Văn Thơ

Thi ca Cung Trầm Tưởng càng mang sắc thái triết học và tôn giáo

Hình như càng về sau, thơ Cung Trầm Tưởng càng mang sắc thái triết học và tôn giáo. Đọc thi tập Bốn “Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định,” người ta thấy rõ điều ấy.

Bài thơ “Một Người Bầu Trời Chiếc Lá và Dòng Sông” nằm trong thi tập Bốn là một thí dụ điển hình.

Trước hết là một cái nhìn về vũ trụ quan.

Bầu Trời là Thiên mà Dòng Sông là Địa. Chiếc Lá là tượng trưng của vạn vật. Còn Người là “nhân linh ư vạn vật.” Một tựa đề thôi cũng đủ vẽ ra bối cảnh của đại vũ trụ mà trong đó Người là tiểu vũ trụ.

Triết học nhị nguyên phân biệt phần hồn và phần xác, tâm linh và nhục thể, trắng và đen, tốt và xấu. Người là TÔI và Chiếc Lá cũng là TÔI. Một TÔI tâm linh từ trên cao nhìn xuống và một TÔI nhục thể gian nan trên dòng đời như chiếc lá trôi sông. Ở đây dòng sông cũng chính là dòng đời. Chính cái dòng đời ấy thoáng cho người ta thấy hai bến sông: bến mê và bến giác theo Phật giáo.

“Một người soi bóng xế mùa xuân,
Nhìn lá trôi sông luống tần ngần.
Hỏi người dưới có phong ba lắm?
Thế sự trên này còn vướng chân.”

Điều thê thảm của con người là hai mảnh “tâm linh” và “nhục thể” kiếm tìm nhau mà không gặp được nhau, không ráp lại “hai thành một.” Và, điều bi thảm tột cùng của Người (tiểu vũ trụ) là không tìm được và hoà nhập được với Đại vũ trụ (cũng được hiểu là Đấng Sáng Tạo – Creator.) Đó chính là hoả ngục.

“Tôi bỏ dòng sông đi choáng váng,
Mất người bản rập hoá bơ vơ.”

Trong bài thơ “Một Người Bầu Trời Chiếc Lá và Dòng Sông,” người đọc cảm nhận triết học Phật giáo: tự giác ngộ để tự cứu mình. Chính vì thế, con nhà Phật dựa vào hùng lực và tuệ giác. Chớ ai nói Phật giáo là đạo chán đời, yếm thế. Bởi vậy, để tự giác ngộ, con người phải trải qua biết bao lần quán chiếu (nhìn thật sâu vào mình, soi rọi chính Tâm của mình để hiểu nó từ chính bản thân mình):

“Thân xác tôi da liền thịt gắn,
Hình bóng người tôi kiếm triền miên.”

Khác biệt lớn lao nhất giữa triết học Phật giáo và thần học Ki-tô giáo là Ơn Cứu Chuộc. Trong khi Phật giáo chủ trương “chỉ chính tôi mới cứu được tôi” thì Ki-tô giáo cho rằng tôi vốn tội lỗi và yếu hèn, không thể tự tôi cứu tôi nên tôi cần một đấng Cứu Thế. Và vì yêu thương tôi (cũng như yêu thương toàn thể nhân loại,) Thiên Chúa Ngôi Hai đã xuống thế làm người, chịu khổ nạn, chịu chết để cứu chuộc tôi. Ngài là đấng Cứu Thế.

Với nền thần học ấy thì trong bài thơ này, “Người” chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, đấng tự xưng là Con Người (Son of Man.) Con người đang đi tìm Tôi (Chiếc Lá) để cứu chuộc tôi. Còn tôi thì cố gắng vươn lên tới gần Ngài, cho đến khi Hai thành Một. Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Thế thì, với triết học Phật giáo, tôi tự giác, TÔI biết TÔI, LÁ và NGƯỜI là một. Tôi xin tặng Cung thi sĩ mấy câu thơ:

“Lá một hôm kia vèo trong gió,
Rời bỏ dòng sông kiếm bầu trời.
Thanh sắc mau phai hay buồn ủ, (1)
Cũng là TÔI cả, cũng là TÔI.”

Còn với thần học Công giáo, Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, chịu chết, xuống ngục tổ tông an ủi các thánh tổ tông rồi sau đó Phục sinh. Là môn đệ Đức Ki-tô, tôi cũng đi theo con đường Thầy đi. Tôi lại tặng Cung thi sĩ mấy câu thơ:

“Câu-rút thân tôi chịu đóng đinh, (2)
Lâm-bô thăm viếng để phục sinh. (3)
Nhị nguyên hai nét nay chập một,
Để mãi TÔI là TÔI hiển linh.

(1) Cung Trầm Tưởng viết trong bài thơ này: “Ngày vui thanh sắc mau phai rụng, phút buồn ủ lại mãi màu tro.”
(2) Câu-rút: phiên âm chữ “cruz” trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là cây thập tự.
(3) Lâm-bô: “Limbo” trong thần học của Giáo hội Công giáo (Latin: limbus) là một ý tưởng sơ khai về tình trạng thế giới bên kia của những người chết.

Giáo sư Quyên Di