• Kiều My,  Văn Thơ

    PHẬN ĐÀN BÀ DƯỚI NÉT BÚT CỦA KIỀU MY

    Trong đời sống chúng ta, theo tôn giáo hoặc triết lý thì mỗi con người đều có duyên số hay phần số mà đã được an bài. Trong bài viết này, tôi xin cô đọng vào số phận của người đàn bà như thế nào qua ba  tác phẩm lớn của các đại văn hào như:

    Lolita: Vladimir Nabokov

    Trà Hoa Nữ: (La Dame aux Came’lias) Alexandre Dumas Jr.            

    Kim Vân Kiều: Nguyễn Du

    LOLITA – Tiểu thuyết  Nabokov.

                Lolita!…Lolita!…Âm vang đắm đuối khát khao phát xuất từ con tim đầy lửa dục vọng của gã đàn ông trung niên Humbert Humbert, luôn ám ảnh về tình dục với cô bé mới lớn Lolita. Cô vừa tròn 12 tuổi, lứa tuổi còn ngây thơ vụng dại cắp sách đến trường. Cô như một đóa hoa vừa chớm nở với những cánh hoa còn búp đọng sương khuya, lấp lánh dưới ánh nắng ban mai rực rỡ của một ngày mới. Đóa hoa xinh tươi mơn mởn đầy hấp dẫn và vô cùng quyến rũ này đối với Humbert, đã đốn ngã một linh hồn bệnh hoạn. Trong cơn bốc cháy lửa dục vọng ấu dâm, gã si tình Humbert đã miên man: “Lolita! Ánh sáng của đời tôi, lửa dục lòng tôi, tội lỗi của linh hồn tôi, nàng sẽ trong vòng tay tôi. Tôi biết sẽ vĩnh viễn yêu thần tượng bé nhỏ của tôi, nhưng cũng biết nàng sẽ không mãi mãi là Lolita!”…

                Lolita là tác phẩm viết về một thực trạng bất thường của tình yêu nam nữ, mà nó luôn tồn tại qua mọi thời đại trong xã hội loài người. Câu chuyện về tình yêu, về nhục dục, luôn hiện diện trong cuộc sống của con người, mà tác giả người Nga Vladimir Nabokov đã khéo léo, nâng niu vẻ đẹp thiên thần của cô bé Lolita, đến người đọc cũng phải bị ám ảnh về nàng. Nét bút của tác giả cũng thật tài tình khi diễn tả từng nét tâm lý, từng ngõ ngách thèm muốn tình dục ấu dâm của Humbert với thần tượng bé nhỏ Lolita mà gã luôn khao khát.

                Tác phẩm Lolita ra đời vào năm 1955, tại thủ đô ánh sáng Paris, là một hiện tượng rất mới và lạ lẫm của nền văn chương Âu Châu vào giữa thế kỷ 20. Tuy thành phố Paris thuộc về Tây phương, là một châu lục văn minh nhất trên hành tinh này; nhưng xã hội thời bấy giờ vẫn không chấp nhận được sự đồi trụy về mặt đạo đức của nhân vật chính Humbert trong truyện. Tác phẩm này nổi tiếng bởi phong cách mới mẻ về nội dung; và cách diễn tả tâm lý thật sâu sắc, tỉ mỉ về một gã đàn ông trung niên học thức, luôn mang trong đầu óc bệnh hoạn của sự ám ảnh về nhục dục với cô bé 12 tuổi Dolores Haze, mà gã âu yếm gọi là “Lolita”.

                Tuy là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất về mặt đạo đức; nhưng giới yêu văn chương, học giả khắp nơi vẫn mở rộng vòng tay tiếp đón món quà tràn ngập tư tưởng mới mẻ này; nhờ vào lối dùng ngôn từ rất ư phù thủy của tác giả, và nội dung câu chuyện hết sức khác thường đầy lôi cuốn. Người đọc Lolita như bước vào mê cung ngôn ngữ, dưới ngòi bút thật tài tình đã diễn tả từng nét tâm lý sâu xa của một kẻ bệnh hoạn nhục dục của Nabokov. Humbert đã yêu say mê đôi mắt xanh lơ, mái tóc nâu bóng bẫy, làn da nâu hồng…và ngay cả tính nghịch ngợm trẻ con của Lolita. Humbert bất đắc dĩ cưới bà Charlotte, là mẹ của Lolita chỉ vì muốn được gần gũi với cô con gái bắt đầu tuổi dậy thì của vợ. Ông điên cuồng vì nét quyến rũ của Lolita và có thể làm bất cứ điều gì vì cô. Dù bao tháng ngày trôi qua, nhưng trong tâm trí của Humbert, cô bé Lolita vẫn là: “một thần tượng, một hiện tượng khác lạ, vẫn luôn mang đặc tính của một nữ thần bé nhỏ vĩnh viễn bất kham.”

                Tuy sống với vợ nhưng Humbert không hề có hứng thú tình dục với vợ, mà luôn thầm mơ tưởng nhớ đến Lolita và những cô gái 12, 13 tuổi…Như mong tìm lại thiên đường tuổi trẻ đã mất, khi người yêu thuở nhỏ là Annabel của mình đã chết vì bệnh hiểm nghèo trong nuối tiếc ngẩn ngơ của cậu bé Humbert ở tuổi 15.

                Charlotte, đã bị bấn loạn tâm lý sau khi đọc được những dòng nhật ký của chồng mình. Trong những dòng chữ như thú tội, bà nhận ra rằng Humbert từ lâu đã mang trong đầu hình bóng đứa con gái của bà với tư tưởng nhơ nhớp tội lỗi. Chính vì điều này đã làm bà mang trạng thái hoang mang tột độ khi lái xe đến bưu điện gửi thư cho Lolita đang ở trại hè; để rồi bị tử vong trong một tai nạn xe cộ khủng khiếp. Lolita trở thành đứa trẻ mồ côi cha mẹ, khi cô đang vô tư vui chơi cùng bạn bè mà không hề hay biết về cái chết của mẹ. Giờ đây, cô trở thành một đứa trẻ bơ vơ và hụt hẫng giữa thế giới bao la; đã trở thành tình nhân bé bỏng khờ dại của gã đàn ông trung niên lão luyện Humbert. Tâm lý của một đứa trẻ mất hết tất cả tình gia đình, một mái ấm hạnh phúc, với tình yêu thương và sự giáo dục của cha mẹ, không còn nơi nương tựa; khiến đứa trẻ đành phải buông xuôi cho số phận đưa đẩy. Lolita không còn sự lựa chọn nào hơn, ngoài việc nương tựa vào người đàn ông đáng tuổi cha đầy thèm khát dục vọng với một đứa trẻ vị thành niên.

    Nỗi lo sợ mất Lolita khiến gã ngày đêm canh giữ và rắp tâm chiếm đoạt thân xác cô cho thỏa mãn dục tình, sau khi rước cô ra khỏi trại hè. Humbert đưa Lolita đi hết thành phố này đến thành phố khác hầu tránh mọi tai mắt, và cũng để tránh các chàng thanh niên trai trẻ để mắt đến Lolita. Những đêm về tại các nhà nghỉ dừng chân – theo gã đó là thiên đường rực lửa của hỏa ngục dục vọng mà gã đã đợi chờ bấy lâu, như một con thú rình mồi. Những đêm dài giao hoan với thần tượng bé nhỏ đã mang lại niềm hoan lạc và sinh khí mãnh liệt cho người đàn ông bệnh hoạn này. Hai năm sau, hành trình của con đường dục vọng tội lỗi đã đến hồi kết thúc khi Lolita lâm trọng bệnh phải vào bệnh viện. Sau khi bệnh tình cô được hồi phục, cô lặng lẽ biến mất không để lại cho Humbert một lời nào.

                Nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, cho đến một ngày Humbert nhận được lá thơ của Lolita cho biết cô đã lập gia đình và đang mang thai. Humbert  tức tốc lái xe đến địa chỉ người gởi. Giờ đây, Lolita đã thay đổi nhiều, cô không còn tươi tắn rực rỡ như ngày nào nhưng Humbert vẫn còn yêu cô, muốn cô trốn đi với gã nhưng cô đã lạnh lùng từ chối. Gã đăm chiêu nhìn về xa xăm: “Lolita mãi mãi vắng bóng bên cạnh tôi.” Gã ra đi trong nỗi đau tuyệt vọng và trở thành tay sát nhân, sau đó chết trong tù bởi chứng nghẹn động mạch vành. Không lâu sau đó, cuộc đời ngắn ngủi của Lolita cũng kết thúc sau khi sinh đứa con đầu lòng; để lại gian trần một câu chuyện thương tâm về thân phận của một Eva còn non trẻ chịu nhiều bất hạnh và đầy khổ lụy.

                Đọc Lolita, tôi cảm thương cho thân phận đàn bà như Lolita, phải chịu cảnh phủ phàng khi tuổi đời còn ngây thơ, bởi một tay dâm đãng luôn rắp tâm chiếm đoạt nàng. Một đứa trẻ còn khờ dại như con cừu non, làm sao tránh khỏi cái bẫy của một tay thợ săn chuyên nghiệp? Nhân vật Humbert – tiêu biểu bản chất ích kỷ tham lam của con người, chỉ muốn thỏa mãn những ham muốn hèn hạ cho riêng mình, nhưng không nghĩ đến nỗi thống khổ của kẻ khác.- Trong tác phẩm Lolita, Vladimir Nabokov đã dàn dựng lên nhân vật Humbert  hẵn theo đường lối của thuyết hiện sinh (Existentialism) do các triết gia của thế kỷ 19 chủ trương như: Kierkegaad, Dostoyevsky, J.P. Sartre, Nietzsche…Đặc biệt, đại triết gia Jean Paul Sartre (1905-1980) đã đưa chủ nghĩa hiện sinh phát triển vượt bậc ở thế kỷ 20. Các triết gia lỗi lạc này biện minh rằng: thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản  (L’existentialisme est un humanism) – mỗi con người tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách say mê và đích thực. Nếu tôn thờ chủ nghĩa hiện sinh thì mọi người sống theo ý thích và sự ham muốn của mình để chà đạp lên nhau, bất chấp phẩm giá và quyền lợi của  người khác ư? Nhất là về phẩm giá của người đàn bà khi bị những tay đàn ông đớn hèn đang tâm chà đạp phủ phàng lên thân xác họ như một món đồ chơi? Thảm trạng này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ? Hay sẽ tồn tại mãi mãi trong xã hội loài người…?

                Lolita! Lolita!

                Mãnh hồn trong trắng đã rời xa

                Tuổi thơ ngây nhuốm đầy hoen ố

                Bước vào đời tan tác phong ba

                Hoa chớm nở gục đầu héo úa

                Còn ai thương xót cánh hoa rơi

                Tan tác bên đường nằm tơi tả

                Ngày chưa thắp nắng sao vội tắt?

                Một vì sao rụng giữa trời đêm!

    TRÀ HOA NỮ – La Dame aux Camélias.

    Ngoài người đàn bà trẻ đẹp đáng thương Lolita, ta còn thấy nhiều người đàn bà khác phải gánh chịu bao nỗi truân chuyên, bao điều nhục nhã mà xã hội đưa đến. Giữa thế giới muôn trùng có biết bao tiếng than ai oán, với bao khổ lụy mà những con người yếu đuối đang ngày đêm oằn oại gánh chịu. Như nàng kỹ nữ xinh đẹp Marguerite Gautier trong tác phẩm Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias)  Came’lias của đại văn hào nổi tiếng người Pháp Alexandre Dumas Jr. xuất bản năm 1848. Thiên tình sử trong Trà Hoa Nữ, đã làm say đắm và thổn thức biết bao trái tim lãng mạn của nhân loại. Cũng như Lolita, Trà Hoa Nữ đã được in thành sách trong nhiều ngôn ngữ và được dàn dựng thành phim, chiếu khắp nơi trên thế giới qua nhiều năm mà vẫn còn ăn khách. Biết bao nhiêu người đã rơi nước mắt xót thương cô kỹ nữ xinh đẹp, mang thân phận đàn bà bất hạnh trong một xã hội đầy nhiễu nhương.

