vị đầu tiên, đã được an táng nơi đây. Đại giáo đường ngày hôm nay được xây trên chỗ hoang tàn đổ nát cũ bắt đầu ngày 18 tháng 04 năm 1506 và hoàn thành xong vào năm1626. Vào ngày 23 tháng 12 năm 1950, trong lần phát thanh trước lễ Giáng sinh trên toàn thế giới, đức Giáo Hoàng Pio 12 thông báo cho toàn thể thế giới biết rằng các nhà khảo cổ đã tìm ra ngôi mộ của Thánh Peter sau 10 năm tìm kiếm dưới hầm mộ của đại giáo đường.

    Còn quãng trường Thánh Peter ( Piazza di San Pietro) nằm ở phía đông của nhà thờ do Gianlorenzo Bernini kiến tạo giữa năm 1656 và 1667. Quãng trường này được bao quanh bởi một số dãy cột hình bầu dục với hai đôi cột, theo kiểu thật giản dị của Hy lạp thưở trước, tạo thành chiều rộng của quãng trường. Mỗi cột mang một cái mũ trên cột theo lối kiến trúc cũ. Những dãy cột này như như dang rộng vòng tay quanh quãng trường, như ôm ấp niềm tin trong cánh tay của người mẹ ở trong giáo đường.

    Quãng trường Thánh Peter(Hình trích từ Wikipedia)

    Sáng nay đáng lẽ chúng tôi vào thăm di tích cổ thành La mã trước, nhưng khi đến nơi, các đoàn du lịch khác nối đuôi nhau vào xem quá đông nên ông trưởng đoàn sau khi hướng dẫn chúng tôi đi thăm một vài di tích ở bên ngoài thành liền thay đổi chương trình, qua thăm toà thánh La mã trước. Trong khi điểm danh lại trên xe buýt, ông trưởng đoàn thấy mất tích hai người. Ông liền chỉ thị cho tài xế xe buýt phải chờ hai vợ chồng người Hoa kia trở lại rồi mới khởi hành. Trong lúc đó, ông trưởng đoàn cầm cây cờ hãng du lịch Tour Ritz chạy tới chạy lui trong mấy đám đông mất mười lăm phút toát mồ hôi hột vẫn không tìm thấy hai người kia đâu cả. Cuối cùng, ông trưởng đoàn quyết định cho tài xế lái xe buýt qua thăm toà thánh La mã nếu không sẽ bị trễ dây chuyền ở những nơi khác. Cũng may là ông trưởng đoàn đã cho tất cả du khách trong đoàn biết số cell phone của ông ta nên khi hai vợ chồng người Hoa kia bị lạc, họ đã gọi cell phone cho ông trưởng đoàn . Sau đó nghe đâu ông chồng người Hoa này bị Tào tháo rượt nên phải tìm nơi đi cầu. Vì vậy bà vợ phải chờ ông ta nên khi ông trưởng đoàn tập họp du khách lại để lên đường, hai vợ chồng người Hoa này không ra kịp nên bị lạc. Đi du lịch kiểu này vợ chồng luôn luôn phải sát cánh bên nhau mới khỏi bị lạc nhau. Thà lạc đoàn du lịch rồi nhờ cảnh sát tìm cách liên lạc lại sau chứ vợ lạc chồng hay chồng lạc vợ thì rắc rối cho cuộc tình! Cuối cùng hai vợ chồng người Hoa này đã gọi tắc xi về khách sạn. Không hiểu đồ ăn thức uống tại các tiệm ăn như thế nào mà hết nửa đoàn du lịch chúng tôi đều bị Tào tháo rượt! Vì vậy vấn đề đi tìm phòng vệ sinh lắm lúc làm trở ngại cho cả đoàn. Dĩ nhiên đây là những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn của mọi người.

    Trở lại vấn đề trên, sau khi tham quan toà thánh La mã xong, chúng tôi liền lên xe buýt để đến xem cổ thành La mã. Tại đây ông trưởng đoàn hướng dẫn đi thăm những di tích lịch sử còn lại tại thành phố La mã như the eternal Colosseum, the Roman Forum, Constatine’s Triumphal Arch, Spanish Steps, và Trevi Fountain.

    Cũng như những nơi khác, cứ mỗi lần đến thăm di tích nào ông trưởng đoàn cùng người hướng dẫn địa phương lại phải giải thích cũng như thuyết minh về nguồn gốc của từng thắng cảnh một. Chúng tôi khi thì lắng tai nghe khi thì đành bỏ nghe để  chụp hình, quay phim những nơi chúng tôi đến tham quan vì mỗi lần đi là một lần khó nên phải nhanh tay chụp hình để làm kỷ niệm, nếu không lúc ông trưởng đoàn dẫn đến những thắng cảnh khác thì không sao chụp lại hình nơi mình đã đến được. Vì vậy nhiều lúc các du khách say sưa chụp hình nầy, chụp hình nọ nên đã bị đi lạc đoàn du lịch mấy lần khiến ông trưởng đoàn kêu trời không thấu!

    The Roman Forum. ( Hình trích từ Wikipedia)

    The Arch of Constatine. (Hình trích từ Wikipedia)


    Cổ thành La mã (Hình trích từ Wikipedia)

    The Spanish Steps. (Hình trích từ Wikipedia)

    The Trevi Fountain. (Hình trích từ Wikipedia)

    Cũng như những nơi khác, chúng tôi thay phiên nhau chụp hình, quay phim cổ thành La mã để làm kỷ niệm. Thế rồi chiều hôm ấy, sau mười mấy ngày đi du lịch qua 4 nước Anh, Pháp, Thuỵ sĩ, Ý, sau khi tham quan những nơi đã vạch sẵn trong chương trình du lịch, chúng tôi còn khoảng một đến hai giờ đồng hồ nữa là chấm dứt cuộc du lịch 4 nước Âu châu. Chỉ còn một hai giờ phù du còn lại, chúng tôi được ông trưởng đoàn cho đi shopping để mua sắm quà kỷ niệm tặng bạn bè và nhìn thành phố La mã lần cuối trước khi đi ăn cơm tối, rồi về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai lên máy bay trở lại quê nhà.

    Cuối cùng ông trưởng đoàn tập họp điểm danh chúng tôi trước khi hướng dẫn chúng tôi về khách sạn Holiday Inn Rome Eur Parco dei Medici ở tại Viale Castello della Magliana 65, 00148 thành phố Rome tại Ý.

    Tại đây, ông trưởng đoàn dẫn chúng tôi vào một tiệm ăn người Ý để dùng cơm tối. Vì đây là bữa cơm chung vui cuối cùng của tất cả du khách trong đoàn nên mỗi người đóng góp 45 Euro cho ông trưởng đoàn để ông ta đặt trước tại nhà hàng. Vì là một bữa tiệc ly biệt nên tối hôm ấy ông trưởng đoàn du lịch đã cùng anh em trong đoàn chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác say sưa bên nhau rất là vui vẻ. Vui nhất là các anh bồi bàn ngườiÝ. Họ luôn luôn diện veston, thắt cà vạt lúc bưng đồ ăn ra cho thực khách. Không biết đây có phải truyền thống đùa vui trong tiệm ăn của người Ý hay không mà mấy anh chàng bồi bàn này mỗi lần bưng một món ăn cho một phụ nữ, họ thường cầm theo một cánh hoa hồng để tặng cho người phụ nữ đó. Trước khi tặng cho người phụ nữ nào, các anh chàng này làm một dấu hiệu để xin các nàng một nụ hôn. Nhiều nàng chiều ý chàng để cho chàng hôn lên má, nhiều nàng lại không muốn chiều chàng vì có chồng bên cạnh nên chỉ biết cười rồi ngoảnh mặt đi. Tuy nhiên có một chàng bồi bàn lại liều lĩnh khi xin nàng một nụ hôn và vì thấy nàng cười có vẻ như ưng ý, chàng ta liền lấy một khăn trắng để sẵn trên bàn rồi thả nhẹ để phủ  trên đầu và mắt người chồng ngồi bên cạnh nàng. Nhanh như chớp, anh chàng bồi bàn kia vừa hôn nhẹ lên má nàng vừa trao cánh hoa hồng cho nàng. Vì động tác của chàng bồi bàn quá nhanh nên nàng trở tay không kịp. Cuối cùng nàng chỉ biết ngồi cười hì hì trong lúc chồng nàng cũng vừa lấy chiếc khăn trắng ra khỏi đầu. Tất cả thực khách thấy thế đều cười to lên khiến người chồng của nàng kia cũng ngạc nhiên không biết tại sao mọi người lại cười như thế. Tiếp theo trò tặng hoa hồng của mấy anh chàng bồi bàn là những bài hát nhạc dạo của hai chàng ca sĩ ngườiÝ. Lúc chúng tôi đang ngồi chờ những thức ăn khác, có hai thanh niên người Ý bước vào. Anh chàng lớn tuổi hơn thì cầm kèn clarinet, anh chàng nhỏ tuổi hơn cầm đàn guitare. Cả hai vừa đàn vừa hát một bản nhạc của nước Ý. Sau khi họ hát xong chúng tôi vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhiều người lấy tiền tặng cho họ. Tôi cũng lấy 5 đô la để sẵn trong túi ra tặng cho họ. Sau đó tôi đề nghị họ hát bài “Torna A Surriento” của nhạc sĩ  người Ý tên là Ernesto De Cutis, tức là bài Come back to Sorrento ( Trở về mái nhà xưa ). Anh chàng lớn tuổi hơn bảo tôi rằng họ không biết bài đó. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe chàng ta nói như vậy bởi vì bài này rất phổ biến tại nước Ý và đã ra đời cách đây hơn 100 năm cả thế giới đều biết.Tuy nhiên ba mươi giây sau họ nói với tôi rằng họ đùa chơi vậy thôi, để họ hát cho mà nghe! Có thế chứ ! Tôi liền nhìn anh Bùi Ty ngồi trước mặt rồi nói :

    -Ca sĩ Ý mà không biết bài “Trở về mái nhà xưa” của nhạc sĩ Ernesto De Cutis thì đập vỡ cây đàn guitare đi là vừa Ty há.

    Thế là anh chàng lớn tuổi thổi kèn clarinet trong lúc anh chàng cầm đàn guitare vừa đàn vừa hát bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý thật du dương, nhẹ nhàng, thật khoan thai và điêu luyện.

    Hai ca sĩ hát dạo người Ý đang trình diễn

    Lúc tiếng hát vừa dứt anh em vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Sau đó anh chàng lớn tuổi hỏi chúng tôi rằng trong chúng tôi  ai là người biết nhảy đầm, tôi liền chỉ ngay anh chị Bùi Ty ngồi trước mặt tôi. Thế là hai anh chàng này mời anh chị Bùi Ty đứng lên để họ đàn và hát cho anh chị Bùi Ty nhảy. Bài “Besame mucho” nhạc của Mễ tây cơ được hai anh chàng kia chọn để hát  cho anh chị Bùi Ty nhảy. Họ đàn bản nhạc này theo điệu cha cha cha và anh chị Bùi Ty cứ thế nhảy liên tục cho đến hết bài làm cho phòng ăn trở nên vui nhộn khác thường. Sau khi tiếng hát vừa dứt, anh chị Bùi Ty vừa về lại chỗ ngồi  thì ông trưởng đoàn du lịch thừa thắng xông lên rót rượu đỏ trong chai ra hết rồi mời anh chị em cùng nâng cốc chung vui. Sau khi cạn ly, chúng tôi liền có đôi lời từ biệt với nhau rồi tất cả lên xe buýt để về khách sạn nghỉ ngơi, sáng mai chuẩn bị lên đường trở về quê cũ. Theo lời dặn của ông Leung Reddy, trưởng đoàn du lịch, chúng tôi dậy thật sớm và đúng 5:00sáng , chúng tôi lên xe buýt để vào phi trường lên máy bay qua Thụy sĩ. Tại thuỵ sĩ, chúng tôi lại sang máy bay khác để về San Francisco. Sau khi dẫn toán chúng tôi vào phi trường, ông trưởng đoàn từ biệt chúng tôi để về lại khách sạn dẫn toán còn lại vào phi trường một lần nữa vì toán nầy phải qua Luân đôn rồi từ phi trường Heathrow tại Luân đôn, họ sẽ lên máy khác để bay về Los Angeles.

    Lúc máy bay vừa cất cánh bay cao giữa mây trời bát ngát, tôi ngoái cổ nhìn xuống những lâu đài cổ kính, những biệt thự nguy nga của nước Ý mà lòng buồn vời vợi. Mới hôm qua đây, chúng tôi đã vào tham quan những kiến trúc thật tinh xảo, những nhà thờ thật vĩ đại, những công trình xây cất quá công phu và đầy nghệ thuật. Mới hôm qua đây chúng tôi đã cùng nhau chụp biết bao nhiêu tấm hình, quay biết bao nhiêu là phim ảnh khi vào trong toà thánh La mã, khi viếng thăm cổ thành, khi leo lên tháp Pisa, khi ngồi trên thuyền lướt nhẹ trên lạch nước trong thành phố Venice thật nên thơ và dịu hiền. Vậy mà giờ phút này đây tất cả đều xa dần, xa dần , chỉ còn thấy mây trời bay trong nắng. Chuyến du lịch bốn nước Âu châu giờ đây đã chấm dứt sau mười hai ngày phiêu bạt giang hồ để trở về mái nhà xưa, trở về nơi quê cũ . Không có gì thoải mái và tuyệt đẹp bằng quê nhà. Không có gì hiền hoà và ấm cúng bằng nơi ta ở. Bỗng đâu văng vẵng bên tai tôi giọng ca bài “Trở về mái nhà xưa” bằng tiếng Ý của hai anh chàng thanh niên người Ý cầm cây đàn guitare và cây kèn clarinet hát dạo trong đêm tiệc chia tay của chúng tôi ở nhà hàng tại nướcÝ chiều qua:

    TORNA A SURRIENTO

    Vide ‘o mare quant’è bello.
    Spira tantu sentimento,
    Comme tu a chi tiene mente,
    Ca scetato ‘o faie sunnà.
    Guarda, guá, chisto ciardino.
    Siente, sié sti sciure arance,
    Nu profumo accussì fino
    Dinto ‘o core se ne va.

    E tu dice: “Í parto, ađio!”
    T’alluntane a stu core,
    Da sta terra de l’ammore
    Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
    Ma nun me lassà,
    Nun darme stu turmiento!
    Torna a Surriento,
    Famme campà!

    Vide ‘o mare de Surriento,
    Che tesoro tene ‘nfunno,
    Chie ha girato tutto ‘o mummo
    Nun l’ha visto comm’a ccà.
    Guarda attuorno sti Sserene,
    Ca te vonno tantu bene
    Te vulessero vasà.

    E tu dice: “Í parto, ađio!”
    T’alluntane a stu core,
    Da sta terra de l’ammore
    Tiene ‘o core ‘e nun turnà?
    Ma nun me lassà,
    Nun darme stu turmiento!
    Torna a Surriento,
    Famme campà!

    Rồi cũng lại văng vẵng bên tai tôi giọng hát của ca sĩ Trần thái Hoà  bài “Trở về mái nhà xưa “ bằng tiếng Việt:

    Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
    Về đây với mầu gió ngày lang thang
    Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
    Ôi lãng du quay về điêu tàn.

    Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?
    Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?
    Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

    Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
    Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
    Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
    Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

    Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
    Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
    Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
    Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

    Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
    Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
    Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
    Đang khóc than trên đường não nề.

    Thôi nhé đừng hoài âm xưa
    Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
    Người ngồi im bóng
    Lắng nghe tháng ngày qua.

    California, một chiều thu nhạt nắng .

               Dương viết Điền (tháng 10 năm 2007)

                 (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu và Hạ Uy Di” xuất bản năm 2009)

  • Kiều My,  Sinh Hoạt

    CHIẾN HỮU…CỦA MÙA XUÂN

    Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương

    Dường như Xuân đang đến giữa mùa Đông trên vùng trời Nam California?  Ánh nắng chan hòa lan tỏa khắp bầu trời xanh lơ, mang đến lòng người một sự ấm áp dịu dàng của ngày thứ bảy cuối tuần. Nơi một góc phố, từng lớp nam thanh nữ tú nô nức đến dự tiệc MỪNG XUÂN & LỄ THƯỢNG THỌ CỰU ĐẠI TÁ LÊ THƯƠNG. Lòng người đầy hân hoan như một ngày hội lớn, hòa lẫn tiếng cười tiếng nói giữa một rừng mai vàng rạng rỡ của mùa xuân, trong khánh phòng rực ánh đèn.

