• Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ

    Nhà giáo Doãn Quốc Sỹ là vị thầy khả kính với các thế hệ học sinh, sinh viên trước năm 1975. Nhà văn chân chính với các tác phẩm đóng góp cho nền văn chương miền Nam Việt Nam cho đến nay ở hải ngoại.

    Nhân dịp Lễ Thượng Thọ 100 tuổi nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào đầu năm 2023 (Quý Mão), đề cập đến 4 tác phẩm trong Khu Rừng Lau từ thập niên 60… về giai đoạn và bối cảnh đất nước của dân tộc chịu nhiều đau thương!

    Năm 2006 tôi viết bài Tác Phẩm “ĐI” của Hồ Khanh & Bản Án của Cộng Sản với nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho tuyển tập của Văn Đàn Đồng Tâm (VĐĐT thành lập năm 2005, Cố Vấn: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Chủ Nhiệm: nhà văn Tạ Xuân Thạc (Texas), Chủ Bút: nhà văn Việt Hải (Los Angeles). (VĐDT Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, 2007, trang 254-258). Bài còn lưu trữ trên trang web Sáng Tạo và trong Mượn Dấu Thời Gian về nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

    Trích:

    Sau tháng 4 năm 1975, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ không “đi” được, ở lại Sài Gòn, được “lưu dung” dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, thế rồi ngày 4 tháng 4 năm 1976, ông bị kết tội trong thành phần “văn nghệ sỹ phản động”, đưa vào trại giam Phan Đăng Lưu rồi chuyển lên trại tù Gia Trung ở núi rừng Tây nguyên, cho đến tháng Giêng năm 1980. Ra tù, bản thân ông không bao giờ nghĩ đến chuyện “đi” nếu không có những người thân yêu mong đợi. Không “đi” được, ông viết “ĐI “ để gởi sang Pháp nhưng bị họ lén lút kiểm duyệt, cũng như nhà văn A. Solzhenitsyn, ông bị kết án 10 năm tù! Ông thọ án cũng gần 8 năm như nhà văn A. Solzhenitsyn ở Liên Xô!

    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1980, sau bốn năm “chém tre đẵn gỗ trên ngàn” tôi được trở về sống với gia đình, bắt được liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối, viết những bài báo phúng thích ngắn ký dưới bút hiệu tếu tếu: Củ Hành Khô!

    Sau đó là cảnh đau lòng tử biệt sinh ly của chính mình khi chứng kiến cảnh đám con cháu cùng thân bằng cố hữu lần lượt mạo hiểm tổ chức vượt biên. “ĐI” được sáng tác đúng vào dịp nầy. “ĐI” chính là một hồi ký tự sự viết dưới hình thức tiểu thuyết. “ĐI” được bằng hữu thân tình tìm cách chuyền sang Pháp tới nhà Lá Bối. Tên tác giả được ghi là Hồ Khanh. Sự chọn lựa nầy liên tưởng tới những bài phúng thích trước đây được ghi với bút hiệu Củ Hành Khô. Củ Hành Khô khi nói lái lại thành một bút hiệu nghiêm chỉnh: Hồ Khanh”.

    Trong dịp tiếp xúc với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ông cho biết, khi viết xong từng chương, ông gởi qua bưu điện sang Pháp, ông cảm thấy được trót lọt nên tiếp tục viết và gởi. Năm 1984, Công An đến nhà ra lệnh bắt, ông hỏi tội gì thì Công An đưa ra những bản đã photocopy bài viết mà ông gởi qua đường bưu điện.

    Ông biết mình đã bị theo dõi và kiểm soát rất gắt gao nên đành chấp nhận. Bị nhốt 4 năm cho đến năm 1988 mới ra tòa và bản án: 10 năm. Năm 1991, ông ra khỏi tù, năm 1995, được con trai (Doãn Quốc Thái) bảo lãnh sang định cư tại Texas, Hoa Kỳ.

    Tác phẩm “Đi”, gồm 19 chương, trên khổ 5.5 X 8.5 inches, dày 224 trang, là những mẩu chuyện có thật xảy ra trong gia đình, con cháu, người thân… với lối hành văn rất nhẹ nhàng, chân thật bắt gặp trong đời sống người thân và gia đình ông của thời điểm sau năm 1975.

    Mở đầu tác phẩm “ĐI”, chương I ông viết: “Bà nội bảy mươi bảy tuổi chẳng bao giờ ngờ chuyến đi từ Hà Nội vô Sài Gòn này lại chỉ chứng kiến đám con cháu nội ngoại trong Nam ra đi gần trọn ổ. Thật buồn! Nhưng qua kinh nghiệm và cảm nghĩ bản thân, cụ cũng thấy rằng điều đó chẳng thể tránh được.

    Đây là lần thứ hai cụ vô Nam đấy. Lần đầu cụ vô Sài Gòn vào tháng 3 năm 1977. Ngày đó thằng con trưởng của cụ (di cư vô Nam từ 1964) đã bị bắt giữ rồi… Tháng Giêng năm 1980 cụ nhận được điện báo tin thằng trưởng của cụ được tha. Thế là cụ tức tốc lo liệu giấy tờ lấy… Mẹ con sau hai mươi sáu năm trời xa cách (trên một phần tư thế kỷ) được gặp nhau trước Tết; lũ cháu nội ngoại được quây quần bên bà ríu rít chuẩn bị đón Xuân… Hạnh phúc mẹ gặp con, bà gặp cháu của một đại gia đình thương yêu hòa thuận không bút nào tả xiết. Vậy mà cụ có ngờ đâu chỉ sau đó ít lâu cụ chứng kiến cảnh chúng nó ra đi dần, có đứa bị bắt giữ rồi được thả rồi lại ra đi nữa…

    Từ lúc đột nhiên khám phá ra lũ con cháu trong Nam đang tuần tự ra đi dần cụ chỉ biết niệm Phật, hầu như thường xuyên niệm Phật, kể cả đêm khuya lúc cụ thiếp ngủ tâm tưởng của cụ vẫn hướng về lời niệm…”

    Chương II đề cập đến bản thân ông qua hình ảnh ông giáo: “Ông giáo thương lũ con vô cùng. Ngày xưa làm được đồng nào ông nuôi chúng ăn học đầy đủ, ngày nay ông càng thương chúng vì thiếu thốn đủ thứ. Đã đành ông thương chúng như cha thương con, ông còn thương chúng như đạo hữu thương đạo hữu trong pháp nạn, như đám chúng sanh đói khát khổ nạn thương đám chúng sanh đói khát khổ bạn, thương chúng bằng thứ tình nhân bản tinh lọc nhất. Ngay thuở còn trong trại lao động cưởng bách, ông đã viết thư nói với tám con là ông cám ơn Trời Phật đã ban cho ông tám vị bồ tát…”.

    Trong những chương kế tiếp, ông nói về hình ảnh người thân, học hành, ra trường, xin việc, mất việc rồi “đi” đường bộ, đường thủy, bị bắt rồi lại “đi”… tin buồn, tin vui lẫn lộn trong lòng thân mẫu ông giáo, vợ chồng ông giáo.

    Cuối chương XVI, sau tháng ngày chứng kiến hình ảnh con cháu “Bà cụ nhìn đám cháu còn lại. Cụ biết rôi đây khi cụ đã ra Bắc rồi, nếu có tổ chức gì (ý cụ nghĩ về H.C.R) mà bảo lãnh cho chúng đi tất nhiên chúng sẽ ra đi hết. Có bao giờ cụ quên niệm Phật cầu nguyện cho chúng đâu”.

    Rồi những dòng thư của những đứa con xa cha mẹ với bao nỗi nhớ thương, những dòng chữ viết trong nước mắt gởi từ phương trời xa về cho người thân.

    Đoạn kết của “ĐI” khi người thân ra đi ở đảo với nỗi niềm: “Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Có thể rồi mai đây được bốc đi định cư ở một xứ sở xa xôi nào, rồi ở đâu đó, tiểu gia đình Hoa sẽ mọc rễ đâu đó như bố mẹ trước đây đã di cư vào miền Nam rồi sẽ mọc rễ ở miền Nam. Ông nội mất, bố có được gặp mặt đâu! Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Hoa ngẩng nhìn trời thăm thẳm và trong suốt như để tìm những vì sao – (lúc đó làm gì có sao) – nhưng là nhìn vào một tiền kiếp xa xưa nào, hồi bố mẹ còn là những vì sao trên trời”.

    Với tâm hồn nhà giáo, nhà văn mang nặng tính nhân bản ghi lại những hình ảnh trong “ĐI” nó bàng bạc trong muôn nghìn gia đình và con cháu trong gia đình ông vào thời điểm đó. Ông không phóng đại, cường điệu, dũng chữ “bao to búa lớn” để chửi bới, lên án mà là tâm tình của ông giáo nặng tình yêu thương với người thân trong hoàn cảnh đen tối đành “đứt ruột” chia tay!..”.

    Hình ảnh người bố qua những dòng của chị Kim Khánh: “Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam… Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa”. (Bà Doãn Quốc Sỹ, bà Hồ Thị Thảo, con gái nhà thơ Tú Mỡ, pháp danh Diệu Thảo. Thất lộc ngày 08 tháng 9 năm 2011 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ).

    Trong lãnh vực giáo dục, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội). Khi di cư vào Nam, Hiệu Trưởng Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961), Trường Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962). Tu nghiệp về ngành giáo dục tại Hoa Kỳ (1966-1968)… Giáo Sư Đại Học Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn.

    Tác giả sách giáo khoa: Khảo Luận Về Cao Bá Quát (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Nguyễn Công Trứ (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Đoạn Trường Tân Thanh (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Tản Đà (Nam Sơn, 1960). Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến (Hồng Hà, 1960). Khảo Luận Về Trần Tế Xương (Hồng Hà, 1960)… Văn Học & Tiểu Thuyết, 2 quyển (ghi chú: Dành cho sinh viên Vạn Hạnh).

    Trong lãnh vực văn chương: Tác phẩm đầu tay Sợ Lửa (tập truyện, Người Việt, 1956) cho đến nay khoảng 30 tác phẩm.

    Năm 1955, ông ra tờ tuần báo Người Việt nhưng được vài số rồi đình bản. Năm 1956, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ Sáng Tạo với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách (1959).

    Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến “dinh tê” về thành. Chính thời gian nầy, ông là chứng nhân trước thực tế phũ phàng giữa chủ thuyết và thực tại… và cũng là chất liệu trong các tác phẩm của ông.

    Tác phẩm Khu Rừng Lau, trường thiên tiểu thuyết gồm 4 quyển: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Đàm Thoại Độc Thoại – Những Ngả Sông (1966).

    Theo Lê Văn, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ  (VOA), trong cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng “Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến Tranh & Hòa Bình” trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và “có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam”.

    Văn hào Nga Leo Tolstoy (1828-1910) với tác phẩm nổi danh War and Peace (Chiến Tranh & Hòa Bình) trong giai đoạn vào cuối thế kỷ XIX trong cuộc chiến giữa Nga trước và sau sự lâm lăng của Pháp. Tác phầm gồm 15 phần, trong mỗi phần có nhiều chương, tổng cộng khoảng 1.600 trang. Qua bản dịch tiếng Anh của Aylmer Maude và Louise Maude, bản dịch Chiến Tranh & Hòa Bình của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969. Tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang, tập 3: 733 trang, tập 4: 716 trang. Đây là tác phẩm liên quan đến lịch sử và sự dấn thân của giới quý tộc (Bá Tước, Công Tước)… với những chàng trai tham gia trong cuộc chiến và những mối tình vừa bi thương lẫn lãng mạn. Tác phẩm với khoảng một trăm nhân vật chính trong số năm trăm nhân vật.

    Văn hào Leo Tolstoy sinh trước nhà văn Doãn Quốc Sỹ một thế kỷ, tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình được khởi thảo vào năm 1863 và hoàn thành năm 1869. Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Soãn Quốc Sỹ, ấn hành từ năm 1962 và năm 1966… Như một sự ngẫu nhiên với sự trùng hợp của hai văn tài.

    Tác phẩm Khu Rừng Lau là trương thiên tiểu thuyết cũng khoảng hai nghìn trang, vẽ lại bối cảnh của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ nhiễu nhương vào giữa thế kỷ XX. Những nhân vật từ lúc trưởng thành trong thành phần tiểu tư sản nhưng chiến tranh do Pháp gây ra, tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng đụng chạm với thực tế phũ phàng với lý thuyết và thực tế nên ngán ngẫm, trở về thành rồi di cư vào Nam, rồi dấn thân trong bối cảnh đất nước phân ly, thế hệ trẻ lại chống chọi trong thời chinh chiến. Theo lời tác giả: “ Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ   thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.

    Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy” (RFA, 23/6/2008).

    Đề cập đến tác phẩm Khu Rừng Lau, với tôi, không thấy ghi trong phần tiểu sử của ông (ngay cả trong các tác phẩm) là sự thiếu sót vì không nói lên giá trị đích thực của tác phẩm với bối cảnh và giai đoạn xảy ra mà người viết như chứng nhân của thời cuộc.

    Trong tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sáng Tạo ấn hành năm 1959, có hồi ký Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (trang 111-116), tác giả viết về bản thân ông, sinh viên Luật ở Hà Hội, tản cư và gia nhập Việt Minh:

    “Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. (Ghi chú: khoảng năm 1946).

    Ðến năm 1948, khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình tôi ai nấy đã có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.

    – Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi – lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi – chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.

    Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói khác:

    – Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc thật, nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm…

    … Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.

    Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên. Còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên Khu I. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác.

    Trụ sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang: bến đò Lục Liễu. Ðể tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là “Bến đò liễu xanh”…

    … Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính Huyện – cậu mợ tôi là những người làm chứng – nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả y như một đám cưới vụng trộm…

    … Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học hết năm thứ ba, hy vọng thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến, các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tìm tài liệu tự nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng…

    Mùa Ðông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn, quết như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu rất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên”.

    Mẹ ông đi chợ gặp lúc phi cơ Pháp bay từng đoàn bắn phá và giội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc… mọi người bỏ chạy. Chiều sẫm, ông ra chợ đón mẹ.

    “… Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn quá thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Ðó là một chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba…

    Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bít tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài”.

    Như vậy, gia đình ông tản cư và ông theo kháng chiến trong khoảng 5 năm (1946-1951) mới thoát ly về Hà Nội dạy học.

    Thời gian kháng chiến (cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác) ông là “cán bộ thông tin” nên sau đó am tường chính sách mị dân, lừa bịp của họ… trước thực tế phũ phàng nên từ bỏ chiến khu, trở về Hà Nội. Đó cũng là chất liệu để ông viết tác phẩm Khu Rừng Lau.

    Tập I, tác phẩm Ba Sinh Hương Lửa (1962), những dòng đầu (Khai Từ) với các nhân vật chính: Khiết và Khóa (sinh năm 1913), Lãng (1918), Hãng (1921), Hiển (1922), Tân (1923), Kha (1924), Miên (19260… cũng là thế hệ của tác giả vào đầu thế kỷ XX. Và, vào thời đó tuổi thơ đã chứng kiến giai đoạn bi thảm của lịch sử: Ngày 17/6/1930, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học (28 tuổi) cùng 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp đưa lên Yên Bái để thi hành án tử hình. Ký giả Pháp Louis Roubaud được chứng kiến cuộc hành quyết các nhà cách mạng Việt Nam đã viết: “Tôi phải dở nón nghiêng mình kính phục tinh thần ái quốc, lòng dũng cảm vô bờ bến của những người Việt Nam yêu nước…”  (Vietnam, Tragédie Indochinoise).

    “Căn cứ vào thứ bậc tuổi tác trên chúng ta thấy Khiết, Khóa và Lãng ở vào cùng thế hệ, tạm mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học vì họ có trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng phong trào phục quốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Còn năm người kia: Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên thuộc thế hệ sau, trưởng thành trong cuộc khói lửa toàn dân kháng pháp 1946- 1954…”

    Tác giả lấy tựa đề trong điển tích “ba sinh hương lửa” trong thi phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:

    “Dạy rằng hương lửa ba sinh. Dây loan xin nối cầm lành cho ai”..

    Ba Sinh Hương Lửa gồm 3 phần 16 chương. Phần I: Câu Chuyện Khởi Đầu với 5 chương: Thời Thơ ấu, Cách Nhau Ngàn Vạn Dặm, Anh Trưởng Vỏ, Phẩm Tiên Rơi Đến Tay Hèn, Bên Giường Mẹ.

    Phần II: Màu Tím Hoa Lau với 5 chương: Nàng Tiên Dưới Ánh Trăng, Độc Hành, Viên Cố Vấn Thủ Thuật, Mầm Sen Trong Hỏa Ngục.

    Phần III: Giã Từ với 7 chương: Người Anh Trở Về, Ý Thức Về Nốt Nhạc, Phong Trào Tam Phản Khóa Bảy, Đôi Bạn Nhỏ, Một Tấn Bi Hài, Dòng Suối Tìm Đường, Hai Lần Sang Sông.

    Khi tác phẩm nầy vừa ấn hành, Tràng Thiên (nhà văn Võ Phiến) trong mục Điểm Sách trên tạp chí Bách Khoa số 159 (15/10/1962) ghi nhận (trang 71-73):

    “… Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau của ông. Ba Sinh Hương Lửa là quyển truyện thứ nhất. Tác giả kể ra ở Khai Từ tên tám nhân vật chính, nhưng tổng số các nhân vật trong truyện có lẽ cũng đến ngót 80. Chừng ấy người cùng trải qua ba thời kỳ đau khổ: thời Pháp thuộc, thời Nhật thuộc, thời Việt Minh thuộc. Chịu hết những sóng gió bể dâu của cà ba giai đoạn lịch sử, đó là trải qua “ba sinh”! Cuối truyện ta thấy ba người thanh niên (hai trai: Kha, Hiến, và một gái: Miên) cũng đua nhau về thành. Nhưng trên đầu họ đạn còn réo, xung quanh họ chiến cuộc còn tiếp diễn, việc đời còn ngổn ngang, bao nhiêu kẻ còn chìm nổi trong loạn ly.

    Ba Sinh Hương Lửa là cuốn truyện diễn lại một thời đau khổ của dân tộc, nhưng người đọc không cảm thấy bi đát. Trái lại, truyện để lại một cảm tưởng êm đẹp, gây tin tưởng ở cuộc đời. Sự thực chắc chắn không mấy khi độc giả gặp trong tác phẩm văn nghệ được nhiều tâm hồn đẹp đẽ như trong Ba Sinh Hương Lửa…

    … Nhân vật của Doãn Quốc Sỹ đều thừa hưởng một của kho vô tận: tình thương. Tình thương tràn ngập khắp cùng: giữa cha và con, vợ chồng, anh em, chú cháu, bạn bè, giữa láng diền chòm xóm, giữa người quen kẻ thuộc, và giữa cả những người không hề quen nhau… Tình thương mênh mông áy làm cho tất cả các nhân vật đứng về một phía. Phía bên kia là chế độ của hiềm thù. Và tất cả các nhân vật của Ba Sinh Hương Lửa chống lại chế độ của một điềm xung khắc giữa thương và thù đó…

    … Cả cái xã hội gồm đa phần là thanh niên nam nữ có học thức, có tài, có gan dạ, đẹp và rất thơ mộng của ông Doãn, họ sẵn sàng chịu mọi điều cay đắng cam go trong chiến đấu, nhưng khi họ nhận ra rằng trong thế giới của họ tình thương đang bị hủy diệt; thế là họ cùng lắc đầu, từ chối, kéo nhau đi…

    … Phần đông trong số thuộc thế hệ Doãn Quốc Sỹ, những người đã trải qua “ba sinh” của đất nước, có kẻ cay đắng chua chát, có kẻ hằn học thù hận, có kẻ hoàn toàn chán chường, có kẻ hoang mang rắc rối, không chút tin tưởng…”.

    Với tập I Ba Sinh Hương Lửa (trong 3 tập sau mới ghi thêm Khu Rừng Lau) mà lúc đó, nhà văn Võ Phiến khi đọc viết “Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau” vì khi tham gia trong vùng kháng chiến đã là chứng nhân sự thật phũ phàng nên trong chương cuối Hai Lần Sang Sông, Hiển, Kha và Miên đoạn tuyệt với vùng Cộng Sản về vùng Quốc Gia với dòng kết: “Dù cánh đồng này – Miên nghĩ thầm – có biến thành cả khu rừng lau khô xác đi nữa thì giờ đây, trên đường đời, có những ba bóng người!

    Bớt cô quạnh!”

    Khi tham gia kháng chiến của Việt Minh, Miên là nữ y tá giỏi, nhưng bị hạ công tác để cho đảng viên thay thế. Miên bị giao cho việc rình mò theo dõi bạn đồng nghiệp để báo cáo, nên cô cảm thấy hụt hẫng, e chề, chán chường. Với Tài, con trai cha mẹ nuôi của Miên, coi như anh ruột, nhưng khi Tài thành đảng viên, không còn tình cha mẹ, anh em mà người máy của đảng. Với những sự kiện xảy ra trước mắt, Miên đã thức tỉnh. Rồi đến Hiển, Kha, Hãng… ngán ngẫm khi chứng kiến những điều bất nhân, không còn tình người… Vì vậy họ không thể chấp nhận thực tế phũ phàng, chua xót đó để ở lại. (Trong quyển Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Kha và Hiền gặp Tân mới biết Tân đã về thành từ mùa hạ năm 1951 trước họ 6 tháng).

    Đó chỉ là giai đoạn đầu trong thời kỳ kháng chiến nên theo dòng lịch sử, người đọc cũng nghĩ rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ không dừng lại ở đó mà tiếp nối cuộc hành trình tiếp theo.

    Tập II, tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964) gồm 18 chương: Tiếng Hát Tự Lòng Đất Khu Rừng Già, Chiếc Nhẫn Saphir, Về Làng, Ông Chủ Báo, Cô Gái Bên Sông Tần Hoài, Những Cụm Hoa Vàng, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, Trên Bờ Vực Lịch Sử, Ngọn Đèn Lương Tri, Thần Tượng, Một Sự Chuyển Hướng, Vật Đổi Sao Dời, Cướp Đoạt, Xiếc Hữu Mai Hề, Tiếng Vọng Mùa Xuân, Người ở Lại, Bến Đò Rừng, Chiếc Bè Nữ Chúa.

    Cũng nên nhắc ở đây, Quốc Gia Việt Nam (État du Việt Nam) lúc mới thành lập ngày 7/12/1947, nhưng chính thức thừa nhận giữa Quốc Trưởng (cựu hoàng Bảo Đại) và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký Hiệp Định Élysée 8 tháng 3 năm 1949 trong khối Liên Hiệp Pháp. Chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm Quốc Kỳ. Hà Nội được Pháp chuyển giao cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng thành phố.

    Mở đầu tác phẩm “Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người…”

    “Bốn giờ chiều, Luận đến sớm ngỏ ý đón Hiển, Kha, Miên để đưa đi một vòng qua các phố tỉnh lỵ gọi là ‘xem tình hình quốc gia’.

    … Luận đưa ba người ra bến xe, chính chàng mua ba vé hạng trên. Luận căn dặn thêm một lần nữa khi ba người về đến Gia Lâm nhớ phải vào Ty Công An trình diện mà xin cấp giấy thông hành tạm thời”… Dĩ nhiên khi trở về thành, không dễ dàng chấp nhận, Công An phải điều tra để tìm hiểu nguyên do cặn kẽ. Nhưng mọi việc được an bày trong cách đối xử đầy cảm thông và tình người.

    Rồi tháng năm ở Hà Nội, Hãng đi du học ở Pháp, chia tay các bạn bè bao năm ở bên nhau. Cuộc sống mới của Khiết, Khóa, Lãng, Hiển, Tân, Miên… được tác giả đề cập khá chi tiết… Nhất là Kha, chàng trai với tâm hồn lãng mạn lẫn bi thương…

    Khi Hiệp Định Genève ký kết, đất nước phân chia rồi đến khi di tản vào Nam. Mối tình cuối giữa Kha và Vân (tuy đã có con) “Kha đã gặp Vân, Kha sắp được Vân, Kha đang say mê Vân, điên cuồng”… nhưng đến giờ phút cuối đành chia tay.

    “Kha vào Nam cũng bằng đường thủy. Chàng đến khu lều Thăng Long của Đoàn Sinh Viên Di Cư Hà Nội – khu lều này được dựng trên nền khám lớn cũ và sau đây là nơi xây cất Đại Học Văn Khoa”. Đó cũng là hình ảnh của tác giả cùng bạn bè khi vào Nam.

    Đoạn kết tác phẩm với những là thư của Vân, người ở lại:

    “Hiệp định Genève ký, đoàn thể giữ khéo con em lại và cử em về Hà Nội để thuyết phục những người thân…”.

    Lá thư cuối tác phẩm, Vân viết: “Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến của anh đã chấm dứt hàng chữ cuối cùng của lá thư cuối cùng này ở đây.

    Hôn anh một cái hôn làm nổ vỡ tinh cầu nhưng tình chúng ta thì chói rạng mãi mãi.

    Vĩnh biệt anh,

    Em”.

    Trước khi chuẩn bị vào Nam. Kha viết thư cho Miên:

    “Cô Miên,

    Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đến lượt Hà Nội bị tiếp thu. Chuyến này tôi về thăm làng lần cuối rồi xuống Hải Phòng đợi cô cùng vào Nam. Nhìn cảnh Hà Nội hoang vắng tôi lại nghĩ đến cô từng ao ước được thăm khu rừng lau trên núi sáng, Bỉnh Di…

    Tôi vẫn nghĩ rằng mọi người chúng ta ai cũng mang trong lòng một khu rừng lau. Có kẻ chẳng bao giờ đạt tới, có kẻ đạt tới rồi hủy hoại chính khu rừng đó như chuyện con chó ngu xuẩn thả mồi bắt bóng…”.

    Rồi khi Miên gặp được Kha “ghì chặt lấy chàng, giọng nàng thanh như tiếng chim nhưng thảng thốt nghẹn ngào như một linh hồn biết khóc:

    – Khu rừng lau của em! Khu rừng lau của em!”

    Với bộ ba Hiển, Miên (em gái của Hiển) và Kha đã một thời gắn bó với nhau. Miên có tình cảm với Kha nên bán món nữ trang độc nhất là chiếc nhẫn saphir (chương 3) để lấy tiền giúp Kha trong khi bị gam giữ và khi Kha được thả ra, ba người ở chung với nhau, tiền kiếm tiêu chung. Khi Miên biết Kha yêu Vân nên Miên với tâm hồn cao thượng để nhường tình yêu nầy nhưng định mệnh giữa Kha và Vân thật oan nghiệt!

    Đến tác phẩm thứ hai, độc giả mới hiểu tựa đề trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.

    Tập III, tác phẩm Tình Yêu Thánh Hóa (1965), gồm 4 phần. Phần I Bối Cảnh với các chương: Thành Đôi, Một Chuyến Buôn Văn Hóa, Một Cuộc Gặp Gỡ, Người  Em Ra Bắc, Câu Chuyện Điện Biên Phủ. Phần II Vỡ Bờ với các chương: Lê, Con Đê, Mụ Cát Thành, Một Ký ức Thô Bỉ. Phần III Quỳnh Hương với các chương: Bên Lề Hội Nghị, Bà Cụ Hồng Kông, Tài Mệnh Tương Đố, Ông Cai, Mối Tình Linh Lan, Cô Em Cũ, Chuyện Dĩ Vãng, Nỗi Lòng Tô Thị. Phần IV Chặt Thuyền Dĩ Vãng với các chương: Tiếng Hát Đối Diện Với Sao Bắc Đẩu, Hoàng Tử Của Hằng Nga, Những Triều Nước Mặn, Tình Thương Trong Mưa, Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne, Tiếng Hát Hồi Hương.

    Khởi đầu với cuộc di cư vào Nam. Vân ở lại Hà Nội. Kha và Miên được gặp nhau và làm lễ thành hôn trong khu định cư làng Thăng Long. Tác giả ghi lại hình ảnh với lịch sử Quảng Nam (quê hương tôi nên tôi rất tâm đắc). Với Miên “Giờ đây nàng sống trong tay người yêu, ngợp trong hạnh phúc, nàng cũng thấy là nàng đương du hồn vào khu rừng lau. Nàng nhắm mắt lại như để chạy trốn ánh sao bên ngoài khi nãy. Khu rừng lau trong tâm tưởng nàng lúc đó là bà tiên khoác tấm khăn choàng tím ngát” (trang 35).

    Trong Câu Chuyện Đện Biên Phủ đề cập đến tháng ngày năm xưa khi Kha, Miên… đã về thành. Hiển còn ở lại “đi theo Vìệt Minh đánh Pháp, giờ đây Vìệt Minh thắng, mình lén trốn khỏi vùng họ, sang được vùng quốc gia thấy những người lính Pháp đầu đội mũ sắt có hai chữ P.M. (Prévoté Militaire) thì mừng. Không bao giờ ưa thực dân nhưng thấy rằng cộng sản còn ghê tởm và nguy hiểm hơn nhiều, đã đến lúc phải thay đổi chiến tuyến! Đến Hải Phòng anh bạn khai thẳng với Công An quốc gia mình là sĩ quan Việt Minh trốn sang, xin cho điều tra ngay và cấp thẻ căn cước để sống bình thường như dân. Một tháng sau anh xuống tàu cùng gia đình di cư” (trang 85).

    Tân, chỉ xuất hiện thoáng qua trong Ba Sinh Hương Lửa, ở tác phẩm nầy đề cập nhiều về Tân và người yêu là Lê. Tân cũng đa tình và đào hoa như Kha, đã từng ân ái với Thoa (em gái của Lãng)… Với Kha, tuy đã có Miên nhưng vẫn đa tình. Từ khi gặp ca sĩ Quỳnh Hương ở phòng trà Ly Ly, Quỳnh Hương là em gái nuôi của Hãng và bạn thân của Vân và của Thi thời học sinh ở Hà Nội nhưng những giây phút gặp gỡ nhau giữa Kha và Quỳnh  Hương như “đôi tình nhân”.

    Cũng như trong Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Quỳnh Hương đi sang Tây Đức đóng phim và lập gia  đình với đạo diễn Karl, đạo diễn. Với những là thư từ Vienne, Tây Bá Linh gởi về cho Kha “Đặc biệt trên hai chữ “Chào anh” của bức thư này Quỳnh Hương có viết hai chữ gì mà nàng rập xóa đi mất. Tò mò Kha đem lá thư ra cửa sổ soi lên ánh sáng. Chàng bỗng thở dài cúi đầu. Đó là hai chữ “Hôn anh”” (trang 378).

    “Đi vào dĩ vãng, trong khoảnh khắc nhớ lại buổi gặp Kha lần đầu cùng Hãng ở phòng trà Ly Ly, nhớ lúc Kha ôm mình nhảy bản slow khuya và cúi xuống hôn nhẹ lên môi… Trời ơi, Quỳnh Hương bỗng thèm Kha điên cuồng. Ngày nào cùng Kha đi Thủ Dầu Một về cùng ăn cơm trong căn phòng ấm cúng của nhà hàng Cheong-Nam, rồi khi từ biệt trên vỉa hè Tự Do nàng đã có ý tưởng ngộ nghĩnh sẽ hôn Kha trước vì chỉ hôn trước một người như Kha mới không sợ bị rẻ rúng” (trang 381).

    Là nhà mô phạm nhưng trong tác nầy nhà văn viết về cuộc sống ở Sài Gòn với phòng trà, nhảy đầm rất sành điệu và còn chửi thề (Đ.M) trong vài mẩu đối thoại vì vậy rất thoáng, sinh động, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Ông thích làm thơ, chơi dương cầm nên trong tác phẩm của ông được dẫn chứng những dòng thơ, vài ca khúc… khi đọc cảm thấy thú vị.

    Tập 4: Những Ngả Sông (Đàm Thoại – Độc Thoại) 1966, gồm 7 chương: Mối Tình Thiên Thu, Người Lính Nhảy Dù, Người Phá Cầu, Tập Sơ Khảo Của Kha, Mây Trắng Nước Xanh Người Tù, Mây Trắng Nước Xanh Thần Tượng Trong Đêm, Dư Dục Vô Ngôn.

    Trong tác phẩm nầy với những nhân vật chính từ Ba Sinh Hương Lửa trong sinh hoạt chính trị ở miền Nam Việt Nam. Khóa, Kha, Miên, Tân, Hiển, Luận… trong gia đình Văn Hóa. Khóa bị giam ở lao tù Đà Lạt trong 11 tháng. Tân, Hiển, Phiệt phục vụ trong quân đội VNCH. Tác giả mô tả đến các trận chiến giữa thập niên 50 & 60 như phóng viên chiến trường với từng chi tiết. Với những trang nhật ký của Tân (Trung Úy Y Sĩ) trong binh chủng Nhảy Dù, sau nầy đọc hồi ký Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, cảm phục tài tình của tác giả Những Ngả Sông. Với quần đảo Hồng Sa, nghe rất xa lạ, tác giả đã dành vài chục trang để nói về lịch sử và người dân nơi nầy.

    Với hai cuộc binh biến năm 1960 & 1963, tác giả ghi nhận tất cả sự kiện xảy ra… Kha và Khiết cũng không may bị vào chốn lao tù. Trong khi đó “Tân, Hiển ngoài tiền tuyến chẳng thể được tâm hồn tương đối thanh thản như Khiết, Kha những ngày sống khuất mặt trong khám lớn” (trang 154). Rồi “Phiệt bị đạn ở chân tại chiến dịch cao nguyên được đưa về bệnh viện Cộng Hòa… Tân hỏi Phiệt có muốn giải ngũ để chàng xin cho và Phiệt sẽ về bên Vĩnh Hội ở với tiểu gia đình của Tân. “Người lính nhảy dù” đó đã say mê gia nhập đời sống quân ngũ làm sao dứt bỏ các bạn đồng ngũ sao đành, Phiệt xin ở lại phục vụ bên ngành quân nhu, ban chung sự” (trang 155).

    Với Hiển “trong những lúc xông pha nơi tiền tuyến… chàng hoàn toàn như người đi trong sa mạc. “Miên ơi – chàng muốn kêu lên như thế – trong giai đoạn nầy đừng nghĩ đến rừng mía, ngay như được gặp khu rừng lau để có chút bóng mát cũng là quý rồi. Anh cô đơn đi giữa sa mạc, cô có biết không?”.

    Tác phẩm Ngã Ba Sông ngắn hơn 3 tác phẩm trước, đề cập đến cuộc chiến và nên chính trị ở miền Nam Việt Nam rối răm trong thời chinh chiến. Với tác phẩm Ngã Ba Sông, cũng có người khen, người chê vì “thiên kiến chính trị” nhưng với nhà văn, sự khách quan và thực trạng xã hội không thể sai lạc. Với những dòng đề cao tinh thần, trách nhiệm về người lính với nhà văn không khác áo chinh y cũng nói lên tấm lòng của tác giả.

    Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan đã có đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:

    “Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông: Khiết. Khiết kiên trì theo đuổi con đường văn hóa nhưng đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ ngách của nó âu cũng thành nghiệp chướng của mình nên khó bỏ lắm. Khu Rừng Lau phơi bày ra cái hiểm ác xủa chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn biểu lộ trong tác phẩm. Tuy nhiên ông Doãn cũng như Khiết trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó ác nó xấu. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ… Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục…”. Trong quyển sách nầy, theo nhà văn Võ Phiến, khuynh hướng luận đề có Doãn Quốc Sỹ (trang 266).

    Trên tạp chí Bách Khoa số 192 (1/1/1965) trong mục Sống & Viết (trang 39-44) trong cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Ngu Í với nhà văn Doãn Quốc Sỹ (14/12/1964) sau khi tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến ấn hành. Sau nầy in trong quyển Sống & Viết (trang 124-147) có tấm hình ông bà và 7 người con (Ngọc Thanh 1952, Kim Khánh 54, Cẩm Liên 56, Quốc Thái 58, Quốc Vinh 61, Quốc Hưng 62, Quốc Hiền, chưa có Thanh Hương trong số 4 trai & 4 gái).

    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1951. Từ chỗ kháng chiến ác liệt nhất, Liên Khu Việt Bắc. Kháng chiến, tôi kháng chiến hết mình, tôi từng là một “anh hùng lao động” của cơ quan tôi. Nhưng đến khi giã từ “Thiên đường Đỏ” thì cũng giã từ quyết liệt, dứt khoát…

    … Bất cứ ai đã qua cơn ác mộng với Cộng Sản, đã hiểu rõ bộ mặt thật của chúng, đều có thái độ dứt khoát, vừa đơn giản vừa cương quyết như vậy…”.

    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn được nhiều viết trong sáu thập niên từ trong nước và hải ngoại, ngoài giá trị văn chương qua những tác phẩm của ông, với tâm hồn nhân bản, đôn hậu, nhân cách sống của ông trong lao tù và ngoài xã hội, được kính nễ. Ngay cả những người con của ông khi viết về người bố cũng là hình ảnh tiêu biểu của bậc cha mẹ (thế hệ chúng tôi) để noi gương.

    Doãn Quốc Hưng viết về bố:

    “Những bài học đạo đức, nhân bản, thiền học… mà chúng tôi nhận được từ bố một cách “có hệ thống” chỉ bắt đầu từ sau khi bố tôi đi cải tạo lần một về vào năm 1980. Đó là các buổi nói chuyện của bố tôi với bọn tôi và một nhóm bạn bè, bọn tôi gọi đó là “đại học bỏ túi”. Đó cũng là cột mốc của một “gia đình” thứ ba của bố tôi. Trong gia đình đó, chúng tôi mới thực sự được nghe bố tôi nói nhiều hơn về điều ông đã viết trong tác phẩm, đã làm trong cuộc sống…

    … Nhắc tới chống đối, có một thứ mà rất nhiều người khuyên rằng chúng tôi “phải noi gương bố”, đó là “tinh thần bất khuất trước quyền lực”, hoặc “một trong những biểu tượng của tinh thần chống cộng của Miền Nam Tự Do”. Các nhà “phê bình văn học” của Việt Cộng đã tấn phong cho bố tôi là đầu xỏ của “những tên biệt kích cầm bút”, mô tả ông như một “kẻ căm thù cộng sản đến tận xương tuỷ”. Tôi cũng đã được nghe kể lại nhiều lần từ bạn bè trong tù của bố về giai thoại về một ông DQS “hiên ngang đối khác với cán bộ CS trong trại giam”, những câu tuyên bố mang tính “hào hùng, nghĩa khí” của ông trước “kẻ thù”. Thực hư ra sao cũng chẳng rõ, chỉ có điều chắc chắn là chưa bao giờ tôi được nghe chính bố tôi kể lại những giai thoại ấy…

    … Trở lại với cái ngày xét xử bố tôi vào năm 1988 cùng với các cô chú văn nghệ sỹ khác: Hoàng Hải Thuỷ, Duy Trác, Lý Thuỵ Ý,… phiên toà “DQS và đồng bọn, với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, chống phá nhà nước XHCN”. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên toà chuyên chính vô sản của nhà nước Việt Nam…

    … Bố tôi căm thù cái phi nhân của một chủ nghĩa, sự ngu dốt và độc đoán của một tầng lớp lãnh đạo. Bố tôi không nhắm vào những cá nhân thừa hành bên dưới, vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự bưng bít, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn. Điều đó thể hiện trong nếp sống thường ngày…

    … Bố tôi là một ông giáo hiền lành, một con người nhân hậu vì bản chất của ông là như vậy. Nhưng sức mạnh của ông bắt nguồn từ chữ Tâm. Khi cái Tâm đã toả sáng vì nó đã biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nó bắt đầu thoát ra khỏi sự sợ hãi. Đó là điều kiện kiên quyết để có một cái Tâm tự do. Sức mạnh tâm linh của một cá nhân sẽ nhờ sự tự do mà tự toả sáng, không cần ngôn từ, không cần chứng tỏ. Bố tôi đã dạy cho tất cả chúng tôi ngồi thiền để tốt cho sức khoẻ, để luyện tâm thanh tịnh…

    … Chú Nguyễn Đình Toàn đã từng nói với bọn tôi rằng: “Trong giới văn nghệ sĩ, không ai phục ai về tài viết văn cả. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ trong Nam quí mến bố cháu ở cái đời sống đạo đức của ông”. Đối với con cái cũng vậy. Chúng tôi được dạy dỗ bằng chính cách sống của bố, chứ không bằng những “phương pháp giáo dục”…

    … Hồi bố tôi chuẩn bị xét xử lần thứ hai vào năm 1988, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã vận động mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Việt Nam phải hoãn xét xử vào giờ cuối để tìm cách giảm nhẹ tình hình. Để tránh mất mặt khi phải đổi giọng, đảng và nhà nước đã phải cử ông chú tôi làm trung gian vào tù thương lượng, đề nghị bố tôi nhượng bộ bằng cách tỏ vẻ “ăn năn” để được “khoan hồng”. Tất nhiên là cuộc thương lượng đó bất thành, họ đánh giá bố tôi quá thấp! Điều đáng kể ở đây là thái độ của bố tôi trước biến cố này. Lọt vào tay “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, đây ắt hẳn sẽ trở thành một câu chuyện li kì về “tấm gương đấu tranh bất khuất, một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai anh em hai chiến tuyến…”. Lần duy nhất bố tôi nói về nó là do sau này tôi hỏi và bắt bố tôi kể lại. “Có gì đâu, chú đề nghị bố xin lỗi. Giống như sau khi mình tát ai một cái thì mình cũng phải tỏ vẻ ân hận một chút. Nhưng đời nào bố lại làm vậy…”…

    Hình ảnh Doãn Quốc Sỹ được bắt gặp qua hai câu nói Pascal  cũng đã khẳng định : “Con người là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư tưởng’” (Triết gia Blaise Pascal) và “Sức mạnh của con người không nằm ở thể chất mà đến từ ý chí bất khuất’” Thánh Gandhi).

    Với nhiều bài viết, chỉ trích phần Tạp Ghi Văn Nghệ của Nguyễn Mạnh Trinh liên quan đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Ở Doãn Quốc Sỹ, ông viết Khu Rừng Lau như một cách lý giải sự thất bại của những người quốc gia trong thời cuộc hiện đại. Họ là những người đã bị những tay sai quốc tế Cộng Sản đệ tam lường gạt trong công cuộc giành độc lập cho đất nước…

    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã muốn cho đời sau một chứng liệu về một biến cố không những riêng của đất nước Việt Nam mà còn cả chung của thế giới nữa…

    Những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ dường như có chung một mẫu số mà văn chương dùng để tải đạo và làm cuộc sống con người tươi đẹp hơn. Có rất nhiều nhận xét về ông, như là một nhà văn có chân tài, một nhà giáo tận tụy, một kẻ sĩ khí tiết…”.

    Kim Khánh viết về người bố, khi nhắc đến tác phẩm Khu Rừng Lau: “Nhân vật chính là Miên và các nhân vật khác đã có cuộc sống đi qua suốt chiều dài lịch sử từ thế hệ mà tác giả mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học cho đến thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến toàn quốc kháng chiến. Có những người như Khóa, Lãng, Khiết trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc Đại Việt. Còn các nhân vật thế hệ sau như Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên,… thì mới đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó nhìn thấy bộ mặt thực của đảng Cộng Sản Việt Nam nên trở về thành và sau đó di cư vào Nam…

    Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công”.

    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết Doãn Quốc Sỹ, Người Anh Khả Kính: “Nhiều người trong giới cầm bút khen và cũng chê tính đôn hậu trong tiểu thuyết Doãn Quốc Sỹ. Họ lý luận rằng ông đôn hậu quá nên nhân vật tiểu thuyết của ông đẹp nhưng có vẻ không thực, ông không lột hết được bản chất phức tạp của cuộc đời, bản chất hàm hồ của con người, bản chất tàn nhẫn phi lý của lịch sử. Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ. Trái lại, ông lưu tâm tô điểm những nét đẹp của họ. Những Kha, những Miên, những Hãn, những Khiết của Khu Rừng Lau…”.

    Với tác phẩm Khu Rừng Lau, năm 2020 nhà văn Doãn Quốc Sỹ chia sẻ: “Có nhiều khi đọc lại Khu Rừng Lau, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể hoàn tất được bộ tiểu thuyết ngàn trang này. Tôi nhớ là vào thời đó, có khi tôi ngồi viết như người lên đồng, viết giống như có ông bà tổ tiên nhập vào vậy.

    Tôi nghĩ rằng tôi chỉ được trời cho năng khiếu sử dụng ngòi bút của mình. Còn lại, tôi viết như theo lời nhắn nhủ siêu hình của tổ tiên, viết theo hồn thiên dân tộc để phục vụ tổ quốc”. (Việt Báo)

    Trước năm 1975, vài ý kiến cho rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên chọn những tác phẩm tiêu biểu, trong đó có trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dịch ra Anh ngữ để tham dự giải Nobel Văn Chương. Trong bài viết Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam của tôi đã đề cập đến các tác giả Tây Phương đã được Nobel Văn Chương được các nhà văn, dịch giả đã dịch sang tiếng Việt rất nhiều. Có tác giả với vài tác phẩm tiêu biểu, có tác giả với toàn bộ tác phẩm như Alexander Solzhenitsyn (Nobel Văn Chương 1970)… Hầu hết toàn bộ tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ đều bối cảnh trong nước, ngoại trừ tác phẩm Sâu Mây khi ông du học ở Mỹ. Đây là tập du ký, và theo Thanh Tâm Tuyền; “Đây không phải là tác phẩm chủ yếu, nhưng là cái viết tự do và bay bổng nhất của Doãn Quốc Sỹ. Cũng là cuốn sách nhỏ nhưng óng chuốt và đáng yêu hơn cả của ông giáo…’.

    Với tác phẩm Khu Rừng Lau với bối cảnh và thời gian trong giai đoạn thăng trầm lịch sử của đất nước được ghi lại từ bản thân của tác giả, là chứng nhân của thời cuộc.

    Đọc tác phẩm Khu Rừng Lau liên tưởng đến hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều vào thế kỷ XVIII:

    “Lò cừ nung nấu sự đời

    Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”

    Theo nhà văn Võ Phiến: “Doãn Quốc Sỹ soạn sách về ngữ pháp, về văn học Việt Nam hiện đại (bằng Anh văn” (sđd tráng 66) nhưng rất tiếc tác phẩm Khu Rừng Lau không dịch ra tiếng Anh (chỉ có truyện ngắn Con Cá Mắc Cạn – The Stranded Fish – mới dịch).

    *

    Nếu cho rằng sách là người thầy trầm lặng và người bạn tốt – với tôi – ngay từ lúc trẻ đã ảnh hưởng đến bản thân. Những quyển sách Học Làm Người của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê và nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ qua vài tác phẩm.

    Nhân đây, một chút riêng tư, với tác phẩm Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến.  Năm 1963, trong sinh hoạt gia đình Phật Tử, tôi “quen thân” người bạn gái (học dưới hai lớp) nơi cố hương. Hè năm 1963, để tránh bắt bớ, nàng “thoát ly vào bưng”… Trước đó khoảng một tháng, thầy tôi (đảm nhiệm khuôn hội Phật Giáo Phước Ấm) qua đời vì đầu óc quá căng thẳng, uống quá liều lượng thuốc Tây, gây biến chứng, không chữa trị kịp… Trong số 6 người “thoát ly vào bưng”, có 5 người học cùng lớp. Nếu lúc đó, nhận được thư nàng, tôi không biết có quyết định liều lĩnh của tuổi trẻ bồng bột, nông cạn ra sao? Các bạn tôi giấu kỹ vì anh tôi trong ngành Cảnh Sát.

    Đầu năm 1967, khi ở quân trường Thủ Đức, đi phép về Sài Gòn khi thấy quyển NĐBKVT tôi rất thích, mua ngay nhưng không đọc vì để nhớ hình ảnh người bạn gái “bên kia chiến tuyến”. Tiếp tục quân trường ở Đà Lạt gần 2 năm, trong chiến dịch Diên Hồng về quận Quế Sơn, Quảng Nam, tôi vẫn mang theo sách và hình dung người bạn gái vào bưng chốn nầy… Rất tiếc, sách bị chôm! Sau nầy lập gia đình với người Hà Nội, bạn bè hỏi thăm nơi chốn, tôi nói đùa “người đàn bà bên kia vĩ tuyến”…

    Sau tháng 4/1975, nàng có gia đình, về Đà Nẵng, theo lời mẹ và anh, nàng ghé lại tìm tôi nhưng gia đình không hay biết vì tôi ở Đà Lạt, mất tích hay đi tù nên không rõ. Nàng cho biết trước khi đi, có viết lá thư gởi cô em gái nhờ chuyển cho tôi nhưng cô em sợ bị liên lụy nên đốt lá thư!… Nàng ra mộ thầy tôi thắp nhang cầu nguyện.

    Năm 1987, tôi về thăm quê, có gặp nàng… Trong số 6 người đã chết hai cậu cháu Hội và Kim Chi. Tôi gặp Huỳnh Tú Mỹ kể lại chuyện xưa về hình bóng cũ, nỗi buồn vây quanh. Chị tôi biết chuyện, khuyên không nên liên lạc nhau vì mỗi người “số phận” đã an bày. Và, từ đó hình ảnh người xưa mãi mãi là “bên kia chiến tuyến”!. Tôi cũng may mắn được hưởng chút “đào hoa chiếu mệnh” nhưng “cái thuở ban đầu” trong trắng vẫn lững lờ như áng mây giữa trời xanh bao la.

    Little Saigon, November 2022

    Vương Trùng Dương

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam –

    Dân số miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) vào cuối thập niên 60 khoảng 17 triệu người, nông thôn chiếm 70% và thành thị chiếm 30%. Tuy ở trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng với nền giáo dục khai phóng được mở rộng tạo cơ hội cho tuổi trẻ trên bước đường học vấn… Về lãnh vực văn chương đã phổ biến rất nhiều tác phẩm sáng tác, riêng về sách dịch rất phong phú để độc giả tìm hiểu thêm về văn chương ngoại quốc.Trong phạm vi bài nầy chỉ đề cập đến Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam đã ảnh hưởng lớn với độc giả trong hai thập niên qua. Đây chỉ liệt kê phần nào trong toàn bộ sách dịch, vì tài liệu sưu tầm còn thiếu sót và không nhận định, phân tích nên chỉ ghi nhận tổng quát dịch giả, tác phẩm… – VTrD

    Người đầu tiên đặt nền tảng chữ Quốc Ngữ (tiếng Việt) là giáo sĩ người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên Francisco de Pina (1585-1625). Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) nối tiếp công việc hoàn thiện hơn việc dùng chữ Quốc Ngữ, hoàn thành cuốn tự điển Dictionarium Annamiticium – Lusitanium – Latinium (Tự Điển An Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh) năm 1651.

    Cuốn sách Catechismus “Phép Giảng Tám Ngày” giáo sĩ Alexandre de Rhodes được in tại Roma năm 1651. Đây là cuốn sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam. (Cuốn sách nầy còn lưu trữ ở nhà thờ tại Tuy Hòa, Phú Yên).

    Vào cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc Ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) khi làm quản nhiệm (ngày 16/9/1869) Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở miền Nam. Gia Định Báo ra đời ngày 15/4/1865, do người Pháp Ernest Potteau làm tổng tài (quản nhiệm), đến năm 1869 Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký – Tiếng Latin là Petrus, tiếng Pháp là Pétrus) thay thế Ernest Potteau. Gia Định Báo chủ trương: cổ động tân học, truyền bá quốc ngữ và giáo dục quốc âm. Trước đó, chữ Hán và chữ Nôm được phổ biến rộng rãi nên từ khi có chữ Quốc Ngữ được quảng bá nên các bậc tiền nhân muốn khai phóng qua sách, báo… cho nền văn học đất nước.

    Tại Sài Gòn, trường trung học Petrus Ký (Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký) được thành lập năm 1928, là một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam. Cổng trường Trung Học Petrus Ký có khắc hai câu đối của giáo sư Hán văn Ưng Thiều: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt. Tây Phương khoa học yếu minh tâm!”, có tượng đồng bán thân của cụ ở giữa sân trường.

    Vào đầu thế kỷ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nhà báo, nhà văn, dịch giả… có công đóng góp cho nền dịch thuật Việt Nam. Ông là chủ bút đầu tiên tờ Đăng Cổ Tùng Báo, ra đời ngày 28/3/1907, xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ.

