KIẾN THỨC TỔNG QUÁT

Đoạn Trường Tân Thanh: tác phẩm tư tưởng của Việt Nam và của nhân loại

Giá trị “Đoạn Trường Tân Thanh’ trước nay đã được nói nhiều về mọi lãnh vực : nghệ thuật, đạo đức, nhân đạo, triết lý, tâm lý, lịch sử, xã hội, chính trị,…Nhưng, theo người viết, tất cả những giá trị đó mới chỉ là những phần ‘ngoại diện’ hay chỉ là những cái đến sau, mặc nhiên đến, những cái cục bộ, từng phần tất yếu nằm sẵn trong cái ‘chung cùng’ bao quát toàn diện, toàn trình’ mà Nguyễn Du muốn phổ vào tác phẩm. Cái ‘chung cùng, bao quát, toàn diễn, toàn trình’ đó là cái gì ? Xin thưa, đấy là tư tưởng Nguyễn Du được gởi vào tác phẩm và vì thế, nên, theo người viết, ‘Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm tư tưởng”.

 Theo Nguyễn Thùy Đoạn Trường Tân Thanh không chỉ là tác phẩm của riêng dân tộc Việt Nam mà còn là của chung nhân loại vì đề cập đến mọi thắc mắc của chung nhân loại xưa nay. Câu hỏi đặt ra: Do đâu có thể bảo “Đoạn Trường TânThanh” là tác phẩm tư tưởng?

  1. Trước tiên do nhan đề tác phẩm: từ Cựu Thanh sang Tân Thanh.
  2. Tại sao Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh?

Dân gian thường gọi tắt Đoạn Trường Tân Thanh là Truyện Kiều. Nhiều bản in ấn do các học giả hoặc do cả các cơ quan Văn hóa, Giáo dục đôi khi cũng lấy tên là “Truyện Kiều” và cũng không mấy để ý lý do nào Nguyễn Du đã đặt tên cho tác phẩm phóng tác của mình là Đoạn Trường Tân Thanh. Từ ngữ Đoạn Trường Tân Thanh có thể hiểu theo hai cách.

  1. Trước tiên là “Tiếng kêu mới (làm) đứt ruột“. Nếu hiểu như thế thì chỉ giới hạn nơi câu truyện về cuộc đời Kiều thôi, như thế sẽ không đúng với nội dung tư tưởng của tác phẩm, vì nếu bởi đoạn trường mà Kiều trải chịu cảnh hồng nhan bạc mệnh thì chưa hẳn những đoạn trường cùng cực nơi cõi trần. Trong cuộc sống thực tại, Kiều không chỉ hoàn toàn bị vùi dập nơi đoạn trường bi thảm, mà cũng có khi nàng đã hưởng bao sung túc, vinh quang.
  2. Theo cách hiểu thứ hai: Đoạn trường nghĩa là đau khổ và Tân Thanh là “tiếng mới” mà “tiếng” là “âm thanh” Tân Thanh là “Tiếng kêu mới của con người về đau khổ“.

Ngôn ngữ, theo nghĩa phổ thông là ‘’hệ thống dấu hiệu dùng làm phương tiện truyền đạt, thông giao’’ (1). Theo Martinet: ‘’Ngôn ngữ là quan năng của con người thông giao với nhau bằng âm hiệu’’ (2). Định nghĩa theo hai cách trên là căn cứ trên cái “Dụng” thông thường của ngôn ngữ. Hiểu ở bình diện cao hơn, theo thể điệu M. Heidegger: ‘’Ngôn ngữ là ngôi nhà của Đạo Thể. Trong ngôi nhà đó, con người cư ngụ. Những nhà tư tưởng và thi sĩ là những người canh giữ chỗ cư ngụ đó. Sự canh giữ của họ là công trình viên đạt mối hiển lộ của Đạo Thể ; qua thể điệu và cách nói của họ, họ mang chở mối hiển lộ đó vào ngôn ngữ và bảo lưu nó trong ngôn ngữ’’ (3). Hiểu như thế, thì chính ngôn ngữ làm hiển lộ Đạo Thể (hay Tính thể) nơi hiện thể. Đạo Thể được hiểu là ‘’uyên nguyên sinh thành vạn hữu và cư ngụ nơi mỗi thứ hiện hữu (mỗi hiện thể, mỗi pháp) để đưa vạn hữu trở lại với mình’’. Đạo học Đông Phương đã bảo : ‘’Vạn vật đồng nhất thể, Vạn hữu bản lai đồng’’ và ‘’Tất cả khởi đi từ Một để trở về trong Một’’. Kinh sách Phật giáo, Ki-Tô giáo cũng nói như thế (xin không dẫn chứng để tránh dài dòng). Theo M. Heidegger, chỉ riêng nhà tư tưởng và thi sĩ mới nghe ra và viên thành sự hiển lộ của Đạo Thể qua ngôn ngữ.

