Kiều My,  Sinh Hoạt

MỘT CHUYẾN ĐI KHÓ QUÊN

Chuyến du hành ngoạn mục: Las Vegas, Nevada, Grand Canyon và Phoenix, Arizona

Buổi sáng thứ tư ngày 29 tháng 3 năm 2023, dưới cơn mưa tầm tã hiếm hoi của miền nam California; chúng tôi đã thực hiện một chuyến du hành thật ngoạn mục, mà chắc hẳn sẽ để lại dấu ấn thật sâu đậm trong ký ức của mọi người.

Chúng tôi gồm hai nhóm: Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (Hoa Kỳ) cùng Văn Học Ninh Hoà (Việt Nam); đã nối vòng tay lớn từ nửa địa cầu xuyên qua Thái Bình Dương, để cùng nhau đi trên “hành trình của những tâm hồn nghệ sĩ yêu đời”.

Bên ngoài trời vẫn mưa sướt mướt, ướt lạnh; nhưng trong xe buýt Four Season Travel, chúng tôi cảm thấy thật ấm áp tình người – Tình người cố hương và tình người viễn xứ. Chúng tôi không cảm thấy xa lạ, mà lại thật thân quen! Chúng tôi chia sẽ từng miếng bánh, từng chai nước, từng miếng trái cây chua ngọt. Cho nhau những nụ cười tươi vui trên những gương mặt hiền hòa. Trong khoảng không gian chật hẹp của xe buýt, tiếng đàn guitar của hai anh Ngọc Uẩn và Huỳnh Út hòa cùng các tiếng hát của các anh chị trong trong hai nhóm văn nghệ Tiếng Thời Gian và Ninh Hòa vang lên, nhịp nhàng, đáng yêu, khiến mọi người cảm thấy như tim mình đang rộn rã nở hoa. Phải chăng ban nhạc “cây nhà lá vườn“ đã khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ vốn sẵn có trong các văn nhân thi nhạc sĩ hiện diện trên xe? Có phải âm nhạc là chất kích thích vô hình, không màu sắc, mùi vị…nhưng lại là một loại xúc tác thật mạnh đã mang mọi người đến gần nhau hơn, thân thiện nhau hơn…bởi những giai điệu quyến rũ mời gọi của âm nhạc.

LAS VEGAS, MEVADA

Con đường dài hun hút như rút ngắn lại, chẳng mấy chốc xe đã đưa chúng tôi tới địa hạt Las Vegas, thuộc tiểu bang Nevada khi trời đã xế chiều. Las Vegas, một thành phố không ngủ và nổi tiếng với những sòng bạc thâu đêm, một nơi vui chơi tráng lệ ưu đãi nhân loại cũng như niềm kiêu hãnh của những kẻ nhiều tiền lắm bạc. Las Vegas, một thủ đô ánh sáng, rực rỡ bởi những ánh đèn đủ màu khi màn đêm buông xuống.

Old town Las Vegas. Từ trái sang phải: Lệ Hoa, Việt Hải, Ngọc Uẩn, Ngọc Hà và NS Lê Văn Khoa

Trong nhóm chúng tôi có anh Mạnh Bổng là phu quân của NV Khánh Lan, trưởng nhóm du lịch kiêm “hướng dẫn viên du lịch”, rất xuất sắc, phối hợp cùng với Phương Anh thật nhịp nhàng. Anh Mạnh Bổng giới thiệu và dẫn giải về Casino Bellagio. Đây là một sòng bài nguy nga lộng lẫy với lối kiến trúc của Ý Đại Lợi, thu hút giới sành điệu cờ bạc. Điểm nổi bật của casino này là – lúc về đêm có màn trình diễn múa nước dưới ánh đèn lập lòe vô cùng thú vị. Nước tung toé lên theo điệu nhạc, theo ánh đèn…như những vũ công đang trình diễn những màn khiêu vũ lả lướt trên sân khấu nước.

Casino Bellagio with water dancing show

Vườn hoa Bellagio Casino mới đáng kể, hoa được thiết kế và trình bày theo từng mùa như xuân, hạ, thu, đông và từng kỳ lễ hội như Giáng Sinh, Tết Âm Lịch, Dương lịch, lễ Tình yêu, lễ Phục sinh, v.v… Đây là nơi thu hút rất nhiều khách thưởng ngoạn đến ngắm hoa và chụp những tấm hình lưu niệm.

