Khánh Lan,  Tin tức

XUÂN “TẾT” TRONG THI CA VÀ ÂM NHẠC

“Khu vườn cổ tích” Keukenhof tại thành phố Lisse của Hoà Lan
(
Photo Credit: An Nhiên)

Câu hỏi được đặt ra là tại sao phần lớn các thi sĩ, nhạc sĩ lại có khuynh hướng chọn mùa thu và mùa xuân để sáng tác? Phải chăng cảnh lá vàng rơi trong buổi chiều vàng đã mang đến sự rung động trong tâm hồn người sáng tác, một cảm giác rạo rực chen lẫn thổn thức của trái tim hay bởi phong cảnh hữu tình của mùa thu đã là nguồn cảm hứng cho hồn thơ lai láng vốn có sẵn trong tâm tư người thi sĩ như trong bài thơ “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư.

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh người chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.”

Và cũng bởi cái không khí tươi mát của ngày đầu xuân với cái “se se” lạnh của buổi sáng sương mù, của tia nắng ban mai ấm áp, của những bông hoa muôn màu khoe sắc thắm, của những lá non đâm cành, nở nhụy chào đón một ngày mới, đã là nguồn cảm hứng cho những tâm hồn nghệ sĩ và mơ mộng như Xuân Diệu, một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới với  phong thơ mang đầy tính chất nồng nàn, thiết tha và khát khao chen lẫn hương vị ngọt ngào, ca ngợi tình yêu bằng âm thanh lãng mạn pha chút vẻ đắng cay, tuy có  phần chua chát nhưng không kém phần dí dỏm. Áng thơ của Xuân Diệu luôn bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt, rạo rực trong cảnh thiên nhiên của mùa xuân cũng như trong buổi giao mùa, không nhiều thì ít chúng ta thấy có sự ẩn hiện hình bóng của tình yêu. Chính vì thế, cái ngơn ngữ tình yêu đã làm cho những bài thơ về mùa xuân của Xuân Diệu trở nên tuyệt diệu, nhẹ nhàng và êm ái, điển hình là qua hai bài thơNụ cười xuân và Xuân Không Mùa sau đây:

“… Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến – giữa xuân tươi
Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy
Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.”

(Nụ cười xuân)

Hay:

“… Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.

Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi,
Như được nắm một bàn tay son trẻ…”

                                         (Xuân Không Mùa)

Thật vậy, cả hai mùa thu và mùa xuân đều đáng yêu, một đề tài phong phú, một nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, tuy nhiên trong bài viết này, tôi chỉ xin bàn về “Mùa xuân trong thi ca và âm nhạc” bởi Chúa Xuân xắp đến và mang theo hơi ấm trên toàn vũ trụ, nàng sẽ biến những ngày đông lạnh giá thành những ngày nắng ấm êm, nàng sẽ đem theo lộc non, trẩy lá xanh trên những cành cây khô trơ trụi, nàng nang đến một vườn hoa đầy hương sắc để chào đón một không gian mới. Xuân về khiến lòng người như rộn lên niềm vui, háo hức mong chờ một một năm mới với nhiều điều tốt đep.

Thơ cũng như nhạc và văn, là những nguồn giải trí lành mạnh giúp thi vị hóa cuộc sống hằng ngày của chúng ta.  Không những thế, văn, thơ và nhạc là nơi an toàn nhất để chúng ta ghi lại những cảm xúc qua các hình thức và tâm trạng khác nhau như hỷ, nộ, ái, ố, vốn đã tiềm ẩn sâu trong ký ức của chúng ta từ lâu. Nói một cách khác thì văn, thơ và nhạc chính là nơi để chúng ta gởi gấm niềm tâm sự như Edgar Allan Poe cho rằng “Thơ là sự sáng tạo nhịp nhàng của cái đẹp” hayJakobsom đã định nghĩa: “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” và thi sĩ Phùng Quán của chúng ta thì lại cho rằng thơ là cứu cánh của con người những khi vấp ngã trên trường đời và điều này được tỏ rõ trong câu thơ sau đây của ông:

Có những lúc ngã lòng.