Nhưng ngôn ngữ không chỉ Tiếng và Từ, Lời và Câu, Vần và Điệu mà là Cách Nói (le Dire) của họ. Cách nói của nhà Tư tưởng và thi sĩ thể hiện cách nói của Tư tưởng (le dire de la pensée) nghĩa là cách thể hiện của tư tưởng vào hoạt sinh, vào cõi tại thế. Theo Parménide, ‘’tư tưởng và Đạo thể là một’’ (4). Theo Đạo học, Đạo Thể là cái Nguồn gốc sinh thành vũ trụ. Cái nguồn gốc đó thể hiện nơi cõi thế gian qua tư tưởng và tư tưởng được giải bày qua ngôn ngữ tức cách nói của nhà tư tưởng và thi sĩ.

Cách nói của Nguyễn Du qua Đoạn Trường Tân Thanh chính là ngôn ngữ Nguyễn Du và ngôn ngữ Nguyễn Du qua tác phẩm nầy, diễn đạt ‘’tiếng kêu mới về đoạn trường’’ tức ‘’cái nhìn mới’’, cái ‘’Ý nghĩa mới của đau khổ’’ về cuộc đời, về hiện hữu tại thế, có khác với cái nhìn cũ, cái “nhìn cựu thanh” xưa nay . Do đó mà ông đặt tên cho tác phẩm là ‘Tân Thanh.

Đoạn Trường Tân ThanhTiếng kêu mới về đoạn trường. Tiếng đoạn trường mới không là tiếng than khóc mới mẻ hay một đoạn trường mới nào khác tiếp theo cái đoạn trường đã có mà là cái nhỉn mới về đoạn trường. Cũng là cuộc sống bi đát của Kiều, cũng là tấm thân trôi nổi, bèo bọt của Kiều -của kiếp người nói chung- nhưng Thanh Tâm tài nhân cũng như mọi người xưa nay đã nhìn theo cái đoạn trường cũ, cái đoạn trường cựu thanh; Nguyễn Du đã nhìn ra cái tiếng mới trong cái cũ đó. Từ cái nhìn cựu thanh’ về đau khổ, Nguyễn Du đã nhìn ra cái tân thanh của đau khổ để phóng tác Kim-Vân-Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thành Đoạn Trường Tân Thanh.

Cuộc sống vốn khổ, cuộc đời vốn khổ, nhà Phật đã bảo thế, triết lý Đông Tây cũng bảo thế, hiện thực cuộc sống, cuộc đời từng người, từng dân tộc, quốc gia và chung cho cả nhân loại đã minh chứng điều đó. Cái khổ, cái đoạn trường muôn đời xưa nay vẫn thế: bịnh tật, nghèo nàn, nợ nần, thất nghiệp, thất tình, thất chí, bị coi thường, dèm pha, phỉ báng, đó kỵ, khinh khi, bị bóc lột, bị chà đạp oan ức, bị hạ nhục, bị tù tội, bị hành thân hoại thể, bị bắt làm tôi đòi, nô lệ, không nguồn cảm thông, không nơi nương tựa, sống vô gia cư, chết vô địa táng, bị bắt buộc phải làm trái ý mình, bị đẩy vào đường cùng thế bí, con gái phải kiếp giang hồ, con trai phải vòng lao lý… nghĩa là mãi mãi lo lắng, hãi hùng, buồn đau, bi lụy, thấp thỏm, bồn chồn cho cuộc sống bây giờ và ngày tới.

Cuộc sống nào rồi cũng lẩn quẩn mãi trong một tiết điệu hao mòn, tê tái: sinh ra, lớn lên, làm việc, học hành, đấu tranh, cưới vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái, hoạt động mưu sinh, hiến mình cho lý tưởng, buông tuồng theo khoái lạc, ví đuổi phương tiện, thời trang, mưu giàu, mưu lợi, mưu sự nghiệp, công danh, tiếng tăm, hạnh phúc… vui phút chốc, buồn triền miên, thành công ngắn ngủi, thất bại não nề, sướng khổ, buồn đau liên tục… rồi già nua, chết chóc, từ thời ông tằng, ông tổ đến đòi cha, đời mẹ, đời con, cháu, chắt, chít… bao giờ cũng thế, cũng thế!

