Tin tức

Phóng sự về buổi “Vinh Danh và Mừng Thượng Thọ Nhạc sĩ Tuấn Khanh”

Click vào link để xem thêm hình

https://photos.google.com/share/AF1QipPqa3vjE4x-z20N335FPYDfISK7XHKEmZmr4M0W4nScsLmZqPoTJafSuyCI3lkXtA?key=aVpNcTRJX003angyX1lQX0E5ZjktLTFGNkp2M3B3

Vào lúc 1 giờ trưa ngày 16 tháng 11, năm 2019, Liên nhóm “Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian” đã tổ chức buổi Vinh danh và mừng Thượng thọ Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại NT Studio, trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, California. Hôm ấy, trời thật đẹp! Những tia nắng vàng óng ánh, len lỏi qua những cành cây như để sưởi ấm vài chiếc lá khô còn sót lại trên cành. Trong một không gian lãng mạn của mùa thu, có lẽ không còn gì thú vị hơn khi được cùng bạn bè cùng thưởng thức những bài tình ca của một thời xa xưa…

Tuy mới 12:30 trưa nhưng đã có khá đông thân hữu xếp hàng ngoài cửa. Nét vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Phía bên trong, ban tiếp tân cũng đã bắt đầu bận rộn tiếp đón khách vào chỗ ngồi. Đúng 1 trưa, Giáo sư Quyên Di và Xướng Ngôn viên Khoa Cát (đài truyền hình SAIGON TV, 57.5) chào đón Nhạc sĩ Tuấn Khanh, phu nhân và Nhạc sĩ Bùi Thiện cùng đi chung với ông.

Khách tham dự gồm có sự hiện diện của của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Nhà văn Mắt Nâu,  Nhà Thơ Việt Cường, Thi Sĩ Bích Ty, Ca Sĩ Chung Tử Lưu,  Ca sĩ/Bác Sĩ Vương Đức Hậu và cô Vương Minh Ngọc, Nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao (Ban hợp xướng Ngàn Khơi),  Ca Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, Nhà Văn Nguyễn Huy Quang, Nhà văn Dương Tử, Giáo sư/Nhà văn Dương Ngọc Sum, Nhà thơ Dương Hồng Anh, Nhà thơ Võ Ý, Nhà báo/Nhà văn Phạm Quốc Bảo,  Nhà văn Hạo Nhiên Trần Thế Ngữ, Nhà văn/Nhạc sĩ Dương Viết Điền,  Nhà văn Hà Nguyên  Du, Trương Thành Đức, Ông Nguyễn Lý Sáng (Cựu Hội trưởng Tây Ninh Đồng Hương Hội), Nhạc sĩ/Ca trưởng Hồng Trang (phu nhân Giáo sư Quyên Di), Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh và Tiến sĩ Nguyễn Kim (Washington D.C.), Bác sĩ/Ca sĩ Nguyễn Đức Cường, Bác sĩ/Ca sĩ Trương Đức Cường, Họa sĩ Lam Thủy, Hoạ sĩ Chính Mung, Ký Giả Uyên Vũ, Nhạc sĩ/Bác sĩ Mạc Vũ Phạm Gia Cổn và nhóm Hoàng Hạc Khí Công, nhóm Nghệ sĩ Hoa Mai Nga Lam (San Diego), Nhiếp ảnh gia Hòa Quân và rất nhiều vị khách quý nữa. Đặc biệt, còn có sự hiện của Nhà báo Phạm Kim (Báo Người Việt Tây Bắc, Seattle) từ Seattle đến.