    Đoàn trống Nghệ Thuật Thiên Ân

    Quang cảnh nhà hàng White Palace thành phố Westminster, Nam California chiều nay rất náo nhiệt. Đoàn trống Nghệ Thuật Thiên Ân đã trình diễn màn trống “Đón Xuân” vô cùng ngoạn mục. Qua tiếng trống vang rền, các em thiếu nhi muốn gửi lời cầu chúc đến mọi người – Một năm mới THỊNH VƯỢNG, HẠNH PHÚC và DỒI DÀO SỨC KHỎE. Đây là niềm mơ ước của tất cả mọi người trong những ngày đầu xuân.

              Trong khoảnh khắc, quan khách cùng hướng về cửa chính nhà hàng để chào đón các cựu sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đang hộ tống cựu Đại tá Lê Thương tiến vào khánh phòng, người chủ tọa buổi tiệc đêm nay. Nhìn hình ảnh già yếu của cựu Đại tá Lê Thương, chỉ huy trưởng sư đoàn 2 Pháo binh ngày nào oai phong lẫm liệt trước ba quân tướng sĩ… mà không khỏi chạnh lòng?

    Hai MC Mộng Thủy và Trần Mạnh Chi đã làm bừng sáng sân khấu, khi ngỏ lời chào mừng quan khách, cùng tiếng nhạc trổi lên trong bầu không khí tưng bừng. Sự kiện hôm nay được tổ chức dưới sự phối hợp nhịp nhàng của gia đình cựu Đại tá và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian của nhà văn Trần Việt Hải. Những tà áo dài tha thướt đủ màu sắc và những áo dạ hội rực rỡ của phái đẹp, đã làm cho hội trường trở nên lộng lẩy. Lại tô điểm thêm những bộ quân phục với mũ: trắng, xanh, nâu, đỏ, xám…của những người hùng thuộc các binh chủng:  Hải quân, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Không Quân…oai phong như gươm lạc giữa rừng hoa…đã gieo vào lòng người nỗi xúc cảm sâu sắc. Hình ảnh những chiến sĩ hôm nay, đã đưa mọi người trở về thời chiến của đất nước trong quá khứ. Nhìn cựu Đại tá tuổi già sức yếu, cũng như những cựu chiến sĩ không còn trẻ nữa…Trong tâm tư của từng người hiện diện trong khánh phòng, làm sao không khỏi hồi tưởng về quá khứ của một chiến sử cách nay đã 5 thập kỷ. Thời chiến của Việt Nam trước 1975 đã sống lại – qua hình ảnh của những chiến binh trong quân phục trước mắt, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân đời mình để phục vụ đất nước, giữ gìn non sông và bảo vệ đồng bào.

    Chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ

    Bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã trổi lên…Dưới màu cờ vàng ba sọc đỏ…mà các chiến sĩ đã thề nguyền bảo vệ Tổ Quốc thân yêu khỏi tay giặc thù…Âm vang hùng hồn của bản quốc ca với hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ thân thương, đã khơi dậy tình yêu Tổ quốc và chắc hẵn sẽ sống mãi trong lòng người Việt tha hương. Phút mặc niệm trong thinh lặng, cả hội trường nghiêm chỉnh cúi đầu tưởng niệm đến những anh hùng vị nước vong thân, những chiến sĩ vô danh, dân quân cán chính và những nạn nhân bỏ mạng trên con đường tìm Tự Do…trong bùi ngùi thương cảm! Xin thắp nén hương lòng để tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi trong ngậm ngùi chua xót!

    Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương

    Cựu Đại tá và ái nữ Thụy Lan ngỏ lời cảm tạ đến quan khách hiện diện trong buổi tiệc đầy ý nghĩa và đáng ghi nhớ này.

    Tiểu sử Cựu Đại tá Lê Thương

    Sau đó, nhà văn Vi Khiêm đã nói về tiểu sử cũng như cuộc hành trình trên đường dài chiến binh của cựu đại tá Lê Thương. Ông là cấp chỉ huy có lòng nhân ái đối với hạ cấp, luôn thương yêu binh sĩ và gắn bó với họ đến giờ phút cuối cùng. Đây là nét son trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Chính vì thế, mà trong tiệc mừng thượng thọ thứ 98, các chiến hữu của mọi binh chủng đã đến với ông, chia sẻ niềm vui và cầu chúc ông những điều tốt đẹp nhất. Tình chiến hữu keo sơn đã thể hiện tốt đẹp nơi xứ người, qua thời gian dài mà vẫn không phôi pha. Quây quần bên ông, còn có những bạn hữu thân thương đã từng gắn bó với ông suốt mấy thập kỷ qua. Như cựu Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill đã từng nói: “Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận, nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”. Thật vậy! Tư tưởng của Churchill rất thâm thúy qua sự kiện hôm nay.

    Trong quá trình hoạt động văn hóa, Thụy Lan là một thành viên trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, đã viết bài Tuổi Thơ Trong Bom Đạn. Trong bài tùy bút này, tác giả đã ghi lại những kỷ niệm thời quá khứ, mà tuổi thơ của cô gắn liền với thân phụ, người trót mang cuộc đời binh nghiệp. Trong tháng 3/1975 trước ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, thân phụ cô đã tìm đủ mọi phương tiện đưa gia đình từ Huế vào Saigon an toàn. Tác giả viết…

    …“Nhưng cha tôi không thể bỏ Sư đoàn, bỏ nhiệm vụ để cùng gia đình bỏ trốn đi, và đành phải chia tay nhau tại phi trường Đà Nẳng để trở về lại căn cứ Chu Lai thu xếp mọi chuyện như: phá hủy giấy tờ quan trọng, thủ tiêu súng đạn, chỉ huy thu xếp chỗ trên các chiến hạm để cho tất cả quân nhân Sư đoàn 2 và gia đình họ vĩnh viễn rời khỏi căn cứ Chu Lai sau đó. Cha tôi cùng đoàn người di tản trên chiếc hạm cập bến tại cảng Đà Nẳng đi vào Nam ngày 3/4/1975, và cuối cùng tàu đã cập bến Phan Rang an toàn trước ngày Phan Rang thất thủ 16/4/1975. Cha tôi thoát chết sau 8 ngày phải lẫn trốn, và băng rừng vượt suối, để cuối cùng gặp lại gia đình tại Saigon ngày 24/4/1975. Đến ngày 30/4/1975, chính phủ do ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng CS.

              Đó là những đoạn đường mà cuộc đời binh nghiệp đã đưa cha tôi qua không biết bao nhiêu gian truân, để cuối cùng thân xác bị lưu đày vào tù CS trong suốt 13 năm trời kể từ ngày mất nước.”

              …Hình ảnh của cha tôi trong quân phục bộ binh là một hình ảnh mà tôi tôn thờ, ngưỡng mộ và yêu quý nhất đời mình. Vì vậy tôi luôn tôn kính và yêu thương những người lính đã hy sinh vì hạnh phúc và sự sống còn của quê hương và dân tộc, cũng như những ai đang phục vụ trong quân đội. Tất cả là từ hình ảnh tuyệt vời của cha tôi, người đã cho tôi thấy những nỗi đau, sự chịu đựng và lòng hy sinh quên mình vì dân tộc…”

              Qua một đoản văn của bài viết “Tuổi Thơ Trong Bom Đạn,” Thụy Lan đã bộc bạch cho độc giả thấy về tinh thần trách nhiệm cao quý của vị chỉ huy trưởng sư đoàn 2 Pháo binh Lê Thương. Ông đã đặt tình đồng đội lên trên cả tình gia đình vợ con. Trong những lúc gian nguy của chiến cuộc, ông vẫn ở lại đơn vị để bảo vệ những người lính của ông, ông đã cho đi hết lòng. Vì thế mà trong tiệc mừng thượng thọ 98 hôm nay, các chiến sĩ đã đến với ông cho trọn tình “Huynh Đệ Chí Binh”. Anne Frank đã khẳng định: “Không ai trở nên nghèo túng vì cho đi”- “No one has ever become poor by giving” Thật vậy! Khi cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn thế!

    Trận đánh giải vây Tết Mậu Thân 1968

    Thiếu tá Hồ Đắc Huân đã tường thuật về cuộc chiến giải vây thành phố Huế Tết Mậu Thân 1968, mà sư đoàn 2 Bộ Binh, đơn vị Pháo Binh của cựu đại tá Lê Thương đã chiến đấu ròng rã trong gian khổ hiểm nguy để dành lại cố đô Huế. Song song với bài tường thuật là màn hoạt cảnh của các chiến sĩ trong màu áo trận. Tiếng súng nổ vang rền, những binh sĩ (do hậu duệ QLVNCH trình diễn) kiên cường chiến đấu với quân thù để dành lại từng tấc đất của cố đô và bảo vệ người dân xứ Huế. Những người dân thành thị chưa bao giờ chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh; giờ đây, qua màn hoạt cảnh có thể hình dung được phần nào về cuộc chiến tàn khốc mà chính những người chiến sĩ có mặt nơi đây hôm nay đã dự phần. Tôi đã nghẹn ngào trong nước mắt! Tôi mạo muội xin thay mặt người công dân Việt Nam Cộng Hòa, gửi lời tri ân chân thành muộn màng đến cựu đại tá Lê Thương, cùng tất cả cựu chiến binh các cấp và thương phế binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã đóng góp xương máu và một phần đời mình trong cuộc chiến. Cầu chúc tất cả các anh chiến sĩ may mắn sống còn trong cuộc chiến, được hưởng cuộc sống an vui nơi xứ người và cũng không quên cầu chúc những cựu quân nhân, thương phế binh còn lại quê nhà luôn được bình an.

    Hoạt cảnh giải vây Tết Mậu Thân 1968

    Kỹ thuật chỉ huy pháo pháp như “đề lô” (delo pháo binh), thám thính mục tiêu tính toán tọa độ, trinh sát định vị mục tiêu tác xạ sao cho chính xác, chỉnh chu. Trong binh pháp chiến đấu “Tiền Pháo Hậu Xung“, đơn vị Pháo Binh sư đoàn 2 yểm trợ trận đánh đã chiến thắng vẻ vang ở mặt trần Sa Huỳnh. Một bài viết đã tường thuật công lao của Đại tá Lê Thương, trong Việt Báo, tựa đề “Pháo Thủ Sư Đoàn 2 Bộ Binh Tại Mặt Trận Nam Quảng Ngãi”, ngày 01/09/1999, do phóng viên Vương Hồng Anh, Mặt trận Nam Quảng Ngãi tháng 2/1972: ghi nhận như sau:

    Trong loạt bài viết về trận tấn công của CQ vào hải cảng Sa Huỳnh, (phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, gần Quốc lộ 1) vào ngày 28 tháng 1/1973 ngay sau khi Hiệp định ngưng bắn có hiệu lực. Chúng tôi trình bày sơ lược về chiến tích yểm trợ hỏa lực của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh trong cuộc tổng phản công tái chiếm Sa Huỳnh. Đây là cuộc hành quân do bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 BB khởi động với nỗ lực chính là trung đoàn 5BB, tiểu đoàn 2/ trung đoàn 4, thiết đoàn 4 Kỵ binh thuộc Sư đoàn và liên đoàn 1 Biệt động quân tăng phái. Chính trong cuộc hành quân này, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã đóng góp đáng kể trong chiến thắng chung tại mặt trận Sa Huỳnh. Các trận hỏa công của pháo thủ Sư đoàn 2 BB đã được ghi vào chiến sử Pháo binh VNCH.

    Tại chiến trường Nam-Tín-Ngãi (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi), trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã yểm trợ hỏa lực cho trung đoàn 5 Bộ binh tại mặt trận Quế Sơn. Cuối tháng tháng Giêng 1973, khi CSBV tung quân tấn công cường tập hải cảng Sa Huỳnh, vi phạm lệnh ngưng bắn của Hiệp định Ba Lê (có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 11/1972), bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 BB đã điều động cùng một lúc 2 tiểu đoàn Pháo binh 105 và 155 ly, đồng bộ yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 5 Bộ binh và Liên đoàn 1 Biệt động quân 12 phản công tái chiếm Sa Huỳnh, tổng số đạn tiêu thụ trong trận đánh này lên đến trên 200 ngàn quả, mở một kỷ lục cho Pháo binh QLVNCH.

    * Pháo binh sư đoàn 2 Bộ binh và trận chiến Sa Huỳnh:

    Pháo binh QLVNCH tác chiến

    Dựa theo tài liệu của cựu đại tá Lê Thương, nguyên chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, đối chiếu với một số bài viết trong tạp chí KBC và tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, diễn tiến về các trận pháo chiến và pháo yểm trợ của Pháo binh Sư đoàn 2 BB tại mặt trận Quảng Ngãi được tổng hợp như sau:

    Như đã trình bày, trong 12 ngày đầu của cuộc hành quân, các đơn vị bộ chiến đã gặp sự kháng cự quyết liệt của CQ, địch đã lập các cụm chốt kiên cố liên hoàn trên các lộ trình đến Sa Huỳnh, đồng thời sử dụng đủ loại đại pháo, hỏa tiển chống chiến xa AT 3 để ngăn chận các mũi tiến quân của lực lượng bộ chiến VNCH, nhất là ở hướng tiến quân của trung đoàn 5 BB từ phía Tây Quốc lộ 1. Trước tình hình đó, ngày 9 tháng 2/1973, trung tướng Ngô Quang Trưởng – tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1, đã bay đến bộ tư lệnh hành quân của Sư đoàn 2 Bộ binh để đôn đốc sự phản công. Trung tướng Trưởng đã ra lệnh thẳng cho đại tá Lê Thương chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh (gồm 3 tiểu đoàn 105 ly, 1 tiểu đoàn 155 ly) là phải tập trung tất cả phương tiện hỏa lực của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, yểm trở mạnh mẽ cho các đơn vị bộ chiến tái chiếm gấp Sa Huỳnh trong vòng 7 ngày, trước khi Ủy hội Quốc tế đến giám sát và kiểm tra về sự vi phạm của Cộng quân.

    Sau khi nhận lệnh của trung tướng Trưởng, ngay trong chiều ngày 9 tháng 2/1973, đại tá Lê Thương đã cho điều động hai tiểu đoàn Pháo binh với 6 pháo đội tác xạ (18 khẩu pháo 105 ly và 16 khẩu pháo 155 ly) khai triển đội hình để yểm trợ các đơn vị bộ chiến tấn công địch quân, tái chiếm các vị trí trọng điểm ở Sa Huỳnh, trong đó có hải cảng và căn cứ hỏa lực tại đây. Cũng cần ghi nhận rằng, theo tổ chức, lực lượng Pháo binh cơ hữu của mỗi sư đoàn Bộ binh gồm có: 3 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn Pháo binh 155 ly, có thể được tăng cường 1 pháo đội 175 ly của Pháo binh Quân đoàn. Trong cuộc hành quân tái chiếm Sa Huỳnh, ngoài hai tiểu đoàn Pháo binh được sử dụng làm nỗ lực chính trong kế hoạch hỏa tập, trong giai đoạn đầu từ ngày 28/1/1973 đến ngày 9/2/1973, sự yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân được bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh phối trí như sau:

    – Tiểu đoàn 21 Pháo binh yểm trợ trực tiếp cho liên đoàn 1 Biệt động quân tiến chiếm các mục tiêu Đông Quốc lộ 1, dọc theo bờ biển.

    – Tiểu đoàn 22 Pháo binh yểm trợ trực tiếp cho trung đoàn 5 Bộ binh tiến quân tái chiếm các cao điểm phía Tây Quốc lộ 1.

    * Các trận hỏa công của Pháo binh Sư đoàn 2 BB:

    Diễn tiến kế hoạch hỏa yểm của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã được cựu đại tá Lê Thương kể lại trong một bài viết được phổ biến trong tạp chí KBC với nội dung như sau:

    Ngày 9 tháng 2/1973, tại phòng họp hành quân của trung đoàn 4 ở Đức Phổ (bộ chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 2 BB cũng đặt tại đây), sau khi nghe trình bày xong tình hình, trung tướng Ngô Quang Trưởng – tư lệnh Quân đoàn 1 đã hướng thẳng vào tôi và ra lệnh: “Tôi giao cho anh trách nhiệm, làm sao tôi không cần biết, tập trung tất cả phương tiện hỏa lực mà anh có thể có, đạn không hạn chế, bảo đảm cho quân bạn tiến gấp chiếm Sa Huỳnh. Chúng ta chỉ còn 7 ngày thôi. Phái đoàn Quốc tế đình chiến đang nằm chờ tại Đà Nẵng.” Sau lời “vâng” của tôi, trung tướng Trưởng hỏi có cần gì không. Tôi trả lời chỉ xin bộ Chỉ huy Tiếp vận tiếp tế đạn dược trực tiếp đến vị trí súng cho chúng tôi. Đây là một lệnh ban hành sai nguyên tắc, vì đúng ra phải qua chuẩn tướng Nhựt, người chỉ huy trực tiếp của tôi. Tôi cũng không lạ gì, vì tôi đã nhận những lệnh loại như vậy khi tôi phục vụ tại Sư đoàn 1 BB, chỉ vì yếu tố lòng tin vốn có. Cũng là dịp tốt cho tôi thực hiện được khả năng của mình và ý chí quyết tâm giúp quân bạn thành công.

