Kiều My,  Tin tức

THẾ GIỚI TRẺ EM CỦA GIÁO SƯ LÊ VĂN KHOA TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA VIỆT NAM TRƯỚC 1975

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam. Ông đã trải qua nửa đời người trên quê hương thân yêu và một nửa đời còn lại nơi quê người với bao thăng trầm; mà trong tâm hồn luôn cưu mang nỗi niềm tha thiết bao la của một “ HỒN VIỆT VÀ ƯỚC MƠ.” Ông luôn hãnh diện ông là người Việt Nam và ông muốn cho cả thế giới biết ông là người Việt Nam; dù ông không còn sinh sống ở quê hương của ông. Lê Văn Khoa ước muốn cả hành tinh này biết đến dân tộc Việt Nam hào hùng, xuất chúng về mọi mặt và đầy nhân bản. Đó là ƯỚC MƠ của ông được phát xuất từ một HỒN VIỆT. Ước mơ của ông thật cao xa trong nhiều lãnh vực từ: âm nhạc, nghệ thuật, nhiếp ảnh, văn học và giáo dục thiếu nhi… mà ông mong mõi được mang những điều tốt đẹp đến cho người Việt Nam và cho cả thế giới. Với những ước mơ  được cống hiến cho đất nước những vinh quang, bằng tài trí, bằng nhiệt thành và bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông, từ tuổi thanh xuân cho đến lúc tuổi đã về chiều. Ông cưu mang một “tâm hồn Việt” thật tha thiết, thật bao la mà nó lan tỏa trong âm nhạc của ông, trong nhiếp ảnh, văn học và nhất là trong chương trình giáo dục thiếu nhi Việt Nam của ông.

Ông yêu âm nhạc như hơi thở của sự sống. Nếu đời sống thiếu âm nhạc chẳng khác gì thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu không khí trong môi trường quanh ta. Ông cũng biết rằng: nghệ thuật âm nhạc là ngôn ngữ chung của quốc tế, không bị chia cách bởi văn hóa và biên cương. Giovanni Bellini người Ý đã quan niệm rằng: “Nghệ thuật là sự nhiệm mầu của đời sống.” Thế giới này thật to lớn, nhưng đã được nối vòng tay lại với nhau qua âm nhạc và nghệ thuật…như một phép mầu!Một ước mơ thật to lớn mà ông đã đạt được và gặt hái thành công vang dội là: chính ông đã mang dòng nhạc Việt Nam đầy tính dân tộc khoe cùng thế giới, qua nhạc giao hưởng  SYMPHONY VIỆT NAM 1975, để hòa hợp cùng nền âm nhạc đa dạng và phong phú của quốc tế. Thế giới đã biết đến âm nhạc Việt Nam, biết đến tinh hoa Việt Nam, biết đến con người Việt Nam, bởi ý chí và mơ ước mãnh liệt của một nhạc sĩ tài ba đức độ được mang tên LÊ VĂN KHOA. Những xứ sở xa lạ từ văn hóa đến ngôn ngữ như Ukraine tận trời Âu, đã mở rộng vòng tay đón nhận và nâng niu những mảnh nghệ thuật chân chính và giá trị của Lê Văn Khoa, một người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ. Thế giới đã hân hoan đón nhận và ngưỡng mộ sâu sắc một lâu đài âm nhạc đồ sộ lẫy lừng của Lê Văn Khoa. Ông chính là niềm tự hào cho người Việt Nam ở khắp nơi trên địa cầu này. Ông đã dấn thân mang chuông đi đấm xứ người. Ông muốn phô trương cho thế giới biết về Việt Nam; một xứ sở tuy nhỏ bé, nhưng với tinh thần dân tộc bất khuất, là một dân tộc thông minh, đầy nhân bản và tài ba xuất chúng. Ông muốn cho thế giới thấy những nét đẹp của Việt Nam, qua âm nhạc cao siêu, qua những bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời của ông.

