Khánh Lan,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ

TẾT, NÓI CHUYỆN TẾT

LTS. Những tài liệu dưới đây của các tác giả đã đăng bài nghiên cứu của họ trong Giai Phẩm Xuân Quý Mão 2023 của VIETNAMESE MAGAZINE với chủ đề TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI. Đó là những tài liệu có giá trị mà Khánh Lan nghĩ cần được lưu lại cho hậu thế, bởi đây những dữ kiện hữu ích cho giới trẻ học hỏi về những phong tục tập quán của con dân Việt. Khánh Lan xin phép được tóm lược nội dung của các bài viết này.

Duyệt qua 176 trang báo, Khánh Lan nhận thấy có một số bài vở đang trong sách thật hay, ghi lại những tài liệu có giá trị nói về lịch sử cũng như tập tục của ngày TẾT của người Việt. Trước hết Khánh Lan xin lần lượt tóm lược về từng tiêu đề. Theo Lý Thành Phương, sau một thời gian làm việc cực nhọc, người ta chọn mùa Xuân để nghỉ ngơi và ăn mừng khi cây cây cối bắt đầu đơm bông kết nụ. Người Việt Nam chúng ta cũng như thế giới không tránh khỏi sự chi phối của ba nền văn minh chính gồm: Văn minh La Mã, văn minh Ấn Độ và văn minh Hoàng Hà (Trung Quốc). Hầu như cả ba nền văn minh trên đều chọn ngày đầu năm để đánh dấu những biến cố quan trọng mà người Việt Nam chúng ta gọi là ngày TẾT.

  • Văn minh La Mã: Dựa theo dương lịch và ăn mừng TẾT từ ngày Chúa Giáng Sinh, 25 tháng 12 cho đến hết ngày 1 tháng 1.
  • Văn minh Ấn Độ: Như Sri-Lanka, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Cam Bốt thì TẾT sẽ vào khoảng tháng Ba dương lịch.
  • Văn minh Hoàng Hà (Trung Quốc): Như Hồng Kông, Singapore, Đài Loank Hàn Quốc và Việt Nam thì theo âm lịch của Trung Hoa và ngày TẾT thường trễ hơn TẾT dương lịch từ một đến hai tháng.

Nước Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc do thời kỳ bị thế lực phương Bắc đô hộ cả ngàn năm. Tuy nhiên, những sinh hoạt trong ngày TẾT của người Trung Hoa và người Việt có nhiều điểm khác biệt. Theo Lý Thành Phương, Nước Việt Nam bắt đầu lập quốc từ thời kỳ Lạc Việt với một tập tục nhuộn răng đen, ăn trầu, xâm mình (để đối phó với Thủy quái), trồng lúa dưới nước và dùng trống đồng (Trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ) trong các sinh hoạt cộng đồng, dùng sản phẩm lúa gạo để gói bánh chưng, bánh tét (ăn mừng trong những ngày Tết). Những tập tục này bắt nguồn từ những  phong tục và văn hóa đặc trưng của người Lạc Việt. Văn minh Lạc Việt có tính truyền bá, chia sẻ và phát triển qua nhiều sóng gió của thời thực dân đế quốc, nhưng vẫn tồn tại bởi người dân Việt có tinh thần cầu tiến, kiên nhẫn và chịu khó học hỏi những cái hay, cái tốt của người.

Bánh tét: Hương vị Tết quê nhà, bài viết của VT.

“…Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh…”

          Nếu bánh chưng là loại bánh nếp truyền thống của miền Bắc thì tại miền Nam, bánh Tét không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên và đãi khách trong ba ngày Tết. Bánh chưng hay bánh tét luôn được ăn kèm với củ kiệu, củ hành, tôm khô thì mới đủ bộ. Nguyên liệu gói bánh chưng đều giống nhau, cái khác biệt chỉ là hình dạng bên ngoài của nó mà thôi. Gói hai loại bánh này cần phải có gạo nếp, đậu xanh không có vỏ, thịt ba chỉ hay thịt nạc, mỡ. Nhưng nếu gói bánh tét chay thì nguyên liệu làm nhân bánh lại khác như đậu đò, dừa nạo. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có lá chuối, lạt để buộc bánh (từ tre). Phần lớn, người ta nấu bánh khoảng vài ngày trước Tết.

          Nếp phải được ngâm trước khi gói bánh khoảng 8 tiếng xong đổ ra rổ và để cho ráo nước, trộn vào gạo chút muối giúp cho nếp dễ thấm gia vị. Đậu xanh thì ngâm trước khoảng 4 tiếng rồi đổ ra rổ cho ráo nước. Bánh chay thì cắt dừa cắt mỏng và trộn vào nếp. Thịt và mỡ cắt thành miếng dài khoảng 10cm. Lá chuối rửa và lau sạch. Dây lạt để buộc bánh cần ngâm nước cho mềm.

          Gói bánh chưng hay bánh tét đòi hỏi sự khéo tay, nhưng nếu có khuôn thì gói sẽ dễ hơn. Gói bánh tét thì khó hơn vì không có khuôn làm bánh tét. Bánh chưng hay bánh tét phải nấu từ 8 tới 12 tiếng nếu là nồi thường, ngày nay người ta dùng presure cooker, nên chỉ cần nấu khoảng 3 tiếng, bằng nước đã được đun xôi là bánh chín.

Tập quán ăn Tết Việt Nam, bài viết của Lý Thành Phương.  

Tục lệ “ĂN TẾT” đã trở thành một tập quán lâu đời của người Việt Nam, những tập tục này bao gồm:

Đưa ông Táo về trời: (Ngày 23 tháng Chạp âm lịch).