    Pháo binh QLVNCH tác chiến.

    Ngay chiều hôm đó là một sự điều động Pháo binh dồn dập, và hôm sau (ngày 10/2/1973), hai tiểu đoàn thống nhất đồng bộ do chính hai tiểu đoàn trưởng chỉ huy, đó là thiếu tá Thái Thanh Hội và thiếu tá Trần Thanh Hào với 6 pháo đội tác xạ được dàn ra. Từng đoàn xe có móc hậu lớn (Lowboy) chở đạn đến chiến trường. Hầu hết các tác xạ đều thực hiện đồng thời (TOT: target-on-time), bất ngờ như B 52 thả bom. Từ đó danh từ B 53 đã được trung đoàn 5 BB đặt tên khi xin yểm trợ để đối đầu với sự tăng cường của địch từ hướng Tây. Có lần chính đích thân trung tá Võ Vàng – trung đoàn trưởng, liên lạc thẳng, kêu gọi tác xạ khẩn cấp vì địch quá đông. Địch từ hướng Tây đang nỗ lực tăng cường cho cuộc chiến. Pháo binh làm hết sức mình để đáp ứng nhanh nhất và hữu hiệu nhất.

    Cứ tưởng tượng rằng mỗi yếu tố chỉ bắn hai quả/khẩu để bao trùm mục tiêu nhanh nhất. Mỗi pháo đội bắn 9 yếu tố bao trùm 300 x 300 mét. Mỗi tác xạ TOT với 6 pháo đội tiêu thụ 648 quả đạn có thể bao 300 x 1800 m, hoặc 600 x 900 mét, hoặc thu hẹp hơn tùy mục tiêu và cách sắp xếp. Điều đáng nói là 34 quả đợt đầu rơi đồng loạt rồi kế tiếp liên hồi bắn nhịp độ nhanh nhất để địch không thể tìm nơi ẩn núp. Nếu đúng chỗ, địch khó mà thoát thương vong. Nếu chỉ có một pháo đội, dù bắn đến 5 ngàn quả, hiệu quả vẫn chưa bằng.

    Chiến thuật này còn gây cho địch tình trạng tâm lý hoang mang thường trực, tinh thần phải luôn luôn đề phòng lo sợ. Hễ nghe súng nổ bất kỳ từ đâu, bất kỳ ai bắn, cũng đều run. Về phần Pháo binh, việc thực hiện không phải là đơn giản. Phải có sự tự tin vào khả năng vì rất dễ bắn nhầm vào quân bạn. Chẳng hạn phải có công tác địa hình chính xác, yếu tố bắn phải tính kỹ không sai, và khi bắn, vô tuyến im lặng hoàn toàn để nhận lệnh ngưng bắn kịp thời khi bất trắc. Có lần đã cho kinh nghiệm, địch lợi dụng bắn cùng lúc để cho ta tưởng bắn lầm mà ngưng tác xạ.

    Ở đợt tấn công cuối vào thị trấn Sa Huỳnh, từ trực thăng bay dọc bờ biển, tôi đã điều khiển bắn ba đợt hơi cay xen kẽ với ba đợt đạn nổ vừa cao, vừa chạm, vừa chậm, bao trùm suốt triền núi phía Tây, quyết diệt địch không cho cơ hội ẩn náu, bảo đảm an toàn cho quân bạn chiếm Sa Huỳnh. Đa số súng lớn và phòng không đã đặt tại khu vực này. Cùng hôm đó, nhìn ra biển tôi thấy một hàng rải rác mấy trăm thùng phuy màu đỏ gạch, chắc đựng xăng, và nhìn kỹ bằng ống nhòm xác định được vô số bao cùng màu nước biển. Sau này xác nhận là gạo bao loại 100 ký bọc hai lớp ny lông, vừa khỏi thấm vừa dễ nổi.

    Hoạt cảnh dánh chiếm Sa Huỳnh.

    Những ngày cuối của cuộc hành quân, trong phòng thuyết trình Sư đoàn, mọi người hân hoan chia xẻ niềm hãnh diện của chúng tôi khi nhìn tổng số đạn dược được tiêu thụ ở con số khinh khủng, trên 200 ngàn quả, kể cả hải pháo, một kỷ lục suốt mọi chiến trường Việt Nam. Xử dụng cùng một lúc trọn hai tiểu đoàn Pháo binh đồng bộ yểm trợ trực tiếp cũng là một kỷ lục của Pháo binh VNCH trong thời chiến.

    Ngày 15/2/1973, Quốc lộ 1 khai thông một ngày trước hạn định. Đoàn xe dân sự dài mấy cây số, chờ đợi cả nửa tháng nay vui mừng lăn bánh trở vào Nam. Ngày 16 tháng 2/1973, trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh Quân đoàn 1 dẫn phái đoàn Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến chứng kiến, sau đó dạo một vòng thăm tỉnh Bình Định (phía Nam Sa Huỳnh) trước khi trở về Đà Nẵng.

    Về chiến lợi phẩm, chỉ kể riêng súng lớn, có 8 khẩu phòng không 12 ly 8, một khẩu 14 ly 5, một súng không giật 75 ly, và đặc biệt một hỏa tiễn AT 3 còn nguyên vẹn và mới tinh, xăng và gạo dân chúng ra biển tha hồ vớt về dùng. Hai cánh quân thâu lượm chiến lợi phẩm nhiều nhất là liên đoàn 1 Biệt động quân và tiểu đoàn 2/4. Nếu ai muốn đặt vấn đề công lao, ai nhiều ai ít, thì người pháo thủ xưa nay ít can dự, vì thông cảm với sự hy sinh của những chiến hữu dùng hai chân cuốc bộ, dơ ngực ra đỡ đạn quân thù. Khi chiến thắng xong, thông thường ít có cấp chỉ huy nhắc công lao pháo thủ. Riêng trận chiến này, chúng ta hãy xét kỹ và cho đó là một thắng lợi chung.

    Cũng theo lời đại tá Thương, trước khi có quyết định của trung tướng Trưởng cho trung hỏa lực để yểm trợ cho các đơn vị tái chiếm SA Huỳnh, ông đã đề nghị với chuẩn tướng Nhựt – tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, cần phải hy sinh một vài nơi khác, tập trung hỏa lực cho cuộc hành quân tái chiếm Sa Huỳnh; nhưng chuẩn tướng Nhựt do dự rồi bỏ qua vì tình hình chung lúc đó nơi nào cũng căng thẳng cả.

    *Trong tiệc hôm nay, cũng có sự hiện diện của cựu chiến sĩ khóa 1 Chiến Tranh Chính Trị – nhà văn, nhà báo và nhiếp ảnh gia Vương Trùng Dương. Anh đã lưu lại những hình ảnh đẹp và mang đầy ý nghĩa trong bài viết “Chiến Hữu… Của Mùa Xuân”. Kiều My chân thành cảm tạ Nhiếp ảnh gia Vương Trùng Dương.

    Nhạc Xuân và Dạ tiệc

    Tiếng nhạc rộn ràng của mùa xuân lại trổi lên. Ban tù ca Xuân Điềm đã mang đến niềm phấn khởi cho mọi người qua ca khúc Xuân Quê Hương. Tiếp đến là một giai điệu vui tươi, thoang thoảng hương vị ngày Tết miên man qua khúc nhạc Đón Xuân được trình bày bởi Ngũ Long Công Chúa: Lan, Mai Bích, Loan, Anh (những ái nữ của cựu đại tá Lê Thương) Giữa muôn cánh mai vàng rực rở với những bao lì xì đỏ treo lủng lẳng trên những cành cây, là những nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống; khiến trong tâm hồn người cảm thấy nao nức như những ngày còn thơ.

              Đặc biệt hôm nay có sự hiện diện của Linh mục Vũ Minh, ngài là Tuyên úy của Không quân, đã ban phép lành cho thức ăn và tạ ơn thực phẩm mà Thiên Chúa ban cho. Giờ đây bắt đầu phần dạ tiệc! Những món ăn thơm ngon bốc khói được nhân viên phục vụ dọn lên bàn, trông hấp dẫn làm sao! Quan khách vừa thưởng thức món ăn, vừa nghe nhạc và được xem những màn hoạt cảnh rất linh động do ban hậu duệ QLVNCH thực hiện, vô cùng thích thú!

    Văn nghệ chủ đề LÍNH và XUÂN

    Bản Lục Quân Hành Khúc trong điệu quân hành rất đỗi hùng hồn, do hậu duệ QLVNCH trong những bộ quân phục của 6 binh chủng trình bày đầy khí thế hào hùng:

    “…Muôn bóng quân Nam chập chùng

    Xây thành vinh quang tiếng vang

                                          Muôn đời Lục Quân Việt Nam”

              Âm vang kiêu hùng của bản nhạc “Lục Quân Hành Khúc” gợi lại một thuở oanh liệt của QLVNCH, đã lập nên những chiến công hiển hách vang danh muôn đời trong quân sử như: trận Tết Mậu Thân, Cổ thành Quảng Trị, Sa Huỳnh, Bình Giã, Khe Sanh, Hạ Lào, v.v…

              Màn hoạt cảnh “Anh Không Chết Đâu Em” với giọng ca đầy xúc cảm của ca sĩ Trần Hào Hiệp, là nhạc trưởng của ban nhạc, phối hợp với ban hậu duệ QLVNCH đồng diễn…Mang đến nỗi xúc động dào dạt trong tâm hồn của những người đã từng sống trong thời chiến. Là những người đã trải qua hay chứng kiến cảnh chia lìa của những đôi uyên ương bằng nước mắt, hay vành khăn sô trên đầu của những góa phụ trẻ và những đứa con thơ dại. Đây là một thảm cảnh trong thời chiến mà nhiều gia đình phải hứng chịu niềm đau mất mác người thân yêu.

              Ánh sáng trong khánh phòng đã dịu hẵn, làm nổi bật những ánh đèn lập lòe như những con đom đóm trên tay các con cháu của cựu đại tá Lê Thương qua màn hoạt cảnh You Raise Me Up. “You Raise me Up” là bài Thánh ca (Gospel ballad) do Rolf Lovland viết nhạc và Brendan Graham phổ lời. Ca khúc này dựa trên một câu chuyện rất đẹp về tâm linh giữa Thiên Chúa và chàng trai trẻ. Nhưng qua hoạt cảnh của những con cháu cựu đại tá, để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với đấng sinh thành qua bao năm gian khổ nuôi con cái khôn lớn, đã gây xúc động trong lòng người. Tiếng hát đồng ca cất lên qua ánh nến lung linh:

    “…Cha nâng đỡ con, vì vậy con có thể đứng trên những đỉnh núi

    Cha nâng đỡ con, để con có thể đi trên biển giữa trời giông bão

    Con mạnh mẽ khi dựa vào bờ vai cha

    Cha nâng đỡ con, khiến con vượt lên hơn cả chính mình”

    ***

    You raise me up, so I can stand on mountains

    You raise me up, to walk on stormy seas;

    I am strong when I am on your shoulders

    You raise me up…To more than I can be.”

    Ngũ Long Công Chúa xướng ca bản Quê Mẹ

    Sau đó, Ngũ Long Công Chúa xướng ca bản Quê Mẹ, một sáng tác của cố nhạc sĩ Thu Hồ để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố. Các nàng công chúa rưng rưng nước mắt khi hát bản này. Tôi cũng đã chạnh lòng, nhớ lại những ngày vượt biên tạm cư ở Singapore, tôi thường hay nghêu ngao bản Quê Mẹ…Tôi nhớ khôn xiết đến gia đình, cha mẹ, chị em, những bạn hữu và quê hương…mà nước mắt cứ tuôn rơi!

    “Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ

    Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu

    Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền

    Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…”

    Sau đây là lời tâm tình của ái nữ Đại tá Lê Thương:

    Chúng con xin kinh chào quý Bác, quý Cô Chú, và toàn thể quý vị đến tham dự tiệc mừng Đại Thọ của thân phụ chúng con hôm nay. Sự hiện diện của quý vị nói lên tấm lòng quý mến dành cho gia đình chúng con. Đặc biệt cho Ba chúng con, cựu Đại Tá Lê Thương, là một người bạn, một vị chỉ huy, đã cùng đồng hành sát cánh với các chiến sĩ VNCH bảo vệ quê hương trên khắp các vùng miền Trung Việt Nam đầy khói lửa trên hai thập kỷ, cho đến ngày 30/4/1975. Rồi bị giam giữ nghiệt ngã trong lao tù Cộng sản suốt 13 năm, cùng với nhiều vị sĩ quan trong quân lực VNCH sau ngày mất nước…

              Một vị sĩ quan phục vụ dưới sự chỉ huy của Ba trong SĐ2BB là chú Phạm Đình Long trên Minnesota cho biết chú ấy RẤT TIẾC không vể Cali dể chúc mừng Ba, vì chú trải qua cuộc giải phẫu tim. Chú viết trong email:

              “Tôi hãnh diện niên trưởng Lê Thương CHTPB/SD2BB kiêm nhiệm Trung tâm trưởng trung tâm Phối hợp hỏa lực đã ở bên cạnh anh em chiến sĩ chiến đấu cho tới phút cuối cùng khi chiến tuyến Phan Rang thất thủ. Từ đó đến nay tôi không được gặp niên trưởng nữa.Tôi bị bắt cùng một số chiến hữu khác. Tôi đã được đi cùng với Chuẩn tướng Sang và VC đã áp giải ra đất Bắc. Trong khi Đại tá Lê Thương vẫn theo Sư Doàn vào tử thủ tại Phan Rang. Tôi rất kính trọng Đại tá Lê Thương đã không rời bỏ anh em chiến hữu vào phút cuối cùng. Đáng ngả nón cúi đầu và trân trọng.”

              Thưa Ba, theo con đây là món quà cao quý chú Long gửi đến Ba: “Một vị chị huy trong cơn nguy khốn, đã không bỏ thuộc cấp”. Con cám ơn Ba về nguyên tắc này.

              Thưa quý vị, theo Tổng thống Abraham Lincoln cho cảm nghĩ là: “Hãy vinh danh những người chiến binh xả thân cho quê hương xứ sở chúng ta, những người lính dũng cảm gánh vác giang sơn đất nước. Ngoài ra, hãy tôn vinh những người đồng đội lo lắng cho những người chiến sĩ dồng đội của mình trên các mật trận mà ông ta đã cật lực phục vụ cho một mục tiêu lý tưởng như vậy”.

    Thưa quý vị,

              Từ thuở bình minh trong lịch sử con người, sống thọ là Thiên tước tức là tước vị Trời ban cho – 70 năm được kể là thọ, 80 năm là thượng thọ. Thân phụ chúng con nay đã được 98 niên tuế, mà trong thời đại này, được kể vào thành phần “cổ lai hy”.

              Tiệc mừng hôm nay, cũng như bao gia đình khác, chúng con đã mạn phép tổ chức để mang tâm tình tạ ơn công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mừng Cha đại thọ, chúng con tưởng nhớ Mẹ, người đã về miền miên viễn lìa xa chúng con hơn 3 năm trước. Mừng thọ cha mẹ, ông bà là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn xưa của người Việt Nam, thể hiện đạo lý làm người mà chúng con muốn nêu gương cho con cháu mai sau.

    “Dẫu con đếm được cát sông

    Làm sao đếm được tấm lòng mẹ cha”.

              Người ta nói rằng trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ, và tấm lòng của Cha. Đúng như thế, Cha là ngọn Thái Sơn hùng vĩ, là điểm tựa vững vàng cho chúng con giữa dòng đời nổi trôi với bao gian nan thử thách.

              Trong ngày trọng đại hôm nay, chúng con xin phép dâng kính Cha chúng con lời thơ của nhân gian:

    “Tuổi già chí vẫn sáng tươi

    Sống vui, sống khỏe, sống đời thanh tao

    Cõi xuân tuổi hạc càng cao

    Cây bền, gốc vững thắm bao nhiêu cành

    Nhờ cây muôn lá tươi xanh

    Xum xuê tỏa bóng, mát cành cháu con”

              Quý vị hiện diện nơi đây cùng với Nhóm NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN để chia sẻ niềm vui với gia đình chúng con, cũng như chứng kiến việc làm nhỏ bé này, nhưng gói trọn trái tim chúng con trong việc tỏ lòng đền đáp công ơn của Đấng Sinh Thành.

    oOo

    Xin chân thành cảm tạ sự hiện diện cùng với tấm lòng ấm áp của toàn thể quý vị.”