Ngoài sự thành công vượt bực trên lãnh vực âm nhạc, nhiếp ảnh, nghệ thuật… Lê Văn Khoa còn là một người nặng lòng yêu nước và đặc biệt sự quan tâm thật rõ nét đối với thiếu nhi; là những mầm non của đất nước, mà cũng là tương lai của đất nước. Đây đích thực là “HỒN VIỆT & ƯỚC MƠ” của ông. Ông mong muốn đào tạo những mầm non này trở thành những người hữu dụng cho mai sau. Như bà Ellen White đã viết trong quyển Child Guidance:

“Công việc giáo huấn, rèn luyện trẻ con phải khởi sự ngay khi chúng còn trẻ thơ, vì tâm trí chúng dễ thâu nhận nhất, và những bài học đó sẽ được chúng nhớ rất kỹ.”                 

Trước năm 1975 dưới nền dân chủ Việt Nam Cộng Hòa, khi ông còn ở trong nước và trải qua thời chiến tranh đau thương đã kéo dài hàng mấy thập kỷ. Ông  chứng kiến biết bao cảnh tan thương của nhiều gia đình đã bị mất mát người chồng, người cha trong chiến trận…Đã để lại người vợ đơn côi lam lũ nuôi những đứa con thơ mất cha. Những đứa trẻ trong viện mồ côi khi không còn cha mẹ. Hay những trẻ bụi đời không nơi nương tựa, hàng ngày lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm để kiếm miếng ăn, để van xin sự bố thí của người qua lại. Các em thiếu thốn đủ mọi mặt, từ tình thương gia đình đến sự giáo dục của lứa tuổi còn thơ, mà rất cần sự dạy dỗ và chăm lo của bậc phụ huynh. Với tấm lòng trắc ẩn về hiện trạng đất nước chiến tranh và một xã hội đau thương tan tác, Lê Văn Khoa đã ấp ủ một “ước mơ”. Ông đã thao thức trăn trở: làm sao mang đến niềm an ủi, niềm vui và sự giáo dục thiết thực cho trẻ em, như một nhu cầu cấp bách không thể thiếu. Ông quan niệm rằng: chỉ có con người tốt mới tạo được một xã hội tốt đẹp. Ông đã hy sinh cái danh của mình, khi có cơ hội phát huy tài năng cũng như niềm đam mê về âm nhạc và nhiếp ảnh – để chọn con đường giáo dục cho thiếu nhi.

Ngoài lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh mà nhiều người biết đến Lê Văn Khoa, ông còn có tài năng khác là dạy học. Đây là khả năng sư phạm bẩm sinh rất đặc biệt, dù ông không tốt nghiệp bất cứ trường sư phạm nào. Ông không đi theo đường hướng của nhiều người đã làm, ông nghiên cứu và nghĩ ra phương cách thực tiễn hơn trong lối giáo dục của ông. Chính vì vậy, mà có những nhận xét cho rằng: “ Lê Văn Khoa cứ tìm đường khó để đi.” Ông đã thực hiện ý niệm đó qua phương pháp dạy các học sinh trường tiểu học Cơ Đốc. Ông đã khai thác ý niệm trên qua quy mô rộng lớn hơn trong chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM, trên băng tần số 9 của đài truyền hình Việt Nam. Trong chương trình này, cả thầy và trò cùng đi sâu vào và khám phá thế giới khoa học, mà các em cứ ngỡ là trò chơi giải trí. Ông cố tạo một thế giới riêng cho các em, để các em tham gia vào chương trình một cách tự nhiên, vui thỏa. Nhờ đó, các em ở nhà xem chương trình có thể cảm thấy mình cũng là người trong cuộc, các em được thực nghiệm và học hỏi về khoa học một cách lý thú.

 Những kiến thức mà ông đã trao cho học sinh của ông là những kiến thức rất thực tế, mà nhà trường không thể cung ứng cho học sinh được. Thí dụ: có những thí nghiệm về vật lý mà ông có thể thực hiện cụ thể trong chương trình giáo dục của ông. Ông đã làm thí nghiệm “tạo ra mây” bằng cách: đổ 2/3 nước nóng trong một ly lớn; trên miệng ly ông để nước đá bọc trong khăn mỏng. Khi nước nóng bốc hơi lên gặp nước đá lạnh, sẽ tạo thành một lớp mây mù phần trên của ly. Đây là một trong những bài học đơn sơ vừa lý thuyết vừa thực hành rất dể hiểu và dễ nhớ; giúp các em thích thú học hỏi mà không bị nhàm chán. Hơn thế nữa, ông đã cống hiến cho thiếu nhi một chương trình vô cùng phong phú và hữu ích cho lớp tuổi măng non. Ông đã đem hết thiện chí của mình để phục vụ cho thế hệ trẻ; đó là tiết mục THẾ GIỚI TRẺ EM lúc 7 giờ tối, từ tháng 10 / 1968 đến tháng 4 / 1975. Bằng một tấm lòng bác ái nhân hậu và nụ cười luôn nở trên môi, với đôi mắt sáng tươi vui hiền hậu lấp lánh sau đôi kính cận. Ông tâm sự rằng:

