KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ,  NGHIÊN CỨU,  Tin tức,  Việt Hải

Đọc Việt Eden –   Địa Đàng Hạ Giới

Trần Việt Hải

Cầm trên tay sách mới còn thơm mùi giấy, giấy dầy, in đẹp, 330 trang, bìa trước họa sĩ vẽ ký giả Du Miiên cầm bút “chạy show” săn tin tên phố Bolsa, bìa sau là hình và tiểu sử của 2 tác giả, đôi uyên ương đồng nghiêp lâu năm trong làng báo giới hải ngoại. Tôi lẩm bẩm về tựa đề “Việt Eden”, tức “Địa Đàng Hạ Giới”. “Hạ Giới” nghĩa là “thế giới ta bà chúng sinh”, đôi khi theo cụ Tố Như – Thanh Hiên ngôn thơ “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, sách mới tác giả đề cập về sự hình thành Sài Gòn Nhỏ theo cái nhìn tích cực, khía cạnh “stink wind, bloody rain” là phạm vi tiêu cực. Tôi đồng ý.

Suy nghĩ về 2 chữ “địa đàng”, theo tôn giáo ý nghĩa như “Địa Đàng theo Thiên Chúa”.

Theo Thiên Chúa trong vườn địa đàng, người phụ nữ được Adam yêu thương, cưng chiều hết mực. Người phụ nữ ấy hẳn là hạnh phúc nhất khi bên cạnh có một người chồng tử tế. Ông luôn dành cho người vợ những lời yêu thương ngọt ngào. Ngày ngày Thiên Chúa thấy hai người tay trong tay dạo quanh vườn địa đàng. Họ kể cho nhau những kế hoạch tốt đẹp. Họ mơ ước về căn nhà đẹp và những đứa trẻ xinh. Bầu không khí bên ngoài, khung cảnh thơ mộng của vườn địa đàng cũng muốn tô điểm thêm nét đẹp mối tình giữa hai người. Đó là một đôi uyên ương được Thiên Chúa se duyên nên nghĩa vợ chồng. Đấy lá ý nghĩa tôn giáo, ươc mơ tâm linh.

Còn xét về 2 chữ “địa đàng”, theo văn học ý nghĩa như “Địa Đàng ở Phương Đông”

Một luận điểm văn học khác theo tác phẩm nổi tiếng của nhà văn kiêm bác sĩ người Anh là Stephen Oppenheimer và sách Eden in the East (Địa Đàng ở Phương Đông). Sách Địa Đàng của Oppenheimer cho ta tìm hiểu cội nguồn văn minh và văn hóa dân tộc hiện đang là một đề tài thời sự nóng trên thế giới, bởi vì trong xã hội hiện đại và thế kỷ 21, văn hóa sẽ là một yếu tố nhận dạng của một dân tộc. Ở nước Việt, sách vở và các công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa dù đã có đấy, nhưng nói chung vẫn còn khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, bạn đọc nên xem qua cuốn sách này vốn quan trọng về lịch sử văn minh và văn hóa Đông Nam Á. Cuốn sách thực chất là một công trình nghiên cứu văn minh và văn hóa thời tiền sử, và liên quan mật thiết đến Việt Nam. Oppenheimer chọn đề tài bao la về địa lý Đông Nam Á là một vùng nước đọng quan trọng của lịch sử nhân loại, nơi mà các cơn lốc văn minh và văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, hay văn hóa Đông Nam Á chỉ là một sự pha trộn văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, và văn minh đặc thù Đông Nam Á.

Như vậy “Địa Đàng” theo Thiên Chúa hay theo Oppenheimer vẫn khác với Địa Đàng Hạ Giới của Ngọc Hà – Du Miên, vì bên tâm linh là Địa Đàng thiêng  liêng, hay bên sách văn học Anh là vùng địa dư phương Đông bao la. Sách Việt ta giới hạn ở Quận Cam Nam Cali mà thôi.

Theo nhà văn Vương Trùng Dương:

Với tựa đề “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới”, nội dung trong quyển sách nầy là tài liệu quý báu về Little Saigon, trở thành “thủ đô tị nạn” từ ngày được hình thành đến “cái nôi” của cộng đồng người Việt tị nạn trong mọi sinh hoạt. Tác phẩm dày 330 trang, hình màu gồm 3 Chương: Chương I (trang 13 đến trang 81), khái quát về Bolsa Ngày Ấy đến Chợ Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa. Chương II (trang 83 đến trang 170) sự phát triển của Little Saigon từ năm 1980 đến năm 1999. Chương III: (trang 171 đến trang 224) tiếp nối sự phát triển của Little Saigon từ năm 1999 đến nay. Phần Phụ Lục (trang 225 đến trang 330).