Từ trái sang phải: Phương Hiền, Kiều My, Khánh Lan, Cô Lê Thị Đào, Lệ Hoa

Vườn hoa Bellagio Casino

Mạnh Bổng, Khánh Lan, Việt Hải, Lệ Hoa

Bên kia đường có Casino Paris với tháp Eiffel cao sừng sững ngạo nghễ, phô trương một biểu tượng ngàn đời của nước Pháp, như niềm tự hào của đất nước văn minh bật nhất lục địa già Châu Âu.

Casino Paris với tháp Eiffel
Bên trong của Paris Casino

Paris Casino

Thử thời vận với “đỏ đen”

Bên kia là ngọn núi lửa nhân tạo, đang phun trào…tung lên cao những dòng nham thạch nóng đỏ, trông như một hỏa diệm sơn đang bừng bừng giận dữ, tạo nên cảm giác rờn rợn cho người xem. Còn rất nhiều Casino, chẳng hạn như Caesar, vô cùng nguy nga lộng lẫy. Trong đó có nhà hàng ăn uống sang trọng hay những khu dành riêng cho những người thích thử thời vận. Hấp dẫn nhất đối với phái nữ là đi shopping dưới bầu trời mờ ảo của hoàng hôn, với đầy những vì sao lấp lánh….cho ta cảm giác thật thoải mái, thật bình an….Tha hồ ngắm nghía những món thời trang sang trọng đắt giá và đầy mỹ thuật của những nhà thiết kế lừng danh trên thế giới. Bước vào Casino, như bước vào một thế giới khác, một thế giới vui chơi, một thế giới không có ý niệm về thời gian, vì không bao giờ tìm thấy được đồng hồ trên tường; đó là điểm đặc biệt của Casino.

GRAND CANYON, ARIZONA

Sau hai ngày ngao du ở Las Vegas, chúng tôi từ giã thành phố trưởng giả này để tiến thẳng đến Grand Canyon, thuộc về tiểu bang Arizona. Suốt mấy ngày qua, những chiếc phone làm việc với năng suất cao, bởi các chủ nhân của nó chụp ảnh không ngừng nghỉ. Vì đâu đâu cũng thấy những cảnh đẹp, thật lạ lẫm so với những cảnh quen thuộc nơi quê nhà, đối với các bạn Ninh Hoà.

Grand Canyon của Hoa Kỳ thật không hổ danh khi được mệnh danh là một trong những kỳ quan của thế giới. Vì nó thật hùng vĩ, với những dãy núi chạy dài mang đầy màu sắc vàng sẫm, nâu hay đỏ thẳm…Lại tô điểm thêm những nét gấp đủ mọi hình thù trên các sườn núi trông thật khéo léo, như có bàn tay nhà nghề của các điêu khắc gia đã dày công mài dũa.

Nhưng….công trình của kỳ quan này tất cả do thiên nhiên tạo thành qua hàng ngàn năm bởi sự xoáy mòn của mưa gió, khí hậu…

Kìa! Có những con chim ó đen nhỏ tung tăng bay ra từ những cành cây như đón chào khách thập phương. Thì ra, không gian này là nhà của chúng cư ngụ “Home of The Eagle”. Nơi đây vẫn còn nét thiên nhiên hoang dã mà luôn được bảo tồn; có lẽ những chú chim bé nhỏ này là chủ nhân nơi đây chăng?

PAPAGO PARK, ARIZONA

Sau đó, chúng tôi đến Papago Park, một công viên bao la, có những cây thiên nhiên hoang dã, hay những cây xương rồng với những hình dáng rất đa dạng trông thật đẹp mắt. Đặc biệt là những núi đá vôi màu nâu đất, mà đã bị gió mưa xoáy mòn thành những hang rộng ở trên cao; đứng trong hang có thể thấy cả thành phố Phoenix.