Tôi muốn thấy và nghe tiếng cười thơ ngây trên những gương mặt hồn nhiên của trẻ em. Bởi vì, bom đạn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi, đã làm nụ cười của các em không tươi lên được, thì đến với chương trình, các em phải thật sự vui. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với các em những gì mình hiểu biết trong hoàn cảnh khó khăn và bất an của xã hội lúc bấy giờ. Và hơn hết, tôi muốn lấp khoảng trống trong các em. Vì lúc đó có gia đình, con mất cha, vợ mất chồng vì cuộc chiến.”

Giữa hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, hầu hết gia đình sống chật vật khó khăn từ tài chánh đến môi sinh. Chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM cùng với những sách báo giáo dục được viết bằng tâm huyết của Lê Văn Khoa, đã thật sự giúp ích cho bậc phụ huynh dạy dỗ trẻ con, giúp tránh xa những thói xấu, biết làm quen với nếp sống văn minh.

 Mãi đến bây giờ, nhiều người vào lứa tuổi 50 – 60 cũng còn hồi tưởng lại chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM của Lê Văn Khoa một cách thích thú; mà khi còn nhỏ họ đã chờ đợi để được xem trong suốt tuổi thơ của họ. Thậm chí có nhiều gia đình chưa có TV, đến giờ có chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM được phát sóng, thì các em nhỏ của lối xóm chạy ùa đến nhà ai có TV để coi ké. Thật đáng thương! Vào thời đó, gia đình nào có được chiếc TV Denon đen trắng của Nhật thì sung sướng lắm; và gia chủ cũng sẵn lòng cho bà con lối xóm đến xem những chương trình mà trên TV cung cấp. Việc mua sắm TV là việc khó thực hiện được, vì vượt ngoài khả năng về tài chánh của nhiều người. Do đó, việc này đã trở thành niềm mơ ước được sở hữu một chiếc TV của nhiều gia đình miền Nam lúc bấy giờ.

Bản thân nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng mất mẹ lúc ông mới 11 tuổi. Vì thế, ông đã thấm sâu về nỗi buồn mất mát tình mẫu tử của một đứa trẻ và khao khát tình thương với sự chăm sóc dịu dàng của bàn tay người mẹ. Ông hiểu rõ hơn ai hết những nỗi quạnh hiu và buồn tủi của những trẻ mồ côi, những mầm non không được may mắn trong xã hội này. Ông có một sự liên đới giữa thân phận mồ côi của chính mình với thân phận của những trẻ vắng bóng tình thương của cha mẹ. Do đó, với tấm lòng bác ái và vị tha mà ông đã được lĩnh hội từ người cha là mục sư Cơ Đốc giáo; ông đã mang đến tình thương và niềm vui cho thiếu nhi qua chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM của ông. Ngoài ra, ông mong muốn được thay thế cha mẹ của những trẻ em, khi người cha phải xa nhà để phục vụ trong quân đội, hay người cha đã ra đi vĩnh viễn trong chiến trận…hầu giáo dục cho trẻ em nên người con ngoan trong gia đình và người công dân tốt trong xã hội.

Ông muốn xoa dịu hoàn cảnh thương tâm của những em đã mất cha, mất mẹ trong chiến cuộc; những em mồ côi trong cô nhi viện, những trẻ bụi đời, ông chia sẻ:

“Tôi chỉ tạm đóng vai một người anh “hờ” để giúp các em. Tôi không dám dạy ai cả, chỉ chia sẻ vài ý nghĩ, vài sự hiểu biết để giúp các em thành người tốt, dù đang sống trong  hoàn cảnh khó khăn và bất toàn của xã hội. Tôi chỉ là một dấu gạch nối giữa gia đình và học đường. Những đề tài và phương thức dẫn giải đều do tôi nghĩ ra, không do sự chỉ dẫn hay gợi ý của ai cả. Nhờ không nhận tiền từ bất cứ cơ quan nào nên tôi được tự do làm theo ý mình. Tiền thù lao cho chương trình như là tiền “mua” chương trình, chứ không phải tiền đặt làm chương trình theo sự chỉ đạo của đài. Một lý do khác để tôi thực hiện chương trình Thế Giới Trẻ Em là muốn sự giáo dục hay đào tạo tài năng cho dân tộc được liên tục, không bị chiến tranh làm gián đoạn. Đóng góp cho quốc gia là bổn phận của mỗi người dân chứ không dành riêng cho người được lãnh lương để làm.”

