Khánh Lan,  Sinh Hoạt,  Viet-Hải

Book Preface Nữ Sĩ Dương Hồng Anh & Khánh Lan *** Thi tập thứ 12, tên tựa “Những Gì Để Nhớ” của Nữ sĩ Dương Hồng Anh. Khánh Lan viết giới thiệu.

Khánh Lan gởi lời cám ơn NV Việt Hải đã dành những mỹ từ thân quý khi kể những kỷ niệm về Khánh Lan.

Quý anh chị thân mến,

Với Khánh Lan, ai hướng dẫn cô thường khen cô siêng năng và thông minh. Anh Phạm Hồng Thái đã chỉ dẫn cô về layout sách, graphic design, học nhạc, soạn lyrics… cô học khá nhanh. Tôi chỉ dẫn Khánh Lan về văn biên khảo, văn phê bình tác phẩm thi ca hay văn xuôi, cô năng động, nhanh lẹ lãnh hội. Bố chồng Khánh Lan (nhà thơ Việt Cường) và chú chồng Khánh Lan (nhà thơ Tráng Hạc) qua đời để lại cho cô cả ngàn bài thơ. Hai cụ say mê thi ca một thuở Hà Nội xa xưa 1940s-50s, vào Sài-Gòn thi ca thuở Nghệ thuật Tao Đàn của Đinh Hùng, Nguyễn Đình Toàn. Khánh Lan thừa hưởng máu thi ca gia đình, rồi nay Khánh Lan được nhà thơ vong niên Dương Hồng Anh nhận làm bạn thơ.

Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian hiện soạn và in tập thơ thứ 12, với tên tựa “Những Gì Để Nhớ” của Nữ sĩ Dương Hồng Anh. Khánh Lan viết giới thiệu và những kỷ niệm với tác giả của thi tập mới.

Tôi đề nghị Khánh Lan nên nghiên cứu thêm thơ Limestone của người Anh, thơ Nga như Ivan Turgenev, Anna Akhmatova, Alexander Pushkin. Ngoài thơ Pháp, Anh, Việt, nên tìm hiểu thêm về thơ Sijo (Đại Hàn) và Haiku (Nhật Bản).

Thể thơ Sijo (Hàn Quốc) và Haiku (Nhật Bản) vốn là di sản văn học quí giá trong nền thi ca nói riêng và văn học nói chung của hai nước góp phần tạo nên cốt cách và tâm hồn dân tộc. Nhìn trong mối tương quan về mặt thể loại xét trên cách nhìn bình diện, dưới những ảnh hưởng và tác động của các ỵếu tố khách quan cùng với những vấn đề khác, chúng tôi thấy thể thơ Sijo và Haiku có những nét tương đồng và dị biệt. Khảo sát hai thể thơ trên từ nhiều góc độ chúng tôi cho rằng, giữa chúng có những điểm gần gũi gặp gỡ nhau nhưng chúng có những nét khác biệt.

Thi ca vốn nằm trong phạm trù Mỹ học. Khái quát khi nhìn chung thì Mỹ học (Aesthetics) ngày nay đã được giới học giả hàn lâm thừa nhận nó là một bộ môn của triết học, và môn học này chú trọng đến vấn đề tìm hiểu cái đẹp và cái xấu, nghiên cứu xem những đặc tính về cái đẹp và cái kém đẹp đó có thực sự hiện hữu trong tác phẩm nghệ thuật như thi ca hay chỉ có trong suy tưởng của cá nhân người thưởng ngoạn.