    Phần cắt bánh và Chúc thọ

    Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương

    Chiếc bánh sinh nhật 98 được cắt ra để chia sẻ những vị thơm ngon ngọt bùi cho mọi người sau khi ban nhạc trổi lên…Happy Birthday to you…Happy Birthday to you…rất vui nhộn. Từng người đại diện của nhóm, đến chúc mừng cựu đại tá Lê Thương những lời chúc tốt đẹp nhất và chụp ảnh lưu niệm với ông.

              Sau đó, ban hậu duệ QLVNCH kết hợp với đội Biệt Kích biên phòng trong màu áo trận, trình diễn màn hoạt cảnh Chiến Sĩ Vô danh, sáng tác của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Thêm một lần nữa, những chiến sĩ oai hùng đã gây xúc động mãnh liệt trong lòng người, khiến nước mắt lại lưng tròng! Chiến Sĩ Vô Danh là ai? Là “Những anh hùng không tên tuổi. Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông” …Họ đã gục ngã không toàn thây trên chiến trường đẫm máu, đã hy sinh mạng sống mình cho đất nước, mà tên tuổi chưa được một lần ghi danh trong quân sử. Trong giây phút bồi hồi… nghe trong tôi một dấu “lặng”… âm thầm…!!!

    …”Gươm anh linh đã bao lần vấy máu

    Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình

    Rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh

    Hỡi người chiến sĩ vô danh!”

    Dạ Vũ

    Để xóa đi những khoắc khoải trong lòng, giai điệu của nhạc khiêu vũ vang lên…lôi cuốn vô cùng! Từng cặp dìu nhau ra sàn nhảy, lả lướt theo từng điệu nhạc: Pasodoble, Rumba, Chachacha, Twist, Tango, Slow Rock…Môn khiêu vũ chẳng những có ích lợi đơn thuần về thể chất, mà còn giúp cho tinh thần được sảng khoái, ngoài ra còn giúp ích cho việc trị bệnh. Vì thế, nhiều người thích bộ môn này, được xem như môn thể dục thể thao lành mạnh cao cấp cho mọi lứa tuổi, và sẽ còn yêu chuộng mãi theo thời gian.

    Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương

    Trời đã vào đêm và cuộc họp mặt đã tan. Mọi người từ giả ra về. Chắc hẵn trong ký ức từng người sẽ ghi lại những hình ảnh, cũng như những kỷ niệm đậm nét trong buổi tiệc Mừng Xuân và Thượng Thọ của cựu Đại tá Lê Thương đêm nay. Tiệc đã kết thúc! Nhưng dư âm về lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha ông, là cựu Đại tá Lê Thương, sẽ còn mãi vang vọng trong lòng người. Mặc dù sống ở hải ngoại, nhưng gia đình của cựu Đại tá vẫn duy trì văn hóa đạo đức Việt Nam – là sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đây là niềm an ủi và cũng là nguồn hạnh phúc vô biên dành cho cựu Đại tá Lê Thương trong tuổi hoàng hôn vậy! Cầu chúc ông Phước như Đông Hải, Thọ tựa Nam Sơn!

    Kiều My

    Xuân Giáp Thìn 2024.

  • Khánh Lan,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ,  Việt Hải

    HÁT QUAN HỌ BẮC NINH-ÂM NHẠC DÂN GIAN-CA TRÙ BẮC PHẦN

    Trước tiên khi nói về nghệ thuật ca trù thì ca trù có nhiều tên gọi, tùy từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công. Đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.

    Ca trù là một hình thức “ca nhạc thính phòng”, thịnh hành từ thế kỷ 15, vốn là một loại ca nhạc trong cung đình, được sử dụng cho các buổi hát chúc thọ vua chúa và các buổi lễ trong triều đình, qua thời gian, ca trù dần dần phát triển rộng ra dân gian qua giới quan lại, đại gia, một số tầng lớp sĩ phu nho học giàu sang… và trở nên thông dụng. Tuy vậy ca trù khác với các loại hình dân ca khác ở chỗ nó có yêu cầu rất nghiêm ngặt quy định về số câu, số chữ, lời văn, quy định về đối ngẫu … có lẽ vì vậy mà ca trù vẫn được thưởng thức tập trung phần lớn ở tầng lớp có học thức cao rộng trong xã hội xưa.

    Chữ trù có nghĩa là thẻ tre. Những người đào hát thường dùng các thanh tre làm phách khi hát và người nghe dùng “trù” (cái thẻ tre) để thưởng cho những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá và thưởng tiền, vì thế mà có tên gọi là Ca trù. Tư liệu sớm nhất có nói đến những chữ Ca Trù và Ả Đào là vào thế kỷ XV, căn cứ vào bài thơ  Nghĩ hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đào được giải  sáng tác trước năm 1500 của Tiến sĩ Lê Đức Mao, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bài thơ này chép trong Lê tộc gia phả (A.1855) có hai lần nhắc đến 2 chữ ca trù, cho biết: hát cửa đình là hát để thờ thần trong dịp đầu xuân và việc hát ca trù đã có dùng thẻ để thưởng cho đào nương (ả đào). Như vậy, đình Đông Ngạc, Hà Nội là nơi diễn ra lệ hát Cửa đình từ rất sớm. Và đây cũng là nơi gìn giữ được tục lệ thưởng đào rất đặc sắc.

    Nghệ thuật ca trù được quốc tế công nhận:

    Ca trù đã được Hội đồng thẩm định di sản của UNESCO đánh giá như sau:

    Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật của nó đối với văn hóa Việt Nam.

    Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Theo các nghệ nhân dân gian, ca trù có 56 thể thức hoặc giai điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, trau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu.

    Tham gia biểu diễn ca trù có ít nhất 3 người:

    Một ca sĩ luôn là nữ (gọi là “đào” hay “ca nương”) hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que).

    Một nhạc công nam giới (gọi là “kép”) đệm đàn đáy cho người hát. Đán đáy là một loại đàn cổ, dài, với 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn.

    Ngoài ra, còn có một người chơi trống hoặc đánh trống chầu (gọi là “quan viên”, thường là tác giả bài hát). Sự tán thưởng mà “quan viên” dành cho người hát, hoặc bài hát được biểu lộ qua cách đánh trống. “Quan viên” đánh vào thành trống nhiều lần biểu lộ chỗ đắc ý. Nếu không hài lòng với người hát, “quan viên” đánh hai nhịp trống.

    Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ và sự tham gia từ phía khán giả là rất cần thiết. Hát ca trù là nghệ thuật hát thơ, có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi và hát thi. Lời lẽ, ca từ của ca trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Ca trù có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi anh hùng, triết lý giáo huấn… đã thu hút sự tham gia sáng tác, thể nghiệm tài năng của nhiều văn sĩ và trí thức. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách… mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.

    Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, đến giữa năm 2009 có 63 câu lạc bộ với khoảng 769 người (bao gồm 513 đào nương và 256 kép đàn và người đánh trống chầu) ở 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP. Sài Gòn) trên cả nước có hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Tuy nhiên, số nghệ nhân có thể hát được từ 10 làn điệu trở lên là rất hiếm. Tại Viện Âm nhạc hiện đã lưu trữ được 7 điệu múa ca trù và 42 bài bản ca trù. Các văn bản Hán Nôm về ca trù là 26 bản và khoảng 25 cuốn sách về ca trù.

    Ca trù được công nhận là đã có đóng góp lớn vào văn hóa Việt Nam. Từ ca trù, một thể thơ độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Ngoài ra, đàn Đáy và Phách đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Với chiều dài về lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật và mang bản sắc dân tộc rõ rệt ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

    Lối hát Ca Trù được công nhận là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể: (L’opéra de Ca Tru est un patrimoine culturel immatériel):

    Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, vào thế kỷ XV, Ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng thẩm nhập vào hầu hết các cuộc diện của đời sống từ quá khứ và hẳn đã khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc. Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát cúng tế lễ lạc, hát ca tài tử, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của quốc gia trong khuôn khổ của văn nghệ đón tiếp ngoại giao.

    Ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể (intangible cultural heritage) cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009. Phú Thọ nằm trong 17 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca trù. Phú Thọ là một trong những vùng sớm được tiếp nhận và sử dụng lối hát Ca Trù trong các dịp lễ hội, đình đám, vui chơi giải trí và nó cũng là một sản phẩm tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian của công chúng, tồn tại song hành với các làn điệu Hát Xoan, Hát Ghẹo ở vùng trung du đất Tổ. Trong 2 năm (năm 2013 – 2015), địa bàn tỉnh Phú Thọ thực hiện việc kiểm tra di sản văn hóa trong phạm vi tỉnh, trong đó có sự kiểm nhận đối với di sản Ca trù. Kết quả kiểm tra này cho thấy di sản văn hóa phi vật thể Ca trù đang được lưu giữ, thực hành ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh và một số Câu lạc bộ hát dân ca địa phương.

    Về Lịch Sử Và Nghệ Thuật Ca Trù…

    Lịch sử và Nghệ thuật ca trù là công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Diện, ca trù được trình bày khá rõ nét, nhiều chi tiết quan trọng cần biết về ca trù, được ghi nhận trong luận án tiến sĩ của ông, in lần đầu năm 2007. Quyển sách này đã được tái bản ra mắt bạn đọc toàn quốc nhân kỷ niệm tròn 1 năm ngày nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (vào 01/10/2009). Thư tác này của nhà biên khảo Nguyễn Xuân Diện đã cho biết thêm rất nhiều chi tiết về loại hát Ca trù trong thư mục mà tác giả đã cho biết thêm bảy quyển sách khác có nội dung về nghệ thuật ca trù theo những thể thức khác, và lại còn liệt kê ra trên bảy chục văn bia viết bằng chữ Nôm đang được tàng trữ tại Viện Hán Nôm.

    Nhờ đó, có nhiều khám phá mới mà từ trước đến nay chúng ta chưa được biết. Có những nghi vấn về Ông Tổ của Ca trù, về lúc nào danh từ “Ca trù” được dùng lần đầu tiên thì luận án văn hóa âm nhạc này đã đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy. Mặc dầu đề tài luận án đặt trọng tâm vào nguồn tư liệu Hán Nôm về việc nghiên cứu ca trù,  có lẽ tác giả sách nên ghi thêm một phụ lục vào những bài viết đáng kể về ca trù của các tác giả ngoại quốc như Samuel Baron vốn am tường về nghệ thuật ca trù, và cũng nên có một bảng ngữ vựng về những thuật ngữ chuyên môn trong nghệ thuật ca trù.

    Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” 歌 籌đều dùng chữ “trù” 籌. Theo đó Trù籌là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù; cũng là thuật ngữ sử dụng trong chuyên khảo này. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.

    Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc phần, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)…

    Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định ca trù là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Thật vậy, nghệ thuật ca trù là một di sản văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với những sinh hoạt dân gian, với công chúng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào – mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

    Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Diện trong tác phẩm khảo cứu Vị Trí Của Hát Nói (hay Ca Trù) Trong Dòng Văn Học Chữ Nôm, do Viện Nghiên cứu Hán-Nôm/ Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 2006, các chi tiết quan trọng vê ca trù được ghi nhận như sau…

    Nguồn gốc Hát nói:

    Hát nói là một thể thi ca dân tộc được sinh ra từ nhu cầu của bộ môn nghệ thuật ca trù và trở nên một thể thơ độc đáo trong nền văn học Việt Nam nói chung, văn học chữ Nôm nói riêng. Trước nay cũng đã có một số công trình bài viết nghiên cứu về thơ hát nói ca trù và cũng đã có nhiều vấn đề của hát nói được làm sáng tỏ và khẳng định. Tuy nhiên vị trí và tầm vóc của hát nói trong văn học sử nói chung và trong dòng văn học chữ Nôm nói riêng thì vẫn chưa được khẳng định một cách mạnh mẽ.

    Tên gọi, gốc gác, đặc điểm của thể hát nói

    Trước đây, học giả Nguyễn Văn Ngọc trong Ðào nương ca nhắc rằng có người cho là hát nói là lối nói sử. Trương Tửu trong Văn nghệ bình dân Việt Nam cũng viết rằng điệu hát nói là những điệu nói sử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Mậu cho biết năm 1900 đã có tài liệu nói về ca trù và gọi hát nói là nói Nôm. Tuy nhiên, về vấn đề này, các tài liệu Hán Nôm cũng vẫn còn cho những thông tin đáng chú ý, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về tên gọi, gốc gác, đặc điểm của thể loại này. Sách Ca trù thể cách viết về hát nói như sau:

    “Tiếng đàn của hát nói thuộc cung Nam. Nếu nữ hát thì gọi là hát nói, nam hát thì gọi là Hà nam. Lối văn này, xưa và nay đều có. Lối văn

    này, mối bài chỉ có 11 câu mà thôi. Câu 1 và 2 gọi là tổng mạo. Câu 3 và 4 gọi là Thừa đề. Câu 5 và 6 thì dùng lối thất ngôn, hoặc cổ thi,

    hoặc quốc âm; như là treo cái ý của toàn bài vào giữa bài thơ, để nói hết cái đại ý của toàn bài. Các câu 7, 8, 9 đều nối theo cái ý của câu 5

    và 6 mà phô diễn thêm ra, để làm rõ ý nghĩa. Câu 11 là tổng kết ý nghĩa trong cả bài, mà cũng là một câu kết thúc. Cũng có khi đến đây,

    lại thêm hai câu hoặc 4 câu nữa, liền sau đó nói dông dài thêm cái dư ý của bài thơ, ấy là muốn dẫn cho dài thêm. Người trong làng ca gọi là

    Hát nối.” (trang 12b)…”

    Theo sách trên thì thể thơ lục bát là một thể thơ được sử dụng phổ biến trong ca trù. Và thể thơ này lại được sử dụng chủ yếu trong làn điệu hát của ca trù. Các điệu hát được các nhà nghiên cứu ghi nhận là các điệu ca trù cổ đều có ca từ là thơ lục bát. Ðó là các làn điệu: Bắc phản, Chừ khi, Cung bắc, Dịp ba cung bắc, Ðại thạch, Hãm, Hồng hạnh, Non mai, Thư phòng, Mưỡu, Ngâm vọng và Thổng.

    Trong các lối hát truyền thống như chèo, quan họ cũng sử dụng thơ lục bát trong nhiều làn điệu. Ðiều này càng cho thấy sự gần gũi của ca trù với các lối hát chèo và quan họ, nếu xét dưới góc độ thanh điệu ca từ. Tuy vậy cùng sử dụng thể thơ lục bát, nhưng các lối hát truyền thống này cũng đã tạo nên những vẻ đẹp khác nhau trong nhạc điệu làm phong phú cho vốn âm nhạc cổ truyền Việt Nam, và càng khẳng định sức sống của thơ lục bát trong văn học và văn hóa Việt Nam. Trong số các thể thơ được dùng trong ca trù, thể hát nói để lại số lượng tác phẩm lớn nhất, được ưa chuộng nhất. Hát nói đã gắn với những tên tuổi lớn trong lịch sử văn học Việt Nam như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Ðà, Phan Bội Châu, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, …

    Nói thêm về thi nhân Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân (cùng khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên). Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Tiến sĩ. Đường hoạn lộ, thuở ban đầu, Dương Khuê được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính. Vào đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại. Ông dâng sớ về triều xin có thái độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là “bất thức thời vụ” (không biết thời cuộc), rồi bị giáng xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng. Năm 1878, nhân lễ “ngũ tuần khánh thọ ” của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức vụ quan hành chính như: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.

    Khi ông mất (ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần, 1902), nghe tin buồn bạn thân ra đi, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ Khóc Bạn (Khóc Dương Khuê) khi tang viếng. Bài thơ được vào văn học sử. Bài thơ có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ lòng, gồm có 38 câu thơ. Mở đầu bài thơ là một tiếng than thở xót xa bùi ngùi:

    Bác Dương thôi đã thôi rồi,

    Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

    Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) khóc bạn cũng là tự khóc mình, giọng thơ u uẩn thiết tha. Ông trách bạn “vội đi xa” để mình lẻ loi, cô đơn. Cuộc sống trở nên chán chường, vô nghĩa:, nhất là 2 câu sau rất phổ thông ở các bàn tiệc sau này:

    Ai chẳng biết chán đời là phải,

    Sao vội vàng đã mải lên tiên;

    Rượu ngon không có bạn hiền,

    Không mua không phải không tiền không mua.

    Khóc Dương Khuê (1839-1902) cho thấy một tình bạn đẹp và cảm động của giới nho gia thuở trước. Sau hơn một thế kỷ, chúng ta vẫn thấy nỗi bùi ngùi xúc động khi đọc bài thơ này. Nguyễn Khuyến khóc bạn cũng là khóc cho một thế hệ nhà nho và cũng là tự khóc cho minh: “Ai chẳng biết chán đời là phải”…

    Tác phẩm của Dương Khuê để lại có một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng… Có lẽ nên đề cập bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết,… bài ca trù nghe thanh thoát, bông đùa, dí dỏm và hóm hỉnh. Giới thiệu một bài ca trù dưới đây là bài ca trù tiêu biểu và nổi tiếng của nhà thơ Dương Khuê:

    Gặp Lại Cô Đầu Cũ

    Hồng Hồng Tuyết Tuyết,

    Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.

    Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!

    Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.

    Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,

    Kim quân hứa giá, ngã thành ông

    Cười cười nói nói thẹn thùng,

    Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

    Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,

    Khéo ngây ngây dại dại với tình.

    Đàn ai một tiếng dương tranh…

    Hà Nội tức cảnh

    Phất phơ ngọn trúc trăng tà

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương

    Tiếng chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.

    (bài thơ này nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo).

    Tham khảo một số sách báo và tiếp xúc với các nghệ nhân ca trù chúng ta được biết, trên thực tế ngoài hát nói đủ khổ (11 câu thơ) thì thể hát nói còn có một số biến thể khác như: Hát nói thiếu khổ (bài hát chỉ có 6 câu thơ); Hát nói dôi khổ tức là dôi thêm một hoặc nhiều khổ (mỗi khổ 4 câu thơ), Hát nói gối hạc (một vài câu thơ kéo dài ra, số chữ trong một câu thơ có thể lên tới 12, 18 hoặc thậm chí 24 chữ). Và hát nói thường hay đi kèm với hát mưỡu. Hát mưỡu ít khi được hát riêng rẽ với tư cách một bài hát trọn vẹn, mà thường được hát mở đầu hoặc kết thúc cho một bài hát nói. Do vậy khi hát mưỡu kết hợp với hát nói lại có các dạng Hát nói mưỡu tiền (hát mưỡu mở đầu rồi vào hát nói), Hát nói mưỡu hậu (hát mưỡu kết thúc sau khi hát nói); Hát nói mưỡu đơn (hát mưỡu bằng một câu thơ lục bát), Hát nói mưỡu kép (hát mưỡu bằng hai câu thơ lục bát).

    Thể hát nói trong thơ ca trù

    Trong nghệ thuật ca trù, thơ là một thành tố quan trọng. Ca trù có nhiều làn điệu, nhiều thể ca trù sử dụng các thể thơ quen thuộc và thuần Việt như lục bát, song thất lục bát. Trong số 34 thể ca trù mà thư tịch Hán Nôm có ghi nhận về lời thơ, thì các thể thơ được dùng là:

    – Thể lục bát: dùng trong 17 thể ca trù

    – Thể song thất lục bát: dùng trong 1 thể ca trù

    – Thể hát nói là thể riêng của ca trù

    – Thể thơ 7 chữ và một câu lục cuối bài: dùng trong 3 thể ca trù

    – Thể thơ 7 chữ và một câu lục bát cuối bài: dùng trong 1 thể ca trù

    – Thể thơ Ðường luật (thất ngôn, tứ tuyệt): dùng trong 8 thể ca trù

    – Thể phú: dùng trong 1 thể ca trù

    – Thơ Ðường luật trường thiên: dùng trong 2 thể ca trù (trong đó có bài Tỳ

    bà hành của Bạch Cư Dị).

    Nhắc lại, về thành phần trình diễn ca trù, với một chầu hát cần có ba thành phần chính:

    Một nữ ca sĩ (gọi là “đào” hay “ca nương”) sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp,

    Một nhạc công nam giới (gọi là “kép”) chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát

    Người thưởng ngoạn (gọi là “quan viên”, thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu.”

    Âm nhạc ca trù hay hát nói thì ca trù vừa là loại thanh nhạc (vocal music), vừa là loại khí nhạc (instrumental music). Có một ngôn ngữ âm nhạc tế nhị, khá độc đáo và tinh vi. Vì là yếu tố thanh nhạc nên ca nương phải có giọng ca thanh thoắt, cao vút và âm vực rộng để ngân vang xa, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Ca nương vừa hát, vừa gõ phách. Phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.

    Và vì sử dụng âm khí nhạc nên kép đàn dùng đàn đáy phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn – khổ phách – tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương- theo lề lối hay hàng hoa- sáng tạo và bay bướm. Quan viên là người cầm chầu, tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương – kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay – thật hay và như thế được giáo dục âm nhạc trong cách nghe.

    Xét về một số tác phẩm nổi tiếng như sau…

    Bài bản ca trù có nhiều loại. Phổ thông nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể đến:

    – Cao Bá Quát với “Tự tình”, “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt”…

    – Nguyễn Công Trứ với “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”…

    – Dương Khuê với “Hồng hồng, tuyết tuyết” tức “Gặp đào Hồng đào Tuyết”.

    – Chu Mạnh Trinh với Hương Sơn phong cảnh.

    – Tản Đà với “Gặp xuân”,”Xuân tình”, “Chưa say”

    – Nguyễn Khuyến với “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”

    – Nguyễn Thượng Hiền với “Chơi chùa Thầy”;

    – Trần Tế Xương với “Hát cô đầu”.

    Ngoài ra còn có những làn điệu cổ điển khác như “Tỳ bà hành” (bản diễn Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị). Những điệu huê tình, gửi thư, bắc phản, hát giai… cũng thuộc thể ca trù.

    Theo như đã trình bày trên, thể thơ lục bát là một thể thơ được sử dụng phổ biến trong ca trù. Và thể thơ này lại được sử dụng chủ yếu trong làn điệu hát của ca trù. Các điệu hát được các nhà nghiên cứu ghi nhận là các điệu ca trù cổ đều có ca từ là thơ lục bát. Ðó là các làn điệu: Bắc phản, Chừ khi, Cung bắc, Dịp ba cung bắc, Ðại thạch, Hãm, Hồng hạnh, Non mai, Thư phòng, Mưỡu, Ngâm vọng, Thổng.

    Trong các lối hát truyền thống như chèo, quan họ cũng sử dụng thơ lục bát trong nhiều làn điệu. Ðiều này càng cho thấy sự gần gũi của ca trù với các lối hát… Xét tiếp về lối hát Ca trù – Hát  dân ca Bắc Ninh. Ca trù hay Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối,… Trong lối Hát ca trù có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gửi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.

    Hát kể trong ca trù thường được mô tả là hát kể chuyện về một chuyện tình cảm trong thi ca văn học dân gian Việt Nam. Nói đến hát kể chuyện trong ca trù ví dụ như là bài Bèo Dạt Mây Trôi.  Cốt truyện được kể lại bằng lối hát của ca trù trong bài Dân Ca Quan Họ tiêu biểu này như sau:

    Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,

    Anh ơi, em vẫn đợi… í i ì… bèo dạt

    Mây í i ì… trôi,

    chim sa, tang tính tình… í i ì…, cao vời

    Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ

    sao chẳng thấy anh…

    Một mảnh trăng treo, suốt năm canh,

    Anh ơi, trăng đã ngã… a á à… ngang đầu

    Thương nhớ… ờ ơ… ai, sao rơi… đêm sắp tàn… í i ì…

    trăng tà,

    Người ra đi có nhớ, (hay người xa có nhớ)

    là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời,

    sao chẳng thấy anh…

    Mòn mỏi thâu đêm, suốt năm canh

    Anh ơi, em vẫn đợi… í i ì… mỏi mòn

    Thương nhớ… ờ ơ… ai

    Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì… trăng tà

    Cành tre đu trước ngõ

    Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh…

    Thương nhớ.. ờ ơ… ai

    Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì… trăng tà

    Cành tre đu trước ngõ

    Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh.

    Hát dân ca Quan Họ vốn thịnh hành trong những ngày lễ Tết, vì cứ vào dịp trung tuần tháng giêng, khoảng từ 12 đến 14, ngay sau Tết Nguyên Đán, người dân vùng đất Quan Họ Bắc Ninh lại tổ chức lễ hội vui xuân đầu năm, là dịp để các liền anh, liền chị gặp mặt chúc tụng, hội hè và cũng là lúc để tiếng hát Quan Họ ở vùng đất kinh Bắc được ca vang khi du khách từ khắp nơi thưởng ngoạn văn nghệ  qua âm thanh Quan Họ vào mùa Xuân về, mùa Xuân cũng bao hàm ý nghĩa là mùa lễ hội Quan Họ, là không gian vui tươi của Quan Họ; môi trường trẩy hội tưng bừng Quan Họ là vào mùa Xuân. Nhân dịp Xuân 2020, Tết Nguyên đán Canh Tý, bài viết này chúng tôi xin kính gửi Hội Bắc Ninh tại Nam California, Hoa Kỳ. Việt Hải và Khánh Lan đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian xin kính chúc quý đồng hương Một Năm Mới nhiều hạnh phúc, an lành và thịnh vượng.

    Việt Hải & Khánh Lan

  • KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ,  TRẦN MẠNH CHI,  Viet-Hải

    Mùa xuân với Lễ hội Bắc Ninh vui ca Quan Họ

    Tập tục “Ăn Tết” theo người Việt chúng ta, là dịp những ngày Tết rơi vào thời điểm nông dân nghỉ ngơi nhàn hạ, mà nó được tính theo theo ngày âm lịch, và thi sĩ Nguyễn Bính trong bài thơ “Xuân Về”, ông ghi nhận:

    Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng

    Lúa thì con gái mượt như nhung

    Ðầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

    Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng

    Dòng đầu “Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, theo như vậy là người ta chờ đón cái Tết cùng với mùa màng đang là dịp nông dân nhàn hạ. Và mỗi một năm khởi đầu từ Mùa Xuân, sau ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán, nhiều làng bắt đầu mở hội, và những hội Xuân đó kéo dài suốt trong 3 tháng Tết ở khắp cả các nơi, ví dụ như ở Miền Bắc Việt Nam. Dịp trẩy hội mùa xuân trên quê hương quan họ. Du khách lữ thứ có thể thăm viếng những mái đình cổ kính, hay ngao du lênh đênh trên dòng sông Cầu, sông Đuống thơ mộng và để nghe những làn điệu dân ca mượt mà, hay đắm say lòng người mộ điệu trên vùng đất Bắc Ninh.

    Viếng thăm Làng Lim Trẩy Hội Mùa Xuân:

    Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc Ninh và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình thức dân ca trữ tình Bắc phần.

    Thơ rằng:

     Về làng Lim trẩy hội xuân

    Du xuân Bắc Ninh bao lần mãi nhớ.

    Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá – nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.

    Đôi nét về Hội Lim

    Hội Lim được cho là lễ hội đáng chú ý nhất tại Bắc Ninh nhân dịp đầu năm, đây là niềm vui của người dân địa phương. Lễ hội chính thức được tổ chức vào ngày 13/1 Âm lịch tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim bao gồm những nghi lễ trang nghiêm, nhằm nhắc nhở lại  những làn điệu dân ca độc đáo quan họ, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi như đấu vật, đấu cờ, đánh đu, thi dệt cửi, ca thuyền…

    Hoạt động nổi bật nhất trong lễ hội vẫn là hát quan họ. Các liền anh, liền chị có dịp trình diễn những làn điệu quan họ trữ tình, âm vang trên chiếc thuyền hình rồng tại hồ nước sát bên cánh đồng làng Lim. Người tới trẩy hội thường là các nam thanh nữ tú, bởi đây được coi là dịp tìm bạn, tìm duyên.

    Vào mỗi dịp đầu xuân, người dân chào đón những lễ hội diễn ra hàng năm tại nhiều nơi, cùng một trong số những lễ hội truyền thống nổi bật mà ai cũng biết chính là Hội Lim Bắc Ninh. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, đấy là lễ hội lớn trong vùng, có thể nói sự sâu đậm nét văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc.

    Về nguồn gốc của Hội Lim, theo lịch sử Hội Lim được truyền khẩu qua rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương.

    Hội Lim có truyền thống lâu đời, nó phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên căn bạn lễ hội truyền thống của các làng xã trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian khá phong phú. Như hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…, viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng.

    Sau đấy 40 năm, túc vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng Tám sang hẳn mùa xuân tháng Giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi. Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay, hội Lim được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Do được mở rộng cả về diện tích lẫn quy mô không gian nên phải nói rằng hội Lim là một lễ hội lớn và được tổ chức công phu hằng năm.

    Hội Lim Bắc Ninh thờ ai?

    Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Bởi vậy mà du khách cũng tập trung du lịch Bắc Ninh vào ngày 13 để có mặt tại hội Lim trong ngày chính hội.

    Lễ rước ở Hội Lim: Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

    Đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim xứ Kinh Bắc

    Lễ hội này là nhằm vào sự tưởng nhớ nguồn cội, cầu chúc may mắn hay còn là nơi gặp gỡ giao duyên của bạn hữu gần xa. Và hội Lim chính là một hội xuân như thế. Người xưa có câu tháng Giêng là tháng ăn chơi, chắc vì thế cho nên mỗi độ tết đến xuân về cũng là lúc những lễ hội trên khắp cả nước diễn ra nhộn nhịp. Đi Hội xuân dường như là thú vui, là nét đẹp văn hóa còn được lưu truyền từ ngày xưa đến tận bây giờ. Nói về di sản quan họ trên quê hương Kinh Bắc được tiếp nối và trao truyền một cách liên tục là minh chứng rõ nét cho thấy tình yêu, sự trân quý dân ca quan họ của cộng đồng nơi đây. Mỗi vùng có cách làm khác nhau để gìn giữ vốn văn hóa cao quý, nếu bắc sông Cầu (Bắc Giang) có những lớp truyền dạy và liên hoan quan họ cho thiếu nhi, hỗ trợ trang phục cho liền anh, liền chị thì bờ nam sông Cầu (Bắc Ninh) có những cuộc thi hát quan họ trên truyền hình thu hút nhiều đối tượng tham gia. Hội Lim nay đã trở thành nổi tiếng, được người dân khắp các vùng ca ngợi, cũng như truyền tụng:

        Ba năm hai cái hội chùa,

        Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.

        Già già, trẻ trẻ, gái trai,

        Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.

        Hội Lim ai thấy chẳng thèm,

        Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.

        Đồn sắp có dệt cửi thi,

        Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.

    Về với đất Kinh Bắc chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 30km, bạn có thể về bất kỳ mùa nào trong năm nhưng để vào mùa du lịch đẹp nhất thì đó chính là mùa xuân và vào dịp lễ hội thì bạn có thể được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà và độc đáo của đất Bắc Ninh. Về với Lễ Hội Lim là về với một bầu trời âm thanh, một khung cảnh bao gồm thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. với những lời ca, tiếng hát hay nghe điệu hò câu thơ, còn nhớ những câu thơ ngày còn đi học nói về ngày hội Lim đầy ngẫu hứng. Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Một lễ hội không những mang lại vẻ đẹp của vùng đất thơ ca, trù phú mà còn là điểm đến tâm linh cho dịp đầu năm này. Mọi người có thể cùng nhau cầu chúc cho một năm ăn lên làm ra, phát tài, phát lộc,…

    Những lễ hội đầu xuân nhộn nhịp ở Bắc Ninh, vì Bắc Ninh vốn là trung tâm của vùng văn hóa Kinh Bắc trước kia, cái nôi của dân ca quan họ, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, những lễ hội, phong tục truyền thống. Giữa xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, Bắc Ninh vẫn giữ được nét cổ kính, giản dị, mang đậm màu sắc dân gian. Quê hương quan họ là điểm đến lý tưởng trong ngày tết cổ truyền để du khách có dịp ôn lại những nét văn hóa truyền thống.

    Hát quan họ trên thuyền ở Hội Lim, người ta nghe những làn điệu được gìn giữ từ bao đời nay và đã trở nên quen thuộc với những người yêu quan họ, yêu vùng giàu truyền thống. Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian, trong đó lễ hội được nhiều người quan tâm nhất là Hội Lim tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Những làn điệu Quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua bao kỳ hội luôn làm say lòng người bởi vẻ mặn nồng, nghĩa tình, e ấp từ lời từ điệu và càng đằm thắm hơn qua chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị xứ này. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… cũng là một nét đẹp của quan họ Kinh Bắc…

    Về Kinh Bắc đón xuân cùng người quan họ

    Mỗi độ Tết đến, xuân về, trên vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh lại ngập tràn sắc màu của lễ hội dân gian, cùng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Ai đã từng đến với vùng quê này vào những ngày xuân, sẽ cảm nhận rõ hơn sự đằm thắm, đậm đà của sắc xuân trên miền quan họ. Thời gian của quan họ là suốt bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Nhưng mùa xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Mùa xuân, trên vùng quê Kinh Bắc mà như người xưa đã có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”, thời điểm này các làng vào đám (hội), nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Những “hội hề, đình đám” kéo dài trong suốt 3 tháng xuân, từ làng này, qua làng khác:

    “Mồng bốn là hội Kéo Co

    Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về

    Mồng sáu đi hội Bồ Ðề

    Mùng bảy trở về đi hội Ðống Cao”

    Người quan họ thường có câu nói cửa miệng rằng “Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng hát câu ca”. Quan họ không chỉ để nghe, mà quan họ có tinh mới tường – tức là có chơi thì mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát đều cho thấy ý tứ của người hát, mỗi ánh mắt, nụ cười không chỉ là sự làm duyên mà còn ẩn ý bao điều muốn nói. Các liền anh ngồi một bên, liền chị ngồi một bên, qua lời hát và cử chỉ người ta hiểu được tấm lòng của nhau.