    Lục Tỉnh Tân Văn (1910), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc Tân Văn (1915, nhật báo đầu tiên)… Người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc Ngữ năm 1909. Người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas, Molière, La Fontaine … ra tiếng Việt đã đã đăng trên Đông Dương tạp chí và đã ấn hành, trong đó có Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine Diễn Nôm (Les Fables de La Fontaine, 44 truyện) phổ biến rộng rãi, được trích đăng rất nhiều. Đặc biệt với Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du dịch ra tiếng Pháp. Người đầu tiên đưa kịch nói (các tác phẩm của Molière) lên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội năm 1920 (*).

    (* Vương Trùng Dương: Bệnh Tưởng, Bi Kịch & Cuộc Sống trên trang web Đặc San Lâm Viên http://www.dslamvien.com/2022/02/benh-tuong-hai-kich-va-cuoc-song.html

    Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người sáng lập ra Hội Trí Tri và Hội Dịch Sách. Ngày 26/6/1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, ông đã diễn thuyết về Hội Dịch Sách, và phổ biến trên Đăng Cổ Tùng Báo.

    Những tác phẩm Tây Phương qua dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh tiêu biểu vào tiền bán thế kỷ XX như: Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine) Trẻ Con của Perrault (Les Contes de Charles Perrault), Mai-Nương Lệ-Cốt (Manon Lescaut) của Abbé Prévost, Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mouquetaires), của Alexandre Dumas, Những Người Khốn Khổ (Les Misérables) của Victor Hugo, Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin) của Honoré de Balzac., Guy-li-ve Du Ký (Les Yoyages de Gulliver) của Jonathan Swift, Tê-lê-mặc Phiêu Lưu Ký (Les Aventures de Télémaque) của Fénélon, Sử Ký Thanh Hoa (Le Parfum des Humanités) của Emile Vayrac, Chàng Gil Blax Xứ Santillane (Gil Blas de Santillane) và Tục Ca Lệ (Turcaret) kịch của Lesage…

    Bốn vở kịch nói của Molière: Trưởng Giả Học Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Giả Đạo Đức (Le Misanthrope), Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire), Lão Hà Tiện (L’Avare).

    Và, từ đó những tác phẩm Tây Phương đã được các học giả, nhà văn, nhà báo từ Bắc đến Nam được dịch sang tiếng Việt.

    Trong quyển Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, ấn hánh năm 1941, quyển I, mục Những Nhà Văn Hồi Mới Có Chữ Quốc Ngữ từ trang 35 đến trang 190, tiên phong với Trương Vĩnh Ký, nhóm Đông Dương Tạp Chí với Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, nhóm Nam Phong Tạp Chí với Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Luật…

    Theo nhà văn Vũ Ngọc Phan “Trong số những học giả Việt Nam theo Tây học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai (tức Paulus Của). Hai ông đã dùng chữ Quốc Ngữ để truyền bá học thuật về tư tưởng Âu Tây và soạn tự điển Việt Pháp để người Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp. Việt Pháp Tự Điển của Paulus Của là một bộ tự điển mà gần đây cả người Bắc lẫn người Nam vẫn còn dùng” (trang 37). Quan trọng nhất với Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, 2 cuốn, in tại Sài Gòn năm 1895 và 1896. Bộ sách nầy được in lại nhiều lần cho các thế hệ sau nầy tra cứu.

    *

    Trong phạm vi bài nầy, chỉ đề cập Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam vì nói đến dịch thuật với tất cả tác phẩm từ Á sang Tây, Mỹ… bao quát, không thể tổng hợp trong bài viết. Gọi là Tây Phương nhưng thực ra chỉ vài nước ở Âu Châu… Nguyễn Văn Lục với bài viết 20 Năm Văn Học Dịch Thuật Miền Nam 1955-1975 trên tờ Hợp Lưu vào cuối năm 2004, giới thiệu tổng quát về sách dịch.

    Nhà văn Võ Phiến (1925- 2015) năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ, là người làm sống lại nền Văn Học Miền Nam. Với bút hiệu Tràng Thiên đã ấn hành:

    Hăm Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà (của Stéfan Zweig) Sài Gòn, 1963), Các Trào Lưu Lớn Của Tư Tưởng Hiện Đại (của André Maurois) Sài Gòn, 1964), Truyện Hay Các Nước, tập 1 & II (cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng) Sài Gòn, 1965.

    Năm 1999, ông ấn hành bộ sách Văn Học Miền Nam gồm 6 cuốn về truyện (3 cuốn), ký, tùy bút và kịch, thơ.

    Cuốn sách Văn Học Miền Nam Tổng Quan, NXB Văn Nghệ năm 1988, vào thời điểm đó được đánh giá là tài liệu về Văn Học đáng tin cậy để sưu tầm.

    Theo Võ Phiến phần sách dịch chiếm đến 60% số đầu sách (tên sách, tựa đề tác phẩm dịch thuật) được xuất bản tại miền Nam đến năm 1973, nó đã lên đến 80%. Và theo Trần Trọng Đăng Đàn, trong bài viết Văn Hoá, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, số dịch phẩm tại miền Nam trong 20 năm đó có thể được chia ra thành: Pháp 499 cuốn, Đài Loan và Hương Cảng 358 cuốn, Mỹ 273 cuốn, Nga 120 cuốn, Anh 97 cuốn, Nhật 71 cuốn, Ý 58 cuốn, Đức 57 cuốn. Các nước khác chiếm 38 cuốn. Như thế, các sách được dịch, bao gồm cả sách nghiên cứu và các sáng tác, nhưng chủ yếu là tiểu thuyết, đến từ cả Tây Phương, Mỹ Châu và Á Châu…

    Những tác giả đã có công dịch thuật như Nguyễn Hiến Lê, Trương Bảo Sơn, Vũ Đình Lưu (Cô Liêu), Phạm Công Thiện (dịch các tác phẩm triết), Bùi Giáng, Phùng Khánh & Phùng Thăng, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Bửu Ý, Ngọc Thứ Lang, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ Khánh Hoan, Mặc Đỗ, Trần Phong Giao, Hoài Khanh, Hoàng Hải Thủy (phóng tác)…

    Trong quyển Văn Học Miền Nam 1954-1975 của Nguyễn Vy Khanh năm 2019, Chương 6 đề cập đến Dịch Thuật & Văn Học nước ngoài, giới thiệu các dịch giả đóng góp.

    Ngoài ra, nhiều dịch giả với một, hai tác phẩm trên nhiều lãnh vực rất phong phú, mở rộng kiến thức để nghiên cứu và giải trí…

    Tư tưởng triết học Tây Phương được phổ biến ở miền Nam VN như Hiện Tượng Luận với Edmund Husserl khởi xướng, Merleau-Ponty, Gabriel Marcel, Heidegger, Karl Jaspers, Paul Ricoeur, Emmanuel Lévinas và Mikel Dufrenne… Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) ấn hành 2 quyển về Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Đại, Sài Gòn 1963, ông cho biết phải học thêm tiếng Đức để tra cứu tài liệu. Phạm Công Thiện dịch 2 tác phẩm của Martin Heidegger: Về Thể Tính Của Chân Lý, Sài Gòn, 1968); Triết Lý Là Gì?, Sài Gòn, 1969)…

    *

    A.- Nobel Văn Chương Tây Phương & Tác Phẩm Dịch Thuật

    Nobel Văn Chương (Văn Học) là một trong 6 bộ môn: Y Học & Sinh Học, Hóa Học, Vật Lý, Kinh Tế & Hòa Bình.

    Giải Nobel Văn Chương đã được trao 114 lần từ năm 1901 đến 2021 cho 118 người (nam giới: 101 và nữ giới: 17). Ngày 6/10/2022, Viện Hàn Lâm Thụy Điển thông báo giải Nobel Văn Chương 2022 với nhà văn Pháp, bà Annie Ernaux, 82 tuổi. Đây là lần thứ 16 nền văn học Pháp có tên trên bảng vàng, nhà văn Annie Ernaux là phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt Nobel Văn Chương và một trong những người cao tuổi nhất được vinh dự nầy.

    1914 Không trao giải vì xảy ra Đệ Nhất Thế Chiến và 5 năm (1940-1944) không trao giải do xảy ra Đệ Nhị Thế Chiến.

    Với các nhà dịch thuật ở Việt Nam rất quan tâm về giá trị các nhà văn đoạt Giải Nobel Văn Chương nên vào tiền bán kỷ XX đã dịch và giới thiệu ở trong nước.

    Trong phạm vi bài nầy đề cập đến Nobel Văn Chương từ năm 1915 đến 1974, trong đó có những tác phẩm Tây Phương được sang tiếng Việt trong 20 năm (1954-1975) tại miền Nam VN. Hầu hết được dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp…

    Danh sách nầy trên dựa vào trang web Wikipedia và các websites khác để tóm lược. Điển hình với các tác giả:

    1915: Nhà văn Pháp Romain Rolland (1866-1940), ông viết về nhiều thể loại từ thi ca, âm nhạc đến kịch nghệ… biên khảo và phê bình. Musiciens d’Autrefois (Nhạc Sĩ Thời Xưa, 1908), Musiciens d’Aujourd’hui (Nhạc Sĩ Thời Nay, 1908), La Vie de Tolstoï (Cuộc Đời Tolstoy, 1911), Tác phẩm Jean – Christophe (1904-1912, 10 tập) và Au-Dessus De La Mêlée (Bên Trên Cuộc Chiến, 1915) đã góp phần chính trong Nobel Văn Chương. Tuy không có sách dịch nhưng nhiều bài viết trên các tạp chí văn học về nhà văn nầy.

    1921: Nhà văn Pháp Anatole France (1844-1924): L’Histoire Contemporaine (Chuyện Thời Nay, 1897-1901), Đảo Chim Cánh Cụt (L’île des Pingouins, 1908), La Vie Littéraire (Đời Sống Văn Học, 1888-1892). Đây là nhà văn với các đoản văn của ông được học trong chương trình Việt Văn (Ban C) vì cách hành văn gọn gàng dễ hiểu.

    1925: Nhà văn Anh George Bernard Shaw (1856-1950), ông coi là nhà viết kịch Anh lẫy lừng ngay sau Shakespeare. Và các tiểu thuyệt tiêu biểu như: Immaturity (Non Nớt, 1879), The Irrational Knot (Cuộc Hôn Nhân Không Hợp Lý, 1880), Love Among the Artists (Tình Nghệ Sĩ, 1881)… MỘt số bài thơ của ông đã được dịch trên các tạp chí văn học.

    1927: Nhà nghiên cứu văn học & triết học Pháp Henri Bergson (1859-1941) với các tác phẩm tiêu biểu như L’Evolution Créatrice (Tiến Hóa Sáng Tạo, 1907), Matière et Mémoire (Vật Chất & Ký Ức, 1896)… Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế đúc kết qua tác phẩm Henri Bergson, Năng Lực Tinh Thần.

    1929: Nhà văn Đức Thomas Mann (1875-1955) được đánh giá là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Đức. với các tác phẩm tiêu biểu: Der Zauberberg (Núi Thần, 1924), Buddenbrooks – Verfall Einer Familie (Gia Đình Buddenbrook, 1901), Der Tod in Venedig (Chết Ở Venice, 1913)… Có nhiều bài viết về ông trên các tạp chí văn học (*nt)

    1937: Nhà văn Pháp Roger Martin du Gard (1881-1958) với Jean Barois (1913), Les Thibault (Gia đình Thibault, 1922-1940) (*nt)

    1946: Nhà văn Đức Hermann Hesse (1877-1962) với các tác phẩm: Tuổi Trẻ Băn Khoăn (Demian, 1919), Câu Chuyện Dòng Sông (Siddartha, 1922), Sói Đồng Hoang (Der Steppenwolf, 1927), Hành Trình Về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932) với những tác phẩm nổi tiếng của ông khi được giải Nobel Văn Chương năm 1946 nên được dịch ra tiếng Việt, quen thuộc với độc giả ở miền Nam VN. Ông là người uyên bác triết lý Đông Phương qua hai tác phẩm Siddartha (Câu Chuyện Dòng Sông, Phùng Thăng & Phùng Khánh dịch) và Die Morgenlandfahrt (Le Voyage du Matin, dịch sang tiếng Việt là Hành Trình Về Phương Đông), tác phẩm nầy trùng tên bộ sách của nhà văn Mỹ Baird Thomas Spalding, Nguyên Phong dịch Hành Trình Về Phương Đông. …

    1947: Nhà văn Pháp André Gide (1869-1951). Ông là nhà văn nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX, tác phẩm của ông được dịch từ trước như La Porte Étroite (Tiếng Đoạn Trường) do Đình Thạch dịch, Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1937; La Symphonie Pastorale (Khúc Nhạc Đồng Quê), Đào Đăng Vỹ dịch, ấn hành năm 1954…

    Các tác phẩm của ông như: Paludes, Les Nourritures Terrestres, Isabelle, L’École des Femmes, Robert, Œdipe… Đặc biệt với L’Immoraliste, 1902, La Porte Étroite, 1909, Les Faux-Monnayeurs, 1926… được nhiều dịch giả cùng dịch.

    1948: Nhà thơ Vương Quốc Anh Thomas Stearns Eliot (1888-1965) với các thi phẩm The Love Song of J. Alfred Prufrock (Bản Tình Ca Của J. Alfred Prufrock, 1917), The Waste Land (Đất Hoang, 1922), The Hollow Men (Những Kẻ Rỗng Tuếch, 1925), Ash Wednesday (Ngày Thứ Tư Tro Bụi, 1930), Four Quartets (Bốn Khúc Tứ Tấu, 1935-1945)… với thơ ít dịch nguyên thi phẩm mà chỉ dịch một số bài trên các tạp chí.

    1950: Triết gia Vương Quốc Anh Bertrand Russell (1872-1970) – (Đề cập ở phần Khuynh Hướng Triết Học & Văn Học)

    1952: Nhà văn Pháp François Mauriac (1885-1970). Tác phẩm Thérèse Desqueyroux (Người Vợ Cô Ðơn) do Mặc Đỗ dịch năm 1956, giới thiệu với độc giả sau khi được giải Nobel Văn Chương (Năm 2022 nhà văn T.Vấn, ở Texas, dịch từ tiếng Pháp và đối chiếu với bản tiếng Anh, giữ nguyên tựa đề Thérèse Desqueyroux). Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Le Nœud de Vipères (Ổ Rắn Độc), Le Mystère Frontenac (Bí Ẩn Nhà Frontenac), La Fin de la Nuit (Đêm Tàn), Les Chemins de la Mer (Những Con Đường Của Biển), La Pharisienne (Người Đàn Bà Đạo Đức Giả), Mémoires Intérieurs (Hồi Ký Nội Tâm) (*nt)…

    1957: Nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960). Ông là một trong những nhà văn ngoại quốc đã ảnh hưởng rất nhiều ở miền Nam VN.

    Tác phẩm đầu tay L’Étranger (Người Xa Lạ) ra đời năm 1942, trở thành “hiện tượng” trong văn chương Pháp với Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialisme), tác phẩm La Peste (Dịch Hạch) viết năm 1938 nhưng sau đó hiệu đính lại mới ấn hành năm 1947. Trong văn học, hai nhà văn Simone de Beauvoir (1908-1986) và J.P. Sartre (1905-1980) gặp nhau từ năm 1929 và yêu nhau, sáng lập tờ báo Thời Mới (Les Temps Modernes) để truyền bá Chủ Nghĩa Hiện Sinh trong trào lưu văn học. Kết thúc cuộc tình Simone de Beauvoir viết cuốn Adieux: Một Lời Chia Tay Với Sartre (1981).

    J.P Sartre mới là triết gia về Chủ Nghĩa Hiện Sinh, Albert Camus không phải là triết gia nhưng đem chủ nghĩa nầy vào văn học. Cùng cổ xúy cho Chủ Nghĩa Hiện Sinh, tình bạn giữa Albert Camus và J.B Sartre vào giữa thập niên 30, rạn nứt vào năm 1952… Và từ đó, ông viết những tác phẩm nói lên “phi lý” của con người trong cuộc sống.

    Những tác phẩm của Albert Camus vào thập niên 60 được dịch ra tiếng Việt và không xa lạ gì với độc giả ở miền Nam VN. Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus như: Le Malentendu (Ngộ Nhận), Caligula (Bạo Chúa Caligula), L’Été (Mùa Hè, nhan đề Mùa Hè Sa Mạc, Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), nhan đề Biển Đông Xe Cát, L’Homme Révolté (Con Người Phản Kháng)…

    La Chute (Sa Đọa), Djémila (Gió Về), L’Envers et L’Endroit (Bề Trái & Bề Mặt), Noces (Giao Cảm), Trần Thiện Đạo dịch. La Femme Adultère (Người Đàn Bà Ngoại Tình), Nguyễn Văn Trung dịch, L’Exil et le Royaume (Lưu Đày & Quê Nhà), Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch… Tác phẩm La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch, 1966; Võ Văn Dung dịch, 1971…

    Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Kẻ Xa Lạ (1942) và Dịch Hạch (1947), thì tiểu luận Thần Thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe, 1942) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus.

    Thần thoại về Sisyphus, tiểu luận triết học của Albert Camus với lập luận của điều phi lý từ thời cổ đại xa xưa vẫn tồn đọng trong thời kỳ của Albert Camus. Tựa đề tiểu luận, vốn là tên trong chương sau cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp. Theo đó, bắt đầu từ lập luận phi lý rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những cá nhân tự xác định cho mình một lý tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng. Vì vậy quan niệm về phi lý đã bàng bạc trong tác phẩm cùa Albert Camus (*)

    (* VTrD, trích trong bài viết Người Xa Lạ… Giữa Chúng Ta trên trang web https://t-van.net/vuong-trng-duong-tan-man-dau-nam-2022-nguoi-xa-la-giua-chng-ta/)

    1958: Nhà văn Nga Boris Pasternak (1890-1960), tác phẩm Dr. Zhivago, với niềm vinh dự bản thân ông nhưng nỗi đau ở trong nươc (đề cập phần sau)

    1961: Nhà văn Nam Tư Ivo Andrić (1892-1975). Tác phẩm The Bridge on the Drina (Chiếc Cầu Trên Sông Drina, 1945), Nguyễn Hiến Lê dịch

    1964: Triết gia, nhà văn Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) được trao giải Nobel Văn Chương nhưng ông từ chối và cho rằng “Một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Ông là triết gia nên đem tư tưởng “xiển dương” vào văn chương để quảng bá. Những tác phẩm của ông đã được dịch: La Nausée (Buồn Nôn), Les Mouches (Những Ruồi) Phùng Thăng dịch, Huis Clos (Kín Cửa) Trần Thiện Đạo dịch, Les Jeux sont Faits (Sự Đã Rồi), Nguyễn Xuân Hoàng & Trần Phong Giao dịch; Le Mur (Bức Tường). Với tác phẩm L’Être et le Néant (Hiện Hữu & Hư Vô) có nhiều bài viết phân tích về quan điểm của ông sau Essay on Phenomenological Ontology (Tiểu Luận Về Hiện Tượng Thực Chất Hiện Hữu). Nhà văn Huỳnh Phan Anh trong tác phẩm Văn Chương & Kinh Nghiệm Hư Vô năm 1968 đã đề cập đến J.P Satre.

    1963: Nhà thơ Hy Lạp Giorgos Seferis (1900–1971) Hy Lạp, không có bản dịch tiếng Việt.

    1965: Nhà văn Liên Xô Mikhail Solokhov (1905-1984), tác phẩm Sông Đông Êm Đềm (đề cập phần sau). Trong 3 nhà văn của thời kỳ Liên Xô thì ông được trong nước ca ngợi là văn văn vô sản, khác với nhà văn Boris Pasternak bị cho là phản động và nhà văn Aleksander Solzhenitsyn bị Liên Xô trục xuất!

    1970: Nhà văn Liên Xô Aleksander Solzhenitsyn (1918–2008) với toàn bộ tác phẩm (đề cập ở phần sau).

    1972: Nhà văn Tây Đức Heinrich Böll (1917-1985) được đánh già là nhà văn phục hồi nền văn học Đức…

    (GS Phạm Văn Tuấn ở Úc ấn hành quyển sách ở Virginia (Hoa Kỳ) năm 2018: Nhà Văn, Nhà Thơ & Tác Phẩm, giới thiệu các văn thi sỹ đoạt gải Nobel và nổi danh trên thế giới).

    1974: Nhà văn Thụy Điển Eyvind Johnson (1900-1976), tác phẩm Strändernas Svall (Sóng Biển, 1946), Krilon Romanren (Tiểu Thuyết Của Krilon, 1941-1943), Romanen om Olof (Tiểu Thuyết Olof, 1934-1937). Không có bản dịch tiếng Việt.

    B.- Dịch Giả Miền Nam VN Với Các Tác Phẩm Văn Chương Tây Phương

    Nhân đây, đề cập khái quát đến vài dịch giả miền Nam VN với các tác phẩm về văn chương Tây Phương (Trong phần nầy có những tác phẩm dịch thuật đã đề cập ở phần A: Nobel Văn Chương Tây Phương & Tác Phẩm Dịch Thuật)

    – Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998). Ngoài tài hoa về thi ca, ông còn là dịch giả qua những tác phẩm:

    Cõi Người Ta của Saint-Exupéry, 1966; Trăng Tỳ Hải của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger, 1966; Khung Cửa Hẹp của A. Gide, 1966; Hoa Ngõ Hạnh của Shakespeare, 1966; Bạo Chúa Caligula của Albert Camus, 1967 – 1974; Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh, 1967; Ngộ Nhận của A. Camus, 1967; Con Người Phản Kháng của A. Camus, 1968; Mùa Hè Sa Mạc của A. Camus , 1968; Kẻ Vô Luân của A. Gide, 1968; Orphélia Hamlet của Shakespeare, 1969; Hòa Âm Ðiền Dã của A. Gide, 1969; Sương Bình Nguyên của các tác giả Âu Mỹ, 1969; Hoàng Tử Bé của Saint-Exupery, 1973; Mùi Hương Xuân Sắc của Gerald de Narval, 1974…

    Ông dịch rất thoáng, có khi không theo nguyên tác mà theo ý văn để diễn đạt. Còn sáng tác thơ tặng tác giả. Ông dịch Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh để học thêm chữ Hán. Tác phẩm Nhà Sư Vương Lụy của nhà văn Trung Hoa, nhà sư tên là Tô Mạn Thù (Su Manshu), Bùi Giáng dịch từ nguyên tác, Quế Sơn xuất bản năm 1969. (Có bản dịch sang tiếng Anh The Lone Swan của Geoege Kin Leung… (*)

    (* VTrD, bài viết Bùi Giáng, Ðại Lão Cái Bang cho Giai Phẩm Xuân Bính Tý (1996) kỷ niệm 70 sinh nhật của ông. Trang web Đặc San Lâm Viên: http://www.dslamvien.com/2021/05/bui-giang-dai-lao-cai-bang.html

    – Dịch giả Nguyễn Hiến Lê (1912–1984). Ông là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học… Ông đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật nhiều cuốn sách từ Đông sang Tây thuộc các lĩnh vực như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế… Ông đã ấn hành khoảng một trăm tác phẩm biên khảo, sáng tác, dịch thuật… về văn học, triết học, lịch sử, giáo dục, chính trị, kinh tế… đặc biết với guông danh nhân và sách học làm người. Nhiều tác phẩm của ông được coi là “sách gối đầu giường” cho giới trẻ.

    Với các tác giả Tây Phương, ông đã dịch: Sống 24 Giờ Một Ngày của Arnold Bennett, ấn hành ở Sài Gòn năm 1955; Kiếp Người của Somerset Maugham, năm 1962; Quê Hương Tan Rã của C. Acheba, năm 1970; Cầu Sông Drina của I. Andritch, 1972; Thư Ngỏ Tuổi Đôi Mươi của André Maurois, năm 1968; Thư Gởi Người Đàn Bà Không Quen của André Maurois, 1970; Chinh Phục Hạnh Phúc của Bertrand Russell, 1971…

    – Nhà văn Mặc Ðỗ (1917-2015). Ông tốt nghiệp luật song không hành nghề luật sư, làm báo ngay từ Hà Nội với tờ Phổ Thông. Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn chủ trương nhóm Quan Điểm và nhà xuất bản Quan Điểm

    Người Vợ Cô Đơn (Thérèse Desqueyroux) của Francois Mauriac, Cảo Thơm 1966, Đất Sống 1973); Tâm Cảnh của André Maurois, Văn 1967; Anh Môn (Alain-Fournier, Cảo Thơm 1968); Một Giấc Mơ của Vicki Baum, Văn 1972; Con Người Hào Hoa (The Great Gasby) của Francis Scott Fitzgerald; Vùng Đất Hoang Vu của Lev Tolstoy, Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 của C. Virgil Gheorghiu, Đất Sống 1973); Những Vinh Nhục Của César Birotteau của Honoré de Balzac, Sài Gòn 1968.

    – Tuy dịch vài tác phẩm nhưng được xem là tác phẩm dịch thuật có giá trị: Phùng Khành & Phùng Thăng.

    Dịch giả Phùng Khánh – Ni Sư Trí Hải (1938-2003) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh và dịch giả Phùng Thăng (1943-1975) là hai chị em ruột. Gia đình hoàng tộc rất mộ đạo Phật. Thân phụ là cụ Nguyễn Phước Ứng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh.

    Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse (dịch chung với Phùng Khánh) năm 1965; Buồn Nôn của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm 1967; Những Ruồi của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm 1967; Sói Đồng Hoang của Hermann Hesse (Phùng Thăng dịch chung với Chơn Hạnh) năm 1969. Kẻ Lạ Ở Thiên Đường của Simone Weil (Phùng Thăng dịch). Tác phẩm nầy ấn hành năm 1973, trong phần giới thiệu, dịch giả bày tỏ tất cả nỗi lòng tiềm ẩn (*).

    (* Cùng tác gia trong bài viết Dịch Giả Phùng Thăng, Giáo Sư Triết Trung Học Trần Quý Cáp Hội An trên trang web Việt Báo: https://vietbao.com/a309899/dich-gia-phung-thang-1943-1975-co-giao-su-triet-trung-hoc-tran-quy-cap-hoi-an).

    – Dịch giả Trần Thiện Đạo (1933-2017) du học ở Pháp năm 1950 và định cư ở đây. Ông là dịch giả, nhà văn và nhà phê bình văn học.

    Ông đã dịch các tác phẩm: Cậu Hoàng Con (Le Petit Prince) của Saint Exupéry, Giao Cảm (Noces) của Albert Camus, Bề Trái và Bề Mặt (L’Envers Et L’Endroit) của Albert Camus, Tiểu Luận Của Albert Camus, Sa Đọa (La Chute) của Albert Camus, Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre, Phấn Đấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un Nouveau Roman) của Alain Robbe Grillet, Im Lặng Của Biển Cả (Le Silence De La Mer) của Jean Bruller Vercors, Zadig của Voltaire, Ao Quỷ (La Mare Au Diable) của George Sand,…

    Ông đã nhiều lần lên tiếng về bản dịch văn học, điển hình như 50 trang phê phán Những Ruồi (1967) của Phùng Thăng dịch Les Mouches của Jean-Paul Sartre. Ông phê phán những câu văn dịch quá nô lệ ngoại ngữ nguyên tác. Điều nầy thể hiện sự thật trọng với người dịch để có tác phẩm dịch thuật giá trị.

    – Giáo sư Đỗ Khánh Hoan tốt nghiệp đại học Sydney, Úc, tiến sĩ văn chương đại học Columbia, Mỹ. Giáo sư Anh Văn trường trung học Chu Văn An và trưởng ban Anh văn đại học Văn khoa Sài Gòn.

    Ông là người đầu tiên dịch và giới thiệu ba tập thơ của thi sĩ Ấn độ R. Tagore: Tâm Tình Hiến Dâng (The Gardener) NXB An Tiêm, 1969; Lời Dâng & Tặng Vật, An Tiêm, 1972 (Thi hào Tagore 1981-1941, người đầu tiên Á Châu được giải Nobel Văn Chương năm 1913).

    Dịch giả Đỗ Khánh Hoan biết nhiều ngoại ngũ nên đã dịch trường ca của Homer (Iliad và Odyssey) với hơn 30,000 câu thơ trực tiếp từ tiếng Hy Lạp, Don Quixote từ tiếng Tây Ban Nha, Yến Hội của Platon, Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ Trẻ (J. Joyce), Bi Kịch Shakespeare, Khung Trời Nhỏ Hẹp (S. Maugham), Cây Đàn Miến Điện (T. Michio), Truyện Ngắn (A. Chekhov), Nông Trại Súc Vật (G. Orwell)…

    – Nhà thơ Hoài Khanh (1934-2016), tự học, tự trau dồi sinh ngữ trở thành dịch giả, chủ trương nhà xuất bản Ca Dao.

    Với các tác phẩm dịch thuật tiêu biểu với 3 tác phẩm của của Herman Hesse: Hành Trình Sang Đông Phương, 1967; Giáo Dục & Ý Nghĩa Cuộc Sống của Krishnamurti, 1969; Nghệ Thuật Truyền Thống & Chân Lý của Walter Kaufmann, 1967; Tuổi Trẻ Băn Khoăn, 1968; Quê Hương Tan Rã (Things Fall Apart của Chinua Achebe) Hoài Khanh và Nguyễn Hiến Lê dịch, năm 1970; Đâu Mái Nhà Xưa, 1973.

    Về âm nhạc với những tác phẩm Mozart: Cuộc Đời & Sự Nghiệp của Percy M.Young, 1972; Tchaikovsky: Cuộc Đời & Nghệ Thuật của Percy M.Young, 1972; Beethoven: Một Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy của J.W.N. Sullivan, Ca Dao xuất bản 1972… Sau khi đọc và đem khắc ván in Kim Vân Kiều tân truyện ở phố Hàng Gai, Hà Nội, học giả Phạm Quý Thích (1760-1825) – bạn của nhà thơ Nguyễn Du – viết bài “Thính Đoạn Trường Tân Thanh Hữu Cảm”. Bài thơ có hai câu cuối:

    “… Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

    Tân Thanh đáo để vị thùy thương”.

    Hoài Khanh lấy câu đối để làm tựa đề cho tác phẩm quá tuyệt. Tôi tích nhạc cổ điển Tây Phương nên cũng “nghiền ngẫm” các tác phẩm dịch thuật nầy.

    – Huỳnh Phan Anh (1940 – 2020), nhà văn, dạy triết ở các trường trung học. Các tác phẩm dịch thuât: Chuông Gọi Hồn Ai của Ernest Hemingway, 1972; Chuyến Viễn Hành Trong Đêm của Heinrich Böll, 1973); Tình Yêu & Tuổi Trẻ của Valery Larbaud, 1973), Tình Yêu & Lý Tưởng của Thomas Mann, 1974), Tình Yêu Bên Vực Thẳm của E. M. Remarque; Tình Cuồng của Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, 1973)…

    Huỳnh Phan Anh chủ trương nhóm Đêm Trắng cùng với nhà xuất bản Đêm Trắng, ông công tác với tạp chí Văn, tạp chí Vấn Đề, Khởi Hành… và đóng góp nhiều tiểu luận phê bình cho các tạp chí này.

    Sau năm 1975, ông ở lại Sài Gòn, dịch các tác phẩm của André Maurois, Georges Simenon, Ernest Hemingway, Saint Exupéry, Erich Maria Remarque, Thomas Mann, Claude Simon, Jostein Gaarder, Jean-René Huguenin, Arthur Rimbaud, Anne Philipe…

    Năm 2002 Huỳnh Phan Anh định cư ở Mỹ, qua đời năm 2020 tại San Jose. Thọ 80 tuổi (1940-2020).

    – Nhà văn Hoàng Hải Thủy (1933-2020), năm 1952 được Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn của nhật báo Tiếng Dội. Ông chuyên phóng tác các tác phẩm ngoại quốc, điển hình như Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) của Emily Bronté; Chiếc Hôn Tử Biệt, (A Kiss Before Dying) của Ira Levin; Đi Tìm Người Yêu (The Citadel) của A.J Cronin; Bóng Người Áo Trắng (The Lady in White) của Wilkie Collins; Tìm Em Nơi Thiên Đường (My Cousin Rachel của Daphne du Maurier); Anh Gù Nhà Thờ Đức Bà (Le Bossu de Notre Dame) của Alexandre Dumas; Tiếng Ca Cá Sấu (Never Find Sanctuary); Yêu Mệt (Le Repos du Guerrier của Lowell Bair – phóng tác 1969), Người Yêu, Người Giết (Le Deuxième Souffle) của Rotten Tomatoes; … Hay nhất là tác phẩm Kiều Giang (Jane Eyre) của Charlotte Brontë.

    Tác phẩm One Hundred Years of Solitude (Cent Ans de Solitude) Garcia Marquez dày khoảng 800 trang, ông bỏ ra 60 ngày dịch là Trăm Năm Hiu Quạnh… nhưng khi đưa đi kiểm duyệt bị cấm vì Garcia Marquez “thân Cộng, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ”…

    Ông là nhà văn, nhà báo có sức viết mạnh nhất ở miền Nam VN, có khi chỉ một năm, ông vừa viết vừa phóng tác và ấn hành đến bảy tác phẩm. Ông có nhiều bút hiệu, khi định cư ở Virginia, với bút hiệu Công Tử Hà Đông, mỗi tuần viết một bài trong chủ đề “Viết Ở Rừng Phong” tổng cộng 700 bài.

    (*) VTrD bài viết Nhà Văn Hoàng Hải Thủy “Vĩnh Biệt Rừng Phong”! trang web Việt Báo:

    https://vietbao.com/a306042/nha-van-hoang-hai-thuy-vinh-biet-rung-phong-

    *

    C.- Chủ Nghĩa Hiện Sinh: Triết Học & Văn Học

    Vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại (trước công nguyên), các trường phái triết học xuất hiện nổi tiếng với các nhà toán học như: Thalès (624-547), Pythagore (570-496) rồi đến Héraclite (544-483), Xénophone (570-478), Parménide (540-470), Sophocles (496-406), Empédocle (490-430), Aristophanes (445-385)… Nổi tiếng và ảnh hưởng lớn tư tưởng triết học cho đến nay như: Socrate (469-399) với Chủ Nghĩa Duy Tâm, Platon (428-348, học trò của Socarte), Democrite (460-370, Chủ Nghĩa Duy Vật)…

    Trải qua hai thiên niên kỷ, các trường phái triết học Âu Châu mới được thình hành với: Chủ Nghĩa Duy Tâm (chủ quan & khách quan), Chủ Nghĩa Hiện Thực, Chủ Nghĩa Duy Danh, Chủ Nghĩa Duy Lý (khai thác từ Parménide, triết gia, nhà toán học Pháp René Descartes (1596–1650) được xem là cha đẻ của triết học hiện đại), Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm… Chủ Nghĩa Hoài Nghi (điển hình Blaise Pascal 1623-1662) cuốn Pensées là một kiệt tác), David Hume (1711-1776) ông được coi như là sáng lập ra trường phái thực nghiệm của Anh (British Empiricism), Chủ Nghĩa Lý Tưởng (điển hình với George Berkeley (1685- 1753) với quan niệm “Esse est Percipi” (tồn tại là được tri giác), dựa vào đó Friedrich Hegel (1770-1831), Karl Marx (1818-1883) khai thác cho chủ thuyết của họ, Chủ Nghĩa Thực Dụng với hai triết gia Mỹ Charles Peirce (1839-1914) và William James (1842- 1910) ảnh hưởng sang Âu Châu… Và đến Chủ Nghĩa Hiện Sinh.

    Ảnh hưởng quan trọng nhất của từ Tây Phương đến miền Nam VN với Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialism), ra đời ở Đức cuối chiến tranh thế giới thứ nhất với chủ thuyết về Hiện Tượng Luận (như đã đề cập ở trên) với Martin Heidegger (1889-1976) và Karl Jasper (1883-1969), Merleau Ponty (1908-1961) sau đó Chủ Nghĩa Hiện Sinh phổ biến rộng rãi với Jean Paul Sartre (1905-1980), Garbie Marcel (1889-1978) với Le Mystère de l’Être (Huyền Nhiệm Hữu Thể), Être et Avoir (Hiện Hữu & Sở Hữu) (1918-1933), Albert Camus (1913-1960)… Từ triết học liên quan và ảnh hưởng đến văn học với các nhà văn đề cao về Chủ Nghĩa Hiện Sinh.

    Như đã đề cập ở trên trong Nobel Văn Chương Tây Phương & Tác Phẩm Dịch Thuật, hai nhà văn nầy có ảnh hưởng sâu đậm và qua những tác phẩm được phổ biến trên thế giới.

    Sartre không những là lý thuyết gia mà còn dùng tác phẩm văn chương để nói lên quan điểm nên ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Ngay tự đề La Nausée (Buồn Non) nói lên phi lý trong cuộc sống vô nghĩa, không có câu trả lời.

    Tác phẩm L’Étranger (Người Xa Lạ) mô tả hình ảnh của chàng trai vô cảm không hề nhỏ một giọt nước mắt trong đám tang của mẹ mình. Khi gây ra án mạng chàng không hiểu vì sao bản thân mình lại bóp cò. Sau khi bị kết án, chàng lại an ủi mình rằng “dù sao, đời cũng không đáng sống”. Cuối cùng ở ngục tù, chàng mong rằng vào ngày chịu tử hình, sẽ có một đám đông người tới coi, họ sẽ chào đón chàng.

    Trong cuộc sống, loại người nầy cũng thường xảy ra, gọi là bệnh tâm thần (Pháp: Maladie Mentale, Anh: Mental Illness). Tài hoa của nhà văn là biến mẩu người bất bình thường trong tác phẩm L’Étranger trong thực tại xã hội.

    Những tác phẩm của Albert Camus vào thập niên 60 được dịch ra tiếng Việt và không xa lạ gì với độc giả ở miền Nam VN. Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus như: Le Malentendu (Ngộ Nhận), Caligula (Bạo Chúa Caligula), L’Été (Mùa Hè, nhan đề Mùa Hè Sa Mạc, Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), nhan đề Biển Đông Xe Cát, L’Homme Révolté (Con Người Phản Kháng)…

    La Chute (Sa Đọa), Djémila (Gió Về), L’Envers et L’Endroit (Bề Trái & Bề Mặt), Noces (Giao Cảm), Trần Thiện Đạo dịch. La Femme Adultère (Người Đàn Bà Ngoại Tình), Nguyễn Văn Trung dịch, L’Exil et le Royaume (Lưu Đầy & Quê Nhà), Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch… Tác phẩm La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch, 1966; Võ Văn Dung dịch, 1971…

    Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Kẻ Xa Lạ (1942) và Dịch Hạch (1947), thì tiểu luận Thần Thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe, 1942) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus.

    Thần thoại về Sisyphus, tiểu luận triết học của Albert Camus với lập luận của điều phi lý từ thời cổ đại xa xưa vẫn tồn đọng trong thời kỳ của Albert Camus. Tựa đề tiểu luận, vốn là tên trong chương sau cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp. Theo đó, bắt đầu từ lập luận phi lý rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những cá nhân tự xác định cho mình một lý tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng. Vì vậy quan niệm về phi lý đã bàng bạc trong tác phẩm cùa Albert Camus (*)

    (* VTrD, trích trong bài viết Người Xa Lạ… Giữa Chúng Ta trên trang web https://t-van.net/vuong-trng-duong-tan-man-dau-nam-2022-nguoi-xa-la-giua-chng-ta/)

    Jean Paul Sartre (1905-1980) được trao giải Nobel Văn Chương năm 1964 nhưng ông từ chối và cho rằng “Một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Ông là triết gia nên đem tư tưởng “xiển dương” vào văn chương để quảng bá. Những tác phẩm của ông đã được dịch: La Nausée (Buồn Nôn), Les Mouches (Những Ruồi) Phùng Thăng dịch, Huis Clos (Kín Cửa) Trần Thiện Đạo dịch, Les Jeux sont faits (Sự Đã Rồi), Nguyễn Xuân Hoàng & Trần Phong Giao dịch; Le Mur (Bức Tường); L’Être et le Néant (Hiện Hữu & Hư Không),

    Đề cập đến J.P Sartre, nói thêm về học giả, triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993).

    Trong quyển Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Hoàng Văn Chí, ấn hành năm 1959 tại Sài Gòn được xem là tài liệu đầu tiên viết về văn nghệ sỹ ở miền Bắc sau năm 1954:

    Chương 12: Các nhà học giả, theo tác giả Hoàng Văn Chí: “Lúc ông còn học ở trường Lycée Albert Sarraut, ông đã tỏ ra hết sức thông minh. Các thầy dạy ông, nhất là ông Ner đã kêu lên là không chấm nổi bài của ông. Ông đỗ tú tài triết học năm 1935, và năm sau ông đỗ đầu trong kỳ thi vào trường Normale Supérieure ở bên Pháp. Sau đó ông đỗ thạc sĩ về triết học và dạy ở Sorbonne.

    Ở bên Pháp ông nghiên cứu thêm về triết học, xã hội học, viết nhiều bài trong các tạp chí văn học. Lúc đầu ông theo chủ nghĩa “Existentialisme” của Jean Paul Sartre, nhưng từ 1946 ông thiên về chủ nghĩa Mác, gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp, và viết báo đả kích ông Jean Paul Sartre. Ông này kiện ông tại toà, nhưng toà chưa xử, thì ông Thảo đáp tầu đi Mạc Tư Khoa, rồi thẳng đường về Bắc Việt (năm 1951).

    Về đến nhà, ông bị giữ trong một khu rừng hẻo lánh trong chiến khu Việt Bắc và công tác người ta giao cho ông là dịch những truyền đơn địch vận từ tiếng Việt sang tiếng Pháp…

    Trần Đức Thảo là điển hình của một nhà trí thức say mê chủ nghĩa cộng sản vì nghiên cứu chủ nghĩa ấy trên sách vở. Sự say mê đó đã tiêu tan từ ngày ông bước chân về nước và ngày nay sau kinh nghiệm Cải Cách Ruộng Đất ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ…

    Mặc dầu ông Thảo đã hy sinh địa vị cao quý ở Pháp để trở về nước tham gia kháng chiến, ngày nay ông vẫn bị quy là phản động số một, tay sai của đế quốc”>

    Trần Đức Thảo đậu thủ khoa Thạc Sĩ Triết Học (Arégation de Philosophie) tại Pháp lúc mới 26 tuổi vào năm 1942. (Trước năm 1975 ở miền Nam VN, văn bằng Agrégé gọi là Thạc Sĩ, sau nầy ở trong nước văn bằng Master chỉ là Cao Học nhưng gọi là Thạc Sĩ). Với luận án Phương Pháp Hiện Tượng Luận Của Husserl, ông được xem là triết gia về lãnh vực nầy.

    Cuối năm 1951 ông trở về miền Bắc, năm 1956-1957, ông bị liên lụy trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm khi công bố hai bài báo bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Ông không được trọng dụng và dần dà bị thất sủng từ đó cho đến năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh, mất tại Paris năm 1993. Ông viết cuốn tiểu luận Triết Lý Đi Về Đâu (in ở Pháp năm 1950) để phản biện với J.B Sartre, quyển sách nầy trước năm 1975 đại học Văn Khoa Sài Gòn có in cho sinh viên nghiên cứu. Trần Đức Thảo nổi tiếng khi tranh cãi với Jean-Paul Sartre trên tạp chí Les Temps Modemes ở Pháp được đánh giá ở thế thượng phong.

    Hồi ký Trần Đức Thảo: Những Lời Trăng Trối (Trăng viết có chữ g) do nhà báo Tri Vũ Phan Ngọc Khuê thực hiện, Tổ Hợp Miến Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2014, gồm 16 chương dày 436 trang. Hiện có bán trên Amazon. Đây là tài liệu trung thực trong quãng đời 40 năm của ông ở Việt Nam… một nhân tài về triết học và chứng nhân thời đại. Chương 15 & 16: Đột Tử Trước Phần Chân Lý & Chết Rồi… Vẫn Gian Nan từ trang 398 đên trang 422, khác với những điều mà sau nầy ở trong nước viết về ông.

    – Nhà văn Simone de Beauvoir (1908-1986) với cuộc tình giữa bà và Jean Paul Sartre, không chính thức đã gây nhiều bút mực. Trong khoảng 30 tác phẩm thì cuốn Deuxième Sexe ấn hành 1949 đã trở thành đề tài gây tranh cãi, phê phán thái độ kiềm toả của gia đình và xã hội gây ra sự bất bình đẳng giữa nam nữ.

    Các tạp chí văn học ở Sài Gòn đã viết nhiều bài về Simone de Beauvoir nhưng (hình như) chưa có dịch phẩm nào ấn hành.

    Trong cuộc trò chuyện Giữa Đất Trời Giao Hưởng giữa Thụy Khuê và Hồ Trường An cùng ở Pháp khi đề cập đến Simone de Beauvoir vào năm 2006. Thụy Khuê nhận định:

    “Tư tưởng của Simone de Beauvoir đã dẫn đầu cho phong trào “giải phóng” phụ nữ trên thế giới. Nói đúng hơn, nhờ triết thuyết của Beauvoir mà cả một thế hệ phụ nữ, đã tự giải phóng mình ra khỏi những kiềm toả của gia đình và xã hội…

    Beauvoir cho rằng chỉ có thể chấm dứt tình trạng nam nữ bất bình đẳng, nếu người phụ nữ tự ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình, đạp đổ những phỉnh lừa và áp đặt trong giáo dục gia đình và xã hội. Một khi đã ý thức được, thì chính người phụ nữ sẽ tìm cách tháo gỡ, tự lập, không hạ mình để trở thành femme-objet, được người đàn ông cung phụng, nhưng đồng thời cũng trở thành nô lệ…”

    – Nhà văn Pháp Françoise Sagan (1935-2004), gần 50 tác phẩm văn chương của bà trong đó có một số theo trào lưu hiện sinh đã ảnh hưởng từ phương Tây đến miền Nam VN. Nhiều bài viết về tư tưởng của bà đồng tính luyến ái (tuy lập gia đình), phóng túng, tự do, thác loạn, sống buông thả… qua những bài viết trên các tạp chí ở Sài Gòn đã một thời gây sóng gió.

    Tác phẩm đầu tay vào năm 1954 Bonjour Tristesse (Buồn Ơi Chào Mi) do Nguyễn Vỹ dịch năm 1959 và sau đó những tác phẩm của bà được phổ biến qua các dịch phẩm: Lê Huy Oanh dịch Buồn Ơi, Bắt Tay) ấn hành năm 1970. Tác phẩm Un Certain Sourire (Có Một Nụ Cười) do Nguyễn Minh Hoàng dịch; Dans un Mois, dans un An (Một Tháng Nữa, Một Năm Nữa) Bửu Ý dịch năm 1973; Les Merveilles Nuages (Những Đám Mây Huyền Diệu), Đinh Bá Kha dịch năm 1973… Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide (Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh); Aimez-vous Brahms? (Anh có yêu Brahms?)…

    Giữa thập niên 60, những nhà văn nữ Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng (Hoàng Đông Phương), Lệ Hằng qua vài tác phẩm, nhiều người cho rằng đã ảnh hưởng phần nào trào lưu hiện sinh của Francoise Sagan.

    Tuy ở trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng nền tản tự do tại miền Nam đã cho phép các lý thuyết, trào lưu văn học này được giới thiệu và phát triển ở đây, thậm chí với những khuynh hướng trái chiều nhau.

    Lý thuyết và chủ nghĩa hiện sinh không chỉ được phổ biến ở đại học còn xuất hiện trong sách báo, tác phẩm văn chương. Ngay cả trào lưu Hippie thịnh hành ở Sài Gòn với các ăm mặc, đầu tóc xuề xòa, nhạc rock, rượu chè… tuy có vẻ lập dị nhưng cũng không bị cấm đoán.

    Vào thế kỷ 19 được coi là “Thời Kỳ Hoàng Kim” của văn học Nga (nửa thuộc Âu, nửa thuộc Á). Những nhà văn nổi tiếng trong thời kỳ nầy với nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh nên được phổ biến trên thế giới. Điển hình với hai nhà văn Fyodor Dostoyevsky và Leo Tolstoy, vài tác phẩm đã được dịch tiếng Việt vào tiến bán thế kỷ XX và sau nầy ở miền Nam VN.

    Nhà văn Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) tác phẩm Crime and Punishment, Crime et Châtiment (Tội Ác & Hình Phạt); The Possessed, Les Possédés (Lũ Người Quỷ Ám); Notes from Underground; Les Carnets du Sous-sol (Thạch Chương, nhạc sĩ Cung Tiến dịch Hồi Ký Viết Dưới Đường Hầm)… Nhà văn Leo Tolstoy (1828-1910) với The Brothers Karamazov, Les Frères Karamazov (Anh Em Nhà Karamazov); War and Peace (Chiến Tranh & Hòa Bình) qua bản dịch tiếng Anh của Aylmer Maude và Louise Maude. Bản dịch Chiến Tranh & Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969. Tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang, tập 3: 733 trang, tập 4: 716 trang.

    Các nhà văn trong thời kỳ Liên Xô hầu như không dịch các tác phẩm của các nhà văn phục vụ cho chế độ. Chỉ có hai nhà văn Boris Pasternak và Alexander Solzhenitsyn. Tác phẩm Bác Sĩ Zhivago của Boris Pasternak ra đời năm 1957 (tiếng Anh: Doctor Zhivago, tiếng Pháp: Docteur Jivago) được giải Nobel Văn Chương năm 1958 nhưng tác giả đang sống trong chế độ CS Liên Xô nên không được sang Thụy Điển nhận giải và bị Hội Các Nhà Văn Xô Viết (The Soviet Writers Union) kết tội là kẻ phản động, loại ra khỏi tổ chức!. (Tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evguenii đã được mời sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng như lễ trao giải chính thức)…

    (Nguồn tin cũng cho rằng trong danh sách các ứng cử viên của giải Nobel Văn Chương lúc đó còn có nhà văn Mikhail Solokhov nhưng không được đoạt giải. Sông Đông Êm Đềm (Tikhy Don) được tặng Giải Nobel văn học năm 1965.

    Tác phẩm Dr. Zhivago đã được Trường Văn và Song Tích phỏng dịch năm 1959 nên độc giả ở Miền Nam VN đã biết qua vì vậy khi cuốn phim nầy được trình chiếu, trở thành hiện tượng, khán giả đợi chờ, sắp hàng mua vé. Tựa đề cuốn phim (hình như Mai Thảo đặt) Vĩnh Biệt Tình Em. Sau đó bản dịch Bác Sĩ Zhivago, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1969. Vĩnh Biệt Tình Em, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Sài Gòn, Tổ hợp Gió, 1974. Bác sĩ Zhivago, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Sài Gòn, nhà xuất bản Hoàng Hạc, đầu năm 1975.

    Trong tác phẩm nầy, tôi cảm hứng viết bài: Lara, Người Tình Muôn Thuở, nhân vật nữ trong tác phẩm Bác Sĩ Zhivago.

    (VTrD, trang web Việt Báo: https://vietbao.com/a291720/lara-nguoi-tinh-muon-thuo

    Cho đến khi Alexander Solzhenitsyn được giải Nobel Văn Chương năm 1970 và bị trục xuất ra khỏi Liên Xô. Hầu hết các tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ” của tôi đăng tải trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt năm 1974 đề cập đến những tác phẩm của ông. Khi ở Mỹ tôi đã viết lại (VTrD bài còn lưu trữ trên trang web T.Vấn & Bạn Hữu: https://t-van.net/vuong-trng-duong-alexander-solzhenitsyn-chien-huu-van-nghe/

    Kết

    Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Học… chỉ đề cập đến một số tác giả tiêu biểu ở những quốc gia trong khu vực Tây Phương được các dịch giả nêu trên (cũng chỉ là tiêu biểu) vì có rất nhiều dịch giả đã đóng góp trong hai thập niện (1954-1975) ở miền Nam Việt Nam không thể nào liệt kê hết. Với các tác phẩm nổi tiếng ở Tây Phương, khi được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh tạo điều kiện dễ dàng nên các dịch giả ở miền Nam VN dựa theo bản dịch đó.

    Thật ra, việc sưu tầm tài liệu để viết về đề tài nầy, nếu ở trong nước có thể tham khảo trong các thư viện (nhưng hình như sau năm 1975, một số đã bị loại) may ra ở các nơi bán sách cũ…

    Tại Mỹ, đại học Cornell, tiểu bang New York, với hệ thống thư viện rất lớn (gồm trên 20 thư viện; với công trình sưu tập khổng lồ là trên 7 triệu tài liệu in (printed materials, gồm cả sách và tạp chí) và nhiều lãnh vực khác trên thế giới. Với tài liệu của miền Nam VN may mắn được lưu trữ nơi đây. Trong hai thập niên (1991-2022) nhà văn Trần Hoài Thư nhờ tài liệu ở các thư viện nầy đã thực hiện được 100 tập san Thư Quán Bản Thảo, làm sống lại văn chương miền Nam.