     Trong Trà Hoa Nữ, Alexandre Dumas đưa độc giả trở về nước Pháp đầy thi vị và lãng mạn vào thế kỷ 19, một đất nước văn minh phóng khoáng bậc nhất hành tinh; nhưng vẫn không chấp nhận giới buôn hương bán phấn trong xã hội, nhất là giới quý tộc thời bấy giờ. Trà Hoa Nữ là một câu chuyện tình đầy bi thương về cuộc đời nàng ca kỹ Marguerite Gautier yêu chàng luật sư trẻ tuổi Armand Duval bằng tấm chân tình. Chàng là người có gốc quý tộc, chưa có sự nghiệp trong tay, nhưng cô kỹ nữ vẫn chấp nhận để yêu thương. Cô sở hữu một nhan sắc đẹp tuyệt trần, lại thông minh và có tâm hồn phong phú; khiến bao vương tôn công tử giàu có say mê đưa đón và cung phụng. Nàng ca kỹ yêu hoa trà: nàng thường cài lên áo hoa trà trắng khi sẵn sàng tiếp khách; trong tháng có những ngày người ta thấy hoa trà đỏ trên áo nàng là dấu hiệu cho biết nàng chối từ. Vì thế nàng được mệnh danh là “Trà Hoa Nữ”. Nàng hưởng thụ cuộc đời hoan lạc nhung gấm phủ phê; nhưng phải oằn mình chịu đựng sự cay nghiệt và khinh thường của xã hội Pháp, nhất là giới trâm anh quý tộc. Người đời mỉa mai khinh thường khi nhìn vào khía cạnh kiêu sa, với nếp sống xa hoa tội lỗi của một nàng ca kỹ nổi tiếng trong chốn lầu xanh. Nhưng có mấy ai biết được tâm hồn nàng lại chứa đựng sự vị tha, ẩn giấu bên trong một trái tim đôn hậu yêu thương đong đầy và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cho người mình yêu.

    Những tay đàn ông giàu có quyền thế không ngần ngại bung tiền để hưởng thụ những đêm hoan lạc, bằng thể xác của một người đàn bà sống bằng nghề mua vui cho thiên hạ. Họ dùng đồng tiền để dày vò thân xác của phụ nữ cho thỏa mãn tình dục một cách vô tội vạ. Đây cũng là một tệ đoan trong xã hội, hầu như có mặt khắp nơi qua mọi thời đại trên địa cầu này. Đến khi yêu Duval tha thiết, nàng kỹ nữ Marguerite đã can đảm khước từ tất cả nhung lụa giàu sang, những đêm truy hoan trác táng dưới ánh đèn mờ ảo, để được yêu Duval cho trọn vẹn. Nàng quyết tâm bỏ lại sau lưng những bá tước nhiều tiền lắm bạc, đã từng cung phụng cho nàng cuộc sống xa hoa phủ phê, để sống với người nàng yêu thương. Nàng bỏ hết tất cả, rời xa chốn phồn hoa để về miền quê cùng Duval xây tổ ấm.

    Tình cảm cao quý mang lại cho con người hạnh phúc vô ngần, nhưng cũng không ít khổ đau bất tận. Nhưng…một bàn tay vô hình là “định mệnh”- hay nói cách khác là xã hội thời bấy giờ cướp đi hạnh phúc của đời nàng. Giông tố lại kéo đến khi bố của Duval tìm gặp Marguerite lúc Duval không có ở nhà. Ông đã nhẫn tâm yêu cầu nàng phải rời xa con ông vì danh tiếng của dòng tộc ông, một gia đình danh giá không thể chấp nhận một nàng dâu ca kỹ. Marguerite luôn mong muốn được sống cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc bên người mình yêu thương. Nhưng bất hạnh thay! Nàng trót mang trái tim cao thượng và nhân hậu để rồi nàng phải hy sinh hạnh phúc đời mình hầu bảo tồn danh giá cho Duval và gia đình chàng mà chàng nào hay biết. Thật mỉa mai! Cuộc đời con người đến khi tìm được ý nghĩa của cuộc sống, vừa tìm được một chân trời mới của hạnh phúc, thì cũng vừa nhận ra đó chỉ là… phù du! Hạnh phúc của cuộc đời mà mọi người hằng mong ước, có mấy ai nắm bắt được nó và giữ được nó lâu dài!

    Nàng ca kỹ đau đớn âm thầm ra đi bỏ lại sau lưng người mà nàng yêu thương nhất đời khi hạnh phúc còn nồng cháy. Không còn sự lựa chọn nào hơn, nàng đành phải trở về con đường cũ kiếm tiền từ những tay giàu có để trả nợ cho những ngày tháng sống với Duval. Nàng đã mất Duval, mất tất cả hạnh phúc đời mình! Cuộc đời nàng đã trở thành vô nghĩa! Giờ đây nàng vùi đầu vào ánh đèn màu như những con thiêu thân, tiếp tục làm món đồ chơi cho thiên hạ. Tưởng rằng mình đã được cứu vớt, đã được ngoi lên từ bùn nhơ, nào ngờ lại rơi xuống vực thẳm thêm lần nữa. Phải chăng nàng sống kiếp con tằm phải nhả tơ cho hết kiếp làm người, hay làm kiếp hoa cho ong bướm hút nhụy? Ong bướm bay dập dìu khi hoa còn mật ngọt, đến khi hoa rữa nhụy tàn thì ong bướm cũng bay xa.

     Thật xót thương cho số phận người đàn bà bất hạnh như Marguerite, đã hy sinh cho người mình yêu như thế, với ước mong sẽ có được sự đền bù xứng đáng. Nhưng nào ngờ, từ lúc rời xa Duval đến khi lìa đời, nàng phải chịu biết bao tủi nhục cay đắng. Cho đến chết nàng vẫn không đạt được ước vọng tha thiết được gặp mặt Duval lần cuối, cho vơi đi nỗi đau khổ nhớ nhung hành hạ nàng từ tâm hồn đến thể xác. Nàng từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn nợ nần chồng chất, trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, không một người thân yêu bên cạnh trong giờ phút sau cùng. Duval là người nàng yêu thương vô bờ bến, trong cơn hấp hối nàng luôn thì thào gọi tên chàng trong hơi thở yếu ớt… đầy nước mắt…

    Khi biết được nàng ca kỹ yêu chàng bằng trái tim chân thành đến hơi thở cuối cùng, đã làm Duval hối hận suốt một đời còn lại, vì đã hiểu lầm nàng phụ tình chàng. Duval đau xót tiếc nuối khôn nguôi nàng ca kỷ Marguerite đáng thương có một trái tim nhân ái và tấm lòng hy sinh cao cả, với một tình yêu tuyệt vời dành cho chàng đến khi nhắm mắt lìa đời. Thật xót xa cho thân phận người đàn bà đem thân xác mình cho biết bao người mua vui; nhưng đến khi lìa đời có mấy ai  nhỏ cho giọt nước mắt ngậm ngùi tiễn đưa!

    Truyện Kiều – Nguyễn Du

    Câu chuyện về thân phận đàn bà của nàng Lolita và Margurite Gautier ở xã hội phương tây đã quá não nề; nhưng nếu đem so sánh với nàng Thúy Kiều trong xã hội phương đông thì cũng chưa thấm vào đâu. Thúy Kiều là nhân vật mang thân phận đàn bà chịu nhiều đau đớn tủi nhục trong TRUYỆN KIỀU, tức ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, mà tác giả giới thiệu. Đây là một kiệt tác bất hủ luôn gắn liền tên tuổi với đại thi hào NGUYỄN DU (1766 – 1820) cuối thế kỷ 18.

    Truyện Kiều là nỗi thống khổ, là tiếng kêu đứt ruột về thân phận người đàn bà trong xã hội phong kiến ngày xưa; khi phẩm giá của họ bị những thành phần vô lương chà đạp không thương tiếc. Bằng những câu thơ lục bát trác tuyệt chuẩn mực, Nguyễn Du đã xoay quanh cuộc đời đầy sóng gió của Vương Thúy Kiều với bao nỗi oan khiên. Một người con gái tài sắc vẹn toàn cầm kỳ thi họa, cùng những đức tính hiền lành nhân hậu, hiếu thảo và sự hy sinh cao cả, đã phải gánh chịu nhiều nỗi truân chuyên, oan nghiệt trong độ tuổi thanh xuân. Dưới xã hội phong kiến hủ bại, kẻ mạnh có quyền thế tiền bạc luôn là kẻ thắng, là kẻ nắm sinh mệnh của kẻ yếu trong tay. Là người con hiếu thảo, Kiều không đành lòng để cha và em trai bị vu oan, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn đòi tiền chuộc mạng. Vì nhà nghèo không đủ tiền nạp cho đám hối mại quyền thế, Kiều bị ép vào đường cùng  phải bán mình chuộc cha và em, để đổi lấy sự an toàn cho gia đình. Đây là sự hy sinh thật cao cả đối với người con gái có giáo dục, với phẩm hạnh thanh cao và cốt cách cao quý. Nàng cũng đau đớn cắt đứt mối tơ tình với lời thề cùng Kim Trọng sẽ nên duyên cầm sắt, để có thể thực hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Kiều cũng đã nặng tình với Kim Trọng và thề nguyền sẽ cùng chàng kết nghĩa trăm năm. Nhưng trong cảnh ngộ gia đình nàng lâm vào chốn cùng cực, nàng đành phải nuốt lệ phụ tình chàng để trả hiếu cho cha thoát cảnh bị đánh đập tù đày.

    Sau khi Mã Giám Sinh mua Kiều với giá 400 lạng vàng, tay ma cô này đã chiếm đoạt trinh trắng của nàng rồi đưa nàng vào lầu Ngưng Bích, một động mãi dâm của mụ tú bà để cho khách mua vui. Sau đó, Kiều lần lượt lọt vào tay những gã sở khanh, phải chịu bầm dập dưới những cơn vũ bão dục tình của họ, lại thêm những trận đòn thiếu sống thừa chết của mụ tú bà ép buộc nàng phải tiếp khách. Kiều cảm thấy nhục nhã và xót xa cho chính bản thân mình; một người con gái nhà lành có giáo dục, đẹp đẽ thanh cao… giờ đây lạc loài nơi xứ lạ quê người, không một người thân, bị áp bức phải hành nghề xấu xa nhất trong xã hội mà gia đình nàng nào có hay:

                “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

                Giật mình, mình lại thương mình xót xa”…

    Không may! Kiều gặp Thúc Sinh người đã có vợ là Hoạn Thư, một người đàn bà ghen triệt để, đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Cam lòng làm vợ lẻ của Thúc Sinh, Kiều làm sao tránh khỏi những trận đòn ghen chí tử và làm nhục của Hoạn Thư dành cho nàng. Sóng gió cuộc đời nàng chưa dừng lại nơi đây, Kiều bị bán vào lầu xanh lần thứ hai. Tấm thân yếu đuối của nữ nhi bao phen bị vùi dập bỡi những con người lòng lang dạ thú thì còn mong gì để sống. Nàng chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay sống cuộc đời đen tối ô nhục trong chốn lầu xanh để khách đến mua vui. Nàng tự hỏi thân phận con người được định đoạt bởi xã hội, bởi hoàn cảnh hay số mệnh đã được an bài:

                “Ngẫm hay muôn sự tại trời

                Trời kia đã bắt làm người có thân

                Bắt phong trần phải phong trần

                Cho thanh cao mới được phần thanh cao”…

    Trong những ngày tháng đen tối ở thanh lâu, Từ Hải một người quân tử lui tới lầu xanh đã tha thiết yêu Thúy Kiều, và chuộc nàng ra khỏi chốn nhơ nhớp này. Từ Hải như một vị cứu tinh cứu vớt đời nàng. Kiều ngỡ rằng phận bọt bèo của nàng từ nay sẽ được êm ấm và được che chở bảo bọc của Từ Hải. Nhưng đời luôn không như ý mình mong muốn! Những ngày bình an chẳng được bao lâu thì Kiều bị mắc mưu của Hồ Tôn Hiến, tay này bày mưu lập kế đưa đến cái chết của Từ Hải một cách oan uổng. Kiều vô cùng ân hận về cái chết đau đớn đầy oan khiên của Từ Hải.  Niềm hy vọng cuối cùng của nàng đã vụt tắt! Trước mắt nàng là bóng tối dày đặc đang phủ kín, nàng không còn nhìn thấy ánh mặt trời như một tia hy vọng dù thật yếu ớt nhỏ nhoi. Để giải thoát một linh hồn đau khổ và tuyệt vọng, nàng liều mình nhảy xuống sông Tiền Đường hầu kết liễu cuộc đời đầy ô nhục trải dài suốt bao năm qua. Nhưng số mệnh của nàng chưa chấm dứt ở cõi trần ai, nàng được sư cô Giác Duyên cứu sống đem về chùa cho tá túc. Sau khi Kiều bày tỏ sự tình, sư cô động lòng thương xót đã cố gắng đi tìm Kim Trọng khắp nơi, hầu giúp cho Thúy Kiều có cơ hội nối lại duyên xưa sau mười lăm năm lưu lạc xa cách.

