Khánh Lan,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  LỊCH SỬ,  Việt Hải

Nhìn Lại Văn Hóa Kinh Bắc.

(Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Nhận thức được vai trò trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Dân ca Quan họ, Ca trù trong những năm qua, được bảo tồn khá tốt. Bài viết này xoay quanh chủ đề âm nhạc truyền thống của vùng Việt Yên – Kinh Bắc. Xin vào đề.

Xét về địa lý, Việt Yên nằm ở vị trí trung tâm trên con đường chiến lược của tỉnh Bắc Giang nối Lạng Sơn với Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, vùng đất giàu tài nguyên ở nơi địa đầu cửa ải mà phía Đông Bắc đất nước, tọa lạc có sông Cầu là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch cắt ngang địa hình, phân cách với tỉnh Bắc Ninh, nơi nối liền vùng hạ các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng với Bắc Ninh, Bắc Giang, và Thái Nguyên.

Tóm lại, Việt Yên là huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 10 km. Diện tích tự nhiên 17.135 ha, gồm 19 xã, thị trấn. Cũng nên ghi nhận Việt Yên còn là vùng đất địa linh nhận kiệt, nơi sinh ra danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung; Hán Quận công Thân Công Tài, nơi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, nổi tiếng. Toàn huyện có trên 331 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 71 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà – Nơi sở hữu và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc: Bộ Mộc bản kinh Phật là bảo vật quốc gia, Lễ hội chùa Bổ Đà làdi sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vườn tháp chùa Bổ Đà là vườn tháp lớn và đẹp nhất Việt Nam.

Việt Yên còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát Chèo, Tuồng cổ, đặc biệt là Dân ca Quan họ, Ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với người dân Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Một trong những thành tựu nổi bật là hàng năm đã tổ chức liên hoan hát Quan họ của Việt Yên tại Lễ hội Chùa Bổ Đà. Tính từ năm 2000 – 2019, liên hoan hát Quan họ của huyện đã tổ chức được 19 lần. Thành quả ghi nhận như điều nghiên, ghi chép thu thanh 19 bài Quan họ dị bản tại làng Quan họ Trung Đồng. Đây là tư liệu đặc biệt quý cần phải lưu giữ và bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho các thế hệ về sau.

Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Ca trù cần được bảo vệ tại  huyện Việt Yên giai đoạn 2014-2020. Huyện đã tổ chức và triển khai Đề án “Khôi phục lối hát đối đáp Quan họ” tới 100% các làng Quan họ ven sông Cầu thuộc các xã Tiên Sơn, Vân Hà, Ninh Sơn, Quảng Minh, Quang Châu, Vân Trung, thị trấn Nếnh.

Về thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ, Ca trù, sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: 10 năm qua, môi trường thiên nhiên và xã hội của sinh hoạt văn hóa Quan họ là các thôn làng Quan họ được bảo tồn và phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ được cơ quan liên hệ xếp hạng bảo tồn.

Phong trào quần chúng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy Dân ca Quan họ, Ca trù đã tập hợp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện chung tay góp sức tham gia. Đến nay toàn huyện có 18 làng Quan họ cổ. Nhắc đến quan họ, nhiều người chỉ nghĩ đến Bắc Ninh như một chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, ngay bên kia bờ bắc sông Cầu, mảnh đất Việt Yên cũng được coi là một trong những cái nôi khai sinh ra những câu giao duyên đằm thắm, mặn mà.

Việt Yên cũng là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ thuộc danh sách 49 làng quan họ Kinh Bắc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh vào năm 2009.

Tại Việt Yên người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu nói: “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài.” Đó chính là cái tình của người Quan Họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, đúc kết thành lời ăn nết ở của người dân Kinh Bắc; góp phần quan trọng làm nên sức sống, sức lan tỏa của quan họ trong đời sống đương đại, bà Đoàn Thị Mùi, một chị cho biết như thế.

Người Kinh Bắc nói chung và người Việt Yên nói riêng vốn trọng chữ “tình.” Bởi vậy, mọi cử chỉ, lời nói đều rất cẩn trọng, ý nhị. Điều này được biểu hiện một cách tinh tế qua từng câu hát trong tổng số hơn 200 làn điệu Quan Họ cổ (với hàng ngàn dị bản) đang được lưu giữ, bảo tồn trong đời sống cộng đồng.

