Văn Thơ,  Việt Hải

Tưởng rằng đã quên ? “Hoài Niệm” với Hồng Vũ Lan Nhi.

Tôi biết chị Hồng Vũ Lan Nhi (HVLN) qua sự giới thiệu của chị Bích Huyền, rồi được biết cả hai chị đều là bạn tri kỷ từ ngôi trường Trưng Vương, cũng như thân với chị Cao Mỵ Nhân, người tôi hằng ái mộ những dòng thơ dạt dào trong kho tàng thi ca vô tận của người Việt chúng ta.

Tôi nhận được cuốn thi tập “Hoài Niệm” hôm nay, sách dầy độ 300 trang với 239 bài thơ. Tên tác giả và tựa đề nằm bên trên với nét chữ xanh lá mạ, màu của niềm tin, của sức sống. Tác giả có tên thật là Lê Hồng Diệp, bút hiệu là Hồng Vũ Lan Nhi, hiện cư ngụ tại Orange county, vùng Nam Cali. Bìa sách màu vàng nhạt của sự nhớ mong, phía trước có vẽ hình chiếc ghe như chở người đọc về kỷ niệm, bìa sau lại thêm một chiếc ghe khác như ghe hoài niệm chở HVLN về với dĩ vãng đã qua với bốn câu thơ bất hủ:

“Chỉ trong phút giây hoài niệm,

Dĩ vãng theo nhau lũ lượt về,

Kỷ niệm như dấu chân trên cát,

Lún xuống đời những vết đau tê”

Inline image

HVLN mở đầu sách với bài thơ theo thể tự do nhắc tác giả nhiều kỷ niệm của tuổi mới lớn, thuở mực tím nhiều xao xuyến, nhiều mộng mị khi bước vào tình yêu. Bài “Nụ Hôn Đầu” hình như đã phản ảnh đặc tính dễ thương của tình yêu trai gái Việt Nam, sở dĩ tôi nói vậy vì nụ hôn của người Việt được biểu tượng cho sự cao quý và sự trói buộc đời nhau, ta hãy nghe HVLN diễn tả tâm sự của tác giả:

“Nhớ hôm nào, bầu trời đầy sao,

Nụ hôn đầu e ấp trao nhau,

Ngỡ ngàng làm sao là lúc ấy…

Ôm nhau mà tưởng mộng chiêm bao!”

Hai câu sau cho thấy mối tình Việt Nam dễ thương sao đấy… Tình cảm của buổi ban đầu vẫn là sự ngỡ ngàng, rụt rè, e thẹn, nó đẹp và nhắc đến mối tình đầu của chính tôi, khi nắm tay em mà ngỡ giấc mơ chiêm bao, con tim của tôi dường như đập loạn nhịp, chả bù khi sang Mỹ đi hẹn hò date với một cô bạn Mỹ, chúng tôi nếu có nắm tay nhau hay hôn nhau là sự đương nhiên của cái tình cảm “bạo phát bạo tàn”.

Tôi nhắc chừng lòng phải ngợi ca bài thơ này thêm nữa vì có thể nó nhắc nhở tôi cũng như muôn độc giả, bạn bè khác về cái tuổi mực tím “khi đã yêu thì mơ mộng nhiều”, dù ngày nay đa số bạn bè đã “quá lứa” của sự mộng mơ, có chăng là tâm hồn chúng ta quay về dĩ vãng để làm mềm con tim bị đời vùi dập giấc mơ xưa. HVLN sáng tác bài tình thơ này ngày 8 tháng 5, năm 1960. Vượt bao thời gian qua cái giá trị về tình yêu theo quan niệm cổ điển vẫn đong đầy nỗi nhớ, vẫn lưu luyến một thời biết yêu, một thời nhớ mãi “nụ hôn đầu” khi trao nhau mộng tình ngày xanh.

“Nụ hôn đầu, ôi, sao đắm say,

Em úp mặt vào đôi bàn tay,

Chẳng biết vì sao Em lại khóc,

Cho môi hồng thấm lệ tràn đầy,”

Thấy chưa? Nội chỉ hai câu sau cũng đủ “nhức nhối” bao con tim thổn thức. Vâng, đây chính là vần thơ “đáng đồng tiền bát gạo” nhất theo thiển ý của tôi.. Tôi đoạn nhìn đồng hồ mà mồm lẩm bẩm: “Chết chửa, nếu còn sớm tí nữa, tôi sẽ nhấc phone bàn với chị HVLN bài điểm sách này chỉ cô đọng quanh bài thơ này mà thôi thì tôi có thể viết thành thi ca tiểu luận rồi, còn lại 238 bài thơ khác nên dành cho chuyến sau vậy. Theo ý riêng của tôi từ thuở sáng tác thơ thì có lẽ tôi yêu mến nhất thể thơ lục bát và trân trọng diễn tả nụ hôn khi người ta yêu nhau. như một dạo mình đã ươm trong một bài bài thơ Anh ngữ nào đó là:

“If you are in love,

You must kiss.