Dựa theo lịch sử, sự phát triển và sinh tồn của con người là nhờ vào sự phát minh ra “LỬA”. Chính vì thế mà hầu hết xã hội nào cung có tập tục thờ “Thần Lửa”. Tuy nhiên hình thức thờ Thần Lửa có sự biết đổi theo thời gian tùy theo phong tục của từng quốc gia. Người Việt Nam dù hai chữ “Ông Táo” hay “Táo Quân” để ám chỉ Thần Lửa và theo sự tưởng tượng phong phú của dân gian, họ cho rằng Táo Quân là người nghe hết mọi chuyện trong thiên hạ, rồi chờ đến cuối năm sẽ cưỡi cá chép, bay về Thiên Đình báo cáo lại với Ngọc Hoàng đế người thưởng hay phạt bàng dân thiên hạ.

Tiệc Tất Niên: 

Đó là bữa họp mặt mà hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bạn bè đều tổ chức vào dịp cuối năm trước khi chia tay về nhà nghỉ ngơi ăn Tết cùng với gia đình. Trong bữa tiệc, mọi người chia sẻ những món ăn đặc sắc của từng miền hay cùng nhau tham gia văn nghệ, đàn ca hát xướng.

Dọn dẹp nhà cửa:

Đây là lúc mà mọi người dù bận đến đâu cũng dùng chút ít thời gian để dọn dẹp nhà cửa, đánh bóng bộ lư hương, sơn nhà, v.v… với mục đích xóa bỏ những điều xúi quẩy của năm cũ để chuẩn bị đón cái may của năm mới.

Mua, Xắm, may quần áo mới:

Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là câu ca dao rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Vì thế, dù có khó khăn đến đâu đi nữa, bậc làm cha mẹ cũng cố gắng mua xắm cho con cái một bộ quần áo mới để mặc trong ba ngày Tết. Đặc biệt là sáng ngày mồng một Tết, các em được cha mẹ mặc cho bộ quần áo mới và được ông bà, cha mẹ lì-xì sau khi các em chúc tuổi đến các bậc trưởng thượng, ông bà, cha mẹ, v.v…và được cho đi chúc Tết họ hàng.

Viếng mộ và quét dọn mồ mả tổ tiên:

Thông thường, trong những ngày Tết, các con cháu từ khắp nơi đều về thăm quê hương, xứ sở và cùng gia đình đi thăm viếng mộ phần của tổ tiên cũng như có trách nhiệm lau chùi, quét dọn quanh mộ để thể hiện lòng kính trọng, hiếu đạo với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất bóng.

Đi chợ Tết:

Đi chợ Tết là một thú vui không thể bỏ qua và dĩ nhiên mọi người đều thích đi chợ Tết, dù có khi chẳng mua bán gì cả. Sở dĩ người ta thích đi chợ Tết vì nó hoàn toàn khác với những buổi họp chợ thường ngày trong năm. Phải, chợ Tết họp rất sớm, từ buổi sáng tinh mơ, chợ đã chật đầy người, chen chúc nhau, kẻ mua người bán. Hàng quán, hoa quả bầy đầy vỉa hè; hẻm này thì bày hoa cúc hoa lan; góc kia tràn đầy mai, đào, vạn thọ…Chợ Tết nhộn nhịp nhất là tuần lễ cuối cùng của một năm, đây là phiên chợ đông người nhất, bởi có nhiều người cho rằng mọi thứ như bánh, mứt, hoa quả và thức ăn sẽ rẻ hơn vì là phiên chợ cuối năm.

Gói bánh chưng:

Nhiều gia đình có tập tục gói bánh chưng ngày Tết vì lý do là vừa ngon, vừa sạch và vừa rẻ. Nhưng còn một lý do nữa là ngày mà các con cháu cùng quay quần và tụ họp bên nhau, thăm hỏi và chia sẻ những buồn vui trong năm. Thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu nguồn gốc của bánh giầy, bánh chưng. Cũng theo ông Lý Thành Phương thì bánh giầy và bánh chưng có từ thời vua Hùng. Chuyện kể rằng: Dưới thời Hùng Vương thứ 18. Một hôm, hoàng tử Tiết Liệu nằm mộng thấy có vị Thần hiện ra và bảo: “Này Con, vật trong trời đất không có gì quý ban82ng gạo, vì nó là thức ăn nuôi sống con người, con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn tương trưng cho Trời và hình vuông tượng trưng cho Đất. Hay lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để tượng hình cho cha mẹ sinh thành”

Chưng hoa trong dịp Tết:

Người Việt Nam thường thích chưng hoa trong những ngày Tết, hoa đem lại sự tươi mát và không khí trong lành trong ngày đầu xuân. Các loại hoa  như đào, mai, lan, cúc, thủy tiên và cây quất là những loại hoa quả thường thấy trong mọi gia đình. Hoa còn tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng.

Mâm ngũ quả:

Trong những gia đình theo đạo Phật hay thờ ông bà thì mâm ngũ quả không thể thiếu trên bàn thơ tổ tiên nhất là trong những ngày Tết. Mâm ngũ quả gồm có 5 loại quả khác nhau tùy theo từng miền. Mâm ngũ quả với ý niệm là mong năm mới đem lại sự thịnh vương, yên bình. Mâm ngũ quả của những gia đình bình dân là “Cầu (Mãng cầu xiêm) – Sung (trái sung) – Dừa (trái dừa xiêm) – Đủ (trái đu đủ) – Xoài (Trái Xoài). Điều trên ngụ ý: “Cầu vừa đủ sài”.

Rước Ông Bà:

30 Tết là ngày “Rước ông bà” về chung vui Tết với gia đình. Một mâm cỗ sẽ được bày trên bàn thờ tổ tiên vào buổi trưa hay buổi chiều tùy theo từng gia đình. Thông thường một mâm cỗ gồm: Thịt kho trứng, tôm khô củ kiệu, một món canh, bánh chưng, v.v… Sau 3 ngày Tết, đến ngày mồng 4, một mâm cúng đơn giản hơn, được đặt trên bàn thờ tổ tiên để tiễn ông bà.

