• Quyên Di,  Tin tức

    Giáo sư dạy tiếng Việt ở Mỹ ‘gây bão’ trên mạng xã hội

    WESTMINSTER, California (NV) – Thầy Quyên Di, giáo sư dạy tiếng Việt của trường Đại học UCLA, đã “gây bão” trên mạng xã hội Twitter tuần qua vì cảnh ông tặng thú nhồi bông trong lớp cho sinh viên để khuyến khích họ học bài.

    Một đoạn video ngắn chỉ có 9 giây do một sinh viên trong lớp quay cảnh thầy Quyên Di lấy thú nhồi bông từ cặp sách để lên bàn dạy học hôm Thứ Năm, 31 Tháng 10 được đưa lên mạng Twiter. Tính đến hôm 6 Tháng Mười Một, video đã được hơn 7.41 triệu lượt xem và gần 700 ngàn người thích.

    Cô sinh viên Amy, người quay video, nói, “Tôi đang khóc đây thầy giáo tiếng Việt đem thú nhồi bông mỗi tuần để thưởng cho chúng tôi vì đã học hành chăm chỉ.”

    Video được đăng lên mạng Twitter từ trang của Amy, cô sinh viên học tiếng Việt năm đầu tiên tại Đại Học UCLA. (Hình: chụp từ trang Twitter của Amy)

    Thầy Quyên Di tên thật là Chúc Bùi. Nhưng sinh viên và các thân hữu trong cộng đồng Little Saigon thường gọi ông là “thầy Quyên Di” vì trước năm 1975, ông là chủ bút hai tờ báo Tuổi Hoa và Ngàn Thông với hơn 50,000 độc giả trên toàn quốc. Hiện tại, ông đang là giáo sư dạy tiếng Việt của Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Á Châu tại Đại Học UCLA và cũng là giáo sư dạy tiếng Việt của trường CalState Long Beach.

    Trả lời câu hỏi của báo Người Việt “Thầy có cảm xúc gì khi được ‘gây bão’ trên mạng với hành động thưởng thú nhồi bông cho sinh viên?”, thầy Quyên Di nói, “Hơi ngạc nhiên vì nghĩ đây chỉ là một hành động rất nhỏ nhặt, bình thường. Tuy nhiên chuyện ‘gây bão’ không quan trọng bằng niềm đam mê dạy học và tình yêu thương tôi dành cho học trò.”

    Vì yêu nghề nên thầy Quyên Di luôn tìm cách “dụ” sinh viên học bài. Ông nói, “Càng về sau này sinh viên càng trẻ ra, và tôi có hỏi dò là nếu được quà tặng thì các em muốn gì, thì hai phần ba các em nói thú nhồi bông, đặc biệt là gấu nhồi bông.”

    “Mùa Thu Năm nay, UCLA xếp tôi dạy lớp sinh viên năm đầu tiên. Các em họ Bùi, họ Nguyễn, họ Trần, nhưng không biết gì hết về tiếng Việt, nên phải dụ các em để các em ham học,” ông nói tiếp.

    Thầy Quyên Di có vợ cũng là cô giáo, có lẽ vì “hai vợ chồng là hai đồng nghiệp lấy nhau” như ông nói, nên vợ ông cũng là người hết mực ủng hộ ông trong việc dạy học.

    Mỗi tuần hai vợ chồng ông đi mua thú nhồi bông cho sinh viên. “Nhu cầu của chúng tôi không có bao nhiêu. Tiền nhà đã trả xong, chỉ mua sắm ăn uống thôi. Mình hy sinh một chút, thay vì mua những gì mình thích, bây giờ mua những gì sinh viên thích, cũng không có gì quá nặng nề,” thầy Quyên Di giải thích.

    Ông cũng cho biết, “Tất cả thú nhồi bông đều do vợ tôi chọn.”

    Trong vai trò là một thầy giáo, ông nghiệm ra một điều là “dù lớn hay nhỏ, sinh viên luôn cần được khuyến khích và được ghi nhận.”

    “Các em chăm hơn,” giáo sư nhận xét. “Người lớn cũng vậy. Khi tôi để tin thú nhồi bông lên trang mạng Facebook thì ai cũng muốn có thú nhồi bông, dù đó là một người mẹ độc thân hay một người lớn với nhiều thành công trong xã hội.”

    “Ai cũng có lòng trẻ thơ. Thành tích không quan trọng. Họ chỉ để ý là họ có được thú nhồi bông hay không thôi. Trong mỗi tâm hồn có một trẻ thơ là như vậy,” giáo sư Quyên Di nói.