    Khi Tết về hay Xuân sang khi nhắc đến những di sản truyền thống văn hóa Quan Họ Bắc Ninh lâu đời như Trẩy Hội Lim mùa xuân qua những bài hát câu thơ về quan họ, vào đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim ở xứ Kinh Bắc, hãy nhớ bài thơ lãng mạn sau đây phổ biến trong dân trong dân gian. Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật đặc sắc của những làng quê quan họ, hình thành từ xa xưa. Ngày hội đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó phần đông là trai thanh gái lịch. Đến hẹn lại lên, họ đến với nhau để ca hát, với người lớn tuổi thì đến hội là dịp tìm về tuổi xuân, với nam thanh nữ tú thì hội là dịp tìm bạn, tìm duyên. Sự kiện văn hoá độc đáo này trở thành tài sản vô giá trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam.  Với người Quan họ, ngày xưa khách đến phải là:

    Mấy khi khách đến chơi nhà,

    Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.

    Trà này ngon lắm người ơi,

    Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.

    Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại qua cân nhắn nhủ: “Người ơi, người ở đừng về…”

    Bài dân ca Quan họ nổi tiếng này mà nhiều người biết đến qua tên là “Người ơi! Người ởi đừng về”, đây là tên một bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh do Xuân Tứ cãi biên từ bài Quan họ cổ điển Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan và bài hát được viết xuất xứ từ một bài thơ dân gian. Bài hát thường được cất lên vào lúc lễ hội tàn cuộc, nhất là khi từ giã nhau. Trong ý thơ chan chứa chan lời hò hẹn, nhắn nhủ khi ta nghe câu ca “Người ơi người ở đừng về”, xin dẫn lời trích toàn bài thơ Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh này như sau.

    Người ơi! Người ởi đừng về,

    Người ơi! Người ởi đừng về,

    Người về em vần (í i ì i), (Có mấy) khóc i thầm

    Đôi bên (là bên song như) vạt áo

    (Mà này cũng có a ướt đầm), Ướt đầm như mưa.

    Người ơi! Người ởi đừng về,

    Người về em vẫn (í i ì i có mấy) trông theo,

    Trông (ư ư) nước (tình chung là như) nước chảy,

    (Mà này cũng có trông a bèo.

    Trông bèo (là) bèo trôi.

    Người ơi! Người ởi đừng về.

    Người về, em vẫn (í i ì i)

    (Có mấy) tái (i) hồi yêu (a),

    (Em là) em (mong anh)

    Xin chớ (mà này cũng có a), đứng ngồi (đứng ngồi) với ai.

    Người ơi! Người ởi đừng về.

    Người ơi! Người ởi đừng về.

    Bài hát quan họ trên đây cũng là phần kết luận của bài viết này. Chúng tôi xin kính chúc quý độc giả bốn phương được An Khang và May Mắn nhân dịp đầu năm Xuân về.

    Trần Việt Hải & Trần Mạnh Chi.

    (Hình ảnh tham khảo internet).

  • Khánh Lan,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ,  Việt Hải

    Nhìn Lại Văn Hóa Kinh Bắc.

    (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

    Nhận thức được vai trò trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Dân ca Quan họ, Ca trù trong những năm qua, được bảo tồn khá tốt. Bài viết này xoay quanh chủ đề âm nhạc truyền thống của vùng Việt Yên – Kinh Bắc. Xin vào đề.

    Xét về địa lý, Việt Yên nằm ở vị trí trung tâm trên con đường chiến lược của tỉnh Bắc Giang nối Lạng Sơn với Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, vùng đất giàu tài nguyên ở nơi địa đầu cửa ải mà phía Đông Bắc đất nước, tọa lạc có sông Cầu là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch cắt ngang địa hình, phân cách với tỉnh Bắc Ninh, nơi nối liền vùng hạ các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng với Bắc Ninh, Bắc Giang, và Thái Nguyên.

    Tóm lại, Việt Yên là huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 10 km. Diện tích tự nhiên 17.135 ha, gồm 19 xã, thị trấn. Cũng nên ghi nhận Việt Yên còn là vùng đất địa linh nhận kiệt, nơi sinh ra danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung; Hán Quận công Thân Công Tài, nơi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, nổi tiếng. Toàn huyện có trên 331 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 71 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà – Nơi sở hữu và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc: Bộ Mộc bản kinh Phật là bảo vật quốc gia, Lễ hội chùa Bổ Đà làdi sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vườn tháp chùa Bổ Đà là vườn tháp lớn và đẹp nhất Việt Nam.

    Việt Yên còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát Chèo, Tuồng cổ, đặc biệt là Dân ca Quan họ, Ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với người dân Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

    Một trong những thành tựu nổi bật là hàng năm đã tổ chức liên hoan hát Quan họ của Việt Yên tại Lễ hội Chùa Bổ Đà. Tính từ năm 2000 – 2019, liên hoan hát Quan họ của huyện đã tổ chức được 19 lần. Thành quả ghi nhận như điều nghiên, ghi chép thu thanh 19 bài Quan họ dị bản tại làng Quan họ Trung Đồng. Đây là tư liệu đặc biệt quý cần phải lưu giữ và bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho các thế hệ về sau.

    Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Ca trù cần được bảo vệ tại  huyện Việt Yên giai đoạn 2014-2020. Huyện đã tổ chức và triển khai Đề án “Khôi phục lối hát đối đáp Quan họ” tới 100% các làng Quan họ ven sông Cầu thuộc các xã Tiên Sơn, Vân Hà, Ninh Sơn, Quảng Minh, Quang Châu, Vân Trung, thị trấn Nếnh.

    Về thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ, Ca trù, sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: 10 năm qua, môi trường thiên nhiên và xã hội của sinh hoạt văn hóa Quan họ là các thôn làng Quan họ được bảo tồn và phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ được cơ quan liên hệ xếp hạng bảo tồn.

    Phong trào quần chúng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy Dân ca Quan họ, Ca trù đã tập hợp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện chung tay góp sức tham gia. Đến nay toàn huyện có 18 làng Quan họ cổ. Nhắc đến quan họ, nhiều người chỉ nghĩ đến Bắc Ninh như một chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, ngay bên kia bờ bắc sông Cầu, mảnh đất Việt Yên cũng được coi là một trong những cái nôi khai sinh ra những câu giao duyên đằm thắm, mặn mà.

    Việt Yên cũng là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ thuộc danh sách 49 làng quan họ Kinh Bắc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh vào năm 2009.

    Tại Việt Yên người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu nói: “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài.” Đó chính là cái tình của người Quan Họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, đúc kết thành lời ăn nết ở của người dân Kinh Bắc; góp phần quan trọng làm nên sức sống, sức lan tỏa của quan họ trong đời sống đương đại, bà Đoàn Thị Mùi, một chị cho biết như thế.

    Người Kinh Bắc nói chung và người Việt Yên nói riêng vốn trọng chữ “tình.” Bởi vậy, mọi cử chỉ, lời nói đều rất cẩn trọng, ý nhị. Điều này được biểu hiện một cách tinh tế qua từng câu hát trong tổng số hơn 200 làn điệu Quan Họ cổ (với hàng ngàn dị bản) đang được lưu giữ, bảo tồn trong đời sống cộng đồng.

    Ngoài ra, các bậc cao niên cũng chỉ biết rằng, từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc.

    Từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc. Trong một số giai đoạn cụ thể (thập niên 1950s-1960s), do điều kiện lịch sử, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông người tham gia (trong đó có Quan Họ) không diễn ra phổ biến, thường xuyên.

    Các nghệ nhân Quan Họ ở Việt Yên cho biết: “Trước đây, cổ nhân không gọi là “hát Quan Họ” như hiện nay mà gọi là “chơi Quan Họ.” “Hát Quan Họ” thì nhiều người thực hành được, nhưng “chơi” Quan Họ cho đúng bài bản, lề lối cổ thì không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, “chơi” quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã”, liền chị Đàm Thị Mùi chia sẻ. Bà Mùi là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Quan Họ Nội Ninh.

    Một canh hát Quan Họ cổ thường có ba chặng. Ở chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị thường hát theo đúng niêm luật, lề lối cổ. Chặng thứ hai là chặng vặt, người hát sử dụng các làn điệu phổ biến trong đời sống sinh hoạt. Chặng thứ ba được gọi là chặng giã, đòi hỏi cách hát lưu luyến, luyến láy trữ tình.

    Hơn nữa, người xưa cũng không gọi là “bài” Quan Họ như hiện nay. Thay vào đó, người Quan Họ gọi là “câu.” Thông thường, mỗi liền anh, liền chị thuộc từ 50 đến 70 “câu,” mỗi nghệ nhân “nằm lòng” hàng trăm “câu” Quan Họ.

    Một trong những không gian sinh hoạt truyền thống của quan họ cổ là “nhà chứa” (nơi truyền dạy, tiếp đón các anh hai, chị hai từ những nơi xa đến). Trong quá trình bảo tồn và phát triển, toàn huyện đã có hơn 15 “Nghệ sĩ xuất sắc“, hay “Nghệ nhân” hạng tài ba, ưu tú. Đây là những người có tài năng và thành tích xuất sắc trong việc nắm giữ và truyền dạy di sản Quan Họ, hay Ca Trù cho các lớpkế cận. Thực hiện sự hướng dẫn của Huyện, ngành Giáo dục tổ chức triển khai lồng ghép chương trình giảng dạy Dân ca Quan Họ vào trong trong hệ thống các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong toàn huyện. Với các kết quả hoạt động trên, Dân ca Quan Họ được bảo tồn bền vững và phát triển sâu rộng trong mọi thành phần xã hội, đặc biệt là gIớI thanh thiếu niên.

    Văn hóa phi vật thể, là gÌ?

    Di sản văn hóa phi vật thể (tiếng Anh: Intangible cultural heritage, tiếng Pháp: Patrimoine culturel immatériel) là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa có liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng thế giới, không ngừng bỏ mà được tái tạo và được bảo tồn và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    Vào năm 2019 thì với việc “Kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan Họ, Ca Trù” được UNESCO từ 2009 vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và những thành tựu khả quan trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca Quan Họ, Ca Trù trong thời gian qua không chỉ là minh chứng cụ thể và sinh động sự cam kết của ngườI dân Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của ngườI  loại, mà còn làm cho Dân ca Quan Họ, Ca Trù trở thành nguồn văn hóa xã hội quý báu của Việt Nam nói chung, hay Bắc Ninh nói riêng.

    Quan Họ là một loại hình dân ca phong phú về giai điệu. Quan Họ được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Phương thức này là một yếu tố giúp cho Quan Họ trở thành một loại hình dân ca có số lượng lớn bài hát với giai điệu khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính phương thức này đã làm cho các bài Quan Họ lưu truyền trong dân gian bị biến đổi nhiều, thậm chí khác hẳn sẽ với ban đầu. Nhiều giai điệu cổ đã mất hẳn. Mặc dù sự thay đổi này cũng làm cho Quan Họ phát triển, nhưng ở trong bối cảnh văn hóa Phương Tây đang xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, vấn đề bảo tồn nguyên trạng Quan Họ trong từng giai đoạn phát triển là việc làm cấp thiết.

    Những bài hát nhắc về Quan Họ phỏ thông như:

    Những bài hát Quan Họ phổ thông như: Năm liệu bảy lo, Trẩy Hội Xuân, Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Trống cơm, Cò lả, Lý giao duyên, Bạn tình ơi, Mười nhớ, Tìm em trong chiều Hội Lim, Gửi về Quan Họ, Cây trúc xinh, Dân ca Quan Họ, Nhớ về Hội Lim, Trầu cau Quan Họ, Lý tình tang, Người ơi người ở đừng về, Qua cầu gió bay, Ngồi tựa mạn thuyền, Song đào, Đêm qua nhớ bạn, Để nhện giăng mùng, Tương phùng tương ngộ, Hồng Hồng Tuyết Tuyết…

    Trích doạn bài ca trù Hồng Hồng Tuyết Tuyết

    Tuyết muốn lấy ông…

    Xưa …ngày xưa Tuyết muốn lấy ông

    Ông chê. Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì

    Đến thì. Bây giờ Tuyết đã đến thì

    Ông muốn lấy Tuyết.

    Tuyết – Tuyết chê ông già

    Hồng Hồng Tuyết Tuyết

    Mới ngày nào còn chưa biết chi chi

    Mười lăm năm thấm thoát có xa gì

    Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu

    Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu

    Khanh kim hứa giá, ngã thành ông

    Cười cười nói nói sượng sùng,

    Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

    Riêng một thú Thanh Sơn đi lại

    Khéo ngây ngây

    Khéo ngây ngây dại dại với tình…

    Ví dụ bài ca Quan Họ phổ thông khác, xin trích đoạn lời bài hát: Người ở đừng về:

    Nữ:

    Em về em vẫn í ì i í i

    Nay có ó o mấy khóc ơ nay ở ớ khóc thầm là

    Đôi í ơ bên là đôi bên vạt áo

    Mà này cũng có a ướt đầm

    Ướt đầm như mưa

    Người ơi ngươi ở em về

    Nam:

    Người về tôi dặn í ì i í i

    Nay có ó o mấy lời này ở ớ nhời này là

    Sông í ơ sâu là sâu song bên chớ lội.

    Mà này cũng có a đo đầy.

    Đò đầy người chớ qua.

    Người ơi ngươi ở đừng về….

    Có khuynh hướng mới là nên cải tiến, đổi mới những bài ca Quan Họ cũ. Nhạc sĩ Đức Miêng đã có số “vốn liếng” đồ sộ với hơn 200 tác phẩm bao gồm ca cảnh, hoạt cảnh, Quan Họ lời mới và âm hưởng dân gian Quan Họ. Ông cho ra những sáng tác với ca từ mới cho Quan Họ.

    Nhạc sĩ Đức Miêng trình bày: “Chuyện này thì anh em nhà hát nói quá rồi. Thực ra tôi không phải là người đi đầu trong việc soạn ca từ mới cho Quan Họ. Việc này, các cụ đã làm từ rất lâu rồi, nói đúng hơn đó là một đặc tính cụ thể trong sáng tạo các làn điệu Quan Họ cổ… Người hát là người nghe nhưng đồng thời cũng là người sáng tác các làn điệu mới để đối lại bài bên kia ra. Cứ qua một mùa lễ hội, lại có thêm vài làn điệu mới đóng góp vào vốn Quan Họ cổ của dân tộc.”

    Thật vậy, người nhạc sĩ chủ trương với ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, giữ hồn bài ca, và biểu hiện nét tình tự dân tộc tronng bài ca Quan Họ mới, giúp chuyển tải những bài học nhân sinh sâu sắc cho thế hệ trẻ về sau này.

    Viết đến đây, tôi chạnh nhớ đến Nhạc sĩ Anh Bằng, có lần tôi tâm sự cùng ông, tôi vốn thích âm nhạc Quan Họ Kinh Bắc, những bài như Người ơi người ở đừng về, hay Hồng Hồng Tuyết Tuyết, tôi đề nghị ông “hóa phép” ra phiên bản nhạc mới.

    Ông chọn bài “Người ơi người ở đừng về“, bởi vì ông đọc qua lời thơ, ông có nguồn cảm tác ngay. Xin trích doạn bài viết của Nhạc sĩ Anh Bằng như sau…

    “Mới đây anh bạn Việt Hải ngỏ ý là tôi hãy phổ nhạc một bài dân ca Quan Họ, tôi bảo tôi chỉ phổ theo lối dân ca quê hương mà thôi. Vì dân ca Quan Họ cần những quy tắc về điệu hát và nhạc cụ chuyên môn, nó không phải phạm trù chuyên môn của tôi. Bài hát Quan Họ mà Việt Hải bàn luậnbài hát nổi tiếng mà nhiều người biết đến là Người Ở Đừng Về, đây là tên một bài hát dân ca Quan Họ Bắc Ninh do Xuân Tứ cãi biên từ bài Quan Họ cổ điển Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan và bài hát được viết xuất xứ từ một bài thơ dân gian. Bài hát thường được cất lên vào lúc hội tàn, nhất là khi từ giã nhau. Trong ý thơ chan chứa lời hò hẹn, nhằn nhủ khi ta nghe câu ca “Người ơi! Người ở đừng về”.