Sau phần chào Quốc Kỳ và một phút tưởng niệm, MC Nhật Uyên thay mặt Nhà văn Việt Hải và Liên Nhóm NVNT & TTG, giới thiệu về chủ trương và sinh hoạt, thành phần Ban tổ chức, cũng như gởi lời cám ơn đến các nhà bảo trợ và các mạnh thường quân đã hỗ trợ trong việc duy trì và bảo tồn những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của hội. Chương trình được tiếp tục với MC Khánh Lan, giới thiệu về tiểu sử cũng như những sáng tác của Nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh năm 1933 tại Nam Định.  Năm 1950, ông về sống tại Hà Nội và học vĩ cầm với người anh cả.  Trong một bài phỏng vấn của phóng viên Đức Tuấn, tòa báo Người Việt, tháng Tư, năm  2013, Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã tâm sự rằng,  “Người thầy đầu tiên dạy nhạc cho ông là ông Nguyễn Văn Diệp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Nhạc sĩ Tuấn Khanh chuyển sang học nhạc với ba ông thầy người Pháp, cho nên chắc chắn những sáng tác của ông, không nhiều thì ít, đã chịu ảnh hưởng nền âm nhạc Tây Phương”.

Năm 1953, ông giành giải nhất của đài phát thanh Quốc Gia về giọng hát.

Ông sáng tác cả hai thể loại:  tình ca và những ca khúc mang âm hưởng nhạc tiền chiến.  Đôi khi, ông viết theo lời yêu cầu của nhà xuất bản mà ông gọi là “Nhạc Đại Chúng”‘ một loại nhạc rất thịnh hành và ăn khách thời ấy.  Ông dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Thương Hoài Thương, điển hình là bài Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói.  Trần Kim Phú qua sáng tác Vì lỡ thương nhau v.v… Ngoài việc viết nhạc, ông còn là ca sĩ với nghệ danh “Trần Ngọc”.

Năm 1955, Nhạc sĩ Tuấn Khanh di cư vào miền Nam Việt Nam.  Tại Saigon, ông đàn cho đài phát thanh và ban Giao Hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bài “Đò Ngang”, viết cùng với Nhạc sĩ Y Vân.

Sau năm 1975, ông ngưng mọi sáng tác trong vòng 7 năm và chuyển sang nghề dạy học tại tư gia. Những lần vượt biên thất bại đã khiến ông vô cùng thất vọng, tưởng chừng mình không bao giờ có được cơ hội đặt chân lên miền đất tự do. Tuy nhiên, lần vượt biên sau cùng, ông đã thành công.

Khi đến Hoa Kỳ, ông được một nhà thờ Tin Lành bảo lãnh và ông đã sáng tác cả trăm bài nhạc đạo cho xứ đạo này.  Sau sáu tháng sinh sống tại San Jose, trong một buổi nói chuyện, ông đã theo lời mời của NHẠC SĨ Phạm Duy, về sống tại miền nam California. Nơi đây, ông đã lấy lại nguồn cảm hứng và bắt đầu sáng tác lại.  Vào năm 2002, Trung tâm Thúy Nga mời ông cộng tác trong chương trình “Thúy Nga By Night 64:  Đêm Văn Nghệ Thính Phòng” với chủ đề vinh danh ba Nhạc sĩ:  Tuấn Khanh, Vũ Thành An và Từ Công Phụng.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét về dòng nhạc của Nhạc sĩ Tuấn Khanh như sau: “Trong tất cả các nhạc sĩ, đã suốt một đời sáng tác cho quê hương Việt Nam, qua bao luân lạc,  Nhạc sĩ Tuấn Khanh là một nhạc sĩ đã nối tiếp con đường sáng tác nhạc tiền chiến và rất thành công”.

Năm 1982, ông đinh cư tại thành phố Garden Grove, California. Tại đây, ông và gia đình mở một tiệm phở mang tên Hoa Soan Bên Thềm Cũ .