Ngay cả những kẻ đã thành công một thời, uy thế, tiếng tăm lẫy lừng một thuở, lúc tuổi đời bóng xế có sống thong thả yên vui, có được mọi người nhắc đến, hâm mộ kỳ công, thành tích; lúc chết có được bao khách thập phương đưa đón, điếu tang với nhiều vòng hoa tưởng niệm, thì, thật ra, lúc bóng ngả tà huy, không khỏi lạnh buồn, u uẩn trong hoài cảm ngày qua và trong nhạt nhòa hiện tại. Nhất là lúc nhìn thành tích mình đã bị vượt qua, lúc kỳ công của mình ít nhiều bị phủ nhận, lúc thời thế đổi thay, trào lưu chuyển khác rồi đếm tuổi cuộc đời không khỏi tư lự, buồn đau, u hoài lênh đênh phơ phất trong ‘nỗi buồn tại thế’ không nguôi, nhất là kiểm điểm lại bao lỗi lầm đã gây ra cho cha mẹ, vợ con, đồng bào, đất nước, quê hương, luân thường, đạo lý… rồi ân hận, dày vò. Chính vì thế mà người ta thường quan niệm cuộc sống, cuộc đời là bể khổ, là hí trường phù du, tạm bợ, giả hoặc, vô thường, là giấc mộng, cơn mơ, mối nợ, sống là gởi, thác là về…

Vâng, cuộc sống, cuộc đời là những thể hiện đó, không sai, nhưng do đâu, tại sao, để làm gì, dẫn về đâu thì chưa có lời giải đáp. Nguyễn Du đã giải đáp những thắc mắc đó.

Tân Thanh nơi Nguyễn Du là‘ngôn ngữ mớ’, và‘ngôn ngữ mớ’ nơi đây là‘cái nhìn mớ’, cái ý nghĩa mới của đau khổ. Cũng những đau khổ đó nhưng trước nay người ta nhìn theo cái nhìn cũ, cái đoạn trường cựu thanh, cho đấy là những cái dĩ nhiên, những cái tất định, không thể nào thoát ra được vì không đau khổ nầy thì đau khổ khác, có thay đổi bộ mặt, thay đổi mức độ, tính chất nhưng chung quy vẫn là đau khổ. Mượn tất cả những đoạn trường cựu thanh của Kiều, của Hoạn, của Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, của Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh (ngoại trừ Vãi Giác Duyên và Sư Tam Hợp), Nguyễn Du muốn đưa dẫn chúng ta về một cái ‘nhìn mới về đau khổ nên đặt tên tập truyện là Đoạn Trường Tân Thanh. Cái nhìn mới đó, nói theo nhà Phật là ‘’Phiền não là Bồ đề, Khổ đau là Giải thoát’’. Cái nhìn mới về đau khổ đó cũng được Jésus nói đến qua bài giảng trên núi vê Tám Mối Phúc, miễn là biết ‘’Trăm năm để một tấm lòng từ đây’’ như Kiều.

* Lý do Nguyễn Du phóng tác “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân. Thúy Kiều, Kim Trọng từ lúc ‘’Tiên thề cùng thảo một chương,…trăm năm tạc một chữ đồng đến xương’’ thì cuộc tình hai người xem như hoàn hảo, tốt đẹp vô cùng. Hai người, trong tâm thức, đã là một, tuy chưa chăn gối cũng vợ chồng. Nhưng rồi, cuộc đời oái oăm bẻ gảy tình duyên đôi lứa. Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú; Kiều phải bán mình chuộc cha. Mười lăm năm không gặp lại, mười lăm nam cả hai sống trong tưởng nhớ, ngậm ngùi.

Mười lăm năm sau, tái hợp, ‘’mười lăm năm mới bây giờ là đây’’ và ‘’động phòng dìu dặt chén mồi’’ nhưng ‘’Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm’’. Cả hai cùng có bên nhau, cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan, nhưng chưa hẳn là tình chồng vợ. Kết cục của câu truyện đã khiến Nguyễn Du chú ý vì hợp với tư tưởng ‘’Thiên tuế trường ưu vị tử tiền’’(câu thơ chữ Hán của ND : Trước khi chết vẫn lo nghĩ, ưu tư chuyện nghìn sau). Chính vì thế Nguyễn Du phóng tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân mà không phóng tác một tác phẩm nào khác trong vườn Văn học Trung Hoa cũng như không sáng tác một truyện nào tương tự dù ông biết cuộc sống truân chuyên, chìm nổi của bao hồng nhan bạc phận.