    Với tôi, đây không phải là biên khảo hoàn chỉnh mà là bài viết theo sự gợi ý của vị giáo sư ở Đức, ông thông thạo nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Trong thời gian qua, ông và tôi liên lạc với nhau qua email, ông am tường và thích nền văn học ở miền Nam VN, nên tôi “đáp lễ” qua gợi ý của ông.

    Đề tài nầy quá bao quát, không thể tóm lược qua bài viết để trích dẫn thời kỳ dịch thuật văn học ở miền VN trong hai thập niên (54-75), ngay trong giai đoạn đó cũng chưa có tác giả nào tổng hợp. Mong rằng đóng góp phần nào về sách dịch Tây phương của một thời đã qua.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, October, 2022

  • Cáo phó - Phân Ưu,  Vương Trùng Dương

    Vĩnh biệt Mạc Vũ Phạm Gia Cổn

    BS PHẠM GIA CỔN

    Bác Sĩ Phạm Gia Cổn qua đời vào sáng Thứ Tư, 30/11/2022 tại bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, hưởng thọ 80 tuổi.

    BS Phạm Gia Cổn là khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Little Saigon và hải ngoại. Giáo Sư tại Đại Học UCLA suốt 28 năm từ năm 1982 đến năm 2010. Anh từng là Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Tại Little Saigon, năm 2006, Bác Sĩ, Võ Sư Phạm Gia Cổn đã phối hợp y khoa và võ thuật, sáng lập ra môn phái Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Lớp học miễn phí, trong suốt thời gian qua, có cả ngàn môn sinh (học viên tham dự). Địa điểm 9032 Hazard Ave (Góc Hazard & Magnolia) với 4 buổi sáng trong tuần.

    Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc được phổ biến ở Phần Lan, Úc Châu… và các nơi khác như Texas, Florida, San Jose… gọi là Gia Đình Hoàng Hạc TDKC (Thể Dục Khí Công). Đây cũng là dịp Chưởng Môn đi đây đi đó thăm các Gia Đình Hoàng Hạc và phổ biến trong cộng đồng người Việt.

    Là con người tài hoa trên nhiều lãnh vực, tính tình điềm đạm, khiêm nhượng nên được mọi người cảm mến. Khi nhận tin BS Phạm Gia Cổn qua đời, mọi người không thể ngờ vì anh vẫn khỏe mạnh và hiện diện trong các buổi sinh hoạt hội đoàn trong tháng 11 vừa qua. Vĩnh biệt anh, ghi lại vài dòng kỷ niệm về nhạc sĩ Mạc Vũ Phạm Gia Cổn.

    Năm 2016, anh Phạm Gia Cổn đã thực hiện xong 11 ca khúc do anh sáng tác và nhờ tôi thực hiện bìa của CD.

    CD Hẹn Ước – thơ phổ nhạc – Mạc Vũ Phạm Gia Cổn – Hòa Âm: Ngọc Dũng

    1.- Đã Một Lần (Cổ Tích Tôi) – Thơ: Định Nguyên – tiếng hát Tâm Thư. 2.- Hẹn Ước – Thơ: Phan Xuân Hiệp – Tâm Thư. 3.- Một Lá Thư – Thơ: Phạm Kim Khôi                         – Trung Hiếu. 4.- Lệ Hoa  – Thơ: Phan Xuân Hiệp – Tâm Thư. 5.- Buổi Chiều, Nhớ – Thơ: Như Thường – Tâm Thư. 6.- Hai Bàn Tay – Thơ: TSN Ngọc Diệp – Quang Châu. 7.- Buổi Sáng – Thơ: Long Ân – Khánh Vy. 8.- Nhớ – Thơ: Sương Mai – Khánh Vy. 9.- Tiễn Anh – Thơ: Trần Đức Tường – Trung Hiếu. 10.- Phương Chờ Em – Thơ: Lan Đàm – Trung Hiếu

    11.- Why I Write – Thơ: Amy Hồ – Cẩm Vân

    Trong khi đang thực hiện CD, anh đưa cho tôi nghe vài ca khúc để có cảm hứng khi trình bày bìa.

    Mời nghe những ca khúc trong CD Hẹn Ước thực hiện trên YouTube:

    Trong thời gian anh đến nhà tôi để cùng nhau thực hiện cũng là lúc trò chuyện nhau thật thú vị vì gặp nhau ở quán cà phê đông người chỉ tán gẫu vài mẫu chuyện vui cùng bạn bè. Anh cho biết họ Mạc có sự liên quan đến tổ tiên ở thế kỷ 16 trong cuộc nội chiến Lê-Mạc và khi Trịnh Tùng truy sát họ Mạc đến cùng nên một số thay tên đổi họ ẩn cư. Đó cũng là bí ẩn của giai đoạn bi thương lịch sử.

    Với võ sư bát đẳng Hiệp Khí Đạo (Hapkido) nên sức khỏe rất tốt luyện tập saxophone, clarinet. Với những nghệ sĩ saxophone tài danh tuyệt vời Sando Pharoah, Albert Ayler, Dexter Gordon, Charlie Parker, Dizzy Gillespie và Bud Powell… với tiếng kèn và phong cách trình diễn của họ đã mê hoặc niềm đam mê của anh…

    Trước đây, Đêm Tưởng Niệm & Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, TP Westminster, tối Chủ Nhật, ngày 17 tháng 4, 2005. Sở dĩ Đêm Tưởng Niệm sau ngày giỗ một năm vì gia đình thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn vừa xong.

    Ban nhạc The Star Band (Stars Band), với sự góp mặt của hai thế hệ như các nhạc sĩ: Nguyễn Hiền (accordeon), Trần Trịnh (Electric keyboard), Quang Anh (keyboard), Phạm Gia Cổn (saxophone, clarinet), Lý Văn Quý (lead guitar), Châu Hiệp (guitare), Nguyễn Đức Trịnh (drum), Bách Tùng Trịnh (trumpet), Deanna (trumpet), Tina Huỳnh (flute), Kim Chi (clarinet), Kim Ngân (trombone)… Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu (violin nhưng về San Diego). Với sự góp mặt của các ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao…

    The Star Band rất hạn chế khi đóng góp trong các buổi sinh hoạt văn nghệ. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Trần Trịnh, Phạm Gia Cổn… là những người sáng lập ra ban nhạc nầy.

    Ngày 5/5/2005, tôi ra tờ Cali Weekly, tiếp xúc với các nhạc sĩ và viết về ban nhạc nầy. Thời gian đó BS Phạm Gia Cổn còn làm dạy ở UCLA nên cuối tuần mới gặp nhau ở Factory Coffee. Sau khi anh nghỉ hưu, mỗi sáng anh ra quán cà phê gặp anh em và “mở phòng mạch” để tán chuyện với những “bệnh nhân” thường trực “nhớ nhà châm điếu thuốc”…

    Trở lại với các nhạc phẩm do anh phổ thơ, chỉ có một số bạn bè thân mới biết anh thích thi ca. Khi tôi hỏi anh, “Với bạn bè thân đã nổi tiếng trong lãnh vực thi ca, sao không chọn bài thơ nào để phổ thơ?”. Anh trả lời rất tế nhị và khiêm tốn với ý là thơ hay và cảm hứng sáng tác tùy lúc, và cũng không thích phải núp vào cái bóng nào… Đúng là nghệ sỹ với tinh thần võ sĩ đạo, y sỹ tiền tuyến trong binh chủng Nhảy Dù.

    Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hoàng Hạc Khí Công (2006-2016), anh Phạm Gia Cổn nói tôi viết bài cho đặc san kỷ niệm. Bài viết cho đặc san nầy: Từ “Ngàn Cánh Hạc” đến “Hoàng Hạc” (còn lưu trữ trên trang web www.cuuhocsinhphuyen.com & https://www.dutule.com/a9062/vuong-trung-duong-ngan-canh-hac-tra-dao-tinh-duc).

    Ngàn Cánh Hạc là một trong ba tác phẩm của nhà văn Nhật Kawabata được giải thưởng Văn Chương Nobel năm 1968. Xứ Tuyết (Yukigun – Snow Country, 1937), Ngàn Cánh Hạc (Sembazuru – Thousand Cranes, 1949). Cố Đô (Kyoto – The Old Capital, 1962)…

    Với văn hóa Nhật Bản, xứ sở Phù Tang, chim hạc được coi là linh điểu, là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý. Với phái nữ, chim hạc là biểu tượng sự thủy chung, hòa hợp với đạo nghĩa vợ chồng. Trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác, với họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và rất được ưa chuộng.

    Từ những mẩu chuyện theo truyền thuyết, với ý nghĩa tâm linh hạc giấy trong nghệ thuật xếp hình ori-gami, người Nhật tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự may mắn, an lành và hạnh phúc. Với biểu tượng cao đẹp đó, chim hạc được đề cập rất nhiều trong thơ văn, điêu khắc, hội họa, công trình kiến trúc, trên đồng Yen, hãng hàng không…

    Theo quan niệm Đông Phương từ ngàn xưa, hạc là chim tiên, người ta nói nó có khí phách và phong độ của bậc tiên nhân đạo sĩ. cuốn Tường Hạc Kinh gọi hạc là “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính được), cuốn Hoài Nam Tử nói “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Cho nên đời sau thường dùng những từ như “hạc linh”, “hạc thọ”, “hạc toàn” để chúc trường thọ. Có người đã đặt tên mình là “hạc” để thể hiện ý muốn trường thọ, như “hạc thọ”, “hạc niên”, “hạc linh”… Cũng như vậy, hạc cũng được dùng để chúc thọ, phần nhiều là tranh chúc thọ, bình phong chúc thọ hoặc những tranh vẽ hoặc đồ chạm khắc khác. Tuổi già ngày nay được gọi là tuổi hạc…

    Bác Sĩ Võ Sư Phạm Gia Cổn lấy biểu tượng Hạc Vàng cho môn Thể Dục Khí Công  rất ý nghĩa.

    Trưa Thứ Sáu, ngày 9/12 BS Phạm Gia Cổn yên giấc nghìn thu tại Gateway Crematory ở TP Fullerton. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt!

    “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” Thôi Hiệu (704-754). Văn hào Kawabata vĩnh biệt Ngàn Cánh Hạc năm 1952, đúng 70 năm sau Chưởng Môn Phạm Gia Cổn vĩnh biệt Hoàng Hạc TDKC.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, December 03, 2022

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Rừng Phong, Thu & Kỷ Niệm Xưa

    Câu thơ “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) vào bối cảnh chia tay “Người lên ngựa, kẻ chia bào” giữa Thúc Sinh và Vương Thúy Kiều khi còn học ở lớp Đệ Tứ chỉ hiểu mơ hồ qua lời giảng dạy…

    Vào thời điểm đó, ở Việt Nam và Tàu không thấy đề cập đến cây phong, chỉ mường tượng qua Truyện Thúy Kiều của cụ Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, ấn hành năm 1927 và Truyện Kiều Chú Giải của cụ Lê Văn Hòe, ấn hành năm 1953.

    Hình ảnh cây phong dẫn câu thơ trong vở kịch Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ vào cuối thế kỷ XIII bên Tàu về mối tình ngang trái giữa chàng thư sinh Trương Quân Thụy và người đẹp Thôi Oanh Oanh.

    Trong đoạn khúc Trường Đình Tống Biệt của Tây Sương Ký:

    “Bích vân thiên

    hoàng hoa địa

    tây phong khẩn

    bắc nhạn nam phi

    hiểu lai thùy nhiễm sương lâm túy

    tổng thị ly nhân lệ”

    Nhà văn Nhượng Tống (1906-1949, trong quyển Vương Thực Phủ, Mái Tây (Tây sương ký), ấn hành năm 1944, dịch thành thơ:

    “Bầu trời thăm thẳm xanh lơ

    Đìu hiu mặt đất lơ thơ hoa vàng

    Gió Tây thổi buốt can tràng

    Về Nam nhạn Bắc kêu thương lạc loài!

    Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi

    Đều là nước mắt những người biệt ly”.

    Hai chữ “sương lâm” là “sương diệp” ám chỉ lá cây phong… Trong bài thơ Đỗ Mục có hai câu mô tả hình ảnh của rừng phong:

    “Đình xa tọa ái phong lâm vãn

    Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa”

    Theo chú giải của cụ Lê Văn Hòe thì phong là một giống cây lá to mọc thành tán, xưa đời Hán hay trồng ở sân nhà vua. Vì thế điện vua gọi là phong đình, phong điện hoặc đền phong. Cây phong ngờ là cây bàng bên ta. (…) Sang mùa thu, thì lá bàng vàng và đổ dần sang màu đỏ sẫm. Màu ấy đặt vào đám rừng cây xanh thì nổi bật lên, rất dễ nhận. (Không hiểu các cụ ngày xưa đã dựa vào đâu để gọi như vậy). Ngay trong Hán Việt Tự Điển của cụ Đào Duy Anh, ấn hành năm 1932, cũng gọi “cây phong = cây bàng”.

    Với “màu quan san” không có trong hội họa mà có tính cách tượng hình, “quan san” là cửa ải và núi non, ý chỉ nơi chốn xa xôi, cách trở, màu gây nhớ thương, u hoài trong lòng người…

    Khi ở trong quân ngũ mới biết trên Quốc Kỳ của Canada có lá phong, hình ảnh cây phong (maple) để tìm hiểu thêm…

    Thời gian trôi qua! Sau thời gian dài 15 năm (1975-1990) không có đầu óc lãng mạn, tháng 8/1990 khi đến phi trường Pattaya, Bangkok, Thái Lan theo diện H.O… và, những ngày tạm trú nơi nầy, tâm hồn lãng mạn bay xa đến phương trời trên xứ sở Cờ Hoa.

    Khi biết được định cư ở thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, đây là thành phố được gọi là Country Music, cái nôi của nhạc đồng quê. Mùa thu sắp đến, cũng là nơi lá phong nhuộm màu.

    Thế nhưng cuộc sống tha hương ở nơi chốn mà ngày xưa trong bài Cảnh Nhàn của cụ Nguyễn Bỉnh Kiêm cho rằng: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao” khi “trao ấn từ quan” để vui thú điền viên… Nhưng với tôi cảm thấy nơi vắng vẻ nầy không thích hợp nên sau hai tháng, từ Đông sang Tây nơi “gió tanh mưa máu” bằng xe bus Greyhound xuyên qua các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ.

    Những ngày vào thu ở Nashville đẹp tuyệt vời với những hàng phong nhuộm đó hai ven đường. Đẹp tuyệt vời, đẹp ngây ngây ngây nhưng trong trong tâm hồn kẻ “chân ướt chân ráo” xa xứ, có lẽ đến lúc “màu quan san” chia tay!

    Tuy thời gian ngắn ngủi ở nơi đó nhưng tôi gặp được vài người bạn trẻ, tốt bụng và chân tình, thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau. Nay đã về hưu, vào dịp nầy lạc chốn rừng phong.

    Những ngày cuối cùng nơi nầy, anh Cảnh chở tôi đi khắp nơi để nhìn phong cảnh lá phong chuyển màu như một sự chia ly.

    Khi ở Little Saigon, tôi ra Home Depot mua chậu phong về trồng để nhớ lại hình ảnh ban đầu nhưng có lẽ nó không thích hợp nên “thấy mà thương”!

    Khi làm báo, hàng tuần nhận bài viết của Công Tử Hà Đông (Hoàng Hải Thủy) Viết Ở Rừng Phong… một chút gì gợi nhớ.

    Little Saigon vào thu, không còn hình ảnh nơi tôi đã một thời gắn bó với Đà Lạt từ thời quân ngũ đến lúc chia ly:

    “Hôm nay trời vào thu,

    Đà Lạt lắm sương mù”

    (Trong ca khúc Tình Người Hậu Tuyến của Thục Vũ)

    Hình ảnh ban đầu nơi xứ người với rừng phong ở Nashville đã 32 năm nhưng vẫn nhớ.

    Thấm thoát đã 2 năm rồi, khi tác giả Việt Ở Rừng Phong vĩnh biệt nơi đây, tôi viết bài:

    Nhà Văn Hoàng Hải Thủy “Vĩnh Biệt Rừng Phong”! Bài còn trên website Việt Báo:

    https://vietbao.com/a306042/nha-van-hoang-hai-thuy-vinh-biet-rung-phong-

    Hơn 3 thập niên khi ở trong nơi chốn “bùn lầy nước đọng” được chú Sam “bốc” đi diện H.O mà diện “đầu trọc” gọi là “con bà Phước” nên không biết nơi nào, dù có biết nơi khỉ ho cò gáy nào trên xứ Cờ Huê cũng là ước mơ vì vậy khi ở Thái Lan biết định cư xứ có rừng phong, thành phố của nhạc đồng quê… thế mà chia tay!

    Nhà văn Đức Hermann Hesse (1877-1962) với những tác phẩm nổi tiếng của ông khi được giải Nobel Văn Chương năm 1946 nên được dịch ra tiếng Việt, quen thuộc với độc giả ở miền Nam VN. Ông là người uyên bác triết lý Đông Phương qua hai tác phẩm Siddartha (Câu Chuyện Dòng Sông do Phúng Khánh & Phùng Thăng dịch) và Die Morgenlandfahrt (Le Voyage du Matin, dịch sang tiếng Việt là Hành Trình Về Phương Đông), tác phẩm nầy trùng tên bộ sách của nhà văn Mỹ Baird Thomas Spalding, Nguyên Phong dịch Hành Trình Về Phương Đông. Với câu nói của Hermann Hesse: “Bạn phải tìm được giấc mơ của mình… nhưng không giấc mơ nào tồn tại vĩnh viễn, mỗi giấc mơ lại có giấc mơ khác theo sau, và người ta không nên bấu víu lấy một giấc mơ nhất định”. Và với tôi, có giấc mơ nầy cũng mong giấc mơ khác “tha hương ngộ cố tri” cũng là lẽ thường tình của con người tỵ nạn.

    Điều ngoài ước mơ khi ở trong nước với “nghiệp báo” thế mà từ lúc “về chốn lao xao” gắn bó đến nay, “nghiệp” chưa trả hết nên không biết khi nào mới “rửa tay gác kiếm” vì “không giấc mơ nào tồn tại vĩnh viễn”!

    Little Saigon, Oct 2022

    Vương Trùng Dương

  • Tin tức,  Vương Trùng Dương

    Thống Tướng MacArthur & Thủ Tướng Shinzo Abe: Hai Nhân Vật, Một Tấm Lòng

    “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”. (Triết gia Marcus Tullius Cicero)

    Mỗi nước theo truyền thuyết và lịch sử có vài tên gọi khác nhau, trong đó Nhật Bản với các tên gọi: Đất Nước Mặt Trời Mọc, Xứ Sở Hoa Anh Đào, Xứ Sở Phù Tang, Đất Nước Hoa Cúc… Kể từ thời Kama-kura, hình ảnh hoa cúc 16 cánh được sử dụng làm con dấu của Thiên Hoàng. Cho đến nay, biểu tượng loài hoa này vẫn được xem là biểu tượng quan trọng của Hoàng Gia Nhật Bản.  Ngày 11/7/2022, chính phủ Nhật đã truy tặng Huân Chương Hoa Cúc – huân chương cao quý nhất của Nhật để vinh danh cố Thủ Tướng Shinzo Abe. Cố Thủ Tướng Shinzo Abe là thủ tướng thứ 4 của Nhật Bản được trao tặng huân chương cao quý này sau Đệ Nhị Thế Chiến, các vị tiền nhiệm có Shigeru Yoshida, Eisaku Sato và Yasuhiro Nakasone.

    Nhật Bản ngày nay không những trở thành cường quốc kinh tế mà gìn giữ được nếp sống văn minh, lịch sự, phong tục tập quán cao đẹp, tinh thần tự trọng… và, đặc biệt nói “không” với trộm cắp.

    Người Nhật với tinh thần trách nhiệm cao, mạnh mẽ và luôn luôn hướng thiện. Với nền giáo dục khắt khe, đức dục là vấn đề quan trọng nhất dạy dỗ, rèn luyện trẻ thơ từ khi bước vào mái trường.

    Trong những lần xảy ra thiên tai (động đất, sóng thần) tại Nhật, những hình ảnh ghi lại cho thấy tinh thần tự trọng, nhân bản… của các nạn nhân khi xếp hàng nhận cứu trợ, trật tự, bình thản, biết nhìn nhượng nhau… mọi người trên thế giới nễ phục.

    Ở nông thôn, chủ nhà vườn bán sản phẩm cho khách hàng, không cần hiện diện mà chỉ để trên bàn, số lượng với giá tiền… khách hàng ý thức “thuận mua vừa bán” sòng phẳng…

    Đơn cử vài điểm son đó thể hiện tinh thần và xã hội Nhật Bản ngày nay xóa tan bóng đen bao phủ trước Đệ Nhị Thế Chiến.

    * Từ cựu thù trở thành Thiên Sứ

    Sáng ngày 15/4/1951 khi Thống Tướng MacArthur (1880-1964) ngồi lên xe ra phi trường quay về Mỹ thì nhận được tin đích thân Thiên Hoàng Hirohito và Thủ Tướng Yoshida đến văn phòng tiễn chân vị “Shogun” (Sứ Quân) mà họ vô cùng cảm phục. Trên suốt hai bên con đường dẫn đến phi trường Atsugi, hàng trăm ngàn người dân Nhật xếp hàng dài dày đặc ở hai bên đường hàng chục cây số để tiễn đưa ông lần cuối. Họ kêu to “Sayonara, Sayonara,” hay giơ cao biểu ngữ ghi “Chúng tôi thương mến Tướng Quân MacArthur,” và “Chúng tôi cảm ơn ông”.

    Danh từ Shogun (Thiên Sứ, Tướng Quân) theo tiếng Nhật là Seii Taishōgun để nói lên sự tôn trọng với nhân vật khả kính có công với đất nước.

    Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ Tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) xuất bản năm 1991, viết về quan hệ Nhật-Mỹ, là một trong các cuốn bestseller hồi ấy, với những dòng tiếc nuối: “Ngày 11/4/1951, truyền thông loan tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống Tướng MacArthur – người có uy quyền như Thái Thượng Hoàng nước Nhật – lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của tổng thống. MacArthur là người nắm quyền lực tối cao ở Nhật”.

    Khi Đệ Nhị Thế Chiên (1939-1945) xảy ra, Tổng Thống Harry S. Truman (Tổng Thống thứ 33 của Hoa Kỳ,1945-1953) gọi ông trở lại phục vụ trong quân đội. Trong Đệ Nhất Thế Chiến, ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn bộ binh 42 của Mỹ. Đến năm 1935, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chọn MacArthur làm cố vấn quân sự tại Philippines. Ông giải ngũ vào tháng 12/1937, được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Lục Quân Mỹ tại Viễn Đông với cấp bậc trung tướng.

    Vừa nhận lãnh trách nhiệm, ngày 7/12/1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), thuộc tiểu bang Hawaii gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ, riêng về về nhân mạng khoảng 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Lực lượng không quân của ông bị thiệt hại hoàn toàn.

    Lúc đó phe Trục (Ý, Đức Nhật) tấn công như vũ bão, tàn phá nhiều nước từ trời Tây sang Đông, gieo rắc kinh hoàng, thảm khốc trên thế giới. Từ trước đến nay, nước Mỹ chưa bao giờ bị tấn công nên khi Nhật xâm phạm lãnh thổ của Mỹ nên hậu quả dẫn đến việc Mỹ phản công thả bom nguyên tử xuống hai thành phố công nghiệp là Hisosima và Nagasaki.

    Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử mang tên Little Boy trên pháo đài bay B-29 Enola Gay của phi đoàn 509, thả xuống Hiroshima, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom mang tên Fat Man trên pháo đài bay B-29 Bock’s Car, thả xuống Nagasaki.

    Trước khi thả bom nguyên tử, Mỹ đã rãi truyền đơn cảnh báo nhưng phát xít Nhật coi thường và ngoan cố. Truyền đơn viết bằng tiếng Nhật: “… Trong vài ngày tới, một số hoặc tất cả những thành phố được liệt kê trong danh sách ở mặt sau truyền đơn này sẽ bị phá hủy bởi những quả bom của người Mỹ. Những thành phố này có các hãng xưởng, nhà máy lắp ráp chế tạo thiết bị quân sự.

    Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt tất cả những trang thiết bị mà các phe phái quân sự đang sử dụng để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này. Nhưng, không may, những quả bom không có mắt. Vì vậy, theo các chính sách nhân đạo của Mỹ, Không Quân Mỹ, chúng tôi không muốn làm tổn thương người vô tội, do đó chúng tôi cảnh báo và yêu cầu bạn hãy di tản khỏi những thành phố được liệt kê để cứu lấy mạng sống của chính bạn.

    Người Mỹ không chiến đấu chống lại nhân dân Nhật Bản, mà chiến đấu chống lại các thế lực quân sự đang sử dụng nhân dân Nhật Bản. Nền hòa bình mà Mỹ mang lại sẽ giải thoát cho người dân như các bạn đang phải sống trong sự áp bức của quân đội Nhật và đồng thời cũng có ý nghĩa mang đến một Nhật Bản mới tốt đẹp hơn. Các bạn có thể mang hòa bình trở lại bằng cách chọn ra những người lãnh đạo mới và giỏi, những người thật sự muốn kết thúc chiến tranh.

    Do vậy, hãy chú ý đến cảnh báo này và sơ tán khỏi các thành phố này ngay lập tức!”

    (Nếu so sánh hành động của chính quyền Truman của Mỹ với Nhật và chính quyền Putin của Nga với Ukraine hiện nay là hai thái cực giữa chế độ dân chủ và chế độ độc tài).

    Sau khi ném bom nguyên tử ở Hiroshima, TT Truman đã lên làn sóng phát thanh kêu gọi Nhật đầu hàng, nếu không tai họa như Hiroshima sẽ tiếp tục nhưng Hội Đồng Tối Cao của Nhật Bản vẫn ngoan cố nên Mỹ tiếp tục thả trái bom thứ hai.

    Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện các nước Đồng Minh, nhưng đến ngày 2/9/1945, nghi lễ đầu hàng của Nhật trước quân đội Đồng Minh mới được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ. Và, từ đó, ở trời Tây, Ý và Đức bị quân đội Đồng Minh phản công mãnh liệt, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.

    Năm ngày sau khi Nhật ký hiệp ước đầu hàng, ngày 7/9/1945, Thống Tướng McArthur, chỉ huy các lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương, thiết lập văn phòng làm việc tại Tokyo, mở đầu cho giai đoạn Mỹ chiếm đóng nước Nhật kéo dài trong sáu năm, tám tháng.

    Trước khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Nhật và Mỹ vẫn còn là hai nước kẻ thù không đội trời chung. Trong 4 năm chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương, đã làm cho quân đội Mỹ hy sinh khoảng 360.000 binh sĩ.

    Sau khi ký xong hiệp ước đầu hàng, Thống Tướng MacArthur đại diện của Đồng Minh đọc bài diễn văn ngắn gọn, chứa đựng tinh thần cao thượng của người Mỹ, ông kết thúc bài diễn văn: “Đây là hy vọng thiết tha nhất của tôi, và thật sự cũng là hy vọng của toàn thể nhân lọai, rằng từ sự kiện trang nghiêm này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện ra từ máu và sự chém giết nhau trong quá khứ – một thế giới sẽ phục sự cho nhân phẩm con người và để hòan thành ước nguyện cao cả nhất cho tự do, lòng bao dung và sự công bằng”.

    Tuy không phải là kinh tế gia nhưng Thống Tướng MacArthur với tấm lòng nhân ái, đức độ và tận tình với nước thù địch để phục hồi đất nước Nhật từ đống tro tàn, đổ nát được vực dậy chỉ trong gần 6 năm (15/8/1945 cho đến ngày 11/4/1951). Ngoài ra, Sứ Quân MacArthur đã làm thay đổi nhân sinh quan tư duy của người Nhật từ Thiên Hoàng cho đến người dân.

    Ngay sau khi đặt chân đến thủ đô Tokyo, Thống Tướng MacArthur ra lệnh cho các binh sĩ dưới quyền ông không được trả thù người Nhật vì bất cứ lý do gì và ưu tiên hàng đầu của ông là phải lo cho người dân Nhật qua khỏi cơn đói rách do các hậu quả của chiến tranh.

    Ngay từ đầu Tướng MacArthur viết thư trình bày với Quốc Hội, với chính phủ Hoa Kỳ để xin cứu trợ và chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận trợ cấp khẩn cấp cho chính phủ Nhật Bản gồm: Ba triệu rưỡi tấn lương thực, thuốc men cùng với hai tỷ đô la.

    Việc làm đầu tiên của Thống Tướng MacArthur ra lệnh chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa tại các trường học Nhật. Toàn bộ quân đội Nhật bị giải tán. Các binh sĩ được cho về quê sống. Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân.

    Từ chế độ phát xít xâm chiếm các nước láng giềng, nước Nhật trở thành một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ và đặt nền tảng cho một cường quốc kinh tế sau này.

    Để phục hồi nước Nhật, chương trình viện trợ Marshall, Mỹ đã đổ vào nước Nhật hàng tỷ đô la, cùng với những ý kiến sáng suốt và những chương trình cải cách thiết thực xây đựng nước Nhật thuần túy về kinh tế và đời sống, nhờ vậy chỉ 25 năm sau chiến tranh nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Dĩ nhiên kết quả này phần lớn cũng do sự nỗ lực làm việc, sự hy sinh và tinh thần của dân tộc Nhật Bản.

    Thống Tướng MacArthur trừng phạt những tôi phạm chiến tranh nhưng chống lại việc đưa Nhật Hoàng Hirohito ra Tòa Án Quốc Tế như một tội phạm chiến tranh. Nhật Hoàng Hirohito, đứng ra nhận tất cả trách nhiệm về cuộc chiến và chấp nhận từ chức nếu Mỹ yêu cầu nhưng ông không đòi hỏi Nhật Hoàng từ chức. Tống Tướng thấy Nhật Hoàng là người được toàn dân Nhật tôn trọng nên ông muốn Nhật Hoàng được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Cảm kích tấm lòng đó nên danh xưng Shogun (Thiên Sứ, Tướng Quân) từ Nhật Hoàng khi nhật Hoàng đã tiếp xúc với ông qua 11 lần gặp mặt.

    Trong hồi ký “Reminiscences” của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill, 1964, ghi: “Sau lần ấy Nhật Hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng,và tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, và sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng”.

    Trong cuốn “12 Người Khai Lập Nước Nhật Hiện Đại” của Sakaiya Taichi, Tướng MacArtthur là người nước ngoài duy nhất, với tựa “MacArthur: Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”, ngay cả Thiên Hoàng Minh Trị (người khởi xướng phong trào Duy Tân) cũng không có tên trong danh sách này. Sách 12 chương với những nhân vật: Thái tử Shotoku,  Hikaru Genji, Minamoto Yoritomo, Oda Nobunaga, Ishida Mitsunari,  Tokugawa Ieyasu, Ishida Baigan, Okubo Toshimichi, Shibusawa Eiichi,  MacArthur – Thí nghiệm biến Nhật Bản thành “nước Mỹ lý tưởng”, Ikeda Hayato và  Matsushita Konosuke.

    Tác giả Sakaiya Taichi (1919-2007) được coi là chuyên gia hàng đầu về kinh tế, Thủ Tướng Obuchi mời vào làm Bộ Trưởng Kế Hoạch Kinh Tế… Trong 12 nhân vật, không ai là vị vua khai thiên lập địa, không ai là vị tướng tài đánh dẹp ngoại xâm, mà là những người đã đưa ra quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn luân lý, phong cách xử thế, đề cao giá trị tinh thần của người Nhật, trên lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội còn ảnh hưởng lớn tới ngày nay.

    Với nhưng công lao, đóng góp của Sứ Quân MacArthur từ tinh thần đến vật chất cho nước Nhật không thể nào kể xiết đã được ghi vào trang sử, lưu lại hậu thế.

    Nhà văn Sodei Rinjiro đã đọc hơn 10 nghìn thư của người Nhật, và chọn 120 bức thư thú vị, quan trọng để ấn hành cuốn sách mang tên “Tướng MacArthur thân mến: Những bức thư gởi từ người Nhật trong thời gian Mỹ chiếm đóng”, xuất bản năm 2001.

    Thủ Tướng Yoshida của Nhật (từ năm 1946 đến năm 1947 và từ năm 1948 đến năm 1954), nói: “Tướng Quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước đi trên con đường hòa bình. Tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”

    * Giữa vinh quang và nỗi đau

    Sau khi Đệ Nhị Thế Chiên chấm dứt, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai khu vực chiếm đóng quân sự do các hoạt động của Hoa Kỳ ở phía Nam và Liên Xô ở phía Bắc. Năm 1948, chính quyền miền Nam thành lập nhà nước Đại Hàn Dân Quốc theo chế độ dân chủ dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên theo chủ nghĩa cộng sản được thành lập dưới sự hỗ trợ của Liên Xô. Sau khi Trung Cộng cưỡng chiếm Trung Hoa năm 1949, Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc dẫn đến chiến tranh Triều Tiên.

    Quân đội Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của Thống Tướng MacArthur (rời Nhật Bản để sang Nam Hàn), nhanh chóng đẩy lui quân miền Bắc và truy đuổi đến tận sông Áp Lục, nằm trên biên giới Triều Tiên – Trung Quốc.

    Đầu tháng 10/1950, các lực lượng Liên Hiệp Quốc vượt qua biên giới tiến vào Triều Tiên. Quân Đoàn 10 của Mỹ đổ bộ lên Wonsan và Iwon, hai nơi quân Đại Hàn đã tấn công chiếm được trước đó. Các lực lượng còn lại của Mỹ sát cánh với quân Đại Hàn tiến quân theo phía bờ tây của Triều Tiên, chiếm được Bình Nhưỡng ngày 19/10 và đến cuối tháng, 135.000 binh lính Triều Tiên đã bị quân Liên Hiệp Quốc bắt làm tù binh.

    Tuy nhiên, Trung Quốc đã xua quân vượt sông Áp Lục và phản công quân LHQ. Trước đó, TT Truman đã cảnh báo MacArthur không nên khiêu khích Trung Quốc nhưng ông tự tin Bắc Kinh sẽ không can thiệp, dẫn đến thất bại sau đó. Tức giận trước việc Trung Quốc tham chiến, Tướng MacArthur vẫn tiếp tục đem quân sang bên kia sông Áp Lục, mở chiến dịch không kích các mục tiêu quân sự tại Trung Quốc. Tướng MacArthur muốn không kích vào khu vực Mãn Châu và từ biển Nhật Bản đến Hoàng Hải,… TT Truman lo ngại chiến dịch của Tướng MacArthur có thể châm ngòi cho Đệ Tam Thế Chiến vì vậy TT Truman quyết định tước chức tư lệnh của ông vào tháng 4/1951, dân Mỹ bị bất bình và phản đối dữ dội lên Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng với tinh thần người lính “thi hành trước, khiếu nại sau” nên Tướng MacArthur phải chấn hành mệnh lệnh.

    Trên đường từ Triều Tiên ghé lại Nhật và trở về cố hương sau khi bị TT Truman triệu hồi, cuộc chia tay cuối cùng giữ Nhật Hoàng và người dân như đã đề cập ở trên là điều không thể nào ngờ với vị Tướng xuất chúng, tài ba nhưng bị thất sủng.

    MacArthur trở về thủ đô Washington, ông xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng trong bài diễn văn chia tay bị gián đoạn với 30 lần hoan hô nhiệt liệt trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Trong lời cuối kết thúc diễn văn, ông nhắc lại lời bài hát đã có từ trước: “Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ mờ nhạt dần.” “Và giống như người lính già của bài hát đó, bây giờ tôi đóng lại đời binh nghiệp của tôi và mờ nhạt dần — một người lính già đã cố sức mình làm tròn bổn phận của mình khi Thượng đế ban cho tôi ánh sáng để tôi thấy được bổn phận đó. Xin tạm biệt.”

    Câu nói “Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ mờ nhạt dần” trở thành danh ngôn của vị Tướng xuất chúng còn mãi lưu truyền.

    MacArthur là danh tướng lẫy lừng nhưng bị cách chức trong chiến trận như mũi dao đâm thẳng vào trái tim!

    Dư luận cho rằng cuộc điều tra vào năm 1952 trong việc cách chức danh tướng của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ do Richard Brevard Russell, Jr. làm chủ tịch cũng có mục đích chính trị vì nếu “ứng cử viên tổng thống” MacArthur cho một cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sẽ dễ thành công. Trong hồi ký Reminiscences, MacArthur luôn nói rằng ông không có những tham vọng về chính trị.

    Trên chính trường Hoa Kỳ có những điều thường hay xảy ra và không bao giờ ngờ tới!

    Tướng MacCathur mất ngày 5/4/1964 tại Quân Y Viện Walter Reed ở tuổi 84. Ngày 7/4, linh cữu vị danh tướng được chuyển đến đồi Capitol ở Washington trong nghi thức quốc tang với sự tham dự của hơn 150.000 người và được an táng tại khu tưởng niệm Douglas MacArthur ở Norfolk, tiểu bang Virginia.

    Để tỏ lòng biết ơn, năm 1965, chính phủ Nhật tặng cho thủ đô Washington 3.800 cây anh đào trồng phủ kín xung quanh bờ hồ Tidal Basin, để hàng năm vào cuối tháng 3, hai thủ đô Tokyo và thủ đô Washington cùng bước vào mùa hoa anh đào, hàng triệu người đổ về, rạng rỡ đi dưới những tán hoa tươi thắm xóa đi nỗi đau chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc Nhật-Mỹ.

    Ngày 27/12/2016, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu tại Trân Châu Cảng. Bài phát biểu rất chân tình và cảm động. Nhìn nhận lỗi lầm của Nhật trong chiến tranh và biết ơn Mỹ không mang thù hận mà xây dựng lại nước Nhật.

    Trích:

    “Giờ đây, tôi đang đứng ở Trân Châu Cảng, Pearl Harbor, với tư cách là Thủ Tướng Nhật Bản. Khi lắng tai nghe, tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ và trở lại ngoài khơi. Mặt vịnh xanh và yên bình được chiếu sáng bởi ánh nắng mềm mại tỏa xuống từ mặt trời. Phía sau tôi, trên biển kia là khu tưởng niệm Arizona (Arizona Memorial) màu trắng…

    Giờ đây, đã 75 năm trôi qua, dưới con tàu Arizona nằm nghiêng dưới đáy biển sâu vẫn còn rất nhiều binh sĩ đang yên nghỉ. Khi lắng tai nghe với tất cả lòng mình, tôi nghe thấy tiếng của những người lính cùng với âm thanh của gió và của sóng.

    (Ghi chú: Con tàu Arizona là thiết giáp hạm USS Arizona (BB-39) của Hải Quân Hoa Kỳ hạ thủy vào ngày 19/6/1915. Arizona trang bị trang bị vũ khí hùng hậu với các dàn pháo và hai ống phóng ngư lôi. Ngày 7/12/1941 phi cơ Nhật tấn công vào Hạm Đội Thái Bình Dương, phá hủy con tàu làm thiệt mạng 1.177 người trong tổng số 1.400 thành viên thủy thủ đoàn).

    … Khi nghĩ đến sự thật nghiêm trọng ấy và cảm nhận sâu sắc nó, tôi đã không thể thốt nên lời. Hỡi những linh hồn, xin hãy ngủ yên! Tôi, với tư cách là đại diện cho quốc dân Nhật Bản đã thả hoa xuống biển nơi những người lính đang an nghỉ với cả tấm lòng thành.

    … Tôi, với tư cách là Thủ Tướng Nhật Bản, xin được gửi lời chia buồn chân thành mãi mãi tới linh hồn của những người đã bỏ mạng ở mảnh đất này, tới tất cả những người dũng cảm đã bỏ mạng bởi cuộc chiến tranh bắt đầu từ đây và cả linh hồn của vô số người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh.

    … Khi chiến tranh kết thúc, lúc Nhật Bản trở thành cánh đồng cháy trụi mênh mông và khổ sở trong tận cùng của nghèo đói, người đã không hề ngần ngại gửi đến thức ăn, quần áo là nước Mỹ và quốc dân Mỹ.

    Nhờ những tấm áo ấm và sữa mà quý vị gửi đến mà người Nhật đã giữ được sinh mệnh tới tương lai. Và rồi nước Mỹ cũng đã mở cho Nhật Bản con đường trở lại cộng đồng quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ, chúng tôi, với tư cách là một thành viên của thế giới tự do đã được hưởng thụ hòa bình và sự phồn vinh.

    Tấm lòng khoan dung rộng lớn, sự giúp đỡ và thành ý như thế của quý vị đối với người Nhật chúng tôi, những người đã từng đối đầu quyết liệt như kẻ địch đã khắc sâu trong lòng ông bà, bố mẹ chúng tôi.

    … Nhật-Mỹ, hai nước đã bỏ đi sự thù hận và nuôi dưỡng tình bạn, sự tin cậy dưới những giá trị chung lúc này có nghĩa vụ phải tiếp tục nói với thế giới về tầm quan trọng của khoan dung và sức mạnh của hòa giải…”

    (Nghĩ đến con người xứ người mà tủi nhục cho con người của đất nước chúng ta sau cuộc chiến!)

    * Shinzo Abe, người con ưu tú xứ sở Phù Tang

    Ông Shinzo Abe là Thủ Tướng lâu nhất của nước Nhật, trong thời gian cầm quyền Thủ Tướng Shinzo Abe đã hai lần từ chức vì lý do sức khỏe (2006 & 2007, 2012-2020). Với đức tính của vị lãnh đạo đất nước, ông cương quyết theo đuổi chính sách, đường lối đã hoạch định nhưng uyển chuyển, tế nhị để gây hòa khí với nhau nên gây được cảm tình trên chính trường.

    Ngày 8/7/2022, người dân Nhật bàng hoàng, xúc động khi nghe tin cựu Thủ Tướng Shinzo Abe Abe bị ám sát khi đang có bài phát biểu trong một chiến dịch tranh cử ở Nara, miền nam Nhật Bản.

    Thủ Tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị nổi tiếng tại Nhật Bản. Ông nội Kishi Nobusuke từng là Thủ Tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960. Chú của ông là Sato Eisaku cũng từng giữ chức vụ này từ 1964 tới 1972.

    Năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học Seike ở Tokyo, ông theo học cao học ngành khoa học chính trị tại UCLA (University of California, Los Angeles). Năm 1979, ông trở về Nhật Bản, tham gia đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) và được bầu vào Hạ Viện Nhật Bản năm 1993, từ đó sự nghiệp chính trị của ông tiếp tục trên chính trường đất nước nầy.

    Khi trở lại với cương vị Thủ Tướng, ông Shinzo Abe thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại quyết liệt hơn, nhằm “hồi sinh” Nhật Bản sau thời gian dài trì trệ về kinh tế.

    Về đối ngoại, Thủ Tướng Abe áp dụng đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sau khi nước này thử nguyên tử và áp dụng biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm tất cả tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản.

    Với Trung Cộng và Đài Loan, Nhật ủng hộ Đài Loan và đã nhiều lần đối đầu Trung Cộng trong âm mưu “Nhất Đới Nhất Lộ” của Tập Cận Bình trên Thái Bình Dương.

    Với Hàn Quốc, bóng ma trong quá khứ vẫn còn ám ảnh nạn nhân khi Nhật chiếm đóng. Tháng 12/2015, Tokyo và Seoul đạt thỏa thuận song phương về vấn đề “phụ nữ mua vui” làm nền tảng cho quan hệ Hàn-Nhật nhưng sau đó mối quan hệ song phương xuống mức thấp. Thủ Tướng Abe với các sáng kiến trao đổi văn hóa, giáo dục và kinh tế để hàn gắn vết thương trong quá khứ.

    Với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, với đường lối ngoại giao mềm mỏng và chân tình của ông về thương mại để xuất nhập cảng sau thời gian Nhật Bản suy thoái kinh tế…

    Chính sách đối ngoại của Thủ Tướng Abe đã đánh giá theo Viện Nghiên Cứu Lowy của Úc, cho rằng Nhật Bản “là lãnh đạo về trật tự tự do của châu Á”. Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institute of Southeast Asian Studies) năm 2020 đánh giá Nhật Bản là quốc gia đáng tin cậy nhất trong khu vực.

    Về đối nội, Thủ Tướng Abe cũng tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật Bản bằng cách thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á để đối phó với Trung Cộng tranh chấp trên biển và với Bắc Triều Tiên đe dọa vũ khí nguyên tử.

    Chương trình Abenomics của Thủ Tướng Abe với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tăng trưởng kinh tế để khuyến khích đầu tư tư nhân. Chính sách kích thích tài chánh nhằm giảm lạm phát, điều chỉnh lại sự nâng giá quá mức của yên Nhật, xây dựng trái phiếu chính phủ bởi ngân hàng Nhật Bản, sửa đổi lại đạo luật ngân hàng Nhật Bản… Quá trình thực hiện rất khó khăn, gây phản ứng cùa thành phần đối lập nhưng dần dà đã thực hiện được kế hoạch.

    Hỗ trợ kích thích kinh tế được chính phủ Nhật Bản sử dụng từ năm 2013, trị giá 20,2 nghìn tỷ yên (tỷ giá một đô la khoảng 125 yên – JPY – vào thập niên 2010), trong đó có 10,3 nghìn tỷ yên xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng (cầu, đường hầm và đường chống động đất). Nhật Bản công bố thêm ngân khoản kích thích 5,5 nghìn tỷ yên vào tháng 4/2014 và ngân khoản kích thích trị giá 3,5 nghìn tỷ yên sau cuộc bầu cử tháng 12/2014. Giai đoạn 2015 – 2017, do kinh tế phục hồi chưa được như kỳ vọng nên Nhật Bản tiếp tục duy trì thâm hụt ngân sách và tiếp tục thực hiện các ngân khoản kích thích.

    Tháng 8/2016, chính phủ Nhật Bản thông qua ngân khoản kích thích trị giá 28.100 tỷ yên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội; Tháng 10/2016, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn ngân khoản kích thích thứ hai trong năm 2016 trị giá hơn 4.000 tỷ yên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Tháng 3/2017, Quốc Hội Nhật Bản thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2017 trị giá 97.400 nghìn tỷ yên với mục tiêu tiếp tục tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, quốc phòng và những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Sau 5 năm (2013-1018) kể từ khi Thủ Tướng Abe lên nắm quyền và thực thi chính sách Abenomics, nền kinh tế Nhật Bản đã trở nên mạnh hơn nhưng vẫn chưa hoàn thành như ý muốn và  những thách thức phía trước… Trong thời gian năm 2019, 2020 nạn dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, các nước trong cơn khủng hoảng vì lo đối phó với nạn dịch, phải ngăn ngừa bệnh dịch lây lan… phải “bế quan tỏa cảng” nên Nhật cũng rơi vào quỹ đạo nầy, kế hoạch Abenomics bị trì trệ.

    Đối với nền kinh tế Nhật Bản, dù tỷ lệ nợ công ở mức trên 200% GDP, nhưng vẫn được đánh giá là nền kinh tế ổn định. Phần lớn nợ công của Nhật Bản thuộc về tay chủ nợ nội địa (các công ty trong nước và người dân Nhật Bản nổi tiếng về tiết kiệm trên thế giới). Chẳng hạn Mỹ là chủ nợ khoảng 30.000 tỷ đô la nhưng vẫn là cường quốc kinh tế số một trên thế giới.

    Điều quan trọng, với ngân khoản của chính phủ bỏ ra hỗ trợ lớn lao như vậy của chính quyền được tin tưởng vì không xảy ra tình trạng tham những, bè phái, đặc quyền đặc lợi cho tham quan. Đó là vết son cho đất nước này. Với Việt Nam, “đi với ma mặc áo giấy” nên chương trình ODA (Official Development Assistance) lãi suất thấp, một phần viện trợ, thời hạn cho vay lâu dài để xây dựng hạ tầng cơ sở… đã xảy ra những trò hối lộ, tham những… khi giới truyền thông phanh phiu, những tay dính chàm của Nhật bị trị thẳng tay nhưng ở Việt Nam vẫn “bình chân như vại”.

    Cố Thủ Tướng Shinzo Abe trở về với cát bụi, thi hài của vị lãnh đạo Nhật Bản được hỏa táng tại nhà tang lễ Kirigaya ở Tokyo.

    Sáu thập niên về trước, người Nhật tiễn đưa Sứ Quân MacArthur trở về cố hương, sáu thập niên sau người Nhật vĩnh biệt cố Thủ Tướng Shinzo Abe trong niềm thương tiếc.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon 7/2022

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN HOÀNG ĐẠO

    Nhà Văn Hoàng Đạo (1907-1948)

    Nhà văn Hoàng Đạo là thành viên trong Tự Lực Văn Đoàn (năm 1933, Nhất Linh thành lập gồm có Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ…) và trong gia đình của cụ Nguyễn Tường Chiếu húy Nhu (thân phụ là Nguyễn Tường Tiếp làm Tri Huyện ở Cẩm Giàng) và bà Lê Thị Sâm với các người con: Nguyễn Tường Thụy (1903-1974), Nguyễn Tường Cẩm (1904-1947), Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) (1906-1963), Nguyễn Tường Tư tức Long (Hoàng Đạo) (1907-1948), Nguyễn Thị Năm tức Thế (1909-1997), Nguyễn Tường Sáu tức Lân (Thạch Lam) (1910-1942), Nguyễn Tường Bẩy tức Bách (1916-2013), Nguyễn Tường Bách tuy là bác sĩ nhưng thời trai trẻ theo bước đường văn chương và chính trị với 3 người anh nên sống lưu lạc ở Hoa Lục (1946-1988), khi định cư tại Canada và Hoa Kỳ, lấy bút hiệu là Viễn Phương, ấn hành nhiều tác phẩm.

    Viết về tiểu sử các nhà văn trong gia đình Nguyễn Tường ngoài các nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà báo từ thập niên 40… trải qua nhiều thập niên với thế hệ hâu duệ từ trong nước đến hải ngoại. Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có dòng họ nào được tiếp nối qua nhiều thế hệ như vậy. Ngoài bút hiệu Tứ Ly, trong các tác phẩm của Hoàng Đạo do các nhà xuất bản Đời Nay, Sống Mới, Khai Trí ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn đều ghi tiểu sử của Hoàng Đạo. Đạo hiệu: Phúc Văn, bút hiệu khác là Tường Minh nhưng không thấy nhắc tới.

    Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của bà Nguyễn Thị Thế, dày 252 trang, ấn hành năm 1974 ở Sài Gòn, là tài liệu văn học chính xác để sưu tầm. Bà là thân mẫu của nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (1932-2021) và nhà văn Thế Uyên Nguyễn Kim Dũng (1935-2013). Trong hồi ký bà ghi rõ nguyên quán ở cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam. Với cái bóng của những cây đại thụ trong văn chương cũng là niềm hãnh diện của người dân xứ Quảng nhưng trước năm 1975 ở miền Nam VN, những bài viết của các cây bút nơi quê nầy ít đề cập đến gốc gác, với tôi, có lẽ đó là đặc tính của người dân xứ quảng không “kể lể” để “bắt quàng làm họ” với những nhà văn nổi danh, không sinh ra trên mảnh đất quê nhà.

    Trong bài viết Nhất Linh, Ngọn Đuốc Soi Đêm của tôi năm 2006. Sau nầy đăng trong quyển Nhân Văn & Tình Sử năm 2015 (trang 221-242) có đề cập: “Sau gần bốn chục năm (1963-2001), con cháu trong gia tộc Nguyễn Tường đã đưa di cốt nhà văn Nhất Linh ở Sài Gòn và vợ ở Pháp trở về nguyên quán. Trong bài Nắm Cỏ Đưa Về Tấc Đất Xưa của nhà văn Phạm Phú Minh trong tạp chí Thế Kỷ 21 (tháng 7-2002) đã ghi:

    “… Theo anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn cho biết thì năm 1975, chính quyền cộng sản giải tỏa nghĩa trang chùa Giác Minh ở Thông Tây Hội (Gia Định), anh Nguyễn Tường Thạch là là con trai Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro  tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu tại quận Ba, Sài Gòn. Năm 1982 bà Nguyễn Tường Tam (Phạm Thị Nguyên) sang Pháp đoàn tụ với con, nhưng cũng trong năm nầy bà qua đời, được an táng tại nghĩa trang ở Pháp.