Đón giao thừa:

Giao thừa là thời diểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch và được diễn ra vào phút cuối cùng của năm cũ với ý nghĩ là loại bỏ mọi điều xấu của năm cũ và đón những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới. Lễ cúng giao thừa thường được thể hiện ngoài trời với chung trà và bánh mứt. Những tràng tiểu pháo được đốt nổ vang xen kẽ với đại pháo để xua đuổi tà ma ác quỷ và mở đường cho vạn sự tốt lành.

Chúc Tết – Mừng tuổi -Lì Xì:

Tập tục lì diễn ra vào sáng mồng một Tết, các con cháu dậy sớm, thay quần áo mới, xong đứng xếp hàng và chúc tuổi ông bà cha me để được thưởng tiền lì xì trong một phong bì nhò, màu đỏ với hình vẽ rất đẹp trên mặt phong bì. Những câu chúc Tết thường là: “Năm mới, con xin chúc ông bà (cha mẹ, cô dì, chú bác…) sức khỏe vẹn toàn, sống lâu trăm tuổi, (làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng) vạn sự như ý, v.v…

Đi chùa – Hái lộc:

Đi chùa – hái lộc đầu năm là truyền thống của người Việt Nam. Vào chùa đốt nhang cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra, sức khỏe và con cái học hành tấn tới.

Thăm mộ tổ tiên:

Sau ngày mồng một Tết, các con cháu cùng nhau đến thăm viếng mộ phần của tổ tiên. Đây cũng là dịp mà mọi người trong gia đình hội ngộ, thăm hỏi và ngồi quanh mâm cỗ cúng ngày Tết.

Đánh bài ngày Tết:

Đánh bài trong ba ngày Tết trong phạm vi gia đình được coi là một cách giải trí, mua vui và thư giãn vì số tiền ăn thua cho mỗi ván bài chỉ là trên dưới chục bạc. Có những màn Bầu cua cá cọp chỉ thu nhỏ từ .25 cents đến $1.00 cho mọi người có thể tham gia. Ngoài Bầu cua cá cọp người ta còn chơi bài cào ba lá, lô tô, cá ngựa, tam cúc hay tứ sắc.

Tóm lại, MỪNG TẾT – VUI XUÂN là một phong tục tốt, nên được duy trì, bởi ngoài việc nghỉ ngơi, thăm viếng họ hàng, bạn bè, nó còn mang một tinh thần giáo dục và bảo tồn văn hóa. TẾT là thời điểm để các con cháu nhớ đến và báo hiếu tổ tiên. Có nhiều địa phương cũng nhân dịp ngày TẾT để cám ơn những ân nhân của gia đình hay cá vị lãnh đạo tinh thần và các Thày Cô trong trường học đã dày công dậy giỗ các học sinh nên người.

Ngày Tết nói chuyện trà, bài viết của Đỗ Duy Ngọc.

“Khách đến nhà không trà thì rượu”

Uống trà vào ngày Tết là một truyền thống và mang những món quà ý nghĩa tới cho người than, bạn bè trong dịp tết cổ truyền dân tộckhông thể thiếu trong trong dịp Tết ở mỗi gia đình Việt. Sự hiện diện của chén trà góp phần làm cho những câu chuyện thêm ý nghĩa và là món quà mà con cháu biếu ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đấng sinh thành. Uống trà đã trở thành việc không thể thiếu trong những câu chuyện đầu năm, khách đến chơi nhà thưởng trà, trò chuyện trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới.

Trà không chỉ là thói quen hàng ngày mà nó còn là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, một nét văn hóa đẹp của người Việt. Ngày xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ngày nay, chén trà đã thay cho “miếng trầu”, để mở đầu cho mỗi câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện ngày Tết. Một ấm trà thơm ngon sẽ làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn trong tiết trời se se lạnh vì thế mà trà được các gia đình đặc biệt quan tâm trong ngày Tết.

Vị đắng của trà, vị ngọc của bánh mứt đã trở thành hình ảnh quen thuộc và không thể thiếu trong những ngày Tết. Ngày Tết. Thưởng trà là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, một nét văn hóa đẹp của người Việt. Uống trà trở thành việc không thể thiếu vào mỗi dịp Tết bởi nó có lợi cho sức khỏe như phòng chống được một số bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… làm đẹp như chống lão hóa, đẹp da… và vì thưởng trà đã trở thành một nét văn hóa trong nền văn hóa đa dạng của người Việt.

Người Nhật cũng như người Trung Hoa tôn trà thành đạo: Đạo Trà. Từ ngàn xưa, người Việt đã có nghệ thuật uống trà và là một trong những nước trong cây trà sớm nhất thế giới. Người Việt uống trà theo kiểu cách riêng của họ và cũng có quy tắc riêng nhưng không quá ngặt như Đạo Trà. Trà có tác dụng giải độc và kích thích sự hoạt động của trí não, giảm mỡ trong máu.

Thống kê trên thế giới ghi nhận có hơn 3,000 giống trà khách nhau. Tuy nhiên có 6 loại trà cơ bản: Trà xanh, trà trắng, trà vàng, trà đen, trà Ô long và trà phổ nhĩ.