Mỹ học cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các triết thuyết liên quan đến nghệ thuật, các phê bình có tính cách triết lý của các nghệ phẩm, và thẩm định đặc tính triết học của các hành động nghệ thuật. Các phản ứng tình cảm và tâm lý của con người đối với các yếu tố của nghệ thuật như màu sắc, âm thanh, đường nét, hình tượng, và ngôn ngữ.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam trải dài hơn hai ngàn năm trong đó có hơn một ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa, và hơn một trăm năm là đất thuộc địa của Pháp, nhiều người sẽ tự hỏi văn học Việt Nam đã phản ứng thế nào đối với những giai đoạn bị làm thuộc địa đó. Một cách chung có thể nói là nền văn học Việt Nam còn nặng tinh thần thuộc địa đối với văn hóa Trung Hoa cũng như văn hóa Pháp dù đã được độc lập với Tàu hơn một ngàn năm và độc lập với Pháp hơn bảy mươi năm. Dùng cái hay của người biến thể Việt hóa ra cái hay của ta. Thơ tự do (Vers libre do người Pháp), thơ Đường (Hoa thi, Tang poems). Haiku hay Sijo thơ cổ ảnh hưởng Hoa thi nét thiền triết thiên nhiên (Taoism hay Daoism)

Sự thưởng ngoạn thi ca có tính cách mỹ học là kết quả của một sự kết hợp nhuần nhuyễn và phức tạp giữa những thái độ chủ quan và khả năng thẩm định nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Sự phản ứng đối với những nghệ phẩm thơ của người thưởng ngoạn được gọi là kinh nghiệm thi ca mỹ học (the aesthetic poetry experience). 

Tác giả Lưu Nguyễn Từ Thức của sách Tuyển Tập Khảo Luận Văn Học đề nghị nền văn học Việt Nam hãy sớm nhận thức để vượt ra khỏi các lũy tre để nhìn xem thế giới bên ngoài đang tiến bước hướng về phía trước và bỏ xa chúng ta, hãy khai phá các khu rừng thâm u kỳ bí của nền văn học thế giới.  Nếu không mau thức tỉnh hầu sánh vai cùng người để cải tiến và nâng cao các chuẩn mực cho giá trị của mỹ học, thì văn học Việt Nam sẽ khó thoát ra khỏi các vòng rào nhỏ hẹp của các thôn làng, hoặc các bức tường rào của các ghetto văn học.  Tôi đồng ý với Lưu Nguyễn Từ Thức, hãy mở rộng tầm nhìn với cái hay, với nét đẹp của văn chương xứ người.

Trần Việt Hải, Los Angeles 7/2023

Dưới đây là lời mở đầu của Nhà Văn Khánh Lan cho tập thơ mới nhất của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, “Những Gì Để Nhớ”. Và Nhà Văn Việt Hải sẽ viết bạt cho sách. Tập thơ Những Gì Để Nhớsẽ ra mắt quý đồng hương năm 2024.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Nhân duyên đối diện kiến tương phùng.

Hai câu thơ mở đầu cho bài viết này có chữ “Hữu duyên” và “Nhân duyên”, vì sự thể như duyên tiền định, mà định mệnh là do Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian đã tạo cơ hội cho tôi gặp được Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, và từ ngày ấy, chúng tôi làm thơ tặng nhau. Những mỹ từ mà một thi nhân cao tuổi hạc vàng vong niên như Nữ Sĩ đã ưu ái dành cho một người bạn thơ tâm giao như tôi, hẳn là “tri ngộ thi ca”. Xin trích một vài bài thơ sau đây:

THÂN TẶNG CÔ KHÁNH LAN

Cùng thuyền cùng hội văn chương

Khánh Lan thùy mị dễ thương tuyệt vời

Tiếng ca bay bổng lưng trời

Thơ văn lưu loát cho đời nở hoa

Suối nguồn thân ái bao la

Trời quê đất khách chan hòa mến thương

Nhạc thơ rung động ngàn phương

Vườn hoa văn nghệ thơm hương tao đàn

Con đò chở chữ thênh thang

Chở thơ tôi tặng Khánh Lan ân cần

Lung linh dưới nắng xuân vàng

Tình thơ tình bạn chứa chan mộng lòng

(Dương Hồng Anh, 4/2020)

CHÚC MỪNG NỮ SĨ KHÁNH LAN

(Hồng Anh mến gởi Khánh Lan)