    Cũng trong tinh thần đó, ông cho rằng một hồi đáp trên mạng xã hội mà ông thích nhất là lời nói “sinh viên nào cũng cần được khuyến khích, dù đó không phải là chuyện gì lớn lao, nhưng các em cần một hành động nhỏ có ý nghĩa để các em biết mình được quan tâm”

    “Thế nên mình cho con thú nhồi bông không phải là một chuyện lớn lao hết,” ông bày tỏ.

    Trước “sự kiện” này công ty làm thú nhồi bông Thousand Skies đề nghị gởi thầy Quyên Di 100 con thú nhồi bông để ủng hộ thầy trong việc dạy học. “Họ nói họ đã đóng thùng rồi và đang gởi đi nhưng tôi không biết họ gởi đi đâu và cũng không hỏi. Thôi khi nào nó đến thì đến. Mấy con thú nhồi bông của Thousand Skies đẹp quá, chính tôi cũng ham,” người thầy có gương mặt hiền lành cho biết.

    Một Twitter tên Alexander Sui nói, “Hãy bảo vệ thầy bằng mọi giá!”  (Titi Mary Tran)

  • Quyên Di,  Tin tức

    GS Quyên Di: ‘Thông thạo tiếng Việt sẽ phục vụ cộng đồng hữu hiệu hơn’

    GS QUYÊN DI

    Đằng-Giao/Người Việt

    GARDEN GROVE, California (NV) – Giáo Sư Quyên Di giảng dạy Việt ngữ và văn hóa Việt cho sinh viên đại học từ 1995 đến nay và là người có tác động đến ít nhất hàng chục ngàn sinh viên.

    “Tôi bắt đầu dạy ở Đại Học CSU Long Beach từ 1995 rồi đến năm 2000, tôi dạy song song tại trường thứ nhì là CSU Fulleron rồi thêm nơi thứ ba là Đại Học UCLA năm 2003. Đến 2019, tôi thôi dạy ở CSU Fullerton. Hiện giờ, tôi chỉ giữ hai trường là CSU Long Beach và UCLA thôi,” vị giáo sư 75 tuổi nhỏ nhẹ nói.

    Được sinh viên quý trọng

    Chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt, dĩ nhiên, ông muốn học trò mình thấm nhuần tư tưởng Việt Nam, nếp sống Việt Nam cũng như tâm hồn Việt Nam.

    Ông giải thích: “Văn hóa cổ truyền Việt Nam luôn lấy chữ ‘lễ’ làm đầu. Tôi rất vui và hãnh diện khi thấy mình đã truyền đạt cho học trò sự cung kính đúng đắn của văn hóa Việt nhưng lại được phối hợp với sự thân mật của thời nay.”

    Giáo Sư Quyên Di vô cùng hãnh diện khi thường xuyên được học trò vây quanh đưa ra xe hay quý mến mua tặng ly cà phê hay cái bánh trước những cặp mắt xoe tròn của rất đông đồng nghiệp.

    “Cái tình nghĩa thầy trò này hết sức Việt Nam này, tôi may mắn lưu giữ được cho thế hệ kế tiếp trên đất Mỹ. Tình nghĩa này trong nước dễ gì mà thấy được. Bởi vì thế tôi rất quý,” ông nói.

    Bao năm dài, ông Quyên Di ngày ngày khuyến khích học trò phát triển nhiều nét khác nhau của văn hóa Việt Nam.

    Ông nói: “Một trong những nét đẹp của văn hoá Việt Nam là sự hiếu học. Chăm học đem lại thành quả tốt về học vấn. Với thành quả ấy, khi xin việc làm, sinh viên Việt Nam có ưu thế hơn các ứng viên khác.”

    Ông chú trọng về sự lễ độ, tương kính lẫn nhau.

    Tốt nghiệp rồi mà sinh viên còn quyến luyến thầy Quyên Di

    “Một nét đẹp khác của văn hoá Việt Nam là sự lễ độ. Ai cũng muốn được người khác kính trọng. Tính lễ độ của người Việt cộng với tính độc lập, tự tin của văn hoá Mỹ giúp sinh viên Việt Nam dễ được chọn khi xin việc làm,” ông thêm.

    Lời khuyên đoàn kết

    Từ 20 năm nay, Giáo Sư dạy về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một nhóm thi, văn sĩ cổ vũ phong trào cách tân văn học trên nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng năm 1932.

    Ông Quyên Di nói: “Nhóm Tự Lực Văn Đoàn được thành lập năm 1934, quy tụ những nhà văn, nhà thơ có tư tưởng mới với ý thức khai sáng, bình dân, lãng mạn, cấp tiến, bài phong kiến, chống Nho giáo cổ hủ.”

    Giáo Sư Quyên Di trong giảng đường đại học.

