Khánh Lan,  Văn Thơ,  Việt Hải

KHÁNH LAN-NHỮNG BƯỚC ĐẦU Ở NGƯỠNG CỬA VĂN CHƯƠNG

Khánh Lan

Tôi còn nhớ trước tháng 10, năm 2019, nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian dự trù có 2 chương trình huấn luyện về khóa văn học do GS. Quyên Di giảng dạy và lớp âm nhạc do GS. Phạm Đức Huyến phụ trách, nhưng sau đó nạn dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, vì thế nên mọi sinh hoạt nhóm phải ngưng hết vì tình thế. Nhưng điều kỳ lạ là Nghệ sĩ Khánh Lan vẫn viết văn lai rai.

Tôi đọc các bài viết rất hay nên tôi khuyến khích Khánh Lan viết tiếp. Nhờ những ngày bị giới nhiêm vì Covid 19 và nếp sống hưu trí, Khánh Lan đã dành thời gian sáng tác liên tục, từ 10 tác phẩm nhảy lên 20, 30, 40, 50, 60… Đã thế, Khánh Lan lại viết văn với nhiều thể loại khác nhau, một sự việc thật đáng khích lệ.

Thế là 2 anh em tôi khởi đầu khóa học bằng cách liên lạc qua email và phone. Thời gian trôi, mỗi lúc Khánh Lan tỏ ra đầy tự tin và tự vươn lên. Khánh Lan có những lợi điểm trong quá khứ để phát triển theo ngành văn, vì thuở nhỏ gia đình Khánh Lan có tiệm sách nên cô phụ mẹ trông nom cửa tiệm, cô đọc khá nhiều sách, những kiến thức thu nhận qua sách vở từ bao năm trước, vô hình chung đã nhập tâm và tiềm ẩn trong tâm hồn Khánh Lan. Cộng thêm 2 ngành toán học và triết học là 2 môn Khánh Lan vốn thích, lên đại học cô học và đỗ văn bằng cử nhân kế toán quản trị (managerial accounting), xong đỗ tiếp cao học tâm lý xã hội (socio-psychology). Chính 2 khoa học này phần nào giúp cho kỹ năng lý luận sắc bén (logical thinking skills) và óc phân tích sự kiện, bố cục đề tài vững (creative-thinking, sharp reasoning, interpreting data, fact analysis ability, topic brainstorming development,…) Phải nói Khánh Lan tiến bộ khá nhanh trong nỗ lực viết văn do yếu tố thông minh, bén nhạy phân tích đề tài.

Xét cho cùng yếu tố thông minh, nhạy cảm nhận chân ra vấn đề hướng dẫn ngòi bút của mình, tôi nghĩ, đây là điểm son về phẩm chất khởi đầu của Khánh Lan khi theo ngành văn chương mang nét nghệ thuật. Và do sự khởi đầu với nhiều lợi thế sẵn có, cho đến khi đem ra áp dụng cho văn chương là công việc vô cùng thích hợp. Tôi thiển nghĩ khả năng, phẩm chất đã kéo theo lòng yêu nghề cầm bút khiến cho Khánh Lan là một ngòi bút với nhiều triển vọng và tài hoa. Ngoài tình yêu với văn chương ra, Khánh Lan rất tận tuỵ với bút pháp, trau đồi kỹ năng văn phẩm của mình.

Văn chương vốn dĩ được coi như một loại sinh hoạt mang nét thanh tao về tinh thần, một phạm vi cao quí, không phải ai cũng có đủ phẩm chất và năng lực để bước chân vào địa hạt này. Mà hình như nó chỉ là lãnh vực của những tài năng, những nhà tư tưởng, những người có sứ mệnh dấn thân có tầm ảnh hưởng đến tư duy trong xã hội.

Bên trời Tây có JeanPaul Sartre hay Albert Camus, André Maurois, bên trời Ta có Nhất Linh, Thạch Lam hay Khái Hưng… Nhưng dẫu rằng ở vào thời kỳ nào đi nữa đều được trân trọng, văn chương vẫn luôn mãi được yêu thích và tồn tại cùng với con người. Văn chương là phương diện văn hóa tinh thần của mỗi thời đại nhân bản, ở những xã hội văn minh, khai phóng. 

Viết văn là công việc lặn lội với chữ nghĩa. Tôi rất vui khi nhìn các bạn trẻ yêu văn chương, những Cung Lan, Alexandre ViAnh, Karen Thanh Thủy, Thuỵ Lan hay Khánh Lan là những người yêu văn học, điều mà dòng suối văn hóa hay dòng sông văn học hải ngoại cần trôi chảy luân lưu một khi thế hệ đi trước khuất núi, như những Võ Phiến, Hoàng Hải Thuỷ, Minh Đức Hoài Trinh, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng…

Trong thời gian vừa qua, Khánh Lan đã cho ra 4 tác phẩm: Những Ý Nghĩ Về Nghệ Thuật Trong Văn Học,Truyện Dài Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn  và Tuyển Tập Truyện Trinh Thám THÁM TỬ LÊ MINH.

Đọc tác phẩm Những Ý Nghĩ V Ngh Thut Trong Văn Học của Khánh Lan bàn về văn học, tôi nhớ câu châm ngôn của Maxim Gorky cho rằng văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý. Maxim Gorky cho là cái mỹ học của văn chương vốn đem con người về với chân thiện mỹ. Khánh Lan nhận định về bộ truyện “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust. Nhà văn Graham Greene đã gọi Proust là “tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20” và nhà văn William Somerset Maugham đánh giá Đi tìm thời gian đã mất là “tiểu thuyết hay nhất cho đến nay”.