  • Trà Xanh là loại trà vừa hái xong, làm héo và diệt men. Trà xanh là một loại trà tươi như giống trà Thái Nguyên là một loại trà nổi tiếng tại Việt Nam bởi trà Thái Nguyên không để lên men nên vẫn giữ được chất diệp và phẩm chất của lá trà tươi.
  • Trà Trắng còn được gọi là Bạch Trà trông ở vùng cao độ. Bạch trà được hái từ lúc còn là búp non, và vì trong trong vùng có nhiệt độ thấp nên búp trà có màu trắng. Hái xong sẽ được phơi ngoài nắng nên có độ lên men cao. Trà trắng có nguồn gốc từ Phúc Kiến, nhưng ngày nay, có nhiều nước cũng sản xuất loại trà này. Tại các tỉnh miền Tây Bắc Việt Nam ghi nhận là có loại trà này.
  • Trà Vàng cũng giống như trà xanh, chỉ khác là sau khi diệp men, là trà được hấp ở nhiệt độ nhẹ khiến cho chất diệp lục tố (Chlorophyll) mất đi từ từ khiến cho chất xanthophylls (màu vàng) hiện ra rõ hơn.
  • Trà Ô Long là loại trà có các công đoạn chế biến da dạng và mất thời gian. Trà ô long xanh có độ lên men là 12-20% nhưng trà ô long đen có độ lên men là 40-80%. Trà ô long được trồng nhiều ở Trung Quốc, Đài Loan. Lâm Đồng cũng trồng loại trà này lấy giống từ Đài Loan.
  • Trà Đen còn được gọi là Hồng Trà vì nước trà có màu cam hoặc màu đỏ, xuất phát tử khu vực núi Vũ Di ở Trung Quốc với tên là Chánh Sơn Tiểu Chủng. Không qua giai đoạn diệt men. Loại trà này được người Âu Châu ưa chuộng.
  • Trà Phổ Nhĩ được đặt theo tên của thành phố Phổ Nhĩ bên Trung Quốc. Loại trà này trồng tại vùng Tây Bắc Việt Nam. Sự chế biến giống như loại trà Xanh và Bạch Trà. Lá trà khô đóng thành bánh gọi là trà Phổ Nhĩ sống và nếu làm khô và ủ từ 30 đến 50 ngày thì gọi là trà Phổ Nhĩ chín.

Tùy theo từng loại trà mà người ta dùng độ nước sôi để pha. Thường là 85-100 độ C. Ấm pha trà củng tùy loại trà mà dùng ấm mỏng (Chu Nê) hay dày (Tử Sa). Ở Trung Quốc có thập loại danh trà, đứng đầu là:

  • Trà Long Tĩnh của thôn Long Tĩnh, Hàng Châu, Triết Giang. Vì thời tiết mát mẻ nên trà Long Tĩnh ngon, chất lượng tốt và là một loại trà Xanh nổi tiếng được chế biến theo phương thức thủ công truyền thống nên lá trà có kích thước đều và giữ được màu xanh non đẹp mắt. Đặc trưng của loại trà này mang hương vị trà Xanh tươi mát, đậm đà, khi pha trà các búp trà đứng thẳng trong nước, nhìn rất đẹp.
  • Bích Loa Xuân hay Hách Sát Hương Nhân được mệnh danh là đệ nhất trà Xanh có hương vị dịu ngọt, có nhiều chất dinh dưỡng, nước trà màu xanh ngọc.
  • Thiết Quan Âm là loại trà khó trồng, búp trà ra quanh năm nhất là mùa Xuân nhưng vị trà lại thơm nhiều vào mùa Thu. Trà có nguồn gốc tại huyện An Khê. Lá trà hơi cong, đỉnh trà trong giống như đầu con chuồn chuồn, thân xoán, đuôi trông giống như chân con ếch, trên bề mặc của lá có một lớp sương mỏng gọi là “Sa lục”. Trà có 30 loại kháng chất khách nhau, có khả năng miễn dịch, trị bệnh mạch vành. Hương vị thơm, ngọt, xanh giúp trí óc thanh thản, sảng khoái, thư giãn.
  • Hoàng Sơn Mao Phong tên trà được đặt theo quê hương “Mao Phong” và dãy núi “Hoàng Sơn”. Lá trà có lông tơ, nước trà thơm, vị đậm, nước màu vàng, tốt cho bệnh tim mạch.
  • Trà Ngân Châm hay Trà Vàng xuất phát từ đảo Quân Sơn, tỉnh Hồ Nam. Hoa trà thường nở vào tháng 6 và có chất lương tốt nhất trong năm. Trà có hai loại là trà búp mọc ở phía Đông đảo Quân Sơn, đón nắng sớm nên ngon hơn và trà tơ mọc ở phía Tây đón ánh nắng muộn hơn, ban đêm lại có nhiều sương nên lá có nhiều tơ.
  • Kỳ Môn Hồng Trà nổi tiếng tại huyện Kỳ Môn, tỉnh An Huy. Trà được lên men trong quá trinh hái, ủ và sấy. Các chế biến làm theo phương thức thủ công nghệ. Trà chứa nhiều chất Flavonoid rết tốt cho sức khỏe, giảm thiếu nguy cơ béo phì.
  • Trà Đại Hồng Bào hay Nham Trà Đại Hồng Bào hay Đại Hồng bào Vũ Nhi vì trồng ở núi Vũ Di, Phúc Kiến, Trung Quốc. Trà thuộc dòng trà Ô Long. Trà có vị ngọt, hương thơm như hoa lan. Đây là loại trà mắc tiền nhất thế giới, có lúc lên đến $1000 USD/gr. Nên được nhà nước canh gác rất cẩn thận. Trà có thể thu hoạch quanh năm nhưng sản lượng và chất lượng thì mỗi mùa khác nhau. Trà có tác dụng chống ung thư, hạ huyết áp, cải thiện tim ma5chk giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ.
  • Trà Lục An Qua Phiến hay Trà Qua Phiến là loại trà xanh trồng trên đỉnh Đại Sơn, Lục An, tỉnh An Huy. Chỉ dùng búp trà, bỏ phần mầm, gân rồi phơi khô. Trà có màu xanh ngọc, trong, hương thơm, vị nồng có chút chất ngọt.
  • Bạch Hào Ngân Châm là trà Trắng búp non hay Baihao Yinzhen. Thuộc dòng họ trà Trắng, sản suất tại tỉnh Phúc Kiến. Thu hái là những búp non, mịn và có lớp lông tơ trắng bao quanh búp trà. Phương pháp là phơi trong bóng râm, nổi tiếng về hương, sắc và vị, từng là Hoàng gia Cống Phẩm và được Vua Chúa dùng trong các buổi Ngự Trà.
  • Trà  Phổ Nhĩ (Bửu Lị, Pu-erh) có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thường dủng trong các nhà hàng Trung Hoa, nhất là sau bữa ăn Dim Sum. Trà được diệt men, vò nát, phơi nắng. Nuốc trà có màu đỏ đậm, vị hơi chát nhưng sau lại ngọt.