CHANDLER, PHOENIX, ARIZONA

Điểm cuối cùng và cũng là điểm quan trọng trong chuyến đi kỷ niệm này. Thành phố Chandler nằm ở phía đông nam của Phoenix, thuộc tiểu bang Arizona, là home town của nhà văn bác sĩ Lê Ánh, sẽ ra mắt sách trong ngày chủ nhật sắp tới. Vì tình đồng hương Ninh Hoà, mà các nhà văn như Nguyễn văn Thành (Hoa Kỳ) Nguyễn thị Phương Hiền ( VN ) Lê thị Đào ( VN ) và Nguyễn thị Thanh Trí (VN) cùng các anh chị em khác tháp tùng từ VN đến thành phố Chandler, phối họp với nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, để tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn bác sĩ Lê Ánh.

Tư gia của Bác Sĩ Nhà Văn Lê Ánh và bác sĩ Kim Hoàng

Nhân dịp thăm tư gia của nhị vị bác sĩ, NV BS Lê Ánh có nhã ý mừng sinh nhật cho phu nhân của ông là bác sĩ Kim Hoàng. Thật là ngày “song hỷ”! Xin chúc mừng ông bà bác sĩ và cầu chúc sức khỏe cho ông bà.

RA MẮT SÁCH, ĐỌC TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU của tác giả Lê Ánh đã diễn ra vào chủ nhật ngày 2 tháng 4 năm 2023 trong không khí thân thiện của tình đồng hương.

Mở đầu chương trình, MC nhà văn Khánh Lan chào mừng quan khách và tiếp theo là lễ chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ. Phái nữ trong những chiếc áo dài truyền thống tha thướt trên khán đài gồm có: Lê thị Đào, Ngọc Hà, Lâm Dung, Lệ Hoa, Khánh Lan và Kiều My cùng họp xướng bài “Quốc ca Việt Nam” . Âm điệu thật thân thương, gần gũi của bài quốc ca…đã gây niềm cảm xúc bồi hồi trong lòng người Việt viễn xứ, khi nghĩ về quê hương đất nước. Sau đó, giọng ca Opera của nữ ca sĩ Ngọc Hà thật điêu luyện qua bài quốc ca Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner”. Cả khán phòng thinh lặng trong phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những anh hùng vị nước vong thân.

Sau đó, giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa, NV. Nguyễn Văn Thành, NV Trần Việt Hải….lần lượt nói về cảm tưởng của mình trong dịp phát huy nền văn học Việt Hải ngoại trong sự kiện này.

Nhà Văn Việt Hải

PHẦN VĂN HỌC là phần chính yếu của buổi ra mắt sách:

Thành phần diễn giả cho tác phẩm Lê Ánh: Đọc Truyện Kiều Của Nguyễn Du rất hùng hậu, gồm có những nhà văn: Ngọc Cường, Khánh Lan, Lê thị Đào, Nguyễn thị Phương Hiền, Kiều My và Nguyễn thị Thanh Trí ….đã lần lượt diễn giải quanh chủ đề Truyện Kiều Của Nguyễn Du rất xúc tích.

Trong buổi RMS về tác phẩm “Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du” của BS NV Lê Ánh tại Phoenix, AZ, ngày 4/2/2023. NV Ngọc Cường là diễn giả chính, dưới đây là nguyên văn bài nói chuyện của ông.

Thưa quý vị,

Khi chúng ta cầm cuốn sách này lên ( dơ cuốn sách lên giới thiệu ), và khi đọc đến tên Truyện Kiều, nó đã nêu lên cho tôi một chi tiết nhỏ, đáng lưu ý, nhưng cần sửa sai : đó là truyện Kiều không phải là tên Nguyễn Du đặt cho sáng tác của ông, mà phải là Đoạn Trường Tân Thanh. Tất nhiên, thông thường người ta vẫn gọi là như vậy, là truyện Kiều. Nói như thế, có thể là không chuẩn về phương diện công ước hay pháp lý, hay có lỗi với tác giả, nhưng điều này là cái cớ để chúng tôi giới thiệu một vấn đề khác xin trình bày sau đây  cùng quý vị:

Đó là về vai trò của độc giả, và tương quan giữa độc giả, tác giả và tác phẩm, lồng trong cuốn “ĐTK “ của BS Lê Ánh.

Theo thiển ý, người mua cuốn sách là kẻ sở hữu của tác phẩm, theo cả hai nghĩa kinh tế, lẫn tinh thần. Tức là quý vị có toàn quyền nhận định nó, và sở thích của quý vị là quan trọng nhất. Những người phê bình chỉ giúp cho quý vị, và có thể mua vui thêm mà thôi ( như một tác phẩm phụ thuộc).