Trong số những người biết rõ nhất về nguồn gốc và sự ra đời của Little Saigon phải nói đến nhà báo Du Miên, ông Khanh Nguyễn, ông Phùng Minh Tiến, anh Ba Thành Mỹ, anh chị Thạnh – Hoàng Yến (chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh) và nhiều người khác nữa. Theo những người hiểu lai lịch khu phố Việt này đều công nhận người có công khai sinh ra tên “Little Saigon” chính là nhà báo Du Miên.

Tôi nhớ vào năm 1979 khu thương mại Mini Mall trên đường Bolsa chỉ có vài ba cửa tiệm. Ðối diện Tú Quỳnh là nhà hàng Thiên Cung sau đổi là Thành Mỹ cho tới nay. Sau đó lần lượt các cửa tiệm khác ra đời như: tiệm bán băng nhạc của nhạc sĩ Trường Hải, nhà in của Du Miên, văn phòng bán bảo hiểm của Luật sư Nguyễn Xuân Phước, dịch vụ gửi hàng của ông Thuận, bán vé máy bay của ông Vượng, bán hàng nội thất của ông Ðề và chợ Ái Hoa của ông Bói. Quán cà phê Lục Huyền Cầm của cặp nghệ sĩ Lê Uyên Phương sau này cũng có mặt, khiến nơi này trở nên một chốn kinh doanh đa dạng. Xem hình sách Việt Eden, các trang 20-21, 54-55, 59, và 104-105.

Đặt tên Little Saigon

Năm 1980, ký giả Du Miên và một số thân hữu trong đó có ông Khanh Nguyễn, (Chủ tịch Little Saigon Foundation), khởi xướng cuộc vận động thành lập khu phố Việt Nam tại Quận Cam. Sau khi bỏ thì giờ đi đến tất cả các cơ sở thương mại, tôn giáo trong vùng, ký giả Du Miên vẽ tấm bản đồ ghi rõ địa chỉ từng cơ sở thương mại do người Việt làm chủ và đặt tên là “Phố Saigon” trên đất Mỹ, để nhớ về một thủ đô Saigon của Việt Nam Cộng Hòa đã không còn nữa. Tấm bản đồ này đã được đăng nhiều lần trên tuần báo Saigon suốt năm 1980. Theo một buổi phỏng vấn ký giả Du Miên, ký giả nhật báo Register Rosa Kwong đã dịch “Phố Sàigòn” thành “Little bit of Sàigòn” và đăng lại tấm bản đồ của ký giả Du Miên. Bắt đầu từ đó, danh xưng Little Sàigòn đã được báo chí Hoa Kỳ dùng để gọi khu thương mại Việt Nam trên đại lộ Bolsa. Từ năm 1985 đến 1988, qua nhiều vận động của cộng đồng, danh xưng Little Sàigòn được chính thức công nhận bởi thành phố Westminster và tiểu bang California (ngày 17 tháng 6 năm 1988). Xem hình sách Việt Eden, các trang 72-73, 88-89. Hình bản đồ “Phố Sàigòn” nguyên thủy trên tuần báo Sàigòn. Bản đồ “Phố Sàigòn” được đăng lại trên nhật báo Register số ngày 1 tháng 2 năm 1981. Danh xưng “Little Sàigòn” lần đầu tiên xuất hiện trong bài viết của nữ ký giả Rosa Kwong. Đính kèm bài viết này là phóng ảnh của bản đồ Little Sàigòn lúc khởi thủy và báo Register nhân dịp Tết nguyên đán 1981 nói trên. Để tìm hiểu thêm về danh xưng này, Rosa Kwong đã trực tiếp phỏng vấn ký giả Du Miên, khi ấy vốn là chủ nhiệm, chủ bút tuần báo Thời Báo, xuất bản tại Little Sàigòn. Rosa hỏi xin ông cho biết sơ lược về giai đoạn hình thành tấm bản đồ Little Sàigòn này.

Ký giả Du Miên trả lời vào năm 1980, sau khi hỏi ý tất cả mọi chủ tiệm (khoảng vài ba chục tiệm), ai nấy cũng muốn hình thành một cái gì đó để nương tựa, bênh vực nhau, tôi bàn với các anh chị trong tòa soạn báo Sàigòn gồm các anh Vũ Tài Lục, Tống Hoằng, Lê Khắc Thuận, Trần Đức Tuấn  và cô Dạ Yến, mở chiến dịch vận động hình thành khu phố Việt Nam. Tôi khởi sự vẽ bản đồ khu phố và gọi đó là “Phố Sàigòn”. Bản đồ này đăng nhiều lần trên tuần báo Sàigòn vào cuối năm 1980.

