Khánh Lan,  Văn Thơ,  Việt Hải

TÁC PHẨM CỦA KHÁNH LAN: Ngõ Vào Văn Học và Triết Học

Nhà văn Khánh Lan, người thứ 2 từ bên phải, lễ tốt nghiệp Cao học tâm lý xã hội
 (socio-psychology), California State University, Fullerton, CA, 2002.

Phân tâm học được định nghĩa là một ngành gồm các học thuyết và kỹ thuật trị liệu tâm lý có nguồn gốc từ những công trình nghiên cứu theo học thuyết của Sigmund Freud. Vì vậy Phân tâm học cũng là một học thuyết nghiên cứu về thế giới nội tâm của con người, nhằm tìm ra lời giải thích cho những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan xuyên qua hành vi của con người, trên căn bản đó, ta có thể tìm ra những giải pháp để điều chỉnh những hành vi của con người mà biểu hiện của hành vi đó là những hoạt động gây ảnh hưởng đến những giá trị của hành vi đạo đức trong xã hội. Phân tâm học ra đời từ giai đoạn cuối của thế kỷ XX cho đến nay đã được ứng dụng trong nhiều ngành khoa học nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho cuộc sống xã hội. Cho nên cần phải tiếp tục nghiên cứu để phát triển học thuyết này để ứng dụng nó trong cuộc sống giúp giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Tác phẩm này của ngòi bút Khánh Lan ghi tựa “Phân Tâm học và Đời sống“. Như đã nói học thuyết này nghiên cứu về thế giới nội tâm của con người, cho nên tác giả trình bày những tác động của nó liên đới trong các phạm vi như y hoc, tư pháp, cũng như lãnh vực văn học, nghệ thuật và điện ảnh.

           Mô thức phân tích tâm lý của tác giả Khánh Lan rất chuyên môn, tinh tế qua các phạm vi trên đa phần do kiến thức văn hoá và kinh nghiệm nghề nghiệp của tác giả. Vấn đề nêu ra trong tác phẩm ở đây là bối cảnh phân tích trước một sự kiện ví dụ như y học, hoặc văn học hay nghệ thuật, qua bối cảnh phân tích tâm lý bệnh nhân hay tâm lý nhân vật phải chỉnh chu, hợp lý lẽ, ngay cả khi ví dụ hiện tượng dồi dào của văn học nghệ thuật phân tích dành cho nghiên cứu các văn nghệ sĩ đến một lúc nào đó có thể sẽ đem lại sự thay đổi cho kết quả đúng đắn.

           Tác giả sáng tác văn phẩm biên khảo giữa hai phạm vi rộng, như tác phẩm của Khánh Lan kể chuyện về Văn học sở thích yêu văn và Triết học sở trường nghề cũ. Câu hỏi được nêu ra là văn học và triết học có liên quan mật thiết hoặc có sự liên hệ hỗ tương? Nếu chúng ta giải thích theo nền tảng văn hóa học thuật thì triết học thường được tách ra khỏi văn học khi ta so sánh. Tôi nghĩ rằng giới triết gia coi văn học như một dạng nghệ thuật văn chương chứ không như chiều sâu lý luận của bên tríết học. Theo tôi, giới văn học và triết học có sự kình chống, kỳ thị nhau, điển hình như trường hợp của Nietzsche, ông luôn luôn bị hoài nghi bởi các triết gia cổ điển, họ cho rằng Nietzsche không phải là một triết gia “hợp thời” hay ngồi “chung chiếu” bởi Nietzsche đã không sử dụng phương pháp lý luận theo khuynh hướng phổ thông truyền thống của triết học. Các triết gia cổ điển phê phán lối hành văn của Nietzsche là hệ phái trọng ngôn ngữ của văn chương, không phải của bên triết học. 

Ngược lại, giới văn chương cũng không chấp nhận những tác phẩm của Nietzsche mang giá trị về văn chương bởi ông thiên nặng về lý luận triết lý. Tuy nhiên, đối với những người nghiên cứu văn học càng về sau, văn triết thường hòa hợp nhau, ví dụ như tiểu thuyết Middlemarch của George Eliot, Moby-Dick. của Herman Melville, Death in Venice của Thomas Mann, The Black Prince của Iris Murdoch, Infinite Jest của David Foster Wallace, Les Jeux Sont Faits của Jean-Paul Sartre, Le Deuxième Sexe của Simone de Beauvoir… những văn bản văn học hay tác phẩm văn chương vốn là phương tiện quảng bá quan trọng. Xét văn bản về bối cảnh lịch sử, xã hội, nguồn gốc xuất thân của tác giả, v.v… Văn học cho phép nhiều phương thức diễn đạt độc đáo, những thứ như người kể chuyện thiên vị, ví dụ chẳng hạn như tác phẩm Lolita của văn hào Nga Vladimir Nabokov, người dùng ngòi viết hiện thực. tâm lý học, tức xen lẫn với nét triết tính, tươmg tự như những danh tác của anh em Karamazov, tiểu thuyết nổi danh Anna Karenina, v.v… Sự trưởng thành trong phản ứng với xung đột như trong tác phẩm của Hermann Hesse như Demian thì có người cho đây là sách triết tính, kẻ xếp nó là dạng tiểu thuyết văn học.

Tôi suy nghĩ về người bạn văn này chọn đi giữa 2 lằn đạn như Nietzsche, Khánh Lan viết xong 4 quyển văn học. Nay cô đã hoàn tất tác phẩm thứ 5 là “Phân tâm học và đời sống“. Phạm vi psychoanalysis vốn là một phần trong đề mục bậc cao học bên ngành Socio-Psychology của cô. Khánh Lan cho biết sau khi xong tác phẩm thứ 5 này về champ freudien, Khánh Lan có thể nghiên cứu về những lãnh vực khác như Tam giáo đồng nguyên mà cô rất mong muốn tìm hiểu và học hỏi, hay sẽ hoàn tất sách kế về Siêu hình học và Triết hiện sinh. Đây là những chủ đề triết học rất hay khi thi sĩ Cung Trầm Tưởng khích lệ cô viết, nét tinh hoa giữa hai lãnh vực triết phổ thông liên quan đến tư duy văn học nghệ thuật trong nếp sống xã hội nhân sinh.

Chúc mừng Khánh Lan.

Việt Hải.
California, March 2021