Hạ trắng chiều nay hoa nở rộ

Đẹp giòng thơ nhạc dưới trời xanh

Của người bạn quý, thương và mến

Nhu mì hiền hậu dáng thanh thanh

Nữ sĩ Khánh Lan thật tuyệt vời

Giao duyên thơ nhạc hiến dâng đời

Nhân Văn Nghệ Thuật hồn tao nhã

Nụ cười xinh xắn nở trên môi

Tao đàn vẫn hẹn ngày vui mới

Họp mặt văn chương buổi đẹp trời

Mừng đón Khánh Lan ra tác phẩm

Một chiều thơ nhạc nắng hồng tươi…

                Dương Hồng Anh (9/2021)

THÁNG CHÍN MÙA THU

(Tặng bạn tôi, Khánh Lan)

Đường chiều thơ nhạc một niềm vui

Tình nghĩa văn chương mãi sáng ngời

Phone đến mang theo niềm cảm mến

Nụ cười thân ái nở trên môi

Như đã quen nhau tự thuở nào

Văn thơ tình bạn quý làm sao

Khánh Lan ơi! Nhạc thơ còn đấy

Hương sắc thời gian vẫn đẹp màu

Ta vẫn bên nhau để hẹn hò

Tao đàn nhóm họp đọc văn thơ

Chúc mừng nữ sĩ ngày ra sách

Tháng chín mùa thu thỏa ước mơ.

                             Dương Hồng Anh (9/2021)

MỘT PHƯƠNG TRỜI MỘNG

(Hồng Anh mến gởi Khánh Lan & Mạnh Bổng)

“Mạnh Bổng Khánh Lan viên ngọc quý

Tài hoa thơ nhạc rất thân thương

Nhân Văn Nghệ Thuật cùng chung bước

Hai trái tim vàng mộng một phương.”

                 Dương Hồng Anh (11/2022)

Đáp lại tình bạn thơ tâm giao, tôi có ý định thảo một bài thơ lục bát lấy ý thơ của Jeannette Le Fèvre, bài thơ Tu es dans mes pensées, gửi tặng lại người bạn thơ vong niên, Hồng Anh. 

BÀI THƠ CẢM TÁC VỀ NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH

(Khánh Lan kính gửi thi nhân Dương Hồng Anh)

Thi nhân ở tuổi vong niên

Hạc vàng thần tượng giỏi miền thi ca

Thơ văn mắc nối hai ta

Tâm đầu ý hợp vẫn là văn chương

Tình bạn chất chứa tình thương

Sáng ngời tinh tú bốn phương tuyệt vời

Thi ca tâm đắc cho đời

Ân sâu châu báu bao lời khuyên lơn.

Tâm tình tri kỷ chịu ơn

Khánh Lan kính gởi thi Anh Dương Hồng

Khánh Lan (7/2023)

DUYÊN TIỀN ĐỊNH

Nữ Sĩ Dương Hồng Anh & Khánh Lan

(Theo lời yêu cầu của NS Dương Hồng Anh tôi sẽ dùng chữ thay cho chữ Nữ Sĩ trong bài viết này.  Nhưng để tỏ lòng kính quý tôi xin được phép dùng chữ C hoa chữ”).

Thấm thoát thế mà đã 5 năm (2019-2023) trôi qua kể từ ngày tôi gặp Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, có lẽ chỉ độ chưa tròn một năm sau ngày tôi gia nhập Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian. Có thể nói đây là “Duyên kỳ ngộ” cho tôi gặp được Nữ Sĩ, bởi “” cũng mới gia nhập hội sau tôi vài tháng. Hôm ấy là ngày 26 tháng 10 năm 2019, và là ngày tưởng niệm của ông Kiến Trúc Sư (KTS) Nguyễn Tường Quý, một hậu duệ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). KTS Nguyễn Tường Quý là cháu gọi bằng chú của 3 nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, và là anh của Nhà Văn (NV) Ngọc Cường.