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.”

Thế còn nhạc thì sao? Xin thưa, nhạc cũng chẳng khác gì thơ, Ludwig Van Beethoven, một thiên tài về âm nhạc giao hưởng (Symphony) đã tuyên bố: “Âm nhạc khiến tinh thần của con người bộc phát ra những đốm lửa.” hay Robert Schumann là một nhà soạn nhạc, một nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức và là một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19, ông đã nhận xét về âm nhạc như sau: “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người.” Trong làng âm nhạc Việt Nam, các nghệ sĩ sáng tác nhạc qua nhiều trạng thái khác nhau khi nói về mùa xuân hay về TẾT. Phần lớn nhà soạn nhạc thường dùng những ngôn từ hoa mỹ, vui tươi để diễn tả vẻ đẹp của mùa xuân, riêng nhạc sĩ Canh Thân (*) thì khác hẳn, ông dùng lời nhạc để nói về cảnh thiếu thốn của dân nghèo trong mỗi độ xuân về, lời lẽ chua chát, cay đắng, mỉa mai như trong nhạc phẩm Xuân Nghèo:

“… Tiền không gạo hết!
Xuân hỡi xuân! Lấy gì mà mừng xuân?
Tết với nhất không tiền cũng nhạt phèo
Xuân ơi xuân! Ơi là xuân buồn teo!
Rõ đến gớm ghê là cái mạng nghèo
Cứ ám mãi luôn bò theo…”

Sau đây, chúng ta cùng nhau bàn về hai lãnh vực được các thi nhạc sĩ chú ý nhiều nhất. Đó là Xuân trong thi ca và âm nhạc.

  1. Xuân trong Thi ca:

Huy Cận là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam và là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào thơ mới. Trong sự nghiệp văn học, ông là người đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn Lâm Thơ Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hiệp hội Văn học Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1984 đến năm1995. Phong thơ của ông mang hai trạng thái khác nhau và có khuynh hướng triết lý. Trong khoảng 1936-1940, thơ của ông mang nặng một nỗi buồn mênh mang, da diết, sầu não, hiu quạnh, buồn thương cho cuộc đời, kiếp người cũng như cho quê hương đất nước, nhưng sau này thơ của ông chuyển hướng sang nét vui tươi, yêu đời và trong sáng hơn, điều này thể hiện rõ rệt trong bài Hồn Xuân.

“… Anh khắp rừng cao xuống lũng sâu,
Tìm em, đi hái lộc xuân đầu.
Trồng đâu chân đẹp tròn như cột?
Em đẹp son ngời như cổ lâu.

Nghe nhịp đời lên, em bỏ anh,
Đua theo xuân nở rộn trăm cành.
Ý mùa cũng rộn trong thân mới,
Tóc rủ bờ tơ sợi liễu mành.”

                Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ khi ông còn rất trẻ, năm 17 tuổi ông xuất bản tập thơ đầu tay Điêu tàn và trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn có biệt hiệu là Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.

Phong cách thơ của Chế Lan Viên rất rõ nét, độc đáo, đa dạng, phong phú và phảng phất những suy tưởng nghiêng về triết lý. Một bài thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên được nhiều người biết đến và để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử thi ca Việt Nam. Đó là bài thơ với tựa đề “Xuân” với hồn thơ điên loạn, vừa kinh dị vừa thần bí như tiếng khóc của đứa con trung thành với tổ quốc, như lời than cho sự rối bời bế tắc, những ngày tận cùng của một vương quốc.