Ông còn quan tâm và tìm hiểu những vị thành niên bụi đời lang thang trên khắp đường phố Saigon. Chúng là những trẻ bạc phước thiếu hẵn tình thương của gia đình, không ai chăm sóc và dạy dỗ, không nơi nương tựa; khiến một người đầy lòng nhân ái như ông phải xót xa chạnh lòng cho những trẻ em bạc phước, là nạn nhân của cuộc chiến tương tàn. Từ đó, ông trở thành người bạn thân thiết của những trẻ trên đường phố và trong cô nhi viện; để an ủi và chia sẻ sự bất hạnh của chúng; để lắng nghe những khao khát hay ước vọng của chúng. Những gì ông mang đến cho trẻ em, thì ông cũng nhận lại được một sự ưu ái mà các em đáp trả. Những lúc ông lái xe lambreta trên đường phố gặp các em, chúng vui cười chạy đến chào đón ông. Có những khi ông để xe đâu đó một vài ngày, từ những viên cảnh sát đến các em bụi đời đều biết xe đó là xe của thầy Lê Văn Khoa; vì thế không ai đụng đến hay ăn cắp xe của thầy. Chính vì chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM, mà giáo sư Khoa trở thành thầy chung của nhiều trẻ em trên toàn quốc. Mỗi khi thấy xe thầy Khoa chạy vào trong khu xóm, con nít chạy theo bu quanh thầy rồi hô to: Lê Văn Khoa…Lê Văn Khoa…Hoan hô! Hoan hô!

Các em mừng rỡ khi gặp được thầy bằng xương bằng thịt, và cùng nhau gọi tên thầy Lê Văn Khoa một cách thân thiện và gần gũi như gọi tên một người bạn thân. Chúng bộc lộ sự cảm mến đối với người thầy bằng tâm hồn trong sáng hồn nhiên. Đối với các em, thầy là người mang đến niềm vui, mang đến nụ cười, cũng như một vùng trời tươi sáng rộng mở của một ngày mai, mà các em bám víu vào trong ngày tháng nhiều mất mát và đầy tổn thương của tuổi thơ. Trong đôi mắt nai của các em, ít nhiều cũng chứa chan những nỗi buồn khi tuổi thần tiên của các em nhuốm nhiều thương đau của thời chiến. Mà thầy Khoa như một người cha hay một người anh, làm dịu đi những vết đau trong tâm hồn thơ dại của các em.

Đây là một món quà thật lớn và đầy ý nghĩa mà trẻ em đã dành cho thầy Khoa. Đối với thầy, các em cảm thấy có một sự gần gũi và thương mến dành cho thầy; vì sự tận tâm và nhiệt thành của thầy đã mang đến cho các em. Có niềm vui và niềm an ủi nào sánh bằng, khi thầy cho đi hết lòng để được nhận lại không thiếu những tâm hồn trong trắng cảm mến của các em đối với người thầy.

 Có lần, thầy Khoa dẫn một đám trẻ con nhà lành và cả những trẻ bụi đời đến nghĩa trang quân đội để giáo huấn chúng. Để cho chúng tận mắt chứng kiến những chiến sỹ đã nằm xuống vì hy sinh mạng sống mình; hầu mang lại sự bình an cho các em được học tập và vui tươi trong tuổi thơ. Cớ sao các em không lo học tập mà đi phá làng phá xóm, lêu lỏng chơi bời. Ông đã từng sống với đám trẻ bụi đời ở các đường phố Saigon, dẫn dắt chúng trở về đường ngay nẻo chính, ông khuyên nhủ chúng hãy ăn năn sám hối, sống lại cuộc đời lương thiện. Khi nghe thầy Lê Văn Khoa phơi bày về sự hy sinh của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã đánh động tâm hồn các em, rồi tất cả các em bật lên khóc nức nở…Kết quả mang đến là sau đó, các em trở nên ngoan ngoãn và chuyên cần học tập hơn. Hơn thế nữa, sau đó khi các em lớn lên, có những em trai đã gia nhập vào quân đội sánh vai cùng các chiến hữu để giữ gìn đất nước. Một hôm, thầy Lê Văn Khoa đi đến tiệm sách, tình cờ có một chàng trai trẻ trong bộ quân phục trông rất hào hùng, bước tới trước mặt thầy rồi chào thật lễ phép:

“Chào thầy Khoa! Thầy còn nhớ em không? Em là đứa trẻ bụi đời mà năm xưa thầy đã dìu dắt và dạy dỗ em, giờ đây em đã trở thành người hữu dụng cho đất nước. Em cám ơn thầy rất nhiều!”

Lúc bấy giờ thầy Khoa rất cảm động và thật vui trong lòng, vì việc thầy làm đã mang đến kết quả tốt đẹp cho lớp thiếu nhi mà thầy đã giáo dục, giờ chúng lớn lên đã thành người hữu ích cho xã hội. Có những em gái trở thành y tá phục vụ trong các bệnh viện, hay ra chiến trường làm nữ cứu thương cho các thương binh trong các binh chủng, hay những nhân viên của các ngành nghề trong xã hội.

 Để giúp ích cho thiếu nhi về mặt tinh thần, ông đã phát họa một chương trình công phu, đặc biệt dành cho thiếu nhi trên đài truyền hình Việt Nam, với nhiều tiết mục giải trí lành mạnh như: phim hoạt hình, những màn múa rối ngoạn mục, nhạc thiếu nhi có tính giáo dục, bé vẽ cho vui…Để có được phim hoạt hình cống hiến cho các em, ông phải đi mượn những phim này từ những thư viện Pháp và Mỹ. Phim rất ngắn, nhưng thật vui nhộn và có tính cách giáo dục; giúp cho trẻ thấy vui để học hỏi về những kiến thức căn bản về cách làm người, giữ vệ sinh bản thân, trau dồi trí tuệ v.v.   

Trong THẾ GIỚI TRẺ EM, tiết mục “Múa Rối” thu hút thiếu nhi nhiều nhất. Kỷ thuật múa rối lúc bấy giờ còn rất hạn hẹp. Con rối được may bằng vải màu điểm nhiều hoa văn, trùm lên ba ngón tay để điều khiển đầu và hai tay nhân vật, cử động lắc qua lắc lại; đồng thời nói bằng giọng của người bên trong. Tuy màn trình diễn múa rối rất thô sơ, nhưng cũng diễn đạt được những tuồng tích Việt như: Ăn Khế Trả Vàng, Thạch Sanh Lý Thông, Bánh Chưng Bánh Dày, Sự Tích Trầu Cau…lại vô cùng hấp dẫn đến nỗi không bé nào muốn rời xa cái TV khi chương trình phát hình. Với tâm hồn vô tư, các em say sưa ngồi há hốc mồm xem con rối đầy màu sắc nhảy lưng tưng như chim sáo, hay đi tới đi lui suy nghĩ, rồi nói lia chia như két…vô cùng ngoạn mục… làm các em rất ngạc nhiên đầy thích thú. Những tuồng tích múa rối này đã hổ trợ môn lịch sử, môn văn chương trong nhà trường, quả thật khéo léo và sinh động; dạy trẻ em về sự trung thực, tình anh em, tình yêu tổ quốc, ở hiền gặp lành…Mỗi chương trình như một tiết mục vui học, sống động và thực tiễn, với sự hợp tác giữa thầy và trò. Chương trình này cuốn hút cả người lớn, bậc phụ huynh cũng say mê không kém con em mình. Tạo cơ hội để học hỏi trao đổi, gây hứng thú cho con em hiểu các bài học nhà trường bằng những cách thức đơn giản và sống động. Với kỷ thuật phôi thai thời bấy giờ, mà chương trình Thế Giới Trẻ Em cũng thu hút sự theo dõi của thiếu nhi, và kích thích sự ham muốn như một niềm vui để học hỏi của tuổi măng non.