Ngày ấy, tôi thay mặt NV Việt Hải và Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG) để chia sẻ những kỷ niệm của tôi với KTS Nguyễn Tường Quý trong buổi ra mắt tác phẩm “Hệ Lụy” của em trai ông, NV Ngọc Cường, tại tòa soạn nhật báo Người Việt, năm 2016. Tôi vẫn nhớ là ngay sau khi buổi lễ tưởng niệm chấm dứt, NV Việt Hải giới thiệu tôi với NS Dương Hồng Anh, một nhà thơ với dáng dấp nhỏ bé, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt nhân hậu. Trước mắt tôi, một Dương Hồng Anh với nụ cười luôn nở trên môi khiến cho người đối diện cảm thấy dễ gần với Cô. Nhưng vì mới gặp Cô lần đầu, tôi hơi e dè và cân nhắc lời nói trong lúc thưa chuyện cùng Cô. Thật là trái với những suy nghĩ và sự dè dặt không cần thiết của tôi, Cô đã cầm lấy tay tôi, ánh mắt trìu mến, giọng nói dịu dàng, Cô ân cần ngỏ lời thăn hỏi trước khiến tôi cảm thấy gần gũi và quý Cô ngay.  

Từ ngày ấy đến nay, hai cô cháu chúng tôi liên lạc thường xuyên để trao đổi văn thơ, để chia sẻ vui buồn và để cùng cất tiếng cười vui bên nhau và với nhau. Thế rồi, một tình bạn thơ tâm giao đã nảy sinh giữa hai thế hệ cách nhau gần 30 năm, nhưng cái lạ là cả hai chúng tôi đều chẳng tìm thấy một khoảng cách nào giữa chúng tôi. Cô Hồng Anh đã ngoài 90, nhưng trí óc rất minh mẫn, hồn thơ trong sáng, ý thơ lai láng và vẫn sáng tác hầu như mỗi ngày. Còn tôi, mới chập chững bước vào lãnh vực thơ phú nên tôi vẫn hay hỏi ý kiến của Cô luôn, nhờ Cô sửa lại vần thơ cho gọn, ý thơ cho ngọt…

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến François Charles Mauriac (1885-1970), ông là một tiểu thuyết gia, triết gia, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ và nhà báo. Là thành viên của Académie française từ năm 1933, ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1952 và đã được trao tặng Grand Cross of the Légion d’honneur vào năm 1958. Nói về tình bạn, François Mauriac nhận định:

“Không tình yêu nào, không tình bạn nào đi qua con đường định mệnh

của chúng ta mà không để lại trên ấy mãi mãi những dấu ấn.”

NV Pháp Francois Mauriac cho là trong tình bạn mà chúng ta có những dấu ấn, những tâm đắc, sẽ nhớ nhau mãi mãi bởi đó là do “duyên tiền định”.

Cuộc đời có gặp bạn hiền

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.

Ngoài những buổi “mạn đàm thơ văn”, Cô kể cho tôi nghe về thời son trẻ của Cô, về bài thơ đầu tiên ở tuồi 13, về gia phong và cuộc sống “khuôn phép” khi Cô còn sống dưới mái gia đình cho đến khi theo chồng vào Nam, từ giã niềm vui riêng (làm thơ) để chu toàn bổn phận “làm vợ và làm mẹ”. Từ Cô, tôi đã học được bao điều quý giá, học cung cách thưa gởi, kính trên nhường dưới trọng người già, nhất là sự khiêm nhường, cung kính và hòa nhã của “quy luật trọng cổ”. “Khổ nỗi tôi vốn trọng cổ ”… Đó là câu nói mà Cô hay dùng để giải thích cung cách nho nhã khi Cô gọi tôi “Vâng, thưa Cô Khánh Lan”, để từ dạo đó tôi cũng đáp lễ với “Vâng, thưa Cô Hồng Anh” thay vì “Cô Hồng Anh ơi” mà tôi vẫn quen dùng cho có vẻ thân mật.