    Năm 2001, các người con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ ông bà và của người con gái lớn là chị Thư về Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường… Ngày 28 tháng 4, 2001 cử  hành lễ chôn cất các di cốt tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. Mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam nằm gần mộ cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập ngiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được mang về an táng tại quê nhà…”. Và từ đó, nhà từ đường Nguyễn Tường ở Hội An được lưu trữ rất nhiều về tài liệu văn học của dòng họ Nguyễn Tường. (Để tìm hiểu thêm, tôi email cho các cháu và được biết chỉ lưu trữ về tài liệu văn học, ít có tài liệu về chính trị như Việt Nam Quốc Dân Đảng).

    Hoàng Đạo lập gia đình năm 1933 với bà Marie Nguyễn Bình (1913-1975). Trong cuốn Hồi Tưởng, ấn hành năm 2021, trang 198, nhà văn Từ Dung ghi: “Tôi có hai người anh và một người chị. Chị lớn tên là Nguyễn Minh Thu, người anh thứ hai là Nguyễn Tường Ánh, anh thứ ba là Nguyễn Lân. Tôi là con út ...”. Trưởng nữ Nguyễn Minh Thu, sinh năm 1934, thân mẫu của Đặng Thơ Thơ, trưởng nam Nguyễn Tường Ánh, sinh năm 1935, thứ nữ Nguyễn Lan, sinh năm 1937 và thứ nữ Nguyễn Từ Dung, sinh năm 1946 …”

    Bà quả phụ Hoàng Đạo mang con cái vào Nam, nhà giáo Nguyễn Lân tiếp nối nghiệp văn của gia đình Nguyễn Tường và thân phụ Hoàng Đạo, với tuyển tập truyện ngắn Sôi Nổi và truyện dài Tìm Một Cõi Về (Ra mắt tác phẩm nầy vào chiều Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010, tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Herald). Tác phẩm Hồi Tưởng của Từ Dung ấn hành năm 2020 và vừa ra mắt sách vào trưa Chủ Nhật, 15 tháng Năm, 2022 tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Theo lời nhà văn Ngọc Cường, anh họ của tác giả Từ Dung cho biết: “Tác phẩm này được viết theo dạng hồi ký, nội dung sách nói về đời thật và người thật của tác giả và gia đình. Đây là một tuyển tập gồm nhiều bài mới và cũ, từng được đăng trên các tạp chí văn chương ở hải ngoại”.

    Trong Kỷ Yếu Phong Hóa Ngày Nay & Tự Lực Văn Đoàn, ấn hành năm 2013 ngoài bài viết Khái Niệm Về Hoàng Đạo, Ba Tôi của Minh Thu, trang 80, chỉ để cập thoáng qua tâm tính của phụ thân và tình cảm với con cái. Ngoài ra có bài viết của nhà văn Đặng Thơ Thơ (cháu ngoại Hoàng Đạo) trang 150 và Từ Dung trang 212.

    Theo bài viết của Đặng Thơ Thơ: “Cuối năm 1940 vì tổ chức đảng Đại Việt Dân Chính chủ trương xây dựng lực lượng, lợi dụng các biến cố quốc tế để đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ triều đình Huế xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ; nên ông cùng các đồng chí bị Pháp bắt giam và đưa đi đày tại trại an trí Vụ Bản thuộc châu Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Năm 1943 thực dân Pháp giải ông về quản thúc tại Hà Nội. Tháng 6 năm 1946 sau khi lực lượng cách mạng dân tộc bị kiệt quệ trong một cuộc nội chiến chống Việt Minh cộng sản, ông cùng các chiến sĩ Quốc Dân rút sang Trung Quốc. Trú ở Côn Minh rồi sang Quảng Châu, thời gian này ông tập trung nghiên cứu tìm một chính thể và mô hình xã hội thích hợp để áp dụng tại Việt Nam. Ông qua đời đột ngột trên chuyến xe lửa Hương Cảng – Quảng Châu ngày 22 tháng 7, 1948, thi hài an táng tại trấn Thạch Long. Sau này dưới thời kỳ cải cách ruộng đất Trung Quốc giải tỏa nghĩa trang làm khu dân sinh và mộ phần của ông bị san bằng không còn dấu vết”.

    Trong Hồi Ký của bà Nguyễn Thị Thế về Cái Chết Của Hoàng Đạo, trang 135, trong đó ghi: “Khi anh Tư mất (16.6 năm Mậu Tý, ngày 22 tháng 7, 1948), mẹ tôi đang ở chùa Hai Bà. Mẹ tôi nhờ nhà chùa làm mâm cỗ chay để cúng và làm lệ phát tang. Một năm sau (*?) chị Tư sang thăm mộ. Cũng may hồi đó Trung Hoa chưa là cộng sản nên đi lại dễ dàng, chôn ở nghĩa trang Thạch Long”.

    Trong bài viết Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách & Tôi của nhà văn Ngô Thế Vinh về hai quyển hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua của tác giả Nguyễn Tường Bách ấn hành năm 1998, 2000, hồi ký Nguyễn Tường Bách & Tôi của bà Hứa Bảo Liên (vợ Nguyễn Tường Bách) ấn hành năm 2005, ghi lại vào thời điểm đó khi bà nhận được tin có một người Việt Nam đột ngột chết trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu. Ông hành khách ấy đột ngột gục xuống ngay chỗ ngồi trên toa xe lửa khi đang xem báo. Không có cách gì cứu chữa; xác đã được đưa xuống ga Thạch Long.

    Tôi về kể lại, mọi người đều chột dạ, nhưng lại tự an ủi là người Việt họ Nguyễn thì nhiều, không chắc có phải là anh Long. Nhưng hôm đó mọi người đều thắc mắc lo âu. Sáng hôm sau, tôi lại ra chợ, lần này thấy bà chủ tiệm hình như đang đợi tôi, Thấy tôi bà nói luôn: có người sang nói, người mất trên tàu tên là Nguyễn Phúc Vân (đấy là tên hiệu của anh Long ít người biết). Tôi không để bà ta nói hết, quẳng ngay chiếc rọ, chân dép chân đất, tất tả chạy về. Sau khi nghe tôi kể lại, mọi người đều im lặng, nhưng nước mắt đã tràn xuống… Sau một thời gian ngắn, anh Bách chạy về nói với tôi: ‘Sáng sớm mai, mọi người phải đi, song trong nhà không ai có đủ tiền, mà cũng không biết phải dùng hết bao nhiêu. Nay em sang Quảng Châu vay cô Bình 500 đồng HK (khoảng 60 USD, theo thời giá lúc ấy 1 USD tương đương với 8 HKD), nếu cô ta không có thì nhờ vay hộ, xong việc sẽ trả ngay. Tôi biết số tiền này rất cần, nhưng số tiền lớn như vậy, tương đương với hai lạng vàng, không biết có thể vay được không?

    Sáng hôm sau, các anh dậy sớm lên đường. Tôi vì có con mọn nên các anh khuyên tôi ở lại coi nhà… Hai hôm sau, các anh trở về, người nào người nấy bơ phờ như kẻ mất hồn, hai mắt đỏ hoe. Thật không có gì đau thương bằng trong lúc lưu vong, lại xảy ra sự sinh ly tử biệt này! Anh Bách có cho tôi biết, khi mở quan tài, mọi người đều khóc không ra tiếng, cảnh tượng này không bao giờ quên được. Còn hành lý và giấy tờ trong người anh Long đã được nhà ga trao trả thân nhân chu đáo

    Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi Ký cuốn hai của Nguyễn Tường Bách, ấn hành 2000 tại Hoa Kỳ, ghi:

    “… Khi tới nơi, mở nắp quan tài thì mặt người chết đã sưng phù biến dạng nhưng mọi người nhận ngay ra đó là anh Long vì còn nguyên bộ đồ áo tây mà anh vẫn thường mặc. Mọi người đau buồn nhưng người đau đớn nhất là anh Tam. Mấy anh em chỉ còn biết chung tay đào một mộ huyệt sơ sài cho anh Hoàng Đạo, cắm mấy nén hương cuối cùng và một bia đá được đặt trang nghiêm trên đầu mộ, với mấy dòng chữ:

    Nguyễn Tường Long

    Người Việt Nam

    Sinh năm 1906*, mất năm 1948

    Yên nghỉ nơi đây

    (*) Năm sinh đúng của Hoàng Đạo là 1907 tức năm Đinh Mùi nhưng khai sinh ghi 1906.

    Một tháng sau (*?) thì chị Nguyễn Tường Long cùng con gái Minh Thu sang thăm mộ, chị đã khóc rất thảm thiết. Sau đó chị Long ra thẳng Hồng Kông, Hứa Bảo Liên thì về lại Quảng Châu. Và đó cũng là lần chia tay vĩnh biệt giữa hai chị em.

    Trong bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh ghi lại nhiều chi tiết về cuộc tình của BS Nguyễn Tường Bách và cô gái người Hoa là Hứa Bảo Liên. Cuộc hành trình đầy gian nguy của các nhà cách mạng trong VNQDĐ từ Việt Nam sang Côn Minh, Quảng Châu… qua các tác phẩm của Nguyễn Tường Bách đã ghi lại giai đoạn lịch sử quan trọng.

    (Tuyển tập II Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của Ngô Thế Vinh, ấn hành năm 2022, dày 540 trang, bài viết trang 31-72).

    (Ghi chú thêm: (*?) một tháng & một năm, có sự khác biệt về thời gian).

    Các thành viên trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn (năm 1933, Nhất Linh thành lập gồm có Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ…)

    Tuyển Tập Tự Lực Văn Đoàn & Các Cây Bút Hậu Duệ do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian thực hiện đã ra mắt vào trưa Chủ Nhật, 15 tháng Chín, năm 2019 tại Lecture Hall của đại học CSU Long Beach. Tuyển tập dày gần 500 trang với 35 tác giả. Trong buổi ra mắt tuyển tập có bài tham luận Hoàng Đạo Như Một Ẩn Số của Đặng Thơ Thơ. Nhân đây trích những dòng chính:

    “… Tuy Hoàng Đạo là lý thuyết gia kiêm bộ óc tham mưu của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), đa số chúng ta chỉ biết đến Hoàng Đạo không nhiều qua số tác phẩm đã được xuất bản và đưa vào chương trình Việt văn lớp Đệ Nhị (tức lớp 11) của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 gồm truyện dài Con Đường Sáng và tập tiểu luận Mười Điều Tâm Niệm.  Những tác phẩm khác đã xuất bản của ông gồm tập truyện ngắn Tiếng Đàn, cuốn phóng sự dưới dạng đối thoại Trước Vành Móng Ngựa về những vụ xử án thời Pháp thuộc khi Hoàng Đạo làm tham tá lục sự trong các toà Tây án ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc, và tập tiểu luận Bùn Lầy Nước Đọng rất ít được nhắc tới vì (1) vừa xuất bản đã bị thực dân Pháp thu hồi năm 1938, và (2) nội dung quá cấp tiến về phương diện nông thôn nên các chính quyền quốc gia từ Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đa số gồm địa chủ có quyền lợi ngược với nông dân nghèo đều không muốn nhắc tới nhiều (theo Thế Uyên, trong “Đọc và Đặt Lại Vị Trí Hoàng Đạo”, Thế Kỷ 21, số 199 chuyên đề Hoàng Đạo).

    … Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã có những đánh giá sai hoặc phiến diện về Hoàng Đạo, do không đọc, nghiên cứu đầy đủ những tác phẩm và sự nghiệp viết của ông. Bắt đầu từ Vũ Ngọc Phan với những đánh giá sai lạc và những nhà phê bình đi sau cứ tiếp tục dựa vào, giữ nguyên, hoặc có thái độ cực đoan như Nguyễn Văn Xuân…

    … Dưới chế độ cộng sản hiện hành, vẫn tiếp tục có một sự lãng quên cố tình của giới phê bình văn học mỗi khi nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn và bỏ qua vai trò cột trụ của Hoàng Đạo. Điều này cũng dễ hiểu, vì TLVĐ, hơn là một tập hợp những người làm văn chương, thực ra nhắm đến một vận động cách mạng cấp tiến về các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng với mục tiêu cuối cùng là cứu quốc và giải phóng dân tộc… Và hơn ai hết, Hoàng Đạo là người thực hiện triệt để các phương thức đấu tranh chống thực dân với những bài nghị luận hàng tuần, trong suốt mười năm làm báo. Ông trực diện đả kích, chất vấn, đưa ra yêu sách với chính quyền thực dân. Trong mục tiêu gây dựng một phong trào văn hóa để tiến tới giải phóng quốc gia, những bài viết của Hoàng Đạo trên Phong Hóa và Ngày Nay là mũi nhọn khai phá nhằm trang bị kiến thức chính trị, xã hội, luật pháp cho dân chúng, tạo một ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp sinh viên, học sinh, trí thức trẻ thời đó… Và tất nhiên, những người cầm quyền trong nước bây giờ, kế thừa của Việt Minh ngày trước, không chấp nhận sự có mặt và công sức của những người trí thức cách mạng như Hoàng Đạo, thuộc những đảng phái khác mà họ đã ra sức tiêu diệt bằng mọi thủ đoạn…

    … Để kết luận, mỗi con người mang trong mình những ẩn số của lịch sử, của những thế hệ trước đó. Hoàng Đạo là ẩn số thì tôi cũng là sự tiếp diễn của ẩn số Hoàng Đạo. Giải một ẩn số là điều cần thiết để mình không là một ẩn số cho những thế hệ sau. Việc chúng ta làm ngày hôm nay là một phần đáng quý trong nỗ lực giải những bài toán quá khứ” (ĐTT)

    Có lẽ bài viết đầu tiên của Đặng Thơ Thơ: Hoàng Đạo – Tiểu Sử & Sự Nghiệp Văn Hóa phổ biến vào ngày 22 tháng 7, 2008 (ngày mất của ông ngoại) và kế tiếng với các bài viết về ông ngoại.

    Nay, nhân ngày mất 74 năm của nhà văn Hoàng Đạo, tôi viết để tưởng nhớ nhà văn, nhà báo, nhà tư tưởng trong Tự Lực Văn Đoàn… có công lớn trong việc cải cách xã hội, nhân sinh và tiền đồ dân tộc.

    Viết về nhà văn, theo tôi, mà không đề cập đến các tác phẩm để dẫn chứng văn nghiệp, chỉ nêu ra tiều sử có lẽ là điều thiếu sót. Đôi khi sưu tầm trên internet với vài sai sót, thiếu kiểm chứng nhưng cũng đề cập. Hơn nữa, có nhiều bài viết không trích dẫn nguồn tài liệu và tác giả đã đề cập nên dễ có sự nhầm lẫn.

    Trong quyển Nhà Văn Hiện Đại của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan năm 1942 (ấn bản lần thứ III, Sống Mới, gồm 3 quyển trong 5 quyển). Quyển Ba, Phần Tiểu Thuyệt Luận Đề với Hoàng Đạo (trang 909-916) có trích vài đoạn trong quyển Trước Vòng Móng Ngựa và vài câu trong Con Đường Sáng. Và, bốn câu kết: “Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghị luận, về châm biếm hơn là tiểu thuyết; ở hai loại trên ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn ở loại tiểu thuyết, ông không được giàu tưởng tượng cho lắm”.

    NHỮNG TÁC PHẨM CỦA HOÀNG ĐẠO:

    * Mười Điều Tâm Niệm

    Mười Điều Tâm Niệm của Hoàng Đạo đăng trên tuần báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (từ số 25 ngày 13-9-1936 đến số 41 đầu năm 1937) sau đó được in thành sách năm 1939. Quyển sách nầy do Xuân Thu xuất bản ở Mỹ, trong ấn bản photocopy, dày 76.

    Lời Nói Đầu: “… Cõi đời cũ, cõi đời cằn cỗi, đọng lại như nước ao tù từ mấy ngàn năm xưa của phái thủ cựu đã đi vào nơi tiêu diệt như đêm tối tan đi trước ánh sáng của vầng thái dương.

    … Trong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới. Những tư tưởng, những nguyên tố ấy, ta có thể gồm lại đúng mười điều, mười điều tâm niệm”.

    Nội dung với tóm tắt qua trích dẫn trong Mười Điều Tâm Niệm:

    Điều Tâm Niệm Thứ 1. Theo Mới

    “Văn hóa cũ chỉ còn rớt lại trong những tập tục một ngày một ít và ở trong óc của phái ‘trung dung’. Phái này ở trong nước ta rất thịnh hành và cũng rất có quyền thế. Họ nêu ra cái thuyết dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới, lời lẽ nghe ra có vẻ uyên thâm lắm…

    … Không nên ngã lòng vì những điều trở ngại, và lúc nào cũng ngờ rằng sau lưng ta, bao giờ cung có một số đông người cùng một ý tưởng muốn theo mới như ta ủng hộ, khuyến khích”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 2. Tin Ở Sự Tiến Bộ.

    “Có tin ở sự tiến bộ, ta mới có thể lo hành động để đi tới sự tiến bộ được. Lòng tin ấy, không phải là ai cũng có cả… Vậy theo những người yếm thế ấy, không còn mong dìu dắt họ đến con đường đầy ánh sáng của văn hóa Tây phương được.

    … Đời ta đương sống hiện thời là một đời khoa học: cố cương cường mới sinh tồn được còn nhu nhược ắt phải lần hồi đào thải. Ta phải nỗ lực đi với cuộc đời khoa học ấy, đặng tỏ ra rằng ta cũng đáng sinh tồn”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 3. Sống Theo Một Lý Tưởng.

    “… Cần phải có một lý tưởng để soi sáng cả đời ta, sự thật đã rõ ràng hiển nhiên. Nhờ lý tưởng, ta sẽ được an ủi những khi thất vọng, ta sẽ hăng hái nhiệt thành đối với những việc đáng làm, đời của ta sẽ có nghĩa…

    … Lý tưởng phải hợp với những tính tình cao thượng, những chí hướng bàng bạc trong linh hồn ta”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 4. Làm Việc Xã Hội.

    “… Đời này là đời của người sống, đời của cá nhân hay nói cao hơn một bậc nữa, là đời của đoàn thể, đoàn thể hiểu theo nghĩa rộng. Cá nhân đương giải phóng, cá nhân đương thoát ly những chế độ bó buộc lùa người ta đi vào con đường nhỏ, hẹp, bùn lầy. Cá nhân cần phải tự mình kết đoàn, gom tài gom sức để cùng đưa nhau đến thế giới rộng rãi của khoa học…

    … Ta không thể một ngày sao lãng được sự cần thiết ấy. Ta cần phải dạy lẫn nhau, và đem điều sở đắc truyền cho những người chung quanh biết. Như vậy, những thanh niên hủ bại, những cặn bã xưa, những sự tối tăm ngu xuẩn sẽ tan đi, để chỗ lại cho ánh sáng”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 5. Luyện Tính Khí.

    “… Tính khí phải luyện nên cương cường quả quyết. Phải tập ý chí cho mạnh mẽ linh hồn thành rắn rỏi. Ta phải tự sai khiến được thân thể ta, định được dục vọng của ta, chỉnh được tâm ta, rồi mới có thể sai khiến được người khác, cải tạo được xã hội…

    … Ta sẽ không sợ ai, không sợ, thực là một đức tính quý hóa nhất cho dân tộc ta… Ta phải đặt nhân phẩm lên trên những nỗi đau đớn.

    … Không sợ, không nịnh; không ghét, vui vẻ và quyết đoán, luyện được ngần ấy đức tính, dân tộc ta sẽ có can đảm của người Nhật, ý chí của người Anh, nước ta sẽ là một nước có diễm phúc tuyệt vời vậy…

    Vậy ta cần phải luyện tính khí để luôn luôn giữ được giá trị của con người.

    Điều Tâm Niệm Thứ 6. Phụ Nữ Ra Ngoài Xã Hội.

    “… Ngày xưa, chị em bị áp chế dưới quyền của đàn ông. Bao nhiêu việc nặng nhọc, cực khổ, chị em phải gánh lấy. Ở nhà quê thì cấy lúa, giã gạo, ở tỉnh thành thì buôn bán để đức ông chồng dài lưng hoặc “vuốt râu nịnh vợ con bu nó” hoặc “tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang”. Ở hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, cũng là sống để mà phụng sự người đàn ông cả…

    … Chị em phải quả quyết bước qua ngưỡng cửa gia đình mà làm các công việc xã hội. Chị em cần phải mạnh bạo hơn chút nữa, gom tài, gom sức để lập hội học, hội thể dục, hội cứu tế, đoàn hướng đạo… và những công cuộc khác bọn nam giới đương theo đuổi”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 7. Luyện Lấy Bộ Óc Khoa Học.

    “… Ta cần phải luyện lấy bộ óc khoa học. Nên tin ở sự mầu nhiệm của khoa học và đem điều sở đắc tuyên truyền cho những người chưa biết cho đến bao giờ mọi người coi là một sự hiển nhiên rằng mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân. Nguyên nhân ấy không phải là do ý chí dị thường của những ông thần ác nghiệt, hung hãn, nhỏ nhen mà ra, nhưng chính là sự phát huy của một luật thiên nhiên, tìm tòi những luật thiên nhiên, dùng những luật ấy để giúp đời, đó là nhiệm vụ của khoa học, khiến cho ta ra khỏi làm nô lệ quỷ thần, mà đem quỷ thần – hiểu theo nghĩa thông thường – làm nô lệ cho ta, đó là nhiệm vụ của khoa học…

    Ta phải luôn luôn nhớ rằng thiếu bộ óc khoa học, không thể có tiến bộ được”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 8. Cần Sự Nghiệp, Không Cần Công Danh.

    “… Người xưa nhầm công danh với sự nghiệp… Sự thực, thanh niên thuở xưa hám công danh mà không hám sự nghiệp…

    … Tuy nhiên, không phải là thanh niên ta không được nghĩ đến công danh, nhưng không bao giờ ta nên quá lo đến. Không bao giờ ta nên để công danh lên trên tất cả mọi sự, trên cả nhân phẩm, trên cả luân lý, như nhiều người tự xưng là thượng lưu trong xã hội ta”.

    Điều Tâm Niệm Thứ 9. Luyện Thân Thể Cường Tráng.

    “… Ta phải luôn luôn nhớ rằng, điều cốt yếu thứ nhứt là luyện lấy sức khỏe, rồi đến luyện tính khí cho cương cường, lên từng trên nữa mới là việc mở mang trí khôn.

    … Công việc của thanh niên, là tự luyện lấy thân thể cho cường tráng và hô hào người chung quanh theo gương để đi đến những thành tích vẻ vang của người Đức, của người Mỹ, của người Nhật”

    Điều Tâm Niệm Thứ 10. Cần Có Trí Xếp Đặt.

    “… Ở các nước Âu, Mỹ, họ làm việc có phương pháp nhất định. Trong một công cuộc chung, những phần tử đều có quyền hạn rõ ràng, có trách nhiệm phân minh, những phần tử ấy đều cùng hoạt động nhịp nhàng để mưu đoạt mục đích chung.

    Phương pháp tổ chức và xếp đặt ấy là sức mạnh của người Âu trong các công cuộc vĩ đại. Phương pháp đó lại là một điều nhu cầu cho ta, mà hiện ta đương thiếu. Vì sự thiếu thốn đó, mà những công cuộc cải cách không có kết quả tốt đẹp.

    Vậy, cái tinh thần luộm thuộm cẩu thả của phần đông dân ta hiện thời, ta phải coi như một người thù lớn. Ta cần phải cố tự luyện, tự tu, để đối chọi với cái tinh thần ấy và hết sức đem phương pháp xếp đặt áp dụng vào các công cuộc chung của ta mới mong có kết quả rực rỡ được”.

    Với Mười Điều Tâm Niệm, kể từ khi đăng trên báo cho đến nay đã 86 năm, tuy thời gian đã lâu nhưng với tuổi trẻ hiện nay ở trong nước với Những Điều Tâm Niệm với tinh thần tự lập, tự chủ, cuộc sống lành mạnh, trong sáng, biết phục vụ xã hội… nên học hỏi và dấn thân.

    * Trước Vành Móng Ngựa

    Trước Vành Móng Ngựa (phóng sự, Đời Nay, Hà Nội, 1938), dày 174 trang, gồm 52 bài viết ngắn. Đây là tác phẩm đầu tay viết về nơi xảy ra “đáo tụng đình”.

    Vào thời đó, Hoàng Đạo đỗ cử nhân Luật, Tham Tán Lục Sự nên sở trường viết về 52 phiên tòa được tác giả ghi nhận nơi tòa án xét xử nói lên thực trạng xã hội từ cái nghèo và dốt với sự bất công giữa kẻ giàu, quyền thế và dân đen… khi xét xử. Mỗi bài ngắn gọn với 3, 4 trang sách, phiên tòa khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có quan tòa, đôi khi có thông ngôn, nguyên đơn và bị can… qua vài câu hỏi và trả lời rồi kết án. Những dòng chót với nhãn quan của người viết mỗi phiên tòa. Tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc.

    Nghèo dẫn đến phạm tội như: Hối Hận, Nhẫn Nhục, Cơm Thừa…

    – Điển hình như trong Nhẫn Nhục với phiên tòa bị cáo Nguyên Hân làm cu li xe, thuê xe cai Thìn. Nguyễn Hân không kiếm ra tiền nên bỏ xe nơi phố vắng. Khi cai Thìn tìm được xe, thấy mất áo tơi, cai Thìn “sue” Nguyễn Hân ra tòa.

     “Nguyễn Hân, áo nâu cộc vá vai, lê đôi guốc vỡ ra trước vành móng ngựa. Mặt xám đen, hốc hác, tóc hoa râm: trông những vết răn trên trán, ta có thể đoán phỏng được cái đời lam lũ, vất vả của người cu li xe đã gần hết đời làm nô lệ miếng ăn.

    Viên Thông Ngôn:  Bỏ guốc ra! Trong tòa ai cho phép đi guốc!

    Ngơ ngác, Nguyễn Hân nhìn viên thông ngôn một cách sợ hãi, như đương đem hết trí khôn ra để hiểu tại làm sao đi giầy tây lộp cộp vào tòa thì đi được, mà kéo guốc vào tòa lại cấm…

    Viên Thông Ngôn (gắt):  Súc vật! Sao không bỏ guốc ra?

    Sợ sệt e dè, Nguyễn Hân cúi đầu trước câu chửi rủa, lẳng lặng bỏ đôi guốc ra, rồi cúi xuống cầm lên. Lúc đó, trên nét mặt Hân hiện ra vẻ nhẫn nhục vô cùng, nhẫn nhục như cái kiếp sống đầy đọa của anh ta.

    Ông Chánh Án:  Nhưng vì cớ gì anh bỏ xe?

    Nguyễn Hân:  Bẩm con kiếm không đủ tiền thuế, nếu đem về trả thì anh cai anh ấy đánh con chết mất. Con đi từ hai giờ chiều, đến tối mịt mới được hai cuốc xe. Suốt đêm kiếm thêm được có hai hào thì con biết làm thế nào?

    Khóe mắt hơi đỏ, Nguyễn Hân vừa kể lể, vừa hồi tưởng lại cái cảnh tình đau đớn của một người phu xe kiếm không đủ trả tiền cai, buồn bã, lo lắng, sợ hãi cái người chỉ việc ngồi rồi đợi tiền mồ hôi nước mắt của người khác đem đến nộp.

    Ông Chánh Án:  Hai mươi ngày tù.

    Lẳng lặng, Nguyễn Hân cúi đầu trở ra, tay vẫn xách đôi guốc, trên nét mặt thấy hiện ra lòng nhẫn nhục lúc này đã thoáng qua, lòng nhẫn nhục không bờ bến của hạng người đã quen chịu đựng những điều đau đớn, tủi nhục mà họ không hiểu tự đâu họ phải chịu”.

    Các phiên tòa khác về tệ nạn xả hội như Chai Nước Hoa, Tòa Thương, Một Người Lương Thiện, Tử Tế…

    – Tử Tế

    “Đứng trước tòa một chị đỏ tròn như hạt mít: Trong khuôn mặt tròn, lộ ra cặp mắt tròn, cái mũi tròn và hai cái má tròn vẻ thật thà ngây thơ trong bộ quần áo nâu sạch sẽ, tinh tươm.

    Ông Chánh Án (nghiêm nghị):  Chị bị buộc vào tội ăn cắp của chủ, một tội rất nặng chị có nhận không?

    Thị Vân: Bẩm, con không ăn cắp.

    Ông Chánh Án: Lại còn kêu oan. Chủ chị đi vắng, chị mở tủ lấy năm chục bạc và đồ nữ trang, rồi, cả người lẫn của, không thấy bóng chị đâu nữa.

    Thị Vân: Bẩm, con có lấy số tiền ấy thật, nhưng con không ăn cắp…”

    Sau vài mẩu đối thoại giữa Chánh Án và Thị Vân, cuối cùng:

    “Cũng may cho Thị Vân, tuy gặp bà chủ không tử tế, nhưng gặp ông tòa tử tế chỉ phạt có năm tháng tù”.

    Dẫn chứng hai phiên tòa trên, chỉ có bị can tự biện hộ rồi quan tòa quyết định hình phạt.

    Nếu phiên tòa xảy ra giữa người Pháp và người Việt thì kết quả người Việt lãnh đủ như trong:

    – Bộ Râu Dài

    “Người nhỏ nhắn, yếu đuối trong chiếc áo the thâm, Nguyễn Thị Nam đứng nhu mì ở trước tòa: Thị bị thưa về tội đánh người bị thương. Trông bộ mặt chị choắt lại bằng hai ngón tay chéo, người ta chỉ thấy đôi mắt dữ tợn và cặp môi mỏng dính.

    Ông Chánh Án: Chị có đánh người ta không?

    Cất tiếng the thé như xé lụa, Thị Nam đáp:

    – Bẩm, tôi có đánh “nó” đâu. Nó là tình nhân của tôi, một điều yêu tôi, hai điều yêu tôi; tôi ăn ở với một chú Khách được đứa con, nó đòi nhận cả làm cho nó. Đến bây giờ nó có đứa khác, nên tình phụ tôi, đánh đập tôi.

    Con người như rứa thì tệ thật. Ai cũng muốn nhìn nó rõ mặt bạc tình lang của thị.

    Bỗng một người Tây đen to lớn, lực lưỡng như hộ pháp, nặng nề bước vào: “Nó” đấy!

    Bạc tình lang của Thị Nam quấn trên đầu chiếc khăn vành lớn như đội một đống vải; mặt như bằng đồng đen, điểm bộ râu dài và rậm che lấp cả mồm. Ông hộ pháp ấy đứng bên Thị Nam, Thị Nam trông bé tí như con chuột nhắt đứng bên con voi khổng lồ. Tuy vậy, chính con voi lại bị con chuột đánh: Đáng thương thay!

    Sau một hồi “ả ra ả ra”, Singh – cái tên xinh xẻo của chú Tây đen – khai rằng:

    – Tôi lấy Thị Nam được hai năm, nhưng vì nó hư, nên tôi phải đuổi đi. Hôm ấy, tôi đi qua hàng cơm Thị Bôi, nó ngồi trong cứ chửi rủa tôi mãi. Tôi hỏi nó chửi ai, thì nó túm lấy tôi nó đánh, nó cắn, hiện có giấy đốc tờ làm chứng. Nhưng không phải vì thế mà tôi kiện nó, tôi kiện vì nó nắm, rứt mất một ít râu của tôi. Mà râu của tôi, thì quý lắm.

    Thị Nam: Các ông trông bộ râu của hắn, vẫn rặm như rừng, giá rứt đi một nửa, cũng không ai trông thấy…”

    Ông Chánh Án (mỉm cười): Anh to lớn thế kia lại chịu để cho người đàn bà nhỏ yếu rứt mất chòm râu quý mà chịu đứng im à?

    Câu hỏi ấy làm Singh phải chịu đứng im lần thứ hai… ông tượng đồng đen nước Tây Trúc chắc lúc bị Thị Nam đánh đã nghĩ rằng ở Ấn Độ có câu tục ngữ: “Không nên đánh một người đàn bà, dầu bằng cánh hoa cũng vậy’’.

    Nhưng ông chánh tòa không phải là người Ấn Độ, nên đánh khẽ Thị Nam bằng một cánh hoa: cánh hoa ấy là mười sáu quan tiền phạt”.

    (Ghi chú thêm: 1 quan = 1 mạch (hay 10 tiền) = 600 đồng tiền kẽm. Trong ca khúc Trăng Sáng Vườn Chè của Văn Phụng phổ thơ Nguyễn Bính có câu: “Một quan là sáu trăm đồng. Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” như vậy 16 quan tiền phạt vì nhổ mấy sợi râu thật quá nặng)

    Trích dẫn ba mẩu chuyện nơi tòa án thời đó qua phóng sự của nhà văn Hoàng Đạo là cả hình ảnh “Bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều)!

    Trong lần tái bản Trước Vành Móng Ngựa, in thêm ý kiến nhận xét của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ở phần cuối:

    “Trong số những sách đầu tay của ông, quyển đáng chú ý hơn cả lập phóng sự về tòa án Trước Vành Móng Ngựa (Đời Nay – Hà Nội 1938), quyển sách làm cho người đọc vừa phì cười vừa thương tâm. Tập văn này cho người ta những cảm tưởng thật phải trái. Ta phải phì cười về cái óc quá giản dị của nhiều người mà Hoàng Đạo đã vẽ dưới mắt ta bằng những nét chấm phá khi họ tiến ra trước vành móng ngựa và ta phải thương họ về những cử chỉ đơn giản cùng những việc không suy nghĩ mà họ đã làm…

    … Những bài trong Trước Vành Móng Ngựa rất có liên lạc với nhau, liên lạc về ý, không phải liên lạc về việc. Những cử chỉ và ngôn ngữ mà tác giả được nhìn thấy, nghe thấy và thắt lại trong mỗi bài, đều là những kết quả tai hại của cái nghèo và cái dốt, hai nạn lớn ở xã hội ta. Sau nữa, ta thấy rằng ‘tòa án có con cưng, con ghét’. Con cưng là những bị cáo được tất cả mọi người chú ý đến, vì bọn ấy có nhiều tiền thuê hai ba ông thầy kiện dong tay lên để khen ngợi họ…

    … Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngã hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuynh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém mình.

    Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông”.

    (Nhà Văn Hiện Đại – NXB Đời Nay, 1942)

    * Bùn Lầy Nước Đọng

    Nhật báo Tự Do ấn hành năm 1959 ghi: “Bùn Lầy Nước Đọng là một trong những tác phẩm của Hoàng Đạo trong Tự Lực Văn Đoàn. Tháng 9 năm 1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn Lầy Nước Đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam”. Tác phầm nầy chỉ dày 120 trang. Gồm 3 phần:

    – Phương Diện Hành Chính & Chính Trị gồm 5 bài: Quan Trường, Tiếng Trống Ngũ Liên, Miếng Thịt Giữa Làng, Tự Do Với Dân Quê (trang 22 đến trang 47)

    – Phương Diện Kinh Tế gồm 10 bài: Sinh Kế ở Thôn Quê, Nỗi Lo Hàng Năm, Thuế Dinh Điền, Tự Do Uống Rượu, Đội Không Quân Nam Việt, Công Nghệ, Công Điền, Đồn Điền, Di Dân, Nạn Cho Vay Nặng Lãi ở Thôn Quê (trang 48 đến trang 95)

    – Phương Diện Tinh Thần gồm 5 bài: Vấn Đề Giáo Dục Dân Quê, Vùng Nước Tù, Tinh Thần Thể Thao, Ánh Sáng Ở Thôn Quê, Hạng Trí Thức Sau Lũy Tre (trang 96 đến trang 118).

    Tác giả là người Tây học, am tường nhiều lãnh vực trong chế độ thời Pháp thuộc với người dân An-Nam vì vậy nhưng điều ghi nhận được đã dẫn chứng cặn kẽ, phân tích và nhận định về hậu quả của từng vấn đề. (Có vài bài viết gọi đây là tập truyện?). Đây là 20 bài nhận định của Hoàng Đạo về hiện tình đất nước, thực trạng xã hội. Vì vậy “chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành” nên không được phổ biến rộng rãi.

    Loạt bài trong Bùn Lầy Nước Đọng không thể tóm lược ngắn gọn trong bài viết nầy, có lẽ viết riêng cho tác phẩm nầy.

    Trong phần dẫn nhập (trang 17 đến 20), tác giả viết: “Từ ngày Justin Godart từ biết đất nước vô duyên nầy, ai ai cũng sẵn lòng nói đến nỗi khổ của dân quê, ai ai cũng muốn cúi mình xuống nơi bùn lầy nước đọng là nơi ăn ở của hầu hết dân Việt Nam…

    Làng nào cũng như làng nào, cũng đầy những túp nhà tranh lụp xụp, trơ vơ mấy cái cột tre và cái bàn thờ xiêu vẹo…

    … Cứ như thế, cho đến chết. Chết, tức là thoát khỏi một đời khốn nạn, một đời trâu ngưa…

    … Đó, tình cảnh dân quê. Một cảnh huống khốn khổ có một, khốn khổ về vật chất, về tinh thần, không có bút nào tả hết…

    … Muốn cho công việc kết quả đẹp đẽ, cần phải nghiên cứu vấn đề ấy về mọi phương diện, rồi khi đã định phương châm, đem hết cà sinh lực trong nước làm một đạo quân mạnh mẽ để đi phá bỏ thành quách của sự nghèo khổ không cùng của dân bùn lầy nước đọng”.

    Với những lời tâm huyết đó, nhà văn Hoàng Đạo đã theo sát từng vấn đề, sự kiện hầu minh chứng trước công luận.

    * Con Đường Sáng

    Truyện dài duy nhất của Hoàng Đạo với Con Đường Sáng được đăng từng kỳ trên báo Ngày Nay trong năm 1938 và Đời Nay xuất bản vào năm 1940, gồm 20 chương, dày 192 trang.

    Nếu cho rằng Mười Điều Tâm Niệm là “thông điệp cho tuổi trẻ” thì Con Đường Sáng là tác phẩm có tác dụng nói lên “thông điệp” đó về nhận thức và thay đổi cuộc đời từ thanh niên trí thức sống trong yếm thế, buông trôi vào trụy lạc… và, thoát khỏi bóng tối đó với hình ảnh: “… Duy thấy lòng vui sướng như trong hẳn lại bao nhiêu những vẩn đục đều gạn sạch, chỉ còn cái bản tính tốt của tuổi xuân. Lòng nhiệt thành vị tha của chàng hồi còn đi học bỗng dưng sống bồng bột trong người và ý muốn thay đổi xã hội của tuổi thơ, Duy cảm thấy tha thiết như lời khuyên nhủ của thâm tâm.

    … Ở trong vòng tài trí của chàng, chàng thấy cần phải làm hết sức để cải cách cuộc đời bên ngoài. Cùng với giàn đậu kia, còn biết bao nhiêu là giàn đậu khác, đương mạnh mẽ đâm hoa, ra quả, cùng với chàng; biết bao nhiêu người đương băn khoăn lo tính để đem đến cho người khác một đời êm đẹp hơn. Duy muốn giơ tay lên, như để chào những người ấy mà chàng chưa hề quen biết nhưng thấy gần gũi hơn là bạn thân.

    Bên kia bàn, Thơ ngồi lặng yên nhìn Duy, vẻ mặt êm ả như mặt hồ khi lặng sóng. Nàng mơ màng nghĩ đến tương lai, tươi sáng như buổi sớm mát, trong tiếng chim” (trang cuối).

    Thuở nhỏ, Duy sống nơi thôn quê, bản chất trong sạch và mộc mạc, nhưng lớn lên ở chốn thị thành, có tiền bạc trong tay, có học thức lại ảnh hưởng nếp sống số thanh niên cùng thế hệ, chán nản và buông trôi vào trụy lạc…

    Trong lần trở về quê, Duy gặp Thơ, cô bạn gái từ thuở nhỏ, đang gặt lúa cùng những người tá điền, Thơ đã là thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng. Nơi đó, cuộc tình gắn bó và Duy cảm nhận được hạnh phúc lứa đôi. Khi tiếp xúc với những người tá điền, chàng quý mến bản tính thật thà, chân chất và đầy tình người.

    Duy dần dà tìm ra ý nghĩa môi trường sống mới, sinh hoạt mới, cuộc sống nơi dân dã với những người lao động cần cù xây dựng cuộc đời mà trước kia chàng cho là thấp hèn nhưng đích thực cuộc đời có ích, hữu dụng. Với hình ảnh đó, chàng nhận thức không thể quanh quẩn trong lòng đô thị sa hoa đầy cám dỗ, không lối thoát.

    “Chàng cảm thấy cái vui trong công việc nặng nhọc ngày mùa, cái vui trong sạch nó đợi chàng từ lâu, như cánh hoa lan ép trong sách chàng đã quên đi, nay ngẫu nhiên giở ra, vẫn thấy y nguyên, còn thoang thoảng hương thơm của một quãng đời chàng tưởng không bao giờ trở lại”.

    Ngày tháng nơi chốn thôn quê với tình người và tình yêu, Duy nhận ra rằng trước kia với đầu óc vị kỷ, chàng chỉ nghĩ đến chính thân mình trong chốn phồn hoa. Duy nhận chân hai hình ảnh “Trong các gian hàng sáng sủa hai bên phố, những người ngồi có vẻ phì nộn hả hê. Duy tò mò ngắm những cô gái ngồi bán hàng, nét mặt tươi tỉnh dưới son phấn, những bà chủ béo tốt ngồi nhai trầu nhìn vơ vẩn. Chàng cảm thấy họ sống một đời chắc chắn, no nê khác hẳn với đời dân quê”…

    … “Chàng nghĩ đến dân quê, đến sự ngu dốt, lòng mê tín của họ, nhưng chàng không thấy tức bực, hay khinh khi nữa. Duy cảm thấy một cách sâu xa rằng họ với chàng hơn kém không phải là vì thiên tính khác nhau; họ và chàng điều có thể có một tấm lòng hồn hậu, dễ rung động, dễ cảm hóa và cái thiên tính tốt ấy mới là điều cần. Chàng thấy bổn phận của chàng trở nên dễ dàng: nhiều người khác sẽ cùng chàng nhẫn nại mưu cho họ một đời êm đẹp, không bao giờ bận trí đến sự thất bại”.

    Nhà văn Thụy Khuê trong bài viết về Hoàng Đạo năm 2005, sau khi phân tích cuộc đời Khương Duy (nhân vật trong truyện) qua nhiều khúc quanh, qua nhiều cột mốc, cho rằng: “Truyện Con Đường Sáng có cấu trúc gần như tầm thường của một truyện kể cổ điển, nhưng tác phẩm bật ra hai góc cạnh bất ngờ: Yếu tố đầu tiên ‘cứu’ Khương Duy là thiên nhiên, là những bông lúa dưới nắng. Những bông lúa cong và những lá lúa trong như màu hổ phách đã cứu chàng trong chặng đầu của nhận thức. Yếu tố sau cùng giúp chàng thoát ly khỏi tình trạng tha hoá (không phải là dân quê như nhiều người lầm tưởng) mà là chữ nghĩa, sách vở, là nghệ thuật. Vì vậy Con Đường Sáng thoát ra khỏi sự xoàng xĩnh chân chất của một cuốn tiểu thuyết lý tưởng, nhờ những yếu tố bất ngờ này: Duy không hề hy sinh cho một lý tưởng đã sắp đặt sẵn, Duy chỉ là người đi tìm lẽ sống. Và Con Đường Sáng phản ánh hệ tư tưởng của Khương Duy – Hoàng Đạo: Đường đi của nhà văn tất yếu phải qua hai điểm mấu chốt: thiên nhiên mở cửa cho anh vào đời và nghệ thuật là cứu cánh”.

    * Tiếng Đàn

    Tập truyện Tiếng Đàn, Đời Nay, 1941, dày 141 trang. Đây là tập truyện gòm 14 truyện ngắn: Tiếng Đàn, Ánh Sáng, Chung Tình, Tiếng Sáo Thiên Thai, Sắc Không, Chán Nản, Phiêu Lưu, Không Lấy Vợ, Con Đường Râm Mát, Thong Thả, Hoa Thủy Tiên, Một Gia Đình, Dưới Làn Sóng, Tiếng Pháo Xuân.

    Truyện ngắn Tiếng Đàn làm tựa đề cho tập truyện. Trong dịp đầu Xuân, nhà thơ và người bạn du thuyền trên sông Hương, Huế, cô lái đò cũng là ca kỹ “Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn không biết có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn đã làm rung động lòng ta trong một giây, một khắc, có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm và phủ lên trên một màn sương buồn nhẹ nhàng như nhớ tiếc những sự mong manh đã mất”… Và chàng “cảm thấy bao nhiêu nghị lực rớt lại trong người chàng đều tiêu tan trong tiếng sóng vỗ, ảnh hưởng của điệu ca vong quốc hun đúc lên bởi cái hoàn cảnh ủy mị, hay là trong người chàng đã mang sẵn dây đàn buồn sẽ gẩy đã rung thành tiếng?”, “đây là nỗi buồn của sự diệt vong”.

    Một Gia Đình với người trong cuộc (tôi) nói về hỉnh ảnh cô đào thanh sắc nức tiếng trong gánh hát chèo, khi lập gia đình thì gánh hát tan rã, vợ chống tìm kế sinh nhai hát xẩm trên đường phố, vợ hát, chồng đàn… “Tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong”.

    Thế rồi: “Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc…

    … Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngấm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa”.

    Dưới Làn Sóng mô tả hình ảnh quá bi thương khi một dân phu đi hộ đê gặp tai họa đê vỡ, anh bỏ công ciệc chạy về nhà để cứu lấy vợ con nhưng chẳng may, anh và vợ con bị dòng nước nhấn chìm. “Anh đăm đăm nhìn về phía nhà và chỉ trông thấy vũng nước đỏ ngầu lấp lánh dưới ánh đuốc. Mắt mở to, anh trừng trừng nhìn lên mặt sóng bấp bênh chiếc mái nhà lật ngược. Tuyệt vọng, Mịch sực nhớ đến tiếng kêu ban nãy, tiếng kêu cuối cùng của vợ anh có lẽ đang ẵm con thơ. Mịch run bắn cả người, hai tay rời cành tre. Một làn gió mạnh, một đợt sóng qua. Chiếc thuyền nghiêng ngửa, Mịch không vững chân, ngã ngửa người vật xuống…”.

    Dẫn chứng vài mẩu truyện trên, Hoàng Đạo viết văn, nói lên thảm cảnh của lớp người “giật gấu vá vai” trong cuộc sống lầm than với bao bất hạnh từ đời sống vật chất đến tinh thần. Vì vậy văn chương của Hoàng Đạo là “sứ mệnh người cầm bút” dân thân cho lẽ sống con người với xã hội.

    Ngoài những tác phẩm đã đề cập, nhà văn Hoàng Đạo quan tâm đến giáo dục và giải trí cho trẻ thơ nên thực hiện Sách Hồng Đặc Biệt với truyện thiếu nhi như:

    Con Cá Thần (1939), Lên Cung Trăng (1940), Lan Và Huệ (1941), Con Chim Gi Sừng (1941), Sơn Tinh (1941), Con Hươu Sao (1944), Cô Bé Đuôi Cá (truyện dịch của Andersen, 1944), Con Chim Họa Mi (truyện dịch của Andersen, 1944). Nhà văn Đan Mạch Andersen (1805-1875) nổi tiếng với truyện cổ tích, truyện thần kỳ, tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.

    * Thay Lời Kết

    Bài viết Hoàng Đạo & Một Vận Động Lịch Sử của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Tạp chí Văn, số 107+108, Sài Gòn 1968, trang 103-123). Trích:

    “… Với năm tác phẩm của Hoàng Đạo được in thành sách: Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, Trước Vành Móng Ngựa, Tiếng Đàn, Con Đường Sáng. Nghĩa là từ những bài báo ngắn được in thành sách tới tiểu thuyết của Hoàng Đạo, điều trước nhất đưa đến cho tôi là trong đó, một phần nào tôi nhìn thấy khung cảnh xã hội Việt Nam trong thời nô lệ thực dân Pháp, nhất là xã hội Việt Nam miền Bắc. Thực trạng xã hội Việt Nam trong thời nô lệ đã được ghi lại trong hầu hết những tác phẩm thời trước 1945, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác do nhiều tác giả của những khuynh hướng khác nhau để lại…

    … Ngay từ khởi đầu, qua những tác phẩm đã được đọc, tôi nghĩ Hoàng Đạo trong thực tế là lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, một người lãnh đạo về mặt tư tưởng của nhóm. Trách nhiệm của ông ở trong nhóm như vậy hết sức lớn lao, và chủ quan tôi nghĩ chính cái chết của ông sau này đã khiến cho những người như Thế Lữ, Tú Mỡ, Nhất Linh mỗi người phải đi một đường, và từ đó đánh dấu một giai đoạn mới trong đời sống và sự nghiệp của họ…

    … Bằng phương tiện báo chí, sách vở, Hoàng Đạo và các bạn ông đã mang cả nhiệt tâm của mình ra tranh đấu, không phải chỉ trích nền cai trị, họ còn chỉ trích chính đời sống của dân chúng, vạch ra những tệ trạng, những gì họ cho là hư nát phải cải cách, phải phá bỏ, trong đó bao hàm cả sự giáo dục dân chúng. Như vậy, tất nhiên họ phải dựa trên một cơ sở lý luận, trình bày cho dân chúng thấy con đường phải đi, nhất là đối với thanh niên, hay nói khác đi vai trò của người trí thức mới trong việc hướng dẫn một xã hội…

    … Qua những tác phẩm của Hoàng Đạo cũng như của các bạn ông, rõ ràng họ đã dùng văn chương cho một mục đích, tiểu thuyết nhằm trình bày, nói lên một cái gì, tác phẩm của họ gắn liền với xã hội với đời sống. Văn chương trở thành một khí giới và tất nhiên Hoàng Đaọ chống lại cái tinh thần ủ ê sầu muộn trong văn chương. Nhưng ông đã không chỉ bằng những lên tiếng đả kích, điều ấy quá dễ, mà ông và các bạn vừa lên tiếng vừa làm việc. Chống không không bao giờ đủ mà phải đưa ra những tác phẩm mà chính mình cho là lành mạnh, cần thiết với quan niệm mà chính mình cho là tiến bộ…

    … Hoàng Đạo đã làm báo, viết văn, hoạt động xã hội, hoạt động cách mạng và ông đã chết trên một chuyến xe lửa tại Quảng Châu bên Trung Hoa giữa lúc còn hăng say với lý tưởng, ông chết với một mộng tưởng chưa thành cũng như bao nhiêu người khác cùng một thế hệ trên con đường bôn ba. Và cũng có thể nói rằng đến cái chết của ông là kết thúc một giai đoạn lịch sử, kết thúc vai trò của một lớp người…”.

    Trong ba anh em trong gia đình, Nhất Linh là nhà văn với tiểu thuyết luận đề sâu sắc nhất, Thạch Lam tuy sống ngắn ngũi nhưng với những tác phẩm của ông với những tập truyện là những áng văn hay và Hà Nội Ba Sáu Phố Phường, (Đời Nay, 1943), được đánh giá là người viết tùy bút hay nhất. Trong sự nghiệp văn chương, Hoàng Đạo không nổi danh như người anh và người em nhưng ông là nhà báo, nhà tư tưởng, nhà lý luận… đáng ngưỡng mộ.

    Nhất Linh mất đi hai bộ óc tâm huyết, hai cánh tay đắc lực là người em Hoàng Đạo và người bạn thân là Khái Hưng (1896-1947), đó là nỗi bất hạnh của ông trong hoài bão đang theo đuổi cho lý tưởng cao cả. Hoàng Đạo rất kiên cường, bất khuất, theo lời bà Nguyễn Thị Thế: “Anh Tư tôi bị bắt, bị tra tấn bằng điện dữ dội, anh gan lỳ không chịu tiết lộ gì nên họ cho đi an trí ở huyện Vũ Bản, Vĩnh Bình cùng với ông Khái Hưng”.

    Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2009), tuy đã cao tuổi nhưng năm 1997, ông thực hiện được tuyển tập về Khái Hưng (tập I & II) dày 1.100 trang. (Trong tuyển tập nầy, tôi viết bài Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản, trang 421-433, sau đó in trong quyển Văn Nhân & Tình Sử). Về cái chết của nhà văn Khái Hưng, tôi dựa vào tài liệu đáng tin cậy trên vài tạp chí trước năm 1975 ở Sài Gòn và trao đổi với người trong tổ chức VNQDĐ là nhà văn Nguyễn Thạch Kiên để xác minh, sau nầy đọc vài bài viết trong nước đã chép lại nhiều trang (không ghi trích dẫn), phớt lờ về cái chết, cũng may được in trong tuyển tập năm 1997 nên không bị mang tiếng đạo văn trong nước.