     Thương thay cho phụ nữ sống trong xã hội phong kiến mà phẩm giá con người bị chà đạp, vùi dập thảm thương. Thúy Kiều vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha để rồi đời nàng phải rơi xuống vực thẳm bùn nhơ của xã hội vô tâm, và đời nàng sẽ mãi mãi là cuộc đời…bất hạnh dở dang! May mắn thay nàng còn sống sót tái hợp với chàng Kim, nhưng câu thề hẹn “nên duyên chồng vợ gắn bó keo sơn” ngày nào làm sao có thể thực hiện được, dù cho cả hai vẫn còn yêu nhau. Sự trong trắng của nàng không còn nữa, nàng không xứng đáng làm vợ chàng, chỉ xin làm người bạn tri kỷ của chàng mà thôi. Những hủ bại trong xã hội phong kiến, một xã hội trọng nam khinh nữ ít nhiều gì cũng mang đến những hệ lụy, cùng với những hậu quả khó lường cho cuộc đời người đàn bà vốn yếu đuối mong manh như Thúy Kiều.

    Kết bài, nhìn lại cuộc đời của ba người đàn bà trong ba tác phẩm: Lolita, Trà Hoa Nữ và Truyện Kiều… cho tôi một sự nhận xét thật tiêu cực về thân phận của người đàn bà bất hạnh dù ở trời Tây hay trời Đông. Đàn bà thuộc về phái yếu, vì thế họ phải chịu nhiều nỗi truân chuyên, chịu nhiều áp bức trong xã hội mạnh thắng yếu thua. Có những người đàn bà vì hoàn cảnh hay bị áp bức mà phải trở thành món đồ chơi cho đàn ông thỏa mãn dục tình. Tất cả những điều tồi tệ nhất sẽ đến với thân phận người đàn bà bán phấn buôn hương, từ những sự dèm pha khinh bỉ của xã hội dành cho họ. Hơn thế nữa, họ sẽ sống với nỗi ray rức hay ân hận trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Hạnh phúc thật khó đến với những người đàn bà đã trót lỡ bước vào bùn nhơ; vì dĩ vãng đen tối như một bóng ma sẽ che khuất bầu trời mơ ước của họ mãi mãi. Thiên đường nào dành cho họ ở ngày mai…?

    Kiều My, California, mùa thu 2022

  • Kiều My,  Văn Thơ

       NHÀ VĂN VIỆT HẢI: TRONG Ý NGHĨ CỦA TÔI.

    Bài viết của NV Kiều My

    VIỆT HẢI & KIỀU MY

    Khi vừa hoàn thành tác phẩm đầu tay ĐÓA HOA NỞ MUỘN, tôi rất phân vân không biết nên làm gì; cất giấu nó đi mãi mãi hay nên thực hiện một buổi ra mắt sách cùng độc giả? Nếu chôn vùi đứa con tinh thần này muôn kiếp thì quá dễ dàng, nhưng tôi lại không đành lòng! Như một người đàn bà mang thai, cưu mang hài nhi trong dạ với bao yêu thương ấp ủ của một người mẹ…thì sau chín tháng mười ngày, hài nhi hẵn phải chào đời.

     Tình cờ một hôm đẹp trời của mùa xuân 2021, con gái Bảo Trâm chở tôi đến thăm vợ chồng Tina và Quốc Sĩ – một tay guitar điêu luyện trong làng nhạc Việt hải ngoại. Người nhạc sĩ dễ mến này đưa tôi đi xem phòng thu âm, nơi mà các nhạc sĩ thường gắn bó và say sưa làm việc với âm nhạc. Rồi hai cô cháu nói chuyện huyên thuyên về các ca nhạc sĩ và những sáng tác mới của Quốc Sĩ. Trong dịp này, bất chợt tôi tâm sự với Sĩ về tác phẩm của tôi vừa sáng tác xong, mong rằng Sĩ có thể góp ý với tôi nên làm gì. Không ngờ mắt Sĩ sáng lên rồi nhiệt tình nói:

                “Hay quá! Cô gặp đúng người rồi! Để Sĩ giới thiệu cô với anh trưởng nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian…anh Việt Hải. Sĩ rất quý mến anh và chị Lệ Hoa, anh rất tốt sẽ giúp đỡ cô, cô đừng lo!”

    Tôi vừa thoáng thấy có một cánh cửa hy vọng sắp mở ra, nhưng lại e ngại không biết anh trưởng nhóm có vui lòng giúp tôi không vì tôi chỉ là một người xa lạ đối với anh. Chừng vài phút sau, Sĩ hăng hái thực hiện ngay kế hoạch làm người trung gian kết nối đường dây:

                “Chào anh Việt Hải! Anh khỏe không? Hôm nay Sĩ giới thiệu với anh cô của Sỹ là Kiều My muốn ra mắt sách, anh có thể giúp cho cô của Sĩ được không?…”

    Qua dăm ba câu thăm hỏi trao đổi với nhà văn Việt Hải,  Sĩ trao điện thoại cho tôi bèn dặn dò:

                “Cô cố gắng nghe vì anh Việt Hải bị stroke hai lần; vì thế, tiếng nói của anh không được rõ ràng lắm!”

    Quả thật vậy! Khi cầm điện thoại và áp sát vào tai, tôi nghe được giọng nói của anh Việt Hải… đã gây cho tôi niềm cảm xúc ngập tràn. Anh cố gắng nói để tôi được hiểu ý của anh rằng: anh sẵn sàng giúp tôi ra mắt sách. Giọng anh khàn khàn ngọng nghịu, có đôi lúc thở nặng nề mệt nhọc, làm tôi rất e ngại và thương cảm cho anh. Tôi tự hỏi: không biết tôi có làm mất thời giờ và làm phiền cho sức khỏe của anh chăng? Trong tôi chứa đầy ngạc nhiên không lẽ trên đời này còn có người tốt như thế sao? Anh chưa biết tôi là ai, người như thế nào…mà dám mở rộng vòng tay chào đón và giúp đỡ nhiệt tình một người xa lạ chưa bao giờ gặp mặt; hơn thế nữa, anh là người không được khỏe mạnh cho lắm!

    Trên đường về, tôi luôn nghĩ ngợi về nghĩa cử cao đẹp của một người mang tên Việt Hải, trưởng nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian. Tôi không thể hình dung anh như thế nào, người ra sao, bao nhiêu tuổi?…Dường như anh là khuôn mẫu của một người chỉ muốn cho đi mà không cần nhận lại. Nhất là trong lãnh vực văn chương và nghệ thuật. Anh luôn khuyến khích và hướng dẫn những mầm non văn chương, những ngòi bút còn non nớt,  hãy cố gắng đọc thật nhiều và viết thật nhiều để hình thành những tác phẩm giá trị cho đời và nhất là để bảo tồn văn hóa Việt. Bao lâu còn văn hóa Việt, tiếng nói Việt, thì dân tộc Việt  vẫn còn tồn tại; dù cho người Việt có tản mác khắp nơi trên địa cầu này.

    Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, tác phẩm ĐÓA HOA NỞ MUỘN được anh Việt Hải đưa qua nhà văn kiêm chủ bút Khánh Lan chỉnh sửa những sơ sót trong bản thảo. Sau đó lần lượt được trao qua bàn tay kỹ thuật nhà nghề của anh Phạm Hồng Thái ở tận San Jose trau chuốt, sắp xếp, trình bày rất đẹp mắt. Ngoài ra, bìa sách được nhà văn kiêm họa sĩ Vi Khiêm vẽ một đóa hoa hồng rạng rỡ vươn lên khoe sắc trong cảnh mùa thu rất ư nghệ thuật…Tất cả thật tuyệt vời ngoài sự mong đợi của tôi! Cầm quyển sách ĐÓA HOA NỞ MUỘN thật đẹp, thật mượt mà trên tay mà trong lòng thầm cảm ơn tất cả các vị Việt Hải, cô Khánh Lan, anh Hồng Thái và anh Vi Khiêm, đã chung tay hoàn chỉnh sách ĐÓA HOA NỞ MUỘN của Kiều My, như một báu vật.

    RA MẮT SÁCH CỦA NV KIỀU MY

    Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tạm ngưng hoạt động khoảng hai năm vì dịch bệnh Corona Virus lan tràn. Khi dịch bệnh không còn phát triển mạnh nữa, thì nhóm hoạt động trở lại và ĐÓA HOA NỞ MUỘN được nhà văn Việt Hải khởi động cho ra mắt với độc giả vào mùa hè tại Nam California, ngày Chủ nhật 15 tháng Tám năm 2021. Trong sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa về văn chương và nghệ thuật mà nhà văn Việt Hải luôn hăng say tổ chức và quy tụ giới cầm bút, truyền thông, báo chí… góp mặt trong chương trình như một sự khích lệ lớn lao cho các tác giả. Ngoài ra, các nhà văn, thi sĩ, ca sĩ trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, gia đình và thân hữu của tác giả tham dự đông đảo trong không khí thân thiện cởi mở. Trong buổi ra mắt sách luôn luôn gồm 2 phần:

    1/ Phần văn học: dưới sự chủ tọa của nhà văn Việt Hải cùng các diễn giả như: nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn kiêm giáo sư Quyên Di, nhà văn Khánh Lan, nhà văn Vi Khiêm v.v…Phần này giới thiệu về tiểu sử tác giả và tham luận về tác phẩm.

    2/ Phần văn nghệ: do nhóm Tiếng Thời Gian phụ trách, dưới sự điều khiển của ca nhạc sĩ Lâm Dung, cùng với tiếng hát của các ca sĩ Thụy Lan, Lệ Hoa, Ngọc  Quỳnh, Minh Thư, Ái Liên v.v…

    Hai phần văn học và nghệ thuật kết hợp nhịp nhàng đã làm tăng thêm phần sống động và vui tươi cho buổi ra mắt sách. Những nhạc phẩm được trình diễn trong chương trình cũng được chọn lọc theo chủ đề của sự kiện.

    Nhà văn Việt Hải cùng ban diễn giả đã chu toàn vai trò mô tả thật sống động về nội dung của tác phẩm ĐÓA HOA NỞ MUỘN. Trong đó, tác giả đã trau chuốt từng nét vẽ uyển chuyển để tạo nên bức tranh đẹp tuyệt vời của một tình yêu huyền thoại, mà chắc hẵn ai trong chúng ta cũng đều mơ ước. Động lực chính khiến tác giả dàn dựng lên một bối cảnh yêu đương nồng nàn của đôi uyên ương trong sự thủy chung, vì cảm kích mối tình bất diệt của chính tác giả với nàng kiều Selma Karamy trong UYÊN ƯƠNG GÃY CÁNH ( The Broken Wings ) của nhà văn nổi tiếng Lebanon KAHLIL GIBRAN. Qua HỒN BƯỚM MƠ TIÊN của KHÁI HƯNG, tác giả cũng thương cảm cho mối tình thanh cao dưới bóng từ bi của thí chủ Ngọc và chú tiểu Lan. Thêm lần nữa, tác giả lại xót xa cho hai người trẻ ROMEO ET JULIETTE yêu nhau trong nghịch cảnh, không được lấy nhau nên sau cùng đã chết bên nhau cho trọn cuộc tình của WILLIAM SHAKESPEAR. Trong LOVE STORY của ERICH SEGAL, hai kẻ bất hạnh là Oliver Barrrett và Jennifer Cavilleri yêu nhau tha thiết. Nhưng vì sự cấm đoán khe khắt của gia đình danh giá Barrett mà đưa đến một kết cuộc bi thương….Vì những chuyện tình thủy chung đầy nước mắt và tuyệt vời này…khiến tác phẩm ĐÓA HOA NỞ MUỘN đã ra đời. Trong quyển sách bé nhỏ này chứa đầy tính nhân bản của tình yêu đôi lứa, tình gia đình, tình bạn hữu và tình yêu quê hương. Sau cùng, mọi người đều nhỏ lệ tiếc thương cho đôi uyên ương phải gãy cánh, vì người chồng vĩnh viễn từ giã cõi đời để lại người vợ hiền trung trinh và hai con thơ trong đau đớn nghẹn ngào. Sự việc này đã nói lên triết lý về cuộc đời: không có gì tồn tại mãi mãi và không gì gọi là vĩnh cửu trên đời này!