Trong thi ca, có những nhà thơ (NT) mà tôi tôn làm thần tượng với lòng kính phục, trong đó có TS Cung Trầm Tưởng, NS Dương Hồng Anh, NS Minh Đức Hoài Trinh, TS Nguyên Sa, NV Việt Hải và TS Việt Cường (Bố chồng tôi). Có những vị tôi đã gặp và thụ huấn nơi họ những kiến thức quý giá qua sự hướng dẫn và khích lệ như với TS Cung Trầm Tưởng, ông đã khuyến khích tôi nên tìm hiểu và viết về Siêu hình học (Meta Physics) và triết học Hiện Sinh (Existentialism). Trong khi NS Minh Đức Hoài Trinh thì khuyên tôi nên nghiên cứu về Hán tự, Phong Thủy. Còn NV Việt Hải hướng dẫn tôi về văn hóa phương Tây cũng như nghiên cứu về Trống Đồng, Tam Giáo, thi ca và âm nhạc, v.v…

Riêng TS Việt Cường và NS Dương Hồng Anh, là hai vị đã ưu ái dành cho tôi một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của họ như tôi  đã vô cùng kính trọng và yêu quý họ. Làm thơ từ khi ông mới lên 10, “Bố Việt Cường” đã dạy cho tôi thế nào là vần thơ hay và tìm đâu ra ý thơ tuyệt mỹ. Còn “Cô Hồng Anh” thì hướng dẫn tôi về các thể thơ khác nhau trong lãnh vực thi ca. Cô luôn dành cho tôi những cảm tình đặc biệt, Cô thường hay nói với tôi: “Cô Khánh Lan ạ, chẳng lúc nào đặt bút xuống trang giấy mà tôi không nghĩ đến cô, bởi tôi rất quý cô. Đã có biết bao bài thơ tôi viết tặng cô, cho cô, về cô hay nhắc đến tên cô… Có những lúc tôi tránh viết xuống hai chữ “Khánh Lan” trong thơ của tôi, vì tôi sợ sự phê phán của mọi người…”.

            Nhưng chẳng riêng gì làm thơ cho tôi, Cô đã làm thơ cho tất cả mọi người trong trong Liên Nhóm NVNT & TTG ở những dịp Giáng Sinh, Tân Niên, Ra Mắt Sách (RMS), Sinh Nhật, v.v… Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một vài bài thơ điển hình mà Cô đã sáng tác riêng tặng các thành viên trong nhóm mà tôi nhớ.

            Mừng sinh nhật thứ 70 của NV Việt Hải, NS Dương Hồng Anh đã sáng tác bài thơ:

KÍNH MỪNG SINH NHẬT NHÀ VĂN TRẦN VIỆT HẢI

Ca-li gió dịu mây hiền

Đón mừng sinh nhật cánh chim đầu đàn

Mừng anh Việt Hải Nhà Văn

Say mê văn học lo gần lo xa

Từ trong tim óc tài hoa

Nhân Văn Nghệ Thuật chan hòa niềm vui

Đàn ca múa hát tuyệt vời

Thời gian đẹp mãi nụ cười mến thương

Tao đàn quẩy gánh văn chương

Nhạc thơ bừng sáng muôn phương đất trời

Mừng anh Hạnh phúc vui tươi

70 sinh nhật yêu đời hơn xưa.

(Dương Hồng Anh, 7/2023)

Cô sáng tác bài thơ Bạn Bè Của Tôi. Bài thơ đã được CNS Lâm Dung phổ Nhạc và trở thành NVNT & TTG hành khúc.

BẠN BÈ CỦA TÔI

Trời đẹp lắm, Ca li trời đẹp lắm

Nắng vàng bay phơ phất cánh hoa tươi

Bạn bè tôi, những nghệ sĩ yêu đời

Gặp gỡ nhau chuyện trò thân mật quá

Vì chúng ta không bao giờ xa lạ

Những vần thơ ý nhạc kết nên duyên

Đời có gì hơn được gặp bạn hiền

Trên đất khách quê người tình tri kỷ

Cùng vun sới mảnh vườn đầy thi vị

Một vườn hoa văn nghệ đẹp như tranh

Nắm tay nhau ca hát dười trời xanh

Nhạc thơ đã sẵn sàng cùng cất bước

Bạn bè của tôi chung lời nguyện ước

Đem tâm tình chia sẻ tiếng thời gian

Tình nghĩa văn chương tha thiết muôn vàn

Là tiếng hát của cung đàn réo rắt

Là nguồn thơ sáng ngời trên ánh mắt

Các bạn ơi! thơ nhạc vẫn tràn đầy

Khung trời xanh nắng tỏa mộng hồn say…

(Dương Hồng Anh, 7/2020)