Các nước Á Châu ăn Tết Nguyên Đán ra sao? của tác giả THG (Dựa theo bài viết của THG).

“…Chiều ba mươi nợ réo tít mù

Co cảng đạp thằng bần ra cửa

Sáng mồng một rượu say túy húy

Giơ tay bồng ông phúc vào nhà…”

Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Âm Lịch hay Lunar New Year. Đây là dịp lễ lớn được nhiều quốc gia Á Châu long trọng đón mừng. Phần lớn cá quốc gia Á Châu dưa trên chu kỳ của mặt trăng quay quanh trái đất, đó là ngày đầu tiên của chu kỳ của mặt trăng. Theo giáo sư Yeomin Yoon, thuộc đại học South Carolina thì Tết Nguyên Đán bắt đầu từ thời cổ đại. Tết Nguyên Đán không phải là Chinese New Year bởi Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc gọi là “Chũ Jié” có nghĩa là “Lễ Hội Mùa Xuân”, kéo dài cả tuần.

Phần trên chúng ta đã nói về phong cách đón TẾT tại Việt Nam, sau đây chung ta tìm hiểu thêm về nghi thức đón Tết Nguyên Đán ở một số quốc gia Á Châu như: Trung Quốc, Đại Hàn, Singapore, Mã Lai Á, Đài Loan và Phi Luật tân.

  • Tại Trung Quốc:

Tương tự như người Việt, Tết là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Người Trung Hoa cũng tin rằng, mặc quần áo mới với màu tươi sáng (đỏ, vàng) để thu hút thần tài và mang lại sự giầu có trong năm. Cũng giống như người Việt, người Trung Hoa đặt têm cho mỗi năm tương ứng với một con vật trong 12 con giáp gồm các con: Chuột (Tý); Trâu (Sửu); Cọp (Dần); Thỏ/Mèo (Mẹo); Rồng (Thìn); Rắn (Tỵ); Ngựa (Ngọ); Dê (Mùi); Khỉ (Thân); Gà (Dậu); Chó (Tuất) và Heo (Hợi) và đến Chùa dâng hương cầu mong cho một năm mới tốt lành thịnh vượng. Nhưng người Trung Hoa thường kiêng không ăn thịt con vật tương ứng với con giáp của năm đó.

Trong ngày Tết, các món ăn cổ truyền được dùng là: Bánh bao, bánh nếp, mì, sủi cảo. Một phong tục khác là khi làm bánh bao, người Trung hoa giấu vào trong lòng bánh một đồng xu nhỏ, để các em nhỏ nếu nhận được bánh bao có giấu đồng xu ấy thì nên ăn hết cái bánh bao đó để lấy hên suốt cả năm. sủi cảo thường được ăn chung với cá tượng trưng cho sừ sung túc. Đêm giao thừa, mọi người quay quân bên nhau trong bữa cơm cuối năm, mồng một Tết cũng có đi chúc Tết và nhận tiền lì xì trong một phong bao màu đỏ. Người Trung Hoa có tục lệ không mua giầy mới, quét nhà ngày mồng một, không cắt tóc, gội đầu vào dịp Tết.

  • Tại Đại Hàn:

Tại Đại Hàn Tết Nguyên Đán kéo dài 3 ngảy, theo phong tục của người Đại Hàn mọi người đều nhận thêm một tuổi vào ngày Tết. Y phục đón Tết là trang phục cổ truyền Hanbok và trẻ em phải cúi rạp người, cung kính chào người lớn tuổi, chúc thọ và nhận tiền lì xì cũng như nhận lời khuyên bảo, kinh nghiệm sống, v.v… của các vị niên trưởng.

Thức ăn trong dịp Tết gồm các món mandu (bánh bao), dduk-guk (súp bánh làm bằng bột gạo thái mỏng), mandu-guk (súp bánh bao), galbijjim (sườn om), japchae (miến) và ddeok (bánh gạo). Trò chơi truyền thống là Yut Nori (cờ chơi bằng que gỗ) và Yeonnalligi (thả diều để cầu may).

  • Tại Singapore:

Da số người Trung Hoa sống ở Singapore (75%) nên họ ăn Tết rất lớn. Thức ăn là bánh nếp (nian gao), Yushering (gỏi cá sống truyền thống) và bánh dứa. Bao lì xì được trao tặng cho những người trẻ tuồi với chữ “” trên phong bao màu đỏ. Người Singapore tỏ lòng kính trọng tổ tiến bằng cách đi chùa, thắp nhang vào dịp đầu năm.

Cuộc diễn hành Chingay với xe hoa rất long trọng, lộng lẫy được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, cũng có múa lân. Ngoài ra trong dịp này, Lễ hội Tết River Hongbao cũng được tổ chức ở nhiều địa điễm khác nhau tại Singapore.

  • Tại Mã Lai Á:

Cũng như Việt Nam, Trung Quốc, Đại Hàn và Singapore, Tết Nguyên Đán là dịp mừng Xuân và để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm cuối năm. Tết tại Mã Lai kéo dài 15 ngày và ngày thứ 15 sẽ có lễ hội Chap Goh Mei dành riêng cho các phụ nữ độc thân, trong buổi lễ, các cô gái sẽ ném quả quýt có ghi ước mơ thầm kín của mình xuống biển.

Món sald Yee Sang là món được dùng trong bàn tiệc vì nó tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Nian gao, quả quýt (tượng trưng cho sự may mắn) và phong bì đỏ (pow) được trao tặng cho các em nhỏ và những người chưa lập gia đình. Có những gia đình mời đoàn múa lân đến múa trước bàn thờ để xua đuổi tà ma. Khi ra đường các thiếu nữ mặc trang phục truyền thống, qipao (áo sường xám) màu đỏ vì họ tin rằng màu đỏ mang đến sự may mắn.