    Buổi ra mắt sách đã thành tựu. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì gánh nặng đã được trút xuống khỏi đôi vai. Mọi việc được hoàn tất tốt đẹp là nhờ vào sự nhiệt tình cũng như sự tổ chức chu đáo của anh Việt Hải, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các văn thi sĩ và các ca sĩ trong nhóm âm nhạc Tiếng Thời gian . Tôi ngẫm nghĩ về câu nói đầy ý nghĩa của một văn hào: “Hãy quan tâm những gì xung quanh bạn và biết ơn những gì bạn có được trong cuộc sống ngắn ngũi này.”( Observe around you and be thankful for all that you have in this transitory lifetime.)

    Một điều thật lạ và đầy ngạc nhiên, khi tôi khám phá ra văn sĩ Việt Hải viết hàng ngàn bài viết trong hơn ba mươi năm, những bài viết thật giá trị về văn chương và hàng ngàn bài thơ quê hương, tình yêu, lãng mạn, nhưng anh chưa hề có một cuốn sách nào cho riêng anh để ra mắt cùng độc giả; bởi anh chỉ viết in chung giúp cho sách của nhóm bạn bè được hình thành. Việt Hải là thế! Anh vì mọi người hơn vì mình! Tấm lòng anh thật bao la… hiếm có! Anh không ích kỷ! Anh không màng lợi danh! Tôi rất may mắn là thành viên của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian và được hoạt động chung với anh. Anh luôn vui vẻ với mọi người, hình như anh thích những cuộc gặp gỡ hàn huyên. vui đùa với bạn bè. Anh là chim đầu đàn của nhóm, sẵn sàng nâng đỡ và hướng dẫn những thành viên trong nhóm khi gặp khó khăn trong văn chương hay thơ nhạc. Chúng tôi rất quý mến và biết ơn những gì anh đã làm cho chúng tôi. Ở đây có rất nhiều nhà văn, nhưng khó tìm được người hy sinh bỏ thời gian và công sức để giúp mình bước lên để đạt được sự thành công.

    RA MẮT SÁCH CỦA NV KHÁNH LAN

    NHÀ VĂN KHÁNH LAN

    Thừa thắng xông lên! Sau buổi ra mắt sách tốt đẹp của Kiều My, anh Việt Hải ra tay giúp cho bốn quyển sách của nhà văn Khánh Lan được trình làng cùng độc giả:

    RA MẮT SÁCH 4 TÁC PHẨM CỦA NV KHÁNH LAN

    DĨ VÃNG KHÔN NGÔI. Mọi người trong chúng ta đều có dĩ vãng với những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ. Dù trong cuộc sống thăng trầm bôn ba của hiện tại, nhưng trong phút giây nào đó, dĩ vãng lại lãng đãng trôi về từ trong ký ức dường như đã ngủ quên. Những kỷ niệm của quá khứ đó có thể cho ta một nụ cười ngắn ngủi hay những tiếng thở dài lê thê, khi nó trở về từ nấm mồ của thời gian.

    TUYỂN TẬP TRUYỆN TRINH THÁM, THÁM TỬ LÊ MINH. Tác giả viết lên những câu chuyện trinh thám hồi hộp gay cấn, gợi lên óc tò mò của độc giả mà nhân vật chính Lê Minh đã đưa người đọc vào mê hồn trận của những pha mạo hiểm cam go, sự giằng co giữa  sống chết chỉ trong gang tấc.

    ĐÔI NÉT VỀ 10 TÁC GIẢ ÂU MỸ CẬN ĐẠI. Nhà văn Khánh Lan viết về những tác giả lừng danh qua các tác phẩm để đời của họ. Chẳng hạn như: Alexandre Dumas, Jr.(Pháp) với cuốn La Dame aux Camelias (Trà Hoa Nữ). Andre’ Gide (Pháp) với cuốn La Porte E’troite (Khung Cửa Hẹp). Erich Segal (Hoa Kỳ) với Love Story (Chyện Tình Yêu) và Ernest Hemingway với The Old Man and The Sea ( Ngư Ông và Biển Cả ) v.v..

    -TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN: TÌNH YÊU, CUỘC ĐỜI VẢ ĐỊNH MỆNH. Tác giả góp nhặt lại những mẫu chuyện của 45 năm về trước qua một quãng đường dài với biết bao đau thương. Những câu chuyện thương tâm trong thời chiến, nỗi đau mất nước, những cuộc chia lìa xót xa hay những chia ly tang tóc…đã đưa đẩy con người vào vòng xoáy triền miên của cuộc đời trong bể khổ – Như Đức Phật Thích Ca đã nói: “Đời là bể khổ”! Đời người ít nhất một lần cũng phải bước vào bể khổ của cuộc đời trước khi đến miền miên viễn của bên kia thế giới.

    NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIÊNG THỜI GIAN TRONG NGÀY RMS CỦA NV KHÁNH LAN

    RA MẮT SÁCH CỦA NV NGUYỄN QUANG

    Cũng vẫn là nhà văn Việt Hải, lần này anh lại tổ chức buổi ra mắt sách cho nhà văn Nguyễn Quang với hai tác phẩm: Ôn Cố Tri TânPhận Đàn Bà. Anh là người luôn lạc quan và yêu đời, anh thích vui họp mặt với bạn bè; vì thế, tôi cũng có niềm vui lây với anh trong những buổi họp mặt đình đám này. Đây cũng là điều thú vị về anh. Anh cùng với phu nhân đáng yêu Lệ Hoa góp mặt mọi sự kiện, vì anh luôn là chủ sự. Nếu không có anh chỉ đạo, có lẽ mọi việc khó thành tựu. Ban diễn giả hôm nay gồm có các nhà văn như:  Quyên Di, Việt Hải, Khánh Lan và Kiều My bàn luận và tham khảo hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang:

    RA MẮT SÁCH HAI TÁC PHẨM CỦA NV NGUYỄN QUANG

    ÔN CỐ TRI TÂN: do từ nhóm chữ “ Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỉ “; có nghĩa là: ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay, hành vi này đáng là bậc thầy. Cũng như văn hào Anh, Percy Bysshe Shelly đã nói: “Không lo sợ khi hướng về tương lai qua những bài học đau thương từ quá khứ.” Trong Ôn Cố Tri Tân, tác giả đã đề xuất những bí quyết, những kinh nghiệm hay những bài học kinh điển như kim chỉ nam mà có thể tạo nên thành công cho mọi người. Không nghi ngờ gì khi chúng ta đã trãi nghiệm những thất bại của quá khứ, để tạo thành những bài học quý giá cho tương lai. Như trong dân gian có câu: “Thất bại keo này, ta bày keo khác”, hay “Thất bại là mẹ thành công” vậy.

    PHẬN ĐÀN BÀ: Nhà văn Nguyễn Quang rất đỗi chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh ngộ của người đàn bà, nhất là người đàn bà Việt Nam phải cam lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh đưa đến trong thời bình cũng như thời chiến. Suốt một đời làm thân phận người đàn bà đầy gian nan, gánh vác hy sinh cho chồng con, xứng đáng để được vinh danh muôn thuở. Như qua nỗi ngậm ngùi của thi sĩ Tú Xương trong bài thơ THƯƠNG VỢ:

    “Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo mặt nước buổi đò đông”…

    Hoặc thương cho phận đàn bà qua hai câu thơ đầy xót xa:

    “Con cò lặn lội bờ sông

    Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

    NHÀ ĂN NGUYỄN QUANG

    NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIÊNG THỜI GIAN TRONG NGÀY RMS CỦA NV NGUYỄN QUANG

    RA MẮT SÁCH CỦA HAI NHÀ VĂN HẬU DUỆ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN: NV TỪ DUNG & NV NGỌC CƯỜNG

    Anh Việt Hải làm việc không ngừng nghỉ và rất vui khi những thành viên trong nhóm ra mắt sách thành công. Bước kế tiếp anh tổ chức cho hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn, tiêu biểu là hai nhà văn Từ Dung và Ngọc Cường được có cơ hội trình làng hai tác phẩm: Ba Chị Em (Ngọc Cường) và Hồi Tưởng (Từ Dung).

    THÀNH PHẦN DIỄN GIẢ ĐƯỢC TỔ CHỨC DƯỚI HÌNH THỨC HỘI THÀO

    Đi lần về quá khứ! Vào những lớp Trung học đệ nhất cấp, ông thầy Việt văn của tôi say sưa giảng thao thao bất tuyệt về Nhóm Tự Lực Văn Đoàn với những tác phẩm giá trị đã được đưa vào nền văn học trước 1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

    Để bước vào một nền văn học mới mẽ như bước vào một ngày mới với ánh nắng ban mai rực rỡ, như một cuộc cách mạng về văn hóa của xã hội Việt Nam vào nửa bán thế kỷ 20. Thầy giới thiệu cho cả lớp về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, bằng giọng trầm trầm đầy sức sống, thầy giảng:

    “Nhóm này đã ra đời vào năm 1935 bởi các nhà văn tiên phong như: Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Thạch Lam – Nguyễn Tường Lân, Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long và các văn thi sĩ như Tú Mỡ, Thế Lữ, Khái Hưng, Xuân Diệu v. v. Nhóm này ảnh hưởng nền văn chương Pháp, mang đến một khuynh hướng mới, một làn gió mới cho nền văn học Việt Nam. Song song với tư tưởng và lối văn phong  trong sáng, phóng khoáng hơn so với tư tưởng và lối hành văn của Hán Nho ngày trước trong các tác phẩm. Về mặt nội dung tư tưởng, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, chống lễ giáo phong kiến, chống những hủ tục không còn thích hợp khi nền văn minh Âu Tây đã ảnh hưởng vào Việt Nam. Điển hình như hai nhân vật chính là Dũng và Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Thời điểm xãy ra cốt truyện khi mà cuộc đấu tranh giữa tư tưởng mới và cũ trong xã hội Việt Nam đang hồi quyết liệt”…

    Từ trái sang phải: NV Từ Dung & NV Ngọc Cường

    Trong buổi ra mắt sách hôm nay thật đặc biệt, mọi người được nhìn thấy hai hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn là nhà văn Ngọc Cường và Từ Dung. Hai vị được thừa hưởng dòng máu văn chương của gia đình vọng tộc, một gia tộc danh giá và đã hình thành hai tác phẩm được ra mắt cùng độc giả:

    TÁC PHẨM BA CHỊ EM CỦA NV NGỌC CƯỜNG: Câu chuyện về một đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc còn thơ ấu nên khao khát tình mẫu tử khôn nguôi. Khi lớn lên mang đầy hệ lụy tự ti mặc cảm để rồi sống quay lưng với cuộc đời. Để rồi khước từ những thú vui hay những cuộc hội họp với bạn bè, mà chỉ muốn sống ẩn dật, gậm nhấm những suy nghĩ tiêu cực miên man chảy trong đầu óc.

    Cách diễn đạt tâm lý nhân vật chính trong truyện thật sâu sắc và rất thực, khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhà văn William Maugham ( một cây bút nổi tiếng về truyện ngắn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)

    TÁC PHẨM HỒI TƯỞNG CỦA NV TỪ DUNG: Tác giả đưa chúng ta trở về Saigon với những kỷ niệm đẹp, của những ngày tháng mơ mộng dưới mái trường thân yêu, hay dưới những hàng cây xanh của những buổi hẹn hò thời thanh xuân…Vì thời cuộc phải bỏ lại quê hương, để rồi bôn ba nơi xứ người với những thăng trầm trong cuộc sống. Tác giả nói về cuộc đời thật của chính mình, từ một ca sĩ nổi tiếng, đến một nhà giáo, lận đận với nhiều mối tình…nhưng chỉ có một tình yêu trong đời.

    Qua tác phẩm Hồi Tưởng, nhà văn Từ Dung muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp, nhất là giới phụ nữ rằng: dù cuộc đời gặp nhiều gian truân thử thách, hãy kiên cường đứng lên và khắc phục những thử thách đó và tiếp tục bước đi.

    Để kết thúc chương trình ra mắt sách của các văn thi sĩ năm 2022, nhà văn Việt Hải dốc toàn lực tổ chức ra mắt hai tập thơ của hai thi sĩ gạo cội là Dương Hồng Anh và Lê Trọng Nguyễn Nga sau bao ngày chuẩn bị chu đáo, được diễn ra thật tưng bừng.

    RA MẮT SÁCH CỦA HAI NHÀ THƠ: NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH & NHÀ THƠ LÊ NGUYỂN NGA.

