Khánh Lan,  Văn Thơ

RA MẮT SÁCH CỦA 3 NHÀ VĂN: NGUYỄN VĂN THÀNH, LÊ THỊ ĐÀO VÀ NGUYỄN THỊ THANH TRÍ

Từ trái sang phải: NV Ngọc Cường và phu nhân, Bích Điệp; NV Phương Hiền; NV Nguyễn Văn Thành và phu nhân, Nguyễn Thị Giỏi; NV Thanh Trí và NV Lê Thị Đào.

Sau cơn mưa trời lại sáng”. Quả đúng như thế, sau bao ngày mưa gió tại California, sáng Chủ Nhật ngày 26 tháng Tư đúng là “Beautiful Sunday”. Bởi, sau những ngày mưa gió với bầu trời màu xám xịt đã nhường chỗ cho những áng mây màu xanh biếc và trên đường phố, những cành cây, cọng cỏ tươi mát như vừa được tắm gội sau bao ngày hạn hán. Những cơn gió thổi làn không khí hiu hiu lạnh của ngày cuối xuân còn đọng lại. Ngoài đường phố, các thiếu nữ với những chiếc khăng quàng cổ, đủ sắc màu, tung bay trong gió, trông thật vui mắt.

Ba nhà văn với 4 tác phẩm

Buổi RMS 4 tác phẩm của ba nhà văn (NV): Nguyễn Văn Thành (Niềm Nhớ, Giấc Mơ Chàng Lính Biển) Nguyễn Thị Thanh Trí (Kỷ Niệm Yêu Thương) và Lê Thị Đào (Góp Nhặt Sỏi Đá) đã thành công rực rỡ tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, tọa lạc trên đường Lamson Ave., Garden Grove, California ngày 26 tháng 04, 2023. Từ ngoài parking lot, Mạnh Bổng và Khánh Lan khệ bê 12 chai Apple Sparkling, 10 hộp đậu phộng da cá, 5 cái bằng tưởng lục, một bó hoa hồng và hai cái bánh bông lan (half sheet) bước vào khánh phòng, đồng hồ lúc ấy chỉ 11:00 giờ sáng. Trong khánh phòng đã chật kín quan khách tham dự, kẻ đứng người ngồi, cười nói vui vẻ. Ánh sáng từ các máy điện thoại di động loé lên liên tục để ghi lại những tấm hình lưu niệm cho từng nhóm. Chương trình RMS khai mạc đúng 11 giờ 30 sáng.

Chương trình RMS gồm hai phần: Phần Văn Học và phần văn nghệ giúp vui do hai MC Kim Phụng và Khánh Lan phụ trách.

Từ trái sang phải: Thụy Lan, Lệ Hoa, Lâm Dung, 2 vị khách, Khánh Lan, Tuyết Nga,
Kiều My, Bích Điệp, Ái Liên, Mộng Thủy, Ngọc Quỳnh và Minh Thư

Sau lễ chào quốc kỳ, NV Nguyễn Văn Thành đại diện cho nhóm văn học Ninhhoa.com khai mạc buổi Ra Mắt Sách (RMS) và giới thiệu Giáo Sư (GS) Trần Hà Thanh, Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Trần Bình Trọng – Ninh Hoà. Ông  nói về 20 năm hoạt động của Website ninhhoa.com. Tiếp theo là GS. Trần Huy Bích đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian ngỏ lời chúc mừng Nhóm Văn Học Ninh Hoà tròn 20 Tuổi. Sau đó, MC Kim Phụng đọc hai lá thư của cựu Hải Quân (HQ) Đại tá Bùi Cửu Viên và cựu HQ Trung tá Chu Bá Yến, gởi lời chúc mừng cựu HQ Trung úy tác chiến Nguyễn Văn Thành đã trọn lòng binh nghiệp và nay xoay sang văn nghiệp.

Bắt đầu Phần Văn Học, một hội thảo đoàn gồm các NV: Nguyễn Văn Thành, Phương Hiền, Ngọc Cường, Lê Thị Đào, Nguyễn Thị Thanh Trí, Khánh Lan, Kiều My và Mộng Thuỷ.