  • Tại Đài Loan:

Người Đài Loan có tục lệ dù bận rộn đến đâu đi nữa, họ đều về hay về quê đón mừng năm mới cùng với gia đình. Những món ăn Tết gồm: Nian gao, bánh dứa, cá. Người Đài Loan cũng tin rằng khi dùng thức ăn hết món cá, mà để lại một ít thì sẽ mang đến sự may mắn cho gia đình. Trong dịp Tết, nhiều người Đài Loan không đi ra đường, mà ở nhà, nhất là có cha mẹ già. Phong tục lì xì và đốt pháo cũng phổ biến tại đây.

  • Tại Phi Luật Tân:

Người Phi Luật Tân tin tưởng rằng trong đêm giao thừa, khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm thì mọi người đều thi nhau nhẩy cho thật cao, vì họ cho rằng giờ phút ấy, nếu ai nhẩy càng cao thì chiều cao của họ sẻ tăng cao thêm lên.

Bữa ăn truyền thống trong ngày Tết gọi là Media Noche, một bữa ăn thịnh soạn để ăn mừng cho một năm thịnh vượng gồm các loại trái cây hình tròn tượng trưng cho sự may mắn. Phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc. Món ăn trong ngày Tết gồm xôi Biko, Bibingka và Nian gao vì họ tin rằng chất dính của nếp giúp gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Mì dài Pancit với niềm tin là đem lại sự khỏe mạnh, trường thọ, may mắn.

Trang phục có hình chấm bi tròn tượng trưng cho thịnh vượng, tiền bạc, may mắn. Pháo nổ vang để xua đuổi những linh hồn xấu. Đèn bật sáng, cửa sổ và cửa ra vào được mở rộng, không tiêu tiền vào ngày đầu năm.

Hơn trăm năm trước người Sài Gòn ăn Tết ra sao? Và ngôn ngữ được dùng như thế nào? Bài viết của TNV.

Sự nghiên cứu của TNV dựa theo tờ Tân Đợi Thởi Báo, số 36, ra ngày 2 tháng 3 năm 1915 mô tả về ngôn ngữ được dùng và những sinh hoạt Tết tại chợ Sài Gòn năm 1915. Vậy, hơn trăm năm trước, phong cách ăn Tết cũng như ngôn ngữ được dùng như thế nào?

Những danh từ nghe lạ tai như Ý cựu lệ, chờ bữa 27, 28 và 29 Annam: chỗ gia tăng bằng hai đặng trừ bì (giảm bớt) ba bữa 30, thắp đèn điển khí (đèn điện) sáng trưng. Bước chân vào chợ ngống (cố gắng tìm kiếm) ngống lại…vì lòng đã mất thửa (mất đi bớt) sự mong vọng. Tả tự (viết chữ) rất xảo lại sãn thuộc làu. Khách Trú (người Hoa), Thí (miễn phí). Khán (khám), Langsa (chỉ người Pháp, Y phục Langsa là âu phục). Á xúc (chú), ván (bộ ngựa, bộ ván), Trếu (lạ ùng, kỳ cục). Bối(ăn trộm dưới ghe) và còn rất nhiều những từ ngữ khác mà ngày nay không còn lưu truyền trong dân gian.

Năm 1914, chợ Sài Gòn Mới nay được đổi tên thành chợ Bến Thành khánh thành sau hai năm xây dựng chưa được thịnh vượng và rầm rộ như ngày nay bởi có khi chợ được cất quá lớn và còn xa lạ với sự xắp xếp hàng bán. Thí dụ: Trước kia, hàng ăn, hàng vải (còn gọi là Chà và bán vải), thực phẩm, cây trái xen kẽ vào nhau. Nay, sự xắp xếp hàng quán có vẻ ngăn nắp hơn. Phía trong chợ bày bán hoa quả, thức ăn, hàng quán, bên ngoài chợ có nhiều hàng bông hoa đủ loại. Phía bên hữu thì thấy bày viết liễn, thiệp, v.v…Liễn (Câu đối) viết theo kiểu “Rồng bay Phượng múa”, màu xanh đỏ. Người dân mua liễn về dán trong nhà vào ba ngày Tết.

Người Trung Hoa ăn Tết sớm, khoảng 28 là họ đã treo cờ Ngũ Hành, cờ Tam Giác của Đại Pháp. Đêm 30 và trọn ngày mồng một Tết, pháo nổ liên hồi, đó là phong tục mà người Annam trừ năm cũ và ăn mừng năm mới, gọi là “Bộc trúc nhứt thinh trừ cựu”. Mồng hai, pháo đốt thưa dần và mồng ba thì im bặt. Trong ba ngày Tết, mọi người đều vui vẻ, trẻ em được cha mẹ cho ăn cam, ăn hồng, đốt pháo, lãnh tiền lì xì, người lớn thì đi thăm họ hàng, chúc cho bà con cô bác, bạn bè vạn sự hạnh tường. Trong ba ngày Tết, người ta nấu thịt hầm dưa giá, thịt kho, cá kho, nem, bì, tỏi, ớt, kiệu, bánh tét, bánh chưng.

Qua mồng bốn Tết, các cụ già rủ nhau đi khám bệnh miễn phí. Ngoài đường chật cứng xe, nào là xe lửa Mỹ Tho, Biên Hòa, Chợ Lớn đều đông khách, kẻ lên người xuống không ngớt. Nhất là khách Trung Hoa, họ mặc y phục tốt, áo dài kiểu xưa hay áo dài châu xá, che dù đi cung hỉ. Trên những chuyến xe lửa Biên Hòa, Gò Vấp thường chạy qua những khu nhà có chưng lồng đèn giấy, cành dừa kết thành hoa, v.v… có nhà thì lại thấy từng đám người, chụm năm chụm ba ngồi chật vào nhau trên một bộ ván mà chơi đánh bài. Xe cộ trong ba ngày Tết vừa mắc gấp đôi vừa đông người. Có khi còn thiếu cả xe chở khách.