    Hai quyển tập thơ với những trang giấy mỏng nhẹ nhàng, nhưng nặng hồn thi nhân với những xúc cảm rung động từ con tim mang cống hiến cho người:

    MẦU THỜI GIAN CỦA NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH: Tuổi đời thi sĩ đã cao, nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung, màu thời gian vẫn còn tươi như những chiếc lá xanh mượt mà của mùa xuân. Tâm hồn thi sĩ bàng bạc tình yêu tha nhân, tình quê hương đất nước, yêu thiên nhiên…tất cả đã quyện trong những vần thơ nhẹ nhàng trầm bỗng. Những vần thơ trong sáng như ánh trăng rầm vằn vặt trong đêm đã được gói gọn trong Màu Thời Gian của nữ sĩ Dương Hồng Anh.

    LẬT TRANG SÁCH CŨ CỦA THI SĨ LÊ NGUYỄN NGA: Tác giả hồi tưởng lại những ngày tháng cũ, những bạn bè xưa của khung trời Saigon thuở nào. Nỗi nhớ khôn nguôi người bạn đời đã về miền miên viễn, đã tạo thành những vần thơ như những tiếng thở than trong đêm trường. Thi sĩ yêu quê hương, yêu những chiến sĩ oai hùng, yêu mùa thu có lá vàng bay, yêu màu tím hoa phượng vĩ…đã dệt nên những vần thơ êm ái qua điệu nhạc du dương lay động hồn người.

    Từ trái sang phải: Thi Sĩ Lê Nguyễn Nga & Nữ sĩ Dương Hồng Anh

    Hôm nay, cũng là dịp mừng sinh nhật thứ 93 của thi sĩ Dương Hồng Anh. Mọi người gửi đến bà những lời chúc đẹp nhất, với những đóa hồng tươi thắm như nụ cười rạng rỡ trên đôi môi bà.

    MỪNG SINH NHẬT HAI NHÀ THƠ: DƯƠNG HỒNG ANH & LÊ NGUYỄN NGA

    Nhìn nhị vị thi sĩ Dương Hồng Anh và Lê Trọng Nguyễn Nga, tôi rất cảm kích và thương mến gửi đến nhị vị bài thơ như lời chúc tốt đẹp nhất dành cho nhị vị:

                                                      TUỔI VÀNG

                                        Dâng đời bao ý thơ huyền dịu

                                        Theo gió thoảng…ru hồn thi nhân

                                        Thời gian sương rơi trên mái tóc

                                        Tuổi vàng tô thắm mấy cung tơ

                                        Ngây ngất hồn thơ vương nắng úa

                                        Chiều về hoa khép nhẹ bờ mi

                                        Lặng nghe dòng đời hồn thổn thức

                                        Mênh mang nét đẹp…tuổi hoàng hôn

                                        Hồn lạc về đâu thi nhân hỡi!

                                        Vần thơ mềm như khúc nhạc êm

                                        Nhạc và thơ như mây với gió

                                        Gió cuốn mây trôi trong nắng vàng

                                        Nắng có phai màu hồn thi sĩ?

                                        Hay…

                                        Nắng vẫn lung linh cùng gió mây?

    Kiều My, Mùa thu California, 2022

       

                                

  • Kiều My,  Sinh Hoạt

    VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM ÔN CỐ TRI TÂN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG

    Tìm hiểu về ý nghĩ của “Ôn cố tri tân

    Thành ngữ này xuất xứ từ Hán văn, do từ nhóm chữ “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”,  có nghĩa là ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay, hành vi này đáng bậc thầy người khác. Đây là lời nhắn nhủ của Khổng Tử trong thư tác Luận Ngữ, chương Vi Chính. Ý nghĩa này cũng tương đồng với tư tưởng “ Con người một khi đã phạm sai lầm nếu không sửa đổi thì sẽ phạm một sai lầm khác.”

    Ôn cố tri tân, chính là để bác cổ thông kim, chỉ đạo nhân sinh. Ai trong chúng ta cũng đã từng ngẫm nghĩ ôn lại chuyện cũ, chiêm nghiệm nó, từ đó có thể cho ta một nhận thức tốt hơn…như một trải nghiệm trong cuộc đời. Từ đó, chúng ta sẽ cải thiện những sai trái của quá khứ giúp cho ngày mai được tốt đẹp hơn. Như trong danh ngôn: “Thất bại là mẹ thành công” vậy.

    Cũng cùng tư tưởng trên, văn hào người Anh Percy Bysshe Shelly đã nói: “ Không lo sợ khi hướng về tương lai qua những bài học đau thương từ quá khứ”…

    Thật vậy, Người Nhật khéo léo vận dụng trí huệ cổ điển Trung Hoa từ thành ngữ “Ôn cố tri tân” có nguồn gốc từ Luận Ngữ của Khổng Tử, như kim chỉ nam tạo nên thành công của người Nhật. Để có được sự thành công của một đất nước hùng mạnh về kinh tế, kỹ nghệ, khoa học v.v… đứng hàng thứ ba trên thế giới, đó chính là một quá trình truyền thừa tinh hoa trí tuệ của người đi trước, biết “Ôn cố tri tân”.

    Đi ngược dòng thời gian vào thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Đây là cuộc chiến tranh thế giới giữa hai phe Đồng Minh (Anh, Pháp, Ba Lan và nhiều nước bên Âu Châu…) với Phe Trục (Đức, Ý và Nhật). Ngày 6 & 9 tháng 8 năm 1945, các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã thực hiện một chiến dịch bí mật thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản theo lệnh của Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman. Hơn 200.000 người đã thiệt mạng và một số lớn người bị thương. Vì thế, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng Hiroshima đã tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện.

    Nhật Bản đã bại trận chua cay thảm khốc cho cái giá phải trả về tham vọng thống trị Châu Á và Thái Bình Dương của họ.Tuy nhiên, người Nhật đã học được bài học sai lầm của quá khứ và họ cố gắng xây dựng lại đất nước trước sự hoang tàn đổ nát của chiến tranh; họ đã thực hành theo kim chỉ nam “ôn cố tri tân” của Khổng Tử. Sau nửa thế kỷ tái kiến thiết xứ sở, Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia văn minh và phát triển nhất thế giới.

    Cùng một phe trục với Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, cũng là một nước chiến bại; đó là Đức quốc. Chiến tranh đã tàn phá đất nước này từ kinh tế, xã hội, hạ tầng cơ sở, đến tinh thần người dân…Nhưng nhân dân Đức cũng đã học được bài học thương đau của quá khứ để cùng nhau góp sức xây dựng lại đất nước. Chỉ qua vài thập niên sau, nước Đức cũng đã trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất khối Liên Hiệp Âu Châu. Đó cũng là nhờ họ biết tận dụng tư tưởng của thành ngữ “Ôn cố tri tân”, nhìn quá khứ để hướng về tương lai…Thất bại thảm hại sau cuộc chiến mang theo những đau thương và đỗ vỡ; đây cũng là bài học đắt giá mà người Đức phải trả. Để từ đó, họ cùng vươn lên, cật lực phát triển không ngừng để mang đến sự thành công như ngày nay.

    Nhìn qua Á Châu sau Thế chiến thứ hai, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch chiếm giữ đảo Đài Loan; đối lập với chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Mao Trạch Đông ở đại lục. Chỉ vài thập niên sau, quốc đảo  Đài Loan đã tạo dựng được một nền dân chủ vững vàng, kinh tế dồi dào, và quân sự hùng mạnh, cùng sánh vai với nền văn minh thế giới. Những thành tích đáng kể trên của quốc đảo Đài Loan, chắc hắn nhân dân Đài Loan phải thực hành triệt để theo lời hướng dẫn của Khổng Tử :“ Ôn cố tri tân”.Họ biết nhìn lại quá khứ đen tối để tiến tới tương lai tươi sáng hơn.

    Qua tác phẩm “Ôn Cố Tri Tân” của nhà văn Nguyễn Quang, tác giả đã gợi ý cho người Việt bài học thực tiễn nào qua lịch sử 4000 năm lập quốc trải qua ba thời kỳ:

    • Thời kỳ Bắc thuộc: dân tộc Việt chịu sự đô hộ tàn bạo 1000 năm của người Tàu gồm bốn lần xâm chiếm nước Việt (từ năm 207 trước công nguyên đến năm 1427 sau công nguyên.) Trong suốt thời gian dài đô hộ tàn ác của người Tàu, có nhiều anh hùng Việt yêu nước  đã đứng lên chống trả ngoại xâm như Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Hưng Đạo Vương v..v . Ngoài ra giới nữ lưu có Hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu Trinh Nương…cầm quân chiến đấu với quân thù.
    • Thời kỳ Pháp thuộc: dân Việt một lần nữa chịu gần 100 năm tủi nhục dưới sự đô hộ khắc nghiệt của người Pháp (1867-1954) dưới thời nhà Nguyễn qua các triều đại: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân…và sau cùng là đời vua Bảo Đại.
    • Thời kỳ Cộng Sản xâm nhập cho đến hiện tại…Trong cuộc chiến Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc giữa Tự Do và Cộng Sản. Miền Bắc lệ thuộc vào Cộng sản quốc tế; miền Nam lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ bỏ rơi, miền Nam đã lọt vào tay Cộng sản Bắc Việt cho đến ngày nay. Người dân Việt có học được bài học chua cay của quá khứ chăng? Có áp dụng câu phương châm “Ôn cố tri tân”của Khổng Tử như người Nhật đã làm để xây dựng lại đất nước khi thoát khỏi chế độ Cộng sản? Qua sự thất bại của quá khứ, có thể giúp chúng ta hiểu rằng: một đất nước không nên lệ thuộc vào ngoại bang, hãy làm chủ chính mình, hãy dùng sức mạnh đoàn kết,  và đứng trên đôi chân của mình để cùng nhau kiến tạo lại đất nước. Đây là lời nhắn nhủ “Ôn cố tri tân”của Khổng Tử mà ta có thể áp dụng bất cứ thời đại nào, nhất là hiện tại của đất nước và trong nhiều trường hợp của cuộc sống.

    Trong đời sống, chúng ta học được những gì qua “Ôn cố tri tân?”

    Về hôn nhân: do sự kết hợp của đôi nam nữ để tạo thành một gia đình cùng các con. May mắn lắm thì hôn nhân sẽ bền vững lâu dài. Nếu hôn nhân đỗ vỡ, đây là bài học riêng của mỗi người và từng hoàn cảnh khác nhau mà họ đã trải nghiệm. Tuy nhiên, người trong cuộc vẫn là người am hiểu mọi nguyên nhân đưa đến sự tan vỡ ngoài mong muốn. Sự thất bại nào cũng mang đến chua cay! Vì thế, từ những bài học đắt giá này, họ có sự suy nghĩ thấu đáo và quyết định chính chắn hơn cho sự lựa chọn đối tượng trong tương lai để tránh mọi đỗ vỡ đáng tiếc của quá khứ. Lời nhắn nhủ “Ôn cố tri tân” của Khổng Tử thật hữu ích và rất thực tế để áp dụng trong trường hợp này. Nhìn quá khứ để quyết định tương lai!

    Về kinh doanh: Người ta thường bảo rằng: “Thua keo này, bày keo khác”. Nhưng với điều kiện phải áp dụng kim chỉ nam “Ôn cố tri tân”. Hãy tìm hiểu về nguyên nhân đưa đến thất bại trong thương trường; đó cũng là những kinh nghiệm để tránh mọi sai lầm trong tương lai, để mang lai sự thành công trong kinh doanh cho ngày mai. Vì: “Thất bại là mẹ thành công!

    Như trên đã trình bày, nếu hiểu được ý nghĩa và sự hữu ích của ý tưởng “Ôn cố tri tân” khi áp dụng vào nhiều phương diện trong đời sống và nhất là cho đất nước…ta vững tin rằng nó sẽ mang đến sự thành công tuyệt vời cho Việt Nam mai sau. Tác phẩm “Ôn Cố Tri Tân” là một tác phẩm văn chương có giá trị về bài học lịch sử Việt Nam và rất hữu ích cho những thế hệ trẻ, có một định hướng sáng suốt mà tác giả đã trao lại bó đuốc soi đường dẫn lối cho thế hệ trẻ xây dựng lại một nước Việt Nam hùng mạnh trong tương lai. Tựu trung thì thường những bài học đã qua sẽ giúp chúng ta cải tiến mai sau. Người ta chỉ có thể học hỏi từ quá khứ và vượt qua hiện tại để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn; hay tương lai thuộc về những người học hỏi từ quá khứ và sống xuất sắc trong thời điểm hiện tại. Như nhà văn Jason Medina cho là “Người ta chỉ có thể học hỏi từ quá khứ và vượt qua hiện tại để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.” Riêng như văn Debasish Mridha cho câu nói “Tương lai thuộc về những người học hỏi từ quá khứ và sống xuất sắc trong thời điểm hiện tại.”