Trong bài thơ “Xuân” ông nhắc đến sự điêu tàn của tháp Chàm như gởi gấm một nỗi niềm hoài cổ của Chế Lan Viên khi đối diện với xương máu, sọ người. Ẩn hiện quanh ông sự chết chóc, đau thương, mất mát của những phế tích đổ nát, diêu tàn của một triều đại. Bài thơ “Xuân” là một trong những bài thơ tiêu biểu, một cảm nhận về mùa xuân hoàn toàn khác biệt với phong thơ của các nhà thơ khác. Mùa xuân qua cái nhìn của Chế Lan Viên là những đắng cay và đau khổ, những khắc khoải đau thương, một cảm xúc mãnh liệt đang len lỏi trong mùa xuân của ông. Chính đại văn hào Nguyễn Du đã từng viết một câu thơ bất hủ khi mùa xuân không trọn vẹn, khi con người đang sống trong trạng thái u sầu và khung cảnh buồn bã:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Câu thơ trên đã được thể hiện rất rõ qua tâm trạngcủa Chế Lan Viên trong bài thơ với tụa đề “Xuân” dưới đây. Trong bài thơ này, ông đã trải lòng mình trong những áng thơ bi ai, sầu thảm khi chứng kiến sự điêu tàn của tháp Chàm (thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Hindu, Phật giáo) của dân tộc Chàm và sự xụp đổ của triều đại, đã một thời vang bóng. Chính vì thế mà có nghi vấn cho rằng ông cũng là dân tộc Chàm.

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang! 

             Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!…”

Trong giai đoạn phong trào Thơ Mới phát triển với những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Thế Lữ, v.v… thì cái tên của chàng thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như một hiện tượng vô cùng đặc biệt, áng thơ của ông mang một phong cách riêng, lạ và rất độc đáo. Thơ của ông là một thế giới hư hư, thực thực, u uất, một thế giới liêu trai nhuốm màu kinh thánh. Những vần thơ như ám ảnh người đọc bởi cuộc đời nhiều truân chuyên và bất hạnh của ông. (***)

Những thi phẩm xuân của ông khá đặc biệt, kể cả những bài thơ tình mùa xuân lãng mạn tiêu biểu và nổi tiếng như:

Non sông ngàn dặm ngắm càng xinh
Ừ, tết năm nay thật hữu tình
Pháo nổ, nổ tan luồng thất nghiệp
Xuân về, về ghẹo khách ba sinh

Hoa tươi sách với Thiên Kiều gái
Cảnh đẹp dường như thuỷ mặc tranh
Cao hứng đã toan cầm bút vịnh
Đào nguyên đâu lại thoáng qua mành

(Xuân Hứng)

Tết nhứt nhà ai khéo khéo bày,
Cỗ bàn sắm sửa áo quần may.
Cành bông ba bữa mang công nợ,
Tốt mặt mấy ngày phải mượn vay.

Cô nọ đủ lưng chờ bóc sách,
Cậu kia móc đít được ba tây.
Ai vui cười thiệt ta cười gượng,
Lãnh đạm thà mang tiếng chẳng hay.

(Ăn Tết)

Riêng tớ xuân về dạ héo von
Xa nhà xa vợ với xa con.
Hoa đào trên áo gây hương nhớ,
Tiếng pháo bên tai giục nỗi buồn.

Thoi én như thêu tranh cách biệt,
Gió xuân càng lạnh kẻ
cô đơn.
Người vui tấp nập mòi sung sướng,
Riêng tớ xuân về dạ héo von…

(Ngày Tết Xa Nhà)

Dựa theo người viết Phù Vân-Đức Quốc, thế giới trong thơ của Thái Tú Hạp là một cõi không gian huyền diệu, u trầm, tĩnh mặc, là dấu chân hoài niệm, là ánh nắng lung linh, là tiếng suối róc rách và là nhịp rung động của trái tim. Thế giới trong thơ Thái Tú Hạp là bóng mát để ta dừng chân tạm nghỉ trên một chuyến hành trình đi tìm cõi vĩnh hằng, một chốn an lành vĩnh cửu của cỏi Thiền và trên cõi thâm sâu của Phật Giáo”.

“Sáng nay
Nghe tiếng chuông ngân thánh thiện
Mùa xuân mời gọi thiêng liêng
Như chính lòng ta vô nhiễm
Vừa thức dậy bàng hoàng…”

(Vẫn Yêu Em, Mùa Xuân)

Thơ xuân của Thái Tú Hạp là những mầm xanh lá mới trong vườn thơ hạnh ngộ, xin thưởng thức đoạn thơ sau.

