Khánh Lan,  Tin tức

CHẮT CHIU KỶ NIỆM VỚI GIÁO SƯ LÊ VĂN KHOA.

(Theo lời yêu cầu của Giáo Sư Lê Văn Khoa, tôi sẽ dùng chữ Ông thay cho chữ Giáo Sư trong bài viết này. Nhưng để tỏ lòng kính quý tôi xin được phép dùng chữ Ô hoa “Ông”).

(Ảnh Lê Hùng)
HỒN VIỆT VÀ ƯỚC MƠ

Tôi chọn lời tựa “Chắt Chiu Kỷ Niệm” bởi tôi không có nhiều kỷ niệm với Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa như Nhà Báo Băng Huyền, Nhà Văn Việt Hải, Ca Sĩ Quỳnh Giao, Nhạc Trưởng Nguyễn Khánh Hồng, v.v… Chính vì thế mà khi tôi được Nhà Văn Việt Hải ủy thác cho trọng trách viết về Giáo Sư Lê Văn Khoa trong tác phẩm “Hồn Việt và Ước Mơ” với chủ đề hoàn toàn mới lạ đối với tôi: Đó là hai truyện ngắn của ông. Tôi đã nhận lời Nhà Văn Việt Hải, nhưng tôi không ngần ngại thú nhận rằng nỗi cảm xúc trong tâm hồn tôi đi từ hãnh diện đến lo sợ. “Hãnh diện” vì tôi được cái vinh hạnh viết về một thiên tài như Giáo Sư Lê Văn Khoa và “lo sợ” vì kể từ hôm nay tôi sẽ phải “chắt chiu” tìm lại trong ký ức những kỷ niệm mà tôi đã có được với ông. Để có thể “Chắt chiu kỷ niệm với Giáo Sư Lê Văn Khoa” trước tiên, tôi tự hỏi lòng mình là “Cơ duyên nào đã cho tôi gặp Ông?”.

Xin thưa, lần đầu tiên tôi có vinh hạnh gặp và biết Ông Lê Văn Khoa nhân buổi ra mắt sánh của ông với tựa đề “Lê Văn Khoa, một người Việt Nam” được chính thức giới thiệu với đồng hương tại vùng Little Saigon, do nhóm Nhân Ảnh Tân Văn đứng ra tổ chức tại Saigon 9 Restaurant, ngày 19 tháng 09, 2015. Hôm ấy, tôi đã cùng một người bạn mua quyển sách dày 695 trang vì biết rằng đây là một tài liệu có gía trị, xong cẩn thận cất vào tủ sách gia đình và rồi để cho một người bạn mượn đọc trước (dài hạn mà mãi đến hôm nay vẫn chưa hoàn trả lại). Kế đến là trong buổi tổ chức sinh nhật thứ 78 cho nhạc sĩ Lam Phương ngày 6 tháng 12, 2015 do Nhóm Chủ Trương Nhân Ảnh Tân Văn đã tổ chức. Đây cũng là buổi kỷ niệm 60 năm âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương và ra mắt sách, quyển “Lam Phương, Nhạc và Đời” tại Moonlight Seafood Restaurant thuộc thành phố Westminster, Nam California… Rồi sau những lần gặp kế tiếp, thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v… và bẵng đi gần hai năm tôi không gặp lại Ông và Cô Ngọc Hà bởi đại dịch COVID 19 đã làm gián đoạn mọi sinh hoạt văn hóa cũng như xã hội trên toàn thế giới… cho mãi đến ngày ra mắt sách của tôi, ngày 19 tháng 09, 2021 tại NT Studio thuộc thành phố Westminster.

Giáo Sư Lê Văn Khoa & Khánh Lan
Trong buổi ra mắt sách ngày 19 tháng 09, 2021(Ảnh Lê Hùng)

Đặc biệt nhất là trong buổi nói chuyện với Ông Lê Văn Khoa trên “Zoom Meeting” ngày 02 tháng 10 năm 2021, do nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiều Minh sáng lập cho Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (vào mỗi ngày đầu tháng) đã tạo cơ hội cho chúng tôi gần gũi và bàn luận thân mật với Ông hơn. Với nét mặt hiền hòa, nụ cười thân thiện nở trên môi, thật đúng như Nhà Văn Dương Viết Điền nhận xét “Anh Lê Văn Khoa lúc nào cũng cười, trông rất yêu đời” hay Thi Sĩ Cát Biển ghi trong bài viết của ông: “Lê Văn Khoa, một biểu tượng của nụ cười“. Trong buổi họp “Zoom”, Ông thật duyên dáng trả lời chi tiết những thắt mắc của mọi người, như Nhà Văn Việt Hải hỏi về câu: “Do you see what I see?” hay về những ước vọng và hoài bảo cũng như giấc mơ của ông: “Bằng cách nào để chúng ta có thể lưu truyền và phổ biến nền âm nhạc giao hưởng (kết hợp âm thanh cho hài hòa) cho thế hệ trẻ trong tương lai.