    Ông nhắc về sự đóng góp của nhóm này: “Những tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn đã được xuất bản cách đây hơn 80 năm. Những tác phẩm ấy có ảnh hưởng lớn lao trong xã hội Việt Nam thời ấy về những vấn đề quan trọng: đả phá những hủ tục, chống đối sự gò bó của nếp sống đại gia đình, đòi hỏi tự do cá nhân, cổ vũ tình yêu đôi lứa mà đối tượng do chính mình chọn lựa, bênh vực nữ quyền. Những tác phẩm ấy được viết với lối văn giản dị, sáng sủa, đúng ngữ pháp.”

    Khi được hỏi vì sao kiến thức về nhóm Tự Lực Văn Đoàn lại có lợi ích thiết thực ngày nay, ông đáp: “Sinh viên học cách hợp tác, làm việc chung như các nhà văn hợp tác để thành lập nhóm và cùng tôn trọng quy luật của nhóm và sống có lý tưởng.”

    Theo Giáo Sư Quyên Di, nhiều vấn đề do nhóm Tự Lực Văn Đoàn đưa ra đến nay người ta vẫn còn phải đối diện và giải quyết như mâu thuẫn gia đình giữa và cá nhân, quan niệm chính đáng về tình yêu và hôn nhân cũng như quyền phụ nữ,…

    Ông khẩn khoản nói: “Tinh thần đoàn kết là cái mà cộng đồng gốc Việt mình rất cần. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đoàn kết để có ảnh hướng mạnh mẽ đến ngày nay.”

    Quân bình Đông Tây

    “Điều tôi thường khuyên sinh viên là giữ sự quân bình trong cuộc sống. Quân bình giữa học tập và vui chơi, giữa đời sống gia đình và đời sống xã hội, giữa vật chất và tinh thàn, giữa hướng ngoại và hướng nội, giữa văn hoá Việt và văn hoá Mỹ,” ông cho hay.

    Người Mỹ gốc Việt là nhóm dân gốc Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Riêng tại California, số sinh viên gốc Việt rất đông. Điển hình là tại CSU Long Beach, sinh viên gốc Việt là tập thể sinh viên gốc Á châu đông nhất, theo ông Quyên Di.

    Vì thế, theo nhận định của ông Quyên Di, người gốc Việt cần đóng góp vào xã hội Hoa Kỳ.
    Ông nhấn mạnh: “Sự đóng góp lâu bền nhất là đóng góp văn hoá, đưa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt vào cuộc sống Mỹ. Mà ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hoá. Giữ được ngôn ngữ là giữ được văn hoá.”

    Sau một buổi học tại Đại Học UCLA.

    Thông thạo tiếng Việt, các chuyên viên trẻ sẽ phục vụ cộng đồng Việt Nam hữu hiệu hơn. Những bác sĩ, nha sĩ, luật sư, nhà truyền thông… sinh hoạt và sinh sống trong cộng đồng Việt Nam cần thông thạo tiếng Việt.

    Về hoài bão của một vị thầy dạy tiếng Việt trên đất Mỹ, ông Quyên Di chia sẻ: “Tôi mong muốn tiếng Việt và ngôn ngữ Việt được gìn giữ và phát triển nơi những thế hệ kế tiếp, ở bất cứ nơi đâu có người gốc Việt sinh sống.”

    Ông thêm: “Văn hoá ấy, ngôn ngữ ấy xứng đáng được như vậy vì có những nét đẹp và sự phong phú của nó. Bao lâu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam còn được giữ gìn và phát triển, bấy lâu những người gốc Việt vẫn giữ được tâm hồn Việt Nam.”

  • Quyên Di

    Trăng 14, Trước Tết

    Inline image

    Trăng đẹp hôm nay, trăng mười bốn
    Trời xanh bát ngát ở trên cao
    Lòng đã lạnh rồi mà vẫn rộn
    Những ý tình xuân rất ngọt ngào.

    Nhớ buổi xuân thì ngày xưa ấy
    Rạo rực lòng trai buổi trăng về
    Ngây ngất hương trời người con gái
    Bờ môi trót nếm rượu đam mê.

    Trăng lên vời vợi ngang đầu núi
    Trăng tàn bờ lạnh dải ngân hà
    Một bóng chim trời bay rất vội
    Về nơi viễn phố nẻo sương pha.

    Là lúc qua rồi thời xuân sắc
    Chén đời đã cạn rượu đam mê
    Những lúc đêm về ngồi trầm mặc
    Quên cả trăng xanh phủ bốn bề.

    Hôm nay gặp lại trăng mười bốn
    Như gặp người xưa thả tóc thề
    Chẳng hẹn mà buồn như lỗi hẹn
    Đường đời quên cả lối quay về.

    Thôi, ngắm trăng suông, xin bù lại
    Những khi lòng lạnh, bếp tro tàn
    Xin khóc cho một lần trẻ dại
    Thả những giọt buồn xuống dương gian.

    Quyên Di