Trong vườn xuân hạnh ngộ
Hoàng lan hiu hắt tàn
Dấu chân về cuối phố
Nghe sầu vỡ trăm năm

(Trong Vườn Xuân Hạnh Ngộ)

Xuân về nhớ Nguyễn Bính với nhưng vần thơ thấm đậm hồn quê, nỗi lòng chờ mong với những khắc khoải, nhớ thương mưa xuân trên đất Bắc, ông đã dành rất nhiều thời gian, cảm xúc và tâm tình để viết về mùa xuân. Thơ Nguyễn Bính không kén chọn độc giả và không phân biệt giai cấp, từ giới thượng lưu hay bần cùng, từ người thành thị đến kẻ thôn quê đều có cảm giác như hình bóng của mình lúc ẩn lúc hiện ở trong lời thơ của ông. Bởi chính vì thế, thơ Nguyễn Bính trở nên gần gũi và luôn được mọi người yêu chuộng.

Nguyễn Bính viết bài thơ “Mưa xuân” khi ông 18 tuổi-cái tuổi bắt đầu biết nhớ nhung và chập chững bước vào đời. Có lẽ trong cuộc đời của ông, ông yêu cũng đã nhiều và đã từng trải qua không ít thất vọng trong tình yêu, nên thơ xuân của ông có mang một chất giọng buồn bã, sầu bi. Trong bài thơ “Mưa xuân”, Nguyễn Bính đã vẽ lên một phong cảnh một làng quê thanh bình, yên vui với những sinh hoạt hàng năm trong ngày hội đầu xuân. Lồng vào trong lời thơ, ông không quên nhắc đến nỗi lòng thương con của người mẹ già và những ước mơ thầm kín của người con gái ở tuổi xuân thì. Lời thơ giản dị, chân thành, êm ái, thiết tha và man mác buồn đã làm vấn vương lòng người thưởng thức thơ, bởi chính sự diễn tả tài tình của ông qua lời trách móc nhẹ nhàng, u sầu của người con gái khi người yêu lỗi hẹn. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên và do Ca sĩ Bích hồng trình bày với giọng “Huế”. Chúng ta hãy cùng thưởng ngoạn vẻ đẹp trong nét thơ của Nguyễn Bính qua bài thơ “Mưa Xuân” dưới đây.

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.


Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.


Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng…
………………………………..
“… Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?”

Trong bài “Rượu xuân”, Nguyễn Bính đã gởi gấm niềm tâm sự qua những câu thơ thật buồn khi nâng chén rượu hồng, tiễn người yêu sang ngang. Bài thơ này đã được nghệ sĩ Thúy Mùi ngâm.

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi! Em uống cho say!
để trong mơ, sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
đến đây là … đến đây là … là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người.
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.

Trong những bài thơ xuân của Nguyễn Bính, chúng ta không thể nào không nói đến bài “Gái Xuân”. Đây là một bài thơ nổi tiếng của ông và đã được nhạc sĩ Từ Vũ phổ nhạc thành bài hát cùng tên và ca sĩ Quang Lê trình bày. Cũng bài hát này cũng được Paris By Night 124-Anh Cho em Mùa Xuân thực hiện qua tiếng hát của ca si Hoàng Nhung cùng sự phụ họa của đoàn vũ Thúy Nga.  

Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,
Đôi tám xuân đi trên mái tóc.
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”

Trong bài “Xuân về nhớ cố hương” nghe như tiếng khóc của đứa con xa quê nhà trong những ngày đầu năm, nỗi cô đơn, lòng thương nhớ gia đình. Trong một bài thơ khác với chủ đề “Xuân tha hương” là một điển hình của một bài thơ hội tụ tất cả các phong cách giang hồ, tha hương, lỡ dở nhưng ông vẫn giữ được bản chất giản dị, mộc mạc của hương đồng cỏ nội, của những lễ hội trong những ngày xuân ở quê nhà (Nam Định). Nổi tiếng là một nhà thơ sáng tác những bài thơ tình đầy tính chất lãng mạn, Nguyễn Bính đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn học với trên 10 tập thơ, hàng trăm bài thơ hay cũng như nhiều tập truyện thơ của các thể loại khác nhau, truyện ký và nhiều vở kịch có giá trị trong suốt 30 năm cầm bút (1936-1966). Đặc biệt là thơ của Nguyễn Bính mang đậm sắc thái dân tộc, gần gũi với những câu ca dao trong dân gian, nên rất dễ đi vào lòng người và được nhiều người Việt mến mộ.  