Rõ ràng là như vậy, vì chính độc giả đã tạo ra tác phẩm, chứ không phải người viết! Xin làm sáng tỏ thêm như sau: sáng tác của một nhà văn, nếu không được ai đọc, hoặc ít người chú ý, tất nhiên không trở nên một tác phẩm được, ví dụ như cuốn nhật ký của cô bé Ann Frank, chỉ là cuốn sách bỏ trong hộc tủ, riêng tư của cô, nhưng khi ông Otto Frank, cha cô, đem ra xuất bản, và có đông đảo độc giả thích thú, hưởng ứng, khi đó nhật ký của cô mới trở thành một tác phẩm.

Nhà nghiên cứu văn học người Pháp, Rolland Barthes, trong cuốn luận đề “La mort de l’auteur”, chúng tôi xin tạm dịch là “Cái chết của tác giả“ hoặc, cho có văn vẻ hơn là “hãy cho khai tử tác giả”, đã coi ý nghĩa của sáng tác tùy thuộc vào ấn tượng, cảm nghĩ của độc giả hơn là mọi ý định của người sáng tạo ra nó, bởi vì đối tượng của nghệ thuật là người thưởng ngoạn, hay trong trường hợp văn chương, là độc giả, đó cũng là mục đích chính của nghệ thuật. Có thể khi viết, tác giả có mục đích khác hơn là nghệ thuật, như muốn tuyên truyền, giáo dục, hoặc dụ dỗ gì đó…nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nói thuần túy đến văn chương, và nghệ thuật thuần túy.

Một sự hiển nhiên là: không ai có thể thấu hiểu được nhà văn nghĩ gì , muốn gì , nhất là cả mấy trăm năm sau, như trường hợp của ND ( sinh 1765, mất 1820) và trong cuốn ĐTTT (lưu hành năm1814), không ai có thể đoán ông muốn gửi gấm tâm sự gì qua mấy vần thơ đó! Chúng ta có thể suy đoán, tìm tòi, dùng mọi phương pháp, nhưng không thể mổ bộ óc của ND ra, và có mổ ra cũng chỉ như bộ óc đó y như của chúng ta mà thôi. Như người ta đã từng mổ óc của Einstein ra nghiên cứu, hy vọng tìm thấy điều gì khác lạ !

Dù vậy, vẫn có rất đông nhà văn, phê bình, đã cố đi tìm tòi những chi tiết như : lúc nào ND viết TK, và ở đâu. Rồi ,  qua cuốn TK, ta có thể hiểu tâm sự, ND như cái đề  tài “300 năm sau có ai hiểu và khóc cho Tố Như” ! Nhưng lạ thay đã có vị GS y khoa muốn giải phẫu bộ óc ND ra nghiên cứu : đó là BS TNN. Tất nhiên chúng tôi chỉ nói một cách ẩn dụ quá đáng, hầu gây sự chú ý của quý vị, có lẽ đang buồn ngủ và chỉ mong cho chúng tôi nói cho nhanh…

Thưa quý vị, trong số nhiều người hâm mộ ND, có hai vị BS, cùng viết về cuốn DTTT đó là BS Lê Ánh ở Aizona đây, và BS Trần Ngọc Ninh ở Cali, nhưng hai BS có hai cách phê bình và diễn giảng khác nhau. Xin mở một dấu ngoặc nhỏ: đó là vào tháng 10 năm ngoái, khi qua Nam Cali, chúng tôi hân hạnh được GS TNN tặng cho cuốn nghiên cứu và phê bình của ông có tên là Tố Như Và Đoạn Trường Tân Thanh, và như trùng hợp, sau đó, tôi được BS Lê Ánh gửi cho cuốn “Đọc TK” của ông.

Xin nơi đây gửi lời cảm tạ đến 2 vị BS .