    Thật vậy, tất cả chúng ta đều có thể học hỏi được nhiều điều từ quá khứ của mình. Để chúng ta có thể sống trọn vẹn nhất trong hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để hỏi những câu hỏi đứng đắn về quá khứ của chúng ta. Và từ quá khứ bạn có thể nghiên cứu và rút kinh nghiệm hầu làm cho tương lai của mình tốt đẹp hơn. Bạn có thể sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ của mình khiến sự kiện trở nên hiệu quả hơn, năng suất khá hơn và thậm chí là khôn ngoan hơn. Chuyện dĩ vãng cho bạn hiểu những gì đang xảy ra trong hiện tại và trước khi bạn quyết định điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, hãy thử và suy ngẫm về quá khứ của bạn. Nhớ lại những điểm tích cực của bạn trong quá khứ và học hỏi từ những điểm yếu khiến bạn thất vọng. Trong đời sống nhiều người có xu hướng sống theo những lựa chọn trong quá khứ của họ, bạn không nên để nó kìm hãm mình. Hãy luôn nhớ rằng mỗi ngày mới đều mang đến một cơ hội để bạn tạo ra một tương lai tươi sáng hơn. Lịich sử thuộc quá khứ chứa đầy những cơ hội học tập cho hiện tại và tương lai của chúng ta. Về khía cạnh đó, dưới đây là bộ sưu tập của chúng tôi gồm những câu trích dẫn, những câu nói trong quá khứ và những câu châm ngôn trong quá khứ đầy cảm hứng, khôn ngoan và kích thích sự suy nghĩ, được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trong nhiều năm. Tất cả ý tưởng vừa nêu ra ở trên chất chứa cái hay của sách Nguyển Quang

    Nếu hiểu được ý nghĩa và sự hữu ích của tư tưởng “ôn cố tri tân” khi áp dụng vào nhiều phương diện trong đời sống và nhất là cho đất nước…  chúng ta tin chắc rằng nó sẽ mang đến sự thành công tuyệt vời cho Việt Nam mai sau. Tác phẩm “Ôn Cố Tri Tân” là một tác phẩm văn chương có giá trị về bài học lịch sử Việt Nam và rất hữu ích cho những thế hệ trẻ, có một định hướng sáng suốt mà tác giả đã trao lại bó đuốc soi đường dẫn lối cho thế hệ trẻ xây dựng lại một nước Việt Nam hùng mạnh trong tương lai.

    Kiều My, California, Tháng Tư 2022

  • Kiều My,  Tin tức

    THẾ GIỚI TRẺ EM CỦA GIÁO SƯ LÊ VĂN KHOA TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA VIỆT NAM TRƯỚC 1975

    Nhạc sĩ Lê Văn Khoa được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam. Ông đã trải qua nửa đời người trên quê hương thân yêu và một nửa đời còn lại nơi quê người với bao thăng trầm; mà trong tâm hồn luôn cưu mang nỗi niềm tha thiết bao la của một “ HỒN VIỆT VÀ ƯỚC MƠ.” Ông luôn hãnh diện ông là người Việt Nam và ông muốn cho cả thế giới biết ông là người Việt Nam; dù ông không còn sinh sống ở quê hương của ông. Lê Văn Khoa ước muốn cả hành tinh này biết đến dân tộc Việt Nam hào hùng, xuất chúng về mọi mặt và đầy nhân bản. Đó là ƯỚC MƠ của ông được phát xuất từ một HỒN VIỆT. Ước mơ của ông thật cao xa trong nhiều lãnh vực từ: âm nhạc, nghệ thuật, nhiếp ảnh, văn học và giáo dục thiếu nhi… mà ông mong mõi được mang những điều tốt đẹp đến cho người Việt Nam và cho cả thế giới. Với những ước mơ  được cống hiến cho đất nước những vinh quang, bằng tài trí, bằng nhiệt thành và bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông, từ tuổi thanh xuân cho đến lúc tuổi đã về chiều. Ông cưu mang một “tâm hồn Việt” thật tha thiết, thật bao la mà nó lan tỏa trong âm nhạc của ông, trong nhiếp ảnh, văn học và nhất là trong chương trình giáo dục thiếu nhi Việt Nam của ông.

    Ông yêu âm nhạc như hơi thở của sự sống. Nếu đời sống thiếu âm nhạc chẳng khác gì thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu không khí trong môi trường quanh ta. Ông cũng biết rằng: nghệ thuật âm nhạc là ngôn ngữ chung của quốc tế, không bị chia cách bởi văn hóa và biên cương. Giovanni Bellini người Ý đã quan niệm rằng: “Nghệ thuật là sự nhiệm mầu của đời sống.” Thế giới này thật to lớn, nhưng đã được nối vòng tay lại với nhau qua âm nhạc và nghệ thuật…như một phép mầu!Một ước mơ thật to lớn mà ông đã đạt được và gặt hái thành công vang dội là: chính ông đã mang dòng nhạc Việt Nam đầy tính dân tộc khoe cùng thế giới, qua nhạc giao hưởng  SYMPHONY VIỆT NAM 1975, để hòa hợp cùng nền âm nhạc đa dạng và phong phú của quốc tế. Thế giới đã biết đến âm nhạc Việt Nam, biết đến tinh hoa Việt Nam, biết đến con người Việt Nam, bởi ý chí và mơ ước mãnh liệt của một nhạc sĩ tài ba đức độ được mang tên LÊ VĂN KHOA. Những xứ sở xa lạ từ văn hóa đến ngôn ngữ như Ukraine tận trời Âu, đã mở rộng vòng tay đón nhận và nâng niu những mảnh nghệ thuật chân chính và giá trị của Lê Văn Khoa, một người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ. Thế giới đã hân hoan đón nhận và ngưỡng mộ sâu sắc một lâu đài âm nhạc đồ sộ lẫy lừng của Lê Văn Khoa. Ông chính là niềm tự hào cho người Việt Nam ở khắp nơi trên địa cầu này. Ông đã dấn thân mang chuông đi đấm xứ người. Ông muốn phô trương cho thế giới biết về Việt Nam; một xứ sở tuy nhỏ bé, nhưng với tinh thần dân tộc bất khuất, là một dân tộc thông minh, đầy nhân bản và tài ba xuất chúng. Ông muốn cho thế giới thấy những nét đẹp của Việt Nam, qua âm nhạc cao siêu, qua những bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời của ông.

    Ngoài sự thành công vượt bực trên lãnh vực âm nhạc, nhiếp ảnh, nghệ thuật… Lê Văn Khoa còn là một người nặng lòng yêu nước và đặc biệt sự quan tâm thật rõ nét đối với thiếu nhi; là những mầm non của đất nước, mà cũng là tương lai của đất nước. Đây đích thực là “HỒN VIỆT & ƯỚC MƠ” của ông. Ông mong muốn đào tạo những mầm non này trở thành những người hữu dụng cho mai sau. Như bà Ellen White đã viết trong quyển Child Guidance:

    “Công việc giáo huấn, rèn luyện trẻ con phải khởi sự ngay khi chúng còn trẻ thơ, vì tâm trí chúng dễ thâu nhận nhất, và những bài học đó sẽ được chúng nhớ rất kỹ.”                 

    Trước năm 1975 dưới nền dân chủ Việt Nam Cộng Hòa, khi ông còn ở trong nước và trải qua thời chiến tranh đau thương đã kéo dài hàng mấy thập kỷ. Ông  chứng kiến biết bao cảnh tan thương của nhiều gia đình đã bị mất mát người chồng, người cha trong chiến trận…Đã để lại người vợ đơn côi lam lũ nuôi những đứa con thơ mất cha. Những đứa trẻ trong viện mồ côi khi không còn cha mẹ. Hay những trẻ bụi đời không nơi nương tựa, hàng ngày lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm để kiếm miếng ăn, để van xin sự bố thí của người qua lại. Các em thiếu thốn đủ mọi mặt, từ tình thương gia đình đến sự giáo dục của lứa tuổi còn thơ, mà rất cần sự dạy dỗ và chăm lo của bậc phụ huynh. Với tấm lòng trắc ẩn về hiện trạng đất nước chiến tranh và một xã hội đau thương tan tác, Lê Văn Khoa đã ấp ủ một “ước mơ”. Ông đã thao thức trăn trở: làm sao mang đến niềm an ủi, niềm vui và sự giáo dục thiết thực cho trẻ em, như một nhu cầu cấp bách không thể thiếu. Ông quan niệm rằng: chỉ có con người tốt mới tạo được một xã hội tốt đẹp. Ông đã hy sinh cái danh của mình, khi có cơ hội phát huy tài năng cũng như niềm đam mê về âm nhạc và nhiếp ảnh – để chọn con đường giáo dục cho thiếu nhi.

    Ngoài lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh mà nhiều người biết đến Lê Văn Khoa, ông còn có tài năng khác là dạy học. Đây là khả năng sư phạm bẩm sinh rất đặc biệt, dù ông không tốt nghiệp bất cứ trường sư phạm nào. Ông không đi theo đường hướng của nhiều người đã làm, ông nghiên cứu và nghĩ ra phương cách thực tiễn hơn trong lối giáo dục của ông. Chính vì vậy, mà có những nhận xét cho rằng: “ Lê Văn Khoa cứ tìm đường khó để đi.” Ông đã thực hiện ý niệm đó qua phương pháp dạy các học sinh trường tiểu học Cơ Đốc. Ông đã khai thác ý niệm trên qua quy mô rộng lớn hơn trong chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM, trên băng tần số 9 của đài truyền hình Việt Nam. Trong chương trình này, cả thầy và trò cùng đi sâu vào và khám phá thế giới khoa học, mà các em cứ ngỡ là trò chơi giải trí. Ông cố tạo một thế giới riêng cho các em, để các em tham gia vào chương trình một cách tự nhiên, vui thỏa. Nhờ đó, các em ở nhà xem chương trình có thể cảm thấy mình cũng là người trong cuộc, các em được thực nghiệm và học hỏi về khoa học một cách lý thú.

     Những kiến thức mà ông đã trao cho học sinh của ông là những kiến thức rất thực tế, mà nhà trường không thể cung ứng cho học sinh được. Thí dụ: có những thí nghiệm về vật lý mà ông có thể thực hiện cụ thể trong chương trình giáo dục của ông. Ông đã làm thí nghiệm “tạo ra mây” bằng cách: đổ 2/3 nước nóng trong một ly lớn; trên miệng ly ông để nước đá bọc trong khăn mỏng. Khi nước nóng bốc hơi lên gặp nước đá lạnh, sẽ tạo thành một lớp mây mù phần trên của ly. Đây là một trong những bài học đơn sơ vừa lý thuyết vừa thực hành rất dể hiểu và dễ nhớ; giúp các em thích thú học hỏi mà không bị nhàm chán. Hơn thế nữa, ông đã cống hiến cho thiếu nhi một chương trình vô cùng phong phú và hữu ích cho lớp tuổi măng non. Ông đã đem hết thiện chí của mình để phục vụ cho thế hệ trẻ; đó là tiết mục THẾ GIỚI TRẺ EM lúc 7 giờ tối, từ tháng 10 / 1968 đến tháng 4 / 1975. Bằng một tấm lòng bác ái nhân hậu và nụ cười luôn nở trên môi, với đôi mắt sáng tươi vui hiền hậu lấp lánh sau đôi kính cận. Ông tâm sự rằng:

    Tôi muốn thấy và nghe tiếng cười thơ ngây trên những gương mặt hồn nhiên của trẻ em. Bởi vì, bom đạn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi, đã làm nụ cười của các em không tươi lên được, thì đến với chương trình, các em phải thật sự vui. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với các em những gì mình hiểu biết trong hoàn cảnh khó khăn và bất an của xã hội lúc bấy giờ. Và hơn hết, tôi muốn lấp khoảng trống trong các em. Vì lúc đó có gia đình, con mất cha, vợ mất chồng vì cuộc chiến.”

    Giữa hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, hầu hết gia đình sống chật vật khó khăn từ tài chánh đến môi sinh. Chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM cùng với những sách báo giáo dục được viết bằng tâm huyết của Lê Văn Khoa, đã thật sự giúp ích cho bậc phụ huynh dạy dỗ trẻ con, giúp tránh xa những thói xấu, biết làm quen với nếp sống văn minh.