Ông còn sáng lâpl TRUNG TÂM HỘI HỌA THIẾU NHI LÊ VĂN KHOA, với sự hợp tác của ban giảng viên hùng hậu và những họa sĩ nổi tiếng tập vẽ cho các em như: Văn Đen, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Trịnh Cung v.v…Tiết mục này ông gọi là: “Bé Vẽ Cho Vui” rất sinh động và hữu ích. Chương trình này đã giúp phát triển năng khiếu của các em lan tỏa ra ngoài xã hội và thế giới. Lê Văn Khoa hướng dẫn các em nhỏ thật vui tươi và sống động, bằng minh họa những hình vẽ rất đẹp mang đến sự mở mang khối óc và một tâm hồn trong sáng của tuổi thơ, qua đức tính tự tin yêu đời của ông. Ông khai thác tài năng tiềm ẩn của các em trong lĩnh vực vẽ tranh; chủ yếu là giúp các em phát triển tài năng trong tinh thần vui tươi học hỏi về ngành hội họa.

Ông tổ chức cuộc thi “BÉ VẼ CHO VUI” hàng năm cho thiếu nhi trên toàn miền Nam. Năm 1972, vì chiến cuộc lan tràn, lễ phát giải Hội Họa Thiếu Nhi Toàn Quốc không thể tổ chức như kế hoạch; vì thế, ông không ngại đường xa và hiểm nguy, đã lặn lội trao từng món quà trúng giải của các em ở khắp nơi. Gia đình các em vô cùng cảm kích về nghĩa cử cao đẹp này của người thầy nhân ái và tận tụy Lê Văn Khoa.

Trong lĩnh vực hội họa này, các em đã hăng hái thi đua vẽ và trở thành những họa sĩ tí hon; khi tranh của các em được thầy Lê Văn Khoa gửi đi dự thi với UNICEF quốc tế và năm nào cũng được chiếm giải thưởng. Trong số tranh dự thi, có 100 bức được chuyển qua Hoa Kỳ bán đấu giá, giúp trẻ em tàn tật vì chiến tranh đang được chữa trị bên đó. Ngoài ra, có 100 bức tranh và một số tác phẩm khác trong cuộc thi “Nắn Tượng Cho Vui” tham dự cuộc triển lãm lưu động trên khắp nước Nhật, mang tên “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu” được khán giả Nhật nhiệt liệt ca ngợi. Vì người dân Nhật cũng hiểu rằng: Việt Nam đang sống trong thời chiến, mà đào tạo được một đội ngũ họa sĩ tí hon vẽ tranh mang thi đua với xứ người, thì quả thật là một thành tích đáng tán thưởng và khích lệ vậy.

Qua công trình miệt mài của Lê Văn Khoa, như một làn gió mát đầy sinh khí đã thổi đến những tâm hồn non nớt của trẻ, đã mang đến cho tuổi thơ Việt nụ cười và sức sống giữa thiếu thốn và mất mát. Đã mang đến niềm hy vọng rạng ngời cho tương lai đất nước giữa màn đêm của chiến tranh. Đó cũng là một thành tựu đẹp đẽ mà trải qua bao thế hệ vẫn còn in sâu trong lòng người. Nhật báo Đuốc Nhà Nam ngày 2 tháng 2 năm 1970, trong mục tổng kết thành tích chương trình văn nghệ hàng năm của đài truyền hình số 9, đánh giá rằng:

Thế Giới Trẻ Em” là chương trình thiếu nhi hay nhất! Khán giả nhận thấy chương trình Lê Văn Khoa bổ ích cho thiếu nhi hơn cả, với người hướng dẫn chương trình có nhiều sáng kiến đáng kể. Chú trọng về phần giáo dục trẻ em hơn là trình diễn văn nghệ; có tính cách giáo huấn hơn là thương mại.”

Bởi Lê Văn Khoa đã đặt hết tâm huyết và lý tưởng của mình cho thiếu nhi suốt bảy năm, qua chương trình Thế Giới Trẻ Em; đã chuẩn bị một hành trang tốt đẹp cho các em khi lớn lên bước vào đời. Ông cùng vài cộng sự, đã xây dựng một chương trình thiếu nhi đầy tâm huyết và để lại dấu ấn sâu xa trong lòng người xem. Thời ấy đến bây giờ và cho đến mai sau, giới thiếu nhi rất khó tìm được một người thầy nhân ái như Lê Văn Khoa để hướng dẫn các em trong tuổi thơ, mang đến cho các em nụ cười hồn nhiên cùng kiến thức căn bản khi lớn lên dấn thân vào xã hội.