Lê Văn Khoa dưới lăng kính của tôi thì Ông là người mà Thượng Đế đã dành nhiều ưu ái và ban cho nhiều tài năng, từ viết nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, biên khảo về âm nhạc, nhiếp ảnh, dịch thuật, v.v… bút pháp của ông sâu sắc, nhẹ nhàng, chi tiết và dễ hiểu. Ngoài những tài năng trên, nghệ thuật nhiếp ảnh của Ông  nghiêng về phương diện chụp ảnh nghệ thuật trừu tượng do sự kết hợp hài hòa trong thiên nhiên mà ít ai nhìn thấy. Vâng đúng thế, “Do you see what I see?” Thật vậy, Ông đã khéo léo áp dụng những kỹ thuật riêng để tạo những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh có giá trị và truyền cảm. Nhà Văn Việt Hải có lần đã viết trong bài “Đôi nét về Lê Văn Khoa” như sau: Có người hỏi rằng nhà biên khảo họ Lê đã viết nhiều về âm nhạc, về nhiếp ảnh, phóng tác, dịch thuật sách ngoại ngữ, Lê Văn Khoa cho ấn hành nhiều sách loại học làm người, nhưng Lê Văn Khoa có viết loại truyện về tình yêu không?

Thưa có! Xin cho tôi được phép trả lời câu hỏi ấy bởi tôi cũng vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi khám phá ra rằng chẳng những Ông viết một truyện ngắn “Say Trong Ánh Mắt”, nhân khi ông đi dự buổi triển lãm ảnh của hội ảnh Val de Bièvres tại Viện Văn Hóa Pháp Sài Gòn (Institut Français de Saigon) chiều ngày 19-11-1970, mà ông còn viết một truyện ngắn thứ hai là “Nocturne” (đã được ghi lại trong tác phẩm “LÊ VĂN KHOA, Một Người Việt Nam”)khi ông từ Đông Âu do công tác âm nhạc trên chuyến bay băng Đại Tây Dương trở về California. Thể loại truyện ngắn của Ông rất độc đáo và khác lạ. Sau đây, tôi xin được phép lần lượt ghi lại hai truyện ngắn của Ông.

  1. TRUYỆN NGẮN THỨ NHẤT: SAY TRONG ÁNH MẮT.

Say Trong Ánh Mắt” là một câu chuyện kể của người viết truyện về một cuộc gặp gỡ hy hữu giữa một cô gái Pháp trẻ đẹp, vốn đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, đến Sài Gòn từ Paris. Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên trong buổi triển lãm ảnh, cô gái ấy đã để lòng mến và phục tài nhìn xa hiểu rộng của một nhiếp gia Việt Nam tên Tuấn. “Say Trong Ánh Mắt” là một câu chuyện được diễn tả với văn phong nhẹ nhàng, dễ thương và thu hút người đọc. Chuyện kể nàng tên “Diễm” đại diện cho nhóm ảnh Val de Bièvres, một nhóm ảnh chủ lực của giới nhiếp ảnh Pháp quốc trong tổ chức Photeurop, Âu Châu.

Diễm”, có lẽ cái tên đã đủ nói lên tất cả về con người nàng: Đẹp, thông minh, bặt thiệp, tự nhiên, kiến thức cao và ăn nói trôi chảy, đã hớp hồn Tuấn, người nhiếp ảnh tài ba, bởi sự duyên dáng và thông minh của nàng. Với một phong cách khiêm nhường, người nhiếp ảnh giới thiệu về mình và những sinh hoạt nhiếp ảnh của quê hương mình. Đọc đến đây, tôi phải công nhận tác giả đã khéo léo dùng nội dung của tác phẩm tình cảm xã hội để giới thiệu cũng như giải thích về nghệ thuật hình ảnh như “dùng màu nước tô thêm lên ảnh đ biến đổi màu chính hầu tạo không khí thích hợp cho ảnh” hay “ảnh kỹ thuật là căn bản của mỹ thuật và nghệ thuật, chú trọng nội dung, áp dụng kỹ thuật để làm sáng tỏ nội dung. Mặt khác, tác giả đã khéo léo lợi dụng lời đối thoại với “người đẹp” trong câu chuyện để giải thích quan điểm cũng như nhận xét về thể loại ảnh kỹ thuật của người bản xứ Việt Nam, điển hình qua câu nói của “Diễm” như sau:

Về điểm nội dung thì các nh nổi bật. Nhưng xin lỗi, cũng vì điểm ấy mà bộ ảnh của các anh nặng nề, gò bó quá. Ðó là chưa kể các anh cố tạo những tâm trạng khổ sở, buồn thảm, ray rứt, băn khoăn, chán chường của kiếp sống đầy máu và nước mắt, nên thiếu hẳn nét thơ mộng của bộ ảnh mình đi.

Cũng trong câu chuyện, qua lời đối thoại, người viết truyện giải thích về kỹ thuật chớp sáng (solarization), phân sắc độ (postarization), vừa tân kỳ vừa độc đáo và điểm chính là dùng kỹ thuật để gửi gấm tâm sự. Tôi xin trích dẫn đoạn mà tác giả nói về kỹ thuật và sáng tạo: “Người làm nghệ thuật tức người sáng tạo; mà muốn sáng tạo phải tìm tòi khai phá; mà tìm tòi khai phá tức tạo một lối đi mới.

Qua phong cách diễn tả trong những câu đối thoại trên, Ông Lê Văn Khoa đã muốn gởi gấm thông điệp gì trong truyện ngắn “Say Trong Ánh Mắt?” Phải chăng đây là một lối dạy học vô cùng thích thú vì càng đọc tôi càng thấy bị thu hút bởi cung cách giải thích cũng như nêu ra được những nhược điểm của nghệ thuật một cách tế nhị mà không làm phiền lòng người đọc hay nói rõ hơn là làm bực mình người cần máy ảnh. Đúng là một lối giảng dạy thật tâm lý khi lồng môn học vào tính cách thuật truyện, nó không làm cho người học trò cảm thấy nhàm chán, buồn ngủ và nhất là lại kích thích được sự tò mò muốn biết của con người. Phải, con người lúc nào cũng ưa thích học hỏi cái mới lạ, chính vì vậy mà loại ảnh chớp sáng đã xuất hiện trên 60 năm và đã đến điểm cực thịnh vào khoảng 1960-1961.

Trong câu truyện ngắn “Say Trong Ánh Mắt” Ông giải thích, trong khoảng thời gian 1960-1961, Edith Gerin đã sáng tạo ra một loại ảnh mới nhằm diễn tả những gì mà các loại ảnh thường không làm được. Ðó là lối chập nhiều phim vào với nhau rồi đem phóng ra ảnh, được áp dụng để đi đến một sự diễn tả siêu thực. Mấy năm sau, ý tưởng này lan tràn khắp Âu Châu và xuất hiện những nhóm “tự do diễn tả”. Thời đại 70 là thời đại của loại ảnh siêu thực, trừu tượng, nó tạo ảo giác cho người xem phải phân vân, không biết mộng hay thực.

Lê Văn Khoa đang chụp hình thân cây
(Ảnh trích báo Thế Giới Tự Do 1963)





Càng đi sâu vào câu chuyện, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, “Nước mắt có tạo nên con người không? Tại sao chúng ta chỉ biết nhìn vào bi thảm, tàn úa, chết chóc mà không đoái hoài đến khía cạnh phấn khởi, tươi vui hơn? Hay chúng ta cho rằng nét bi ai trong tác phẩm dễ gây xúc động cho giám khảo, cho người xem? Một người đứng ngoài nhìn vào khác hơn một người ở trong cuộc, làm sao thấu suốt được để diễn tả? Người làm nghệ thuật là chứng nhân, nhưng đồng thời cũng là người làm lịch sử, vì thế không phải chỉ nhìn về quá khứ mà cũng nhìn vào tương lai.” Có phải đây là lời nhắn nhủ, lời giải thích, sự giải bay niềm tâm sự hay đúng hơn là một phương cách độc đáo để hướng dẫn thế hệ sau này đừng chỉ biết bước vào con đường cũ kỹ, bảo thủ của tiền bối mà chúng ta thấy rất rõ trong câu nói của Diễm: Anh bối rối điều gì? Sợ mình sai lầm trong đường lối sáng tạo à? Hay sợ bị quần chúng bỏ rơi? Thật ra làm nghệ thuật cũng tương tự như làm chính trị. Nói đến chính trị ta thấy có hai hạng người. Hạng thứ nhất tìm hiểu để theo đuôi quần chúng. Còn hạng thứ hai, tìm hiểu để dìu dắt, để nâng đỡ, để hướng dẫn quần chúng tiến lên mực độ cao hơn ... em nghĩ rằng ta cần phải chấp nhận một sự hy sinh để chọn hướng đi mình thấy thích hợp và lợi ích hơn. Nói đến hy sinh tức ta phải chấp nhận sự từ bỏ một cái gì quý báu, tha thiết dường như không thể thiếu được trong đời ta.