Danh Xưng Little Saigon được chính thức công nhận

Ngày 9-2-1988, qua sự vận động ráo riết của Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, dân Biểu Longshore, và nghị viên Frank Fry, Hội Đồng Thành Phố Westminster đã biểu quyết với đa số tuyệt đối thông qua Quyết Nghị số 58, công nhận khu phố của người Việt trên đại lộ Bolsa là “Little Saigon,” và thành phố cũng thành lập ủy ban với tên là “Little Saigon Community Development Advisory Committee” để giúp đẩy mạnh việc phát triển khu này thành một khu thương mại và du lịch sầm uất.

Xem hình sách Việt Eden, các trang 143 và 145.            

Đọc Việt Eden trang 154-161 cùng bài viết về “Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại & Đại Hội Truyền Thông”, bài Vương Trùng Dương:

Danh xưng Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại (HKGVNHN) do Du Miên và các đồng nghiệp hình thành từ năm 1994 trong tinh thần tương thân tương trợ với nhau trong công việc. Nhiệm Kỳ 2002-2004, Chủ Tịch: Đỗ Sơn, Tổng thư Ký: Du Miên & 12 thành viên. Văn phòng tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, 15351 Euclid St # 1H, Garden Grove, (trong khu business đường Euclid, giữa Westminster & Bolsa). Đây là bước ngoặc của nhiệm kỳ này vì tổ chức được Đại Hội Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại (ĐHTTVNHN) đã từ lâu HKGVNHN mong ước.

Nói  đến tác giả biên khảo Du Miên Lê Thanh Hoa phải nói đến công trình nghiên cứu để hình thành tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông”. Sách kể rõ sự việc kiến trúc sư Việt Nam là người vẽ kiểu và chỉ huy hơn 100 ngàn nhân công xây dựng thành Bắc Kinh nổi tiếng khắp năm châu với Tử Cấm Thành, Thiên An Môn vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Sách quý Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông được đánh giá là cuốn sách đã ấn hành đúng thời điểm vì nội dung của cuốn sách đưa ra nhiều chứng liệu để củng cố niềm tin và tự hào dân tộc. Du Miên Lê Thanh Hoa phải sưu khảo để chứng minh “niềm tự hào dân tộc” và “hãnh diện là người Việt Nam” qua tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông…Nhà văn Du Miên và cũng là nhà nghiên cứu cổ sử Lê Thanh Hoa đã làm một chuyện vô cùng hữu ích về sử liệu cho ngàn sau. Trong tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông, hai chữ “suối nguồn” như cội nguồn sự kiện. Suối nguồn là tác giả muốn nói rằng văn minh phương Ðông bắt nguồn từ Việt và cái nguồn ấy mạnh mẽ tuôn trào và tuôn trào mãi. Đây là tác phẩm trưng dẫn bằng chứng, sử liệu Việt, Tàu và Âu Mỹ liên quan đến việc đức Khổng Tử dùng văn hóa Việt dạy cho người Tàu, tổ của nhà Chu (trị vì Tàu 800 năm) cho 2 hoàng tử lớn qua đất Việt để du học. Đặc biệt tài liệu liên quan đến kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu và xây thành Bắc Kinh từ thời nhà Minh cũng như tài liệu Mỹ xác nhận dân Việt là tổ trồng lúa đầu tiên trên thế giới.

Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam do tác giả văn học Du Miên, một nhà văn hóa yêu sách vở và bằng hữu của ông thành lập và điều hành. (Xem Việt Eden trang 172-175)

Xem Việt Eden trang 183-184 … như sau:

Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ ở TP Westminter là hình ảnh biểu tượng, tượng trưng  quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, được dựng tại số 14180 đường All American Way, Westminster, CA 92684, trong công viên Sid Goldstein Freedom Park, rộng 1.4 acre (gần 61,000 sqft), được bao quanh bởi một đài phun nước bằng đá cẩm thạch đen và những lá cờ Hoa Kỳ và cờ VNCH. Dưới lá cờ Hoa Kỳ là lá cờ đen tượng trưng cho những quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Chiếc lư hương lớn có lửa cháy suốt ngày đêm, như một ngọn đuốc, được đặt chính giữa công viên của tượng đài, trên một hồ nước nhỏ. Ngọn lửa này không bao giờ tắt, vì được thiết kế công tắc mồi tự động, nên dù giông bão, mưa to gió lớn, mồi lửa tự động cũng sẽ thắp sáng trở lại. Công tác đúc tượng khởi sự năm 1998 cho đến năm 2002 thì hoàn tất với bức tượng đồng hai chiến sĩ, một Việt Nam một Hoa Kỳ vai kề vai cao khỏang ba mét, đứng trên bệ đài làm bằng đá cẩm thạch cao một mét rưỡi. Tượng đài được chính thức đặt tên là Việt nam War Memorial in Westminster.