If you don’t kiss,

Just forget your love.”

Phải chăng trong cùng ý thơ Việt ngữ là:

“Yêu nhau hãy trao nụ hôn,

Nụ hôn thiếu vắng sao hồn bảo yêu” …???

Thi sĩ HVLN hội đủ cả hai khía cạnh này trong thi tập “Hoài Niệm”, thơ lục bát của chị bàng bạc, lai láng rất nhiều trong 300 trang giấy, “thơ nụ hôn” của chị sáng tác rất nhẹ nhàng, rất e ấp, rất dễ thương và rất tình tự làm người đọc xao xuyến con tim, đam mê của thuở hẹn hò. HVLN lại tiếp:

“Em đã âm thầm biết nhớ ai,

Biết bâng khuâng trong những đêm đài,

Anh ơi nếu mộng đời không thắm,

Tình mình Em quyết chẳng hề phai.”

Lại hai câu cuối “đáng đồng tiền bát gạo” nữa. Đối tượng của chị HVLN năm đó là người sung sướng nhất trần gian khi được vần thơ mực tím yêu thương, khi người con gái trịnh trọng nắn nót từng câu, từng chữ vung đầy tình nghĩa yêu đương như thế này. Ông thầy bói trong Lăng Ông Bà Chiểu năm xưa bói tôi duyên số đào hoa, nhưng thú thật dù tôi có tu chín kiếp chả có ai trao tôi bài thơ mực tím này cả.

Tôi đọc bài lục bát “Nỗi Lòng Người thủy Thủ” mà tôi nhớ hôm nói chuyện trong phone, chị HVLN nói về mối tình với người thương áo trắng thủy thủ ngày nào trong cái tình tự của cơn mê hoa biển như:

“Đêm khua nghe sóng vỗ bờ,

Tưởng như tiếng của người xưa gọi về,

Bao giờ mới tỉnh cơn mê?

Bao giờ quên được nỗi tê dại này?”

Sài Gòn xưa có sáng nắng chiều mưa như hồn vất vưởng nhơ’ nhung, của những hẹn hò, những đưa đón, những gặp gỡ mối tình hải quân áo trắng, thơ HVLN vẫn nối tiếp nhiều câu mà tôi chỉ tóm tắt ẩn ý. Lại tiếp…

“Khi yêu nào có ai ngờ,

Mơ’i tri âm đó bây giờ… cố nhân,

Dòng đời xuôi ngược bao lần,

Mà hình bóng cũ vẫn hằn vết sâu”

Trong tình yêu nếu không duyên nợ thì có thể là tình yêu không ràng buộc hoặc không trọn vẹn để rồi khi nàng ghé thăm cảnh biển chạnh lòng nhớ người yêu xưa. Người tình cũ đã neo sang bến khác trong cuộc đời đầy phong ba của kiếp sống hải hồ, rồi một ngày nao người tình áo trắng nhìn lại sóng biển, hình bóng người bạn gái cũ hiện về trong nước biển xanh của nghìn trùng đại dương mà khi xưa chàng đã không quên gửi tặng loài hoa biển trong các chuyến hải hành…

“Nhớ chùm hoa biển trắng phau,

Nhớ khi tàu đã nhổ neo, tách bờ,

Thả hồn trở lại bến xưa,

Lòng người thủy thủ vẫn mơ, vẫn buồn?”

Trùng dương dâng sóng cuộc đời khóc lệ chia ly khi tàu tách bến, rời cảng để cuộc đời không đến với nhau như ước hẹn, lời chia ly đó đã lắng sâu vào lòng đại dương.

Trong bài “Lẻ Loi” HVLN kể về chuyện tình đôi đũa so le được ví von:

“Người ta như đũa có đôi

Tôi như chiếc đũa lẻ loi bên lề,

Một mình lặng lẽ sầu khuya,

Một mình trong những chiều lê thê buồn,”

Nỗi cô đơn, u hoài trong đêm thanh vắng như dòng sông không bến đổ, như muà đông có con nắng lạnh lùng cho tâm tư đơn côi và như loài chim biển hải âu tung cách vỗ trên ngàn khơi mênh mông:

“Một mình ôm nỗi cô đơn,

Như dòng sông chảy tìm về cõi xa,

Như mùa đông, nắng nhạt nhòa,

Như cánh chim biển la đà ngoài khơị”

Trong bài “U Mê” cho thấy sự tương phản là đối tượng của HVLN mang con tim đơn côi bên dòng sông Tương:

“Biết rằng Em chẳng yêu tôi,

Nhưng tôi không thể xa rời bóng Em,

Long lanh mắt sáng sao chìm,

Thanh tơ manh chỉ, dáng mềm liễu thưa”

Tương khúc được diễn tả tiếp:

“Tình tôi dâng trọn Em rồi,

Em là nữa mản hồn tôi kiếm tìm,

Yêu Em bằng cả con tim,

U mê không biết phận mình ra sao!”