Ly Rượu Mừng: 70 năm một khúc Xuân ca, bài viết của Trần Hữu Ngư.

Ban hợp ca Thăng Long với nhạc phẩm bất hủ: Mưa Sài Gòn – Mưa Hà Nội và Ly Rượu Mừng mang đậm dấu ấn văn hóa, nhân văn và nhân bản của nhạc sĩ Phạm Đình Chương như đã in sâu vào tâm khảm và sống mãi trong lòng người Việt. Ra mắt công chúng vào mùa Xuân 1953, ban hợp ca Thăng Long trước 1975 gồm: Phạm Duy, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung/Phạm Đình Viêm (người anh cùng cha khác mẹ của Phạm Đình Chương), Thái Hằng/Phạm Thị Quang Thái (vợ nhạc sĩ Phạm Duy, chị gái ruột của Phạm Đình Chương, thân mẫu ca sĩ Thái Hiền, Duy Quang, Thái Thảo), Khánh Ngọc (vợ cũ của Phạm Đình Chương) và Thái Thanh/Phạm Thị Băng Thanh (em gái út của gia đình, thân mẫu ca sĩ Ý Lan). Sau 1975 có thêm Mai HươngQuỳnh Giao.

Hàng trên từ trái qua: Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung.

 Hàng dưới từ trái qua: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.

BAN HỢP CA THĂNG LONG

Quỳnh Giao và Mai Hương

          Sau năm 1975, nhạc phẩm Ly Rượu Mừng không được phép hát tại Việt Nam vì có liên quan đến “Lính” qua câu:

“…Chúc người binh sĩ lên đàng.

Chiến đấu công thành.

Sáng cuộc đời lành.

Mừng người vì nước quên thân mình…”

 Nhưng đến năm 2016, khi xét qua lý lịch của nhạc phẩm thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác nhạc phẩm này năm 1953, trước ngày đình chiến 1954. Ly Rượu Mừng mang giai điệu Valse êm dịu, một bài ca chúc mừng năm mới, phác họa nên nét đẹp của mọi giới trong xã hội gồm sĩ, nông, công, thương, binh.

“…Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhâng ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”

          Mừng Xuân mà không nghe tiếng nhạc, lời ca thì hẳn là một điều thiếu sót và thú vị nhất là hát theo cô ca sĩ hay bạn bè, cùng cất tiếng hát ca những bài nhạc ca ngợi mùa Xuân. Khắp nơi trên thế giới và bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt mà không nghe nhạc phẩm Ly Rượu Mừng. Tuy rằng nhạc phẩm Ly Rượu Mừng không khó hát, nhưng phải hát cho rõ lời, dứt tiếng thì mới hay…Phải công nhận cái biệt tài sáng tác nhạc phẩm này của Phạm Đình Chương, trong ấy, ông đã không quên nhắc đến mọi tầng lớp trong xã hội, qua lời nhạc, ông đã đem đến nụ cười nở trên môi mọi người.

“…Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu đương

Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới…”

          Chúc Mẹ quê ngày đêm trông ngóng con trai trở về từ chiến trường, mang lại món quà Xuân tinh thần mà hằng đêm bà khấn nguyện.

“…Kìa nơi xa xa có bà mẹ già

Từ lâu trông con mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương

Bước con về hòa nỗi yêu thương…”

          Và hay cùng nâng ly:

“…Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hòa…”

Thơ ca ngày Xuân trong văn học Việt, bài viết của Ban Biên Tập Giai Phẩm Xuân Quý Mão 2023.

Trong thưở ban đầu, người Việt chưa có chữ viết nên các thơ ca ngày Xuân không được ghi chép lại trong lịch sử văn học Việt, Tuy nhiên nếu căn cứ theo các văn hoa ghi khắc lại trên Trống Đồng mà các nhà khảo cổ đào được trong thời kỳ cận đại thì dân tộc Việt đã mừng lễ hội từ xa xưa, đi song song với những sinh hoạt có sự phụ họa của kèn, trống, v.v…Theo dòng lịch sử và trải qua nhiều năm tiến hóa, con người càng ngày càng văn minh, tiến bộ, chính vì vậy mà các sinh hoạt hội hè, lễ lạc được ghi chép lại theo từng thời kỳ.

Thời kỳ lập quốc:

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái và tu chỉnh bời sử gia Ngô Sĩ Liên dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư thì sự tích bánh dầy bánh chưng xuất hiện vào đời vua Hùng Vương thứ 6 (1712-1632 TCN) khi vua dẹp xong giặc Ân, ngài có ý định truyền ngôi lại cho các con, nhưng không  biết phải truyền ngôi cho hoàng tử nào. Trong dịp đầu Xuân, vua cha họp các con lại và phán rằng: “Trong các con, hoàng tử nào tìm được lễ vật dâng lên ta mà có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Trong số các vị hoàng tử ấy thì người con trai thứ 18 của vua Hùng Vương là Tiết Liêu, tính tình hiền hậu, đạo đức, hiếu thảo. Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị thần đến bảo: “Này con, trong trời đất không có gì quý bằng gạo, con hãy lấy gạo nếp làm một chiếc bánh hình tròn tượng trưng cho Trời và một cái bánh hình vuông tượng trưng cho Đất. Hay bọc lá bên ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để làm hình tượng cho Cha Mẹ sinh thành.”