Trong sách GIÁO DỤC NHI ĐỒNG xuất bản 1970, ông viết:

Tuổi thơ ấu là  tuổi đáng thương và cũng đáng sợ vô cùng. Tôi từng gặp gỡ hàng trăm em như vậy: cướp giật, móc túi, đâm chém…lang thang không nghề nghiệp, không nơi nương tựa. Tôi cũng đi vào trại Tế Bần để tiếp xúc với trẻ em, chúng nói chuyện cũng rất cởi mỡ.”

Có thể nói: giáo sư Lê Văn Khoa là một trung gian (như ông thường hay nói) thay thế phụ huynh chuẩn bị những mầm non cho thế hệ mai sau, một đời sống có lý tưởng và hữu ích cho nhân quần xã hội. Mặc dù, “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng nếu đứa trẻ sống trong môi trường không lành mạnh, lại còn không được sự dạy dỗ của cha mẹ, thì đứa trẻ có nên người chăng? Bà Ellen White cũng đã từng viết:  

“Người trẻ tuổi cần được huấn luyện cẩn thận cách khéo léo, vì những tập quán xấu đã thành hình trong tuổi trẻ thường đeo đuổi họ suốt đời.”

Cũng như vua Salomon, nhà thông thái của người Do Thái đã từng cảnh cáo những bậc cha mẹ rằng:

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dù đến khi nó về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

VìLê Văn Khoa hiểu rõ tâm lý trẻ em; vì thế, ông muốn tìm một con đường tươi sáng như kim chỉ nam để hướng dẫn cho thiếu nhi đi đúng hướng. Khởi đầu, ông áp dụng phương pháp dạy học cho các em học sinh trường tiểu học Cơ Đốc. Sau đó, vào tháng 10/ 1968 ông thành lập chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM trên băng tần số 9 đài truyền hình Việt Nam. Chương trình này được xem là một phương pháp giáo dục có hiệu quả về lý thuyết và thực hành; là một chương trình lôi cuốn trẻ em và ngay cả người lớn thời bấy giờ. Mỗi tuần chỉ được một giờ đồng hồ dành cho THẾ GIỚI TRẺ EM thôi; vì thế, các em cảm thấy thật nôn nóng chờ đợi suốt bảy ngày. Để được nghe thầy Khoa giảng dạy, rồi cùng làm những bài học thực nghiệm với thầy, cùng chơi trò chơi với thầy, rồi cùng xem múa rối với thầy v.v… Thầy mang đến cho các em một tình thương dạt dào ấm áp, khiến các em cảm thấy thật gần gũi và thân thiết với thầy như một người cha đáng kính. Qua gần bảy năm của chương trình, với sự hy sinh tận tụy và tình thương nồng nàn của ông dành cho thiếu nhi; mà các bậc phụ huynh xem như thời gian vàng ngọc mà ông đã mang đến cho con em của họ qua sự giáo dục của ông. Ngày qua ngày như “mưa lâu thấm đất”…những lời giáo huấn của thầy đã in sâu vào tâm khảm của trẻ, như tờ giấy trắng tinh được in lên những nét vẽ đẹp tuyệt vời, hay những bài học quý giá tiềm tàng trong ký ức mà sẽ không bao giờ phai.  

 Ông đã đóng nhiều vai trò trong giới trẻ: vừa là người thầy tận tâm, người cha đáng kính và còn là người bạn thân thương gần gũi với các em thiếu nhi. Các em đã theo dõi chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM một cách say mê thích thú. Hơn thế nữa, chương trình đã trở thành một niềm vui, thành những bài học hữu ích, và còn là niềm an ủi cho tuổi thơ; khi các em thiếu vắng tình thương lẫn vật chất trong hoàn cảnh của đất nước trong thời chiến. Chính những người cha của trẻ em phải vắng nhà vì nhiệm vụ quân sự; đã bày tỏ sự cảm kích và biết ơn đến với thầy Lê văn Khoa; bậc thầy đáng kính, đã thay mặt họ đem đến niềm vui và giáo dục con cái của họ. Chính Lê Văn Khoa đã mang đến nụ cười hồn nhiên cho trẻ thơ; đã vẻ ra một bức tranh tươi đẹp cho ngày mai rạng rỡ của các em. Ông đã dạy dỗ các em một lối sống lành mạnh và một tinh thần học hỏi cầu tiến, để dọn con đường tươi sáng cho tương lai của giới trẻ cũng như cho đất nước.