Trong bài “Tình Chờ” HVLN lại cho nụ hôn lên ngôi tình ái:

“Nhìn em tươi mát nụ cười,

Lòng anh chao đảo đứng ngồi không yên,

Thèm hôn vào cánh môi hiền,

Thèm được ôm bờ vai mềm nhung tơ,”

Đối tượng của HVLN vẫn lãng đãng trong giấc mộng, nàng đến với chàng khi là thiếu nữ hồn nhiên, trong trắng, chàng trông ngóng mòn mỏi tâm tư, chàng thèm được ôm vai người tình, thèm được hôn môi người cho thõa lấp nỗi tình nhớ miệt mài đợi mong:

“Môi em chưa một lần hôn,

Bờ vai chưa một người ôm… dập dìu,

Mắt chưa in vết dấu sầu,

Tim chưa ghi khắc tình đầu bóng ai”

Lại nụ hôn ngọt ngào bên nỗi nhớ được ca ngợi trong bài “Thủ Thỉ Với Bóng”:

“Có nụ hôn nồng rất thiết tha

Có vòng tay ôm ấp rất đậm đà

Rồi những chiều bên nhau thủ thỉ

Cùng ngắm mây trôi cõi xa.”

Nụ hôn vẫn chất chứa, ẩn hiện trong thi tập “Hoài Niệm”, nhưng thôi thì xin tạm gác qua đề mục này, dù rằng nó đã khuấy động tâm tư thuở mực tím của chính tôi nhiều lắm, vì đi xa hơn nữa bài viết sẽ biến dạng sang tiểu luận “Nụ hôn” trong thi ca HVLN mất…ah hah !

Song song với khía cạnh tình nồng nhung lụa yêu đương được khéo léo khai thác qua thi ca, người ta còn thấy khía cạnh nhân bản của HVLN qua nhiều bài ca ngợi thiên nhiên trong cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước cũng như tình cảm thuộc về luân lý, đạo đức của HVLN khi nhắc về gia đình, song thân, anh em, con cháu, bà con, bạn bè thân thiết,…

Trong bài “Tiếng Khóc Đầu Đời” những tâm tình của HVLN trang trải qua bài thơ dài hai trang giấy mô tả về cái hạnh phúc gia đình gắn bó tiêu biểu của người Việt:

“Được tin vui trong họ

Một bé gái chào đời

Biết bao lời chúc tụng

Đến từ khắp muôn nơi…

Chúc mừng ông bà Nội

Niềm vui sươ’ng nào bằng

Gái trai thêm dâu rể

Cháu chắt sẽ đầy đàn…”

Ngày lễ Hiền Mẫu, HVLN dâng hoa đến Mẹ qua bài “Bông Hồng Dâng Mẹ”:

“Nhìn lên trơi cao,

Mà sao không thấy

Mẹ hiền đâu vậy

Mẹ thấy con không?

Ra vườn hái một bông hồng

Đem vào dâng Mẹ tỏ lòng kính yêu.”

Bài “Nhớ Bố ” đề cập về gia đình của tác giả:

“Chúng con nhớ Bố thật nhiều,

Quyết tâm ghi tạc những điều Bố khuyên,

Sống sao xứng đáng Thánh Hiền,

Dâu hiền, rể thảo, cháu Tiên, con Rồng,

Thủy chung đạo đức vợ chồng,

Con yêu, cháu quí, một lòng không nguôi…

Thương yêu đùm bọc lẫn nhau,

Các con hạnh phúc một màu thắm tươi …”

Trên cao hơn hết thi ca HVLN có vô số bài nói về tôn giáo, nói về Chúa, nói về Phật , tôi thấy một sự bình an trong thi ca của HVLN. Có thể vì sự lựa chọn tôn giáo đã ru người thơ trong cái ý thức tâm linh cho chính mình, nhất là một chổ nương tựa sự thư thái của tâm hồn. Vì đấng tối cao của tôn giáo nào cũng đưa chúng ta về nguyên thủy của sự chân, thiện, mỹ trong cuộc sống này.