Khi đọc qua cuốn sách của BS Ninh, chúng tôi không khỏi sửng sốt vì GS đã có tham vọng rất lớn, hầu như không thể thức hiện được: đó là hiểu được cái “chân diện mục” của tác giả, biết được ND đã viết TK lúc nào và trong hoàn cảnh nào?….không những thế,  ông còn dùng phương pháp cơ cấu pháp (structuralism?) để nghiên cứu TK, và có khi ông còn muốn phân biệt, tách sáng tác của ND làm cả hai cuốn sách “ĐTTT và TK?”, và xem như là có hai nhân vật khi coi Tố Như không chỉ là ND….GS Ninh còn dùng ký hiệu toán học như một công thức khi phân tích…và ông đã dành phần lớn viết về: ND viết TK lúc nào và vì cớ gì?

Nhưng dù đã dầy công nghiên cứu, BS Ninh cũng đã nêu lên nghi vấn về nguyên bản của TK, có thể đã được Phạm Quý Tích thêm bớt vào, được gọi là “bản phường”, có thể vua Gia Long cho sửa theo ý triều đình như “bản kinh”. Y hệt bên trời Tây, người ta cũng nghi vấn về Shakespeare hay là ai khác đã viết những sáng tác nổi danh mang tên ông?

Thưa quý vị, thật sự ai đó, hay một người khác viết, có quan trọng hay không? Đó là câu hỏi tùy mỗi quý vị tự giải đáp, trả lời mà thôi…

Thưa quý vị, ở đây, chúng tôi không có ý định gì khác hơn là “mua vui quý vị”, khi tôi nói GS TNN đã đi quá xa, như đã lạc đề, khi ông nhận định về môt tác phẩm nghệ thuật. Những vấn đề GS nêu ra, và cố gắng đi tìm giải pháp, có lẽ đã không liên quan đến một độc giả  bình thường như chúng tôi. Cuốn sách của GS Ninh rõ rệt là cuốn nghiên dành cho quý vị hàn lâm, chuyên môn về văn học. Bởi lẽ, đối với chúng tôi: sở dĩ TK hay, và được khen cho đến nay, giản dị là vì,  khi cầm lên để ngâm nga, TK đã đạt được mục đích ”mua vui cung được một và trống canh“ như chính người viết ra nó mong đợi. Theo ý kiến của chúng tôi, đó cũng là mục đích của nghệ thuật (từ trước đến nay, chưa có một đinh nghĩa nào trọn vẹn về nghệ thuật được công nhận).

Nhưng TK là một cuốn sách thuộc dạng cổ điển, tức là đã được viết ra trên 200 năm nay (lưu hành năm 1814), hơn nữa:

– TK dựa vào cuốn tiểu thuyết Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân ( Kim Vân Kiều Truyện ), có nhiều điển tích cổ của Tàu,

– được viết nguyên bản bằng chữ nôm, tất nhiên không có dấu chấm , phẩy, khi chuyển qua quốc ngữ, có thêm dấu,

-khung cảnh, tên tuổi, địa danh, sự tích trong sách toàn là của Tàu…

Từ Thế Kỷ 19, nhảy qua đến thứ 21, 300 năm qua, tất nhiên đã có biết bao đổi thay, do đó, việc diễn giảng TK là điều cần có , để cho học sinh của thời nay có thể dễ dàng thông hiểu (về ngữ vững, điển tích) và như thế, người đọc ngày nay, có thể thưởng thức TK dễ dàng hơn.

Dó cũng là sự trợ giúp mà chúng ta sẽ có được nhờ cuốn “ĐTK” của BS Lê Ánh.

Tác giả Lê Ánh bố cục cuốn sách của ông rành mạch như sau:

Phần đầu dành cho tổng quát về: hoàn cảnh ra đời, nhân vật và địa danh, giải thích thành ngữ và điển tích chứa đựng trong truyện.

Phần hai là lược truyện, in lại toàn bộ cuốn sách, nhưng chia từng đoạn và có lời chú thích cho diễn tiến câu chuyện , đã giúp độc giả rất nhiều, không những theo dõi và còn hiểu rõ tiến trình câu chuyện. (đây phải nói là điểm son của một cuốn sách)

Ngoài ra, ông Lê Ánh còn dành một phần phê bình nhân vật và những chi tiết về nhân vật (Kiều uống rượu, bị lên án, rồi kết án.v.v…). Ông còn có đoạn ví von về nàng Kiều đã ưống rượu khi còn vị thành niên (15 tuổi) và là dân nhậu số một!

Phải nói, cuốn “Đọc Truyện Kiều” của Lê Ánh là cuốn sách cần thiết và dễ đọc cho những ai yêu mến thơ cụ Nguyễn Du mà còn ngại ngùng (vì khó hiểu) .