    (Hình minh họa Ngọc Khánh)

    Người ơi người ở đừng về

    Người về em vẫn khóc thầm

    Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa

    Người ơi người ở đừng về

    Người về em vẫn trông theo,

    Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi

    Người ơi người ở đừng về

    Người về em nhắn tái hồi

    Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai

    Việt Nam là quốc gia mà nền kinh tế và xã hội được phát triển từ nông thôn, do đó nếp dân sinh ở các xóm làng miền quê, tình yêu trai gái được ghi nhận qua nhiều trong vần thơ hay các câu đồng dao. Sự lãng mạn của trai gái bị nếp lễ giáo nho phong ràng buộc, hãy nghe tiếp đoạn cuối:

    Mình về, ta chẳng cho về,

    Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ

    Câu thơ ba chữ rành rành:

    Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.

    Chữ Trung thì để phần cha,

    Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.

    Những bài dân ca Quan họ khác thịnh hành là: Ngồi tựa song đào, Tương phùng tương ngộ, Bèo dạt mây trôi, Ngồi tựa mạn thuyền, Đêm qua nhớ bạn…

    Sau đây xin đính kèm bản nhạc mà bài Người Ở Đừng Về mà tôi phổ thành nhạc như sau, dẫn ý lời trìch từ bài thơ nêu trên.

    Mình Ơi Em Chẳng Cho Về

    Người ơi người ở đừng về

    Người về em vẫn tỉ tê (mà) khóc thầm

    Người về em đứng em nằm

    Đôi bên vạt áo ướt đầm (mà) như mưa

    Người ơi nười ở đừng về

    Người về em vẫn kè kè (mà) trông theo

    Người ơi em vẫn trông theo

    Trong nước nước chảy trông bèo (mà) bèo trôi

    Mình ơi!

    Mình ơi đừng ở đừng có về nghe

    Mình về em nhắc lời thề (mà) nhớ thương

    Nhớ thương nhớ thương em vẫn nhớ thương

    Yêu em xin chớ chung giường (mà) với ai

    Mình ơi em chẳng cho về

    Em níu vạt áo em đề (mà) bài thơ

    Chữ Trung xin để phần cha

    Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta (là) chữ Tình

    Tình tình tình ơi hỡi tình ơi

    Tình tình tình ơi hỡi là tình

    Tình tình tình ơi hỡi tình ơi

    Tình tình tình ơi hỡi là tình

     (Anh Bằng).” Bài hát này được côNghệ sĩ Dân ca ba miền” Thúy Anh trình bày trong nét chút nũng nịu, chút làm dáng khiến các liền anh, liền ông lên cơn sốt tâm can thì phải? Nghe Thúy Anh ca xong anh Bằng và tôi tâm đắc rất vui. Phiên bản “Mình Ơi Em Chẳng Cho Về” của Nhạc sĩ Anh Bằng, với tôi có sự dễ thương nào đó, nó mang hồn tôi đến vùng trời Việt Yên- Kinh Bắc trong mộng tưởng, bởi vì tôi, trai nam kỳ chưa hề bước chân qua khỏi vĩ tuyến 17. Nhưng quê hương quá nhiều nơi đẹp đẽ, và văn hóa quê hương dường như đã ăn sâu vào dòng huyết quản của tôi tự thuở nào.

    (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

    Bài viết dựa vào nhiều nguồn tài liệu internet. Bài viết đăng trên báo Xuân cũa Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024

    Việt Hải và Khánh Lan, 19/01/2024.

  • KÝ SỰ,  Vương Trùng Dương

    Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Những Kỷ Niệm Xa Xưa

    (Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Hiền nhân ngày mất vào dịp Giáng Sinh 2005)

    Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng tuổi (sinh năm 1927) và bạn thân với nhau. Lê Trọng Nguyễn qua đời sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004. Nguyễn Hiền và gia đình Lê Trọng Nguyễn thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn nên Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức ngày 17 tháng 4, 2005 tại Little Saigon. Lúc đó sức khỏe ông tuy yếu nhưng vì tình bạn thâm tình, ông  cùng với các nhạc sĩ trong The Stars Band đảm trách chương trình âm nhạc với các ca sĩ ngày xưa ở Sài Gòn trình bày những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn.

    Nào ngờ, Nguyễn Hiền qua đời vào sáng 23/12/2005. Lễ Hỏa Táng ngày 31/12 tại Peek Family Funeral Home. Pháp danh Minh Trí. Ông ra đi rất thanh thản. Trước đó còn lái xe chỉ cảm thấy mệt mỏi, hiền thê của ông khuyên đến bác sĩ khám bệnh, phát hiện bị ung thư phổi. Một tháng sau, ông qua đời.

    Vào những năm đầu của thập niên 1990s, cùng uống cà phê với nhau ở quán Tài Bửu (góc Bolsa & Magnolia) với ông, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009), nhà văn Viên Luông, gợi ý tôi tham gia vào Trung Tâm Văn Bút ở Nam Califorinia. Ông là Tổng Thư Ký năm 1992 và Chủ Tịch năm 1999. Có một nhiệm kỳ tôi làm Tổng Thư Ký. Lúc đó, Trần Ngọc có văn phòng đại diện luật sư trên dãy lầu trong khu chợ Anh Minh (Góc đường Ward & Bolsa) nhưng nhiều năm chẳng thấy bạn tôi hành nghề (ngay cả những vụ đụng xe) nơi đó cũng là chỗ sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút. Thỉnh thoảng, buổi tối anh em hội viên và thân hữu gặp nhau trò chuyện, văn nghệ bỏ túi. Sau đó vì có sự tranh chấp với nhau (giữa danh xưng Tây Nam Hoa Kỳ, Nam California…) nên không sinh hoạt nữa.

    Năm 1997, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thực hiện tuyển tập về nhà văn Khái Hưng, gồm 2 quyển dày hơn một nghìn trang, ông là người cộng tác nhiệt tình nhất, edit các bài viết, còn tôi chỉ giúp typset vài bài viết. Đây là quãng thời gian tôi được gần gũi, trò chuyện với các ông.

    Ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordéon (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp. Ông được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt. Ông am tường về nhạc sử và các nhạc sĩ cổ điển Tây Phương. Nguyễn Hiền học nhạc năm 8 tuổi với thấy dạy nhạc người Pháp, sau đó ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, tốt nghiệp năm 1951 rồi trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội. Năm 1953 theo lời ông “Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng”, là nghệ sỹ dưới ánh đèn màu nhưng một đời thủy chung với vợ.

    Tháng 9 năm 1954, gia đình Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Ông là công chức phục vụ trong Bộ Công Dân Vụ thời Việt Nam Cộng Hòa, tiền thân của Bộ Thông Tin, Xây Dựng Nông Thôn, Dân Vận & Chiêu Hồi… Ông từng làm Chủ Sự Phòng Văn Nghệ của đài phát thanh Sài Gòn, phụ tá Giám Đốc đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa.

    Ông là người hướng dẫn các xướng ngôn viên đọc đúng tên gọi nhân vật, địa danh ngoại quốc viết theo tiếng Anh, tiếng Pháp… Trong những lần trò chuyện, ông kể vanh vách từng người, đảm nhận công việc trong hai thập niên cùng làm việc với nhau.

    Về sáng tác, khi mới 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên Người Em Nhỏ của nhà thơ Thiệu Giang, bạn thân với nhau ở Hà Nội.

    Nhạc phẩm của ông không nhiều nhưng có các ca khúc nổi tiếng. Những ca khúc của ông như: Em Là Vì Sao Sáng, Gửi Một Cánh Chim, Hương Thề, Huyền Trân Công Chúa, Ngàn Năm Mây Bay, Thầm Ước, Xuân Vui Ca, Ý Nhạc Chiều…

    Ông thích thơ nên có nhiều ca khúc của ông phổ thơ như: Anh Cho Em Mùa Xuân (thơ: Kim Tuấn, Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân), Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy), Chiều Nào Em Đến (thơ Đinh Hùng), Mái Tóc Dạ Hương (thơ Đinh Hùng, nguyên tác Một Tiếng Em)… Chuyện Đêm Mưa (lời Hoài Linh), Thanh Bình Ca (lời Thanh Nam), Hoa Bướm Ngày Xưa (lời Thanh Nam). Khi ở Hoa Kỳ ông ấn hành tuyển tập với tựa Hoa Bướm Ngày Xưa để nhớ người bạn thân.

    Ông sáng tác chung với các nhạc sĩ: Ân Tình Lên Ngôi (với Minh Kỳ), Bước Chân Dĩ Vãng (với Lan Đài), Buồn Ga Nhỏ, Đã Mấy Thu Rồi, Từ Giã Thơ Ngây (với Minh Kỳ), Đêm Sơn Cước (với Thiện Huấn), Hai Mươi Câu Tuổi Trẻ (với Song Hồ), Hoa Đào Năm Trước (với Lê Dinh), Hoài Thơ (với Hà Dũng), Về Đây Anh (với Nhật Bằng), Lá Rơi Bên Thềm, Màu Tím Hoàng Hôn (nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền), Tiếng Hát Học Trò (với Minh Kỳ).

    Tác phẩm Ngàn Năm Mây Bay của nhà văn Văn Quang, năm 1963 đạo diễn Hoàng Anh Tuấn dựng thành phim với các diễn viên chính Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Bích Sơn, Bích Thủy. Thái Lai sản xuất (có lẽ vào thời điểm đó với biến động về chính trị nên phim không được thành công) nhưng ca khúc Ngàn Năm Mây Bay rất nổi tiếng.

    Trong lần xuất hiện trên Paris by Night, ông chia sẻ: “Khi tôi nghe thấy tên phim ấy là Ngàn Năm Mây Bay, tôi cũng thích văn chương, nhất là văn chương cổ cũng như văn chương Pháp rất là romantic. Thành ra tôi liên tưởng đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, trong đó có hình ảnh cánh hạc bay đi rồi mà ngàn năm mây trắng vẫn còn bay, thì tôi viết tựa trong bài nhạc Ngàn Năm Mây Bay “Em đi như cánh hạc vàng. Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn trôi” dưới tựa đề trong ca khúc”.

    Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi Hiệu vào thế kỷ thứ 8 đời nhà Đường hay đến nỗi, khi nhà thơ Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu thấy bài thơ phải thốt lên: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. Rất nhiều nhà thơ dịch bài thơ nầy, sau 1975 bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Chương dịch hay nhất. Bản dịch của Vũ Hoàng Chương gởi “chui” cho nhạc sĩ Cung Tiến, dựa vào bài thơ nầy phổ nhạc năm 1976 ở Úc. Trong tuyển tập của anh lấy tên ca khúc Hoàng Hạc Lâu đặt tên cho tuyển tập ấn hành năm 2010 để nhớ vị thầy Vũ Hoàng Chương dạy học ở Chu Văn An.

    Với hai câu đề trong bài thơ thất ngôn bát cú (đề, thực, luận, kết), Vũ Hoàng Chương dịch thơ: “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi. Trắng một màu mây vạn vạn đời”. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền không nói đến người xưa mà hình bóng “Em đi như cánh hạc vàng”.

    Lời ca phác họa hình ảnh người yêu bóng giai nhân xa cách:

    “Chiều tím không gian

    Mênh mang niềm nhớ

    Mây bay năm xưa còn đó

    Đâu tìm người hẹn hò.

    … Ngàn kiếp mây bay

    Không phai niềm nhớ

    Thu sang lòng thấy bơ vơ

    Giờ chỉ còn mộng mơ”

    (Nhạc phẩm nầy ấn hành năm 1964)

    Năm 2023, ca sĩ Kim Tước thực hiện CD, lấy ca khúc nầu cho CD. Với tôi, giọng mezzo-soprano rất hợp và hay nhất trong các ca sĩ đã hát.

    Hầu hết lời ca của ông qua những tình khúc mang nỗi buồn man mác, không ủy mị mà thường nhắc đến hình bóng xa xôi, tiếc nuối.

    Tác phẩm Tiếng Hát Học Trò của nhà văn Văn Quang, Thái Thúc Nha (cậu ruột của Thanh Lan) đạo diễn với hai diễn viên chính Huy Cường và Thanh Lan thành phim cùng tên với ca khúc Tiếng Hát Học Trò (chung với Minh Kỳ) với tiếng hát Thanh Lan sản xuất năm 1970. Tuy phim trắng đen nhưng hình ảnh Thanh Lan sexy đã gây đình đám.

    Phần cuối của phiên khúc:

    “Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi

    Còn thiết tha như giọng hát buông lơi

    Rồi thời gian trôi Xuân qua Hè tới

    Mùa Thu mâý báo khắp trời

    Gieo niềm thương nhớ đầy vơi”

    Ông là người mẫu mực, thận trọng từ giai điệu đến lời ca qua những nhạc phẩm sáng tác nhưng cũng có vài trường hợp ông viết ngay tại chỗ. Gặp nhà thơ Đinh Hùng khi ăn phở, ĐH khoe: “Này, có bài thơ tôi đưa cho ông đây, ông xem ra làm sao”, ông thấy bài thơ tên là Một Tiếng Em, ca ngợi người phụ nữ trong lý tưởng của anh ấy là một người có nét sầu mộng. Ngay tại tiệm phở ông phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Mái Tóc Dạ Hương.

    Với 4 câu cuối trong phiên khúc:

    “Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em

    Chao ôi! màu suối tóc buông mềm

    Nét buồn khuê cát hoen sương phủ

    Nhạt ánh sao ngàn bên dáng xiêng”.

    Với ca khúc Anh Cho Em Mùa xuân, theo lời ông:

    “Có một hôm vào mùng 5 Tết, lúc đó tôi làm việc ở Bộ Thông Tin, làm phụ tá cho Văn Hóa Bộ Trưởng, trụ sở của nó ở số 15 đường Lê Lợi, đối diện với G-France ở bên kia. Buổi sáng mùng 5 Tết thì cũng buồn thôi, anh Thượng Sĩ Già là một nhà phê bình văn học và anh Sĩ Trung cũng làm việc ở đó, lúc về thì tôi thấy trên bàn giấy có một tập thơ nhan đề là 40 Bài Thơ Của Vương Đức Lệ, trong đó có Mai Trung Tĩnh – Định Giang là một anh sĩ quan hải quân trẻ tuổi và có Kim Tuấn.

    Trong 40 bài thơ ấy tôi mới lật, lật – đúng là mùng 5 Tết, không khí xuân vẫn còn tràn trề trong người nên còn nhiều hứng khởi. Mở ra thì gặp đúng cái bài Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn. Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân thì lúc ấy không khí xuân vẫn còn thì tôi mới lấy giấy ra – không có giấy nhạc, tôi lấy tay kẻ khuông nhạc và không ngờ cũng là cái duyên, tôi viết xong độ 1, 2 tiếng thì đã xong bài, xong tôi cất ở trong ngăn kéo, sáng hôm sau có một anh trẻ tuổi đến tìm tôi, nói rằng hôm qua tôi đến tìm anh biếu tập 40 bài thơ, tự giới thiệu là Kim Tuấn… “Ủa? Kim Tuấn à? Tôi vừa mới phổ cái bài của anh ra thành nhạc đây này!”, anh ấy mới xin tôi chép lại một bài, và ngay lúc đó thì ông chủ hãng Asia thâu đĩa ghé qua, chắc cũng đói bài, mới bảo “Có bài gì mới không?”, tôi mới nói “Có bài mới toanh đây này!” – đưa cho ông ấy thì ông ấy ký contrat (hợp đồng) với anh Kim Tuấn, tôi cưa đôi cho ảnh một nửa. Thế rồi hãng xuất bản Tinh Hoa là anh Lê Mộng Bảo, anh ấy cũng lại in bài đó, thành ra chúng tôi cũng cứ chia nhau, chia hai hết tất cả chứ không tứ lục tục gì cả”. Lời ca khúc sát với bài thơ 5 chữ.

    Qua ca nhúc nầy, nhà thơ Kim Tuấn được biết đến. Trước đó Kim Tuấn dã ấn hành các tập thơ: Hoa Mười Phương (1959), Ngàn Thương (in chung với Định Giang 1969), Dấu Bụi Hồng (1971) nhưng ít người biết đến, qua cac khúc nầy ấn hành Thơ Kim Tuấn  đầu năm 1975. Gồm những bài thơ chọn lọc trong các tập thơ cũ.

    Theo nhà thơ Du Tử Lê: Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Sài Gòn, cuối đường Phan Đình Phùng… Sau khi nghe thi sĩ Đinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là “hữu duyên”!… Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế , dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông, để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.”. Ông là người ít quan tâm về tiền nhuận bút và bản quyền. Và từ đó cho đến khi cùng định cư ở Little Saigon vẫn thường gặp nhau.