“…….. Trót đà mang số sinh ly
Bao giờ tôi mới được về cố hương
Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi! Muôn vạn dậm đường xa xôi!
Chiều ba mươi hết năm rồi
Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà
Tôi còn lận đận phương xa
Để ăn cái tết thật là vô duyên.

(Xuân về nhớ cố hương)

Càng về sau này, thơ xuân càng trở nên phổ thông hơn trong dân gian, người ta làm thơ để chúc Tết, đón tân niên, chúc an lạc:

Cung chúc tân niên một chữ nhàn.
Chúc mừng gia quyến đặng bình an
Tân niên đem lại niềm Hạnh Phúc.
Xuân đến rồi hưởng trọn niềm vui

Thơ chúc Tết, tài lộc, an khang, vạn sự lành:

Năm mới Tết đến
Rước hên vào nhà
Quà cáp bao la
Mọi nhà no đủ
Vàng bạc đầy hũ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai

Sum vầy hạnh phúc
Cầu tài chúc phúc
Lộc đến quanh năm
An khang thịnh vượng.

Thơ chúc Tết An bình – Tài lộc – Vinh quang:

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG

Thơ chúc Tết dành cho đấng sinh thành:

Công ơn cha mẹ biển sâu
Con sao trả hết mái đầu phơ phơ
Xuân về cho phép con thơ
Kính chúc cha mẹ thọ như tiên trời.

Thơ chúc Tết cho bạn “già”:

Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều
Bạc tiền rủng rỉnh thoải mái tiêu
Gia đình hạnh phúc bè bạn quý
Thanh thản vui chơi mọi buổi chiều

Thơ chúc Tết chúc mừng hạnh phúc chan hòa:

NĂM tròn xin tiễn tiết đông qua
MỚI đón xuân tươi đến mọi nhà
CHÚC tặng trên đời thêm chữ Hỷ
MỪNG vui khắp chốn cất lời ca
HẠNH dung lễ nghĩa ngời tâm ngọc
PHÚC lộc, công danh rạng ánh ngà
CHAN chát trống kèn, Lân hợp cảnh
HÒA đàn, tấu sáo rộn ràng ca

(Photo Credit: Nhật Linh)
  1. Xuân trong âm nhạc:

Mùa xuân trong âm nhạc luôn cho ta cái cảm giác vui tươi, hạnh phúc và khát vọng, chính vì thế mà những tâm hồn nghệ sĩ như Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, v.v… đã ưu ái dành cho nó những ngôn từ lãng mạn, sinh động, đáng yêu trong những ca khúc của họ. Có phải chăng, âm nhạc không thể thiếu trong đời sống của con người bởi nó có tác dụng xoa dịu và hàn gắn mọi vết thương trong lòng ta, nó là nơi an toàn cho ta giải bày niềm tâm sự, nó là động lực kích thích bộ óc sáng tạo của ta và là nguồn cảm hứng phát xuất từ những cảm xúc đích thực của ta trong những khi vui, lúc buồn.

Nói đến âm nhạc thì nó rất bao la, phong phú nhưng nếu nghiên về thiên nhiên của vũ trụ hay phong cảnh hữu tình của trời đất, thì chúng thường đi theo mùa như Xuân, Hạ, Thu, Đông để ca tụng vẻ đẹp đặc thù của từng mùa và tùy thuộc vào những cảm xúc, những rung động của từng cá nhân theo sự thay đổi của tạo hóa. Chính vì thế mà các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều thể loại nhạc khác nhau như: Nhạc phản chiến thì theo lý tưởng chống lại bạo hành, nhạc kháng chiến thì hướng về tiền tuyến, nhạc quê hương mang một tình cảm sâu nặng yêu quê hương và nhạc tình thì mang một sắc thái lãng mạn và nghiêng về tình yêu đôi lứa, v.v… Trong bài viết này tôi xin chỉ bàn về những bài hát thuộc về mùa xuân. Arthur Rubenstein cho rằng:

Xuân ở thơ ca. Thơ ca vào xuân.