    Với nhà Văn Hoàng Đạo, thế hệ hậu duệ của ông rất đông nên việc thực hiện tuyển tập về ông cả nghìn trang không có gì khó khăn.

    Nếu triết gia J.J Rousseau (1712-1778) cho rằng “Cái ác ghê gớm nhất bắt nguồn từ chính chúng ta” thì qua những tác phẩm của Hoàng Đạo đề cập đến cái ác để xóa bỏ, loại trừ dần nhằm hướng thiện, xây dựng con người và xã hội với con đường sáng.

    Nhà văn Duy Lam viết: “Gia đình tôi cũng giống như gia đình Kennedy ở bên Mỹ này, những thành viên trong gia đình đều làm chuyện công ích và chính trị. Họ Nguyễn Tường ở trong nước Việt Nam nhỏ bé cũng liên hệ đến chính trị cùng với các đồng chí. Ông Tường Cẩm thì bị cộng sản giết, ông Nhất Linh sau chết cũng vì chính trị. Ông Hoàng Đạo bị lưu vong mà phải chết sớm, cũng là vì chính trị. Cho nên có thể nói cái ảnh hưởng sâu rộng  đến gia đình Nguyễn Tường và ảnh hưởng luôn đến Tự Lực Văn Đoàn”.

    Vương Trùng Dương

    Little Saigon, 22/6/2022

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Sưu Tầm & Tổng Hợp Các Bài Viết Về Tiếng Việt Ngày Xưa & Ngày Nay

    Vương Trùng Dương

    (Bài tổng hợp qua các tác giả khá dài với 60 trang khổ magazine 8.5X11)

    Nhân đây, cảm ơn các tác giả và xin phép edit lại đôi chút trên Microsoft Word đồng nhất với nhau để đọc được dễ dàng – VTrD

    NHÀ VĂN, NHÀ BÁO VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG

    Tác giả Đỗ Văn Phúc (bạn cùng Khóa I Nguyễn Trãi, Trường Đại Học CTCT Đà Lạt) ấn hành quyển Chuyện Dài Chữ Nghĩa, dày 128 trang, vào tháng 2 năm 2022.

    Mục Lục:

    Bài 1: Lại Chuyện Chữ Nghĩa                                               

    Bài 2: Những Cách Dùng Chữ Sai Nên Tránh          

          Liệt kê những chữ nên tránh                                

    Bài 3: Cách Viết Chữ Hoa                                         

    Bài 4: Cách Đánh Dấu trong Câu Văn                      

    Bài 5: Giải Mã vs. Giải Độc                                      

    Bài 6: Tri Thức vs. Trí Thức                                     

    Bài 7: Tác Phẩm và Tác Quyền                                 

    Bài 8: Tượng và Tượng Đài                                      

    Bài 9: Huyền Thoại và Huyền Sử                             

    Bài 10: Chia Sẻ hay Chia Xẻ                                     

    Với tôi, đây là quyển sách rât hữu dụng với người Việt trong cộng đồng chúng ta ở hải ngoại.

    Trước đây tôi đã lưu trữ các bài viết về tiếng Việt Ngày Xưa & Tiếng Việt Ngày Nay trong những năm qua. Vì những bài viết đều dẫn chứng, so sánh và trích dẫn nên đôi khi có sự trùng hợp, đó là lẽ dĩ nhiên – VTrD

    Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

    Trịnh Thanh Thuỷ

    (Talawas 28/11/2006)

    (Cô Trịnh Thanh Thủy trước đây làm việc ở Sở Xã Hội, Nam California. Bài viết Tiếng Việt Thời Thượng của Trịnh Thanh Thủy phổ biến trên trang web Talawas tháng 10/2010 đề cập đến việc dịch sai và dùng tiếng Anh không đúng nghĩađúng là thời thượng)

    Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v… Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

    Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực.

    Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v…dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

    Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ “quản lý” là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: “Anh xin quản lý đời em”. Hoặc từ “chế độ” cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như “chế độ dân chủ”. Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như “chế độ xem”, “chế độ bao cấp”. Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản – giản đơn; bảo đảm – đảm bảo; dãi dầu – dầu dãi; vùi dập – dập vùi. v.v…

    Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là “tiếng Việt toàn dân”. Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

    Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v…

    Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

    Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

    Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

    Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là “chữ của Việt Cộng” và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ “cộng sản” nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

    Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. “Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt” (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

    Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: “Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết.”

    Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

    Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

    Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

    Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

    Trong nước:

    Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

    Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: “Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.

    (http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/09/3B9EDF89/)

    Ngoài nước:

    Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

    Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện.

    (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=48362&z=75)

    Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng…

    Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

    Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này.

    (http://i12.photobucket.com/albums/a215/unisom/thualuonJPG.jpg)

    Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

    Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

    Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là “cái chết của một ngôn ngữ”. Đau lòng lắm thay!

    Trịnh Thanh Thủy (Cô Trịnh Thanh Thủy trước đây làm việc ở Sở Xã Hội, Nam California. Bài viết Tiếng Việt Thời Thượng của Trịnh Thanh Thủy phổ biến trên trang web Talawas tháng 10/2010 đề cập đến việc dịch sai và dùng tiếng Anh không đúng nghĩađúng là thời thượng)

    Nỗi Buồn Tiếng Việt

    Đào Văn Bình

    California, 14 tháng 1 năm 2015

    (Nhà văn Đào Văn Bình ở San Jose, tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1968. Phó Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi, Kiến Hoà. Sau 9 năm lao tù, tháng 10, 1984 vượt biển đến Mã Lai (Đảo Bidong). Được bầu vào chức vụ Chủ Tịch BCH Tổng Hội Cựu TNCT/VN từ 1993 tới 2005. Đã ấn hành nhiều tác phẩm. Trùng tên với ông Đào Văn Bình trong MTTQ ở trong nước)

    Trước đây Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi!…

    Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v… Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

    Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Người dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v…dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

    Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ “quản lý” là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: “Anh xin quản lý đời em”. Hoặc từ “chế độ” cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như “chế độ dân chủ”. Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như “chế độ xem”, “chế độ bao cấp”. Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản – giản đơn; bảo đảm – đảm bảo; dãi dầu – dầu dãi; vùi dập – dập vùi. v.v…

    Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là “tiếng Việt toàn dân”. Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

    Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v…

    Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

    Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

    Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

    Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là “chữ của Việt Cộng” và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ “cộng sản” nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó…

    Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. “Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt” (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

    Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: “Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết.”

    Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

    Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

    Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

    Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

    Trong nước:

    Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

    Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: “Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.

    (http://vnexpress.net/Vietnam/The- gioi/2006/09/3B9EDF89/)

    Ngoài nước:

    Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

    Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện.

    (http://www.nguoi- viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a =48362&z =75)

    Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng…

    Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

    Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng Anh sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này.

     (http://i12.photobucket.com/albums/a215/unisom/thualuonJPG.jpg)

    Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

    Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

    Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là “cái chết của một ngôn ngữ”. Đau lòng lắm thay!

    Tiếng Việt Kinh Hoàng Ở Trong Nước

    Đào Văn Bình

    California ngày 7/10/2016

    Sở dĩ tôi nói “kinh hoàng” là vì tiếng Việt ngày nay ở trong nước:

    – Pha tiếng Anh, tiếng Tây ‘ba rọi”.

    – Dùng quá nhiều tiếng lóng và ngôn ngữ đường phố.

    – Văn bất thành cú, bất kể văn phạm

    – Sáng chế ra những từ ngữ dị hợm, phản nghĩa

    – Cường điệu, làm dáng hoặc bi thảm hóa vấn đề. Miền Nam gọi là “dốt hay nói chữ”. Chẳng hạn, “Dân Hà Nội tan tác dưới cơn mưa” (Đài Tiếng Nói Việt Nam). Đây là câu văn bi thảm hóa vấn đề. Mưa thì người ta chạy tìm chỗ tránh mưa, cái gì mà tan tác? Trong những bức ảnh lại có cả một cặp trai gái che dù đi sát bên nhau. Dường như mưa làm họ gần nhau hơn. Hình ảnh này rất lãng mạn, có gì là “tan tác” đâu? Đây là câu văn “bi thảm hóa” vấn đề.

    – Câu văn tối nghĩa.

    – Cắt cụt tiếng Việt hoặc thêm cái đuôi vào cả những tiếng đã thông dụng ngàn năm.

    – Dùng những chữ khiến người ta sợ.

    A.Câu văn pha tiếng Anh “ba rọi”

    1) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “ Nỗi lòng “hot teen” trường học” Đây là loại tiếng Anh ba rọi và người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì.

    2) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “Bạn Khánh Ly top 5 Duyên dáng ngoại thương 2014”. Tác giả có lẽ không được học hành đàng hoàng cho nên không hiểu nghĩa hai chữ “đ

    ứng đầu” cho nên phải nói là “top”.

    3) Báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2016: “Gara ôtô sẽ đóng cửa vì đề xuất của Bộ Công thương”. Gara là nơi chứa xe, nơi để xe, nhà để xe. Ngoài ra, lối viết hoa cũng rất là lộn xộn hoặc không biết cách viết hoa.

    4) VnExpress ngày 4/9/2016: “Murray mất bốn set để vượt qua tay vợt số 40 thế giới”. Xin thưa, từ điển Anh-Việt xuất bản ở Việt Nam trong môn quần vợt, “set” có nghĩa là “ván”. Còn “game” nghĩa là “bàn”. Câu văn không lai căng sẽ là, “Murray phải mất bốn ván mới hạ được tay vợt xếp hạng thứ 40”

    5) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 5/9/2016: “Top những hậu vệ cánh sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện.” Đây là loại tiếng Việt rất bát nháo, vừa pha tiếng Anh “ba rọi” (top) vừa lai Tàu (sở hữu). Câu văn không “ba rọi”, không lai Tàu sẽ là “Những hậu vệ cánh/biên hàng đầu có kỹ thuật điêu luyện”

    6) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 5/9/2016: “Muller lập cú đúp”. Câu văn không “ba rọi” sẽ là, “Muller thắng hai bàn” hay “Muller làm bàn hai trái”.

    7) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Lực lượng Mỹ đã sử dụng hệ thống phóng rocket cơ động”. Xin thưa “rocket” có nghĩa là “phi đạn”.

    8) VnPlus ngày 6/9/2016: “Bồ Đào Nha thua sốc trận mở màn vòng loại World Cup”. Thua sốc (shock) là thua thế nào? Câu văn không “ba rọi” sẽ là, “Bồ Đào Nha choáng váng vì thua trận mở màn.”

    9) Báo Thanh Niên ngày 6/9/2016: “Giảm cholesterol để giảm cân”. Xin thưa, “cholesterol” là chất độc trong máu có thể gây bệnh tim (A substance in your body which doctors think may cause heart disease)

    10) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 9/9/2016: “Phát động cuộc thi Video Clip “Đà Nẵng- Khoảnh khắc ấn tượng”. Trong kho tàng tiếng Việt, không có chữ nào để dịch hai chữ “video clip” sao? Xin thưa, đó là đoạn phim ngắn, là băng thu hình ngắn. Do đó, tiêu đề không lai căng sẽ là, “Phát động cuộc thi thực hiện đoạn phim ngắn về Đà Nẵng: Khoảnh khắc đáng ghi nhớ”

    11) Báo Tuổi Trẻ ngày 8/9/2016: “Trao cúp Vô lăng vàng cho tài xế cứu xe khách mất thắng”. Ông Tây về nước năm 1954 mà 62 năm sau vẫn có người viết văn lai Tây. Thế mới hay dấu ấn thuộc địa có khi cả ngàn năm vẫn chưa tẩy rửa được. Câu văn không laiTây “ba rọi” sẽ là: “Trao giải thưởng ‘tay lái vàng’ cho tài xế cứu xe đò đứt thắng/lao dốc”

    12) VnExpress ngày 14/9/2016: “Hacker Nga tố WADA cho phép chị em Serena, Venus dùng doping”. Xin thưa “doping” là “dùng thuốc kích thích”.

    13) VnExpress ngày 14/9/2016: “Việt Nam giành chiến thắng gây sốc trận ra quân Futsal World Cup 2016” Câu văn vừa tối nghĩa vừa lai căng. Chiến thắng gây sốc là chiến thắng gì và gây sốc cho ai? Cho khán giả Việt Nam à? Câu văn rõ nghĩa và không lai căng sẽ là, “Chiến thắng của Việt Nam tại Giải Túc Cầu Thế Giới Fusal 2016 gây kinh ngạc cho các đối thủ”.

    14) Báo Tiền Phong ngày 14/9/2016: “Điều tra lại vụ người trốn truy nã được tuyên dương trên tivi”. Có lẽ người viết bản tin này ở Mỹ lâu quá, ăn Hamberger nhiều quá cho nên quên tiếng Việt hoặc không biết tivi là truyền hình. Ngoài ra tivi chỉ là phát âm của T.V. chứ trong Anh Ngữ không có danh từ tivi.

    15) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 14/9/2016: “Aguero lập hat-trick”. Xin thưa “hat-trick” là “làm bàn ba trái”, “thắng ba trái”.

    16) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 15/9/2016: “Những bức ảnh tuyệt đẹp mà không cần qua photoshop”. Xin thưa, “photoshop” là chinh sửa, thêm thắt chi tiết vào một tấm hình, một hình ảnh khiến không còn giống tầm hình gốc nữa hoặc ngụy tạo một tấm hình khác.

    17) Báo Giáo Dục ngày 23/9/2016: “Ca sĩ nhận cát-sê hàng trăm triệu”. Cát-sê tiếng Pháp “cachet” có nghĩa là tiền thù lao trả cho ca sĩ hay gái nhảy.

    18) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 28/9/2016: “Thanh Hằng diện váy tua rua lấp lánh làm vedette” Người viết bản tin này giống như một ông Tây lai thời Thực Dân Pháp. Xin thưa “vedette” là tài tử điện ảnh, đào hát.

    19) VnExpress ngày 28/9/2016: “Đỗ Mạnh Cường yêu cầu mẫu mặc đồ đen khi casting show Thu Đông”. Rồi cũng VnExpress cùng ngày, “Cặp người mẫu ngực trần catwalk trong show Hood by Air”. Tôi tin chắc rằng người viết bản tin này tiếng Anh “ăn đong” và tiếng Việt kém cỏi cho nên không hiểu và không thể dịch ra tiếng Việt cho nên cứ để kiểu “lai căng” như thế để tỏ ra mình rành tiếng Anh lắm.

    Ngày nay trong nước, kể cả BBC Việt Ngữ, bạ gì viết nấy không cần biết đúng sai và cũng không có ai quan tâm để sửa chữa. Ngày xưa miền Nam không có Bộ Văn Hóa mà tiếng Việt đâu vào đấy. Ngày nay đất nước có Bộ Văn Hóa, Viện Ngôn Ngữ, Trung Ương Đảng có Ban Văn Hóa Tư Tưởng, đường phố, làng thôn, ngõ hẻm tràn đầy những biểu ngữ “nổ như tạc đạn” mà tiếng Việt lại trở nên lai căng, bát nháo.

    Xin nhớ cho, mình chen tiếng Anh “ba rọi” để tỏ ra giống Mỹ, người ta đánh giá thấp mình. Mình viết tiếng Việt tinh ròng người ta kính trọng mình. Tiếng mẹ đẻ là linh hồn của dân tộc. Mất tiếng mẹ đẻ tức là bị đồng hóa, là diệt vong. Giả thử ngày mai cả dân tộc Việt Nam không còn nói tiếng Việt nữa và nói toàn tiếng Anh thì toàn bộ gia tài văn hóa, thi ca, văn chương, văn tự viết bằng tiếng Việt của 4000 năm đương nhiên bị hủy diệt.

    Tội nghiệp trong nước! Những người văn chương lỗi lạc lại thường thừa kế và theo gót tổ tiên. Chẳng hạn tác phẩm “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng, tựa đề lấy từ câu thơ “Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương” của Cụ Nguyễn Du. Rồi thi phẩm “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư đểu dùng văn chương bình dị, cổ văn hoặc ngôn ngữ của Thiền Tông mà rung động lòng người. Rồi Cung Trầm Tưởng làm thơ lúc còn du học ở Pháp mà không một chữ nào lai Tây. Còn những kẻ kém cỏi thường hay chế bậy, kiểu cọ, làm dáng, lai căng, dị hợm. Ngày xưa khi còn ở học tiểu học ở Hải Phòng, tôi thường đọc ra rả hai câu thơ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

    Văn chương phú lục chẳng hay.

    Trở về làng cũ học cày cho xong.

    B.Câu văn sai văn phạm:

    1) Báo Kiến Thức ngày 6/9/2016: “Cách làm bánh trung thu không cần lò nướng siêu ngon”. Đây là câu văn sai văn phạm, câu văn đúng văn phạm phải là, “Cách làm bánh trung thu thật ngon không cần lò nướng.” Ngoài ra, “Thật ngon” là đủ rồi. “Siêu ngon” là cường điệu, là bắt chước, là “dổm, rởm đời”.

    2) BBC Việt Ngữ ngày 4/9/2016: “Diễn văn Chủ tịch VN nhắm vào ‘kẻ hung hăng”. Đây là câu văn què. Câu văn đúng văn phạm phải là, “Diễn văn của chủ tịch Việt Nam nhắm vào kẻ hung hăng”

    3) BBC Việt Ngữ ngày 3/9/2016: “Khánh Ly sắp lần đầu biểu diễn tại TP.HCM”.

    Tôi chưa bao giờ thấy một câu văn ngớ ngẩn như vậy. Câu văn không ngớ ngẩn sẽ là, “Khánh Ly dự trù trình diễn lần đầu tại TP. HCM.”

    Theo tôi nghĩ, cái gì bao gồm nhiều động tác thì gọi là “biểu diễn”, chẳng hạn như “biểu diễn máy bay”, “biểu diễn một màn nhào lộn trên không”, “biểu diễn bắn súng”… Còn hát một bản nhạc thì nên dùng hai chữ “trình bày” hoặc “trình diễn”. Chẳng hạn như: “Nữ ca sĩ Thái Thanh sẽ trình bày bản nhạc Tình Hoài Hương của Phạm Duy”, “Các nghệ sĩ đã liên tiếp trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc”.

    C. Câu văn dị hợm, phản nghĩa:

    1) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Nữ thủ khoa đầu tiên của Đại học PCCC được phong hàm vượt cấp” Câu văn rắc rối và khó hiểu. Miền Nam trước đây chỉ cần nói ngắn gọn và dễ hiểu là, “Nữ thủ khoa đầu tiên của Đại Học Cứu Hỏa được đặc cách thăng trung úy.”

    2) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “Quảng Nam vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT hơn 210 tỷ đồng”. Câu văn vô cùng tối nghĩa. Câu văn rõ nghĩa sẽ là, “Số bệnh nhân quá đông, bảo hiểm y tế của Quảng Nam vượt qua mức 210 triệu đồng.”

    3) Báo Tuổi Trẻ ngày 7/9/016: “Tài xế xe tải dũng cảm cứu hàng chục hành khách trong xe đổ đèo mất phanh.” Hiện nay tại Việt Nam, “lạc tay lái, lạc bánh lái” được gọi là “mất lái”. Còn “thắng không ăn, thắng hư” thì gọi là “mất phanh”. Đúng là bịa đặt chữ nghĩa.

    4) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 5/9/2016: “Sát hạch lái xe tăng độ khó, tỷ lệ trượt lên tới 45%” Tại sao dùng chữ khó quá vậy? Câu văn đơn giản chỉ là, “Sát hạch lái xe khó hơn khiến 45% thi rớt.”

    5) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 6/9/2016: “Giới nghệ sĩ phía Bắc sẽ có lễ giỗ Tổ sân khấu quy mô và hoành tráng”. Diễn binh cũng “hoành tráng”, nhà cửa cũng “hoành tráng” nay lễ giỗ cũng “hoành tráng”. Vậy “hoành tráng” là gì? Đúng là văn tự nghèo nàn và bát nháo, bạ gì viết nấy. Câu văn rõ nghĩa và đơn giản chỉ là, “Giới nghệ sĩ miền Bắc …..tổ chức Lễ Giỗ Tổ quy mô và trang trọng.” Dường như người trong nước, từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả các ông bộ trưởng, họ đều thuộc lòng, nhập tâm một số chữ rồi cứ thế ghép lại như một phản xạ tự nhiên, không hề suy nghĩ xem những điều họ nói ra có dài lòng thòng, nhức đầu và khó hiểu không? Nhiều khi không cần gặp những biến cố kinh hoàng trong đời mà người ta hóa điên. Nghe mãi những lời nói nhức đầu, dài lòng thòng, khó hiểu như vậy người ta cũng “hóa điên”. Xin nhớ cho, lời nói êm dịu, đâu vào đó làm người ta cảm thấy dễ chịu và thấm vào lòng người. Cho nên muốn ru con ngủ, người mẹ phải hát những lời nói ngọt ngào, thường là trong Ca Dao và giọng ru êm ả.

    6) VnExpress ngày 8/9/2016: “Thời tiết cực đoan”. Từ cha sinh mẹ đẻ hơn 70 năm nay tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói “Thời tiết cực đoan”, mà chỉ nghe nói “Thời tiết khắc nghiệt”, “Thời tiết tệ hại”, “Thời tiết xấu”… Trong nước đã dịch danh từ “Extreme weather” thành “Thời tiết cực đoan”. Cực đoan là thái độ quá khích, cay nghiệt, khắc nghiệt của con người. Thời tiết vô tình làm gì có tình cảm cực đoan, cay nghiệt? Vả lại theo Từ Điển Anh Việt Hiện Đại xuất bản ở trong nước thì “extreme” có nghĩa là: Hành động cực đoan, biện pháp khắc nghiệt. Vậy thì “extreme weather “ có thể dịch là: Thời tiết khắc nghiệt, thời tiết biến động nguy hiểm.

    7) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 8/9/2016: “Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm”. Không gian (space) ở ngoài trái đất, làm sao có thể đi bộ ở đó được? Khoa học không gian, trung tâm không gian là khoa học nghiên cứu là nơi để đưa người lên khám phá mặt trăng cùng các hành tình khác như Hỏa Tinh, Thổ Tinh… Do đó danh từ hoàn chỉnh và đúng đắn phải là, “Khu vực đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm”.

    8) Vnplus ngày 8/9/2016: “Đô cử Việt Nam đoạt HC vàng Paralympic 2016”. Trời đất quỹ thần ơi! Môn cử tạ đã có ở Việt Nam lâu lắm rồi, không chịu dùng lại “chế” ra “đô cử”. Chỉ có “đô vật” chứ làm gì có “đô cử”? Thật dị hợm quá mức!

    9) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 8/9/2916: “Sức nóng của vấn đề Biển Đông”. Ý tác giả muốn nói vấn đề Biển Đông đang được mọi người, mọi quốc gia chú ý nhưng lại dùng chữ “sức nóng” khiến người ta liên tưởng tới một lò lửa, lò bếp, lò than…đang cháy hừng hực. Nếu đúng ý tác giả muốn thế thì câu văn phải là, “Tầm mức quan trọng của vấn đề Biển Đông”. Xin nhớ, muốn sáng tạo danh từ phải là người kiến thức sâu rộng và ngôn ngữ thật tinh tế. Không biết thì học hỏi và đi theo bước chân của người xưa là chắc nhất. Đừng “chế” bậy.

    10) Báo Kiến Thức ngày 9/9/2016: “Vẻ đẹp hút hồn của phụ nữ Sài Gòn những năm 1960”. Tôi đã sống ở Sải Gòn từ 1954-1975 và các cô ở Sải Gòn đã thay đổi nhiều kiểu áo dài và chỉ thấy “đẹp” chứ có “hút hồn” hay “mất hồn” gì đâu. Bây giờ ở Việt Nam, bất cứ cái gì đẹp cũng phải thêm cái đuôi “hút hồn”hoặc thô tục hơn “đẹp khó cưỡng”. Xin đừng cường điệu một cách rẻ tiền. Ở trong nước, ngay các bản tin trích dịch từ các hãng thông tấn AP, AFP, Reuters v.v..cũng không giữ nguyên vẹn ý mà lại cường điệu hoặc tô vẽ theo ý của người dịch. Điều này chứng tỏ làng báo Việt Nam không được dạy dỗ về lương tâm nghề nghiệp (code of ethics). Khi dịch, phải giữ nguyên ý của tác giả, không được bịa đặt hoặc bịa ra một tiêu đề khác theo ý mình. Đọc những bản tin quốc tế bị bóp méo, xuyên tạc như thế người dân hoặc các giới chức cao cấp của chính phủ không đủ trình độ đọc nguyên bản bằng ngoại ngữ, sẽ có cái nhìn sai lệch về tình hình thế giới, từ đó sẽ có hành động không đúng và nguy hiểm!

    11) Báo Tiền Phong ngày 9/9/2016: “Nho xanh 1,3 triệu/kg: Đắt vô địch, Hà thành tranh mua”. Đắt mà cũng có giải vô địch nữa sao? Đúng là loại văn chương bát nháo hay của trẻ con chưa được đi học nói chuyện với nhau. Câu văn không bát nháo sẽ là, “Nho xanh 1.3 triệu/kg:Đắt như vàng, dân Hà Thành tranh nhau mua.”

    12) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 6/9/2016: “siêu mẫu quyền lực Irina Shayk”. Thật tình tôi không hiểu cô người mẫu Irina Shayk này có “quyền lực” gì? Không biết tác giả dịch từ tiếng gì qua tiếng Việt? Rồi BBC Việt Ngữ ngày 9/9/2016: “Zuckerberg hãy làm đúng vai trò chủ biên quyền lực nhất thế giới của mình.” Người dịch bản tin này từ BBC News đã không phân biệt được thế nào là “quyền lực” thế nào là “có tầm ảnh hưởng rộng lớn”.

    “Quyền lực” là khả năng sai khiến người khác. Zuckerberg không có quyền và không có tư cách sai khiến ai, ngoại trừ nhân viên của mình. Nhưng những bài báo/tin được cậu ta đưa lên Facebook có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cũng như Cô Oprah Winfrey không có quyền lực gì cả nhưng những chương trình của cô ta có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên nước Mỹ – vì có nhiều người xem. Nếu không còn ai xem nữa thì ảnh hưởng cũng tan biến. Nhưng “quyền lực” thì không cần nhiều người xem, nhiều khán giả. Không khán giả, không độc giả, không người xem, quyền lực vẫn còn đó.

    Chẳng hạn quyền lực của tổng thống/thủ tướng. Còn “một nhân vật đầy quyền thế” là một người không giữ một chức vụ nào trong chính quyền, không làm chủ bất cứ một cơ quan truyền thông nào, nhưng người ta đến quỵ lụy, xin xỏ quyền chức và đặc quyền đặc lợi… chẳng hạn như vợ, anh, em, em dâu, em vợ, anh vợ, chú, bác… của tổng thống. Chẳng hạn khi Ô. Bill Cliton làm tổng thống thì Bà Hillary là “nhân vật đầy quyền thế” của nước Mỹ.

    13) BBC Việt Ngữ ngày 11/9/2016: “Tài xế ‘tự sát’ làm chết người ở Đài Loan”. Đây là câu văn vô cùng tối nghĩa. Câu văn sáng sủa sẽ là, “Đài Loan: Tài xế gây tai họa vì muốn tự sát”.

    14) Đầu ra/đầu vào. Hiện nay input:output được trong nước dịch là “đầu ra/đầu vào” nghe không thanh tao tí nào. Trước 1975 GS. Nguyễn Cao Hách- khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn đã dịch là “nhập lượng: Xuất lượng”. Nay chúng ta cũng có thể dịch là, “vốn: Thành phẩm”.

    15) Đường giây nóng: Bây giờ chữ “hotline” được trong nước dịch là “đường giây nóng” hoàn toàn sai và không rõ nghĩa. Theo từ điển tiếng Anh, “hotline is a direct telephone line set up for a specific purpose, especially for use in emergencies or for communication between heads of government”.

     Vậy “hotline” là “đường dây thông báo khẩn cấp” giữa hai nguyên thủ quốc gia liên quan đến những biến cố cực kỷ quan trọng chứ không hề có nghĩa nóng hay lạnh gì hết. Và nó cũng không phải là đường dây nói chuyện thường nhật. Ở trong nước tiếng Anh rất kém, cứ thấy tiếng Anh viết như thế nào thì đoán mò mà dịch, không chịu tra từ điển Anh-Anh và các từ điển riêng cho mỗi nghành. Chẳng hạn “hot seat” trong nước dịch là “ghế nóng”. Trong khi “hot seat” có nghĩa là tình thế vô cùng bất lợi, chẳng hạn bộ trưởng tư pháp đang bị áp lực từ quốc hội và công luận đòi phải điều tra tổng thống. Nếu không điều tra tổng thống thì không làm đúng chức năng của một bộ trưởng tư pháp… thì nên từ chức. Còn điều tra tổng thống tức cấp chỉ huy của mình… thì chắc chắn cũng sẽ bị cất chức. Hai đàng đều chết cả.

    16) Đối tác hay hợp tác? Hiện nay chữ “partner” trong nước dịch là “đối tác” như thế hoàn toàn sai và phản nghĩa. Theo Từ Điển Anh-Việt Hiện Đại xuất bản sau 1975 thì “partner” có nghĩa là: “Người cùng chung phần, hội viên, bạn cùng phe, cùng hợp tác làm ăn buôn bán với nhau, cùng khiêu vũ, vợ chồng”. Người đứng chung với mình trong trận đánh đôi quần vợt cũng gọi là “partner”. Trong khi “đối tác” là người làm công việc đối nghịch với mình. Thí dụ: Đối phương, đối thủ. Do đó, “Comprehensive Partnership” là “Hợp Tác Toàn Diện”, “Strategic Partnership” là “Hợp Tác Chiến Lược”. Còn “partner” là “người hợp tác” chứ không phải “đối tác”.

    17) Xa Lộ hay Cao Tốc? Hiện nay các “xa lộ” xưa của miền Nam bị đổi tên thành “đường cao tốc” hay “cao tốc”. Tại Mỹ có hai loại đường: Freeway (Xa Lộ) và Expressway (Đường Tốc Hành, Cao Tốc). Xa Lộ nối liền hai thành phố hoặc hai tiểu bang có khi dài tới 800 dặm (1280km), tốc độ tối đa là 65 dặm/giờ nhưng xe thường chạy tới 80 dặm/giờ (128 km). Còn Cao Tốc hay Tốc Hành (Expressway) là đường huyết mạch trong thành phố, chỉ kéo dài khoảng 5 hay 10 dặm và tốc độ tối đa 50 dặm/giờ. Trong Thành Phố San Jose có haiĐường Tốc Hành: Capitol Exepressway và Almaden Expressway. Do đó đường nối liền Sài Gòn-Biên Hòa gọi Xa Lộ Biên Hòa là đúng. Còn đường vành đai hay nối hai đầu của thành phố có thể gọi là Cao Tốc hay Đường Tốc Hành. Nay hệ thống giao thông ở Việt Nam phát triển mạnh. Quốc Lộ 4 (Sài Gòn-Cần Thơ) có thể gọi là Xa Lộ 4. Còn Quốc Lộ 1 nối liền Sài Gòn-Hà Nội có thể gọi là Xa Lộ 1. Còn song song với những Xa Lộ, có những đoạn đường ưu tiên chạy nhanh hơn mà phải trả tiền gọi là Turnpike chúng ta không cần đặt tên cho đoạn đường này mà chỉ dựng bảng “Phải Trả Tiền Khi Chạy Trên Đoạn Đường Này”. Hội nhập với thế giới cũng có nghĩa là cái gì hay của nhân loại thì mình bắt chước. Chẳng hạn môn túc cầu do người Anh nghĩ ra nhưng dân Ba Tây bắt chước và bắt chước hay quá cho nên nói tới túc cầu bây giờ, thế giới nghĩ tới Ba Tây chứ không nghĩ tới Anh Quốc. Vậy thì bắt chước điều hay không phải là điều tủi nhục hay xấu hổ.

    18) Văn Hóa: Chữ “culture” Có nhiều nghĩa, không phải lúc nào cũng có nghĩa là “văn hóa”. Văn hóa là một tổng hợp bao gồm rất nhiều lãnh vực của xã hội như: Hội hè, nghi lễ, nghi thức, cách ăn mặc, ăn ở, cách nói năng, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội…chẳng hạn như: Văn hóa Trung Hoa, văn hóa Mỹ, văn hóa Việt Nam…qua đó chúng ta thấy sự khác biệt về lối sống giữa các quốc gia. Hiện nay hai chữ “văn hóa” được dùng tràn lan, sai nghĩa và trở nên dị hợm ở trong nước khi nói: Văn hóa nói dối, văn hóa tham nhũng, văn hóa đi trễ, văn hóa chen lấn, văn hóa chửi thề, văn hóa ỉa bậy, văn hóa phong bì, nền văn hóa giao thông…. Hai chữ “văn hóa” ở đây được dùng với ý xấu, ám chỉ cái gì đã trở thành cố tật thấm sâu vào não trạng và không sao thay đổi được nữa và được cả xã hội chấp thuận và làm theo. Trong khi “văn hóa” biểu tượng cho cái gì tốt đẹp đã được gạn lọc theo thời gian và là niềm hãnh diện vì là đặc trưng của một quốc gia. Theo từ điển Mỹ, “culture” ngoài nghĩa “văn hóa” còn có nghĩa khác như sau: “The set of predominating attitudes and behavior that characterize a group or organization.” Theo định nghĩa này thì “culture” có nghĩa là: Lề thói, cách cư xử, trào lưu, phổ biến, một căn bệnh, cố tật…của một tập thể, một tổ chức, một nhóm người nào đó chứ không chung cho cả một dân tộc. Xin nhớ cho, văn hóa là đặc trưng, thường là tốt đẹp chung cho cả một dân tộc. Do đó, khi phê phán người nào cư xử, hành động nói năng thô tục, khiếm nhã, thiếu lịch sự…chúng ta nói, “Đây là hành động thiếu văn hóa”, tức văn hóa là biểu tượng cho mẫu mực và tốt đẹp chung. Chẳng hạn, “Việt Nam có một nền văn hóa cổ kính”. “Hoa Kỳ có một nền văn hóa đa dạng”. Do đó không thể dùng từ ngữ “văn hóa” để diễn tả một thói hư, tật xấu, một trào lưu của một số người chứ không phải của cả dân tộc.

    Do đó không thể nói:

    “Văn hóa ứng xử” mà phải nói, “cách cư xử” sao cho lễ độ, lịch sự, phải phép v.v..

    “Văn hóa xếp hàng” mà phải nói “thói quen xếp hàng” hoặc “tự trọng khi xếp hàng”.

    “Văn hóa đi trễ” mà phải nói, “thói quen đi trễ”, “bệnh đi trễ”.

    “Văn hóa chửi thề” mà phải nói, “bệnh chửi thề”, “tật chửi thề”. Thí dụ: Thằng cha/con mụ đó có tật hễ mở miệng ra là chửi thề. Do đó không thể nói, “Thằng cha/con mụ đó có văn hóa chửi thề”. Nếu đã có văn hóa thì làm sao có thể chửi thề?

    “Văn hóa phong bỉ” mà phải nói “trào lưu, phổ biến”. Thí dụ: “Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đã trở thành một trào lưu không biết ngượng/phổ biến của giới bác sĩ Việt Nam bây giờ.” Do đó không thể nói, “Ông/bà bác sĩ đó có văn hóa nhận phong bì.” Mà phải nói “Ông/bà bác sĩ đó không biết xấu hổ khi nhận tiền biếu của bệnh nhân.”

    “Văn hóa phóng uế” mà phải nói thói quen phóng uế, xả rác. Thí dụ: “Xả rác và phóng uế là thói quen bất trị của người Việt Nam bây giờ.” hoặc, “Hút thuốc xong liền quăng tàn thuốc lá xuống đất là thói quen đã thấm vào não trạng/vào máu của người Việt Nam.” Do đó không thể nói “Thằng cha đó có văn hóa đái bậy/ỉa bậy”. Nếu có văn hóa thì đâu có đái bậy, ỉa bậy.

    “Văn hóa nói dối” mà phải nói, “thói quen nói dối, cố tật nói dối”.”bệnh nói dối”. Chúng ta không thể nói, “Thằng cha, con mụ đó có văn hóa nói dối.” mà phải nói, “Thằng cha, con mụ đó có bệnh nói dối”.

    “Văn hóa đi máy bay” mà phải nói, “ những điều nên làm và không nên làm khi đi máy bay”. Ngoài ra cũng không thể nói, “Văn hóa ẩm thực” mà chỉ là “cách ăn uống, thói quen ăn uống, tập tục ăn uống”.

    “Văn hóa khinh bỉ”. Thật tình tôi không hiểu người sáng chế ra chữ này muốn nói gi? Đồng ý tham nhũng là vi phạm pháp và đáng khinh bỉ. Nhưng để “tận diệt” nạn tham nhũng, ngoài việc ngăn ngừa, trừng phạt còn phải xây dựng một lòng tự trọng là “biết khinh bỉ tham nhũng” tức xây dựng “lòng tự trọng” chứ tại sao lại sáng chế ra một từ ngữ quái đản như vậy?

    “nền văn hóa giao thông” mà là “thảm trạng giao thông tại Việt Nam”. Tại sao cứ dùng hai chữ “văn hóa” để gán ghép cho những thói hư tật xấu? Giả dụ ngày mai đây hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, người dân bắt đầu có ý thức trách nhiệm và bảo vệ an toàn trên đường phố, lái xe có trật tự hơn thì cái gọi là “nền văn hóa giao thông” đó có còn tồn tại không? Vậy đây chỉ là một thảm trạng nhất thời chứ không phải một nền văn hóa. Xin nhớ cho văn hóa là một tập tục, lề thói tốt đẹp của một dân tộc, tồn tại mãi với thời gian trong lòng cộng đồng dân tộc đó, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên là nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.

    “Sách hóa nông thôn” (BBC Việt Ngữ ngày 21/9/2016). Làm sao chúng ta có thể biến nông thôn thành quyển sách hay tủ sách được? Nhưng chúng ta có thể xây dựng các thư viện, đem sách tới cho nông thôn. Do đó câu văn giản dị và dễ hiểu sẽ là, “Sách cho nông thôn” hay “Đem sách tới cho nông thôn”.

    “Tin nóng”. Tràn lan, trong và ngoài nước chỗ nào cũng thấy “tin nóng”. Tôi thật sự không hiểu tin nóng là tin gì? Tôi xin người nào dùng hai chữ “tin nóng” giải thích dùm. Theo định nghĩa của Mỹ, “Hot news primarily refers to the latest breaking news; top current events of the day.” Theo định nghĩa này thì “hot news” là tin quan trọng chợt đến, tin hàng đầu vừa tới, tin mới nhất. Nếu một vài giờ qua đi thì không thể gọi là “tin nóng” được nữa. Ngoài ra, tin nóng cũng không liên quan gì đến xác thịt.

    “Kịch tính”: Bây giờ trong nước bất cứ cái gì, chẳng hạn như buổi trình diễn văn nghệ, trận đá bóng, đua xe đạp, trận đấu võ, thậm chí như vụ đánh bom ở Thủ Đô Paris, cuộc tranh luận của các ứng viên phó tổng thống Hoa Kỳ v.v… hấp dẫn, sôi nổi đều được gán cho danh từ “Kịch tính”. Thí dụ: “Cuộc tranh luận giữa “phó tướng” của bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã diễn ra khá kịch tính” (VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày 5/10/2016). Thật là một sự “sáng tạo” chữ nghĩa bừa bãi và xúc phạm. Kịch tính có nghĩa là mọi lời đối thoại, cách đi cách đứng, cách nói, cách cười đếu quá lố giống như vở kịch đang được trình diễn trên sân khấu. Khi người ta nói, “ Bà ấy đóng kịch.” tức lời ăn tiếng nói, bộ điệu của bà này không chân thật mà như “đóng tuồng”. Không biết tác giả bài viết có trực tiếp coi buổi tranh luận đó không? Có đủ trình độ tiếng Anh để hiểu được nội dung của những lời đối thoại không? Và trong cử chỉ, động tác của hai Ô. Mike Pence và Tim Kaine có gì là “đóng kịch” không mà dám nói là “khá kịch tính”. Ngu dốt, thậm chí đi cày đi cấy, làm thợ hay làm công cho người ta cũng hỏng việc. Nhưng ngu dốt mà cầm bút thì di họa cho nhiều đời sau.

    D. Quá nhiều tiếng lóng và ngôn ngữ đường phố:

    1) Báo Tuổi Trẻ ngày 6/9/2016: “Dự án khu luyện thép Cà Ná: Dư luận ném đá do đố kỵ? Rồi VnPlus ngày 10/9/2016, “Đầu bếp người Mỹ bị ‘ném đá’ vì dạy cách ăn phở Việt Nam”. Bây giờ tại Việt Nam những danh từ như: “Phê bình”, “chỉ trích”, “lên án”, “công kích” đã chết và được thay thế bằng “ném đá”. Đúng là loại ngôn ngữ “đường phố”.

    2) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 6/9/2016: “Bắt quả tang cả trăm dân chơi đất Cảng “bay lắc” điên cuồng.” Tôi không hiểu “bay lắc” ở đây là gì? Phải chăng là “quay cuồng theo tiếng nhạc?” hay “say thuốc/say ma túy”? Hai chữ “bay lắc” là loại ngôn ngữ “đường phố” của bọn cờ bạc, buôn lậu, mánh mung, đứng bến. Trong báo chí, bài tường thuật cần dùng ngôn ngữ đứng đắn, dễ hiểu chứ không phải lời nói rỡn chơi hoặc tiếng lóng của dân mánh mung, chụp giật.

    3) Báo An Ninh Thủ Đô ngày 13/9/2016: “Ổ nhóm “cú đêm” chuyên “nhảy xe” sa lưới pháp luật”. Ăn cắp xe bây giờ được thay bằng ngôn ngữ đường phố “nhảy xe”.

    4) VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 16/9/2016: “Vài mẹo thú vị sử dụng gậy tự sướng”. Đây chi là việc sử dụng “cây gậy cho máy tự chụp hình”, nhưng đã được diễn tả bằng loại văn chương vô cùng thô tục và bát nháo “gậy tự sướng”.

    5) “Một số hình ảnh “, “một loạt hình ảnh” , “một số bài thơ” được thay thế bằng “chùm ảnh”, “chùm thơ”. Chữ “chùm” khiến người ta liên tưởng tới “chùm nhãn”, “chùm nho”, “chùm khế ngọt”, “dính chùm”. Bao nhiêu danh từ vốn đã có sẵn, vừa rõ nghĩa, vừa thanh tao không dùng lại “sáng chế” chữ mới, nhưng sáng chế một cách bát nháo. Ngày xưa để ngạo báng những người hay “nói chữ” người Miền Nam thường nói, “Thằng cha đó hay xổ nho chùm”.

    6) “Nói không biết ngượng” được thay bằng, “Mồm không biết ngượng”. Thật thô lỗ quá mức!

    E. Tiếng Việt có “đuôi:

    Tiếng Việt trong nước bây giờ rất lạ là có thêm cái “đuôi” dĩ nhiên là cái “đuôi” thừa thãi và dị hơm.

    Thí dụ:

    1)”Trồng cây” trở thành “trồng cây xanh”. “Cây” trở thành “cây xanh”. “Hà Nội trồng thêm một số loại cây” trở thành “Hà Nội trồng cây xanh”. Cây nào chẳng “xanh”, thêm chữ “xanh” là thừa. Ngoài ra có rất nhiều loại cây lá màu nâu, màu vàng…chẳng lẽ “trồng cây xanh” là không trồng những loại cây này sao?

    2)”Đóng tàu” trở thành ‘Đóng mới”. “Xây nhà “trở thành “Xây mới mấy căn nhà”. Đóng tàu, xây nhà đương nhiên đóng tàu mới, xây nhà mới. Không ai đóng tàu cũ, xây nhà cũ. Do đó thêm chữ “mới” là thừa.

    3)”Khách mời”. Thí dụ: “Chương trình hôm nay có một vị khách mời”. Hoặc BBC Việt Ngữ ngày 8/9/2016: “Khách mời Bàn tròn Thứ Năm bình luận về chuyến đi…” Đương nhiên mình mời người ta, sắp xếp chương trình thì người ta mới tới, mới xuất hiện. Chứ chẳng lẽ họ tự nhiên đứng ngoài cửa rồi nhảy vào chương trình của mình sao? Thêm chữ “mời” là thừa và rất kém cỏi về Việt Ngữ. Nhưng câu văn sau đây khi dùng chữ “mời” lại rất đúng. Thí dụ: “Hôm nay chúng tôi mời hai vị khách để tham dự chương trình.” Một thí dụ nữa: “Tổng Thống Obama là vị khách danh dự của đại tiệc ngày hôm nay.” Dĩ nhiên muốn Ô. Obama tới thì phải mời, phải sắp xếp chương trình đâu vào đó chứ Ô. Obama đâu có lang thang ngoài đường để nhảy vào dự đại tiệc này? Do đó không thể viết, “Tổng Thống Obama là vị khách mời danh dự của đại tiệc ngày hôm nay.” Ngoài ra, nếu nói “khách mời” thì lại có “khách không mời” sao? Chẳng hạn bố mình nói, “Hôm nay nhà mình có khách đến chơi.” thì vị khách này có thể là bạn từ xa đến chơi hoặc do bố mình mời tới chơi. Khách là khách, đâu cần phải thêm chữ “mời” nữa. Do đó, câu văn đơn giản nói ở trên của BBC Việt ngữ chỉ là, “Khách tham dự bàn tròn Thứ Năm bình luận về chuyến đi…”

    4)”Thăm” trở thành “Thăm chính thức”. Hai chữ chính thức có nghĩa là rõ ràng, không còn úp mở, không còn hồ nghi gì nữa. Thí dụ:

    – Đôi trai gái yêu nhau đã lâu nhưng không chịu làm đám cưới, nay chính thức kết hôn.

    – Sau nhiều phiên họp của nội các để bàn cãi, thủ tướng chính thức quyết định nghỉ Tết 8 ngày.

    – “Thủ tướng đã chính thức lên đường công du Hoa Kỳ.” Câu văn này chỉ đúng khi thủ tướng ra phi trường, lên máy bay để đi Hoa Kỳ. Khi thủ tướng đã đặt chân tới Mỹ thì không cần phải nói “chính thức” nữa vì chính thức quá rồi. Thật buồn cười khi báo chí trong nước đăng ảnh của Tổng Thống Hollande đang duyệt đội quân danh dự mà lại viết, “Tổng Thống Pháp Hollande chính thức thăm Việt Nam”. Rồi, “Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc”. Đọc tiêu đề này tôi thắc mắc không biết, ngoài chuyến thăm “chính thức”, ông thủ tướng còn có chuyến thăm “không chính thức”, “thăm bán chính thức” nào không? Thật là loại tiếng Việt quái đản! Nguyên do là vì không được dạy dỗ Việt Văn đàng hoàng ở Tiểu Học và Trung Học.

    5). “Cặp đôi” Bây giờ ở trong nước để chỉ hai người trai hay gái đi chung với nhau làm chuyện gì đó họ đều dùng danh từ “cặp đôi”. Đây là sự ghép chữ vô cùng cẩu thả và không hiểu nghĩa “cặp” và “đôi” là gì.

    Cặp là 2. Thí dụ: Một cặp vợ chồng, một cặp bánh chưng, một cặp gà, cặp bài trùng, đóng cặp là hai người đóng chung với nhau trong các vở tuồng.

    Đôi là 2: Thí dụ: Đôi bạn, đôi lứa, đôi nơi, đôi ngả, đôi giày, đôi vớ, đôi gian phu dâm phụ, đi đôi là hai người đi chung với nhau. Như vậy “cặp đôi” là bốn người chứ không phải hai người.

    6) “Mới sinh được tám tháng” nay có thêm cái đuôi,” Mới sinh tám tháng tuổi “. Những người viết văn như vậy chắc chắn là không bao giờ nghe nói tiếng Việt dù họ là người Việt Nam. Ngày xưa khi các bà hỏi, “Cháu sinh được mấy tháng? “ hoặc, “Cháu được mấy tháng” tức em bé chưa đầy 1 tuổi. Khi người ta hỏi, “Cháu được mấy tuổi?” tức em nhỏ từ một tuổi trở lên. Câu trả lời sẽ là, “Cháu được 1, 2 hay 3 tuổi.”

    Bây giờ dường như trong nước viết tiếng Việt bằng tiếng Anh dịch qua tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ hay học từ thầy cô Việt Nam ngay từ Mẫu Giáo. Không phải cứ tốt nghiệp đại học là giỏi tiếng Việt. Muốn giỏi tiếng Việt phải “thiên kinh vạn quyển”, phải học suốt đời và hết sức cẩn thận chứ không phải chuyện chơi. Chính vì thế mà các tờ báo lớn của Hoa Kỳ đều có chủ bút đọc và duyệt lại tất cả các bản tin, dù bản tin này do các phóng viên gạo cội gửi về. Một câu văn ngớ ngẩn, sai văn phạm, tối nghĩa, gây hiểu lầm, xúc phạm, bát nháo sẽ làm uy tín tờ báo tiêu tan. Xin nhớ cho càng giỏi ngoại ngữ như Anh-Pháp, càng uyên thâm Hán học, tiếng Việt càng phong phú. Xưa các học giả như Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn… đều uyên thâm Hán Học và tiếng Pháp. Tôi còn nhớ, tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, các vị giáo sư, nhiều vị là Thạc Sĩ (trên Tiến Sĩ) và Tiến Sĩ, thông thạo hai ngoại ngữ Anh- Pháp thế mà giảng khóa của các vị đều thuần tiếng Việt, không một câu “ba rọi” chen vào. Khi gặp một danh từ Anh-Pháp mới chưa thông dụng, các vị đều chú thích để mong có một lối dịch thuật khác rõ nghĩa hơn. Giáo dục Miền Nam làm việc như thế đó. Và nó chính là khuôn thước cho sinh viên ra đời sau này. Những kẻ du học Âu Mỹ, ăn bánh mì và bơ sữa mấy chục năm, trở về với bằng Tiến Sĩ hay Thạc Sĩ trên tay, lại thương mến và bồi đắp cho tiếng Việt tinh ròng. Còn những kẻ vốn liếng tiếng Anh tiếng Pháp “ba rọi” ở trong nước, ngày nào cũng ăn cơm với nước mắm, lại phá nát tiếng Việt. Thật đáng buồn!

    G. Tiếng Việt cụt lủn:

    Tiếng Việt ngày nay một số bị cắt cụt một cách dị hợm, khiến gây hiểu lầm:

    Thí dụ:

    1) Đội Tuyển Việt Nam chỉ còn “Tuyển Việt Nam”

    Nếu vậy: Tuyển phu = Đội tuyển chồng chăng?

    Tuyển quân = Đội tuyển quân đội chăng?

    Tuyển mộ = Đội tuyển mộ chăng?

    Tuyển chọn = Đội tuyển chọn sao?

    2) “Chuyên môn” “chuyên ngành” chỉ còn “chuyên”. Thí dụ: THPT Chuyên Môn/Chuyên Ngành Lê Quý Đôn nay chi còn “THPT Chuyên Lê Quý Đôn”. Đọc cái tên trường như vậy tôi khó chịu quá vì làm cho tôi hiểu lầm rằng trường Trung Học này chuyên nghiên cứu về Lê Quý Đôn vì chúng ta thường nói, “Bà đó chuyên nói dối”, “Thằng cha đó chuyên ăn cắp”.

    Xin nhớ cho, chữ “chuyên” đứng một mình nó có nhiều nghĩa: di dời, chuyền, chăm chú, chăm chỉ.

    Chỉ khi nào nó đứng chung/ghép chung với chữ “môn” nó mới có nghĩa là “chuyên môn”.

    3) “Lệ phí “nay chỉ còn “phí”. Chẳng hạn “Thu phí đường cao tốc”, “Tăng phí giữ xe”

    Chữ “phí” đứng một mình nó có nhiều nghĩa, chẳng hạn, “Em tiêu phí quá” (Em tiêu hoang, tiêu tiền không đúng cách), “Vứt cái này đi thì phí quá” (Vứt cái này đi thì uổng quá). Chỉ khi nào chữ “phí” đứng chung với chữ “ lệ” thì nó mới có nghĩa là số tiền mình phải trả, chẳng hạn: Lệ phí qua cầu, lệ phi đi vào xa lộ, lệ phí qua phà, lệ phí điền đơn, lệ phí giữ xe… Tại Mỹ này khi mình nạp đơn xin phép một chuyện gì đó thì phải đóng “fee” tức lệ phí. Nếu mình nói tôi phải đóng “phí” thì người ta sẽ cười ồ lên là tiếng Việt của mình “có vấn đề” vì không ai hiểu mình nói gì.