Bài “Lời Nguyện Cầu” tác giả kể câu chuyện chàng trai đến dự lễ nhà thờ và gặp cô láng giềng hiền thục:

“Sáng Chủ Nhật đến nhà thờ,

Gặp cô hàng sớm cũng vừa tới nơi,

Nhìn nhau đều nhoẻn miệng cười,

Vô tình hai đứa lại ngồi cạnh nhau,”

Chúa Ngôi Hai đã chứng giám cho mối tình hàng xóm với ước mơ thầm kín bền duyên vợ chồng:

“Con nào dám ước mơ Tiên,

Để hồn bay bổng tới miền Bồng Lai,

Chỉ cầu xin Chúa Ngôi Hai,

Cho chúng con được mãi hoài… bên nhau.”

Bài “Tâm Tình Với Chúa” HVLN tỏ bày ý mình cùng Chúa như sau:

“Con quì hàng ghế cuối

Trong thinh lặng mênh mông

Lòng ngổn ngang trăm mối

Con buồn, Chúc biết không?”

Rồi một đoạn khác lại tâm tình thành khẩn:

“Giờ, con lạc lõng quá

Như chiếc lá giữa dòng

Không tìm được bến đậu

Giữa đất trời mênh mông”

Đấng tối cao luôn luôn trả lời nghịch cảnh của kẻ yếu đuối về tâm linh:

“Trong lúc bơ vơ nhất

Tiếng Chúa gọi – Không ngờ

Con như bừng giấc mộng

Trầm luân đến bao giờ”

Thi ca HVLN đề cập nhiều về kiếp phù du, vô thường của con người trầm luân trong cái thế giới Ta Bà nhiều bể khổ như triết lý nhà Phật diễn giảng. Hãy lắng nghe bài “Trần Gian Cõi Tạm”:

“Cuộc sống vô thường

Chợt có, chợt không

Phù du một kiếp

Trở về tay không.”

Khi nói về lòng ham muốn, sự tham lam vô biên của nhân thế HVLN viết bài “Niệm Phật Cầu An”:

“Mùi hương trầm tỏa bên hàng xóm

Chắc có người niệm Phật cầu an

Phật ơi ở chốn nhân gian

Chúng sinh đau khổ vì ham muốn nhiều…”

Những lời thật lòng của HVLN như sự công kích thói đời vốn thiên nhiều về tham, sân, si, vốn hưởng thụ, vốn bon chen, tranh giành tư lợi, bắt chẹt chèn ép lẫn nhau, vốn tham lam, đố kỵ, ganh ghét hãm hại nhau, rồi tác giả đưa vào bốn câu kết:

“Phật đã hiểu rỏ tình nhân thế

Đâu cần kể lể dông dài

Hỉ, nộ, ái, ố… trần ai

Phật thương cứu độ đoái hoài chúng sinh.”

Trong bài “Hư Vô” HVLN viết lại những lời kinh nhật tụng tránh cõi trầm kha tục lụy, đừng gieo oán hờn, đừng mãi đè nhau, tranh hơn thua thiệt:

“… Rời khỏi cõi Ta Bà

Hết tranh đua hơn, thiệt

Coi mình là vô ngã

Cuộc sống là vô thường

Nên chẳng còn xa la.

… Kiếp này đừng gieo hận…

Sẽ thoát khỏi trầm luân”

Bài thơ vô cùng cảm động vì gần gủi với những ý nghỉ của tôi khi con người cận kề cái chết, một thoáng buồn u uẩn khi tôi đọc từng câu văn HVLN viết, chị nói về lần đi thăm người tình trong cơn “thập tử nhất sinh” trong bài “Thăm Anh Trong Phòng Hồi Sinh”:

“Giờ này chỉ có riêng em

Lang thang dưới ánh đèn đêm một mình

Hỏi trăng, trăng vẫn vô tình

Hỏi sao sao vẫn lặng thinh hững hờ “

HVLN hỏi thiên nhiên, hỏi người yêu và lại hỏi chính mình trong nỗi ngậm ngùi, thương nhớ và rất cô đơn:

“Hỏi mây, mây cũng làm ngơ

Chỉ nghe tiếng gió thẫn thờ lướt trôi

Hỏi anh, anh cũng im lời

Hỏi mình, chỉ thấy một đời cô đơn”

Lệ rơi trên má buồn, trăn trở như kiếp người rong ruổi trong mảnh tình sầu bi ai:

“Lệ rơi trên má, lệ buồn

Hồn nghe trống vắng giữa trời quạnh hiu

Đời chia đôi ngả tình sầu

Một vành tang liệm nỗi đau lắng chìm”

Trong cơn hôn mê của người tình tác giả thẫn thờ tình em, khi lòng quặng đau như cắt khi nhìn máy điện tâm đồ thay đổi theo làn hơi, nhịp thở của người thương, tác giả cảm thấy yếu đuối, tâm tư bất lực đứng trước con bệnh. Tôi rất cảm thông với nỗi lòng của chị HVLN, tôi cho đây là một tuyệt tác nói về đời sống tình cảm, về tình yêu vốn nhân bản, love and care, yêu mới lo, đúng chứ:

“Phòng hồi sinh, Anh im lìm

Lòng đau như cắt, đứng nhìn Anh thôi

Nhịp tim lên xuống từng hồi

Trong cơn mê, có nhớ người Anh yêu?”