Đại để nội dung của tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất” là loại tiểu thuyết tự thuật với nhân vật chính là người kể chuyện về chuyện tình của mình với những niềm mơ ước, trăn trở với mối tình đẩu với Gilberte, rồi đến mối tình thơ mộng và đau xót với Albertine sống trong cái thiên đường của một xã hội thượng lưu giả dối và tẻ nhạt, xong chết theo tình một cách thương tâm. Từ đó “Thời gian lại tìm thấy” hàm nghĩa là đi tìm ra lẽ sống của mình, là cống hiến cuộc đời cho thế giới nghệ thuật. Bộ sách này được xem như danh tác quốc tế.

Ngoài ra, Khánh Lan cũng chia sẻ quyển tiểu thuyết xã hội nói về thân phận con người trong tác phẩm Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables). Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Những kẻ khốn cùng là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù nhân khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ.

Những dòng văn của Khánh Lan chung quy thì dù sáng tác hay nhận định tác phẩm, tư tưởng văn chương cho thấy yếu tố mỹ học của chân thiện mỹ trong những tác phẩm của cô. Thật vậy, nhà phê bình văn học Charles Du Bos ngôn là: “Văn học tức là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng“.

Có một dạo nhà văn Maxim Gorky đã từng khuyên một nhà văn nữ trẻ cần phải vượt lên trên những cái tầm thường, vụn vặt để viết về những điều cao thượng đáng viết hơn và đừng biến văn chương thành những thứ tầm thường, đừng làm cuộc đời xấu hơn vì những gì mình viết ra.

Ở Khánh Lan khi đàm đạo, cô cho ý nghĩ là viết văn cô chú trọng phản ảnh tâm tư, tình cảm của chính mình, chân tâm ý nghĩ con người thật qua lăng kính nghệ thuật của bút văn, càng đạt đích điểm tôn vinh nét đẹp của văn chương, nét sâu sắc của nó, được chừng nào hay chừng đó.

Con tim tác giả chia sẻ bao nỗi niềm thương cảm trước số phận bất hạnh, đau khổ của  Lara Guishar với một chuyện tình bi thương trong truyện Doctor Zhivago, hay nàng kiều nữ xinh đẹp Marguerite Gautier trong La Dame aux Camélias, hoặc nỗi buồn vơi của cô gái nhà nghèo Jennifer Cavalieri trong Love Story…

Qua những sáng tác văn học rung động lương tâm con người là đích điểm của văn hào Maxim Gorky nhắn gửi những nhà văn theo sau ông. Tôi rất đồng thuận với nhà văn Khánh Lan là hãy tôn vinh nét đáng yêu chân thiện mỹ của văn chương, hãy tôn trọng và giữ trách nhiệm những gì mình viết ra…

Thạch Lam cho cảm nhận là “Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ“, và “Mỗi tác phẩm phải là mỗi phát minh về hình thức và khám phá về nội dung“, theo câu nói của nhà văn Leonid Maximovich Leonov ghi nhận. Bởi vì mỗi tác phẩm được hình thành là do kết quả thai nghén trong nghệ thuật mỹ học chất chứa đầy tâm huyết của người viết. Vì rằng đó là nơi để nhà văn gửi gấm những tình cảm sâu lắng nhất, những xúc cảm, những ước muốn được trân trọng ký thác vào đấy. 

Mỗi dòng chữ hay mỗi con chữ sáng tạo bởi nhà văn gói ghém trong tâm tư của người cầm bút. Vì thế nên suy ra cho cùng là viết ra cốt truyện nào hay gửi gấm đề tài gì thì tác phẩm nên cho thấy rõ cung cách suy nghĩ của mình. Cứu cánh của nhà văn vẫn là gửi ra những thông điệp hàm tư tưởng riêng của mình, mang tính chất thẩm mỹ cho xã hội và cho con người nói chung.

Một khi nhà văn thực hiện công việc sáng tạo văn chương, hãy nỗ lực cống hiến bằng khả năng, tiềm lực của chính mình tạo ra, cho ra đời những tác phẩm có giá trị như ý tưởng của Maxim Gorky quan niệm.

Georges-Louis Leclerc, Comte de Buffon cho là:

“Văn là con người.”

Hay:

“Le style c’est l’homme meme”

(The style is the man himself).

Cho nên, văn học là người bạn đường thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn của nhà văn, bởi những tình cảm giàu tính nhân bản nhất. Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải giữ gắn bó với cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Tóm lại, đặc điểm giá trị to tát nhất của văn chương là đi tìm bản sắc của con người, vì con người và bởi con người. Do vậy chỉ có nhà văn trong thiên chức bút pháp qua những tác phẩm của mình, mới có khả năng mang đến tính nét đa dạng của xã hội phức tạp của nếp nhân sinh bao quát. Người viết bài này trải qua nhiều ngày tháng thảo luận cùng tác giả Khánh Lan, chúng tôi chia sẻ quan điểm là không thể có tác phẩm đích thực nếu không có nhà văn đích thực trân yêu tác phẩm.

Để tạo ra những tác phẩm đích thực, nhà văn phải trải qua cuộc sống, và tính nét viết ra vì con người bằng cả tấm chân tình, bằng sự trân trọng qua nguồn cảm tác do niềm khao khát vì sự sáng tạo. Lịch sử văn chương nhân loại dù bên Đông hay Tây phương, dù truyện Kim Vân Kiều hay Trà Hoa Nữ thì đích điểm cuối cùng như quan điểm của Maxim Gorky, văn học chất chứa sự cao cả của nó, và những câu truyện hay vượt thời gian trong tác phẩm này thiết nghĩ cũng là tấm chân tình của nhà văn Khánh Lan, dành cho độc giả bằng sự trân trọng nhất

Vit Hi Los Angeles.

Ngày 02 tháng 03, năm 2021