Quyên Di,  Tin tức

GS Quyên Di: ‘Thông thạo tiếng Việt sẽ phục vụ cộng đồng hữu hiệu hơn’

GS QUYÊN DI

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Giáo Sư Quyên Di giảng dạy Việt ngữ và văn hóa Việt cho sinh viên đại học từ 1995 đến nay và là người có tác động đến ít nhất hàng chục ngàn sinh viên.

“Tôi bắt đầu dạy ở Đại Học CSU Long Beach từ 1995 rồi đến năm 2000, tôi dạy song song tại trường thứ nhì là CSU Fulleron rồi thêm nơi thứ ba là Đại Học UCLA năm 2003. Đến 2019, tôi thôi dạy ở CSU Fullerton. Hiện giờ, tôi chỉ giữ hai trường là CSU Long Beach và UCLA thôi,” vị giáo sư 75 tuổi nhỏ nhẹ nói.

Được sinh viên quý trọng

Chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt, dĩ nhiên, ông muốn học trò mình thấm nhuần tư tưởng Việt Nam, nếp sống Việt Nam cũng như tâm hồn Việt Nam.

Ông giải thích: “Văn hóa cổ truyền Việt Nam luôn lấy chữ ‘lễ’ làm đầu. Tôi rất vui và hãnh diện khi thấy mình đã truyền đạt cho học trò sự cung kính đúng đắn của văn hóa Việt nhưng lại được phối hợp với sự thân mật của thời nay.”

Giáo Sư Quyên Di vô cùng hãnh diện khi thường xuyên được học trò vây quanh đưa ra xe hay quý mến mua tặng ly cà phê hay cái bánh trước những cặp mắt xoe tròn của rất đông đồng nghiệp.

“Cái tình nghĩa thầy trò này hết sức Việt Nam này, tôi may mắn lưu giữ được cho thế hệ kế tiếp trên đất Mỹ. Tình nghĩa này trong nước dễ gì mà thấy được. Bởi vì thế tôi rất quý,” ông nói.

Bao năm dài, ông Quyên Di ngày ngày khuyến khích học trò phát triển nhiều nét khác nhau của văn hóa Việt Nam.

Ông nói: “Một trong những nét đẹp của văn hoá Việt Nam là sự hiếu học. Chăm học đem lại thành quả tốt về học vấn. Với thành quả ấy, khi xin việc làm, sinh viên Việt Nam có ưu thế hơn các ứng viên khác.”

Ông chú trọng về sự lễ độ, tương kính lẫn nhau.

Tốt nghiệp rồi mà sinh viên còn quyến luyến thầy Quyên Di

“Một nét đẹp khác của văn hoá Việt Nam là sự lễ độ. Ai cũng muốn được người khác kính trọng. Tính lễ độ của người Việt cộng với tính độc lập, tự tin của văn hoá Mỹ giúp sinh viên Việt Nam dễ được chọn khi xin việc làm,” ông thêm.

Lời khuyên đoàn kết

Từ 20 năm nay, Giáo Sư dạy về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một nhóm thi, văn sĩ cổ vũ phong trào cách tân văn học trên nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng năm 1932.

Ông Quyên Di nói: “Nhóm Tự Lực Văn Đoàn được thành lập năm 1934, quy tụ những nhà văn, nhà thơ có tư tưởng mới với ý thức khai sáng, bình dân, lãng mạn, cấp tiến, bài phong kiến, chống Nho giáo cổ hủ.”

Giáo Sư Quyên Di trong giảng đường đại học.

Ông nhắc về sự đóng góp của nhóm này: “Những tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn đã được xuất bản cách đây hơn 80 năm. Những tác phẩm ấy có ảnh hưởng lớn lao trong xã hội Việt Nam thời ấy về những vấn đề quan trọng: đả phá những hủ tục, chống đối sự gò bó của nếp sống đại gia đình, đòi hỏi tự do cá nhân, cổ vũ tình yêu đôi lứa mà đối tượng do chính mình chọn lựa, bênh vực nữ quyền. Những tác phẩm ấy được viết với lối văn giản dị, sáng sủa, đúng ngữ pháp.”

Khi được hỏi vì sao kiến thức về nhóm Tự Lực Văn Đoàn lại có lợi ích thiết thực ngày nay, ông đáp: “Sinh viên học cách hợp tác, làm việc chung như các nhà văn hợp tác để thành lập nhóm và cùng tôn trọng quy luật của nhóm và sống có lý tưởng.”

Theo Giáo Sư Quyên Di, nhiều vấn đề do nhóm Tự Lực Văn Đoàn đưa ra đến nay người ta vẫn còn phải đối diện và giải quyết như mâu thuẫn gia đình giữa và cá nhân, quan niệm chính đáng về tình yêu và hôn nhân cũng như quyền phụ nữ,…

Ông khẩn khoản nói: “Tinh thần đoàn kết là cái mà cộng đồng gốc Việt mình rất cần. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đoàn kết để có ảnh hướng mạnh mẽ đến ngày nay.”

Quân bình Đông Tây

“Điều tôi thường khuyên sinh viên là giữ sự quân bình trong cuộc sống. Quân bình giữa học tập và vui chơi, giữa đời sống gia đình và đời sống xã hội, giữa vật chất và tinh thàn, giữa hướng ngoại và hướng nội, giữa văn hoá Việt và văn hoá Mỹ,” ông cho hay.

Người Mỹ gốc Việt là nhóm dân gốc Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Riêng tại California, số sinh viên gốc Việt rất đông. Điển hình là tại CSU Long Beach, sinh viên gốc Việt là tập thể sinh viên gốc Á châu đông nhất, theo ông Quyên Di.

Vì thế, theo nhận định của ông Quyên Di, người gốc Việt cần đóng góp vào xã hội Hoa Kỳ.
Ông nhấn mạnh: “Sự đóng góp lâu bền nhất là đóng góp văn hoá, đưa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt vào cuộc sống Mỹ. Mà ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hoá. Giữ được ngôn ngữ là giữ được văn hoá.”

Sau một buổi học tại Đại Học UCLA.

Thông thạo tiếng Việt, các chuyên viên trẻ sẽ phục vụ cộng đồng Việt Nam hữu hiệu hơn. Những bác sĩ, nha sĩ, luật sư, nhà truyền thông… sinh hoạt và sinh sống trong cộng đồng Việt Nam cần thông thạo tiếng Việt.

Về hoài bão của một vị thầy dạy tiếng Việt trên đất Mỹ, ông Quyên Di chia sẻ: “Tôi mong muốn tiếng Việt và ngôn ngữ Việt được gìn giữ và phát triển nơi những thế hệ kế tiếp, ở bất cứ nơi đâu có người gốc Việt sinh sống.”

Ông thêm: “Văn hoá ấy, ngôn ngữ ấy xứng đáng được như vậy vì có những nét đẹp và sự phong phú của nó. Bao lâu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam còn được giữ gìn và phát triển, bấy lâu những người gốc Việt vẫn giữ được tâm hồn Việt Nam.”