Phải chăng Gibran cho ý tưởng chân thật như HVLN, như nhiều chúng ta ? “Tình yêu và tình cảm không nhuốm màu tư lợi và vị kỷ, mà là biểu tượng cho tình yêu thuần khiết nhất. Tất cả chúng ta nên hướng tới một mối tương quan hệ dựa trên tình yêu thương vị tha và tình cảm dành cho nhau” (Love and affection that is not tainted with self-interests and personal gain is the purest form of love. We should all move towards a relationship that is strongly based on selfless love and affection for each other).

Tác giả thầm trách móc sự bất công của Tạo Hoá khi chia duyên rẻ thúy và sự bất công như vậy đã miên viễn đến với nàng:

“Long đong lận đận đã nhiều

Mà sao trời vẫn còn đầy đọa Em?

Không cho hạnh phúc bền Duyên

Còn đem bão tố, mây đen kéo về”

Cuối cùng cho một tình yêu là sự chia tay vĩnh viễn. Kiếp nhân sinh vốn lắm trầm luân, bể khổ. Khi tìm hạnh phúc, ôi hạnh phúc vốn tạm bợ và rồi một cõi đi về chốn hư vô là sự chia ly trong nỗi buồn sầu thế nhân:

“Trời như còn muốn chia lìa

Mỗi người một nẽo não nề chưa, Anh?”

Như đã nói thi sĩ Hồng Vũ Lan Nhi là con người sống thiên về tình cảm, đa đoan với đủ thứ tình cảm từ tình gia đình, tình gia tộc, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình mực tím,…, và tình bằng hữu. Tôi bắt gặp bài thơ “rất Trưng Vương” dành cho người bạn cố tri đồng lớp, thi sĩ Cao Mỵ Nhân qua bài “Viết Cho Mỵ”:

“Cao Mỵ Nhân, Cao Mỵ Nhân,

Đọc thơ Mỵ, chợt buồn thấm nhanh,

Lao xao gió nhẹ lay cành,

Đong đưa, từng ngọn lá mềm đong đưa,”

Thuở mực tím Trưng Vương năm nào lại hiện về trong hoài niệm cố tri về người bạn có máu yêu văn học, một Cao Mỵ Nhân thiên tài sáng tác thi ca từ cái thuở 13 của thi ca Nguyên Sa ca tụng lứa tuổi tuyệt vời trong văn học, khi mưa rơi nhìn những chùm bong bóng vỡ đầy tay. Chị Cao Mỵ Nhân bước tập tểnh vào làng thi ca khi vào tuổi mộng mơ mực tím tại Hà Nội. Bần bút này rất trân quý bậc đàn anh, đàn chị trong lảnh vực văn thơ, mà trong đó có những thi tài như Bích Huyền, Cao Mỵ Nhân, Hồng Thuy, Hồng Anh, Quỳnh Giao,rồi Hồng Vũ Lan Nhi, và nhiều nữa,… Riêng với các chị vừa nêu tên thuộc sân trường Trưng Vương, hihi…rất gần nhà tôi, hoài niệm có Sở Ba Son, có Thảo Cầm Viên Sở Thú. Các chị lên trung học khi tôi dứt sữa Similac hay Guigoz, lúc quý chị bước vô lãnh vực thi ca khi tôi còn chạy rong ngoài đường tắm mưa, em ơi 50% em ơi, nhất là khi Sài Gòn bị mưa lũ lầy lội những cơn mưa rào nặng hạt. Để rồi ngày hôm nay chính cả quý chị đã thành danh cho tôi viết cảm nhận thi ca của quý chị và lại do “thằng bé Guigoz tắm mưa 50% năm xưa”, dâng xúc cảm viết về nét thi ca đặc thù của quý chị góp phần phong phú hóa nền văn học Việt Nam tại hải ngoai.