Nhà văn, BS Lê Ánh đã thành công trong công việc giúp cho người đọc bình thường (như tôi) thưởng thức và hiểu biết một áng văn đọc nhất vô nhị của văn chương Việt-Nam chúng ta, đó là tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của Tố Như Nguyễn Du.

Xin cám ơn quý vị .

Và link dưới đây là bài nói chuyện của Khánh Lan về chữ Tâm trong tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh của Đại văn hào Nguyễn Du. Xin bấm vào link dưới đây để xem. Xin cám ơn. KL

https://www.icloud.com/photos/#0eekVmXhcPn7hrDf2ZYMnhx4Q

Sau cùng, NV BS Lê Ánh phát biểu cảm tưởng và cám ơn quý khách đã tham dư buỗi RMS của ông.

Bác sĩ Nhà Văn Lê Ánh

PHẦN VĂN NGHỆ do các anh chị nghệ sĩ trong nhóm Tiếng Thời Gian và Ninh Hòa đảm trách.

Bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn! Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, sáng hôm sau cả hai nhóm cùng trở về California. Trên đường về, mọi người có vẻ thoáng chút ưu tư cho cuộc chia tay sắp đến, vì đã trải qua những ngày bên nhau tuy ngắn ngủi, nhưng chứa chan biết bao tình. Đó cũng là “tình nghĩa văn chương“ mà kết thành. Chắc hẳn trong thâm tâm mỗi người chúng tôi vô cùng cảm kích về sự hào hiệp của hai vị Nguyễn văn Thành và Phương Hiền, đã tốn nhiều tiền bạc cũng như công sức để hoàn thành chuyến đi khó quên này. Chân thành cảm tạ hai vị!

Trên xe, thầy Lê văn Khoa, anh Việt Hải, anh Thành, chị Đào, chị Thanh Trí, Phương Hiền, Phương Liên v.v…cũng đã nói lên những cảm nghĩ về chuyến đi, khiến mọi người cảm động và cảm thấy gần gũi nhau hơn.

Ngoài ra, Kiều My có làm một cuốn tập lưu bút để các bạn ghi lại những ý tưởng về chuyến đi đặc biệt không thể quên này.

Đây là những dòng tâm sự rất cảm động của NV Lê Thị Đào, là tác giả của sách “Góp Nhặt Sỏi Đá”. Một người chị mà KM rất quý mến và chị cũng có tặng chiếc nón len cho KM để làm kỷ niệm:

Kiều My ơi! Chỉ còn thời gian ngắn ngủi nữa là chị chia tay mấy em rồi. Thật khó diễn tả tâm trạng chị lúc ni. Chị chỉ biết nói rằng: nhóm mấy em, những văn nghệ sĩ dễ thương, chị vừa được quen, được giao lưu, chị rất vui. Chị như sống lại những tháng ngày trước 75. Vui lắm em.

Nhưng giờ sắp chia tay lại buồn. Chị chỉ biết nói rằng – Chuyến đi này với những ngày bên mấy em, đã làm giàu ngân hàng kỷ niệm của chị. Đã giúp chị “góp nhặt sỏi đá”. Những viên đá dễ thương long lanh sắc màu. Có thể nói sỏi đá đã nở hoa. Vâng! Sỏi đá đã nở hoa. Chị sẽ cất giữ và trân quý”

Dưới đây là những dòng chữ hết sức chân thật của NV Phương Hiền, là tác giả sách “Cha Vẫn Mãi Bên Tôi” , một người bạn mới quen thật dễ thương. Một kỷ niệm đẹp giữa Phương Hiền, anh Tony Hiếu và Kiều My đã họp ca bản Lính Đa Tình & Lính Mà Em trong buổi ra mắt sách tại nam Cali, ngày 26 tháng 3 năm 2023:

Phương Hiền viết: “Biết anh Việt Hải và nhóm bạn của anh nhiều năm nay; nhưng đây là lần đầu tiên gặp Kiều My và các bạn, đã thân ái ngay. Có phải chúng mình đồng điệu về quan điểm sống, về cảm xúc…và cả về vóc dáng và giọng ca? Hay chính các “anh ấy” đã se duyên chúng mình? Vâng! Các anh ấy! Các anh lính đa tình, thích đi xem cinema và dạo phố. Hiền rất vui khi kết bạn với Kiều My và tất cả các bạn trong nhóm NVNT & TTG. “