    4) “Giá rẻ như bèo” nay chỉ còn “ bèo”, “lương bèo”, “tiển thưởng Tết bèo”, “Lương tiếp viên hàng không khủng hay bèo?” Đây là ngôn ngữ của bọn mánh mung, đứng bến. Ngôn ngữ đứng đắn phải là: Giá rẻ như bèo, tiền thưởng Tết nghèo nàn, tiền thưởng Tết quá ít, lương thấp, đồng lương chết đói…

    H. Vứt bỏ những chữ có cả ngàn năm nay và thay bằng những chữ sai nghĩa hoặc lai Tàu hoặc cường điệu, đao to búa lớn:

    Thí dụ:

    – Căn nhà trở thành căn hộ.

    – Gia đình trở thành hộ dân.

    – Quần áo lót, đồ lót trở thành nội y. Nghe hai chữ “nội y” tôi có cảm tưởng đây là ngôn ngữ của các thái giám Trung Hoa. Khi bà hoàng hậu hay quý phi mặc đồ lót, các thái giám không dám dùng hai chữ “đồ lót” vì bình dân quá cho nên phải nói là “nội y” để không phạm thượng và để tỏ ra tôn kính lệnh bà.

    – Tiết kiệm, rẻ tiền trở thành kinh tế. Chẳng hạn, “Mua món này kinh tế lắm”, rồi “Giá kinh tế” tức giá rẻ, giá bình dân. Nếu nói thế thì “Bộ Kinh Tế” là gì? Phải chăng là bộ chuyên môn mua đồ rẻ để tiết kiệm? Trong nước đã hiểu sai danh từ “economy” nên dịch là “kinh tế”. Theo Tử Điển Anh-Việt Hiện Đại xuất bản ở trong nước thì “economy”nghĩa là, “sự quản lý kinh tế, sự tiết kiệm”.

    – Giảm bớt nhân viên trở thành tinh giản biên chế, thật đao to búa lớn và khó hiểu.

    – Bài giảng trở thành giáo án.”Soạn bài giảng” trở thành “soạn giáo án” nghe ghê quá, tưởng chừng như án lệnh của tòa.

    – Hành trình khám phá một vụ án nay trở thành “hành trình phá án”. Xin nhớ cho “phá án” là bác bỏ phán quyết của tòa dưới và yêu cầu xét xử lại cho nên quốc gia nào cũng có Tòa Phá Án (Court Of Appeals).

    – Xe vận tải hạng nặng trở thành “xe siêu trường, siêu trọng”, “xe container”.

    – Nước dâng cao trở thành “triều cường” nghe giống như đối thoại trong phim bộ Hồng Kông.

    – Một con, một cái trở thành “một cá thể”. Thí dụ: “Một cá thể hổ”.

    – Có một cái gì đó nay gọi là “sở hữu”.Thí dụ: “Hoa hậu ABC sở hữu một sắc đẹp khó cưỡng”, “Cô ta sở hữu một đôi môi đẹp”,”để sở hữu eo thon” , “Việt Nam đang sở hữu một loại quả…” (Việt Nam có một loại trái cây…) Theo tôi nghĩ, danh từ “trái cây” rõ nghĩa hơn là “quả” vì “quả” có thể là quả bóng, quả cầu, quả tạ. Quả phải đi với với bổ tức từ thì mới rõ nghia. Thí dụ: Quả chanh, quả táo, quả bưởi. Còn “trái cây” thì tổng quát và rõ nghĩa, không cần bàn cãi gì nữa.

    – “Doanh nhân” trở thành “ Doanh nghiệp”. Bây giờ tất cả các hãng xưởng, công ty, tổ hợp tài chính, thương mại, tổ hợp thép, tổ hợp đóng tàu, đại công ty… đểu gom chung vào danh từ “doanh nghiệp” như thế là hoàn toàn sai. Chúng ta hãy xem:

    – Nông nghiệp là nghề trồng trọt.

    – Ngư nghiệp là nghề đánh cá.

    – Lâm nghiệp là nghề khai thác rừng/đốn gỗ.

    – Doanh nghiệp là nghề kinh doanh, buôn bán.

    Xin nhớ cho “nghề” và “người hành nghề” khác nhau. Chẳng hạn nghề đánh cá là “ngư nghiệp” nhưng người đánh cá là “ngư dân” hay “ngư phủ”. Như vậy người làm ăn, buôn bán, kinh doanh là “doanh nhân/doanh gia/thương gia” chứ không phải doanh nghiệp.

    – “Nhân đạo” trở thành “nhân văn”. Khi đọc tiêu đề của một bản tin trong nước, “Giáo Hoàng khuyên Hoa Kỳ đối xử nhân văn với dân tị nạn”. Rồi tất cả những sự “đối xử nhân đạo” trong nước đều đổi thành “đối xử nhân văn” tôi rất ngạc nhiên và không tin vào trí nhớ và hiểu biết của mình nữa. Tôi vội tra các từ điển để tìm hiểu nghĩa của hai chữ “nhân văn” và “nhân đạo”.

    Nhân văn: Theo Từ Điển Tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Văn Hóa-Thông Tin trong nước sau 1975 thì “nhân văn” có nghĩa là “văn minh loài người”.

    Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì “nhân văn” có nghĩa là,”văn hóa của loài người”. Nhân văn chủ nghĩa lấy con người làm đối tượng chứ không phải thần linh và chủ trương nghiên cứu tư tưởng và nghệ thuật cổ Hy Lạp.

    Nhân đạo: Theo Từ Điển Tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Văn Hóa-Thông Tin trong nước sau 1975 thì “nhân đạo” có nghĩa là, “đạo người, lấy lòng thương của người này đối (xử) với người kia”.

    Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức xuất bản ở miền Nam trước 1975 thì “nhân đạo” có nghĩa là “biết thương kẻ nghèo khó, chịu chia sớt đau đớn với kẻ khốn cùng”.

    Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì “nhân đạo” có nghĩa là, “Cái đạo lý phải tôn trọng quyền loài người như không được xâm phạm đến sinh mệnh…”.

    Như vậy “nhân văn” chỉ là những nét, những đặc điểm của con người. Do đó, Khoa Học Nhân Văn khoa nghiên cứu về con người. Nhân văn không phải là một con đường, một đức tính nên theo. Còn nhân đạo là con đường, là đức tính phải theo. Hành vi cứu trợ nạn nhân các cuộc động đất, cứu trợ di dân chết trên biển, cứu trợ nạn đói… đều gọi là “cứu trợ nhân đạo” và chưa thấy ai nói “cứu trợ nhân văn”. Ngoài ra khi đối xử tử tế với nhau người ta còn nói, “đối xử có tình người”. Người trong nước đã không phân biệt được thế nào là nhân đạo, thế nào là nhân văn cho nên đã dùng bừa bãi, di họa cho các thế hệ mai sau.

    “Đổi giống” trở thành “chuyển giới “. Tôi đã cố tìm hiểu các từ điển tiếng Việt xuất bản trước và sau 1975 nhưng không thấy từ điển nào mà chữ “giới” có nghĩa là giống đực hay giống cái. Theo các từ điển này, chữ “giới” có nghĩa là giới hạn, hạn, biên giới, cương vực, sự ngăn cấm (giới luật). Còn “giống” mới có nghĩa là giống đực hay giống cái. Trong Từ Điển Anh-Việt Hiện Đại xuất bản ở trong nước sau 1975, chữ “gender” có nghĩa là: Giống đực hay giống cái. Vậy thì giải phẫu để biến đàn ông thành đàn bà và ngược lại là “đổi giống” chứ không phải “chuyển giới”. Ngoài ra cũng không được nói “giới tính” mà phải nói “phái tính” vì trước đây chúng ta thướng nói “phái nam, phái nữ”.

    “Công du” trở thành “thăm cấp nhà nước”. Trong nước tiếng Anh kém cho nên đã dịch danh từ “state visit” thành “thăm cấp nhà nước”. Mà “state visit” có nghĩa là “công du’ tức thăm viếng một quốc gia khác vì việc công, việc của đất nước. Nếu nói “Chủ tịch A thăm cấp nhà nước” thì ông bộ trưởng phải “thăm cấp bộ” rồi ông chủ tịch UBND “thăm cấp tỉnh” còn ông chủ tịch UBND huyện sẽ “thăm cấp huyện” sao? Thật tức cười quá! Xin nhớ cho hai chữ “công du” chỉ dành cho các vị nguyên thủ quốc gia. Một ông bộ trưởng thăm một quốc gia khác không thể dùng hai chữ “công du”.

    I. Những từ ngữ làm người ta sợ:

    Tôi không hiểu những người trong nước nghĩ gì về những từ ngữ mà họ “sáng chế” ra khi đọc lên khiến người ta sợ. Thí dụ:

    1) “Giải phóng mặt bằng” khiến người ta liên tưởng tới “Giải phóng nô lệ”, “Giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân”, “Giải phóng Miền Nam”. Tại sao không dùng danh từ “giải tỏa” như Miền Nam trước đây đã dùng. Thí dụ: “Giải tỏa một khu ổ chuột”, “Giải tỏa một khu chợ quá cũ để xây chợ mới”, “Giải tỏa một nghĩa trang để xây thư viện, công viên”.

    2) “Xử lý”. Miền Nam khi ông chánh đi vắng, ông phó tạm thời thay tế người ta gọi là “Xử lý thường vụ”. Ngoài ra thì không bao giờ dùng danh từ “xử lý”. “Xử lý” theo nghĩa Miền Bắc dùng là: Giết, trừng trị, thanh toán, bỏ tù, thi hành kỷ luật v.v..Thí dụ: “Kẻ phản động đã bị xử lý thích đáng” Thế mà “xử lý” lại được dùng lan tràn trong các lãnh vực khác như: “Nhà máy xử lý chất thải”. Tại sao không dùng, “Nhà máy lọc chất thải” để tránh hai chữ “xử lý” nghe ghê quá! Rồi đá bóng cũng “Xử lý bóng kỹ thuật lừa qua hậu vệ đối phương” (Vnplus). Tại sao không viết ngắn gọn “Khéo léo lừa bóng qua hậu vệ đối phương”? Thêm cái đuôi “xử lý” vào để làm làm gì? Rồi “Cầu thủ A xử lý bóng không tốt”. Cầu thủ A để mất bóng hay đưa bóng vào chân đối phương hoặc lúng túng hoặc quá chậm, hoặc đi bóng không khéo hoặc tài nghệ kém… thì nói đại ra. Dùng danh từ “xử lý” chỉ để che dấu kiến thức nghèo nàn về môn bóng tròn. Thế mà cũng đòi tường thuật các trận đá bóng. Xem một buổi tường thuật một trận bóng tròn trong nước mà phải nghe hai tiếng “xử lý” cả ngàn lần, khiến nhức đầu, thừa thãi và vô duyên.

    3) “Chốt”. Hiện nay khi quyết định dứt khoát một việc gì báo chí trong nước dùng chữ “chốt”. Chảng hạn: “Thủ tướng đã chốt Tết Nguyên Đán nghỉ 8 ngày”. Rồi nào là, “Chốt phương án”. Chữ “chốt” đã gây kinh hoàng cho Miền Nam trong cuộc chiến tranh. Theo lời kể của một số sĩ quan chỉ huy chiến trường, “chốt” thường gồm 3 bộ đội tử thủ từ trong hầm/hào cho đến chết và không được tháo lui. Bom bỏ hay đạn pháo không ăn thua gì. Nhiều khi phải dùng cả một tiểu đội bò lên, quăng lựu đạn vào hầm mới có thể thanh toán cái”chốt” này. Chiến tranh đã qua đi 41 năm, sao còn dùng những danh từ gợi lại hình ảnh ghê rợn của chiến tranh?

    4) “Cưỡng chế”. Trước đây tại miền Nam, để giải tỏa một khu buôn bán, họp chợ bất hợp pháp, hoặc trục xuất một người chiếm ngụ gia cư bất hợp pháp… cơ quan công lực đều xin án lệnh của tòa. Cơ quan công lực có tới gỡ bỏ, đập bỏ hoặc trục xuất ai thì chỉ là “thi hành lệnh/án lệnh giải tỏa”. Nay trong nước dùng danh từ “cưỡng chế” khiến người ta sợ vì liên tưởng tới bạo lực như trói người ta lại, còng tay, đánh đập rồi tước đoạt nhà đất của người ta.

    5) “Thi đấu”. Ngày nay tất cả các môn thể thao dù là bóng bàn, bóng tròn, thể dục dụng cụ, bơi lội, đua thuyền, điền kinh v.v…đều được diễn tả bằng danh từ “thi đấu”. Theo tôi nghĩ, chữ “đấu” chỉ nên dùng cho các môn như: Đấu võ, đấu vật, đấu kiếm. Còn các môn thể thao nhẹ nhàng khác nên dùng các danh từ như “tranh tài”, “thi tài” hay “đua tài” “trổ tài”. Thay vì nói, “Các lực sĩ đang thi đấu ở môn điền kinh” chúng ta có thể nói, “Các lực sĩ đang tranh tài ở các môn điền kinh”. “Các cầu thủ đang đua tài trên sân cỏ”, “Các lực sĩ đang đua tài ở môn ném tạ”. “Các lực sĩ bắn cung đang trổ tài trên trường bắn”. Ngôn ngữ nên phong phú chứ không phải chỉ chết cứng ở từ ngữ “thi đấu”.

    6) Thi công: Công nhân đang làm việc trong nhà máy bây giờ được gọi là, “công nhân đang thi công.” Tại sao công nhân lại phải thi đua với nhau? Trên thế giới này, khắp năm châu bốn biển, chẳng có chỗ nào công nhân này phải thi đua với công nhân kia. Ai có phận sự của người nấy. Một công việc phải mất bao nhiêu giờ, cần bao nhiêu nhân công, kỹ sư… chủ nhân đều biết. Cứ tuần tự mà làm. Bạn là công nhân ở Mỹ mà thi đua để làm việc thì đúng là mắc bệnh tâm thần. Nếu công việc phải 8 giờ mới hoàn tất, nay vì muốn “kiểm điểm” cố sống cố chết hoàn tất trong 6 tiếng thì lần sau ông chủ sẽ giao thêm việc cho bạn… tức mình tự giết mình mà cũng chẳng được khen ngợi hay tăng lương.

    Ở Mỹ chuyện gì cũng rõ ràng. Công việc phải hoàn tất trong 8 tiếng mà 10 tiếng mình mới làm xong, người ta đuổi mình vì mình không có khả năng làm việc. Công việc 8 tiếng mới hoàn thất mà 6 tiếng mình đã làm xong, người ta sẽ đưa thêm việc cho mình làm. Ở Mỹ không có chuyện ngồi chơi lãnh lương và cũng không có chuyện phải thi đua. Nếu công việc quá nhiều mà phải làm thêm giờ (over time) thì phải trả lương gấp rưỡi hay gấp đôi. Công nhân làm đúng bổn phận là đáng khen lắm rồi. Nhiều khi thi đua chỉ là gian dối rồi báo cáo láo. Thi đua nhiều quá công nhân kiệt sức, lao phổi chết oan mạng!

    7) Phiên bản: Trong nước không hiểu nghĩa “phiên bản” là gì. Nếu bạn mở cuốn Từ Điển Anh-Hoa (English-Chinese Dictionary) thì “copy” người Tàu dịch là “phiên bản”. Vậy thì “phiên bản” là bản sao chép, bản chụp, sao y bản chính… thế mà “phiên bản” được dùng ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như “báo Nhân Dân phiên bản tiếng Việt”, thật ra nó chỉ là, “Báo Nhân Dân, bản tiếng Việt” (vì báo Nhân Dân có thể có bản tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Nhật). Nếu nó là “phiên bản” thì nó phải sao chép lại, hoặc chụp lại từ bản chính. Đúng là điếc không sợ súng, không hiểu nghĩa mà cứ viết bừa. Thật đáng sợ! Trên đời này người ta không sợ bậc trí thức mà sợ kẻ ngu dốt, Vì ngu dốt sẽ phá nát mọi thứ. Hình như Lennin nói rằng “Ngu dốt cộng với nhiệt tình là phá hoại”.

    Kết Luận:

    Tôi xin dùng phần cuối của bài “Thế Nào Là Tiếng Việt Trong Sáng” phổ biến ngày 24/1/2013 để tạm kết luận cho bài này:

    “Ngôn ngữ và văn chương là tài sản vô giá do tiền nhân để lại, chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho mỗi ngày thêm sáng đẹp. Do giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa ngoại lai, những chữ nào có thể dịch sang Việt Ngữ thì phải cố mà dịch cho được để giữ gìn ngôn ngữ và văn chương Việt cho thuần khiết. Chen tiếng ngoại quốc vào tiếng Việt một cách bừa bãi khiến tiếng Việt trở nên lai căng, hổ lốn. Muốn thế thì phải học hỏi và nhất là phải cẩn thận và viết với tinh thần trách nhiệm.Trách nhiệm có nghĩa là hiểu được hậu quả của những gì mình viết ra. Nếu không giỏi thì cứ học theo người xưa mà viết, cố “sáng chế” tức viết bậy, viết nhảm. Chúng ta không nên đùa rỡn, nói mạnh hơn là phá hoại ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc. Học tiếng nước ngoài là để giao dịch, làm ăn buôn bán và nghiên cứu những kiến thức mà sách Việt không có. Học tiếng nước ngoài không có nghĩa là để hủy hoại tiếng mẹ đẻ hoặc thỉnh thoảng “xổ” ra vài tiếng để chứng tỏ mình văn minh hơn đời hoặc có vẻ ta là “Mỹ” đây. Người Mỹ có bắt chước ai đâu? Họ đứng trên đôi chân của họ. Tại sao ta phải tự ti mặc cảm về ngôn ngữ của dân tộc mình? Chuyện “nói tiếng Tây ba rọi” đã xưa lắm rồi và bị mỉa mai suốt thời kỳ Thực Dân Pháp còn đô hộ nước ta. Sau hết, cũng xin nhớ cho muốn giữ gìn tiếng Việt trong sáng thì tâm hồn mình cũng phải trong sáng trước đã. Tâm hồn trong sáng là tâm hồn của một người yêu nước Việt và tiếng Việt. Khi mình nói mình yêu cha mẹ tức là phải làm sao cho cha mẹ sung sướng. Còn khi mình nói mình yêu tiếng Việt có nghĩa là mình phải làm sao cho tiếng Việt mỗi ngày mỗi trở nên sáng đẹp, thanh tao”.

    Đào Văn Bình

    (California ngày 7/10/2016)

    (Bản gốc: Việt Báo)

    Những Từ Dùng Sai Trong Ngôn Ngữ Tiếng Việt

    Đỗ Chiêu Đức 2018

    (Bài viết nầy sau bài viết Những Từ Dùng Sai Trong Tiếng Việt của Hà Thủy Nguyên, phổ biến trên Ngoclinhvugia’s blog ngày 7/8/2015.

    Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác. Đây là một bài chúng tôi sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai trong tiếng Việt hiện nay.

    1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.

    CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.

    KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.

    QUÁ TRÌNH. Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.

    HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

    HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

    2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt

    ĐỘC LẬP. Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.

    PHONG KIẾN. Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

    TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam Quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.

    3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).

    QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日. Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

    GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.

    ĐỆ NHẬT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có` tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố 瀑 布, nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.

    4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.

    X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

    BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phu, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.

    Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!

    NỮ NHÀ BÁO. Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?

    TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều 強 潮 gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường 潮 強 thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói con nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.

    HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch 核 là cái hạt, tâm 心 là cái lõi hay cái nhân bên trong Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạt mới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.

    TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc 賊có nghĩa là ăn cướp, đạo 盜 mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt 釘 nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.

    Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:

    Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,

    Nhóm trưởng, phải sửa lại trưởng nhóm

    Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ

    Siêu bền, phải sửa lại rất bên

    Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn

    Vân vân…

    5.- Dùng từ vô nghĩa

    Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu 柳 thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!

    ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.

    SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.

    HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?

    ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.

    XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

    6.- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.

    NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.

    KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.

    TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”

    7.- Dùng từ thiếu chính xác

    CHẤT LƯỢNG. Chất 質là cái khối chứa bên trong một vật (matière,) lượng 量là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được ( masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.

    CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.

    THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

    GIẢI PHÓNG Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.

    ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

    8.- Từ vựng lộn xộn.

    LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.

    YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.

    NGHIÊN CỨU SINH. Sinh 生 là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc“ Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!

    ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn thượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ

    THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”

    TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.

    LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.

    LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”

    Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

    9.- Cóp tiếng Tàu đang dùng.

    LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban 班 là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.

    TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.

    Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.

    10.- Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.

    ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.

    THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”

    11.- Đảo tư kép bừa bãi và không cần thiết.

    XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.

    Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..

    Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.

    Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.

    Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!

    12.- Ghép từ bừa bãi.

    KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.

    GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phài một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không

    13.- Dùng từ dao to búa lớn

    CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.

    CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.

    NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.

    THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

    NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.

    14.- Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.

    KHẨN TRƯƠNG. Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.

    BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

    15.- Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.

    MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.

    LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

    16.- Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỷ thuật hiện đại.

    COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỷ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.

    INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, tecgnologie là một kỷ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. *ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuất và ngôn ngữ.

    (trich TrieuThanh Magazine)

    Bảng đối chiếu từ ngữ của Việt Cộng và Việt Nam

    Các bài viết trên cũng phân tích một số chữ trước và sau năm 1975 ở trong nước (miền Nam VN). Nhà báo Trần Văn Giang ở Los Angeles thu góp lại, từ nhiều bài viết của nhiều tác gỉa và từ kinh nghiệm cá nhân, một số từ ngữ (của VC và VNCH) thuộc lọai “dễ dàng gây hoang mang” này và tạm xếp vào một bảng đối chiếu dưới đây (theo thứ tự Alphabet):

    Từ Ngữ VC & Từ Ngữ VNCH

    Ấn tượng = Đáng ghi nhớ, đáng nhớ

    Bác sỹ / Ca sỹ = Bác sĩ / Ca sĩ

    Bang = Tiểu bang (State)

    Bắc bộ / Trung bộ / Nam bộ = Bắc phần / Trung phần / Nam phần

    Báo cáo = Thưa trình, nói, kể

    Bảo quản = Che chở, giữ gìn, bảo vệ

    Bài nói = Diễn văn

    Bảo hiểm (mũ bảo hiểm) = An toàn (mũ an toàn, nhưng trong MN thì đa số ai cũng nói là Nón an toàn)

    (Safety Hats mà Vịt + dịch là Mũ Bảo Hiểm thì tôi cũng Hết ý!)

    Bèo = Rẻ (tiền)

    Bí kíp. = Bí quyết. Một điều gì đó bí mật…

    Bị đẹp = (Không dùng động từ “bị;” chỉ dùng tĩnh từ (đẹp)

    Bồi dưỡng = Tẩm bổ, ăn uống đầy đủ

    Bóng đá = Đá Banh, Túc cầu

    (Cái bóng mà đá được mình thì chỉ có ở XHCN VN)

    Bức xúc = Dồn nén, bực tức

    Bất ngờ = Ngạc nhiên (surprised)

    Bổ sung. = Thêm, bổ túc

    Cách ly = Cô lập

    Cảnh báo = Khuyến Cáo, Báo động, phải chú ý

    Cái A-lô. = Cái điện thọai (telephone receiver)

    Cái đài = Radio, máy phát thanh

    Cái nồi ngồi trên cái cóc  = Cái phin (lược pha cafe)

    Căn hộ = Căn nhà

    Căng (lắm) = Căng thẳng (intense)

    Cầu lông = Vũ cầu

    Cơ trưởng = Phi công

    Cụ thể = Thực tế

    Chảnh = Kiêu ngạo, làm tàng

    Chặn = Chận, (Ngăn chận v..v..)

    Chất lượng. = Phẩm chất tốt (chỉ đề cập phẩm “quality,” không đề cập lượng “quantity”)

    Chất xám = Trí tuệ, sự thông minh

    Châu Á = Á Châu (Âu Châu, Úc Châu, Mỹ Châu & Phi Châu)

    Chế độ = Quy chế

    Chỉ đạo = Chỉ thị, ra lệnh

    Chỉ tiêu = Định suất

    Chống bão = Tránh bão

    Chủ nhiệm = Trưởng ban, Khoa trưởng.

    (Chủ Nhiệm trước năm 1975 thường dùng cho người làm chủ tờ báo)

    Chủ trì = Chủ tọa

    Chủ yếu = Mục đích. để. là…

    Chữa cháy = Cứu hỏa

    Chiêu đãi = Thết đãi, Thiết đãi

    Chui = Lén lút

    Chôm chĩa = Ăn cắp, trộm cắp chứ không phải là cướp.

    Chuyên chở = Nói lên, nêu ra

    Chuyển ngữ = Dịch

    Chứng minh nhân dân = Thẻ Căn cuớc

    Chủ đạo = Chính

    Co cụm = Thu hẹp

    Công đoàn = Nghiệp đoàn

    Công nghiệp. = Kỹ nghệ

    Công trình = Công tác

    Cơ bản = Căn bản

    Cơ khí (tĩnh từ!) = Cầu kỳ, phức tạp

    Cơ sở = Căn bản, nguồn gốc

    Cửa khẩu = Phi cảng, Hải cảng

    Cụm từ = Nhóm chữ

    Cứu hộ = Cứu cấp

    Diện = Thành phần

    Diễu hành = Diễn hành (Mới nghe lại tưởng họ làm trò hề ở ngoài đường)

    Dự kiến = Phỏng định, dự định…

    Đại học mở = ???

    Đây là sự góp ý của một độc giải có tên trên FB là Song Triều đã viết như sau: Xin góp ý về chữ “đại học mỡ”: Có thể lấy từ chữ “Open University”, các trường đi học này dạy bằng hệ thống mạng lưới toàn cầu internet (có từ lâu ở Âu Châu và Mỹ, trong đó cũng có vài nước Á Châu).

    Đào tị = Tỵ nạn

    Đầu ra / Đầu vào = Xuất lượng / Nhập lượng

    Đại táo / Tiểu táo = Nấu ăn chung, ăn tập thể / Nấu ăn riêng, ăn gia đình

    Đại trà = Quy mô, cỡ lớn

    Đảm bảo = Bảo đảm

    Đăng ký = Ghi danh, ghi tên

    Đáp án = Kết quả, trả lời

    Đề xuất = Đề nghị

    Đội ngũ = Hàng ngũ

    Động não = Vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ

    Đồng bào dân tộc  = Đồng bào sắc tộc

    Động thái = Động lực

    Động viên = Khuyến khích

    Đột xuất = Bất ngờ

    Đường băng = Phi đạo

    Đường cao tốc = Xa lộ

    Gia công = Làm ăn công

    Giải phóng = Lấy lại, đem đi… (riêng chữ này bị VC lạm dụng rất nhiều)

    Giải phóng mặt bằng  = Ủi cho đất bằng

    Giản đơn = Đơn giản

    Giao lưu = Giao thiệp, trao đổi

    H(h) = Giờ, ví dự như 1h là 1g (giờ).

    Lai căng theo đế quốc (1 h = One hour)

    Hạch toán = Kế toán

    Hải quan = Quan Thuế

    Hàn Quốc = Đại Hàn, Nam hoặc Bắc Hàn hay còn gọi là Triều Tiên

    Hàng không dân dụng  = Hàng không dân sự

    Hát đôi = Song ca

    Hát tốp = Hợp ca

    Hạt nhân (vũ khí)  = Nguyên tử

    Hậu cần = Tiếp liệu

    Học vị = Bằng cấp

    Hệ quả = Hậu quả

    Hiện đại = Tối tân

    Hộ Nhà = Gia đình

    Hộ chiếu = Sổ Thông hành

    Hồ hởi… = Phấn khởi

    Hộ khẩu = Tờ khai gia đình

    Hội chữ thập đỏ = Hội Hồng Thập Tự

    Hội Hồng Nguyệt  = Trăng lưỡi liềm Đỏ

    Hoành tráng = Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ

    Hưng phấn.. = Kích động, vui sướng

    Hữu hảo = Tốt đẹp

    Hữu nghị = Thân hữu

    Huyện… = Quận

    Kênh = Băng tần (Channel)

    Khả năng (có).. = Có thể xẩy ra (possible)

    Khẳng định.. = Xác định

    Khẩn trương = Nhanh lên

    Khâu = Bộ phận, nhóm, ngành, ban, khoa

    Khuyết danh = Vô Danh. (Người không tên v…v…)

    kiên quyết = Qủa quyết (mạnh mẻ, đứng đắng.v…v…)

    Kiều hối = Ngoại tệ

    Kiệt suất = Giỏi, xuất sắc

    Kinh qua = Trải qua

    Làm gái. = Làm điếm

    Làm việc = Thẩm vấn, điều tra

    Lầu năm góc / Nhà trắng… = Ngũ Giác Đài / Tòa Bạch Ốc

    Lễ tân = Tiêp tân (người đón, tiếp khách mới vào…)

    Liên hoan = Đại hội, ăn mừng

    Liên hệ. = Liên lạc (contact)

    Linh tinh = Vớ vẩn

    Lính gái = Nữ quân nhân

    Lính thủy đánh bộ.. = Thủy quân lục chiến

    Lợi nhuận = Lợi tức

    Lược tóm = Tóm lược

    Lý giải… = Giải thích (explain)

    Màn hình  = Màn Ảnh như màn ảnh TV, màn ảnh chiếu phim v…v..

    Máy bay lên thẳng.. = Trực thăng

    Manh Động…. = Bạo Động, Hung Hăng, Dữ tợn…v…v…

    Múa đôi. = Khiêu vũ

    Mĩ = Mỹ (Hoa kỳ = USA)

    Minh chứng. = Chứng minh

    Nắm bắt = Nắm vững

    Nâng cấp = Nâng, hoặc đưa giá trị lên

    Năng nổ = Siêng năng, tháo vát

    Nghệ nhân.. = Nghệ sĩ

    Nghệ danh = Tên (nghệ sĩ = stage name) dùng ngoài tên thật

    Nghĩa vụ quân sự.. = Đi quân dịch

    Nghiêm túc.. = Nghiêm chỉnh

    Nghiệp dư = Đi làm thêm (2nd job / nghề phụ, nghề tay trái)

    Nhà đài = Đài phát thanh. Nên phân biệt “đài phát thanh” và “đài truyền thanh”.

    Nhà khách = Khách sạn

    Nhân thân = Người thân.Vai vế tước quyền thuộc lý lịch bản thân người nào đó. = (Ví dụ bác Sỹ có nhân thân tốt (Đảng viên cao cấp) nên dẫu đớptriệu đô vẫn bị xử nhẹ hều!! Quan trọng là đô nuốt rồi thì ém luôn, sướng tê)

    Nhất trí.. = Đồng lòng,đồng ý

    Nhân viên bảo vê  = Nhân viên trật tự

    Nhất quán = Luôn luôn, trước sau như một

    Người nước ngoài. = Ngoại kiều

    Nguy kịch = Trầm trọng

    Nỗi niềm (tĩnh từ!)  = Vẻ suy tư

    Phần cứng = Cương liệu

    Phần mềm = Nhu liệu

    Phẫu thuật = Giải Phẫu

    Phản ánh = Phản ảnh

    Phản hồi = Trả lời, hồi âm

    Phát hiện = Phát giác

    Phát sóng = Phát thanh

    Phòng cháy chưã cháy = Sở cứu hoả

    Phi khẩu = Phi trường, phi cảng

    Phi vụ… = Một vụ trao đổi thương mại (a business deal = thương vụ)

    Phục hồi nhân phẩm  = Hoàn lương

    Phương án.. = Kế hoạch

    Quá tải.. = Quá sức, quá mức

    Quán triệt = Hiểu rõ,hiểu thấu đáo v..v…

    Quản lý. = Quản trị

    Quảng trường.. = Công trường

    Quân hàm = Cấp bực

    Quy hoạch = Kế hoạch

    Quy trình = Tiến trình

    Sổ hộ khẩu.. = Sổ gia đình (tờ khai gia đình)

    Sốc (“shocked)” = Kinh hoàng, kinh ngạc, ngạc nhiên

    (Tại sao chữ Việt cả kho trong tự điển không dùng, mà lại bắt chước thằng Mỹ để dùng chữ Sốc = Shocked? Sơ tán… = Tản cư

    Sinh chứng. = (Giấy, Tờ…) Khai Sinh

    Sư…. = Sư đoàn

    Sức khỏe công dân = Y tế công cộng

    Sự cố = Trở ngại

    Tập đoàn / Doanh nghiệp…… = Công ty

    Tấm biển = Tấm bảng (cái bảng quảng cáo v…v…)

    Tên lửa. = Hỏa tiễn

    Thạc Sĩ.. = Cao Học

    Tham gia lưu thông (xe cộ) = Lưu hành, giao thông

    Tham quan.. = Thăm viếng

    Thanh lý = Thanh toán, chứng minh

    Thân thương = Thân mến

    (Làm ơn mọi người đừng dùng chữ Thân-Thương trên sân khấucũng như khi viết bài nhé)

    Thi công = Làm

    Thị phần = Thị trường

    Thiếu đói = Thiếu ăn. (đủ ăn ??? )

    Thiết kế. = Xây dựng nhà cửa, công trình v..v..

    Thu gom = Thu dọn

    Thu nhập = Lợi tức

    Thư giãn = Tỉnh táo, giải trí

    Thuyết phục (tính).. = Có lý (makes sense), hợp lý, tin được

    Tiên tiến = Xuất sắc

    Tiến công = Tấn công

    Tiếp thu = Tiếp nhận, thâu nhận, lãnh hội

    Tiêu dùng = Tiêu thụ

    Tổ lái = Phi hành đòan

    Tờ rơi = Truyền đơn

    Tranh thủ = Cố gắng

    Trải nghiệm.. = Kinh nghệm

    Trí tuệ = Kiến thức

    Triển khai = Khai triển

    Tư duy.. = Suy nghĩ

    Tư liệu.. = Tài liệu

    Tư vấn.. = Cô vân, (gó ý,đề nghị điều gì vớ ai, giúp ai…)

    Từ…. = Tiếng, chữ. (Văn chương chữ nghĩa không thể gọi trơ trẽn là Từ, hoặc cái Từ được)

    Từ Vựng = Ngữ Vựng

    Tự sướng = Tự chụp hình mà gọi là Tự Sướng. Một câu nói thậtvô duyên và gần như mất dạy trước công chúng vì nó đồng nghĩa với Thủ Dâm.

    Ùn tắc… = Tắt nghẽn. (Một câu nói vô duyên và mang tính chât Nô Lệt Tàu quá đáng, giốngnhư câu nói Ừm-Tắc = Không được củatiếng Quãng Đông)

    Va quệt. = Va chạm, đụng chạm

    Vấn nạn = Vấn đề

    Vận động viên = Lực sĩ

    Viện Ung Bướu = Viện Ung Thư

    Vòng xoay = Bùng binh (Bùng binh chợ Bến Thành SG)

    Vô tư = Tự nhiên

    Xác minh = Xác nhận

    Xác tín = Chính xác

    Xe con = Xe du lịch

    Xe khách = Xe đò

    Xu hướng = Khuynh hướng

    Xuất khẩu = Xuất cảng

    Xử lý = Giải quyết, thi hành

    Xưởng đẻ = Bệnh viện phụ sản

    Ghi chú: Có lẽ còn một số từ ngữ nữa chưa tổng kết)

    Tiếng Việt Trong & Ngoài Nước

    Vương Trùng Dương

    (Tháng 6/2021)

    Trong những năm qua có các bài biết của các nhà báo, nhà văn… đã đề cập về Tiếng Việt trong và ngài nước sau năm 1975 như:

    Đụng Độ Ngôn Ngữ của Dân Việt, Hỏng Rồi Tiếng Nước Tôi! của Tô Văn Cấp, Tiếng Việt và Chữ Vẹm hay là Chữ Nghĩa Việt Cộng của Lê Duy San, Mặt Trận Ngôn Từ của Đỗ Văn Phúc, Nỗi Buồn Tiếng Việt Của Người Dân Trong Nước của Chu Đẩu (trong bài viết nầy tác giả dẫn chứng sự khác biệt và kèm theo tiếng Anh). Đào Văn Bình với 3 bài viết: Nỗi Buồn Tiếng Việt, Tiếng Việt Kinh Hoàng Ở Trong Nước, Bảng Đối Chiếu Tiếng Việt Trước & Sau năm 1975. Bảng đối chiếu từ ngữ của Việt Cộng và Việt Nam (theo Alphabet) của Trần Văn Giang…

    Trong các bài viết, phái nữ có Trịnh thanh Thủy với Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn Ngày Cũ.

    Những Cặp Từ Tiếng Việt Dễ Bị Nhầm Lẫn Nhất

    (Bài viết nầy không ghi tên tác giả và thời gian phổ biến trên internet nhưng cũng hữu ích nên bổ túc ở đây)

    Khuyến mãi hay khuyến mại?

    Một số người vì không hiểu nghĩa của hai từ gốc Hán Việt “mãi” và “mại” bên cạnh đó “mãi” và “mại” có âm thanh gần giống nhau (chỉ khác nhau về thanh điệu) nên bị lẫn lộn giữa mãi và mại, khuyến mãi bị gọi nhầm thành “khuyến mại”.

    Nếu phân tích theo nghĩa Hán Việt thì “mãi” có nghĩa là mua. Còn từ “mại” trong từ Hán Việt lại là bán. Chính vì thế khi muốn khuyến khích người mua hàng, kích cầu tiêu dùng thì chúng ta nên dùng từ “khuyến mãi” thì chính xác hơn thay vì “khuyến mại’.

    Cọ sát hay cọ xát?

    Cọ xát đây là một động từ nhằm biểu đạt hành động cọ đi cọ lại, xát vào nhau; tiếp xúc, thử thách trong những hoàn cảnh khác nhau, môi trường khó khăn và đa dạng.

    Xúc tích hay súc tích?

    Đây là từ thường được các giáo viên phê trong bài văn của các bạn. Nhiều người cho rằng “xúc tích” mới là chính xác bởi nếu giải thích thì “xúc” là “xúc cảm”, “tích” là “tích trữ”. Như vậy “xúc tích” là tích trữ nhiều xúc cảm, như vậy một bài văn “xúc tích” là một bài văn ngắn nhưng nói lên nhiều điều. Thế nhưng, từ này lại là từ sai chính tả.

    Nếu muốn dùng để phê lời phê chính xác thì chúng ta nên dùng “súc tích”, từ này thể hiện lời văn vừa ngắn gọn vừa làm cho người đọc hiểu được ý của nó.

    Chắp bút hay chấp bút?

    “Chắp” là động từ có thể hiểu là ghép lại, nối lại. Chắp thường được dùng như chắp bút, mắt lên chắp…

    “Chấp” cũng là động từ này nếu được hiểu theo nghĩa thường là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Còn nếu hoa mỹ hơn thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó

    Vậy nên, khi dùng từ này chúng ta nên dùng từ “chấp bút” nó sẽ khiến lời văn của bạn trở nên đẹp hơn.

    Giành giật hay dành giật?

    “Dành” là động từ và thường được chúng ta sử dụng để nói đến sự tiết kiệm, cất giữ, xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, dành cho, dành dụm…

    “Giành” cũng là một động từ, thường được dùng thể hiện sự tranh đoạt, chiếm lấy của người khác. Ví dụ như giành cúp, giành chức vô địch, giành quyền, tranh giành

    Vậy nên, trong cụm từ này để nó có nghĩa thì chúng ta nên sử dụng từ “giành giật”.

    Tham quan hay thăm quan?

    Cũng như trường hợp trên thì hai từ này cũng khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Để tìm được từ sử dụng chính xác nhất chúng ta cùng phân tách nghĩa của từng từ để tìm hiểu nhé!

    Với từ “thăm quan”, từ “thăm” được hiểu hiểu theo nghĩa là sự quan tâm, hỏi han của chúng ta đến nhau, hoặc tìm hiểu về tình hình trường lớp… với từ “quan” – quan sát.

    Trong khi đó, “tham quan” lại là một động từ, nếu hiểu theo nghĩa Hán thì “tham” có nghĩa là thêm vào; “quan” quan sát, nhìn nhận vấn đề. Do đó, “tham quan” nghĩa là đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm.

    Tuy nhiên, từ này đồng âm khác nghĩa với từ “tham quan” (danh từ) chỉ viên quan có tính tham lam. Bởi vậy, từ “tham quan” mới là từ chính xác.

    Nhậm chức hay nhận chức?

    Theo nghĩa của từ Hán Việt thì “nhậm” trong từ “nhậm chức” là một người sẽ gánh vác công việc, nhiệm vụ để quản lý nhân viên; trong khi đó “chức” có nghĩa là chức trách, bổn phận, nhiệm vụ. “Nhậm chức” chúng ta có thể hiểu nôm na đó là người sẽ gánh vác, đảm đương chức vụ do những cấp trên bàn giao, bổ nhiệm cho họ.

    Trong khi đó, từ “nhận chức” trong nghĩa Hán Nôm thì “nhận” là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên “nhận chức” là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, “nhận” là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên “nhận chức” không có nghĩa.

    Do đó, dù chúng ta hiểu theo nghĩa của Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ “nhận chức” đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là “nhậm chức”.

    Tựu chung hay tựu trung?

    Đối với hai từ này, thì trong các trường hợp từ “tựu trung” mới là đúng nhất. Thế nhưng, không ít người lại có thói quen sử dụng “tựu chung”, họ cho rằng nghĩa của từ “chung” trong “tựu chung” giống với từ “chung quy”.

    Để tìm hiểu ý nghĩa của từng từ, chúng ta sẽ tách riêng từng từ ra để phân tích. Với từ “tựu” có nghĩa là tới (tề tựu); trung: là ở giữa, trong, bên trong. “Tựu trung” có nghĩa là tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.

    Độc giả hay đọc giả?

    Chúng ta cần hiểu rõ, “độc giả” là một từ thuần chủng Hán Việt gồm hai chữ gốc Hán: “độc” mang ý nghĩa là “đọc” hay “học” còn “giải” mang ý nghĩa chỉ “người”. Khi cho hai từ “độc giả” này kết hợp cùng nhau sẽ mang ý nghĩa là “người đọc”.

    Còn trong từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê, được xuất bản năm 2000, ở trang 336 cũng có định nghĩa về từ “độc giả”. Với tác giả Hoàng Phê ông lý giải cho ý nghĩa của từ này đó là người đọc sách báo, có mối quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.

    Trong khi đó, từ “đọc giả” được một số người sử dụng với nghĩa “người đọc” hay “bạn đọc”, bao gồm “đọc” là một từ thuần Việt và “giả” là một chữ Hán Việt. Khi ghép hai từ này vào, ta sẽ nhận thấy một sự kết hợp không hợp lý.

    Vậy nên có thể khẳng định rằng, “độc giả” mới là từ đúng.

    Chia sẻ hay chia xẻ?

    Nói đến cặp từ này, chắc hẳn hầu hết chúng ta đều quả quyết cho rằng “chia sẻ” mới là từ đúng nhất và được dùng phổ thông nhất chứ chả mấy ai dùng “chia xẻ”. Nhưng bạn có hay, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có hơi khác nhau.

    Chúng ta sẽ đi vào phân tích từng từ một xem ý nghĩa của những từ đó như thế nào nhé. Với từ “chia sẻ”, “chia” có nghĩa là chia ra từng phần, từ một chỉnh thể; còn đối với từ “sẻ” có nghĩa là sẻ ra một ít hoặc lấy bớt ra một phần. Vậy nên ý nghĩa của từ “chia sẻ” sẽ là cùng nhau chia sẻ những thành quả để cùng hưởng, hoặc là cùng chia sẻ khó khăn. (ví dụ: chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn).

    Còn đối với từ “chia xẻ” – “chia” ở đây vẫn có nghĩa là chia nhỏ thành những phần nhỏ, từ một phần chỉnh thể, trong khi đó “xẻ” lại là chia, bổ, cắt rời ra theo chiều dọc, không còn dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (VD: xẻ rãnh thoát nước).

    Vậy nên, đối với cặp từ “chia sẻ” và “chia xẻ” này chúng đều cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng sử dụng trong mỗi trường hợp khác nhau. Bạn nên suy nghĩ lựa chọn những từ thích hợp với từng hoàn cảnh chứ không nên cãi cố là không có từ “chia xẻ” nhé.

    Chia sẻ hay chia sẽ?

    Từ “chia sẻ’’ được xem là cách viết có nghĩa và đúng chính tả các bạn nhé. Chia sẻ được hiểu là một động từ là một hành động của con người nhằm cho đi hoặc đem đến ai đó những thứ tương tự như của mình, hoặc nhận lại những thứ bạn muốn gánh vác chung với người khác. Vi dụ như là chia sẻ niềm vui, chia sẻ nỗi buồn, chia sẻ thức ăn, chia sẻ công việc,… (Tất cả những hành động mà bạn muốn làm cùng với một ai đó thì sẽ sử dụng từ “Chia sẻ’’)

    Còn về từ “chia sẽ’’ thì đây là một từ sai chính tả hoàn toàn nhé các bạn. Ở đây từ “sẽ’’ tức là mang nghĩa sắp làm một thứ gì đó. Ví dụ sẽ gặp nhau, sẽ đi cùng nhau, sẽ nhận ra, sẽ làm cùng nhau,… (Mang ý nghĩa lời hứa, một dự định). Khi ghép lại thành từ ghép ’’Chia sẽ’’ chúng sẽ không mang bất kỳ ý nghĩa nào và không thể hiện được mục đích của ngôn ngữ là truyền tải thông điệp vì vậy từ trên là sai chính tả hoàn toàn giữa dấu “hỏi’’ và “dấu ngã’’.

    Kết cục hay kết cuộc?

    Trong hai từ này thì từ chính xác sẽ là “kết cục”. Từ này có ý ám chỉ kết quả sau một chuỗi hành động nào đó của con người chúng ta.

    Sáng lạng hay xán lạn?

    Giữa hai cặp từ này thì “xán lạn” mới là cặp từ đúng, cụm từ này nếu phân tích từng từ ra thì “xán” có nghĩa là rực rỡ, còn “lạn” sáng sủa.

    Còn “sáng lạn” lại là từ không có nghĩa, thế nhưng do cách phát âm vậy nên nhiều người vẫn gặp những lỗi sai căn bản.

    Bạc mạng hay bạt mạng?

    “Bạc mạng” là từ không có nghĩa. Vậy nên, đây là từ hoàn toàn sai, không được sử dụng trong tiếng Việt.

    “Bạt mạng” là tính từ được hiểu là bất chấp, liều lĩnh. Từ này thường được dùng nhiều khi nói về những người tham gia giao thông.

    Chỉnh chu hay chỉn chu?

    Đây đều là hai tính từ. Tuy nhiên, nếu phân tích cho có nghĩa thì “chỉn chu” được hiểu là thận trọng, chu đáo. Từ này thường được dùng để nói về việc bạn mặc quần áo chỉn chu, hay tính toán chỉn chu, tác phong chỉn chu,…

    Riêng “chỉnh chu” lại là từ sai có thể do nhầm lẫn với chỉnh trong hoàn chỉnh.

    Cảm ơn hay cám ơn?

    “Cảm ơn” và “cám ơn” là hai cụm từ thể hiện sự biết ơn của mình đối với người khác. Tuy nhiên, nhiều người Việt lại không phân biệt được rõ ràng, thường sử dụng lẫn lộn. Vậy trong 2 từ này, đâu mới là từ đúng?

    Chắc hẳn không ít bạn từng thắc mắc, “cảm ơn” hay “cám ơn”, từ nào đúng? Nếu xét về nghĩa gốc, thì từ đúng sẽ là “cảm ơn”, và đây cũng là một từ hình thành từ gốc Hán (viết theo Hán tự là ). Từ “cảm” vốn được sử dụng với từ “cảm thụ”, “cảm nghĩ”, “cảm giác”, còn “ơn” là “ơn nghĩa”. Nói “cảm ơn” chính là để thể hiện rằng “Tôi đang cảm nhận sâu sắc ơn nghĩa của bạn”. Thế nhưng, do cách phát âm ở mỗi vùng miền khác nhau, chúng lại bị đọc thành “cám ơn”.

    Sát nhập hay sáp nhập?

    Nếu ai đó hỏi bạn từ “sát nhập” hay “sáp nhập” mới đúng. Bạn sẽ trả lời sao? Sự thật là gốc của 2 từ “sát nhập” và “sáp nhập” này bắt nguồn từ “sáp nhập” – một từ ngoại lai. Trong đó, “Sáp” có nghĩa là cắm vào, cài vào; còn “Nhập” nghĩa là vào, tham gia vào, đưa vào.

    Do vậy, “sáp nhập” là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ “sát nhập”, từ “sát” là từ biến âm, biến thể dân gian của từ “sáp” mà ra. Từ “sát” trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ “sáp”.

    Ngoài nghĩa gốc là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách. Đứng trên quan điểm đồng đại, nhiều người sử dụng hai từ “sáp nhập” và “sát nhập” y như nhau. Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ “sáp nhập” và “sát nhập” với nghĩa tương tự nhau.

    Từ “sát” – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn “sáp” nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ “sáp” không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi.

    Chẩn đoán hay chuẩn đoán?

    Giữa hai cặp từ này nhiều người thường nghĩ có ý nghĩa giống nhau, dùng từ nào cũng đúng. Thế nhưng, theo đúng chuẩn của Tiếng Việt thì chỉ có một từ đúng thôi.

    “Chẩn đoán” – “chẩn” được hiểu theo nghĩa là xác định, phân biệt dựa trên những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; “đoán” lại có nghĩa dựa vào cái có sẵn đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra.

    Như vậy “chẩn đoán” sẽ được hiểu theo nghĩa là bệnh tình đã được xác định, dựa trên những triệu chứng, kết quả có sẵn. VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.

    Trong khi đó, “chuẩn” trong từ “chuẩn đoán” lại không hề mang ý nghĩa như vậy? Từ “chuẩn” chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội mà thôi.

    Vì vậy, “chẩn đoán” mới là từ đúng.

    Vô hình chung hay vô hình trung?

    Theo cách hiểu cũng như cách sử dụng của đa số mọi người thì hầu hết mọi người thường dùng từ “vô hình chung” chứ ít khi chúng ta thấy dùng “vô hình trung”. Thế nhưng, cách hiểu cũng như cách sử dụng của đa số chúng ta hoàn toàn sai.

    “vô hình trung” trong từ Hán Việt có nghĩa là “trong cái vô hình”. Còn đối với từ điển Tiếng Việt “vô hình trung” lại có định nghĩa: tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại làm (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: “Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó”.

    Trong khi đó, lại không có từ điển nào đề cập tới từ “vô hình chung”. Vậy nên, lâu nay chúng ta đang sử dụng từ hoàn toàn sai.

    Chín mùi hay chín muồi?

    Cũng trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê cũng có đề cập tới từ “chín muồi”, đây là từ thường dùng để nói đến những loại trái cây đã đạt độ chín, ngon nhất. Hoặc nói về sự phát triển nhất của một vấn đề nào đó đã chuyển sang giai đoạn hoặc trạng thái chín muồi.

    Còn đối với từ “chín mùi” lại rất ít khi được chúng ta đề cập tới. Ngay cả từ điển của tác giả Nguyễn Kim Thản (2005) ông cũng chỉ đề cập đến từ “chín muồi”.

    Bởi vậy, chúng ta có thể dễ dàng khẳng định, từ đúng ở đây là “chín muồi”.

    Giả thuyết hay giả thiết?

    Đây là một cặp từ rất dễ dàng gây nhầm lẫn với chúng ta, có nhiều người cho rằng “giả thuyết” mới là đúng, nhưng cũng không ít người lại phủ nhận điều đó và cho rằng “giả thiết” mới là chính xác nhất và được dùng phổ biến nhất trong tiếng Việt. Nhưng trên thực tế cả hai từ này đều đúng và đều có thể sử dụng nhưng chỉ ớ các trường hợp khác.

    Cụ thể, “giả thuyết” được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.

    Trong khi đó, từ “giả thiết” lại được dùng trong toán học hay một định lý nào đó sau đó suy ra kết luận của định lý hay lời giải bài toán đó.

    Còn đối với Hoàng Phê tác giả cuốn sách Từ Điển Tiếng Việt lại cho rằng: “giả thiết” – điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ “giả thiết” và “giả thuyết” đều đúng, chỉ là bạn nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.

    Phong phanh hay phong thanh?