Giáo sư Lê Văn Khoa đã chọn chương trình giáo dục thiếu nhi theo đường hướng và suy nghĩ của ông. Đấy là sự cần thiết cho thời cuộc lúc bấy giờ. Ông cố công đào tào lớp trẻ để sẵn sàng kiến tạo lại đất nước một mai không còn chiến tranh. Ông đảm nhiệm vai trò trung gian hoạt động và giáo dục thế hệ trẻ nên người hữu dụng cho nhân quần xã hội,  vì lớp người trẻ này là rường cột của tương lai nước nhà. Trước 1975, song song với việc hoạt động trong chương trình Thế Giới Trẻ Em trên truyền hình, ông còn là chủ biên của nhiều loại sách về giáo dục thanh thiếu niên, về đời sống gia đình, về sức khỏe cộng đồng, về niềm tin tôn giáo. Ông đặt trọng tâm vào giáo dục dục trẻ, vì đó là việc vô cùng hệ trọng cho lối sống của các em khi trưởng thành. Ông hun đúc cho trẻ có tinh thần đức dục và trí dục. Ông tập cho trẻ có thói quen tốt, vì thói quen cũng dự một phần rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Dạy cho trẻ biết lễ độ đối với bậc trưởng thượng, biết giúp đỡ tha nhân, có tấm lòng bác ái thương người. Vì thói quen ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người; nó nói lên cho người khác biết ta thuộc thành phần nào trong xã hội. Vì thế, bậc phụ huynh cần tập thói quen tốt cho con trẻ sớm; nếu trẻ đã lỡ nhiểm thói quen xấu thì sau này khó mà thay đổi được. Người xưa cũng đã có câu: “Dạy con từ thuở lên ba”. Phitarch cũng đã từng nói: “Sáp mềm dễ ghi dấu ấn thế nào, thì tâm trí của trẻ thơ cũng dễ ghi lời giáo huấn thế ấy.

Trong sách GIÁO DỤC NHI ĐỒNG, giáo sư Lê Văn Khoa viết: “Mỗi đứa bé ngày nay sẽ là một người tiếp tay kiến tạo xã hội ở ngày mai; hoặc là người nguy hiểm cho nhân loại, đều tùy thuộc một phần lớn thói quen ta tập cho chúng hiện tại.” Vì ông nhận chân được sự giáo dục thiếu nhi hết sức quan trọng và cần thiết để chuẩn bị tương lai tốt đẹp cho con trẻ ở mai sau; do đó ông đã miệt mài dạy dỗ các em trong chương trình THẾ GIỚI TRẺ EM bằng thiện chí và tâm huyết của mình.

Những thiếu nhi mà thầy đã dạy dỗ vào cuối thập niên sáu mươi đến giữa thập niên bảy mươi,  giờ đây cũng đã thành gia thất. Họ cũng mang những điều tốt đẹp thầy đã dạy truyền lại cho con cháu của họ. Những mầm non thầy ươm trồng đã trải qua vài thế hệ, và trở thành những cây hoa trái sum xuê và lan tỏa khắp nơi trên quả địa cầu này. Thầy Lê văn Khoa xứng đáng để người dân Việt thương mến cảm phục và hãnh diện; vì trong xã hội nhiễu nhương này còn có một người thầy đầy lòng bác ái sống cho tha nhân, mang lợi ích đến cho mọi người, nhất là giới thiếu nhi. Người dân Việt dù tha hương bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng hết lòng tri ân bậc thầy đáng kính Lê Văn Khoa và công đức của thầy sẽ còn lưu truyền mãi đến mai sau. Một người thầy, một nhạc sĩ, một nhiếp ảnh gia, luôn canh cánh bên lòng “ HỒN VIỆT & ƯỚC MƠ.”

 Nguyện xin ơn trên ban phúc lành cho người nghệ sĩ tài hoa và đạo đức Lê Văn Khoa cùng gia quyến luôn được an vui trong cuộc sống chốn quê người.

                                                                                                            Kiều My

                                                                                                      California, mùa thu 2021