     Mãi đến bây giờ, nhiều người vào lứa tuổi 50 – 60 cũng còn hồi tưởng lại chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM của Lê Văn Khoa một cách thích thú; mà khi còn nhỏ họ đã chờ đợi để được xem trong suốt tuổi thơ của họ. Thậm chí có nhiều gia đình chưa có TV, đến giờ có chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM được phát sóng, thì các em nhỏ của lối xóm chạy ùa đến nhà ai có TV để coi ké. Thật đáng thương! Vào thời đó, gia đình nào có được chiếc TV Denon đen trắng của Nhật thì sung sướng lắm; và gia chủ cũng sẵn lòng cho bà con lối xóm đến xem những chương trình mà trên TV cung cấp. Việc mua sắm TV là việc khó thực hiện được, vì vượt ngoài khả năng về tài chánh của nhiều người. Do đó, việc này đã trở thành niềm mơ ước được sở hữu một chiếc TV của nhiều gia đình miền Nam lúc bấy giờ.

    Bản thân nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng mất mẹ lúc ông mới 11 tuổi. Vì thế, ông đã thấm sâu về nỗi buồn mất mát tình mẫu tử của một đứa trẻ và khao khát tình thương với sự chăm sóc dịu dàng của bàn tay người mẹ. Ông hiểu rõ hơn ai hết những nỗi quạnh hiu và buồn tủi của những trẻ mồ côi, những mầm non không được may mắn trong xã hội này. Ông có một sự liên đới giữa thân phận mồ côi của chính mình với thân phận của những trẻ vắng bóng tình thương của cha mẹ. Do đó, với tấm lòng bác ái và vị tha mà ông đã được lĩnh hội từ người cha là mục sư Cơ Đốc giáo; ông đã mang đến tình thương và niềm vui cho thiếu nhi qua chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM của ông. Ngoài ra, ông mong muốn được thay thế cha mẹ của những trẻ em, khi người cha phải xa nhà để phục vụ trong quân đội, hay người cha đã ra đi vĩnh viễn trong chiến trận…hầu giáo dục cho trẻ em nên người con ngoan trong gia đình và người công dân tốt trong xã hội.

    Ông muốn xoa dịu hoàn cảnh thương tâm của những em đã mất cha, mất mẹ trong chiến cuộc; những em mồ côi trong cô nhi viện, những trẻ bụi đời, ông chia sẻ:

    “Tôi chỉ tạm đóng vai một người anh “hờ” để giúp các em. Tôi không dám dạy ai cả, chỉ chia sẻ vài ý nghĩ, vài sự hiểu biết để giúp các em thành người tốt, dù đang sống trong  hoàn cảnh khó khăn và bất toàn của xã hội. Tôi chỉ là một dấu gạch nối giữa gia đình và học đường. Những đề tài và phương thức dẫn giải đều do tôi nghĩ ra, không do sự chỉ dẫn hay gợi ý của ai cả. Nhờ không nhận tiền từ bất cứ cơ quan nào nên tôi được tự do làm theo ý mình. Tiền thù lao cho chương trình như là tiền “mua” chương trình, chứ không phải tiền đặt làm chương trình theo sự chỉ đạo của đài. Một lý do khác để tôi thực hiện chương trình Thế Giới Trẻ Em là muốn sự giáo dục hay đào tạo tài năng cho dân tộc được liên tục, không bị chiến tranh làm gián đoạn. Đóng góp cho quốc gia là bổn phận của mỗi người dân chứ không dành riêng cho người được lãnh lương để làm.”

    Ông còn quan tâm và tìm hiểu những vị thành niên bụi đời lang thang trên khắp đường phố Saigon. Chúng là những trẻ bạc phước thiếu hẵn tình thương của gia đình, không ai chăm sóc và dạy dỗ, không nơi nương tựa; khiến một người đầy lòng nhân ái như ông phải xót xa chạnh lòng cho những trẻ em bạc phước, là nạn nhân của cuộc chiến tương tàn. Từ đó, ông trở thành người bạn thân thiết của những trẻ trên đường phố và trong cô nhi viện; để an ủi và chia sẻ sự bất hạnh của chúng; để lắng nghe những khao khát hay ước vọng của chúng. Những gì ông mang đến cho trẻ em, thì ông cũng nhận lại được một sự ưu ái mà các em đáp trả. Những lúc ông lái xe lambreta trên đường phố gặp các em, chúng vui cười chạy đến chào đón ông. Có những khi ông để xe đâu đó một vài ngày, từ những viên cảnh sát đến các em bụi đời đều biết xe đó là xe của thầy Lê Văn Khoa; vì thế không ai đụng đến hay ăn cắp xe của thầy. Chính vì chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM, mà giáo sư Khoa trở thành thầy chung của nhiều trẻ em trên toàn quốc. Mỗi khi thấy xe thầy Khoa chạy vào trong khu xóm, con nít chạy theo bu quanh thầy rồi hô to: Lê Văn Khoa…Lê Văn Khoa…Hoan hô! Hoan hô!

    Các em mừng rỡ khi gặp được thầy bằng xương bằng thịt, và cùng nhau gọi tên thầy Lê Văn Khoa một cách thân thiện và gần gũi như gọi tên một người bạn thân. Chúng bộc lộ sự cảm mến đối với người thầy bằng tâm hồn trong sáng hồn nhiên. Đối với các em, thầy là người mang đến niềm vui, mang đến nụ cười, cũng như một vùng trời tươi sáng rộng mở của một ngày mai, mà các em bám víu vào trong ngày tháng nhiều mất mát và đầy tổn thương của tuổi thơ. Trong đôi mắt nai của các em, ít nhiều cũng chứa chan những nỗi buồn khi tuổi thần tiên của các em nhuốm nhiều thương đau của thời chiến. Mà thầy Khoa như một người cha hay một người anh, làm dịu đi những vết đau trong tâm hồn thơ dại của các em.

    Đây là một món quà thật lớn và đầy ý nghĩa mà trẻ em đã dành cho thầy Khoa. Đối với thầy, các em cảm thấy có một sự gần gũi và thương mến dành cho thầy; vì sự tận tâm và nhiệt thành của thầy đã mang đến cho các em. Có niềm vui và niềm an ủi nào sánh bằng, khi thầy cho đi hết lòng để được nhận lại không thiếu những tâm hồn trong trắng cảm mến của các em đối với người thầy.

     Có lần, thầy Khoa dẫn một đám trẻ con nhà lành và cả những trẻ bụi đời đến nghĩa trang quân đội để giáo huấn chúng. Để cho chúng tận mắt chứng kiến những chiến sỹ đã nằm xuống vì hy sinh mạng sống mình; hầu mang lại sự bình an cho các em được học tập và vui tươi trong tuổi thơ. Cớ sao các em không lo học tập mà đi phá làng phá xóm, lêu lỏng chơi bời. Ông đã từng sống với đám trẻ bụi đời ở các đường phố Saigon, dẫn dắt chúng trở về đường ngay nẻo chính, ông khuyên nhủ chúng hãy ăn năn sám hối, sống lại cuộc đời lương thiện. Khi nghe thầy Lê Văn Khoa phơi bày về sự hy sinh của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã đánh động tâm hồn các em, rồi tất cả các em bật lên khóc nức nở…Kết quả mang đến là sau đó, các em trở nên ngoan ngoãn và chuyên cần học tập hơn. Hơn thế nữa, sau đó khi các em lớn lên, có những em trai đã gia nhập vào quân đội sánh vai cùng các chiến hữu để giữ gìn đất nước. Một hôm, thầy Lê Văn Khoa đi đến tiệm sách, tình cờ có một chàng trai trẻ trong bộ quân phục trông rất hào hùng, bước tới trước mặt thầy rồi chào thật lễ phép:

    “Chào thầy Khoa! Thầy còn nhớ em không? Em là đứa trẻ bụi đời mà năm xưa thầy đã dìu dắt và dạy dỗ em, giờ đây em đã trở thành người hữu dụng cho đất nước. Em cám ơn thầy rất nhiều!”

    Lúc bấy giờ thầy Khoa rất cảm động và thật vui trong lòng, vì việc thầy làm đã mang đến kết quả tốt đẹp cho lớp thiếu nhi mà thầy đã giáo dục, giờ chúng lớn lên đã thành người hữu ích cho xã hội. Có những em gái trở thành y tá phục vụ trong các bệnh viện, hay ra chiến trường làm nữ cứu thương cho các thương binh trong các binh chủng, hay những nhân viên của các ngành nghề trong xã hội.

     Để giúp ích cho thiếu nhi về mặt tinh thần, ông đã phát họa một chương trình công phu, đặc biệt dành cho thiếu nhi trên đài truyền hình Việt Nam, với nhiều tiết mục giải trí lành mạnh như: phim hoạt hình, những màn múa rối ngoạn mục, nhạc thiếu nhi có tính giáo dục, bé vẽ cho vui…Để có được phim hoạt hình cống hiến cho các em, ông phải đi mượn những phim này từ những thư viện Pháp và Mỹ. Phim rất ngắn, nhưng thật vui nhộn và có tính cách giáo dục; giúp cho trẻ thấy vui để học hỏi về những kiến thức căn bản về cách làm người, giữ vệ sinh bản thân, trau dồi trí tuệ v.v.   

    Trong THẾ GIỚI TRẺ EM, tiết mục “Múa Rối” thu hút thiếu nhi nhiều nhất. Kỷ thuật múa rối lúc bấy giờ còn rất hạn hẹp. Con rối được may bằng vải màu điểm nhiều hoa văn, trùm lên ba ngón tay để điều khiển đầu và hai tay nhân vật, cử động lắc qua lắc lại; đồng thời nói bằng giọng của người bên trong. Tuy màn trình diễn múa rối rất thô sơ, nhưng cũng diễn đạt được những tuồng tích Việt như: Ăn Khế Trả Vàng, Thạch Sanh Lý Thông, Bánh Chưng Bánh Dày, Sự Tích Trầu Cau…lại vô cùng hấp dẫn đến nỗi không bé nào muốn rời xa cái TV khi chương trình phát hình. Với tâm hồn vô tư, các em say sưa ngồi há hốc mồm xem con rối đầy màu sắc nhảy lưng tưng như chim sáo, hay đi tới đi lui suy nghĩ, rồi nói lia chia như két…vô cùng ngoạn mục… làm các em rất ngạc nhiên đầy thích thú. Những tuồng tích múa rối này đã hổ trợ môn lịch sử, môn văn chương trong nhà trường, quả thật khéo léo và sinh động; dạy trẻ em về sự trung thực, tình anh em, tình yêu tổ quốc, ở hiền gặp lành…Mỗi chương trình như một tiết mục vui học, sống động và thực tiễn, với sự hợp tác giữa thầy và trò. Chương trình này cuốn hút cả người lớn, bậc phụ huynh cũng say mê không kém con em mình. Tạo cơ hội để học hỏi trao đổi, gây hứng thú cho con em hiểu các bài học nhà trường bằng những cách thức đơn giản và sống động. Với kỷ thuật phôi thai thời bấy giờ, mà chương trình Thế Giới Trẻ Em cũng thu hút sự theo dõi của thiếu nhi, và kích thích sự ham muốn như một niềm vui để học hỏi của tuổi măng non.

    Ông còn sáng lâpl TRUNG TÂM HỘI HỌA THIẾU NHI LÊ VĂN KHOA, với sự hợp tác của ban giảng viên hùng hậu và những họa sĩ nổi tiếng tập vẽ cho các em như: Văn Đen, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Trịnh Cung v.v…Tiết mục này ông gọi là: “Bé Vẽ Cho Vui” rất sinh động và hữu ích. Chương trình này đã giúp phát triển năng khiếu của các em lan tỏa ra ngoài xã hội và thế giới. Lê Văn Khoa hướng dẫn các em nhỏ thật vui tươi và sống động, bằng minh họa những hình vẽ rất đẹp mang đến sự mở mang khối óc và một tâm hồn trong sáng của tuổi thơ, qua đức tính tự tin yêu đời của ông. Ông khai thác tài năng tiềm ẩn của các em trong lĩnh vực vẽ tranh; chủ yếu là giúp các em phát triển tài năng trong tinh thần vui tươi học hỏi về ngành hội họa.

    Ông tổ chức cuộc thi “BÉ VẼ CHO VUI” hàng năm cho thiếu nhi trên toàn miền Nam. Năm 1972, vì chiến cuộc lan tràn, lễ phát giải Hội Họa Thiếu Nhi Toàn Quốc không thể tổ chức như kế hoạch; vì thế, ông không ngại đường xa và hiểm nguy, đã lặn lội trao từng món quà trúng giải của các em ở khắp nơi. Gia đình các em vô cùng cảm kích về nghĩa cử cao đẹp này của người thầy nhân ái và tận tụy Lê Văn Khoa.