(Spring in verses, Verses in spring.)

Như đã đề cập ở phần trên, mùa xuân trong âm nhạc luôn có giai điệu lãng mạn, vui tươi, lạc quan, yêu đời và gián tiếp vẽ lên trên mốt nhạc một bức tranh sống động, khởi đầu cho một năm mới với nhiều ước vọng. Mùa xuân đã mang đến nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác bởi cái ấm áp của mùa xuân, đã khiến tâm hồn của người nghệ sĩ rạo rực lên một niềm vui, một tia hy vọng cho một tương lại tốt đẹp. Mùa Xuân mang đến tâm hồn các nhạc sĩ, nghệ sĩ những xúc cảm, những rung động và chính những rung động ấy là động lực cho các nhạc sĩ sáng tác và để lại cho làng âm nhạc Việt Nam những ca khúc bất hủ. Có rất nhiều ca khúc viết về mùa xuân mà khi nhắc đến mùa xuân thì hẳn chúng ta không thể không nhắc đến ca khúc “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

“Anh cho em mùa xuân
Nụ Hoa vàng mới nở …”
……………………………..
“… Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá…”

Nhạc sĩ Minh Kỳ trước năm 1975 nổi tiếng với ca khúc Xuân đã về để ca tụng mùa xuân tươi thắm.

“Xuân đã về, xuân đã về
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Trên cánh đồng chim hót mừng
Đang thiết tha từng đàn cùng bay vui say
Xuân đã về, xuân đã về
Ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về
Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân…”

Cũng nói về xuân, ông cùng nhạc sĩ Lê Dinh đã sáng tác nhạc phẩm “Mùa Xuân Gửi Em” để nhớ về ngưởi em gái hậu phương trong những ngày xuân.

“Nghe gió Xuân hay rằng Xuân đã về.
Gói tâm tình vào trong bao ý thơ.
Thương nhớ về người em nơi chốn cũ
năm tháng xa xôi không buồn vì đơn côi…”

“Mùa xuân đầu tiên” là một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác vào năm 1966 và được coi là một trong những bài nhạc vàng trong vườn hoa âm nhạc. Bài hát viết theo điệu Boléro nói lên sự đoàn tụ của người lính trong thời chinh chiến, nỗi mong chờ của gia đình, của người yêu nơi hậu phương và miềm hân hoan trong niềm vui sum họp trong trong những ngày đầu xuân.

“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn….”

Lời nhạc chan chứa yêu thương, tha thiết và đong đầy nỗi nhớ chen lẫn niềm vui, mơ ước, hứa hẹn cho một ngày về mà ông đã viết qua hai đoạn nhạc dưới đây.

“… Người yêu ơi! Biết chăng anh về?
Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ

Mùa Xuân ơi! Biết tôi yêu đời
Mùa Xuân ơi! Nói sao nên lời
Em ơi em, dù nhớ vơi đầy
Bao lâu nay, đợi nhau là mấy
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây…”

Nhạc sĩ Từ Công Phụng nổi tiếng với những nhạc phẩm trữ tình chen lẫn âm hưởng buồn bã, chán chường, chua xót điển hình là trong bài Mùa xuân trên đỉnh bình yên. Gói ghém trong lời nhạc ẩn hiện một hứa hẹn sẽ có một ngày ông sẽ đưa người bạn tình dấu yêu về thăm lại vùng đất bình yên hiền hòa vào buổi chiều mùa xuân rạng rỡ với nắng ấm, chim hót líu lo.

“Rồi mai có một lần tôi đưa em
Về trên đỉnh yên bình, hiền hòa…
…………………………………..