            Tháng 06 ngày 25, 2023 là ngày RMS ba tác phẩm: TLVD Hậu Duệ & Thân Hữu do Liên Nhóm NVNT & TTG thực hiện, và 2 tác phẩm của tôi là Tam Giáo Đồng Nguyên, Phân Tâm Học & Đời Sống. Cô đã viết tặng chúng tôi bài thơ:

THÊM MỘT NIỀM VUI

Thêm một niềm vui đến nữa rồi

Đường chiều thơ nhạc níu hồn tôi

Thành Cam hoa lá bừng hương sắc

Đón khách văn chương một bến đời.

Nghe khúc ca rung dưới nắng chiều

Âm thanh trầm bổng ngát thương yêu

Tơ lòng trải nhẹ như hơi thở

Lấp lánh đèn hoa ôi diễm kiều

Ngày ra mắt sách tưng bừng quá

Rộn rã vui tươi đẹp suối hồn

Quanh hội trường – sách đi lững thững

Trong vòng tay độc giả thân thương

Những ngày ra sách những ngày vui

Bạn bè cùng chia ngọt, sẻ bùi

Nhìn phía trước, thênh thang ta bước

Mầu trời xanh hy vọng – nắng hồng tươi

(Dương Hồng Anh, 6/ 2023)

            Trong bữa tiệc mừng sinh nhật của GS Dương Ngọc Sum, Cô đã sáng tác bài thơ:

KÍNH MỪNG SINH NHẬT THÀY SUM

Kính mừng sinh nhật Thày Sum

Nhà văn nhà giáo họ Dương song toàn

Tám tám tuổi hạc trời ban

Vẫn còn minh mẫn luận bàn văn chương

Cộng đồng bè bạn mến thương

Môn sinh lui tới đón mừng tôn vinh

Văn chương chung một hành trình

Những chiều thơ nhạc ấm tình quê hương

Mấy vần lục bát kính mừng

Chúc Thày mạnh khỏe thọ trường an khang

Vườn hoa văn nghệ thênh thang

Thêm bông hồng thắm, một làn hương bay.

(Dương Hồng Anh, 7/2020)

            Và để tỏ lòng mến phục NV, NT, GS Quyên Di, Cô đã sáng tác bài thơ:

CHÚC MỪNG NHÀ THƠ QUYÊN DI

Tài đức như ông được mấy người

Khiêm nhường lịch sự rất vui tươi

Nhà giáo, nhà văn, thi, nhạc sĩ

Giúp đỡ cộng đồng khắp mọi nơi

Cùng với phu nhân lo gánh vác

Dìu dắt mầm non giữ cội nguồn

Yêu tiếng Việt, lưu trang sử Việt

Quê người đất khách ấm lòng son.

(Dương Hồng Anh, 12/2022)

Tối qua, tháng 07 ngày 11, 2023 tôi nhận được điện thoại của NS Dương Hồng Anh bàn về một bài viết của tôi với tựa đề: Bách Niên Kỷ Của Một Nhà Văn, GS NV Doãn Quốc Sỹ, đăng trong tuyển tập TLVD Hậu Duệ & Thân Hữu, tập 2. Cô nhắc đến câu thơ mà GS Phạm Thị Huê dùng để kết thúc phần nói chuyện của bà. Đó là câu thơ của Đại Văn Hào Nguyễn Du:

“Trời còn để có hôm nay….

GS Huê nói tiếp:

Câu thơ tiếp theo tôi xin để trống để mọi người tự điền vào.”