Đến ngày hẹn, Tiết Liêu đem lễ vật của mình dâng lên cho vua Hùng Vương, ngài lấy làm lạ, nhưng Tiết Liêu đã mau nắm kể cho vua cha nghe về giấc mộng của mình và ý nghĩa của sự tích bánh dầy và bánh chưng. Vua Hùng Vương nếm bánh và khen ngon, có ý nghĩa nên ngài đã truyên ngôi cho Tiết Liêu. Và từ đó người Việt có tục lệ gói bánh chưng để cúng tổ tiên trong những ngày đầu Xuân. Trong văn chương Việt Nam cũng có những câu ca dao và được truyền bá trong dân gian như:

Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng

Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ

Cành mai vàng ben nhánh đào tươi.

Thời kỳ 1000 Bắc thuộc (179 TCN – 905):

Trong giai đoạn này, giới thống trị phương Bắc dùng mọi nỗ lực để đồng hóa người Lạc Việt, nhưng truyền thống văn hóa như lễ hội, bánh chưng ngày Tết vẫn đứng vững.

Thời nhà Đinh – nhà Lê (968 – 980 & 980 – 1009):

Là giai đoạn đầu của thời kỳ tự chủ nhưng sách sử không ghi chép lại nhiều những phong tục Tết, có lẽ vì thời gian trị vì của hai vị vua này quá ngắn. Trong thời gian này người Việt cũng chưa có chữ quốc ngữ và vẫn phài dùng chữ Hán.

Thời Lý – Trần (1009- 1225 & 1226 – 1400):

Trong thời kỳ này, nước Việt trở thành một quốc gia độc lập và trên đà phát triển về mọi lãnh vực nhất là văn hóa. Một loại chữ viết gọi là chữ Môm được các nhà trí thức sáng tạo cho riêng người dân Việt. Chính vì thế mà các quá trình diễn tiến trong xã hội được ghi chép rõ ràng trong lịch sử. Qua các tư liệu lịch sử, lễ nghi truyền thống văn hóa của dân tộc được coi là trọng. Trong triều đình có tổ chức nghiêm trang về việc đón Tết theo quy luật của cung đình. Thiền sư Mãn Giác dưới thời Lý đã để lại bài thơ bất hủ, “Cáo Tật Thị Chúng”.

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị Xuan tàn hoa lạc tận

Dình Tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch

(Xuân đi trăn hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua – sân trước – một cành mai.)

          Vua Trần Nhân Tông cũng có rất nhiều bài thơ ca tụng mùa Xuân, trong đó có bài “Buổi sớm mùa Xuân”.

Ngủ dậy tung song cửa

Nòa hay Xuân đã sang

Một đôi bươm bướm trắng

Gặp hoa, cánh vội vàng.

          Ngoài ra, Vua Trần Nhân Tông còn sáng tác những vần thơ rất thoát tục như:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Dói đến thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Dối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Thời Hậu Lê:

Sau 20 năm văn hóa của dân tộc Việt bị hủy diệt bởi chính sách đồng hóa của nhà Minh phương Bắc. Vua Lê Thánh Tông và Nguyễn Trãi là hai nhà thơ nổi tiếng trong giai đoạn này. Về thơ Xuân, Nguyễn Trãi có bài thơ sau.

Có Xuân đầu bếp xanh như khói

Thêm lại mưa Xuân trời nước đầy

Đường nội vắng teo hành khách ít

Thuyền côi gác bãi ngủ thâu đêm.

Thời vua Lê – Chúa Trịnh (1545 – 1787):

Trong giai đoạn này, người nắm quyền hành trong nước là chúa Trịnh và thế tử; tuy nhiên, trong những ngày Tết, vua Lê là người trụ trì các nghi thức quan trong trong triều đình. Trong thời kỳ này, chữ Nôm được phổ biến và xuất hiện nhiều nhà thơ Nôm như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, v.v…

Một năm Xuân đẹp chín mươi ngày

Vùn vụt thiều quang ngẫm xót thay

Cõi thế công danh chim cánh lướt

Sân nhàn thời tiết bóng oanh bay

                               (Nguyễn Du)

Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

Chị cũng xinh mà em cũng rất xinh

Trăm vẻ như in tờ giấy trắng

Ngàn năm còn mãi cái Xuân xanh.

(Hồ Xuân Hương)

Triều Nguyễn (1802 – 1945).

Bởi chịu ảnh hưởng sâu đậm của nho giáo, nên việt tổ chức đón Tết trong cung đình trở nên trịnh trọng hơn. Trong dịp Tết, triều đình ra lệnh giảm thuế cho người dân tại những vùng có thiên tai, bão lụt, mất mùa. Ân xá cho tù nhân có hạnh kiểm tốt, cho phép đánh bài trong những ngày Tết vui Xuân.

Trong triều đại này có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, v.v…

“…Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi

Câu thơ chén rượu là nơi đi về

Hết Xuân, cạn chén, vui Xuân

Nghìn thu nét mực Xuân đề vẫn Xuân….”

                             (Tản Đà)

Năm ngoái năm kia đói muốn chết

Năm nay phong lưu đã ra  phết!

Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều

Tiền nợ, tiền công chưa trả hết

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt

Ta ước gì được mãi như thế

Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!

                   (Nguyễn Khuyến)

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

Phen này ông quyết đi bôn cối

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu…

…Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời.

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người.”

                   (Tú Xương)

Thời Cận đại:

Đây là thời đại mà chữ quốc ngữ bắt đầu thịnh hành và phát triển, khởi đầu cho một nền văn học mới và cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương cũng như văn vần. Những bài thơ Xuân xuất hiện bởi một số thi sĩ như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Vũ Đình Liêm, v.v…

“…Buổi đầu Xuân – đi giữa buổi đầu tiên

Như sáng nay cuộc đời vừa mới nở

Và ban đầu cây với gió cười duyên

Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người

Chưa từng hẹn đến – giữa Xuân tươi

Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy

Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.”

                   (Xuân Diệu)

“Đã thấy Xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô em nhỏ

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong….”

(Nguyễn Bính)

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám Xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

(Hàn Mạc Tử)

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố dông người qua…

…Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

                             (Vũ Đình Liêm)

Khánh Lan