Xem Việt Eden trang 209-211 như sau:

Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam như Tượng đài Nạn Nhân CS cũng chỉ là hình ảnh biểu tượng, trượng trưng cho hăm mấy sắc dân nạn nhân của chủ nghĩa CS trên thế giới. Những nơi này trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng không phải là chứng tích lịch sử như Bia Đá Đen ở Washington DC có khắc ghi ghi họ tên của quân nhân Mỹ tử trận ở VN, như những bia mồ mà người Việt hải ngoại đã trùng tu trên các hải đảo của Nam Dương và Mã Lai…. Nhà Thơ Thái Tú Hạp, người sáng lập Đài Tưởng Niệm thay mặt Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, trong bài diễn văn khai mạc, sau khi ngỏ lời chia sẻ khi nhấn mạnh đến dự án mang tính cách Tâm Linh và Lịch Sử nầy mà ước mơ của ông và nhiều người khác từ hơn 10 năm, nay mới đạt ước mơ đó. Sau hơn 30 năm nhìn lại, để Tưởng Niệm và Tri Ân đến những Thuyền Nhân, Bộ Nhân vì không có sự hy sinh cao quý đó chắc chắn những Thuyền Nhân như chúng ta sẽ không hiện diện ngày hôm nay, và để lưu truyền những chứng tích cụ thể cho các thế hệ mai sau hiểu biết nguyên nhân người Việt đến định cư tại xứ sở Hiệp Chủng Quốc này..Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân hôm nay đánh dấu sự thành công và nơi này cũng là vị trí lý tưởng đặt Đài tưởng Niệm tại khuôn viên Westminster Memorial Park, gần khu Tiểu Saigon, nơi có đông đảo người Việt định cư, buôn bán tạo nên sự phồn vinh cho Thành Phố Westminster. Tin thêm, Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân VN (Viêtnamese Boat People Meomrial) mà tượng đồng đúc ở ngoài nước Mỹ đã đưa về Little Saigon (Quận Cam). Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân ngoài  việc có  thể  trở thành một danh lam thắng cảnh mới cho Little Saigon, chắc chắn sẽ là một chứng tích lịch sử như Bia Đá Đen ở Washington, như bia mộ của những người vượt biên đã chết trên đường tìm tự do, trên các hải đảo. Bia mộ ở đảo CS Hà nội có thể áp lực hai nước Nam Dương và Mã Lai phá dẹp bỏ, nhưng ở Little Saigon của Mỹ thì không vì có người Mỹ gốc Việt của một cộng đồng người Việt hải ngoại đông nhất thế giới bảo vệ.

Lời cuối, Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian cùng thân hữu xin chúc mừng nhị vị tác giả Ngọc Hà và Du Miên. Chúc mừng buổi ra mắt sách thành công viên mãn.

Xin mượn lời trong bài viết của ký giả Thanh Phong điểm sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” để chấm dứt nơi đây.

Trần Việt Hải, Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

“Người viết đã đọc từ trang đầu đến trang cuối và cảm nhận cả một công trình, vừa moi óc vừa tìm tòi nhiều tư liệu, hình ảnh để hoàn thành sách Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới mà từ trước đến nay chưa ai viết đầy đủ hơn về Little Saigon. Đây sẽ là một trang sử oai hùng của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại; một cuốn sách đáng để cho cư dân Little Saigon hãnh diện và làm món quà tặng cho bạn bè, người thân ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt qua câu trả lời của ký giả Du Miên, Chủ Bút tuần báo Saigon cũng là người vẽ bản đồ khu phố Saigon đăng trên báo Saigon, ông trả lời nữ ký giả Rosa Kwong, gốc Hồng Kông khi cô hỏi: Tại sao ông gọi là Phố Mới, Phố Saigon? Chủ bút Du Miên trả lời, “Ở quê nhà Việt Nam, Cộng Sản đổi tên thủ đô Saigon của chúng tôi rồi. Chúng tôi lập khu phố nhỏ, phố mới gọi là Phố Saigon. Saigon thủ đô của nước tôi lớn và hoa lệ, là “Hòn Ngọc Viễn Đông”… Còn ở Westminster đây, bất quá chúng tôi gom nhau lại thành một khu phố nhỏ, một góc chút xíu của Saigon hoa lệ ngày xưa”. Cô ký giả gốc Hồng Kông lặng yên một lúc khi thấy Chủ Bút báo Saigon rơm rớm nước mắt khi nhắc đến Saigon. Cô gật đầu chào mọi người, lặng lẽ bước đi. Vài ngày sau, trong bài tường thuật ngày 1 tháng 2 năm 1981, cô gọi khu phố bé tí, phố Saigon của tuần báo Saigon nói trên là “Little bit of Saigon”. Sau này người ta lần lượt bỏ bớt hai chữ “bit of còn lại Little Saigon. Và danh xưng Little Saigon có từ đó, từ ngày 1 tháng 2 năm 1981.”