Ngoài ra, các bậc cao niên cũng chỉ biết rằng, từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc.

Từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc. Trong một số giai đoạn cụ thể (thập niên 1950s-1960s), do điều kiện lịch sử, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông người tham gia (trong đó có Quan Họ) không diễn ra phổ biến, thường xuyên.

Các nghệ nhân Quan Họ ở Việt Yên cho biết: “Trước đây, cổ nhân không gọi là “hát Quan Họ” như hiện nay mà gọi là “chơi Quan Họ.” “Hát Quan Họ” thì nhiều người thực hành được, nhưng “chơi” Quan Họ cho đúng bài bản, lề lối cổ thì không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, “chơi” quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã”, liền chị Đàm Thị Mùi chia sẻ. Bà Mùi là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Quan Họ Nội Ninh.

Một canh hát Quan Họ cổ thường có ba chặng. Ở chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị thường hát theo đúng niêm luật, lề lối cổ. Chặng thứ hai là chặng vặt, người hát sử dụng các làn điệu phổ biến trong đời sống sinh hoạt. Chặng thứ ba được gọi là chặng giã, đòi hỏi cách hát lưu luyến, luyến láy trữ tình.

Hơn nữa, người xưa cũng không gọi là “bài” Quan Họ như hiện nay. Thay vào đó, người Quan Họ gọi là “câu.” Thông thường, mỗi liền anh, liền chị thuộc từ 50 đến 70 “câu,” mỗi nghệ nhân “nằm lòng” hàng trăm “câu” Quan Họ.

Một trong những không gian sinh hoạt truyền thống của quan họ cổ là “nhà chứa” (nơi truyền dạy, tiếp đón các anh hai, chị hai từ những nơi xa đến). Trong quá trình bảo tồn và phát triển, toàn huyện đã có hơn 15 “Nghệ sĩ xuất sắc“, hay “Nghệ nhân” hạng tài ba, ưu tú. Đây là những người có tài năng và thành tích xuất sắc trong việc nắm giữ và truyền dạy di sản Quan Họ, hay Ca Trù cho các lớpkế cận. Thực hiện sự hướng dẫn của Huyện, ngành Giáo dục tổ chức triển khai lồng ghép chương trình giảng dạy Dân ca Quan Họ vào trong trong hệ thống các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong toàn huyện. Với các kết quả hoạt động trên, Dân ca Quan Họ được bảo tồn bền vững và phát triển sâu rộng trong mọi thành phần xã hội, đặc biệt là gIớI thanh thiếu niên.

Văn hóa phi vật thể, là gÌ?

Di sản văn hóa phi vật thể (tiếng Anh: Intangible cultural heritage, tiếng Pháp: Patrimoine culturel immatériel) là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa có liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng thế giới, không ngừng bỏ mà được tái tạo và được bảo tồn và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vào năm 2019 thì với việc “Kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan Họ, Ca Trù” được UNESCO từ 2009 vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và những thành tựu khả quan trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca Quan Họ, Ca Trù trong thời gian qua không chỉ là minh chứng cụ thể và sinh động sự cam kết của ngườI dân Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của ngườI  loại, mà còn làm cho Dân ca Quan Họ, Ca Trù trở thành nguồn văn hóa xã hội quý báu của Việt Nam nói chung, hay Bắc Ninh nói riêng.

Quan Họ là một loại hình dân ca phong phú về giai điệu. Quan Họ được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Phương thức này là một yếu tố giúp cho Quan Họ trở thành một loại hình dân ca có số lượng lớn bài hát với giai điệu khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính phương thức này đã làm cho các bài Quan Họ lưu truyền trong dân gian bị biến đổi nhiều, thậm chí khác hẳn sẽ với ban đầu. Nhiều giai điệu cổ đã mất hẳn. Mặc dù sự thay đổi này cũng làm cho Quan Họ phát triển, nhưng ở trong bối cảnh văn hóa Phương Tây đang xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, vấn đề bảo tồn nguyên trạng Quan Họ trong từng giai đoạn phát triển là việc làm cấp thiết.