Bài “Viết Cho Mỵ” được tiếp tục:

“Rồi nhìn nắng gắt ban trưa

Thấy lunhg linh cả thời xưa… học trò

Của ngày chập chững làm thơ

Của ngày đã biết mộng mơ, biết buồn!…”

HVLN kể về tình bạn thuở học trò khắng khít trong 16 câu kế. Đoạn kết là bốn câu nhận định về mối thâm tình của tình bằng hữu cố tri:

“Viết cho Mỵ lá thơ này

Gói tròn ý nghĩ, giải bày tâm tư

Trưa nay nắng đẹp như mơ

Ướp vào thư, gửi bạn xưa… làm quà.”

Tôi thích tính chất thi ca của thi sĩ HVLN vì có những bài khôi hài, dí dỏm, hóm hỉnh, bỡn cợt như thơ của Vị Xuyên Trần Tú Xương, như thơ của Mậu Binh Hà Huyền Chi mà tôi vốn ái mộ trong cái thi ca tinh nghịch, cà rỡn. Hãy nghe bài “Hão Huyền”:

“Tôi mơ mộng thật hão huyền

Rằng tôi có thật nhiều tiền để tiêu

Mua một miếng đất phì nhiêu

Xây trên đó một túp lều tình yêu

Qua bao nắng sớm mưa chiều

Túp liều lý tưởng tan theo bọt bèo…”

Sau những bài thơ sầu bi ai thi sĩ Hàn Mặc Tử trăn trở về Mộng Cầm hay Đỗ Lễ thổn thức với bài tinh ca “Sang Ngang”, HVLN cũng tự than trong bài “Cô Đơn” như sau:

“Tôi cô đơn nhất trên đời

Trần gian chẳng có người thứ hai

Phương nào cũng chỉ lang thang một mình

Trời đầy sóng gió điêu linh

Chỉ vì thiếu vắng Người Tình trăm năm.”

Nhại theo bài thơ “Trăng Vàng Trăng Ngọc” của thi sĩ Hàn Mặc Tử :

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…

Bao giờ đậu trạng vinh qui đã

Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.

Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng

Tôi nói thiệt, là anh dại quá:

Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi

Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi

Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi

Trăng mới là trăng của Rạng Ngời”

(Hàn Mặc Tử)

HVLN sáng tác bài thơ “Bán Sầu”, tảc giả chế nhạo người tình và chính mình như sau:

“Ai mua, tôi bán sầu cho

Sầu này ấp ủ đúng vừa độ men

Thế rồi sầu chàng ai mua

Món hàng rao bán chẳng vừa lòng ai.”

Tác giả công nhận nỗi sầu của mình và tìm người chia sẻ theo lối quảng cáo thương mại, nếu mua sầu người mua sẽ được tặng thêm sầu…:

“Ai mua, tôi bán sầu cho

Sầu này ủ đúng vừa độ men

Mua rồi, tôi sẽ tặng thêm

Chút cô đơn, chút muộn phiền, đủ chưa?”

Từ lúc kỷ thuật điện tử liên mạng internet xuất hiện, vô số những cặp tình nhân quen qua duyên nợ email, HVLN sáng tác bài thơ bỡn cợt “Tình Email”:

“Làm quen nhau trên… “net”

Nào ai biết ai đâu?

Trong mail đều kể hết

Để hiểu rỏ về nhau

Đọc thơ cười khúc khích

Bên này bổng dưng vuị…

Rồi bên kia mơ mộng…

Lòng không còn trống rỗng…”

Thói quen trao đổi, nhận email khi thành thông lệ mà bên kia vì lý do nào đó tự động ngưng gửi email, thì bên này lòng sẽ héo úa chết khô theo “Tình Email”:

“Bên kia E-mail đều…

Tim bên này xôn xao

Ngày càng thêm khắng khít

Càng thắm thiết, đậm sâu

Đêm nay sao trằn trọc

Nằm nghe chó sủa ma

Chả lẽ buồn phát khóc

Khi vắng lá thư xa?”

Từ những thập niên 80’s và 90’s khi con người đương đầu thần chết do các căn bệnh tim mạch vì cung cách ăn uống bừa bãi, ít vận động thể dục, nên giới y khoa rầm rộ khuyến khích người dân năng tập thể dục, vận động cơ thể. Giới con buôn không bỏ lỡ dịp may mở ra những trung tâm thể dục như Jack LaLane, Bally’s, vô số và vô số… Phong trào đến tập thể dục tại các nơi này trở thành mode thời thượng, nghiễm nhiên thành thông lệ, truyền thống, và đến đó rồi người ta kết bạn, quen nhau,…:

“Sáng nay đến tập Bally’s

Trên đường đi, đã thấy gì, nhớ không?