Từ trái sang phải: Mộng Thủy, Kiều My, Thanh Trí, Lê Thị Đào,
Phương Hiền, Nguyễn Văn Thành, Việt Hài, Ngọc Cường và Khánh Lan.

Trong phần điểm sách, NV Khánh Lan mượn 4 câu thơ trích trong bài thơ Tuổi Biết mà NV Nguyễn Văn Thành đã dùng để mở đầu cho tác phẩm Giấc Mơ Chàng Lính Biển của ông:

“Có phải anh vẫn nhớ
Người thương lúc còn thơ
Có phải anh vẫn mơ
Người thương xưa mắt biếc!

Qua 4 câu thơ trên đã chứng tỏ nhà toán học Nguyễn Văn Thành, một kỹ sư thiết kế kỹ thuật quốc phòng nhưng lại mang một tâm hồn thi sĩ, ông đã dùng những lời lẽ ví von, ý tưởng ẩn dụ (metaphor) dựa theo văn chương tây phương để chuyển tải tư tưởng của mình vào trang giấy. Những nhân vật trong câu truyện cổ tích như Brothers Grimm, chàng thủy thủ John Reid và điều mơ ước của nàng tiên cá Helen Stewart và Captain Nemo, (nguyên tác tiếng Pháp Vingt mille lieues sous les mers: Tour du monde sous-marin, một cuốn tiểu thuyết cổ điển về khoa học viễn tưởng của nhà văn Pháp Jules Verne xuất bản năm 1870), hay “Hai ngàn dặm dưới đáy biển” là những tác phẩm đặt nền tảng cho nhiều phạm vi về hàng hải. Vì vậy, ta có thể nói rằng, văn phong của NV Nguyễn Văn Thành có sự xen lẫn những ý tưởng triết tính của Jules Verne, André Gide, Jacob và Wilhelm.

Cũng với lối văn phong bình dị, dễ hiểu NV Nguyễn Văn Thành đã đưa chúng ta qua những đia danh quen thuộc như Cần Giờ, Rừng Sát, Xoài Rạp, Vàm Láng (Gò Công), Bến-Lức, Trà Cú, Gò Dầu Hạ, An Thới… nơi mà các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã đóng quân, bảo vệ sơn hà năm xưa. Qua 85 phân đoạn trong tác phẩm Giấc Mơ Chàng Lính Biển của tác giả Nguyễn Văn Thành, cho người đọc một cảm xúc vui buồn đời lính, xen lẫn cái thi vị tình yêu lãng mạn của người lính biển, lòng trung kiên, ái quốc đi song song với sự can đảm và sự chung thủy của người thiếu nữ trẻ, băng sông, vượt rừng, lăn lội đi tìm người yêu.

Trong câu truyện Giấc Mơ Chàng Lính Biển, tác giả đã khéo léo dùng ngòi bút để kể lại câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của chính mình, đồng thời, ông lồng vào đấy một nhân vật hư cấu, một truyện cổ tích về Nàng Tiên Cá và Chàng Thủy thủ cho thêm phần thú vị. Mở đầu câu truyện tình yêu với hai nhân vật: Nàng Tiên Cá và Chàng Thủy thủ, tác giả giới thiệu nhân vật chính là chàng Thủy thủ, sau khi ra trường, anh gia nhập binh chủng Hải Quân và Tham dự vào cuộc chiến. Đóng quân tại Bộ Chỉ huy Hải quân Trà Cú, gần dòng sông Vàm Cỏ Ðông, một thủy lộ duy nhất dẫn vào bộ chỉ huy hải quân Giang Ðoàn 54 Tuần Thám… Trên mặt sông ấy đã ghi lại bao kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp, những chiếc giang đĩnh đậu thành hàng, bồng bềnh, tạo nên những làn sóng lăn tăn trên mặt nước. Những làn khói tàu xanh lơ bốc lên, sen lẫn, quyện vào làn sương mỏng tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp trên nền trời xanh thẳm. Tiếng máy tàu, tiếng rào rào của từng làn sóng, khua vào mạn tàu bỗng hòa điệu thành một âm thanh hùng hồn, quen thuộc và đó là vì sao anh yêu nghề “Lính Biển”. Nhân vật thứ hai là Nàng Tiên Cá trong mối tình thầy trò, nẩy nở với những ẩn dụ toán học, chu vi, bán kính, v.v