Những bài hát nhắc về Quan Họ phỏ thông như:

Những bài hát Quan Họ phổ thông như: Năm liệu bảy lo, Trẩy Hội Xuân, Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Trống cơm, Cò lả, Lý giao duyên, Bạn tình ơi, Mười nhớ, Tìm em trong chiều Hội Lim, Gửi về Quan Họ, Cây trúc xinh, Dân ca Quan Họ, Nhớ về Hội Lim, Trầu cau Quan Họ, Lý tình tang, Người ơi người ở đừng về, Qua cầu gió bay, Ngồi tựa mạn thuyền, Song đào, Đêm qua nhớ bạn, Để nhện giăng mùng, Tương phùng tương ngộ, Hồng Hồng Tuyết Tuyết…

Trích doạn bài ca trù Hồng Hồng Tuyết Tuyết

Tuyết muốn lấy ông…

Xưa …ngày xưa Tuyết muốn lấy ông

Ông chê. Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì

Đến thì. Bây giờ Tuyết đã đến thì

Ông muốn lấy Tuyết.

Tuyết – Tuyết chê ông già

Hồng Hồng Tuyết Tuyết

Mới ngày nào còn chưa biết chi chi

Mười lăm năm thấm thoát có xa gì

Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu

Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu

Khanh kim hứa giá, ngã thành ông

Cười cười nói nói sượng sùng,

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Riêng một thú Thanh Sơn đi lại

Khéo ngây ngây

Khéo ngây ngây dại dại với tình…

Ví dụ bài ca Quan Họ phổ thông khác, xin trích đoạn lời bài hát: Người ở đừng về:

Nữ:

Em về em vẫn í ì i í i

Nay có ó o mấy khóc ơ nay ở ớ khóc thầm là

Đôi í ơ bên là đôi bên vạt áo

Mà này cũng có a ướt đầm

Ướt đầm như mưa

Người ơi ngươi ở em về

Nam:

Người về tôi dặn í ì i í i

Nay có ó o mấy lời này ở ớ nhời này là

Sông í ơ sâu là sâu song bên chớ lội.

Mà này cũng có a đo đầy.

Đò đầy người chớ qua.

Người ơi ngươi ở đừng về….

Có khuynh hướng mới là nên cải tiến, đổi mới những bài ca Quan Họ cũ. Nhạc sĩ Đức Miêng đã có số “vốn liếng” đồ sộ với hơn 200 tác phẩm bao gồm ca cảnh, hoạt cảnh, Quan Họ lời mới và âm hưởng dân gian Quan Họ. Ông cho ra những sáng tác với ca từ mới cho Quan Họ.

Nhạc sĩ Đức Miêng trình bày: “Chuyện này thì anh em nhà hát nói quá rồi. Thực ra tôi không phải là người đi đầu trong việc soạn ca từ mới cho Quan Họ. Việc này, các cụ đã làm từ rất lâu rồi, nói đúng hơn đó là một đặc tính cụ thể trong sáng tạo các làn điệu Quan Họ cổ… Người hát là người nghe nhưng đồng thời cũng là người sáng tác các làn điệu mới để đối lại bài bên kia ra. Cứ qua một mùa lễ hội, lại có thêm vài làn điệu mới đóng góp vào vốn Quan Họ cổ của dân tộc.”

Thật vậy, người nhạc sĩ chủ trương với ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, giữ hồn bài ca, và biểu hiện nét tình tự dân tộc tronng bài ca Quan Họ mới, giúp chuyển tải những bài học nhân sinh sâu sắc cho thế hệ trẻ về sau này.

Viết đến đây, tôi chạnh nhớ đến Nhạc sĩ Anh Bằng, có lần tôi tâm sự cùng ông, tôi vốn thích âm nhạc Quan Họ Kinh Bắc, những bài như Người ơi người ở đừng về, hay Hồng Hồng Tuyết Tuyết, tôi đề nghị ông “hóa phép” ra phiên bản nhạc mới.

