Khánh Lan,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Nhà văn Khánh Lan: “Con chọn ngành học, cha mẹ không nên áp đặt, mà chỉ góp ý”.

Nhà văn Khánh Lan trong một lần ra mắt sách. (Hình: Khánh Lan cung cấp)

Ký giả Đằng-Giao/Người Việt. April 10, 2023

ANAHEIM, California (NV) – Trước sự lựa chọn ngành nghề của con cái, theo nhận định của nhà văn Khánh Lan, cha mẹ không nên trực tiếp hướng dẫn, nhưng nên can thiệp một cách khéo léo, tế nhị hơn.

Nhà văn Khánh Lan tốt nghiệp cao học tâm lý xã hội tại đại học Cal State Fullerton năm 2002 và làm công việc cố vấn tâm lý suốt nhiều năm tại Orange County.

Trong buổi phỏng vấn cùng Đằng Giao, nhà văn Khánh Lan chia sẻ “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” ngày nay trở nên quá lỗi thời, bà nói: “Những em học sinh sanh ra bên này và được giáo dục theo văn hóa Tây Phương, được dạy dỗ về quyền tự do lựa chọn cho nên kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên để các em tự tìm kiếm thông tin trên Internet hoặc chọn ngành học do sự ảnh hưởng của bạn bè. Vì như thế, các em có thể lựa chọn một ngành học không đúng với khả năng và ước vọng của mình.”

Bà khuyên rằng, việc nói chuyện, trao đổi và tương tác giữa cha mẹ và con cái quan trọng hàng đầu. Và để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra, bắt đầu từ năm con cái học lớp 10, gia đình có thể dần dần tìm hiểu thêm về khả năng và ước vọng của con em. Bà nói, Hầu như tất cả các trung học đều có những buổi nói chuyện và hướng dẫn chọn ngành học cho các học sinh lớp 10. Trong thời gian này, cha mẹ cũng nên theo dõi việc học và xem con đuối về môn gì, có cần học thêm hay luyện thi để vào đại học hay không? Có cần xin học bổng, mượn tiền hay sự giúp đỡ của chính phủ hay không? Phần lớn, trung học nào cũng có văn phòng hướng dẫn việc này”.

Chúng ta không nên kiểm soát sự lựa chọn của các em vì điều đó sẽ tạo nên một khoảng cách trong mối tương quan giữa cha mẹ và các em. Nó sẽ làm cho các em không muốn chia sẻ ý kiến của chúng trong bộ óc “tập làm người lớn” của các em, bà chia sẻ thêm.

Bà nói: “Do đó, cha mẹ có thể khéo léo hỏi các em như, ‘Con có định học ngành nào chưa?’ hoặc ‘Con có thể kể cho cha mẹ nghe ý định của con không?” hay “Mẹ có thể làm gì để giúp con? v.v…’” Mục đích của việc nói chuyện với con cái là điều tối quan trọng để biết được khả năng, sở thích cũng như ước muốn của chúng,” bà nhấn mạnh.

Theo bà, muốn làm được điều này, không dễ mà cũng chẳng khó. Việc này đòi hỏi bậc cha mẹ phải kiên nhẫn lắng nghe cũng như cho phép và tôn trọng những phát biểu, chia sẻ, suy nghĩ, ý kiến của các em. Rồi từ đó, chúng ta sẽ nghiên cứu thêm tài liệu và sau cùng là giải thích, hướng dẫn các em phương cách chọn ngành học.

Bà nhắc nhở: “Chúng ta nên nhớ rằng, các em học sinh sẽ dễ dàng đi đến thành công trong học đường cũng như đường đời khi chúng chọn đúng con đường mà chúng yêu thích.

Bà thêm: “”Áp đặt” con cái chọn ngành học là một việc làm tối kỵ mà chúng ta không nên làm. Trong quá khứ, sự áp đặt và so sánh con cái mình với những đứa con của bạn bè đã đưa đến những trường hợp bi thảm, chẳng hạn như các em tìm đến cái chết hoặc tự tay giết cha mẹ vì bị quá nhiều áp lực của gia đình.

Như vậy, cha mẹ chỉ nên góp ý thôi. Điều quan trọng là trước khi góp ý, cha mẹ phải nghiên cứu, thấu hiểu một cách mạch lạc về lãnh vực mà gia đình dự định thảo luận, theo bà Khánh Lan.

Bà giải thích: “Thí dụ, một học sinh hội ý với cha mẹ rằng em muốn trở thành một kiến trúc sư, thì trước hết cha mẹ phải tìm hiểu xem con mình có thích học hỏi, nghiên cứu về các công trình kiến trúc trên thế giới, có khả năng sáng tạo, có kiên nhẫn hàng giờ để vẽ những họa đồ, có thích giao tiếp với mọi người, v.v… Một khi các em có đủ các tiêu chuẩn trên, cha mẹ mới bắt đầu đi sâu vào các lãnh vực như, môn học, chọn trường học kỹ thuật, chi phí học đường, kinh tế gia đình, thị trường, kiến thức, kinh nghiệm, v.v… và sau cùng là hướng dẫn và cung cấp cho học sinh này các dữ kiện, tin tức liên quan đến ngành học.”

Bà cảnh báo: “Điều nên chú ý là phải khéo léo khi hướng dẫn các em, tránh việc “quan trọng hóa” vấn đề khiến các em hoảng sợ mà bỏ ý định và ước muốn của mình.

Bà cũng có đôi lời gởi đến các em học sinh, bà nói: “Các em nên kiểm điểm xem mình thích gì, làm việc gì khi ra trường. Từ đó, các em mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về ngành mà mình muốn học.

Nhà văn Khánh Lan chia sẻ: “Ngành học nào cũng đóng góp nhiều ích lợi cho xã hội. Điều cần thiết là ngành học ấy có thích hợp với các em không và các em yêu thích ngành ấy không, vì đó là con đường dẫn đến sự thành công.”

Ngoài ra, các em cũng nên biết thật rõ mọi vấn đề liên quan đến việc chọn và nộp đơn vào đại học nào và điều kiện xin học ra sao. Biết rằng các em đã biết nhưng bà vẫn nhắc thêm: “Các em nên nói chuyện với các giáo sư cố vấn trong trường hay những người có kinh nghiệm trong ngành mà các em chọn, để thấu hiểu rõ ràng những việc cần phải chuẩn bị. Nên biết càng sớm càng tốt về những quy luật để xin học bổng hay mượn tiền học như thế nào. Các em nên chia sẻ ý tưởng của mình với cha mẹ hay các vị cố vấn giáo dục.”

Nhà văn Khánh Lan nói: “Ngành học nào cũng đóng góp nhiều ích lợi cho xã hội sau khi các em ra trường. Điều cần thiết là ngành học ấy có thích hợp với các em không và các em yêu thích ngành ấy không, vì đó là con đường dẫn đến sự thành công.” [đ.d.]

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

Inline image