Trong phân đoạn 58, NV Nguyễn Văn Thành có nhắc đến tác phẩm “La Porte étroite” (Khung Cửa Hẹp) của đại văn hào cổ thụ Andre Gide, khi ông ví Nàng Tiên Cá đang bơi lượn trong rừng san hô đỏ, đẹp và bí hiểm, những cành san hô đỏ đan lại như một “Khung cửa hẹp” giam bước chân của Nàng Tiên Cá. Nhưng với tình yêu mãnh liệt Nàng Tiên Cá đã lách ra khỏi “Khung cửa hẹp” Ninh Hòa để băng rừng lội suối đi thăm người yêu Lính Thủy.

Tác giả cũng đề cập đến tầm quan trọng của đảo Phú Quốc và trách nhiệm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong việc trấn giữ và bảo vệ tổ quốc. Ông nhắc lại cuộc tổng tấn công của quân đội Bắc Việt cuối tháng Tư 1975 với từng loạt đạn đại bác vang dội đã phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng tinh sương ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lời kêu gọi buông súng đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn phát ra liên tục, lập đi lập lại trên đài phát thanh Sài Gòn, khởi đầu cho khúc quanh cuộc đời của Chàng Lính Biển.

Cuộc chiến 30 tháng 4 chấm dứt, không những không đem lại những giây phút hòa bình cho miền Nam VN mà trái lại là một cơn ác mộng cho mọi người.

Những phân đoạn cuối đã gây nên nhiều xúc động và đưa độc giả về quá khứ đen tối của 48 năm về trước khi cuộc di tản bắt đầu. Những chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ 402, chiến hạm cuối cùng rời bến Bạch Đằng và có mặt ở ngoài khơi Vũng Tàu khoảng 7 giờ tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, để cứu vớt 200 người từ chiếc Tango của Giang Đoàn 44 Ngăn Chận … chiếc tàu đã cưu mang mọi người trong suốt giang trình Vàm Cỏ Đông.  

Khi nhắc đến Hộ Tống Hạm Chí Linh tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Phi Luật Tân trong buổi lễ hạ quốc kỳ VNCH. Phải, lá quốc kỳ thấm đẫm linh hồn của bao nhiêu chiến sĩ đã nằm xuống vì Tổ Quốc VNCH. Lá quốc kỳ mang tiếng nói của những người con nước Việt yêu hòa bình. Trong cuộc di tản 1975, buổi lễ hạ quốc kỳ tại Subic Bay đã để lại trong lòng các chiến sĩ ái quốc VNCH, một nỗi khổ tâm, đau đớn, nhục nhằn khó quên, trong đó có cả Chàng Lính Biển Nguyễn Văn Thành.

Để kết thúc buổi nói chuyện, NV Khánh Lan đã trích một đoạn cuối của tác phẩm GIẤC MƠ CHÀNG LÍNH THỦY như sau:

Sau tiếng hô “hạ kỳ”, nhìn lá cờ đang từ từ được kéo xuống… anh cảm thấy như lồng ngực mình bị bóp chặt. Khoảnh khắc ấy hình như anh không thở được. Có một cái gì đó đang vỡ vụn trong hồn. Có một cái gì đó vừa gãy nát trong tim. Dường như tim anh đã có một giây ngưng đập. Cổ họng chợt nghẹn lại. Đã có người rưng rưng, đã có người đưa tay chùi nước mắt, đã có người khóc thành tiếng nấc đâu đó. Anh không rơi nước mắt mà lòng anh đang khóc. Khóc vì kể từ hôm nay mình là kẻ lưu vong. Khóc vì mình mất Tổ Quốc, mất quê hương. Khóc vì mình mãi mãi làm kẻ ly hương với một cuộc đời mới hoàn toàn khác hẳn, bấp bênh, trôi nổi…. Khóc vì vĩnh viễn rời xa gia đình và mất nàng Tiên cá, cô học trò yêu kiều mà anh mãi thương yêu, nhung nhớ.