    Năm 1978 nhạc sĩ Nguyễn Hiền bị quy là dính líu đến tổ chức phục quốc và bị giam đến năm 1980. Ông thoát khỏi Trong quyển Vụ Án Hồ Con Rùa trong đó có các văn nghệ sĩ. điển hình như: Trần Dạ Từ – Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Thái Thủy, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương, Thanh Thương Hoàng,  Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu… Năm 1998, gia đình ông được bảo lãnh, định cư tại Little Saigon.

    *Trong sinh hoạt cộng đồng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã tham gia Ủy Viên Văn Hóa & Nghệ Thuật của thành phố Westminster, với Hội Cao Niên Á Mỹ, ông từng là Chủ Tịch và cố vấn. Đặc san Hạc Trắng giao cho tôi layout, nhà ông ở nhà nhà tôi nên có nhiều dịp tiếp xúc với nhau. Ông cũng tham gia, cố vấn Kế Hoạch Phát Triển Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới. (Tuy ông không phải là võ sĩ nhưng các võ sĩ trong tổng hội thân quen với ông mời giữ vai trò cố vấn vì có nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức).

    Ông là người điềm đạm, lịch sự, rất tế nhị khi giao tiếp và sẵn sàng hỗ trợ bạn văn. Điển hình như nhà văn Dương Viết Điền (người bạn cùng Khóa Nguyễn Trãi I với tôi ở Los Angeles). Theo Dương Viết Điền:

    “… Chiều ngày 08 tháng 12 năm 2004, tôi đã gọi điện thoại xuống cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền hỏi xem thử Lời Bạt về hai tác phẩm (hồi ký) của tôi đã được viết xong chưa để tôi xuống lấy thì nhạc sĩ trả lời mới viết xong được một lời bạt thôi, cuốn thứ hai đang viết nửa chừng.

    … Cuối cùng thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng đã viết cho tôi hai Lời Bạt, một cho tác phẩm Trại Ái Tử & Bình Điền, và một cho tác phẩm Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”. (Trong hai tác phẩm của Dương Viết Điền, tôi đã trích và dăng trên tờ báo của tôi)

    *

    Với Hà Nội, tôi là dân Quảng Nam nhưng trước năm 1975, đọc Hà Nội 36 Phố Phường của nhà văn Thạch Lam, Thương Nhớ Mười Hai của nhà văn Vũ Bằng, các tác phẩm của Vũ Trong Phụng vào thập niên 1930s và nhiều bài viết về nơi chốn nầy nên rất thích.

    Năm 1972, bố vợ từ Nha Trang lên Đà Lạt thăm vợ chồng tôi, lúc đó mới có dịp bố con trò chuyện với nhau. Cụ ông, con trai vị thầu khoán ở phố Hàng Đào, phục vụ trong ngành Cảnh Sát vì vậy có nhiều dịp “nay đây mai đó” khắp phố cổ Hà Nội từ tuổi thơ cho đến tháng 8, 1954 di cư vào Nha Trang. Cụ ông nhớ rất rõ từng con đường, góc phố, những món ăn đặc sản, nơi vui chơi ở mỗi phố, hàng, con đường từ Hà Nội ra ngoại thành. Hà Nội có khoảng sáu mươi hàng (con dường ngắn khoảng 100 mét đến 1 km, có quán xá hai bên)… Mỗi phố, có khi chỉ một hàng, có khi hai, ba hàng nên rộng hẹp khác nhau. Đặc biệt với phố Huế, giữa lòng Hà Nội, cùng tên với cố đô Huế… Qua lời kể, tôi viết Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù (ký bút hiệu Hoàng Bích Yên) đăng trên đặc san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị năm 1973. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Quản Đốc đài phát thanh Đà Lạt (sau nầy ở Hoa Kỳ ấn hành thi phẩm Yêu Em, Hà Nội) tưởng tôi là người Hà Nội nên cùng với nhà thơ Tô Kiều Ngân thực hiện chương trình ca nhạc với bài viết nầy.

    Sau hai thập niên, những lần cà phê ở Little Saigon, nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể về Hà Nội với trí nhớ làm tôi kinh ngạc. Ông nhớ cả số nhà vũ trường, vài văn nghệ sĩ từng quen biết từ cách ăn mặc cho đến thói quen…

    Khi tôi viết bài Quang Dũng, Sổ Tay & Cuộc Tình, trong bài thơ Tây Tiến có hai câu thơ rất trữ tình: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. (Theo thủ bút của Quang Dũng trong Sổ Tay thì chữ giáng Kiều) nhưng sau nầy in lại ghi là dáng kiều.  Ngôi nhà 68 phố Hàng Bông, nơi trú ngụ của bốn chị em họ Nguyễn là Kiều Vinh, Kiều Hinh, Kiều Hương, Kiều Dinh. Quang Dũng lấy hình ảnh 4 nàng Kiều nầy ghi trong thơ. Tôi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Hiền và ông xác nhận đó là “giáng Kiều” không phải là “dáng kiều”.

    Ngày 5/5/2005, tôi ra tờ Cali Weekly, khổ standard (nhật báo), 24 trang, có 4 trang full color (1, 2 & 23, 24), (Chủ Nhiệm: Vương Trùng Dương, Chủ Bút Nguyễn Ngọc Chấn, Tổng Thư Ký: Việt Hải) số ra mắt tôi viết bài về Stars Band (trang 1 & 9) khi tiếp xúc, phỏng vấn vài nhạc sĩ tham gia được hình thành từ năm 1995 do nhạc sĩ Mạc Vũ (BS Phạm Gia Cổn) cùng các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Hiền (3 năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vừa mới định cư được mời tham gia).

    Nhớ những lần cùng uống cà phê với nhau, ông và Phạm Gia Cổn luôn “Nhớ nhà châm điếu thuốc” (Chiều – Hồ Dzếnh) rồi “liều một đám – làm một điếu”.

    Không ngờ sau đó, cả hai trở thành người thiên cổ!

    Nhờ những lần gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Hiền, với kiến thức, trí nhớ và sự cởi mở, chân tình của ông giúp tôi hiểu biết thêm về nhạc sử cổ điển Tây phương qua các thời kỳ Trung Cổ, Phục Hưng, Baroque, Cổ Điển, Lãng Mạn… hai giai đoạn âm nhạc thời tiền chiến và hai thập niên ở miền Nam Việt Nam.

    Hầu như mọi người được tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền đều quý trọng nhân cách, trí nhờ và tài hoa sáng tác, sử dụng những nhạc cụ điêu luyện và sự dấn thân của ông trong sinh hoạt cộng đồng.

    Vương Trùng Dương

  • KÝ SỰ,  Vương Trùng Dương

    GS Trần Huy Bích, Người Nặng Tình Với Non Sông & Chữ Nghĩa

    Trưa Thứ Bảy 16/12/2023, giáo sư Trần Huy Bích thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo & hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi tại Viện Việt Học. Nguyễn Trãi là Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị VNCH. Trong Bình Ngô Đại Cáo có hai câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo” làm kim chỉ nam cho ngành CTCT.

    Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt có 6 khóa lấy tên từ Nguyễn Trãi 1 đến NT 6 (ra trường 4 khóa). Tôi xuất thân Khóa NT 1, thời gian 2 năm ở quân trường đã học về Bình Ngô Đại Cáo nhưng 57 năm sau nghe bài thuyết trình của GS Trần Huy Bích rất cặn kẽ, giải thích rõ ràng từ chữ từng câu được đối chiếu qua bản dịch của cụ Bùi Kỷ trong Quốc Văn Cụ Thể, cụ Ngô Tất Tố và đối chiếu với nhiều tư liệu qua sách, báo.

    Bình Ngô Đại Cáo được coi là áng văn hùng hồn trong lịch sử dân tộc khi quân nhà Minh xâm lăng, cai trị rất tàn bạo (1414-1427). Lê Lợi thắng quân Minh, sai quân sư Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo lưu lại hậu thế.

    Với tấm lòng của giáo sư với bậc tiền nhân, nay viết vài dòng về ông.

    *

    Trước đây, trong vài bài viết liên quan đến văn học, trong tài liệu sưu tầm, tôi đã dựa vào số bài viết của GS Trần Huy Bích để xác minh vì sự thận trọng trong công trình biên khảo của ông, ngay cả chữ nghĩa.

    GS Trần Huy Bích sinh năm 1936 tại Nam Định. Hồi còn ở vùng VM trong những năm chiến tranh VM – Pháp, ông học năm đầu bậc trung học ở trường Trung Học Nguyễn Biểu thuộc tỉnh Hà Nam niên khóa 1948-49. Sau đó, theo học trường Trung Học Nguyễn Khuyến ở thành phố Nam Định từ năm 1951 đến 1954, từ Đệ Lục đến hết Đệ Tứ, rồi thi Trung Học Đệ Nhị Cấp cuối tháng 5 năm 1954.

    Đó là hậu thân của trường Thành Chung Nam Định. Tên “Trường Nguyễn Khuyến” có từ năm 1945, dưới thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Bộ Trưởng Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn, những vị đã đổi tên “Trường Bảo Hộ” (còn gọi là Trường Bưởi) ở Hà Nội thành “Trường Chu Văn An”

    Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn, theo học Ban Văn Chương (Ban C) ở Trường Trung Học Chu Văn An (cùng với Song Thao Tạ Trung Sơn, Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh Công, Phạm Công Bạch…), học trò nhà thơ Vũ Hoàng Chương nên viết nhiều bài về vị thầy với cả tấm lòng tri ân. Vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đỗ cử nhân văn chương Việt Hán, dạy học từ cuối thập niên 1950s.

    Sau khi động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông được phục vụ trong Văn Hóa Vụ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, ông được học bổng du học Hoa Kỳ. Năm 1975, ông bị kẹt lại và tốt nghiệp cao học và tiến sĩ về Giáo Dục & Chính Trị Đối Chiếu tại University of Texas, Austin.

    Sau thời gian dạy học, ông giữ chức Phó Giám Đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasadena City College, Pasadena, California, Quản Thủ thư viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California, phụ tá quản thủ thư viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện đại học UCLA (1989-2001) và đại học USC (2002 cho đến khi về hưu năm 2007). Nơi đây là cơ hội nghiên cứu tài liệu trên nhiều lãnh vực.

    Viện Việt Học (Instutute of Vietnamese Studies) thành lập năm 2000, GS Nguyễn Đình Hòa, Viện Trưởng sáng lập mời ông gia nhập Ban Giảng Huấn của VVH và giữ nhiệm vụ Phụ Tá Viện Trưởng.

    Sau khi GS Nguyễn Đình Hòa tạ thế, GS Nguyễn Khắc Hoạch lên thay, đổi nhiệm vụ ông thành Phó Viện Trưởng phụ trách Học Vụ trong các năm 2001, 2002, và hai lần tổ chức lớp “Đại Cương Về Văn Học VN” (I và II). GS Đoàn Khoách phụ trách phần Văn Học chữ Hán, các GS Nguyễn Sỹ Tế và Lưu Trung Khảo phụ trách Văn Chương Quốc Âm qua các thời, GS Nguyễn Văn Sâm phụ trách Văn Học & Văn Chương Miền Nam, GS Trần Lam Giang phụ trách phần Văn Chương Cách Mạng. GS Trần Huy Bích phụ trách Văn Chương Bình Dân (ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích) và “Sơ Lược Về Văn Học VN trong thời gian đất nước chia đôi”.

    Năm 2003, ông xin GS Trần Ngọc Ninh cho được rút lui khỏi chức Phó Viện Trưởng. GS Ninh đồng ý sau khi yêu cầu, ông giới thiệu GS Phạm Lệ Hương trông coi thư viện. Tuy từ chức Phó Viện Trưởng, ông vẫn giữ vai trò giảng viên của Viện Việt Học.

    Năm 2010, vợ ông qua đời. Ông chuyển về Little Saigon, mua căn mobile home trên đường Bolsa, có dịp gặp gỡ thân hữu.

    Ngoài ra, ông tích cực hỗ trợ Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California và Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California trong cương vị cố vấn. Mỗi tháng ông thường dành buổi chiều cuối tuần tiếp xúc những sinh viên trẻ với những câu hỏi về văn học, văn hóa Việt Nam. Ông là bậc thức giả, thông thạo nhiều ngoại ngữ nên hướng dẫn giúp cho giới trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại hiểu biết tường tận về văn học, văn hóa, lịch sử và nền giáo dục VNCH.

    Ông và giáo sư Dương Ngọc Sum cùng tham gia trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, chênh lệch tuổi tác, thế hệ học trò… thể hiện sự hòa đồng với nhau.

    Trước đây tôi nhận được cuốn Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam của Tổng Hội SVSQ Trường VBQG do Trung Tá Vũ Mạnh Hùng (Khóa 13 và đơn vị trưởng của tôi) ở Oregon gửi tặng. Tháng Sáu năm 2023 tại Viện Việt Học giới thiệu cuốn lược sử mới nầy, trải qua một thời phục vụ trong quân ngũ nên ông tham gia trong Ban Hiệu Đính (GS Tôn Thất Dziên, Khóa 10 và Trưởng Ban Văn Hóa Vụ) góp phần biên soạn. Với tôi, là người lính với 16 năm thực hiện nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, rất quý ông (không để ý đến sự tranh chấp) mà nặng tình vào công việc nầy với quân trường đã phục vụ. Theo ông: “Lịch sử thường được kẻ chiến thắng viết, vì nhiều lý do trong đó có sự chủ quan, tinh thần tự tôn, tự đề cao, muốn được coi mình là người nắm giữ chính nghĩa. Sau chiến tranh, kẻ chiến thắng thường tự vơ hết những gì tốt đẹp về cho mình, và gán hết những gì xấu xa tệ hại nhất cho người thất trận”.

    Năm 2016, ông thực hiện blogspost Trần Từ Mai (bút hiệu của ông) cho đến nay đã phổ biến hơn 120 bài viết của ông và bạn văn. Hơn thập niên qua, ông là diễn giả trong những lần ra mắt sách, rất tiếc nhiều bài nầy không phổ biến trên blogspost của ông và trên internet.

    Từ Mai Trần Huy Bích là nhà giáo, nhà văn hóa qua nhiều thập kỷ, ông viết về các bậc tiền nhân văn hóa nước nhà, sưu tầm nhiều áng văn bất hủ, trong đó nhiều bài chữ Nho của các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Đức Siêu…, dịch ra Quốc Ngữ, thơ, gọn và trong sáng để lưu lại hậu thế.

    Ông là người nặng tình với nước non, bảo tồn văn hóa dân tộc, trong các khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm tổ chức vào dịp Hè thường niên của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California cho các thầy, cô dạy tiếng Việt ở các Trường, Trung Tâm Việt Ngữ, ông được mời thuyết trình những đề tài về văn hóa và bảo tồn tiếng Việt rất hữu ích. (Tôi cũng có thời gian mười năm làm Trưởng Khối Báo Chí trước khi ông về Little Saigon).

    Về chữ nghĩa, tài liệu, ông rất thận trọng khi đề cập, chẳng hạn bài viết về “xử dụng, sử dụng”, “dòng, giòng” ông dựa vào các nguồn từ điển, tựa đề, tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng để phân tích rõ ràng, không chỉ trích, đả kích, đúng, sai… đó là cách xử sự của bậc thức giả khi viết cũng như khi giao tiếp.

    Ông viết cho nhiều người nhưng, với tôi, ít người đáp lễ, có lẽ khi viết về ông sẽ dài một quyển sách mới trích dẫn được nội dung qua từng bài viết. Trước đây tôi có chia sẻ với giáo sư Trần Gia Phụng, mỗi lần ở Canada sang, thường ghé nhà ông, anh cũng cho biết, ông nầy khiêm tốn và quá thận trọng với chữ nghĩa nên muốn viết cũng ngại. Nếu nghĩ như vậy cũng bất công với ông, một đời tận tụy trước tác, diễn giả bao nhiêu tác phẩm khi ra mắt trong cộng đồng người Việt.

    Những người cùng tuổi với ông như nhà văn Thảo Trường (1936-2010), GS Trần Như Tảng (1936-2013 – GS Trần Như Tráng sau khi đậu PhD về Chính Trị Đối Chiếu, Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội tại Đại Học Vạn Hạnh và sau nầy dạy đại học ở Hoa Kỳ), nhà văn Nhật Tiến (1936-2020), nhà văn Nguyễn Đình Toàn (1936-11/2023) và bạn học Bùi Quyền (1937-2020) nay đã ra người thiên cổ.

    Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) với câu nói để đời “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng” với ông cũng đúng thôi. Cây sậy Trần Huy Bích vẫn còn minh mẫn đóng góp trong cuộc hành trình với chữ nghĩa, lịch sử, văn học… đáng ngưỡng mộ.

    Little Saigon, December, 2023

    Vương Trùng Dương