Đây là những lời tâm tình rất chân chất và thật dể thương của NV Nguyễn thị Thanh Trí, mà Kiều My có cơ duyên làm diễn giả cho tác phẩm “Kỷ Niệm Yêu Thương” trong ngày ra mắt sách của chị:

Đất nước Mỹ tươi đẹp và văn minh, người đất nước Mỹ trẻ đẹp, vồn vả, hiếu khách và chân tình. Thanh Trí được làm quen với các bậc văn nhân thi sĩ nổi tiếng và càng thêm thâm tình trong tình cảm chân thật, vui tươi dưới trời Cali đầy hoa thơm, bầu trời trong xanh, cây lá tươi tốt. Rất nhớ, thầy cô Lê văn Khoa & Ngọc Hà; anh chị Việt Hải & Lệ Hoa; anh chị Mạnh Bổng & Khánh Lan, cùng các bạn Kiều My và Lâm Dung. Hân hạnh được làm quen. Nhớ!….”

Dưới đây là những lời nói chân tình của NV Nguyễn văn Thành, là tác giả của sách “ Giấc Mơ Của Chàng Lính Biển”. Anh là soái ca của “Văn Học Ninh Hoà“, là người anh mà chúng tôi rất quý mến và biết ơn:

“Tôi rất vui khi được gặp gỡ các văn nhân thi sĩ trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian do anh Việt Hải chủ xướng. Tất cả rất vui vẻ, ấm áp và đầy tình người; chia sẻ niềm vui với mọi người. Đây là cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa trong “tình văn học” mà không thể quên.”

Sau đây là lời chia sẻ chân tình của một guitarist trong chuyến đi, và cũng là một hoạt náo viên, giúp vui cho mọi người, đó là anh Nguyễn Ngọc Uẩn:

“Tình cờ, tình cờ và rất tình cờ. Một chuyến du lịch Mỹ rất lý thú. Gặp gỡ các tên tuổi trong làng văn học. Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian. Với những giọng hát thật tuyệt vời. Cho tôi tràn ngập niềm cảm xúc. Cám ơn duyên gặp gỡ các bạn. Còn duyên sẽ còn gặp lại….”

Ngoài ra, còn các bạn trong nhóm Ninh Hoà có mặt trong chuyến đi này mà đã tạo niềm xúc động thật sâu đậm đối với KM, chính là hai chị em Hương Võ và Oanh Võ. KM sẽ không bao giờ quên ân tình của hai bạn dành cho KM. Bên cạnh đó, còn có các bạn như: guitarist kiêm ca sĩ Huỳnh Út, Phương Liên, Tuyết Mai, Mai Hưng Hảo, Mai Hưng Toàn, Nguyễn thị Bé, chị Loan, và hai mẹ con chị Hoà ở Boston….Tất cả….Vâng! Tất cả tình người, tình bạn thân ái đã gây nên niềm cảm xúc thật sâu xa trong tâm hồn KM, mà đã tạo thành những vần thơ:

Này Bạn Hỡi!

Ta biết nhau từ bao giờ?

Đời đưa bạn đến với ta

Cho nhau nụ cười thương mến

Chia sẻ những lúc băn khoăn

Ta cùng vui trong văn chương

Cùng say sưa bên tiếng đàn

Quanh ta đời bao thách đố

Có bạn ta vẫn cười vui

Này bạn hỡi!

Tình bạn hữu như nắng ấm

Chan hòa những ngày mưa rơi

Bên nhau hát khúc sum vầy

Đời nghệ sĩ đầy niềm vui

Này bạn hỡi!

Ta gặp nhau nơi xứ người

Niềm an ủi thật bao la

Giang rộng đôi tay chào đón

Bạn hiền cùng đến với ta

Dù thời gian có trôi qua

Đường đời có muôn vạn nẻo

Hãy như chim bay tìm về

Cùng bên nhau trọn niềm vui

Thơ Kiều My

Kỷ niệm về một chuyến đi khó quên. Thương mến tất cả các bạn. Hẹn ngày tái ngộ.

Kiều My

California, US April 2023