          Ai dám bảo Ông Lê Văn Khoa của chúng ta không lãng mạn, không ngọt ngào, không đam mê và không rung động bởi người đẹp tên “Diễm” chứ? Xin hãy lắng nghe trái tim si tình thổn thức qua đoạn văn sau: “Tôi không làm theo lời Diễm, lại nhìn thẳng vào cặp mắt xanh trong veo như mặt hồ nước không đáy. Cặp mắt ấy có lúc như ngơ ngác, lúc như có ma lực quyến r lạ lùng, chỉ nhìn đã thấy cả thần hồn ngây ngất như say mà mãi đến bây giờ tôi mới dám nhìn thẳng vào. Ðôi mắt ấy giờ đây lại đượm vẻ buồn mênh mông làm cho lòng tôi xao xuyến khác thường. Trong xao xuyến đượm một mối bâng khuâng nhẹ nhàng như vừa đánh rơi giọt sương mai óng ả ánh mặt trời, như vừa làm đứt một đường tơ để màng nhện tuyệt mỹ phải rách và tạo một lỗ hổng đen ngòm sâu hút ngàn đời không khỏa lấp. Nỗi hối hận len vào hồn tôi và lần đầu tiên tay tôi tìm bàn tay nàng, siết mạnh.

Bây giờ thì tôi dám quả quyết rằng, câu chuyện ngắn “Say Trong Ánh Mắt” không phải là một câu chuyện bình thường, mà đó là một tác phẩm kinh điển về nghệ thuật nhiếp ảnh, một “Bible” cho những ai chập chững bước vào lãnh vực này, bởi nó giải thích quá rõ ràng mục đích và phương hướng của nó. Tôi xin dẫn chứng qua đoạn văn sau đây:

Tôi cảm thấy mình thua sút người ta quá nhiều, quá xa. Tại sao? Có phải do óc kỳ thị, thiếu tự tin, nhưng tự tôn hòa với tự ti, mãi nghĩ rằng mình còn bán khai, chậm tiến nên chỉ đợi cái gì người ngoài nghiên cứu rồi tuyên bố, bấy giờ mới hân hoan tiếp đón, ca tụng những sáng kiến ngoại lai mới mẻ, nhưng trong khi ấy vẫn nghĩ mình là trùm thiên hạ, mà hỡi ôi, nó là cái gì đã ăn sâu vào huyết mạch, là cái gì tạo nên dân tộc, là nguồn gốc của văn minh, là căn bản của truyền thống mình. Hỡi thằng người nhỏ nhen ta ơi, mày ngu lắm mà cứ tưởng mày thông minh vượt bực. Mày vốn hèn mà cứ tưởng mày cao sang! Tồi ơi là tồi!”

Đường Nét,
(Ảnh Lê Văn Khoa)