    Với cặp từ này thì không quá khó để phân biệt nghĩa nhưng vẫn nhiều người bị nhầm lẫn. Phong phanh là quần áo mỏng manh, không đủ ấm. Còn phong thanh là nghe loáng thoáng, nghe không rõ ràng, không đầy đủ thông tin.

    Dữ hay giữ?

    Dữ: là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…

    Giữ: là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…

    Khoảng hay khoản?

    Khoảng: Chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Ví dụ: khoảng cách, khoảng không. Khoảng cũng dùng để chỉ sự ước lượng, ví dụ: nhóm người khoảng chục người; có khoảng hai chục cái…

    Khoản: Chỉ một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.

    Chuyện hay truyện?

    Chuyện: là thứ được kể bằng miệng. Ví dụ: câu chuyện về người phụ nữ…

    Truyện: là được viết ra và được đọc. Ví dụ: quyển truyện cổ tích.

    Dục hay giục?

    Dục: Nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, dục vọng.

    Giục: Nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.

    Rốt cuộc hay rốt cục?

    “Rốt cuộc” là cách viết đúng. Nhiều người thường hay viết sai từ này thành “rốt cục” hoặc “rút cục”.

    Xuất hay suất?

    Xuất: là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…

    Suất: là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…

    Yếu điểm hay điểm yếu?

    Yếu điểm: Có nghĩa là điểm quan trọng. “Yếu điểm” đồng nghĩa với “trọng điểm”.

    Điểm yếu: Đồng nghĩa với “nhược điểm”.

    *

    Tại Nam California có Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐDCTTVNNC).

    Danh xưng tiếng Anh là The Association of The Vietnamese Language & Culture Schools of Southern California (TAVIET- LCS).

    Đại Hội Kỳ II tại Long Beach năm 1988, tôi đến viết phóng sự và sau đó các thầy cô trong BĐD mời tôi tham gia (Trưởng Khối Báo Chí, trong 10 năm) để quảng bá phong trào giảng dạy Việt ngữ và bảo tồn Văn Hóa Việt Nam. Lúc đó BĐD có khoảng 80 Trung Tâm Việt Ngữ & Trường Việt Ngữ tại đây và đã kết hợp với các TT & T Việt Ngữ tại Mỹ cũng như nhiều nơi ở hải ngoại.

    Mỗi năm vào dịp Hè, BĐD tổ chức Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm. Năm 2000, các thầy cô trong BĐD bắt đầu soạn bộ Sách Giáo Khoa để các Trung Tâm & Trường Việt Ngữ có tài liệu giảng dạy.

    Năm 1998 tôi thực hiện trang Tiếng Việt Mến Yêu vào Thứ Năm hằng tuần trên nhật báo Người Việt. Ngoài công việc giới thiệu sinh họat của BĐD và các Trung Trâm, Trường Việt Ngữ, trích dẫn bài viết, đoạn văn… từ thời tiền chiến đến các nhà văn thời VNCH nhằm mục đích “giữ gìn trong sáng tiếng Việt” từ cách hành văn đến xử dụng từ ngữ, hoàn toàn trong lãnh vực văn hóa, giáo dục… đến năm 2005 vì bận bịu với công việc khi tôi ra tờ Cali Weekly nên mục nầy giao cho nhật báo Người Việt. Năm 2008 tôi phụ trách Section B của nhật báo Saigon Nhỏ (7 số trong tuần, mỗi ngày với chủ đề khác nhau) & nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa.

    Gần đây, có nhiều bài viết nói về sự khác biệt xử dụng ngôn ngữ (viết và nói) ở trong nước hiện nay và hải ngoại. Thật sự qua bài viết của những tác giả được đề cập ở trên, qua bảng đối chiếu từ ngữ hiện nay và trước kia (không thuần túy thời VNCH) mà tiền nhân đã xử dụng từ thời xa xưa đến đầu thế kỷ 20, nhất là thời tiền chiến với nhiều tác phẩm giá trị còn lưu lại hậu thế trong kho tàng văn học Việt Nam.

    Tục ngữ của ta cho rằng “một cay làm chẳng nên non…” vì vậy tôi muốn viết tiếp “Tiếng Việt Trong & Ngoài Nước”, rất mong sự đóng góp của quý vị.

    Trân trọng

    Vương Trùng Dương

    Little Saigon 6/2021

    Chào anh Vương Trùng Dương,

    Hôm nay tôi rất vui khi đọc bài viết “Tiếng Việt Trong Và Ngoài Nước” của anh . Tuy là anh mới đưa ra ý tưởng và mục đích, nhưng tôi rất tâm đắc với việc anh đang và sẽ làm. 

    Tôi với GS Song Thuận quen biết trong nhiều năm, có lần tôi qua California đã ở nhà anh chị Song Thuận .

    Chúng tôi cùng thiết lập trang web Câu Lab. Bộ Hùng Sử Việt và hợp tác trong việc thực hiện sách “Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt”. tiền đề của quyển “Từ Điển Việt Nam Hải Ngoại”. Rất tiếc anh Song Thuận mất, các việc trên đều dang dở . Hiện tôi không biết CLC Hùng Sử Việt / Cali còn không ? Vì trang web do anh Song Thuận thiết lập đã không còn .

    Riêng trang Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt / Đông Bắc Hoa Kỳ do tôi thiết lập vẫn còn đây:

    http://clbhungsuviet.blogspot.com/ 

    Trong 2 năm qua, tôi tham gia vào chương trình Ước Mơ Việt, do chị Phạm Đỗ Thiên Hương thành lập nhằm mục đích bảo tồn tiếng Việt trong sáng . Theo trang web này:

    http://uocmoviet.org/  

    Trong chiều hướng Bảo Tồn Ngôn Ngữ Việt, kết hợp với chương trình Ước Mơ Việt, mời anh đọc bài dẫn trình của tôi:  https://tuoitrevenguon.blogspot.com/2021/05/bao-ton-ngon-ngu-viet-nam.html  

    Vài nét tóm lược gửi anh xem qua.Mong được tiếp chuyện với anh nếu có thể .

    Chúc anh luôn an vui và mọi việc tốt đẹp 

    Trân trọng,

    Cao Nguyên

    Washington DC, 7/2021

    *

    Nay tuổi già, sức yêu nhưng còn nặng nợ với tờ báo Lính “Chiến Sĩ Cộng Hòa” bước sang năm thứ 14, cũng muốn “rửa tay gác kiếm” để có thời gian lo cho mấy cuốn sách còn dở dang nhưng “bỏ thì thương, vương thì lận đận”.

    Với tôi, đây là công việc chung để giữ gìn tiếng Việt trong sáng cùng đóng góp với nhau mà các thầy cô ở hải ngoại trong các thập niên qua đã dấn thân dạy thế hệ trẻ trong các Trường, Trung Tâm Việt Ngữ.

    Cảm ơn bạn già Đỗ Văn Phúc đã thực hiện quyển sách Chuyện Dài Với Chữ Nghĩa.

    Little Saigon ngày 8/6/2022

    Vương Trùng Dương 

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Duyên Tiền Định – Lê Văn Khoa & Ukraine

    This image has an empty alt attribute; its file name is lvk-1.jpg

    Lời Giới Thiệu: Giáng Sinh năm 1991, Liên Xô tan rã, Ukraine là một trong mười lăm nước được tách khỏi ách thống trị độc tài của Cộng Sản Liên Xô. Ukraine được hồi sinh trong nền tảng tự do và được gọi là xứ sở hoa hướng dương.

    Trong ba thập niên qua, người Việt hải ngoại ít biết nhiều về về đất nước nầy, nhưng trong đó có nhạc sĩ Lê Văn Khoa, qua âm nhạc coi như “duyên tiền định”, và niềm hãnh diện với anh cũng như người Việt lưu vong sau ngày mất nước với Quốc Ca VNCH do anh hòa âm cho ban Quân Nhạc cùng những sáng tác của nhạc sĩ được vang vọng trên đất nước hoa hướng dương.

    Ngày 24 tháng 2/2022, Putin xua đạo quân xâm lăng đất nước Ukraine, hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia Zelensky, chính quyền, toàn quân, toàn dân với tinh thần bất khuất, lòng yêu nước cao độ đã dũng cảm, đồng lòng bất chấp hiểm nguy để chống trả quân xâm lăng, với quyết tâm “một mất một còn” phải bảo vệ lãnh thổ. Trong thế giới tự do, hàng triệu triệu người đều ngưỡng mộ, thán phục.

    Vào giữa tháng 3 năm 2022, nhạc sĩ Lê Văn Khoa xuất hiện trong chương trình Jimmy Show, tuy đã vào tuổi chín mươi nhưng trông người nghệ sĩ vẫn quắc thước, minh mẫn và mang hình ảnh lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên chiếc cravatte thể hiện con người tâm huyết lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc.

    Trong các bộ môn giải trí, từ thời chinh chiến tôi thích nhiếp ảnh, âm nhạc… vì nó gắn liền với cuộc sống. Sau nầy được gặp nghệ sĩ Lê Văn Khoa, người đã từng nổi danh với các giải thưởng trên thế giới cũng là cơ hội để học hỏi thêm.

    Với sự quý mến đó, qua chương trình talk show, xem được qua Youtube, nhạc sĩ Lê Văn Khoa typset trên Microsoft Word đã phổ biến trên vài website, tôi edit lại với các hình ảnh kèm theo trong bài viết 15 trang và hình ảnh.

    Vương Trùng Dương 5/5/2022

    Sự gắn bó giữa tôi và Ukraine là một huyền nhiệm không hề được sắp đặt trước. Khi đại tấu khúc Việt Nam 1975 của tôi được Pacific Institute Orchestra trích diễn năm 1995 ở phòng hòa nhạc Sergerstrom Performance Center trong khu thương mại của South Coast Plaza, California, tất cả báo chí lớn nhỏ của Hoa Kỳ từ Los Angeles trở xuống phía Nam đều có bài nhận định thuận lợi.Tôi nghĩ phải thu bài nhạc này vào CD để làm tài liệu cho thế hệ sau. Lúc bấy giờ tôi làm cố vấn cho Pacific Symphony Orchestra để họ làm chương trình đánh dấu 20 năm sau chiến tranh Việt Nam. Họ đã biết tôi có viết nhạc, nên khi tôi ngỏ ý nhờ họ giúp thực hiện CD, họ nhận lời ngay. Họ cho biết phải thu thanh trong ba ngày, chi phí tối thiểu cho ban nhạc là 120.000 đô-la, chưa kể tiền thuê phòng thu và chuyên viên thu thanh. Sau khi suy nghĩ tôi cám ơn họ nhưng không thể có tiền để đi tới.

    Tôi tạm coi Hoa Kỳ như là trung tâm của địa cầu. Tôi không thành công ở trung tâm thì bước kế là xuống tận phương Nam để thử thời vận. Tôi xuống Úc và liên lạc với ban chấp hành của dàn nhạc giao hưởng Sydney. Cuộc gặp gỡ rất tốt. Họ yêu cầu tôi để nhạc lại cho họ nghiên cứu rồi cho tôi biết sau. Chờ đợi trong nhiều tháng vẫn không có âm tín gì. Rồi sau đó mất liên lạc luôn. Ở trung tâm không xong, xuống phương Nam không kết quả, tôi nghĩ thầm bây giờ sẽ lên tận phương Bắc.

    May mắn có Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tôn Bình biết sự bối rối của tôi nên mách tôi liên lạc với Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra ở Ukraine. Tôi làm theo, viết điện thư cho Kyiv Symphony Orchestra rồi chờ đợi nhiều tháng, mỗi ngày duyệt điện thư hai ba lần mà vẫn chẳng thấy tăm hơi nào. Trong cơn chán nản, tôi định bỏ cuộc, thì nhận được một thư rất lạ, viết bằng thứ chữ tôi không đọc được. Do dự trong nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi quyết định mở thư ra xem. Có thể computer bị hư, mất hết tài liệu tôi giữ trong ấy, nhưng không nín được nữa. Tôi mở thư ra và suý thét to lên vì thư ấy viết cho tôi bằng thứ tiếng Anh lạng quạng lắm. Tôi trả lời ngay, ngỏ ý muốn nhờ ban nhạc thu thanh Symphony Việt Nam 1975 của tôi. Họ không trả lời nhận làm hay không, nhưng biểu tôi gửi nhạc cho họ xem trước khi quyết định. Tôi gửi nhạc qua. Họ xem và trả lời là họ nhận thu thanh. Sau khi biết tôi trên 70 tuổi, họ nói tôi không còn nhiều thì giờ, nên lo thu thanh ngay. Tôi một mặt lo xin sổ thông hành và visa, mặt khác làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho kịp để họ in nhạc ra cho từng nhạc sĩ trong ban nhạc.

    Tôi bay qua Kyiv, Ukraine, đầu tháng hai năm 2005. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp nơi. Tôi được ông phó nhạc trưởng ra đón ở phi trường và đưa tôi về ở nhà của ông, tầng 6 trong chung cư có rất nhiều tòa nhà. Ông sắp xếp mọi sự, thuê phòng thu thanh tại Kyiv, lớn thứ nhì trên toàn châu Âu. Ngoài sân khấu rộng có thể để hai hay ba đại dương cầm, có ghế cho độ 100 nhạc sĩ ngồi và còn chỗ cho ban hợp ca 80 người đứng hát. Bên dưới có 300 ghế gắn cứng, để khán giả ngồi xem. Mọi sự giao tiếp, liên lạc của tôi do ông sắp xếp. Nếu không có ông, tôi chẳng làm được gì vì ở Ukraine rất ít người biết nói tiếng Anh, còn tôi chẳng nói được một tiếng Ukraine nào.

    Tôi may mắn được gặp nhiều nhạc sĩ xuất chúng của Ukraine. Họ là những người góp tiếng nhạc trong các CD của tôi.

    Sáng hôm sau, ông Taras đưa tôi đi gặp cô nhạc sĩ violin để giao bài nhạc cho cô đàn độc tấu. Duyên gặp gỡ giữa tôi và các nhạc sĩ Ukraine bắt đầu từ đây. Tôi đinh ninh sẽ đến nhà cô để nói chuyện, không ngờ điểm hẹn là chiếc ghế trống vắng nơi công viên tuyết phủ. Thật tình tứ. Thật lãng mạn. Hình ảnh ấy gợi ý để tôi viết một chuyện ngắn với tên Nocturne. Phần đầu của câu chuyện, tôi ghi lại từng chi tiết. Phần sau thêm mắm muối nhiều.

    Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin, thu thanh nhiều nhạc phẩm tôi viết cho violin độc tấu. Chiếm giải Quán Quân Nhạc Sĩ Trẻ toàn Liên Bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi. Giáo Sư Violin nhạc viện Tchaikowsky ở Kyiv, Ukraine, Nga, ĐạiHàn và Nhật Bản. 

    “Tôi là Svyatoslava Semchuk, một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (Violon) thành danh ở Ukraine. Tôi rất cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi biết đến một nhạc sĩ và là soạn nhạc gia tuyệt vời Lê Văn Khoa.

    “Ông là một người hết sức linh hoạt, giàu kiến thức và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi rất may mắn có cơ hội trình diễn một số nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, và một số tác phẩm khác của người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng này. 

    “Tôi muốn nói ông là một người có nhiệt tình và khả năng làm việc phi thường với một  tâm hồn phong phú. Âm nhạc của ông bao quát các kiến thức và kinh nghiệm của những người làm việc chung với ông.

    “Trong nhạc phẩm “Nocturne”, ông kết hợp chủ nghĩa siêu biểu hiện với chủ nghĩa lãng mạn, đó là sự hòa quyện Chopin và âm nhạc Âu Châu. Đó là những dòng nhạc phong phú một cách diệu kỳ, tinh tế và tươi sáng.  Nó cho ta thấy âm nhạc không có biên giới mà đó chính là ngôn ngữ của thế giới.

    “Tôi khuyến khích các bạn nên đến các buổi hòa nhạc của Lê Văn Khoa. Khi trực tiếp nghe nhạc của ông, bạn sẽ thấy một độ sâu thẳm, một nguồn cảm xúc tuyệt vời của sự hiệp nhất tinh thần. Ai cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó mới lạ trong âm nhạc của ông.

    Lyudmila Chychuk là Giáo sư Nhạc Thính Phòng của trường dành cho trẻ em có biệt tài về âm nhạc, và là nhạc sĩ Piano trình diễn độc tấu. Năm 17 tuổi cô thắng giải thưởng sáng tác nhạc Young Composers of The Republic. Đoạt giải Người Đệm Đàn Xuất Sắc trong cuộc thi quốc tế năm 2001-2002. Lyudmila đã thu thanh tập nhạc piano của tôi. Sau đó cô đem nhạc của tôi đi trình diễn ở nhiều nơi, nhờ cô giới thiệu nên có nhiều trường nhạc ở Ukraine đã dạy nhạc của tôi. 

    Khi qua Mỹ nhiều năm trước, cô ở nhà tôi, thấy các con gọi tôi là bố, cô xin phép được gọi tôi là bố như các con tôi. Do đó cô trở thành con tôi. Mối tình bố con này rất lạ. Cô thấy trong nhạc piano của bố Khoa có sự hấp dẫn đặc biệt nên dùng cho chương trình biểu diễn piano của cô. Cô tâm tình: “Bên cạnh nhạc kinh điển, tôi còn thêm nhạc lãng mạn, ví dụ như nhạc của Schubert, hoặc những bản nhạc nổi tiếng của Chopin. Và ngay sau phần trình diễn những danh phẩm này thì những nhạc khúc của Lê Văn Khoa được trổi lên. . . 

    Khi tôi có một buổi hòa nhạc ở Vienna, Áo, tôi cũng đã trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa cho các khán giả của Vienna. Không ngạc nhiên khi nhiều người tìm gặp tôi sau buổi biểu diễn. Họ đã có những nhận xét khá thú vị. Họ nói: ‘Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội nghe bản nhạc piano lý thú đến như thế tại một buổi hòa nhạc cổ điển’.Thực tế mỗi khi tôi đưa một trong những tác phẩm của Lê Văn Khoa lên Internet, tôi thấy thính giả khác nhau đã nghe nó. Và có lần một nghệ sĩ Piano người Ý tên Andrea Bambace, viết thư cho tôi: “Bạn tìm thấy bản nhạc tuyệt vời này ở đâu thế? Ước gì tôi cũng có được để chơi thử.”

    “Tôi trả lời tôi không có bản ký âm vào lúc đó và cách hay nhất là ông ấy nên trực tiếp hỏi thẳng Lê Văn Khoa. Như tôi biết, ông ấy đã viết thư tới ông Khoa và đã nhận được trả lời. 

    “Andrea Bambace là Nhạc sĩ độc tấu Piano quốc tế,Giáo sư Piano nhiều nhạc Viện Ý và các quốc gia Âu Châu,Giám khảo nhiều cuộc thi trình diễn dương cầm quốc tế. Ông viết:“Bài Piano Solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa rất hay, rất êm dịu. Nó hấp dẫn vô cùng cho tôi là một người Ý. Nó tràn đầy tính chất khêu gợi. Tôi rất thích bài nhạc này.”

    “Nhiều người quan tâm tới loại nhạc này bởi vì nó mang đến một làn gió mới, hết sức thú vị, khác biệt so với văn hóa của chúng tôi, văn hóa châu Âu.”

    Bây giờ hãy nghe bà Alla Kulbaba, Nhạc Trưởng chính của Ukrainian National Opera, Nhạc Trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, đi trình diễn khắp thế giới. Bà đã chiếm giải thưởng Nhạc Trưởng Xuất Sắc. Đã thu thanh nhiều CD nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa từ năm 2005.

    Bà phát biểu: “Tôi đã thu thanh cho Lê Văn Khoa nhiều lần trong nhiều năm. Tôi đã gặp ông cách đây 11 năm khi ông đến Kyiv lần đầu tiên (2005). Chúng tôi đã ghi âm bản nhạc giao hưởng của ông.

    Với tôi, đó là một khám phá tuyệt vời, bởi vì tất cả sức mạnh và sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam được biểu lộ trong những nét nhạc của bản giao hưởng đặc biệt này [Symphony Vietnam 1975]. Những đoạn về chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu. 

    Âm nhạc của ông Khoa có thể được nhận ra dễ dàng bởi các yếu tố sau đây:

    – Nhạc của ông trần đầy ánh sáng, sự ấm áp và lòng nhân hậu. Những nét nhạc lạc quan khiến ta phải nghe một mạch không ngừng, và tâm hồn bỗng thấy êm ả hơn.

    – Tính dân tộc luôn hiện diện trong âm nhạc của ông. Đây là điểm hết sức đặc biệt.

    Mỗi lần chúng tôi thu thanh nhạc của Lê Văn Khoa thì luôn nhận thấy tiết nhịp và tính chất rất riêng trong âm nhạc của ông.

    Mọi chi tiết trong âm nhạc của ông thật rõ ràng nên khi làm việc với ông thì thật khoan khoái. Việc thu thanh tác phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam (mặc dù ông đang sống tại Mỹ) đã giúp đưa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine gần lại với nhau. 

    Dường như chẳng hề có khoảng cách thời gian, năm, mười năm giữa các cuộc gặp gỡ của chúng tôi với nhà soạn nhạc, bởi vì âm nhạc của ông đã gắn kết tâm hồn chúng tôi. Tất cả các nhạc sĩ chúng tôi luôn luôn hào hứng tham gia vào việc thu thanh nhạc của ông.” 

    Yuri Ogoretsky là nhạc sĩ độc tấu Cello chiếm nhiều giải thưởng quốc tế và là thành viên của ban Kyiv String Quartet, Ukraine, từng trình diễn khắp Âu châu.

    “Tôi xin có đôi lời về một con người tuyệt vời, là nhà soạn nhạc tài danh Lê Văn Khoa. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ năm 2005. Có một điều quan trọng trong những sáng tác của ông: Ông rất giỏi về ngôn ngữ âm nhạc. Đó là thứ ngôn ngữ không biên giới.

    Ngôn ngữ âm nhạc của ông rất rõ ràng và dễ hiểu, nhờ đó hai quốc gia Ukraine và Việt Nam gặp nhau. Vì vậy, chúng tôi đã thu thanh các tác phẩm của ông. Tôi muốn nhắc tới một đoản khúc đã thu thanh có tên “Ký Ức”. Là một nhà soạn nhạc, ông ấy rất nhạy cảm với các nhạc cụ – trong trường hợp này là đàn Cello. Điều này thể hiện cả trong phần nhạc độc tấu và bản tổng phổ của ông.

    Tôi rất vui mừng và đầy ấn tượng về những nhạc khúc chúng tôi đã thu thanh tại phòng thu của Kyiv. Một dàn nhạc quy mô là Kyiv Symphony Orchestra được dùng để thực hiện dự án này. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy, công việc ấy, tình thân ấy, và dĩ nhiên, những dòng nhạc tuyệt diệu ấy.”

    rina Starodub là thần đồng âm nhạc Ukraine. Năm 14 tuổi đã đi trình diễn vòng quanh nước Pháp, đã từng chiếm giải thưởng trong cuộc thi tài bên Nga, hiện là giáo sư Piano cho nhạc viện National Tchaikowsky Conservatory ở thủ đô Kyiv, Ukraine. 

    Thật thích thú được là bạn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm đa dạng tuyệt vời của ông, khi đơn tấu, lúc độc tấu với dàn nhạc và song tấu với piano. 

    Tôi đã thu tanh toàn bộ đĩa CD Piano của ông ở Mỹ. Với tôi, đó là vinh dự lớn lao bởi vì nhạc của ông thật ấm áp, nhân hậu và sâu thẳm.

    Tôi đã cố gắng truyền đạt cho khán giả Ukraine và Hoa Kỳ (tôi muốn nói, những người Mỹ gốc Việt) về tấm lòng cao thượng của ông Khoa và tình yêu ông dành cho đất nước của ông. Nhạc của ông thật du dương, thật đẹp và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Đó là những gì tôi nghe và cảm nhận được trong những nhạc khúc của ông.

    Tôi xin cảm ơn đất nước Việt Nam đã “sinh ra” một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Thông qua âm nhạc của ông, chúng tôi hiểu thêm tâm hồn của các bạn, bản chất, lòng tốt, vẻ đẹp của các bạn bằng sự rung cảm rõ ràng và sâu xa.

    Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Ukraine và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và cải thiện theo thời gian. Nhờ các dự án âm nhạc như vậy và nhờ nghệ thuật, chúng ta sẽ đến gần nhau hơn và tìm thấy các giá trị chung. 

    Các bạn Việt Nam thân mến, tôi chân thành cảm ơn vì đã vinh dự gặp tận mặt ông Lê Văn Khoa và qua các tác phẩm của ông, tôi biết thêm chút ít về nền văn hóa tuyệt diệu của các bạn. Đối với cá nhân tôi, đó là một điều mới mẻ và tôi muốn nói những lời cảm ơn đến tất cả các bạn vì văn hóa của các bạn quá trong sáng, đầy màu sắc, tinh tế và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho chúng tôi.”

    Bên trên là một số ghi nhận nét nhạc theo khuynh hướng Tây phương của tôi. Nhớ lại ý niệm ngày xưa, tôi vói qua khía cạnh dân nhạc Ukraine. 

    Violetta Dutchak là Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Văn Chương, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Âm Nhạc và Nhạc Khí Dân Tộc, trường Đại Học Quốc Gia Prykarpattya (Vasyl Stefanyk Precarpathian National University). Bà đã đi xe lửa 8 tiếng đồng hồ từ trường học ở miền Tây đến Kyiv để gặp Lê Văn Khoa và tiếng đồng hồ rồi lên xe lửa trở về trường mất 8 tiếng đồng hồ nữa, cho kịp giờ dạy hôm sau. Bà nói:

    “Tôi sống tại thành phố Ivano-Frankivsk (miền Tây Ukraine). Tôi là một nhạc sĩ chuyên về đàn Bandura, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu về đàn này. Đối với tôi, nghệ thuật đàn Bandura vừa là bộ môn trình diễn nghệthuật vừa là chuyên ngành nghiên cứu khoa học.

     “Mấy năm trước, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Kateryna Mironyuk, tôi nhận được một số nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam Lê Văn Khoa. Đó thật là một khám phá mới lạ, một cú sốc văn hóa. Từ trước tôi cứ ngỡ chỉ có âm nhạc Ukraine đặc biệt cho đàn Bandura mới thích hợp để trình diễn theo phong cách âm nhạc Tây Phương. Nhiều bản nhạc Tây Phương đã được viết lại để trình tấu với đàn Bandura nhưng tỏ ra không thích hợp với nhạc cụ này. Vậy mà những bản nhạccủa Lê Văn Khoa đã vượt qua được thử thách ấy và trở thành những bản nhạc bổ túc cho các nghiên cứu khoa học của tôi.

    “Nghệ thuật của Lê Văn Khoa là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương.  Trước tiên, tôi rất kinh ngạc bởi cách sử dụng được sắc điệu rất riêng của đàn Bandura. Sắc điệu là một trong những đặc tính chủ yếu của nhạc cụ này bởi vì đàn Bandura khởi thủy là loại đàn 7 nốt, nó tạo nên những âm sắc đặc biệt cho âm nhạc Ukraine.Vậy mà ngũ cung (pentatonic) và những âm giai lạ lùng với chúng tôi lại được Lê Văn Khoa áp dụng vào trong những bản nhạc soạn cho đàn Bandura để trình tấu trong dàn nhạc giao hưởng. Những bản nhạc ấy là bước đi tiên phong trong việc kết nối và giúp cho các nền văn hóa giao thoa với nhau.

    “Ngày nay, người ta thường nói về việc “tổng hợp” các nền văn hóa. Nhưng trong luận án của tôi, tôi dùng chữ “hội tụ”.  Đó là sự thâm nhập sâu xa những yếu tố văn hóa đã kết hợp một cách tự nhiên từ trước. Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ này, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau.

    “Nói chung, một nhạc khí nói lên tính cách văn hóa của một quốc gia, một dân tộc; đó là dụng cụ thể hiện cảm tình và một số những sở thích nội tâm. Khi chúng tôi trình diễn những bản nhạc của soạn giả Việt Nam với đàn Bandura thì chúng tôi có cơ hội được hiểu biết và thông cảm với dân tộc Việt Nam.”

    Taras Stolyar là Nhạc Sĩ đàn Bandura, một Nghệ Sĩ Ukraine từng được giải thưởng. Ông là Nhạc Trưởng dàn Bandura trong Ban Nhạc Khí Dân Tộc Hàn Lâm Quốc Gia Ukraine. Ông nhận xét về kỹ thuật viết nhạc của Lê Văn Khoa cho đàn Bandura như sau:

    “Tôi được vinh dự thực hiện một trong những nhạc phẩm của ông Lê Văn Khoa. Chúng tôi vừa thu thanh bài “Lý Ngựa Ô” do ông viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng. Tôi phải nói rằng sự hợp tác này hết sức thú vị. Âm nhạc của ông hoàn toàn khác với những gì chúng tôi dùng trước đây với đàn Bandura.“Bandura là một nhạc khí của quốc gia Ukraine vậy mà ở đây tôi trình tấu một bài dân ca Việt Nam. Âm thanh đàn Bandura trong nhạc khúc này nghe rất thuần túy, rất thanh thoát. Ông đã viết cho đàn trình diễn với các bộ giảm chấn khác nhau và với phong cách khác thường. Nhà soạn nhạc rất can đảm khi sử dụng nhạc cụ này, ngay cả các nhạc sĩ Ukraine cũng không mấy ai có thể áp dụng đàn Bandura một cách thú vị như thế. Hơn nữa, lại còn phải tạo âm thanh cho thật gần với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với tôi, dường như ông Khoa đã biết cách làm được tất cả những điều ấy.

    “Đàn Bandura ngày nay được kể là “đồ cổ” trong nhạc khí thế giới. Qua sự cộng tác giữa chúng tôi, các tấu khúc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa (ông đã viết nhiều tấu khúc cho đàn Bandura) rất có giá trị cho lịch sử của đàn Bandura nói chung. Khi tấu lên những cung điệu khác, đàn Bandura đã tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới. Thính giả quan tâm nhiều hơn. Đàn được nâng cấp cao hơn. Tôi nghĩ rằng khi đàn Bandura chơi những bản nhạc của các nước khác ta sẽ được nghe những thanh âm mới lạ như chưa bao giờ từng nghe trước đó. 

    With regards to the Composer Lê Văn Khoa, with great respect and gratitude for the development of cultural contacts between countries and peoples.”

    Professor Violetta Dutchak

    Vasyl Stefanyk Precarpathian National University

    Câu bên trên là lời viết của Giáo sư Tiến sĩ Violetta Dutchak trong quyển sách “Lịch sử và sự phát triển của âm nhạc Ukraine trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21” do Đại học đường Vasyl Stefanyk Precarpathian University ấn hành, đã được gửi tặng tôi. Tác giả dành trọn chương sáu của sách để viết bài nhận xét về hai tác phẩm tôi dùng dân ca Việt viết lại cho đàn dân tộc Ukraine là Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Bằng cách đó tên một người Việt Nam được ghi vào lịch sử âm nhạc Ukraine. Hiện có hai quyển sách bằng tiếng Ukraine có đề cập đến Lê Văn Khoa.

    Giáo Sư Dmytro Stepovyk, người có ba bằng Tiến Sĩ: Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Ông là tác giả sách nghệ thuật Mosaic. Hiện là giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ.

    Trong một cuộc phỏng vấn thu hình năm 2017, ông đã hé lộ bí ẩn nằm bên sau cái duyên tiền định của Lê Văn Khoa với nhạc sĩ Ukraine và rộng hơn, những điểm tương đồng của Việt Nam Cộng Hà và Ukraine. Mời quí vị xem tiếp và nhận định.

    “Ukraine và Việt Nam thuộc các nền văn minh khác nhau. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau hàng ngàn cây số. Nhưng có một thứ kết nối chúng ta với nhau, đó là nền văn hoá và văn minh của chúng ta đều cổ kính. Dĩ nhiên, Đông Nam Á đạt văn minh sớm hơn. Chúng tôi coi văn minh Ukraine bắt đầu từ sự xuất hiện của Đấng Christ, bởi vì Ukraine và đặc biệt Kyiv, đã được chính vị tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus Christ đến thăm. Vị ấy là sứ đồ Andrew. Thậm chí ở đây chúng tôi gọi ông là Người Đầu Tiên Được Ơn Kêu Gọi, vì ông là vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giê-Su kêu gọi. Vì vậy, chúng tôi gọi nhà thờ Ukraine là Apostolic (Nhà Thờ Thánh Tông Đồ). Trên thực tế, lịch sử Ukraine hiện đại đã phát triển trong những điều kiện khó khăn. Nước tôi nằm giữa khu vực địa lý của châu Âu. 

    Tạ ơn Chúa, cuối cùng từ hai mươi năm qua, chúng tôi không còn là nước thuộc địa. Chúng tôi đã bị cai trị bởi các người khác nhau, người Mông Cổ thế kỷ 13, người Ba Lan (hàng xóm của chúng tôi) và cuối cùng là người Moskal (tức là người Nga). “Rus” là tên Ukraine một thời nhưng đã bị người ta cướp mất.

    Tạ ơn Chúa, không có quốc gia lân cận nào của các bạn, không phải Lào, Campuchia, cũng không phải Trung Quốc, Đài Loan, hay Indonesia dám xóa đi cái tên nước đẹp đẽ của Việt Nam. Tôi tin rằng tên này có nguồn gốc rất cao quý.

    Điều gì làm chúng ta giống nhau?

    Nếu nền văn minh của chúng ta bắt đầu từ cùng một mốc thời gian, thì điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau? Tôi vô cùng hạnh phúc khi năm 2012 nhờ qua Taras Myronyuk, nhạc trưởng của dàn hợp xướng và dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, tôi được gặp một người tuyệt vời, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một người Mỹ gốc Việt, nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, tác giả những nhạc phẩm mang nét văn hóa Âu Mỹ kết hợp với giai điệu các ca khúc Việt Nam nổi tiếng. 

    Điều nào khác nữa khiến chúng ta giống nhau? 

    Chúng tôi thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau, chủng tộc Mông Cổ và Âu Châu. Tuy nhiên chúng ta có nhiều điểm chung.

    Tôi nhớ lại lúc còn trẻ khi lần đầu tiên viếng thăm một nước tư bản là Na Uy. Ở thị trấn Northgamme trong viện Bảo Tàng Nhạc Cụ, bên cạnh nhạc cụ dân gian Na Uy, tôi thấy một cây đàn Bandura Ukraine. Nhạc cụ này được người Ukraine đem tới bởi vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản do Nga áp đặt bằng những lời dạy của Engels và Marx. Chế độ đó không thuộc đất nước chúng tôi vì chúng tôi là dân tộc có lý tưởng dân chủ giống như dân tộc Việt Nam. Chế độ Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam không phát xuất tự nhiên từ tâm hồn người Việt. Chính những điều này đã đưa hai quốc gia chúng ta đến với nhau bất chấp những khác biệt bên ngoài. . .

    Ca Sĩ Ngọc Hà, phu nhân của NS Lê Văn Khoa

    Ngày nay thế giới đang trải qua sự toàn cầu hóa, và chúng tôi rất hạnh phúc khi các bạn đến đây để thực hiện những tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó Lê Văn Khoa đã sử dụng đàn Bandura – nhạc cụ Ukraine cổ nhất, có nguồn gốc từ đàn Kobza bằng cách thêm nhiều dây đàn hơn. Thật là một món quà tuyệt vời vì nhạc của Lê Văn Khoa giống như âm nhạc dân gian của chúng tôi. 

    Chúng tôi hiện đang vui mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm nền độc lập. Liệu nước láng giềng Nga có thể sẽ tấn công chúng tôi chăng? Trong hai năm sau chiến tranh dưới thời Tổng Thống Poroshenko, Ukraine đã nâng cao khả năng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công hung hăng. Điều đó cho thấy chúng tôi không chỉ có sức mạnh tinh thần và sáng tạo mà còn có cả sức mạnh cơ bắp. Chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình.

    Tôi nhớ lúc còn trẻ, cuộc chiến bi thảm và đẫm máu giữa miền Bắc và Nam đang diễn ra tại Việt Nam. Thật không may, nền dân chủ đã không giành chiến thắng. Nhưng tôi thiết nghĩ sự phát triển của Việt Nam sẽ đạt đến thời điểm mà ý chí của các bạn rồi sẽ vượt qua sức mạnh của cái ác, và bắt đầu đi theo con đường các bạn đã bước đi trong những thế kỷ trước.

    Lịch sử hiện đại của chúng tôi bằng cách nào đó đã vang vọng với lịch sử quốc gia tuyệt vời của các bạn.” 

    Cái duyên tình tiền định giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã bật mở từ lần gặp đầu tiên, năm 2005, khi tôi qua Kyiv, Ukraine để thu thanh Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975. Sự thân thiện và cởi mở giữa chúng tôi dường như đã có từ trước rất lâu mà không ai biết, thình lình hiển hiện từ những nốt nhạc đầu tiên khi dàn nhạc khởi tấu lần đầu. Nó hiện ra trong tiếng đàn, hiện ra trên nét mặt của các nhạc sĩ. Nó hàm chứa niềm vui kín đáo khi gặp lại cố nhân. Nhưng rồi hiện ra rõ hơn sau buổi dợt đầu tiên, lúc chúng tôi phải ra đường lớn để đón taxi. 

    Phòng thu thanh quốc gia ở trên một ngọn đồi thấp, nhưng một người lạ phải đi lần đầu tiên, trong bóng đêm, trên mặt đất phủ tuyết đã đóng băng, không dễ đi chút nào. Cô Svyatoslava Semchuck,  nhạc sĩ độc tấu violin bên trái, bà nhạc trưởng Alla Kulbaba, bên mặt, hai người hai bên sốc nách tôi, nâng tôi lên khỏi mặt đất để đi, tự nhiên như nâng người “em nhỏ” trong gia đình.

    Trong thời gian thu thanh Symphony VietNam 1975, tôi bị “đứng tim” nhiều lần. Nhưng mối tình nào chẳng có những giây phút hồi hộp?

    Trong khi tổng dợt hành âm số 5 có tên “Trong Đêm Thâu”, khi cả ban nhạc yên lặng, rồi có tiếng nhạc thật êm, lạc lõng, lần lần từ xa tiến tới. Lúc đó, một câu nhạc ngắn trổi lên. Thình lình có một nhạc sĩ đứng lên, quơ tay chận nhạc trưởng, nói lớn với giọng gay gắt. Nhiều nhạc sĩ khác đứng lên. Cả sân khấu ồn ào. Tôi đang ở trong phòng thu với chuyên viên âm thanh, không hiểu chuyện gì xảy ra vì tất cả những người lên tiếng đều dùng tiếng Ukraine. Tôi nghĩ không biết mình viết nhạc bết bát thế nào mà bị chống đối dữ vậy? Vì không hiểu tôi chỉ còn biết tiếp tục quan sát. 

    Tôi thấy bà nhạc trưởng vừa nói, giọng ôn tồn, vừa lật qua lật lại những trang nhạc trong quyển tổng phổ của tôi. Sau đó các nhạc sĩ ngồi xuống và đàn tiếp. Có đoạn họ gằn tiếng đàn như trút cơn giận trong âm thanh. Thu thanh hành âm đó xong, các nhạc sĩ ra về. Tôi không dám ló mặt ra khỏi phòng thu vì sợ bị hành hung. Đến khi ông phó nhạc trưởng vào phòng thu, tôi hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Ông cho biết nhạc sĩ phản đối vì có câu nhạc cộng sản quốc tế ca. Bà nhạc trưởng đã nghiên cứu nhạc trước nên hiểu câu chuyện trong âm nhạc và giải thích đây là bài nhạc về lịch sử Việt Nam. Nhạc kể cuộc chiến ở Việt Nam do cộng sản quốc tế xúi giục, nhưng sẽ bị chống trả mãnh liệt của quân dân miền Nam, trong đoạn nhạc sắp tới. Nghe vậy nên nhạc sĩ yên tâm ngồi xuống chơi nhạc tiếp. Nhạc sĩ bày tỏ: “Chúng tôi đã bị bắt chơi bài Quốc tế ca này cả đời rồi, và rất thù ghét nó, tưởng đâu thoát rồi, tại sao bây giờ bị chơi nữa?” Do đó khi trỗi Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ gằn phím đàn để thêm sự cương quyết cho tiếng nhạc. Qua sự việc này, ta thấy sự đồng cảm, đồng thuận của nhạc sĩ Ukraine. Nếu thu thanh ở một quốc gia khác, chắc chắn những rắc rối vừa rồi không xảy ra. Thêm một lần nữa duyên tình ẩn kín giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã lộ diện. Họ chơi nhạc với cả tình lẫn lý.

    Một rắc rối khác xảy ra đang lúc tổng dợt hành âm số 6 của Symphony VietNam 1975. Lần này bà nhạc trưởng ra lệnh ngưng nửa chừng và chuyển qua bài khác. Tôi tái mặt, nghĩ thầm, không biết mình viết nhạc bị lỗi lầm quan trọng nào đây mà bà nhạc trưởng không cho chơi tiếp. Sau buổi thu thanh, bà nhạc trưởng hẹn tôi gặp riêng với bà hai hôm nữa.

    Đến ngày giờ hẹn, tôi gặp bà. Sau lời chào hỏi, bà lật nhạc từ quyển tổng phổ, hành âm số 6, “Trên Biển Cả”.  Bà nói: “Cần phải chỉnh lại hành âm này.” Tôi bối rối vô cùng. Làm sao có đủ thì giờ viết thêm phần nhạc mới để thay phần bị bỏ ra? Nhưng bà nhạc trưởng nói tiếp: “Nhạc lớn quá và kéo dài quá lâu. Không ai chịu nổi.” Tôi yên tâm. Không phải mình viết nhạc sai. Tôi nhớ lại phần đối thoại với thính giả sau buổi trình diễn tác phẩm này tại Trung Tâm Biểu Diễn Nghệ Thuật Orange County, năm 1995. Có một khán giả nêu ý kiến: “Âm thanh không đủ lớn để diễn tả chiến tranh.” Nhạc trưởng Edward Cumming trả lời: “Ông Khoa yêu cầu thêm 6 cái trống lớn, đặt rải rác trong khán giả, để khi bị pháo kích thì tất cả đồng loạt vang lên. Nhưng chúng tôi không chấp thuận.” Tôi nghĩ lại, họ không chấp thuận là đúng. Trong khi chỉ có một tiếng đàn bầu thật êm nhẹ tỉ tê, mọi người đang tập trung lắng nghe âm thanh nhỏ yếu, thật tình cảm, thình lình tiếng trống ầm vang khắp phòng nổi lên điếc tai, thì sẽ có chuyện gì xảy ra, nhất là nếu có người đau tim ngồi gần đó? Hôm nay, ở đây, hoàn cảnh tương tự! 

    Bà nhạc trưởng nói bằng tiếng Anh: “Tôi đề nghị cắt bỏ từ chỗ này…. Đến chỗ này.”

    Tôi góp ý: “Tôi thấy không ổn vì câu nhạc bị phá và hòa âm bị thình lình cắt mất.

    Bà vừa lật trang nhạc và bật nói bằng tiếng Ukraine mà không hề ý thức việc mình làm. Đó là phản xạ tự nhiên trong cơn bối rối. Nhưng bằng cách nào đó, tôi hiểu ý bà và đáp lời bằng tiếng Anh. Bà hiểu tiếng Anh nhưng đáp lại bằng tiếng Ukraine. Cuộc tranh luận kỳ quái như vậy kéo dài nhiều phút. Rốt lại chúng tôi đồng ý cắt bớt ba trang nhạc. Với âm nhạc, ngôn ngữ con người dường như không còn cần thiết nữa. Những bối rối của tôi chưa hết.

    Có lẽ cảm thông với ý nghĩ thầm kín của tôi, một buổi chiều ông phó nhạc trưởng mời chúng tôi ra ngoài để giải khuây. Ông đưa chúng tôi đến một cơ sở mới. Ông mời mấy người trong phái đoàn người Việt ngồi nghỉ.

    Ông vào trong, dẫn ra một nhạc sĩ Ukraine với chiếc đàn accordeon, yêu cầu người nhạc sĩ chơi một bài nhạc để giúp vui chúng tôi. Nhạc sĩ chơi rất điệu nghệ. Hết bài nhạc, ông ấy xếp đàn lại để rời phòng. Ông phó nhạc trưởng giới thiệu với anh ta từng người khách lạ đã nghe ông đàn. Đến tôi, ông nói: “Đây là composer Khoa Lê.” Nghe đến composer, người nhạc sĩ trợn mắt, nói: “Composer à? Vậy thì tôi xin đàn thêm một bài nữa. Bài này do tôi sáng tác, tên là Ave Maria.” Ông ta dạo nhạc rồi cất tiếng hát với tất cả xúc động, đến rơi lệ. Tôi nghĩ ông ấy phải có một tâm sự đau lòng lắm. Khi nhạc sĩ đi khuất, ông phó nhạc trưởng nói nhỏ cho chúng tôi biết người nhạc sĩ ấy tên Aleksandr Dudar, là người hát dạo từ dưới tỉnh lên thủ đô, đi xin ăn ngoài đường phố. Ông ta đã tốt nghiệp âm nhạc từ Kyiv National Tchaikowsky Conservatory of Music. Có người rước ông về đây, cho ở tạm vài tuần lễ để ông ấy định tỉnh tâm thần trước khi trở ra ngoài đời. Tôi choáng váng. Một người hát dạo xin ăn ngoài đường phố là người đã tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng quốc gia! Tôi nhớ lại việc Stalin dùng lời giả dối là cần sưu tập những sáng tác của người mù (những bài hát yêu nước) để in thành tập nhạc lưu lại cho hậu thế. Người Nga đã quy tụ được đến ba trăm người ăn xin mù lòa từ khắp Ukraine. Tập trung họ lại một chỗ rồi giết hết một lúc. Tôi tự hỏi: “Như vậy, trình độ âm nhạc của người dân Ukraine đến đâu? Mình có sánh được với họ không?”

    Trở lại hành âm cuối của Symphony VietNam 1975 là Ca Ngợi Tự Do. Trong hành âm này tôi cố ý cho ban hợp ca Ukraine thêm vào với phần hòa âm riêng. Tôi muốn dùng ban hợp ca Ukraine hát đệm để về nhờ ban hợp ca Việt hát chồng lên cho đều và đầy. 

    Khi tập dợt thì ban hợp ca tập riêng ở địa điểm khác với ban nhạc. Họ chỉ hát u ơ mà không có âm thanh nào khác thì khó biết mình hát gì. Đến khi tổng dợt với ban nhạc để thu thanh, họ được hát với ban nhạc lần đầu. Nhờ hát chung với ban nhạc họ thấy phần nhạc đệm có âm sắc khác thường. Họ nói nhạc có sự thôi thúc và phấn khởi mãnh liệt nhưng họ không hiểu nghĩa của lời ca. Đang hát, họ ngưng, yêu cầu nhạc trưởng giải thích cho họ. Nhạc trưởng không biết tiếng Việt nên gọi Lê Văn Khoa ra để giải thích. Khi được gọi, tôi không hiểu có việc gì xảy ra nữa đây, nhưng không né tránh được nên phải xuất hiện. Được biết ý họ, tôi nói tên bài hát. Chỉ cần chừng đó họ đã hiểu hết vì đã cảm với âm nhạc từ trước. Họ yêu cầu bài hát phải được dịch ra tiếng Ukraine để họ hát. Họ nói không phải chỉ người Việt Nam mới ưa chuộng tự do. Người Ukraine và cả người khác trên thế giới đều mong muốn tự do. Trước khí thế như vậy, tôi chấp nhận cho hoãn thu thanh hành âm cuối để đưa bài Ca Ngợi Tự Do cho người dịch ra tiếng Ukraine. Thế là tất cả ca, nhạc sĩ đều ra về. Điều cảm động là tất cả ca, nhạc sĩ, nhân viên thu thanh, nhạc trưởng, không ai nhận một xu thù lao nào cho buổi thu thanh bất thành đó. Thế mới thấy tinh thần của ca nhạc sĩ Ukraine. Họ tuy nghèo, nhưng rất có tình. Với hành động ấy họ công khai xác nhận mối duyên thầm với Lê Văn Khoa. Và cuộc tình còn dài.

    Ngay đêm đó tôi dịch lời bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Anh. Hôm sau ông phó nhạc trưởng đem bản nhạc và lời tiếng Anh đến nhờ người chuyên dịch các Opera Ý, dịch bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Ukraine để ban hợp ca hát. Hai ngày sau thì thu thanh. Vì bài ca hoàn toàn mới nên ban hợp ca phải nhìn vào bài để hát. Tuy kém thoải mái, nhưng mọi người thỏa lòng.

    Nhạc trưởng Andrew Wailes của dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra, Australia, nhận xét bài Ca Ngợi Tự Do như sau: “Trong hành âm cuối, ‘Ca Ngợi Tự Do’, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại… Nhạc thật hay, rất sắc xảo, tinh vi. . . .”

    Điểm ấm lòng và có dấu hiệu đồng cảm sau mấy ngày thu thanh của chuyến đi Kyiv, Ukraine lần đầu của tôi năm 2005, là các nhạc sĩ của Kyiv Symphony Orchestra and Chorus yêu cầu bà nhạc trưởng xin tôi để nhạc lại cho họ chơi. Phải chăng cái duyên giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã đến lúc lộ rõ. Phải chăng nét nhạc của tôi đã nói lên được nỗi lòng âm thầm chịu đựng từ lâu của người Ukraine. Tôi tin phải có sự đồng cảm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Nhờ đó mà từ năm 2005 đến 2017 tôi thực hiện được 5 CDs nhạc với Kyiv Symphony Orchestra, một CD nhạc Piano, một bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bản nhạc rời.

    Một buổi chiều, sau khi thu thanh xong mấy bài nhạc, nhờ việc làm suông sẽ nên buổi thu thanh được kết thúc sớm. Chúng tôi có khoảng trống vài tiếng đồng hồ, bà nhạc trưởng và hai cô nhạc sĩ trẻ rủ tôi đi dạo phố với họ sau một ngày làm việc căng thẳng quá mức. Hai cô gái này tên Irina Starodub, giáo sư piano Nhạc viện Quốc gia, và Svyatoslava Semchuk, cũng là  giáo sư của Nhạc Viện Quốc gia tại Kyiv mà tôi có đề cập trong phần I, kỳ trước. 

    Chúng tôi đi dạo trong công viên của khu đền kỷ niệm 10 triệu người bị Stalin bỏ đói cho chết hết trong hai năm 1932 và 1933, vừa đi vừa nói chuyện về âm nhạc. Có một điểm trùng hợp kỳ lạ, năm 1933 là năm tôi chào đời.

    Đi dạo độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi ra đón taxi trở về phòng thu thanh để làm việc tiếp. Nơi đây tôi được học một bài học về đẳng cấp trong giới nhạc cổ điển.

    Khi taxi tấp vô lề đường, cô Irina bước tới, mở cửa xe để mời tôi lên xe. Như đã nói ở phần trước, cô là một thiên tài âm nhạc. Năm 14 tuổi, cô đã đi trình diễn khắp nước Pháp, hiện là Giáo sư Piano cho Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky. Nhưng Irina bị cô Svyatoslava, người từng chiếm giải Quán Quân toàn Liên bang Sô Viết, từng chiếm giải thưởng quốc tế ở Đức, môn violin, Giáo Sư Violin của nhiều nhạc viện ở Ukraine, Đại Hàn và Nhật Bản gạt qua một bên, để cô mời tôi lên xe. Tôi chưa kịp bước lên xe thì bà nhạc trưởng đến gạt Svyatoslava qua, bà mở cửa xe và mời tôi lên xe. Tôi nói cách gì cũng không thể để bà lên xe trước tôi. Sau khi tôi ngồi an toàn rồi, bà đóng cửa xe cho tôi, rồi bà lên ngồi ở phía sau với hai nhạc sĩ trẻ.

     “Tôi thấy có việc lạ, xin giải thích giùm tôi. Tại sao ở Hoa Kỳ thì đàn ông mở cửa xe mời phụ nữ lên xe trước rồi họ mới lên xe sau, ở đây tôi không thể mời ba vị lên xe được?”

    Bà nhạc trưởng trả lời một câu ngắn gọn, làm tôi suy nghĩ rất nhiều:

     “Because you are a composer.”