Tiếp theo, NV Phương Hiền nói về tác phẩm Miền Nhớ 2, xuất bản năm 2023. Đây cũng là tác phẩm của NV Nguyễn Văn Thành. Tuyển tập 600 trang gồm 75 tác giả ghi lại những kỷ niệm buồn vui đã bao năm chìm sâu trong ký ức, những dư âm vang vọng của một quê hương chìm trong đau khổ. Trong miềm thương nhớ nhung đó, có những giai đoạn hào hùng, tự hào, ngưỡng mộ, bi tráng và tang thương. Những đau buồn, xót xa, thương tiếc ấy là những cảm xúc đích thật đã được các văn thi sĩ trải dài trên trang giấy và góp nhặt thành tác phẩm Miền Nhớ.

Tác phẩm Kỷ Niệm Yêu Thương của NV Nguyễn Thị Thanh Trí do NV Kiều My ghi nhận. Kỷ Niệm Yêu Thương kể lại những mẩu chuyện ẩn hiện trong vùng tiềm ý thức, chờ đợi một giây phút nào đó sẽ chuyển lên vùng ý thức: Đó là kỷ niệm…những kỷ niệm mà ta ghi dấu mãi trong tim.

Trong 25 phân đoạn, NV Kiều My chọn ra 6 phân đoạn mà bà cho là đặc sắc nhất, đó là:

  1. Cao Như Núi Thái: Ghi lại những ngày tháng sống trong vòng tay yêu thương của người cha chân chất, mộc mạc, bình dị, người đã cho NV Thanh Trí một ấn tượng khó phai về sự ân cần, chăm sóc các con của người cha kính yêu.
  • Tiếng Đàn Xưa: Hơn 40 năm đã trôi qua sau khi ông bà ngoại qua đời, hình ảnh của ông bà ngoại vẫn không phai lạt trong tâm tư của tác giả. Sự khắc khoải, dằn vặt trong luyến tiếc vì gia đình bà không đủ khả năng để đùm bọc ông bà ngoại trong buổi giao thời (1975) khi mọi người cùng chung một số phận nghèo đói.
  • Nơi Chốn Tìm Về Để Nhớ Để Thương: Ấn tượng sâu đậm về trường Sư Phạm Quy Nhơn, nơi đã ghi lại bao kỷ niệm vào đời khó quên mà trong đó có cả buồn vui lẫn lộn của một thời con gái với nhiều mộng mơ, tương lai và sự nghiệp.
  • Hát Lời Yêu Thương: Tác giả viết “Nếu các bạn thấy một nhóm người ngồi mơ màng ngắm biển, hay chạy xe long nhong ngoài phố, đó là chúng tôi. Chúng tôi đang học cách yêu thương, đang hát lời yêu thương về tình người, tình bạn, tình đồng hương thân hữu một cách hoàn mỹ.”
  • Nói Với Bạn Trẻ: “Hãy cố quên dù tan nát vì mất mát.” Đó là tiếng khóc từ đáy tim của một người mẹ mất con. Phải, “Mọi thứ trên đời này, kể cả tình yêu, đều có thể làm lại được. Nhưng cái chết thì không!” Cái chết của đứa con gái Nguyễn Đôn Hà Quyên đã để lại trong tim NV Thanh Trí một vết thương không gì có thể hàn gắn hay chữa lành lại được. Chính vì sự mất mát lớn lao ấy, bà đã có những lời khuyên cho các bạn trẻ, đừng vì một phút không suy nghĩ mà hủy hoại cả cuộc đời.
  • Hội Ngộ…Ngày Vui: Hội ngộ cùng các Thày Cô và bạn bè là những giây phút đong đầy niềm vui khi nhớ về những kỷ niệm của một thời thơ mộng cũng như những kỷ niệm thời còn đi học đường mà ta đã đi qua, ôn lại thời học sinh vô tư, “ăn chưa no lo chưa tới”.