Sau khi nghe Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê đọc câu thơ của thi hào Thanh Hiên Tố Như tôi đã liên tưởng:

“Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Ngẫm nghĩ về câu “Trời còn để có hôm nay”,… Trời ở đây có nghĩa như không gian (sky, le ciel) hay khung trời cho chúng ta hôm nay được gặp lại nhau, nhìn nhau, và người đối diện vẫn mạnh khoẻ để chuyện trò, hàn huyên  với nhau. Sau bao năm vật đổi sao dời, “Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”… và rồi không gian, thời gian đã chuyển hóa để chúng ta quán được, ngộ được, và nhận chân ra rằng “Trời còn để có hôm nay“, vì nay chúng ta đã không có gì mất cả, mà ngược lại, hoa cũ vẫn còn tươi, trăng cũ còn sáng hơn xưa.

Sau khi đọc đoạn văn này, NS Dương Hồng Anh đã họa tiếp theo 3 câu thơ như sau:

ĐẸP GIÒNG THỜI GIAN

Trời còn để có hôm nay

Cho thơ cất cánh hồn say ngàn trùng

Hoàng hôn ươm sợi nắng hồng

Tình thơ nghĩa bạn đẹp giòng thời gian

(Dương Hồng Anh, 7/2023)

            Ngẫm về câu thơ trên thì quả thật đầy ý nghĩa. Đúng vậy, “Trời còn để có hôm nay” để chúng ta còn gặp nhau, để cùng nhau trao thơ chuyển nhạc. “Hoàng hôn ươm sợi nắng hồng. Tình thơ nghĩa bạn đẹp giòng thời gian.” Hai câu thơ này có nghĩa là bạn bè cùng ngắm cảnh hoàng hôn nắng ấm, và khi ý thơ còn nồng, tình bạn còn tươi, còn bền, còn bao la theo giòng thời gian, tựa như thuở ban đầu mới gặp.

            Còn TS Tha Nhân, ông đã tiếp lời GS Phạm Thị Huê và NS Dương Hồng Anh qua hai đoạn bài thơ sau đây:

Trời còn để có hôm nay

Câu thơ nét nhạc cùng say bến tình

Chiều tàn trăng vội lung linh

Văn chương duyên thắm đẹp xinh với người

Hay:

Trời còn để có hôm nay

Chim Hồng lạc xứ đẹp ngày bên nhau

Lời thơ ý nhạc tô màu

Thắm duyên văn nghệ đẹp câu ân tình.

(Tha Nhân, 7/2923)

            Trong thi ca, danh ngôn, ca dao, v.v… đã có nhiều người nói, viết về tình bạn, đặc biệt là tình bạn trong thi ca, khi các bạn thơ đã hợp ý nhau thì tình bạn ấy trở nên gắn bó và bền chắc.

Bạn bè là nghĩa tương tri,

Sao cho sau trước là thì mới nên.

Một câu ca dao khác về duyên bạn tiền định như sau:

Tâm đắc tri kỷ tâm giao

Cùng chung chí hướng cùng nhau kết tình.

Nhà hiền triết học giả Alcuin thuở xa xưa cho cảm nghĩ về tình bạn tri kỷ:

Tình bạn là sự đồng điệu về tâm hồn

(L’amitié est la similitude des âmes).

(Savant Alcuin, 735-804)

Tôi xin dùng câu nói của nhà văn, nhà triết học, bác sĩ Albert Schweitzer (khôi nguyên Nobel 1953) để cảm ơn hạc vàng vong niên Nữ Sĩ Dương Hồng Anh. Suốt cuộc đời của Albert Schweitzer, đã đóng góp những công ích về văn hóa cho nhân loại. Là một nhân vật đa năng, ông tham gia vào âm nhạc, khoa học, thần học. ông là kho tàng dữ liệu đầy đủ các sự kiện thú vị. Câu chân ngôn dưới đây của Schweitzer mà tôi trích dẫn từ cuốn sách “Schweitzer bài học và cách ngôn” thật là thích hợp với tình bạn văn thơ của chúng tôi và tôi xin mượn để trao đến Nữ Sĩ Dương Hồng Ạnh.

“Hãy cố gắng gieo những hạt giống của tâm hồn bạn,

vào những người đi cùng bạn trên đường đời,

hãy chấp nhận những điều quý giá mà họ dành tặng lại cho bạn.

Khánh Lan

California July 14, 2023