    Câu trả lời rất ngắn đó xác định vị thế từng người trong giới nhạc cổ điển Tây phương, nhưng quan trọng hơn, nó minh xác tôi là một người trong nhóm của họ. Cái duyên tiền định giữa tôi và nhạc sĩ Ukraine đã lộ rõ ra ở đây.

    Một cái duyên nữa là năm 2012, khi Vietnam Film Club nhờ tôi thực hiện một bài quốc thiều giá trị cho phim tài liệu về Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ ngay phải tìm một ban nhạc tầm vốc quốc gia mới xứng hợp. Nhờ duyên tình tôi đã kết hợp với nhạc sĩ Ukraine từ năm 2005, và sau khi vượt mọi khó khăn vào giờ phút cuối, chúng tôi được Ban Quân Lễ Nhạc của Phủ Tổng Thống Ukraine trình diễn cho chúng tôi thu thanh và thu hình bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Duyên tình của chúng tôi càng kết chặt hơn.

    Trong một buổi họp mặt với nhiều nhạc sĩ từ các trường nhạc lớn ở Ukraine, ông Taras Myronyuk của Kyiv Symphony Orchestra nói trước mặt mọi người: “Ông Khoa ơi, tôi thấy có hai con người bên trong ông, một là Việt Nam, người kia là Ukrainian. Nhưng tâm hồn ông thuộc về Việt Nam.” 

    Vâng, tâm hồn tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.

    Trong đêm cuối cùng ở Kyiv, năm 2017, có sự truyền cảm nào đó làm mọi người bịn rịn, không muốn chia tay. Tôi nói: “Đêm nay là đêm cuối cùng tôi ở Kyiv. Tôi chào từ biệt mọi người, vì sẽ không còn cơ hội để tôi qua Ukraine nữa.”

    Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba êm ái góp ý: “Xin đừng nói cuối cùng. Chúng ta chờ xem, coi có việc gì xảy ra…”

    … Mấy năm sau, ngày 24 tháng Hai 2022, Nga xua quân xâm chiếm Ukraine và tàn phá quốc gia này. Nhưng điểm quan trọng là hai quốc gia đã được thắt chặt bằng sợi dây vô hình: ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine đã trình diễn Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh và Âm thanh của việc này sẽ còn lưu dấu đến ngàn sau.

    Lê Văn Khoa

  • Khánh Lan,  Sinh Hoạt,  Vương Trùng Dương

    RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân 

    Ban Tổ Chức Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức buổi Ra Mắt Sách hai tác phẩm Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang tại hội trường Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave. TP Garden Grove. Nhà văn Nguyễn Quang là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017). Tuy bước sang tuổi 90 nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn khỏe mạnh và hoàn thành tác phẩm thứ 9: Ôn Cố Tri Tân.

    Nhà văn Nguyễn Quang sinh quán tại Phú Nổ, làng Khánh Hưng, Tỉnh Sóc Trăng, du học tại Pháp từ năm 1950, đỗ Cử Nhân Toán. Năm 1955-1962, theo học tại đại học Cambridge ở Anh, đỗ Cao Học Kinh Tế (nay gọi là Thạc Sĩ). Ông trở lại Pháp, làm việc cho nhiều nhà xuất bản tuần báo ở Paris. Theo nhà văn Khánh Lan “Ông làm phó chủ bút cho tờ Paris Match. Ông ghi tiểu sử trên sách vài dòng, không ghi bằng cấp, khác với một số ít người có thói quen selfie trọng bằng. Nhà văn Nguyễn Quang được nhiều người quý mến vì bản tánh hiền hoà, khiêm nhường và luôn sinh hoạt với Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian.

    NV Nguyễn Quang

    Tuy xa quê hương gần bảy thập niên nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Cũng vào thời điểm nầy, Chủ Nhật,13-4-2014 tại hội trường Thư Viện Việt Nam, nhân dịp sinh nhật 83 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang đã ra mắt tác phẩm Một Giấc Mơ. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”.

    Năm 1980, nhà văn Nguyễn Quang sang Mỹ với người bạn đời là nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Tác phẩm đã ấn hành: Văn Nghiệp & Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh (2004), Nhập Gia (2007), Ông Giáo Làng (2009), Ốc Mượn Hồn (2012), Một Giấc Mơ (2013), Ngoại Tình (2016), Thần Giao Cách Cảm (2017), Ôn Cố Tri Tân (2020) và Phận Đàn Bà (2022).

    Buổi RMS của NV Nguyễn Quang đã khai mạc lúc 1:30 chiều, MC Mộng Thủy mở đầu chương trình với bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa do dàn nhạc Ukraine trình tấu để tưởng nhớ đến đất nước bạn đang trong cơn sống còn tranh đấu cho tự do dân chủ. Tiếp theo là bài Việt Nam Việt Nam và Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ để nhớ về đất nước thân yêu.

    Sau đó MC Mộng Thủy trình bày sơ lược Chương trình RMS của nhà văn Nguyễn Quang gồm 2 phần:     1. Phần văn học. 2. Phần văn nghệ và chúc mừng Sinh Nhật 91 của nhà văn Nguyễn Quang. Diễn giả trong buổi RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân với các nhà văn Quyên Di, Việt Hải, Khánh Lan và Kiều My.

    NV Nguyễn Quang có đôi lời tâm tình cùng khán giả và trả lời những câu hỏi của khán giả.

    Trong tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ, nhà văn Nguyễn Quang đã khéo léo trong việc sử dụng những hình ảnh, ngôn từ, hoàn cảnh để so sánh, để ví von. Lời văn ẩn dụ những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong một gia đình tưởng như hoàn mỹ, để truyền tải sâu sắc ý tưởng của mình. Đọc tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ cho chúng ta ba ý niệm khác nhau, cả ba phần đều đề cặp đến cuộc đời, danh phận cũng như sự kiên nhẫn, nhịn nhục và chịu đựng của người đàn bà. 

    1. Phần một thuộc thể loại tình cảm xã hội về một gia đình được coi là lý tưởng nhưng lại trải qua nhiều uẩn khúc như sự giằng co giữa lương tâm nghề nghiệp, bổn phận với vợ con và trách nhiệm với người tình. 
    2. Trong phần thứ hai thì lại đặt nặng về phần văn hóa xoay quanh những tranh luận về phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng quốc gia. Phần này rất có ích cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu để mở mang kiến thức. 
    3. Phần thứ ba là những câu chuyện “Hoa Cỏ Bên Đường” như nhà văn kiên nhà báo Kiều Mỹ Duyên đặt tên cho tác phẩm thứ hai của bà. Đó là những mẩu chuyện mà tác giả đã thu nhận được từ bạn hữu, từ những mẩu chuyện “đàn ông đàn bà”, những chuyện do “mắt thấy tai nghe“, được ông ghi lại trên trang giấy. 

    Về tác phẩm ÔN CỐ TRI TÂN của nhà văn Nguyễn Quang ôn lại lịch sử nước Việt, từ thời Hồng Bàng với các vị vua Hùng Vương, rồi qua các triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đất nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, chiến tranh Quốc Cộng, thời CSVN thống trị… Những bài học từ quá khứ để suy nghiệm hiện tại. Trước đây, tôi có giới thiệu khái quát về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân, trong đó có nhắc đến: “Cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Quyển Cổ Học Tinh Hoa (cùng Trần Lê Nhân) ấn hành năm 1928 đến nay gần một thế kỷ vẫn được ấn hành và lưu truyền. Hai vị biên soạn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện liên quan trong cuộc sông, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người” để biết nhìn nhận “cái xưa” để xử thế “cái nay” mà qua từng mẩu chuyện với lời bàn rất hữu ích.

    Nhà văn, dịch giả Mộng Bình Sơn (1923–2011) đã viết nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Ôn Cố Tri Tân gồm 3 tập, ấn hành năm 1967, Sống Mới xuất bản tại Sài Gòn. Dẫn chứng hai quyển sách của người xưa của nước ta về Ôn Cố Tri Tân vẫn còn giá trị trong cuộc sống. Sau nầy nửa thế kỷ ở hải ngoại, tác giả Nguyễn Quang nay ở tuổi chín mươi vẫn mang hoài bão của bậc cao tuổi qua tác phẩm…

    Xen kẽ giữa hai những bài phát biểu của các diễn giả là những bài hát chủ đề như Kiếp Nào Có Yêu Nhau do CS Ái Liên và Em Còn Nhớ Mùa Xuân do CS Mạnh Bổng trình diễn. Cũng không quên nhắc đến Ngọc Quỳnh diễn ngâm bài thơ của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh chúc mừng NV Nguyễn Quang RMS. Tiếp theo sau là phần cắt bánh mừng sinh nhật của NV Nguyễn Quang, MC Mộng Thủy mời các vị niên trưởng và bậc trưởng thượng lên chúc thọ NV Nguyễn Quang và mọi người hát Happy birthday.

    NV Dương Viết Điền, GS Dương Ngọc Sum, NV Nguyễn Quang, NS Dương Hồng Anh, NT Nga Nguyễn, LS Michelle Mai Nguyễn, NV Việt Hải

    Phần văn nghệ với những nhạc phẩm: Liên khúc Phút Chan Hòa thơ Việt Hải, nhạc Hồng Tước và Còn Gặp Nhau, thơ:  Tôn Nữ Hỷ Khương – nhạc của Võ Tá Hân (Hồng Tước, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên),  Bang Bang Khi Xưa Ta Bé – nhạc ngoại quốc lời Việt:  Phạm Duy (Thụy Lan, Minh Thư, Lệ Hoa); Histoire D’un Amour – Carlos Eleta Almaran (Kiều My); Xin Còn Gọi Tên Nhau – Trường Sa (Hùng Ngọc); Để Quên Con Tim – Đức Huy (Thanh Hiếu); Tình ca người đi biển – Trường Hải (Thanh Mai & Thanh Hiếu); Main dans le main – Christophe. (Thụy Lan, Minh Thư, Lệ Hoa)

    Bế mạc buổi RMS với nhạc phẩm Cờ bay Chiến Thắng Quảng Trị-Lê Kim Hoa & Bài Ca Chiến Thắng-Minh Duy để vinh danh những anh hùng trong quân lực VNCH. Và tan hàng với bài NVNT & TTG hành Khúc, Bạn Bè Của Tôi do NS Dương Hồng Anh sáng tác năm 2019.

    Mạnh Bổng, Khánh Lan, Mộng Thủy, Lâm Dung, GS Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di, Ngọc Quỳnh,
    Ái Liên, NV Kiều Mỹ Duyên, NV Nguyễn Quang, NV Việt Hải, NT Nga Nguyễn, GS Trần Huy Bích

    Vào thời điểm nầy, 47 năm về trước, tôi lang thang trên các bãi biển từ Bình Tuy đến Vũng Tàu để tìm thân nhân lưu lạc nhưng vô vọng. Nay tình hình chiến sự xảy ra khi Putin đem quân xâm chiếm Ukraine gây ra cuộc chiến tàn khốc, kinh hoàng… Vì vậy tôi dành hết thời giờ để theo dõi nên không tham dự vào sinh hoạt văn học nghệ thuật. Nhưng với nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian trong những năm qua trong tình văn nghệ với nhau và với nhà văn Nguyễn Quang, không thể nào từ chối trong buổi Ra Mắt Sách để ghi lại vài dòng.

    Vương Trùng Dương , Little Saigon, April 10, 2022

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Ukraine & Đất Nước Hoa Hướng Dương

    Khai Bút Đầu Năm Nhâm Dần 2022 vào Giao Thừa Tân Sửu – NhâmDần của tôi có đề cập đến hoa hướng dương:

    “Tôi thích hoa hướng dương nên quyển Ngẫm Chuyện Nhân Sinh ấn hành năm 2004 để Hướng Dương xuất bản.

    Hoa hướng dương (sunflower) luôn hướng về ánh sáng mặt trời cũng như tâm hồn con người hướng thiện, trái tim trong sáng sẽ được đón nhận thiện cảm của tha nhân…

    Pam Stewart quan niệm: “Nếu là hoa, tôi sẽ là hoa hướng dương, để luôn hướng về phía mặt trời, quay lưng lại với bóng tối. Đứng ngay thẳng và kiêu hãnh ngay cả với đài hoa nặng hạt”. Hoa hướng dương trong dân gian còn gọi là hoa mặt trời. Hoa như trái tim hướng về Chân, Thiện, Mỹ…”. Trong ca khúc Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh sáng tác năm 1970 ở Sài Gòn đã chôm câu nầy “Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương”.

    Ukraine được mệnh danh là đất nước hoa hướng dương. Hoa hướng dương là loài hoa thuộc họ cúc (asteraceae), có tên khoa học là Helianthus Annuus. Còn có tên là hướng nhật quỳ hoa, văn cúc, tây phan liên, nghênh dương hoa, vọng nhật liên, thái dương hoa, triều dương hoa…

    Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời nên thường là biểu tượng của lòng trung thành, chung thủy sâu sắc, sự kiên định đó cũng tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền, sự ấm áp, và cả sự kiêu kỳ, vẻ đẹp trong sáng.

    Năm 1996, khi Ukraine trở thành quốc gia phi vũ khí hạt nhân, hoa hướng dương đã được trồng tại một căn cứ hỏa tiễn của đất nước để kỷ niệm 5 năm (25/6/1991) thoát khỏi ách thống trị của Cộng Sản Liên Xô.

    Từ đó, hoa hướng dương được trồng khắp nơi trên mảnh đất Ukraine, trở thành loài hoa trong công nghiệp (sẽ đề cập trong bài viết sau nầy) sản xuất & xuất khẩu.

    Little Saigon, March 05, 2022

    Vương Trùng Dương

  • Cáo phó - Phân Ưu,  Vương Trùng Dương

    Tưởng Nhớ Nhà Văn Văn Quang

    Nhà văn Văn Quang, đã qua đời lúc 10 giờ 20 phút, Thứ Ba, 15 tháng 3 năm 2022, tại tư gia, đường Nguyễn Thiện Thuật, thành phố Sài Gòn, Hưởng thọ 90 tuổi.

    Trong bài viết Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã của tôi vào tháng 5 năm 2000, sau nầy đăng trong quyển Văn Nhân & Tình Sử, ấn hành năm 2015 (trang 325-347).

    Nay trích những dòng liên quan đến nhà văn Văn Quang:

    “Tháng Tư năm 2000, tôi đọc bài viết “Người Con Gái 27 Năm Với Đời Sống Thực Vật” của nhà văn Văn Quang từ trong nước viết về hình ảnh quá thương tâm của cháu Khôi Thụy (con của Tô Thùy Yên và Nguyễn Thị Thụy Vũ): “Trong căn phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thun ngắn tay nằm ngay đơ trên chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi nơi đó là nơi cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm. Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi. Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang…”.

    Đây là bài viết đầu tiên về NTTV, khi đọc rất xúc động. Trước năm 1975, tôi chưa gặp NTTV nhưng những người thân trong gia đình chị và tôi có quen biết nhau… Lúc tôi vào Sài Gòn học đại học Văn Khoa, ở trọ trong dãy nhà của chị Phương Đài nằm trong khuôn viên thánh thất Từ Vân, đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận. Dãy nhà nầy của chị Phương Đài và Xuân Hoàng, con nữ sĩ Song Thu (Phạm Xuân Chi, cháu nội cụ Phạm Phú Thứ, dòng dõi nho sĩ ở Quảng Nam). Nhà văn Mặc Khải là anh cùng cha khác mẹ với hai chị em Phương Đài và Xuân Hoàng. Ông là thân phụ của Nguyễn Thị Thụy Vũ (Nguyễn Băng Lĩnh) và Hồ Trường An (Nguyễn Viết  Quang)…

    Vì sự thân tình đó nên tôi tôi viết bài “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” vào tháng 5 năm 2000. Bài viết đăng trên vài tờ báo ở California và trên trang web Quán Gió ở Úc Châu. Qua hai bài viết, một số độc giả và thân hữu có lòng từ tâm hỗ trợ số tiền qua anh Văn Quang để chị NTTV ổn định cuộc sống để nuôi cháu Khôi Thụy…”

    Năm 2005 tôi thực hiện tờ báo và trang web Cali Weekly. Được biết anh Văn Quang cùng khóa 4 Thủ Đức, cùng Trung Đội với anh Hoàng Tích Thông (Đại Tá trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (thông gia với tôi) vì vậy anh và tôi (chưa gặp nhau lần nào) nhưng thân tình và liên lạc thường xuyên.

    Mỗi tuần anh Văn Quang với mục “Viết Từ Sài Gòn”, mục nầy rất lôi cuốn độc giả. Anh Nguyễn Gia Quyết (Đại Úy TQLC) sau thời gian ở lao tù ngoài Bắc, khi chuyển về trại tù Z 30 Hàm Tân, ở chung với anh Văn Quang. Khi định cư tại Texas, anh ra tờ báo Việt Houston nên mục “Viết Từ Sài Gòn” đăng trên tờ báo của anh vào năm 2008.

    Mục nầy đăng thường trực trên tờ Thời Luận của anh Đỗ Tiến Đức ở Los Angeles. Tại Little Saigon chưa có báo nào đăng nên tôi giới thiệu với anh Tống Hoằng, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông, tiền nhuận bút trả đều đặn (mỗi kỳ 50 mỹ kim) với điều kiện chỉ đăng ở Viễn Đông tại Nam California, còn các nơi khác thì tùy ý tác giả. Hai tháng gởi tiền nhuận bút về anh Văn Quang ở cơ sở Anh Minh (tôi đều nhận được email của anh Văn Quang).

    Hàng tuần với một bài viết cho các tờ báo ở hải ngoại cũng ổn định được cuộc sống ở quê nhà… Khi anh Tống Hoằng lâm trọng bệnh thì nhật báo Viễn Đông không còn mục “Viết Từ Sài Gòn”: Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự…

    … Nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều tác phẩm xuất hiện vào thập niên 50 – 70 như: Tiếng Tơ Lòng (1953), Hoàng Hoa Thám: Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh (1957), Thùy Dương Trang (Tiểu thuyết 1957), Những Lá Thư Màu Xanh (Tiểu thuyết 1963), Tiếng Hát Học Trò (Tiểu thuyết 1963), Nghìn Năm Mây Bay (Tiểu thuyết 1963), Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1963), Nguyệt Áo Đỏ (Tiểu thuyết 1963), Đời Chưa Trang Điểm (Tiểu thuyết 1964), Từ Biệt Bóng Đêm (Tiểu thuyết 1964), Nét Môi Cuồng Vọng (Tiểu thuyết 1964), Chân Trời Tím (Tiểu thuyết 1964), Những Tâm Hồn Nổi Loạn (Tiểu thuyết 1964), Những Người Con Gái Đáng Yêu (Tiểu thuyết 1964), Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1964), Vì Sao Cô Độc (Tiểu thuyết 1965), Những Kẻ Ngoại Tình (Tiểu thuyết 1965), Người Yêu Của Lính (Tiểu thuyết 1965), Đường Vào Bến Mê (Tiểu thuyết 1966), Những Bước Đi Hoang (Tiểu thuyết 1966), Tiếng Cười Thiếu Phụ (Tiểu thuyết 1966), Tiếng Gọi Của Đêm Tối (Tiểu thuyết 1966), Người Lính Hào Hoa (Tiểu thuyết 1966), Quê Hương Rã Rời (Tập Truyện 1969), Những Ngày Hoa Mộng (Phóng sự tiểu thuyết 1970), Sài Gòn Tốc (Phóng sự tiểu thuyết 1970), Trong Cơn Mê Này (Tiểu thuyết 1970)…

    Trong vài tác phẩm nầy đã dựng thành phim: Chân Trời Tím, Ngàn Năm Mây Bay, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Hát Học Trò… Tác phẩm Chân Trời Tím đã đăng nhiều kỳ trên nhật báo Người Việt năm 1990.

    Sau khi đi tù về, anh viết các tác phẩm Soi Bóng Cuộc Tình (Tiểu thuyết 1992), Sài Gòn Cali 25 Năm Gặp Lại (Ký sự 2000), Ngã Tư Hoàng Hôn (Phóng sự tiểu thuyết, việt từ năm 1990, ấn hành 2001), Lên Đời Tập 1 (Phóng sự tiểu thuyết 2001), Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự (Ký sự 2002), Lên Đời Tập 2 (Phóng sự tiểu thuyết 2005)

    Tác phẩm Một Người Đàn Bà, Nhiều Người Đàn Ông (1998), đăng trên nhật báo Người Việt vào đầu năm 2000 với chương cuối: “Trên đây là một truyện có thật trăm phần trăm. ..  vào đầu tháng 12 năm 1997, tôi gặp một người đàn bà phúc hậu, đoan trang, tuổi tác cập kè sáu mươi nhưng không giấu được vẻ đẹp và cái nhìn còn sắc như dao bổ cau. Cái nét mặt ấy tôi nhớ mang máng là rất quen. Nhưng tôi lại quen với nếp sống “phó thường dân” của mình hơn nên thường không muốn hỏi ai trước. Chúng tôi nhìn nhau giữa một cửa tiệm thuốc tây. Kim Yến reo lên như gặp lại cố nhân. Chị gọi tên tôi thân tình như buổi tối nào chúng tôi ngồi với nhau riêng biệt trong căn phòng khách rộng. Chị ôm choàng lấy cái thân hình “lực sĩ” vừa đủ 32 kí của tôi…”

    (Văn Quang – Sài Gòn tháng 1-1998)

    Bài viết về Câu chuyện về con gái của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: Người Con Gái 27 Năm Sống Với Đời Sống Thực Vật của Văn Quang đã gây xúc động nhiều người…

    Trích bài viết của Văn Quang:

    “Rời Sài Gòn trên chuyến xe đò cuối cùng vào 5 giờ chiều một ngày đầu mùa mưa cuối tháng 4-2000, chúng tôi (Văn Quang và chị Ngân) đến thị trấn An Lộc vào lúc gần 8 giờ tối. Thành phố nhỏ, heo hút ánh đèn vàng, hai bên đường trùng điệp những vườn tiêu, vườn cây ngút ngàn nhấp nhô trên những sườn đồi dưới ánh trăng mười sáu mờ đục Chiếc xe đò thả hai chúng tôi xuống trước trụ sở của Hạt Kiểm Lâm An Lộc. Nhà chị Thụy Vũ ở bên kia con dốc, sát bên Quốc lộ 13…

    Chị đứng chờ sẵn ngoài hiên, khom mình dưới tấm rèm cũ, nheo mắt nhìn hai chúng tôi bước vào sân và chị nhận ngay ra chúng tôi. Nét vui mừng hiện rất rõ trên khuôn mặt gầy guộc của chị…

    Thụy Vũ đưa chúng tôi vào căn phòng khách nhỏ đã dăng sẵn cái mùng trên tấm nệm mút mỏng dính. Có lẽ ở những nơi xa xôi như thế này người ta có thói quen đi ngủ sớm. Chị đãi chúng tôi bữa cháo. Đang cơn đói, không cần đợi chị mời, tôi ăn uống ngon lành. Bỗng tai tôi chói lên vì một tiếng hú. Tiếng hú của một con thú nào đó từ rừng hoang vọng lại nhưng rất gần, sát bên chỗ chúng tôi đang ngồi…

    Ngân cho biết

    – Không phải bại liệt mà cháu sống như cây cỏ từ 27 năm nay rồi. Cháu nằm đó mà không hề hay biết gì hết. Năm nay cháu 29 tuổi. Em đã từng chăm sóc cháu ngay từ khi cháu còn nhỏ. Lúc đó thì còn có thể bồng bế cháu dễ dàng, đưa lên xe lăn, đẩy cho cháu ra ngoài chơi. Nhưng bây giờ thì cháu lớn quá rồi, không ai trong nhà này bế nổi cháu lên xe nữa, đành chịu vậy thôi. Mỗi lần đi đâu, em nhớ và thương nó không thể xa nó lâu được…

    Tôi hỏi đến nguyên nhân có phải là thứ bệnh bẩm sinh không. Ngân lắc đầu:

    – Hồi nhỏ, cháu rất xinh đẹp. Đến năm 2 tuổi, cháu đã biết đòi nghe nhạc, rất duyên dáng. Có lẽ là do một chị người làm trông nom đã làm cháu ngã, đầu va vào góc thành giường nên từ đó cháu nằm liệt luôn và không biết gì nữa. Chị Vũ nuôi cháu trong một hoàn cảnh rất cơ cực. Sau năm 1975, còn sống ở làng Báo Chí Thủ Đức, không có cả bo bo mà ăn. Chúng em đã buôn thúng bán bưng đủ các thứ nghề để nuôi cháu. Chị Vũ làm lơ xe buýt đường Sài Gòn – Thủ Đức, suốt ngày chỉ đứng có một chân trên 10 chuyến xe như thế cho đến tối mịt mới về đến nhà. Mệt quá lăn ra ngủ, bữa đói bữa no. Con cái nhốt lại cho đứa lớn coi đứa nhỏ. Sau một thời gian chịu không nổi, chẳng biết sống bằng gì, chị Vũ đưa ba đứa con về đây sống với mẹ. Căn nhà này là của bà mẹ chị để lại, bà cụ mới mất cách đây vài năm…

    … Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi. Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang. Nghe tiếng hú, tay tôi cầm chiếc máy hình run lên, nước mắt tôi bỗng trào ra, nhòe nhoẹt ống ngắm. Tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái tiếng kêu ấỵ Biết đâu cháu chẳng có một chút tri thức nhỏ nhoi nào đó còn sót lại trong cái đời sống thực vật kia. Biết đâu chẳng phải là tiếng nói nghẹn lại trong nỗi ẩn ức vô cùng không thể diễn tả thành lời…

    Cứ nghĩ như thế tôi lùi dần ra ngoài cánh cửa gỗ mùi hôi nồng tanh tưởi còn đọng lại mặc dù căn phòng được lau rửa hàng ngày. Những người quanh cháu đã quen với cái thứ mùi này rồi nên không để ý, nhưng người mới tới lần đầu là thấy ngay. Ngân phải cầm máy hình, chụp giúp tôi vài tấm. Thú thật là ngay lúc đó tôi chưa biết phải làm gì với mấy tấm hình đó…

    … Tôi buột miệng hỏi:

    – Còn cha nó? Có thăm nom gì không?

    – Cha nó ở bên Mỹ, nhưng từ ngày ra đi, ông à quên mẹ con chị Vũ rồi. Mặc dù bạn bè ai cũng biết, mấy mẹ con chị sống khổ cực cay đắng đến như thế nào 25 năm qua, cho đến bây giờ đời sống vẫn vậy. Không đủ tiền cho con ăn, lấy tiền đâu uống thuốc? Sống hôm nay biết hôm nay, ngày mai nói chuyện sau…

    Và đêm đó tôi lại nghe tiếng hú của cháu vang lên trong đêm dài giữa núi rừng An Lộc lộng gió. Cái bóng âm thầm của chị Thụy Vũ vọt dậy, lặng lẽ đến với đứa con, tiếng hát ru nhè nhẹ của chị sợ làm kinh động giấc ngủ của khách và nhà hàng xóm. Tôi làm sao mà ngủ lại được! Ngày hôm sau, chị Vũ đưa hai chúng tôi ra trước cửa trụ sở của Hạt Kiểm Lâm đứng đón xe đò trở về Sài Gòn. Chiếc xe chuyển bánh, người đàn bà gầy gò đứng chơ vơ trên sườn đồi đất đỏ. Chị cúi đầu trở lại với công việc làm cỏ khu vườn tiêu và với đứa con bệnh tật cùng với cuộc sống vô cùng thiếu thốn cô đơn của chị. Cái hình ảnh ấy khiến tôi ngồi dại đi. Ngân cũng chẳng hơn gì tôi, mặc dầu với tôi đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Thụy Vũ, nhưng với Ngân đây là lần tạm chia tay với mẹ con Thụy Vũ không biết là lần thứ bao nhiêu rồi. Tôi biết rằng tôi phải làm một cái gì đó. Một lát sau, tôi nói với Ngân:

    – Anh phải viết một bài về chị Thụy Vũ và cháu Khôi Thụy. Nhưng không biết có chạm đến lòng tự ái của chị Thụy Vũ hay không. Bởi chị là người không hề than thở với ai điều gì bao giờ, chị luôn luôn tìm tiếng cười trong cuộc đời vô cùng bất hạnh của chính mình.

    Ngân suy nghĩ một chút rồi nói:

    – Nếu anh hỏi ý kiến thì chị Vũ có thể sẽ từ chối đấy. Nhưng anh hãy làm cái gì mà anh thấy cần làm. Em sẽ nói với chị ấy sau. Anh tin vào tình thân của em với chị Vũ thì cứ làm…

    … Tôi đã hỏi ý kiến của bạn bè thân ở Sài Gòn và ở nước ngoài, hầu hết anh em thân thuộc đều cho phép tôi được viết bài nàỵ Tôi hy vọng sẽ có rất nhiều bạn đọc có tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ và để khỏi phải qua một trung gian nào, xin liên lạc thẳng với chị Thụy Vũ theo địa chỉ sau:

    Nguyễn Thị Băng Lĩnh,

    Hộp Thư 08 – Bưu điện Lộc Ninh

    Tỉnh Bình Phước.

    (Văn Quang)

    Khi đọc bài viết của anh Văn Quang rất xúc động nên tôi viết “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” được phổ biến trên nhiều tờ báo và các website ở hải ngoại. Qua hai bài viết được bạn đọc cảm nhận với tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ nuôi dưỡng cháu Khôi Thụy. Khi Văn Quang đi tù về, sống với Dạ Lan rồi chia tay và người bạn đời Kim Ngân (Cai Thị Lộc) để an ủi cho nhau. Người vợ đầu và tám người con (năm trai, ba gái) đi Mỹ khi anh ở trong trại tù nên thuộc diện “con bà soeur”. Loạt bài Trò Chuyện Với Nhà Văn Văn Quang trước đây đề cập đến nhiều chi tiết từ cuộc sống đến tác phẩm.

    *

    Năm 2002, Văn Quang lên vùng quê Lộc Ninh sinh sống. Trong cuộc phỏng vấn của Lê Thị Huệ vào năm 2007, phổ biến trên trang web Gió O, nhà văn Văn Quang chia sẻ:

    “Trước khi quyết định chọn một nơi nào đó làm chỗ sinh sống, chắc chắn người nào cũng phải cân nhắc xem nơi đó có những điều kiện gì, có thích hợp với cuộc sống và công việc của mình không. Tôi cũng phải làm như thế. Khi tôi đến Lộc Ninh, được dẫn vào một khu nhà vườn cách thị trấn 3 cây số, ở đây đã có điện, nước, có đường truyền internet rồi. Đó là 3 điều kiện đáp ứng được nhu cầu của tôi. Thứ đến là điều kiện an ninh như thế nào. Sau cùng là khung cảnh yên tĩnh, bởi nơi này một nửa là  thôn ấp, một nửa là vùng đồi núi. Song, tất cả lại phải tùy thuộc vào giá cả. Vậy nên nó trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tôi đã đi xem đất ở một số thị trấn như Long Khánh, Chơn Thành… cuối cùng kết luận là không nơi nào có giá đất vườn rẻ hơn Lộc Ninh.

    Ở ngay thị trấn Lộc Ninh, giá đất khá cao, tôi lui vào xã Lộc Thái, một nơi “nhà không số, phố không tên”. Tuy nhiên đã có sẵn con đường làng, trải nhựa, dẫn vào tận nhà, có đèn đường, có điện, xài nước giếng khoan. Đường truyền internet hồi đó là dial up chạy tành tạch, chậm, nhưng vẫn có thể làm việc được. Cách đây một năm mới có đường dây ADSL khá nhanh, nhưng có lẽ chỉ mắc đến xã của tôi ở là xa nhất so với khu trung tâm thị trấn.

    Căn nhà vườn này của người chủ cũ, trồng tiêu lâu ngày, nay con cái lớn nên muốn về Sài Gòn cho con đi học. Vả lại trồng tiêu cũng không còn có lời như xưa nữa nên  họ bán lại toàn bộ diện tích nhà vườn với 5.400m2. Trong đó có sẵn một số cây ăn trái, một cái nhà gỗ, dụng cụ làm vườn, bơm nước… Nếu mua có thể ở và khai thác ngay. Giá cả lại rất rẻ. Tất cả 165 triệu đồng VN (10 ngàn USD vào thời điểm đó)…

    … Có 2 lý do chính tôi chọn Lộc Ninh:

    Thứ nhất: Ngoài yếu tố tất nhiên là giá đất rất rẻ như tôi đã nói ở trên. Với số tuổi của tôi, không còn thích hợp với đời sống ở thành phố nữa. Cái chung cư tôi ở Sài Gòn, như cái tổ chim, suốt ngày ồn ào, ngột ngạt, ô nhiễm năng nề. Làm việc chừng vài tiếng đã thấy mỏi mệt, rã rời, đầu nhức, mắt hoa. Thuốc nhức đầu, cảm cúm như cơm bữa đối với tôi. Do đó tôi quyết định phải chọn một vùng quê yên tĩnh cho cuối đời. Cái khúc quanh này trong cuộc sống quả là có khó khăn, quyết định thực hiện được với mỗi người không dễ dàng. Song tôi vẫn phải cố gắng vượt qua nó như đã từng vượt qua những khó khăn hơn thế. Lần này thì dễ dàng hơn vì nhà chỉ có 2 người, bàn bạc với nhau là xong. Tôi cũng xin nói thêm là nhờ bạn bè giúp đỡ khá nhiều, con cháu tôi cũng góp phần cho tôi có đủ điều kiện thực hiện ước muốn. “Rách” như ông Hoàng Ngọc Liên hồi đó cũng “khuyến khích” tôi bằng 1000 USD, bố con ông Tạ Quang Khôi, Vũ Đức Vinh, Hà Túc Đạo, Nhất Giang, Vi Túy, Hồ Ông, Lê Thị Kim, Bạch Quyên, Hồng Oanh cũng góp phần không nhỏ cho tôi “về nhà mới”. Hầu như tất cả những tiện nghi trong nhà tôi ở đây đều do bạn bè tặng.

    Thứ hai: Tôi vẫn nghĩ: một nhà văn, nhà báo, phải biết “làm mới mình”. Ở thành phố mãi, đề tài quen thuộc sẽ cùn dần. Quay đi quay lại “nó vẫn thế”. Về nhà quê, có lẽ là cách tốt nhất để “làm mới” mình. Nơi này từ năm 1972, người dân Lộc Ninh đã sống trong vùng được gọi là “giải phóng”, nói thẳng ra là họ sống trong vùng của miền Bắc kiểm soát nhiều hơn, dưới cái tên “Mặt trận Giải Phóng miền Nam”. Bên cạnh đó là chiến trường đẫm máu An Lộc, Bình Long năm 75 và những vùng nghèo khó, giáp ranh biên giới Campuchia… Tôi có thể tìm hiểu được thực chất đời sống cùng tâm tư  của họ. Người dân quê đã mất gì, được gì, từ năm 1975 đến nay? Đích thực họ nghĩ gì, làm gì, hy vọng gì? Những biến chuyển sâu sắc nhất trong từng gia đình như thế nào? Từ đó so sánh với cuộc sống ở những thành phố, từ đó tìm biết được những mảnh đời khác với những gì tôi đã biết. Từ đó cho tôi một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, về toàn bộ những gì dân tộc mình qua những triều đại mà tôi đã sống.

    Còn nói về sự cô đơn. Phải thú nhận rằng đôi khi cũng cảm thấy thiếu trò giải trí chứ chưa hẳn là cô đơn… Hàng xóm toàn là những ông già, chất phác, chân thật, năm thì mười họa mới sang nhà nhau một lần. Đôi khi gặp nhau trong một đám hiếu hỷ, chuyện trò rôm rả, nhưng toàn là thứ chuyện mình mù tịt. Ngồi im mà học cách họ chăm bón cây ăn trái, mỗi cây có một cách chăm sóc riêng. Muốn có một cây đu đủ đực thì phải làm thế nào. Muốn dừa ngọt thì phải làm gì… Đại khái như thế.

    Tuy nhiên, đôi khi lại thấy thích thú vì sự cô đơn ấy. Được “tự do” suy nghĩ cả buổi mà không ai thèm nói với mình câu nào. Và để làm dịu bớt cô đơn, nhớ bạn bè hoặc có bạn bè, con cái từ nước ngoài về thăm, tặng quà cho anh em TPB VNCH thì lại lên xe đò về Sài Gòn một vài ngày, hoặc nếu muốn, có thể sáng đi chiều về cũng chẳng sao. Ở đây có loại xe đưa đón tận nhà, giá chỉ có 50 ngàn đồng VN một lượt…”.

    Về vấn đề giúp đỡ Thương Phế Binh VNCH, qua email liên lạc với nhau, tôi biết số tiền ân nhân ở hải ngoại gởi về, cô Nguyễn Thị Hàm Anh (con gái nhà báo Thượng Sĩ) ở Sài Gòn lên tận Lộc Ninh và các nơi lân cận để chuyển tận tay số tiền đến TPB.

    Nhà văn Văn Quang (Nguyễn Quang Tuyến) từng là Chủ Nhiệm báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và chức vụ sau cùng là Trung Tá Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội ở Sài Gòn (1969-1975). Từ năm 1957, Văn Quang chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến với chức vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.

    Anh bị tù hơn 12 năm (1975-9/1987) nhưng sau đó đi theo diện H.O. Theo lời anh:

    “Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình hơn lo cho chính bản thân mình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi, hầu như chẳng có lý do gì cả. Khi tôi ở trại tù ra, các con tôi đều đã định cư ở Mỹ, đi theo “diện vượt biên” và đi học ở Mỹ trước năm 75. Chỉ còn lại mình tôi. Đời sống kinh tế cũng lại bắt đầu ổn định, bằng việc học computer rồi ra “hành nghề” đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo… Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa computer đầu tiên vào những năm1989-90-91. Kể về chuyện đi học computer của tôi chẳng qua cũng là chuyện “bất đắc dĩ” và khá dài dòng, cười ra nước mắt. Sau khi học xong vài khóa, tôi đã được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái computer và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, bà xã của tôi và các cháu cũng đã “yên bề gia thất” nên  tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân…

    Mặt khác, tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi, tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ… Cuộc sống “lên voi, xuống chó” quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gậm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên  tôi quyết định ở lại…”.

    Thế nhưng, khi Văn Quang sinh sống ở Lộc Ninh để yên thân nhưng không ngờ tai họa xảy ra. Anh có hai người bạn lối xóm bị đột quỵ nhưng ở Lộc Ninh không có bệnh viện chữa trị nên qua đời. Và, tình trạng bệnh tật của bản thân anh cũng nguy hiểm cho tính mạng. Hơn nữa, công an địa phương biết nhà văn gởi vài viết ra hải ngoại phổ biến nên lui tới “thăm hỏi, răn đe” nên cảm thấy bất an, đành bán căn nhà để trở về căn nhà trên chung cư cũ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Phú Nhuận may mà còn giữ lại chưa bán.

    Sống ở Sài Gòn, tháng 6/2009, anh viết Chuyện “Văn Nghệ & Phú Lít” vào thời Tây gọi là phú lít bắt nhầm một anh nghệ sĩ chuyên đóng kịch, đêm cuối năm hết tiền bèn đóng cửa nằm nhà. Buồn tình anh nghệ sĩ giả tiếng năm người ngồi đánh phé, một canh phé trong tưởng tượng rất lớn, ăn thua cả trăm triệu đồng…

    Anh cho biết: “Sau khi tôi viết bài này một ông trung tá quân đội biệt phái sang cảnh sát đem trình với sếp lớn. Ông cảnh sát trưởng tức tốc cho đàn em đến bắt tôi lên gặp. Ông hỏi lung tung cố tình hành hạ tôi suốt một tuần lễ liền, sáng 8 giờ lên phòng làm việc của cảnh sát Quận 3, 12 giờ về, 2 giờ chiều lại lên. Anh phó trưởng phòng đích thân hỏi tội tôi. Gán cho tôi đủ thứ tội. Nhưng cuối cùng chẳng kiếm ra tội gì phạm pháp luật. Tôi cũng nói ngay “Tôi làm cái gì mà pháp luật không cấm, có thế thôi. Nhiệm vụ của các anh là tô sen vẽ hồng cho chế độ, còn tôi có ăn lương nhà nước đâu, tôi làm cho báo trả lương tôi viết cái gì cần viết và phải viết”. Anh phó phòng cay cú nhưng cũng chẳng làm gì được. Nhưng anh ta vẫn phê vào biên bản “Phạm tội vi phạm internet – Phạt 1 triệu đồng”…

    Từ đó tôi bị theo dõi sát nút, bài vở thư từ qua internet cũng bị “phòng đặc biệt” của sở Cảnh Sát chuyên về vi tính chi nhận đầy đủ. Tôi không biết nên cứ phây phây làm việc của mình. Thế nên một lần khác tôi lại bị tóm.

    … Khoảng 8 giờ sáng, bỗng một toán cảnh sát vài chục anh kéo đến xông vào nhà tôi trên chúng cư tôi đang ở. Họ hùng hổ như đi bắt cướp. Kéo nhau vào sục sạo khắp nhà, từ cái ngăn kéo tủ đến gầm giường. Có cái máy móc nào họ lôi ra hết, đóng vào thùng khuân xuống xe kể cả mấy cái máy computer, máy chụp hình, điện thoại. Cả xóm kéo nhau ra xem, họ tưởng tôi là tội phạm nặng lắm. Họ bắt tôi mang ra xe. May mà không còng tay, chỉ có hai cậu lực lưỡng ngồi sát hai bên đề phòng tôi nhảy xuống trốn.

    Về đến ty cảnh sát, họ tống tôi vào một căn phòng hẹp vắng hoe. Một lát sau một anh khệnh khạng cầm tập hồ sơ vào. Anh ta bắt đầu cuộc hỏi cung. Lôi ra một đống bài tôi viết. Một anh chuyên viên lôi máy computer của tôi ra lục lọi tìm mói thứ kể cả hình ảnh và thư riêng. Sau đó anh in ra từng bài và bắt tôi ký tên xác nhận bài đó là của tôi. Tôi nhìn lướt qua rồi ký thì ký. Tôi vẫn tin là mình làm đúng pháp luật không cấm.

    Đến 12 giờ trưa họ cho tôi về, chiều lại đến. Cứ như thế suốt một tuần, họ thay nhau hỏi cung, lúc nhẹ nhàng cười cợt, lúc kết tội rất căng. Đó là kiểu khủng bố tinh thần để làm mất tinh thần đối thủ…

     … Cuối cùng, cảnh Sát yêu cầu tôi ngưng viết bài ra nước ngoài. Thật ra lúc đó có muốn viết cũng không viết được, mất hết computer và cắt hết internet lấy gì mà viết. Bạn bè tôi ở nước ngoài hỏi thăm và sẵn sàng yểm trợ. Nhưng còn đường internet lúc đó tôi thuê của VNN và hãng này cho tôi biết họ được lệnh không cho tôi thuê đường dây nữa. Với biết bao trở ngại, tôi đành thúc thủ suốt gần một năm, không viết lách gì được. Anh công an gộc bảo tôi có viết thì viết báo trong nước, anh ta sẵn sàng giới thiệu, báo nào cũng được. Tôi thẳng thắn trả lời “Tôi chỉ đá một chân, không thể viết báo trong nước được. Viết kiểu của tôi chẳng báo náo trong nước dám đăng đâu. Xin miễn”. Cho đến bây giờ cứ thấy tên tôi trong bất kỳ bài nào của ai, báo VN cũng gạch bỏ liền. Quả thật điều này không làm tôi phật ý mà ngược lại tôi còn khoái vì sao họ sợ mình đến thế?…

    … Nhưng tôi cũng “uống thuốc liều rồi” cứ viết tới đâu thì tới. Già rồi nếu bị bắt bị nhốt chắc chỉ vài tháng là chết, tôi không sợ. Chắc họ cũng hiểu điều đó và nếu bắt tôi họ sẽ mang tiếng “đàn áp” bịt miệng những nhà văn nhà báo độc lập…”.

    Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự

    Với loạt bài hàng tuần với chủ đề nầy, nhà văn Văn Quang chia sẻ:

     “Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống, nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà.

    Tuy nhiên “Lẩm Cẩm Sài Gòn” không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương, những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có “bề mặt” sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi.

    Tóm lại, “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương  thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em Thương Phế Binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…

    Tất nhiên, trong hoàn cảnh của tôi, có những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và “lách” vẫn là điều phải nghĩ tới. Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm của một người cầm bút… Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri…

    Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ

    Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ, Tâm Bút Của Văn Quang vào cuối năm 2020.

    Tác phẩm Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ tập hợp một số bài chọn lọc trong hơn 500 bài mà tác giả đặt tựa chung là Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự viết từ năm 2000 đến năm 2016. Các bài này đều được báo chí Việt ngữ hải ngoại từ Canada, Úc, Hoa Kỳ…

    Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ dày 576 trang, hầu hết các bài về văn nghệ sỹ ở Sài Gòn đã từng quen biết nhau như Phi Thoàn, Nhật Bằng, Tạ Tỵ, Trần Thiện Thanh, Phạm Huấn, Huy Quang, Thái Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Thanh Nam, Thái Tủy, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Lạc Phúc…

    Khi nhận được tác phẩm nầy vào tháng 1/2021, tôi định viết về nhà văn Văn Quang như đã viết trong loạt bài Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ nhưng lúc đó tình thế chính trị ở Mỹ gây xôn xao và dịch Covid-19 ám ảnh nỗi đau của mọi người nên tôi nghĩ viết về văn nghệ như “đàn lạc dây”!

    Tháng 3 năm 2022, tình hình chiến trận sôi động ở Ukraine khi Putin xua quân Nga xâm lăng, tin tức hàng đầu trên thế giới. Và, cũng vào thời điểm nầy 47 năm trước với sự xâm lược của Cộng quân ở miền Nam Việt Nam đã gây tang thương, chết chóc, kinh hoàng và phẫn uất với quân, dân miền Nam Việt Nam. Chiến tranh xảy ra ở Ukraine được các quốc gia trên thế giới nhiệt tình hỗ trợ trước bạo lực của Nga, còn miền Nam Việt Nam khi bị “đồng minh tháo chạy” thì hoàn toàn đơn độc để đối đầu với quân xâm lược! Khi đất nước rơi vào tay kẻ thù thì thì trại tù mọc lên khắp nơi từ Nam ra Bắc như “Quần Đảo Ngục Tù, Quẩn Đảo Gulag – The Gulag Archipelago” của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn. Đại Úy Solzhenitsyn bị bắt giam qua các trại tù khổ sai, và từ đó ông đã viết lên những tác phẩm phơi bày sự dã man, tàn bạo các trại tù của CS Liên Xô… đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1970.

    Vài hình ảnh trong trị tù do Văn Quang viết như Cái Muỗng, Tết Trong Trại Tù… Khi ra tù, anh viết nhiều với hình ảnh “Bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều) trong xã hội quê nhà với bạn đọc nơi hải ngoại.

    Sài Gòn ngày 21 tháng 6/2017,  nhà văn Văn Quang viết Thư Từ Giã Bạn Đọc

    “Đây là bài sau cùng tôi viết hàng tuần cho các báo ở nước ngoài. Tôi sẽ ngưng viết loạt bài này vì lý do sức khỏe, không vì bất cứ lý do nào khác.

    Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì đáng tự hào bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba lời thề “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” mà tôi đã thề trước khi trở thành người lính của Quân Đội VNCH. Tôi còn thua cả những đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần thân thể mình trên chiên trường, trở về với cuộc sống vất vưởng nơi quê nhà.

    Trong lá thư ngắn hôm nay, trước khi ngừng viết, tôi xin gửi lời cảm tạ đến tất cả bạn bè, các bạn đọc của các báo và các khán thính giả và các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh truyền hình đã từng có thời gian dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Bây giờ đầu óc tôi không còn được minh mẫn nữa, khi nhớ khi quên… đã đến lúc phải biết mình nên dừng lại ở đâu.

    Tôi chắc chắn trong những bài viết của tôi có nhiều khiếm khuyết, mong được sự bao dung thông cảm của các bạn”.

    (Văn Quang)

    Trước sự mất mát của nhà văn hơn hai mươi năm trong đời binh nghiệp của QLVNCH và hơn mười hai năm trong lao tù CS, tôi viết những dòng nầy để tưởng nhớ và cầu mong anh gặp lại thân hữu năm xưa nơi cõi vĩnh hằng.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, March 17, 2022

  • Tin tức,  Vương Trùng Dương

    RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân

    Vương Trùng Dương

    Ban Tổ Chức Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức buổi Ra Mắt Sách hai tác phẩm Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang tại hội trường Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave. TP Garden Grove.

    Nhà văn Nguyễn Quang là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017). Tuy bước sang tuổi 90 nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn khỏe mạnh và hoàn thành tác phẩm thứ 9: Ôn Cố Tri Tân.

    Nhà văn Nguyễn Quang sinh quán tại Phú Nổ, làng Khánh Hưng, Tỉnh Sóc Trăng, du học tại Pháp từ năm 1950, đỗ Cử Nhân Toán. Năm 1955-1962, theo học tại đại học Cambridge ở Anh, đỗ Cao Học Kinh Tế (nay gọi là Thạc Sĩ).

    Ông trở lại Pháp, làm việc cho nhiều nhà xuất bản tuần báo ở Paris. Theo nhà văn Khánh Lan “Ông làm phó chủ bút cho tờ Paris Match. Ông ghi tiểu sử trên sách vài dòng, không ghi bằng cấp, khác với một số ít người có thói quen selfie trọng bằng. Nhà văn Nguyễn Quang được nhiều người quý mến vì bản tánh hiền hoà, khiêm nhường và luôn sinh hoạt với Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian”…

    Tuy xa quê hương gần bảy thập niên nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc.

    Cũng vào thời điểm nầy, Chủ Nhật,13-4-2014 tại hội trường Thư Viện Việt Nam, nhân dịp sinh nhật 83 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang đã ra mắt tác phẩm Một Giấc Mơ. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”.

    Năm 1980, nhà văn Nguyễn Quang sang Mỹ với người bạn đời là nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh.

    Tác phẩm đã ấn hành: Văn Nghiệp & Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh (2004), Nhập Gia (2007), Ông Giáo Làng (2009), Ốc Mượn Hồn (2012), Một Giấc Mơ (2013), Ngoại Tình (2016), Thần Giao Cách Cảm (2017), Ôn Cố Tri Tân (2020) và Phận Đàn Bà (2022).

    Diễn giả trong buổi RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân với nhà văn Quyên Di, nhà văn Việt Hải và phái nữ: Khánh Lan, Thụy Lan, Kiều My, Mộng Thủy.

    Về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang ôn lại lịch sử nước Việt, từ thời Hồng Bàng với các vị vua Hùng Vương, rồi qua các triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đất nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, chiến tranh Quốc Cộng, thời CSVN thống trị… Những bài học từ quá khứ để suy nghiệm hiện tại.

    Trước đây, tôi có giới thiệu khái quát về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân, trong đó có nhắc đến:

    “Cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.

    Quyển Cổ Học Tinh Hoa (cùng Trần Lê Nhân) ấn hành năm 1928 đến nay gần một thế kỷ vẫn được ấn hành và lưu truyền. Hai vị biên soạn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện liên quan trong cuộc sông, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người” để biết nhìn nhận “cái xưa” để xử thế “cái nay” mà qua từng mẩu chuyện với lời bàn rất hữu ích.

    Nhà văn, dịch giả Mộng Bình Sơn (1923–2011) đã viết nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Ôn Cố Tri Tân gồm 3 tập, ấn hành năm 1967, Sống Mới xuất bản tại Sài Gòn.

    Dẫn chứng hai quyển sách của người xưa của nước ta về Ôn Cố Tri Tân vẫn còn giá trị trong cuộc sống. Sau nầy nửa thế kỷ ở hải ngoại, tác giả Nguyễn Quang nay ở tuổi chín mươi vẫn mang hoài bão của bậc cao tuổi qua tác phẩm…”.

    Vào thời điểm nầy, 47 năm về trước, tôi lang thang trên các bãi biển từ Bình Tuy đến Vũng Tàu để tìm thân nhân lưu lạc nhưng vô vọng. Nay tình hình chiến sự xảy ra khi Putin đem quân xâm chiếm Ukraine gây ra cuộc chiến tàn khốc, kinh hoàng… Vì vậy tôi dành hết thời giờ để theo dõi nên không tham dự vào sinh hoạt văn học nghệ thuật. Nhưng với nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian trong những năm qua trong tình văn nghệ với nhau và với nhà văn Nguyễn Quang, không thể nào từ chối trong buổi Ra Mắt Sách để ghi lại vài dòng.

    Little Saigon, April 10, 2022

    Vương Trùng Dương