Gặp cô Em má hây hồng,

Hỏi thăm, Em đã có chồng hay chưa?…”

Mối tình Jack LaLane hay mối tình Bally’s lên ngôi tình ái theo tháng ngày quen nhau, khi người nam biết người thiếu nữ hiện sống độc thân gối chiếc:

“Em là Tiên nữ cô Dâu,

Vương miện Em đội trên đầu ngàn sao,

Anh mang hia mão, vương bào,

Rể Vua xin cuối đầu chào Tiên Nương,…”

Cuối cùng cho một chuyện tình Bally’s ngày nào đã trôi theo dòng nước mưa của dĩ vãng hoài niệm, của một chuyện tình mộng mị đã qua. Rồi con tim quên ngủ ngày xưa đã không còn đắm say tình nồng và ngày nay con tim đã đổi khác..:

“Hôm nay trời vẫn còn Đông,

Gió vẫn lạnh vẫn trong, vẫn buồn,

Tim xưa mê lắm tình buồn,

Tim giờ đã khác Tim nồng năm nao.”

Xuyên những bài thơ vui nhộn, mang tính chất khôi hài của thi sĩ HVLN, điều cuối cho tôi kết luận HVLN là con người can đảm dám nói những điều u uẩn của mình đong đầy những trang giấy đơn lẻ. HVLN không màu mè, không dấu diếm, không ngại ngùng khi tự trêu mình, đó là phong thái của trường phái Vị Xuyên mà tôi rất chuộng thi ca Tú Xương của cái thuở trung học ngày xa xưa.

Để tóm tắt bài viết về thi tập “Hoài Niệm” của thi sĩ Hồng Vũ Lan Nhi, tôi xin ghi nhận nét thi ca rất lãng mạn của ngườị thơ này một lần nữa. Chúng ta hãy lắng nghe bài lục bát “Đôi Mắt”, những vần thơ thật dễ thương:

“Tình cờ, bốn mắt nhìn nhau,

Thẹn thùng dấu vội mây sầu trên vai,

Cúi đầu tránh né mắt ai,

Mà sao Tim đập mãi hoài không thôi,…”

Bài lục bát “Ngày Cưới Em”, HVLN mô tả tâm trạng người nam chia ly với người tình khi nàng quyết định lên xe hoa:

“… Trời thì giông gió mưa bay,

Rượu nồng uống mãi cho say khướt đời,

Cho quên đôi mắt biết cười,

Đôi môi nồng ấm, dáng người thanh tơ…”

Bài lục bát “Tim Hồng Thao Thức” diễn tả đôi tình nhân đang say men tình ái:

“Đêm nay trăng sáng ngập trời,

Mơ màng, hình bóng của Người phủ vây,

Tình yêu như rượu nồng cay,

Hỏi rằng say rượu hay say men tình?”

Bài lục bát “Ru Tình” đầy tính chất quyến luyến yêu thương:

“À ơi, Tình hãy ngủ yên,

Ngủ say đi nhé cho quên sầu đời,

Đừng thao thức nữa, Tình ơi,

Đừng mơ ánh mắt nụ cười đắm say…”

Bài lục bát “Mùa Đông Đan Áo”, còn gì nhớ nhung hơn khi người ra đi khoác lên chiếc áo len cho ấm tâm tư do người tình ở lại đã đan cho mình…:

“Người đi có nhớ gì nhau,

Để người ở lại buồn đau phận mình,

Áo đan gửi gấm bao tình,

Từng sợi nhớ, lấp bóng hình xa xôi…”

Bài “Sao Đành Giận Em”, tác giả bộc lộ nỗi lòng trăn trở của mình với người tình, lời văn khá táo bạo:

“Em vẫn nhớ, mắt Anh tình tứ lắm,

Và đôi môi ngọt lịm mật ong ngon,

Vòng tay ôm, như rắn quấn trọn hồn,

Em ngất ngây với tình Anh cuồng nhiệt.”

Lại thêm một bài thơ tình táo bạo yêu đương, nào hãy nghe bài “Tặng Anh Nỗi Nhớ”:

“Tặng Anh nỗi nhớ nhung này,

Từ trong Tim, nhớ trào ngoài xác thân,

Nhớ từ gáy đến… lưng chừng,

Vòng sau ra trước, ngập ngừng… gọi Anh.”

Trong bài “Biết Không Anh”, nhưng lời tình tự nồng nàn yêu thương, những giờ hàn huyên ngọt ngào vì lý do nào đó bổng chấm dứt, người con gái chợt chơi vơi, lạc lõng trong tâm hồn:

“Dù không nói yêu Anh,

Sao lại buồn vô kể,

Khi vắng giọng thân quen,

Chả lẽ yêu là thế?”