Những sáng tác của Nhạc sĩ Tuấn Khanh đều được cả khán giả trong và ngoài nước trân trọng và yêu chuộng.  Ông đã sáng tác hơn một trăm nhạc phẩm. Những nhạc phẩm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, phải nhắc đến là:  Hoa Soan Bên Thềm Cũ,  Chiếc Lá Cuối Cùng, Dưới Giàn Hoa Cũ, Quán Nửa Khuya, Nhạt nhòa,  Nỗi Niềm, Một Chiều Đông,  Kiếp Sầu Đau, Chiều Biên Khu, Tại Vắng Anh, Kiếp Sau, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm… là những bài nổi tiếng. Ông tâm sự, phần lớn mỗi bản nhạc ông sáng tác đều mang một niềm tâm sự và phát xuất từ những cảm xúc có thật của ông.  Chẳng hạn, nhạc phẩm “Chiếc Lá Cuối Cùng” là nhạc phẩm kể lại chuyện tình ngang trái của chính ông. Cũng thế, nhạc phẩm “Nhạt Nhòa” là sáng tác của ngày chia tay người yêu trong một hoàn cảnh gần như chạy trốn, vội vã và chan hòa nước mắt.  Ông cho biết ý nhạc của bài hát này đã đến với ông, ông đã ôm ấp và nuôi dưỡng nó trong tim mình trong suốt năm ngày lênh đênh trên biển cả…

Chương trình văn nghệ do Giáo sư  Quyên Di và nhóm âm nhạc của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian phụ trách.  Mở đầu chương trình, ban tam ca “Lâm Dung, Ngọc

Quỳnh, Ái Liên” đã trình bày nhạc phẩm bất hủ của Nhạc sĩ Tuấn Khanh “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”.  Sau đó là phần trình bày của Bác sĩ/Nhạc sĩ Vương Đức Hậu. Đặc biệt, phần trình diễn nhạc phẩm “Dưới Giàn Hoa Cũ” của Ca sĩ Chung Tử Lưu với sự phụ diễn của nhóm vũ Tiếng Thời Gian (Khánh Lan, Thanh Châu)… đã khiến cho chương trình tăng thêm phần sinh động và hào hứng. Chương trình nối tiếp với những nhạc phẩm nổi tiếng như:  Nhạt Nhòa, Quán Nửa Khuya, Một Chiều Đông, Chiều Biên Khu, Nỗi Niềm, Nẻo Đường Kỷ Niệm v.v….

Trong suốt thời gian 3 tiếng rưỡi, hội trường NT Studio chìm trong mê đắm. Mọi người để hết tâm hồn theo dòng nhạc, thưởng thức những khúc nhạc vàng và lắng nghe những lời chia sẻ của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, về những cảm xúc của ông qua từng sáng tác, từng giai đoạn và những biến chuyển xảy đến cho ông, theo dòng thời gian. Dưới sân khấu, Nhạc sĩ Tuấn Khanh ngồi yên lặng, hai tay ôm tấm “plaque” mà Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thới Gian trao tặng ông, chăm chú theo dõi phần trình diễn. Mặt ông tươi sáng với nụ cười mãn nguyện luôn nở trên môi. Thỉnh thoảng, vài giọt nước mắt lăn dài trên má nhưng ông vẫn thản nhiên, không che dấu những giọt lệ hạnh phúc.

Trước khi kết thúc chương trình, Nhạc sĩ Tuấn Khanh phát biểu cảm nghĩ của ông về buổi Vinh Danh và Chúc Thọ. Giọng ông nghẹn lại vì xúc động: “Còn gì hạnh phúc cho bằng, đến cuối đời, tôi được mọi người nghĩ đến và cho tôi một buổi chiều vui như hôm nay. Tôi không biết nói gì hơn”.

Bế mạc chương trình là phần cắt bánh Vinh Danh và Chúc Thọ Nhạc sĩ Tuấn Khanh. Chương trình kết thúc lúc 5:00 chiều. Bài “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” được ban hợp ca Tiếng Thời Gian và thân hữu cùng hát lại lần thứ hai, rồi lại lần thứ ba, để tiễn ông ra về…

Ca sĩ Bùi Thiện kể lại: trên đường về, Nhạc sĩ Tuấn Khanh không ngừng nói về những cảm xúc của ông. Ông rất cảm động về chân tình của Giáo sư Quyên Di và Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian vì ông đã có một buổi vinh danh và mừng sinh nhật thật hạnh phúc, khó quên.

2:07 sáng ngày 26, tháng 11, 2019

Khánh Lan