    Trong lĩnh vực hội họa này, các em đã hăng hái thi đua vẽ và trở thành những họa sĩ tí hon; khi tranh của các em được thầy Lê Văn Khoa gửi đi dự thi với UNICEF quốc tế và năm nào cũng được chiếm giải thưởng. Trong số tranh dự thi, có 100 bức được chuyển qua Hoa Kỳ bán đấu giá, giúp trẻ em tàn tật vì chiến tranh đang được chữa trị bên đó. Ngoài ra, có 100 bức tranh và một số tác phẩm khác trong cuộc thi “Nắn Tượng Cho Vui” tham dự cuộc triển lãm lưu động trên khắp nước Nhật, mang tên “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu” được khán giả Nhật nhiệt liệt ca ngợi. Vì người dân Nhật cũng hiểu rằng: Việt Nam đang sống trong thời chiến, mà đào tạo được một đội ngũ họa sĩ tí hon vẽ tranh mang thi đua với xứ người, thì quả thật là một thành tích đáng tán thưởng và khích lệ vậy.

    Qua công trình miệt mài của Lê Văn Khoa, như một làn gió mát đầy sinh khí đã thổi đến những tâm hồn non nớt của trẻ, đã mang đến cho tuổi thơ Việt nụ cười và sức sống giữa thiếu thốn và mất mát. Đã mang đến niềm hy vọng rạng ngời cho tương lai đất nước giữa màn đêm của chiến tranh. Đó cũng là một thành tựu đẹp đẽ mà trải qua bao thế hệ vẫn còn in sâu trong lòng người. Nhật báo Đuốc Nhà Nam ngày 2 tháng 2 năm 1970, trong mục tổng kết thành tích chương trình văn nghệ hàng năm của đài truyền hình số 9, đánh giá rằng:

    Thế Giới Trẻ Em” là chương trình thiếu nhi hay nhất! Khán giả nhận thấy chương trình Lê Văn Khoa bổ ích cho thiếu nhi hơn cả, với người hướng dẫn chương trình có nhiều sáng kiến đáng kể. Chú trọng về phần giáo dục trẻ em hơn là trình diễn văn nghệ; có tính cách giáo huấn hơn là thương mại.”

    Bởi Lê Văn Khoa đã đặt hết tâm huyết và lý tưởng của mình cho thiếu nhi suốt bảy năm, qua chương trình Thế Giới Trẻ Em; đã chuẩn bị một hành trang tốt đẹp cho các em khi lớn lên bước vào đời. Ông cùng vài cộng sự, đã xây dựng một chương trình thiếu nhi đầy tâm huyết và để lại dấu ấn sâu xa trong lòng người xem. Thời ấy đến bây giờ và cho đến mai sau, giới thiếu nhi rất khó tìm được một người thầy nhân ái như Lê Văn Khoa để hướng dẫn các em trong tuổi thơ, mang đến cho các em nụ cười hồn nhiên cùng kiến thức căn bản khi lớn lên dấn thân vào xã hội.

    Trong sách GIÁO DỤC NHI ĐỒNG xuất bản 1970, ông viết:

    Tuổi thơ ấu là  tuổi đáng thương và cũng đáng sợ vô cùng. Tôi từng gặp gỡ hàng trăm em như vậy: cướp giật, móc túi, đâm chém…lang thang không nghề nghiệp, không nơi nương tựa. Tôi cũng đi vào trại Tế Bần để tiếp xúc với trẻ em, chúng nói chuyện cũng rất cởi mỡ.”

    Có thể nói: giáo sư Lê Văn Khoa là một trung gian (như ông thường hay nói) thay thế phụ huynh chuẩn bị những mầm non cho thế hệ mai sau, một đời sống có lý tưởng và hữu ích cho nhân quần xã hội. Mặc dù, “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng nếu đứa trẻ sống trong môi trường không lành mạnh, lại còn không được sự dạy dỗ của cha mẹ, thì đứa trẻ có nên người chăng? Bà Ellen White cũng đã từng viết:  

    “Người trẻ tuổi cần được huấn luyện cẩn thận cách khéo léo, vì những tập quán xấu đã thành hình trong tuổi trẻ thường đeo đuổi họ suốt đời.”

    Cũng như vua Salomon, nhà thông thái của người Do Thái đã từng cảnh cáo những bậc cha mẹ rằng:

    “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dù đến khi nó về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

    VìLê Văn Khoa hiểu rõ tâm lý trẻ em; vì thế, ông muốn tìm một con đường tươi sáng như kim chỉ nam để hướng dẫn cho thiếu nhi đi đúng hướng. Khởi đầu, ông áp dụng phương pháp dạy học cho các em học sinh trường tiểu học Cơ Đốc. Sau đó, vào tháng 10/ 1968 ông thành lập chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM trên băng tần số 9 đài truyền hình Việt Nam. Chương trình này được xem là một phương pháp giáo dục có hiệu quả về lý thuyết và thực hành; là một chương trình lôi cuốn trẻ em và ngay cả người lớn thời bấy giờ. Mỗi tuần chỉ được một giờ đồng hồ dành cho THẾ GIỚI TRẺ EM thôi; vì thế, các em cảm thấy thật nôn nóng chờ đợi suốt bảy ngày. Để được nghe thầy Khoa giảng dạy, rồi cùng làm những bài học thực nghiệm với thầy, cùng chơi trò chơi với thầy, rồi cùng xem múa rối với thầy v.v… Thầy mang đến cho các em một tình thương dạt dào ấm áp, khiến các em cảm thấy thật gần gũi và thân thiết với thầy như một người cha đáng kính. Qua gần bảy năm của chương trình, với sự hy sinh tận tụy và tình thương nồng nàn của ông dành cho thiếu nhi; mà các bậc phụ huynh xem như thời gian vàng ngọc mà ông đã mang đến cho con em của họ qua sự giáo dục của ông. Ngày qua ngày như “mưa lâu thấm đất”…những lời giáo huấn của thầy đã in sâu vào tâm khảm của trẻ, như tờ giấy trắng tinh được in lên những nét vẽ đẹp tuyệt vời, hay những bài học quý giá tiềm tàng trong ký ức mà sẽ không bao giờ phai.  

     Ông đã đóng nhiều vai trò trong giới trẻ: vừa là người thầy tận tâm, người cha đáng kính và còn là người bạn thân thương gần gũi với các em thiếu nhi. Các em đã theo dõi chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM một cách say mê thích thú. Hơn thế nữa, chương trình đã trở thành một niềm vui, thành những bài học hữu ích, và còn là niềm an ủi cho tuổi thơ; khi các em thiếu vắng tình thương lẫn vật chất trong hoàn cảnh của đất nước trong thời chiến. Chính những người cha của trẻ em phải vắng nhà vì nhiệm vụ quân sự; đã bày tỏ sự cảm kích và biết ơn đến với thầy Lê văn Khoa; bậc thầy đáng kính, đã thay mặt họ đem đến niềm vui và giáo dục con cái của họ. Chính Lê Văn Khoa đã mang đến nụ cười hồn nhiên cho trẻ thơ; đã vẻ ra một bức tranh tươi đẹp cho ngày mai rạng rỡ của các em. Ông đã dạy dỗ các em một lối sống lành mạnh và một tinh thần học hỏi cầu tiến, để dọn con đường tươi sáng cho tương lai của giới trẻ cũng như cho đất nước.

    Giáo sư Lê Văn Khoa đã chọn chương trình giáo dục thiếu nhi theo đường hướng và suy nghĩ của ông. Đấy là sự cần thiết cho thời cuộc lúc bấy giờ. Ông cố công đào tào lớp trẻ để sẵn sàng kiến tạo lại đất nước một mai không còn chiến tranh. Ông đảm nhiệm vai trò trung gian hoạt động và giáo dục thế hệ trẻ nên người hữu dụng cho nhân quần xã hội,  vì lớp người trẻ này là rường cột của tương lai nước nhà. Trước 1975, song song với việc hoạt động trong chương trình Thế Giới Trẻ Em trên truyền hình, ông còn là chủ biên của nhiều loại sách về giáo dục thanh thiếu niên, về đời sống gia đình, về sức khỏe cộng đồng, về niềm tin tôn giáo. Ông đặt trọng tâm vào giáo dục dục trẻ, vì đó là việc vô cùng hệ trọng cho lối sống của các em khi trưởng thành. Ông hun đúc cho trẻ có tinh thần đức dục và trí dục. Ông tập cho trẻ có thói quen tốt, vì thói quen cũng dự một phần rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Dạy cho trẻ biết lễ độ đối với bậc trưởng thượng, biết giúp đỡ tha nhân, có tấm lòng bác ái thương người. Vì thói quen ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người; nó nói lên cho người khác biết ta thuộc thành phần nào trong xã hội. Vì thế, bậc phụ huynh cần tập thói quen tốt cho con trẻ sớm; nếu trẻ đã lỡ nhiểm thói quen xấu thì sau này khó mà thay đổi được. Người xưa cũng đã có câu: “Dạy con từ thuở lên ba”. Phitarch cũng đã từng nói: “Sáp mềm dễ ghi dấu ấn thế nào, thì tâm trí của trẻ thơ cũng dễ ghi lời giáo huấn thế ấy.

    Trong sách GIÁO DỤC NHI ĐỒNG, giáo sư Lê Văn Khoa viết: “Mỗi đứa bé ngày nay sẽ là một người tiếp tay kiến tạo xã hội ở ngày mai; hoặc là người nguy hiểm cho nhân loại, đều tùy thuộc một phần lớn thói quen ta tập cho chúng hiện tại.” Vì ông nhận chân được sự giáo dục thiếu nhi hết sức quan trọng và cần thiết để chuẩn bị tương lai tốt đẹp cho con trẻ ở mai sau; do đó ông đã miệt mài dạy dỗ các em trong chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM bằng thiện chí và tâm huyết của mình.

    Những thiếu nhi mà thầy đã dạy dỗ vào cuối thập niên sáu mươi đến giữa thập niên bảy mươi,  giờ đây cũng đã thành gia thất. Họ cũng mang những điều tốt đẹp thầy đã dạy truyền lại cho con cháu của họ. Những mầm non thầy ươm trồng đã trải qua vài thế hệ, và trở thành những cây hoa trái sum xuê và lan tỏa khắp nơi trên quả địa cầu này. Thầy Lê văn Khoa xứng đáng để người dân Việt thương mến cảm phục và hãnh diện; vì trong xã hội nhiễu nhương này còn có một người thầy đầy lòng bác ái sống cho tha nhân, mang lợi ích đến cho mọi người, nhất là giới thiếu nhi. Người dân Việt dù tha hương bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng hết lòng tri ân bậc thầy đáng kính Lê Văn Khoa và công đức của thầy sẽ còn lưu truyền mãi đến mai sau. Một người thầy, một nhạc sĩ, một nhiếp ảnh gia, luôn canh cánh bên lòng “ HỒN VIỆT & ƯỚC MƠ.”

     Nguyện xin ơn trên ban phúc lành cho người nghệ sĩ tài hoa và đạo đức Lê Văn Khoa cùng gia quyến luôn được an vui trong cuộc sống chốn quê người.

                                                                                                                Kiều My

                                                                                                          California, mùa thu 2021

  • Kiều My,  Tin tức,  Văn Thơ

    Đóa Hoa Nở Muộn

    Tác giả tên Jacqueline Lê, bút hiệu Kiều My, tuổi Dương Cưu (Aries) sinh trưởng trong một gia đình Công giáo ở Sài Gòn. Được thụ hưởng sự giáo dục và học vấn của các soeur St. Paul cấp tiểu học. Sau đó, là nữ sinh của trường trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn. Khi sang Hoa Kỳ theo học ngành English Literature tại Santa Ana College, California.

    Tác giả sinh ra và lớn lên trong thời chiến của lứa tuổi học trò; thay vì được hưởng thời vàng son của thời con gái; nhưng lại là chuỗi ngày của bom đạn rơi và chết chóc tang thương; khiến tâm hồn thuần khiết của người con gái mang đầy vết thương của chiến cuộc chia lìa đã qua.

    Từ đó, tác giả luôn khao khát quê hương sớm được hưởng nền TỰ DO DÂN CHỦ để người dân được ấm no hạnh phúc. Với niềm mong mỏi: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghễ tung bay khắp giang sơn hình chữ S từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Hơn hết, tác giả  diễn tả nét đẹp về một tình yêu tuyệt vời của đôi uyên ương bên mái ấm gia đình cùng với các con yêu quý. Tất cả tâm tình này, tác giả đã gói ghém trong ĐÓA HOA NỞ MUỘN để cống hiến cùng quý độc giả bốn phương…

    Jacqueline Lê Kiều My