Và sau cung là Góp Nhặt Sỏi Đá của NV Lê Thị Đào do NV Mộng Thủy điểm sách. Tác phẩm là sự kết hợp của những bài thơ và bài văn mà tác giả ghi lại với những chuyện buồn vui đã xảy ra trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của một cá nhân. Góp Nhặt Sỏi Đá gồm 117 bài thơ và 13 bài văn. Trong 13 bài văn, tác giả gửi gấm vào đấy những gắn bó của mình với quận Ninh Hòa, nơi mà bà đã dạy học trong 8 năm sau khi ra trường (1974-1981)

Ôi nhớ quá! Ninh Hòa ơi! Nhớ quá!

Hôm nay đây! Ngày thân ái hợp đoàn

Chúng con đây lưu lạc khắp hoàn cầu

Xin gửi trọn nhớ thương về Quê Mẹ…!!!

(Lê Thị Đào -18/8/2009)

Những bài thơ viết về quê hương với nỗi niềm thương nhớ như trong bài Tình Quê. Tôi muốn trở về. Vùng quê hương tuổi dại. Nơi có dòng sông.  Thơ mộng. Nước trong xanh. Có rặng tre xưa.”

Hay trong bài thơ Không Bao Giờ Ngăn Cách, bà viết:

Anh đã dặn lòng thôi nhớ thương

Từ lâu hai đứa rẽ hai đường

Bên này bên ấy xa cách quá

Nhưng rồi tình vẫn mãi tơ vương…

(Lê Thị Đào-28/12/2011)

Bài thơ Mơ Về Đà Lạt, để nhớ lại một thời sinh viên, bà viết:

Trong giấc mơ, được trở về Đà Lạt

Nhớ trường xưa theo lối cũ tôi tìm

Chân dừng bước trước cổng trường đại học

Tôi mơ về những ngày tháng xa xưa…

(Lê Thị Đào -18/12/2013)

          Sau phần văn học, Ngọc Quỳnh thay mặt Nữ Sĩ Dương Hồng Anh ngâm bài thơ Chúc Mừng 20 năm thành lập hội văn học ninhhoa.com.

CHÚC MỪNG NINH HOA DOT COM

Thơ: Nữ Sĩ Dương Hồng Anh

Cám ơn thơ nhạc chiều nay

Tao đàn hạnh ngộ tràn đầy ước mơ

Ngạt ngào hương cúc nắng trưa

Trời xanh mây trắng hương xưa mượt mà

Nghĩa tình văn nghệ bao la

Văn chương tao nhã bút hoa thay vần

Chung vui gặp bạn đồng tâm

Đất trời nở hội thơ xuân sáng ngời

Chùm hoa văn nghệ tuyệt vời

Mừng ngày kỷ niệm Ninh Hòa dot com.

Tiếp theo, GS. cố vấn Quyên Di đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian và NV Nguyễn Quang trao tặng quà lưu niệm (trophy) đến GS Trần Hà Thanh, đại diện đại diện Ninhhoa. com, trong khi GS. Dương Ngọc Sum, GS Lê Văn Khoa, NV Vi Khiêm tặng Bằng Tưởng Lục cho 4 nhà văn. Và sau cùng là cắt bánh sinh nhật kỷ niệm 20 năm Website Ninh Hoà và bánh mừng chúc thọ cho các quý cao niên.

NV Nguyễn Quang trao quà lưu niệm cho GS Trần Hà Thanh
NV Vương TRung Dương trao bằng tưởng lục cho NV Lê Thị Đào

Sau cùng là phần văn nghệ giúp vui do nhóm Tiếng Thời Gian phụ trách. Buổi RMS bế mạc lúc 3:00 giờ chiều.

Khánh Lan tường trình từ California, April 6, 2023