Chúng ta đã nhìn thấy gì trong bức ảnh trên? Do you see what I see? Thật là một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Hãy nhìn thật kỹ bức ảnh trên, Ông Lê Văn Khoa cho rằng: Tại sao chúng ta không ghi nhận đường nét đẹp trên thân hình thiếu nữ mà Tạo Hóa đã ban cho họ mà lại đi tìm đường nét chết trên đồi cát, bãi biển, đường mòn? Phải chăng chúng ta cho rằng đó là… là việc… tồi bại mà con người có đạo đức không được nghĩ đến? Có lẽ, nếu cứ bỏ lớp đạo đức giả mà nhìn thẳng vào con đường nghệ thuật nó không phải ảnh khiêu dâm, nó phụng sự cho chân, thiện, mỹ, cho vĩnh cửu chứ chẳng phải cho dục vọng thấp hèn, để bị xuyên tạc, chống đối và khinh miệt. Có lẽ Ông Khoa đã nói đúng. Đã đến lúc người làm nghệ thuật phải vị nghệ thuật, hãy thức tỉnh cơn mê muội, hãy lột bỏ lớp mặt nạ giả nhân giả nghĩa đã khéo che đậy từ bao năm qua, hãy đối diện với sự thật, một sự thật đã bị chôn giấu dưới lớp mặt nạ đạo đức, cao thượng, xây dựng, phủ lên mớ kiến thức quá kém, tư tưởng quá hẹp hòi để che đậy cái dốt của mình bằng lời nói bóng bẩy mong được người đời suy tôn. Hỡi ôi, hư không trở về hư không! Thảy đều hư không! (dựa theo lời của người viết)

“Diễm hôn phớt qua má tôi rồi vụt biến vào bức ảnh khỏa thân rất đẹp đang treo trên tường. Tôi chới với đôi tay để giữ nàng lại nhưng không kịp, đành ôm mối tiếc thương nương theo luồng sáng của ngọn đèn quay phim lễ cắt băng khai mạc phòng triển lãm mà tan biến vào bóng tối vừa trùm xuống bên ngoài”. Thật là một kết luận xuất sắc và đồng thời chứng minh cho những suy nghĩ của tôi về nội dung của câu chuyện “Say Trong Ánh Mắt”.  Tóm lại, tôi hoàn toàn đồng ý với Nhà Văn Việt Hải là “Chủ điểm của bài viết là đề cao cái nhìn mới, nghệ thuật sáng tạo trong nhiếp ảnh mà Ông Lê Văn Khoa đã đeo đuổi và khai phá từ trước cho đến nay, gần nhất là bộ ảnh “Do You See What I See?” của ông. Đoạn kết đã chứng minh cho những gì Ông Khoa đã nhắn nhủ chúng ta, những người trẻ của thế hệ tương lai… Hãy nhớ lời ông nói:

Do you see what I see?”

Sự Cám Dỗ Cuối Cùng (bàn gốc)Ảnh Lê Văn KhoaSự Cám Dỗ Cuối Cùng

Vậy thì “Nghệ thuật” là gì và thế nào là “Nét nghệ thuật”? Có phải “Nghệ Thuật” là ở chỗ xắp xếp như thế nào cho hợp lý và đẹp mắt? Và “Nghệ thuật” theo Ông Khoa, thì “Nghệ thuật” phải đến từ tâm, từ óc hòa trộn vào nhau để rồi tỏa ra một nét đẹp có chiều sâu, có ý nghĩa. Đó mới chính là nghệ thuật. Vì thế mà trong lãnh vực nhiếp ảnh, Ông chia nhiếp ảnh ra làm 2 phần:

  • Nhiếp ảnh Mỹ Thuật là chụp ảnh đẹp hay còn được gọi là “Pictorial Photography“.
  • Nhiếp ảnh Nghệ Thuật hay Artistic Photography phải từ lòng mình mà ra, phải nghiên cứu trước và mục đích của nó nói lên cái gì?
  1. TRUYỆN NGẮN THỨ HAI: “NOCTURNE”.

Đọc qua câu chuyện trong tác phẩm truyện ngắn “Say Trong Ánh Mắt” đã đưa tôi từ thắc mắc (wonder) này đến thắc mắc kia. Nguồn cảm hứng nào đã khiến Ông Lê Văn Khoa sáng tác thêm một truyện ngắn thứ hai với tựa đề “Nocturne?” Có phải những năm trước đây chỉ vì sự ích kỷ, lòng ham muốn chiếm đoạt, tham vọng trở thành cường quốc vững mạnh nhất trên thế giới mà hai nước NGA, MỸ trở nên thù nghịch như mọi người thường nghĩ? Phải chăng Ông Lê Văn Khoa đã dùng âm nhạc và ngòi bút của mình để mong kéo hai quốc gia này lại gần nhau hơn? Và có phải niềm đam mê âm nhạc cổ điển đã tạo cơ hội cho con người quên hận thù và trở nên yêu thương, gắn bó bên nhau? Hay chủ ý của Ông là dùng câu chuyện để diễn giảng một bài học quan trọng về thể loại âm nhạc không lời, nhạc hàn lâm và bác học, một thể loại ít người hưởng ứng và đòi hỏi một kiến thức âm nhạc ở trình độ cao để hiểu và thưởng thức? Chẳng khác gì tác phẩm thứ nhất “Say Trong Ánh Mắt,Ông Lê Văn Khoa đã dùng ngòi bút của mình để chuyên chở những ý nghĩ nhiếp ảnh, thì qua tác phẩm thứ hai“Nocturne, Ông dùng lời văn để gởi gấm những tinh túy, đặc thù trong âm nhạc không lời.