Rồi mai, có một lần tôi đưa em
Đưa em về miền nắng ấm
Những con chim thôi ngủ………
…………………………………
Hát lên gọi mùa Xuân rạng rỡ
Đem mặt trời tô mắt dại tuổi xuân.

Xin đỉnh yên bình
Một mùa Xuân ôm kín khung trời
Của tuổi thơ thôi rã thôi rời
Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi
Để vòng tay khắc khoải ôm xuôi
Từng niềm vui bay theo biển gió…”

Ngô Thụy Miên với những bài tình ca bất hủ theo thời gian và sống mãi trong lòng người yêu nhạc và là một đóng góp giá trị cho nền âm nhạc Việt Nam. Hầu hết những tình khúc của ông đều được viết từ tim óc như ông đã cho rằng “Ý nhạc đến từ trí tưởng và lời ca từ con tim”. Trong những sáng tác của ông, bài “Em còn nhớ mùa xuân”, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng rất nhiều người trong số ấy có cả tôi. Mở đầu bài hát là một câu hỏi “Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân” nghe như một lời trách móc người yêu, nghe vừa nhẹ nhàng, vừa tha thiết, nhưng trong lời nhạc ấy chan chứa sầu muộn, nuối tiếc và thương cho thân phận của mình. Tuy bài hát nói về mùa xuân, nhưng không có nét nhộn nhịp của mùa xuân mà thay vào đó lời than thở của hai kẻ yêu nhau mà phải xa nhau.

“… Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân

Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần

Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh

Theo lời tâm sự của Ngô Thụy Miên, Em còn nhớ mùa xuân là tình khúc duy nhất ông viết khi còn lại ở Sài gòn sau năm 1975, giòng nhạc êm ái với nét buồn nhẹ nhàng quyến rũ trong nỗi nhớ người bạn gái ông yêu đã ra đi, giữa những đổi thay của đất nước với những mất mát xảy ra quanh ông. Bài hát đã nhắc đến những kỷ niệm đẹp của ông và người yêu trong bối cảnh của Sàigòn-Đàlạt, của một thời thơ mộng.  

“Trời Sài gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay

Nhiều niềm đαυ thương bi hận tràn đầy

Gượng nụ cười giọt lệ trên môi

Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay”

Nơi trời tây xa xôi ấy, em còn nhớ mùa xuân, có lẽ đây là câu hỏi mà ông dành để hỏi người yêu trong tâm trạng nhung nhớ. Được biết, đây là nhạc phẩm duy nhất mà ông sáng tác trong suốt ba năm, từ năm 1975-1978. Cuối năm 1978, Ngô Thụy Miên hoàn tất bản nhạc và hát lần đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo Bidong trước khi lên đường đi Canada. Cuối năm 1979, ông đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm nào. (dựa theo lời tâm sự của Ngô Thụy Miên.)

“… Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương…”

          Tóm lại, tôi hoàn toàn đồng ý với Schumann và Mattie.

Thi ca là một cách hay để thể hiện nỗi xúc cảm như vui, buồn, giận dữ, lo lắng.” (Mattie)

Và:

“Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người.” (Schumann)

Khánh Lan

Xuân Nhâm Dần, 2022

GHI CHÚ:

(*) nhạc sĩ Canh Thân xuất thân từ nghệ sĩ cải lương, sau trở thành ca nhạc sĩ tân nhạc, ông sáng tác những bài tình ca nổi tiếng như bài Cô hàng cà phê, “Khúc ca mùa hè”, “Anh còn cây đàn”.  Ông còn là một nhạc công đa tài và là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam (1928 – 1975). Ông tham gia hội ái hữu Tino, lấy biệt danh là Tino Thân, ngoài ra, ông tham gia vào nhóm Đồng Vọng và cùng nhóm sáng tác những bản hùng ca.

(**) Vũ Thị Thường, Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002.
(***) Quách Tấn, Thơ Hàn Mặc Tử, NXB Đông Phương, 1942.

Tôn Thảo Miên, Hàn Mặc Tử – Tác phẩm và lời bình, NXB Văn học, 2007.

***** Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004.

***** Wikipedia