Ông chọn bài “Người ơi người ở đừng về“, bởi vì ông đọc qua lời thơ, ông có nguồn cảm tác ngay. Xin trích doạn bài viết của Nhạc sĩ Anh Bằng như sau…

“Mới đây anh bạn Việt Hải ngỏ ý là tôi hãy phổ nhạc một bài dân ca Quan Họ, tôi bảo tôi chỉ phổ theo lối dân ca quê hương mà thôi. Vì dân ca Quan Họ cần những quy tắc về điệu hát và nhạc cụ chuyên môn, nó không phải phạm trù chuyên môn của tôi. Bài hát Quan Họ mà Việt Hải bàn luậnbài hát nổi tiếng mà nhiều người biết đến là Người Ở Đừng Về, đây là tên một bài hát dân ca Quan Họ Bắc Ninh do Xuân Tứ cãi biên từ bài Quan Họ cổ điển Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan và bài hát được viết xuất xứ từ một bài thơ dân gian. Bài hát thường được cất lên vào lúc hội tàn, nhất là khi từ giã nhau. Trong ý thơ chan chứa lời hò hẹn, nhằn nhủ khi ta nghe câu ca “Người ơi! Người ở đừng về”.

(Hình minh họa Ngọc Khánh)

Người ơi người ở đừng về

Người về em vẫn khóc thầm

Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa

Người ơi người ở đừng về

Người về em vẫn trông theo,

Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi

Người ơi người ở đừng về

Người về em nhắn tái hồi

Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai

Việt Nam là quốc gia mà nền kinh tế và xã hội được phát triển từ nông thôn, do đó nếp dân sinh ở các xóm làng miền quê, tình yêu trai gái được ghi nhận qua nhiều trong vần thơ hay các câu đồng dao. Sự lãng mạn của trai gái bị nếp lễ giáo nho phong ràng buộc, hãy nghe tiếp đoạn cuối:

Mình về, ta chẳng cho về,

Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ

Câu thơ ba chữ rành rành:

Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.

Chữ Trung thì để phần cha,

Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.

Những bài dân ca Quan họ khác thịnh hành là: Ngồi tựa song đào, Tương phùng tương ngộ, Bèo dạt mây trôi, Ngồi tựa mạn thuyền, Đêm qua nhớ bạn…

Sau đây xin đính kèm bản nhạc mà bài Người Ở Đừng Về mà tôi phổ thành nhạc như sau, dẫn ý lời trìch từ bài thơ nêu trên.

Mình Ơi Em Chẳng Cho Về

Người ơi người ở đừng về

Người về em vẫn tỉ tê (mà) khóc thầm

Người về em đứng em nằm

Đôi bên vạt áo ướt đầm (mà) như mưa

Người ơi nười ở đừng về

Người về em vẫn kè kè (mà) trông theo

Người ơi em vẫn trông theo

Trong nước nước chảy trông bèo (mà) bèo trôi

Mình ơi!

Mình ơi đừng ở đừng có về nghe

Mình về em nhắc lời thề (mà) nhớ thương

Nhớ thương nhớ thương em vẫn nhớ thương

Yêu em xin chớ chung giường (mà) với ai

Mình ơi em chẳng cho về

Em níu vạt áo em đề (mà) bài thơ

Chữ Trung xin để phần cha

Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta (là) chữ Tình

Tình tình tình ơi hỡi tình ơi

Tình tình tình ơi hỡi là tình

Tình tình tình ơi hỡi tình ơi

Tình tình tình ơi hỡi là tình

 (Anh Bằng).” Bài hát này được côNghệ sĩ Dân ca ba miền” Thúy Anh trình bày trong nét chút nũng nịu, chút làm dáng khiến các liền anh, liền ông lên cơn sốt tâm can thì phải? Nghe Thúy Anh ca xong anh Bằng và tôi tâm đắc rất vui. Phiên bản “Mình Ơi Em Chẳng Cho Về” của Nhạc sĩ Anh Bằng, với tôi có sự dễ thương nào đó, nó mang hồn tôi đến vùng trời Việt Yên- Kinh Bắc trong mộng tưởng, bởi vì tôi, trai nam kỳ chưa hề bước chân qua khỏi vĩ tuyến 17. Nhưng quê hương quá nhiều nơi đẹp đẽ, và văn hóa quê hương dường như đã ăn sâu vào dòng huyết quản của tôi tự thuở nào.

(Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Bài viết dựa vào nhiều nguồn tài liệu internet. Bài viết đăng trên báo Xuân cũa Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024

Việt Hải và Khánh Lan, 19/01/2024.