“Nocturne” là một câu chuyện mà Ông Lê Văn Khoa dựa trên trải nghiệm khi qua Ukraine để tìm người thu thanh những bài nhạc giao hưởng của ông. Trong chuyến đi ấy, ông đã được giới thiệu đến người độc tấu violin trong một bối cảnh vô cùng lãng mạn nơi công viên, với không khí lạnh giá của ngày đầu tháng ba, khi tuyết vẫn còn rơi, phủ đầy trên mặt đất một màu trắng xóa và đọng trên cành cây những hạt tuyết hóa đá chồng chất lên nhau, lấp lánh như những hạt kim cương. Tất cả đã được Ông lưu lại trong tác phẩm “Nocturne” và đây cũng là nguồn cảm hứng khiến Ông sáng tác câu chuyện tình cảm này.

Bối cảnh của câu chuyện xảy ra tại Moskova, thủ đô của Nga, một quốc gia có nhạc viện Tchaikowsky (Tchaikowsky Conservatory) nổi tiếng. “Nocturne” là một truyện ngắn mà thoat nghe thì tưởng đây là một câu chuyện tình yêu lãng mạn như Nhà Văn Việt Hải đã đặt tên cho nó là “Chuyện tình Nga-Mỹ” bởi đây là một chuyện tình éo le, sôi động giữa cô nhạc sĩ người Nga, tên Anastasiya Smirnoff và anh nhạc sĩ đến từ Mỹ tên Alex Anderson. Như bao nhiêu câu chuyện tình yêu khác, Anastasiya và Alex yêu nhau say đắm, họ chia sẻ cho nhau những giây phút mặn nồng, chan chứa những yêu đương nóng bỏng như Ông Lê Văn Khoa đã diễn tả qua ngòi bút của ông (Lê Văn Khoa, Một Người Việt Nam, trang 100): “Môi chàng đã bị khóa kín bởi những nụ hôn nồng nàn, nóng bỏng, những tình cảm rạt rào của hai trái tim lạnh giá bị đè nén từ lâu nay đột nhiên được khơi dậy, bùng nổ như núi lửa, như nước vỡ bờ…”

Viết như thế này thì ai dám bảo rằng Ông Lê Văn Khoa chỉ yêu âm nhạc và nhiếp ảnh chứ? Theo tôi ông chẳng những là một thiên tài của âm nhạc, một nhiếp ảnh gia tài ba, một người đáng yêu của nhân loại mà còn là một nhà văn. Thật vậy, càng đi sâu vào câu chuyện “Nocturne” tôi lại càng bị thu hút bởi nghệ thuật dùng văn chương để diễn tả một mô thức giảng dạy rất tinh vi về âm nhạc, một lối truyền bá tinh thông mà chẳng ai nghĩ đến trước kia.

 “Dream” và “Nocturne là hai nhạc phẩm được lồng vào trong tác phẩm văn học có cùng tên với bài nhạc. Khi được hỏi tại sao Ông chọn hai nhạc phẩm Nocturne và Dream. Ông trả lời: Hai bài nhạc được chọn vì hai bài này có nhiều diễn tả mà người nghe có thể theo dõi không khó lắm.

Ông Lê Văn Khoa đã dùng một nhạc sĩ độc tấu violin, một tài năng vượt trội đã chiếm giải thưởng quán quân của toàn liên bang Sô-Viết khi cô 16 tuổi và hiện là giáo sư của nhạc viện Tchaikowsky (Tchaikowsky Conservatory of Ukraine) và được mời đi dạy nhiều nơi trên thế giới, để trình diễn tác phẩm “Nocturne” và “Dream” của Ông. Chính vì thế mà nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa muốn lồng bài nhạc vào trong câu chuyện cho thêm phần ướt át và ông muốn diễn tả tâm trạng này qua những đoạn hết sức gay cấn.

Ban Chủ Trương và Thân Hữu
Cùng Ông Bà Lê Văn Khoa