Chính cái nhìn mới về đoạn trường và kết thúc của câu truyện- Nguyễn Du đã phổ vào cho Truyện Kiều hai tư tưởng sau đây :

  1. Sống là đau khổ nhưng chính cái đau khổ của cuộc sống, cuộc đời sẽ giải thoát ta khỏi đau khổ. Diễn tiến nhân sinh sẽ đến thời điểm chấm dứt đoạn trường và bao nhiêu lý do, điều kiện, sự vụ con người tạo đau khổ tội lỗi cho nhau sẽ chấm dứt để mở ra một cảnh giới hay một trạng thái sống mới không còn đau khổ nữa. Điều nầy, Nguyễn Du đã nói qua Đạm Tiên –hình ảnh cuộc đời đau khổ- lúc nàng bảo với Kiều vừa được vãi Giác Duyên vớt lên từ sông Tiền Đường : ‘’Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đem mà trả nhau’’ để từ nay cuộc sống, cuộc đời hoàn toàn sung sướng với ‘’Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào’’.
  2. Tài và Mệnh không còn đố kỵ, tương khắc, tương xung mà hài hòa, hảo hợp nhau. “Tài’ là tài sức, khả năng từng người để lo cho cuộc sống riêng của mình ; “Mệnh” là cuộc đời tức cuộc sống là “môi trường xã hội”, là “cõi người ta” (trăm năm trong cõi người ta). Không nên hiểu Mệnh là số mệnh, định mệnh. Sự tranh chấp, tưong xung giữa tài và mệnh, giữa cuộc sống, cuộc đời, giữa cá nhân và xã hội sẽ đến thời điểm chấm dứt do diễn tiến tiến hóa của nhân sinh. Nguyễn Du đã tiên đoán, đã nhìn ra điều đó. Mở đầu tác phẩm bằng hai câu thơ nói lên tính cách đố kỵ giữa tài và mệnh: ‘’Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’’, Nguyễn Du đã kết thúc tác phẩm bằng câu ‘’Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai’’ (câu 3246) tuy có mượn ý nhà Phật để lý giải về chữ Tâm.

Nguyễn Thùy

Phụ lục: Thi hào Pháp Victor Hugo, theo người viết, có lẽ cũng trong những cảm nhận như Nguyễn Du, đã báo biểu giờ chấm dứt mọi đoạn trường để nhân sinh được sinh thành trở lại (sống lại) trong một kỷ nguyên mới, trong một cảnh giới mới tức vào thời điểm ‘muôn vật đổi mới’ theo Thánh Kinh Ki-Tô giáo. Trong đoạn cuối bài trường thiên ‘Bên bờ Vô hạn’ (au bord de l’infini), thi hào đã viết :

Tout sera dit. Le mal expirera, les larmes

Tariront ; plus de fers, plus de deuils, plus d’alarmes ;

L’affreux gouffre inclément

Cessera d’être sourd, et bégaiera : qu’entends-je ?

Les douleurs finiront dans toute l’ombre ; un ange

Criera : Commencement !

(Les Contemplations, nrf Poésie, Gall. Paris 2002, trang 407)

Mọi điều sẽ được nói (5). Điều xấu cáo chung, lệ buồn

Chấm dứt ; không còn xiềng xích, tù gông, tang ma, lo lắng

Hố thẳm khắt khe không còn câm nín (mà) bâp bẹ ‘tôi nghe gì ?

Đau khổ nhân sinh tan đi trong mọi vùng bóng tối

Thiên sứ từ cao reo tiếng gọi mời :

Khởi nguyên !

_________

Chú thích :

1) Tout système de signes pouvant servir de moyen de communication – André Lalande : Vocabulaire technique et critique de la philosophie.

2) Le langage est la faculté qu’ont les hommes de s’entendre au moyen de signes vocaux – Xem André Vergez và Denise Huissaman : Petie dictionnaire de la Philosophie, les abc du Bac.

3) Le langage est la maison de l’Être. Dans son abri, habite l’homme. Les penseurs et les poètes sont ceux qui veillent sur cet abri. Leur veille est l’accomplissement de la révéabilité de l’Être ; en tant que par leur dire, ils portent au langage cette révéabilité et la conservent dans le langage – M. Heidegger : Lettre sur l’humanisme trong Questions III, Gall. Paris 1973, trang 74.

4) C’est la même chose que penser et être – Xem La pensée grecque của Léon Robin, édt. Albin Michel, Paris 1973, trang 110.

5) ‘sẽ được nói’ (sera dit) có nghĩa là ‘sẽ được giải bày, sẽ được trở thành hiện thực’.