Trong bài thơ “Tình Muộn”, tác giả diễn tả mối tình chắp nối của nhân duyên muộn màng:

“Trong nỗi nhớ muộn màng,

Em dành cho Anh đó,

Những xao xuyến rộn ràng,

Ngất ngây Tình chớm nở”

Và rồi nếu duyên nợ không thành trong kiếp này thì đành hẹn kiếp sau. Bài thơ lục bát cuối cùng “Lời Thề Kiếp Sau” hứa hẹn cho trọn cuộc tình:

“Trăm năm một cõi đi về,

Ngàn năm vẫn giữ lời thề kiếp sau,

Kiếp này đã chẳng cùng nhau,

Kiếp sau nguyện sẻ sầu chia vui…”

Rất tiếc trong khuôn khổ giới hạn của bài viết ngắn không cho phép tôi đi qua trọn đầy đủ 239 hết các bài thơ của thi sĩ Hồng Vũ Lan Nhi, những dòng phớt nhẹ trên thi ca của chị đã được trình bày như lời giới thiệu chân tình của Việt Hải Los Angeles, để trân trọng giới thiệu thi tập đầu tay của chi. Tôi chia sẻ với chị với số tuổi đời của chị và bao năm hiện diện trong giới văn học, báo chí từ thuở trước năm 75 khi chị vừa làm giáo sư dạy trung hoc, kiêm ký giả viết cho một số báo tại Sài Gòn, thi tập này đánh dấu một khúc quanh muộn màng nhưng rất vững chãi và chín chắn khi cô đọng cuộc đời mình qua nhiều áng thi ca mượt mà, trữ tinh trong “Hoài Niệm” này. Và như hai nhà văn Vishakha Goyal và George Eliot thì những ước muốn hay gợi giấc mơ thi ca của nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi không bao giờ muộn màng cả. Vì…

Theo nhà văn người Ấn Vishakha Goyal quan niệm: “Hãy theo đuổi ước mơ của bạn và không bao giờ là quá muộn khi đạt được kết quả” (Pursue your dreams, and achieve it. It Is never too late). Còn văn hào người Anh George Eliot cho rằng: “Không bao giờ là quá muộn để trở thành những gì bạn có thể đã có.” (It is never too late to be what you might have been).

Một lần nữa VHLA xin chia vui cùng chị HVLN đón chào đứa con tinh thần của chi sắp sửa ra mắt giới tao nhân mặc khách hay nhiều thân hữu văn chương sẽ dến chúc vui cùng chị. Sure, I am.

RMS “Hoài Niệm” vào ngày 20 tháng 7, 2003 tại Westminster, Little Saigon.

Việt Hải, Los Angeles.

27/06/2003

————————————————————————-

Ân Tình Cho Thơ Lãng Mạn, Việt Hải Los Angeles:

https://www.rongmotamhon.net/…/vhan102_tholangman.htm

Thông Báo Đăng Kèm:

THIỆP MỜI

Trân trọng kính mời tất cả các thi văn hữu và quý đồng hương yêu mến bộ môn thi ca đến chung vui với chúng tôi buổi lễ Ra Mắt Thi Tập “Hoài Niệm” của Hồng Vũ Lan Nhi được tổ chức vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 7, 2003, lúc 1:00PM đến 4:00PM tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, địa chỉ: 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683. Diện Thoại (714) 892-9414.

Ban tổ chức:

Nguyễn Kim Trinh

Lê Minh Phú

http://www.thuvienvietnam.com/bao/tvvn/issue17/index.cfm?ref=ARTICLES%5FTH%26%23432%3B%20T%EDN%20%2D%20TH%F4NG%20B%E1O%5F732

———————————————————————-

Chương Trình:

1:00PM-1:30PM Tiếp đón quan khách, sơ giao hàn huyên

1:30PM-4:00PM Khai mạc

+ Giới thiệu tác giả do Cao Mỵ Nhân

+ Giới thiệu tác phẩm do:

Phạm Thi Huệ

Bích Huyền

Trần Phong Vũ

Văn nghệ (xen kẽ):

+ Ngâm thơ: Giáng Hương, Minh Nguyệt

+ Ca nhạc:

Hoàng Nam

Thu Hà

Nhã Đoàn

Ngọc vân

Ngọc Hà

Minh Chúc

++ Điều hợp chương trình:

Uyển Diễm và Nguyễn Đình Cường

+++ Vào cửa tự do.

————————————————————————

Hội ngộ cùng nhà thơ Cung Trầm Tưởng lần thứ 5:

http://www.ninh-hoa.com/VietHai…

Tuyển tập thi ca Cao Mỵ Nhân – Bài Thơ Tình Muộn.:

http://www.ninh-hoa.com/…/DS2018_VietHai-CaoMyNhan…